Tuesday, July 28, 2015

THIÊN ĐÀNG-ĐỊA NGỤC

THIÊN ĐÀNG-ĐỊA NGỤC
JHUMPA LAHARI

Thực ra Pranab Chakraborty không có họ hàng gì với bố tôi cả.  Chú ấy chẳng qua là người cùng quê ở Bengal rồi tình cờ quen biết bố mẹ tôi hồi thời thập niên bẩy mươi khi họ đang sống trong một căn apartment ở Central Square.  Tôi không có chú ruột bên Mỹ nên bố mẹ tôi bắt gọi chú ấy là Pranab Kaku, có nghĩa là chú Pranab.  Chú ấy gọi bố tôi là Shyamal Da, có nghĩa là anh Shyamal, và gọi mẹ tôi là Boudi, có nghĩa là chị dâu cả, thay vì dùng tên thật Aparna của bà.  
Sau khi đã quen một thời gian rồi thì chú Pranab mới thú thật là hồi đầu, chú đã theo hai mẹ con tôi suốt cả buổi chiều, đi khắp phố phường Cambridge, sau khi mẹ tôi đón tôi ở trường ra.  Chú đi rều rễu theo sau mẹ con tôi khi đi trên con đường Massachusetts và khi đi vào Harvard Coop để mua sắm hàng gia dụng giảm giá.  Chú theo chúng tôi vào Harvard Yard, nơi mẹ tôi hay ngồi trên bãi cỏ nhìn giòng người đông đảo ra vào lớp học.  Cuối cùng, khi tôi vào thư viện Widener để đi tiểu thì chú rón rén đến hỏi mẹ tôi bằng tiếng Anh là bà có phải là người Bengali không.  Đúng ra thì chẳng cần phải hỏi cũng đã phải biết rồi.  Mẹ tôi tay đeo những vòng màu trắng và đỏ mà chỉ những người đàn bà Bengali đã có chồng mới đeo, mặc áo sari kiểu miền Tangail, và trên đường rẽ chính giữa tóc vẽ một đường bột màu đỏ.  Mẹ tôi lại còn có khuôn mặt đầy đặn và đôi mắt đen láy của một người phụ nữ Bengali tiêu biểu.

Lúc đó thì gia đình chúng tôi đã ở Central Square được ba năm.  Trước đó, chúng tôi sống ở Berlin, nơi tôi ra đời, và nơi mà cha tôi hoàn tất chương trình học về vi trùng học trước khi nhận việc làm nghiên cứu gia tại Mass General, và trước khi ở Berlin thì bố mẹ tôi đã sống tại Ấn Độ.  Tôi chỉ nhớ được Central Square và căn apartment lợp ván màu nâu.  Và chú Pranab lúc nào cũng có mặt ở đó.  Vẫn theo lời kể của chú thì chiều hôm đó mẹ tôi mời chú về nhà dùng trà; và sau khi biết là đã hơn ba tháng mà chú chưa được ăn thức ăn Bengali, bà dọn ra món cơm cà-ri cá thu còn thừa từ tối hôm trước.  Chú ở lại cho đến khi bố tôi đi làm về rồi ngồi lại ăn tối với gia đình tôi.  Và kể từ đó, hầu như tối nào chú cũng đến ăn chung, và đã nghiễm nhiên trở thành một thành viên của gia đình chúng tôi.

Chú Pranab vốn là con nhà khá giả ở Calcutta trước khi qua Mỹ học kỹ sư tại MIT.  Năm đầu ở Boston, chú mất gần hai mươi pound.  Chú ở trọ nhà một bà ly dị với hai con nhỏ lúc nào cũng khóc la.  Chú ở phòng trên gác và chỉ được xử dụng bếp trong giờ giấc nhất định.  Bố mẹ tôi rất thông cảm và nếu có phòng dư cũng đã cho chú ở.  Và từ đó, cửa nhà tôi lúc nào cũng rộng mở và bất cứ lúc nào có thì giờ rỗi rảnh là chú có mặt ở đó.

Tôi còn nhớ rõ tiếng cười rộn rã và dáng người dong dỏng của chú.  Chú có vầng trán cao và bộ ria rậm rạp, và tóc tai chú bù xù trông giống mấy ông hippie mà thời đó đi đâu cũng thấy.  Mặc dù chú ấy là một khoa học gia nhưng trông chẳng có vẻ gì là cứng rắn hay ngăn nắp.  Chú ấy lúc nào cũng như con ma đói, bước vào cửa là kêu rên rầm rĩ, và rồi ngồi xuống là ăn như rồng cuốn, hay có lúc thò tay ăn vụng những miếng thịt mà mẹ tôi đang chiên trên chảo vừa bỏ ra.  Bố mẹ tôi nói chú là một sinh viên cực kỳ thông minh, trước đây là một ngôi sao sáng của Jadavpur, nhưng chú Pranab không siêng đến trường và cúp cua đều đặn.  “ Mấy thằng Mỹ này vẫn còn nhai đi nhai lại mấy cái phương trình mà khi em bằng tuổi con Usha đã học qua rồi.”   Chú ngạc nhiên là thầy giáo lớp hai của tôi không bắt làm bài tập và đã bảy tuổi rồi mà vẫn chưa dậy rút căn hai học về số pi.  

Chú ấy đến là đến, không bao giờ gọi điện thoại báo trước, chỉ việc gõ cửa ầm ĩ như hồi còn ở tại Calcutta và gọi to “ Boudi” trong khi đợi mẹ tôi ra mở cửa.  Hồi chưa gặp chú, khi tôi về tới nhà là thấy mẹ tôi đã khăn áo chỉnh tề, sẵn sàng ra khỏi nhà.  Nhưng giờ thì mẹ tôi cả ngày lúc thúc trong nhà, lúc thì lăn bột chiên bánh phồng luchi mà thường chỉ làm vào ngày Chủ Nhật cho hai cha con tôi, lúc thì treo cái màn cửa mới mua ở tiệm Woolworth.  Hồi đó tôi nào biết là mẹ tôi trông mong chú Pranab tới chơi, là bà diện chiếc áo sari mới và chải đầu cẩn thận và chuẩn bị cả ngày những bánh trái sẽ dọn ra mời chú với một vẻ hững hờ giả bộ.  Đâu biết là mẹ tôi sống cho những giây phút mà chú gọi to “ Boudi” từ ngoài cửa và ngày nào chú không đến thì bà cau có cả ngày.

Không riêng gì bà, chính tôi cũng mong chú đến chơi.  Chú chỉ cho tôi những trò ảo thuật và dậy tôi học thuộc bảng cửu chương trong khi trong lớp tôi chưa đứa nào biết.  Chú có thú chụp hình.  Chú có một cái máy ảnh đắt tiền và tôi, một con bé mặt tròn, răng sún, tóc ngang trán, đã trở thành một đề tài ưa chuộng của chú.  Cho tới bây giờ, đó vẫn là những tấm hình của tôi mà tôi thích nhất, vì chúng cho thấy một sự tự nhiên của tuổi trẻ mà nay không còn nữa.  Tôi nhớ mình chạy lăng quăng trong khuôn viên Harvard hay đứng tạo dáng trên bậc thềm trường đại học hay dựa vào thân cây trong công viên.  Chỉ có một tấm hình duy nhất mà trong đó có mẹ tôi.  Mẹ tôi đang bồng tôi trên lòng, đầu nghiêng về phía tôi.  Trong tấm hình đó, bóng của chú Pranab, tay cầm máy ảnh, chồng lên nửa người của mẹ tôi.     

Họ có nhiều sở thích giống nhau như nghe nhạc, phim ảnh, chính trị thiên tả, và thi ca.  Những sở thích mà bố tôi không cùng chia xẻ.  Gia đình họ ở cùng khu ở miền Bắc Calcutta.  Họ biết cùng những gian hàng, những chuyến xe buýt, và tuyến đường xe điện, những chỗ nào làm bánh jelabi và món mughlai paratha ngon nhất.  Bố tôi trong khi đó, đến từ một vùng ngoại ô cách Calcutta hai mươi dặm, một vùng mà mẹ tôi xem là hoang dã và may là đã không phải về làm dâu, một nơi mà mẹ tôi sẽ phải dùng nhà vệ sinh thô sơ theo kiểu một lỗ nhỏ bên trên một hầm chứa.  

Vài tuần sau chú Pranab mang lại nhà cái máy chơi nhạc của chú và bắt đầu cho nghe những nhạc bản của những phim Ấn Độ thời xưa.  Những bản nhạc tình đã thay đổi cái cuộc sống yên tĩnh của apartment và mang mẹ tôi trở về một thế giới đã bỏ lại kể từ khi lấy bố tôi.  Mẹ tôi và chú Pranab nhắc lại những cảnh phim, những tài tử, và những trang phục của họ.  Mẹ tôi thuật lại đoạn Raj Kapoor và Nargis che dù đứng hát dưới mưa, hay tả cảnh Dev Arnand gảy đàn trên bãi biển ở Goa.  Lại có những lúc hai người tranh luận say sưa những đề tài như vậy, to tiếng giả vờ cãi lộn, những điều mà mẹ tôi chưa bao giờ làm với bố tôi.  

Vì chú là vai em nên mẹ tôi gọi thẳng bằng tên Pranab trong khi đó bà không bao giờ gọi bố tôi bằng tên gọi.  Lúc ấy bố tôi ba mươi bảy tuổi, hơn mẹ tôi chín tuổi.  Chú Pranab hai mươi lăm tuổi.  Bố tôi là người thích yên lặng và tĩnh mịch.  Ông lấy vợ để chiều lòng cha mẹ;  Ông bà tôi quan niệm là đi đâu thì đi, miễn sao có vợ là được rồi.  Bố tôi say mê trong công việc nghiên cứu và sống khép mình trong một vỏ ốc mà cả hai mẹ con tôi đều không thể lọt vào.  Ông ngại nói chuyện và không thích cái gì thái quá.  Ngoại trừ những nhu cầu thanh đạm thường nhật, ông không đòi hỏi hay thèm khát cái gì khác.  Thông lệ của ông là một bát cereal buổi sáng, một ly trà khi đi làm về, và hai món rau cho bữa ăn tối.  Ông không ăn uống quá độ như chú Pranab.  Ông quan niệm ăn để sống và hay nhắc lại truyện người Nga dưới thời Stalin phải ăn keo hồ giấy dán tường mà sống.  Người nào không biết sẽ tưởng bố tôi thế nào cũng phải ghen, hay tối thiểu thì nghi ngờ, sự lai vãng thường xuyên của chú Pranab và sự thay đổi tâm tính của mẹ tôi.   Nhưng tôi nghĩ bố tôi cảm kích tình bạn của chú Pranab vì đã làm mẹ tôi vui và làm ông cám thấy bớt áy náy vì đã bắt bà phải xa rời Ấn Độ.  

Mùa hè năm ấy, chú Pranab tậu một chiếc xe con bọ Volkswagen màu xanh dương và bắt đầu chở mẹ con tôi đi khắp phố phường Boston và Cambridge.  Chú chở chúng tôi ra tiệm India Tea and Spices ở Watertown, và có lần chở ra tận New Hampshire để xem núi.  Khi trời bắt đầu trở nóng, chúng tôi đi chơi hồ Walden một tuần hai lần.  Lần nào mẹ tôi cũng luộc trứng và làm sandwich dưa leo để mang theo ăn picnic.  Mẹ tôi nhắc lại những lần picnic mùa đông khi còn bé, những hành trình đi với năm mươi người họ hàng, bằng xe lửa về miền quê phía Tây Bengal.  Chú Pranab chăm chú lắng nghe những chi tiết xa dần trong quá khứ của mẹ tôi.  Ở hồ Walden, chú Pranab dắt mẹ tôi đi qua rừng và xuống con dốc đến bờ hồ.   Rồi bà trải khăn trên cỏ, ngồi nhìn chúng tôi bơi.   Chú người đầy lông lá,  chân cẳng khẳng khiu nhưng bụng chảy như một thiêu phụ mảnh dẻ nhưng bụng nhão sau khi sanh.  “ Tôi mập là tại chị đó, Boudi.” chú than sau khi ăn ngấu nghiến thức ăn mẹ tôi nấu.  Chú bơi bì bõm, đầu lúc nào trên mặt nước, và không biết thổi bong bóng hay nín thở như cách bơi mà tôi học.  Đi đâu người ta cũng tưởng chú Pranab là bố tôi, và mẹ tôi là vợ chú.

Giờ thì tôi hiểu là mẹ tôi đã yêu chú.  Chưa người đàn ông nào đã tán bà như chú đã làm với cái tâm tình ngây thơ của một người em chồng.  Đối với tôi, chú chỉ là một người trong gia đình, nửa là chú, nửa là anh, vì nhiều khi bố mẹ tôi săn sóc chú như đã săn sóc cho tôi.  Chú lúc nào cũng giữ lễ anh em với bố tôi, lúc nào cũng hỏi ý kiến trước khi làm việc gì.  Đôi khi mẹ tôi chòng ghẹo chú về con gái, hỏi về những nữ sinh viên Ấn Độ trong MIT, hay cho coi hình cô em họ ở Ấn Độ.  “ Sao, trông có được không?” mẹ tôi hỏi.  “ Đẹp đấy chứ?”  Mẹ tôi biết không có cách nào có được chú nên tối thiểu kiếm cách giữ chú trong gia đình.  Nhưng, quan trọng hơn cả, chú đã hoàn toàn sống ỷ vào mẹ tôi, đã đến cần bà trong những tháng trời đó nhiều hơn là bố tôi cần bà trong suốt cuộc hôn nhân.  Chú đã mang lại cho mẹ tôi niềm hạnh phúc trọn vẹn đầu tiên, và duy nhất.

xxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxx

Mùa thu năm 1974, chú Pranab gặp một nữ sinh viên trường Radcliffe, tên là Deborah.  Cô ta là người Mỹ.  Và cô ta bắt đầu tháp tùng chú đến nhà tôi chơi.  Bố mẹ tôi và tôi gọi cô là Deborah, nhưng chú Pranab dạy cô gọi bố tôi là Da và mẹ tôi là Boudi.  Tôi hỏi mẹ tôi, trong khi bà dọn dẹp phòng khách để chuẩn bị chuyến viếng thăm lần đầu của họ, là tôi có nên gọi cô là Deborah Kakima, cô Deborah, hay không.  “ Gọi làm gì?” mẹ tôi sẵng giọng nói. “Ba bảy hai mươi mốt ngày là nó sẽ bỏ ngay.  Rồi mày coi.”  Nhưng Deborah vẫn đeo chú cứng ngắc, theo chú tham dự những buổi tiệc tùng cuối tuần, những bữa tiệc mà ngoài cô ra,  gồm toàn người Bengali.  Deborah người rất cao, cao hơn bố mẹ tôi và cao gần bằng chú Pranab.  Tóc cô rẽ ngôi giữa giống như mẹ tôi nhưng phía sau buộc thành đuôi gà thay vì thắt bím.  Cô đeo kính gọng bạc và mặt mũi ít khi nào son phấn.  Cô đang theo học ban Triết Học.  Tôi thấy cô cực kỳ đẹp, nhưng mẹ tôi chê mặt nhiều tàn nhang và hông nhỏ.

Một dạo sau đó, chú Pranab vẫn đến ăn tối một mình mỗi tuần để hỏi dỏm xem mẹ tôi nghĩ gì về Deborah.  Có lẽ là chú muốn sự tán thành, chấp thuận của mẹ tôi.  Chú nói là bố mẹ Deborah là giáo sư đại học Boston, cha cô từng xuất bản thơ, và cả hai người đều có bằng tiến sĩ.  Khi không có mặt chú, mẹ tôi than phiền là vì có Deborah nên phải nấu nướng bớt gia vị, mặc dù Deborah nói là thích ăn cay, và vì có Deborah nên đã không dám bỏ cái đầu cá chiên trong món Dal.  Chú Pranab dậy Deborah nói “Khub Bhalo “ có nghĩa là “ngon lắm” và “ aacha” có nghĩa là “vậy ạ” và dậy những món nào phải ăn bốc thay vì dùng nĩa. Có lúc họ đút cho nhau ăn làm bố mẹ tôi phải mắc cở cúi đầu.  Trong những buổi tiếp tân đông người, họ hôn nhau và nắm tay trước mặt mọi người, và khi họ ra xa mẹ tôi nói với những người đàn bà Bengali khác.  “ Thằng đó trước đây đâu có vậy.  Không tưởng tượng được là con người ta có thể thay đổi đột ngột được như vậy.  Như là thiên đàng-địa ngục.”

Mẹ tôi càng không hài lòng thì tôi càng trông mong những chuyến viếng thăm của Deborah.  Tôi yêu Deborah như một cô bé yêu những người đàn bà không phải là mẹ mình.  Tôi yêu đôi mắt màu xám bình thản, những chiếc váy jean và những chiếc săng-đan của cô.  Tôi yêu mái tóc thẳng mà cô để tôi chải bới thành đủ kiểu trông tức cười.  Tôi thích cái phong cách tự nhiên của cô.  Mẹ tôi thì trái lại, mỗi khi tiệc tùng, bắt tôi phải mặc áo dạ hội dài tới chân mà bà gọi là maxi, và tóc thì phải kẹp lại đàng sau.  Trong những buổi gặp mặt ấy, Deborah thường lẩn ra ngoài chơi với tôi, để mặc các bà Bengali tự do nói chuyện.  Cô biết tất cả những cuốn sách tôi đọc, về Pippi Longstocking và Anne of Green Gables.  Cô cho tôi những món quà mà bố mẹ tôi hoặc vì không có tiền hoặc vì không muốn mua: một cuốn sách Grimm’s Fairy Tales khổ lớn với tranh minh họa màu nước vẽ trên những trang giấy lụa là, những con búp bê bằng gỗ, tóc bằng len sợi.  Cô kể tôi nghe về gia đình của cô, về ba bà chị và hai người em, đứa nhỏ hơn tôi có vài tuổi.  Có lần, sau khi đi thăm cha mẹ về, cô mang cho tôi ba cuốn truyện Nancy Drew, với tên của cô viết bằng nét chữ con gái trên trang đầu, và một món đồ chơi cũ của cô, một rạp hát bằng giấy với phông có thể thay đổi được.  Deborah và tôi tha hồ nói chuyện bằng tiếng Anh, ngôn ngữ mà tôi có thể diễn tả dễ dàng hơn là tiếng Bengali mà tôi phải nói ở nhà.  Đôi khi cô hỏi tôi chữ này chữ kia tiếng Bengali gọi là gì; có lần cô hỏi tôi “assobbho” có nghĩa là gì.  Tôi ngần ngừ, rồi nói đó là chữ mẹ tôi gọi chỉ khi nào tôi hư lắm, và nét mặt cô sa sầm lại.  Tôi biết là người ta không thích cô, và đã nghe và hiểu những điều không đẹp mà họ nói sau lưng cô.  

Những chuyến dã ngoạn trên chiếc Volkswagen giờ gồm bốn người, Đeborah ngồi ghế trước còn mẹ con tôi ngồi băng sau.  Dần dà mẹ tôi cáo bệnh không đi và chúng tôi trở thành một bộ ba.  Tôi ngạc nhiên là mẹ tôi cho phép tôi đi với họ, đến viện bảo tàng mỹ thuật và công viên và bể nuôi loài thủy sinh.  Mẹ tôi mong chờ ngày họ bỏ nhau để rồi chú Pranab sẽ ăn năn hối hận bò về với bà.  Riêng tôi thì thấy mối tình của họ chẳng có dấu hiệu nào lung lay.  Họ yêu nhau công khai, và hạnh phúc đến với họ một cách dễ dàng. Tôi trở thành một thành phần của gia đình thực tập của họ.  Tấm hình nào cũng có tôi và Deborah, lúc thì ngồi trên lòng Deborah, cầm tay, hôn má cô.  Chúng tôi trao đổi những nụ cười kín đáo, riêng tư, và trong những lúc ấy tôi cảm thấy không ai hiểu tôi bằng cô.  Ai cũng nói là Deborah sẽ là một người mẹ tuyệt vời, trừ mẹ tôi.  Tôi đâu có biết là mẹ tôi cho đi chơi với chú Pranab và cô Deborah vì bà đang có thai lần thứ năm.  Bà phần thì mệt mỏi vì ốm nghén và phần sợ xảy thai nên nằm ngủ suốt ngày.  Sau mười tuần thì bà lại xảy thai và bác sĩ khuyên không nên có bầu nữa.  

Mùa hè đến, Deborah đeo nhẫn kim cương, chiếc nhẫn mẹ tôi chưa bao giờ có.  Vì gia đình ở xa nên chú Pranab một mình đến nhà tôi xin phép trước khi tặng nàng nhẫn đính hôn.  Chú mang mở hộp và lấy ra chiếc nhẫn kim cương.  “ Em muốn chị đeo thử cho em xem,” chú nói, nhưng mẹ tôi từ chối.  Tôi đeo thử, cảm thấy sức nặng nó đè trên ngón tay nhỏ bé.  Rồi chú nhờ bố mẹ tôi viết thư cho cha mẹ chú nói là bố mẹ tôi đã xem mắt và ưng thuận cô ấy.  Đương nhiên là chú hơi lo khi nói với cha mẹ là mình sắp cưới một cô gái Mỹ.  Chú đã nói nhiều về bố mẹ tôi, và có lần họ nhận được thư cám ơn đã săn sóc và giúp đỡ chú.  “ Không cần viết dài,” chú Pranab nói.  “ Vài hàng được rồi.  Họ sẽ dễ dàng chấp nhận hơn nếu có vài lời của anh chị nói vào.”  Bố tôi chẳng thương mà cũng không ghét Deborah, không bao giờ phê bình hay chỉ trích như mẹ tôi, nhưng ông hứa là đến cuối tuần thư sẽ đến Calcutta.  Mẹ tôi gật đầu ưng thuận, nhưng ngày hôm sau tôi thấy cái tách mà chú Pranab bao lâu nay dùng để gạt tàn thuốc lá nằm tan tành trong thùng rác, và bàn tay mẹ tôi dán ba miếng Band-Aids.

Cha mẹ chú Pranab sửng sốt trước tin đứa con trai duy nhất của mình lấy vợ Mỹ, và vài tuần sau chuông điện thoại nhà tôi vang lên lúc nửa đêm.  Ông Chakraborty nói họ không thể chấp nhận một cuộc hôn nhân như vậy và sẽ từ con nếu cả gan dám lấy Deborah.  Rồi bà vợ cầm máy xin nói chuyện với mẹ tôi, rồi trách mẹ tôi như trách một người quen biết đã lâu, và đổ lỗi cho mẹ tôi đã để chuyện đó xẩy ra.  Họ đã chọn vợ cho chú ở Calcutta và tưởng là chú học xong sẽ về nhà lấy vợ.  Họ còn mua cả một căn phòng trong cùng chung cư cho Pranab về ở với người vợ đính hôn.  
“ Chúng tôi tưởng là có thể tin tưởng ông bà chứ,”  cha mẹ Pranab nài nỉ bố mẹ tôi nói vào để chú bỏ ý định, nhưng bố tôi từ chối, lấy lý do là không có tư cách để dính dáng vào.  “ Mình đâu có phải là bố mẹ nó đâu,” ông nói với mẹ tôi.  
“Mình sẽ nói cho nó biết là cha mẹ nó không chấp nhận.  Chỉ thế thôi.”  Và rồi bố mẹ tôi không nói gì với chú Pranab về chuyện cha mẹ chú nhiếc móc và đổ thừa cũng như hăm dọa từ con, chỉ nói là họ không chấp nhận cuộc hôn nhân.  Chú Pranab nhún vai.  “ Em chả cần.  Không ai cởi mở bằng anh chị,” chú nói bố mẹ tôi, “ Anh chị chấp thuận là đủ rồi.”

Sau khi đính hôn, chú Pranab và Deborah bắt đầu bớt đi lại với gia đình chúng tôi.  Họ dọn về ở chung trong một căn apartment ở phía Nam Boston, một khu mà bố mẹ tôi cho là thiếu an ninh.  Chúng tôi cũng dọn qua một căn nhà ở Natick.  Tuy là căn nhà mua nhưng bố mẹ tôi sống như người ở thuê, tường chỗ nào tróc thì quệt lên tí sơn thừa, và mỗi chiều khi mặt trời rọi qua cửa sổ phòng khách thì mẹ tôi kéo màn xuống để bàn ghế mới mua khỏi phai màu.  Vài tuần trước ngày đám cưới, bố mẹ tôi mời một mình chú Pranab đến nhà chơi, và mẹ tôi chuẩn bị một bữa ăn đặc biệt để đánh dấu cuối điểm của kiếp sống độc thân của chú.  Bố tôi chụp một tấm hình trong bữa ăn, và đó là tấm hình duy nhất của mẹ tôi chụp chung với chú Pranab.  Tấm hình đó hơi mờ.  Tôi nhớ chú Pranab chỉ bố tôi cách xử dụng máy ảnh, và vì thế trong hình chú đang ngồi ở bàn bếp nhìn lên, chung quanh là ê hề thức ăn mẹ tôi nấu, miệng chú há hốc, tay chú đang chỉ chỏ bố tôi điều gì đó.  Mẹ tôi đứng cạnh chú, một tay đặt trên đầu ra dấu làm phép chúc lành.  Đây cũng là lần đầu và cũng là lần cuối trong cuộc đời mà bà chạm vào người chú.  “ Con đó sẽ bỏ nó,” mẹ tôi nói với bạn của bà sau đó.  “ Đời nó kể như tàn rồi.”

Lễ cưới làm tại một nhà thờ ở Ipswich, tiệc cưới thì tổ chức ở một nhà hàng trong câu lạc bộ thể thao.  Họ nói là sẽ làm nhỏ thôi, và mẹ tôi tưởng nhỏ là một, hai trăm người.  Bà sửng sốt khi biết được danh sách quan khách chỉ lèo tèo có vài chục người, và trong tất cả những người Bengali chú Pranab quen biết trước đây, chỉ có gia đình tôi là được mời.  Trong nhà thờ, chúng tôi, cùng mọi người, ngồi trên những hàng ghế gỗ cứng và sau đó ra một cái bàn dài để ăn trưa.  Mặc dù chúng tôi đã đối xử với chú ấy không khác nào gia đình, nhưng đã không được mời vào chụp ảnh chung với gia đình ở sân cỏ câu lạc bộ, với cha mẹ, ông bà và chị em của Deborah.  Bố mẹ tôi đã không nâng ly chúc mừng.   Mẹ tôi lầm bầm bằng tiếng Bengali, hết chê nghi thức thiếu phần trang trọng, rồi lại trách móc chú Pranab không để ý hay nói chuyện với chúng tôi mà chỉ lo quàng vai bá cổ họ hàng nhà vợ lúc đi chào bàn.  Bố tôi thì vẫn vậy, chẳng nói chẳng rằng, yên lặng ngồi ăn, dao nĩa loảng xoảng vì quen thói ăn bốc.  Ông dọn sạch chén đĩa của mình cũng như của vợ rồi tuyên bố là mình đã ăn căng phình bụng rồi.  Mẹ tôi phải nở nụ cười duy nhất khi Deborah xuất hiện sau lưng, hôn bà trên má và hỏi chúng tôi có vui không.  

Khi nhạc bắt đầu trỗi dậy, bố mẹ tôi vẫn ngồi uống trà, nhưng sau hai, ba bản thì họ quyết định ra về.  Mẹ tôi lừ mắt nhìn tôi, khi ấy đang nhảy vòng tròn với chú Pranab và Deborah và những đứa trẻ khác trong đám cưới.  Tôi muốn ở lại, và khi tôi đi một cách miễn cưỡng lại chỗ bố mẹ tôi ngồi, Deborah đi theo sau.  “ Boudi, để Usha ở lại.  Nó đang chơi vui quá mà,”  cô nói với bố mẹ tôi.  “ Thiếu gì người sẽ đi về hướng anh chị ở, lát nữa em sẽ nhờ người trở nó về.”  Nhưng mẹ tôi nói không, chơi như thế đủ rồi và bắt tôi khoác áo choàng ngoài chiếc áo tay phùng.  Trên đường lái xe về nhà tôi nói với mẹ tôi, lần đầu nhưng không phải lần cuối, là tôi ghét bà.

xxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxx

Sang năm sau chúng tôi nhận thiệp của gia đình Chakraborty thông báo là họ đã có một cặp con gái sinh đôi.  Trong thiệp có kèm hình nhưng mẹ tôi không dán vào album hay tủ lạnh.  Tên hai đứa là Srabani và Sabitri nhưng tên gọi ở nhà là Bonny và Sara.  Ngoài tấm thiệp cám ơn cho quà cưới, đó là lần đầu họ liên lạc.  Chúng tôi cũng không được mời đến thăm nhà mới ở Marblehead mà chú Pranab mua sau khi nhận được việc lương cao ở Stone & Webster.  Lúc đầu bố mẹ tôi vẫn mời hai người đến tham dự nhưng buổi họp mặt, nhưng vì họ không bao giờ đến nên thôi không mời nữa.  Người ta cho là vì Deborah mà chú Pranab không những mất gốc mà còn không được đi đến đâu.  Kẻ thù chính là cô, và chú ấy chỉ là nạn nhân.   Trường hợp của họ được xem như một lời cảnh cáo cho thấy là hôn nhân dị chủng chỉ đưa đến đổ vỡ.  Thỉnh thoảng họ có mặt ở những lễ hội, mang theo hai đứa con gái giống nhau như hai giọt nước.  Hai đứa nó không nói được chữ Bengali nào và đã được nuôi nấng giáo dục khác hẳn chúng tôi.  Chúng nó không phải đi Calcutta mỗi năm, và cha mẹ chúng không mãi bám riệt một lối sống cũ và bắt con mình phải làm theo.  Tôi thèm muốn và ganh tỵ với cái may mắn của chúng.  “ Usha, trông em bây giờ lớn và xinh quá.”  Deborah nói mỗi lần gặp tôi, nhen nhúm lại, dù chỉ là  trong khoảnh khắc, cái liên hệ khi xưa.  Cô đã cắt mái tóc dài óng ả và bây giờ để tóc ngắn.  “ Chắc em giờ đã lớn đủ để giữ trẻ được rồi,” cô nói.  “ Chị sẽ gọi em khi cần.”  Nhưng cô không bao giờ gọi cả.

Tôi bắt đầu trung học đệ nhất cấp, hết còn là con bé con, và bắt đầu biết yêu thầm nhớ trộm mấy thằng Mỹ con trong lớp.  Thế nhưng yêu là yêu thầm thế thôi chứ chẳng đứa nào thèm để ý đến tôi, mặc cho những lời khen tặng của Deborah.  Nhưng mẹ tôi làm như đánh hơi thấy gì khác lạ, nên cấm tôi không được tham dự những buổi dạ vũ tổ chức mỗi thứ sáu cuối tháng tại phòng ăn của trường.  Và chuyện tôi không được đi chơi với bạn trai thì coi như là luật bất thành văn.  “ Đừng có nghĩ là mày có thể bắt chước thằng Pranab, đi lấy người Mỹ nhá,” bà nói.  Tôi mới lên mười ba, chuyện chồng con chưa hề nghĩ tới.  Thế nhưng những lời bà nói vẫn làm tôi khó chịu, và tôi cảm thấy gọng kềm của bà một ngày một xiết chặt hơn.  Bà nổi giận lôi đình khi tôi nói muốn đeo áo ngực, hay khi tôi muốn ra công trường Harvard với bạn.  Giữa lúc tranh cãi, bà thường lôi tên Deborah ra  “ Nếu nó là mẹ mày thì mày tha hồ muốn làm gì cũng được, bởi vì nó đâu có cần.  Nó đâu có lo.  Mày có muốn thế không hả Usha, một người mẹ không lo cho mày không?”
Khi tôi bắt đầu có kinh, mẹ tôi cho một bài thuyết pháp, rằng không được cho thằng nào nó mó tới, rồi bà hỏi có biết làm sao đàn bà có bầu không.  Tôi nói có học trong trường về quá trình thụ thai, rồi bà hỏi có biết chi tiết chuyện gì sẽ xảy ra không.  Tôi nhìn thấy nét kinh hoàng hiện ra trong mắt bà, và cho dù tôi đã rành quá nhưng nói dối là chẳng biết gì.

Tôi bắt đầu có những bí mật riêng tư.  Biết nói dối là ngủ nhà bạn nhưng thực ra đi party, uống bia và cho con trai hôn hít, rờ rẫm, và ôm nhau trên băng sau xe hơi.  Và tôi bắt đầu thương hại mẹ tôi.  Càng lớn tôi càng thấy bà sống một cuộc đời cô quạnh.  Bà chưa bao giờ đi làm, ban ngày nằm coi soap opera giết thì giờ.  Bà chỉ có việc dọn dẹp và nấu nướng cho bố con tôi.  Chúng tôi ít khi nào đi ăn tiệm vì bố tôi than phiền là tiệm ăn quá đắt đỏ.  Khi mẹ tôi than về đời sông ngoại ô buồn tẻ và cô đơn, ông không một lời an ủi.  “ Nếu không thích thì về Calcutta đi.”   Tôi bắt đầu bắt chước bố tôi.  Khi mẹ tôi la lối vì tôi nói chuyện trên điện thoại quá lâu thì tôi cũng ngoác miệng la ó lại, nói là bà không hiểu tôi, nói là bà đáng thương một cách thảm hại.  Và tôi đã mặc nhiên tuyên bố là không còn cần bà nữa, dứt khoát và đột ngột, như chú Pranab.

Rồi một năm trước khi lên đại học, chúng tôi được mời đến nhà Chakraborty ăn lễ Tạ Ơn.  Chúng tôi không phải là người khách duy nhất.  Chú Pranab và Deborah muốn có một buổi hội ngộ với những người quen biết trước đây.  Bình thường thì bố mẹ tôi không ăn mừng lễ Tạ Ơn.  Họ xem ngày đó không khác ngày Chiến Sĩ Trận Vong hay ngày Cựu Chiến Binh--chỉ một ngày nghỉ, không hơn, không kém.  Chúng tôi lái xe đi Marblehead, tới một căn nhà lát đá đồ sộ với một đường lái xe vào nhà hình bán nguyệt lát sỏi và đã đông nghẹt xe đậu  Căn nhà đi bộ được ra biển.  Những bàn ghế phòng khách đã được dọn xuống tầng hầm và nhiều cái bàn được xếp lại với nhau, tạo thành một chữ U khổng lồ.  Tất cả được phủ khăn bàn, trên có xếp những đĩa trắng và dao nĩa bằng bạc.  Đồ chơi và búp bê nằm ngổn ngang khắp nơi, đi chỗ nào cũng thấy lông chó, và hình ảnh của Bonny và Sara và Deborah thì treo đầy tường.  Khi chúng tôi tới thì thức ăn đang được nấu nướng, một điều mà mẹ tôi tối kỵ,

Gia đình Deborah đã tề tựu đông đủ: cha mẹ, em trai, chị gái và vợ chồng và bạn trai và con cái của họ, tất cả đều có mặt.  Mấy bà chị vào khoảng ba mươi nhưng, như Deborah, họ trông trẻ như sinh viên đại học, họ mặc quần jeans đi sabot và mặc áo len kiểu người đi biển.  Matty, em trai cô mà hồi đó có khiêu vũ với tôi trong đám cưới, hiện đang học năm thứ nhất tại Amherst.  Anh có cặp mắt xanh biếc, mái tóc bồng bềnh màu nâu, làn da trắng mỏng và đôi má ửng hồng.  Khi nhìn thấy anh chị em họ ngồi bỡn cợt với nhau trong khi nấu nướng trong nhà bếp, tôi giận mẹ tôi đã bắt tôi mặc bộ trang phục truyền thống shalwar kameez.  Tôi biết khi họ nhìn tôi mặc quần áo đó là thế nào cũng nghĩ tôi sẽ tụ năm túm ba với đám trẻ Bengali thay vì đi chơi với họ.  May thay Deborah kéo tôi vào trong đám chị em và giao cho tôi nhiệm vụ gọt vỏ táo, và khi bố mẹ tôi không để ý, cho tôi một lon bia.  Khi bữa ăn đã sẵn sàng, chúng tôi được sắp xếp ngồi con trai con gái xen kẽ làm mấy đứa Bengali nhột nhạt.  Rượu vang được xếp sẵn ra mặt bàn.  Người ta mang ra hai con gà tây, một con nhồi xúc xích, một con không.  Miệng tôi chảy nước dãi ra nhưng tôi biết lát nữa về, mẹ tôi thế nào cũng chê là thức ăn chẳng có mùi vị gì cả.

Gene, cha của Deborah, đứng lên đọc kinh, và mời mọi người cùng nắm tay nhau.  Ông cúi đầu nhắm mắt. “ Lạy chúa, tạ ơn người vì những của ăn mà chúng con sắp lãnh nhận,” ông bắt đầu.  Bố mẹ tôi ngôi cạnh nhau, và tôi vô cùng kinh ngạc là họ cũng làm theo.  Những ngón tay màu nâu đậm của bố tôi đan nhẹ vào những ngón tay trắng nõn của mẹ tôi.  Tôi để ý thấy Matty ngồi hàng ghế đối diện và đang lén liếc nhìn tôi trong khi cha anh đang nói.  Sau khi mọi người nói Amen, Chú Pranab đứng dậy cám ơn mọi người đã có mặt.  Trông chú có vẻ có da có thịt hơn xưa.  Chú bắt đầu kể lại những ngày mới tới Cambridge, và đột nhiên chú kể lại truyện gặp tôi và mẹ tôi lần đầu, chuyện chú đi theo mẹ con tôi như thế nào.  Người ta lăn ra cười vì cái khôi hài của cuộc gặp gỡ cũng như tình cảnh cùng quẫn của chú Pranab.  Chú đi vòng qua phía sau mẹ tôi và choàng tay ngang vai bà.  “ Người này,” chú tuyên bố, kéo người mẹ tôi sát vào chú.  “ Người này đã cho tôi ăn bữa ăn Tạ Ơn đầu tiên ở đất Mỹ.  Mặc dù đó là một buổi chiều tháng Năm, nhưng đối với tôi, bữa ăn đầu tiên tại nhà chị dâu của tôi là bữa Tạ Ơn.  Nếu không gặp chị thì có lẽ tôi đã khăn gói quả mướp trở về Calcutta rồi.”   Mẹ tôi nhìn ra chỗ khác vì mắc cở.  Mẹ tôi năm nay mới ba mươi tám tuổi nhưng tóc đã bắt đầu điểm bạc, và trông gần bằng tuổi bố tôi hơn chú Pranab.  Chú đi trở lại chỗ mình ở đầu bàn, cạnh Deborah, và kết luận, “ Và xuýt nữa là đã không gặp cưng rồi, Deborah,”  và chú hôn miệng cô trước mặt mọi người, giữa tiếng vỗ tay reo hò như pháo ran, không khác ngày cưới hôm nào.

Ăn xong gà tây, nĩa nhỏ được dọn ra và mấy chị em Deborah viết xuống mẩu giấy nhỏ xem người nào muốn ăn loại bánh trái cây nào.  Ăn tráng miệng xong thì chú Pranab tình nguyện dắt chó đi dạo.  “ Ai muốn đi dạo bãi biển?” và gia đình phe Deborah ai cũng hưởng ứng trong khi gia đình phe Bengali ai cũng muốn ở lại, uống trà nói chuyện, chẳng ai muốn đi.  Matty đi lại ngồi xuống ghế trống bên cạnh tôi và rủ tôi đi dạo cùng.  Khi tôi ngần ngại, chỉ vào bộ quần áo và giày dép không thích hợp của mình, cùng lúc ấy cảm thấy được cơn thịnh nộ của mẹ tôi vì cảnh chúng tôi ngồi chung với nhau, anh nói, “ Thế nào Deb cũng có thể cho em mượn quần áo được,” Thế là tôi lên lầu và Deborah đưa tôi một cái quần jean, một chiếc áo len và đôi giày tennis, để tôi trông giống chị em cô.
Deborah ngồi trên cạnh giường, nhìn tôi thay đồ, như một người bạn gái, và hỏi là tôi có bồ chưa.  Khi tôi nói chưa, cô nói, “ Matty thấy em dễ thương.”
“ Bộ ảnh nói hả?”
“ Cần gì phải nói mới biết.”
Khi tôi xuống nhà, bạo dạn hơn vì biết có người thích mình, trong cái quần jean phải cuốn gấu lên, tôi thấy mẹ tôi đang uống trà nhưng ngẩng đầu nhìn tôi không nói gì, và thế là tôi tháp tùng phái đoàn chú Pranab và con chó, và đám nhà vợ, xuống những bậc thang làm bằng gỗ đi về hướng biển.  Deborah và một người chị ở lại dọn dẹp và tiếp khách.  Thoạt tiên chúng tôi dàn thành một hàng ngang, đi trên bãi cát, nhưng tôi để ý thấy Matty đi chậm lại, và hai đứa tôi đi theo đàng sau, và khoảng cách giữa chúng tôi với những người khác một lúc một xa dần.  Chúng tôi bắt đầu rù rì, thủ thỉ những gì tôi không nhớ, và rồi đến một vùng eo biển đầy đá thì Matty móc túi lấy ra một điếu cần sa.  Chúng tôi xoay lưng lại tránh gió để hút, những ngón tay lạnh cóng chạm nhau, môi ngậm cùng điếu thuốc.  Lúc đầu chưa thấy gì, nhưng rồi nghe anh ta kể chuyện ban nhạc của anh, tôi cảm thấy giọng anh như từ một cõi xa xăm vang vọng về, và tôi bật cười mặc dù câu chuyện chẳng có gì là tức cười cả.  Chúng tôi cảm thấy như mình tách biệt hàng giờ đồng hồ với mọi người, nhưng khi chúng tôi lang thang trở lại, vẫn thấy họ đi ra một mỏm đá để ngắm hoàng hôn trên mặt biển.  

Khi về trở lại tới nhà thì trời đã tối và tôi sợ gặp bố mẹ mình trong lúc còn đang phê.  Nhưng Deborah nói là bố mẹ tôi thấy trong người mệt nên đã lái xe về, và đồng ý nhờ người khác chở tôi về sau. Lò sưởi đã được đốt lên và họ nói tôi nghỉ ngơi, ăn bánh trong khi người ta dọn dẹp phòng khách.  Dĩ nhiên Matty tình nguyện chở tôi về, và trong khi đậu xe trong đường vào nhà, tôi hôn anh, vừa thích nhưng cũng sợ mẹ tôi bắt gặp.  Tôi cho Matty số điện thoại, và trong vài tuần sau lúc nào cũng nghĩ đến anh, và hy vọng một cách khờ dại là anh sẽ gọi tôi.

Cuối cùng thì mẹ tôi nói đúng.  Mười bốn năm sau lần ăn lễ Tạ Ơn ấy.  Hai mươi ba năm sau ngày thành hôn, chú Pranab và Deborah ly dị.  Chú ấy là người phản bội, đi yêu một người đàn bà Bengali đã có chồng, và làm tan vỡ hai gia đình cùng một lúc.  Người đàn bà ấy bố mẹ tôi có biết nhưng không thân.  Lúc đó Deborah bốn mươi tuổi, Bonny và Sara đã lên đại học.  Trong cơn sốc và buồn phiền, người mà Deborah tìm đến lại chính là mẹ tôi.  Cô lúc nào cũng xem bố mẹ tôi là một thứ gia đình nhà chồng, gửi hoa khi ông bà tôi mất và cho tôi cuốn Tự Điển Tiếng Anh Oxford làm quà ra trường.  “Chị biết anh ấy nhiều.  Sao mà anh ấy có thể làm chuyện như vậy được?” Deborah hỏi mẹ tôi.  Và rồi, “ Chị có biết gì về chuyện ấy không?”  Mẹ tôi thành thật trả lời là mình không biết gì.  Cả hai đều đã bị phụ bởi cùng một người đàn ông, duy có điều là trái tim của mẹ tôi đã lành từ lâu, và một điều lạ là, khi bố mẹ tôi lớn tuổi, họ trở nên gần gũi hơn, nếu không vì tình yêu thì cũng vì thói quen.  Một phần cũng vì tôi đi học nên vắng nhà.  Tôi nhận thấy giữa bố mẹ tôi có một cái gì ấm cúng mà trước đây không có.  Hai mẹ con tôi cũng đã làm hòa.  Mẹ tôi đã chấp nhận một sự thật là tôi không chỉ là con bà mà còn là con của Hoa Kỳ.  Dần dà bà chấp nhận việc tôi đi chơi với một người đàn ông Mỹ, rồi một người khác, rồi lại một người khác nữa, rằng tôi ngủ với họ, và việc tôi sống chung mà không cưới hỏi với một người đàn ông.  Khi mối tình đó tan vỡ, bà an ủi, nói là thế nào rồi cũng kiếm được người khá hơn.  Sau bao năm tháng ăn không ngồi rồi, bà quyết định , ở cái tuổi năm mươi, đi học Khoa Học Thư Viện ở một trường đại học gần nhà.

Trong một lần nói chuyện điện thoại, Deborah thú nhận một điều mà làm mẹ tôi ngạc nhiên: rằng sau bao năm tháng, cô cảm thấy mình là kẻ ngoại cuộc trong một phần cuộc sống của chú Pranab.  “ Hồi đó em đã rất ghen với chị, vì chị đã biết và hiểu anh ấy trên một khía cạnh mà em không bao giờ có thể hiểu được.  Anh ấy đã quay lưng bỏ gia đình, bỏ cả các anh các chị, nhưng em vẫn cảm thấy bị đe dọa.”  Cô ấy nói mẹ tôi là đã cố gắng nhiều năm để khuyến khích chú Pranab làm hòa với gia đình cũng như giữa liên lạc với nhứng người Bengali khác, nhưng Pranab một mực không chịu.  Deborah chính là người đề nghị bữa ăn lễ Tạ Ơn.  “ Em chỉ hy vọng là chị không nghĩ là em đã đánh cướp anh ấy khỏi cuộc đời các anh các chị, chị Boudi ạ.  Em lúc nào cũng lo điều đó.”

Mẹ tôi cam đoan với Deborah là bà không trách cô.  Mẹ tôi hoàn toàn không đá động đến những ghen tuông của chính bà nhiều thập niên trước đây, chỉ nói rằng bà cảm thấy buồn cho Deborah và các con của hai người.  Mẹ tôi cũng không nói cho Deborah nghe chuyện là khoảng vài tuần sau đám cưới chú Pranab, trong khi tôi đi họp nữ hướng đạo và bố tôi đang ở sở làm, bà đã lục lạo khắp nhà, lấy hết những kim băng rồi bắt đầu gài chúng vào áo sari, để không ai có thể cởi ra được.  Rồi bà lấy một bình xăng và hộp diêm và bước ra sân sau, lúc ấy đầy lá khô.  Bên ngoài chiếc sari, bà mặc một chiếc áo mưa màu tím hoa cà để hàng xóm có thấy cũng tưởng là bà bước ra ngoài hóng gió mà thôi.  Bà mở áo ngoài và bắt đầu tẩm người đầy xăng, rồi gài cúc áo mưa lại.  Bà ra thùng rác đàng sau garage để vất bình xăng rồi trở lại sân sau với hộp diêm trong túi áo ngoài.  Bà đứng gần một tiếng, nhìn vào trong nhà, thu hết can đảm để châm diêm bật lửa.  Người cứu bà không phải là tôi và chũng chẳng là bố tôi, mà là bà Holcomb, bà hàng xóm kế bên mà mẹ tôi không thân cho lắm.  Bà Holcomb ra đàng sau quét lá, thấy mẹ tôi, và nói vọng qua nói là hoàng hôn sao mà đẹp quá.  “ Tôi thấy bà ngắm hoàng hôn cũng đã khá lâu rồi nhỉ.”  Mẹ tôi đồng ý, và rồi vào nhà.  Đến khi bố tôi và tôi về đến nhà thì bà đã ở trong bếp nấu cơm tối như thường lệ.

Mẹ tôi không nói cho Deborah điều này.  Bà thú thật chuyện này với tôi khi tôi đang đau khổ vì một cuộc tình tan vỡ với một người tưởng rồi sẽ lấy nhau.









Monday, July 20, 2015

Bá Vương Biệt Cơ

Bá Vương Biệt Cơ,  Chương I


Mùa đông 1929, cơn gió lạnh cắt da từ hướng Bắc thổi về.  Tại phiên chợ hôm Thiên Kiều, tiếng người ồn ào náo nhiệt.  Thời xưa các hoàng đế Thanh Triều về đây tế lễ hàng năm và bởi vậy gọi cầu là thiên kiều.   Hai bên chợ đầy những trà quán, tửu gia, chợ chim và quầy quà vặt.  Lũ trẻ bụi đời len lỏi trong đám đông, dáo dác nhặt những mẩu thuốc lá dưới đất.
Người thiếu phụ tí nữa thì dẵm lên ngón tay thằng bé.  Nàng đi đôi giầy vải cũ mòn, và có nước da tai tái của một người ghiền thuốc phiện.  Nhìn kỹ ai cũng biết là gái ăn sương.
Thằng bé đi bên cạnh trạc độ lên tám lên chín, súng sính trong bộ quần mới nhiều màu sắc, tương phản với quần áo bạc thếch, rách rưới của mẹ. Nó sợ hãi một tay bám chặt mẹ, tay kia dấu kỹ trong túi áo.  
Hai mẹ con đi vội qua những hàng bán bánh trái và quà vặt.  Họ đến một chỗ đông người xem những trò múa rối, đấu vật, kể chuyện, ảo thuật, và nhổ răng dạo.  
Nhan Hồng tìm thấy Quan Sư Phụ trong đám người làm trò đó.  Ông có dáng người vạm vỡ, trạc độ tứ tuần, hàm râu đen và rậm, và cặp mắt dữ dội của những Ông Ác chắn giữ trước cổng chùa.  
Nhan Hồng đẩy thằng bé lại gần Quan Sư Phụ rồi đứng đợi.  Ông liếc nhìn nó, gật đầu và quay lại đám đông, gõ một hồi chiêng.  Một lũ ngoan đồng đầu trọc lóc, mặt mũi sơn xanh sơn đỏ, trông như những con khỉ con, chạy thành một vòng tròn.  Hôm nay chúng nó diễn tuồng Tôn Ngộ Không Đại Náo Thiên Cung.  
Thằng lớn nhất mười hai tuổi là đại đệ tử của Quan Sư Phụ, tên là Tiểu Thạch Đầu.  Nó nhào lộn nhiều vòng rồi nhẩy vào giữa vòng tròn.  Tề Thiên Đại Thánh đang tức giận vì không được mời dự tiệc nên lén vào ăn quả đào Trường thọ và làm loạn chốn thiên cung.
Quan Sư Phụ đứng ngoài theo dõi từng động tác của lũ nhỏ.  Đám đông vỗ tay tán thưởng.  Bỗng Tiểu Thạch Đầu xoay tít người nhẩy lên không nhưng trượt chân và té xuống người lũ khỉ con bên dưới.  Đám đông bắt đầu la ó, chửi bới.  Đúng vào lúc ấy một thằng học đồ tên Tiểu Lai Tử thừa cơ chạy trốn.  
Quan Sư Phó la to: “Bớ người ta.  Bắt thằng đó lại cho tôi.”
Trong lúc đám đông sắp sửa giải tán thì Tiểu Thạch Đầu đứng dậy la to: “ Quý ông quý bà khoan hãy đi.  Hãy xem đây.  Tiểu Thạch Đầu tôi không phải là phường hữu danh vô thực đâu.  Hãy xem đây.”
Nó nhặt một cục gạch, đưa cho mọi người xem rồi đập mạnh vào đầu nó.  Cục gạch bể làm đôi nhưng đầu không một vết máu.  
“ Quả là một thằng Tiểu Thạch Đầu.” Họ reo hò hoan nghênh và ném bạc cắc vào thùng đựng tiền trong khi nó ưỡn ngực vênh váo.

xxxx

“ Tiểu Đậu Tử, vào đây,” Nhan Hồng lôi tay nó vào sân
trường của Quan Sư Phó.  Nàng cầm trên tay hai gói bánh, một lớn, một nhỏ.  
Quan Sư Phó đang gầm thét chửi mắng trong khi lũ nhỏ đứng một hàng cúi đầu chịu trận.  Thằng Tiểu Lai Tử người đầy rác rưởi đứng phía sau.  
“ Chúng mày là một lũ ăn hại đái nát.  Trình diễn như vậy thì làm sao kiếm ra tiền ?”
Không đứa nào dám hó hé một tiếng.
“ Khỉ mà không làm được thì làm sao làm người?”
Nói xong ông nhặt một thanh tre và bắt đầu giáng túi bụi lên người thằng Tiểu Lai Tử.  Nó cắn răng chịu đựng không dám khóc thành tiếng.
Sau khi đánh Tiểu Lai Tử chán tay, ông quay sang tụi nhỏ và cho mỗi đứa một trận, thằng nào rên rỉ thì bị thêm đòn.

“ Còn mày nữa” Ông chỉ mặt Tiểu Thạch Đầu.  “Sáng sớm ngày mai, ra sân tập nhào lộn một trăm lần cho tao”
“ Dạ vâng.”
“ Còn mày nữa.  Tiểu Thánh Tử.  Khi ra sân khấu đứng tấn, mày giương mắt như thế nào?”
Tiểu Thánh Tử trợn mắt đóng kịch.
“ Như thế mà gọi là giương mắt à? trông mày như một thằng đói thuốc.  Sáng mai nhìn gương tập một trăm lần.”
Trong khi Quan Sư Phó tiếp tục mắng chửi thì mấy đứa nhỏ len lén liếc nhìn chồng bánh ngô trên mặt bàn bếp một cách thèm thuồng.  Bên cạnh đó là một nồi canh khổng lồ với vài cọng rau lều bều nổi bên trên.  Đứa nào bụng cũng kêu ột ột và đầu óc choáng váng vì đói.  
Cuối cùng thì Quan Sư Phó chấm dứt giảng dậy.
“Muốn nên người thì phải cố gắng.  Ăn đi.”
Tụi nhỏ vục đầu xuống ăn ngấu nghiến những ổ bánh khô cứng như thể đó là sơn hào hải vị.  Trong khi đó, Tiểu Thạch Đầu lấy đồng bạc nhúng vào chảo dầu rồi nhỏ từng giọt vào nồi canh.
Nhan Hồng và thằng con rón rén bước vào phòng.
“ Quan Sư Phụ,” nàng nói.  Quan Sư Phụ bỏ bát cơm xuống, nhìn thằng bé và hỏi.  “ Tên mày là gì?”
“  Dạ. Tiểu Đậu Tử.” nó nói ngập ngừng.
“ Cái gì? nói to lên.”
“ Tiểu Đậu Tử.”
Quan Sư Phụ nhìn nó từ đầu xuống chân.  Ông rờ đầu, bẹo má, và vạch răng nó xem.  Tất cả đều tốt.  Nhưng khi ông bắt nó đưa tay ra thì nó vẫn giữ tay phải khư khư trong túi.  
“ Trong đó có cái gì vậy?” ông hỏi đoạn lôi tay nó ra và giật mình, kinh hãi.  Tiểu Đậu Tử có một ngón thừa mọc ra từ ngón cái như một nhánh cây.
“ Nó có sáu ngón” Sư Phụ kêu lên. “ Mang nó về đi.  Sáu ngón thì làm sao diễn tuồng cổ Bắc kinh được.”
“ Sư Phó làm ơn làm phước giữ nó lại,” bà mẹ nài nỉ.  “ Nó rất khoẻ mạnh, sáng dạ và bảo gì nghe nấy.  Nếu nó là con gái thì tôi đã giữ nó ở lại kĩ viện, nhưng đàng này…”
“ Không được.  Không làm cách gì khác được.”
Nhan Hồng lôi Tiểu Đậu Tử chạy xộc vào nhà bếp- và nhìn thấy cái muốn tìm kiếm nằm trên thớt.

xxxx

Trời đã bắt đầu sâm sẩm tối.  Tuyết phủ một lớp trắng xóa trên sân luyện võ.  Tất cả đầu yên lặng.  Bỗng một tiếng thét đinh tai từ phía nhà bếp xé tan màn đêm tịch mịch.  
Những giọt máu hồng trên tuyết đánh dấu lối đi của Tiểu Đậu Tử.  Nó nằm trong góc nhà khóc thút thít. Lưỡi dao phay đã chặt đứt qua xương thịt lấy đi phần dị dạng, để lại một vết thương rỉ máu.  

xxxx

Quan Sư Phụ mở tờ cam kết màu đỏ chói và bắt đầu đọc những điều khoản.
“ Tôi, Tiểu Đậu Tử, ký tên dưới đây…”
Tiểu Đậu Tử, mắt còn nhòa lệ, bàn tay phải cuộn tròn trong một tấm giẻ thẫm máu, ráng chịu cơn đau nổi lên cuồn cuộn như một cơn bão.  
“ Này con.  Hãy quỳ gối trước mặt sư phụ mới mà mẹ con đã khéo chọn đấy.”
Tiểu Đậu Tử tuân lệnh và quỳ gối lắng nghe Quan Sư Phụ  ê a đọc những điều khoản của người học đồ.
“ Tôi, Tiểu Đậu Tử, chín tuổi, xin thụ giáo Quan Tinh Phát Sư Phụ, như một học đồ trong thời hạn mười năm.  Trong thời gian này, Quan Sư Phụ có toàn quyền quyết định cho tôi cũng như bất cứ thu nhập nào tôi làm được.  Chẳng may có gì bất trắc xảy đến cho tôi thì cũng là do ý trời.  Nếu tôi có bất tuân nội quy hay không nghe lời thầy dạy, thì tôi sẽ phải đòn cho tới chết.  Sau khi thời hại mười năm đã mãn, tôi sẽ xa thầy nhập thế. “
Đọc tới đây, Quan Sư Phó cầm ngón trỏ tay mặt của Tiểu Đậu Tử và chấm vào lọ mực in màu đỏ.  Khi ông ấn ngón tay vào tờ cam kết, một giọt máu nhỏ xuống trang giấy như một dấu tay thứ hai.  
Dưới cái nhìn nghiêm khắc từ hình chân dung của mười ba minh tinh tuồng cổ Bắc Kinh đời nhà Thanh, Nhan Hồng cầm bút run run đánh dấu chữ thập.  Nàng nhìn con không rời mắt vì biết đây là lần cuối thấy được nó.  Nàng trao Sư Phó gói bánh lớn và đưa con gói nhỏ.  Sau đó, nàng dấu giọt nước mắt và quầy quả chạy ra khỏi khuôn viên trường, vì biết là nếu dùng giằng thì hai mẹ con sẽ trở lại tình cảnh không hy vọng của lúc trước.
Tiểu Đậu Tử chạy ra khung cửa sổ nhìn theo bóng mẹ khuất dần trong cơn mưa tuyết đầu mùa.  Tiểu Thạch Đầu bước cạnh bên và vỗ vai nó. “ Tới giờ ngủ rồi.”
Tiểu Đậu Tử theo Thạch Đầu đến trước cửa một căn phòng bẩn thỉu.  Giữa phòng là một cái giường lò (khang) bằng đất sét khổng lồ nhưng vẫn không đủ cho tất cả tụi nhỏ nên chúng phải mang những ghế dài vào xếp chung quanh mới tạm đủ chỗ.  Tiêu Đậu Tử thấy một chỗ trống và bò đến, nhưng Tiểu Tản Tử, một thằng chuyên nghề bắt nạt, chặn nó lại.
“ Đi chỗ khác chơi.  Chỗ này của tao.”
Mấy thằng khác cũng bắt đầu xô đẩy, chẳng đứa nào nhường chỗ cho Đậu Tử.  
Đúng lúc đó thì Tiểu Đầu Tử từ nhà xí lên, đang cột giải quần bước vào.  Nó phi thân lên cái khang và đá tung chăn mền của Tiểu Tản Tử và Tiểu Mi Đầu sang một bên.
“ Không được ăn hiếp nó.” Nó ra hiệu cho Đậu Tử.
“ Mày ngủ ở đây.” rồi quay lại mấy thằng kia mà nói. “ Thằng nào ăn hiếp nó là có chuyện với tao.”
Cuối cùng thì tất cả chúng nó bắt đầu ngủ.  Tất cả, ngoại trừ Đậu Tử.  Một tiếng rên vang vọng lên như ma hờn quỷ khóc.
“ Mẹ ơi,” Thằng Tiểu Lai Tử khóc thút thít,” Con không chịu nổi nữa..con chỉ muốn chết…”
Tiểu Đậu Tử cũng động lòng khóc theo.
“ Sao mày không ngủ đi?” Đầu Tử rít lên. “ Mày làm tao điên theo.  Đi ngủ đi.”
“Tôi nhớ mẹ tôi.”
Tiểu Thạch Đầu thở dài bực dọc nhưng nói nhẹ nhàng.
“ Đừng lo.  Tết mẹ mày lại đến thăm.  Ngủ đi.”
Đậu Tử nhìn nó với vẻ ngờ vực.
“ Còn anh thì sao? bố mẹ anh đâu?”
“ Tao chưa thấy mặt mấy đứa vô tích sự đó bao giờ.  Tao sinh ra từ một hòn đá như Tề Thiên Đại Thánh được không?  thôi đi ngủ đây.” và nó ngáy ngay lập tức và Đậu Tử lại cảm thấy cô đơn vô cùng.  

xxxx

Sáng hôm sau Quan Sư Phụ cạo đầu Tiểu Đậu Tử.  Khi xong, sàn đất được phủ bởi một lớp tóc nhung đen như tuyết nhuộm mực.  Một phần của quá khứ đã bị xén mất.  
Quan Sư Phụ quay vào cửa, gọi to.
“ Đứa nào chạy vào lấy một bộ đồng phục ra đây.”  
Chẳng bao lâu, Tiểu Thạch Đầu mang đồng phục ra.
“ Cái này chắc vừa.” nó nói trong khi trao cho Đậu Tử.  
“ Cám ơn đại ca,”  Tiểu Đậu Tử trả lời cung kính.
Với đầu gọt trọc và bộ đồng phục, Đậu Tử trông y hệt như những thằng bé khác trong trường.  Chẳng mấy chốc mà nó bắt đầu làm quen với lề thói hàng ngày.  Mỗi buổi sáng chúng thức dậy, rửa mặt qua loa và xếp hàng đi theo Quan Sư Phụ ra công viên để luyện giọng.  

Gọi là công viên cho nó sang chứ thực ra đó là một bờ hồ đầy rong rêu nằm giữa những nấm mộ.  Lũ trẻ mỗi đứa một góc và bắt đầu cất lên những giọng não nùng.  Trong cái tranh tối tranh sáng của buổi hoàng hôn, chúng nó trông như những cô hồn, chờ lúc mặt trời lên xua đuổi trở về âm ty.  
Khi Quan Sư Phụ dắt chúng về tới trường thì mặt trời cũng bắt đầu đứng bóng.  Chúng đứng dạng chân, tay để sau lưng để nghe sư phụ giảng dậy xong rồi mới được ăn uống.  
Bài học đầu tiên dậy chúng chạy bước ngắn vòng quanh sân khấu.  Đây là căn bản cho những diễn viên phụ.  Quan Sư Phụ đánh nhịp bằng cái roi trong khi bầy trẻ vừa đi vừa xoay vai theo nhịp.  Bắt thình lình tiếng đánh nhịp ngừng lại.  Đây là dấu hiệu phải ngừng tại chỗ và vào thế.  Thằng nào cẩu thả sẽ bị ăn một roi vào đầu.  Sau đó là động tác làm giãn gân cốt.
Một chân để trên thanh ngang, người cúi rạp tới cho đến khi chạm chân.  Đứa nào cũng nhìn trộm cây nhang gần đó.  Tàn cây nhang là phải đổi chân.  
Cái Tiểu Đậu Tử sợ nhất là thế xoạc chân.  Phải dựa lưng sát vào tường, chân dạng ra, và từ từ hạ người xuống.  Mỗi thằng có một đứa đứng bên cạnh chất thêm gạch sau khi đùi đã thẳng trên sàn.
Trong khi học trò tập xoạc chân thì một ông già đeo kính gọng sắt đến thăm.  Ông làm cho Xuân HoaTrà Quán và đến để khảo sát đám học đồ.  Quan Sư Phụ sắp xếp để lũ học trò thỉnh thoảng được dịp trình diễn tại trà quán.  
“ Kính chào Thị Sư Phụ,” Quan Sư Phụ chào một cách khúm núm.  Ông gọi lũ học trò chạy lại chào. “ Tôi dạy lũ này khá kỹ.  Tôi nghĩ là ngài sẽ hài lòng.”
Lũ trẻ thay phiên biểu diễn công phu nhào lộn.  Ông già có vẻ thích thằng Tiểu Thạch Đầu hơn cả và bắt nó lập lại nhiều biểu diễn.  
“ Tôi có một thằng học đồ mới, mang ra ngài xem thử.” Quan Sư Phụ nói. “ Tiểu Đậu Tử.  Nhẩy xoay người cho tiên sinh coi.”
Đậu Tử nhẩy lên và bay lơ lửng trên không rồi chân vẻ một vòng tròn trước khi đáp xuống một cách nhẹ nhàng.  Quan Sư Phụ không nói gì nhưng trong bụng hài lòng.  Thằng này kỹ thuật xem ra còn khá hơn Thạch Đầu nữa.  
“ Đá cao tao coi xem.  Đừng làm mất mặt tao đấy nhé.”  Ông ra lệnh.
Tiểu Đậu Tử đưa chân lên cao và duỗi thẳng cho tới khi cổ chân gần đụng trán nhưng chân hơi run rẩy.  
“ Cao hơn, cao hơn.  Và giữ cho chân thẳng.”
Tiểu Đậu Tử bắt đầu nghiêng ngả, và bất chợt mất thăng bằng và té ngồi xuống.  Thế là hỏng cả. Uổng cả phần biểu diễn lúc đầu.  
“ Thằng súc sinh.  Đi tập xoạc chân cho đến khi nào tao bảo thôi mới được thôi.”
Đậu Tử mặt tái mét nhìn vào tường.  Nó vung chân mấy cái cho giãn gân.  Thằng Tiểu Tản Tử chất gạch lên đùi nó.  Mỗi viên gạch thêm là càng đau thêm.  Chịu không được, Tiểu Thạch Đầu đợi lúc Quan Sư Phó đang bận đưa tiễnThi Đại Nhân ra về, bèn lén đến xoa bóp chân bạn và tỉnh bơ đá mấy miếng gạch ra chỗ khác.  Vừa lúc đó thì Quan Sư Phụ đứng ngay sau lưng.
“ Mày chưa học hành ra cái gì mà đã bày trò gian dối.  Bay đâu.  Mang cái ghế dài ra đây.  Phải cho lũ chúng mày một trận mới được.”
Một trong những nguyên tắc của trường là một đứa có lỗi, tất cả phải đòn lây.  Lũ trẻ tuần tự xếp hàng, tụt quần xuống, và cúi gập người xuống ghế dài.  Tiếng roi vụt vào mông vang vọng căn phòng.  Tiểu Thạch Đầu là đứa đang bị đòn.  Nó nghiến răng nói với Đậu Tử.
“ Gồng cái đít lên…cho đỡ đau.”
Tới phiên Tiểu Đậu Tử,  Nó gồng đít nhưng trận mưa roi vẫn làm nó ứa nước mắt ra.

xxxx





Xuân lại đến và khí hậu trở nên ấm áp hơn.  Đậu Tử đã theo học được ba tháng.  
Quần áo tồi tàn trường cho được làm bằng bao bột cũ.  Mùa đông chúng nhét bông gòn vào cho ấm, rút ra khi khí hậu ấm hơn, và mùa hè, tháo bớt lớp bên trong ra.  Khi quần áo chật thì cho đứa nhỏ hơn.  khi sờn rách đến độ không mặc được thì xé ra độn vào giầy.
Chúng nó vẫn ra cầu Thiên kiều biểu diến nhưng ở một chỗ lâu quá cũng nhàm.  Chẳng lẽ suốt đời làm mấy con khỉ nơi cầu Thiên Kiều sao?
Khi lớn hơn, tụi nó bắt đầu học thập bát ban võ nghệ
bao gồm cung, nỏ, thương, đao, kiếm, mâu, thuẫn, phủ, việt, kích, tiên, giản, qua, thù, soa, cương soa, bừa, dây xích mềm, và bạch đả.  Trong bốn kỹ thuật mà người nghệ sĩ kinh kịch phải nắm vững là hát, đọc, làm và đánh thì đánh, có nghĩa là dùng võ thuật hoặc động tác đã được biến hóa để biểu diễn là căn bản nhất.

xxxx

Khi tiết trời ấm áp trở lại cũng là lúc lũ nhỏ được tổng tẩy táo.  Đây là lần đầu tiên Tiểu Đậu Tử được tắm kể từ khi vào trường.  Nó rón rén bước vào một thùng làm bằng gỗ hơi khói bốc lên nghi ngút, trong đó đã sẵn có mười mấy thằng bì bõm xối nước lên nhau.  
Tiếng chuông đổ bất thình lình làm chúng ngưng nghịch ngợm--hài...hài...hài (Tiếng quan thoại phát âm chữ hài- 鞋 - ra thành xi-é )
“ Đại ca, “ nó nói với Thạch Đầu. “ Tiếng chuông làm đệ sợ hãi.”
“ Có gì mà sợ,” Thạch Đầu trả lời. “ Đó là tiếng âm hồn gọi đòi trả lại cái hài.”
“ Tại sao lại đòi hài?”
Thế là cả lũ tranh nhau giải thích, ra điều là mình biết nhiều.
“ Xưa thật là xưa, có vị hoàng đế truyền cho quân lính đi thu hết tiền đồng trong dân gian để đúc một cái chuông vĩ đại nhất.  Nhưng chẳng thợ rèn nào đúc được- mặc dù không làm được thì phải tội tử hình.  Cuối cùng chỉ còn một ông thợ rèn già sống với cô con gái.  Ông biết mình không thể nào hoàn thành được công tác và thế nào cũng bị bêu đầu.  Khi biết được, cô con gái liền nhẩy vào chảo đồng nấu chảy sôi sùng sục.  Ông già cố cứu con nhưng quá trễ và chỉ còn giữ được một chiếc hài.  Lần này thì chuông đúc thành công và hiện được treo ở Đường Cổ Tháp.  Mỗi khi chuông đổ lúc ban đêm thanh vắng, người ta có thể nghe thấy tiếng nàng trinh nữ đòi hài vang vọng lại. “
Tiểu Đậu Tử co rúm người lại vì sợ hãi.
“ Sao mày chưa nghe chuyện này bao giờ à? bộ mẹ mày không kể sao?”
“ Chắc mẹ nó cũng chẳng biết.” Tiểu Tản Tử chêm vào.
Tiểu Đậu Tử vốn ghét Tản Tử nên tính quạt cho nó một trận nhưng Tiểu Thạch Tử ngăn lại.
“ Không cãi nhau nữa. Mẹ nào vào đây mà kể.  Đinh thúc thúc, ông già kéo đàn nhị, mới chính là người kể cho chúng ta nghe.”
“ Thôi chết rồi,” Đậu Tử hốt hoảng nói. “ Đinh Thúc Thúc.  Ta phải hát cho ông ấy nghe ngày mai.”
Thế là nó bắt đầu học lời của bài đơn ca:
Tôi chỉ là một chàng trai tuấn tú
  Không phải là thiếu nữ còn son…”
Thạch Đầu múc một gáo nước, dội lên đầu Tiểu Đậu Tử.
“ Sai rồi.
Tôi chỉ là thiếu nữ còn son
Không phải là chàng trai tuấn tú.
Phải tưởng tượng mình là con gái thì mới được.”

“ Đúng rồi,” nó nói một cách sốt sắng.  “ Tôi, Tiểu Đậu Tử, là con gái.  Tôi chỉ là thiếu nữ còn son.  Không phải là một chàng trai tuấn tú.

xxxx

Cuối cùng thì cũng đến lúc Quan Sư Phụ giao cho mỗi đứa học đồ một vai diễn truyền thống tuồng cổ Bắc Kinh.
Tất cả học trò tề tựu ở hội đường, xếp hàng trước mặt Quan Sư Phụ Thi Sư Phụ, và Đinh Thúc Thúc.  Lối họ khảo hạch lũ học đồ không khác việc mua thịt ngoài chợ, kẻ thích nạc, người thích mỡ, tùy nghi lựa chọn.  Chủ yếu là thằng nhỏ phải khôi ngô tuấn tú.  
Sau khi mấy đứa mặt mũi sáng sủa đã được chọn, còn lại những đứa béo, đần, và xấu đứng riêng qua một bên.  
Quan Sư Phụ an ủi chúng nó.  “ Phải có người đóng vai phụ chứ ai cũng vai chính đâu có được.”
“ Ai là đệ tử giỏi nhất của sư phụ?”
Đinh Thúc Thúc lên giây đàn trong khi Quan Sư Phó gọi Tiểu Đậu Tử lên hát.  Bài này Đậu Tử đã tập đi tập lại nhiều lần nên thuộc nằm lòng, nhưng khi lên nốt cao thì giọng vỡ, và nó hốt hoảng nên quên mất lời.
Tôi chỉ là...chỉ là…” nó ấp úng. “tôi chỉ là một thanh niên tuấn tú…”
“ Cái gì?” Sư Phó quát to.  Ông lấy dọc tẩu bằng đồng đập mạnh xuống bàn.  Đậu Tử giật nẩy người.  Thạch Đầu nhìn lo lắng, và lũ nhỏ chợt im lặng.  
Chẳng nói chẳng rằng, Quan Sư Phó xọc cái tẩu vào miệng Đậu Tử ngoáy mạnh nhiều lần cho đến khi miệng thằng nhỏ đầy máu.  
“ Hát lại!” Ông ra lệnh.
Tiểu Thạch Tử biết nó quên hết bài rồi nên đứng vào góc đối diện Đậu Tử và nhép miệng nhắc tuồng.  
Tiểu Đậu Tử hát.
“ Tôi chỉ là thiếu nữ còn son
Không phải là chàng trai tuấn tú.
Nhìn đôi lứa tung tăng, lòng khóc thầm.
Và con tim mong đợi khát khao”
Giọng hát khi trầm khi bổng, lúc thanh nhã, lúc u sầu.  Thi Sư Phụ lim dim gõ nhịp và lũ học đồ há hốc miệng nghe.
Đúng lúc ấy thì Tiểu Chí Thiên xầm xầm từ ngoài chạy vào.
“ Khủng khiếp quá.” nó nói hổn hển.
Nhà kho là một căn phòng nhỏ tối tăm, chất đầy đao, kiếm.  Xác thằng Tiểu Lai Tử treo thòng lọng trên xà ngang.  Một vũng nước đái đọng lại trên mặt đất.  Quan Sư Phụ đóng sầm cửa lại.
Sáng hôm sau hai người phu kéo một chiếc xe đẩy bằng gỗ vào sân trường.  Trên xe là một cái chiếu rơm cuộn tròn một xác người.  Lũ trẻ nhìn theo chiếc xe đẩy ra khỏi cổng.
“ Rồi thì thằng Tiểu Lai Tử cũng thoát khỏi chốn này,”  Tiểu Đậu Tử nói thầm vào tai Tiểu Thạch Đầu.  










Bá Vương Biệt Cơ Chương II


Cơn gió nồm ấm áp thổi về báo hiệu mùa hè đã tới.  Tụi nhỏ vẫn tập luyện chăm chỉ.  Mỗi đứa đã được chỉ định một vai diễn nhất định.  Sinh, vai nam chánh, Đán, vai nữ chánh, Tịnh, vai nam phụ, và Xú, vai hề.
Tiểu Đậu Tử và Tiểu Thạch Đầu được xếp thành một cặp Đán-Sinh.   Kể từ đây, Đậu Tử sẽ mãi mãi thủ vai nữ chính và bắt đầu tập luyện chăm chỉ để nhất cử nhất động đều phải khoan hậu và duyên dáng.  Bàn tay nó, trước đây biến dạng, nay mang vẻ thanh nhã đầy nữ tính trong tư thế lan hoa thủ.  Để tập luyện cho bước chân nhẹ nhàng, nó đi vòng quanh cái giếng trong sân rồi dừng lại trước khóm hoa tưởng tượng và đưa bàn tay hứng nhẹ đóa mẫu đơn vô hình.

xxxx

Khách đã ngồi kín những cái bàn trong Xuân HoaTrà Quán.  Kẻ thì cắn hạt dưa người thì nhâm nhi bánh trái trong khi chờ đợi nước trà ngấm.  Một tấm phướn treo cạnh sân khấu với hàng chữ “ Anh Hùng Hội,” một tiểu đoạn trong truyện Tam Quốc Chí.
Một hồi chiêng trống vang rền báo hiệu vở tuồng sắp bắt đầu.  Tiểu Thạch Đầu trong vai Lữ Bố oai vệ bước ra sân khấu, Tiểu Đậu Tử trong vai Điêu Thuyền uyển chuyển theo sau.  Cùng với những vai phụ diễn, chúng hát bằng tất cả tâm hồn và tạm quên đi kiếp sống lạc loài.

xxxx

Hàng trăm cái lồng đèn đỏ chiếu sáng một dinh thự nguy nga với ngôi vườn to rộng.  Chính giữa là một sân khấu lớn có treo màn gấm thêu một chữ thọ viền nhiều mầu sắc.   Hôm nay là sinh nhật của chủ nhân.
Chế độ vua chúa Trung Quốc tuy đã không còn nhưng vẫn có những kẻ tiếc nuối địa vị xưa và tưởng nhớ thời đại Thanh Triều chẳng hạn như chủ nhân của dạ tiệc tối nay.  
Buổi trình diễn sắp sửa bắt đầu.  Trong hậu trường, diễn viên lén nhìn khán giả qua khe màn.  Họ vẫn ăn mặc quần áo theo thời trang cũ như một biểu lộ lòng trung thành với một triều đại đã suy tàn.  Một nhóm người đang xum xoe bu chung quanh Ni Đại Nhân, một người đàn ông trạc độ sáu mươi, mày râu nhẵn nhụi.  Ông có vẻ mặt nhân từ nhưng giọng nói the thé chói tai.  Ông nguyên là một hoạn quan dưới đời nhà Thanh.
Vở nhạc kịch bắt đầu và ông lim dim tận hưởng những lời ca tiếng nhạc êm ái.  Tiểu Đậu Tử trong vai Ngu Cơ bước vào sân khấu nhẹ nhàng như cơn gió thoảng và cất tiếng hát.
“ Kể từ ngày theo chúa công chinh phạt thiên hạ,
  Thiếp đã cùng nếm mùi tân khổ bao năm
   Hận ác Vương tham lam tàn bạo
   Để chúng dân  oán hận muôn vàn.”
Tiếng hí của Ô Truy mã báo hiệu sự xuất hiện của Sở Bá Vương Hạng Vũ.  Tiểu Thạch Đầu khoác áo chiến bào với hai lá cờ màu đen đeo sau vai.  
“  Với thanh gươm ta vượt ải, trảm tướng.
   Bao anh hùng, quân sĩ đã vong thân.
   Giữa chiến trường còn sặc mùi tử khí.”
Tiếng vỗ tay từ phía cữ toạ vang rền như pháo nổ và Quan Sư Phó đứng sau hậu trường thở phào nhẹ nhõm.  Người quản gia của Ni Đại Nhân giúi vào tay ông một bao đồng tiền bạc và nói.
“ Ni Đại Nhân yêu cầu tiểu Ngu Cơ của ông lên để ngài nói chuyện.”


Ni Đại Nhân nằm ngửa trên giường, người lâng lâng sau hai điếu thuốc phiện.  Tiểu Đậu Tử bước vào phòng ngủ và lập tức choáng ngợp bởi trần thiết sang trọng.  Phía đối diện là một tủ sách làm bằng gỗ đàn.
“ Con đến đây để kính chúc đại nhân thọ như tùng bách…”
Lão Ni ra dấu cho Đậu Tử tiến lại gần và bắt nó ngồi lên đùi.  Ông bắt đầu nựng mặt và bóp mông nó một cách âu yếm.
“ Ngu Cơ chết cho ai?” ông hỏi.
“ Nàng chết cho Hạng Vương”
“ Đúng thế.  Ngu Cơ là phận nữ nhưng đức trung trinh sáng ngời.  Đám tướng lãnh Thanh Triều chẳng ai đáng so sánh với nàng.  Ta chọn vở tuồng này hôm nay để miệt thị chúng.”
Tiểu Đậu Tử nhấp nhổm người dậy.
“ Sao vậy, cậu bé?”
“ Con phải đi tiểu,” nó nói một cách thẹn thùng.
Lão Ni chỉ vào cái ống nhổ chạm trổ cầu kì.  Nó quay sang một bên và tụt quần xuống đái.
“ Em đẹp quá,” Lão Ni thở mạnh rồi dùng vạt áo lụa đang mặc chậm khô nước đái và cầm dương vật cho vào miệng.  

xxxx

Đêm nay là đêm giao thừa.  Người người hát mừng tân niên, pháo nổ khắp nơi và tiếng chúc mừng năm mới vang vọng từng nhà.  Tết là ngày duy nhất trong năm mà đoàn hát được tha hồ ăn cơm gạo trắng tinh.
Tiểu Thạch Đầu có bao nhiêu tiền lì xì thì đã bỏ hết ra mua thức ăn và bánh kẹo.  Nó quay lại để cho Tiểu Đậu Tử một cục kẹo cắm trên thanh tre nhưng nó đã biến đâu mất.  Mải một hồi sau Thạch Đầu mới tìm thấy Đậu Tử đứng trước một tiệm bán đồ cổ  Bên trong chất đầy đồ đồng, đồ sứ, đồ kim hoàn, và quần áo.  
Cả hai đứa đều thấy thanh kiếm cùng một lúc.  Đó là một thanh kiếm hai lưỡi, bao kiếm trạm trổ tinh vi.  
“ Thật là một thanh kiếm báu.” Thạch Đầu trầm trồ khen ngợi.
“ Đệ sẽ mua cho đại ca.” Tiểu Đậu Tử nói không cần suy nghĩ.  
“ Đừng có ngu.” nó cười. “ Giá tiền là một trăm đồng tiền bạc đó ông à.  Cả hai thằng mình gộp lại cũng chưa đáng giá đó.  Thôi đi.”
Tiểu Đậu Tử mắt không rời thanh kiếm.
“ Có một ngày đệ sẽ mua cho đại ca thanh kiếm đó.”

Quan Sư Phụ và lũ môn đệ đứng trước sân Đền thờ Tổ chờ đợi một cách kiên nhẫn.  Bác phó nhòm lom khom chui dưới một miếng vải đen che máy ảnh và nhìn qua kính ngắm.  Mặt trời nắng chang chang rọi trên mấy chục cái đầu trọc.  Một con diều hình con rết bay lơ lửng theo gió như thể nhìn xuống lũ nhỏ từ trên cao.  
Bác phó nhòm đưa cao bóng đèn và gọi to.
“ Mọi người nhìn vào đây.  Sẵn sàng chưa?”
Lũ trẻ quay lại nhìn máy ảnh và cố làm bộ mặt nghiêm nghị.  Chúng đứng sau thầy một cách tôn kính.  Đúng như câu “ Nhất nhật vi sư, chung thân vi phụ.”  
Sau đó, họ bước vào trong điện thờ.  Một hương án phủ vải đỏ nằm chính giữa.  Bát nhang, chân nến được đặt trước những bảng khắc văn tự đen.  Mỗi bảng mang tên của một vị khác nhau: Quan Âm Bồ Tát, Thiên Soái Vũ Xương, Nghi Tốc, tổ sư hát tuồng.  
Quan Sư Phó dắt chúng đệ tử lên bàn thờ và khấu đầu khấn lạy.

Mười năm sau, Tiểu Thạch Đầu cúi rạp người khấn nguyện trước cùng một hương án.  Khi ngửng lên, người ta thấy một bộ mặt khôi ngô và chân thật.    Bên cạnh anh là một thanh niên mảnh khảnh và mi cong mục tú.
Tiểu Thạch Đầu và Tiểu Đậu Tử nay đã trưởng thành.





Bá Vương Biệt Cơ Chương III

Sau khi tốt nghiệp, Tiểu Thạch Đầu và Tiểu Đậu Tử gia nhập một đoàn hát lưu diễn đi khắp các vùng nông thôn, trình diễn trên những sân khấu tạm bợ ở làng mạc, thôn xóm.  
Tiểu Thạch Đầu có giọng trong và khoẻ, mặt mũi khôi ngô và thân hình vạm vỡ.  Tiểu Đậu Tử tướng người mảnh khảnh, nét mặt thanh tú và dáng đi uyển chuyển.  Họ chọn cho mình nghệ danh mới.  Tiểu Thạch Đầu thành Đoàn Tiểu Lầu, và Tiểu Đậu tử thành Trình Điệp Y.  Hai người bạn đồng môn đã trở thành một cặp sinh và đán.  Họ thủ diễn những vai trai anh hùng, gái thuyền quyên.  Vở tuồng được khán giả ưa chuộng nhất là Bá Vương Biệt Cơ.  Tuy họ có thể học tuồng một cách nhanh chóng nhưng vẫn chưa biết đọc biết viết.  

Ông bầu gánh đưa tờ giấy đỏ có tên nghệ sĩ viết bằng chữ đen rõ nét.  
“ Đoàn Sư Phụ và Trình Sư Phụ, mời hai ngài đến đây cho xin chữ ký.”
Tiểu Thạch Đầu cầm tờ giấy và đọc ngập ngừng.  
“ Đoàn.  Tiểu...Lầu.  Tiểu đệ, ông bầu cho ca ca một cái tên nghe đã hay mà chữ cũng đẹp nữa.”
“ Còn đệ thì sao? Trình...Điệp...Y.  Cũng được đấy.”
“ Mình viết thử xem.”
Tiểu Lầu (Thạch Đầu) cầm bút như Hạng Võ cầm gươm và bắt đầu viết tên mình từng nét một cách khổ sở.  Viết xong chàng vò giấy vất thùng rác.  Điệp Y (Đậu Tử) thấy vậy nhặt lên.  Đó là chữ ký đầu tiên của  Tiểu Lầu và Điệp Y muốn giữ lại làm kỷ niệm.  
Ông bầu rất hài lòng vì đoàn có được hai nghệ nhân có năng khiếu nên đối xử với họ với vẻ cung kính, và  bao giờ cũng chia tiền phụ trội.  
“ Đại ca,” Điệp Y nói với Tiểu Lầu. “ Tháng sau là sinh nhật năm-mươi-sáu của thầy, mà mình sẽ không đủ thời gian trở lại Bắc Kinh để chúc mừng.  Chắc mình nên gửi thầy ít tiền.”
“ Ý kiến hay đó.” Mặc dù không để ý như bạn mình nhưng Tiểu Lầu cũng không quên sinh nhật thầy.  Khi đi xa, Tiểu Lầu thường gửi quà cáp hay những gói thuốc ngon về biếu thầy.  

Sân trường xưa vẫn y như cũ.  Trời đã sâm sẩm tối mà đèn dầu vẫn chưa thắp.   Một lớp trẻ con đang múa gươm dưới bóng chiều gần tàn.  Quan Sư Phụ không để ý tới hai người mới tới và tiếp tục dạy học trò.  
Múa gươm là sở trường của Điệp Y.  Khúc cao điểm của vở tuồng Bá Vương Biệt Cơ là khi quân Hán bao vây bốn mặt và Hạng Vương cảm khái hát bài “Cai Hạ Ca,”  Điệp Y trong vai Ngu Cơ múa gươm hát, rồi tự vẫn.  
“ Chuột!” một chú nhỏ la thất kinh và đi sai bước.
Quan Sư Phụ bước tới và quật túi bụi trên đầu trên cổ nó.
“ Khi múa kiếm phải chú tâm, không để tâm sao động” ông rống lên. “ Tao đã bảo mày là có những chữ không được nói ra.  Tiểu Tư, mày vào trường đã lâu, nói cho chúng nó nghe phải gọi những loài vật đó là gì?”
Một thằng to con sắp sửa nói thì Tiểu Lầu xen vào.
“  Mấy chú lắng nghe đây. Chuột ta gọi là Đệ Bát Tổ Phụ, nhím là Đệ Ngũ Tổ Phụ ; rắn là Đệ Thất Tổ Phụ;  Nếu sơ ý mà gọi tên tục của chúng thì sư tổ sẽ về trùng phạt.”
Sư Phó quay lại.
“ Phải thằng Tiểu Thạch Đầu không?”
Điệp Y mỉm cười và cũng tiến lại Sư Phó.
“ Sư Phó, chúng con về thăm thầy đây.”
Ông đưa tay nhận tiền họ cho trong hồng bao.
“ Chuyến đi lưu diễn tốt hết chứ?”
“ Chúng con chọn nghệ danh Đoàn Tiểu Lầu và Trịnh Điệp Y,” Tiểu Lầu báo cáo. “ Khi rảnh rỗi chúng con cũng tập viết tên mình.”
Quan Sư Phụ nhìn chăm chăm hai người học trò cũ.
“ Hai con giờ đã là nghệ sĩ kinh kịch thực thụ rồi.”
“ Tất cả đều là do công ơn dậy dỗ của thầy.”
“ Dĩ nhiên  là không có thầy thì làm sao hát tuồng được, nhưng thầy cũng chỉ một phần thôi.  Còn tùy nơi mình nữa.  Tuồng nào các con hát diễn hay nhất?”
“ Bá Vương Biệt Cơ.” Tiểu Lầu tuyên bố một cách hãnh diện.
“ Tốt lắm.  Phải cố gắng.  Không hết sức bình sinh là một hình thức lường gạt khán giả đấy.”
Điệp Y nghĩ thầm, sư phụ đã già, nhưng thực sự không thay đổi.  Chàng nhìn quanh mình và chợt nhớ lại cái ngày, mười năm trước đây, khi mẹ chàng mang vào chốn này.  Đây là chỗ khi bà ký vào chữ thập. Và thay đổi cuộc đời chàng.

Một ngày đẹp trời, họ đến Vạn Thành Ảnh Viện chụp mấy tấm chân dung để quảng cáo cho những trình diễn tới.  Cả hai đều trang điểm sơ sơ.  Trông họ rạng rỡ trong trường bào lụa xanh lục bên ngoài và áo đoạn trắng bên trong.  Tiểu Lầu tay cầm quạt, sửa dáng cho ra vẻ nghiêm trang, trong khi Điệp Y bẻ cổ áo của anh lại cho ngay ngắn.  Thình lình có tiếng huyên náo bên ngoài tiệm và tiếng kính vở loảng xoảng.  Ông thợ chụp hình chạy vội ra.
“ Thôi rồi.  Quên không dấu mấy tấm hình kỹ nữ Nhật trưng bên ngoài.”
Ngoài đường đầy người hô to khẩu hiệu.
“ Đả đảo đế quốc Nhật.”
“ Hãy tẩy chay hàng Nhật.”
“ Trả lại Mãn Châu cho Trung Quốc.”
Những tiệm hai bên đường bị đập phá và đốt.  Bỗng nhiên có một người trong đám biểu tình nhận ra mặt của Tiểu Lầu và Điệp Y.
“ Mấy thằng đóng tuồng kia.  Tụi mày chỉ sống trong tháp ngà, chẳng đếm xỉa gì đến đất nước.  Mày có phải là người Trung Quốc không?”
Tiểu Lầu ngoắc vội một chiếc xe kéo, đẩy Điệp Y lên trước rồi nhẩy lên sau.  Sau khi xe chạy được một quãng xa rôi anh mới quay lại nói với Điệp Y.
“ Một lũ miệng còn hôi sữa chỉ khoẻ ăn hiếp người đồng chủng thôi.  Có giỏi sao không ra trận đánh giặc đi.”
Điệp Y thở phào nhẹ nhõm.  “ Miễn sao có anh bên cạnh là em yên tâm.”

Họ đến rạp hát và ông kéo xe thả họ xuống trước cổng.  Ông bầu chạy ra đón họ.
“ Rạp đầy kín người rồi.  Họ chờ cũng đã khá lâu.  Hôm nay Nguyên Đại Gia cũng có mặt.  Vào sửa soạn nhanh lên.”
Tiểu Lầu đi vào hậu trường, đi vênh vang như một ông tướng.  Điệp y trang điểm xong rồi kiểm soát lại trang phục của Tiểu Lầu.  Tiểu Lầu ra dấu cho biết đã sẵn sàng.  Vở tuồng bắt đầu.  
Dưới khán giả là một rừng người với những nhân viên bán quà bánh, thuốc lá và gia nhân cầm ấm nước nóng châm trà đi qua lại.  Nguyên Tứ Gia ngồi ở hộp ghế danh dự.  Hắn dáng người dềnh dàng, trạc độ bốn mươi, miệng to mắt sáng.  Hai đứa phục dịch đứng sau và một đứa nữa đang pha một ấm trà mẫu đơn trắng.  
Tuồng đến hồi Hạng Vương ̣đang bị quân Hán vây khổn, cảm khái thốt lên cùng Ngu Cơ.
Lực bạt sơn hề, khí cái thế,
Thời bất lợi hề, Truy bất thệ,
Truy bất thệ hề khả nại hà,
Ngu hề, Ngu hề nại nhược hà
(Sức dời núi, khí trùm trời,
Ô Truy chùn bước bởi thời không may
Ngựa sao chùn bước thế này?
Ngu Cơ biết tính sao đây hỡi nàng?)
Ngu Cơ múa kiếm, hát hòa theo, lời ca rằng:
Hán binh dĩ lược địa
Tứ diện Sở ca thanh
Trượng phu ý khí tận
Tiện thiếp hà liêu sinh
( Quân Hán lấy hết đất
Khúc Sở vang bốn bề
Trượng phu chí lớn cạn
Tiện thiếp sống làm chi)
Nguyên Tứ Gia cầm quạt đánh vào đùi cái đét.
“ Cô tiểu thư này thật là tuyệt vời”
“ Vai này là sở trường của Trịnh Sư Phụ mà.”
Nguyên Tứ Gia gật đầu nhẹ, không trả lời, và tiếp tục nhìn chăm chăm vào Điệp Y cho đến khi vãn tuồng.



Bá Vương Biệt Cơ Chương IV


Đoàn Tiểu Lâu và Trịnh Điệp Y đang lau sạch lớp hóa trang trong khi nhạc sĩ lên giây đàn phía sau.  
“ Tối nay khán giả có vẻ cổ võ khá nhiệt tình.” Tiểu Lầu hả hê nói.
“ Nhắc đến nhiệt tình mới nhớ,” Điệp Y nói, “ có một ông khách quí, tối nào cũng đến xem.”
“ Ai vậy?”
“ Nguyên Tứ Gia.”
Tiểu Lầu cầm một ấm trà nhỏ xíu uống nhâm nhi, tuồng như không nghe thấy.
“ Đệ đang để dành tiền để mua trang phục cho riêng mình, không phải đi thuê nữa.”  Điệp Y nói.
“ Tại sao mà đệ lúc nào cũng nói mấy cái chuyện như vậy?”  Tiểu Lầu vừa cười vừa nói.  “ Mua hay thuê thì khác nhau ở chỗ nào? bộ đệ tính mặc mấy cái trang phục đó đi ngủ hả?  Nhiều lúc ca nghĩ đệ không thực tế chút nào.”
“ Đại ca nói sai rồi.  Ngu Cơ và Dương Quý Phi lúc nào là một phần của em.  Em là họ và họ là em.”
Nói xong Điệp Y cầm ấm trà lên định uống nhưng chợt nhận ra là không phải ấm thường dùng.
“ Ấm mới à?”
“ Quà người ta cho.” Tiểu Lầu nói.
Điệp Y chưa kịp nói thì Tiểu Sĩ, đứa học đồ mới của Điệp Y, chạy vào báo.
“ Trình Sư Phụ, người có khách đến thăm.”

Quản lí rạp, ông bầu gánh, và nhiều người khác đi sau, hộ tống Nguyên Tứ Gia vào.
Họ Nguyên cúi chào hai người rồi nói.
“ Hai vị quả tiếng đồn không ngoa.”  Hắn khoát tay một cái và một người tùy tùng bưng vào một cái khay trên có phủ tấm lụa.  Ông quản lí nhấc khăn phủ ra cho thấy những món trang sức óng ánh.  

“ Mời ngồi, mời ngồi. “  Tiểu Lầu cúi đầu nói. “ Đâu cần phải mang quà làm gì.  Đại nhân đến đã là quí lắm rồi.  Nghe nói là ngài là một người am tường sâu xa bộ môn tuồng cổ.”
Nguyên Tứ Gia quay lại nói với Điệp Y. “ Vở tuồng Bá Vương Biệt Cơ này đã có từ lâu, và rất nhiều nghệ sĩ đã từng thử diễn vai Ngu Cơ, nhưng chỉ có Trình Sư Phụ đây là thể hiện được đúng nghĩa vai trò.  Tài hát và diễn của sư phụ thật tuyệt vời, và thuật múa gươm
coi thật thích thú.”
Rồi hắn quay lại nói với Tiểu Lầu.
“ Đoàn Sư Phụ, ông là một ca sĩ có tài.  Nhưng tôi có vài thắc mắc về kỹ thuật của ông.”
Họ Nguyên cảm thấy hứng thú vì có nhiều khán giả chú ý từng lời nói của hắn.
“ Tôi xin đơn cử một thí dụ,” Hắn nói, hơi nhăn mặt,
“ Khi Hạng Vương về trướng gặp Ngu Cơ, theo đúng lễ thì Vương phải đi bẩy bước.  Nhưng ông chỉ đi có năm bước.  Là vua đất Sở, đâu có thể làm việc cẩu thả được, ông có đồng ý không?”
Tiể̉u Lầu nở một nụ cười giả tạo.
“ Ai dám không đồng ý với một kể am tường như ngài?”
Biết Tiể̉u Lầu đang chế diễu, Điệp Y vội nói.
“ Khi nào có thì giờ, Nguyên Đại Gia, mong ngài giảng giải thêm cho chúng tôi nghe về nghệ thuật kinh kịch.”
“ Tôi rất hân hạnh.  Mời quí vị về nhà tôi hôm nay, ta vừa uống rượu vừa nói chuyện có được không?”
“ Tôi rất tiếc thưa đại nhân,” Tiểu Lầu làm bộ tiếc rẻ,
“ nhưng tôi lỡ có hẹn trước rồi.  Xin lỗi.  Để dịp khác đi.”
Điệp Y ngoài mặt tươi cười nhưng lòng chùng xuống và liếc mắt nhìn ấm trà mới của tiểu Lầu.  Hẹn với ai?

xxxx

Túy Hoa Lầu cũng là một thứ hí viện, một thứ sân khấu cho khách đến mua hoa.  Người đàn ông đứng giữa khách sảnh, đọc tên từ một danh sách.
“ Hồng Phượng, Song Hỉ, Thủy Linh, Mai Hoa, Cam Lan…”
Khi nghe tên mình gọi, mỗi cô gái bước xuống lầu và
uốn éo trước mặt khách.  Các cô mặc kỳ bào bằng lụa thêu hoa hay liễu- những biểu tượng cho người kỹ nữ.  
Tiểu Lầu đến đúng giờ.  Chàng trông bảnh chọe trong trường bào màu xanh lục.  
“ Có ai biết phòng cô Cúc Tiên ở đâu không?”
Mụ tú bà đon đả chạy ra đón khách.
“ Hạng Vương tới đây rồi.” bà kêu lên.
“ Tôi đến đây đề đích thân cảm tạ người đẹp đã cho tôi món quà.” chàng nói, đưa ra ấm trà có vẽ hình hoa cúc.
Đang nói thì bỗng có người xông qua bức màn che phòng bên trong và đâm xầm vào người Tiểu Lầu.  Đó là một người thiếu nữ mặc kỳ bào làm bằng đoạn thêu màu sặc sỡ.  Nàng đeo xâu chuỗi hạt trai và đeo tai bích ngọc, và trên tóc gài một đóa hoa cúc.  Một người đàn ông chạy đuổi theo nàng.
“ Nàng làm sao thế?” hắn cười nói. “ Ta đã trả tiền bạc sòng phẳng mà sao nàng lại trốn ta?”
Mụ tú bà xin lỗi rối rít rồi quay lại người thiếu nữ.
“ Cúc Tiên, ông ấy chỉ muốn em uống ly rượu thôi mà.”
“ Thằng cha đó muốn em uống rượu từ trong mồm nó.  Em không chịu đâu.”  Đoạn nàng nhận ra Tiểu Lầu. “ Cứu em với.”
“ Đừng có lo, đã có anh.” Tiểu Lầu hứa.
“ Cô ấy là gì của anh?” Người khách hỏi.  Tên hắn là Triệu Đức Khởi.
“ Tôi là đàn ông, cô ấy là đàn bà.  Như vậy đủ rồi.”
“ Mày là ai thì cũng thây kệ.” Triệu cười một cách thô bỉ. “ bộ cứ tưởng là hát hay rồi muốn làm gì thì làm sao?”
Hắn vất một gói bạc xuống bàn rồi gọi Cúc Tiên.
“ Lại đây với anh đi cưng.”
“ Cúc Tiên là của tôi.” Tiểu Lầu tuyên bố liều.
Cúc Tiên nhìn vào mặt anh.  Dù mới gặp không lâu nhưng nàng đã có tình ý với chàng.  Nếu nàng là con gái nhà lành thì chuyện đã giản dị.  Nhưng nàng là kĩ nữ và người ta có câu đĩ chẳng ân tình, kép không đạo nghĩa.  Gái như nàng mà yêu thì chỉ chuốc lấy cái khổ vào người.  
“ Chàng có muốn lấy thiếp không?” nàng hỏi.
“ Nếu em chịu.  Hãy uống rượu đính hôn.”
Mọi người đều ngạc nhiên.  Họ Triệu cười chế nhạo.
“ Nói chuyện diễu chắc.  Đây không phải là sân khấu đâu nhé.  Cả hàng trăm thằng đàn ông đã hưởng cô em này, trong đó có ta nữa…”
Họ Triệu chưa dứt lời thì Tiểu Lầu đã húc đầu vào người hắn và cả hai té xuống đất.  Tiểu Lầu bắt đầu thoi quyền tới tấp vào người hắn và chẳng bao lâu thì mọi người nhảy vào nhập cuộc.
Cúc Tiên ngồi trong góc nhìn ra và trong đầu bắt đầu tính toán.  Có thể đây là lúc mà nàng có thể làm lại cuộc đời.

xxxx

Tối hôm sau, Điệp Y và Tiểu Lầu đang ngồi ở bàn trang điểm sau hậu trường, chuẩn bị trình diễn.  Điệp Y đã thoa một lớp phấn lót và bắt đầu vẽ đường viền màu hồng trên gò má và chân mày.  Bàn trang điểm của họ ở hai bên tường đối diện nên khi nhìn vào gương có thể thấy mình cũng như người kia.  
“ Nghe nói đại ca gây ra một trường náo nhiệt tại chốn lầu xanh đêm qua,”  
Tiểu Lầu ậm ừ không chối cãi.
“ Mấy cô ở đó có đẹp không?”
“ Có một cô coi cũng được.  Bụng đã tốt mà nết cũng đẹp.”
Điệp Y bất chợt đánh rơi cây cọ tô chân mày và dùng ngón út chùi vội vệt sơn.  
“ Gái giang hồ mà cũng có tâm hồn à?”
Tiểu Lầu đứng dậy và tới bên cạnh Điệp Y.
“ Để ca ca mời đệ ra đó chơi cho vui.  Đệ nghĩ sao?”
“ Đệ không đến những chỗ như vậy.” Điệp Y cố giữ giọng bình tĩnh.
Cả hai không nói gì một hồi lâu nhưng Điệp Y không dằn nổi cơn tò mò.
“ Tên nàng là gì?”
“ Cúc Tiên.”
“ Vậy nàng là tình nhân của đại ca hả? là người cho ca cái ấm trà có hình hoa cúc phải không?  Ca có lấy cô ấy chưa?”
“ Đệ nghe toàn lời đồn đãi không à.  Chẩng có gì hết cả.”
Bình thường thì Điệp Y bao giờ cũng giúp Tiểu Lầu hóa trang nhưng hôm nay chàng quay lưng lại và nhìn vào khoảng không trống rỗng trước mặt, môi hơi run run.



Hôm nay rảnh rỗi nên Điệp y đế gặp thầy đồ chuyên viết mướn ở chợ.  
“ Mẹ ơi, con vẫn bình thường,” Điệp Y đọc cho ông viết.  “ Đừng lo cho con.  Tiểu Lầu luôn luôn chăm sóc con.  Chúng con tập luyện đêm ngày.  Chúng con quen nhau đã hơn mười năm và rất quí mến nhau.  Con gởi mẹ ít tiền để mẹ tiêu.”
“ Tôi ký tên lấy được rồi.”
Nói xong, chàng rút tiền trong bọc ra để trả cho ông già.  Cầm cây bút của ông đồ, chàng cặm cụi viết tên mình: “ Trình Điệp Y”  Ngẫm nghĩ một hồi rồi viết thêm bên dưới, “ Triệu Đậu Tử” -- cái tên thời thơ ấu của chàng.
Ông đồ già gấp lá thư và bỏ vào phong bì, rồi lấy một hột cơm để dán lại.  
Điệp Y cầm lá thư và bỏ đi.  Nửa đường về nhà, chàng xé tan nó và vất đi.  

Mụ tú bà lộ vẻ ngạc nhiên.  Đời bà đã từng trải nhưng Cúc Tiên làm bà bất ngờ.  Giữa hai người đàn bà là một cái bàn bằng đá cẩm thạch phủ bởi một tấm khăn thêu tròn.  Trên đó là một đống tiền bạc, nữ trang, và ngân phiếu.  Mụ liếc nhìn những cái kẹp tóc bằng bích ngọc và hạt trai trên tóc Cúc Tiên.  Nàng lấy hết xuống và vất vào đống nữ trang.  Mụ tú bà vẫn chưa hài lòng.  Nhưng Cúc Tiên không chịu thua.  Nàng gỡ đôi hài lụa thêu hình phượng hoàng và đặt lên mặt bàn.
“ Con cám ơn dưỡng mẫu đã chăm sóc con bao năm nay.” Nàng chắp hai tay trước ngực và khấu đầu lạy rồi đứng lên và bước ra khỏi kĩ viện.  Khi bước ra đường, đôi chân đất sẽ dính đầy bùn.  Cuộc đời bên ngoài sẽ đòi hỏi phải chân lấm tay bùn nhưng Cúc Tiên thề sẽ không bao giờ bôi son vẽ mặt và bán thân.  Nàng đã bỏ lại cuộc đời đó để sống với một người, Đoàn Tiểu Lầu.




Bá Vương Biệt Cơ Chương V

Tiểu Lầu đang tháo gỡ trang phục diễn tuồng thì chợt thấy một bóng hồng phản chiếu trong gương.

“ Cúc Tiên, em đến đi có việc gì thế?  Lại đây anh giới thiệu bạn của anh, Trình Điệp Y.”
“ Cúc Tiên tiểu thư,” Điệp Y nói một cách ngượng ngùng.
“ Anh Tiểu Lầu nói rất nhiều về anh,”  Cúc Tiên niềm nở nói. “ Tôi có cảm tưởng như đã quen anh từ lâu.”
Điệp Y cười gượng gạo.
“ Mời tiểu thư ngồi, tôi đang hơi bận.”
“Thôi đừng khách sáo nữa,” Tiểu Lầu nói. “ mình hãy đi kiếm gì ăn khuya đi.”
“ Anh không nhớ mình có hẹn với Nguyên Đại Nhân à?” Điệp Y nói.
“ Chắc xin khất để khi khác.”  Tiểu Lầu cười nói và ôm Cúc Tiên bước ra ngoài.  Lúc ấy chàng mới để ý thấy nàng đi chân không.  “ Em sao vậy?”
“ Túy Hoa Lầu không giữ gái đã uống rượu đính hôn.”
Tiểu Lầu không nói tiếng nào.
Cúc Tiên đứng nhìn chờ đợi, cố ngăn hai hàng lệ chực trào nơi khoé mắt.    
Những người khác trong đoàn, người nào việc nấy, dọn dẹp sân khấu.  Chỉ có Điệp Y là chăm chăm theo dõi nhưng làm bộ như không để ý.  
Tiểu Lầu đanh nét mặt lại.
“ Dĩ nhiên rồi.  Tiểu Lầu này quân tử nhất ngôn.”

xxxx


Đoàn viên gánh hát reo hò hoan nghênh khi được tin vui.
Ông bầu gánh cao giọng.  “Chúc mừng.  Chúc mừng.  Chừng nào thì đám cưới?”
“ Thú thật đến cái nhẫn cưới mà tôi cũng chưa mua.”  Tiểu Lầu nói. “  Nhưng trước hết phải mua cho cô dâu một đôi hài.”
Vừa nói chưa dứt lời thì một đôi hài thêu được vất cạnh chân Cúc Tiên.  Điệp Y bước ra.
“ Tặng cho Cúc Tiên tiểu thư đó.  Tiểu thư tính thủ diễn vai chính trong vở “ Xuân Sắc Mãn Tuyền Cung” chăng?”
“ Tôi a?” Nàng trả lời, làm bộ không hiểu lời bóng gió.  “ Tôi mà hát hỏng cái gì?”
Điệp Y quay ngoắt người bỏ đi.
Tiểu Lầu gọi với theo.  “ Nhớ đến nhà tôi sớm sớm nhé.  Đệ là phù rể đó.”

xxxx

Nguyên Tứ Gia tay cầm một cái mũ trụ có gắn một chiếc lông công phe phẩy trước mặt Điệp Y.
“ Khổng tước vũ mao đẹp như thế này khó kiếm lắm nhé,” hắn nói.  “ muốn được như vậy phải nhổ khi con công còn sống, chứ đợi nó chết đi rồi mới nhổ thì mất đẹp.”
Điệp Y khoác áo choàng đi theo y.  Nguyên Tứ Gia dắt chàng vào một đại sảnh chưng đầy họa phẩm, thư pháp, bàn ghế gỗ từ đàn và một cái bàn thờ mặt đá cẩm thạch.  Một chiếc đồng hồ mặt chạm trổ tinh vi nằm trong một chiếc lồng làm bằng kính.  Ngay cả thời gian cũng bị nhốt tù, Điệp Y thầm nghĩ.  
Một gia nhân đặt lên bàn một cái lẫu chứa đầy thịt thái mỏng.  Lò than hồng phát ra những đốm lửa chập chờn.  Điệp Y chợt cảm thấy sờ sợ.
“ Hãy uống với ta một ngụm rượu.” Tứ Gia nói, đưa ly rượu mời.  “ rượu này được cất thời Hoàng Đế Quang Tự và làm cống vật cho thiên triều.  Người thường không cách gì có thể có được.”
Hắn uống xong rồi đợi Điệp Y cạn ly.   Hắn rót một tuần rượu nữa trong khi Điệp Y ngồi chờ một cách lễ phép.   
“ Khi diễn vai Hạng Vương và Ngu Cơ, nhất cử nhất động đều phải toàn hảo.  Chỉ như vậy thì mới mong đạt được cái hài hòa tuyệt vời giữa nghệ nhân và kinh kịch.  Hãy lấy trường hợp Đoàn Tiểu Lầu làm ví dụ.  Hắn trình diễn nhưng tâm hồn để đâu đâu.  Nhìn hai người diễn xuất như là đóng tuồng “ Giã Biệt Tướng Quân” thay vì “ Giã Biệt Ái Cơ””  Họ Nguyên cười nói.
“ Đáng lý ra Tiểu Lầu phải có mặt đây hôm nay,” Điệp Y nói.  “ Chúng tôi muôn đời chịu ơn khách bảo hộ như ngài.  Như người ta thường có câu, nhất tự vi sư, bán tự vi sư.”
Họ Nguyên cười mỉm.
“ Chuyện vãn như thế là đủ rồi.  Ta có một thứ ngạc nhiên dành cho em.” Hắn ra dấu cho gia nhân: “mang vào.”
Thình lình Điệp Y nghe tiếng cánh đập phành phạch.  Một con dơi móng xoè, cánh giang rộng, bay vào mặt.
“ Con dơi này được bắt sống tại một phố nhỏ miền Nam.”  Tứ Gia thốt lên.  “ Người ta đã phải đi ngày đi đêm để mang về đây cho ta.”
Tên gia nhân đưa tay bắt con dơi, cắt cổ và cho máu nhỏ từng giọt vào nồi nước dùng đang sôi sùng sục.  Điệp Y nổi da gà liên tưởng đến cảnh nàng Ngu Cơ đâm cổ tự vẫn.  
Tứ Gia múc ra một bát trân thang.
“ Húp đi.  Bổ máu lắm đấy.”
Điệp Y sặc sụa và lảo đảo.  Chàng ngước nhìn lên tường bỗng thấy một thanh kiếm treo ngang.  Có lý nào? chàng rút nó ra khỏi vỏ.  Đúng là thanh kiếm đó rồi.  
“ Thanh kiếm đó của ngài à?”
“ Ta mua nó cách đây mười năm.  Một trăm lượng bạc.  Em có thích không?  Kiếm là tặng vật thích hợp cho người thân thiết.  Em có muốn làm người thân thiết của ta không?”
Hắn nói thế có ý gì?  Chân tay Điệp Y mềm nhũn, và người nóng lạnh.  Chàng chỉ muốn nằm xuống ngủ một giấc.  Chắc là tại rượu.
“ Chúng ta song ca nhé?” Họ Nguyên hỏi chàng.
Điệp Y để mặc cho Tứ Gia thoa son lên mặt.  Hắn trang điểm một cách cẩn thận và khéo léo như đang dũa gọt một tảng ngọc bích.  
Tứ Gia hát trước:
“ Lực bạt sơn hề, khí cái thế,
Thời bất lợi hề, Truy bất thệ
Truy bất thệ hề khả nại hà,
Ngu hề, Ngu hề nại nhược hà.”
Điệp Y hát mà mắt đầm đìa lệ.:
“ Hán binh dĩ lược địa,
Tứ diện Sở ca thanh.
Trượng phu ý khí tận,
tiện thiếp hà liêu sinh.”
Hát xong chàng đưa tay tuốt thanh kiếm nhưng Tứ Gia giựt lại.  Hắn đè Điệp Y xuống mặt bàn và dí mặt sát vào chàng như đang đè nát một cánh đào. Cả hai mặt mũi hóa trang trông như hai diễn viên trong một vở tuồng quái gở.  
Điệp Y như rớt vào một thế giới thô bạo của những màu tím, đỏ, và đen, nơi những con dơi từ cõi âm ty đập cánh tấn công.  Chàng té sấp khi nó giang cánh rộng đè lên người, trợn trừng đôi mắt đầy tia máu.  Chàng vùng vẫy một cách vô vọng, người chan hòa máu đỏ, và hơi thở từng cơn gấp rút.  Chiếc đồng hồ, nhốt trong lồng kín, như rền rĩ, than van.  Xa xa, tiếng chuông chùa ảm đạm vang vọng lại, đánh dấu màn đâm bắt đầu.

xxxx

Điệp Y ngồi một mình trên chiếc xe kéo, ôm chặt thanh kiếm vào người.  Chàng đã đánh mất tất cả những gì thuộc về mình.  Chỉ còn lại thanh kiếm.  Đường phố không tiếng người qua lại.  Đột nhiên chàng nghe tiếng vó ngựa dồn dập.  Điệp Y nhìn qua bức rèm xe và thấy hình ảnh của lá cờ có mặt trời đỏ ở giữa với những tia đỏ hướng ra ngoài.  Quân đội của Nhật Hoàng đã vào tới Bắc Kinh.

xxxx

Điệp Y tay vẫn cầm thanh kiếm, đi vào khách sảnh.  Trên mặt của những cái bàn la liệt thức ăn còn thừa mứa sau đám cưới.  Nhiều thực khách vẫn còn ở lại.  Người thì nằm lăn ra ngủ dưới đất, kẻ thì ồn ào chén chú chén anh.
“ Tiểu ca, hãy ngồi xuống.”  Cúc Tiên đon đả mời chào.  Nàng trông lộng lẫy trong chiếc áo cưới màu đỏ chói.  “ Tối qua Tiểu Lầu cho người đi kiếm đệ khắp nơi mà không thấy.”
Làm bộ như không nghe, Điệp Y trao cây kiếm cho Tiểu Lầu.  “ Ráng giữ gìn nó cho kỹ.”  Nói xong chàng đi ra bàn thờ đốt một nén hương, nhắm mắt và cúi đầu khấn nguyện.

xxxx

Hai ngày sau, Điệp Y bắt đầu một vở tuồng mới, “Quí Phi Túy Tửu.”  Vở tuồng này không cần người cùng đóng vai chính.  Bị nhà vua ruồng bỏ, Dương Quí Phi say sưa mong ngóng.  
“ Tình duyên chẳng rượu mà say,”  Điệp Y hát.
Đúng lúc đó truyền đơn không biết ai rải, rơi xuống như tuyết phủ trên đầu khán giả.  Trong đó viết những hàng chữ nguyệch ngoạc “ Chống Nhật, Cứu Nước.”
Sau vụ truyền đơn, quân đội Nhật đóng cửa rạp hát vô thời hạn.

xxxx

Căn phòng của Điệp Y bề bộn ngổn ngang.  Trên tường dán đầy hình của những nghệ nhân tuồng cổ nổi tiếng thời xưa.  Điệp Y nằm uể oải trên ghế trường kỷ tay còn cầm một dọc tẩu thuốc phiện bịt bạc. Một con mèo mun, mắt xanh nằm lim dim.  Nó cũng ghiền thuốc phiện như chủ nó.  
Tiểu Sĩ bước vào, tay cầm một bộ trang phục diễn tuồng.  Cậu đã theo hầu Điệp y đã nhiều năm.  Tiểu Sĩ nhẹ nhàng đặt bộ trang phục xuống giường, nói.
“ Chu Đại Nhân thắc mắc không biết là Đoàn Sư Phụ có xuất hiện với sư phụ trong buổi trình diễn tối nay không?  Không riêng gì Chu Đại Nhân mà rất nhiều người đều thắc mắc như vậy.  Ai cũng muốn hai vị cùng đóng chung trở lại.”
“ Đã lâu lắm rồi chúng ta chưa cùng sân khấu,” Điệp Y thở dài.  “ Chắc sẽ phải hát chung vở “Vĩnh Biệt Ái Cơ” lại.”

xxxx

Một đám đàn ông tụ tập tại nhà Trần Đại Gia, một người bạn của Đoàn Tiểu Lầu.  Như thường lệ, họ đến để ăn nhậu say sưa nhưng mỗi người cũng cầm theo một ly sứ trong đựng một con dế đá.  
Tiểu lầu đang thắng lớn, tiền bạc chất đống trước mặt.  
“ Đại ca oai hùng chẳng kém Sở Bá Vương.  Đến con dế cũng là một đại dũng sĩ. “
Vừa lúc đó, Điệp Y đi vào, theo sau là Tuệ Sỹ và ông bầu gánh.  
Ông bầu năn nỉ.  “ Đoàn Sư Phụ, ông làm ơn trở lại sân khấu.  Quân đội Nhật Hoàng tối nay sẽ có mặt.  Không có ông không được đâu.”  
“ Chỉ bôi mặt vẽ mày không thôi cũng chẳng được cái gì.”  Nói xong Tiểu Lầu quay trở lại với trò chọi dế.  
Không dằn được cơn nóng giận, Điệp Y gạt bay hết những ly sứ trên bàn và kéo tay Tiểu Lầu.
“ Đại ca làm cái gì ở đây?”
“ Ta phải gỡ bạc để chuộc lại trang phục mà ta đã cầm.”
Điệp Y thì thầm vào tai Tiểu Sỹ và dúi cho hắn ít tiền.  Tiểu Sĩ gật đầu xong chạy đi mất.  
“ Đoàn Tiểu Lầu.  Anh thật là không ra cái gì cả.  Anh ỷ có người chuộc cho anh thành ra cái gì cũng mang đi cầm.  Không cần biết tương lai ra sao.”
“ Đất nước đã vào tay quân Nhật thì còn quái gì là tương lai.”
“ Có thể anh không còn nhưng tôi còn.”
“ Phải rồi,” Tiểu Lầu cười nhạt.  “ Tối ngày nằm nhà hút sách.  Đó là tương lai của đệ hả?  Không thay đổi sớm thì chẳng những giọng không còn mà xác cũng tàn. “
“ Thế thì anh đi đường anh, tôi đường tôi.”
Tiểu Lầu biết mình nói quá lời, ôm vai Điệp Y xin lỗi.
“ Điệp Y, trang điểm cẩn thận trước khi lên sân khấu.  Ngu Cơ phải cho ra Ngu Cơ.  Còn anh, anh chỉ việc
vênh vang đi lên là xong rồi.  Có hai đứa mình là đủ nổi đình đám rồi.”

xxxx

Hậu trường giờ không còn như xưa.  Một cái bàn đánh bạc xếp trong góc để khách giải trí sau khi vãn hát và trong góc đối diện là bàn hút thuốc phiện.  Còn ai muốn gái thì đi vào phòng đàng sau.  
Vở tuồng “ Bá Vương Biệt Ngu Cơ” đang đến hồi gây cấn.  Tiếng sáo Trương Lương và bài hát quân Hán khiến quân Sở nản chí quăng gươm bỏ trốn.  Hạng Vương kinh hoàng cất tiếng.
“ Hán đã lấy được Sở rồi sao? Sao mà người Sở lai đông như thế?”
Đúng lúc ấy, một nhóm quân nhân Nhật mặc quân phục đi giầy da lộp cộp bước vào.  Người đi sau cùng là Nguyên Soái Aoki.  Ngực ông dát đầy huân chương sáng chói, lưng đeo thanh kiếm kỵ binh lưỡi cong.
Những người ngồi hàng ghế đầu bị đuổi ra để nhường chỗ cho lính Nhật.  Ai không kịp đứng lên thì bị đấm đá và lôi kéo sềnh sệch.  Khi Tiểu Lầu chứng kiến cảnh đó, bèn ngừng hát và nhẩy xuống hàng khán giả.
“ Vãn hát.  Không diễn tuồng cho lũ quỉ xem.”
Màn đã hạ nhưng dàn nhạc tiếp tục chơi.  Ông bầu gánh hát mặt cắt không còn một hột máu.
“ Đoàn Sư Phụ. Lên sân khấu hát tiếp.  Họ mà nổi giận thì hậu quả không biết đâu mà lường.”
“ Tiểu Lầu,” Cúc Tiên phụ họa.  “ Lúc này không phải là lúc nóng nẩy.”
Nhưng đã quá trễ, Tiểu Lầu đã rũ tay áo bỏ đi.  Vừa bước ra khỏi rạp hát thì bị lính Nhật bắt lại.  

Cúc Tiên đang năn nỉ Tiểu Sĩ trước nhà Điệp Y.
“ Sư Phụ vừa thức dậy.  Vào đi.”
“ Tiểu đệ, làm ơn đi cứu Tiểu Lầu.”
Điệp Y nhìn nàng bằng đôi mắt lạnh lùng.  Mới qua một đêm mà trông như già đi nhiều tuổi.  
“ Đừng gọi tôi là tiểu đệ. “ chàng cười khinh bỉ.  “ Tên tôi là Điệp Y.  Đại ca tôi ra sao rồi?”
“ Anh ấy bị quân Nhật bắt.  Tôi mong là anh có thể can thiệp để họ thả ra trước khi quá trễ.  Tôi quá biết tánh nóng nảy và cứng đầu của anh ấy…”
“ Cô làm sao biết anh ấy bằng tôi,”  Điệp Y cắt lời.
“ Làm ơn giúp anh ấy, tôi sẽ mang ơn suốt đời.”
Điệp Y im lặng một lúc lâu rồi nói.
“ Để tôi cố xem.”  
“ Điều kiện của anh là gì?”
Điệp Y lấy tay lau nhẹ giọt nước mắt lăn trên má nàng.
“ Chúng tôi quen nhau từ tấm bé và làm việc với nhau hơn mười năm trời.  Tôi e là anh ấy không còn muốn hát nữa.”
“ Điệp Y,”  nàng hỏi một cách dè dặt.  “Ý anh là thế nào?  anh muốn tôi bỏ Tiểu Lầu hả?”
“ Anh Tiểu Lầu là một trong những đại danh ca của thời này.  Thật là một mất mát lớn lao cho ngành tuồng cổ nếu anh ấy bỏ hát.”
Cúc Tiên khoanh tay trước ngực.
“ Tôi hiểu rồi.  Nếu anh cứu Tiểu Lầu ra khỏi tù, thì tôi phải đi xa.  Còn không biết đi đâu thì trở lại Túy Hoa Lầu đúng không?”

xxxx

Tất cả quan khách ngồi trên chiếu là người Nhật.  Đa số là sĩ quan quân đội; nhưng cũng có vài nghệ sĩ Kabuki (ca vũ kỹ) vừa trình diễn xong và vẫn còn son phấn và trang phục.  Giống như cổ tuồng Bắc Kinh, tất cả các vai trong kịch kabuki đầu do đàn ông thủ diễn.  Tất cả ngồi xếp bằng tròn, lưng thẳng, trong tư thế thưởng thức tôn kính.
Nguyên Soái Aoki là một người sành về cổ tuồng Bắc Kinh.  Tiểu Trần, người thông dịch cho ông, là một nghệ sĩ nghiệp dư có tài.  Trong chỗ đó, chỉ có Tiểu Trần và Điệp Y là người Trung Hoa.  
Điệp Y không trang điểm và chỉ mặc một bộ trường bào xám giản dị.  Chàng hát bằng một giọng trong và sáng.
“ Nơi hoa xuân vẫn nở
  là giếng đổ, tường sập.
  Chừng nào trời lại sáng?
  Khi nào nhà lại vui?
  Buổi sáng chim bay đi,
  Tối về thu cánh nhỏ.
  Trời tà mưa gió bụi
   Ráng đỏ in trên mây.”
Điệp Y thả hết hồn vào bài hát, không còn biết đến chung quanh.  
“  Em tôi đẹp như hoa
   Thời gian cuốn trôi đi.”
Điệp Y đã dốc hết tâm hồn và công phu tập luyện vào bài hát để có thể trả món nợ của bao năm che chở và chăm sóc của Tiểu Lầu.   
“ Bravo” Aoki la to bằng tiếng Nhật.  “ Cổ tuồng Bắc Kinh đã tuyệt vời mà trình diến còn tuyệt vời hơn.”
Sau khi Tiểu Trần thông dịch, Điệp Y đứng dậy cảm tạ.
Aoki nói tiếp bằng tiếng Nhật.
“ Không gì cao cả hơn nghệ thuật.  Nghệ thuật cũng như vẻ đẹp của đóa anh đào khi chớm nở.  Nếu không có người thưởng thức cái giây phút huy hoàng nhưng phù du đó thì thật là uổng phí.”
Nói xong, Aoki ra dấu cho gia nhân kéo tấm ngăn phòng bằng giấy có hình Phú Sĩ Sơn.  Một bàn tiệc xa hoa đã được dọn sẵn ở phòng bên cạnh.  
Aoki đưa tay mời mọi người kể cả các nghệ sĩ kabuki và Điệp Y.
Điệp Y cúi đầu khúm núm nói.
“ Thưa Nguyên Soái.  Tôi có điều muốn thỉnh cầu.  Nếu ngài có thể cho thả người bạn hát của tôi ra khỏi tù, tôi xin vô cùng biết ơn.”
“ Không.” mặt Aoki đanh thép lại.  “ Anh phải hát một bài nữa.  Hát “Quí Phi Túy Tửu’ “
“ Xin tuân mệnh.”
Rồi chàng hát.
“ Như Hằng Nga giáng trần,
  Trên cung Quảng Hàn lạnh lẽo.
   Cung Quảng Hàn lạnh lẽo.”

xxxx

Điệp Y đứng đợi một hồi lâu trước cửa trại giam Quân Trấn.  Cuối cùng Tiểu Lầu xuất hiện, xốc nách bởi hai quân nhân.
“ Đại ca,” Điệp Y bước tới, sẵn sàng tha thứ tất cả những sỉ nhục trong quá khứ.
Tiểu Lầu nhổ một bãi nước bọt vào mặt Điệp Y.
“ Bộ mi quì gối hát ca cho lũ quỉ đó nghe hả?” anh trừng mắt nói.  “ Đồ hèn hạ.”
Bỗng có bàn tay dùng khăn lau vết nước bọt trên mặt Điệp Y.  Đó là Cúc Tiên.  Rồi nàng dắt Tiểu Lầu ra một chiếc xe kéo đậu lề đường.
Điệp Y lảo đảo bước tới và quị người xuống.  












   Bá Vương Biệt Cơ Chương VI

Đông đi rồi xuân lại về.  Lúc đó là tháng Sáu ở Bắc Kinh.  Khí trời oi bức nên người ta bắc ghế đẩu ra ngoài ngồi hóng mát.  Một chiếc xe kéo chở Điệp Y đi qua một cái chợ lộ thiên.  Có tiếng rao hàng, giọng quen thuộc, từ một quầy bán trái cây vang vọng lại.
“ Ai mua dưa hấu không,?
  Dưa hấu thơm ngon, giải khát,
  ngọt như đường cát, mát như đường phèn.
  Ai mua dưa hấu không?”
Điệp Y đã quá quen thuộc với cái giọng đượm màu tuồng cổ đó.
Dưới bóng mát của cây bồ kết là một chiếc xe ba gác, trên có chất một thùng gỗ đựng đá lạnh và nhiều quả dưa hấu.  Người bán mặc một chiếc áo thun lá hở nách và bụng quấn khăn.  Bên cạnh đó, một người đàn bà ăn mặc xuề xòa đang xếp dưa trên một tấm vải màu chàm.  Tiểu Lầu chọn một quả dưa to, vung dao phay chém đứt làm đôi ngọt xớt.  Rồi anh cắt thành những miếng nhỏ hơn để bán lẻ.  Cúc Tiên dùng lồng bàn để phủ những miếng dưa và phe phẩy quạt nan để đuổi ruồi.    
Điệp Y tính kêu xe kéo chạy đi luôn nhưng Tiểu Lầu đã nhận ra và gọi giật lại.
“ Tiểu đệ.  Tiểu đệ.”
Điệp Y trèo xuống xe và đến gặp cố nhân.  Tiểu Lầu lau tay vào khăn đeo bụng rồi kéo Điệp Y lại gần.  Chàng chẳng có vẻ gì là mắc cở.  
“ Ta đã đối xử bất công với đệ,” anh thú nhận.  “ Ca lúc đó đang giận  nên trút hết lên đầu đệ.  Đại ca xin lỗi tiểu đệ.”
“ Đệ quên rồi.”  Điệp Y nhìn anh từ đầu xuống chân.  
“ Đại ca thôi hát thật rồi à?”
“ Tất cả trang phục của anh nằm trong tiệm cầm đồ rồi.  Bụng dạ nào mà ca hát trong thời buổi như thế này? Còn em thì sao?”
“ Ca kịch là cuộc đời của đệ.  Ngoài ca kịch, đệ không biết làm gì khác.”
Cúc Tiên tiến tới họ.  Bộ quần áo quê mùa càng làm tôn nước da hồng hào, và đôi mắt nàng long lanh khi mang lại quả dưa hấu to kềnh.  
“ Quả này là quả ngon nhất,” nàng nói.  “ chưa chín hẳn nhưng ủ vài ngày là ăn được.”

Tiểu Lầu lòng vẫn căm giận và càng nhìn thấy họ ấm êm hạnh phúc thì càng cảm thấy chua xót.  Điệp Y thấy bụng nàng hơi hum húp và cảm thấy như ai dội một gáo nước lạnh lên đầu.
“ Đại ca không hát nữa hả?”  anh hỏi lại.
“ Đúng thế.  Anh đã bỏ nghề rồi.”

xxxx

Quan Sư Phụ tuy đã già hơn nhưng vẫn hét ra lửa.  Ông gọi hai người tới, bắt quỳ xuống và giáng cho mỗi người một cái bạt tai.  Ông chỉ tay vào mặt họ nói.
“ Ta phí đi mười năm dậy dỗ hai cái thằng chết tiệt chúng mày.”
Họ cúi đầu nhịn nhục.  Đã là học trò thì suốt đời phải phục tùng thầy.   
“ Ta dậy chúng mày tinh thần hợp tác, huấn luyện đâu ra đó mà giờ chúng mày mỗi đứa một nơi.  Còn thằng này thì đi bán dưa hấu.”  
Ông nổi cơn nghẹn và phải thở dốc trước khi có thể nói tiếp.  
“ Làm sao mà chúng mày hai đứa, học chung với nhau, lớn chung với nhau, ra trường cùng lúc, mà lại có thể một sớm một chiều trở nên kẻ thù như vậy?  chúng mày không coi thầy mày ra cái gì hả?”
Những đứa học trò trẻ con kinh ngạc nhìn thầy mình chửi mắng hai người trưởng thành.  
“ Giờ thì hai đứa mày xéo ra khỏi đây.  Trở lại sau khi lập được gánh mới và về đây trình diễn cho tao xem.”
Nhưng Quan Sư Phụ sẽ chẳng bao giờ có dịp thấy họ trùng phùng.  

xxxx

Tiểu Lầu ba chân bốn cẳng chạy vội đến nhà Điệp Y.  Bây giờ là bốn giờ chiều và Điệp Y vửa hút xong hai điếu thuốc phiện.  Tiểu Lầu chạy xộc vào phòng Điệp Y, mặt mày hớt ha hớt hãi.
“ Sư phụ…”
“ Biết rồi.  Miễn sao mình cứ tập bài song ca là xong ngay.”  Điệp Y uẻ oải vươn vai nói.
“ Thầy mất rồi.”
Điệp Y ngồi nhổm ngay dậy.
“ Mất?”
“ Thầy chết rồi.  Trường phải đóng cửa.  Tụi nhỏ bơ vơ không nơi nương tựa.  Mình phải kiếm tiền để giúp chúng.”

xxxx

Những cậu học trò nhỏ lăng xăng phụ việc ở hậu trường trong buổi trình diễn gây quĩ.  Trên sân khấu, Tiểu Lầu và Điệp Y thủ vai Tiết Đinh San và Phàn Lê Huê và vở tuồng đang tới hồi gây cấn thì tiếng pháo nổ như bắp rang bên ngoài rạp.  
“ Phải tiếng súng không?” Điệp Y hỏi nhỏ.
“ Nghe có vẻ không phải.”  Tiểu Lầu vừa nghe ngóng vừa giữa nhịp.  
Bất thình lình khán giả la to.
“ Thắng rồi.  Thắng rồi.”
“  Tụi Nhật hàng rồi.”
Tiếng reo hò hớn hở làm rung chuyển cả rạp.  mọi người đổ xô ra ngoài.  Đường phố tưng bừng như hội chợ.  Tiếng người, tiếng pháo lẫn lộn khắp nơi.  
“ Chiến tranh chấm dứt rồi.”  Điệp Y thì thầm trong tai Tiểu Lầu.  
Cúc Tiên đứng nhìn từ cánh gà, nước mắt tuôn trào.  Buổi trình diễn chấm dứt và họ thu tiền, chia cho lũ nhỏ.
“ Trường đã đóng cửa, các con phải chia tay nhau.  Cố gắng cho nên người hữu dụng. “  Tiểu Lầu cho mỗi đứa hai đồng bạc đồng nhìn chúng nó đi mỗi đứa một phương trời.  
Cúc Tiên đứng cầm túi bạc đã trống trơn và đặt một tay lên bụng.  
“ Chúng ta giống như một gia đình,” Điệp Y cười tự mãn với Cúc Tiên.  “ Chiến tranh đã xong nhưng chúng ta vẫn còn sống, và vẫn sống chung.”
“ Đúng thế,” nàng trả lời.  “ À này, khi con chúng tôi ra đời thì nói gọi anh là gì?”  Nàng đứng sát người vào chồng và hỏi, “ Anh nghĩ sao? nó nên gọi Điệp Y là chú? hay là giáo phụ (cha đỡ đầu) “
“ Anh nghĩ nó nên gọi là giáo phụ.  Bạn anh đây vẫn muốn nuôi nấng dậy dỗ một đứa trẻ từ khi chúng ta còn bé cơ.”


xxxx

Ông bầu gánh cho người tháo gỡ lá cờ Nhật, vất xuống đất, và treo lá cờ Dân Quốc lên.  Sau khi Nhật đầu hàng, kinh tế đi vào gia đoạn suy thoái.  Lính Tàu muốn làm gì thì làm, ăn uống không trả tiền.  Lạm phát trầm trọng đến độ một hộp diêm tốn hàng vạn quan.  Các đoàn tuồng giải tán và rạp hát biến thành vũ trường.
Điệp Y nhất định không bỏ nghề và trình diễn bất cứ chỗ nào.  Đa số các rạp đầy người nhưng đa số không phải là khán giả trả tiền xem hát.  Nhiều người thuộc thành phần vô gia cư hoặc lính giải ngũ nên chui vào rạp hát để ngủ.
Điệp Y đang trình diễn vở Bá Vương Biệt Cơ thì có tiếng một binh sĩ già khóc tức tưởi trong góc.  
Bất thình lình ánh sáng của một đèn pin rọi thẳng vào mắt Điệp Y làm chàng mất thăng bằng và tí nữa thì té.  
“ Thôi không hát nữa.  Ra trận đi.  Chiến đấu cho tới chết.”  Một người lính nói rền rĩ.
Cả rạp nhốn nháo lên.
“ Ngu Cơ làm sao thế?” Một người chột mắt rống lên.  “ Nàng có kinh hả?”
Cả rạp cười ồ lên.  Tiểu Lầu ngừng hát.  Chàng vòng tay cúi đầu chào người lính già một cách cung kính.
“ Thưa quí ông.  Rạp chúng tôi không cho phép sử dụng đèn pin.  Yêu cầu trở lại chỗ ngồi và thưởng thức buổi trình diễn…”
“ Tao đi đánh giặc tám năm trời.  Không có tao thì lũ mày đâu có thể lơn tơn hát hỏng như vậy.  Chúng mày là một lũ vong ân bội nghĩa.”
Nói xong hắn ném đèn pin trúng mặt Tiểu Lầu.  Thế là cả rạp bắt đầu đánh nhau náo loạn lên.  Trong khi Tiểu Lầu cố đánh phá vòng vây để thoát ra thì Điệp Y chạy tới để giải cứu nhưng lãnh một miếng ván đánh vào đầu và lảo đảo muốn xỉu.  Tiểu Lầu nắm tóc thủ phạm và đập đầu vào nó.  Chàng tả xung hữu đột nhưng bị tấn công từ tứ phía.  Cúc Tiên chạy vào để đỡ cho chồng thì bị một đứa đánh mạnh vào bụng, và nàng ngã gục xuống sàn.  
“ Cúc Tiên” Tiểu Lầu thét lên.
Máu chảy ra từ giữa đùi nàng.  Tiểu Lầu đánh đấm điên loạn.
“ Con tôi” Chàng gào thét.  “ Cúc Tiên.  Con tôi.”
Khi cảnh sát đến nơi thì lũ côn đồ đã cao bay xa chạy.  Họ bắt Điệp Y với tội danh phản quốc.

Khi Cúc Tiên tỉnh dậy thì thấy Tiểu Lầu ngồi bên cạnh mình.  Tiểu Lầu không đau vì mặt mũi sưng vù mà đau đớn vì mất con.  Chàng còn lo lắng cho số phận của Điệp Y vì mang tội phản quốc thì khó mà có thể thoát được.  Khi biết ý định của Tiểu Lầu, Cúc Tiên nổi giận.
“  Nếu vậy thì anh bảo cái con Ngu Cơ giả hiệu đó nó đẻ con cho anh đi.”
“ Nếu anh không giúp thì Điệp Y thế nào cũng mất mạng.  Điệp Y hát cho tụi Nhật cũng chỉ vì anh.”
“ Nếu vậy thì mình đi ngay,” nàng nói.  “ Nếu ta có thể giúp Điệp Y thoát khỏi cơn hoạn nạn này thì coi như không còn mắc nợ nữa.”  Nàng cố gượng ngồi dậy.  
“ Để em đi lấy thanh kiếm.”

xxxx

Điệp Y đứng ở ghế bị cáo nhìn người cáo buộc một cách ngạo mạn.  
“ Không ai bắt tôi cả,” anh nói một cách bướng bỉnh.  “ Tôi hát cho người biết thưởng thức nghe.  Nghệ thuật không phân biệt quốc gia hay chính trị. “
Và Điệp Y bị tống giam chờ ngày xử bắn.

Cúc Tiên chưng diện và trang điểm để chuẩn bị cho vai trò sắp tới.  Nàng định sẽ cùng Tiểu Lầu đến nhà Nguyên Tứ Gia.  Nàng hy vọng thanh kiếm sẽ nhắc nhở lại những kỉ niệm cũ và hắn sẽ nhận kiếm làm vật thế chân cho món nợ cần dùng để hối lộ cai tù.  Nàng cũng hy vọng là không còn thanh kiếm thì không có gì nhắc nhở đến Điệp Y nữa.

Nguyên Tứ Gia tiếp họ với thái độ khinh khỉnh mặc dầu Cúc Tiên vẫn còn cái vẻ đẹp quyến rũ của một kĩ nữ hạng nhất.  Hắn mắng mỏ Tiểu Lầu nhưng chàng vẫn ngậm miệng lặng thinh.  Nhưng cuối cùng thì cũng chẳng giúp được gì vì Điệp Y bị nhốt ở đâu cũng chẳng ai biết.  Thực ra, lính đã mang Điệp Y đến Tổng Hành Dinh Quân Đội để trình diễn giúp vui cho một sĩ quan cao cấp vừa đổi về Bắc Kinh.  Và Điệp Y đã được thả.  Án hay không án cũng vậy.  

xxxx

Cuộc chiến Trung-Nhật chấm dứt, để rồi thay thế bởi một cuộc nội chiến đẫm máu khắp nơi.  Kinh tế thì đi xuống trong khi thị trường lạm phát không thuốc chữa.  Cướp giựt khắp nơi.  Người ta tối ngày xếp hàng, chờ mua nhu yếu phẩm.  Các cửa tiệm thi nhau đóng cửa vì lạm phát.  

Một đám cháy nổi lên từ xa.  Sinh viên lại biểu tình.  Cảnh sát  Dân Quốc mang vòi rồng ra xịt đoàn người biểu tình.  Tiểu Lầu và  Điệp Y chạy trốn theo đoàn sinh viên.  Họ quẹo và một con đường nhỏ vắng vẻ rồi ngừng lại thở hổn hển.  Họ thấy một ông già tóc bạc ngồi xổm bên cạnh sạp bán thuốc lá nằm bên góc đường.  Tiểu Lầu đến mua một hộp diêm.  Điệp Y nhìn mặt ông già và giật mình kinh ngạc.  Ông già đó chẳng ai khác hơn là Ni Đại Nhân.  
“ Ni Đại Nhân.  Ông có nhớ chúng tôi không?”
Ni Đại Nhân nhướng đôi mắt đục trắng nhìn hai người.  Ông lắc đầu quầy quậy và cúi mặt xuống.
“ Khi chúng tôi còn bé, có đến hát tuồng ở buổi tiếp tân tại biệt thự của ông.”
“ Tôi chẳng biết mấy người là ai và cũng chẳng bao giờ có biệt thự hay tiếp tân gì hết cả.”  Nói xong ông run run đưa hộ diêm cho Tiểu Lầu.  Ông lầm bầm nói một mình.
“ Người Mãn Châu cai trị ba trăm năm rồi mới tan. Dân Quốc mới ba mươi năm mà đã tàn.  Giờ thì tới phiên Cộng Sản. “




Bá Vương Biệt Cơ Chương VII

Lúc ấy là năm 1949, và các rạp hát tuồng ở Bắc Kinh lại một lần nữa mở ra rầm rộ.  Những buổi trình diễn đặc biệt được tổ chức khắp nơi để vinh danh chiến sĩ Nhân Dân Giải Phóng Quân.  Tiểu Lầu và Điệp Y được thăng cấp thành nghệ sĩ hạng nhất.  Cờ đỏ bay phất phới khắp nơi, biến Bắc Kinh thành một biển đỏ.
Rồi chính quyền bắt đầu phát động chiến dịch đánh thành phần phản cách mạng.  Thế giới kinh kịch cũng trở thành sân khấu cho những hoạt động chính trị.  Trước cửa rạp hát chăng hàng chữ đỏ loan báo: “ Họp để lên án bè lũ chuyên chế, phản cách mạng trong ngành kinh kịch Bắc Kinh”

Có khoảng trên dưới một chục người bị trói giật cánh khuỷu, quì gối trên sân khấu.  Nguyên Tứ Gia cúi đầu, quì gối ngay chính giữa.  Hắn trước đây vai rộng, mắt sáng, và tỏa ra một khí phách dữ dội nhưng giờ này tóc tai bù xù, mặt mũi lấm lem và sưng vù.  
Người thủ lãnh đọc to phán quyết.
“ Nhân danh Cục Công An và Hội Đồng Quân Quản Bắc Kinh, chúng tôi tuyên án tử hình.  Bản án sẽ được thi hành ngay lập tức.”
Đúng lúc đó một thanh niên trong đám đông đứng lên hô hào kích động mọi người.  Đó là Tiểu Sĩ.  Thời cơ đã đến và nó đang cưỡi trên làn sóng tiến hóa đưa đẩy xã hội sang một kỉ nguyên mới.

Đảng đề ra chiến dịch chống nạn mù chữ, và thế là Tiểu Lầu và Điệp Y mặc Trung Sơn trang (quần áo kiểu Mao) đi học chữ.  Thầy giáo là một thiếu phụ trẻ tuổi mặc áo Lê Nin.  Cô viết chữ ái (爱) trên bảng.
“ Yêu có nghĩa là gì?”
“ Chẳng biết, “  Điệp Y lẩm bẩm.  “ Yêu (爱 ái) trông y hệt như thọ (受= chịu đựng)”
Cô giáo phì cười.
“ Làm thế nào mà yêu giống như chịu đựng được.  Trước giải phóng, người ta phải nhẫn nhục chịu đựng.  Bây giờ, đâu đâu cũng thấy “yêu”.  Yêu cha, yêu mẹ, yêu anh yêu em, yêu bạn, yêu bè.  Tất cả đều là yêu; nhưng không có tình yêu nào sánh được với tình yêu của Đảng và Mao Chủ Tịch dành cho nhân dân Trung Quốc.”
xxxx

Nỗi sợ hãi giống như bệnh cúm, dễ lây lan và kéo dài lần lữa, ốm hoài mà không khỏi.  Chính trị là chuyện sinh tử và người ta tránh bàn luận.  Thế nhưng ai cũng phải đi học tập chính trị, kể cả nghệ sĩ.  Ngoài giờ hát, họ phải đi họp để học thuộc những lời khuôn vàng thước ngọc của Mao Chủ Tịch.  Giai đoạn trăng mật với chính phủ cộng sản không kéo dài, và chẳng bao lâu thì Bắc Kinh đắm chìm trong những cơn bão chính trị.  Và giữa thập niên 60 thì nghệ thuật được xem là suy đồi và hủ bại, tình cảm là độc dược.  Những rạp hát tuồng bắt đầu đóng cửa và nghệ sĩ thất nghiệp, đói rách.  Lúc đầu, nhiều người phải đi làm đủ thứ nghề để kiếm sống, từ kéo xe cho tới phu khuân vác.  Sau đó, đảng bắt đầu xử dụng hát tuồng như một phương tiện tuyên truyền.  Nghệ sĩ trở thành nhân công cách mạng và Điệp Y và Tiểu Lầu được cho đóng những vai phụ trong những vở tuồng quốc doanh này.  Ban đêm thì họ phải về nhà để viết bản “tự thú”

Tiếng loa phóng thanh oang oang ngày đêm không ngừng nghỉ.  Thời bình thì có trống canh báo hiệu mỗi giờ, thời chiến thì nhạc truy điệu khi chết.  Bây giờ thì loa phóng thanh ra rả để tuyên truyền.

Vì người lớn, ai cũng có thể là kẻ thù của chế độ, nên lũ con nít nghiễm nhiên là thành phần cách mạng chân chính nhất.  Đội Hồng Quân, những “tiểu tướng” của Mao đi lông nhông hang cùng ngõ hẻm hò hét những khẩu hiệu rỗng tuyếch.  Chúng đi từng đám như một lũ cào cào, châu chấu.  Chúng vào bất cứ nhà nào để lục soát đi tìm tang chứng của “văn hóa đồi trụy.”  Chúng có mặt trong những buổi “đấu tranh tư tưởng” và “phê bình,” “tự thảo.”
Nơi Tiểu Lầu và Cúc Tiên ở không có tranh ảnh hay sách vở nhưng lũ giặc con vẫn đập phá tan tành cho sướng tay.  Bất chợt, một thằng Hồng Quân thấy thanh kiếm treo trên tường.  Mũi kiếm chĩa thẳng vào hình Mao Chủ Tịch.
“ Kiếm của ai?”
Không ai trả lời.  Bên ngoài màn đêm bắt đầu rơi xuống dần.  
Chúng chụm đầu bàn tán một hồi lâu rồi cho người dẫn giải Điệp Y tới.  Tiểu Lầu, Điệp Y, và Cúc Tiên đứng xếp hàng trước mặt một thằng có vẻ là thủ lãnh.
“ Khai cho mau” hắn sủa to.  “ Thanh kiếm này là bằng chứng rõ ràng, không thể chối cãi được của hoạt động phản cách mạng.  Rõ ràng là nó được nhắm vào đầu Mao Chủ Tịch.”
Cả ba người tái mặt nhìn nhau.  Chuyện này không phải là trò đùa.
“ Kiếm của ai?” thằng thủ lãnh lập lại.
“ Không phải của anh Tiểu Lầu.” Cúc Tiên chỉ thẳng mặt Điệp Y.  “ Của anh này.”
“ Không.  Đó là kiếm của tôi.”  Tiểu Lầu nói.
“ Điệp Y,” Cúc Tiên năn nỉ.  “ Đừng để gia đình tôi tan nát.”
“ Gia đình nào?” Điệp Y hỏi một cách khinh bỉ.  Chàng quay lại nói với tên Hồng Quân. “ Tôi là người cho Tiểu Lầu thanh kiếm này nhưng cô này là người treo nó lên.”
“ Tôi đã nói rồi.” Tiểu Lầu cắt ngang.  “ Thanh kiếm này của tôi.”
“ A, thằng này ngon.  Mày muốn làm anh hùng hả?”
Nói xong nó nhặt một cục gạch to lên.
“ Nghe nói mày hồi nhỏ có danh hiệu Tiểu Thạch Đầu phải không?  Để tao thử xem đầu mày cứng cỡ nào.”
“ Tiểu Lầu.”  Cúc Tiên hét thất thanh.  “ Thanh kiếm của tôi.  Tôi thú tội.”
Tiểu Lầu không mảy may xúc động, nhưng máu tươi chảy thành giòng xuống mặt.  
Điệp Y té xụm xuống.  
“ Tôi thú tội.  Xin các ngài thả Đoàn Tiểu Lầu.”
Lũ Hồng Quân chẳng thèm để ý đến lời van xin của hai người.  Chúng mang Tiểu Lầu đi “ thẩm vấn.”

xxxx

Cúc Tiên ngồi trước mặt những thành viên của đội Phụ Nữ Cứu Quốc, Chủ Tịch Ủy Ban Khu Phố, và cán bộ các cấp.  Một phút sau, Điệp Y được dẫn vào và bắt ngồi xuống ghế đối diện Cúc Tiên.  Hai người trông giống mấy đứa học trò tiểu học, tay để trên đùi một cách ngoan ngoãn.  
“ Tổ chức mời tôi đến đây để khuyên chị nên cắt đứt liên hệ với Tiểu Lầu,” Điệp Y nói.  “ Chúng ta là những độc thảo trong vườn hoa nghệ thuật.  Là thành phần phản cách mạng, ta phải được phê bình và kiểm thảo.  Chị nên ly dị Tiểu Lầu.”
“ Tôi sẽ không bỏ anh ấy.”  Cúc Tiên nói một cách điềm tĩnh.
“ Chị nhất định đi ngược lại ý của Đảng hả?”  Điệp Y hỏi lạnh lùng.
“ Tôi cảm ơn lòng quan tâm của quí vị, nhưng tôi sẽ nhất định chờ đợi anh Tiểu Lầu.”  Nàng ngồi thẳng người dậy.  “ Tôi sẽ không ly dị anh ấy và sẵn sàng chấp nhận mọi hậu quả.  Tôi là vợ chính thức của anh ấy.”
“ Nếu chị ngoan cố, nhất định đi ngược lại đường lối của đảng thì chúng tôi không còn gì để nói với chị nữa.”  Mụ cán bộ sủa vào mặt Cúc Tiên rồi quay qua Điệp Y: “ Trình Điệp Y.  Tối mai anh sẽ phải minh định lập trường của mình.”

xxxx

Đoàn hát đã tề tựu đông đủ trước sân đền thờ tổ.  Trang phục hát tuồng, bích chương quảng cáo, tranh ảnh và tuồng tích được chất thành một đống như một ngôi chùa đủ màu đủ sắc.  Ngọn lửa nổi bùng lên, hỏa diễm chập chờn trong màn đêm như lưỡi của những con chó sói.  Tiếng hát bài Quốc Tế Ca làm tăng thêm vẻ ma quái.
“... Quyết phen này sống chết mà thôi.
Chế độ xưa ta phá sạch tan tành…
...Đấu tranh này là trận cuối cùng,
kết đoàn lại để ngày mai,
L’internationale sẽ là xã hội tương lai.”
Tên thủ lãnh Hồng Quân đứng dậy tuyên bố đã đến lúc mà hai minh tinh phải “bóc vẩy” và “phê bình” lẫn nhau.
Trẻ con mặc quân phục màu xanh cứt ngựa với khăn choàng đỏ và băng tay.  Chúng đấm đá Tiểu Lầu và Điệp Y cho đến khi hai người quị xuống hai bên đống lửa.
“ Mày!” thằng thủ lãnh đá mạnh vào lưng Tiểu Lầu.  
“ mày tố nó trước.”
“ Trình Điệp Y khi còn bé yểu điệu như con gái và hay có thái độ tự phụ.”
Tới phiên Điệp Y.
“ Đoàn Tiểu Lầu mặt mũi hay láo liên và không có tinh thần.”
“ Toàn là nhảm nhí không.” Tên thủ lãnh thét to.
Tiểu Lầu nhìn Điệp Y ngầm xin tha thứ.
“ Trình Điệp Y lười biếng và thiếu tinh thần kỷ luật.”
“ Tiểu Lầu thích rượu chè bài bạc, chỉ thích xa hoa đàng điếm và không chú tâm vào diễn xuất.”
“ Phê bình cái kiểu gì vậy? Lũ chúng mày chắc khó có thể sống sót đêm nay quá.”  
Nói xong, mỗi người ăn một cái thắt lưng vào đầu nhưng vẫn cắn răng chịu đựng, không dám tránh đòn hay hó hé một tiếng.
Tiểu Lầu Suy nghĩ một hồi lâu rồi nói.
“ Tên nó lúc nào cũng phải to hơn tên người khác, phải nằm trên tên người khác.  Nó chỉ biết đến mình, không ngó ngàng gì tới người khác.  Một mặt nó kiêu ngạo tự phụ, nhưng mặt khác lại quị lụy đi trình diễn cho mọi hạng người không cần biết đê tiện đến mức nào.”
Lũ Hồng Quân có vẻ hài lòng hơn.
“ Nó có phải là địch vận không?  Nó có giúp vui cho địch quân không?”
“ Nó hát cho tụi Nhật.  Nó cũng hát cho lũ tư bản, địa chủ”
Một thằng Hồng Quân tuốt trần thanh kiếm chỉ vào mặt Tiểu Lầu.
“ Có phải nó cho anh thanh kiếm này không? Ở đâu mà nó có?”
“ Nó ngủ với Nguyên Tứ Gia để đánh đổi lấy thanh kiếm.”
“ Tiểu Lầu!” Cúc Tiên thét to.  Tiểu Lầu đã đi quá xa.
Thằng tiểu tướng cười cười ném thanh kiếm vào đống lửa đang cháy.  
Điệp Y nhẩy vào lửa lấy vội thanh kiếm và ôm chặt vào ngực.
“ Đoàn Tiểu Lầu không bằng súc vật.”  ĐIệp Y nói.  
“ Tình nhân của nó là một con điếm. “ hắn chỉ vào Cúc Tiên.  “ Con này lúc nào cũng coi thường và nói xấu Đảng và Mao Chủ Tịch.  Chúng ta phải đấu tố hai vợ chồng nó cho đến chết.”
Điệp Y chợt im lặng.  Tiểu Lầu nhìn hắn với một ánh mắt khó hiểu.  Điệp Y đầu nhức như búa bổ.  Đấu tranh đến chết? Mọi sự đã quá trễ rồi.
Tới phiên Cúc Tiên lên tiếng.
“ Mặc dù trước đây tôi quả là gái giang hồ nhưng lúc nào cũng chỉ chung thủy với một người.  Ngay cả trong xã hội cũ, không ai có thể bắt vợ phản chồng hay bỏ chồng.  Có một điều mà Điệp Y nói đúng.  Tôi sẽ không bao giờ ăn năn- cho đến chết cũng không bao giờ thay đổi.”
Một đứa nắm tóc nàng.  Nó cạo một nửa đầu trắng hếu, nửa kia để nguyên như cũ, trông như hình lưỡng nghi.
“ Ngày mai gửi nó đi lao động cải tạo.  Dẫn nó đi.”
“ Không!” Tiểu Lầu kêu một cách tuyệt vọng. “ Tôi không còn yêu con đĩ này nữa.  Tôi ly dị nó.”
Nàng nhìn chàng bằng ánh mắt xa lạ.
“ Đừng tha nó!” Điệp Y la to.  “ Đấu nó cho đến chết.”
Một bóng đen xuất hiện từ đám đông.
“ Trình Điệp Y,” giọng nói phát ra.  “ Lũ kép hát chúng mày cũng chẳng hơn mấy con điếm.  Mày tối ngày nằm trong khuê phòng hút thuốc phiện, xem tao như rác rưởi.”
Mặc dù không thấy được mặt nhưng Điệp Y nhận ngay ra giọng gười nói.  Đó chính là Tiểu Sĩ.  
Đám đông vỗ tay và đấm đá Điệp Y túi bụi.  
“ Cách Mạng Vô Sản muôn năm.”

Tiểu Lầu và Điệp Y bị dắt xuống chuồng bò dùng làm chỗ tạm giam.  Trước khi về miền quê đi lao động cải tạo, Tiểu Lầu được về nhà để mang theo một ít vật dụng.  Căn phòng tối đen như mực.  Khi đèn bật sáng, Tiểu Lầu thấy đôi chân mang tất trắng đu đưa qua lại.  Cúc Tiên đã treo cổ tự vẫn.  Nàng mặc bộ áo cưới màu đỏ và cài một đóa hoa đỏ lên phần tóc không bị sởn.  Màu đỏ là màu của cô dâu.

Tiểu Lầu cảm thấy mình như người đang chết đuối nhìn chiếc phao trôi xa khỏi tầm tay.  Như hình ảnh đóa hoa phản chiếu trong gương, như bóng trăng dưới nước, anh sẽ vĩnh viễn chẳng bao giờ còn nhìn thấy nàng.