Monday, January 16, 2017

Bản Đồ của sự Bội Phản --Hà kim PHẦN MỞ ĐẦU

Bản Đồ của sự Bội Phản --Hà kim

PHẦN MỞ ĐẦU


Mẹ tôi hay nói, “Chừng nào tao còn sống, cấm mày không được giao du với con mẹ đó.”  

Con mẹ đó là Suzie, bồ của bố tôi.

“Biết rồi, khổ lắm, nói mãi.” tôi trả lời.

Mẹ tôi không bao giờ tha thứ tội ngoại tình của bố tôi dù ông qua đời đã lâu.  Nhưng tôi đã giữ đúng lời hứa.  Tôi đợi mãi đến mùa đông vừa rồi, khi mẹ tôi đã mất sau một trận chiến dai dẳng với căn bệnh ung thư lá lách, rồi mới liên lạc với bà Suzie Siêu.  Mẹ tôi đã chết ở cái tuổi tám mươi--kể ra vẫn còn thọ.

Tôi liên lạc với Suzie, trước qua thư từ sau bằng điện thoại.  Bà sống ở Montreal, cách xa tiểu bang Maryland nơi tôi ở.  Khi khóm liên kiều sau nhà vừa trổ nụ, bà gửi cho tôi cuốn nhật ký bố tôi, sáu cuốn bọc da, mỗi cuốn khổ 12x20.  Tôi đâu biết bố tôi viết nhật ký, và tôi tưởng FBI đã tịch thu tất cả giấy tờ của bố tôi, Gary Thượng, gián điệp Trung quốc cao cấp nhất bắt được ở Bắc Mỹ.  Cuốn nhật ký ghi lại cuộc đời ông từ năm 1949 đến 1980.  Ông không viết mỗi ngày, ghi chép cho công tác nhiều hơn là viết nhật ký.  Một cuốn có trích dẫn câu của Nietzsche ở trang đầu:  “đừng để ta vướng bận với những chiến thắng nhỏ mọn!”  cuốn khác lại có câu của Franklin Roosevelt: “Chỉ một điều đáng sợ chính là cái sợ.”  Cuốn cuối cùng mở đầu bằng lời tuyên bố của Martin Luther King Jr trong bài diễn văn “Tôi có Một Giấc Mơ”: “Nỗi đau khổ, oan khiên, đấy chính là ơn cứu chuộc.”  Bố tôi thích cách ngôn và chép vào đầy một cuốn vở, nhưng cái kho tàng khôn ngoan nhỏ bé đó hiện đang nằm trong tay FBI.

Sau khi tôi đã chấm bài cho điểm xong cho kỳ thi cuối cùng của khóa học mùa xuân, thì mới bắt đầu đọc kỹ nhật ký của bố tôi để chắp ráp lại câu chuyện đời ông.   Tôi cũng đọc lại tất cả những bài báo viết về ông mà tôi vẫn giữ trong một tập hồ sơ.  Cuối mùa hè năm 2010 thì tôi đã biết khá nhiều, nhưng vẫn còn chỗ thiếu, chỗ sót, khoảng trống, gián đoạn.  Tôi bị dày vò trăn trở mà vẫn không cách nào tìm ra.  Đó là lý do tại sao, vào giữa tháng Mười-một, khi tôi vừa biết mình được nhận dậy chương trình Fulbright, trong một học kỳ tại Bắc Kinh Sư Phạm Học Viện mùa xuân năm 2011, tôi liên lạc xin được gặp Suzie.  

“Mẹ cô là một con mụ chằn lửa,”  Suzie nhìn thẳng vào mặt tôi nói.  Bà ngồi đối diện tôi trong tiệm Starbucks dưới phố Montreal.  Bà ngồi kiểu nước lụt trên ghế trong khi đôi mắt kẻm nhẻm kèm nhèm vì tuổi tác nhìn tôi không chớp mắt.  Bà làm tôi liên tưởng đến một con múa rối đầu tóc bạc trắng, chân tay rũ thõng.  Khó có thể tưởng tượng ra được người đàn bà đẹp của bốn mươi năm về trước.

“Mẹ con thì cũng chẳng hiền lành gì,” tôi thừa nhận.  “Nhưng mẹ con có lý do.  Bố con đâu có yêu thương gì mẹ con.”

“Thì Gary đâu có ly dị mụ để lấy tôi đâu,”  Suzie nói, chu cái mỏ dính đầy bọt cappucino.  Hồi trẻ bà là người quyến rũ, sống động và lanh lợi.  Thiếu gì lý do để bố tôi mê.  Hơn thế nữa, bà làm tôi nghĩ đến hạng đàn bà đi quyến rũ đàn ông mà người Trung hoa gọi là hồ ly tinh.

Tôi nói tiếp,  “Mẹ con hay nói Gary chẳng có thương ai ngoại trừ Gary và con.”

“Chỉ có nói bá xàm bá láp.  Thì lúc đầu chắc Gary có yêu Nellie chứ không phải là không.  Nhưng rồi tình yêu đó cũng nhạt như nước ốc.”  tuy khó chịu nhưng giọng Suzie vẫn nghe dễ thương.

“Thì cũng tại dì hết,”  tôi nói, giả đò khôi hài, mặt làm bộ cười nhưng trong bụng cảm thấy căng thẳng.  Tôi nghĩ bố tôi chẳng bao giờ yêu mẹ tôi, tuy lúc cuối đời có phần quyến luyến.

“Không có tôi,” bà nói tiếp, “thì ông ấy cũng có thiếu gì những bà Tầu khác.  Bố cô lúc nào cũng cô đơn và có nhiều cái không thể chia sẻ được với mẹ cô.”

“Bởi vì mẹ con người Mỹ và da trắng?”

“Cái đó cũng một phần thôi.  Tôi có ích cho ông ấy hơn Nellie.  Tin hay không không cần biết, nhưng tôi vẫn hãnh diện đã là người tình ông ấy.  Cái gì tôi cũng làm được và ông ấy tin tưởng tôi.”

Tôi hơi bị hụt hẫng.  Chúng tôi không nói gì một đỗi.  Bà nhấc tách cappucino lên nhấm nháp.  Tôi đắm chìm trong dòng suy tưởng về bà và bố tôi.  Người này cũng là một nô lệ cho tình yêu.  Tôi phục bà chỗ đó, phục chỗ vẫn ôm ấp tình yêu suốt đời và sự dâng hiến cho hết người mình đã yêu và quý mến.  Mấy ai có được thành tâm như vậy mà không sợ bị làm khổ hay hủy hoại.  Tôi nhìn cửa sổ ra con đường lộ sạch và thoáng, chỉ có vài khách bộ hành đi qua, như đang ở một thành phố ngoại ô.  Trời u ám, mây thấp như sắp có tuyết.

Tôi chuyển sang đề tài đã có trong đầu từ lâu.  “Suzie, con biết bố con có vợ con bên Trung quốc.  Dì có bao giờ gặp người vợ cả bao giờ chưa?”

“Chưa, tôi chưa gặp.  Gary nhớ bả lắm.”

“Tên bà ấy là gì?”

“Lưu Dụ Phong.”

“Phải chi mẹ con biết điều này,”  tôi buột miệng nói, chính mình cũng ngạc nhiên, vì có biết về gia đình khác cũng chẳng làm Nellie nguôi giận.

“Biết được bả sẽ điên lên, rồi còn ghét Gary và tôi hơn nữa,”  Suzie nói.

“Dì có nghĩ Dụ Phong còn sống không?”

“Tôi không biết.”

“Có lẽ cũng lấy chồng lâu rồi nhỉ?”  tôi hỏi.

“Có thể.  Ai biết được? Tôi đoán thế nào cô cũng hỏi về đời vợ trước của Gary.  Tôi chỉ biết tên bả và biết họ lấy nhau trong lứa tuổi đôi mươi.  Tối qua tôi lục cùng không tìm ra địa chỉ.  Bà ấy ở đâu đám Sơn Đông, miệt quê xa lắc, không biết còn đó hay không.  Nhưng có một người ở Bắc Kinh có thể giúp cô tìm.”

“Ai vậy?”

“Sở Bính Văn.  Chẳng biết có phải tên thật hay không.  Chắc cũng mất rồi.  Đây là địa chỉ chỗ làm việc của hắn.”

Bà đưa tôi mẩu giấy có hàng chữ viết nghiêng.  Tôi thích Suzie tuy bà hay ăn nói xóc óc.  Bà dọn sang Canada hồi bà năm mươi mấy và lấy một thương gia người Mã Lai, nhưng vài năm sau cuộc hôn nhân không thành.  Bây giờ bà có vẻ thoải mái sống một mình.


Henry, chồng tôi, ở lại trông coi chung cư của chúng tôi ở College Park trong khi tôi sang Bắc kinh.  Khu chung cư ba tầng gồm có mười tám căn hộ nằm cuối một con đường yên tĩnh; chung cư không lúc nào có nhà trống nhờ có nhiều tiện nghi và địa điểm thôn dã, thơ mộng.  Chúng tôi mua bin đinh ấy bốn năm trước đây và ở trong một căn dưới lầu.  Tôi có một căn phòng dưới hầm nơi tôi đọc sách, viết lách, và chuẩn bị bài vở cho những lớp sử dạy trong trường đại học.  Trước khi lấy nhau, Henry vừa mới goá vợ, còn tôi đã ly dị được gần chục năm.  Chúng tôi thích trẻ con nhưng không người nào có con.  Henry sáu-mươi-mốt, hơn tôi bẩy tuổi.  Chúng tôi hay mơ chuyện xin con nuôi, nhất là một đứa con gái, nhưng tuổi tác đã cao, ai cho nhận con nuôi, nên chúng tôi không bao giờ nộp đơn.

Khóa học mùa xuân bên Bắc Kinh đến giữa tháng Hai mới khai giảng.  Tôi đến trước ba tuần để thư thả thì giờ và để có dịp tìm hiểu quá khứ bố tôi.  Khuôn viên đại học sư phạm vắng tanh như một ngôi làng bỏ hoang, nhưng ngày nào tôi cũng gặp một hai đồng nghiệp.  Ai cũng phấn khởi về những cuộc biểu tình đòi dân chủ bên các xứ Ả Rập.  Họ tin rằng những loạt sóng thần chính trị vùng Trung Đông chẳng bao lâu cũng sẽ tràn sang tới Trung quốc và sẽ cuốn trôi đi phần nào hệ thống thư lại bên xứ họ.  Tôi đã từng sang Trung Quốc, đã từng theo dõi tình hình nhiều thập niên qua, và biết rằng khó có thể có thay đổi ở đất nước này.  Năm 1988 tôi đã dậy ở cùng trường đại học sư phạm này, và mẹ tôi đã sang thăm khi niên học gần xong.  Quan điểm của bà về quốc gia này có thể thâu tóm lại bằng hai chữ, “tàn bạo,” sau đó bà cười rúc rích và nói chữa: “như số mạng của bố mày.”  Nhưng bà cảm phục những người bà đã gặp ở đây, bà cảm phục lòng lạc quan, tinh thần hiếu học, tính cần cù, và lòng ái quốc của họ.  Không như những đồng nghiệp Trung quốc khác, tôi không hy vọng làn sóng dân chủ toàn cầu có thể tràn sang đây.  Tuy không thể dùng đấy làm cái cớ để chống thay đổi, nhưng Trung quốc lúc nào cũng là Trung quốc.  Tôi tự nhủ mình chỉ sang đây dạy hai lớp rồi đến hè là về rồi, chẳng nên dính vào chuyện chính trị làm gì.   Tôi chỉ muốn khai quật quá khứ của bố tôi và tìm cho ra bà vợ cả Dụ Phong, nếu còn sống.

Sở Bính Văn là người xử lý duy nhất của bố tôi trong suốt ba thập niên.  Trong nhật ký Gary gọi ông là cái đuốc, có lẽ vì trong tiếng Trung hoa, chữ Bính có nghĩa là “sáng chói, tỏ rõ.”   Tôi gọi điện cho ông nhưng số điện thoại đã cũ, không còn dịch vụ.  Tôi đến địa chỉ khu Triêu Dương, nhưng ngôi nhà bốn tầng đã biến thành văn phòng cho một tổ hợp luật sư, một cơ quan giáo dục Anh quốc, và vài văn phòng làm việc khác.  Tôi hỏi vài người nhưng chẳng ai biết Sở Bính Văn là ai.

Tuy vậy tôi vẫn tiếp tục đọc đi đọc lại nhật ký và nghiền ngẫm về cuộc đời bố tôi.  Tôi cũng mang theo cuốn sách viết về ông.  Cuốn sách được xuất bản cách đây vài năm mang tựa đề Tên Gián Điệp Tàu, viết bởi Daniel Smith, trong đó ông được mô tả như một gián điệp thông minh, một phản gián nhị trùng nằm trong lòng CIA một thời gian lâu, người đã bán cho Trung quốc rất nhiều tin tức và đã gây không biết bao tai hại cho nền an ninh quốc gia Hoa Kỳ.  Cuốn sách cho biết rất nhiều về cuộc đời bố tôi: học vấn của ông, vai trò đăc biệt của ông trong guồng máy phản gián Trung quốc, mối giao du của ông với quan chức Mỹ vùng DC, lối ông dùng tiền, phong cách ăn uống, sở thích đàn bà petite tóc dài.  Nhưng sách không nói gì về cuộc hôn nhân đầu tiên và gia đình bên Trung quốc cũng như cuộc đời của ông trước khi làm việc cho Mỹ.

Chuyện bố tôi là gián điệp hàng đầu không ai chối cãi, nhưng càng đọc thêm tôi càng tin rằng tiền bạc không phải là động cơ chính đã thúc đẩy ông làm việc cho Trung quốc.  Ông là một người có cái tôi khá to; theo ý tôi, ông nghĩ mình quan trọng và có lắm ảo tưởng.  Tôi không nghĩ ông là một gián điệp giỏi, những vai trò ông đóng phần lớn do định mệnh đưa đẩy.  Khi cuộc đời của ông bắt đầu có hình thù rõ rệt, tôi tin ông không chỉ là kẻ phản bội mà còn là người bị phản bội.  Trước khi khóa học khai giảng, tôi đã bỏ toàn thời gian vào việc xây dựng lại câu truyện của ông.  Vì là một sử gia nên tôi muốn kể lại theo kiểu của tôi nhưng đồng thời vẫn cố giữ tối đa tính khách quan.

No comments:

Post a Comment