Wednesday, February 22, 2017

Bản Đồ Của Sự Bội Phản 1978-1979

1978-1979

Cứ mỗi sáu tháng Gary lại giao một lô phim cho cha Murray một lần, và chương mục của anh bên Hồng Kông lại có thêm một ngàn đô.  Nhưng anh sợ FBI để ý nên không bao giờ giám rút thẳng ra.  Kể từ năm 1976, sau khi cuộc cách mạng văn hóa đã chính thức chấm dứt thì anh viết thơ cho Bính Văn đều đặn hơn.  Anh hỏi thăm về Dụ Phong và mấy đứa con, và hắn vẫn trấn an là mọi sự đều yên ổn nơi quê nhà.  Bính Văn cũng dặn đi dặn lại đừng liên lạc trực tiếp với gia đình nữa.  Khỏi phải nói vì anh được tin Dụ Phong đã bỏ đi về làng của người anh về phía đông-bắc, nơi mà Gary không có địa chỉ.

Anh cảm thấy phấn khởi với thành phần lãnh đạo hậu Mao.  Trong nhật ký anh viết về Đặng tiểu Bình, vị tân chủ tịch: “Cái nhà ông lùn tịt đó có thể thành một thứ Napoleon và có thể giữ Trung Quốc đi đúng đường.  Rồi hắn ta thể nào cũng nổi bật hơn Mao.  Tối thiểu thì hắn ta thận trọng và thực tế hơn và lại còn có kiến thức về kinh tế.”

Gary rút hết tiền trong trương mục ra cho Lilian đi học ở Bryn Mawr.  Bây giờ anh đã hơn năm chục, không còn khoẻ nữa, một bên vai anh bị sưng khớp.  Mới đây bác sĩ nói anh bị tiểu đường giai đoạn đầu, phải kiêng ăn ngọt.  Phải kiêng cả bánh mì và cơm gạo.  Mỗi bữa ăn chỉ được một miếng bánh mì, buổi sáng thì một chén cháo lúa mạch, và anh đã bỏ thói quen ăn bánh Nellie mang từ tiệm về.  Mỗi lần đi chợ thấy bánh và cà phê mới làm nóng hổi, chỉ có 99 xu một miếng, là mồm miệng anh chảy rãi nhỏ giọt, phải cắm đầu cắm cổ đi thẳng.  Ban ngày thì anh hay cảm thấy chóng mặt, khát nước và tứ chi bải hoải.  Ăn cái gì cũng thấy đắng miệng.  Còn móng tay thì bây giờ bè ra như cái xẻng.  Mắt mũi giờ cũng chẳng ra làm sao, mỗi lần đọc sách là chỉ thấy nòng nọc bơi lăng quăng khắp nơi.  Anh mua cặp mắt kiếng nhưng không thích đeo, thường thì anh đẩy lên trên trán.

Sức khoẻ không được tốt nên Gary bắt đầu nghĩ đến chuyện về hưu sớm.  Anh hay đọc sách về gián điệp nên biết không mấy thằng không bị bắt.  Có lẽ sức khoẻ suy kém là một dấu hiệu cho biết đã đến lúc phải rút lui có trật tự.  Nhưng một khi về hưu thì anh sẽ không còn giá trị với Trung Quốc, anh phải đề phòng hơn.  Một người vô dụng không bằng cả con chó.

Anh biết nếu sống bên Tàu với chức vụ phó bộ trưởng thì anh sẽ có tài xế, thư ký, loong toong, đầu bếp, y tá, và chính sách y tế đãi ngộ.  Quan chức cao cấp bên Tàu tuy lương không cao, chỉ hai ba trăm đô la một tháng, nhưng chẳng phải lo gì khác--cái gì nhà nước cũng lo cho.  Ngược lại, đời sống bên này khá bấp bênh, một viễn tượng làm anh lo lắng.  Trên đường đến sở làm anh hay lái ngang qua một viện dưỡng lão, phía trước có một cột cờ treo cờ Mỹ;  Nhìn vào chốn ấy ta có thể thấy được hình ảnh của những năm tháng cuối đời tàn tạ mà đa số người Mỹ không thể tránh khỏi.  Sau khi mẹ Nellie mất năm 1974 không lâu là cha Nellie phải vào viện dưỡng lão gần nhà.  May sao, ông chỉ mất có cái nông trại trồng rau nợ như chúa chổm cho tiểu bang Florida.  Có lần Gary và Nellie lái xe xuống thăm Matt ở chỗ ấy, và ông già cứ càu nhàu mãi là sao không mang cho ông một chai Jack Daniel hay Wild Turkey.  Matt, giờ này run rẩy và lẫn lộn, tuyên bố con trai ông hay đến thăm mang theo một két bia và cánh gà ướp barbecue, mặc dù Jimmy, người con trai duy nhất của ông, đã tử trận cách đây ba chục năm tại trận chiến Đảo Savo.  trên đường lái xe trở lại DC, Gary nói Nellie chẳng thà tự tử còn hơn phải sống trong một nơi chốn như vậy.  Ngồi xe lăn còn tạm được chứ phải để cho người khác đút ăn và rửa ráy thì không thể chịu nổi.  Lúc này tối ngày anh bị ám ảnh bởi tuổi già của mình.  Nếu Trung Quốc không cho vời về thì anh sẽ bị kẹt cứng trong cuộc đời của một anh thông dịch viên quèn cho CIA và rồi viện dưỡng lão, nên anh phải tìm phương kế trước khi quá trễ.

Mùa đông năm ngoái Peggy trượt chân trên đường tới tiệm, ngã trẹo cổ chân.  Từ đó bà đi cà nhắc và chậm hẳn lại.  Đi đâu cũng phải chống gậy.  Bà nói muốn bán tiệm rồi dọn về New Orleans sống gần con gái.  Nellie hỏi, “Bán bao nhiêu?”

“Một trăm hai chục nghìn,”  Peggy nói bằng một giọng mũi rè rè.

“Tiệm bánh mà sao đắt thế!”

“Không đắt đâu.  Nhà cửa, đồ đạc vừa mới tân trang xong năm ngoái.  Khách hàng đến đều đều và là đa số là khách quen hàng hai chục năm.  Chỗ này làm hái ra tiền biết không?”

“Nếu em mua chị có để rẻ cho em không?”

“Thì chuyện làm ăn buôn bán mà, để xem.”  Peggy mỉm cười, ra điều có thể mặc cả được.

“Chị có thể đợi đến khi em xoay ra tiền được không?”

“Được, chị sẽ giữ một thời gian cho em.”

Kể từ đó hai người hay thảo luận giá cả.  Họ quen nhau đã lâu nên tha hồ mặc cả trả giá tự nhiên.  Ba tuần sau Pegy đồng ý để lại cho Nellie tiệm bánh với cái giá $105.000.  

Nellie đề nghị dùng nhà để mượn nợ nhưng Gary không đồng ý.  Anh nói, “Lỡ không trả được thì mất nhà à?  Nếu anh lăn đùng ra chết thì sao?  Em phải ra ngoài đường ở như chơi.”

“Gì mà dữ vậy?  Em sẽ là người chết trước anh.”  nàng luôn nghĩ vậy vì nàng có lắm bệnh.

“Để anh tìm cách, ok?  Cứ nói Peggy em sẽ mua để bả khỏi bán cho người khác.”

Gary có khoảng 40.000 đô la trong chương mục Hồng Kông, và vẫn còn cần 65,000 đồng nữa.  Anh nghĩ đến cách lấy tiền thẳng từ Trung Quốc nhưng còn e ngại hậu quả.  Có thể làm vậy sẽ ảnh hưởng đến uy tín đối với thượng cấp nhưng không sao, vì dù gì đi nữa thì anh cũng đã cống hiến quá nhiều cho quê mẹ.  Thế là anh viết cho Bính Văn xin 70.000 đô la, nói cần tiền ngay lập tức cho một công tác quan trọng.  Chưa đến một tháng sau thì số tiền được ký thác thẳng vào chương mục của anh ở ngân hàng Hằng Sinh.  Bính Văn chẳng hỏi dùng tiền để làm gì; hắn chỉ nói:  “Hàng về rồi.”

Giờ mới đến bước nguy hiểm hơn: làm thế nào để chuyển tiền mặt sang ngân hàng bên Mỹ.  Gary biết nếu chuyển một số tiền lớn thì FBI để ý ngay, nhưng anh phải làm ngay.  Anh là típ người có thể ẩn nhẫn chờ thời trong nhiều thập niên, nhưng khi có cơ hội là làm liền, không ngần ngại.  Anh biết có nguy hiểm nhưng nghĩ đây là hành động cuối cùng trước khi giông khỏi nước Mỹ.  Cứ cách ba hay bốn ngày là anh lại viết một ngân phiếu chuyển sáy bảy ngàn đô từ Hằng Sinh Ngân Hàng sang chương mục bên Citibank.

Sáu tuần sau là anh đã có đầy đủ số tiền trong tay, và anh đưa cho Nellie một tấm séc cashier.  Vợ anh ngạc nhiên hỏi, “Tiền đâu ra mà anh có lắm thế?”

“Anh vay của ông anh họ bên Đài Loan.  Không tiền lời.”

“Vậy thì mình cùng ký tên trong giao kèo nhé?  Anh bỏ ra quá nhiều tiền cho tiệm bánh.”

“Anh không muốn dính dáng vào.”

“Tại sao, Gary?  Bộ anh giận em hả?”  Nellie nói lắp bắp.

“Không, anh muốn em làm chủ, tất cả giấy tờ phải dưới tên em.  Như vậy tốt hơn.”

“Em không hiểu.”

“Đừng hỏi nhiều quá.  Ăn nhiều bánh ngọt làm anh tiểu đường.  Anh không muốn dính dáng gì tới tiệm bánh nữa.”

Nellie há hốc miệng nhìn vào khuôn mặt tái xanh của Gary rồi phá lên cười.  Ngay cả khi không vui thì Gary cũng có máu khôi hài lạnh, thỉnh thoảng lại nổi lên.

Thế là Nellie mua tiệm của Peggy và ký giấy tờ một mình.  Một tuần sau Peggy đi về New Orleans.  Nellie giữ lại hai nhân công trong khi không biết có nên mướn thêm người nữa hay không, suy đi tính lại rồi lại thôi.  Nàng đổi tên tiệm thành Nellie’s Kitchen.  Nàng không thích chữ “Kitchen” nhưng không dám thay đổi nhiều quá chỉ sự mất hên.  Tiệm tuy nhỏ nhưng hái ra tiền.

Nàng để ý thấy trong siêu thị có bán một ít sản phẩm của Dunkin’ Donuts.  Kể từ đó, tiệm nàng bắt đầu bán hai loại cà phê Dunkin’ Donuts: thứ nguyên thủy và loại Dunkin’ rang đen, ngoài ba loại đã có từ lúc trước.  Nàng nhất định làm sao để tiệm Nellie’s Kitchen biến thành một tiệm nửa bán bánh, nửa bán cà phê;  nàng treo tấm bảng bên cạnh cửa trước  tuyên bố:  “Chúng tôi có bán cà phê Dunkin tại đây!”  Sợ có thể có vấn đề pháp lý, nàng hỏi chồng ý kiến.  Gary trấn an nàng, nói nếu bán trong siêu thị thì bán trong tiệm được.

Bây giờ thì kể như tương lai của Nellie đã vững chắc, Gary viết thư cho thượng cấp bên Trung Quốc, yêu cầu được triệu hồi về nước.  Anh nói anh có bệnh tật và cảm thấy mệt mỏi, chắc sẽ về hưu ở CIA sớm, nên cũng đến lúc chấm dứt nghề gián điệp đã có hơn ba chục năm.  Trong những năm tháng sống ngoài hải ngoại, anh đã dồn hết tâm lực để phục vụ quê hương và Đảng.  Anh chân thành muốn trở về đoàn tụ gia đình để sống chuỗi ngày còn lại trong yên bình và chết trên mảnh đất quê hương.  Anh còn đính kèm kết quả thử máu cuối cùng cho thấy đường lượng là 172, rõ ràng là bệnh tiểu đường.

Anh đưa thơ cho cha Murray nhờ gửi ngay lập tức.  Anh nói,” Càng già càng nhớ nhà.  Hy vọng tôi có thể về càng sớm càng tốt.”

“Anh may mắn còn có quê hương để mà trở về,”  Murray nói mà nước mắt lưng tròng.  “Còn tôi, tôi chẳng biết đâu là quê hương,”  ông nói tiếp.  “Hồi đó quê tôi là căn nhà trệt màu phấn xanh có tường đá bao bọc chung quanh, nằm trong con hẻm nơi mẹ tôi ở.  Sau khi mẹ tôi mất, căn nhà đổi chủ, và Manila chẳng còn ý nghĩa gì đối với tôi.”

“Thế còn cô em?”  Gary hỏi.

“Nó ở bên Tân Tây Lan.”

“Nhưng làm linh mục có nghĩa là thuộc về giáo hội, đúng không?  Đâu phải như người trần tục chúng tôi.”  trước giờ Gary vẫn phục cái tính thoải mái và ung dung tự tại của ông cha, nhưng giờ nàng anh mới hé thấy con người đau khổ, một tâm hồn cô độc.

Murray nói.  “Ước gì tôi có được đức tin.”

“Thì ra thế.”  Gary cố tưởng tượng ra chiều sâu nỗi buồn của một vị linh mục đã đánh mất đức tin.  Gary thú thật, “Tôi chỉ sợ mình không thể kiên gan mãi được và rồi sẽ tan ra từng mảnh ở nơi chốn này.”  khi anh cố nín cười thì cảm thấy tê rần trước ngực.  Lúc sau này mỗi lần cười to thì mất tự̣ chủ, rồi không cầm được nước mắt.  Anh biết mình đã đến lúc có thể bị sức ép làm nổ tan tành bất cứ lúc nào.

“Không sao đâu,”  Murray nói.  “Anh đã phục vụ tổ quốc hết sức mình.  Thế nào mà họ chẳng mở rộng vòng tay đón anh như đón đứa con thân yêu trở về nhà.”

“Thế đâu là tổ quốc của anh?”

“Tôi cũng chả biết nữa.  Tôi chỉ giúp Trung Quốc vì lòng trung thành với tổ tiên và vì thù ghét bè lũ thực dân đế quốc, nhưng bảo tôi về đó ở thì chắc là không được rồi.”

“Thật ra cũng không đến nỗi nào,”  Gary nói.  “Không có quê hương giúp ta có thái độ buông bỏ, dễ gần với thần thánh hơn.”

“Với tôi, quê hương không phải là một thực thể cố định nhưng là một cảm xúc, một ước ao.”

“Vậy thì quá hay.  Quê hương trong lòng ta.”

“Không biết có được không, nhưng tôi vẫn cố gắng.”

Sau lần gặp gỡ đó thì Gary bắt đầu chờ đợi trả lời chính thức của Bắc Kinh.


Xxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxx


Henry và tôi đang lúi húi ở hành lang bin đinh để treo một bức tranh mang về từ Bắc Kinh.  Đó là một bức sơn dầu vẽ một cụm xương rồng đang nở hoa mà tôi vừa cho người đóng khung.  Hai người đàn ông cao to, một người khoảng ba mươi mấy người kia độ năm mươi, cả hai đều mặc com lê màu đậm đeo cà vạt xanh da trời, đi vào qua cửa chính .  Một người hỏi thăm ông bà Cohen ở đâu.

“Tôi là Henry Cohen,” chồng tôi trả lời trong khi trèo xuống thang.  Hai người xuất trình thẻ FBI-- một người tên Simpson người kia tên Clifton.  Tôi liếc nhìn nách họ thì thấy có đeo súng.  Người lớn tuổi hơn hỏi Henry, “Ông có rảnh vài phút không?  Chúng tôi có việc muốn hỏi ông.”

“Ok, hỏi đi.”

“Mình ra chỗ khác nói chuyện được không?”

“Được, nhưng các ông cần biết gì?”

“Về những con chips Intel ông vừa mua.”

Henry đặt tay lên vai tôi.  “Vợ tôi cũng có mặt được không?”

Tôi nói, “Hi, tôi tên là Lilian.”  Tôi không đưa tay ra bắt vì chưa họ muốn gì.

“Được, bà nhà có thể có mặt,”  người đàn ông trẻ tuổi nói Henry bằng một giọng cho thấy anh không phải chỉ là đàn em cho người đồng nghiệp.

Tôi mừng vì đây không phải là một cuộc hỏi cung.  Họ đi theo chúng tôi về phòng.  Sau khi đã ngồi xuống trong phòng khách, Sĩ Quan Clifton, người lớn tuổi hơn, nói với Henry,  “Chúng tôi muốn biết ông dùng những con microchips vừa mua để làm gì.”

Simpson, người sĩ quan trẻ tuổi, nói thêm, “Hay ông đã bán cho người khác rồi?”  anh lấy cây bút vào cuốn sổ tay đặt trên đùi.

“Tôi mua cho một người bạn,”  Henry nói.

“Mua hàng loại này có vi phạm luật không?”  tôi hỏi.

“Không,”  Clifton trả lời.  “Nhưng đó là những món hàng cấm xuất cảng sang một vài nước.”  

“Henry mua chúng cho cháu tôi, nó có hãng computer ở ngoại ô Boston.”

“Tên anh ta là gì?”  Simpson hỏi.

“Ben Lương,”  Henry nói.

Clifton mở cặp lấy ra một gấp giấy.  “Có phải người này là cháu bà không?”  hắn đưa tôi tấm ảnh.

Tấm ảnh cho thấy Ben lúc còn trẻ hơn, khuôn mặt vẫn còn phúng phính nhễ nhại mồ hôi, mặc quần đùi áo may ô, tay cầm quả bóng rổ.    “Đúng rồi, cháu tôi đấy,”  tôi trả lời, có lẽ tấm ảnh này chụp trước khi sang Mỹ.

“Nó dễ thương lắm,”  Henry nói.  “Tôi rất thân với nó.”

“Bộ ông không nghĩ anh ta có thể gửi chips về nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa hay sao?”  Clifton tiếp tục, mắt nheo nheo, chiếc cằm vuông vểnh lên.

“Tôi chẳng biết nó gởi đi đâu,”  Henry nói.  “Nó có tiệm computer, dĩ nhiên phải mua phụ tùng.  Mấy con chips này bán ngờ ngờ ra đó nên tôi chẳng hề nghĩ đến việc hợp pháp hay không hợp pháp.  Tôi chỉ mua giùm nó.”

“Tại sao anh không mua lấy mà phải nhờ làm gì?”  Clifton hỏi.

“Nó nói tại họ Lương nên dễ bị người ta kỳ thị.”

“Ông có thể nói rõ hơn không?”  Simpson ngồi nhổm dậy.

“Hàng thường đến chậm, có khi không đến.  Nó nói, tôi tin.”

“Thưa ông,”  Tôi chõ miệng vào, “Ông phải biết, bên Mỹ nạn kỳ thị vẫn đầy rẫy ra đó.”

“Cái đó khỏi phải nói,”  Clifton nói.  “Vấn đề ở đây là một tội nặng.”

“Mua micrô chíp thì có gì mà phạm luật?”  Henry hỏi.  

Simpson quạt lại, “Cái đó còn tùy gởi chíp đến đâu.  Nếu gởi sang Tàu thì tội hẳn đi chứ.”

Không ai nói gì.  Tôi biết chắc chắn thằng Ben gởi hàng sang nước ngoài.  Thấy Henry câm họng, tôi nói, “Chúng tôi cũng chẳng biết nói gởi đi đâu.  Biết thì đã nói.”  

Hai anh FBI có vẻ mãn nguyện đứng lên đi.  Trước khi ra tới cửa, Clifton quày lại nói với Henry, “còn một điều thắc mắc hỏi luôn.  Thế ông Ben trả ông mỗi lần bao nhiêu?”

“Gấp đôi số tiền bỏ ra.”  Henry nói.

“Ông nói rõ hơn được không?”

“Nếu tôi bỏ ra một ngàn thì nó trả hai ngàn.”

“Lời một gấp đôi?  Đã vậy?”

“Người nhà cả mà, tính thằng Ben vẫn rộng rãi.”

Câu trả lời vậy mà lại hay, lúc đầu tuy Henry có run thật, nhưng giờ giọng nói chắc nịch, rõ ràng.  Nói thì nói vậy nhưng cả hai đứa tôi đều run.  Họ đi rồi chúng tôi mới ngồi nói chuyện.  Vì lý lịch bố tôi làm gián điệp nên Henry bắt đầu nhận ra được vấn đề.  Anh lo cho Ben vì làm gì anh chẳng nghi Ben làm gián điệp cho Trung Quốc.  

“Em có nghĩ thằ̉ng Ben làm giống bố em không?”

“Có thể, nhưng bố em là phó bộ trưởng, còn Ben chỉ là con tép riu.”

“Em nghĩ nó đánh cắp dữ liệu kỹ thuật?”

“Và quân sự.”

“Nó có dính vào mấy thứ khác không?  Như chuyển vũ khí chẳng hạn?”

“Không đâu.  Muốn buôn bán vũ khí trên thị trường quốc tế thì phải có hỗ trợ.  Chỉ con ông cháu cha mới làm được.  Tiền không.”

“Đáng lẽ em chẳng nên mời nó đến chơi làm gì.”

“Ơ hay! Cái ông này! Ông là người tham tiền, ngăn mãi cũng không được.”

“Em nói phải.  Anh tham tiền thật.  Lỗi tại anh.  Mình có nên cản nó không?”

“Nên thì nên lắm, nhưng bằng cách nào?”

“Gọi cho nó.”

“Chỉ sợ điện thoại bị nghe lén.”

“Thì email.”

“Cũng không an toàn.  Chắc em phải đi Boston tuần tới.”

“Không, em phải tuần này, sắp xong khóa học rồi.  Nói nó biết nguy hiểm,  Phải nói nó không làm cho chính quyền Trung Quốc nữa.”

Tôi định nói nó có công tác chỉ định, đời nào chịu nghe, nhưng tôi im miệng và đồng ý đến gặp nó tuần này.  Vẫn có điều gì tôi chưa hiểu, tôi phải nói chuyện thẳng với nó mới được.

No comments:

Post a Comment