Monday, January 16, 2017

Bản Đồ của sự Bội Phản --Hà kim 1949

Bản Đồ của sự Bội Phản --Hà kim

1949

Anh từ miến bắc trở về Thượng Hải trong cái năm đầy biến động ấy.  Tên anh thật ra không phải là Gary mà là Vĩ Dân.  Anh là một người mật vụ trẻ tuổi làm việc cho Cộng Sản. Anh có nhiệm vụ phải len lỏi vào hệ thống an ninh nội bộ của Quốc Dân Đảng, nhất là Đệ Bát Cục, lúc ấy đang thi hành một kế hoạch có quy mô lớn với mật danh là ‘Con Ngựa Thành Troa.’  Họ dự định sẽ huấn luyện hàng trăm cán bộ gài lại trong thành phố sau khi Quốc Dân đảng đã rút về Đài Loan.  Phe Cộng Sản, ngược lại, muốn bắt hết những phần tử nguy hiểm phá hoại công xưởng, ngăn chặn giao thông, làm tiền giả, gây xáo trộn trật tự xã hội, thu thập tin tức, và sẽ phối hợp với quân đội Quốc Dân Đảng khi họ trở lại để tái chiếm lục địa.   Vĩ Dân là tay mơ trong ngành phản gián nhưng vì tốt nghiệp trường đai học Thanh Hoa nên thông minh và có học hơn các đồng chí khác.  Hơn thế nữa, vì đã từng theo học trường truyền giáo trong ba năm liền nên anh nói tiếng Anh lưu loát và có thể trà trộn vào với người ngoại quốc.

Anh mới lấy vợ tháng trước, vợ để lại miền quê miệt bắc Sơn Đông.  Cuộc hôn nhân tuy do cha mẹ sắp đặt nhưng anh quí vợ mặc dù tình yêu chưa phát triển sâu đậm.  Dụ Phong có một thân hình đầy đặn, mái tóc dài, làn da mịn màng và khi cười thì ánh mắt cũng long lanh.  Anh muốn giữ nàng ở làng để đỡ đần việc nhà và để chăm sóc cha mẹ.  Đối với trong làng thì Thượng gia thuộc loại khá giả, nhà có bẩy mẫu đất.  Vĩ Dân nghĩ trước sau rồi mình cũng sẽ ở lại thành phố, Bắc Kinh hay Thiên Tân hay Tể Nam.  Anh hứa sẽ về đón nàng trong nay mai.  Anh là người miế̀n bắc nên không thích miền nam lắm mặc dù thức ăn ngon hơn và có ảnh hưởng ngoại quốc nơi những thành phố miền duyên hải.  Tuy nhiên anh không khó chịu vì biết mình chỉ phải sống trong một thời gian ngắn.  Tình trạng chính trị quốc gia mỗi ngày một thêm rõ rệt; quân đội Quốc Dân đang bị  Cộng Sản đánh thảm bại và chẳng chóng thì chày, họ sẽ lấy lại toàn thể đất nước.  

Anh không hội đủ điều kiện để được vào Đệ Bát Cục:  anh không bắn giỏi, không biết lái xe hay gỡ bom, và anh đã rớt kỳ thi thực hành một cách thảm hại.  Nhưng khi thi chính trị anh lại được điểm cao.  Anh trả lời đúng hết các câu hỏi và viết một bài luận văn ngắn gọn và trong sáng về Chủ Thuyết Tam Dân của Tôn Dật Tiên (Dân tộc, dân quyền, và dân sinh).  Viên đại tá duyệt kết quả kỳ thi đã khâm phục và cho vời Vĩ Dân vào văn phòng.

Hồ sơ thí sinh dở sẵn ra, Đại tá Từ nói với người thanh niên ngồi trước mặt,”Tại sao chú lại muốn đi làm công việc này hả?  Đã tốt nghiệp đại học Thanh Hoa mà lại còn thông thạo tiếng Anh, thiếu gì công việc khác tốt hơn.”

“Tôi cần tiền để mà sống nên việc nào cũng làm.”  Vĩ Dân trả lời.

“Tôi thích thái độ của chú.  Gặp thời thế, thế thời phải thế.  Được lắm.” ông đại tá có tướng tá vạm vỡ, lại thêm cái răng vàng sáng chói, ngoắc ngón tay gọi Vĩ Dân lại gần.  “Tôi khuyên chú nên tìm việc có liên hệ đến dịch vụ nước ngoài như tòa đại sứ Mỹ hay ngân hàng quốc tế chẳng hạn.  Lương lậu khá hơn nhiều.”

“Tôi mới chân ướt chân ráo đến đây.  Có gì nhờ ông chỉ bảo cho.”

Đại tá Từ mở nắp cây bút máy mầu bạc, hí hoáy viết gì trên tấm thẻ rồi đẩy sang cho Vĩ Dân mà nói, “Đây là một chỗ chú có thể đến thử thời vận.  Nghe nói họ cần người thông dịch.”

Vĩ Dân cầm tấm thẻ và thấy tên cùng địa chỉ của một cơ quan văn hóa Hoa Kỳ.  Ông đại tá nói thêm, “Họ có kỳ thi sát ngạch mỗi sáng thứ Hai.  Cố đến trước chín giờ.”

Vĩ Dân cám ơn bỏ đi về mà trong bụng thấp thỏm.  Còn phải xin phép Đảng chứ đâu phải muốn đổi việc là đổi đâu.  Nhưng khi trình với thượng cấp thì họ không những không cấm mà còn khuyến khích.  Họ nói Đảng Cộng Sản cũng có một kế hoạch tương tự như kế Con Ngựa Thành Troa của Quốc Dân Đảng nhằm xâm nhập mọi tầng lớp quân sự cũng như hành chính của phe địch.  Họ còn đề nghị anh đổi tên thành Gary Thượng, nghe cho nó ngon lành và đúng mốt.  Giấy tờ sẽ được xúc tiến thay đổi ngay cho hợp lệ.  

Thế là Vĩ Dân biến thành Gary.  Cuộc thi sát ngạch ở cơ quan văn hóa Hoa Kỳ bắt  phải dịch một bài tiểu luận của Lão Xá sang tiếng Anh mà không được dùng tự điển.  Đối với anh việc này không khó, duy có vài chữ anh không biết đánh vần, như “cigarette” và “philosopher.”  Aanh dùng chữ “smoke” và “thinker” để thay thế.  Anh nghĩ mình phạm nhiều lỗi vớ vẩn nên không buồn nhắc đến việc đi thi trước mặt các đồng chí.

Nhưng tuần sau anh nhận được thư yêu cầu đến phỏng vấn.  Thi đậu thật à?  “Chắc anh phải làm bài giỏi lắm,” Sở Bính Văn nói.  Hắn là một anh chàng mặt tròn, mắt ó, chỉ hơn Gary có một tuổi nhưng là cấp trên của anh.  Bính Văn là một đặc vụ có nhiều kinh nghiệm, được gửi thẳng từ căn cứ của Cộng Sản ở Diên An về.  Gary nghĩ họ muốn phỏng vấn vì chẳng có mấy người nộp đơn--ai chẳng biết người Mỹ sẽ bỏ đi nay mai, có dính vào chỉ tổ rắc rối.

Mùa đông Thượng Hải tối tăm và ẩm ướt.  Gary cảm thấy khốn khổ vì lúc nào cũng lạnh thấu xương, ít nhà nào có lò sưởi và khó tìm chỗ nào sưởi ấm cho dù chỉ trong khoảnh khắc.  Đêm đêm anh và bẩy người đồng chí nằm như cá hộp trong một căn phòng.  Dân chúng thì phập phồng lo sợ trong khi cuộc nội chiến vẫn đang hoành hành.  Đoàn quân Cộng Sản tiếp tục tràn về từ phía bắc, chuẩn bị vượt sông Trường Giang để chiếm Nam Kinh, thủ đô Trung Quốc thời bấy giờ.  Mỗi ngày có hàng chục con tàu rời Thượng Hải đi Đài Loan, mang theo nghệ phẩm quí giá, sinh viên, gia đình quan chức, và trang thiết bị kỹ nghệ cũng như quân đội.  Những đồng chí của anh thích cái náo nhiệt của đời sống đô thị, của những quán cà phê, hộp đêm, và rạp xi-nê.  Lắm người còn lén lút đi vào sòng bài.  Gary cũng thích xi nê, nhưng thích trà hơn cà phê.  Khi bạn bè kháo chuyện đàn bà con gái Thượng Hải và chê bai dân nhà quê thì anh lắc đầu nói, “Mấy cô đó trát nhiều phấn son quá.”  Anh nhớ Dụ Phong da diết và đêm nào cũng nghĩ về nàng trước khi đi ngủ.

George Thomas, một viên chức Mỹ cấp thấp, phỏng vấn Gary tại cơ quan văn hóa HK.  George vừa nói vừa khoa tay múa chân.  Anh hỏi Gary đã đọc những cuốn sách tiếng Anh nào.  Gary liệt kê vài cuốn: Đất Lành, Chị Carrie, Đường Main, Chữ A màu đỏ, và Cuốn Theo Chiều Gió.  Tí nữa thì anh nhắc đến cuốn Sao Đỏ Trên Bầu Trời Trung Quốc của Edgar Snow, một cuốn sách mà anh rất thích và cũng là cuốn sách đã khích động hàng chục ngàn người trẻ tuổi gia nhập Cộng Sản như một phương thức duy nhất để cứu nước.  Thay vào đó, anh nhắc đến cuốn Một Căn Nhà Búp Bê của Ibsen mặc dù mới chỉ coi kịch chứ chưa đọc.  Trừ cuốn của Pearl Buck ngoài ra anh chỉ đọc bản dịch.  Thomas có vẻ hài lòng với câu trả lời và nói,  “Anh nói tiếng Anh khá hơn viết.  Thường thì ngược lại.”

“Tôi có học trường truyền giáo.”

“Đạo nào?”

“Giáo Hội Episcopal.  Từ North Carolina sang.”

“Anh dịch có vài chỗ sai, nhưng vẫn khá hơn những thí sinh khác.  Một khi làm việc cho chúng tôi thì văn viết của anh sẽ tiến bộ mau chóng.”

“Tôi được mướn hả?”

“Ngay giờ chưa dám hứa vì còn phải điều tra lý lịch.”

“Tôi hiểu.”

“Chúng tôi sẽ liên lạc với anh.”

Tối hôm đó, Gary báo cáo cho Bính Văn biết kết quả. Bính Văn nói sẽ trình thượng cấp ngay đễ lãnh chỉ thị, nhưng anh chắc chắn Đảng sẽ ra lệnh cho Gary nhận việc.  Cơ hội này có vẻ như trên trời rơi xuống nhưng cả hai đều không biết tương lai sẽ đi đến đâu.

Trong lúc đó, Gary hơi lo lắng trước viễn tượng người Mỹ có thể sẽ rút ra khỏi Thượng Hải.  Anh không màng chuyện làm việc cho họ trong một thời gian ngắn, nhưng nhỡ họ dọn sang một nước khác như Úc Đại Lợi hay Phi Luật Tân chẳng hạn thì sao?  Anh có phải theo họ không? Anh không muốn đi ngoại quốc vì anh là con trai một và đã hứa Dụ Phong sẽ về mang nàng lên tỉnh.  Nội trong vòng ba ngày, Bính Văn nhận được chỉ thị từ trên gởi xuống: “Đồng chí Gary Thượng phải nắm lấy cơ hội làm việc cho cơ quan văn hóa HK, đó thực ra là một đơn vị phản gián trá hình.  Đồng chí phải ở với họ càng lâu càng tốt để thâu thập tin tức.”

George Thomas gửi thư cho Gary một tuần sau, cho biết anh đã được nhận làm thông dịch viên, lương tháng 145$.  Lúc ấy nạn lạm phát lên tới mức kỷ lục khắp nơi Trung Quốc nên tiền Đô la Mỹ rất có giá.  Lắm thương vụ chỉ nhận đô la hay vàng.  Gary hài lòng với mức lương và sẽ gửi tiền về phụ giúp gia đình.  

Khi bắt đầu làm việc, anh không thu được nhiều tin tức vì chỉ được dịch những văn kiện thông thường như giấy tờ chuyển vận hàng hóa, hay diễn văn của quan chức cao cấp.  Nhưng tiếng Anh của anh tiến bộ mau chóng.  Bây giờ anh đếm số và ngủ mơ bằng tiếng Anh.  Người Mỹ thích anh vì bài dịch sáng sủa và chính xác.  Văn viết của anh lưu loát và có ngữ điệu của người ngoại quốc lịch sự.  Lãnh lương tháng đầu là anh tậu liền một bộ com lê và một đôi giày Oxford.  Anh tính nhẩm, cứ đà này thì trong vòng sáu tháng anh có thể mua được cái ra-đi-ô sau khi đã gửi về nhà năm mươi đô mỗi tháng.

Chế độ Quốc Dân Đảng bắt đầu sụp đổ như tuyết lở.  Cuối tháng Tư thì Nam Kinh thất thủ, và tám đội lục quân Cộng Sản đang tiến tới Thượng Hải từ nhiều hướng khác nhau.  Một hôm giữa tháng Năm, George Thomas cho gọi Gary vào văn phòng.  Hắn hỏi anh có thể đi cùng người Mỹ không vì họ đánh giá công việc của anh rất cao.   Gary nói phải về bàn lại với gia đình.

Anh nói chuyện này cho Bính Văn nghe.  Ngày hôm sau lại có chỉ thị từ trên gửi xuống:  “Đi theo người Mỹ.  Họ đi đâu anh phải theo đó.”

Gary muốn gặp cha mẹ và vợ trước khi đi.  Ba tháng rồi mà anh chưa biết tin tức gì của vợ, thời buổi giặc giã nhiễu nhương nên thư từ cũng hay thất lạc.  Anh đã viết cho Dụ Phong nhiều lần mà không thấy hồi âm.  Nhưng cấp trên trong Đảng không cho phép.  Cả người Mỹ cũng không muốn anh về thăm nhà vì chỉ sợ anh mượn cơ hội để thôi việc luôn.  Lệnh trên đã ra như vậy biết nói sao giờ.  Anh buồn không chỉ vì sẽ phải xa gia đình mà còn vì sẽ không có cơ hội để đóng góp trực tiếp vào công cuộc xây dựng đất nước.  Người liên lạc trực tiếp của anh trong tương lai sẽ là Bính Văn. Bính Văn hứa sẽ gửi lương tháng mật vụ của anh về gia đình hàng tháng trong khi anh đi công tác nước ngoài.  Ông ta đưa Gary một máy ảnh bỏ túi Regula của Đức, phòng khi hữu sự.

Cuối tháng Năm Gary rời Thượng Hải với người Mỹ.  Toàn bộ cơ quan văn hóa ở lại Hồng Kông một thời gian ngắn rồi sau đó chuyển sang Okinawa.


xxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxx


Khóa học mùa xuân tại đại học sư phạm Bắc Kinh khai giảng vào ngày 15 tháng Hai.   Lớp lịch sử nước Mỹ của tôi, một lớp đại cương dành cho sinh viên lớp dưới, có sáu bảy người đến từ Hồng Kông và Đài Loan.  Họ không có gì đặc biệt ngoại trừ nói tiếng Anh giỏi hơn vì được học từ bé.  Hai mươi năm trước có ai ngờ họ sẽ sang Trung Quốc học.  Tôi dạy trong một giảng đường lớn, chỗ ngồi dốc thoai thoải kiểu sân vận động, và lớp lúc nào cũng chật kín.  Tôi để ý thấy nhiều sinh viên vào lớp chủ yếu để học Anh văn, vì họ dự định sẽ xuất ngoại học trường chuyên nghiệp hay đi thực tập.  Một cô gái học ban nhân chủng học nói cha mẹ sẵn lòng đài thọ học phí và tiền ăn tiền ở nếu cô được nhận vào một chương trình hậu đại học kha khá.  Tôi hỏi thế nào là “kha khá”?  “Tối thiểu là Rutger hay UMass-Amherst hay bất cứ trường UC nào cũng được.” cô nói.  Tôi không ngờ cha mẹ cô rành rẽ về hệ thống đại học Hoa Kỳ đến thế.  

Thời buổi này nhiều người Trung quốc có tiền có bạc, một phần vì họ chỉ phải lo tiền ăn mà không phải đóng thuế bất đông sản.  Dĩ nhiên chỉ cần bước ra khỏi khuôn viên đại học là có thể gặp đủ loại hạng người phải tranh thủ để kiếm bữa ăn mỗi ngày.  Cách cổng vào đại học không xa có một cơ quan tìm việc làm tọa lạc bên cạnh tấm biển quảng cáo thuốc gội đầu.  Ngay dưới tấm biển quảng cáo khổng lồ có hình một thiếu nữ tươi cười khả ái cầm một cái chai sủi bọt hồng, những dân công, thanh niên thiếu nữ từ dưới quê mới lên tụ tập mỗi sáng chờ được chọn đi làm việc công nhật hay làm công tạm, năm sáu đồng một ngày.  Người hút thuốc tán dóc, kẻ đứng nhìn xuống đất. Nếu ra bến xe lửa hay xe buýt sẽ thấy thiếu gì người đứng ngồi tha thẩn, lắm người không nhà không cửa.  

Tôi cũng dạy một khóa học cao học gồm mười bốn sinh viên, gặp nhau mỗi tuần một lần, mỗi lần ba tiếng.  Chúng tôi thảo luận những vấn đề trong lịch sử và văn hóa Á Mỹ châu.  Tôi đã dạy cả hai lớp nhiều lần nên không cần phải chuẩn bị mấy, và có nhiều thời gian cho dự án tìm hiểu quá khứ của bố tôi.  Hồi này Bắc Kinh không khí có hơi căng thẳng vì những phong trào đòi dân chủ bên Trung Đông và Phi châu.  Nhưng trong khuôn viên đại học thì người ta nói chuyện thả cửa.  Tôi kể cho vài đồng nghiệp nghe vấn đề của tôi trong việc điều tra cá nhân.  Giáo Sư Bành, một vị giáo sư lớn tuổi dạy triết mà tôi đã quen biết khá lâu, nói đừng bỏ cuộc.  Ông nói nếu ông Sở còn sống thì thế nào cũng tìm ra.  Bộ An Ninh Quốc Gia nơi ông Sở từng làm thể nào chằng có hồ sơ của ông.  Ngần tuổi ấy thì chắc chắn đã về hưu, chẳng có lý do gì cấm không cho gặp tôi.  Giáo sư Bành nói ông có người học trò hiện đang làm cho bộ ấy và có thể giúp tôi được.  Ông liên lạc người thanh niên ấy, một viên chức ngạch thấp, và nói tôi đến gặp.  

Tôi đến tổng hành dinh của bộ An Ninh Quốc Gia, một bin đinh bẩy tầng màu nâu chung quanh có rào kẽm gai.  Người lính gác cổng gọi điện vào bên trong và anh viên chức trẻ tuổi đi tà tà ra gặp tôi.  Anh ta mày râu nhẵn nhụi và nói chuyện nhã nhặn .  Tôi nói cần kiếm ông chú, kể cũng không xa sự thật lắm vì Sở Bính Văn là bạn vong niên của bố tôi.  Tôi cho anh thấy tấm hình ông Sở mà tôi chụp ra từ cuốn ‘Tên Gián Điệp Tàu’.  Phải có hình ảnh vì tôi không biết tên thật của ông.  Anh viên chức trẻ tuổi có vẻ thích thú khi biết tôi đang dạy học tại trường cũ của anh và khi thấy  tôi nói tiếng quan thoại khá sõi.  Anh viết dữ kiện về Sở Binh Văn xuống rồi hứa sẽ cho người lục trong kho lưu trữ.  Anh hứa sẽ gọi nếu tìm được gì.

Cuối tháng Hai anh gọi cho biết ông Sở hiện đang ở tại một ngoại ô của Bắc Kinh trong một cư xá dành cho cán bộ về hưu.  Tôi gọi ông Sở tối hôm ấy, nói tôi là con gái của Gary Thượng từ bên Mỹ sang và rất muốn gặp ông.  Ngẫm nghĩ một hồi rồi ông Sở nói bằng một giọng cho thấy đầu óc vẫn còn minh mẫn, “Cũng được, tôi giờ này ngày dài tháng rộng.   Lúc nào đến cũng được.”

Tôi hẹn chiều thứ Tư vì thứ Tư chỉ dạy buổi sáng.  Trước khi đi, tôi duyệt lại vài câu hỏi quan trọng cho việc dàn dựng lại quá khứ của bố tôi.  Tôi lấy tắc xi đến nhà ông Sở vì ngại đi xe buýt và xe điện ngầm đông người.  Hai chục năm trước, khi còn ở cái tuổi ba mươi đi dậy ở Bắc Kinh, tôi hoặc đạp xe hoặc dùng vận chuyển công cộng mỗi khi đi đâu, nhưng giờ lớn tuổi, đi hết nổi rồi.

Sở Bính Văn là một người đàn ông nhỏ thó với chùm tóc trắng như miến và mặt đầy tàn nhang, nhưng cặp mắt ông vẫn tinh anh.  Tám mươi bảy tuổi mà như vậy là quá khoẻ.  Ông có vẻ thoải mái và vui vẻ khi gặp tôi.

Chúng tôi ngồi trong phòng khách nhà ông, tường treo đầy bằng khen đóng khung.  Sau khi người con gái út trạc độ bốn mươi mấy tuổi đem trà Long Tĩnh ra mời, ông nói với cô ta, “Con để mặc cha nói chuyện với Lilian một lúc nhé?”

Người đàn bà với dáng vậm vạp gật đầu và bỏ đi không nói một tiếng.  Tuy ông gọi tôi bằng tên tục và tôi gọi ông là chú Bính Văn, nhưng tôi vẫn cảm thấy giữa chúng tôi có một khoảng cách rõ rệt.  Trong suốt ba thập niên ông không chỉ là người liên lạc và xử lý mà còn là người bạn tín cẩn của bố tôi.  Tôi tự nhủ mình phải điềm tĩnh và nhớ mình đến đây chủ yếu để hỏi vài câu hỏi.  Ông Sở cho tôi ghi chép nhưng không đồng ý cho ghi âm buổi đối thoại.  

“Đúng thế,” ông nói.  “Gary và tôi vừa là tình đồng chí vừa là tình bạn.  Tôi là người đề nghị cho anh ấy được gia nhập Đảng.”

“Hồi nào vậy?”  tôi hỏi.

“Mùa hè năm ...một chín năm-mươi-hai--không, năm-mươi-ba.”

“Chú Bính Văn, theo chú, bố cháu có phải là một người Cộng Sản tốt, một tín đồ thuần thành không?”

“Khó mà nói được.  Tôi chỉ biết anh ấy yêu Trung Quốc và đã phục vụ tốt cho xứ sở.”

“Bố con là một người ái quốc?”

“Không thể nghi ngờ được.”

“Thế chú có nghĩ bố con cũng có thể yêu Hoa Kỳ không?”

“Có.  tôi có đọc ...trong một bài báo viết về phiên xử.  Tôi có thể thông cảm cho anh ấy.  Con cá bơi trong nước, không thể không chịu ảnh hưởng bởi môi trường.  Con người ta sống ở đời thế nào chẳng bị chi phối bởi những lực ngoài tầm điều khiển.”

“Đúng vậy.  Chú gặp bố cháu thường xuyên không?”

“Trung bình, cứ hai năm gặp một lần.  Nhưng thỉnh thoảng cũng mất liên lạc, vì tình hình chính trị Trung quốc ... xáo trộn.  Có khi mỗi năm gặp một lần.”

“Bố cháu có bao giờ về Tàu không?”

“Không.  Không bao giờ.  Cấp trên không cho phép.  Nhỡ lộ tung tích thì sao.  Gary thèm về thăm lắm.  Anh ta nhớ nhà và cô đơn.  Dân trong ngành ai chẳng biết điều này.  Chúng tôi kính phục lòng can đảm, nghị lực, và hy sinh của Gary.”

“Thế sao Trung Quốc không cố cứu bố cháu khi ông bị giam giữ bên Mỹ?”

“Anh ấy thuộc típ đặc vụ mà chúng tôi gọi là cây đinh.”

“Là sao? Con không hiểu.”

Ông Sở nhấc chén trà chiêu một ngụm, miệng hõm vào vì chỉ còn mấy cái răng.  Ông nói.  “Như cái đinh phải nằm nguyên vị trí...gỗ có hư mục cũng phải hư mục theo.  Đăc vụ loại này coi như đã chết.  Gary đã biết trước điều này.  Không cách nào khác.  Sinh nghề tử nghiệp.”

Tôi nghĩ ông nói kiểu nước đôi để khỏi đi vào chi tiết.  Vấn đề phức tạp vì liên hệ ngoại giao giữa hai nước và viễn tượng không biết còn dùng được Gary hay không.  Tôi đổi hướng một chút, “Đối với chính quyền Trung Quốc, bố con là gián điệp cỡ nào?”

“Gary là gián điệp cấp cao nhất.  Không ai bằng.”

Quả thật tôi không ngờ.  “Nhưng--bố con chỉ là tướng trên giấy tờ, phải không?”

“Không phải vậy.  Những tin tức anh ấy gửi về...đã giúp Trung Quốc làm những quyết định sinh tử cho an ninh quốc gia.  Có lắm tin đi thẳng lên Mao Chủ tịch.”

“Nhờ thế mà bố con được thăng cấp?”

“Đúng thế.  Anh ấy vào sau tôi nhưng chức vụ lại cao hơn.”  Ông Sở ngừng lại ngẫm nghĩ như để lấy sức.  “Trong hàng ngũ gián điệp, ít ai lên tướng mà chỉ do khả năng và đóng góp.  Gary là trường hợp ngoại lệ.  Anh ấy xứng đáng lên tướng.  Tôi không tài nàotheo nổi.”

“Chú không lên tướng à?”

“Tôi giữ chức đại tá...hơn hai-mươi năm trước khi về hưu.  Tưởng họ thế nào cũng cho thăng chức, nhưng tôi không đủ tiền tài thế lực.”

“Tiền tài, thế lực?”

“Phải biết đút lót đúng chỗ.  Gary thì khác… anh lên chứ do khả năng xứng đáng, do chỉ thị từ trên chóp bu.  Không nói láo đâu, thời bảy mươi, đồng nghiệp tôi nhắc đến tên ảnh với sự kính cẩn.”

“Chú nói họ xem bố con như một anh hùng?”

“Và một huyền thoại.”

Hình ảnh gương mặt xương sẩu của bố tôi bộng hiện lên trong đầu, nhưng tôi cố đè nén xuống.  Tôi nhìn vào danh sách câu hỏi và hỏi lại, “Chú Bính Văn, chú có gặp vợ cả bố cháu, Lưu Dụ Phong, bao giờ chưa?”

Mặt ông xịu xuống như tôi vừa đánh trật nốt.  Ông nói, “Tôi gặp chị ấy một lần, hồi năm sáu mươi … khi tôi về quê đi … đưa đám ông nội của cô.  Hồi đó chúng tôi gửi tiền hàng tháng, nhưng sau mất liên lạc.  Chị ấy bỏ làng ra đi thời sáu mươi.  Bây giờ ở đâu hay còn sống hay không, không ai biết.”

“Chú không có tin tức gì hết sao?”

“Có cái này.” Ông đứng lên đi ra kệ sách.  Ông kéo ngăn kéo lấy ra cuốn sổ, xé một trang.  “Đây là địa chỉ cũ dưới quê.  Chị ấy đổi địa chỉ nên chúng tôi ngưng gởi tiền.”

Tôi gấp mẩu giấy, bỏ vào túi trong áo khoác.  “Tại sao bà ấy không cho chú địa chỉ mới để gửi tiền?  Tôi hỏi.

“Trong những năm đói, tiền không có giá trị.  Đó là một lý do.  Có thể chị ấy đã đi một bước nữa … và không muốn dính dáng gì tới cha cô nữa.”

Chúng tôi nói chuyện tiếp về liên hệ của bố tôi với người xử lý.  Ông Sở quả quyết hai người dính liền như “hai con châu chấu cột chung bằng một sợi giây.”  Cũng nhờ Gary là gián điệp hàng đầu trong lòng địch mà ông Sở đã thoát nạn trong những cuộc chính biến và củng cố vị trí của mình trong hàng ngũ phản gián ở Bắc Kinh.  Ông lúc nào cũng cảm cái ân nghĩa đó.  Ông xem Gary là một anh hùng mà người Trung Hoa không bao giờ có thể quên được.  

Ông Sở như say mê khi kể chuyện quá khứ, càng nói càng say.  Chẳng mấy khi ông có dịp thổ lộ như vậy.  Trong khi tôi đang kiếm cách dứt ra thì ông chợt nói. “Cô có biết … cô có anh em cùng cha khác mẹ không?”

“Bố con có nhắc trong cuốn nhật ký.  Nhưng ông chỉ sống với Dụ Phong có vài tuần trước khi ra đi.  Có chắc con của ổng không?”  

Ông Sở cười khúc khích.  “Chắc chớ.  Dụ Phong đẻ sinh đôi, đứa trai đứa gái, mùa thu năm 1949.  Tôi có nói cha cô hay.  Giống ổng y lột.”

Lời ông, tuy nói thản nhiên, nhưng làm mặt tôi nóng bừng.  Tôi có nghe nói về lũ anh chị cùng cha khác mẹ nhưng vốn không tin là con ruột của bố tôi.  Tô bỗng cảm thấy xấu hổ vì từ trước tới giờ vẫn không thừa nhận.  Tôi nắm chặt đôi tay da đồi mồi ông Sở và cám ơn đã cho tôi dịp chuyện trò.

Hơn bao giờ hết, tôi cương quyết sẽ đi tìm gia đình đầu tiên của bố tôi.

No comments:

Post a Comment