Tuesday, January 31, 2017

Bản Đồ Của Sự Bội Phản 1959

1959


Tiếng quạt máy kêu rù rù trong phòng học nơi  Gary đang nằm ngủ.  Bỗng nhiên có tiếng con gái anh khóc ré lên trong phòng khách.  Gary giật mình tỉnh giấc.  Ba giờ sáng anh mới đi ngủ vì phải làm cho xong bản tường trình về chiến dịch tận diệt những người theo đức Đạt Lai Lạt Ma, vị lãnh đạo tôn giáo của Tây Tạng vừa chạy sang Ấn Độ cách đây vài tháng.  


“Mẹ ơi, con không dậy được!”  tiếng Lilian, con bé hai tuổi, nghe chói lỗ tai.


Khi Gary chạy vào phòng khách thì thấy vợ đang nằm dài trên sô fa, xem chương trình Leave It To Beaver.  Mái tóc vàng của nàng còn đang cuốn trong lọn làm cái đầu trông to gấp đôi bình thường.  Hồi này tánh khí Nellie trở nên bất thường và hay nổi quạu bất tử.  Con bé còn đeo yếm dãi và mặc tã, đang nằm ngửa trên sàn nhà, một chân dẫy dụa, còn chân kia bất động vì đau đớn.


“Câm miệng lại,” Nellie lầm bầm rồi lấy chân đạp Lilian sang một bên.


Gary chạy ào tới nói.  “Sao không đỡ nó dậy?”


“Tôi chán con con nỡm đó lắm rồi.”


“Cô nói cái gì?”


“Tôi nói tôi chán cả hai bố con nhà anh rồi!”


Anh tát ngang mặt rồi nắm cánh tay nàng lôi sền sệt ra khỏi sôfa.  “Đừng có bao giờ hành hạ con tôi.”  Rồi anh cúi xuống bế con gái lên và bồng nó vào thư phòng.  Con bé cố nuốt nước mắt.  Anh nhìn xuống chân thì thấy một vết bầm to bằng đồng xu hào.  Tiếng vợ anh trong phòng khách vọng ra.  “Anh là một thằng khốn nạn.  Tôi biết anh có con rơi con rụng ở ngoài đường.”


Anh đã dấu kỹ hình ảnh trong két an toàn nhà băng ở Hồng Kông, không cách nào nàng có thể biết gì về gia đình anh.  Nhỡ ngủ mớ nói ra thì sao?  Không thể được.  Nellie đâu biết tiếng Tàu.  Anh vào nhà bếp mở tủ lạnh lấy đá lạnh gói vào khăn và chườm vào chân con bé.  Anh hối hận đã lỡ tay đánh vợ.  Anh đâu phải hạng người vũ phu?  


Đó là lần duy nhất anh đã thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ.  Trong suốt hai mươi lăm năm lấy nhau, khi nào chịu hết nổi thì anh chỉ bỏ đi ra ngoài cho đến khi hạ hỏa.  Nhưng cả vợ lẫn con anh đều không bao giờ quên được lần đó.  Ngay cả sau khi anh mất đã lâu, Nellie vẫn nhắc lại với Lilian, nói.  “Cũng tại mày không à.”  Lúc ấy Lilian đã bốn mươi mấy tuổi, nhưng vẫn giữ im lặng, sợ mẹ nổi cơn tam bành.


Từ khi Lilian bắt đầu mọc răng là Nellie bắt đầu than phiền về căn nhà mà nàng gọi là cái “ổ gà.”  Truyền hình hàng xóm lúc nào cũng mở oang oang, tiếng động nghe rõ qua lần cửa mỏng dính.  Vợ chồng Jameson ở căn trên lầu thì gấu ó cả ngày lẫn đêm, hết hăm dọa lại chửi thề.  Còn đàng trước thì tiếng xe cộ cứ sáng sớm đã ào ào như cái chợ.  Mới tuần trước, một bà lão người Hung Gia Lợi trượt chân thang gác,ngã gẫy xương chậu.  Rồi tiền nhà lại mới tăng thành 81 đô la một tháng.  


Nellie muốn một căn nhà “đúng nghĩa,” một căn nhà trên một con đường yên tịnh nơi con gái có thể đạp xe mà không phải trông chừng.  Gary chịu dọn, nhưng nói phải đợi cho đến khi đủ tiền đặt cọc cho một căn nhà mới.  Nellie đề nghị bán xe nhưng anh không chịu.  Chiếc xe Buick còn phải trả hàng tháng còn lâu, và họ cần chiếc xe đó.  Anh không tin tưởng Nellie về mặt tài chánh và thường nói với nàng,  “Em tiêu xài hoang phí quá.  Hồi còn quen nhau anh đâu thấy vậy.”  Thật vậy, tuy nhà không mấy khá giả, nhưng nàng chẳng bao giờ đắn đo khi mua bán quần áo, mỹ phẩm, thức ăn, và đồ chơi cho con gái.  Của đáng tội, Nellie không phải là người xài sang.  Khi đi ăn, nàng ăn gì cũng được, cứ hamburger hay cá rán và khoai tây rán là được rồi.  Burritos cũng xong.  Thói quen tiêu xài có lẽ một phần chịu ảnh hưởng những năm tháng làm bồi nhà hàng, nơi nàng thấy người ta tiêu tiền vung vít.  Mà nàng cũng thích Gary là người giữ tiền, vì anh thuộc loại cẩn thận tiền bạc và biết giới hạn chi tiêu trong nhà.  Có khi nàng nói đùa phải chi cha nàng là người Hoa thì đỡ biết mấy.  Ông ngoại Matt kiếm đủ cớ để mở chai Jack Daniel hay Johnnie Walker, và có tiền dính túi là phải kiếm cách tiêu.


Gary cũng là người có óc đầu tư.  Sau khi vùng DC bị cơn bão thổi qua hai năm trước, Gary liền mua cổ phần điện lực, và sau đó giá lên ào ào.  Nellie phục cách kiếm tiền dễ dàng của Gary.  Thật ra anh cũng không để ý đến chuyện đầu tư cho lắm vì đầu óc còn mải mê đến những chuyện khác.  Anh được biết năm ngoái Trung Quốc được mùa.  Rồi những tổ hợp gọi là “công xã” bắt đầu thành lập ở miền quê.  Anh không mấy tin tưởng hệ thống này vì biết hệ thống kolkhoz, ruộng cày chung, ở Liên Xô, đã thất bại một cách thảm hại.  Chính sách tập thể hóa ở Trung Quốc đã đi đến mức quá độ, bếp riêng cũng bị cấm.  Mọi người phải ăn chung trong nhà ăn tập thể, thức ăn không tốn tiền, tha hồ mà ăn thả cửa.  Người ta choáng ngợp vì lạc quan với viễn tượng thế giới đại đồng sắp sửa tới nơi, một thế giới không tưởng, nơi người người làm việc cần mẫn và muốn gì có nấy.  Krushchev hứa “tha hồ mà ăn bò kho nấu khoai.”  Trung Quốc tung ra khẩu hiệu “Mười năm sẽ vượt Anh Quốc, mười lăm năm sẽ bắt kịp Hoa Kỳ.”  


Gary đã từng sang Anh Quốc và nể phục sự nề nếp, hiệu quả, và sung túc của họ, tuy vẫn đang trong giai đoại hồi phục sau cuộc chiến.  Anh thấy những khẩu hiệu của chính quyền Trung Quốc quá trẻ con, họ tưởng cứ như là Anh Quốc và Hoa kỳ sẽ dậm chân tại chỗ, ngưng phát triển.  Tệ hơn nữa, người Tàu dường như không hiểu là sự phát triển của Tây phương đặt căn bản trên một hạ tầng cơ sở toàn diện và là kết quả của hàng bao thế kỷ tích lũy tài nguyên và kiến thức.  Bạc Nhất Ba, phó thủ tướng đặc trách kỹ nghệ, còn dám phúc trình với Mao là chỉ đến năm 1959 thì Trung Quốc sẽ qua mặt Anh quốc trong việc sản xuất điện lực và thép.  Mao hớn hở tuyên bố,  “Ta chắc chắn sẽ vượt qua Anh Quốc trong vòng ba năm, nhưng hãy giữ kín điều này.”  Gary nghe thấy chuyện nực cười, vì nhà đông người thì phí tổn nhiều hơn--quốc gia cũng thế.


Tuy lòng có bán tín bán nghi nhưng Gary cũng choáng ngợp bởi những thay đổi ào ạt ở xứ mình---rõ ràng là cái quốc gia xã hội mới thành lập này đang phát triển theo một mức độ không ngờ.  Lớn lên, anh đã thấy người ta nghèo khổ là dường nào--nhiều nơi cứ đến mùa xuân là ăn mày đi đầy đường, lắm người phải bán con đi để tìm đường về hướng nam.  Trung Quốc là một xứ nghèo.  Hơn nửa dân số mù chữ, và đâu đâu thì đất đai cũng khô cằn vì công tác cạn láng sau bao kỷ nguyên.  Cho dù hệ thống xã hội có phát huy tiềm năng đất nước đi nữa, nhưng người Tàu không thấy được là đất nước họ quá điêu tàn so với các nước khác.  Tuy vậy, Gary cũng thấy được vẻ tuyệt vọng của Mao khi nói, “không có gạo trong tay thì gọi gà không thèm lại.”  Câu ẩn dụ của Mao, mất hẳn giọng điệu đại ngôn thường lệ, cho thấy ông có lẽ cũng quá biết thực trạng của nước mình, nhưng cũng có thể nói lên ý đồ của Mao muốn làm lãnh tụ toàn thể khối xã hội, như Stalin khi xưa.  Cái tôi của ông chủ tịch có thể đã bị thổi phồng quá độ.


Không như những đồng nghiệp người Mỹ, thấy những tấm bích chương khoa trương bước tiến nhảy vọt của Tàu trông buồn cười.  Gary chỉ thấy buồn.  Anh cảm thấy bực mình khi nghe David Shuman gọi đấy là “tuyên truyền nhảm nhí.”  Anh chàng này tốt nghiệp đại học Chicago rồi gia nhập cơ quan dịch thuật cách đây hai năm; anh ta người cao 6 feet, có thói quen đi làm cầm theo bình nước màu đỏ như một bình chữa lửa nhỏ.  Anh thù ghét cộng sản vì ông nội bị chết trong tù lao động Xô Viết trên đảo Sakhalin.  David và Gary hay tranh luận về sự rạn nứt giữa Trung Quốc và Liên Xô.  Thường thì Gary có phần thắng thế, anh nghĩ hai nước không thích nhau tuy ngoài mặt thì anh anh em em.  Nhưng trong giai đoạn này, khi họ nhìn những hình ảnh tuyên truyền Trung Quốc thì anh im miệng trong khi David cười đểu, vì hình ảnh cho thấy sự trù phú, lắm cái trông khôi hài.  Có một tấm cho thấy một người đàn bà béo tốt ngồi trên cây lúa, để cho thấy mùa màng phì nhiêu đến độ ngồi lên mà cây lúc không cong.  Rõ ràng đây là một thủ thuật nhiếp ảnh.  Vùng nào cũng lớn tiếng đề cao mức thu hoạch của mình; lắm nơi còn thổi phùng con số lên gấp 20 hay 30 lần mức năm ngoái.  Mà khoe vậy thì nhà nước càng bắt nộp nhiều hơn, và kết quả là người dân chết đói.  


Nhiều tấm bích chương in những hình ảnh phù phiếm: con lợn mà to bằng con voi; những bó lúa khổng lồ bắn lên không gian như những vệ tinh nhân tạo; một giống bắp to đến độ toa xe lửa chỉ đủ chở một cây bắp; lúa mì cũng vậy, hai cây chất đầy một toa.  Dưới có đề hàng chữ: “Thu Hoạch Gửi Về Mao Chủ tịch.”  Để gia tăng sản xuất sắt thép, lò luyện kim mọc lên như nấm khắp nơi như những vựa lúa đắp bằng bùn, hơn 30,000 lò sáng rực góc trời cả ngày lẫn đêm.  Người dân sống trong những nông trường tập thể, đã không có gia súc, lại còn bị bắt phải nộp đồ dùng bằng kim loại trong nhà để góp phần vào việc sản xuất sắt thép.  Cả hàng rào, cửa sắt cũng bị trưng dụng.  Có thắc mắc thì họ nói, “Cái gì cũng thuộc về công chúng, kể cả xương thịt của mình.”  Có vùng, dấu đồ dùng bằng sắt có thể bị khép tội-- “không khác nào che dấu địch quân trong nhà,”  một bài xã luận tuyên bố.  Những lò luyện thép tạm bơ cũng xuất hiện trong thành phố, và dân chúng cũng bị động viên để gia nhập đội ngũ sản xuất.  Ngay bên cạnh trại Mao ở cũng có một cái.  Mao chủ tịch miệng cười toe toét nhìn những đồng chí trẻ tuổi đổ chất thép nóng chảy.  Gary không khỏi thắc mắc:  Sản xuất thép dễ dàng vậy sao?  Chắc có cái gì không phải.


Lạ cái, tuy cách biệt một đại dương và đại lục nhưng anh vẫn cảm thấy được nhịp đập của Trung Quốc, tuy không đều nhưng ào ạt như đang lên cơn sốt, như thể rồi cuối cùng anh cũng đã có thể ôm trọn quê hương ôi sao quá rộng lớn vào lòng.  Anh thu thập dữ kiện để gửi về cho cấp trên cho thấy ngay cả người Mỹ cũng tin Trung Quốc sẽ nổ tan nếu cứ tiếp tục với những thử nghiệm liều lĩnh.


Gary chia xẻ mối quan tâm với Bính Văn khi gặp nhau ở Hồng Kông cuối tháng Tám.  Bính Văn thở dài nói,  “Người ta điên cả rồi.  Ở quê tôi thiên hạ ăn uống phủ phê rồi nằm dài ra đó, vì đâu phải làm mới có ăn.  Lúa chín đầy đồng mà chẳng ai buồn ra gặt.  Thức ăn cho cả năm, dân làng ăn trong ba tháng hết sạch, rồi thì phải treo mõm thôi.  Mùa gặt này mà kém thì có khối người chết.”


“Thế còn vụ sản xuất thép rùm beng thì sao?”  Gary nói, kéo một hơi thuốc lá Mẫu Đơn.


“Vụ đó cũng thối như một hũ mắm.  Mấy cái lò chế tạo tạm bợ chỉ làm ra gang chứ đâu phải thép.  Thành thử ra sản xuất thép đâu có tăng như họ làm rùm beng ra.”


“Tôi mong Dụ Phong và lũ nhỏ yên ổn, không sao.  Anh có trình cấp trên xin cho tôi về thăm nhà, thăm cha mẹ được không?”


“Ậy, đừng nghĩ đến chuyện đó lúc này.  Họ đã khẳng định là anh phải ở lại Mỹ càng lâu càng tốt.  Vượt biên về nước là lộ chân tướng ra ngay.  Không được.  Đừng có lo cho gia đình.  Đã có chúng tôi lo liệu hết cả rồi.”


“Tôi như người bị chính đồng chí của mình đẩy vào kiếp sống tha hương, lưu đày,”  Gary nói bằng một giọng cay đắng.


“Đệ hãy cố kiên nhẫn lên.  Tôi biết đệ đã hy sinh rất nhiều cho quê hương, nhưng chỉ có đệ mới làm được việc này.  Rồi một ngày đệ sẽ trở về trong vinh quang.”


Gary không nói thêm, bởi biết có nói cũng bằng thừa.  Vả lại, Gary nghĩ có hai đứa sinh đôi ở nhà cũng là cái hay, bởi vì khi hoàn tất nhiệm vụ bên Mỹ về nước thì lúc ấy già rồi còn con cái quái gì nữa.  Anh cảm thấy yên dạ hơn một chút, và thầm nhủ phải cố giữ mối thâm tình với Bính Văn để vợ con ở nhà còn được nhờ.  


Bính Văn chuyển lệnh thượng cấp là Gary phải hoàn toàn Mỹ hóa để cài sâu vào hệ thống tình báo của Mỹ.  Kể từ nay anh cũng không được đi thẳng sang Hồng Kông để gặp nữa.  Anh nên đi nghỉ hè bên Đài Loan, rồi từ đó đi sang Hồng Kông một hai ngày để CIA khỏi nghi ngờ.


Gary rút hết sáu ngàn đô la tiền mặt ra khỏi chương mục ở ngân hàng Hằng Sinh.  Khi trở lại Hoa Kỳ, anh nói Nellie giờ đã đủ tiền đặt cọc nhà rồi--ông anh họ vừa trả một món nợ xa xưa.  Hồi xưa nàng hay lèo nhèo việc anh đi du lịc Á Châu một mình và có lần đã nói,  “Tôi biết anh sang đó để chơi gái.”  Nhưng lần này Nellie tin là anh không đi chơi bời, bằng không sao lại mang về một đống tiền và còn mua hai cái váy lụa đẹp cho nàng.  Chẳng bao lâu sau đó họ bắt đầu đi kiếm nhà.


Xxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxx

Đầu tháng Sáu là khóa cao học về lịch sử người Mỹ gốc Á Châu vừa xong và sinh viên bắt đầu lo viết bài cho kỳ thi cuối cùng, nhưng lớp đại học thì vẫn còn.  Hồi này không khí trong khuôn viên đại học căng thẳng vì ngày kỷ niệm biến cố Thiên An Môn sắp tới.  Những thành phần cán bộ Đảng đã đi họp để chuẩn bị duy trì an ninh trật tự trong trường.  Giống như những nơi khác nước Tàu, mỗi ban, mỗi ngành đều có hai thành phần lãnh đạo, một của Đảng và một của trường.  Thực quyền nằm trong tay bí thư Đảng, mà họ gọi tránh là “giáo tràng” khi có mặt người ngoại quốc, vì từ “bí thư” nghe hơi sắt máu.  Nói chung thì giám đốc các ban ngành cũng là người trong Đảng, nên Đảng kiểm soát toàn diện.  Vài đồng nghiệp bảo tôi họ vừa nhận được cú điện thoại của công an cảnh báo về ngày 4 tháng Sáu: hôm đó không được nói trước đám đông, không được tụ tập quá 6 người, không được đeo băng tay hay mặc quần áo trắng, và cũng không được ra đường.  Một vị giáo sư có tuổi bực mình nói, “Thế thì hôm đó tớ sẽ đi dạy mà không mặc gì cả.”


Ngày 2 tháng Sáu, Giáo Sư Vệ Phương, khoa trưởng một đại học truyền thông ở Bắc Kinh, đến nói chuyện.  Ông ta là người có trách vụ kiểm soát không gian mạng.  Vì là một chuyên gia về kỹ thuật nên ông có tác quyền cho một lô thiết bị kiểm soát mạng.  Tôi đến nghe chỉ vì hiếu kỳ. Đề tài buổi nói chuyện là “Quản Trị Không Gian Mạng Trung Quốc.”  Giảng đường đông nghẹt, khoảng 600 người.  Một vị phó khoa trưởng trường tôi giới thiệu Giáo sư Phương, nói ông là một người đi tiên phuông trong lãnh vực kỹ thuật mạng của Trung Quốc, là cha đẻ của Bức Tường Lửa Vĩ Đại.  Sau đó Phương, một người bụng phệ, đeo kính gọng to, chồm đứng dậy rồi đi tướng xà bát ra bục.  Ông mở một tập giấy bìa vàng và bắt đầu với lời nói đầu tràng giang đại hải, trong khi đầu thì cứ gục gặc lên xuống.  


Một nụ cười hé nở ra trên khuôn mặt béo phị trong khi đôi mắt bé ti hí gần như không thấy được.  Ông ta xương nhỏ nhưng thịt nhiều.  Tóc ông, nhuộm đen tuyền như lông quạ, bôi bi-ăng-tin bóng nhẫy nhiều đến độ con ruồi có đậu lên cũng té vỡ mặt.  “Các cháu sinh viên cùng các đồng chí thân mến,” ông nói bằng một giọng hớn hở, “Tôi có mặt hôm nay nơi đây để nhắc lại tiến trình gian truân trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia của chúng ta trên không gian mạng.  Ngoài những thành quả vượt bực mà các đồng nghiệp tôi đã đạt được, tôi còn muốn chia sẻ cùng quí vị kinh nghiệm của chúng ta --những vinh quang cũng như thất bại-- trong công cuộc phụng sự quê mẹ.  Chúng ta ai cũng biết không gian mạng không trung lập như biển cả.  Có nhiều thế lực ngoại bang thù nghịch với Trung Quốc đã sử dụng kỹ thuật tân tiến để xâm phạm hệ thống truyền thông của ta, để phao tin đồn thất thiệt, để khuấy động bất ổn, phá hoại nền lãnh đạo của Đảng ta, và để làm soi mòn nền tảng của đất nước xã hội ta.  Không gian mạng là một vũ khí mới dùng bởi bè lũ phản động quốc tế, ta phải bắt nắm lấy và dùng nó để chống cự.”


“Ngay từ năm 1992, Ủy Ban Trung Ương Đảng, đã vô cùng thông minh và sáng suốt thành lập một nhóm hơn 20 chuyên gia để nghiên cứu về hiểm họa của internet và tìm cách chỉnh đốn sử dụng và kiểm soát giao thông trực tuyến.  Thú thật, tôi vẫn còn bàng  hoàng vì kinh ngạc với sự sáng suốt của thành phần lãnh đạo nước ta.  Dần dà, càng lâu càng thấy lợi điểm của hệ thống kiểm soát mạng của chúng ta.  Các anh hẳn có nghe nói đến vấn đề bên Nga Sô, bởi họ không có cái viễn kiến như ta nên, thằng blogger nào, con Facebook nào cũng có thể tổ chức hộp họp trước công chúng một cách dễ dàng---”


“Đi xuống đi!”  một giọng nam trong hàng cử tọa nói to.


“Câm cái mồm thối lại!”  một giọng khác vang lên.


Một chiếc giày bay lên, tí nữa thì trúng mặt diễn giả.  Một chiếc khác đáp trúng ngực làm ông ta choáng váng mặt mày.


“Đồ mặt dày!”  vài giọng la lên cùng lúc.


“Quân chó má, cút khỏi chỗ này!”  một cô gái la to.


Vài sinh viên ngồi hàng đầu bắt đầu đáp trứng vào người giáo sư Phương.  Một cái rơi trúng cái trán phẳng phiu của ông.  Trong cơn sốc, ông lẳng lặng rút khăn mu soa lau kính.  Không có kính, mắt ông lồi ra và trông ông già hơn.


“Trả lại tự do trực tuyến cho chúng tôi!” một giọng vang lên, rồi nhiều người đua nhau phụ họa.  


“Hãy đập đổ bức tường Bá Linh internet !”  một người khác la to.  


Hai người bảo vệ an ninh nhẩy lên sân khấu và lôi ông diễn giả đi.  Khi ông Phương xuất hiện ở lối đi xuống thì giày dép bay như mưa về phía ông.  Vài cái bắn trúng đầu và vai ông.  Có sinh viên dùng smartphone chụp cảnh ông đang chạy trốn.  Ông một mắt nhắm một mắt mở, miệng gào lên.  “Chúng mày rồi sẽ biết ! ông sẽ tống cổ lũ chúng mày ra khỏi trường! “  


“Các em sinh viên, đừng nóng nảy!”  ông phó khoa trưởng la to.  “Đừng làm mất mặt trường mình!”


“Thằng khốn nạn!”  có người nói lại.


“Đập bỏ mẹ cái thằng theo đóm ăn tàn này đi!”  một người khác la lên.


Khi ông diễn giả biến mất thì cử tọa cũng bắt đầu giải tán qua những lối ra khác nhau.  Tôi thấy Mẫn Mẫn đang cầm một cái thùng đi lên sân khấu.  Tôi chặn nó lại nói nhỏ,  “Bộ mấy cô cậu có chuẩn bị trước hả?”


“Không, em không cùng bọn với họ.”  Nó lắc đầu.  “Em chỉ lên nhặt những chiếc giày để trả lại cho người ném.  Bạn em để một thùng đồ đạc đánh mất trong góc tiền sảnh.”


“Làm thế cũng phải,” tôi nói.


Nó mỉm cười và tiến lên bục.  Rồi Hồng Bân, thằng bạn cùng lớp xuất hiện, mặt mũi nó tươi rói. Nó là thằng đảng viên duy nhất trong lớp, và nó chuyên môn tranh luận với tôi trong những buổi thảo luận lớp.  “Đáng đời!”  nói nói hổn hển.  “Quân nịnh bợ không biết ngượng!”


“Cậu mà cũng không thích ông diễn giả à?”  tôi hỏi, hơi ngạc nhiên.


“Em ghét thằng cha ấy thấu xương thấu tủy! Mỗi lần hôn thê em bên Nhật gửi cái gì hay ho là bị chặn lại.  Thằng cha ấy là kẻ thù của em.  Hắn là kẻ thù của tất cả công dân mạng nước Tàu.”


“Mình nên đi đi,”  tôi nhắc nó.


Tôi rời giảng đường ngay, sợ công an trường thấy được.  Ngay hôm ấy tin tức trên mạng, đâu đâu cũng ghi nhận lại sự việc đã xảy ra.  Mặc dù không tìm ra thủ phạm ném giày và đáp trứng, nhưng có một lô quà  thưởng đăng trên mạng: giày Nike gửi từ Amazon, thẻ quà mua sách, một chục con cua Alaska, Apple iPads, dâng hiến ngủ với em một đêm, đi nghỉ hè ở bãi biển, toa-lét bằng sứ, nguyên bộ truyện của Haruki Murakami, cả bồ trai bồ gái.  Không biết cái nào thật, cái nào giả, bởi vì đâu ai dám chường mặt ra mà lãnh.


Tôi và các đồng nghiệp thì lo lắng cho sự an toàn của sinh viên.  Ngày hôm sau an ninh đại học được tăng cường, nhưng may thay, đại học không tiến hành cuộc điều tra để trừng phạt lũ sinh viên sách động--họ không muốn làm bùng nổ một cơn thịnh nộ ngay trước ngày kỷ niệm biến cố Thiên An Môn.


Ngày mồng 4 tháng Sáu, công an đi rều rễu khắp nơi trong khuôn viên trường, nhưng không khí đã bớt căng thẳng vì có giải French Open ở Paris, với Lí Na sẽ đấu trận final với cựu vô địch người Ý.  Đa số sinh viên xúm nhau coi tennis trong dorm.  Khi Lí Na thắng giải Grand Slam, họ túa ra ngoài đốt pháo, trống chiêng ầm ĩ.  Trong đám người ăn mừng có cả vài giáo sư.  Người trẻ xem Lí Na là người hùng, một phần vì nàng đã bỏ đội tuyển quần vợt quốc gia từ lâu.  Hơn nữa, chưa có một đấu thủ Á Châu nào từng thắng giải French Open.


Trong bài diễn văn nhận cúp, Lí Na chẳng thèm cám ơn ngài lãnh đạo nào cả.  Nàng chỉ nói, “Tôi xin cám ơn hãng bảo trợ, các nhân viên của giải, các em nhặt banh, và những người trong đội của tôi.”  Nàng cũng nhân dịp ấy chúc mừng sinh nhật cho một người bạn.  Đối với người Tàu thì chuyện ấy thật là ngạc nhiên và dĩ nhiên lũ thư lại thì bực mình khó chịu.  Có một lần khác nàng nói,  “Đừng nhắc đến chuyện mang lại vinh quang cho xứ sở.  Tôi chỉ tranh đấu cho chính tôi thôi.”  Có lần nàng dành mi crô của một phóng viên, nói to,
“ Em yêu anh, anh Giang Sơn!”  Giang Sơn là chồng nàng, anh khôngđi  tham dự được lần ấy.  Nàng cũng tuyên bố thẳng thừng mình chơi banh là vì tiền.  Tuy vậy, nhưng khi bản quốc thiều Trung Quốc trỗi dậy trong lễ trao giải, nàng cũng mấp môi hát theo trong khi nước mắt chảy dàn rụa trên mặt.  Đối với sinh viên, Lí Na hiện thân cho tinh thần nổi loạn và độc lập.  Đây là một khuôn mặt mới của Trung Quốc, tự tin, không che đậy, và trong lúc này nàng đã thành một biểu tượng, một cảm hứng cho người trẻ.


Cuối cùng tôi cũng nhận được tin của Bản Ninh, thằng cháu tôi.  Thì ra nó và Cự Ly vừa trao đổi email, và nó biết tôi là một giáo sư dạy sử người Mỹ.  Nó viết message bằng tiếng Anh mạch lạc, trôi chảy.  Nhưng khi tôi đề nghị gặp mặt thì nó thối thác, nói là bây giờ đang không ở gần Bắc Kinh.  Nhưng hỏi ở đâu thì không nói rõ.  Mà nó càng úp mở thì tôi càng tò mò.  Rồi một hôm nó thú thật, “Con đang ở bên miền đông nước Mỹ.”  Thật là một cái sốc.  Tôi hỏi thêm nhưng nó viết cho tôi.  “Đừng chất vấn con nữa, Dì ạ.  Thế nào trong tương lai mình cũng sẽ có dịp gặp nhau.”  

Nhưng tôi vẫn cứ hỏi.  Nó tuy không nói nhưng thỉnh thoảng cũng lòi ra.  Nó đã sang Mỹ được hơn hai năm, có một cửa tiệm nho nhỏ ngoài ngoại ô Boston bán phần mềm và cơ phận computer.  Nó được một hãng Tàu bổ nhiệm sang đó và có vẻ khoái ở bên đó.  Lý do nó không báo cho gia đình biết vì sợ có thể bị triệu hồi hay gởi sang chỗ khác; và cũng vì nó cứ hai ba tháng lại về Tàu công tác một lần.  Tôi nói mong nó ở lại Mỹ lâu, nó nói cũng muốn như vậy lắm.  Tôi mừng vì có họ hàng bên nội sống ở gần khi tôi về nước.  Thế giới chợt có vẻ bé hơn nhưng kỳ bí hơn.  Phải chi bố tôi được gặp cháu mình bên Mỹ.

Thursday, January 26, 2017

Bản Đồ của Sự Bội Phản 1958

1958

Gary và Nellie không có nhiều bạn nhưng chẳng lấy đó làm buồn vì họ thích lối sống yên tịnh.  Họ cũng không gần gụi với bố mẹ nàng, mùa đông năm ngoái ông bà đến thăm cháu nhưng chỉ ở chơi ba ngày đã phải đi về vì công việc đăng đăng đê đê của trại rau.  Từ khi có Lilian, Gary và Nellie ít đi chơi vì ngại phải mướn người coi trẻ.  Có lần, một người bạn trai cũ của Nellie gọi điện thoại nói chuyện trên trời dưới đất cả hàng giờ đồng hồ.  Gary nổi cơn lôi đình và to tiếng với vợ.  Anh dọa sẽ dọn ra khỏi nhà nếu cứ nói chuyện với thằng ấy.  Rồi Nellie cũng phải chịu và bảo người bồ cũ thôi đừng gọi nữa.  Nàng biết chồng nói là làm.  Có khi Gary làm việc đến đêm, ngủ lại trong cái phòng làm việc bé bằng lỗ mũi, nằm trên miếng futon mà anh nhất định mua mặc cho vợ phản đối.  Nàng sợ anh hết còn mê nàng vì đã tăng kí sau khi sanh nở.  Thật ra thì thân hình nàng trông vẫn mảnh dẻ, đùi thon, eo nhỏ.  Nellie để ý thấy Gary đôi khi lơ đãng, ngồi bàn mà mơ mộng đâu đâu.  Nàng không hiểu sao chàng lại có vẻ u sầu như thế.

Mà đầu chàng có để nơi khác thật, nơi có những bóng mờ kỷ niệm của người vợ trước.  Chàng nhớ một buổi tối sau đám cưới không lâu.  Dụ Phong đang ngồi vắt chéo chân trên chiếc giường gạch sưởi ấm, tay kim tay đê để vá miếng rách trên chiếc áo nhồi bông của chàng.  Nàng mặc cái áo kép màu lục có in hình những nụ nhài bé tí làm tôn khuôn mặt bóng láng, yên lặng tập trung của nàng.  Chàng nằm gối đầu lên đùi vợ và ngắm nàng say đắm, mặc cho nàng bảo, “Nhắm mắt ngủ một giấc đi.”   Ánh sáng ngọn đèn dầu dịu dàng nhưng chập chờn, và gian phòng đôi vợ chồng son sao an bình quá, làm chàng ước gì cứ được như vậy mãi suốt đời.  Cái hình ảnh dịu hiền của Dụ Phong ngồi may áo cho chồng cứ thỉnh thoảng lại hiện lên, làm tâm hồn chàng dày vò và đôi mắt chàng đẫm lệ.

Anh nghĩ nàng vẫn yêu anh, nhưng trong bụng lại mong nàng phản bội, đi lấy chồng khác, để cho đời đỡ khổ và để anh bớt hối hận.   Nhưng không có nàng thì ai trông nom cha mẹ già.  Thật là trớ trêu và bất công.  Anh ước gì có một ngày anh có dịp để đền bù xứng đáng cho nàng.

Nhưng những ý nghĩ về Dụ Phong không ảnh hưởng nhiều đến cuộc hôn nhân hiện tại.  Anh thương Nellie, và mỗi tuần vẫn làm tình say đắm.  Anh hôn môi hôn tai nàng, và khi vào trong sâu, anh cử động chậm rãi và nhẹ nhàng để cảm thấy được nhịp đập của con tim, để cả hai cùng tới một lúc.  Anh dùng mọi cách để đưa nàng tới cực điểm và thích thú ngắm nhìn khuôn mặt nàng ngây ngất nhắm nghiền như đang trong cơn đau đớn.  Tuy thích làm tình với vợ, nhưng có lúc anh muốn ngủ một mình, lấy lý do phải làm đêm, không muốn phá giấc ngủ của nàng.  Thật ra anh chỉ muốn đầu óc tỉnh táo để hôm sau còn đi làm.

Trong cộng đồng tình báo vùng DC, Gary bắt đầu có tiếng là thông dịch viên tiếng Hoa giỏi nhất.  Người ta bắt đầu gọi anh là nhà ngữ học.  Uy tín của anh một phần cũng nhờ quen biết với George Thomas, người có trách nhiệm Trung Quốc sự tại chi bộ Á Đông và là người hay chỉ định công tác cho Gary.  Để thăng tiến nghề nghiệp, Thomas đã ghi danh chương trình tiến sĩ ban Văn Học Trung Quốc, dự định sẽ viết luận án về Đỗ Mục, thi sĩ đời Đường mà anh anh hâm mộ đến độ thi phú làu làu, đọc ra vanh vách.  Ngoài sách vở chủ yếu, Thomas còn phải tham khảo tài liệu thứ cấp viết bằng cổ văn mà anh không rành, nên phải nhờ Gary dịch cho những đoạn văn quan trọng.  Chuyện này đối với Gary không khó.  Anh chỉ việc mượn những tập thi tuyển dầy cui từ Thư Viện Quốc Hội, nơi anh rất thích và thường hay lui tới hàng tháng.  Thomas muốn bỏ tiền túi ra trả, hai đô la một giờ, nhưng Gary khăng khăng cự tuyệt.  Anh làm một phần để trả ơn, và cũng để tình bạn với một nhân viên cao cấp trong lòng của thế giới tình báo được thêm sâu đậm.

Để trả ơn, THomas mời Gary đến một câu lạc bộ chơi nhạc sống có tên là Hẻm Du Mục.  Chỗ đó sực mùi xì gà huýt ki, phía đàng sau có bàn bi da.  Chiêu đãi viên thì trẻ tuổi dễ thương, đi giày cao gót, váy ngắn cũn cỡn, tóc đeo hoa lưu ly thảo, tuy ánh đèn huỳnh quang có làm mặt các nường trông hơi xanh xao.  Gary và Thomas uống bia, ăn lạc rang và gà rán cục.  Thomas nhìn chằm chằm đít gái mà không biết ngượng trong khi Gary cố kềm cơn thèm muốn, lắm khi đến độ đau cả cổ.  Gary ước gì mình bạo như Thomas.  Thỉnh thoảng họ ăn tối ở đó, hoặc bíp tết hay sườn lợn nướng hay enchilada nhân gà.  Trong khi ăn thì Thomas tra vấn Gary về những vấn đề miền Viễn Đông.

Đó cũng là nơi mà Gary khám phá ra nhạc jazz năm 1958.  Anh thích cái giòng nhạc lên xuống tự ý, lúc thì đong đưa, lúc lại lao xuống, và khả năng tùy hứng đầy tự tin của người nhạc công da đen, một anh có tóc dài bện lại, một kiểu tóc mà Gary chưa thấy bao giờ.  Tuy nốt nhạc biến hóa bất thường nhưng giai điệu lại rất an ủi và thư giãn.  Anh thích cái bản chất không thể lường trước của nhạc jazz.  Cái không bao giờ chuẩn bị,  không có bài bản, mỗi lần một khác, nhưng lại rất kiềm chế.  Anh mê đến độ bắt đầu thu thập đĩa nhạc jazz, nhất là của Louis Armstrong và Benny Goodman.

Một buổi tối Thomas nói Gary trong khi nhấm nháp ly Chablis, “Chú mày nên vào quốc tịch càng sớm càng tốt.”  vừa nói mà mắt vừa nháy nhó.  Gary hiểu là một khi thành công dân sẽ có nhiều việc thơm hơn.  

“Làm ngay,”  Gary nói.

Vì chưa có quốc tịch nên Thomas chưa đưa Gary tài liệu tối mật để dịch.  Tuy vậy, thỉnh thoảng Thomas cũng dùng Gary để gửi những mật lệnh đòi hỏi phải chính xác, không thể hiểu nhầm, cho gián điệp ở bên Tàu. Khi thông dịch thì Gary biết được một số mật danh, đặc vụ, và kế hoạch liên lạc.  Anh chỉ ghi xuống mà không gởi ngay, vì nhớ lời Bính Văn căn dặn: anh là điệp viên chiến lược chứ không phải hạng gián điệp lẻ tẻ chuyên nghề phá rối hay đánh cắp kỷ thuật.  Hơn thế nữa, trong ngành gián điệp, thời gian là yếu tố quyết định.  Dữ kiện thu thập trước khi sự việc xảy ra gọi là tình báo, còn dữ kiện thu thập trong khi xảy ra thì gọi là tin tức.  Vì không có đường giây liên lạc với Bính Văn một cách nhanh chóng nên anh chẳng thèm thu thập những tin tức có giá trị thời tính.

Trong lúc ấy anh cũng đang bận tâm với những vấn đề đang xảy ra bên Tàu.  Cuối năm 1958, Krushchev đến thăm Bắc Kinh, và hai quốc gia đồng ký một bản công bố chung nhấn mạnh sự hợp tác và đoàn kết với nhau.  Một tháng sau khi vị lãnh đạo Xô Viết trở lại Mạc Tư Khoa, Mao ra lệnh pháo kích hàng loạt vào quân đội Dân Quốc trên đảo Kim Môn.  Có một đêm mà cả năm trăm khẩu đại bác nòng ngắn nòng dài bắn cùng lúc vào những cứ điểm quân sự cũng như bến tàu, phi đạo, và căn cứ hậu cần.  Trong vòng vài tiếng, hàng trăm binh sĩ bị thiệt mạng, xác nằm la liệt giao thông hào.  Trong đám người tử trận có cả ba vị tướng phó tư lệnh đảo Kim Môn.  Họ đang ăn ở nhà ăn thì bị pháo kích.  Hai ông tướng chết tại chỗ, còn một ông mang đến nhà thương thì chết.

Quân đội Dân Quốc bị hoàn toàn tê liệt, cả nhiều ngày sau vẫn không chống trả được.  Rồi Hoa Kỳ bắt đầu cung cấp cho họ súng pháo tự hành cỡ nặng M55.  Thế là Dân Quốc có thể bắt đầu phản pháo và đè bẹp hỏa lực đối phương.  Sau đó Trung Quốc tuyên bố sẽ chỉ pháo ngày lẻ để dân chúng có cơ hội hồi phục.  Thật ra đó là một cách để có cơ hội dẹp bỏ vỏ đạn và vẫn tiếp tục như vậy cho tới năm 1979, khi Trung Quốc và Hoa Kỳ bắt đầu có liên hệ ngoại giao chính thức.

Sau cuộc tấn công, Gary tiếp tục theo dõi tin tức, và biết được là John Foster Dulles và Tưởng Giới Thạch vừa mới họp nghị kín để tìm cách ngăn chặn chính sách xâm lược của Trung Cộng.  Ông ngoại trưởng đề nghị sử dụng vũ khí nguyên tử.  Tưởng Giới Thạch đồng ý trên nguyên tắc, nói rằng vài quả bom nho nhỏ cũng đủ rồi.  Nhưng khi Dulles cho biết đầu đạn nguyên tử ít nhất cũng phải bằng quả bom thả trên Hiroshima và Nagasaki thì họ Tưởng hoảng hồn.  Sau lần nói chuyện đó, chính quyền Đài Bắc cho Hoa Kỳ biết họ không đồng ý với bom nguyên tử vì sợ có thể có ảnh hưởng đến Đài Loan và căn cứ quân sự Mỹ ở Đông Á.

Có một mẩu tin làm Gary ngạc nhiên.  Một số phân tách gia chính trị Đông Nam Á tin rằng trận pháo kích có hai mục đích: một để làm hỏng chính sách khuyến khích hoà bình thế giới của Krushchev vì Mao vốn hiếu chiến, chỉ muốn có dịp đánh nhau với đế quốc phương Tây; hai là để móc nối với Đài Loan--nói một cách khác, trận pháo kích nhằm là một tuyên bố chủ quyền lãnh thổ.  Nghe nói rằng khi Tưởng Giới Thạch nghe tin pháo kích liền khen Mao, “Một nước cờ tuyệt diệu!”  nói vậy vì họ Tưởng cũng không chủ trương Đài Loan tự trị mà vẫn xem mình như một lãnh tụ của toàn thể nước Tàu.  Thoạt tiên Gary không ngờ họ Tưởng có thể nói vậy.  Cả ba vị tướng tử trận trong cuộc pháo kích đều có tiếng là can đảm và có tài.  Họ Tưởng hẳn đã từng thân cận gần gũi với họ.  Thế thì tại sao có thể gọi cuộc pháo kích là “Một nước cờ tuyệt diệu!” được?  Rõ ràng là đối với vị tổng tư lệnh, cả tướng lãnh cũng có thể thí được một cách không thương tiếc.  Giống như thể Mao đưa tay ra và Tưởng đã bắt tay cảm tạ, để đảo Kim Môn sẽ là gạch nối giữa đại lục và Đài Loan.  Chỉ có lính tráng là kẻ thua thiệt.

Gary chụp ảnh tài liệu, nhất là cuộc nói chuyện giữa Dulles và họ Tưởng.  Anh muốn giới lãnh đạo Trung Quốc cẩn thận hơn trong những quyết định quân sự trong tương lai.  Phải biết lạng quạng là có chiến tranh nguyên tử dễ như bỡn.

Sau khi nói Nellie anh muốn đi Hồng Kông để gặp ông anh họ thì đầu tháng Mười Hai Gary đi.  Anh nghĩ đi là cơ quan phản gián thế nào cũng để ý nhưng tự nhủ.  “Muốn theo, cho theo.  Có gì đi về sớm cũng chẳng sao.”  nhưng không có gì xảy ra vì lúc ấy chủ nghĩa McCarthy đang bị công chúng lên án gắt gao và đi du lịch nước ngoài trở nên thông thường hơn.  Bên Hồng Kông, anh trao Bính Văn những cuộn phim.  Anh ký thác một ngàn đô vừa nhận được vào chương mục ở ngân hàng Hằng Sanh.

Cũng trong chuyến này Bính Văn đã cho anh biết về hai đứa con sinh đôi.  Nghe xong bụng anh bỗng nhộn nhạo.  Anh nhìn tấm ảnh Dụ Phong và đứa con trai con gái tươi cười nhìn ống kính mà không nói nên lời.  Vợ anh trông có da có thịt hơn xưa và hai đứa con có mắt miệng giống anh.  Thằng con trai trông gầy ốm và thấp hơn con chị, phải chi chị em đổi xác được cho nhau thì hay biết mấy.  Tấm ảnh chắc mới chụp vì trông chúng trạc độ tám chín tuổi.  Bính Văn nói chúng vừa bắt đầu đi học mùa thu năm ngoái.  Sau khi nhìn ba khuôn mặt trong tấm hình một hồi lâu, Gary thở dài nói.  “Phải chi tôi biết nàng đã là mẹ.”

Bính Văn tay nhấc tách trà Ô Long, ngón út thò ra, và nhấp một ngụm.  Anh hỏi.  “Nghĩa là sao?”

“Thì tôi đã không lấy vợ ở Mỹ.”  đôi mắt Gary trở nên mờ mịt vì đau đớn và hối hận, anh muốn nói thêm.  “Thật là một nghịch cảnh trớ trêu!” nhưng anh cố nén.  Anh nhấc tách trà lên uống như một người không hồn.  Nước trà sóng sánh, bắn những giọt màu vàng trên khăn trải bàn trắng tinh.  

“Tôi hiểu,” Bính Văn nói.  “Anh muốn có trách nhiệm với Dụ Phong và hai đứa nhỏ.  Và đó chính là lý do tại sao thượng cấp không cho phép tôi nói thật với anh--họ chỉ sợ anh lại đòi về.  Đảng và nhà nước cần anh sống trong lòng địch.”

“Họ ra lệnh cho anh dấu tôi?”

“Đúng thế, ông bạn.”

Gary chợt hiểu mình sẽ phải ở lại Mỹ còn lâu.  Không còn cách nào khác, anh nhờ bạn trông chừng săn sóc cho vợ con nơi quê nhà.  Bính Vân hứa hẹn,  “Đừng có lo, tôi bảo đảm với anh.  Đã có nhà nước lo.”  Rồi anh dùng đũa gắp miếng tôm viên thơm ngon, chấm sốt sá-tế, rồi bỏ vào mồm.

Xxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxx



Khi Cự Ly về lại Quảng Châu, nó gởi tôi địa chỉ email và hai tấm hình của Bản Ninh, tuy hơi mờ, nhưng đủ cho thấy nó có khuôn mặt chữ điền và tóc quăn giống bố tôi.  Tôi viết thư cho biết tôi là dì nó và mong gặp nó khi có dịp đến chơi, nhưng tôi không nhận được hồi âm.  Nó dùng account Hotmail nên không biết ở đâu, trong nước hay nước ngoài.  Chị nó cũng gởi message mà không thấy nó trả lời.   

Rồi Cự Ly nói sắp trình diễn trong một chương trình văn nghệ.  Đây sẽ là lần ra mắt đầu tiên của nàng nên tôi phải có mặt vì bố mẹ nó không có ở đó.  Tôi quyết định bay xuống ở Quảng Châu dăm ngày để nghe nó hát và để ở gần nó.  Tôi có người bạn bên Wisconsin, Stacy Gilmour, đang dạy tài chánh quốc tế tại một trường kinh doanh trong Quảng Châu và nói sẵn lòng cho tôi ở chung căn hộ hai phòng trong khu đại học.  Thế là cuối tháng Năm tôi bay về hướng Nam.

Hai chục năm trước tôi có đến Quảng Châu để tìm tài liệu khảo cứu cho cuốn sách viết về chiến tranh nha phiến, nhưng thành phố bây giờ, tuy đầy khói xe ô tô và bụi bặm, nhưng sáng sủa và phấn khởi hơn xưa nhiều.  Tôi ngạc nhiên thấy ở đây có nhiều người Phi Châu, đa số có cửa tiệm trong vùng gọi là Phố Sô-Cô-La; họ chuyên ngành xuất nhập, mua hàng Tàu, bán sang Phi Châu và Trung Đông.  Chắc họ phải thích khí hậu miền nhiệt đới mà tôi cảm thấy ngộp thở.  Chưa tới mùa hè mà buổi trưa dưới phố đã như một cái bếp chật ních.  Cự Ly gặp tôi mừng rỡ và giới thiệu tôi Ngô Bình, bạn trai của nó.  Ngô Bình là một gã con trai cao ráo, tóc dài xõa vai, ăn mặc lôi thôi, làm tôi liên tưởng đên triết gia người Pháp Descartes, tuy hắn không có vẻ thiết tha về triết lý cho lắm.  Hắn là người điều khiển và trông nom ban nhạc.  Hắn người miền Bắc giống cháu tôi, đến từ vùng Cát Lâm, gia đình định cư đây đã lâu.  Trông hắn già hơn cháu tôi nhiều, chắc mấp mé cỡ tuổi trung niên.  Hắn lái chiếc minivan màu đen trông như chiếc hòm có bốn bánh xe.

Sau khi ăn tối với hai đứa nó tại một tiệm ăn Việt Nam, nơi chúng tôi ăn món miến xào đồ biển với cải bắc thảo và ớt trái, tôi ngồi ở cái bar phía ngoài, bên giòng Châu Giang, nói chuyện riêng với Cự Ly.  Một chiếc thuyền có gắn màn ảnh ti vi khổ to dọc bên hông, phát hình quảng cáo, chạy sình sịch trong giòng nước lập lở, trong khi đó, khoảng 200 feet phía bên phải chúng tôi, một nhóm đàn ông đàn bà đang vỗ tay hát một bản nhạc Mông Cổ:  “Trời xanh có đám mây trắng/ Bên dưới đoàn ngựa phi nước đại…”  có tiếng trống đánh dồn dập xa xa như báo hiệu một chương trình trình diễn sắp có.  Phía sau lưng chúng tôi là những căn chung cư cao ốc đứng sừng sững, bóng in trên bầu trời đầy sao và lấp loé ánh điện từ những cửa sổ bé tí teo.  Không khí sực mùi chuối ủng và rung rinh với những âm thanh thoang thoảng, nghe như tiếng pháo nổ từ xa vang lại.  Hai dì cháu tôi ngồi uống trà đá nói chuyện lạm phát và bạn trai.  Tôi thú thật từng có khoảng một tá đàn ông trong cuộc đời và đã có hai đời chồng, nhưng chỉ có hai người đáng để nghĩ đến, không kể Henry.

“Thế còn chồng cũ của dì thì sao?”  Cự Ly hỏi.

“Carlos là một trong hai người đó.  Anh ấy tốt bụng, nhưng sống chung không được.”  tôi ngừng lại chỗ đó, không muốn nói thêm.

Cự Ly nói hồi học trung học được chúng bạn tặng cho hỗn danh là “con ngựa cái,” nhưng thật ra hồi đó chỉ quen có một đứa.  “Nói cho đúng, một đứa rưỡi.  Thằng thứ hai bỏ cháu cái rụp khi lên đại học.  Quen nhau không tới một niên khóa mà cháu không cho nó làm gì.”

Tôi hỏi còn thằng Ngô Bình thì sao.  “Cháu yêu anh ấy,”  nó nói tôi.

“Thế nó có yêu con không?”

“Chắc có.”

“Nó có gì mà con mê nó?”

“Khi gần ảnh, con cảm thấy tự tin và hạnh phúc.  Con thích típ đàn ông chững chạc và từng trải.”

“Nó bao nhiêu tuổi rồi?”

“Băm-tám.”

“Già hơn nhiều vậy?  Mười hai tuổi là một khoảng cách không nhỏ.”

“Đó không là vấn đề.  Vấn đề là ảnh còn có vợ và một đứa con chín tuổi.”

“Thế nó có định ly dị vợ nó không?”

“Anh ấy đã ly thân.  Họ sắp đi đến thỏa thuận rồi.”

“Có nghĩa là sao?”

“Anh ấy sắp nộp đơn ly dị.”

Tôi cảm thấy có điều gì không ổn.  “Cự Ly, trong những trường hợp này, hãy nghe theo lý trí thay vì con tim.  Con có phải là con gái mới lớn đâu.  Đừng để tình yêu làm mình mù quáng.”

“Dì nói con không nên tính chuyện tương lai với Ngô Bình?”

“Dì nghĩ nó lợi dụng con.”

“Dì sao cổ lỗ sĩ quá.  Thật ra con mới là người lợi dụng ảnh--ảnh giúp con tiến thân.  Ảnh quen biết nhiều trong giới nghệ sĩ.  Hơn thế nữa, chúng con yêu nhau.”

“Con có chắc nó yêu con đủ để bỏ vợ không?”

“Không chắc một trăm phần trăm, nhưng không thành vấn đề.  Mỗi lần anh ấy ở gần con, con thấy như anh ấy làm ơn.  Miễn sao anh ấy chịu con ở gần là được rồi. “

Ý nó muốn nói nó sẵn lòng làm một thứ “tiểu tam,” hạng đàn bà chuyên rù quến đàn ông có vợ và phá hại gia cang người ta.  Họ có nhiều biệt danh, như “hồ ly tinh,” “người thứ ba,” “nhân tình chuyên nghiệp,” “ác hoa.”  Cự Ly thú nhận có gia nhập hội Tiểu Tam trên mạng.  Phương châm của họ là “Nếu mấy bà không lo được cho chồng, thì để chúng em lo cho.”  Họ vừa có phiên họp khoáng đại vào ngày mồng 3 tháng Ba, một buổi họp bí mật mà dân “tiểu tam” từ khắp nơi trong nước về tụ hội.  Vài nàng hai mươi mấy, ba mươi mấy còn mặt trơ hơn cả.  Một cô gái trẻ post hình online và khoe sắc đẹp của mình làm “Đảng còn lung lay, huống hồ,”  hình trông cũng chả có gì là đặc biệt.  

Cự Ly là đứa con gái ngoan ngoãn, còn thằng Ngô Bình có vẻ hơi miệng mỡ.  Tôi tin là nếu có yêu và lấy người nào, thì người ấy trở thành một thứ đầu tư, vì cả hai sẽ cùng nhau xây dựng nhà cửa, gia đình, và nếu may mắn, tiền của.  Nhưng chuyện trai gái nước Tàu nó hơi kì kì.  Con trai không có nhà không có cửa thì đừng có hòng mà kiếm gái.  Ở một nơi như Bắc Kinh hay Quảng Châu, một căn hộ rộng tám trăm feet giá khoảng 300,000 đô la, nhưng lương tháng trung bình độ 600 đô la.  Cách gì mà một đứa con trai trẻ, một thân một mình, công việc trung bình, có thể mua nhà được?  Thế là đa số đàn ông không thể có bồ.  Tệ hơn nữa, đàn ông lớn tuổi, thừa tiền, dư bạc, lại chỉ thích gái hai mươi, và thế là đa số phụ nữ nghề nghiệp vững chãi cũng bị loại ra khỏi vòng chiến.  Kết quả là những thanh niên bơ vơ và không lối thoát tình dục, có thể sẽ là ngòi thuốc nổ đưa đến bất ổn xã hội.  

Buổi trình diễn văn nghệ của Cự Ly được tổ chức tại một rạp hát nhỏ gần sân vận động thành phố tối ngày hôm sau.  Hồi còn bé tôi thèm đi dự Woodstock--nơi có những siêu sao, khán giả cuồng loạn, lều chõng, xe buýt VW, thuốc, sex, tự do--nhưng bố mẹ không cho đi vì chưa đủ tuổi.  Cả hai bố mẹ tôi đều không thích loại nhạc ấy.  Tôi nghĩ mẹ tôi thuộc loại lỗ tai cây--chẳng thấy bà thích bản nhạc nào.  Còn bố tôi thì chỉ thích mỗi có Hank Williams.   Ông nói chẳng ai có cái giọng phù thủy, tự nhiên như hơi thở của Williams.  Ngoài ra Gary chỉ thích Frank Sinatra.  Và đó là lý do tại sao tôi hăm hở muốn đi nghe Cự Ly hát.

Chương trình nhỏ hơn sự mong đợi của tôi.  Mà cũng chẳng phải là chương trình của Cự Ly.  Ban nhạc của nó chỉ được chơi có 15 phút, phần còn lại do những nhóm khác đảm trách.  Rạp hát trông giống một giảng đường với 400 chỗ ngồi, nhưng chỉ ngồi hết một nửa.  Trong khi tôi đi men dọc lối đi, bức tường như rung chuyển theo tiếng nhạc nghe hơi quen thuộc--có vẻ dâm đãng, chỏi điệu, và thôi thúc.  Nhạc rock, chắc nhạc Mỹ.

Tôi vừa ngồi xuống hàng ghế thứ hai thì Cự Ly đến.  Nói nói tôi bàn nhạc tên là “Mùa Hè” do một ban nhạc Ukraine có tên the Mad Heads.

Ánh sáng tối dần và khán giả im lặng xuống.  Một anh emcee vừa béo vừa lùn mặc bộ vét sọc, cà vát đỏ chét, ỏng ẹo đi ra sân khấu.  Anh la to, “Quí bà quí ông, xin nghe đây, làm ơn!”  anh ta vỗ tay nói lại.  Khi hội trường yên ắng, anh bắt đầu giới thiệu chương trình, mà anh gọi là “Yêu Nhau Điên Cuồng,”  hứa hẹn sẽ là một đêm khó quên cho mọi người.  Khi sân khấu tối dần thì anh cũng biến mất.

Màn đầu là một ban nhạc heavy metal gồm có ba người.  Nhạc quá to, kêu rầm rầm từ đầu đến cuối.  Khán giả có vẻ ngơ ngác và không phụ họa.  Sau đó ban nhạc của Cự Ly lên sân khấu.  Nó mặc một váy ngắn màu đỏ bó sát người, stocking lưới cá, và bắt đầu quạt chả cây đàn ghi-ta điện.  Vai phải của nó có xâm hình con bướm.  Và nó bắt đầu hát, “Em đã tìm anh từ lâu/ Trong giấc mơ cũng như hoài niệm/  Anh như gần nhưng lại quá xa…”  Nó có vẻ hơi hồi hộp, hát hơi cà giựt.  Nhưng dần dần nó bắt đầu lấy thêm can đảm.  Âm hưởng có vẻ như nhạc rock, không có gì đặc biệt, nhưng lời nhạc khá hay, chứa nhiều cảm tính.  Giọng nó bắt đầu khàn khàn khi gào lên, “Em sẽ chẳng nói câu giã từ/  Sẽ không giã biệt.”  Khán giả cảm động ra mặt, nhất là người trẻ, và họ bắt đầu vỗ tay phụ họa.  Lắm người đứng lên lắc lư theo điệu nhạc và múa tay trong khi những tia sáng nhiều màu sắc bắn dội trên đầu.  Đến lúc này thì Cự Ly và ban nhạc đã có hứng và bắt đầu chơi xuất thần.   Tôi kể ra cũng phục.  Trên sân khấu, cháu tôi như bạo dạn hơn ngoài đời.  Ở khía cạnh đó, nó giống như ông ngoại nói, bề ngoài tuy nghiêm trang nhưng trong lòng lại sôi nổi.    

Hai nhóm khác lên sân khấu sau đó, nhưng cả hai đều không bằng ban của Cự Ly.  Một cặp thanh niên nhảy break-dance, nhưng vừa không đúng nhịp, lại không đồng đều.  Khi một đứa làm xong đứng dậy thì thằng kia vẫn còn quay tít trên sàn như con vụ.  Kế tiếp là màn múa sexy-- bốn đứa con gái mắt mũi tô đen, đi guốc cao gót, áo tắm hai mảnh, lắc mông lắc đít trên sân khấu.  Tay chúng múa máy như đang đấu quyền, rồi thỉnh thoảng lại đá chân lên cao, để lộ những cặp đùi trắng hếu.  Có tiếng la to.  “Cởi hết ra!”  Tôi để ý thấy mặt mũi mấy con bé cứng như gỗ tuy điệu bộ cố tình ra vẻ gợi cảm.  

Rồi anh emcee lại bước ra sân khấu, tuyên bố, “Các bạn thân mến, như đã nói, chương trình tối nay có chủ đề “Yêu Nhau Điên Cuồng,” và màn cuối sẽ do hai nghệ sĩ trình diễn đặc biệt.”

Đèn sân khấu tối mờ và người ta xì xào mong đợi.  Khi đèn sáng thì thấy một cặp trai gái, chỉ mặc có quần áo lót màu đỏ, đang làm tình trên một tấm nệm lớn trên sân khấu.  Đứa con gái ngồi trên đùi, quay đít lại mặt thằng con trai, rồi trút bỏ xú chiêng, vất xuống sàn.  Rồi cô ả nhấp nhô mông đít trong khi cả hai rên xiết ồn ào.  Rồi chúng thay đổi vị trí-- đứa con gái quì xuống chổng mông, trong tư thế sẵn sàng đón nhận.  Vừa lúc ấy thì một toán công an xuất hiện.  Họ chạy ào lên sân khấu, lôi cặp trai gái đứng dậy.  Một người công an tát vào mặt đứa con trai rồi đấm vào bụng nó.  Hắn ôm bụng lăn xuống sàn.  Sau đó họ còng cả hai đứa rồi giải chúng ra hậu trường.  Tuy đau nhưng đứa con trai vẫn hô hoán, “Tự do nghệ thuật muôn năm! Đả đảo chính sách đàn áp!”

Cự Ly sợ gần muốn khóc.  Tôi choàng tay ôm vai cố trấn tĩnh nó.  Ngô Bình chạy vội lên sân khấu tìm thằng emcee yêu cầu giải thích.  Tại sao không ai bảo trước sẽ có một chương trình quái gở như vậy? Ai lại đi mời hai đứa quái gở đó lên để làm trò tồi bại trước công chúng?  Tôi dắt Cự Ly ra khỏi rạp hát rồi gọi tắc xi đi về.

Chúng tôi đi về căn hộ của Stacy vì sợ công an sẽ tìm đến phòng Cự Ly.  Bạn tôi đã đi chơi với sinh viên, nên tôi dìu Cự Ly xuống ghế phòng ăn rồi đặt ấm nước sôi lên bếp.  Nó vẫn choáng váng, nói đi nói lại,”Thế nào họ cũng bắt cháu về bót.  Dì ơi, chết cháu rồi.”  

Sau khi uống vài hớp trà thạch lựu thì nó có vẻ bình tĩnh hơn.  Nó hỏi tôi màn trình diễn của hai đứa đó có phải là nghệ thuật không.  “Dĩ nhiên là không,”  Tôi nói. “Không biết bao nhiêu người làm chuyện ấy hàng ngày.  Hành động làm tình là chuyện tự nhiên hàng ngày, nhưng không phải là nghệ thuật.”

“Vậy thì công an bắt là đáng đời hả?”

“Dì không nghĩ tội ấy phải bỏ tù.  Chỉ nên khép vào tội công xúc tu sỉ thôi.”

Càng nói thì Cự Ly càng thêm rối trí.  Nó bắt đầu gục đầu vào ngực tôi khóc nức nở.  Tôi vỗ về nó, an ủi.  “Dì không để họ bắt con đâu.  Dì sẽ ở lại đây cho đến khi nào an toàn rồi mới đi.”

Nó ôm chặt lấy người tôi.  “Dì Lilian ơi, dì tốt với con như dì là mẹ con.”

Tối hôm đó tôi bắt nó ngủ lại chung phòng với tôi.  Sáng hôm sau Ngô Bình ghé lại, nói hai đứa “nghệ sĩ trình diễn” đó là một cặp vợ chồng nên tội cũng nhẹ đi.  Mỗi đứa bị nửa năm cưỡng bách lao động, còn thằng emcee béo thì bị thôi việc.