Friday, January 20, 2017

Bản Đồ Của Sự Bội Phản 1954

1954

Đây là lần đầu tiên Gary có dịp đi nghỉ hè.  George Thomas mới lấy vợ, vừa từ Mỹ trở về, đã cho anh ba tuần phép. Đầu tháng Hai Gary đi Hồng Kông, hy vọng có thể vượt biên vào Quảng Châu; tuy không có giấy thông hành Trung Cộng nhưng anh có hộ chiếu Dân Quốc.  Anh cũng có giấy tờ tị nạn cho phép vào Mỹ.  Đã năm năm rồi mà anh chưa biết tin tức gì của gia đình và chỉ thỉnh thoảng thấy được trong giấc mơ.  Liệu cha mẹ còn đủ sức làm ruộng hay không?  Dụ phong có giận vì anh đã bỏ đi quá lâu không?  Anh nói gì bây giờ để giải thích việc mình đã không tròn lời hứa trở về mang vợ theo?  Thật là một người chồng chẳng ra gì.  Lần này có gặp thế nào cũng cho một đứa con để nàng bớt cô đơn khi vắng bóng chồng, để anh còn có lý do xin thôi công tác nước ngoài.

Anh không chắc cấp trên sẽ cho phép về thăm nhà.  Tính toán có thể chỉ là mơ mộng viễn vông.  Tuy vậy nhưng anh vẫn tràn trề hy vọng và không ngừng mơ về một ngày đoàn tụ.  Chiều hôm đăng ký vào một khách sạn nhỏ dưới phố Hồng Kông, anh gọi điện cho Bính Văn.  Ông mừng rỡ khi nghe tin anh đến và mong gặp lại anh.  Họ hẹn gặp nhau sáng hôm sau khoảng mười một giờ tại một tiệm ăn gần bến phà Cửu Long.  Bính Văn nhắc đừng ăn sáng nặng vì sẽ ăn trưa sớm.  Sáng hôm sau mười giờ rưỡi Gary mới thức dậy.  Tắm rửa xong anh chậm rãi đi ra bến tàu.  Trên đường đi, anh ghé ngang quầy bánh ngọt mua một cái bánh bao nhân đậu đỏ, và vừa đi vừa ăn ngấu nghiến.  Giống như bên Trung quốc, không ai để ý việc anh ăn uống ngoài đường.  Anh cảm thấy thoải mái, mặc dù không rành phố xá vì chỉ ở đây có một tháng (trong trại lính Stanley Fort), và không hiểu lời rao hàng tiếng Quảng Đông.  

Khi anh đến nhà hàng, Bính Văn đã chờ sẵn đó, ông ngồi tại một cái bàn nhìn ra thấy hết tiệm ăn, sân trước và hải cảng.  Khi thấy Gary, ông đứng dậy chạy ùa ra.  Ông đi ủng da có khóa đồng và mặc áo vét len xám bên ngoài áo sơ mi trắng.  Họ ôm chầm lấy nhau, mừng rỡ vì lâu ngày không gặp.  Gary thấy đồng chí mình không già đi chút nào, vẫn cặp mắt sáng, vẫn khuôn mặt sinh động đó.  Sau khi trà nước dọn ra, một cô phục vụ dáng người tơ liễu đưa mỗi người một cái khăn ấm để lau mặt lau tay.

Họ gọi thức ăn rồi nói chuyện ríu rít.  Bính Văn rút trong túi áo cashmere khoác trên chiếc ghế, lấy ra một phong bì.  Ông nhỏ giọng nói,  “Đây là chỉ là một biểu hiện nhỏ cho lòng biết ơn của nhà nước.”

“Biết ơn cái gì?”  Gary hỏi, ra vẻ ngạc nhiên.

“Cho những tin tức anh cung cấp ba tháng trước.”

“Tin có dùng được không?’

“Chắc chắn.  Nhờ đó mà chúng tôi đã dẹp tan một ổ gián điệp giả dạng tù binh trao trả từ Triều Tiên.  Thộp cổ trọn đám, xử tử vài đứa, còn lại nhốt hết.”

Gary bị sốc nhưng không nói tiếng nào.  Anh nhét phong bì vào túi quần.  Anh tưởng tất cả tù binh chống cộng đã đi Đài Loan.

Thức ăn được dọn ra.  Món bánh bao nhân cua thịt Bính Văn gọi để chiều khẩu vị người bắc của Gary, vừa phổng phao vừa nóng bốc khói.  Tất cả các món khác đều là món miền bắc.  Gary gắp một cái bánh để lên đĩa, dùng đũa cắt làm đôi, rồi đút một nửa vào miệng.  “Thật tuyệt vời,” anh vừa thổi hít hà vừa nói.  “Ăn cái này lại càng nhớ nhà.”

Tiếng còi phà nghe như tiếng bò rống trong khi con phà chạy sình sịch rời bến kéo theo một lằn nước sủi bọt.  Bính Văn nói, “Anh quê ở Sơn Đông nên đãi anh bữa bánh bao mừng ngày tái ngộ.”

“Cám ơn.  Chừng nào về được?  Anh biết năm năm rồi tôi chưa được gặp gia đình chớ?”

“Ậy, đó là điều tôi muốn nói chuyện với anh hôm nay.”  Bính Văn mỉm cười ranh mãnh, đôi mắt cú vọ đảo nhìn chung quanh xem có ai nghe lén không.  “Gia đình anh khoẻ hết.  Đã có nhà nước lo hết.  Đừng có bận tâm.”

“Tôi về ghé thăm chút xíu được không?”

“Không.  Không được.  Qua biên giới là tụi Anh nó báo tụi Mỹ liền.  Đổ bể hết.  Đảng muốn anh cứ bám lấy cơ quan văn hóa Mỹ ở Okinawa và lấy càng nhiều tin tức càng tốt.  Không để tiết lộ chân tướng được.  Ta biết không phải là chuyện dễ cho huynh đài nhưng phải hy sinh cho dân tộc.  Huynh phải biết toàn thể anh em ngưỡng mộ huynh lắm đấy.”  

Nghe xong Gary cảm động và không đòi về nữa.  Anh chớp chớp mắt hỏi, “Ngộ nhỡ cơ quan về Mỹ rồi sao?  Tôi có nghe đồn loáng thoáng.”

“Thì họ đi đâu mình đi đấy.  Cấp trên đã chỉ thị rõ ràng như vậy mà.”

Gary cau mặt, thở mạnh như có gì mắc trong cổ họng.  “Này này--tháng tới tôi đã ba mươi rồi, sống như thầy chùa như thế này riết sao chịu nổi.”  Giọng anh mang vẻ hờn dỗi. “Không phải tôi nhớ vợ như người mới cưới.  Cha mẹ định đoạt cho tôi.  Nhưng tôi cảm thấy mình không phải với Dụ Phong.  Vả lại tôi cũng nhớ nhà chớ.”

“Thì chúng tôi vẫn biết chị nhà là người đàn bà tốt, chị nhà thông cảm việc anh hy sinh vì đại nghĩa, cho quốc gia dân tộc.  Còn chuyện đời sống của anh”---Bính Văn nháy mắt mỉm cười---”Đảng cũng đã bàn qua chuyện đó rồi.  Nếu cần, anh nên lập lại gia đình ở hải ngoại.  Có nghĩa là anh phải chuẩn bị cho một đời sống lâu dài ở hải ngoại.”

“Vậy là công tác tôi là một công tác lâu dài?”

“Đúng thế.”

Gary cảm thấy đầu óc choáng váng nhưng vẫn cố nói, “Okay, tôi hiểu.”  Tí nữa thì anh phản đối nhưng chợt hiểu là không đi đến đâu, chỉ có hại cho gia đình.  Anh thở dài cái sượt.  Tuy vui mừng gặp lại bạn cũ và biết bạn giờ đã là đảng viên, nhưng bữa ăn tái ngộ thật là thất vọng.  Ngoài 500$ trong phong bì, Bính Văn cho Gary biết là anh đã được thăng chức tương đương với đại úy quân đội.  Kể từ nay anh sẽ lãnh hai thứ lương--230$ từ cơ quan Mỹ và 102 quan, tương đương độ 50$, từ Bộ Công An Trung Quốc.  Anh biết chắc chẳng có đồng chí nào của anh lãnh nhiều tiền như vậy.  Điều này làm anh bớt chán nản một tí.  Nếu chi tiêu cẩn thận, sẽ có một ngày anh trở về giàu có.  

Tháng Hai ở Hồng Kông ấm áp và trong không khí đã có hơi xuân.  Đường xá đầy người qua lại, đa số quần áo rách tả tơi, rõ ràng làn dân tị nạn từ lục địa.  Chỉ có vài người mặc áo bông hay áo khoác ngoài dầy như dân miền bắc.  Khi đi bộ trở lại khách sạn, Gary nghe tiếng bồ câu gù gù và ngẩng đầu nhìn quanh, nhưng chẳng thấy chim đâu cả.  Anh chỉ thấy quần áo giặt phơi đủ màu đủ sắc, bay phần phật trên những thanh tre bắc ngang ban công.  Một người lính gác người Ấn Độ xuất hiện, đứng trước lối vào của một bin đinh hoành tráng xây bằng đá, đầu quấn khăn, râu tỉa.  Không khí có mùi ẩm mốc và hơi nhớp nháp.  Mùa hè ở đây chắc khó chịu lắm, Gary nghĩ.  Có lẽ còn nóng hơn Okinawa.

Một thằng bé sứt môi đi rều rễu theo anh, tay chìa ra, nhưng Gary nhận ra nó--trên đường đi ăn trưa đã cho thằng ăn mày này hai xu rồi, nên anh xua nó đi chỗ khác.  Một bà già đi ngược chiều, chân cà nhắc, nách kẹp chiếc dù bằng giấy dầu.  Một chiếc xe kéo chạy lên gần xem bà có cần kéo không nhưng bà vẫy tay ra dấu không cần.  Khi Gary tới gần ngả tư, một chiếc Rolls-Royce màu xanh đậm với bóng đèn và cảng xe xi chrome bóng láng xuất hiện, bấm còi inh ỏi cho khách bộ hành nhảy vội lên lề tránh đường.  Thế nhưng chiếc xe vẫn chạy, làm bắn nước bùn tung toé lên người đi đường và xe bán sữa đậu nành, quầy bán báo, bán trái cây, và hàng cá rán.  Một thiếu phụ trung niên mặc quần xanh đi ủng cao su vung tay chửi về phía sau xe, “Con mẹ nó, lũ dương quỉ tử!”

Gary chỉ thấy bóng người tài xế Á Châu và một khuôn mặt Á Châu khác trong xe nhưng anh biết chắc là xe của người ngoại quốc vì có gắn cờ Anh Quốc trước xe.  Sự kiện này nhắc nhở anh thấy mình đang tham dự trong một cuộc chiến chống chủ nghĩa đế quốc.  Trung Quốc phải đẩy lui tất cả thế lực thực dân ra khỏi lãnh thổ, và anh không được phép băn bó tự thương hại về chuyện hơn thiệt cá nhân.  Anh ghé sạp báo lấy tờ Nam Hoa Tảo Báo, mà anh thấy đăng tin tức quốc ngoại đầu đủ hơn mấy tờ báo tiếng Hoa khác.

Trong những ngày nghỉ còn lại, anh quyết định ăn chơi tiêu xài thoải mái.  Anh đi ăn nhà hàng chuyên nấu món bắc và thích nước trái cây như nước xoài xay, sinh tố dứa, đá nhận kiwi, và nước trái ổi.  Anh cũng la cà những hộp đêm có gái nhảy khiêu gợi.  Tại một hộp đêm, anh đem về một em khoảng hai mươi mấy. Anh chỉ nói tiếng Anh, phần vì được dặn không được tiết lộ tung tích phần vì muốn loè cái gốc làm cho Mỹ.  Thật vậy, sau bốn năm làm việc với người Mỹ, điệu bộ của anh thay đổi đến độ lắm người không biết anh là người Hoa.  Anh cũng nhún vai, cũng mở cửa cho phái nữ.  Cô gái người Quảng Đông lai Ba Tây gọi anh là ông Tàu Mỹ khi cả hai đều đã sau túy lúy.  Nàng vẫn gọi anh bằng cái tên đó khi cả hai đã trở về phòng khách sạn.

Như kẻ vừa được giải phóng, anh cảm thấy con người mình thay đổi và trong những ngày nghỉ còn lại, đã không ngần ngại đi tìm khoái cảm.  Như nồi đã nứt, đập vỡ luôn cho sướng tay.  Anh biết một khi trở lại Okinawa anh sẽ lại là người thư ký hiền lành, chân chỉ hạt bột như xưa.  Anh biết ăn chơi phóng đãng có thể thay tâm đổi tính nên anh tự hứa sau sinh nhật ba mươi tuổi ngày 12 tháng Ba, sẽ chấm dứt mọi ăn chơi đàng điếm.

Ngày nghỉ gần xong thì Bính Văn mời anh một bữa tiệc thịnh soạn cho hai người tại Tứ Hải Trà Gia.  Ông nói Gary phải cố trèo lên nấc thang hệ thống tình báo Hoa Kỳ.  Anh chỉ cần thu thập những tin tức nào anh nghĩ quan trọng cho Trung Quốc mà thôi.  Nếu có thể, anh nên sang Hồng Kông một năm một lần để cập nhật và bàn tính kế hoạch.  Kể từ bây giờ anh sẽ mở chương mục ở Hằng Sanh Ngân Hàng, và tiền thưởng sẽ được ký thác vào đó đều đặn.

“Anh là người hùng trên mặt trận vô hình của chúng tôi đấy,”  Bính Văn nói với Gary.

“Một anh hùng vô danh,”  Gary nói bằng giọng hơi đắng cay.  Đó là từ mà báo chí lục địa dành cho gián điệp cộng sản.

“Tôi thông cảm với anh.  Chắc anh phải cảm thấy như kẻ sống cảnh cá chậu chim lồng, như hổ trong cũi sắt.  Nếu là tôi thì chắc tôi đã điên lên vì nhớ nhà.”

“Cám ơn anh đã thông cảm.”  Gary nói.  Lời nói chân thành của người đồng chí làm anh hả dạ phần nào.

Bính Văn nói tiếp,  “Xin anh nhớ cho rằng quê hương đã nuôi nấng anh nên người và sẽ không bao giờ quên những hy sinh của anh.”

“Tôi nguyện sẽ ghi tâm khắc cốt.”

“Thêm nữa, bằng bất cứ giá nào, anh cũng không bao giờ được liên lạc trực tiếp với gia đình.  Làm vậy sẽ gây liên lụy đến nhiều người.”

“Anh đừng có lo.  Tôi sẽ không đời nào làm vậy.”  Gary thừa hiểu câu ”gây liên lụy đến nhiều người” ám chỉ gia đình anh.

Họ nốc cạn ly xây chừng rượu Phượng Hoàng.  Chất rượu cay nồng là Gary chảy nước mắt và chóng mặt.  Họ uống cạn sạch nguyên một chai.

xxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxx


Khi trở lại Bắc Kinh, tôi liền viết thư cho Dụ Phong.  Tôi nói mình là ai và nói muốn gặp bà.  Địa chỉ chú Vĩ Nhân cho có thể quá cũ nên thư tôi không biết có đến tay được không.  Tuy vậy tôi vẫn khám thùng thư mỗi ngày.

Khi mãi đầu tháng Tư mà vẫn chưa nhận được tin nên tôi sốt ruột.  Tôi nói chuyện với Henry.  Anh đề nghị đi thẳng đến vùng đông bắc đi tìm, và thế là tôi bắt đầu chuẩn bị kế hoạch.  Tôi đổi lớp học từ thứ Năm sang tối thứ Ba (cho ăn pizza) để có được sáu ngày đi.  

Ngày mồng 7 tháng Tư, tôi bắt đầu khởi hành.  Nếu bay thì chắc nhanh chóng và dễ dàng hơn, nhưng tôi phải trình giấy thông hành khi mua vé máy bay, và rồi lại công an cảnh sát lôi thôi.  Thế là tôi quyết định đi xe hỏa.  Khi đến nhà ga, họ cũng bắt tôi trình hộ chiếu.  Trước giờ tôi đi xe hỏa đâu có vậy.   Tôi đành phải đưa hộ chiếu cho người đàn bà sau cửa kính, nói tôi đi Hắc Long Giang thăm bà cô.  May sao bà ta chẳng hỏi han, chỉ đưa lại vé xe và tiền lẻ, có lẽ vì có một hàng dài sau lưng tôi.  Hơn nữa, tôi nói tiếng Quan Thoại nên bà tưởng tôi là người Trung Hoa hải ngoại, được xếp vào hạng người nước ngoài về thăm Trung Quốc thường xuyên.

Chuyến đi dài trên hai mươi tiếng đồng hồ, kể cả hai lần ngừng lại ở Hà Nhĩ Tân và Giai Mộc Tư.  Tôi không đi vào phố trong khi chờ đợi mà chỉ đi bộ cho giãn chân giãn cẳng.  Cả hai tỉnh vẫn còn vết tích của cách bố trí đô thị kiểu Xô Viết--những căn cao ốc to kềnh, đại lộ thênh thang, và quảng trường rộng lớn.  Trong những tiệm thực phẩm, tôi thấy ổ bánh mì to bằng cái thau và những thỏi súc xích tổ chảng. Trên đường phố cũng thấy người Nga, có lẽ là du khách và thương gia đi lền khên.  

Chuyến xe lửa hơi nhàm chán nhưng không đến nỗi mệt mỏi, nhờ có chỗ ngả lưng.  Tôi mang theo cuốn Tân Trung Quốc Tự Vị bỏ túi để lúc buồn lôi ra ôn lại chữ nghĩa.  Tuy nhiên, chặng cuối cùng có hơi khác.  Từ Giai Mộc Tư tôi đi xe hỏa trong vùng đến tỉnh Phúc Sơn, và trong suốt hai tiếng đồng hồ, tôi ngồi lẫn lộn với người Hoa, nhiều người trông bộ dạng có vẻ là nông dân.  Đối diện là một cặp bốn mấy năm mươi, ông chồng hói giữa đỉnh đầu, bà vợ má đỏ hồng hào.  Bên cạnh tôi là một thiếu phụ bế con trên lòng.  Trông mặt nàng rõ ra là người tỉnh thành vì da dẻ trắng trẻo.  Sau khi một ông soát vé mang một cái ấm nước mạ kẽm đi rót cho bất cứ ai đưa ly ra, tôi nhìn ra cửa sổ, quan cảnh làm tôi nhớ lại cảnh đồng quê miền trung tây nước Mỹ.  Hai cái xe máy cày đang kéo bừa sới đất trên một cánh đồng rộng mênh mông.  Trong một cánh đồng khác, máy gieo hạt đang quay tròn.  Xa xa, ngọn lửa cánh đồng bốc khói lên nghi ngút.  Từ đầu tôi cố tình không mở miệng để khỏi lộ khẩu âm, nhưng giờ thì tôi không thể im được.  Tôi hỏi cặp vợ chồng đối diện,  “Tại sao người ta đốt cánh đồng vậy?”

“Chắc người ta đốt cánh đồng làm nương rẫy,”  người đàn ông nói.  “Họ cũng đốt cỏ dại để làm phân bón.”

“Họ trồng gì vậy?  Mấy cái máy rải hạt.”

“Trồng bắp, trồng lúa mì.”

“Đậu nành nữa,” bà vợ nói chen vào.  

“Bà từ đâu tới?”  bà mẹ trẻ ngồi bên cạnh tôi hỏi.

“Bắc Kinh,”  tôi nói.

“Giọng bà không nghe như người Hán.”

“Tôi là người lai Uyghur,” là câu trả lời sẵn có của tôi.  “Nhưng tôi sống và làm việc ở thủ đô.”

Người Uyghur, hay còn gọi là Duy Ngô Nhĩ là một dân tộc Trung Á sống chủ yếu ở khu tự trị Tân Cương, da họ trắng nên còn gọi là người da trắng của Châu Á.  Đám hành khách có vẻ tin lời giải thích và chúng tôi bắt đầu nói chuyện vãn.  Chẳng bao lâu thì người thiếu phụ trẻ ngồi kế bên bắt đầu ngủ gà ngủ gật nhưng tay vẫn ôm thằng bé đang ngủ say sưa.  Người đàn ông đối diện nói hai vợ chồng vừa đi Nam Kinh thăm người con trai lái xe cam nhông trong một trung đoàn pháo binh.  Người thanh niên có thể sẽ thăng cấp sĩ quan.  Nếu không thì khi giải ngũ làm nghề tài xế tắc xi hay xe vận tải cũng khá tiền.  Tôi nhớ ngày xưa gia nhập quân ngũ là một đặc quyền và không hiểu còn như vậy không.  Người đàn ông nói nhiều người vẫn thích quân nghiệp, nhưng không phải ai cũng đủ tiền.  

“Không đủ tiền là làm sao?”  tôi thắc mắc hỏi.

“Phải trả tiền,” bà vợ nói xía vào.

“Trả cho ai?”

“Người tuyển mộ,” người đàn ông nói.

“Ông trả bao nhiêu cho con trai ông?”  tôi càng thêm kinh ngạc.

“Thì tám ngàn quan, giá thông thường.”  

Khoảng một ngàn hai trăm đô, một số tiền đáng kể đối với một gia đình người Hoa trung bình.  Bà vợ lại nói thêm.  “Nếu con gái thì mười ngàn.”

Tôi nói,  “Có lẽ quân đội là nghề duy nhất mà con gái đắt hơn con trai.”

Cả hai cười xòa.  Không hiểu khi có chiến tranh thì sao.  Có lẽ lúc ấy nhiều người lại đút lót cấp trên để được giải ngũ hay không ra trận.  Người Hoa có tính thực tế, đa số không để ý đến chuyện chính trị hay lý tưởng.  Đối với họ chỉ có chuyện sinh tồn.  Mối quan tâm của người dân thường có thể tóm về bốn chữ: thức ăn, cái mặc, chỗ ở, và phương tiện vận chuyển.  Thời này còn thêm vấn đề y tế và giáo dục.

Nhà ga Phúc Sơn là một tòa nhà mới sơn màu vàng, trên có tháp đồng hồ, lúc ấy chỉ 2:50.  Sàn nhà tráng xi măng và đông nghẹt người, nhiều người đi đưa tiễn thân nhân hay bạn bè.  Thằng bé trên tay người mẹ ngồi kế tôi không chịu xuống xe và òa lên khóc.  Nó muốn đi tiếp.  Thế là người lớn lăn ra cười và bà mẹ tỏ vẻ mắc cở.  Mắt bà lộ vẻ lo sợ khi nói trống không,  “Xin các ông các bà thứ lỗi cho.  Đây là lần đầu nó được đi xe.”

Bên ngoài nhà ga là một dãy tắc xi và những thiếu nữ cầm bảng có đề giá khách sạn, cái nào cũng có truyền hình cáp.  Tôi lên tắc xi nói người tài xế, “Chở tôi đến nhà ngủ trong phố.”

“Nhà ngủ rẻ tiền?” anh ta đề máy chạy.

“Không,cần chỗ nào yên tịnh.”

Chúng tôi chạy về hướng bắc, dọc hai bên đường những cây non, cây phong, cây liễu, và cây keo, đang trổ lá như những lưỡi kéo và ngọn giáo tí hon, thân cây quết vôi từ gốc lên 4 feet để khỏi bị côn trùng.  Thành phố có vẻ vắng vẻ, chỉ lác đác có vài người khách bộ hành.  Đây là lần đầu tôi thấy một thành phố có nhiều nhà hơn người ở.  Tôi nghĩ đến một thành phố nhỏ miền trung tây bên Mỹ trong một ngày yên ắng, mặc dù Phúc Sơn là một tỉnh lỵ chính.  Tôi hỏi người tài xế sao vắng người thế.  Ông nói vừa có cuộc nông dân nổi dậy, bị đàn áp bởi công an chống biểu tình xuống từ Hà Nhĩ Tân, đó là lý do tại sao đa số dân quê không ra tỉnh trong lúc này.  Ngay cả chợ búa cũng đóng cửa, mới mở lại hôm qua.

“Tại sao?”  tôi hỏi.  “Tại sao người ta nổi dậy?”

“Mấy ông quan chức chính quyền quận cho nông dân thuê hàng ngàn mẫu đất rồi tiền thầy đút túi.  Nhưng đất lại là đất chính phủ.  Thế là người ta nổi giận lôi đình.  Họ gởi đại biểu xuống thủ phủ tỉnh rồi Bắc Kinh để đập đầu ăn vạ.  Nhưng đến đâu cũng bị dẹp qua một bên.  Thế là dân làng trở về tổ chức biểu tình.  Công an khu vực cố giải tán đám đông nhưng bị đập cho một trận.  Rồi chuyện bé xé ra to, họ ngáng đường, chặn xe hỏa, và hơn một ngàn công an từ Hà Nhĩ Tân đổ về.”

“Có ai bị chết không?”

“Không.  Nhưng hàng trăm người bị thương.  Mấy chiếc xe và máy cày bị đập và đốt.  Công an bắn lựu đạn cay và đạn cao su.”

“Không có xịt hơi cay sao?”

“Hơi cay là cái gì?”

“Cảnh sát nước ngoài hay dùng hơi cay để giải tán đám đông.”  tôi quét tay từ trái sang phải như người đang xịt thuốc.  Ông tài xế, miệng ngậm cây tăm, nhìn tôi biểu diễn qua kính chiếu hậu.

“Như trò con nít vậy đó hả?  Nói cho cô nghe, dân quê ăn cay quen rồi, hơi cay mà nhằm nhò gì.”

Tôi mỉm cười.  Thật ra không phải hỏi tầm phào đâu.  Tôi muốn biết công an Trung Quốc có giỏi dẹp biểu tình không.  Bài học Thiên An Môn còn sờ sờ đó, chính quyền sẽ không dám dùng đến quân đội để dẹp những nổi dậy.  Đó là lý do tại sao lực lượng công an tăng lên tới hai triệu rưỡi và tiền chi cho “an ninh nội bộ” có khi còn nhiều hơn ngân sách quốc phòng.  Tôi thường hay thắc mắc, nếu không phải chi cho một ngân sách khổng lồ như vậy thì Trung Quốc có thể làm gì cho người dân, cho lũ trẻ con ở miền quê, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc.

Chúng tôi ngừng trước một nhà trọ hai tầng có tên là Nhà Cho Mọi Người.  Cuốc xe tốn 35 quan nhưng tôi nhét vào tay ông tài xế 50 quan.  Một người đàn bà trạc độ bốn mươi ở quầy tiếp khách cho tôi một căn phòng có nhiều giường vì mùa này vắng khách.  Tôi lên lầu, xếp va li, tắm rửa qua loa, rồi nằm xuống một cái giường sực mùi thuốc lá.  Tuy mệt mỏi nhưng tôi mừng vì họ không hỏi thẻ căn cước và may ra tôi có thể ở lại đây mà không có vấn đề gì.  

Buổi tối tôi ra quán ăn gần đó, một cái quán cóc với ba cái bàn bé tí và một ngọn đèn vàng leo lét, nhưng quán có món mì cay và bánh bao nhân thịt lợn với cải bắp.  Tôi ước gì mình có thể ăn mì kiểu người Tàu chính tông, có nghĩa là húp nước xì xụp và mút sợi mì chùn chụt rồi bê cả tô lên uống ừng ực.   Khi tôi ăn mì người ta biết ngay không phải dân Tàu.  Tôi mua hai cái bánh bao nhỏ và một tô nước dùng.  Ông già đứng quầy tính tiền chỉ mặt tôi nói vui vẻ, “Hai cái bao thôi hả?  Ăn gì như mèo ăn vậy?”  chắc ông tưởng tôi là một bà Tầu khảnh ăn nên tôi chỉ nói cám ơn rồi mang thức ăn ra bàn ngồi ăn.

Ở bên Tàu tôi muốn người ta nghĩ tôi là người Tàu, nhưng bên Mỹ tôi lúc nào cũng nhận mình là người Mỹ.  Tôi chỉ muốn được đối xử bình đẳng như mọi người khác.  Khi còn học tiểu học, đứa nào gọi tôi là “con lai” là bằng cách nào tôi cũng phải đập cho bằng được.  Khi nhìn hình trong album, tôi thấy tôi có mũi và miệng của bố tôi nhưng da tôi trắng.  Người lạ tưởng tôi là con gái tóc nâu.  Khi mới lớn bố tôi nói chỉ nên đi chơi với con trai Tàu vì chúng đàng hoàng hơn lũ da trắng, da đen.  Tôi nói quan niệm ấy quá lỗi thời và có lần cãi lại,  “Vậy thì bố đi kiếm cho con một thằng Tàu đi.  Không muốn một thằng khờ đâu nha.”  Tôi nghĩ đến thằng Francie Wong trong trường.  Sau khi bố tôi chết, tôi không biết ông sẽ nghĩ gì về người chồng đầu tiên của tôi.  Carlos là một người gốc Tây Ban Nha.  Anh là con mọt sách, đeo kính cận dầy cui, nhưng có duyên và làm nghề bán bảo hiểm với nhiều thân chủ.

Khi trở lại nhà trọ thì tôi gặp người chủ quán trọ, một người đàn ông béo tròn, tóc tai bù xù.  Tôi hỏi ông đường đi đến làng Cổ Thái, nơi nghe nói Dụ Phong đã ở.  Ông nói xa lắm, tối thiểu mười dặm, phải đi xe buýt.  Nhưng tôi muốn lái xe đi một mình để hôm sau còn dễ đường tính toán.  Ông ta giúp tôi đặt cọc cho chiếc tắc xi.



Tôi đến làng Cổ Thái sáng ngày hôm sau.  Đường đi không khó nhưng chẳng được cái tích sự gì.  Ông xã trưởng nói Dụ Phong chết mấy năm rồi.  Gia đình của bà đã dời về thị xã để mở tiệm may.  “Cứ hỏi thăm cô thợ may họ Thượng.  Ai cũng biết.”  Thế là tôi lập tức lái xe về thị xã Phúc Sơn.  Tôi mừng là hai chị em còn giữ tên họ.  Mẹ tôi hay nói nửa đùa nửa thật,  “Trên thế giới này chỉ còn mày là người họ Thượng.”  Bên Tàu, Thượng, có nghĩa là ở trên, như “thượng lưu,”  là một tên ít người có.  Nhưng trong một nước dân cư 1,3 tỉ người thì tối thiểu cũng có vài ngàn người mang tên Thượng.  Tiệm may quả thật dễ tìm.  Tiệm tọa lạc trên một con đường trải đá trong khu thương mại dưới phố.  Sau khi đi ngang qua vài hàng bán rau và gà vịt hai bên đường, tôi thẳng đi vào tiệm may.

“Cô cần gì thế?”  một giọng nói rổn rảng vang lên từ trong góc.  Một người đàn bà độ sáu mươi mặc áo len cổ lọ màu xanh ló đầu ra.

Khi nhìn thấy bà thì tim tôi muốn như ngừng đập.  Bà ta trông giống bố tôi như hai giọt nước.  Cũng cặp mắt lá tre đó, cũng cái mũi bè bè và gò má phinh phính ấy.  Trông chị mập mạp nhưng khoẻ mạnh.

“Chị có phải là chị Thượng Nhân Vinh không?”  tôi hỏi.

“Phải rồi.”

“Bố chị là Thượng Vĩ Dân phải không?”

“Cô là ai?”  Chị trố mắt nhìn tôi.

“Em tên là Lilian Thượng.  Em là em cùng cha khác mẹ với chị.  Mình vào trong nhà nói chuyện được không?”

Chị gọi cô con gái, nói trông tiệm cho chị.  Rồi Nhân Vinh dắt tôi vào phòng trong.  Sau khi chúng tôi ngồi xuống một cái bàn chất đầy vải vóc, phấn vẽ, và thước dây, chị vẫn nhìn tôi chằm chằm như vẫn chưa hoàn hồn.  Tôi lấy cuốn an bum nhỏ trong ví ra đưa cho chị.  “Đây là vài tấm ảnh của bố.”

“Chị chưa gặp bố bao giờ,” chị nói, ”Chị chỉ biết bố làm gián điệp, thâu được nhiều tin tức quan trọng cho đất nước nhưng không thể về đoàn tụ với gia đình.  Bố đã chết trong khi thi hành nhiệm vụ.  Internet nói thế.”  Ở đây Gu-Gồ cũng bị kiểm duyệt nên chị không biết kết cục bi thảm của bố.  Trong khi chị dán mắt nhìn hình trong an-bum thì bỗng chị toét miệng ra cười.  Chị nói,  “Đây đúng là bố rồi.  Ở nhà có hình của bố khi còn trẻ.”

Cố ngăn cơn xúc động đang chực dâng trào, tôi bình tĩnh nói, “Bố mình mất được ba mươi năm rồi.  Bố không bao giờ quên mẹ con chị.  Bố yêu bà nhưng không về được, rồi bố lấy mẹ em, một người Mỹ trắng, và sanh ra em.  Em là đứa con gái duy nhất.”

Nhân Vinh òa lên khóc, lấy tay dụi mũi.  Tôi cũng khóc theo, ngón tay tôi bấu chặt vào cánh tay chị.  “Gặp chị em mừng quá chị ơi.”

Chị lấy khăn lau nước mắt rồi đứng dậy ra phòng đàng trước.  Chị gọi to, “Châu A ơi, vào đây chào dì con đi!”

No comments:

Post a Comment