Wednesday, January 25, 2017

Bản Đồ của sự Bội Phản 1956-1957




1956-1957

Mùa hè năm 1956 Gary và Nellie lấy nhau rồi dọn về một căn apartment to hơn ở miền bắc Alexandria.  Nơi họ ở nằm trên lầu ba, có một phòng khách hai phòng ngủ, phòng nhỏ dùng làm văn phòng; và một cái ban công hẹp--tất cả vị chi là 1100 feet vuông.  Lần đầu tiên trong đời Nellie được sống ở nhà riêng của mình.  Cha mẹ nàng, tuy chấp nhận cuộc hôn nhân nhưng vẫn không thích Gary, họ nghĩ anh hơi quá kín đáo và cứng nhắc.  Anh chẳng bao giờ tỏ ra thoải mái, ngay cả trong những buổi party anh cũng không đụng đến một giọt rượu, lấy lý do là phải lái xe.  Ông ngoại Matt hay nói đùa là cái thằng Gary, đám cưới nó mà cái mặt cũng như đưa đám.  Bà ngoại nói nó không say sưa như ông và con Nellie vì sáng hôm sau nó còn phải đi làm.  Hai vợ chồng mới cưới đi hưởng tuần trăng mật tại St Petersburg, Florida.

Tuy nhiên, không như những người con rể khác của ông bà McCarrick, Gary rất rộng rãi và lo lắng cho vợ.  Hơn thế nữa, anh không đòi hỏi gì nơi bố mẹ vợ.  Trước khi lấy nhau, Nellie hỏi Gary có nên xin cha mẹ vài ngàn đô cho đám cưới không thì anh nói đừng làm vậy, ông bà gả con gái cho anh là cám ơn rồi, bên Tàu gia đình nhà trai phải lo liệu hết.  Quả là như vây, nhưng đó cũng là cách anh làm để bớt đi cái tội đa thê.  Anh tin là với sự giúp đỡ của chính quyền rồi anh thế nào cũng có thể giải thích và bào chữa với Dụ Phong.  Nhưng còn Nellie thì sao? Nếu thú nhận mình đã có vợ thì coi như lộ tẩy.  Bởi thế nên anh cố tử tế hơn với vợ.

Đám cưới xong suôi, Nellie thôi việc bồi bàn để lo cho gia đình.  Với mức lương tháng 680$ của Gary, nàng không phải đi làm nữa.  Hồi mới lấy nhau họ mê làm tình đến độ i anh không vào phòng làm việc buổi tố trong nhiều tuần.  Lắm khi chưa đến 10 giờ tối là họ đã lên giường.  “Ổng làm như dã thú,”  Nellie tâm sự với Lilian nhiều năm sau.  “Lúc đầu thì còn hơi hấp tấp.  Mẹ phải chỉ ổng cách dạo đầu từ tốn và để ý làm theo ý mẹ.”

Cuối mùa thu năm 1956 thì Nellie có thai.  Mừng thì có mừng, nhưng Gary cũng lo lắng.  Anh biết mình có vợ có con là coi như mọc rễ ở đây.  Ở càng lâu thì rễ sẽ càng sâu.  Anh chỉ sợ có một ngày Trung Quốc bắt anh phải về nước ngay lập tức, phải bỏ lại Nellie và con không một lời giải thích.  Anh hy vọng ngày ấy sẽ không xảy ra, và nếu có thì cũng mong cũng có đủ thì giờ để dàn xếp và tự gỡ rối.

Đang có thai nên t́ính tình Nellie cũng thay đổi thất thường.  Nàng hay than phiền và nổi giận bất tử, nhưng Gary vẫn bỏ qua và săn sóc.  Khi nào chịu không nổi nữa thì anh chui vào phòng đọc sách khóa cửa lại.  Nellie không có lấy một người bạn.  Nàng ngồi xem ti-vi tối ngày và không bao giờ bỏ sót một buổi I Love Lucy và Lassie nào.  Nàng còn nhuộm tóc đỏ như Lucy và khi Gary nói gì không phải thì nàng trề môi dài mỏ nói “Eww” giống như cô đào hài hước ấy.  Bữa ăn tối nàng kể anh nghe những gì xảy ra trong buổi phát hình hôm ấy, nhưng ít khi nào anh để ý đến. Nàng biết nàng có nói gì thì cũng chỉ tai này qua tai kia mà thôi.  Thỉnh thoảng bực bội lắm thì nàng mắng anh là “swot,” một chữ ông ngoại nàng hay dùng để gọi loại người mọt sách.  Thật vậy, hồi này Gary đọc và viết tối ngày sáng đêm.  Anh cũng không cho nàng dọn dẹp phòng đọc sách của anh, mỗi sáng anh đều khóa kỹ hai cái tủ đựng hồ sơ trước khi đi làm.  Nếu biết nàng vào phòng khi anh đi vắng thì anh nổi giận lôi đình, nói là công việc làm của anh không cho phép ai ngoại trừ anh vào phòng làm việc.  Thoạt tiên thì nàng khó chịu, nhưng sau rồi cũng thôi không vào đó dọn dẹp nữa.

Điều làm nàng quan tâm hơn là kể từ khi có thai là anh thôi không làm tình, lấy lý do sợ ảnh hưởng đến bào thai.  Anh nói, theo phong tục người Tàu, vợ chồng không được giao hợp trong khi vợ có thai vì không những có thể có hại cho mẹ lẫn con, mà còn có thể mang lại xui xẻo cho người chồng.  Gary còn thêm mắm dặm muối rằng, “Giao hợp khi có thai là một hành động thiếu tự nhiên.  Nhìn vào loài thú thì biết.  Chúng chỉ giao hợp để sanh con.  Một khi con cái có thai thì con đực không đụng tới cho tới khi nào con cái động tình trở lại.”

Nellie chẳng tin.  Một hôm trong bữa ăn tối, đề tài làm tình được nhắc đến, nàng hỏi, “Thế nếu con vợ có thai của anh nó lên cơn động tình thì sao?”

Gary nhìn vợ, không ngờ.  “Cái này là nói chuyện giả dụ phải không?”

Nàng nói tiếp với nụ cười chọc tức.  “Theo người Tàu thì đàn bà như vậy là phường mặt dày mày dạn, chỉ có nước cho trôi sông phải không?”

“Thôi, không nói nữa.  Đẻ con xong thì tha hồ.”

Sự thật thì nàng cũng chẳng ham làm tình và cũng sợ ảnh hưởng đến thai nhi.  Chỉ có điều Nellie hơi lo mà thôi.  Ban ngày thì chẳng thấy mặt mũi chàng ở đâu.  Nàng chỉ muốn đập tan cái phòng đọc sách, nơi đã trở thành phòng ngủ thứ hai của anh.  Nàng nói tiếp, “Bác sĩ sản khoa của em nói làm tình trong lúc có thai đâu có sao miễn sao cẩn thận là được rồi.”

Gary ném cho nàng một cái nhìn toé lửa.  Anh không ngờ nàng có thể nói chuyện ấy với bác sĩ Nelson, cái thằng cha béo lùn đeo cái nhẫn vàng to tướng trên ngón tay.  Gary nhớ cái kiểu cười nửa miệng của ông bác sĩ đỡ đẻ khi nói cho anh biết thai nhi khoẻ mạnh sau khi đã khám riêng người sản phụ, như ám chỉ vừa tò tí với vợ anh xong.  Gary nói giọng hằn học, “Tôi chả tin cái thằng lang băm ấy. Cái thằng bản mặt khó ưa!”

“Anh thật là một người khó chịu.  Lúc nào cũng nghĩ mình hơn người.”

Nàng đứng lên ra phòng khách trong khi anh đi rửa bát.  Họ chia công tác trong nhà bếp: nàng nấu ăn còn chàng thì rửa bát.  Anh cũng đem rác ra vào buổi sáng.  

Nellie chỉ sợ Gary léng phéng với những con mụ khác trong khi nàng có thai, nhất là mấy nàng người Á Châu trong đài Tiếng Nói Hoa Kỳ.  Anh thường hay làm thêm ở nơi ấy, anh phụ dịch bài từ tiếng Anh sang tiếng Tàu để phát thanh.  Mỗi khi có họ là Gary đứng lên không nổi--anh có thể nói chuyện hàng giờ với mấy bà đó.  Nellie đã từng gặp dăm mạng, trông họ rất xinh đẹp và họ có giọng nói ngọt ngào như mía lùi.  Không như những đàn ông Tàu khác không thạo tiếng Anh và thích ở bên vùng biển miền tây hay khu phố Tàu, Gary hòa đồng được với người Mỹ.  Điều đó làm anh nổi bật, và chắc trông anh cũng hấp dẫn hơn đối với mấy bà Á Châu này.  Nellie càng nghĩ đến cái lối hờ hững của anh thì nàng càng điên tiết.

Đứa bé sanh ngày 16 tháng Bảy năm 1957.  Nellie hơi thất vọng khi y tá nói là con gái vì nàng đã hứa với Gary sẽ đẻ cho chàng một lô con trai khoẻ mạnh để chàng hãnh diện.  Nhưng đây mới là đứa đầu tiên; sẽ còn đứa thứ hai, thứ ba, và có thể đứa thứ tư.  Nàng chẳng nên cảm thấy thất vọng hay ngại không muốn nhìn mặt chàng.  May thay, chàng có vẻ thật sự sung sướng và ôm chặt con gái vào lòng để mà nựng nịu và ầu ơi.  Như Nellie, anh tin là đây chỉ mới là đứa đầu tiên.  Nhưng trong tận cùng của tâm khảm có một ý nghĩ chập chờn mà anh cố tình tránh né:  nếu nó là con trai thì Gary sẽ còn yêu quí hơn nữa, và do đó càng khó mà có thể nhổ rễ đi khỏi nước Mỹ. Đứa con gái thì tốt hơn vì có thể sẽ không trói chân anh vào nơi chốn này.

Khi về nhà Nellie và Gary bàn chuyện đặt tên con.  Cả hai đều thích tên Lilian, nhưng anh đề nghị dùng tên Dụ làm tên lót, nói là đấy là tên tục của mẹ mình.  Thực ra đó là chữ đầu trong tên Dụ Phong, như thể theo đúng phong tục Tàu thì người vợ đầu của ông cũng có chút ít liên hệ với đứa bé người Mỹ này.   Nellie biết Gary không thích cha mẹ mình mấy nên đồng ý cho chữ Dụ đứng giữa Lilian và Thượng.  (Ba thập niên sau, đứa con gái tự mình thay tên Dụ bằng tên McCarrick.)

Trong khi đó Gary vẫn theo dõi tình hình chính trị quốc tế sát nút.  Có quá nhiều biến động xảy ra cho Liên Xô nên năm 1957 có thể gọi là “năm Xô Viết,”  năm mà thế lực số một của xã hội chủ nghĩa đã chiến thắng tây phương.  Xô Viết đã thành công trong việc bắn hỏa tiễn xuyên lục địa có khả năng nguyên tử.  Lúc ấy họ đã có cả bom nguyên tử lẫn bom khinh khí.  Họ đã bắn hai vệ tinh ra quĩ đạo, cái thứ hai mang theo một chú hành khách chó tên là Laika.  Tháng 12 Liên Xô cho hạ thủy chiếc tàu ngầm nguyên tử đầu tiên.  Trái lại, HK, vì mới bị thất bại ở bán đảo Triều Tiên nên bị đặt vào thế thủ.  Cuối tháng Năm một đám đông phá rào tấn công tòa đại sứ Mỹ sau khi tòa án quân sự tha bổng một sĩ quan Mỹ tội giết một thiếu tá trong quân đội Dân Quốc.  Đám người này mở được tủ sắt và tịch thu tài liệu nói rõ kế hoạch lật để Tưởng Giới Thạch để thay vào đấy bằng một lãnh đạo bù nhìn.  Người ta nghi rằng con trai của Tưởng Giới Thạch là Tưởng Kinh Quốc có nhúng tay vào vụ tấn công tòa đại sứ này.  Họ Tưởng lập tức xin lỗi Bạch Cung, khẳng định rằng đây không phải là một hành động chống Mỹ được dung thứ bởi chính quyền Đài Loan.   Ông cho phép quân đội Mỹ đặt tên lửa đất-đối-đất có khả năng bắn đạn nguyên tử đến hầu hết cách thành phố Trung Quốc.

Qua tin tức, Gary thấy được quê hương mình nằm dưới cơ hai siêu cường xa lắc.  Tuy năm 1957 Trung Quốc đã chế tạo được máy bay thả bom và chiến đấu cơ phản lực đầu tiên, dựa trên mô hình của MiG-17, toàn thể đất nước vẫn còn hỗn độn.  Những tổ hợp nông nghiệp vẫn chưa đủ khả năng gia tăng sản xuất thực phẩm như mong đợi, trong khi đó mức sống trung bình mỗi ngày một thêm đi xuống.  Cái gì cũng phải hạn chế, từ ngủ cốc cho tới dầu ăn, thịt thà, và quần áo.  Dân miền nam nước Tàu, mỗi người được mua 10 feet vải một năm, trong khi dân vùng Hắc Long Giang được mua 24 feet vì cần quần áo mùa đông hơn.  Sự khan hiếm trầm trọng đến độ ngay cả những nhu yếu phẩm như đậu hũ, diêm quẹt, chỉ, thuốc lá, trà, đường, trứng, và xà phòng đều phải có phiếu mới mua được.  Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng có vài mẩu tin phấn khởi.  Thí dụ như tin về một lực sĩ bơi lội người Hoa đã phá kỷ lục bơi ếch một trăm mét (1’12”7 của một người Tiệp) Thành quả của anh ta làm Gary cảm động và tin tưởng là đôi khi một cá nhân cũng có thể thay đổi cục diện và mang lại niềm hãnh diện cho quốc gia.  Khi đọc Nieische thì niềm tin ấy càng được củng cố.  Anh bắt đầu suy nghĩ về ý niệm siêu nhân tuy chính mình vẫn chưa làm chủ được bản thân và thoát ra khỏi hiệu ứng bầy đàn đã ăn sâu vào tâm khảm từ lâu.

Năm ấy Gary không đi Hồng Kông vì không thu thập được tin tức gì có giá trị.  Trong lá thư gởi cho Bính Văn anh nói không thể để vợ mới sanh nở xong ở lại một mình ở nhà và bên này chẳng có gì lạ xảy ra.  Bính Văn viết lại cho biết Hồng Kông mọi việc đều trơn tru, vả lại mùa hè cũng khá nóng.  Không phải qua đây làm gì.  Bính Văn hứa sẽ dàn xếp mọi sự ổn thỏa, ý nói sẽ tiếp tục chăm sóc gia đình bên nhà.  Gary cảm thấy có điều nghi hoặc nhưng anh để trong bụng không nói ra.  Người ta dẫu gì cũng đại diện cho Đảng và nhà nước, chẳng lẽ hứa mà không giữ lời.  Có nhà nước lo, Dụ Phong và gia đình chắc cũng sống thoải mái.  Chỉ có cách ấy mới giúp được cho gia đình nên anh phải tin vào cấp trên.  Đọc thư xong, Gary bật lửa châm đốt, rồi để trong một cái tô bằng sứ mà anh giữ cho phòng làm việc.

Xxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxx





Tôi bắt học trò soạn hai bài viết cho niên khóa, một bài cho đệ nhất lục cá nguyệt, bài kia cho đệ nhị lục cá nguyệt.  Tôi không hài lòng lắm với bài đầu học trò nộp.  Họ viết dài giòng văn tự, và vì còn nhiều hoài nghi nên chưa nhìn thẳng được vấn đề.  Lắm đứa mắc bệnh sao lại bản cũ, viết thì tràng giang đại hải mà chẳng nói lên được cái gì.  Không mấy đứa đưa ra được ý tưởng nào hay ho, mới lạ.  Khi luận về liên hệ cá nhân đối với tập thể, đứa nào cũng nói phải phục vụ cho quê hương xứ sở.  Muốn tìm được ý nghĩa cuộc sống, cá nhân phải có “liên hệ hài hòa” với những người chung quanh.  Có nghĩa là cá nhân phải phục vụ cho tập thể.  Chỉ có mỗi một anh dám khẳng định phải lo cho mẹ trước vì mẹ đã đẻ ra anh ta.  Tôi không biết và không tin họ có nói thật lòng hay không.  Họ ưa chuộng hoa văn bóng bẩy.  Họ tưởng văn chương rườm rà là biện tài, tưởng mơ hồ là hay ho, thích cái mập mờ hơn sự sáng sủa và thẳng thắn.  Đọc những bài văn u ám, tôi nhìn thấy được trọng tâm của vấn đề là sự thiếu thành thật.  Tôi nói với cả lớp, “Các em viết không được sáng tỏ hoặc vì đầu óc không mạch lạc hoặc không dám nói lên thật lòng.  Với tôi, minh bạch là một đức hạnh của trí tuệ.”  

Vài thành phần ban giảng huấn dự thính lớp tôi tỏ vẻ nghi hoặc.  Tuy họ không nói ra nhưng tôi biết họ không đồng ý và nghĩ là tôi không thông cảm với học trò.  

Một sinh viên nói, “Chúng em được dậy phải viết như vậy.”

“Chúng em không được nói toạc móng heo,”  một đứa khác chen vào.  “Người Trung Hoa không có lối nói như vậy.”

“Chẳng có gì là tuyệt đối,”  Hồng Bân, một học trò có chân trong Đảng, nói.  “Bởi thế không nên nói thẳng thừng quá đáng.”

Tôi nói với họ, “Lý luận như vậy không đúng.  Cô không chấp nhận chủ thuyết chân lý tương đối và chủ nghĩa hoài nghi.  Người ta đấm vào mặt mình thì phải biết đau, xả súng bắn vào đoàn người biểu tình hòa hoãn là một cái tội, bỏ tù mà không xử là vi phạm nhân quyền, giật sập nhà người ta mà không đền bù tương xứng là ăn cướp, lấy mỡ cặn đem bán làm dầu ăn là bất lương, lấy ý tưởng người khác mà không nhìn nhận là đạo văn.  Có gì nói vậy.  Các em rồi sẽ đi dạy học.  Nếu không có kiên định vững chắc sao có thể thành thầy cô tốt được?  Nếu không phân biệt đâu là thiện đâu là ác thì làm sao học trò có thể tin tưởng và kính trọng mình?”

“Em đồng ý,”  Mẫn Mẫn nói.  “Đè người ta ra, không cần biết có đeo bao cao su hay không, vẫn gọi là hiếp.”

Cả lớp cười ồ.  Cách đây vài hôm, một quan chức tỉnh Quý Châu đè một cô giáo trẻ tuổi ra hiếp sau một bữa tiệc khoản đãi.  Cô ta kiện nhưng công an không điều tra, nói rằng ông quan chức có đeo bao cao su nên không phải là cưỡng dâm.  Vụ này đã làm ầm lên cả nước.



Tôi vui mừng vì cô cháu Cự Ly từ Quảng Châu đến thăm tôi.  Cô nàng dáng người mảnh dẻ eo thon, chẳng giống cô chị Châu A béo mập chút nào.  Tuy hai mươi sáu nhưng Cự Ly trông như con gái mười tám.  Cô bé mặc quần bò màu đen, chân đi săng đan bằng da.  Nó đến Bắc Kinh nhiều lần rồi nên khi tôi rủ đi ngắm cảnh, nó nói, “Cháu đi gặp bạn bè một mình được rồi, không phải phiền đến dì đâu dì Lilian ạ.  Dì còn bận dạy học mà.”   Thế là tôi dúi cho nó ít tiền rồi bảo đến bữa ăn thì về.  

Tối hôm sau tôi và Cự Ly uống cà phê decaf nói chuyện.  Nó thích cappucino, espresso, latte, và nói chung là tất cả các thức uống ở Starbucks, nhưng giống tôi, uống cà phê vào là tối không ngủ được.  Nó nằm dài ra trên ghế sô-fa trong phòng khách của tôi, miệng cười, mắt chớp chớp, trông rõ là một cô gái không biết lo lắng là gì.  Nó có má phính, mũi tẹt giống mẹ, nhưng lại có cái cổ thon thon.  Có nó căn phòng tôi bỗng ấm cúng hẳn, và tôi cảm thấy thoải mái như ở nhà.  Cự Ly nói nó đang đi theo một ban kịch, lúc thì diễn xuất, lúc hát cho ban nhạc.   Nó hy vọng sẽ có cơ hội đóng phim hay truyền hình.  “Từ sân khấu nhỏ lên màn ảnh bạc,” nó nói với tôi.  “Có thể họ sẽ cho cháu vài vai phụ.  Cháu quen biết mấy người trong đài truyền hình trong vùng.”

“Thế mà bố mẹ cháu vẫn tưởng cháu làm cho công xưởng,”  tôi nói.

“Có, mà lâu rồi.”

Nó kể một lô việc đã làm qua.  Bảy năm trước nó rời nhà về Đông Tuyền, một thành phố đang phát triển cách Quảng Châu khoảng 40 dặm.  Nhờ người cùng quê giới thiệu, nó kiếm được việc làm cho một xưởng làm phẹc-mơ-tuya, lương tháng 400 quan.  Nhưng nó không hợp với mấy đứa cùng phòng nên nhảy sang làm việc kiểm kê hàng hóa cho một hãng dệt.  Công việc tuy không nặng nhọc, phần lớn việc giấy tờ, thỉnh thoảng lái xe forklift, nhưng phải làm nhiều giờ, lắm tuần làm cả 60 tiếng mà không có lương phụ trội, tuy thức ăn cũng không đến nỗi.  Buổi trưa có hai món thịt và một món canh.  Buổi trưa ăn nhiều để tối ăn ít.  Nó lúc nào cũng nhớ nhà và mệt mỏi, nhưng ai cũng bảo có việc trả 600 quan một tháng như vậy là quá may mắn rồi.  Nhưng nó không muốn làm cho nhà kho suốt đời nên lại tìm việc khác.

Lần này nó được Wal-Mart mướn làm thâu ngân viên, lương cũng vậy nhưng làm ít giờ hơn.

“Tính ra việc làm lương thấp thì Wal-Mart là nhất rồi,”  nó nói.  “Người ta thích làm cho hãng ngoại quốc.  Lương bổng chắc chắn, không bao giờ chậm trễ, và còn trả lương phụ trội.  Hơn thế nữa, xếp không dữ dằn như mấy hãng trong nước, và có đi vệ sinh hơn mười phút họ cũng không nói là mình trốn việc.  Nhưng đứng máy tính tiền cả ngày cũng ngán.  Cái khó nhất là lúc nào cũng phải tươi cười cho dù có mệt rã người ra.”

“Con làm đó bao lâu?”

“Tám tháng.  Rồi cháu đi làm hộp đêm vì phát giác ra mình cũng có giọng.  Cháu hát cho bar, nhưng cũng không được lâu.  Khách hàng hay quấy nhiễu, đòi hỏi.  Họ bỏ ra vài đồng, tưởng mình như miếng thịt miếng cá, muốn ăn thì ăn.  Có một đứa bị đánh gẫy mất răng vì không chịu đi chơi với khách.”

“Bởi vậy nên cháu đi theo ban hát?”

“Dạ.  Cháu muốn trình diễn trên sân khấu hay đóng phim.  Có nghèo mấy cũng chịu.  Cháu biết mình không đủ nhan sắc để thành minh tinh, chỉ cần vai phụ cũng được rồi.”

“Dì cũng mừng cho cháu,” tôi nói.  “Cháu làm dì hãnh diện, Cự Ly ạ.  Đời đẹp khi nghề nghiệp cũng là thú tiêu khiển.  Robert frost nói vậy.”

“Ông ấy là ai?”

“Một thi sĩ người Mỹ.”

“Nghe cũng hay.”

“Trí tuệ đó con ạ.”

“Cám ơn Dì.  Chỉ có Dì là người đầu tiên nói thế, ai cũng chê cái nghề con chọn.  Con chẳng dám nói với bố mẹ.  Bố mẹ mà biết thế nào cũng cho người bắt về.”

Cả hai dì cháu lăn ra cười.  Tôi hỏi về đứa anh sinh đôi Bản Ninh thì nó nói không biết nó đang lưu lạc nơi nào.  Cự Ly chỉ biết nó làm cho chính quyền, thường ở nước ngoài.  Chỉ biết thế thôi.  Lắm khi Bản Ninh có vẻ xa lạ và bí mật.  Cự Ly cũng nói trong nhà, Bản Ninh là đứa có học nhất, có bằng đại học.  Nó học ngoại văn trong trường và nói tiếng Anh thông thạo.  Càng nói thì tôi càng thắc mắc về thằng cháu như một bóng ma không hiểu được.  Tôi hỏi có hình của nó không.  Nó nói có nhưng để nhà rồi.  

“Hồi đó anh ấy cũng quậy dữ lắm,” nó nói.  “Hồi còn trung học ảnh mê xe hơi nhưng không lấy bằng được.  Khi nào có cơ hội là anh ấy lẻn lên xe hay máy cày, nghịch ngợm cần sang số và bảng đồng hồ.  Một hôm cả họ đang tụ tập ăn tiệc ở nhà, anh ấy lẻn lấy chiếc xe tải của khách.  Anh ấy lái đi nhưng ra tới đầu làng thì lạc tay lái, đâm xuống ao người ta dùng để ngâm cây gai.  Cũng may là ao không sâu nên ảnh chui ra được.  Bố mẹ cháu phải bỏ ra 500 quan để sửa đền xe cho người ta.”

“Dì muốn gặp nó,” tôi nói.  “Nó là đứa cháu trai duy nhất của dì.”

“Cháu sẽ gởi cho dì email của ảnh.”

“Ừ, nhớ nhé.  Cháu có scanner không?’

“Có.”

“E-mail cho dì hình của nó.”

“Được rồi.”

Cự Ly hỏi tôi về bố tôi.  Tôi chợt hiểu một lý do nó đến thăm là để tìm hiểu thêm về ông ngoại nó.  Tôi sẽ không nói thật việc làm của bố tôi; ngay bây giờ tôi chưa sẵn sàng nói cho nó biết ông nó là gián điệp hàng đầu cho Trung Quốc.   Tôi chỉ nói bố tôi lúc nào cũng nhớ bà ngoại nó.  Tôi cũng nói ông ấy là một người cha thương con nhưng không để ý đến vợ, rằng ông ta sống một cuộc sống của kẻ tha hương, và ông ấy đã hy sinh nhiều cho Trung Quốc và đáng được xem là một anh hùng cho xứ sở.

Tôi không nói Cự Ly nghe về những ý nghĩ và thắc mắc của riêng tôi đối với bố tôi.  Cái vấn nạn của cả cuộc đời bố tôi là cái tâm trạng dùng dằng của kẻ không biết ngả bên nào.  Quả thật vào lúc cuối đời ông bắt đầu thích nước Mỹ và cảm thấy gần gũi với mẹ tôi hơn, nhưng vẫn không thể tưởng tượng sẽ sống với Nellie cho đến khi nhắm mắt.  Lòng bố lúc nào cũng như để nơi đâu.  Đi đâu thì mặc, lúc nào cũng bơ vơ, như một kẻ tha hương.

No comments:

Post a Comment