Monday, January 23, 2017

Bản Đồ của sự Bội Phản --Hà kim 1955


1955

Tháng Hai năm 1955, một tháng trước sinh nhật thứ 31, Gary nhận được tin cơ quan sắp sửa chuyển về Mỹ.  Thomas rủ anh đi theo và Gary đồng ý, dân tị nạn mà, phải giữ lấy việc chứ.  Bây giờ anh phải bán hết đồ đạc.  Chiếc xe jeep anh bán 200 đô cho một thương gia người Đài Loan chuyên buôn rượu.  Còn cái chiếu tatami, hai cái ghế, cái bếp ga và nồi niêu song chảo thì anh đem đi cho.  Duy có sách vở là anh giữ đem theo, kể cả những cuốn đã đọc rồi.  

Đầu tháng Ba họ xuống tàu đi về San Francisco rồi từ đó đi xe hỏa băng ngang lục địa Hoa Kỳ.  Gary đã đọc nhiều về Hoa Kỳ nhưng vẫn không ngờ đất đai rộng lớn và lắm chỗ thưa người tuy có thừa nước và đất hoa màu đến như thế.  Hèn chi người Tàu gọi đây là Mỹ Quốc--đất nước đẹp.  Bầu trời cao tít tắp màu xanh thẫm thích hợp với cái cảnh quan vô cùng vô hạn.  Anh bị choáng ngợp trước cảnh những khu rừng, núi non, sa mạc, hồ nước, đồng cỏ, và nông trại.  Mỗi trang trại có một ngôi nhà, một chuồng ngựa, một kho chứa lúa, đôi khi một cái máy xay gió;  nhìn xa xa trông tưởng như đồ chơi.  Những đàn bò đàn ngựa thoải mái gặm cỏ mà không bị cột hay đóng gông.  Những cánh đồng thì bằng phẳng và trải tận chân trời.   Cái gì vậy?  Gary thấy một cấu trúc cao, sáng óng ánh khi xe đi vụt qua.  Chắc là tháp nước hay nhà máy lọc dầu.  Khi đi ngang qua một cánh đồng ở Nebraska, anh thấy một đàn bò rừng, không hiểu là thú hoang hay người ta nuôi.  Anh đọc đâu nói là bò rừng bị diệt tuyệt chủng bởi dân di cư Âu Châu thời cuối thế kỷ mười chín, nhưng Thomas cả quyết đây là bò hoang.

Cơ quan được dọn về một con đường nhỏ, vắng vẻ ở Alexandria, Virginia, như một bộ phận cung ứng dịch vụ thông dịch của CIA.  Gary có văn phòng riêng trong một tòa nhà ba tầng nhỏ; phía đông là một ngôi rừng cây tùng và cây sồi.  Anh ở cách đó có vài bloc và đi bộ đi làm.  Chung cư thuê 42 đô một tháng, có một phòng ngủ, và một phòng nhỏ dùng làm phòng làm việc.  Trong phòng có hai kệ sách, bên dưới chất đầy bách khoa toàn thư, ấn bản năm 1913, do chủ cũ để lại.  Phòng tắm trông sập xệ, gương trầy lộ lớp đồng lốm đốm và thanh mành mành trĩu xuống vì cũ kỹ.  Nhưng cái bồn tắm có chân, vây bởi bức màn tắm mới, làm Gary hài lòng vả cảm thấy sang trọng mỗi lần chui vào đó ngâm người.  Hơn thế nữa, nước máy uống ngon, ngon hơn tất cả những chỗ khác.

Đời sống Hoa Kỳ làm anh kinh ngạc, đặc biệt là mức lương cao không ngờ (lắm chỗ còn trả lương giờ); thư viện thì khỏi nói, muốn mượn bao nhiêu cuốn cũng được.  Đường xá, dù to hay nhỏ, cũng có đèn ban đêm.  Và những siêu thị thì ngay cả rau ráng như rau dền, cần tây, và nấm cũng đều bọc plastic.  Anh thích trái cây ở đây, nhất là chuối (14 xu một pound) và cam (25 xu một tá).  Nhưng anh không thích thịt cá và vài loại rau mà anh thấy nhạt thếch, chẳng có mùi vị gì cả.

Tuy vậy nhưng anh biết nếu ở đây lâu thì sẽ đời sống sẽ khốn khổ lắm.  Đi đâu cũng hồi hộp, đi đâu cũng lo.  Nhiều khi có những cơn sợ làm tê điếng cả người.  Có những lúc qua đường mà chỉ sợ có bàn tay ai thò ra lôi lại.  Đi bộ về nhà từ sở làm, anh phải cố lắm mới không quay phắt lại để xem có bị ai theo dõi không.  Anh mong chóng được về Tàu để được sống nơi quen thuộc.  Trong lá thơ đầu gởi cho người điều khiển anh nói bóng gió mình nhớ nhà và cảm thấy lạc lõng.  Bính Văn viết lại nói “cứ phải tuân theo kế hoạch đã ban hành.”

Sau khi Gary vừa tạm ổn định thì có một người đàn bà cao ráo bước vào đời anh.  Đó là cô nàng Nellie làm bồi bàn tại một tiệm ăn nhỏ mà Gary thường hay ghé ăn trưa.  Nàng để ý đến anh vì vẻ yên lặng và lối cư sử lịch sự, mềm mỏng.  Không như những người đàn ông khác, anh không bao giờ to giọng và lúc nào cũng ăn một mình.  Nhưng khi anh gặp người quen thì chào hỏi niềm nở.  Anh có vẻ dễ dãi và tốt bụng.  Một hôm, sau giờ ăn trưa bận rộn, Nellie đánh bạo đến gợi chuyện xem anh có nói chuyện có đầu có đuôi như một người bình thường không.  Thoạt tiên anh có vẻ hơi khó chịu, mắt nhìn thẳng vào nàng.  Nhưng rồi mặt anh đổi nét mặt, miệng anh nở một nụ cười thoải mái cho thấy hàm răng trắng đều.

Anh nói, “Có lẽ tôi chưa tự giới thiệu.  Tên tôi là Gary.”  Anh đưa bàn tay ra.

“Nellie McCarrick.”  vừa nói xong nàng thấy mình ngớ ngẩn.  Ai mà nói cả tên họ ra như đi xin việc làm không bằng.  Nhưng Gary dường như không để ý.  Cái nắm tay của chàng có vẻ rắn chắc, nàng thích típ đàn ông như vậy.

Tiệm lúc ấy vắng khách nên nàng ngồi xuống đối diện và đặt tay chống cằm lên bàn để bớt run.  Nàng nhìn thẳng mắt anh mà đôi má nàng ửng hồng.  Ăn uống xong suôi, chàng rút gói Camel ra mời.  Nàng từ chối, nói mình không hút thuốc.  Chàng ngậm điếu thuốc rồi đánh que diêm, lấy bàn tay che lửa.  Sau khi hút một hơi dài, chàng từ từ nhả khói.  Chàng có vẻ thoải mái và nói chuyện thân mật như quen biết đã lâu.  Họ bất đầu nói chuyện về vùng DC, cả hai đều là dân mới tới, và rồi Nhật Bản, nơi anh Jimmy của Nellie đã ngã gục trong trận đánh Đảo Savo cách đây 13 năm.

“Anh ấy trong lục quân hay thủy quân lục chiến?”  Gary hỏi.

“Trên Astoria, một chiếc tuần dương hạm,” nàng nói.  “Hải quân chịu nhiều tổn thất trận đó, hàng ngàn.”

“Cho tôi chia buồn.  Anh ấy là người anh duy nhất?”

“Dạ vâng.  Bố mẹ tôi đau buồn lắm.”

“Dĩ nhiên rồi.”

Thế là họ quen nhau.  Có khi anh cố tình đến trễ khi giờ ăn trưa đã xong để có thì giờ nói chuyện.  Càng ngày nàng càng muốn biết nhiều hơn về anh mặc dù giọng anh có accent và khuôn mặt của anh rõ ràng là người Á Châu.  Anh nói tiếng Anh rất đúng văn phạm, nhưng nghe biết không phải người đẻ ra ở Mỹ, vì không trôi chảy dễ dàng.   Có nhiều chữ quá ngoan cố không uốn lưỡi nổi, và đôi khi anh thiếu những tiếng giữa kẽ răng, lẫn lộn giữa “th” với “s”.  Nhưng anh là một thông dịch viên chuyên nghiệp, một người có học, làm việc cho chính phủ nên Nellie muốn quen thân và tìm hiểu anh bao nhiêu tuổi.  Anh trông trẻ tuổi, có lẽ chưa tới 30.  Không, có thể anh lớn tuổi hơn, bởi vì phong mạo của anh lịch sự và điềm tĩnh, cho thấy anh là người đã từng trải.  Anh có vẻ là người có nghị lực, một tính mà Nellie thích.  Sự thật thì, ở cái tuổi 26, nàng vẫn chưa có nhiều người nhòm ngó, và vẫn chưa có việc làm ra hồn.  Trông nàng không đẹp, cũng không xấu, nàng trán rộng, da nàng trắng, đôi mắt xám, hơi cách xa, làm lúc nào cũng như đang tư lự.  Nàng xương to nhưng người gầy như người đói ăn.  Mẹ nàng hay nói, “Lo mà kiếm chồng đi không thành gái già đó con ạ.”  Hai năm ở đại học Kinh tế Miami chẳng giúp cho Nellie kiếm kế sinh nhai chút nào.  Cha nàng bảo, “Kiếm thằng nào có nhà có cửa đi về làm vợ nó.”

Gary vốn chỉ có một thân một mình nên có người nói chuyện cũng thích.  Rồi hai người bắt đầu đi chơi.  Một tối nàng cho anh một nụ hôn ngoài rạp hát sau khi vãn phim Ca Hát Trong Mưa, rồi cảnh cáo nếu bỏ nàng là có chuyện.  Anh hơi ngẩn người ra khi nàng nói điều ấy.  Anh đi chơi với nàng với ý định tiến đến hôn nhân,  nhưng nếu nàng có từ chối lời cầu hôn thì anh cũng chẳng lấy làm ngạc nhiên, vì anh đã quen bị từ chối rồi.  Một thằng ngoại quốc như anh thì con gái Mỹ có bỏ cũng là chuyện bình thường.  

Anh xem Nellie như của trên trời rơi xuống, như một món hời.  Nàng tuy không đẹp nhưng tóc vàng mắt to.  Nhan sắc bình thường kể cũng tốt, khỏi sợ õng ẹo làm phân tâm.  Khuôn mặt lốm đốm tàn nhang, tay chân khoẻ mạnh, và vóc dáng rắn là tướng của một người đàn bà đảm đang, biết lo cho gia đình.  Quan trọng hơn cả, nàng không đòi hỏi, không như Alicia, vợ của George Thomas, tối ngày bắt chồng phải mua quà, mua hoa.  Thực tình thì Gary cũng chưa yêu Nellie.  Tim anh vẫn còn tê dại, khó có thể mở ra cho một người khác.  Cuối tuần họ ít khi nào đi ra ngoài chơi.  Thường thì họ lúc ăn nhà nàng lúc ăn nhà chàng, hoặc đi dạo bờ sông hay công viên, nơi ễnh ương kêu à uôm inh ỏi sau những cơn mưa.   Anh thích món mì Ý và lasagna nàng hay làm, còn nàng thì mê món gà cá chàng nấu, mà nàng khen là “thức ăn Tàu ngon nhất tỉnh.”  thỉnh thoảng họ đi xem xi nê.  Chàng thích phim cao bồi, phim John Waynes nào cũng đã xem mặc dù biết ông ta chúa ghét cộng sản.  Anh cũng thầm mê cô đào Audrey Hepburn nhưng không bao giờ dám nói ra, chỉ sợ người ta nghĩ mình khùng điên, ngớ ngẩn.  

Đến tháng 9 năm 1955, sau khi đã quen nhau được ba tháng, Gary bắt đầu giới thiệu với đồng nghiệp Nellie là bạn gái của mình, thế nhưng nàng vẫn cảm thấy sốt ruột.  Nàng đã tốn công thuyết phục để cha mẹ chấp nhận một chàng rể người Tàu.  Họ không thích Gary mấy.  Anh không những cứng ngắc mà còn có một quá khứ mập mờ.  Tệ hơn nữa là anh là người không có đạo.  Anh nói với Nellie anh không còn gia đình bên Tàu, chỉ có một người anh họ bên Hồng Kông. Cha mẹ nàng đã chịu, anh còn chờ gì nữa mà không ngỏ lời cầu hôn?  Nellie tin là họ sẽ là một cặp vợ chồng không kém ai.  Nàng sẽ là người vợ đảm đang và họ sẽ có những đứa con trai khoẻ mạnh.  

“Từ từ em,” anh nói một hôm trong khi trên đường đi chợ về nhà.

“Anh nói tôi nghe anh còn có gì mà ngần ngại?”  Nàng trừng mắt nhìn anh.

Anh không quay lại nhưng cũng cảm thấy được ánh mắt như rọi vào một bên mặt của mình.  Anh nói.  “Không phải ngần ngại.  Anh đã nói em bao lần rồi.”

“Thế thì tại sao?  Có gì để lo?  Anh đâu phải xin phép cha mẹ.  Em chẳng hiểu sao anh không quyết định được.  Bộ em không xứng với anh sao?”

“Đừng có giận dữ.”

“Ngủ với người ta rồi đâu có bỏ cái rụp được.  Đây đâu phải là bên Tàu hay bên Nhật đâu.”

“Anh nói chuyện nghiêm chỉnh mà.  Cho anh vài tuần nữa.”

Nàng thở dài.  “Thì tôi còn biết nói gì bây giờ.  Đã lỡ phóng lao thì phải theo lao.”

“Đừng theo lao, nguy hiểm lắm.”

“Đồ quỷ sứ!”  Nàng đánh yêu rồi cả hai đều phá lên cười.  

Vài tháng trước anh đã nộp đơn xin thẻ xanh để khỏi phải làm lại hộ chiếu mỗi năm.  Hơn thế nữa, là thường trú nhân ở Hoa Kỳ cũng giúp anh đi ra nước ngoài dễ dàng hơn.  Anh định sẽ vào quốc tịch càng sớm càng tốt để có cơ hội truy cập tài liệu mật hơn.  Ai biết chuyện gì sẽ xảy ra giữa Tàu và Mỹ, thế nào cũng có đụng độ bên Á Đông.  Và có quốc tịch thì cấp trên sẽ không thể gọi về được.

Anh đã theo dõi những diễn biến gần đây mà lòng thì tan nát.  Tháng Giêng năm 1955, quân đội Giải Phóng Nhân Dân đã mở cuộc tổng công kích đảo Nhất Giang Sơn ngoài khơi tỉnh Chiết Giang.  Đây là lần đầu tiên trong lịch sử QĐND mà họ có sự phối hợp giữa không quân, hải quân, và bộ binh.  Lực lượng khổng lồ ấy đã áp đảo quân phòng thủ Dân quốc và tiêu diệt nguyên một trung đoàn đóng trên hòn đảo.  Đại Tá Vương Thành Minh đã cùng quân lính anh dũng chiến đấu chống trả và cuối cùng đã tháo chốt quả lựu đạn cuối cùng để tuẫn tiết. Trên phương diện chiến thuật thì Trung Cộng đã đạt được thắng lợi vẻ vang, nhưng trên mặt chính trị thì đây lại là một sai lầm to lớn.  Không tới 10 ngày sau, quốc hội HK đã thông qua Nghị Quyết Formosa cho Dwight Eisenhower quyền bảo vệ Đài Loan và các hải đảo của Trung Hoa Dân Quốc khỏi sự xâm lược của Trung Quốc.   Kể từ nay, Trung Cộng nếu muốn vượt eo biển Đài Loan sẽ phải đương đầu trực tiếp với quân đội HK.  Mà lúc ấy thì không quân và hải quân của TQ vẫn còn trong giai đoạn phôi thai.  Eiseinhower còn tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí nguyên tử nếu cần thiết.  Để trả lời, thủ tướng Chu Ân Lai tuyên bố người Trung Hoa không sợ bom nguyên tử và sẽ vẫn tiếp tục đương đầu với bè lũ đế quốc Mỹ.  Trong khi liên hệ Tàu Mỹ mỗi ngày một thêm thù nghịch thì Gary càng cảm thấy đắm chìm trong sự cô lập.  Anh đổ lỗi cho lũ lãnh đạo Trung Cộng cùng hàng ngũ tướng lãnh đã quá thiển cận.  “Thật là một lũ dốt nát!”  anh nghĩ thầm.

Kể từ mùa hè năm 1955 anh để ý thấy một lô tài liệu từ Đài Bắc có liên hệ đến vai trò của tướng Tôn Lập Nhân, vị Tổng tư lệnh Lục quân Trung Hoa Dân Quốc, kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh phòng thủ Đài Loan và Bộ Tư lệnh huấn luyện.  Hơn thế nữa, tướng Tôn Lập Nhân và anh đã cùng tốt nghiệp trường đại học Thanh Hoa, dĩ nhiên ông tướng tốt nghiệp trước anh xa.  Hồi còn đại học, ông có chơi bóng rổ và đã gia nhập đội tuyển quốc gia trong một thời gian ngắn.  Sau đó ông theo học đại học Purdue với học bổng từ chương trình bồi thường chiến phí.  Sau khi tốt nghiệp bằng cử nhân ngành kỹ sư xây dựng, ông làm việc trong một thời gian ngắn cho một công ty kiến trúc ở New York.  Sau đó ông nộp đơn vào Học Viện Quân Sự Virginia (khóa 1927) trong hai năm.  Rồi ông trở lại Trung Quốc và phục vụ trong quân đội Trung Hoa Dân Quốc.

Ông đã từng tham dự nhiều trận chiến oanh liệt chống Nhật và Trung Cộng.  Trong hàng tướng lãnh của Tưởng Giới Thạch, Tôn là một tướng có tài, làm cho Hồng Quân rúng sợ và có biệt danh là Rommel phương Đông do Joseph Stilwell, vị tướng tư lệnh của HK trong mặt trận Ấn-Miến trao tặng.  Nhưng đa số các tướng trong quân đội Dân Quốc lại tốt nghiệp trường quân sự Hoàng Phố mà chính Tưởng Giới Thạch từng là hiệu trưởng.  Vì gốc gác của Mỹ nên Tưởng không tin dùng ông, và mùa hè năm 1954, đã tước hết binh quyền và bổ nhiệm vào chức vụ Trưởng cố vấn quân sự cho tổng thống, một chức vụ hữu danh nhưng vô thực.  

Qua những tài liệu dịch được, Gary nghi rằng Tưởng Giới Thạch đang tìm cách loại trừ Tôn Lập Nhân vì Tôn rất được người Mỹ tôn trọng và cũng có tin đồn rằng người Mỹ sẵn sàng giúp ông lật đổ Tưởng Giới Thạch.  Tháng Tám năm 1955 ông bị giam lỏng tại gia.  Linh tính cho Gary biết cuộc đời binh nghiệp của Tôn kể như đã tàn và vì thế quân đội của họ Tưởng có thể sẽ bị suy yếu một cách trầm trọng.  Gary mang hết tài liệu về nhà, nói rằng phải dịch trễ.  Việc mang tài liệu về nhà để dịch kể ra cũng thông thường thôi.  

Giữa tháng Mười Gary lấy hai tuần nghỉ đi sang Hồng Kông.  Anh giao cho Bính Văn phim chụp tài liệu.  Bính Văn mừng hết lớn vì lục địa không hề từ bỏ mộng thôn tính Đài Loan, và sự cách chức của một tướng lãnh Dân Quốc tài ba rất có thể sẽ hé mở cánh cửa cơ hội.  Gary cũng trình báo về liên hệ của anh với Nellie và xin lệnh của thượng cấp.

Hai ngày sau anh và Bính Văn lại gặp nhau ở một trà thất.  Bính Văn nói, “Vụ người đàn bà này, cứ tùy nghi mà làm.  Anh sẽ phải ở bên Mỹ càng lâu càng tốt.”

“Cứ làm đám cưới với nàng?”  Gary hỏi.

“Đúng thế.  Làm vậy cho nó tiện.  Chúng tôi thông cảm.  Hơn thế nữa, lập gia đình cho nó có vẻ bình thường.”

“Thế còn gia đình tôi bên Sơn Đông?”  Gary nói mà ruột đau quặn thắt.  Mấy tháng trở lại đây anh đã có thể tạm quên được hình bóng của Dụ Phong.

“Đừng có lo.  Nhà nước sẽ định đoạt cho anh.”

Thế là Gary bỏ ra 94 đô la để mua chiếc nhẫn đính hôn có viên lam ngọc bé xíu hình quả lê.  Ba ngày sau anh bay trở lại Hoa Kỳ.  Anh không hề biết mình có hai đứa con sinh đôi.  Cấp trên chắc đã ra chỉ thị cho Bính Văn đừng nói để Gary có thể yên tâm làm lại cuộc đời bên đất Mỹ.



Xxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxx

Chị Nhân Vinh nhất định bắt tôi phải ngủ lại nhà chị nên tôi trả phòng rồi đi theo Châu A về nhà.  Châu A  vóc người đẫy đà, vú to, đầu buộc chiếc khăn, tay khiêng va li tôi như không.  Trên đường về, gặp ai nó cũng giới thiệu tôi là dì nó.  Lương Phạm Băng, chồng của Nhân Vinh, bắt tay tôi niềm nở.  Anh là một viên chức cấp thấp trong văn phòng quận và vừa về hưu.  Bên Trung Quốc đàn ông về hưu ở tuổi 60 và đàn bà 55.  Tôi hay nói đùa với đồng nghiệp ở Bắc Kinh là tôi muốn làm đàn bà Trung Hoa để có thể về hưu năm tới.  Nói chung thì người già bên Tàu kể cũng không đến nỗi--lắm nơi đời sống cũng khá nhàn hạ.  Mới có 61 nên trông Phạm Băng chưa già lắm, duy chỉ có bọc mỡ dưới mắt và râu tóc lốm đốm bạc.  Anh nói mãi, “thật là một ngày vui cho gia đình cúng tôi.”  Thật vậy, cả nhà cứ như mở hội.  Chị Nhân Vinh cho gọi con rể và cháu ngoại sang, con bé cháu sáu tuổi nghịch ngợm và lém lỉnh.  Tóc nó thắt bính hai bên.  Mới nhìn tôi là nó tuyên bố dõng dạc,  “Trông bà chẳng giống người Mỹ chút nào.”

“Tiểu Yến Tử, im miệng lại!”  Nhân Vinh mắng nó rồi quay lại nói tôi.  “Chưa đi học mà nó đã sãnh sẹ lắm rồi.”

“Con chỉ có thấy gì nói đó thôi mà nãi nãi,”  Tiểu Yến Tử cãi lại.  

Thế là cả nhà cười ồ lên.  Tôi nựng cái mặt tròn như quả táo của nó và vuốt tóc nó.  Nó nắm chặt tay tôi.  Tôi cảm thấy như đang dự một cuộc họp mặt gia đình với những người thân thương đã biết nhau từ lâu.  Tôi cảm động vì chưa bao giờ gặp đông đảo họ hàng người thân như vậy.  Mẹ tôi có một bà chị với đứa con trai cỡ tuổi tôi, nhưng cả đời tôi chỉ gặp anh ấy có một lần.

Nhà Nhân Vinh rộng rãi và sạch sẽ, sàn gạch tráng xi măng.  Phòng khách có một cái ti vi màn hình phẳng dựa tường, một cái đèn cổ ngỗng bằng sắt không rỉ trong góc, và hình gia đình đóng khung dựng trên mặt tủ gỗ sồi.  Nhân Vinh chỉ một tấm hình đen trắng nói, “Đây là mẹ chị,”  tôi ghé mắt nhìn gần tấm hình của Dụ Phong ở cỡ tuổi 40: một khuôn mặt bóng láng  hình quả trứng, lưỡng quyền cao, mũi thẳng, cặp mắt sáng nhưng trầm ngâm, một nốt ruồi trên khoé miệng bên trái, và tóc ngắn muối tiêu xòa ngang trán.  Trông bà khoẻ mạnh và có dáng của một cô y tá hay bà giáo.  Bên cạnh đó là tấm hình cưới trong đó bà và bố tôi đứng sát bên nhau, mỉm cười hạnh phúc.  Trông họ xứng đôi và thanh lịch.  Cô dâu đầu phủ mạng còn chú rể thì tóc bôi bom-mát bóng lưỡng, chải qua một bên.  Ông nhét trong túi áo một cây bút máy.  Trên đầu, phía góc phải là hàng chữ viết: Chúc mừng Vĩ Dân và Dụ Phong Trăm Năm Hạnh Phúc, 16 tháng Giêng, 1949.  

“Mẹ chị đẹp quá,”  tôi nói với Nhân Vinh.

“Đúng rồi, hồi đó bà được bầu làm đệ nhất mỹ nhân ở làng quê vùng Sơn Đông.”

“Ai bầu?”

“Do đàn ông con trai làng bầu kín.”

“Hèn chi không ở nổi trong làng.  Người ta nói, nhà bà góa, lời ong tiếng ve bu lại.  Không có chồng ở nhà thì có khác nào bà góa.”

“Em giỏi tiếng Tàu quá nhỉ.”

“Bố em bắt học tiếng Quan Thoại.  Lên đại học em lại chuyên về lịch sử Trung Hoa.”

Tôi nhìn thấy trong góc nhà có máy làm nước lạnh, giống như cái trong văn phòng quản lý của Henry ở khu apartment của chúng tôi.  Quận Phúc Sơn nằm cạnh sông Tùng Hoa, một con sông chắc cũng khá ô nhiễm.  Máy làm nước lạnh cho thấy gia đình Nhân Vinh khá giả, mặc dù tôi thấy chị vẫn dùng nước máy để nấu nướng.  Phía sau nhà có một văn phòng trần thấp, trong đó có một máy vi tính, một cái scanner, một máy fax. và một máy in laser.  Tôi không ngờ nơi chốn khỉ ho cò gáy này mà họ cũng rành rẽ dữ.  Châu A nói nó đăng nhập trang mạng Vi Bác, một trang blog Trung Quốc, mỗi đêm.  Nó cũng có bạn trực tuyến ở những tỉnh khác, kể cả Mông Cổ.  Tôi nói tôi không blog.  Nó ngạc nhiên vì tưởng người Mỹ nào cũng blog.  

“Tại sao dì không blog?”  Châu A hỏi bằng một giọng khàn khàn.

“Mất thì giờ quá.  Có thì giờ đọc sách tốt hơn.  Hơn nữa nghề của Dì phải đọc sách.”

“Trên blog vui lắm.  Làm quen với đủ hạng người.  Nhờ đó cháu hiểu thêm diễn biến trên thế giới.”

“Dì có quá nhiều học trò rồi.  Quen thêm nữa chỉ có nước điên luôn.”

Nó bật cười ha hả.  Tôi thích vẻ vô tư cho thấy sự yêu đời và thuận hòa với cha mẹ của nó.  Chị tôi may lắm mới có được đứa con gái như Châu A, ấy là chưa kể con cháu gái Tiểu Yến Tử.  Tôi vẫn tiếc mình đã không có con.  Người chồng trước của tôi không thích trẻ con, và đến cuộc hôn nhân thứ hai thì quá trễ, khi ấy tôi đã 48 tuổi.

Trong bữa ăn tối, tôi khám phá là ngoài Châu A, Nhân Vinh và Phạm Băng còn có hai đứa sanh đôi là Cự Li và Bản Ninh, cả hai năm nay hai mươi mấy và đều làm việc ở miền nam (Anh chị tôi may mắn vì có con gái đầu lòng, thời ấy chính sách một con chưa quá khắt khe trong vùng nên họ được sanh lần nữa, lần này lại là sinh đôi.)  Cả nhà ước gì có hai đứa nó ở đây.  Chúng tôi ngồi tại một cái bàn ăn thấp đặt trên giường gạch được sưởi ấm từ bên dưới, khá nóng vì đã nấu một bữa ăn thịnh soạn---hơi nóng và khói bếp chui qua dưới giường trước khi lên ống khói ra ngoài.  Tôi không ngồi khoanh chân như họ được nên bỏ thõng một chân bên cạnh giường.  Tôi xin lỗi nhưng Nhân Vinh nói, “Đừng có lo.  Cứ xem như đây là nhà mình.”

Họ cứ gắp thức ăn bỏ vào bát tôi: một miếng cá trê rán, một miếng thịt gà, hay một thìa giá xào tép và mộc nhĩ.  Thức ăn có ngon thật nhưng tôi không dám ăn nhiều.  Người nào họ cũng ăn khoẻ.  Tôi ước gì mình có thể tha hồ ăn mà không phải sợ lên cân.  Tuy chưa béo nhưng tôi lúc nào cũng sợ ăn nhiều.  Tai tôi lúc nào cũng văng vẳng lời mẹ dặn “Lilian, đừng có nốc lắm vào.”

Đêm hôm ấy Nhân Vinh đuổi chồng sang phòng khác, để chị em có dịp hàn huyên và nói chuyện về bố.  Tôi không dám kể chị chuyện bố là gián điệp Tàu bị FBI bắt, hay việc bố là người chồng chẳng ra gì.  Tôi chỉ nói, “Bố nhớ mẹ chị nhiều lắm nhưng hoàn cảnh không cho phép về thăm.”

“Ở nhà ai cũng biết bố có công tác quan trọng ở nước ngoài,” Nhân Vinh nói.  “Bố có biết gì về chị em của chị không?”

“Có, khi bố đã có tuổi, đâu khoảng 50, 60, thì cấp trên cho biết về hai chị em chị.  Khi bố chết mà vẫn tưởng em chị còn sống.  Bố vẫn thường hay nhắc đến mẹ chị trong nhật ký.”

“Cuộc đời mẹ chị vất vả lắm.”  chị ngưng lại như để xem tôi nói gì không, nhưng tôi chẳng biết nói gì.  Chúng tôi đang nằm trên cái giường gạch trong bóng tối, cách nhau nửa mét.  Căn phòng yên tĩnh ngoại trừ tiếng tích tắc của cái đồng hồ treo tường.

Nhân Vinh tiếp tục, “Mẹ thường hay nói bố là một người đặc biệt có bằng từ trường đại học Thanh Hoa.  không phải trò đùa đâu.  Chị không quen người nào trong tỉnh đi học Thanh Hoa.  Khi gần chết mẹ nói với chị, “nếu con có dịp gặp lại bố con thì nói với bố là mẹ đã làm trọn bổn phận con dâu có hiếu với ông bà nội con và là người vợ chung thủy với bố” nhưng chị đã không có cái dịp đó.”

“Em đến làng Mại Gia tỉnh Lâm Mẫn tháng trước,”  tôi nói.  “Em nghe họ nói mẹ chị bỏ đi vì cái chết của em chị.”

“Thằng đó sanh ra èo uột, không như chị, mặc dù là song sinh.  Thời 50 cả nhà sống thoải mái với số tiền trợ cấp của chính phủ.  Nhưng khi nạn đói bắt đầu thì nhà mình khốn khổ hơn người khác, vì không có ruộng nương và tiền vô giá trị như giấy bản.  Chị và em chị năm ấy 11, gầy như hai con hạc, lúc nào cũng đói triền miên.  Nghe người ta nói nhiều người chết đói nên mẹ sợ.  Rồi em chị chết và mẹ đau khổ đến điên cuồng.  Khi cậu Nhân Sinh mời về ở chung nhà thì gia đình rời Mại Gia ngay lập tức.”

“Kể cũng may,” tôi nói.  “Hơn hai trăm dân làng đã chết đói trong những năm sau đó.”

“Rồi sau này mẹ nói chị có một lý do khác nữa phải dọn đi.”

“Trong làng có một người đàn ông, chú Oai Phu, một người trong họ nhà Thượng, anh em họ xa với bố.  Chị còn nhớ ông ấy, một người nhún nhường, ít nói.  Chú ấy chưa có vợ và rất tốt với nhà chị.  Chú thường hay đến giúp mẹ làm việc nhà, như lợp lại mái nhà, đào rãnh cho nước mưa tháo ra, hay giết lợn vào dịp tiết xuân.  Chú là một người đàn ông đẹp trai, cao to rắn chắc, lưng thẳng mắt sáng.  Nhà chú nghèo nên chẳng ai thèm lấy.  Dân làng bắt đầu xì xầm về hai người.  Họ thích nhau là cái chắc.  Sau này mẹ nói chị chú Oai Phu hỏi lấy mẹ nhưng mẹ từ chối vì vẫn là đàn bà có chồng.  Mẹ nói, “Nhỡ chồng tôi về rồi sao?”  nói thì nói vậy nhưng mẹ vẫn thương chú vì mỗi lần chú đến là mẹ cứ tíu tít lên.  Mẹ nói nếu mà không đi thì thế nào cũng có một ngày cũng cầm lòng không đặng.  Mà mẹ sợ bị ô nhục.”

Một khi cảm giác bi thương bỗng dâng trào trong lồng ngực, và tôi òa lên khóc, nước mắt chảy ra ràn rụa.

“Tại sao em lại khóc?”  chị hỏi.

“Em thương cho mẹ chị.  Mẹ chị là một người đàn bà thật đức hạnh.  Phải chi cuộc đời không như vậy.”

“Em cũng là một người tốt.  Chị vừa gặp là biết liền ngay lập tức.”  Chị đưa tay ra nắm lấy cánh tay tôi.

Chúng tôi tiếp tục nói chuyện.  Nhân Vinh nói đời sống dễ thở hơn nhiều rồi nhưng nhiều người vẫn chưa hài lòng vì “sự phân phối của cải không công bằng.”  tôi không ngờ chị biết dùng một câu như vậy.  Chị chưa học tới trung học nhưng chị thích đọc sách, nhất là truyện tình cảm bên Hồng Kông và Đài Loan, cho nên chị nói năng lưu loát và lắm khi khá hùng biện.



Sáng hôm sau tôi ra tiệm chị Nhân Vinh để cho có chị có em.  Chị mướn thêm hai người làm và còn giao hàng cho các bà nội trợ trong xóm, trả họ theo mảnh.  Trongkhi  Nhân Vinh và tôi ngồi sau quầy tâm sự thì những máy may đạp rào rào trong phòng bên hông.  Thỉnh thoảng có người khách đi vào thì chị quay ra tiếp khách trong khi tôi ngồi nhìn ngắm đường xá.  Người ta qua lại và cũng có những con lừa đeo thúng, khua vó trên mặt đường sỏi đá kêu lốp cốp.  Trong khi một cái xe ba ngựa chất đầy bao bố kéo qua, tôi thấy một con ngựa Mông Cổ có dấu “283” đóng trên mông; có lẽ con ngựa đẹt này đã từng một thời phục vụ trong quân đội và đã được giải ngũ.  Bên kia đường vài người bán hàng rong ngồi xổm trên vỉa hè.  Họ rao bán gà vịt, thuốc lá , rau ráng, và rổ rá.

Qua câu chuyện tôi biết thêm Cự Li, con gái sinh đôi của Nhân Vinh, là công nhân di trú ở tỉnh Quảng Đông.  Nó ở Đông Quản, một thành phố gần Quảng Châu, làm việc công xưởng.  Trước đây con bé hay về thăm nhà mỗi năm một lần vào dịp Tết, nhưng năm nay không về, nói là chỉ có một tuần nghỉ, đi xa mệt mỏi, nên chỉ gửi tiền về và ở lại phòng thuê để nghỉ ngơi.  Còn Bản Ninh, thằng con trai, thì chị tôi không chắc đang ở đâu.  Hình như nó ở miền nam và lưu lạc khắp nơi, có khi đi tàu ra nước ngoài.  Có lẽ nó làm cho thương thuyền thì phải.  Hơn hai năm rồi mà mẹ nó chưa gặp nhưng biết chắc nó bình an vô sự.  Trong ba đứa con, nó là đứa thông minh nhất, đã lên đại học và có thể có tương lai.  Trước giờ thư từ liên lạc nó gởi qua Cự Li nên Nhân Vinh không có địa chỉ số điện thoại của nó.  

Sáng hôm sau con Châu A đưa tôi ra Tùng Hoa Giang để xem nước chảy tan băng, một cảnh tượng độc nhất vô nhị.  Trời giữa tháng Tư vẫn còn lạnh, đa số mặc áo dầy đi ủng.  Dọc đường có người còn đội mũ da thú.  Châu A và tôi đi về hướng bắc, chỗ nào có ngã tắt là rẽ lối đó.  Nó đi trước dẫn đường.  Những con hẻm trông khác hẳn khu mặt phố, nhiều căn nhà đổ nát bọc bởi bờ dậu đóng cẩu thả, rác rưởi khắp nơi, lắm đống rác cao chất ngất.  Lối đi đã hẹp còn đầy ổ gà và rải rác những đống cứt chưa đông hẳn.  Khu xóm tồi tàn làm tôi liên tưởng đến một đầm lầy chất đầy phân bón tỏa ra mùi hôi thối.  Con hẻm chỉ cách khu thương mại sầm uất có vài con đường nhưng là một vùng ghetto lầy lội không ai thèm đếm xỉa tới.  Mùa hè mà vẫn rác rưởi như thế này thì tránh sao khỏi dịch bệnh.  Tôi đã từng chứng kiến những cảnh tượng như thế này ở nơi khác nước Tàu--đàng sau cái bề ngoài hào nhoáng là những con người kém may mắn bị đào thải bởi con tàu thành công.  

Bờ sông gió lộng thổi tốc cây cối và tóc áo người ta.  Thỉnh thoảng những tảng băng lại bay lên không rồi rớt ầm xuống giòng nước xanh đen.  Tôi thấy đủ loại cá, cá chép, cá chó, cá vược, bị tảng băng đập giẹp, chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước.  Giòng sông gầm thét, nghe như tiếng binh khí va chạm loảng xoảng của một chiến trận thời cổ đại.  Nhìn khối nước khổng lồ nổi sóng lùa những tảng băng về phía đông, chạm đâu đập tan đó mà lòng tôi không khỏi kinh hãi.  

Đàng sau chúng tôi là bờ sông thoai thoải lởm chởm đá, và bên trên dốc, nơi mặt đất bằng phẳng, có vài cái quán không người coi.  Cũng có một tiệm ăn chỉ mở vào cuối tháng Năm cho du khách.  Trên nóc tiệm là một máy phóng thanh chắc im hơi lặng tiếng suốt mùa đông.  Một khu nghĩa địa nằm phía tây của lề đường, chính giữa có một tượng đồng cao, tạc hình một người lính Nga Sô mặc áo che mưa, tay cầm khẩu súng liên thanh có băng đạn hình tròn, đứng gác trước đài kỷ niệm. Một lũ quạ đậu trên nón sắt và trên vai, kêu quang quác vì đói.  Chung quanh chúng tôi, ai cũng khích động, kẻ nói lắp bắp, người thì la lối, vài người bấm máy ảnh lia lịa chụp những tảng băng trôi nổi bập bềnh.  Xa xa về phía đông, bên kia bờ sông, là một xưởng xi-măng với hai ống khói nhả ra những cụm màu trắng.

Châu A nói mùa hè người ta hay tụ tập ở đây và đây cũng là nơi trai thanh gái lịch đến để dung dăng dung dẻ.  Người nào có tiền thì mướn thuyền chèo, còn nhiều tiền hơn thì đi du lịch hai ngày trên tàu về phía biên giới Nga Sô ở tỉnh Đồng Giang và Phủ Viễn.

“Hồi bé tụi cháu hay ra đây vớt cá khi nước chảy tan băng,”  Châu A nói.

“Sao không làm nữa?”  tôi hỏi.

“Tại nguy hiểm.  Vả lại bây giờ người ta nuôi cá, không phải ăn cá nước ô nhiễm này.  Có lần Bản Ninh, thằng em cháu, bị một tảng băng chẹt trong khi nhoài người ra vớt con cá đối.  Nó sợ, la chói lói.”

“Ngay đây?”

“Không, ở khúc sông gần làng cơ.”

Trong khi chúng tôi nói chuyện thì một lô thùng dầu trôi bập bềnh qua, có cái bám mỡ nhầy nhụa, óng ánh dưới ánh mặt trời.  “Rồi nó được cứu?”   tôi hỏi.

“Dạ, một ông lính cứu hỏa đi nghỉ phép nhẩy xuống nước lôi nó vào bờ, nhưng cẳng ông ta bị dập.  Ông ta trở thành người hùng trong vùng được khoảng vài tháng.”

“Thế Bản Ninh giờ này ở đâu?”

“Cháu cũng chẳng biết nữa.  Nó chỉ nói nó đi lưu lạc thường xuyên.  Nhưng nó hay liên lạc với con Cự Li.  Hai đứa nó thân nhau lắm.  Giọng nó nghe có vẻ hơi hờn dỗi.

“Dì cũng muốn gặp mặt nó,”  tôi nói.


“Hồi đó nó hay đóng ở Quảng Đông, nhưng cháu biết nó hay đi Bắc Kinh.”

Cha nó cũng nhắc đến Bản Ninh khi tôi ra đi sáng hôm sau.  Cha mẹ nó muốn tôi tìm gặp khi nó đến Bắc Kinh lần tới, họ nhờ tôi thúc nó lấy vợ cho cả nhà có cháu bồng.  “Em hãy xem các cháu như con ruột của em,” chị tôi nói tôi.  Tôi hứa sẽ trở lại thăm trong một hai năm.

Sự niềm nở và ân cần của họ làm tôi cảm động và chạnh nghĩ đến cuộc sống cô quạnh của bố mẹ tôi.  Cả Gary lẫn Nellie đều là người cô độc, ít khi nào giao thiệp với ai ngoại trừ vài người họ hàng.  Tuy có yêu mẹ, nhưng mỗi khi chỉ có hai mẹ con thì tôi ít khi nào thoải mái.  Mẹ tôi không có hạnh phúc nên dễ bực bội và hay trút giận lên đầu tôi, có lẽ vì mẹ nghĩ tôi thương bố hơn.  Khi tôi hoàn tất bằng tiến sĩ và được đại học Maryland mướn thì Nellie cũng tỏ vẻ dửng dưng, chẳng nói tiếng nào, như thể cho thấy tôi không bao giờ có thể đạt được sự mong đợi của bà.  Mẹ muốn tôi làm bác sĩ, nhưng tôi ghét ngành y khoa.  Khi tôi xuất bản cuốn sách đầu tiên, một cuốn chuyên khảo đề tài vai trò của Hoa Kỳ trong cuộc chiến Nha Phiến, và được thành giáo sư thực thụ, mẹ vẫn chẳng xem ra gì.  Tôi thường hay nói với Henry, mẹ tôi là một người có vấn đề, thế nhưng mẹ tôi và Henry lại hợp tính và thích nhau.  Khi nào Nellie đến thăm thì Henry thế nào cũng làm món tôm scampi hay gà nấu parmesan cho bà.  Anh ấy nấu món Ý ngon hơn tôi nhiều.  Mẹ tôi thường hay nói đùa, “Hậu vận cái con này kể ra cũng khá.”  Đó là lối bà khen cuộc hôn nhân thứ hai của tôi.  Tôi nghĩ bà có hơi ganh tị.

No comments:

Post a Comment