Thursday, January 21, 2016

For Esme:--with Love and Squalor --- J. D. Salinger

Gửi Tặng Esme---với Thương Yêu và Điêu Tàn.
For Esme:--with Love and Squalor --- J. D. Salinger

Mới đây, tôi nhận được một bức thiệp gửi qua đường hàng không, mời đi dự đám cưới bên Anh vào ngày 14 tháng Tư.  Đây là một đám cưới mà tôi rất muốn đi, và khi vừa nhận được, tôi định bụng sẽ du lịch bằng máy bay, đắt mấy cũng kệ.  Tuy nhiên, sau khi tôi đã  bàn đi tính lại với bà xã tôi, một phụ nữ rất điềm đạm, từ tốn, chúng tôi đã quyết định không đi--một phần vì, tôi chợt nhớ ra là bà nhạc tôi đang trông ngóng sang thăm chúng tôi trong hai tuần cuối tháng Tư.  Tôi ít khi có dịp gặp bà nhạc Grencher, mà bà cũng chẳng còn trẻ trung gì.  Bà năm nay đã được năm mươi tám tuổi rồi.  
Tuy vậy, cho dù ở nơi đâu cũng vậy, tôi không phải là típ người để mặc cho đám cưới buồn tẻ mà không ra tay giúp đỡ.  Và do đó, tôi đã ngồi xuống để viết vài hàng thổ lộ về cô dâu mà tôi có biết cách đây sáu năm.  Và nếu những điều tôi tiết lộ có làm chú rể, người mà tôi chưa hề gặp, hơi lúng túng, thì cũng tốt thôi.  Đây chẳng cần phải lấy lòng ai cả.  Mở mang và dậy dỗ thì đúng hơn.
Tháng Tư năm 1944, tôi là một trong số độ sáu mươi binh nhì Mỹ đã trải qua một khoá huấn luyện chuẩn bị đổ bộ khá chuyên môn, do cơ quan tình báo Anh tổ chức ở Devon, Anh Quốc.
Khi nhìn lại, thì sáu mươi thằng chúng tôi kể cũng đặc biệt ở chỗ là chả thằng nào thuộc loại bặt thiệp cả.  Chúng tôi là dân viết thư, và khi phải nói chuyện vì nhu cầu công vụ, thì thường chỉ để hỏi ai có mực không xài không.  Khi không viết thư hay vào lớp, thì chúng tôi thường hay lủi thủi một mình.  Tôi thường hay đi ngắm cảnh đồng quê trong những ngày nắng ấm.  Hôm nào trời mưa thì tôi kiếm chố khô ráo đọc sách, thường thì không xa bàn ping pong bao nhiêu.
Khóa huấn luyện kéo dài ba tuần và chấm dứt vào một ngày thứ Bẩy mưa tầm tã.  Bẩy giờ tối đêm cuối cùng ấy, cả nhóm chúng tôi được sắp xếp đi xe lửa đến Luân Đôn, nơi đó, nghe đồn là, chúng tôi sẽ được đôn quân vào những sư đoàn bộ binh và nhảy dù để chuẩn bị cho ngày đổ bộ D-Day.  Ba giờ chiều là tôi đã nhét hết đồ đạc vào những bao quân trang, kể cả một bao mặt nạ chống hơi độc làm bằng vải bố mà tôi chất đầy sách vở mang từ quê nhà.  Còn cái mặt nạ thì tôi đã đáp lén xuống biển qua lỗ thông hơi vài tuần trước rồi.  Nếu quân địch có thực sự xử dụng hơi ngạt thì cũng chẳng đủ thời giờ mà đeo kịp mặt nạ.  Tôi nhớ mình đứng cạnh cửa sổ ở cuối Quonset một hồi lâu, nhìn những giọt nước mưa rơi nghiêng nghiêng ảm đạm, ngón tay bóp cò thoảng ngứa, gần như không cảm nhận được.  Tôi có thể nghe thấy tiếng bút viết sột soạt trên những tờ giấy viết thư.  Bỗng dưng, không một chủ đích nào cả, tôi đi vào, khoác lên người chiếc áo mưa, khăn choàng cổ bằng cashmere, ủng cao su, găng tay bằng len, và đội mũ kaki kéo phủ cả hai tai.  Rồi sau khi điều chỉnh đồng hồ đeo tay cho đúng với đồng hồ trong phòng tắm doanh trại, tôi bước đi trên con đường đồi trải đá cuội dài và ướt át đi vào phố, mặc cho mưa gió sấm chớp nhoang nhoáng chung quanh.   Sống chết đều có số mạng hết.
Ngay giữa trung tâm thành phố, có lẽ cũng là nơi ướt át nhất, tôi dừng lại trước ngôi nhà thờ để đọc bảng thông báo, chủ yếu là vì số viết bằng mực trắng trên nền màu đen đã làm tôi chú ý, nhưng một phần cũng vì, sau ba năm trong quân ngũ, tôi đã ghiền đọc những bảng thông báo.  Ba giờ mười lăm thì ca đoàn thiếu nhi tập hát.  Tôi nhìn vào đồng hồ đeo tay rồi nhìn lại bảng niêm yết.  Một tờ giấy liệt kê danh sách tên những thiếu nhi sẽ tập hát được ghim vào bảng.  Tôi đứng dưới trời mưa, đọc hết các tên, rồi đi vào nhà thờ.

Có khoảng mươi, mười hai người lớn ngồi rải rác trong những băng ghế dài, có người đặt những đôi ủng nhỏ trên đùi.  Tôi đi qua và ngồi xuống hàng ghế đầu.  Khoảng hai mươi đứa trẻ, đa số là con gái, tuổi từ bẩy cho đến mười ba, đã ngồi sẵn trên ba hàng ghế giảng đường xếp san sát trên thượng đài.  Lúc ấy, người ca trưởng, một người đàn bà đồ sộ trong bộ tweeds, đang dậy chúng mở miệng rộng hơn khi hát.  Có ai đã từng thấy, bà hỏi, một con chim chích choè dám hót mà không mở cái mỏ thật to, to ơi là to, không?  Chưa ai thấy bao giờ.  Bà nói tiếp là các em phải hiểu thật kĩ ý nghĩa của lời hát, chứ không phải chỉ ngoác mỏ mà hát như một con vẹt.  Rồi bà thổi một nốt bằng cái sáo bắt giọng, và lũ trẻ, như một đám người cử tạ chưa tới tuổi, nhấc những cuốn thánh nhạc của chúng lên.  
Chúng hát không nhạc đệm--hay nói chính xác hơn, không bị ai quấy rầy.  Giọng chúng du dương và không ủy mị, đến độ mà một người ngoan đạo hơn tôi có thể, không cần cố gắng, cũng có thể bay bổng lên cao.  Vài đứa bé nhất có hơi kéo nhịp một tí tẹo, nhưng cái đó thì may ra chỉ có mẹ của tác giả mới có thể để ý đến.  Tôi chưa từng nghe qua bài thánh ca này, nhưng tôi cứ mong bài còn hàng chục vận nữa.  Trong khi nghe, tôi lướt nhìn mặt tất cả  nhưng đặc biệt để ý đến một đứa gần tôi nhất ở ghế cuối cùng hàng đầu tiên.  Cô bé khoảng mười ba, tóc thẳng vàng nhạt dài ngang tai, một vầng trán thanh tú, và một đôi mắt lãnh đạm.  Giọng của cô bé trội hơn hẳn những giọng khác, và chẳng phải chỉ vì bé ngồi gần tôi đâu.  Đó là một cái giọng kim hay nhất, dễ thương nhất, tự tin nhất.  Tuy nhiên cô bé có vẻ hơi hờ hững với tài năng của chính mình; có hai lần, lúc giữa vận, tôi thấy cô ngáp.  Đó là một cái ngáp rất ư là con gái, một cái ngáp ngậm kín miệng, nhưng không lầm lẫn đâu được; nhìn cánh mũi phập phùng đủ biết.
Khi bài thánh ca vừa chấm dứt thì bà ca trưởng liền bắt đầu dài dòng quan điểm về những người không thể giữ chân yên và miệng khép trong khi cha giảng.  Có lẽ chương trình tập hát đã xong, và trước khi để cái giọng nói chói tai đó có thể phá tan bầu không khí mê hoặc của những giọng hát thiên thần, tôi đứng dậy đi ra khỏi nhà thờ.
Trời mưa còn nặng hột hơn.  Tôi đi bộ dọc đường và nhìn qua cánh cửa phòng chơi hội Hồng Thập Tự, nhưng quầy bán cà phê đông nghẹt lính tráng, và qua lần cửa kính, tôi có thể nghe tiếng bóng bàn kêu lóc cóc trong một căn phòng khác.  Tôi băng ngang đường và đi vào một trà quán thường dân vắng tanh, với một bà bồi bàn trung niên, trông không có vẻ thích thú để phục vụ một khách hàng với chiếc áo mưa sũng nước.  Tôi máng áo mưa lên móc một cách cẩn thận rồi ngồi xuống một cái bàn và gọi trà với bánh mì quế nướng.  Cả ngày, đây là lần đầu tiên tôi nói chuyện với một người khác.  Tôi lục tất cả các túi áo, kể cả áo mưa, và cuối cùng tìm ra vài lá thư cũ để đọc lại, một tấm của vợ tôi, kể chuyện dịch vụ sa sút của tiệm Schrafft ở đường Tám mươi tám, và một tấm của mẹ vợ tôi, nhờ gửi một ít len sợi khi có dịp xuất trại.
Trong khi tôi đang còn nhâm nhi uống tách trà đầu tiên, thì cô bé mà tôi đã ngắm nhìn và lắng nghe trong ca đoàn đi vào trà quán.  Tóc cô ướt sũng để lộ hai vành tai.  Cô đi với một cậu còn bé, rõ ràng là em trai, mà chiếc mũ cô nhấc khỏi đầu bằng hai ngón tay, như ta cầm một mẫu vật xét nghiệm.  Đi đàng sau là một người đàn bà đội chiếc mũ nỉ mềm èo, trông có vẻ năng nổ--có lẽ là bà vú.  Cô nàng ca viên, vừa đi vừa cởi áo khoác ngoài, chọn một cái bàn--rất tiện cho tôi vì chỉ cách bàn tôi độ chín, mười feet.   Cô và bà vú ngồi xuống.  Cậu bé, trạc độ năm tuổi, chưa sẵn sàng để ngồi.  Nó cởi chiếc áo khoác, vất qua một bên, rồi với vẻ mặt tỉnh bơ của một đứa trẻ ngỗ nghịch, chọc tức bà vú bằng cách đẩy vô đẩy ra cái ghế trong khi nhìn vào mặt bà.  Bà vú ra lệnh cho nó ngồi xuống hai, ba lần bằng một giọng cố giữ khỏi to tiếng, nhưng mãi đến khi chị nó nói, thì nó mới ngồi phệt xuống ghế.  Ngay sau đó nó lấy chiếc khăn ăn bỏ lên đầu.  Chị nó lấy xuống, mở ra, và phủ lên đùi nó.
Khi trà dọn ra, cô nàng ca viên thấy tôi đang nhìn lom lom sang bàn của nàng.  Nàng trừng mắt nhìn lại rồi bỗng nhiên nở một nụ cười xã giao.  Một nụ cười xã giao rạng rỡ.  Tôi cười trả lại, nhưng không rạng rỡ bằng vì phải mím môi trên để che vết trám răng đen sì như than giữa hai răng cửa.  Ngay sau đó, cô nàng sang đứng cạnh bàn tôi với một dáng điệu yêu kiều.  Nàng đang mặc một bộ quần áo len kẻ ô vuông- hình như vải tartan Campbell thì phải.  Một bộ quần áo thật thích hợp cho một cô bé trong một ngày mưa như tầm như tã.  “ Tôi tưởng là người Mỹ không thích trà,” nàng nói.
Đây không phải là quan sát của một kẻ láu cá nhưng của một người chuộng sự thật hay xác suất thống kê.  Tôi trả lời là người Mỹ chúng tôi, có người chỉ có uống trà mà thôi.  Tôi mời nàng ngồi xuống.
“ Cám ơn,” nàng nói.  “ Có thể ngồi nói chuyện một chút xíu.”
Tôi đứng lên kéo ghế cho nàng ngồi chiếc ghế đối diện, và nàng đặt người xuống một phần tư trước của ghế, giữ cho lưng thẳng và thoải mái một cách tuyệt vời.  Tôi vội vã trở lại chỗ ngồi để tiếp tục câu chuyện.  Nhưng khi ngồi xuống thì tôi chẳng nghĩ ra điều gì để nói.  Tôi lại cười và vẫn cố che vết trám răng.  Tôi nói thật là một ngày không tốt để đi ra ngoài.
“ Quả là như vậy,” người khách của tôi nói bằng một giọng rõ ràng của một người không thích chuyện vãn.  Nàng đặt những ngón tay lên cạnh bàn như những người trong một buổi gọi hồn, rồi, gần như ngay lập tức, nắm tay lại-- những móng tay của nàng đã bị cắn sâu tới thịt.  Nàng đeo một đồng hồ đeo tay, có vẻ nhà binh, trông giống như thời kế biểu của người đi biển.  Mặt đồng hồ quá to đối với cổ tay mảnh khảnh của nàng.  “ Ông có mặt ở buổi tập hát,” nàng nói một cách thẳng thừng.  “ Tôi có thấy ông.”
Tôi nói tôi có đến đó, và nghe giọng hát của riêng nàng.  Tôi nói nàng có một giọng hát rất hay.
Nàng gật đầu.  “ Tôi biết.  Tôi sẽ là một ca sĩ chuyên nghiệp.”
“ Thật à? Opera?”
“ Không, không.  Tôi sẽ hát nhạc jazz trên đài phát thanh và sẽ làm ra khối tiền.  Rồi khi tôi ba mươi tuổi thì sẽ giải nghệ và về sống ở một trang trại ở Ohio.”  Nàng lấy bàn tay rờ cái đỉnh đầu ướt sũng.  “ Ông có biết Ohio không?”
Tôi nó có đi xe lửa ngang qua vài lần nhưng không thực sự biết.  Tôi đưa nàng một miếng bánh mì nướng tẩm quế.
“ Dạ không.  Cám ơn ông,” nàng nói.  “ Tôi khảnh ăn như chim.”
Tôi cắn miếng bánh mì nướng và nói là chung quanh Ohio có nhiều vùng còn hoang dã.
“ Tôi biết.  Một người Mỹ tôi gặp có nói.  Ông là người Mỹ thứ mười một tôi đã gặp.”
Bà vú ra hiệu cấp bách cho nàng trở về bàn--để thôi làm phiền người đàn ông.  Tuy nhiên người khách của tôi thản nhiên nhích ghế vài phân để cắt đứt liên lạc với bàn nhà.  “ Ông đang theo học ở cái trường tình báo trên đồi phải không?” nàng hỏi một cách tỉnh bơ.
Để bảo vệ bí mật quân sự, tôi trả lời mình đang viếng thăm Devonshire vì lý do sức khoẻ.
“ Thôi đi,” nàng nói.  “ Bộ ông tưởng tôi ngây thơ lắm sao?”
Tôi nói tôi biết.  Tôi ngồi im lặng uống trà.  Tôi ngồi thẳng lưng lên hơn.
“ Ông là người Mỹ mà cũng khá thông minh,” cô khách của tôi nói.

Tôi nói nàng là nói vậy hơi trịch thượng, nếu quả tình là có ý như vậy, là không xứng với nàng.
Nàng đỏ mặt.  “ Đa số những người Mỹ tôi từng gặp cư xử như thú vật.  Họ lúc nào cũng đấm đá nhau, và xúc phạm người khác, và--Ông có biết một người họ đã làm gì không?”
Tôi lắc đầu.
“ Có một anh ném chai rượu uýt ki không vào cửa sổ nhà bà dì tôi.  May thay cửa sổ không đóng.  Anh thấy cái trò đó có thông minh hay không?”
Biết là không nhưng tôi không nói gì.  Tôi nói khắp nơi trên thế giới, đa số quân nhân sống xa nhà, lắm người sinh ra trong hoàn cảnh khốn cùng.  Tôi nói tôi tưởng người ta phải biết điều đó chứ.
“ Có thể,” cô khách của tôi nói nhưng không có vẻ thuyết phục.  Nàng lại đưa tay lên vuốt mái tóc ướt, gỡ vài sợi tóc vàng nằm dẹp để cố che vành tai lộ ra ngoài.  “ Tóc tôi ướt sũng,” nàng nói.  “ Trông tôi chắc ghê lắm.”  nàng nhìn tôi.  “ Tóc tôi khi khô cũng dợn sóng lắm.”
“ Tôi có thể thấy được điều đó.”
“ Không cong thành lọn, nhưng có dợn sóng,” nàng nói.  “ Ông có vợ chưa?”
Tôi nói có.
Nàng gật đầu.  “ Ông có yêu vợ ông say đắm không? Hay là tôi đã quá đi vào đời tư?”
Tôi nó nếu có tôi sẽ nói.
Nàng đặt bàn tay và cổ tay lên bàn xa hơn, và tôi nhớ mình muốn làm gì với cái đồng hồ mặt khổng lồ nàng đang đeo--có lẽ đề nghị nàng thử đeo nó ngang hông coi.
“ Thường thì tôi ít có hay xã giao,” nàng nói và nhìn xem tôi có hiểu nghĩa của chữ không.  Tôi không cho nàng một dấu hiệu có hiểu hay không.  “ Tôi chỉ qua đây vì trông ông có vẻ rất cô đơn.  Ông có một khuôn mặt nhạy cảm.”
Tôi nói nàng nói đúng, rằng tôi đã cảm thấy cô đơn, và rầng tôi rất sung sướng là nàng đã sang nói chuyện.
“ Tôi đang cố tập tánh thương người hơn.  Dì tôi nói tôi là người lãnh đạm,” nàng nói và lại rờ tóc. “ Tôi sống với dì tôi.  Dì tôi là một người rất tốt.  Từ hồi mẹ tôi chết, bà cố hết sức để giúp tôi và Charles cảm thấy thích nghi.”
“ Tốt.”
“ Mẹ tôi là người rất thông minh.  Rất gợi cảm.” Nàng nhìn tôi với một ánh mắt sắc bén mới mẻ.
“ Ông có thấy tôi lãnh đạm không?”
Tôi nói hoàn toàn không--ngược lại là đàng khác.  Tôi nói nàng tên tôi và hỏi tên nàng.
Nàng ngần ngừ.  “ Tên tôi là Esmé.  Ngay lúc này tôi chưa muốn cho ông biết tên họ của tôi.  Tôi có tước hiệu và không muốn ông bị gây ấn tượng.  Người Mỹ hay nể trọng địa vị như ông biết.”
Tôi nói tôi không nghĩ tôi sẽ bị, nhưng tạm thời không nói cũng là chuyện tốt thôi.
Ngay lúc đó, tôi bỗng cảm thấy hơi thở nóng phà vào gáy.  Tôi quay lại và tí nữa thì đã chạm phải mũi của cậu em nhỏ của Esmé.  Chẳng thèm để ý đến tôi, nó nó với chị nó bằng một giọng the thé chói tai: “ Bà Megley nói chị phải về uống trà cho xong.”  Nói xong, nó trở lại chiếc ghế giữa chị nó và tôi, bên phải của tôi.  Trông nó bảnh choẹ trong chiếc quần soọc Shetland màu nâu, chiếc áo jersey màu xanh dương, sơ mi trắng, và cra-vát sọc.  “ Tại sao mấy người trong phim xi-nê lại hôn nghiêng?” nó hỏi.
“ Hôn nghiêng?” tôi nói.  Hồi bé tôi cũng hay thắc mắc y như nó.  Tôi nói chắc tại họ mũi to.  
“ Tên nó là Charles,” Esmé nói.  “ Nó còn bé nhưng đã rất thông minh.”
“ Mắt nó xanh thật.  Phải không Charles?”
Nó nhìn tôi với vẻ nghi ngờ rồi trườn người xuống cho đến khi cả người nằm dưới bàn, ngoại trừ cái đầu còn nằm trên ghế.  “ Mắt tôi màu cam,” nó nói bằng giọng khò khè, hướng lên trần nhà.  Nó cầm một góc chéo của khăn trải bàn và lấy che cái mặt bé nhỏ đẹp trai và vô cảm của nó.
“ Nó có lúc giỏi, có lúc không,” Esmé nói.  “ Charles, ngồi dậy.”
Charles nằm nguyên.  Hình như nó đang nín thở.
“ Nó nhớ cha chúng tôi lắm.  Ông ấy bị chờ-ê-chê-sắc bên Bắc Phi.
Tôi nói chia buồn.
Esmé gật đầu.  “ Cha thương nó lắm.”  Nàng cắn móng tay cắn suy nghĩ.  “ Trông nó giống mẹ tôi--Thằng Charles ấy.  Còn tôi thì giống y hệt cha tôi.”  Nàng tiếp tục cắn móng tay.  “ Mẹ tôi là một người nồng nhiệt.  Bà là người hướng ngoại.  Cha tôi là người nội hướng.  Thế mà bề ngoài họ rất hợp nhau.  Thật thà mà nói, cha tôi cần một người bạn đồng hành trí thức hơn mẹ tôi.  Ông ta là một thiên tài có năng khiếu. “
Tôi ngồi chờ nghe thêm nhưng không thấy gì.  Tôi nhìn xuống Charles, đang áp mặt xuống ghế.  Khi thấy tôi nhìn, nó nhắm mắt, buồn ngủ như thiên thần, rồi thè lưỡi ra--một cái lưỡi dài thoòng loòng--và làm một hành động mà bên xứ tôi sẽ xem là một khen thưởng hoành tráng cho một ông trọng tài bóng chày cận thị.  Nó làm vang động cả trà quán.
“  Thôi đi,” Esmé nói, không hề nao núng.  “ Nó thấy một ông Mỹ làm vậy trong khi xếp hàng mua cá chiên và khoai tây, và giờ mỗi khi không có gì làm thì nó lại dở ra.  Thôi ngay, nếu không chị đuổi về bà Megley ngay bây giờ.”
Charles mở cặp mắt to thao láo, như cho thấy có nghe thấy lời hăm dọa, nhưng không có vẻ sợ sệt.  Nó lại nhắm mắt, và tiếp tục áp mặt xuống ghế.
Tôi nói có lẽ nó nên để dành--ý nói cái khích lệ kiểu Bronx--cho đến khi nào nó xưng tước hiệu đều đặn.  Nếu nó cũng có tước hiệu.
Esmé ném cho tôi một cái nhìn, hơi có vẻ lâm sàng.  “ Ông cũng thuộc loại dí dỏm, phải không?” nàng nói bâng khuâng.  “ Cha tôi nói tôi không có máu khôi hài.  Và vì thế chưa sẵn sàng để đối diện với cuộc đời.”
Tôi đốt điếu thuốc nhìn nàng và nói tôi không nghĩ máu khôi hài có ích gì lúc hữu sự.
“ Cha tôi nói vậy.”
Đây là một lời tuyên bố có tính cách tín niệm, không có ý mâu thuẫn, và tôi lập tức thay đổi lập trường.  Tôi gật đầu nói chắc cha cô nhìn xa, trong khi tôi chỉ nhìn gần (muốn hiểu sao cũng được).
“ Charles, nó nhớ cha lắm,” Esmé nói, sau một hồi.  “ Cha là một người rất dễ thương.  Ông cũng rất đẹp trai.  Tuy bề ngoài không quan trọng, nhưng ông đẹp thật.  Ông có đôi mắt nhìn sâu xoáy, nhưng lại lành tính.”
Tôi gật đầu nói chắc cha cô là người hay chữ.
“ Đúng rồi,” Esmé nói.  “ Ông là rmột người bảo quản văn khố, dĩ nhiên là nghiệp dư.”
Ngay lúc ấy tôi cảm thấy một cái vố gấp gáp, như một cái đấm, vào vai, từ phía Charles.  Tôi quay lại nó.  Nó đang ngồi ở một vị thế gần như bì̀nh thường trên ghế, duy có một đầu gối co bên dưới.  “ Cái tường này nói với cái tường kia cái gì?” nó nói, giọng lanh lảnh. “ Câu đố đó.”
Tôi trợn mắt nhìn lên trần theo phản xạ và lập lại câu hỏi ra miệng.  Rồi tôi nhìn Charles ra vẻ bí và nói chịu thua.
“ Hẹn gặp nhau trong góc.”  nó nói thật to.
Rồi nó cũng là người phá ra cười trước tiên.  Esmé phải ra sau đấm lưng nó như để chữa một cơn ho rũ rượi.  “ Thôi đi.” nàng nói rồi trở lại chỗ ngồi.  “ Gặp ai nó cũng đố câu đó và lần nào cũng vậy.  Lắm khi nó cười chảy cả rãi cả nhớt.  Thôi, đủ rồi.”
“ Chưa bao giờ nghe một câu đố hay như vậy,” tôi nói, nhìn Charles, đang trở lại bình thường.  Nghe tôi khen, nó lại ngồi thụt xuống ghế và lấy khăn bàn che một mắt.  Con mắt kia nhìn tôi với vẻ khoái trá và ngạo mạn của một kẻ biết nhiều câu đố hóm hỉnh.
“ Tôi xin được phép hỏi ông làm gì trước khi gia nhập quân ngũ?” Esmé hỏi tôi.
Tôi nói chưa đi làm gì cả, tôi vừa ra trường đại học mới một năm nhưng tôi thích tự cho mình là một văn sĩ chuyên viết truyện ngắn.
Nàng gật đầu lịch sự.  “ Có được đăng báo bao giờ chưa?” nàng hỏi.
Đó là một câu hỏi quen thuộc nhưng dễ động chạm, và là một câu hỏi không có câu trả lời giản dị.  Tôi bắt đầu giải thích là mấy anh chủ bút ở Hoa Kỳ là một lũ---
“ Cha tôi viết hay lắm,” Esmé ngắt lời tôi.  “ Tôi còn giữ một số thư ông viết, để dành cho hậu thế.”
Tôi nói đó là một ý kiến rất hay.  Tôi lại nhìn cái đồng hồ đeo tay mặt to quá khổ của nàng.  Tôi hỏi có phải của cha nàng để lại không.
Nàng nhìn xuống cổ tay, mặt nghiêm trọng.  “ Đúng rồi,” nàng nói.  “ Ông cho tôi ngay trước khi Charles và tôi được giải cứu.” Nàng tự giác lấy tay khỏi bàn, nói.  “ Dĩ nhiên, đây chỉ là một vật lưu niệm.”  Nàng chuyển hướng câu chuyện sang một đề tài khác.  “ Tôi sẽ rất hân hạnh nếu ông viết một truyện dành riêng cho tôi.  Tôi là một con mọt sách.”
Tôi nói nếu có thể được thì tôi sẽ làm.  Tôi nói tôi không phải là người viết nhiều.
“ Không cần phải viết dài dòng làm gì.  Miễn sao đừng có trẻ con và tầm phào là được rồi.” Nàng ngẫm nghĩ.  “ Tôi thích những truyện về điêu tàn.”
“ Về cái gì?” tôi hỏi, cúi người tới phía trước.
“ Điêu tàn.  Tôi rất quan tâm đến sự điêu tàn.”
Tôi sắp sửa hỏi thêm nhưng Charles nhéo mạnh cánh tay tôi.  Tôi quay lại, hơi nhăn mặt.  Nó đang đứng cạnh bên tôi.  “ Cái tường này nói với cái tường kia cái gì?”  nó hỏi.
“ Mày hỏi câu đó rồi,” Esmé nói.  “ Thôi đi.”
Phớt lờ chị nó và đứng trên một bàn chân của tôi, Charles lập lại câu hỏi.  Tôi để ý thấy cra-vát của nó lệch qua một bên.  Tôi thắt lại cho đều, rồi nhìn thẳng vào mắt nó, trả lời, “ Hẹn gặp nhau trong góc?”
Câu nói vừa ra khỏi miệng, rút lời lại không kịp.  Charles há hốc miệng như bị ai tát vào mặt.  Nó quay phắt người lại và đi thẳng về bàn.
“ Nó hay giận lắm,” Esmé nói.  “ Tính nó nóng như lửa.  Mẹ tôi hay nuông chiều nó quá đáng.  Chỉ có cha tôi là không chiều nó thôi.”
Tôi vẫn nhìn theo Charles, nó ngồi xuống và bắt đầu uống trà, hay tay ôm cái tách.  Tôi mong nó quay lại nhưng nó vẫn quay đi.
Esmé đứng dậy.  “ Il faut que je parte aussi.” nàng thở dài nói.  “ Ông có biết tiếng Pháp không?”
Tôi đứng dậy mà trong lòng ngổn ngang nỗi niềm ân hận và bối rối.  Chúng tôi bắt tay; tay nàng, đúng như tôi đoán, là một bàn tay rịn ướt mồ hôi của người hay lo.  Tôi nói nàng là buổi hội ngộ đã mang lại cho tôi nhiều điều thú vị.
Nàng gật đầu.  “ Tôi cũng nghĩ vậy,” nàng nói.  “ Tôi tuy còn nhỏ nhưng hay trò chuyện cởi mở.”
Nàng thử vuốt tóc lại.  “ Xin lỗi.  Tôi đầu bù tóc rối,” nàng nói.  “ Chắc trông tôi ghê gớm lắm.”
“ Làm gì có.  Thực ra tóc cô đã có dợn sóng trở lại rồi đó.”
Nàng lại vuốt tóc.  “ Rồi ông có trở lại không?” nàng hỏi.  “ Thứ Bẩy nào chúng tôi cũng tới đây, sau khi tập hát xong.”
Tôi nói muốn lắm nhưng chắn chắn là không được rồi.  
“ Tức là ông không muốn tiết lộ bí mật quân sự,” Esmé nói.  Nàng không rời bàn mà còn bắt chéo bàn chân lên nhau, mũi giây thẳng đều.  Một tư thế thật hay vì chân và cổ chân nàng đẹp  tuyệt vời.  Nàng bỗng ngẩng lên.  “ Ông có muốn tôi viết thư cho ông không?” nàng nói, má thoáng nét ửng hồng. “ Tuổi tôi tuy nhỏ nhưng tôi viết khá lưu loát---”
“ Thế thì còn gì bằng,” tôi lấy giấy bút ra và viết tên, cấp bậc, và số bưu chính.
“ Tôi sẽ viết cho ông trước,” nàng nói và cầm giấy, “ để ông khỏi phải thắc mắc.” Nàng bỏ mẩu giấy vào túi.  “ Tạm biệt,” nàng nói rồi đi về bàn.  
Tôi gọi một ấm trà nữa rồi ngồi nhìn cho đến khi cả ba người đứng lên đi.  Charles đi trước, cà nhắc như một người bị thọt.  Nó không hề nhìn tôi.  Bà Megley đi sau, rồi đến Esmé, vẫy tay chào tôi.  Tôi  nhổm người đứng dậy, vẫy tay chào lại.  Lòng tôi dâng lên một nỗi xúc cảm không tên.
Không đầy một phút sau, Esmé trở lại trà quán, một tay lôi thằng Charles theo sau.  “ Charles muốn hôn tạm biệt,” nàng nói.  
Tôi lập tức đặt tách xuống và nói dễ thương quá, nhưng có chắc không?
“ Có,” nàng nói một cách dứt khoát.  Nàng buông tay áo Charles ra và đẩy mạnh nó về phía tôi.  Nó tiến tới, mặt mũi xám ngoét, và hôn một cái hôn vừa to vừa ướt át ngay dưới tai phải tôi.  Làm xong thủ tục là nó cắm đầu dợm bước đi về hướng cửa, nhưng tôi nắm thắt lưng quần nó, kéo lại, và hỏi nó. “ Cái tường này nói với cái tường kia cái gì?”
Mặt nó sáng rực rỡ hẳn lên.   “Hẹn gặp nhau trong góc” nó rú lên và chạy như một thằng điên ra khỏi cửa.  
Esmé lại đang đứng tréo chân.  “ Ông có nhớ viết truyện cho tôi không?” nàng hỏi.  “ Không cần phải hoàn toàn về tôi---”
Tôi nói làm sao có thể quên được.  Tôi nói chưa viết về ai bao giờ, nhưng lần này thì phải viết.
Nàng gật đầu.  “ Viết cho thật bi thảm và cảm động,” nàng đề nghị.  “ Ông có kinh nghệm gì về điêu tàn không?”
Tôi nói không hẳn nhưng đang bắt đầu làm quen, dưới hình thức này hay hình thức khác, và sẽ cố gắng không phụ lòng nàng.  Chúng tôi bắt tay.
“ Phải chi mình gặp nhau ở một hoàn cảnh khác.”
Tôi đồng ý.  Đúng vậy.
“ Tạm biệt,” Esmé nói.  “ Mong chiến tranh xong,  ông trở về còn đầy đủ năng lực.”
Tôi cám ơn nàng, nói thêm vài câu, và rồi đứng nhìn nàng ra khỏi trà quán.  Nàng đi chậm, vẫn vuốt tóc coi khô chưa.






Đến đây thì câu chuyện sẽ rẽ qua mặt bi thảm và cảm động.  Cảnh và người sẽ đổi.  Tôi vẫn còn đây, nhưng kể từ giờ trở đi, vì lý do không thể nói ra, tôi đã hóa trang một cách tinh xảo đến độ độc giả có thông minh mấy cũng sẽ không nhận ra.  
Lúc ấy là mười giờ rưỡi tối tại Gaufort, Bavaria, vài tuần sau ngày chiến thắng Âu Châu của Đồng Minh.  Thượng Sĩ X đang trong phòng của ông trên gác nhà thường dân mà ông và chín binh sĩ Mỹ khác đang trú ngụ, ngay trước khi đình chiến.  Ông đang ngồi trên một chiếc ghế gấp bằng gỗ xếp cạnh một cái bàn viết bề bộn, một cuốn tiểu thuyết nằm trước mặt, cuốn sách mà ông đọc không nổi.  Vấn đề không phải là cuốn sách mà vấn đề là chính ông.  Mặc dù mấy thằng  lầu một đã chọn trước sách Dịch Vụ Đặc Biệt gửi hả̀ng tháng, nhưng X vẫn còn được những cuốn mình muốn chọn.  Nhưng hắn không phải là người còn đầy đủ năng lực sau chiến trận, và cả tiếng đồrng hồ, hắn đã đọc đi đọc lại ba lần cùng một đoạn, và giờ thì hắn đọc từng câu.   Hắn bỗng đóng xập cuốn sách lại mà không thèm đánh dấu trang.  Hắn lấy tay che mắt khỏi ánh sáng chói chang của ngọn đèn nhiều oát, không che chụp, trên mặt bàn.  
Hắn lấy một điếu thuốc trong gói trên bàn và đốt bằng những ngón tay gõ vào nhau theo một cái nhịp bất tận.  Hắn ngửa nhẹ người ra ghế và hút thuốc mà không thấy mùi vị gì cả.  Lợi hắn khẽ đụng lưỡi là chảy máu, và hắn không ngừng thử nghiệm.  Đó là một trò chơi mà hắn làm, có khi cả giờ đồng hồ,  Rồi, bất chợt, nghe quen thuộc, và như thường lệ, không có dấu hiệu báo trước, hắn tưởng như tư tưởng mình trôi tuột ra và lúc lắc, như hành lý để không chắc trên giá hành lý.  Hắn làm cái đã làm bao nhiêu tuần nay để chữa: hắn dùng tay ấn mạnh hai thái dương và giữ chặt một hồi lâu.  Tóc hắn dơ dáy và cần phải cắt.  Khi còn ở nhà thương tại Frankfurt hắn đã gội đầu ba bốn lần, nhưng đầu tóc lại bẩn lại sau chuyến xe jeep đi về Gaufurt.  Hạ Sĩ Z, người đến đón hắn tại nhà thương, vẫn lái xe kiểu dã chiến với kính chắn gió gấp xuống trước, đình chiến hay không đình chiến.   Quân đội Mĩ ở bên Đức có hàng ngàn người, lái kiểu dã chiến Hạ Sĩ Z cho chúng thấy anh không phải là cá mè một lứa với chúng, là không cách nào anh có thể là một thằng chó đẻ trong Chiến Trường Âu Châu.  
Khi hắn buông tay khỏi đầu, X bắt đầu nhìn mặt bàn viết, mấy chục lá thư chưa mở và năm sáu cái gói còn nguyên si, tất cả gửi cho hắn.  Hắn với đàng sau đống đồ ngổn ngang và lấy một cuốn sách nằm dựa vào tường.  Đó là một cuốn viết bởi Goebbels, nhan đề “ Die Zeit ohne Bespiel.”
Cuốn sách thuộc về người con gái ba mươi tám tuổi, chưa chồng của gia đình, mà cho đến ba tuần trước đây, đã ở trong căn nhà.  Bà là một nhân viên cấp thấp trong đảng Nazi, nhưng đủ cao, theo tiêu chuẩn quân đội, để lọt vào danh sách những người tự động bị bắt.  X chính là người đã bắt bà.  Bây giờ, lần thứ ba kể từ khi trở về từ nhà thương hôm ấy, hắn mở cuốn sách và đọc hàng chữ chữ ghi đầu trang.  Viết bằng mực, tiếng Đức, với một tuồng chữ nhỏ, và thành thật đến độ tàn bạo, là hàng chữ.  “ Chúa ơi, đời là bể khổ.”  Không một lời dẫn nhập hay kết luận.  Nằm gỏn lọn trên trang giấy, và trong cái yên lặng bệnh hoạn của căn phòng, hàng chữ có cái tầm cỡ của một bản cáo trạng kinh điển, không thể chối cãi được.  X trừng mắt nhìn trang giấy trong nhiều phút, cố mà không được, bị lôi cuốn vào.  Rồi, với sự hăng hái mà hắn không làm cả tuần, hắn nhặt mẩu bút chì và viết dưới hàng đề tự, bằng tiếng Anh, “ Cha ơi, thầy ơi, tôi thắc mắc “ Cái gì là địa ngục?” tôi tin rằng nó là bệnh không được yêu.”  Hắn bắt đầu viết tên Dostoevski bên dưới, nhưng thấy--với nỗi sợ chạy rần rần qua cơ thể--là chữ viết không cách gì có thể đọc được.  Hắn đóng xập cuốn sách lại.
Hắn vội nhặt một cái khác trên bàn, một lá thư của người anh gửi từ Albany.  Nó đã nằm trên mặt bàn từ hồi hắn chưa nhập viện.  Hắn bóc thư, tự hứa sẽ đọc một lèo, nhưng chỉ đọc nửa trên của trang đầu.  Hắn ngừng nơi hàng chữ “ Nay cuộc chiến khốn nạn đã chấm dứt và chú chắc  đã rảnh rỗi, hãy gửi cho lũ nhỏ dăm cái lưỡi lê hay vài cái chữ vạn…” Sau khi hắn đã xé tan lá thư, hắn nhìn những mảnh nằm trong thùng rác.  Hắn thấy là hắn đã quên không nhìn tấm hình đính kèm.  Hắn có thể thấy được chân đứa nào đứng trên bãi cỏ đâu đó.
Hắn đặt tay trên bàn và gục đầu nằm xuống.  Người hắn đau như dần từ đầu tới chân, mỗi chỗ đau một khác.  Hắn giống như cây Giáng Sinh mà những ngọn đèn, mắc nối tiếp, phải tắt ngúm nếu một bóng bị hư.  

Cánh cửa không ai gõ mà mở tung ra.  X ngẩng đầu. quay lại, và thấy Hạ Sĩ Z đứng ở ngưỡng cửa.  Z đã là bạn đồng hành xe jeep của X và đã là người kề bên sát cánh từ ngày D Day và qua suốt năm chiến dịch quân sự sau đó.  Nó ở dưới lầu một và thường hay lên thăm mỗi khi có vài tin đồn hay có điều muốn than vãn.  Nó là một thanh niên hai mươi bốn tuổi, cao to và ăn ảnh.  Trong cuộc chiến, một tờ báo quốc gia đã chụp hình nó tại ngôi rừng Hurtgen; nó đã đứng làm dáng, chẳng cần ai nài nỉ, mỗi tay cầm một con gà tây Tạ Ơn.  “ Viết thư hả?” hắn hỏi X.  
“ Phòng sao lạnh lùng ma quái vậy?”  Nó thích vào những phòng nào đèn điện sáng trưng.
X quay lại và mời nó vào, cẩn thận đừng dẫm lên con chó.
“ Con Alvin.  Nó nằm ngay dưới chân mày đó, Clay.  Bật cái đèn lên có được không?”
Clay tìm ra công tắc đèn trần, bật lên, rồi bước qua căn phòng bé tẻo teo dành cho gia nhân và ngồi xuống cạnh giường, đối diện chủ nhà.  Mái tóc màu gạch đỏ, mới chải, đang nhỏ nước tong tong.  Một cái lược có kẹp như bút máy lòi ra, trông quen thuộc, từ túi áo bên phải của cái áo màu cứt ngựa của nó.  Trên túi áo bên trái, nó đeo phù hiệu Bộ Binh Chiến Trường, trên nguyên tắc không được đeo, dải ruy-băng Chiến Trường Âu Châu, với năm ngôi sao đồng thay vì một ngôi sao bạc thay thế, và ruy-băng chiến dịch tiền Trân Châu Cảng.  Nó thở dài cái thượt và nói “ Trời đất quỉ thần ơi.”   Nó lấy gói thuốc trong túi áo, gõ một điếu ra, rồi nhét lại và cài nút túi áo lại.  Vừa hút thuốc, nó vừa nhìn ngây ngô chung quanh căn phòng.  Cuối cùng nó để ý thấy cái ra-đi-ô.  “ Này,” nó nói.  “ Sắp có chương trình hay lắm trên ra-đi-ô.  Bob Hope và mọi người.”
X mở một gói thuốc mới, nói hắn vừa tắt ra-đi-ô đi.
Không chút bực mình, Clay nhìn X cố châm mồi điếu thuốc lá.  “ Chúa ơi,” nó nói với cái hăng hái của một khán giả, “ nhìn cái tay của ông kìa.  Mèn ơi, tay sao run dữ vậy, cha nội?”
X đốt xong điếu thuốc lá, gật đầu, và nói Clay cũng để ý chi tiết dữ hén.
“ Chứ sao không, này.  Tui mém xỉu khi thấy ông trong nhà thương.  Ông trông như cái xác chết.  Mất bao nhiêu kí vậy?  Bao nhiêu? Có biết không?”  
“ Không biết.  Có thư từ gì không? Có tin tức gì của Loretta không?”
Loretta là bồ của Clay.  Tụi nó dự định lấy nhau càng sớm càng tốt.  Nàng viết cho nó đều đặn, từ một thiên đàng của ba dấu than và những nhận xét thiếu chính xác.  Trong suốt cuộc chiến, Clay đã đọc hết thư của Loretta cho X nghe, không cần biết có riêng tư hay không--thực ra, càng mùi mẫn càng tốt.  Nó có thói quen, sau mỗi lần đọc thư, nhờ X thảo sơ thư hồi tín, hay chêm vào vài chữ tiếng Pháp hay tiếng Đức nghe sao cho nó kêu.  
“ Có, nhận được một lá hôm qua.  Để dưới phòng á.  Lát nữa cho coi,” Clay nói một cách bơ phờ.  Nó ngồi thẳng lưng lên trên mép giường, nín hơi, và ợ một cái thật to và dài.  Có vẻ như tạm thỏa mãn với thành quả của mình, nó thở phào nhẹ nhõm.  “ Thằng anh khốn nạn của nó được xuất ngũ vì cái lưng,” nó nói.  “ Nó có cái lưng này, thằng trời đánh.”  Nó ngồi thẳng dậy lại cố ợ một  cái nữa nhưng không được như ý muốn.  Mặt nó chợt tỉnh táo hẳn lên.  “ Này, tí nữa thì quên.  Mình phải dậy lúc năm giờ sáng, lái xe tới Hamburg hay đâu đó.  Lấy áo Eisenhower cho toàn đơn vị.”
X, nhìn nó một cách ghét bỏ, nói hắn không muốn áo Eisenhower gì hết.
Clay lộ vẻ ngạc nhiên, hơi phật ý.  “ Đẹp lắm.  Tại sao không?”
“ Chẳng sao cả.  Sao phải dậy lúc năm giờ? chiến tranh đã chấm dứt rồi mà.”
“ Ai mà biết--mình phải về trước trưa.  Tụi nó bắt mình điền đơn trước bữa ăn trưa---tui hỏi thằng Bulling sao không điền luôn tối nay cho tiện việc nhà nước---mấy cái mẫu đơn cà chớn nằm chình ình ngay trên mặt bàn của nó.  Nó chưa muốn mở thư.  Thằng chó đẻ.”
Cả hai ngồi trong im lặng, căm ghét thằng Bulling.
Clay bỗng dưng nhìn X với một vẻ thích thú hơn trước.  “ Này,” nó nói.  “ Ông có biết là một bên mặt của ông nó nhảy cà tưng không?”
X nói biết rồi, và lấy tay che dấu cơn máy giật.
Clay nhìn chăm chú một hồi, rồi nói, một cách đầy sinh động, như thể mình đang mang lại một tin vui.  “ Tôi viết Loretta nói ông bị suy sụp tinh thần.”
“ Vậy hả?”
“ Ừa.  Em mê mấy thứ đó lắm.  Em đang học tâm lý học mà.”  Clay nằm dài lên giường, giày vớ để y nguyên.  “ Biết em nói gì không? Em nói chẳng có ai bị suy sụp thần kinh vì chiến tranh cả.  Em nói chắc ông đã có sẵn máu điên trong người rồi.”
X đan tay che mắt--ánh sáng chiếu lên giường làm hắn chói mắt--và nói rằng nhận thức của Loretta hay lắm.
Clay liếc mắt nhìn hắn.  “ Nghe đây cha nội,” nó nói.  “ Em rành về tâm lý hơn ông nhiều.”
“ Mày có thể bỏ cái chân thối tha khỏ cái giường của tao được không?”
Clay để mặc đôi chân ở đó vài giây- kiểu như ông-là-cái-thá-gì-mà-bảo-tôi-bỏ-chân-xuống, rồi đặt chân xuống sàn và ngồi dậy.  “ Tui phải xuống nhà.  Tụi nó bật ra-đi-ô trong phòng thằng Walker.”  Nhưng nó vẫn chưa đứng dậy.  “ Nè, tui mới bảo thằng mất dạy mới tới, thằng Bernstein dưới nhà.  Nhớ cái hồi mình lái vào Valognes, và mình bị pháo cả hai tiếng đồng hồ, và con mèo khốn nạn nhảy lên nóc xe jeep mà tui bắn khi mình đang nằm trong cái lỗ đó? Nhớ không?”
“ Nhớ--đừng có mà nhắc lại chuyện con mèo nữa nhe Clay.  Đụ mẹ.  Tao không muốn nghe nữa.”
“ Không.  Ý tôi muốn nói là tôi kể cho Loretta nghe.  Em và cả lớp tâm lý bàn luận về chuyện đó.  Trong lớp.  Cả thầy lẫn trò.”
X lùa những ngón tay lên tóc rồi che mắt lại.  “ Mày không có điên.  Mày chỉ thi hành phận sự.  Mày giết con mèo đó một cách anh hùng trong tình huống đó.”
Clay nhìn hắn một cách ngờ vực.  “ Ông nói cái giống gì vậy?”
“ Con mèo đó là gián điệp.  Mày bắt buộc phải bắn nó.  Đó là một con gián điệp lùn hoá trang
bằng cách mặc một chiếc áo lông cừu rẻ tiền.  Do đó chẳng có gì là ác độc, hay tàn nhẫn, hay nhơ bẩn, hay----”
“ Đủ má,” Clay nói, mặt trắng bệch.  “ Ông nói chuyện đàng hoàng được không?”
X thình lình buồn nôn, và quay người chộp cái thùng rác--- vừa đúng lúc.  
Khi hắn ngồi thẳng người dậy và quay lại đối diện khách, hắn thấy nó đứng, ngượng ngùng, giữa cái giường và cửa.  X bắt đầu xin lỗi, nhưng đổi ý và móc túi lấy thuốc.
“ Xuống chơi, nghe Hope trên ra-đi-ô,” Clay nói, giữ một khoảng cách nhưng cố ra vẻ thân thiện.  “ Vui lắm.”
“ Thôi mày đi đi Clay...tao ngồi coi lại bộ sưư tập tem thơ.”
“ Ông có sưu tập tem thơ à? Vậy mà tui đâu có biết.”
“ Tao nói đùa đó.”
Clay bước chậm ra cửa.  “ Có thể lát nữa tui sẽ lái đi Ehstadt,” nó nói.  “ Có party nhảy nhót.  Chắc kéo đến khoảng hai giờ sáng.  Muốn đi không?”
“ Thôi.  Cám ơn...Tao tập vài bước nhảy trong phòng được rồi.”
“ O.K. Đi nha.  Ráng thoải mái nhe cha nội.” Cánh cửa đóng sầm, nhưng lập tức mở ra lại.
“ Này.  Lát nữa tui nhét lá thư gởi cho Loretta dưới khe cửa được không?  Tui có mấy chữ tiếng Đức trong đó.  Sửa giùm được không?”
“ Được rồi.  Đi mẹ mày đi.”
“ O.K.,” Clay nói.  “ Ông có biết bà già tui viết gì không? Bả nói bả mừng là ông với tui có mặt bên nhau trong suốt cuộc chiến.  Bả nói từ hồi quen ông, những lá thư tui viết coi bộ thông minh sáng sủa hơn nhiều.”
X nhìn lên, và cố gắng lắm mới nói nên lời, “ Cám ơn.  Nói bà già tao cám ơn.”
“ Xong ngay.  Bye.”  Cánh cửa đóng sầm lại.
X ngồi nhìn cánh cửa một hồi lâu, rồi xoay ghế qua bàn viết và bê cái máy đánh chữ nằm dưới sàn nhà.  Hắn dẹp đống thư và thùng quà chưa mở sang một bên rồi đặt máy đánh chữ lên bàn.  Hắn nghĩ nếu mình viết một lá thư cho người bạn cũ bên New York thì cũng là một hình thức trị liệu, cho dù không đáng kể.  Nhưng hắn không thể cho giấy vào trục cho ra trò, ngón tay của hắn run rẩy dữ dội.  Hắn đặt hai tay xuống bên hông một phút, rồi thử lại, nhưng cuối cùng vò nát tờ giấy trong lòng bàn tay.  
Hắn biết phải mang thùng rác ra khỏi phòng, nhưng thay vì làm cái gì, hắn ôm lấy máy đánh chữ và đặt đầu xuống nghỉ, mắt nhắm lại.
Vài phút nhức nhối sau đó, khi hắn mở mắt ra, hắn thấy mình đang nheo mắt nhìn một kiện hàng nhỏ, chưa mở, gói bằng giấy màu xanh.  Chắc nó rớt ra khỏi đống đồ khi hắn dẹp chỗ cho máy chữ.  Hắn thấy gói hàng đã đổi địa chỉ nhiều lần.  Chỉ một mặt của kiện hàng không thôi là hắn có thể thấy được ba số khu bưu chính cũ của hắn.
Hắn mở kiện hàng một cách thờ ơ, không thèm đếm xỉa đến địa chỉ hồi báo.  Hắn dùng que diêm đốt dây cột.  Nhìn sợi dây cháy dần cho đến khi tàn làm hắn thích thú hơn việc mở gói quà, nhưng cuối cùng rồi hắn cũng mở.
Bên trong cái hộp, một mẩu giấy, viết bằng mực, nằm trên trốc của một vật nhỏ, gói bằng giấy mềm.  Hắn lấy mẩu giấy và đọc.








Số 17, Đường-------
-------, Devon.
Ngày 7, tháng 6, 1944

Trung Sĩ X Thân Mến,
Mong ông thứ lỗi vì 38 ngày sau thì tôi mới  bắt đầu trao đổi thư từ nhưng, tôi đã vô cùng bận rộn vì dì tôi bị viêm họng do vi trùng streptococcus gần chết và tôi  phải gánh vác hết trách nhiệm này tới trách nhiệm khác.  Tuy nhiên tôi vẫn thường nghĩ tới ông cũng như tới  cái buổi chiều  dễ thương mà ta có được ngày 30 tháng Tư năm 1944 giữa 3:45 đến 4:15 chiều, lỡ trường hợp ông có quên.
Tất cả chúng tôi đều rất khích động và kinh ngạc về ngày  D Day và cầu mong là  nó sẽ mang lại sự chấm dứt nhanh chóng chiến tranh và  nếp sống có thể nói  là  nực cười.  Charles và tôi đều rất quan tâm về ông; chúng tôi hy vọng ông không có trong nhóm những người trong cuộc công kích đầu tiên  lên bán đảo Cotentin.  Có không?  Làm ơn hồi báo càng  sớm càng tốt.  Xin gửi lời thăm hỏi nồng nhiệt nhất đến bà nhà.

Chân thành,
ESMÉ

T.B.  Tôi xin mạo muội gửi cho ông cái đồng hồ đeo tay của tôi để ông có theo đeo  nó trong suốt cuộc chiến.  Tôi không nhớ ông có đeo đồng hồ hay không trong buổi  gặp gỡ ngắn ngủi , nhưng chiếc đồng hồ này rất không ngấm nước và không dễ vỡ mà còn có những đặc tính khác như có thể ghi nhận tốc độ trong khi ông đi bộ nếu muốn.  Tôi tin chắc ông sẽ tận dụng nó trong ngày tháng khó khăn sắp tới hơn tôi có thể và ông sẽ nhận nó như một vật đem lại cho ông nhiều may mắn.
Tôi đang dậy Charles đọc và viết và nó là một học trò rất mực sáng dạ.  Nó muốn thêm vào đây vài chữ.  Xin ông viết lại cho tôi càng sớm càng tốt.

HELLO HELLO HELLO HELLO HELLO HELLO HELLO
HELLO HELLO HELLO HELLO HELLO HELLO HELLO
CHARLES






Mãi một lúc lâu sau X mới có thể đặt mẩu giấy xuống, nói chi đến chuyện lấy cái đồng hồ đeo tay của cha của Elmé ra khỏi hộp.  Cuối cùng khi hắn lấy ra thì thấy mặt đồng hồ đã vỡ trên đường chuyển vận.  Hắn thắc mắc không biết đồng hồ còn chạy không, nhưng hắn không đủ can đảm đển lên dây thiều xem sao.  Hắn ngồi đó cầm cái đồng hồ trong tay trong một thời gian lâu.  Rồi, thình lình, gần như trong cơn ngây ngất, hắn cảm thấy buồn ngủ.
Esmé em hỡi, một người thật buồn ngủ, thể nào cũng có cơ hội để  thành lại một người với đầy đủ năng lực của thân thể và trí óc.


zzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzz