Friday, August 5, 2016

The Things They Left Behind

The Things They Left Behind
Đồ Vật Người Ta Để Lại
Trich trong tuyển truyện Just After Sunset của Stephen King

Đồ vật mà tôi nói đến nơi đây--một mớ mấy thứ lỉnh kỉnh họ đã bỏ lại--đã bỗng nhiên xuất hiện trong phòng tôi hồi tháng Tám năm 2002. Khẳng định như đinh đóng cột được như vậy bởi tôi đã phát giác chúng sau khi giúp Paula Robeson sửa máy lạnh. Phàm muốn nhớ thì phải có gì làm mốc, và đó là cái mốc của tôi. Paula là một nghệ sĩ minh họa sách trẻ con. Nàng có dung nhan cũng dễ coi (đúng ra phải nói là thiên kiều bá mị thì chính xác hơn). Chồng nàng làm nghề xuất nhập cảng. Và có mấy khi có dịp giúp đỡ một mỹ nhân (cho dù nàng có nhắc đi nhắc lại là "em đã có chồng").
Khi tôi xuống nhà, chuẩn bị đi dạo thì nàng đang đứng dưới hành lang, mặt mày lộ vẻ bực bội. Tôi nói 'Sao, khoẻ không?' kiểu chào hỏi xã giao với người sống cùng chung cư ấy mà. Nàng nói bằng giọng hậm hực là thằng cha quản lý nhè đúng lúc này mà đi nghỉ hè. Tôi nói thì cũng cho người ta nghỉ chớ, tháng Tám đi nghỉ hè là phải quá rồi. Tháng Tám ở New York (Paris cũng vậy, mon ami)thì có kiếm đỏ con mắt cũng tìm không ra bác sĩ tâm lý, nghệ sĩ nghiệp dư, và quản lý chung cư.
Nàng chẳng thèm cười, có lẽ chưa đọc sách Tom Robbins (tổ cha mấy thằng mọt sách hay nói xiên sỏ) Nàng nói nghỉ hè hay không chả cần bết, chỉ biết là phòng nàng nóng như cái lò lửa mà cái máy lạnh thì lại im như ông phỗng đá. Tôi hỏi muốn tôi coi giùm không, và đến giờ vẫn còn nhớ cái liếc mắt của nàng. Nàng hỏi " có bảo đảm không đó?" và tôi phá lên cười. Nàng làm tôi liên tưởng đến cái phim đó. Không, không phải Lolita, cái đó là chuyện sau này. Tôi đang nghĩ tới cái phim mà Lawrence Oliver rút tủy răng không tốn tiền cho Dustin Hoffman trong khi lập đi lập lại câu hỏi, " Có bảo đảm không đó?"
" Bảo đảm mà. " tôi nói. " Lâu lắm rồi chưa hiếp ai. Hồi đó cứ một tuần hai ba lần, nhưng khỏi bệnh rồi."
Nàng nhìn tôi rồi nhoẻn miệng cười. Chìa bàn tay ra. Paula Robeson, nàng nói. Nhưng nàng đưa bàn tay trái ra--chà chà, hơi lạ. Rõ ràng cố ý đưa bàn tay có đen nhẫn cưới ra.
Khi vào thang máy tôi nói coi thì coi vậy chứ không chắc đâu nhé. Cần người nghiên cứu tại sao người ta trốn lính hay lịch sử vắc xin đậu mùa, hay lịch sử cái bấm TV và hệ quả xã hội của nó (theo thiển ý là một phát minh quan trọng nhất thế kỷ) thì hãy đến nói chuyện với tôi.
" Ông làm nghề khảo cứu à?" nàng hỏi trong khi cái thang máy bò cà rịch cà tang đi lên.
Tôi gật đầu, không nói thêm là mình mới làm công việc này và đang cố quên đi nhiều thứ, trong đó vài chục khuôn mặt người.
Dù có cố quên nhưng vẫn phải nhớ. Tôi còn nhớ cả một câu nói của một ông văn sĩ người Nam Mỹ--tôi nghĩ bạn phải biết ông này. Ông ta là một văn sĩ theo trường phái hiện thực huyền ảo . Ông nói: " Khi còn bé, mỗi lần nắm ngón tay mẹ thì tưởng như nắm được một phần của vũ trụ. Lớn lên mới biết, vũ trụ lúc nào cũng nắm ta." Borges? Có thể. Nhưng cũng có thể là Márquez.
Cuối cùng tôi cũng sửa được cái máy lạnh. Khi hơi lạnh thổi ra thì khuôn mặt nàng rạng rỡ hẳn lên. Chuyện này đã xảy ra vào tháng Tám năm 2002. Không đầy một năm sau vụ 9/11.
Một buổi chiều sau khi tôi, hiệp sĩ Scott Staley đã chiến thắng cái máy lạnh hung hãn, tôi đi bộ ra tiệm Staples trên đường số 85 để mua xấp giấy trắng. Tôi phải viết cho xong bốn mươi trang về lịch sử chế tạo máy ảnh Polaroid (cũng hay lắm chứ không như bạn nghĩ đâu) Khi về tới phòng, tôi thấy một cặp kính mát gọng đỏ nằm chỏng trơ trên cái bàn nhỏ nơi tiền sảnh, chỗ tôi để biên lai, cuống check và mấy thứ đại loại như vậy. Nhìn cái kính tôi nhận ra ngay và toàn thân tôi bỗng cảm thấy bủn rủn. Tôi buông bọc đồ xuống sàn rồi đứng dựa lưng vào tường, con mắt vẫn trừng trừng nhìn cặp kính. Nếu không có chỗ dựa thì chắc tôi đã lăn ra xỉu như một thiếu nữ trong truyện thời Victoria--loại truyện có quỉ nhập tràng dâm đãng xuất hiện lúc nửa đêm.
Hai làn sóng cảm xúc bỗng dâng lên trong đầu. Làn sóng đầu là cảm giác hổ thẹn khi ta biết sắp bị bắt quả tang trong khi làm một việc không thể giải thích được. Và tôi chợt nhớ đến một kỷ niêm thời mười-sáu tuổi.
Hôm ấy mẹ và chị tôi đi Portland shopping, để tôi ở nhà một mình. Tôi đang nằm trần truồng trên giường, cái xì líp của chị tôi quấn quanh chim và trên giường thì xếp đầy những tấm hình cắt ra từ báo Penthouse kiếm được trong ga-ra, thì bỗng dưng nghe có tiếng bánh xe kêu xào sạo trên đường vào nhà. Đó là xe của mẹ tôi, không còn nhầm lẫn vào đâu được. Chưa tới Poland Spring thì chị tôi bị cảm và nôn thốc nôn tháo ra xe nên mẹ tôi phải đánh xe quay lại.
Tôi nhìn hình ảnh xếp đầy giường,quần áo tứ tung trên thảm, và bọt xà phòng màu hồng đầy bàn tay trái. Tiêng mẹ tôi dưới nhà vọng lên " Scott, Scott, xuống đây giúp mẹ mang chị vào. Nó ốm đầy ra xe đây nè." Tôi nhớ cái cảm giác rã rời và suy nghĩ, " Thôi bỏ mẹ rồi. Lần này thì hết đường mà cối cãi. Từ nay sẽ lưu danh hậu thế thiên trường địa cửu là thằng Scott là ông vua thủ dâm.
Nhưng bí quá hóa liều. Tôi gom vội hình ảnh và xì líp xuống gầm giường rồi mặc đại quần áo vào như đang chơi trò thường xem trên TV là "Tranh Thủ Thời Gian."
Mẹ tôi rờ trán và nói. " Không chừng con cũng bệnh rồi."
" Chắc vậy," tôi nói mà trong bụng mừng húm. Nửa tiếng sau tôi mới phát giác mình quên không kéo phéc mơ tuya quần. May mà chẳng ai để ý kẻo không lại hỏi thằng Scott có môn bàn bán hot dog không. Đúng là hú ba hồn bẩy vía, tía thằng Scott.
Làn sóng cảm xúc thứ hai giản dị hơn nhiều. Tôi nghĩ tôi đã bị mát giây thực sự rồi. Không có cách nào mà cặp kính đó có thể có mặt nơi đây được. Không bao giờ. Không bao giờ.
Khi tôi ngửng lên thì thấy một cái gậy bóng chày dựng trong góc giữa nhà bếp và phòng khách. Cây gậy có dán nhãn hiệu Hillerich & Bradsby. Chẳng nhìn cũng biết mặt kia có hàng chữ CLAIMS ADJUSTOR khắc sâu vào gỗ bằng mỏ hàn rồi sơn phủ lên trên một màu xanh dương.
Một làn sóng khác cũng dâng trào lên. Làn sóng thứ ba là cảm giác khiếp đảm. Tôi không phải là người tin vào ma quỉ nhưng ngay lúc ấy trông tôi như người vừa gặp ma xong.
Bởi vì cặp kính đó trên nguyên tắc không còn hiện hữu--đã nghìn trùng xa cách như lời của một bài hát. Cây CLAIMS ADJUSTOR của Steve Farrell cũng vậy. ("Moa mê bóng chày lắm," Cleve thường hay nói trong khi khua khua cây gậy trên không trong khi đang ngồi ở bàn giấy. " Moa chán cái nghề bảo hiểm này quá rồi.")
Tôi cầm cái kính mát của Sonja D'Amico như ta cầm con chuột chết ra thang máy. Tôi nhớ mẩu đối thoại với Warren Anderson, người thứ hai trong sở còn sống sót, trong khi uống bia mừng thoát chết tại quán Blarney Stone trên đường số Ba, sáu tuần sau khi trời sập. Khi hắn tả điều mắt thấy thì tôi nghĩ thầm. 'Chắc nàng tưởng rồi sẽ trồi lên mặt nước rồi xin ly coca-cola"
Mấy cái chuyện như vậy dễ ăn sâu vào tiềm thức như một điệp khúc nhảm nhí cứ lẩn quẩn mãi trong đầu, không tài nào xóa được. Ba giờ sáng thức dậy đi đái, tay cầm cu mà đầu óc nửa tỉnh nửa mơ. Đúng lúc đó điệp khúc lại vang vọng trong đầu. ' Chắc nàng tưởng rồi sẽ trồi lên mặt nước rồi xin ly coca-cola."
Khi Warren hỏi tôi có nhớ cặp kính mát ngộ nghĩnh của nàng không thì tôi nói có chớ. Dĩ nhiên là nhớ chứ.
Dưới nhà, Pedro, thằng giữ cửa chung cư, đang nấp bóng hàng hiên nói chuyện với Rafe, tài xế FedEx. Pedro rất khó tính, ít khi nào cho người giao hàng đứng lại quá bẩy phút. Nhưng nó có vẻ hợp gu với Rafe và có lúc nói chuyện với nhau hàng nửa tiếng. Nói chuyện chính trị chính em hay cái gì thì không biết, chỉ biết khi tôi trở xuống thì cả hai vẫn còn đó. Tôi tiến lại, dí cái kính mát vào mặt Pedro.
" Cái gì đây?" tôi hỏi, chẳng rào trước đón sau, xin lỗi xin phải gì hết.
Pedro ném tôi một cái nhìn như muốn nói, " Gì dữ vậy cha nội," Hắn nhìn tay tôi mà không nói gì một hồi lâu. Tôi chợt lo trong bụng. Chắc hắn không thấy gì vì tất cả đều do trí tưởng tượng của tôi mà ra chứ làm gì có kính kiếc gì. Cặp kính mát của Sonja đã 'ngìn trùng xa cách' từ lâu rồi.
" Không kính mát thì là cái gì vào đây?" Pedro nói. " Lại chọc ghẹo tui nữa rồi."
Rafe có vể để ý hơn, anh cầm cái kính xem xét kỹ lưỡng rồi lại còn đưa ra ánh sáng để coi. Tôi cảm thấy như ai gãi đúng chỗ ngứa nằm giữa hai xương bả vai.
" Coi sao giống cái kính của con bé trong phim con heo có Jeremy Irons đóng quá há."
Mặc dù đang lo quýnh quáng trong bụng nhưng tôi cũng phải phì cười. Khoái New York ở cái chỗ đó. Một anh tài xế giao hàng cũng là nhà phê bình phim ảnh.
" Đúng vậy. Phim Lolita," tôi lấy kính lại đút túi. " Có điều là chỉ trong phim đạo diễn bởi Stanley Kubrick thì mới có cặp kính có gọng hình trái tim. Lúc ấy thì Jeremy Irons vẫn còn ở truồng tắm mưa."
" Trong phim đó, ai đóng vai thằng cha già không nên nết?" Rafe hỏi.
Tôi lắc đầu. " Không nhớ."
" Này ông Staley," Pedro nói. " Trông ông có vẻ không được khoẻ. Chắc lại cảm rồi."
" Không sao đâu." tôi nói và chợ̣t nhớ ra tên tài tử đóng vai cô bé trong phim Kubrick: Sue Lyon. Còn tên người đóng vai cha già mắc dịch thì vẫn chưa nghĩ ra.
Tôi đi lên lầu để họ thôi hỏi han lôi thôi. Tôi đi một vòng căn phòng, hy vọng không còn gì khác. Nhưng cuộc đời đâu có giản dị như thế. Ngoài cặp kính mát và cây gậy bóng chày có chữ CLAIMS ADJUSTOR cò có: một cái gối địt hiệu Howie's Laff-Riot, một cái tù-và, một đồng xu chôn trong khối thủy tinh, một bức tượng bằng sứ của cô bé Alice ở xứ thần tiên đang ngồi trên một cái nấm màu đỏ có đốm trắng. Cái gối địt là vật sở hữu của Jimmy Eagle và mỗi lần sở có party lại mang ra xài. Tượng Alice bằng sứ là quà cháu ngoại Maureen Hannon cho mà bà luôn để mặt bàn. Maureen có một mái tóc bạc óng ả mà bà để dài tới lưng. Trong sở ít có ai để tóc dài nhưng bà đã làm cho công ty hơn bốn mươi năm nên tự cho mình cái quyền để tóc. Tù-và và đồng xu tôi có thấy nhưng giờ không nghĩ ra ở đâu.
Khi cuộc đời có vấn đề, người ta thường quay về nói chuyện với gia đình họ hàng. Tôi không có cái lựa chọn ấy. Bố tôi bỏ mẹ con tôi khi tôi mới lên hai và chị tôi được bốn tuổi. Mẹ tôi ở vậy nuôi con và còn mở được một dịch vụ đặt hàng ở nhà. Mẹ tôi hút thuốc lá như xe hỏa nên chết vì ung thư phổi ở cái tuổi bốn-mươi-tám. Giá còn sống dăm ba năm nữa thì dám có thể đã thành một triệu phú dot-com không chừng.
Chị Peg hiện sống ở Cleveland. Chị bán mỹ phẩm cho hãng Mary Kay. Chị rất ái mộ đội banh Indians và là một tín đồ thuần thành đạo thiên chúa giáo cơ bản. Nếu tôi có gọi kể chuyện thì thế nào chị cũng bảo tôi quì xuống cầu nguyện. Tôi thì tôi không nghĩ chúa Giê-Su có thể giúp gì được cho tôi trong lúc này.
Tôi có một lô cô dì chú bác, đa số sống phía đông của Mississippi, và lâu lắm rồi tôi chưa gặp. Họ hàng bên mẹ tôi không có thói quen đi lại thường xuyên. Thiệp sinh nhật và Giáng Sinh hàng năm là coi như đủ bổn phận. Năm nào lịch sự lắm thì thêm cái thiệp ngày Valentine hay lễ Phục Sinh. Xuân thu nhị kỳ chị em mới gọi nhau. Nói dăm ba câu chuyện tầ̀m phào rồi hứa suông "khi nào rảnh thế nào cũng phải gặp nhau" rồi gác máy thở dài nhẹ nhõm.
Còn một cách nữa là rủ một người bạn ra quán, chén chú chén anh rồi thủ tỉ tâm sự. Khổ một nỗi, tính tôi vốn quen cô độc và công việc hiện tại cho phép làm việc ở nhà nên không có một đồng nghiệp nào khả dĩ có thể gọi là bạn được. Tôi có một số bạn đồng sở trước đây như Sonja và Cleve Farrell chẳng hạn. Nhưng dĩ nhiên họ đã chết hết rồi.
Không có bạn bè thì đi mướn bạn bè vậy, tôi nghĩ. Tôi dành dụm được ít tiền và chắc chỉ vài phùa nói chuyện với bác sĩ tâm thần chắc đủ giải quyết vấn đề rồi. Tốn có bẩy tám trăm đồng mà tâm hồn thoải mái kể cũng còn rẻ chán. Và biết đâu một người ngoại cuộc lại chẳng có thể nhìn ra được một giải thích giản dị.
Tôi tính hết rồi. Buổi đầu tiên tôi sẽ kể hết sự tình. Buổi thứ hai sẽ mang theo tang vật: kính mát, đồng xu, tù-và, vân vân. Còn hai buổi sau đó thì ông bạn-đi-mướn và tôi sẽ chụm đầu tìm kiếm nguyên nhân đã đưa đến sự lệch lạc để rồi tìm cách kéo lại cho thẳng.
Nhưng sau cả một buổi chiều lục nát cuốn sổ điện thoại niên giám và bấm điện thoại mỏi cả tay thì mới thấy là ý định làm cuộc hẹn với bác sĩ tâm thần không dễ như mình tưởng. Tôi đã gọi cả chục ông, từ Newark tới White Plains, chẳng có ông nào làm cuộc hẹn sớm được. Nhờ vụ 9/11 mà mấy ông bác sĩ tâm thầm New York trở nên đắt khách.
****
Kể từ ngày có mấy thứ này trong phòng, tôi đâm ra mắc bệnh mất ngủ. Có nhiều đêm tôi trằn trọc nghĩ về Maureen Hannon với mái tóc bạc dài tới đít. Hay nhớ lại cảnh party giáng sinh với mấy người ve vẩy cái gối địt nổi tiếng của Jimmy Eaglton. Bruce Mason là người đã nói với tôi cái gối địt trông giống bịch thuốc rửa ruột cho lũ tiểu yêu--và từ đó tôi chợt nhớ ra là anh chính là chủ nhân của cái tù-và. Và từ đó liên tưởng tới James Mason là tài tử thủ diễn vai Humbert Humbert khi mà Jeremy Irons còn tắm truồng. Lý trí là một con khỉ láu cá; có khi giật chuối trên tay người ta, có lúc đưa đến tận miệng cũng không thèm.
Có lần, hồi thời thập niên tám mươi, sau gần hai năm rượu chè be bét, tôi thức dậy trong thư phòng sau khi ngủ gục tại bàn làm việc lúc nửa đêm. Tôi đi loạng choạng về phòng, và khi với tay bật công tắc thì tôi thấy có bóng người lay động. Trong đầu tôi bỗng loé lên hình ảnh của một thằng ăn cướp tay cầm khẩu .32, và tim tôi suýt nhảy ra khỏi lồng ngực. Tôi một tay bật công tắc còn tay kia sờ soạng trên mặt tủ kiếm cái gì nằng nặng--cái gì cũng được, kể cả cái khung hình bằng bạc có hình của mẹ tôi--thì tôi thấy thằng ăn cắp lại chính là tôi. Tôi đang căng con mắt nhìn bóng mình trong gương, áo sống lòi ra ngoài quần và tóc tai thì dựng đứng.
Tôi mong lần này sẽ cũng như vậy. Tôi mong nó chỉ là bóng hình trong gương, hay có ai chơi sỏ tôi. Nhưng trong bụng tôi biết không phải vậy. Cái gối địt nằm trơ ra đó như một người khách không mời cũng tới. Tôi có thể rờ thấy được cái khóa giày bằng sứ của Alice, tôi có thể đọc được số năm trên đồng xu trong khối thủy tinh.
Bruce Mason, người thổi tù-và, đã mang cái vỏ ốc đến buổi picnic của sở ở bãi biển Jones Beach để thổi to kêu gọi mọi người tụ tập lại ăn trưa. Rồi ông chỉ cách cho Freddy Lounds nhưng Freddy có cố mãi cũng chỉ phát ra vài tiếng phèn phẹt như….à, như tiếng của cái gối địt của Jimmy Eagleston.
****
Cuối tháng Chín thì tôi chợt động não, giản dị vậy mà bấy lâu nay không nghĩ ra. Giữ mấy cái đồ quỉ quái này làm cái giống gì? Vất mẹ nó đi là xong. Đâu còn ai vào đây mà đòi. Lần cuối cùng tôi thấy mặt của Cleve Farrell là trên một tấm áp phích, và đến tháng Mười Một ‘01 thì đã bị xé hết rồi.. Người ta không muốn những hình ảnh có tính cách thờ cúng đó làm cho du khách bị mất đi sự thoải mái.
Tối hôm ấy tôi mua đồ Tàu về ăn. Tôi có thói quen vừa ăn vừa coi ông Chuck Scarborough bình luận tin tức. Tôi vừa bật ti vi thì chợt bừng tỉnh. Mấy thứ đồ này chẳng ai cần đến. Có vất đi thì cũng không người nào thắc mắc. Tôi để hộp gà xào nấm trên mặt bàn bếp rồi ra chỗ máy giặt lấy một cái rổ đựng quần áo. Tôi bỏ hết của nợ vào bịch rồi đi thang máy xuống nhà. Tôi đi ra góc đường số 75 và Park, nhìn ngang nhìn dọc coi có ai thấy không, rồi đặt cái giỏ xuống. Tôi đi trở về chung cư và ngoái cổ nhìn lại một lần. Chuôi gậy bóng chày lòi ra khỏi cái rổ như đang mời mọc. Tôi biết chắc chắn thế nào cũng có người đến lấy.
Trên đường về, tôi ghé ngang tiệm Gun Choy mua một hộp gà xào nấm khác. Tôi đi thang máy lên phòng 4-B. Tôi cảm thấy như người mới ốm dậy, một buổi sáng thức dậy thấy hết sốt. Hộp thức ăn kẹp vào nách, tay kia tôi mở cửa, bật đèn. Nằm sờ sờ trên mặt bàn đầy biên lai chưa trả là cặp kính hình trái tim của Sonja. Sonja D’Amico, người đã nhảy từ tầng thứ một trăm mười xuống.
Warren nói trong tấm hình chụp lúc nàng nhảy xuống, Sonja lấy tay giữ chặt mép váy để khỏi tốc lên, tóc bay phất phới, mũi giày chúi xuống. Tôi liên tưởng tới bài thơ mang tựa “ Rơi Rụng" của James Dickey về một cô tiếp viên hàng không nhắm người rớt xuống nước, như thể sẽ trồi lên mỉm cười, vuốt tóc khô rồi xin một ly cô ca.
“ Tôi đã nôn thốc nôn tháo,” Warren nói ở tiệm Blarney Stone. “ Tôi sẽ không bao giờ muốn nhìn một tấm hình như vậy. Chẳng bao giờ có thể quên được. Trông mặt như nàng nghĩ mình sẽ thoát chết..”
+++++
Từ hồi có trí khôn tới giờ tôi chưa bao giờ hốt hoảng đến độ phải la thét, nhưng khi thấy cặp kính của Sonja và cây gậy bóng chày CLAIMS ADJUSTOR của Cleve Farrell nằm chỏng chơ trong góc phòng khách thì tí nữa thì tôi đã rú lên. May là còn nhớ cửa phòng vẫn mở nên khỏi phải mất công giải thích lôi thôi với hàng xóm.
Tôi bụm chặt miệng lại để nén tiếng kêu. Hộp gà xào nấm rớt đổ tung toé dưới sàn gỗ. Tôi không dám nhìn đống thức ăn vung vãi, chỉ sợ nhìn miếng thịt gà thấy ra cái gì khác. Tôi ngồi phệt xuống cái ghế duy nhất chố lối ra vào rồi lấy tay ôm mặt. Tôi không la mà cũng không khóc, và một lúc sau đủ hoàn hồn để bắt đầu dọn dẹp sạch sẽ. Đầu tôi cứ nghĩ về con vật gì đã đi từ góc đường 75 và Park về nhà trước tôi, nhưng tôi cố nghĩ sang chuyện khác. Như một con chó dữ nhảy sấn sổ tới trước, phải cố lắm mới có thể giựt dây trì kéo lại.
Tối hôm đó tôi nằm nghe tiếng nói chuyện. Thoạt tiên là tiếng thì thầm của đồ đạc, rồi tiếng to hơn của sở hữu chủ. Có lúc nói về buổi picnic Jones Beach-- về mùi dầu dừa của kem chống nắng và giọng Lou Bega khi hát bản “Mambo number 5”. Hay những đĩa Frisbee bay bay trong gió cho chó đuổi theo. Có khi nói chuyện về con cái đang nô đùa trong cát mà đũng quần trĩu nặng. Những bà mẹ trong bộ đồ tắm đặt mua từ ca-ta-lô của Land's End đi theo con, mũi bôi kem chống nắng trắng bóc. Không biết bao nhiêu đứa trẻ hôm đó đã mất cha mất mẹ? Đó là một bài toán mà tôi không muốn giải. Nhưng tiếng nói nhất định không ngừng.
Tôi nhớ Bruce Mason đã thổi tù-và, tự xưng mình là chúa ruồi (Lord of the Flies) . Tôi nhớ Maureen Hannon có lần bảo tôi (không, không phải lần ấy) Alice in Wonderland là truyện ‘phê’ đầu tiên. Một hôm Jimmy Eagleton tâm sự con ông vừa cà lăm mà lại học không được, phải mướn người kèm cả toán lẫn Pháp văn thì may ra mới ra trường trung học được. “ Bằng không thì tới già, mua sách được bớt nửa giá mà vẫn chưa tốt nghiệp.”
Tôi đang thiu thiu sắp ngủ thì bỗng giật mình choàng tỉnh. Mẩu đối thoại với Eagleton chỉ xảy ra trước 9/11 có vài ngày. Có nghĩa đó là lần cuối cùng tôi gặp Jimmy. Và nếu tôi nhớ không lầm thì hình như thằng con vừa khờ vừa cà lăm tên là Jeremy, trùng tên với Jeremy Irons, thì phải?
Hay lại do đầu óc tôi đánh lừa tôi ? (con khỉ chuối đưa đến tận miệng cũng không thèm.) Nhưng cũng đâu đó thôi. Không Jason thì cũng Justin. Tôi tự nhủ nếu quả đúng tên nó là Jeremy thì chắc tôi cũng khùng luôn. Giọt nước làm tràn ly.
Khoảng ba giờ sáng thì tôi nhớ tên người sở hữu chủ khối thủy tinh: Roland Abelson, khu bảo hiểm trách nhiệm nhân sự. Anh gọi đó là tiền hưu trí của anh. Roland có cái tật hay nói “ Tại sao vậy, nói tui nghe đi, em Lucy?” Mùa thu năm ‘01 tôi thấy vợ anh xuất hiện trong mục tin tức sáu giờ chiều. Tôi đã từng nói chuyện với chị ở một buổi picnic nào đó, Jones Beach cũng không chừng. Chị hồi đó trông xinh xắn, nhưng giờ thì có một nét đẹp góa phụ. Trên ti-vi chị một mực nói là anh ‘mất tích’ chứ không chịu nhận là anh đã chết. Và nếu anh còn sống--và xuất hiện--thì phải hỏi “ Tại sao vậy, nói tui nghe đi?” Chắc chắn rồi. Nhưng chị cũng phải ‘nói tui nghe đi’. Một phụ nữ đang từ xinh xắn mà trở thành đẹp lộng lẫy sau một vụ thảm sát thì chắc chắn phải có một sự giải thích rồi.
Đêm đêm nằm trằn trọc suy nghĩ mấy chuyện này, đến tiếng sóng bãi biển Jones Beach và đĩa Frisbee bay lượn trên không trung, và một nỗi buồn thấm thía bỗng dâng lên khiến tôi nhỏ lệ. Nhưng phải công nhận đấy cũng là một dịp để học hỏi. Nhờ đó mà tôi hiểu được là đồ vật--kể cả cái bé tí như đồng xu trong khối thủy tinh--cũng nặng thêm với thời gian. Nhưng vì đó là sức nặng trong tâm tưởng nên không thể dùng công thức toán, như loại sử dụng trong ngành bảo hiểm, đại để như nếu hút thuốc thì giá bảo hiểm nhân thọ tăng ( x ) hay bảo hiểm mùa màng tăng ( y ) nếu nông trại nằm trong vùng gió lốc. Bạn hiểu ý tôi nói không?
Sức nặng của linh hồn.
****
Sáng hôm sau, tôi gom hết đồ đạc, lần này tìm ra thêm vật thứ bảy, nằm dưới gầm ghế sa-lông. Anh chàng có bàn giấy cạnh tôi, Misha Bryzinski, có một cặp con rối để trên mặt bàn. Punch và Judy. Cái con móc ra dưới gầm sô-fa là Punch. Judy không thấy đâu, nhưng có Punch là đủ rồi. Đôi mắt đen nhánh nhìn ra từ trong đống bụi bặm làm tôi cảm thấy ớn lạnh. Tôi lôi nó ra, để lại một vệt bụi đàng sau. Cái gì để lại vết tích là một vật có thật, một vật có trọng lượng. Chắc chắn là như vậy.
Tôi cất hết tất cả vào trong tủ linh tinh bé xíu đàng sau tủ chè. Thoạt tiên tôi không biết chúng có nằm yên trong đó không, nhưng rồi cũng xong.
****
Mẹ tôi có lần nói, khi chùi đít thấy máu, đàn ông sẽ tắt đèn khi đi ỉa. Bà dùng thí dụ này để cho thấy đàn ông có quan niệm “ Cứ lờ đi thì sẽ khỏi.”
Tôi lờ đi không nghĩ đến đồ đạc tìm thấy, hy vọng sẽ qua, và rồi cũng có đỡ. Tôi không còn hay nghe những tiếng thì thầm, nếu có thì cũng chỉ trong những đêm hôm khuya khoắt lắm. Nhưng bây giờ tôi không còn làm việc trong nhà nữa. Đến giữa tháng Mười Một thì tôi thường xuyên có mặt ở Thư Viện Công Cộng New York. Tôi chắc hai con thạch sư nằm án ngữ trước thềm thư viện cũng quen nhìn thấy tôi ôm cái powerbook đến đó.
Rồi ngay trước lễ Tạ ơn, tôi vừa vào bin-đinh thì gặp Paula Robeson, người thiếu phụ tôi giúp sửa máy lạnh bằng cách ấn nú́t reset, đang đi vào.
Tôi ngỏ lời mời nàng đi ăn trưa-- hoàn toàn không có một tính toán trước---Nếu có suy nghĩ thì chắc tôi đã không dám nói.
“ Thú thật tôi có việc,” tôi nói. “ Mong nhờ bà có thể bấm nút reset hộ.”
Chúng tôi đang đứng ở khách sảnh. Anh giữ cửa Pedro đang ngồi trong góc đọc tờ Post (nhưng chắc chắn đang vểnh tai nghe --đối với Pedro, người ở thuê là diễn viên trong một tuồng cải lương mà anh ưa chuộng nhất ). Nàng cười kiểu nửa lịch sự, nửa ngại ngùng. “ Thì tôi có thiếu nợ anh,” nàng nói, “ nhưng...anh biết tôi có chồng rồi phải không?”
“ Có chứ,” tôi nói, không nói thêm là nàng đã dùng bàn tay trái có mang nhẫn cưới để bắt tay tôi.
Nàng gật đầu. “ Phải rồi, anh thể nào chẳng thấy tụi tôi đi chung vài lần, nhưng lần máy lạnh bị hư thì ảnh đang ở bên u châu. Tên ảnh là Edward. Ảnh lại đi u Châu nữa rồi. Hai năm vừa qua, ảnh ở bên u Châu nhiều hơn ở nhà. Cũng phải ráng chịu thôi.” Rồi như mới nghĩ ra, nàng nói thêm, “ Edward làm nghề xuất nhập cảng.”
(Trước đây tôi làm nghề bảo hiểm, nhưng rồi một hôm cả hãng nổ tanh bành), tôi nghĩ trong bụng nhưng không nói. Cuối cùng thì tôi nói.
“ Tôi đâu muốn đi hẹn hò đâu, bà Robeson,” hình như có một tia thất vọng loé lên trong mắt nàng. Tối thiểu thì nàng biết tôi không có ý đồ gì.
Nàng chống nạnh làm bộ giận. Hay giận thiệt, ai biết được. “ Thế thì anh muốn gì?”
“ Tôi chỉ muốn nói chuyện với ai. Tôi cố làm cuộc hẹn với bác sĩ tâm thần nhưng ai cũng bận hết rồi.”
“ Ông nào cũng bận?”
“ Thì gọi hết rồi.”
“ Nếu anh có trăn trở tình dục hay bỗng nhiên muốn vác súng bắn mấy anh đạo Hồi thì tôi không muốn nghe đâu nhé.”
“ Không có đâu. Hứa sẽ không làm bà đỏ mặt. Thề danh dự. Một bữa ăn trưa. Vài lời khuyên. Chỉ có thế thôi. Có được không?”
Tôi ngạc nhiên--sửng sốt thì đúng hơn--bởi khả năng thuyết phục của mình. Nếu tôi có tính trước thì chắc chắn đã không được vậy. Tôi nghĩ nàng cũng hơi tò mò, và chắc chắn thấy tôi thành thật. Cũng có thể nàng lý luận nếu tôi thuộc típ ve gái, thì đã dở trò ngay hôm tháng Tám khi chỉ có tôi và nàng trong căn phòng của nàng. Và tôi không biết nàng có thể thấy được vẻ tuyệt vọng trên khuôn mặt tôi không.
Cuối cùng thì nàng đồng ý đi ăn trưa với tôi thứ Sáu tại tiệm Donald’s Grill gần đó. Donald’s có thể là một tiệm ăn kém thơ mộng nhất Manhattan--thức ăn cũng khá, đèn thì đèn nê-ông, bồi thì dục khách như dục tà. Nàng đồng ý như một người phải trả một món nợ tưởng đã quên rồi. Buổi trưa cũng được, nàng nói. Nếu tôi xuống khách sảnh gặp nàng thì sẽ cùng đi bộ ra tiệm.
Tối hôm đó tôi ngủ thẳng cẳng. Chẳng có nằm mơ nằm miếc gì cả. Chẳng mơ thấy Sonja nhảy ra khỏi bin-đinh đang cháy mà tay nắm vạt váy, như cô tiếp viên hàng không nhảy xuống nước.
****
Khi đang thả bộ xuống đường số 86 ngày hôm sau, tôi hỏi Paula đang ở đâu khi nghe tin 9/11.
“ San Francisco,” nàng nói. “ Đang ngủ say trong phòng khách sạn Wradling bên cạnh Edward đang ngáy rầm rĩ như bình thường. Tôi dự định sẽ trở về đây ngày 9/12 và Edward phải đi họp ở Los Angeles. Ban quản trị̣ khách sạn đã bật còi báo động. “
“ Chắc phải sợ lắm nhỉ?”
“ Dĩ nhiên. Thoạt tiên tôi không nghĩ cháy nhà mà tưởng là động đất. Rồi một giọng vô cảm trên loa phóng thanh nói khách sạn không cháy, nhưng ở New York thì có vụ cháy lớn.”
“ Chúa ơi.”
“ Đang nằm trên giường trong một căn phòng lạ mà nghe như vậy---âm thanh vang vọng xuống từ trên trần nhà nghe như tiếng của Thượng Đế…” Nàng lắc đầu. Đôi môi cắn chặt đến độ không còn thấy được son môi. “ Thật là kinh hoàng. Tôi hiểu tại sao người ta làm vậy, nhưng tôi sẽ không bao giờ trở lại khách sạn ấy.”
“ Thế chồng bà có đi họp không?”
“ Cuộc họp bị hủy bỏ. Hôm đó chắc nhiều cuộc họp đã phải hủy bỏ. Chúng tôi nằm coi TV cho đến khi trời sáng bạch. Chúng tôi thắc mắc có ai quen biết không. Chắc ai cũng vậy nhỉ?”
“ Thế có nghĩ ra ai không?”
“ Một người đại diện tài chánh làm cho Shearson Lehman và người phụ tá quản lý tiệm sách Borders trong mall,” nàng nói. “ Một người không sao. Một người...có sao. Còn anh thì sao?”
Thế là tôi khỏi phải rào đón. Chưa tới nhà hàng mà đã vào thẳng vấn đề.
“ Đáng lý ra tôi phải có mặt ở đó,” tôi nói. “ Đó là chỗ làm của tôi. Một công ty bảo hiểm trên lầu một trăm mười.”
Nàng đứng khựng lại trên lối đi, nhìn tôi bằng cặp mắt mở to. Có lẽ những người khách bộ hành phải đi vòng quanh nghĩ chúng tôi là một cặp tình nhân. “ Scott, thật à?”
“ Thật mà,” tôi nói. Và cuối cùng tôi đã thổ lộ việc tôi thức dậy sáng 9/11 dự tính sẽ làm tất cả những việc thường ngày, từ tách cà phê đen nhâm nhi trong khi cạo râu cho tới cốc cocoa nhấp nháp trong khi coi tổng kết tin tức phát lúc nửa đêm trên băng tần số Mười Ba. Một ngày như mọi ngày. Quyền công dân của người Mỹ. Thế mà chiếc máy bay! Đâm đầu vào tòa nhà chọc trời! Ha ha, phân nửa thế giới cười khoái chí.
Tôi nói nhìn ra cửa sổ thấy bầu trời lúc bảy giờ sáng không một gợn mây, một màu xanh trong vắt tưởng như thấy được những vì sao xa tít tắp. Rồi tôi nói về những tiếng nói trong đầu. Tôi nghĩ ai chẳng có nhiều giọng khác nhau trong đầu mình. Năm tôi mười sáu, một giọng nói đã bảo tôi thủ dâm vào xì líp của bà chị. Cái giọng ấy đã thủ thỉ, (Chị Peg có cả ngàn cái, không biết mất đâu.) Tôi không nói vụ này cho Paula Robeson nghe. Tôi gọi cái giọng đó là giọng mất dạy, là giọng Mr Yow, Git Down.
“ Mr Yow, Git Down?” Paula hỏi, không hiểu.
“ James Brown, ông vua nhạc Soul.”
“ Vậy à?”
Mr Yow, Git Down sau đó không mấy khi nói chuyện với tôi nữa, nhất là sau khi tôi chừa rượu, nhưng sáng hôm ấy hắn thức giấc và nói với tôi vài câu. Chỉ vài câu thôi nhưng đủ thay đổi cả cuộc đời.
Câu đầu tiên, nói khi tôi đang ngồi mép giường, ( yow, gọi vào xin nghỉ đi. ) Câu kế tiếp khi tôi vừa đi vào phòng tắm vừa gãi đít, (yow, đi sở thú chơi. ) Chẳng có báo trước báo sau. Đúng là ông Mr Yow, Git Down rồi, không phải Thượng Đế.
“ Tôi hiểu ý anh muốn nói gì rồi.”
“ Thiệt không?”
“ Có lần tôi đã cởi phăng áo ra trong một bar ở Key West và lắc đít nhảy theo bài ‘Honky Tonky Women.’” Nàng nói. “ Edward không biết chuyện này, và anh mà méc lại thì tôi sẽ lấy cái kẹp cà-vát đâm mù mắt anh.”
“ Yow, hoan hô người đẹp,” tôi nói và nàng toét miệng cười, trông trẻ hẳn lên.
Chúng tôi vào tiệm Donald’s. Cánh cửa có treo miếng các tông cắt hình gà tây.
“ Nhờ nghe ông Mr Yow, Git Down mà tôi mới còn sống tới ngày hôm nay,” tôi nói. “ Nhưng có một số đồ vật cũng đi theo mà không cách nào có thể thoát được. Đó là cái tôi muốn nói chuyện với bà.”
“ Báo cho anh biết tôi không phải bác sĩ tâm thần,” nàng nói bằng giọng bứt rứt. “ Tôi có bằng về Đức văn và Lịch Sử Châu u.”
Tôi nghĩ thầm chẳng biết hai vợ chồng này có gì tương đồng để nói chuyện với nhau. Tôi chỉ bảo nói chuyện với ai cũng được, chẳng cứ gì là bà.
“ Được rồi. Miễn sao biết vậy được rồi.”
Chúng tôi gọi thức uống, decaf cho nàng, cà phê thường cho tôi. Khi bồi đi nàng hỏi đồ gì.
“ Đây là một cái,” tôi móc túi lấy ra khối thủy tinh có đồng xu bên trong và đặt lên bàn. Rồi tôi tả nhứng món đồ còn lại cũng như sở hữu chủ của chúng. Cleve “Moa thích bóng chày lắm” Farrell. Maureen Hannon, người đàn bà để tóc dài đến đít chỉ vì thâm niên công vụ. Jimmy Eagleton, người giỏi đánh hơi tai nạn dỏm, có con bị khuyết tật, và cái gối địt cất kỹ trong ngăn kéo, chỉ lôi ra mỗi buổi tiệc Giáng Sinh. Sonja D’Amico, nhân viên kế toán giỏi nhất của Light and Bell, được chồng cũ cho cái kính Lolita làm quà tặng sau một cuộc ly dị không được đẹp. Bruce “Chúa Ruồi” Mason, cởi trần thổi tù và ở bãi biển trong khi sóng đánh tới chân. Cuối cùng là Misha Bryzinski, người đã cùng tôi đi hàng chục trận banh của đội Mets. Tôi kể nàng nghe tôi đã bỏ hết, trừ con rối Punch, vào trong một bịch rác rồi để ở góc đường Park và 75, và rằng chúng đã bay trở lại phòng tôi, có lẽ trong khi tôi đang mua gà xào nấm. Khối thủy tinh vẫn nằm chình ình trên mặt bàn.
Nói xong tôi cảm thấy nhẹ hẳn cả người. Nhưng nàng hoàn toàn im lặng, một nỗi im lặng nặng nề.
“ Thế,” tôi nói để phá tan sự yên lặng. “ Bà nghĩ sao?”
Nàng ngẫm nghĩ một hồi lâu, “ Tôi nghĩ mình không còn là người xa lạ,” nàng nói, ” Có một người bạn mới cũng là cái hay.”
“ Tôi cũng vậy.” Và thật vậy.
“ Tôi có thể hỏi anh hai câu hỏi được không?”
“ Dĩ nhiên là được.”
“ Anh có cảm thấy ít nhiều ‘mặc cảm của kẻ sống sót’ không?”
“ Tôi tưởng bà không phải là bác sĩ tâm thần.”
“ Đâu cứ phải là bác sĩ tâm thần mới biết. Tôi cũng biết đọc báo và coi chương trình Oprah vậy. Sao? Ít hay nhiều?”
Tôi ngẫm nghĩ. Đó là một câu hỏi khá hay. Tôi đã từng tự hỏi lòng mình điều đó không biết bao nhiêu lần trong những đêm dài trằn trọc không ngủ được. “ Khá nhiều,” tôi nói. “ Và thú thật cũng cảm thấy mình may mắn. Nếu ông Mr Yow, Git Down mà có thật thì tôi sẽ bao ăn ổng suốt đời. Có thấy sốc không?”
Nàng chồm người tới đụng nhẹ bàn tay tôi. “ Không một chút nào.”
Nghe nàng nói vậy tôi thấy sung sướng hơn một tí. Tôi bóp nhẹ tay nàng rồi buông ra. “ Còn câu hỏi thứ hai?”
“ Việc tôi có tin hay không tin có quan trọng lắm đối với anh không?”
Lại một câu hỏi thật là hay mặc dù khối thủy tinh đang nằm sờ sờ cạnh hộp đường. Kiếm mấy thứ này đâu có khó khăn gì. Tôi nghĩ giá nàng có học tâm lý thay vì Đức văn thì cũng xuất sắc chứ không chơi.
“ Cũng không quan trọng như tôi đã nghĩ,” tôi nói. “ Nói ra được cũng nhẹ cả người rồi.”
Nàng gật đầu mỉm cười, “ Tốt. Đây là phỏng đoán của tôi: có người đang tìm cách chơi anh. Hơi ác một tí.”
“ Chơi tôi’” tôi nói. Tôi cố không lộ vẻ thất vọng. Có trường hợp, thái độ không tin là một hình thức tự vệ. Hay có thể tôi đã không đủ khả năng diễn tả.
“ Chơi anh,” nàng đồng ý xong nói tiếp. “ Nhưng anh không tin vậy.”
Nhận xét khá tinh tế. Tôi gật đầu. “ Tôi khóa cửa khi đi ra, và khi trở về cửa vẫn khóa.”
“ Mặc cảm sống sót nó kỳ lắm. Và ảnh hưởng khá mạnh, tối thiểu là theo lời của mấy bài báo.”
“ Cái này…” (không phải là mặc cảm sống sót ) tôi muốn nói, nhưng nói ra không nên. Tôi đang cố có một người bạn mới, và có một người bạn mới là một điều tốt, không cần biết chuyện này đi tới đâu. Nên tôi chữa lại. “ Tôi không nghĩ nguyên do là mặc cảm sống sót.” tôi chỉ khối thủy tinh. “ Nó nằm sờ sờ đây nè, phảii không? Bà thấy nó. Tôi cũng thấy nó. Dĩ nhiên tôi có thể ra tiệm mua nó về nhưng…” tôi nhún vai cố cho thấy điều cả hai đều đã biết: cái gì cũng có thể.
“ Tôi không nghĩ anh làm vậy. Nhưng tôi cũng không chấp nhận ý tưởng có một cánh cửa ăn thông giữa thực tại và vùng tranh sáng tranh tối của twilight zone để mấy vật này lăn sang.”
Đúng vậy. Đó mới là vấn đề. Đối với Paula thì ý tưởng khối thủy tinh và những đồ vật khác xuất hiện trong phòng tôi có một nguồn gốc siêu hình là việc không thể chấp nhận được, không cần biết chứng cớ. Cái tôi phải quyết định là có nên cãi tiếp để rồi mất tình bạn hay không. Tôi quyết định không.
“ Được rồi,” tôi nói. Tôi liếc nhìn anh bồi và ra dấu viết check trên không. “ Tôi chấp nhận sự không chấp nhận của bà.”
“ Chấp nhận được không?” nàng hỏi, nhìn tôi chăm chăm.
“ Được,” Tôi thật tình nghĩ vậy. “ Với điều kiện mình có thể thỉnh thoảng mời nhau ly cà phê, hay gặp nhau thì chào hỏi. Thế thôi.”
“ Đồng ý.” Tuy nói vậy nhưng trông nàng có vẻ xa vắng. Nàng nhìn khối thủy tinh rồi lại nhìn tôi. Tôi tưởng tượng ra một bóng đèn loé sáng trên đầu như trong tranh hoạt họa. Nàng với tay cầm lấy nó. Tôi không thể diễn tả nổi tâm trạng sợ hãi của mình khi nàng làm như vậy, nhưng biết nói gì bây giờ? Chúng tôi là hai người New Yorkers trong một tiệm ăn sáng sủa. Phần nàng, nàng đã khẳng định là sẽ không chấp nhận bất cứ một giải thích siêu nhiên nào.
Và trong đôi mắt Paula có một tia lấp lánh. Một dấu hiệu của ông Mr Yow, Git Down, và cứ theo kinh nghiệm của tôi thì đó là một giọng khó có thể khước từ.
“ Cho tôi đi,” nàng cười cười đề nghị. Khi làm vậy thì tôi thấy nàng không những xinh xắn mà còn gợi cảm nữa.
“ Tại sao?” Làm bộ như không biết.
“ Coi như tiền công nghe chuyện.”
“ Tôi không nghĩ đó là một --”
“ Tôi nghĩ chỉ có cách ấy hay nhất,” nàng nói. Nàng đang bắt đầu có hứng, và khi người ta nổi hứng rồi thì có mà trời cản. “ Một diệu kế. Tôi giữ món kỷ vật này để nó không lon ton chạy về nhà anh. Phòng tôi có cái két sắt.” Nàng làm bộ tịch rất có duyên của người đóng cửa tủ sắt, vặn khoá, rồi đáp chìa khóa ra sau lưng.
“ Cũng được,” tôi nói. “ Tặng cho bà.” Và tôi cảm thấy một niềm hoan hỷ có ác ý. Cứ gọi nó là giọng của Ông Mr Yow, Rồi Sẽ Biết. Thì ra nói cho hả dạ không thôi chưa đủ. Một phần của tôi muốn được tin và hơi xì nẹc với Paula vì đã không tin mình. Tôi biết để nàng giữ khối thủy tinh là điều không nên, nhưng vẫn hoan hỷ nhìn nàng bỏ nó vào bóp.
“ Xong,” nàng nói. “ Nếu sau một tuần--hay hai tuần--mà nó không xuất hiện, cũng tùy xem tiềm thức anh bướng bỉnh cỡ nào, thì rồi anh có thể đem đi cho hết là xong chuyện.”
“ Mong là như vậy,” tôi nói, và nở một nụ cười. Một nụ cười cho người bạn mới. Một nụ cười cho một người đẹp. Nhưng trong bụng tự nhủ, Rồi nàng sẽ biết.
****
Và rồi nàng đã biết.
Ba hôm sau, trong khi tôi đang nghe Chuck Scarborough giải thích vấn nạn kẹt xe của thành phố trên chương trình tin tức lúc sáu giờ chiều thì có tiếng chuông cửa. Không nghe thấy tiếng người nên tôi nghĩ chắc lại là Rafe giao một kiện hàng FedEx nào đó. Tôi mở cửa ra và Paula Robeson đang đứng ngay đó.
Đây không phải là người đàn bà đã cùng tôi đi ăn trưa. Cứ gọi tạm nàng này là Bà Yow, Sau Khi bị Hóa Trị. Ngoài một lớp son mỏng, nàng không trang điểm gì khác, và da nàng có màu vàng tai tái. Hai mắt nàng thâm quầng màu nâu tím. Có thể nàng đã chải vội tóc trước khi xuống đây, nhưng tóc nàng rối bời như những cọng rơm tua tủa tứ phía. Nàng đang ôm khối thủy tinh trước ngực và tôi thấy những móng tay của nàng đã bị gặm cụt.
Nàng đưa tôi khối thủy tinh. “ Nè, lấy lại đi.”
Tôi không nói tiếng nào, cầm lấy.
“ Tên ông ta là Roland Abelson,” nàng nói. “ Đúng không?”
“ Đúng.”
“ Tóc đỏ?”
“ Đúng.”
“ Không có vợ nhưng trả tiền cấp dưỡng con cái cho một người đàn bà sống ở Rahway.”
Cái đó thì tôi không biết--Tôi không nghĩ có mấy người làm biết điều này--nhưng tôi vẫn gật vì biết chắc là phải đúng. “ Tên bà ấy là gì?” Chẳng biết tại sao tôi lại hỏi, chưa biết tại sao.
“ Tonya Gregson.” Nàng nói như đang lên đồng. Tuy nhiên trong đôi mắt nàng lộ một ánh kinh hoàng đến độ tôi không dám nhìn thẳng. Tôi cố nhớ cái tên. Tonya Gregson, Rahway.
“ Anh có biết ông ta đã phải chui dưới gầm bàn không? Không hả?. Tóc ông ta đã bốc cháy và ông khóc lóc thảm thiết. Bởi vì trong giây phút ấy ông hiểu mình sẽ không bao giờ có dịp mua cái thuyền đôi hay cắt cỏ sân nhà.” Nàng đặt tay lên má tôi, một cử chỉ suồng sã cho dù bàn tay có lạnh như băng. “ Giây phút cuối cùng, ông ta sẵn sàng đánh đổi cả gia tài sự nghiệp chỉ để được cái cơ hội cắt cỏ sân nhà của mình một lần nữa. Anh có tin không?”
“ Có.”
“ Tiếng gào thét kêu to khắp nơi, ông ta ngửi được cả mùi xăng phản lực, và ông biết LÀ GIỜ ĐÃ ĐIỂM. Anh có thể hiểu được điều đó không? Anh có hiểu được sự KHỦNG ĐẠI của điều đó không?”
Tôi gật đầu mà không nói được thành tiếng. Bây giờ có kê súng vào đầu bắt tôi nói tôi cũng không mở miệng được.
“ Lũ chính trị gia mở miệng nào là tượng đài kỉ niệm, nào là lòng can đảm và cuộc chiến chống khủng bố, nhưng khi tóc cháy thì chẳng có chính trị chính em gì cả.” Nàng nhăn mặt để lộ cả hàm răng. Chỉ một giây thôi rồi biến mất. “ Ông ta cố chui dưới gầm bàn trong khi tóc cháy phừng phừng. Dưới bàn có miếng nhựa, gọi là cái gì đó---”
“ Miếng chùi chân---”
“ Đúng vậy, một miếng chùi chân bằng nhựa, tay ông ta chống lên đó, ông ta cảm thấy được những lằn nhựa và ngửi thấy mùi tóc cháy. Anh có hiểu không?”
Tôi gật đầu và bắt đầu khóc. Roland Abelson làm khu Trách Nhiệm Bảo Hiểm Nhân Sự. Tôi không quen thân với anh. Thỉnh thoảng gặp nhau thì vẫy tay chào, thế thôi. Làm sao biết anh có con ở Rahway? Nếu hôm ấy tôi không nghỉ thì tóc cũng đã cháy. Tôi chưa hề nghĩ đến điều này bao giờ.
“ Tôi không muốn nhìn thấy cái bản mặt của anh nữa,” nàng nói. Nàng nhe răng nở nụ cười gớm ghiếc, nhưng rồi bắt đầu khóc tức tưởi. “ Tôi đếch thèm biết đến vấn đề của anh nữa. Kể cả những thứ anh đã nhặt nhạnh được. Kể từ giờ trở đi, đừng có làm phiền tôi nữa.” Nàng bắt đầu quay lưng bỏ đi, nhưng quay lại. Nàng nói. “ Chúng nó làm vậy là nhân danh Thượng Đế, nhưng chẳng có Thượng Đế nào hết. Nếu có Thượng Đế thật, thì ngài đã phải cho sét đánh chết tươi cả mười tám thằng khi chúng đang ngồi phòng đợi ở phi trường, giấy lên máy bay nằm sẵn trong tay, nhưng chẳng có Thượng Đế nào làm vậy cả. Và rồi mấy thằng chó đẻ ấy lên máy bay tỉnh bơ ”
Tôi nhìn nàng đi ra thang máy. Lưng nàng cứng ngắc. Tóc nàng dính hai bên đầu trông giống như một cô bé trong tranh hí họa báo Chủ Nhật. Tôi không trách nàng không muốn nhìn mặt tôi nữa. Tôi đóng cửa rồi nhìn hình ông Lincoln trong khối thủy tinh. Tôi nhìn ông một thời gian lâu. Tôi thắc mắc không biết râu ông sẽ có mùi gì nếu ông Grant dụi điếu xì gà cố hữu vào đó. Cái mùi thịt nướng gớm ghiếc. Trên TV một người nào đó đang thông báo tiệm Sleepy’s đang có đại hạ giá nệm. Sau đó, Len Berman xuất hiện và bắt đầu nói về đội Jets.
****
Tối hôm ấy, tiếng thì thầm làm tôi giật mình thức dậy lúc hai giờ sáng. Tôi không nằm mơ cũng chẳng có ảo tưởng về những vật chủ, không thấy ai tóc cháy hay nhảy lầu trốn cháy, nhưng cũng phải thôi. Tôi biết họ là ai, và những vật họ để lại đã để lại cho tôi. Để Paula giữ khối thủy tinh là điều không phải, nhưng chỉ vì Paula không đúng người.
Nhắc đến Paula mới nhớ, một trong những giọng nghe được hôm ấy là của nàng. ( --cũng tùy theo tiềm thức anh bướng bỉnh cỡ nào, xong rồi anh có thể đem đi cho hết là xong chuyện.)
Tôi nằm xuống và sau một hồi tôi có thể ngủ lại. Tôi mơ thấy mình trong công viên quốc gia cho vịt ăn, bỗng có tiếng nổ như siêu thanh và rồi khói bốc nghi ngút. Trong giấc mơ, khói có mùi tóc cháy.
****
Tôi nghĩ về Tonya Gregson ở Rahway--Tonya và đứa nhỏ có thể có hay không có đôi mắt của Roland Abelson--và dù rồi tôi cũng phải đến đó, tôi quyết định bắt đầu với người góa phụ của Bruce Mason trước.
Tôi đi xe lửa đến phà Dobbs Ferry và gọi tắc xi từ trạm. Anh tài xế tắc xi chở tôi đến một căn nhà kiểu Cape Cod trên một con đường khu dân cư. Tôi đưa anh ít tiền, bảo ảnh đợi--tôi sẽ không lâu--và bấm chuông cửa. Tôi kẹp nách một cái hộp, loại hộp đựng bánh ngọt.
Tôi chỉ phải bấm một lần vì đã gọi trước và Janice Mason đã chờ sẵn. Tôi đã chuẩn bị sẵn sàng những điều muốn nói và nói một cách đầy tự tin, vì biết là có chiếc tắc xi ngồi đợi sẽ khỏi phải giải thích chi tiết.
Tôi nói hôm 9/7 tôi năn nỉ mượn chiếc tù và của Bruce để đem về nhà tập dợt. Rồi đến sáng thứ Ba, tôi bị viêm xoang mũi nặng và còn bị nhức đầu như búa bổ nữa. (Đây là một câu chuyện tôi đã nói với nhiều người.) Tôi đang uống trà nóng thì nghe một tiếng nổ long trời lở đất và thấy cột khói bốc lên nghi ngút. Tôi quên bẵng đi cái tù và mãi cho đến tuần này khi tôi dọn dẹp tủ xép thì mới thấy nó. Tuy chẳng là gì nhưng tôi nghĩ...biết đâu.
Đôi mắt nàng ứa lệ như tôi đã khóc khi Paula mang khối thủy tinh lại, nhưng lần này không có nét mặt kinh hoàng như trên khuôn mặt tôi khi Paula đứng đó với những sợi tóc cứng chỉa ra hai bên. Janice bảo tôi nàng rất sung sướng nhận lại bất cứ kỷ vật nào của Bruce.
“ Tôi không thể quên được lần chúng tôi từ giã,” nàng nói, tay cầm cái hộp. “ Anh ấy hay đi sớm vì phải đi xe lửa. Anh ấy hôn lên má tôi và tôi mắt nhắm mắt mở nói ảnh mang về nửa lít sữa. Ảnh nói được rồi. Đó là lần cuối cùng ảnh nói với tôi. Khi ảnh ngỏ lời cầu hôn, tôi cảm thấy mình như nàng Helen của thành Troy--chuyện hơi cải lương nhưng có thực một trăm phần trăm--và phải chi tôi đã nói một lời nào tình tứ hơn lời yêu cầu mua sữa. Nhưng chúng tôi đã lấy nhau lâu, và hôm ấy như mọi hôm khác và...ở đời mấy ai học được chữ ngờ, phải không anh?”
“ Đúng vậy.”
“ Cám ơn anh Staley đã bỏ công ra tận đến đây để đưa lại cho tôi.” Nàng chợt mỉm cười. “ Anh còn nhớ anh ấy đứng cởi trần trên bãi biển thổi cái tù và này không?”
“ Có chứ,” tôi nói và nhìn cách nàng ôm cái hộp. Rồi nàng ngồi xuống lấy cái vỏ ốc ra và gục mặt khóc. Và tôi biết cái tù và đã về nhà và sẽ không bao giờ trở lại phòng tôi.
****
Tôi trở lại nhà ga đi xe lửa về New York. Toa xe buổi chiều không một ai, và tôi ngồi bên cái cửa kính dính đầy đất cát và nước mưa, nhìn ra con sông và chân trời đang tiến lại gần.
Mai tôi sẽ đến Rahway, cầm theo khối thủy tinh có đồng xu. Có thể đứa bé sẽ ôm lấy nó bằng đôi tay bụ bẫm rồi ngắm nhìn một cách tò mò. Thế nào đi nữa thì tôi sẽ không còn thấy vật ấy nữa. Cái gối địt của Jimmy Eagleton mới là rắc rối. Chẳng lẽ tôi lại nói mình mang nó về nhà để tập dợt sao? Nhưng tôi tin là thế nào rồi cũng nghĩ ra được một lý do khả tín.
Tôi chợt nghĩ biết đâu những đồ vật này có thể thỉnh thoảng xuất hiện. Biết đâu đấy cũng là cái hay. Khi mang trả những món đồ mà người ta tưởng đã mất luôn rồi, những món đồ có TRỌNG LƯỢNG, thì lại có được những đền bù. Ngay cả những vật nhỏ bé, như một cặp kính hay đồng xu nằm trong khối thủy tinh.

Thursday, July 28, 2016

Andrew Lam


Andrew Lam là tác giả của Perfume Dreams: Reflections on the Vietnamese Diaspora và East Eats West: Writing in Two Hemispheres.  Cuốn sách mới nhất của anh, Birds of Paradise Lost, đã được xuất bản vào tháng Ba, 2013.  Đây là bài nói chuyện của anh năm 2014 tại một trường trung học nơi mà học sinh đã quyên tiền cho nạn nhân bão lụt tại miền trung Việt Nam.



Tôi băn khoăn không biết nói gì về Việt Nam và những kinh nghiệm mà tất cả chúng ta mang theo.  Cái ràng buộc tôi với Việt Nam vẫn còn phức tạp và là một quan hệ có nhiều mâu thuẫn, mãi chưa giải quyết xong.  Kinh nghiệm Việt Nam của tôi vẫn cứ thay đổi mãi với thời gian.  

Tôi rời Việt Nam khi lên 11 lúc cuộc chiến vừa tàn.  Gia đình chúng tôi sang Mỹ với hai bàn tay trắng và đã phải làm lại từ đầu.  Có giai đoạn chúng tôi đã sống kiếp tha hương túng thiếu, phải ở chung với hai gia đình Việt Nam khác trong một chung cư cuối đường Mission nơi San Francisco giáp ranh với khu lao động của thành phố Daly City.  Chúng tôi cố để vươn lên tới tầng lớp trung lưu.  Có lúc chúng tôi đã ngụp lặn trong những mất mát và ước ao.  

Những vị đủ lớn để nhớ thì biết đấy, Việt Nam không phải là một đề tài dễ-đo-lường, và là một câu truyện khó-có-thể-đóng-khung.  Vấn đề Việt Nam vẫn tiếp tục thay đổi, nhưng là một văn sĩ và một người đến từ mảnh đất ấy, tôi thắc mắc không biết trong tất cả những viết lách có dính đến chữ “Việt Nam", chúng ta có thực sự nói về cùng một quốc gia hay không.

Hãy thử đọc vài đầu đề trong tin tức mấy năm gần đây:

-CNN: Vấn đề A-Phú-Hãn bị ám ảnh bởi bóng ma Việt Nam.

- London Telegraph: Barack Obama phải thôi do dự- kẻo không thì A-Phú-Hãn sẽ là Việt Nam của ông.  

-New York Times:  Một hướng dẫn kiểu chiến tranh Việt Nam cho A-Phụ́-Hãn.

-Baltimore Sun:  A-Phú-Hãn là Việt Nam của Obama.

-Global Post:  Cuộc chiến nào của Mỹ dai dẳng nhất, A-Phú-Hãn hay Việt Nam?

-The Canada Free Press: Việt Nam và tại sao ta mất A-Phú-Hãn  


Thường thì khi nhắc đến từ “Việt Nam" bên Hoa Kỳ, người ta không nói đến Việt Nam như một quốc gia.  Không như Thái Lan hay Mã Lai Á.  Chữ Việt Nam có một tương quan đặc biệt với người Mỹ: nó đã thành một cái nhà kho chất đầy những ám dụ bi thảm- biểu tượng cho sự mất ngây thơ, cho thảm kịch, cho hệ quả của sự thua trận, và cho sự thất bại.   Lần đầu tiên trong lịch sử của chúng ta, người Mỹ đã bị sa lầy trong quá khứ, đã bị ám ảnh bởi những câu hỏi không có câu trả lời, và đã phải đối diện với một kết cục bi thảm.

Đến độ mà chú tôi, một phi công trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa, đã có lần nhận định, “ Khi người Mỹ nói về Việt Nam thực ra họ đang nói về chính nước Mỹ.  “ Người Mỹ không quen thua trận và dĩ vãng không được đẹp,”  chú nói thêm.  “ Họ cố trốn chạy,” chú nói kiểu khôi hài chua chát của chú, “ Họ có thói quen đổ lỗi những nước nhỏ cho những gì xảy ra cho Hoa Kỳ.  AIDS đến từ Haiti, cúm từ Hồng Kông hay Mexico, ma túy từ Columbia, bão từ Caribbean. “

Rồi còn cha tôi, một người chỉ nói chuyện Việt Nam thời chiến sau khi đã uống vài ly.  Khi say cụ nhớ lại thời còn làm lớn, thời còn là chiến sĩ đánh giặc và thắng trận, cái thời của khí phách và hứa hẹn.  Nhưng cụ không thể nói về cái kết cục, về sự thua cuộc và nỗi tủi nhục và những mất mát thê thảm.  Về những đồng đội và người em ruột phải đi cải tạo.  Về những người lính đã để lại khi cụ trốn chạy.  

Tôi đã trở lại Việt Nam nhiều lần.  Và lần nào tôi cũng cố đặt Việt Nam vào một góc nhìn nào đó.

Và khi tôi thoát ra khỏi quan điểm của cha tôi, ra khỏi bóng của người, tôi nhận ra là có nhiều cách nhìn về cái quê hương ấy.  

Chẳng hạn như vài năm trước đây khi tôi về Việt Nam để cùng làm một cuốn phim tài liệu PBS tên là Chuyến Về Nhà của Tôi và tôi đã làm một cái trò rất ư là du khách: Tôi đã đến đường hầm Củ Chi ở Tây Ninh, cạnh Cam Bốt, một hệ thống những đường hầm chằng chịt như mê lộ nơi Việt Cộng đã ẩn trú trong một cuộc chiến cách đây nhiều năm.

Hôm đó cũng có nhiều cựu quân nhân Mỹ ở cái tuổi sấp xỉ thất tuần--họ đã chiến đấu và có nhiều mất mát ở Việt Nam.  Đây là lần đầu tiên họ trở lại.  Họ cảm động lắm.  Vài anh đã khóc hu hu khi chui ra khỏi chỗ thăm viếng ấy.  Một cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam đã nức nở nói rằng trong cuộc chiến ông đã “ bỏ nhiều thời gian tìm kiếm chốn này như những đồng đội đã ngã gục đã từng làm.”

Thế nhưng cô hướng dẫn viên du lịch trẻ tuổi người Việt, sanh ra sau khi cuộc chiến đã chấm dứt, đã không thấy quá khứ:  Cô chỉ mơ về một tương lai toàn cầu.  Cô bảo tôi vì kỹ nghệ du lịch nên người Việt mới phải đào xới những sào huyệt ngày xưa lên.  Rồi cô nói nhỏ: “ Hồi xưa nó nhỏ hơn nhiều.  Nhưng bây giờ thì đường hầm Củ Chi đã được làm rộng ra.  Biết tại sao không?  Để những người Mỹ mập ù có thể chui lọt.”

Cô thường phải chui trong cùng đường hầm với những người ngoại quốc, nhưng khi chui ra thì cô lại có ý tưởng khác.  Trong đầu cô có đầy hình ảnh của Cầu Vàng và xe cáp và xa lộ hai tầng và Hollywood và phim trường Universal Studios.  “ Giờ tôi có nhiều bạn bè bên đó lắm,” cô nói mà đôi mắt mơ màng với ước vọng chung của tuổi trẻ Việt Nam.  “ Họ mời tôi sang.  Tôi đang để dành tiền cho chuyến đi hoành tráng này.”  Nếu có thể, cô nói, cô sẽ sang Mỹ học.  

Và thế là tôi đứng ở miệng hầm mà suy nghĩ rằng, cuối cùng  thì có lẽ cuộc chiến này sẽ không bao giờ có một kết cục.

Người miền bắc xem đấy là một cuộc chiến mà họ giải phóng miền nam khỏi tay đế quốc Mỹ.  Những người Việt lưu vong chúng tôi thì khắc cốt ghi tâm ngày mất nước.  Không thiếu gì truyện thuyền nhân người Việt đã bỏ xứ ra đi để thoát khỏi ách kềm kẹp.   Hàng chục ngàn người khác bị gửi đi những trại cải tạo.  Còn có truyện những thanh niên chạy giặc ở Cam Bốt nơi mà người Việt là đoàn quân đế quốc xâm lược.  Và dĩ nhiên, truyện của những người cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam trở về để nhìn lại mất mát và để làm hòa với quá khứ.

Đây là một thiếu nữ sanh ra sau khi cuộc chiến đã tàn, khi nhìn vào đường hầm trước đây là tổng hành dinh của Việt Cộng thì nàng đã thấy gì? Magic Kingdom.  Đương nhiên có những người được đường hầm Củ Chi đưa trở lại quá khứ, nhưng với cô hướng dẫn viên du lịch trẻ tuổi này thì nó có thể sẽ mang lại tương lai.  Việt Nam quả tình là một quốc gia nhiều người trẻ và đã tăng  gấp đôi kể từ khi cuộc chiến đã chấm dứt, bây giờ con số lên tới hơn 95 triệu.  
“ Giờ tôi có nhiều bạn bè bên đó lắm,” cô nói mà đôi mắt mơ màng với ước vọng chung của tuổi trẻ Việt Nam.
“ Họ mời tôi sang.  Tôi đang để dành tiền cho chuyến đi hoành tráng này.”

Nói một cách khác, chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến nhiều góc cạnh và còn phức tạp hơn nữa vì quá nhiều quan điểm.  Do đó khi nói về Việt Nam ta chẳng nên giản dị hóa mà hãy giang rộng vòng tay để nó trở thành câu truyện dân gian, của con người, thay vì là một thứ ẩn dụ cho bi kịch.


**


Riêng tôi, sau nhiều năm tháng thì tôi đã làm hòa với nó.  Sau một thời gian lâu tôi mới nhận thức được là, đối với những người mà cuộc đời đã bị đảo lộn bởi giòng lịch sử, thì cá nhân đối với lịch sử cũng như sông ngòi đối với biển cả.  Câu đố của James Baldwin thực ra chỉ là câu hỏi cho có chuyện khi ông đặt ra trong một thiên tiểu luận, “ Mấy ai đã chế ngự được quá khứ của mình?” và ông đã tự trả lời: “ Người ta mắc bẫy trong lịch sử và lịch sử mắc kẹt trong người ta.”  Nhưng xin lỗi, ta có thể tiếp lời đánh giá hơi ác nghiệt của Baldwin với lời khuyên sắc bén của N.Scott Momaday: “ Còn kể lại được thì còn có thể chịu đựng được.”

Cái phản ứng trưởng thành hơn đối với thảm kịch của chính mình không phải là sự thù ghét hay oán giận mà là lòng kiên trì để cố gắng vượt qua những giới hạn của cuộc đời.  Lịch sử quả có mắc kẹt không lối thoát trong tôi thật, nhưng chính tôi phải là người tự giải quyết nó, phải truyền bá nó, phải biện biệt, trưng dụng, và cuối cùng biến nó thành một sự tự diễn có nghệ thuật.  Và bởi thế nên tôi viết.  Và tôi viết.  Và viết,  

Và qua những câu truyện về Việt Nam, khi nhìn vào những nhu cầu và vấn đề hiện tại, và khi cố đóng góp vài nhận định, mà tôi đã tìm thấy đường về.

Và không chỉ mình tôi đâu.

**

Một người bạn trẻ người Mỹ gốc Việt của tôi ở Los Angeles có người chị bị giết bởi hải tặc Thái trên đường tị nạn, cô mới trở lại Sài Gòn, và giờ này đã là một doanh nhân thành công.  Một người khác, cha là đại tá từng bị cải tạo 14 năm, đã đi hưởng tuần trăng mật ở Việt Nam mặc dù ghét cay ghét đắng chế độ Hà Nội.  Lại một người khác, cha bị biệt giam nhiều năm dưới chế độ Cộng sản, rồi một ngày anh ta trở về, viết một cuốn sách và giờ làm chủ một quán bar đông khách ở Hà Nội.  

Người em họ của tôi, gia đình mất hết của cải phải chạy sang Pháp, đã trở lại lập gia đình ở Việt Nam và mở tiệm bán rượu vang Pháp.  Chú đã thành công ngay ở nơi mà cha chú trước đây đã bị giam cầm trong trại tập trung đầy muỗi mòng sốt rét.  Đó có lẽ cũng là một hình thức báo thù hay nhất.

Một người bạn khác đi thêm một bước xa hơn: cuối thập niên 70, chị và gia đình phải trốn bằng thuyền, nhưng chị đã trở lại, mang theo tiền quyên góp được ở Silicon Valley để thiết lập chương trình nhằm giúp đỡ những gia đình nghèo khó ở vùng đồng bằng sông Cửu Long để họ khỏi phải bán con cho lũ buôn bán phụ nữ, trẻ con.  

Tuy thua trận chiến nhưng những người này đã trở thành kẻ thắng hòa bình.

Họ đã làm lại cuộc đời, và, quan trọng hơn cả, đã không để lòng thù hận và phẫn nộ chế ngự tâm hồn, và có người còn trở thành những tác nhân tích cực trong công cuộc thay đổi đất nước Việt Nam.

Cuối cùng thì chỉ có những cuộc đời sống cho mỗi ngày mới có ý nghĩa, chỉ khi ta cố hết sức mình để gây ảnh hưởng và tạo một tương lai tươi sáng hơn cho con người, mới có ý nghĩa.  Chỉ có khi ta giải quyết những nhu cầu và khổ đau của người sống thì bóng ma của quá khứ mới được an ủi.  Và chỉ khi nhìn về Việt Nam không bằng cặp mắt nhuộm đầy thù hận lịch sử, mà bằng con mắt của tình người, thì đất nước mới được rộng mở.

Hồi xưa tôi có nghe đức Đại La Lạt Ma nói thế này với một cử tọa người Mỹ:

“ Muốn người khác được hạnh phúc, phải có trắc ẩn chi tâm.  Nếu chính mình hạnh phúc, phải có lòng trắc ẩn.”  

Tôi biết, nói thì dễ, làm mới khó.  Có lúc trong lòng tôi bừng cháy một nỗi u sầu và phẫn nộ tưởng như chẳng có gì có thể dập tắt được.

“ Muốn người khác được hạnh phúc, phải có trắc ẩn chi tâm.  Nếu chính mình hạnh phúc, phải có lòng trắc ẩn.”

Có nghĩa là nếu muốn nhìn Việt Nam, hay bất cứ quốc gia nào, vượt ra khỏi chính trị địa dư của nó, vượt ra khỏi quan hệ lịch sử với Hoa kỳ, thì ta phải mở rộng lòng ra .  Nếu muốn thấy tự do, thì ta phải tôn trọng nhân phẩm.  Và nếu muốn tìm thấy an bình, thì ta phải tha thứ kẻ khác, và quan trọng không kém, phải tha thứ chính mình.

Đó là cái mà tôi, dù cho có buồn và mang nặng kỷ niệm, vẫn cố tìm tới.  Và khi đối diện với nỗi đau con người, tôi hy vọng tất cả chúng ta đều cố vươn lên.