Wednesday, February 17, 2016

Đời Người Có Một Lần

Đời Người Có Một Lần
Jhumpa Lahiri
Tôi đã từng gặp anh nhiều lần, nhưng mãi đến khi bố mẹ tôi tổ chức buổi tiệc tiễn biệt gia đình anh tại nhà chúng tôi ở Công Trường Inman, thì tôi mới nhận thức được sự có mặt của anh trong cuộc đời của mình.  Cha mẹ anh quyết định rời Cambridge, không về Atlanta hay Arizona như nhiều người Bengali khác đã làm, mà là về Ấn Độ, từ bỏ cái kiếp sống di trú mà bố mẹ tôi và những người bạn của họ đã dấn thân vào.  Lúc đó là năm 1974.  Tôi mới lên sáu; còn anh lên chín.  Cái tôi nhớ nhất là những giờ phút trước buổi tiệc sửa soạn, chuẩn bị đón khách: Bàn ghế đã được chùi bóng nhoáng, khăn giấy, đĩa giấy bày sẵn trên bàn, gian phòng sực mùi cơm cà ri cừu và mùi nước hoa L’Air du Temps mà mẹ tôi để dành cho những dịp đặc biệt. Bà xịt lên người bà trước, rồi đến tôi, một tia mạnh làm xậm màu quần áo đang mặc.  Tối hôm đó tôi mặc bộ trang phục bà ngoại tôi gửi sang từ Calcutta: quần ống túm màu trắng, bụng rộng hai người cũng vừa, một cái áo kurta thùng thình màu lam, và một chiếc áo gi lê nhung đen có đính những hạt plastic.  Tôi vừa tắm xong, ngón tay dăn dúm và trắng bệch, đứng run lập cập, trong khi mẹ tôi dùng kim băng, sỏ dải rút qua thắt lưng quần, đùn miếng vải cứng từng chút một, và rồi thắt chặt dải rút ngang eo.  Đường khâu trong quần in con dấu của hãng dệt.  Tôi muốn mặc cái gì khác, nhưng mẹ tôi quả quyết con dấu sẽ phai màu sau khi giặt.

Mẹ tôi có nhiều mối lo cấp bách hơn.  Ngoài chuyện thức ăn có ngon không, có đủ không, bà còn lo về vấn đề thời tiết: Người ta tiên đoán tối hôm ấy sẽ có tuyết, mà lúc bấy giờ bố mẹ tôi và bạn họ chưa có xe.  Đa số khách khứa, kể cả gia đình anh, sống gần đó, hoặc ở trong xóm đàng sau Harvard và MIT hay bên kia cầu Mass Avenue.  Nhưng cũng có người sống xa hơn, phải đi xe buýt hay xe hỏa từ vùng Malden hay Medford hay Waltham tới. “ Thì thể nào Tiến Sĩ Choudhuri cũng cho họ đi quá giang về,” bà nói về cha anh trong khi gỡ rối tóc tôi.  Cha mẹ anh hơi lớn tuổi hơn- họ là những người di trú nhiều kinh nghiệm hơn bố mẹ tôi.  Họ rời Ấn Độ năm 1962, trước khi luật đón tiếp sinh viên ngoại quốc thay đổi.  Trong khi cha tôi và các người khác còn đang đi học,thì cha anh đã có bằng Thạc sĩ, và ông đã lái xe, một chiếc Saab màu bạc, đi làm ở một hãng kỹ sư tại Andover.   

Hôm gặp mẹ anh, mẹ tôi mới có mang mà chưa biết; một hôm bà bỗng cảm thấy chóng mặt và ngồi xuống một băng ghế dài trong công viên.  Mẹ anh đang ngồi đong đưa trên cái đu với anh thì bỗng để ý thấy người thiếu phụ Bengali mặc sari, có chấm đỏ giữa ngôi tóc.  “ Bà có sao không?” mẹ anh hỏi bằng giọng lịch sự.  Bà bế anh xuống xích đu, rồi hai mẹ con anh dìu mẹ tôi về nhà.  Kể từ đó họ đã thành bạn ngay, họ qua lại chơi nhà nhau ban ngày khi chồng đi làm.  Họ kể về thời còn con gái ở Calcutta: ngôi nhà lộng lẫy của mẹ anh ở Công Viên Jodhpur, dàn dâm bụt và hoa hồng nở rộ trên mái, và căn gác khiêm tốn của mẹ tôi ở Maniktala, trên một nhà hàng Punjab đầy bụi bặm, nơi mà bảy người chia nhau ở ba phòng.  Nếu còn ở Calcutta chắc họ cũng chẳng có dịp gặp nhau.  Mẹ anh đi học trường bà sơ và là con gái của một luật sư danh tiếng ở Calcutta, một người thân Ăng Lê, phì phèo thuốc píp và thành viên của một câu lạc bộ Thứ Bảy.  Ông ngoại tôi làm thư ký cho Bưu Điện Trung Ương, và trước khi sang Mỹ, mẹ tôi chưa bao giờ được ngồi ăn bàn hay ngồi ghế toa lét.  Nhưng những khác biệt đó không còn nghĩa lý gì ở Cambridge, nơi mà cả hai đều cảm thấy cô đơn.  Ở đây họ đi chợ chung, nói xấu chồng, và nấu ăn chung rồi chia thức ăn mang về cho gia đình.  Họ cùng thêu thùa, đổi mẫu khi chán.  Khi tôi sanh ra, cha mẹ anh là người duy nhất đến nhà thương thăm.  Tôi được đút ăn trong cái ghế cao của anh và đẩy ngoài đường bằng chiếc xe đẩy cũ của anh.

Trong lúc ăn tiệc thì tuyết bắt đầu đổ xuống như dự đoán, chúng tôi phải treo những chiếc áo khoác sũng ướt của những người khách đến trễ trên rọc màn che bồn tắm.  Bao nhiêu năm sau mẹ tôi vẫn nhắc lại chuyện cha anh đã phải đi không biết bao nhiêu chuyến để chở khách về nhà, có người ở tận mãi Braintree, mà chẳng hề phiền hà.  Vài ngày trước khi ra đi, cha mẹ anh lại đến, mang theo nồi niêu soong chảo, chăn mền, và những bịch bột và đường chưa dùng hết.  Mãi về sau chúng tôi vẫn gọi chúng là của mẹ anh.  “ Lấy cho mẹ cái chảo của Parul,” mẹ tôi nói.  Hay, “ Mẹ nghĩ con phải vặn cái máy nướng bánh mì của Parul xuống thấp hơn.”  

Mẹ anh cũng mang cho những túi đựng đầy quần áo của anh.  Đa số là đồ mùa đông mà về Ấn Độ sẽ không cần đến.  Mẹ tôi cất đi và mang theo khi dọn nhà từ công trường Inman sang căn nhà bên tỉnh Sharon.   Có những chiếc áo thung dầy cộm và áo len cổ chui màu xanh dương.  Tôi thấy chúng xấu xa và tránh không mặc, nhưng mẹ tôi không chịu mua quần áo khác.  Và thế là tôi phải mặc áo len và đi ủng của anh trong những ngày mưa.  Mùa đông tôi phải mặc chiếc áo khoác của anh mà tôi ghét đến độ ghét lây cả anh.  Đó là một cái áo khoác màu xanh đậm lót vải màu cam và mũ có viền màu nâu xám.  Tôi không quen móc  phécmơtuya bên phải, và trông chẳng giống lũ bạn cùng lớp trong những chiếc áo khoác màu hồng và màu tím.  Tôi năn nỉ bố mẹ tôi để mua một cái áo khoác khác nhưng họ nhất định không chịu.  Áo khoác nào chẳng vậy, họ nói.  Tôi chỉ mong cho nó mất đi cho rồi.  Tôi cầu mong sao một thằng con trai trong lớp cầm nhầm giùm nhưng mẹ tôi đã cẩn thận ủi nhãn có ghi tên vào bên trong, một mánh lới học từ báo Good Housekeeping.

Có lần tôi để nó lại trên xe buýt của trường.  Đó là một ngày cuối đông không lạnh lắm, cửa sổ được mở và mọi người để  áo khoác trên ghế.  Xe thả tôi xuống nhà của bà Hennessey, bà thầy dậy dương cầm.  Khi chiếc xe tới gần chỗ đậu, tôi đứng dậy, và khi tiến về phía trước thì người tài xế nhắc tôi qua đường cẩn thận.  Bà kéo cái cần mở cửa.  Tôi sắp sửa bước xuống thì có tiếng người gọi to, “ Này, Hema, bạn quên áo nè.”  Tôi ngạc nhiên có người trên xe biết tên tôi; tôi đã quên khuấy mất cái thẻ tên.  


Sang năm sau thì cái áo đã chật, phải cho hội từ thiện.  Những món khác mà cha mẹ anh để lại cho chúng tôi cũng được thay thế dần dần, từ cái máy nướng bánh, bát đĩa sành và mấy cái nồi Teflon, cho đến khi không còn dấu vết gì của anh trong nhà.  Nhiều năm sau đó, gia đình chúng ta không còn giữ liên lạc.  Tình bạn không đủ sâu đậm so với họ hàng, những người mà bố mẹ tôi đã phải mua hàng tá bưu thiếp ở bưu điện để gửi mỗi tuần, và tôi phải viết thêm dăm ba câu hỏi thăm ông bà ở cuối trang.   Bố mẹ tôi ít khi nào nhắc đến anh, và tôi đoán là họ không nghĩ là chúng ta sẽ có ngày gặp lại.  Anh dọn sang Bombay, một thành phố cách xa Calcutta.  Mãi đến đầu năm 1981, khi cha anh gọi lúc sáng sớm để chúc mừng năm mới và nói rằng gia đình anh sẽ trở về Massachusetts để nhận việc mới.  Ông hỏi nếu gia đình ông có thể ở với chúng tôi cho đến khi kiếm được nhà.

Nhiều ngày sau đó, bố mẹ tôi thắc mắc không hiểu việc gì đã xảy ra; Có phải vì việc làm ở Larsen & Toubro, lúc ấy thì quá lý tưởng, không thể không nhận, giờ không còn nữa? Có phải vì mẹ anh chịu không nổi cái nóng của Ấn Độ?  Hay tại họ quyết định trường học bên đó không đủ tiêu chuẩn? Thời đó chuyện điện thoại viễn liên không dám nói lâu.  Dĩ nhiên, chúng tôi sẵn sàng tiếp đón gia đình anh, bố mẹ tôi nói, và đánh dấu ngày đến trên cuốn lịch treo trong bếp.   
“ Đáng lý họ phải biết là không có cách nào có thể trở về, “ bố mẹ tôi nói với bạn bè.  Khi cha mẹ anh bỏ cuộc thì chúng tôi vẫn cố gắng kiên trì.

Tôi vẫn nghĩ đến anh như một cậu bé tám chín tuổi, không thay đổi như những bộ quần áo tôi đã thừa hưởng.  Nhưng thực ra anh đã mười sáu tuổi, và bố mẹ tôi nghĩ là anh nên ngủ trong phòng của tôi trong khi tôi phải ngủ trên chiếc ghế bố xếp trong phòng ông bà.  Cha mẹ anh sẽ ở trong căn phòng dành cho khách ở cuối hành lang.  Bố mẹ tôi thường hay đãi khách đến từ New Jersey hay New Hampshire, ở lại cuối tuần, tiệc tùng linh đình và nói chuyện chính trị Ấn Độ cho tới khuya.  Nhưng chiều Chúa Nhật là họ về.  Tôi quen chuyện trẻ con ngủ trên sàn trong túi ngủ cạnh giường tôi.  Nhưng tôi chưa bao giờ phải nhường phòng lại cho ai bao giờ.  Tôi hỏi sao không cho anh ngủ ghế bố.

“ Để ghế bố ở đâu bây giờ?” mẹ tôi hỏi.  “ Mình chỉ có ba phòng ngủ.”
“ Dưới nhà,” tôi đề nghị.  “ Trong phòng khách.”
“ Coi đâu có được,” mẹ tôi nói.  “ Kaushik gần là người lớn rồi.  Nó cần có phòng riêng.”
“ Thế còn tầng hầm?” tôi hỏi.  Bố tôi đóng một phòng làm việc nhỏ có kệ đựng sách dưới đó.
“ Đâu thể để khách ngủ như vậy được, Hema.  Hơn nữa Tiến Sĩ Choudhuri và dì Parul đã đối xử quá tốt với mình khi mới có con.  Họ chở mình về từ nhà thương, rồi lại mang lại thức ăn nhiều tuần sau đó.  Bây giờ tới phiên mình đáp lễ lại. “
“ Bác ấy là bác sĩ hả?” tôi hỏi.  Mặc dù không bệnh tật gì nhưng tôi vốn vẫn sợ bác sĩ.
“ Bác ấy không phải là bác sĩ.  Bác ấy có bằng thạc sĩ.”
“ Bố cũng có bằng thạc sĩ vậy.” tôi nói.
“ Hồi mới gặp, bác ấy là người duy nhất có bằng.  Gọi thế cũng là một cách để tỏ lòng kính trọng.”
Tôi hỏi họ sẽ ở với mình bao lâu? một tuần? hai tuần?   Mẹ tôi nói không biết; cái đó còn tùy bao lâu gia đình anh mới ổn định và kiếm được chỗ ở.  Viễn tượng bị mất phòng làm tôi tức điên người lên.  Tâm trạng tôi còn phức tạp hơn nữa vì, cho đến mãi gần đây, tôi phải ngủ trên ghế bố trong phòng bố mẹ tôi chứ không được ngủ trong phòng mình, nơi mà tôi có quần áo và đồ đạc.  Mẹ tôi xem việc cho con ngủ riêng là một thông lệ tàn nhẫn của người Mỹ và do đó không khuyến khích việc đó, ngay cả khi có dư phòng.  Mẹ tôi nói bà đã ngủ chung với bố mẹ cho đến khi lấy chồng và cho đó là chuyện thường tình.  Nhưng bạn bè tôi trong trường tôi chẳng đứa nào làm vậy, và nếu mà chúng biết thì sẽ cười tôi thúi đầu.  Mùa hè trước khi bắt đầu trung học đệ nhất cấp, tôi nhất định ngủ riêng.  Thoạt tiên mẹ tôi cứ chạy sang cả đêm để xem chừng, như thể tôi là đứa bé sơ sinh có thể bỗng dưng ngừng thở bất cứ lúc nào, hỏi tôi có sợ không và nhắc là phòng bà ở ngay bên cạnh.  Quả tình lúc đầu tôi có sợ thật.  Nhưng tôi nhất định không thú nhận.  Cuối cùng thì tôi thiếp đi, và buổi sáng thức dậy một mình, nheo mắt vì ánh sáng phía đông mà phòng bố mẹ tôi không có.  

Căn nhà đã được dọn dẹp sạch sẽ.  Gối mới mua màu cam chói chan đặt trên sa lông màu nâu.  Cây cảnh và đồ mỹ thuật được sắp xếp lại, hình chân dung chụp cho trường của tôi được đóng khung và treo trên lò sưởi.  Thiệp giáng sinh dán trên cánh cửa được gỡ ra.  Bố mẹ tôi nhớ cha anh có thói quen ăn mặc nên mua áo choàng để mặc ban sáng, áo mẹ tôi bằng nhung, áo cha tôi may theo kiểu áo vét mặc trong bữa ăn tối.  Một hôm đi học về tôi phát giác là khăn trải giường màu hồng trắng đã được thay bởi một tấm chăn màu nâu.  Khăn tắm mới màu xanh máng trong phòng tắm của anh và cha mẹ anh.  Tủ quần áo tôi được dọn sạch sẽ, chỉ để lại vài cái móc quần áo.  Tôi được lệnh dẹp sạch mấy ngăn quần áo..  Tôi mang theo bộ pi da ma, vài bộ quần áo đi học, và đôi giầy ba-ta để đi tập.  Tôi lấy cuốn sách mượn thư viện đang đọc, cùng với mấy cuốn xếp đầu giường.  Tôi không muốn anh thấy đồ đạc của tôi, nên lấy đi hộp nữ trang chất đầy dây chuyền rẻ tiền và lọ nước hoa Avon.  Tôi lấy cuốn nhật ký có khóa trong ngăn kéo, mặc dù mới viết có hai lần kể từ khi có được hồi Giáng Sinh.  Tôi cũng lấy đi cuốn lưu niệm lớp bảy trong đó có hình của tôi và đầy những lời lẽ dớ dẩn của bạn tôi.  Giống y hệt như phải quyết định mang theo cái gì trong chuyến đi chơi lâu về Ấn Độ, chỉ khác cái là lần này chẳng đi đâu.  Tôi xếp hết đồ đạc vào một cái va li dán đầy giấy từ những lần đi du lịch xa, và kéo sang phòng bố mẹ tôi.

Tôi lật cuốn an bum nhìn lại hình của cha mẹ anh; vài tấm chụp vào buổi tiệc tiễn biệt.  Bố tôi, tóc đen nhánh, áo gi lê len, tay áo sơ mi sắn lên, đang chỉ với vẻ cấp bách vào một cái gì ngoài tầm ống kính.  Cha anh như thông lệ, mặc com lê đeo cà vạt; khuôn mặt tuấn tú đang cúi tới nói chuyện với ai đó, cặp mắt màu xanh có đeo kính trông đặc biệt khác người.   Ngôi rẽ giữa tóc của mẹ anh càng làm tôn thêm khuôn mặt trái soan; khúc tà của chiếc sa ri bằng lụa tơ tằm được quấn ngang vai như một tấm khăn san.  Mẹ tôi đứng bên cạnh, thấp hơn một cái đầu và tóc tai thì rối bời.  Cả hai cùng có vẻ phấn khởi, gò má ửng hồng như say rượu, mặc dù cả ngày chỉ uống nước trà, mối quan hệ giữa hai người rõ ràng hiển nhiên.  Còn anh, người tôi tò mò muốn biết, thì chẳng thấy đâu cả.  Ai biết anh lẩn trốn chỗ nào trong đám đông đó?  Tôi hình dung anh ngồi ở bàn học trong góc phòng ngủ bố mẹ tôi, đọc cuốn sách mang theo, đợi tiệc xong.

Rồi một tối bố tôi ra phi trường đón gia đình anh.  Đó là một buổi tối ngày thường.  Bàn ăn đã dọn sẵn từ chiều.  Chưa bao giờ mà mẹ tôi nấu một bữa ăn trong tuần thịnh soạn như vậy.  Bà vừa bắt đầu chiên những khoanh cà tím trong chảo dầu sôi sùng sục để ăn với  món đậu hầm thì bố tôi gọi về cho biết máy bay đã hạ cánh nhưng hành lý chưa tới.  Tôi tuy rất đói bụng, nhưng chẳng lẽ lại nói mẹ mở nắp lò lấy thức ăn ra ăn.  Mẹ tôi tắt bếp rồi hai mẹ con ngồi xuống coi ti vi, một phim thời đệ nhị thế chiến, trong đó một nhóm binh sĩ mệt mỏi đang đi qua một cánh đồng sâm sẩm tối.  Mẹ tôi rất mê xem phim xưa.  Mẹ tôi tuy cả đời không bao giờ mặc váy, vì xem đó là thiếu đứng đắn, nhưng bà có thể nhớ Audrey Hepburn mặc bộ trang phục nào trong phân cảnh nào, của một của bất kỳ một phim nào.  

Tôi nằm ngủ thiếp bên cạnh mẹ, khi tỉnh dậy thấy mình nằm co quắp trên sô pha một mình, ti vi đã tắt, và tiếng người ồn ào trong phòng bên cạnh.  Tôi đứng dậy, mặt nóng bừng bừng, chân tay nặng nề, khó cử động.  Mọi người đang ở phòng ăn, ăn uống.  Những chảo thức ăn xếp đầy trên bàn, và ngoài bình nước lọc còn có một chai Johnnie Walker mà cha mẹ anh đang uống.  Mẹ anh, tóc đen óng ánh cắt ngang vai, áo chùng thắt ngang lưng, mặc ngoài quần, khăn lụa choàng cổ.  Mẹ anh trông chỉ hơi ang áng như người đàn bà trong hình.  Với cặp môi thoa son sáng bóng và mí mắt bôi lấp lánh, mẹ anh trông không mệt mỏi như mẹ tôi.  Bà vẫn còn dáng người thon thả, xương quai xanh nhô ra một cách gợi cảm, và hoàn toàn không bị chứng phát phì của tuổi trung niên như mẹ tôi. Cha anh trông vẫn vậy, không thay đổi mấy, vẫn khôi ngô, vẫn mặc com lê, cà vạt, chỉ có mắt kính là kiểu khác, như một nhượng bộ cho thập kỷ mới.  Anh có nước da trắng giống bố, tóc đàng trước dài chải qua một bên, Mắt anh tuy có vẻ như suy nghĩ đâu đâu nhưng thật ra lúc nào cũng để ý tinh tường.  Tôi không ngờ là anh đẹp trai như vậy.  

“ Trời ơi, Hema, không ngờ giờ này đã là một thiếu nữ rồi.  Cháu có nhớ chúng tôi không?” mẹ anh nói.  Bà nói với tôi bằng tiếng Anh, giọng nhỏ nhẹ và chậm rãi, nghe ra chiều thích thú.  “ Lại đây cưng, vì chúng ta mà cháu phải chờ cơm.  Mẹ cháu nói cháu đói lắm rồi phải không?”

Tôi ngồi xuống, mắc cở vì anh đã thấy tôi ngủ trên sa lông.  Mặc dù anh là người vừa bay nửa vòng trái đất, nhưng tôi lại là người mệt mỏi, dù đã chợp mắt rồi.  Mẹ đưa tôi một đĩa thức ăn, nhưng chỉ chú ý đến anh.  

“ Cháu đã ăn tối trước khi máy bay hạ cánh,” anh trả lời, tiếng Anh hơi có accent, nhưng không nặng như giọng của cha mẹ chúng ta.  Giọng anh đã vỡ, không còn là giọng của một đứa trẻ.

“ Không thể ngờ được thức ăn trên khoang hạng nhất nó nhiều đến độ nào,” mẹ anh nói,
“ Xâm banh, xô cô la, và ngay cả caviar nữa.  Nhưng tôi vẫn để dành bụng.  Tôi vẫn nhớ thức ăn chị nấu ngon như thế nào, chị Shibani ạ,” bà nói.
“ Bay hạng nhất!” mẹ tôi sửng sốt nói.  “ Làm thế nào mà lại được bay hạng nhất như vậy?”
“ Đó là quà sinh nhật thứ bốn mươi của tôi,” mẹ anh giải thích.  Bà nhìn cha anh, cười cười.  “ Đời người chỉ có một lần, đúng không?”
“ Chưa chắc,” ông nói, rõ ràng là hãnh diện với sự phung phí của mình.

Họ bắt đầu nói chuyện về đám thân hữu ngày xưa ở vùng Cambridge, Cha mẹ tôi kể chuyện ai dọn đi, ai thành công, ai lấy vợ, ai có con.  Họ bàn chuyện Reagan thắng cử, phân tích những thất bại sai lầm của Carter.  Cha mẹ anh kể chuyện hai ngày dừng chân tại Rome.  Mẹ anh tả những vòi nước và trần nhà nguyện Sistine mà gia đình anh phải đứng xếp hàng ba tiếng để xem.  “ Nhà thờ nào cũng đẹp,” bà nói.  “ Nhà thờ nào cũng như viện bảo tàng.  Làm tôi muốn trở thành người công giáo, chỉ để cầu nguyện trong đó.”

“ Trước khi chết phải đi xem Pantheon một lần,” cha anh nói, bố mẹ tôi gật đầu mà chẳng biết Pantheon là cái quái gì.  Tôi thì biết-- tôi đang học về La Mã thời cổ trong lớp La-Tinh, phải viết bài về các tác phẩm nghệ thuật và kiến trúc, bằng cách tra cứu sách bách khoa và sách mượn trong thư viện trường.  Cha mẹ anh nói về Bombay và căn nhà để lại, một căn nhà trên tầng thứ mười với ban công nhìn xuống những hàng dừa và biển Ả Rập.  “ Anh chị không đến thăm uổng quá,” mẹ anh nói.  
Tối hôm đó, khi chỉ có hai người trong phòng ngủ, mẹ tôi nói với bố tôi là, có được mời đâu mà đến.  

Sau bữa ăn tối tôi phải đưa anh đi coi nhà và chỉ chỗ anh sẽ ngủ.  Bình thường thì tôi thích đưa khách đi xem nhà, chỉ đâu là kho chứa đồ, đâu là phòng tắm dưới nhà.  Lần này thì tôi không nấn ná lại chỗ nào, vì thấy anh có vẻ không hứng thú cho lắm.  Tôi cũng cảm thấy hơi run khi đi riêng với anh vì cảm giác bị lôi cuốn của cô học trò.  Tôi đã tới tuổi biết thích con trai, thích những đứa trong lớp đã và sẽ không bao giờ biết đến sự hiện hữu của tôi.  Nhưng chưa bao giờ với một người lớn như anh, một người trong cái thế giới của bố mẹ tôi.  Anh dẫn đầu đi trước, trèo ào ào lên cầu thang, mở cửa, thọc đầu vào phòng, nhưng chẳng chút gì là hăng hái.  

“ Đây là phòng tôi.  Phòng anh.” Tôi tự chữa ngay lập tức.
Anh đi ra mở cửa sổ, và nhoài mình ra bóng đêm, cho cái lạnh ùa vào phòng.  
“ Có bao giờ lên mái chưa?” anh hỏi nhưng không đợi câu trả lời, và quay đi quay lại thì anh đã gỡ cửa lưới và biến mất.  Tôi chạy ào ra cửa sổ, và khi thọc đầu ra ngoài thì chẳng thấy anh đâu.  Tôi tưởng tượng anh tuột chân trên mái ngói, rớt xuống bụi cây, và tôi sẽ bị đổ tội vì đã đứng ngây người ra trorng khi anh làm chuyện điên rồ như vậy.
“ Anh có sao không?” tôi gọi vọng ra.  Cuối cùng thì anh trở lại, ngồi trên cái mái dốc trên nóc ga-ra, nhìn xuống bãi cỏ.

“ Cái gì sau nhà vậy?”
‘ Ngôi rừng.  Nhưng không ra đó được.’
“ Ai nói?”
“ Ai cũng nói vậy.  Bố mẹ tôi và tất cả các thầy cô trong trường.”
“ Tại sao không?”
“ Năm ngoái có thằng bé đi lạc trong đó.  Vẫn chưa tìm ra.”  Tên nó là Kevin McGrath, dưới tôi hai lớp.  Cả tuần chỉ nghe tiếng trực thăng, chó sủa, đi tìm kiếm dấu hiệu của nó để lại.
Nghe qua anh không phản ứng.  Anh chỉ hỏi.  “ Tại sao người ta cột nơ vàng vào  thùng thơ?”
“ Để nhắc nhở đến những con tin bị bắt bên Iran.”
“ Tôi dám chắc là đa số người Mỹ cho đến bây giờ mới biết về Iran” anh nói làm tôi cảm thấy tự ái cho lòng ái quốc lẫn sự không biết gì của hàng xóm tôi.
“ Cái gì phía bên phải đó?”
“ Cái xích đu,”
Anh nhìn tôi cười, không phải là một cái cười thân thiện, như thể tôi đã chế ra chữ đó.
“ Tôi nhớ cái lạnh,” anh nói.  “ Cái lạnh này đây.” Câu nói làm tôi nhớ là anh đã từng sống bên Mỹ
“ Chừng nào có tuyết lại?”
“ Không biết.  Giáng Sinh năm nay không có tuyết mấy.”

Anh thất vọng trèo lại vào phòng, tôi e vì tôi chẳng biết gì. Anh liếc nhìn bóng mình trong tấm gương có khung trắng của tôi, đầu anh gần bị cắt hết ở bên trên.  “ Phòng tắm ở đâu?” anh hỏi.

Tối hôm đó, nằm trong ghế bố phòng bố mẹ, tôi vẫn tỉnh ngủ mặc dù đã quá nửa đêm, tôi nghe tiếng bố mẹ tôi nói chuyện trong bóng tối.  Tôi lo sợ anh cũng nghe được.  Giường anh ngủ nằm ngay bên kia bức tường, và nếu tôi có thể thọc tay qua thì sẽ chạm vào người anh.   Bố mẹ tôi không hiểu được sự thay đổi nơi cha mẹ anh.  Bombay đã làm họ Mỹ hóa còn hơn Cambridge, mẹ tôi nói, điều bà không dè trước và cũng không hiểu được.  Có những nhận xét về mái tóc ngắn mẹ anh, chiếc quần dài, chai Johnnie Walker mà bà và cha anh tiếp tục uống sau khi ăn xong, rồi cầm theo vào phòng khách.  Mẹ tôi nói gần hết, bố tôi chỉ nghe và thỉnh thoảng ậm ừ  đồng ý cho xong chuyện.   Bố mẹ tôi chưa bao giờ bước chân vào tiệm rượu, và thắc mắc không biết có nên mua chai nữa không- uống kiểu cha mẹ anh thì chắc đến mai hết sạch.  Mẹ tôi nói mẹ anh đã trở nên ‘kiểu cách,” một từ có nghĩa xấu trong từ vựng của bà, ám chỉ một sự buông thả mà bà cố tránh.  “ Một vé hạng nhất bằng mười hai vé thường,” bà nói.  Bố tôi chẳng bao giờ để ý đến sinh nhật của mẹ tôi.  Tôi là đứa làm thiệp rồi bắt ông ký mỗi đầu tháng Sáu.  Mẹ tôi bỗng nhiên ngồi bật dậy,  hít hít đánh hơi.  “ Tôi ngửi thấy mùi khói,” bà nói.  Bố tôi hỏi bà có quên tắt bếp không.  Mẹ tôi chắc chắn là đã tắt nhưng nhờ ông xuống kiểm soát.

“ Đó là mùi thuốc lá,” ông nói khi trở lại giường.  “ Có người hút thuốc trong phòng tắm.”
“ Đâu biết Tiến sĩ choudhuri hút thuốc,” mẹ tôi nói.  “ Có nên để gạt tàn thuốc ra không?”


Sau chuyến bay dài cả nhà anh mệt nhoài, trời sáng rồi mà vẫn ngủ.  Thế mới biết, dù người có ở đây, va li có chất đầy hành lang, bàn chải đánh răng có nằm lộn xộn cạnh bồn rửa mặt, nhưng anh vẫn thuộc về một nơi chốn khác.  Buổi chiều khi tôi đi học về anh vẫn còn ngủ, và đến bữa ăn tối--ăn sáng đối với anh--cả nhà anh không ăn cà ri nhưng lại thèm bánh mì nướng với trà.  Cứ như vậy trong vài ngày đầu: khi chúng tôi ngủ thì nhà anh thức, ngủ khi chúng tôi thức.  Kết quả là, ngoại trừ việc tôi không ngủ trong phòng của mình ra, cuộc đời cũng không có gì thay đổi mấy.  Tôi vẫn uống nước cam, ăn cereal và đi ra trạm đón xe buýt như thường lệ.  Tôi không nói với ai về việc gia đình anh tới; tôi hầu như chẳng bao giờ kể chuyện gia đình cho đám bạn Mỹ nghe.  Khi còn bé, mỗi dịp sinh nhật là tôi ngại ngùng, sợ lũ bạn đến nhà, để ý soi mói lối sống của gia đình tôi.  Mà cũng chẳng biết gọi anh là gì.   Chắc có lẽ gọi là “ bạn gia đình”.

Rồi một ngày tôi đi học về thì thấy cha mẹ anh đang nằm chễm chệ trên chiếc sa lông nơi mà thường ngày tôi hay ngồi coi The Brady Bunch và Gilligan’s Island.  Họ đang nói chuyện với mẹ tôi, lúc ấy đang ngồi ghế tựa với một cái rổ trong lòng, gọt khoai.  Mẹ anh đang mặc chiếc sa ri ny lông màu tím với chấm đỏ to nhỏ đủ cỡ của mẹ tôi.  Chiếc sa ri mẹ anh mặc trông đẹp hơn mẹ tôi; màu tím rực rỡ làm tôn thêm nước da của bà.  Họ nói anh đang chơi ngoài sân nhưng tôi không ra tìm anh mà vào tập dương cầm.  Khi anh vào thì trời đã sâm sẩm tối.  Họ mời anh dùng trà, món mà tôi chưa đủ tuổi uống. Cha mẹ anh cũng uống trà, nhưng đến sáu giờ tối là chai Johnnie Walker đã nằm chễm chệ trên mặt bàn phòng khách, tối nào cũng vậy.  Anh ra ngoài mà chỉ mặc một chiếc áo cổ chui, cái máy ảnh đắt tiền của cha anh treo lủng lẳng trên cổ.  Cái lạnh hiện rõ trên mặt anh, đôi mắt anh sáng ngời, riềm tai đỏ rực, và da anh ửng hồng.

“ Rừng đàng sau có một con suối,” anh nói.
Mẹ tôi có vẻ lo ngại, nói anh đừng nên ra đó, như bà đã từng cảnh cáo tôi, như tôi đã lưu ý anh hôm mới tới, nhưng cha mẹ anh lại không có vẻ quan tâm.  Họ chỉ hỏi anh.  Có chụp được gì không?.
“ Chẳng có gì,” anh nói, và tôi hơi chạm tự ái vì không có gì làm cho anh hứng thú.  Vùng ngoại ô là cái gì mới mẻ với anh và cha mẹ anh.  Những kỷ niệm anh có về nước Mỹ là về Cambridge, một chốn mà tôi chỉ nhớ láng máng.
Anh uống trà xong biến mất vào phòng như đó là phòng của anh, chỉ xuất hiện khi đến giờ ăn tối.  Anh ăn nhanh, không nói một lời nào, rồi lên lầu trở lại.  Chỉ có cha mẹ anh là để ý tới tôi, hỏi han và khen tôi ngoan, khen tôi chơi đàn hay, khen tôi tháo vát đỡ đần việc trong nhà.  

“ Kaushik trông kìa, Hema làm thức ăn trưa lấy một mình kìa,” mẹ anh nói khi tôi làm bánh mì thịt nguội hay gà tây sau bữa ăn tối và cho vào túi giấy để mang đi học ngày hôm sau.  Tôi vẫn còn là một cô bé, còn anh, dù chỉ hơn tôi ba tuổi, đã thoát khỏi vòng kiềm tỏa của cha mẹ anh.  Anh không cãi nhưng cũng không hay nói chuyện với họ.  Trong khi anh đang ở bên ngoài, tôi nghe họ nói  anh không thích trở lại.  “ Khi đi thì nó cũng giận, khi về thì nó cũng không vui,” cha anh nói.  “ Sanh sống ở Bombay mà con lại là một thằng teenager Mỹ chính cống.”

Tôi ngồi làm bài trong bàn ăn vì không dùng được bàn học trong phòng.  Tôi viết bài về Rome cổ thời, chủ đề mà tôi cảm thấy thích thú hơn kể từ khi anh đến.  Tôi muốn ngồi làm một mình trong yên lặng nhưng phải nghe cha anh nói tràng giang đại hải về cấu trúc của đại hí trường La Mã cổ thời.  Những giải thích kiểu kỹ sư xây dựng quá tầm hiểu biết của tôi, và cũng không liên quan đến bài viết của tôi, nhưng tôi vẫn phải lắng nghe một cách lễ độ.   Ông lục trong bịch ra cho tôi xem những bưu thiếp ông đã mua, và mặc dù nó không dính dáng gì tới bài làm của tôi, ông cho tôi một đồng xu mười lira.  

Khi mọi người tỉnh táo hơn thì bố tôi chở cả nhà đi mua sắm.  Mẹ anh cần xu chiêng nhưng không thể mượn được vì mẹ tôi có vú bự.  Tại trung tâm thương mại, hai ông bố ngồi với nhau trên băng ghế, chờ đợi.  Anh được cho ít tiền đi mua sắm một mình và tôi theo hai bà mẹ vào tiệm quần áo lót đàn bà Jordan Marsh.  Mẹ anh là người đề nghị vào đó.  Bình thường gia đình tôi đi sắm ở tiệm Sears.  Mẹ anh lấy một cặp găng tay bằng da và một đôi giầy cao cổ có phecmơtuya kéo lên tới đầu gối mà không hề liếc mắt nhìn giá tiền.  Khi đến khu quần áo lót thì một người phụ nữ bán hàng tiến lại.  “ Chúng tôi có bán áo ngực cho thanh nữ rất đẹp, hàng vừa về,” bà nói với mẹ anh, tưởng tôi là con gái.
“ Không được, nó còn bé quá,” mẹ tôi phản đối.
“ Nhưng trông này, dễ thương quá,” mẹ anh nói, tay mân mê chiếc coóc xê bằng ren trắng với nụ hồng ở giữa.  Tôi chưa có kinh và, không như đa số bạn gái trong trường, vẫn còn mặc yếm hoa.  Tôi được dắt vào phòng thay đồ, mẹ anh đứng ngắm trong khi tôi cởi áo để thử xu chiêng.  Bà điều chỉnh dải brơ-ten cho vừa rồi gắn móc phía sau.  Bà cũng mặc thử, để ngực trần không chút ngượng ngùng.  Tôi mắc cở khi khìn thấy cái núm vú to màu mận chín của bà, cặp vú đã xệ xuống, và chùm lông nách toả ra một mùi hăng hắc nhưng không hẳn khó ngửi.  
“ Tuyệt vời,” mẹ anh nói trong khi luồn ngón tay dưới lằn cao su của chiếc áo ngực, “ Cháu phải biết là cháu sẽ là một thiếu nữ đẹp tuyệt trần.”  Mặc cho mẹ tôi phản đối, mẹ anh mua cho tôi ba chiếc xu chiêng đầu đời, nói đây là quà tặng.  Trên đường ra quày tính tiền, bà mua một thỏi son, một lọ nước hoa, và một lô kem đắt tiền đủ loại để làm căng da cổ và mất nếp nhăn quanh mắt; bà hoàn toàn không tin vào những sản phẩm Avon mà mẹ tôi xài.  Sau khi tính tiền họ tặng bà một túi đựng đồ màu đỏ.  Bà cho tôi để mang sách đi học, và ngày hôm sau tôi mang vào trường liền.


------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------


Tuần sau cha anh bắt đầu công việc mới với một hãng kỹ sư cách đấy bốn mươi dặm.  Lúc đầu bố tôi dậy sớm để chở ông tới sở trước khi trở lại đại học Northeastern để dạy lớp kinh tế.  Rồi cha anh mua một chiếc Audi sang số.  Còn anh thì vẫn ở nhà vì cha mẹ anh muốn đợi mua nhà xong mới kiếm trường cho anh.  Tôi phần thì sửng sốt, phần thì ganh tị.  Không đi học cả nửa năm trời!  Hơn thế nữa, anh chẳng phải làm việc gì trong nhà, ăn xong chén bát cứ để nguyên đó, và không bao giờ dọn giường.  Thỉnh thoảng tôi liếc vào khi anh để cửa mở, thấy phòng mình bề bộn, chăn mền nằm dưới sàn, quần áo chất đống trên bàn học của tôi.  Anh ăn trái cây nhiều khủng khiếp, nho ăn cả rổ, táo ăn cho đến lõi.  Tôi không thích trái cây; vị và mùi của nó làm tôi buồn nôn.  Ngày nào về nhà cũng thấy anh nằm dài trên trường kỷ, gác chân lên bàn, đọc sách của Isaac Asimov mà anh lấy từ kệ sách của bố tôi dưới hầm.  Tôi ghét cay ghét đắng chương trình Doctor Who, một chương trình TV anh hay xem.

Tôi chịu thua, chẳng hiểu nổi anh.  Vì anh sống bên Ấn Độ nên tôi đồng hoá anh với bố mẹ tôi nhiều hơn là với tôi.  Thế nhưng anh lại chẳng giống mấy đứa anh em họ của tôi ở Calcutta, chúng nó thật ngây thơ và vâng lời, hỏi tôi về cuộc đời bên Mỹ như thể trên cung trăng, cái gì cũng làm chúng kinh ngạc.  Anh thì hoàn toàn chẳng thắc mắc gì về tôi cả.  Có lần một người bạn trong trường rủ tôi đi xem phim The Empire Strikes Back chiều thứ Bảy.  Mẹ tôi cho đi, với điều kiện phải mời cả anh.  Tôi phản đối, nói rằng bạn tôi đâu có biết anh.  Mặc dù mê anh nhưng tôi không muốn phải giải thích về anh cũng như tại sao anh đang ở chung nhà với tôi.  
“ Thì con biết anh ấy,” mẹ tôi nói.
“ Nhưng anh ấy không thích con,” tôi nói.
“ Dĩ nhiên là nó thích con,” mẹ tôi nói, không hiểu ý của tôi.  “ Nó đang cố thích nghi Hema.  Con không phải trải qua nên không biết.”
Câu chuyện chấm dứt ở đó.  Mà anh cũng chẳng muốn con phim vì ngay cả phim Star Wars cũng còn chưa xem.


Một hôm tôi bắt gặp anh đang ngồi bên đàn dương cầm, gõ từng nốt một bằng ngón trỏ.  Khi thấy tôi, anh đứng dậy, ra ghế sô pha.
“ Anh có ghét ở đây không?” tôi hỏi.
“ Tôi thích sống bên Ấn Độ,” anh nói.  
Tôi không nói ra nhưng đối với tôi Ấn Độ chẳng có gì vui cả.  Tôi không thích mỗi tối nhìn thằn lằn chạy trên tường, chui ra chui vào những bóng đèn huỳnh quang, hay những con gián khổng lồ giương mắt đứng nhìn trong khi tôi tắm.  Tôi không thích lối họ hàng nói thẳng thừng trước mặt-- nào là tôi không có bàn thay thuôn thả của mẹ, nào là da tôi hồi bé trắng nhưng giờ mỗi ngày một đen hơn.  
“ Bombay không như Calcutta đâu,” anh nói thêm như đọc được ý nghĩ trong đầu tôi.
“ Có gần Tah Mahal không?”
“ Không.” Anh nhìn tôi kỹ càng như thấy tôi lần đầu.  “ Bộ không bao giờ nhìn bản đồ bao giờ à?”

Lần đi sắm ở trung tâm thương mại, anh mang về một đĩa nhạc của Rolling Stones.  Vỏ ngoài màu trắng có hình một ổ bánh ngọt.  Anh không thèm để ý đến những đĩa nhạc của tôi--Abba, Shaun Cassidy,và một bộ đĩa disco tôi thấy quảng cáo trên TV và đặt mua bằng tiền ăn quà của tôi.  Và anh cũng không nghe bằng cái máy nhựa trong phòng tôi.  Anh mở tủ nơi bố tôi cất máy quay đĩa.  Bố tôi rất quí cái máy này và tôi lẫn mẹ tôi đều không được sử dụng.  Đó là món quà đắt tiền duy nhất mà ông mua trong đời.  Mỗi sáng thứ Bảy, ông tự tay lau chùi bằng một tấm giẻ đặc biệt rồi ngồi thưởng thức bộ đĩa thâu những giọng ca Ấn Độ.  
“ Anh không được đụng đến cái máy đó,” tôi nói.
Anh quay lại.  Cái nắp máy đã được nhấc lên, đĩa bắt đầu quay tròn.  Anh dùng ngón tay cầm cần kim.  “ Tôi biết sử dụng máy đĩa,” anh nói, không dấu nổi vẻ khó chịu.  Và rồi anh thả kim xuống.

Chắc anh phải chán lắm với căn phòng đầy đồ con gái của tôi.  Phải điên lên vì sống chung cả ngày với hai bà mẹ trong khi họ nấu nướng và coi chương trình TV buổi chiều.  Thực ra mẹ tôi là người nấu nướng.  Tuy mẹ anh luôn ở bên cạnh, thỉnh thoảng phụ gọt hay cắt cái này cái nọ, nhưng bà không còn hứng thú với chuyện làm bếp như thời còn ở Cambridge.  Bà nói đã quen có Zareen, người đầu bếp Parsi mẹ anh mướn khi còn ở Bombay.  Thỉnh thoảng bà hứa làm món bánh kem Ăng Lê, món mà bà nói phải tự tay làm lấy, nhưng chuyện đó không bao giờ xảy ra. Bà vẫn mượn sa ri của mẹ tôi và ra tiệm mua áo len và quần dài.  Cái va li đã mất không bao giờ xuất hiện, và bà chấp nhận một cách bình thản, nói là nhờ đó mới có cớ để mua đồ mới.  Cha anh gọi điện thoại cho hãng máy bay để than phiền nhiều lần, nhưng rồi cũng chịu thua.

Anh ít khi nào chịu ở trong nhà, trời lạnh mà vẫn đi tản bộ trong rừng và dọc theo những con đường mà anh là khách bộ hành duy nhất.  Có lần tôi thấy anh trong khi ngồi xe buýt của trường về nhà và ngạc nhiên là anh đi xa như vậy.  
“ Đi lang thang như vậy, thế nào cũng có ngày bị cảm đó Kaushik ạ,” mẹ tôi nói.  Bà vẫn nói với anh bằng tiếng Bengali mặc dù anh luôn trả lời bằng tiếng Mỹ.  Nhưng mẹ anh lại là người bị cảm, và lấy cớ để nằm trong phòng nhiều ngày.  Bà không ăn thức ăn mẹ tôi nấu cho cả nhà, chỉ xin nước súp gà trong lon.  Anh đi bộ đến chợ mini cách nhà một dặm, mang về nước súp gà và số báo Vogue và Harper’s Bazaar.

“ Lên hỏi Parul Mashi có muốn uống trà không,” mẹ tôi nói một buổi chiều và tôi chạy lên phòng ngủ khách trên lầu.  Trên đường lên thì tôi bỗng mót tiểu.  Tôi vào toa lét thì thấy mẹ anh đang quấn chiếc áo choàng, ngồi ủ rũ trên thành bồn tắm, chân chữ ngũ, phì phèo điếu thuốc.
“ Ô kìa Hema,” bà la lên, tí nữa thì té xuống bồn tắm, ngạc nhiên đến độ dập tắt tàn thuốc ngay xuống thành sứ thay vì vào chiếc gạt tàn thuốc đang cầm trong tay, cái có lẽ bà đã mang theo từ Bombay.
“ Cháu xin lỗi bác,” tôi nói, quay lưng bỏ đi.
“ Không, không, bác xong rồi.” bà nói.  Tôi đứng nhìn trong khi bà cho mẩu thuốc lá vào toilet giật nước, rồi xúc miệng ở bồn rửa mặt, và thoa son mới, chậm môi bằng Kleenex, rồi vất vào thùng rác.  Ngoài dấu chấm đỏ trên trán thì mẹ tôi không dùng phấn son gì hết.  Tôi ngồi nhìn mẹ anh thực hiện nghi thức trang điểm một cách cẩn thận.  Bà nhìn vào gương một cách chăm chú, không tránh né.  Lớp thoa môi mỏng đủ để lấy lại sự bình tĩnh mất đi khi tôi xuất hiện một cách bất ngờ.  Bà bắt gặp tôi nhìn hình ảnh trong gương và cười cười nói.  “ Một điếu thuốc một ngày chẳng chết ai cả, phải không?”  bà nói tươi tỉnh.  Bà mở cửa sổ, lấy một lọ nước hoa trong túi nữ trang và xịt trong không trung.  “ Giữ bí mật nhé, Hema?” bà nói như lời truyền lệnh chứ không phải yêu cầu, và bỏ ra, đóng sầm cửa lại sau lưng.


Có tối chúng tôi đi kiếm mua nhà với gia đình anh.  Chúng tôi lái chiếc xe dài vì chiếc Audi không đủ chỗ.  Bố tôi lái một cách do dự tới những vùng xa lạ, nơi mà nhà nào cũng có thảm cỏ to hơn và biệt lập hơn nhà chúng tôi.  Thoạt tiên cha mẹ anh kiếm nhà vùng Lexington và Concord, nơi học khu tốt nhất.  Có căn trống trơn, có căn có đầy người ở.  Tôi biết là bố mẹ tôi không cách nào có đủ tiền để mua bất cứ căn nào cha mẹ anh đã đi xem.   Bố mẹ tôi đứng ra một bên khi cha mẹ anh trả giá với người bán nhà.  Thường thì tiền bạc không là vấn đề.  Vấn đề là căn nhà.  Không đủ ánh sáng, trần nhà quá thấp, phòng ốc không tiện nghi.  Không như bố mẹ tôi, cha mẹ anh có chủ ý riêng về thiết kế, họ thích kiểu hiện đại, và thích thú chỉ chỏ mỗi khi đi ngang một căn trông như một cái hộp trắng  đàng sau những lùm cây rậm rạp.  Họ muốn có hồ bơi hay ít ra là đủ chỗ để xây hồ bơi.  Mẹ anh vẫn thường hay bơi đều đặn trong câu lạc bộ ở Bombay.
“ Phải tìm những căn nhìn ra nước,” mẹ anh nói trong khi đọc trang quảng cáo của tờ Globe.  Chúng tôi lại ra tận Swampscott và Duxbury để xem nhà mặt biển, và nhà trên rừng nhìn xuống bờ hồ.  Cha mẹ anh trả giá một căn ở Beverly nhưng thôi sau khi thăm lần thứ hai.  Mẹ anh nói bố trí của căn nhà không được rộng rãi cho lắm.

Bố mẹ tôi hơi bị tự ái bởi những kế hoạch nhiều tiền của cha mẹ anh và mắc cở với ngôi nhà khiêm tốn của mình.  “ Anh chị chắc ở đây chật chội lắm nhỉ?” họ nói, nhưng cha mẹ anh chẳng bao giờ than.  Bố mẹ tôi thì tối nào cũng rầm rì.  
“ Em đâu có ngờ họ ở lâu vậy,” mẹ tôi nói sau một tháng.  Khi gia đình anh còn ở đây thì không thể mời ai tới chơi được.    “ Nhà Dasgupta muốn tới chơi cuối tuần tới nhưng em nói không được.” mẹ tôi nói.  Rồi tôi lại phải nghe nào là cha mẹ anh thay đổi quá, nào là bỗng dưng lại đón người lạ về nhà.  Rồi than là mẹ anh không giúp dọn dẹp sau bữa ăn, muốn đi ngủ là đi ngủ, và hễ cứ gần tới bữa ăn là đi ngủ.  Mẹ tôi nói là cha anh chiều mẹ anh thái quá, lúc nào cũng hỏi em có cần gì không.
“ Tại bả mà họ còn ở đây,” mẹ tôi nói.  “ Cứ như bả thì phải lâu đài mới vừa ý.”
“ Cũng không phải là chuyện dễ,” Bố nói nước đôi.  “ Công ăn việc làm mới, cuộc đời mới.  Chắc chị ấy không muốn đi và giờ ảnh phải cố đền bù.”
“ Ông thì sức mấy mà làm như vậy với tôi.”
“ Thôi không nói nữa,” cha tôi nói, quay sang một bên và kéo chăn lên ngang cổ.  
“ Người ta đâu có ăn đời ở kiếp với mình đâu.  Trước sau gì cũng sẽ đi, và cuộc sống mình sẽ trở lại bình thường.”


Đâu đó trong cái căn nhà chật chội đó, một bức tường vô hình đã được dựng lên, tách biệt hai gia đình.  Bên này tường là cuộc đời như xưa của gia đình tôi, đi chợ Star Market mỗi tối thứ Năm, rồi đi ăn McDonald.  Mỗi Chúa Nhật tôi học bài chuẩn bị cho kỳ thi đánh vần hàng tuần, coi xong chương trình 60 Phút thì cha tôi khảo bài.  
Gia đình anh cũng bắt đầu có những sinh hoạt biệt lập.  Thỉnh thoảng cha anh đi làm về sớm, chở mẹ anh đi coi nhà hay mua sắm đồ gia dụng sẽ cần cho căn nhà mới như chăn mền, chén đĩa.  Họ trở về tay sách nách mang những túi đồ mà họ chất dưới hầm nhà; có khi đem ra khoe với mẹ tôi, có khi không.  Thứ Sáu thì cha mẹ anh hay đãi cả nhà đi ăn tối, tại một trong những tiệm đắt tiền nhưng thức ăn xoàng xĩnh trong phố.  Họ thích thay đổi và bắt đầu khoái những món như bíp tết và khoai tây; bố mẹ tôi thì không.  Những lần đi ăn này nhằm để mẹ tôi lâu lâu khỏi phải nấu nướng, nhưng mẹ tôi cũng vẫn than phiền.

Tôi là người duy nhất chẳng phiền hà việc gia đình anh ở đây.  Tôi vẫn thích anh theo cái kiểu yên lặng và phức tạp của tôi, và cảm thấy hạnh phúc được thấy anh mỗi ngày.  Và tôi quí cha mẹ anh, nhất là mẹ anh.  Bà hay để ý đến tôi; không như anh.  Một hôm cha anh rửa ảnh chụp bên Rome.  Tôi cầm mép ảnh một cách cẩn thận.  Đa số là hình của anh với mẹ anh, đứng trong quảng trường hay ngồi cạnh bờ hồ phun nước.  Có hai tấm chụp cột trụ Trajan, y hệt nhau.  “ Lấy một tấm cho bài phúc trình của cháu,” cha anh nói.  “ Thầy cháu thế nào cũng lé mắt.”
“ Nhưng con đâu có ở đó.”
“ Chẳng sao.  Cứ nói chú con đi Rome và chụp cho cháu.”
Trong tấm hình đó, anh đứng xịch qua một bên.  Anh đang nhìn xuống, mặt che bởi cái mũ lưỡi trai.  Sự có mặt của anh như muốn vạch trần tình cảm thầm kín mà tôi vẫn mong sẽ có ngày anh biết đến.  Anh đã làm tôi quên hết những đứa con trai trong trường, và chỉ mong ngóng về nhà, hy vọng cơ hội gặp nhau lúc chiều tối, và thắc mắc không biết anh có thèm liếc đến trong bữa ăn tối hay không.  Có những đêm nằm trằn trọc thao thức trên chiếc ghế bố trong phòng bố mẹ, tôi tưởng tượng được anh hôn.  Tôi còn quá bé, quá ngây thơ, nên không dám tưởng tượng xa hơn.  Tôi nhận tấm hình, dán vào bài phúc trình sau khi đã cắt phần hình có anh ra.  Mảnh hình đó tôi ép vào cuốn sổ nhật kí, và khóa chặt mãi nhiều năm sau mới mở ra.


Từ hồi đến đây, anh vẫn mong có tuyết mà chẳng được.  Thỉnh thoảng có những cơn bông tuyết rơi xuống rồi tan biến ngay lập tức.  Rồi một ngày kia, tuyết bắt đầu đổ xuống, thoạt tiên chưa thấy gì, nhưng đến chiều thì bắt đầu nhiều hơn, và khi tôi đi học về thì mặt đường đã đóng một lớp dầy độ một inch.  Tuy không phải là một cơn bão nguy hiểm nhưng đủ để khuấy động cái buồn tẻ của mùa đông.  Tối hôm ấy mẹ tôi quyết định nấu một nồi cơm đậu lăng, một món mà bà hay làm vào những ngày mưa, và mẹ anh tình nguyện nấu phụ, đứng dưới bếp để rán khoai tây và súp-lơ trong một chảo dầu sôi sục.  Bà cũng quyết định làm món bánh kem Ăng Lê như đã hứa từ lâu, và khi mẹ tôi nói không đủ trứng thì cha anh tình nguyện đi chợ mua.
“ Đến đêm mới xong,” bà nói trong khi đánh trứng và sữa nóng trên mặt bếp, khi mệt thì trao cho tôi đánh tiếp.  “ Bốn tiếng đồng hồ bánh mới thành.”
“ Thì mình ăn vào bữa sáng,” anh nói trong khi bẻ một miếng bánh bông lang bà đang cắt, cho vào miệng.  Anh ít khi vào bếp, nhưng tối hôm đó anh lảng vảng trong đó, có lẽ vì anh mê món bánh kem mà tôi chưa bao giờ được nếm.
 
Sau bữa ăn tối cả nhà tụ tập trong phòng khách, xem tin tức trong khi tuyết vẫn rơi.  Trường tôi sẽ đóng cửa và lớp của bố tôi sẽ hủy bỏ ngày mai.  
“ Ông cũng nên lấy một ngày nghỉ,” mẹ anh nói cha anh và mọi người ngạc nhiên khi ông đồng ý.
“ Cái này làm tôi nhớ lại mùa đông khi chúng tôi rời Cambridge,” cha anh nói.  Cha mẹ anh đang nhấm nháp ly Johnnie Walker; và tối hôm ấy, mặc dù mẹ tôi vẫn từ chối, bố tôi cũng đồng ý nhâm nhi chút đỉnh cho vui.  “ Anh chị còn nhớ bữa tiệc mà anh chị tổ chức cho tụi này không?” cha anh quay lại bố mẹ tôi nói.
“ Có chứ.” mẹ tôi nói, “ Thấm thoát thế mà đã bảy năm rồi.”  Rồi họ ôn lại chuyện quá khứ, thời anh và tôi còn bé, và họ vẫn còn trẻ.
“ Tối hôm đó thật vui,” mẹ anh nói, giọng đượm một nỗi buồn da diết mà mọi người đều chia sẻ.  
“ Hồi đó cái gì cũng khác.”

Buổi sáng trụ băng treo đầy riềm cửa sổ và mặt đất phủ một lớp tuyết dầy một foot.  Bữa ăn sáng gồm bánh mì nướng với trà và bánh kem làm hôm qua mà vì mệt quá nên chưa ăn.  Nó không như tôi tưởng, cái hỗn hợp nóng hổi mà mà anh ăn hết bát này đến bát khác cho đến khi mẹ anh phải cất đi vì sợ anh bị đau bụng.  Sau bữa ăn sáng, hai ông bố thay phiên xúc tuyết để làm quang lối ra vào.  Khi gió bắt đầu êm thì tôi được phép ra ngoài.  Thường thì tôi làm người tuyết một mình, một chú người tuyết khẳng khiu và xiêu vẹo.  Nhưng lần này tôi đã có anh làm cùng.  Anh dùng tay không đắp tuyết và ngắm nghía; lần đầu tiên thấy anh hạnh phúc như vậy kể từ lúc tới đây.  Anh nắn tuyết thành một quả rồi ném về phía tôi.  Tôi hụp tránh, rồi ném vào chân anh để tránh cái máy ảnh đang treo lủng lẳng trên cổ.
“ Đầu hàng,” anh nói, đưa hai tay lên.  “ Đẹp quá,” anh nói thêm trong khi nhìn chung quanh sân trước nhà.  Tôi cảm thấy hãnh diện mặc dù chẳng có công cán gì với thời tiết.  Anh bắt đầu đi về hướng ngôi rừng và tôi hơi do dự.  Anh nói có cái muốn chỉ tôi coi.  Những cành cây trơ trọi phủ đầy tuyết trong một ngày trời trong xanh trông có vẻ an toàn, không che đậy.  Thỉnh thoảng anh dừng lại chụp ảnh, nhưng chưa bao giờ đề nghị chụp tôi.  Chúng tôi đi một lúc lâu cho đến khi không còn nghe tiếng xúc tuyết, không còn thấy ngôi nhà.  Thoạt tiên tôi không hiểu anh làm gì khi thấy anh quì gối và lấy tay cào tuyết.  Và rồi tôi thấy những bia mộ.  Tôi cũng quì xuống để giúp anh.  Đó là bia mộ của một gia đình sáu người giòng họ Simonds.  “ Cả nhà chôn nơi đây,” anh nói.  Mẹ, cha, và bốn đứa con.”
“ Thế mà em chưa biết đến bao giờ.”
“ Chắc chẳng ai biết đến.  Tôi khám phá những bia mộ này nằm chôn sâu dưới những lớp lá khô.  Emma, người cuối cùng, chết năm 1923.”
Tôi gật đầu, hơn buồn lâng lâng vì tên nghe giống tên tôi.
“ Nhiều khi tôi ước gì mình không theo đạo Ấn để mẹ tôi được chôn ở một nơi nào đó.  Nhưng mẹ tôi bắt cha con tôi hứa sẽ rải tro trên biển Đại Tây Dương.”

Tôi nhìn anh, sững sờ, và anh giải thích tiếp là mẹ anh bị ung thư vú đã di căn.  Đó là lý do tại sao gia đình anh rời Ấn Độ.  Ra đi không để chữa trị mà để yên thân.  Bên Ấn Độ ai cũng biết mẹ anh bị bệnh, và nếu có ở lại thì bạn bè và gia đình sẽ bu lại chung quanh ở căn nhà đẹp cạnh biển, cố bảo vệ bà khỏi những cái không thể tránh được.  Mẹ anh, không muốn sự quan tâm đến ngạt thở, không muốn ông bà ngoại anh phải chứng kiến tình trạng sức khoẻ suy yếu, nên đã xin cha anh mang cả nhà về Mỹ.  
“ Mẹ tôi đang được theo dõi bởi một ông bác sĩ mới ở Mass General.  Mỗi lần cha tôi nói đi xem nhà, thật ra là để đi khám bác sĩ.  Mùa xuân này họ sẽ giải phẫu, nhưng chỉ hy vọng kéo dài thêm ngày nào hay ngày đó.  Mẹ tôi không muốn ai biết.  Cho đến phút chót.”

Tin dữ đổ ập xuống, tôi bị sốc không khác nào anh vừa tát vào mặt tôi, và tôi bắt đầu òa ra khóc.  Lúc đầu những giọt nước mắt còn nhỏ giọt trong yên lặng, chẩy dài trên khuôn mặt gần như lạnh giá của tôi, nhưng rồi tôi bắt đầu nức nở, nước mũi chẩy ròng ròng và con mắt đỏ hoe.  Tôi đứng đó, hai bàn tay bụm má để hứng những giọt nước mắt, xấu hổ vì anh nhìn thấy.  Tôi chỉ sợ ngộ nhỡ anh lấy máy ảnh ra chụp thì khốn.  Dĩ nhiên anh đã chẳng làm điều đó, anh cũng chẳng nói gì, vì đã nói quá đủ.  Anh vẫn đứng yên đó, nhìn xuống mộ Emma Simonds, và cuối cùng, khi tôi đã dịu xuống thì anh bắt đầu đi bộ trở lại sân nhà.  Anh bắt đầu xúc tuyết, còn tôi vào nhà tắm nước nóng.  Chẳng đứa nào an ủi đứa nào.  Có lẽ anh tưởng tôi khóc vì thương cho mẹ anh hay cho anh, nhưng không phải vậy.  Lúc ấy tôi còn quá trẻ, chưa đủ trưởng thành để biết thông cảm hay cảm thấy thương tâm.  Tôi chỉ thấy sợ khi phải sống chung nhà với một người đang chết.  Tôi nhớ mình đứng sát cạnh mẹ anh, cả hai đều để ngực trần trong phòng thay quần áo.  Tôi tức vì anh đã nói, và tức vì anh để đến bây giờ mới nói, cảm thấy vừa bị giao gánh nặng, vừa bị phản bội.  


Hai tuần sau thì gia đình anh đi.  Cha mẹ anh mua một căn nhà trên Bãi Bắc; căn nhà được thiết kế bởi một kiến trúc sư nổi tiếng ở Massachussetts.  Căn nhà có mái phẳng và tường bằng kiếng.  Những căn phòng trên lầu được xếp chung quanh một ban công phía trong, trần phòng khách cao tận hai mươi feet.  Tuy không nhìn ra biển, nhưng có một hồ bơi cho mẹ anh.  Buổi tối đầu tiên, chúng tôi mang thức ăn lại để mẹ anh khỏi phải nấu nướng.  Chúng tôi ngắm nhìn căn nhà và khu đất chung quanh, những gian phòng trống trơn và vang vọng sẽ đầy bệnh tật và sầu khổ.  Một phòng ngủ có cửa sổ trên trần cho ánh sáng soi vào mà mẹ anh sẽ đặt giường ngay phía dưới.  Cuối cùng khi bố mẹ tôi biết tin và đến nhà thương thăm thì mẹ anh đã hấp hối.  Tôi cũng không hề hé răng tiết lộ điều anh nói tôi nghe.  Tôi vẫn trung thành.  

Trước đây mẹ anh có hứa đến hè sẽ mời đến bơi, nhưng khi bệnh trở nặng nhanh hơn dự đoán thì cha mẹ anh kín cửa cao tường, không liên lạc, không tiệc tùng.  Một thời gian sau bố mẹ tôi vẫn than phiền, vì cảm thấy mình bị hất hủi.  
“ Mình làm không thiếu một cái gì cho họ.”  Họ nói lầm rầm trước khi ngủ thiếp đi.  Nhưng lúc đó tôi đã trở về phòng riêng của mình, bên kia tường, nằm trên cái giường anh đã ngủ, và không còn nghe thấy tiếng họ.