Thursday, November 26, 2015

CÂM


CÂM

1
Ngôi nhà thờ trống trơn có ba phòng giải tội.  Đèn phòng giữa bật sáng mà không có người đợi.   Ánh sáng màu nhạt soi qua khe cửa  thành những ô vuông trên lối đi chính lên Cung Thánh.  Monette dợm bước đi nhưng nghĩ sao lại ngồi lại.  Ông bước vào căn phòng giải tội không người.  Khi ông đóng cửa ngồi xuống thì cánh cửa nhỏ bên phải mở ra.  Tường trước mặt ghim một mẩu giấy vuông với hàng chữ đánh máy:  VÌ MỌI NGƯỜI ĐỀU ĐÃ PHẠM TỘI, THIẾU MẤT SỰ VINH HIỂN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.  
Từ bên kia cánh cửa lưới, vị linh mục nói.  “ Sao? khoẻ không?”
Monette thấy câu hỏi hơi lạ, nhưng không thắc mắc.  Nhưng ấp úng mãi mà không trả lời được.  
“ Sao? không có gì để nói à?”
Ý nghĩ thì có nhưng không nói ra được.  Monette liên tưởng đến một cái cầu tiêu bị nghẹt.
Bóng mờ bên kia cửa lưới nhấp nhổm.  “ Lâu lắm rôi hả?”
“ Dạ,” Monette nói.  
“ Cần nhắc không?”
“ Không.  Con nhớ.  Thưa cha, xin cha làm phép giải tội cho con.”
“ Được rồi.  Con xưng tội lần trước cách đây bao lâu?”
“ Con không nhớ.  Lâu rồi.  Từ hồi còn bé.”
“ Được rồi.  Cứ từ từ.  Đã xưng một lần thì không bao giờ quên.”
Nhưng sao vẫn không nói nên lời.  Monette nhìn mẩu giấy mà cổ thấy nghèn nghẹn, hai bài tay đan chặt vào nhau thành nắm đấm đu đưa giữa đùi.
“ Sao con? Trưa tới nơi rồi mà cha lại có khách hẹn mang thức ăn trưa đến…”
“ Thưa cha, con đã phạm tội trọng.”
Giờ thì tới phiên ông cha im lặng.  Tắt tiếng.  Một hồi thì ông mới nói bằng một giọng tuy vẫn niềm nở nhưng có vẻ nghiêm trọng.  “ Con có tội gì vậy?”
“ Con không biết.  Cha nghe con xưng xong rồi hãy quyết định.”


2
Khi Monette lái xe tới lối vào xa lộ thì trời bắt đầu lấm tấm mưa.  Va-li để trong cốp xe và hai chiếc cặp đựng hàng mẫu--loại to cồng kềnh như của luật sư khiêng ra tòa--nằm trên băng ghế sau.  Một cái màu nâu, một cái đen.  Cả hai có in hình chạm nổi nhãn hiệu của Wolfe and Son: một con chó sói xám, miệng ngậm cuốn sách.  Monette là người đi chào hàng miền bắc New England.  Bây giờ là sáng ngày thứ Hai.  Chưa có một cuối tuần nào như cuối tuần vừa rồi.  Vợ ông đã dọn ra khách sạn ở với người khác.  Nàng sẽ đi tù.  Xì căng đan và ngoại tình còn là chuyện nhỏ.
Trên mép áo vest ông đeo một cái nút có hàng chữ,
THƯ MỤC MÙA THU.   
HAY CHƯA TỪNG THẤY.


Một người đàn ông quần áo cũ kỹ, tay cầm một tấm bảng đứng ở đầu lối vào xa lộ.  Một cái bọc nằm giữa đôi chân đi giày Ba-ta bẩn thỉu.  Mui velcro của một chiếc giày tuột ra làm lưỡi gà lòi lên.  Hắn không che dù, không đội mũ.  
Thoạt tiên Monette không đọc được tấm bảng vẽ hình cái miệng, gạch chéo bằng mực đen. Khi tới gần hơn thì ông thấy một hàng chữ phía trên TÔI BỊ CÂM ! phía dưới là LÀM ƠN CHO ĐI QUÁ GIANG???
Trong suốt hơn một chục năm làm nghề chào hàng cho Wolfe & Son ông đã lái biết bao dặm đường mà chưa hề cho ai đi quá giang.  Hôm này thì chẳng chút ngại ngùng,  ông rề xe tấp vào.  Sợi dây treo chiếc mề đay Thánh Christopher trên kính chiếu hậu còn đang đong đưa trong khi ông nhấn nút cho cửa mở.  
Bây giờ thì còn cái gì để mà sợ nữa.
Người xin quá giang chui vào xe và đặt cái bịch tàn tạ của mình giữa đôi giầy ẩm ướt bẩn thỉu.  Anh chàng nhìn đã biết là hôi.  Mà hôi thật.  
“ Anh muốn đi đến đâu?” Monette hỏi.
Anh chàng xin quá giang nhún vai và chỉ về hướng xa lộ rồi cẩn thận đặt tấm bảng  lên trên bọc của mình.  
“ Thì đã biết về hướng nào rồi, nhưng…” Monette nhớ ra là hắn điếc nên đợi hắn sắp xếp chỗ ngồi cho ngay ngắn. Một chiếc xe chạy vù qua và nhấn còi mặc dù Monette đã cẩn thận đậu sát lề.   
Người xin quá giang buộc dây an toàn và nhìn Monette, như nói còn đợi cái gì nữa.  Nhìn mặt không thể đoán tuổi được.
“ Đi đâu?” Monette hỏi, lần này phát âm từng chữ, và khi hắn vẫn nhìn thì ông nói, “ Anh có đọc môi được không?”  Ông chỉ tay vào môi mình.
Hắn lắc đầu và vẫy vẫy tay ra dấu.
Monette giữ một cuốn vở trong hộc xe.  Trong khi ông viết chữ ĐI ĐÂU? thì một chiếc xe khác chạy vụt qua làm bắn lên hai dòng nước uốn cong như đuôi con gà trống.  Monette dự tính sẽ lái xe đến Derry, cách đây khoảng một trăm-sáu-mươi dặm, bình thường sẽ là một chuyến đi không lấy làm thích thú lắm nhất là với thời tiết như bây giờ.  Nhưng hôm nay thì khác.  Ông đã có một người bạn đồng hành.  Hắn nhìn tờ giấy rồi lại nhìn Monette.  Thì ra anh chàng cũng không biết đọc nhưng dấu hỏi thì hiểu.  Hắn chỉ ngón tay qua cửa kính về hướng xa lộ và nắm mở bàn tay tám lần.  Tám chục dặm.
“ Waterville?” Monette đoán mò.
Anh chàng quá giang nhìn ông một cách ngây ngô.  
“ Okay,” Monette nói.  “ Không sao.  Khi tới chỉ việc vỗ vai là xong.”
Anh chàng quá giang vẫn nhìn.
“ Thôi được rồi, tới đó hãy hay.” Ông nhìn kính chiếu hậu và bắt đầu cho xe lăn bánh.  “ Ông bạn coi như mất hẳn liên lạc với thế giới bên ngoài nhỉ?”
Hắn nhún vai và lấy hai tay che tai.
“ Biết rồi,” Monette nói và cho xe nhập vào xa lộ.  “ Mất hết liên lạc.  Điện thoại bị cúp.  Nhưng hôm nay tôi muốn được như ông bạn.”  Ông im lặng một lúc.  “ Nghe nhạc nhé?”
Và khi anh chàng quá giang xoay người nhìn ra cửa bên thì Monette phải phì cười.  Nhạc hay không nhạc chẳng thành vấn đề với anh chàng này.  
Ông vừa mua một CD Josh Ritter cho con gái-- tuần sau sinh nhật nó--nhưng vẫn chưa gửi đi.  Hồi này nhiều chuyện quá.  Sau khi ra khỏi Portland thì ông cho xe chạy cruise control, bóc vỏ CD và cho vào máy.  Sẽ phải mua cho nó cái khác sau.  Nếu còn tiền.
Josh Ritter nghe cũng được.  Tương tự như Dylan hồi trẻ nhưng thái độ khá hơn.  Trong khi nghe nhạc thì ông lan man nghĩ đến chuyện tiền bạc.  Mua CD cho Kelsie thì dễ rồi.  Nếu Barb quả thực đã làm điều nàng nói thì ông không biết đào đâu ra tiền để cho con gái học nốt năm chót ở Case Western.
Ông vặn ra-đi-ô to lên để quên đi những vấn đề ưu tư nhưng khi lái đến Gardiner thì CD hết.  Anh chàng quá giang đã quay người quay mặt  về hướng cửa kính.  Monette có thể thấy được mặt sau của chiếc áo khoác bạc màu, và những sợi tóc lưa thưa phủ xuống cổ áo.  Đầu hắn gục xuống và hơi thở làm mờ cửa kính bên hành khách.
Monette còn CD khác trong hộc xe nhưng quyết định tắt ra-đi-ô.  Và sau khi ông lái qua trạm thu phí Gardiner mà không phải dừng lại vì có E-Zpass, thì ông bắt đầu nói chuyện một mình.


3
Monette ngừng kể chuyện và nhìn đồng hồ đeo tay.  Mười-hai giờ kém mười-lăm, mà ông cha nói có hẹn khách lúc trưa.
“ Thưa cha, con xin lỗi chuyện kể giông dài quá mà không biết cách nào nói ngắn hơn…”
“ Không sao.  Chuyện kể nghe hay quá.”
“ Còn khách…”
“ Thì họ phải chờ cho cha làm việc mục vụ chớ.  Này con, thế cái người đi quá giang có ăn cướp con không?”
“ Không,” Monette nói.  “ Con không mất tiền bạc chi cả.  Có mất chăng là sự bình an tâm hồn.  Cái đó có tính không?”
“ Chắc chắn là có rồi.  Thế nó làm cái gì?”
“ Chẳng làm gì cả.  Chỉ ngồi nhìn ra cửa kính bên hông.  Tưởng là ngủ nhưng sau này mới biết là không phải.”
“ Thế con làm cái gì?”
“ Con nói về vợ con,” Monette nói.  Rồi ông ngừng và đắn đo.  “ Không phải.  Con nói cho nhẹ lòng, và nói về vợ con. … Hắn vừa câm vừa điếc cha biết không? Con có thể thố lộ hết mà không sợ nghe phân tích, cho ý kiến, hay khuyên nhủ.  Hắn câm, hắn điếc, lại còn ngủ say nữa- tưởng hắn ngủ say- con có thể nói cái đéo gì chẳng được.” “ Con xin lỗi cha.”
“ Thế con nói những cái gì” ông linh mục hỏi.
“ Con nói vợ con năm nay đã năm-mươi-tư,” Monette nói.  “ Đó là điều con nói đầu tiên bởi vì ---bởi vì đó là điều con không thể hiểu được.”


4
Sau khi qua khỏi mấy cái trạm thu phí ở Gardiner thì xa lộ Maine chạy bon bon không ngừng, qua những cánh đồng và những khu rừng, thỉnh thoảng mới có một cái nhà di động có gắn dĩa vệ tinh trên mái và một chiếc xe tải đậu bên hông.  Trừ mùa hè ra, còn không thì con đường ít thấy xe chạy qua.  Mỗi chiếc xe là một thế giới riêng tư nho nhỏ, chẳng khác nào một cái toà giải tội lưu động.  Và như nhiều người đi xưng tội khác, ông bắt đầu một cách chậm rãi.
“ Tôi đã có vợ,” ông nói.  “ Tôi đã năm-mươi-lăm và vợ tôi năm-mươi-tư.”
Ông trầm ngâm suy nghĩ trong khi cần gạt nước quẹt qua quẹt lại.
“ Năm mươi-tư!   Lấy nhau hai-mươi-sáu năm.  Một đứa con gái dễ thương.  Kelsie Ann.  Nó đi học ờ Cleveland và tôi không biết làm cách nào để cho nó học tiếp, vì hai tuần trước đây, vợ tôi trở như ngọn núi lửa St. Helens, nổ tung mà hoàn toàn không có một cảnh báo gì hết.  Nàng có tình nhân được gần hai năm.  Hắn là thầy giáo nhưng nàng gọi hắn là Cao-Bồi Bob.  Té ra những buổi tối tôi tưởng nàng đi họp thì thật ra là đi uống rượu và đi nhảy với thằng chó đẻ Cao-Bồi Bob.”


Chuyện khôi hài như sitcom trên tivi.  Nhưng mắt ông sao thấy cay xè.  Ông liếc nhìn qua bên phải, anh quá giang đang gục đầu vào cửa kính hành khách.  Ngủ say.  
Monette chưa hề nói với ai về chuyện ngoại tình của vợ.  Kelsie vẫn chưa biết.  Nhưng rồi thì chuyện sẽ nổ bùng lên.  Trước khi đi thì hai, ba người ký giả đã gọi điện thoại nhưng ông từ chối không nói chuyện.  Bây giờ thì ông đang rút ruột rút gan ra mà , như hát một mình trong phòng tắm.  Cho nó nhẹ người.


“ Nàng năm mươi tư tuổi rồi chứ ít ỏi gì,” ông nói.  “ Không thể tưởng tượng được.  Có nghĩa là khi nàng quen nó, tên thật của nó là Robert Yandowski khi nàng đã năm mươi hai.  Cái tuổi đủ để hiểu phải không ạ? Đâu có phải là trẻ người non dạ gì cho cam? Trời ơi, nàng đã đeo kính lão, thế mà đi ngủ với thằng này trong một khách sạn rẻ tiền được.  Trong khi tôi cho nàng một căn nhà khang trang ở Buxton, ga-ra hai xe, và chiếc Audi mướn dài hạn mà nàng bỏ đi hết để đi say sưa ở những cái bar rồi về rậm rật với một thằng đã sáu mươi tuổi!”


Ông nghe tiếng mình gào to và tự nhủ phải ngừng lại, nhưng rồi thấy người khách quá giang nằm yên không nhúc nhích và nhận ra rằng mình chẳng có lý do gì  phải ngừng.  Ông đang ngồi trong xe của mình, trên xa lộ liên bang I-95, ở giữa đồng không mông quạnh.  Hành khách của ông là một người vừa câm và điếc.  Muốn gào thì cứ việc gào chứ sợ gì ai.
Ông gào tiếp.
“ Barb khai ra hết.  Nàng không khiêu khích mà cũng chẳng xấu hổ.  Nàng có vẻ... bình thản. “
Và nói lỗi một phần nơi ông.
“ Quả là tôi có đi làm xa thường xuyên thực.  Nội năm ngoái không thôi đã hơn ba trăm ngày rồi.  Nàng ở nhà một mình.  Con gái xong trung học là đã đủ lông đủ cánh bay xa rồi.  Thì lỗi tại tôi vậy. ”

5
Ông nói với bóng người bên kia bức tường giải tội, mắt nhìn thẳng vào hàng chữ VÌ MỌI NGƯỜI ĐỀU ĐÃ PHẠM TỘI, THIẾU MẤT SỰ VINH HIỂN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜi,
“ Nói với một người thứ hai khác với nói một mình.  Cha có hiểu không?”
“ Hiểu quá đi chứ,” vị linh mục trả lời,  “ Cho dù con đã không gần gũi với giáo hội nhưng con cũng phải biết.  Xưng tội làm lòng mình được thoải mái.  Người ta đã biết điều này cả hai ngàn năm nay rồi.”
Monette đã bắt đầu đeo dây ảnh thánh Christopher trên ngực thay vì treo trên kính chiếu hậu như xưa.  Lái xe bao nhiêu lâu trong những điều kiện thời tiết như thế này mà chẳng việc gì thì biết đâu cũng nhờ sự che chở của tấm mề đay này.  
“ Con, thế rồi vợ con còn làm gì khác nữa ngoài chuyện ngoại tình với anh Cao Bồi Bob này?”
Monette phì cười và chính mình cũng ngạc nhiên.  Bên kia cánh cửa lưới, ông cha cũng phá lên cười.  Nhưng hai cái cười không giống nhau.  Một người vì thấy khôi hài, người kia chỉ để cố xua đuổi cơn điên cuồng.
“ Còn cái chuyện đồ lót,” ông nói.

6
“ Nàng mở tủ quần áo cho tôi xem,” ông nói với người đi nhờ xe.  Hắn ta vẫn ngồi thọt người trong ghế xe và quay mặt đi, trán tựa vào cửa và hơi thở làm mờ kính.  Giữa hai chân, tấm bảng nằm trên bịch với hàng chữ TÔI BỊ CÂM !  ngửa  lên.  “ Toàn là đồ ngủ và nội khố: Yếm trong yếm ngoài, sú chiêng tất lụa, tất cả vẫn còn nguyên xi trong bịch. Cả ngàn cái !  Mà đâu phải của rẻ.  Đa số là hàng Victoria Secret, nhưng cũng có những thứ mang nhãn hiệu của những tiệm đắt tiền.  Chưa hết.  Còn giầy nữa.  Giầy cao gót.“
Một chiếc xe vận tải từ từi qua mặt.  Monette chớp đèn pha cho xe qua.  Người tài xế chớp đèn sau xe cám ơn.  Ngôn ngữ ước hiệu của người lái xe đường trường.


“ Khi tôi hỏi tại sao thì nàng không giải thích được.  “ Mua riết thành cái tật không bỏ được,” nàng nói.  “ như ve vuốt trước khi làm tình.”  Không hổ thẹn.  Cũng chẳng thách đố. Rồi tôi hỏi tiền đâu ra mà có.  Tôi xét biên lai thẻ tín dụng hàng tháng, có thấy gì đâu.  Và rồi nàng thú nhận tội thụt két. “


7
“ Thụt két,” ông cha lập lại.  Monette không biết cái tội này có bao giờ được xưng trong phòng giải tội này bao giờ chưa nhưng tội ăn cắp thì chắc chắn có rồi.
“ Nàng làm cho Cơ Quan Hành Chánh Học Khu 19 phía nam của Portland…”
“ Vợ con là giáo sư à?”
“ Không.  Giáo sư thì làm gì có cơ hội đụng chạm đến tiền bạc.  Barb là thư ký cho ông Giám Đốc Học Khu.  Mấy lần tụi này có mời hai vợ chồng ông ta đến nhà ăn tối.  Rất dễ thương và bình dân.  Đảm trách hơn một chục trường, trung học lẫn tiểu học.  Ngân sách khá lớn.”
Monette ngừng nói.
“ Barb có trách nhiệm chi thu.  Nàng giữ tập ngân phiếu.”


8
Mưa mỗi lúc một nặng hạt hơn.  Monette tự động chạy chậm lại trong khi những xe khác ào ào qua mặt, để lại những đám mây nước.  Kệ mẹ chúng nó.  Phía bên cạnh, anh quá giang cựa quậy.
“  Dậy chưa ông bạn?” Một câu hỏi thừa thãi nhưng tự nhiên.
Hắn ta phát ra một tiếng kêu từ đầu đàng kia.   Phẹẹẹẹt.  Âm thanh tương đối lịch sự, không kêu to quá, và quan trọng hơn, không thối.  
“ Được rồi,” Monette nói, để ý nhìn đường lại.  “ Nói tới đâu rồi nhỉ?”
Phải rồi, Thụt két.  Một trăm hai chục ngàn đô! Một số tiền đáng kể.  Ông hỏi còn bao nhiêu tiền, và nàng nói- vẫn với vẻ bình tĩnh như mơ ngủ- là không còn đồng nào.
“ Rồi tôi hỏi là sao mà có thể tiêu hơn một trăm ngàn cho đồ lót được,” Monette nói với người đồng hành im lặng.  “ Và nàng nói, “ chúng tôi bắt đầu mua vé số, mong là có thể gỡ tiền lại được bằng cách đó.”
Monette ngừng nói, nhìn cần gạt nước quét qua quét lại.  Ông chợt nảy ý định quẹo phải bất thình lình và lao xe vào chân cầu xa lộ phía trước nhưng lập tức bỏ đi ý định.  Thay vào đó, ông tiếp tục lái xe dưới cầu vẫn giữ tốc độ 50 dặm một giờ.  Kính xe khô queo được hai giây rồi cần gạt lại tiếp tục làm việc và Monette lại kể tiếp.  
“ Chắc ít có ai mua nhiều vé số hơn chúng nó.”  Ông ngẫm nghĩ một hồi rồi lắc đầu.  “ Nàng nói nội nhật trong tháng mười một vừa qua, chúng nó đã mua hơn hai ngàn vé.  Powerball, Megabucks, Paycheck, Pick 3, Pick 4, Triple Play, cái nào cũng mua.  Lúc đầu còn bày đặt chọn số nhưng sau mua đại EZ pick cho nó lẹ.  Nàng nói có khi hai người chia nhau ra, mỗi người đi một tiệm.  Lúc đầu còn có khi thắng vài trăm, nhưng sau thì chỉ có thua thôi.”
“ Ê ông bạn, có sao không?”
Người hành khách không có phản ứng gì, và Monette lắc mạnh vai hắn.  Anh chàng ngẩng đầu lên và chớp chớp mắt như vừa ngủ dậy.  Không biết vì lý do gì mà Monette nghĩ là anh chàng đang giả bộ ngủ.  
Ông đưa ngón cái lên và nhướng mày nhìn hắn.  Anh chàng đi quá giang ngẩn người ra một hồi nhưng rồi hiểu ra, nhoẻn miệng cười và cũng đưa ngón cái lên.  
“ Okay,” Monette nói.  “ Lâu lâu phải kiểm soát cho chắc ăn.”
Người đàn ông lại tựa đầu lên cửa kính.  Trong khi đó thành phố Waterville đã trôi tuột lại đàng sau vào trong màn mưa.  Monette không để ý.  Ông đang sống trong quá khứ.  
“ Nếu như chỉ quần áo lót và vé số không thôi thì thiệt hại có thể cũng chỉ giới hạn,” ông nói.  “ Vì chơi xổ số kiểu đó cũng đòi hỏi thì giờ.  Phải đứng xếp hàng mua vé.  Rồi phải đợi coi kết quả trên TV hay đọc báo dò số.  Nếu chỉ thua độ ba chục ngàn trở lại thì tôi còn có thể mượn nợ từ căn nhà để trả.  Làm vậy chỉ vì con thôi chứ còn vợ thì, hà, còn lâu.  Cái vấn đề là có cách để đốt tiền nhanh hơn, mà nó hợp pháp như là...như là mua xì líp.”  


9
“ Họ bắt đầu chơi vé cạo hả” ông cha hỏi.  “ Cái mà Hột Đồng Xổ Số gọi là thắng liền đó phải khng?”
“ Nghe có vẻ như cha cũng rành quá nhỉ,” Monette nói.  
“ Thỉnh thoảng,” ông cha nói.  “ Tôi luôn tự nhủ là hễ mà thắng thì thế nào cũng cho nhà thờ hết.  Không bao giờ mua quá 5 đồng mỗi tuần.” ngần ngừ.  “ Có khi 10 đồng.  Có một lần 20 đồng nhưng không bao giờ làm lại.”
“ Chưa bao giờ.  Không phải không bao giờ.”  Monette nói.
Vị linh mục khúc khích cười.  “ Đúng là bị một lần tởn tới già.” Ông thởi dài.  “ Nghe chuyện của con hay đến mê mẩn cả người, nhưng nói nhanh lên được không? Khách nó đâu có chờ mãi được và nghe đâu họ mang món xà lách gà, có nhiều mayo.  Món cha thích nhất.”
“ Cũng sắp xong rồi,” Monette nói.  “ Vé cạo mua đâu cũng có.  Nhiều chỗ mua thẳng từ máy, chẳng phải nói chuyện với ai cả.  Và đến khi nàng thú tội thì chúng mua toàn là vé 20 đồng không thôi.”
“ Thế con đánh vợ con chứ gì? đó là lý do con đi xưng tội phải không?”
“ Không,” Monette nói. “ Con muốn giết nó.  Nhưng con không động đến một cọng lông chân nó.  Con hỏi sao nó có thể làm như vậy được? và nó nói…”


10
“ Nàng hỏi sao mà không biết,” Monette bảo anh quá giang.  “  Chưa kịp nói thì đã tự trả lời.  Nói tôi không biết vì không thèm biết.  Đi tối ngày, có bao giờ để ý đến ai.  Giờ có để ý thì cũng đã muộn rồi.  Tôi chỉ biết ngồi nhìn.  Làm gì bây giờ   Ai đời dám đổ thừa lỗi tại tôi, tại công việc của tôi không?  ngần này tuổi rồi còn kiếm được việc gì bây giờ?”
Xa xa, đàng sau đám mưa mù, là một tấm bảng màu xanh.  
Ông ngẫm nghĩ rồi nói tiếp.  “ Tôi không muốn lớn tiếng cãi cọ vì sợ không dằn được cơn thịnh nộ.  Bỏ đi khi còn tỉnh táo là tốt nhất.”
Người quá giang vẫn im lìm không nói.
“ Tôi nói “ Rồi bây giờ làm sao?” và nàng nói, “ Thì đi tù chứ sao nữa bây giờ.”
Giả sử như lúc ấy nàng khóc thì chắc tôi cũng đã ôm để an ủi.  Sau hai mươi sáu năm chung sống nó thành phản xạ.  Nhưng nàng không hề khóc và tôi quay lưng bỏ đi.  Khi trở lại thì nàng đã dọn đi mất.  Hai tuần rồi chưa gặp lại.  Có nói chuyện điện thoại vài lần.  Nói chuyện với cả luật sư.  Đóng hết mấy chương mục nhưng cũng chẳng ăn thua gì.  Bánh xe công lý một khi đã xoay rồi thì quá trễ.  Giờ chỉ đợi ngày ra tòa.”
Bây giờ thì ông mới thấy tấm bảng: TRẠM NGHỈ PITTSBURG, 2 miles.
“ Bỏ mẹ rồi.” ông la lên.  “ Mình đi quá Waterville mất 15 dặm rồi.” Nhưng khi anh câm vẫn nằm yên không cựa quậy thì Monette nhớ là đâu chắc hắn muốn đi Waterville.  Đến trạm nghỉ rồi tính sau, nhưng trong khi còn trong cái tòa giải tội lưu động này thì còn một chuyện phải nói cho hết.  
“ Thực tình mà nói thì đúng là tôi đã hết yêu nàng từ lâu,” ông nói.  “ Và lâu lâu cũng có cái này cái kia chứ không phải là hoàn toàn chung thủy. Nhưng đó đâu phải là cái lẽ để mà phá banh xác pháo cái gia đình này?
Ông lái xe vào trạm nghỉ.  Bãi đậu xe có bốn chiếc xe đậu tùrm húm cạnh cái bin đinh màu nâu có vài máy bán kẹo, nước đàng trước.  Khi ông dừng xe thì người quá giang ngẩng mặt, thắc mắc nhìn ông.
“ Anh muốn đi đâu?” Monette hỏi dẫu biết là vô vọng.
Anh câm nhìn quanh quất rồi quay lại nhìn Monette như muốn nói, không phải chỗ này.
Monette chỉ về hướng Nam và nhướng mày.  Anh câm lắc đầu rồi chỉ về hướng Bắc và xoè tay tám lần.  Y hệt như lúc nãy.  Nhưng lần này thì Monette hiểu.
“ Chú mày chắc đi lang thang, không có nơi chốn nhất định phải không?”  Monette hỏi.
Anh câm vẫn trố mắt ra nhìn.
“ Chắc chắn rồi,” Monette nói.  “ Thôi được, chú mày đã có công ngồi nghe, mặc dù không hiểu, thì ta sẽ chở chú mày tới Derry luôn.  Ta phải đi đái.  Chú mày có mót đái không?”
Anh câm nhìn bằng ánh mắt ngây ngô, trống vắng.
Monette định chỉ vào quần nhưng sợ anh câm nghĩ mình đề nghị chuyện thô bỉ nên chỉ vào hình bóng in trên tường hai bên bin đinh- một đàn ông một đàn bà.  Hình người đàn ông dạng chân còn đàn bà thì khép lại.  Lịch sử loài người tóm tắt lại bằng ngôn ngữ biểu thị.
Cái này thì hiểu.  Anh câm lắc đầu và đưa ngón cái ra dấu không sao.  Vấn đề là để ông ma cà bông này trong xe trong khi mình đi làm nghĩa vụ hay bắt hắn đứng đợi ngoài mưa.  
Không thành vấn đề, Monette quyết định.  Trong xe không tiền không bạc, còn hành lý thì để trong thùng sau có khóa.  Hàng mẫu nằm trong xe nhưng anh không nghĩ nó sẽ ăn cắp cái va li nặng nề để rồi đi loong toong dọc xa lộ.  Rồi tay đâu mà cầrm bảng TÔI CÂM.  
“ Rôi sẽ trở lại ngay,” Monette nói và anh câm gật đầu, đưa ngón cái lên.  
Monette vào toa lét đứng đái một hồi lâu.  Anh cảm thấy người nhẹ nhõm hẳn lên và chợt ý thức là mình có thể sẽ vượt qua được cơn bỉ cực này.  Anh nghĩ đến một thành ngữ không nhớ của Nga hay của Đức, có vẻ là lối người Nga nhìn cuộc đời thì phải: Cái gì không giết được ta thì sẽ làm cho ta mạnh hơn.  
Anh trở về xe, vừa đi vừa huýt sáo.  Thoạt tiên anh tưởng hắn nằm xuống nên không thấy đầu.  Nhưng người xin quá giang đã biến mất.  Monette kiểm soát băng sau thì thấy chiếc va li Wolfe & Son vẫn còn đó.  Nhìn vào ngăn trên cũng không thấy có gì suy suyển.  Anh nghĩ bụng nếu thấy anh chàng thì sẽ ngừng lại cho đi quá giang tiếp.  Nhưng không thấy bóng dáng anh câm đâu cả.  Và mãi cho đến khi gần tới Derry thì Monette mới khám phá ra là cái dây mề đay Thánh Christopher treo trên kiếng chiếu hậu, bạn đồrng hành của hàng vạn dặm, đã biến mất.  Monette thầm hy vọng nó sẽ mang lại cho hắn may mắn.  
Hai ngày sau ông nhận được điện thoại của cảnh sát tiểu bang Maine cho biết vợ ông và Bob Yandowsky đã bị đánh chết trong khách sạn Grove.  Hung thủ đã dùng một ống nước bằng sắt bọc bằng khăn tắm khách sạn làm vũ khí.


11
“ Chúa ơi.” ông linh mục thốt lên.  “ Còn con gái ông…?”
“ Dĩ nhiên là nó bị sốc nặng.  Nó hiện đang ở nhà với con.  Rồi cũng sẽ qua.  Dĩ nhiên nó chẳng biết gì những vụ kia.  May là con có nhân chứng rõ ràng chứ không thì cũng lôi thôi.  Vậy mà vẫn bị kêu lên kêu xuống thẩm vấn.”
“ Có chắc là con không mướn ai…”
“ Họ cũng đặt vấn đề đó ra.  Con đưa hết giấy tờ nhà băng ra cho họ coi.  Tiền bạc chi tiêu đâu ra đó, rõ rành rành.  Này cha, cha có thể mở cửa ra được không?  Con muốn cho cha coi cái này.”
Vị linh mục mở cánh cửa ra.  Monette tháo sợi dây treo tượng Thánh Christopher ra trao cho ông.  
Ông cha lặng yên không nói một lúc lâu.  Rồi ông nói.  “ Anh nhận được sợi dây này hồi nào?  Có phải ở khách sạn…”
“ Không,” Monette nói. “ Không phải ở khách sạn mà ở nhà tại Bruxton.  Trên cái bàn phấn trong phòng ngủ.  Kế tấm hình cưới. “
“ Chúa ơi.” ông cha nói.
“ Hắn có thể lấy địa chỉ từ giấy tờ đăng bộ trong hộc xe trong khi con đi đái.”
“ Và dĩ nhiên con có nói hắn nghe tên khách sạn..và thành phố.”
“ Dowrie,” Monette đồng ý.  
Ông cha lại kêu tên đức Chúa Trời vô cớ một lần thứ ba.  Rồi ông nói.  “ Vậy là nó đâu có câm điếc gì đâu?”
" Con nghĩ là hắn có câm,” Monette nói.  “ Nhưng hắn chắc chắn không điếc chút nào.  Có một mẩu giấy nằm cạnh tấm mề đay.  Tất cả chắc xảy ra khi hai bố con con đang ở nhà quàn để chọn quan tài.  Có lẽ con đã để quên cửa sau không khóa.”
“ Mẩu giấy viết gì?”
“ “Cám ơn ông đã cho ̣đi quá giang"” Monette nói.
“ Thế con có báo cảnh sát không?”
“ Có chứ.  Khai từ đầu tới đuôi.  Họ nghĩ là họ biết đó là ai.  Tên hắn là Stanley Doucette.  Hắn lang thang khắp New England cầm cái bảng ấy. “
“ Có tiền án không?”
“ Vài cái,” Monette nói.  “ Đánh lộn đánh lạo.  Có lần hắn đánh một người trong quán rượu gần chết.  Ra vào nhà thương điên như cơm bữa.  Con nghĩ là cảnh sát họ không nói hết cho con nghe.”
“ Thế con có muốn biết không?”
Monette suy nghĩ rồi nói.  “ Không.”
“ Họ chưa bắt được người này à?”
“ Họ nó là chẳng chóng thì chầy, thể nào cũng bắt được.  Họ nói hắn không được thông minh cho lắim.  Nhưng đủ thông minh để đánh lừa con.”
“ Có thực là nó đã đánh lừa được con không? Hay là con biết là nó không điếc?  Đó mới chính là câu hỏi.”
Monette im lặng một hồi lâu.  Tự vấn lương tâm.
“ Không, con không biết nó không điếc.”
“ Con có mừng là vợ con và người tình đã chết không?”
Trong thâm tâm, Monette trả lời ngay lập tức.  Ông nói: “ Thành thật mà nói, con cảm thấy nhẹ nhõm.  Đó có phải là tội không?”
“ Có, con ạ.”
“ Cha có thể tha tội cho con được không?”
“ Mười kinh Lạy Cha, mười kinh Kính Mừng,” ông cha nói ngay, “ Kinh Lạy Cha tội thiếu đức thương người- tội, nhưng không phải là tội trọng.”
“ Còn kinh Kính Mừng?”
“ Tội nói tục trong tòa giảng.  Khi khác sẽ tính đến tội gian dâm, nhưng giờ thì….”
“ Biết rồi, phải đi ăn trưa.”
“ Thú thật, hết muốn ăn rồi, nhưng phải gặp họ.”
“ Con hiểu.”
“ Tốt.  Nhưng này?”
“ Dạ?”
“ Nói thì nó ra người nói nhiều, nhưng con có chắc đã không tỏ ý ưng thuận không? Hay khuyến khích dưới hình thức nào đó?  Bởi vì nếu quả vậy thì ra là tội trọng chứ không phải tội nhẹ.  Ta phải hỏi cha bề trên cho chắc.”
“ Thưa cha không.  Nhưng cha có nghĩ là việc nó đi quá giang xe con có thể là ý Chúa không?”
Thâm tâm vị linh mục nói có nhưng bên ngoài thì ông nói.  “ Nói thế là phạm thượng, thêm mười kinh Lạy Cha.  Không biết con bỏ đạo bỏ nghĩa bao lâu nhưng người có đạo phải biết chứ.  Sao? nói xong chưa? hay là muốn thêm vài kinh Kính Mừng nữa?”
“ Dạ xong.”
“ Hãy đọc kinh ăn năn tội và cảm tạ Chúa vì Người rất nhân lành.  Về mà lo cho con cái. “
“ Cám ơn cha, xin cha cầu nguyện cho con.”
“ Ta hỏi con một điều nữa được không?”
“ Dạ được.”   Monette hơi ngần ngừ.  Muốn đi cho rồi.
“ Cảnh sát nghĩ là họ sẽ bắt được người này hả?”
“ Họ nói trước sau gì cũng bắt được.”
“ Điều ta muốn hỏi là, con có muốn cảnh sát bắt được hắn không?”
Và vì ông muốn về, đền tội kín đáo trong xe mình, Monette nói.  “ Dĩ nhiên là muốn.”
Trên đường về, ông đọc thêm hai kinh Kính Mừng và hai kinh Lạy Cha.
 
















Monday, November 16, 2015

CỒN CÁT

CỒN CÁT
Stephen King


Cụ Án trèo vào chiếc thuyền con một cách chậm chạp và vụng về.  Thân xác của một ông già không khác nào một cái túi chứa đầy những đau đớn và nhục nhã.  Tám chục năm trước, khi mới lên mười, ông chỉ việc nhảy tỏm vào xuồng và cứ thế mà chèo đi.  Chẳng cần áo phao, chẳng phải lo lắng, và chắc chắn chẳng có vụ đái xón vào quần.  Mỗi lần ra hòn đảo cỏn con không có tên, trông như cái tàu ngầm,nửa chìm nửa nổi, cách bờ khoảng 200 mét, là một lần thích thú, phấn khởi.   Giờ này thì chỉ có khó chịu.  Và cơn đau bắt đầu từ trong ruột trong gan, lan rộng ra khắp nơi.  Nhưng cụ vẫn cứ đi.  Trong những năm tháng mù mịt cuối đời, cái gì cũng mất đi cái quyến rũ của nó, trừ cái cồn cát nằm bên kia hòn đảo.  


Thời mới khám phá ra nó, cụ tưởng nó sẽ biến mất sau mỗi lần bão tố phong ba, nhất là sau khi trận bão 1944 làm chìm mẫu hạm USS Washington ngoài khơi Bãi Vero thì cụ đinh ninh là những ngọn cuồng phong 100 cây số giờ đã thổi tốc hết cát đi, để lại những tảng đá trơ trụi cùng với mỏm san hô.  Nhưng khi trời lại sáng thì cồn đảo vẫn còn nguyên vẹn.
Kể từ 1935 đến nay thì cụ đã  bơi thuyền qua giải sóng nước  này hàng nghìn lần.  Thường thì chỉ thấy đá tảng, bụi rậm và sỏi cát, nhưng thỉnh thoảng thì có hơi khác.


Sau khi ngồi thoải mái trong thuyền thì cụ bắt đầu chèo từ từ đi về phía hòn đảo.  Những sợi tóc trắng quăn tíu thổi phất phơ trên một cái sọ gần sói hết.  Vài con kên kên bay trên đầu, kêu inh ỏi.  Hồi đó cụ là con của một đại gia giàu có nhất vùng Vịnh Florida, cụ hành nghề luật sư, sau thành Chánh Án Địa Hạt Pinellas, rồi cụ được bổ về làm Toà Án Tối Cao Tiểu Bang.  Thời Reagan, có tin đồn là cụ sẽ được chỉ định vào ghế Tối Cao Pháp Viện, nhưng chuyện không thành, và một tuần sau khi cái thằng ngu Clinton lên làm tổng thống thì Chánh Án Harvey Beecher-  những người quen biết gọi cụ là cụ Án (cụ không có bạn thực sự)- về hưu.  Dù gì đi nữa thì cụ cũng chẳng thích Tallahassee.  Lạnh quá.
Hơn nữa cụ không thích đi xa hòn đảo với cái cồn cát này.  Trong những chuyến chèo thuyền trong sáng sớm tinh sương như thế này, cụ công nhận mình quả tình đã nghiện nó rồi.  Nhưng ai mà chẳng nghiện cái thú tao nhã như thế này?


Bên phía đông có nhiều mỏm đá lởm chởm, một bụi cây u lồi nhô ra từ chỗ nẻ của một tảng đá tung toé đầy phân chim.  Cụ luôn luôn cột thuyền một cách cẩn thận nơi đây.  Mắc cạn ngoài này thì chỉ có bỏ mẹ.  Cơ ngơi của cha cụ (cụ vẫn nghĩ như vậy, mặc dù cụ ông đã mất hơn 40 năm rồi) bao gồm gần ba cây số bất động sản mặt biển đắt tiền của vùng vịnh, dinh thự chính nằm tuốt luốt bên trong về phía Sarasota, và có la khản cổ cũng chẳng ai nghe.  Tommy Curtis, người quản gia, có thể không thấy cụ đâu và đi tìm; nhưng rất có thể, ông sẽ nghĩ là cụ đã đóng cửa cả ngày trong thư phòng  để viết hồi ký.  
Hồi xưa thật là xưa thì mụ Riley có thể lo lắng nếu cụ ở trong thư phòng, không ra ăn, nhưng giờ thì cụ ít khi nào ăn trưa, và cả Curtis lẫn mụ Riley đều biết là cụ có thể nổi quạu nếu bị quấy rầy.  Mà thực ra chẳng có gì để bị quấy rầy; Trong hai năm qua cụ Án chưa viết thêm được một hàng, và trong thâm tâm, cụ biết là cuốn hồi ký sẽ không bao giờ viết xong.  
Cũng chẳng chết thằng Tây nào.  Cái cụ có thể viết thì sẽ không bao giờ viết.


Trèo ra khỏi thuyền còn chậm hơn lúc trèo vào, cụ té chổng bốn vó lên trời, ướt cả quần lẫn áo.  Cụ chẳng lấy thế làm bực bội.  Đây không phải lần đầu cụ té, vả lại đâu có con ma nào thấy đâu.  Cụ vẫn biết là ngần này tuổi rồi mà vẫn đi những chuyến như này thì thật là điên khùng, nhưng không thể ngưng được.  Nghiện là nghiện là nghiện.
Cụ Án lồm cồm bò dậy và ôm bụng cho đến khi cơn đau dịu dần.  Cụ phủi quần cho sạch đất cát và kiểm soát lại dây neo, rồi cụ thấy một con kên kên đậu trên một tảng đá to, nhìn xuống.
“ Xéo!” cụ la bằng giọng của một mụ già.  “ Xéo-xéo đi chỗ khác.”
Nhưng con chim kên vẫn ngồi yên không động đậy.  Cụ Án cúi xuống nhặt một cái vỏ sò to liệng vào nó.  Lần này con chim vỗ đôi cánh tả tơi, phành phạch bay đi.  Cụ nhớ Jimmy Caslow, Tuần Tra Tiểu Bang Florida có lần nói, kên kên có khi biết trước chỗ nào sẽ có xác chết.
Cụ lần mò đi trên con đường mòn sang phía bên kia cồn cát, nơi cát mịn hơn thay vì đầy sỏi và vỏ sò.  Cụ nằm ngủ chập chờn dưới ánh nắng mặt trời ban mai.  Người cụ đau nhức khắp nơi, lưng đau, vai đau, hông đau, đầu gối đau.  Chẳng còn chỗ nào không đau.  
Cụ ngồi nhìn cồn cát, nhìn những hàng chữ viết trong cát.


Khi Anthony Wayward đến biệt thự Pelican Point thì đồng hồ đã chỉ 7 giờ tối, đúng như giờ đã hẹn.  Cụ Án thích ai giữ đúng hẹn, và thằng nhỏ đã đến đúng giờ.  Cụ Án Beecher thầm nhắc mình tránh không gọi Wayland là thằng nhỏ trước mặt nó.


“ Cám ơn anh đã tới,”  cụ Án nói, dẫn Wayland vào thư phòng.  Không có ai ngoài hai người.  Curtis và mụ Riley đã đi về lâu rồi.  “ Anh mang theo đầy đủ giấy tờ chứ?”
“ Dạ thưa cụ có.” Wayland mở chiếc cặp da luật sư và lấy ra một xập hồ sơ.  In trên trang bìa là hàng chữ đánh máy to và đậm: Chúc Thư của HARVEY L. BEECHER.
“ Con không hiểu tại sao cụ không tự viết lấy bản chúc thư này.  Luật về thủ tục chứng thực di chúc thì cụ dạy con không hết.”
“ Trước đây thì đúng đấy,” Cụ Án nói.  “ Nhưng ở vào tuổi của tôi thì cái quên cái nhớ.”
Wayland thẹn đỏ mặt.  “ Con không dám có ý gì---”
“ Tôi biết anh không có ý gì,” cụ Án nói.  “ Anh không nhớ câu “Chỉ có kẻ điên rồ mới tự đại diện mình trước tòa” à?  Thôi ta bắt đầu đi.  Không còn nhiều thời gian nữa.”
 
Thế là họ bắt đầu làm việc.  Wayland hí hoáy ghi chép trong khi cụ Án đọc những tu chính bằng một giọng quan tòa khô khan gẫy gọn.  Thêm tặng vật này, bớt di vật kia.  
Số tiền mới lớn nhất-bốn triệu đồng- dành cho Hiệp Hội Bảo Vệ Sinh Vật Hoang Dã của Thị Hạt Sarasota Beach.   Để hội đủ điều kiện, họ phải đệ đơn thỉnh cầu với cơ quan lập pháp tiểu bang để xác nhận một hòn đảo ngoài khơi Pelican Point vĩnh viễn hoang dã.


“ Cái đó không khó,” cụ Án nói.  “ Nếu muốn, anh có thể đại diện cho họ.  Làm thiện nguyện thì tốt hơn, nhưng dĩ nhiên, tùy anh.  Hòn đảo đó đồng không mông quạnh, chẳng có gì.”
Wayland đồng ý là chuyện giản dị, không có vấn đề gì.
“ Sau khi bản thảo viết xong, ta sẽ cần hai nhân chứng, và người thị thực chữ ký.”  Wayland nói khi họ làm xong.
“ Bản thảo này coi như đã đủ,” cụ Án nói.  “ Nếu có chuyện gì xảy ra cho tôi, thì nó đủ hiệu lực.  Chẳng còn ai để chống đối.  Họ chết hết rồi.”
“ Cẩn tắc vô ưu, cụ ạ.  Mình nên hoàn tất thủ tục đêm nay.  Hay mình nhờ ông quản gia và bà
giúp việc--”
“ Họ về cả rồi,” cụ Án nói, “ Sáng mai tôi sẽ đưa cho anh công chứng viên ở đầu ngõ.  Đưa tôi bản thảo để tôi cất vào két sắt.”
Wayland nhìn bàn tay gầy guộc đang chìa ra.  Khi quan án, dù cho là một quan án đã về hưu, xoè tay thì có nói gì cũng bằng thừa.  Cũng chẳng sao, đó chỉ là phiên bản có chú giải, rồi sẽ được thay thế bằng một văn bản  đầry đủ hơn.  Anh đưa bản chúc thư chưa ký và nhìn cụ Án mở một tủ sắt đầy ắp tiền mặt bỏ vào.
“ Xong,” cụ Án nói.  “ Bây giờ uống một ly rượu mừng nhé? tôi có chai Scotch này ngon lắm.”
“ Dạ.  Thế thì con xin cụ một ly.”
“ Anh uống một mình nhé.  Già rồi, bao tử tôi nó hay quấy rầy lắm.  Có đá không?”
Wayland dơ ra hai ngón tay và cụ Beecher cho hai cục đá vào ly với cái nghi thức chậm chạp của người già.  Wayland uống một ngụm và đỏ mặt ngay lập tức.  Cái đỏ mặt của một người tận hưởng vị rượu mạnh.  Wayland đặt ly rượu xuống rồi nói.  “ Con hỏi có lẽ hơi đường đột, nhưng sao cụ có vẻ vội vã vậy? Cụ vẫn khoẻ mạnh chứ? “
“ Cũng tàm tạm,” cụ nói, tay phe phẩy trong không khí và ngồi xuống, nhăn mặt thở ra.  Một lúc sau cụ nói, “ Anh có thực sự muốn biết tại sao không?”
Wayland ngẫm nghĩ rồi gật đầu.
“ Chuyện này liên quan đến hòn đảo vừa nhắc tới.  Chắc anh chưa thấy nó bao giờ, phải không?”
“ Dạ thưa chưa,”
“ Ít người để ý đến nó.  Bé cỏn con ấy mà.  Rùa biển mà còn không buồn đến đó.  Thế nhưng nó lại rất đặc biệt.  Anh có biết ông nội tôi có tham dự trận chiến Tây Ban Nha-Mỹ không?”
“ Dạ thưa không,”  Wayland trả lời bằng một giọng hơi cung kính quá, và Beecher biết là thằng nhỏ nghĩ mình lẩn thẩn.  Nhưng mà nó sai lầm.  Đầu óc cụ chưa bao giờ tỉnh táo như vậy.  Trước sau cũng phải kể một lần trước khi chết.  
“ Tôi còn giữ tấm hình cụ đứng trên đỉnh đồi San Juan.”
“ Thế ông cụ có phải là luật sư giống cha của cụ và cụ không?”
“ Không, con, ông ấy là một tay cướp.  Và như những tay cướp không bị bắt- quan đương kim thống đốc nhà ta là một trường hợp điển hình-ông ấy tự nhận mình là thương gia.  Nghề ông ấy là mua bán đất đai.  Ông mua đất Florida đầy rắn rết và cá sấu với một giá rẻ mạt rồi bán cho những kẻ dễ tin.  Cụ Balzac đã từng nói, “ Phi gian bất thành.”  Này, này.  Nhớ là anh là luật sư của tôi đấy nhé.  Chớ có hở môi.”
“ Dạ thưa cụ, vâng.”  Wayland tợp một ngụm nữa.  Chưa bao giờ uống rượu Scotch ở đâu mà ngon thế.
“ Hôm ấy ông nội tôi phải trông tôi, mà trong nhà khi ấy có một cô hầu gái trông cũng xinh xắn.  Và ông nội tôi chỉ vào hòn đảo ấy, nói tướng cướp Hắc Hồ Tử hồi xưa chôn ngọc ngà chấu báu ngoài đó. “
“ Và cụ đi thám hiểm để mặc cụ cố ở nhà thám hiểm cô hầu gái.”
Cụ Án gật đầu mỉm cười.  “ Tôi lấy chiếc thuyền tam bản chèo ra đó.  Mặt đảo quay lại đất liền thì toàn là đá và bụi cây nhưng mặt quay ra vịnh thì toàn là cát mịn.  Không bao giờ thay đổi.  Trong suốt tám mươi năm trời đi đi về về, nó không bao giờ thay đổi.”
“ Đâu có tìm thấy vàng bạc châu báu gì, phải không ạ?”
“ Vàng bạc châu báu không thấy.  Tôi chỉ thấy chữ viết trên cát.  Tên người ta.  Như viết bằng
khúc cây, chỉ có cái là không thấy khúc cây nào.  Nét viết khắc sâu trong cát, và bóng mặt trời làm nó nổi lên.”
“ Tên ai vậy cụ?”
“ Anh phải thấy thì mới hiểu được.”


Cụ Án lấy một tờ giấy trên mặt bàn, viết nắn nót cẩn thận, rồi đưa tờ giấy ra để Wayland đọc:
ROBIE LADOOSH.
“ Đó là tên của thằng bạn nố́i khố thuở bé của tôi.  Làm gì cũng có nhau.  Nhưng mùa hè năm ấy nó về quê ngoại ở Virginia hay Maryland chơi rồi.  Tên thật của nó là Robert Ladoucette.”


Wayland ngồi lắng nghe một cách kiên nhẫn.
“ Nhưng anh phải nhớ là lúc đó tôi mới lên mười.  Vàr nếu phải viết tên bạn mình xuống thì tôi sẽ gọi nó là Robie LaDoosh.” cụ lấy ngón tay gõ nhịp trên tờ giấy và trầm ngâm nói như nói với chính mình.  “  Có nghĩa là cũng phần nào ở tôi.  Chắc chắn vậy rồi.  Vấn đề là bao nhiêu?”


“ Thế cụ không phải là người viết trên cát?”
“ Không.  Tôi tưởng tôi nói cũng đã rõ.”
“ Có thể là mấy người bạn khác của cụ chăng?”
“ Không.  Chẳng đứa nào biết gì về hòrn đảo ấy. Nhà chúng nó ở xa, không đời nào lại mò mẫm xuống tận nơi này.”
“ Lạ nhỉ.”
“ Vài ngày sau gia đình tôi được tin là thằng Robie té ngựa gẫy cổ và chết tại chỗ.”


Cả hai ngồi trong im lặng.  Xa xa có tiếng trực thăng bay trrên vùng vịnh.  Chắc cảnh sát đi truy lùng lũ buôn lậu nha phiến.
“ Thế cụ có kể cho ông nội không?”
“ Ngày nhận được điện tín thì ông tôi đi chơi xa.  Không, tôi giữ kín chuyện này trong lòng và không hề nói cho ai khác.
“ Tôi vẫn ngày ngày bơi thuyền ra đảo, tìm kiếm câu trả lời.  Chẳng có gì.  Tất cả đều bình thường.  Dần dà rồi cũng bắt đầu quên đi, nhưng rồi một buổi chiều đi học về ra đảo thì lại thấy một tên khác viết trên cát.  In trên cát.  Peter Alderson.  Một cái tên nghe không quen thuộc.  Vài ngày sau khi ra đầu đường lấy báo, tôi có cái thói quen vừa đi vừa đọc lướt trang chính- mà cái lối vào nhà thì như anh lái xe vào đây thì chắc đã thấy, cũng phải đến bốn, năm trăm mét chứ ít gì.
“ Ngày hôm ấy, dòng tít lớn trên trang bìa như đập vào mắt tôi: NHÂN VIÊN CHÙI KÍNH CHẾT TRONG MỘT TAI NẠN HIẾM CÓ.  Anh chàng xấu số này đang lau kính cửa sổ lầu ba thư viện Sarasota thì cái giàn anh đang đứng bỗng sập.  Tên anh ta là Peter Alderson.”


Cụ Án có thể thấy được nét nghi ngờ hiện lên trên mặt Wayland.  Cũng cũng nhận thấy là anh chàng có vẻ thích rượu ngon, và khi cụ rót châm cho đầy ly thì anh ta chẳng từ chối.  
“ Do đó chắc anh có thể hiểu được lý do tại sao tôi hơi phân vân không biết hiện tượng này có dính dáng gì tới tôi hay không.  Một mặt, tôi biết Robie, và chữ viết trên cát đánh vần sai tên giống như lối tôi đánh vần sai tên nó.  Mặt khác thì tôi hoàn toàn không biết gì về anh chàng
chùi kính này.  Và kể từ đó, tôi bắt đầu ra đảo mỗi ngày, một thói quen mà tôi giữ mãi cho đến giờ này.  
“ Kể từ đó, không biết bao nhiêu cái tên đã xuất hiện trên cồn cát, và ai có tên trên cát cũng đều chết.  Có khi ngay trong tuần, có khi hai tuần, nhưng không bao giờ quá một tháng.  Người nào tôi biết qua biệt danh thì thấy biệt danh viết trên cát.  Một ngày trong năm 1949 tôi thấy hàng chữ ÔNG NỘI vẽ trên cát.  Ông nội tôi mất ở Key West ba ngày sau vì bệnh trụy tim.”


Wayland hỏi bằng một giọng chiều lòng người tâm trí bất thường nhưng không nguy hiểm,
“ Thế cụ có bao giờ thử can thiệp cái … hiện tượng này không? như gọi cụ nội chẳng hạn, nói cụ đi nhà thương hay bác sĩ?”
Cụ Beecher lắc đầu.  “ Nào có biết là trụy tim đâu? Lỡ tai nạn hay giết người thì sao?  Ông nội tôi có khối người thù oán.”
“ Nhưng…”
“ Thật tình mà nói thì tôi quả cũng sợ.  Tôi có cảm tưởng như nơi cồn cát đó có một cái cửa nắp được mở hé ra.  Bên này là cái ta gọi là “ thế giới hiện thực.”  Bên kia là cơ giới máy móc của vũ trụ hoạt động siêu tốc.  Họa là chỉ có mấy thằng điên mới thọc tay vào để can thiệp.”
“ Cụ Án, con đề nghị cụ đừng nói ai nghe chuyện này cho đến khi chúc thư được kiểm nhận xong xuôi.  Cụ thừa biết cái điều kiện căn bản “ tinh thần minh mẫn.””
“ Tôi đã giữ kín hơn tám mươi năm nay,” Beecher nói bằng giọng mà Wayland nghe như là
giọng phán quyết quan tòa.  “ Và tôi chẳng cần phải nói thì anh cũng phải biết, tất cả những gì tôi nói đều được bảo vệ bởi đặc quyền luật sư-thân chủ.”
“ Dạ thưa cụ dạy phải.” Wayland nói.


“ Thường thì khi đọc tên trên cát thì tôi cảm thấy khích động-biết là không phải, nhưng không tránh được.  Duy có một lần mà tôi bị khủng hoảng và trở về đất liền như bị ma đuổi.  Anh có muốn nghe không?”
“ Dạ có.” Wayland nhấc ly nhấm nháp.  Chẳng sao.  Tính tiền giờ mà.
“ Năm ấy là 1959. Tôi làm việc ở Sarasota và sống ở Pelican Point.  Hôm ấy tôi bận việc văn phòng nên về trễ, và khi chèo ra tới cồn cát thì mặt trời màu đỏ thẫm đã ngả về Tây.  Cảnh quan mục kích làm tôi choáng váng chóng mặt và đứng yên như trời trồng.
“ Trên mặt cồn cát lần này được che kín bởi hàng hàng lớp lớp những tên, không biết cơ man nào kể xiết.  Và dưới ánh tà dương trông như được viết bằng máu.
“ Tôi nghĩ là tôi đã thét lên vì sợ hãi và ù té chạy về chỗ cột thuyền và chèo bán sống bán chết về đất liền.
“ Hai ngày hôm sau, một chiếc máy bay hãng TWA trên đường đi Miami, rớt xuống vùng Everglades.  Tất cả 119 hành khách đều thiệt mạng.  Danh sách hành lhách được đăng trên báo.  Tôi nhận ra gần hết.”
“ Cụ thấy những tên đó?”
“ Phải.  Nhiều tháng sau tôi không dám ra đảo nữa, và tôi tự thề với lòng mình là sẽ không bao giờ ra nữa.  Chắc mấy đứa ghiền ma túy hẳn cũng từng nhiều lần tự hứa như vậy.  Và như họ, tôi cảm thấy yếu lòng và chứng nào tật nấy, trở về với thói quen cũ.  


“ Luật sư Wayland, thế giờ anh đã hiểu tại sao tôi cho mời anh ra đây để làm cho xong bản chúc thư, và tại sao phải là tối hôm nay không?”
Wayland hoàn toàn không tin một chút nào, nhưng như nhiều ảo tưởng khác, cái ảo tưởng này cũng có cái lý bên trong của nó.  Cụ Án đã qua cái tuổi 90, da dẻ không còn hồng hào như xưa, và bước đi không còn vững vàng.
“ Có phải tại cụ thấy tên mình trên cát?” Wayland nói.


Cụ Án khựng lại trong khoảnh khắc, nhưng rồi nở một nụ cười.  Đó là một nụ cười khủng khiếp, biến khuôn mặt gầy gò, tái mét của cụ thành một cái sọ người đang há miệng cười.
“ Không phải,” cụ nói, “ Đó không phải là tên tôi.”