Monday, February 13, 2017

Bản Đồ Của Sự Bội Phản 1969-1970

1969-1970

Ngày 28 tháng 8 năm 1969 tờ The Washington Post cho đăng một tin kinh thiên động địa.  Bài in trên trang nhất cho biết Liên Xô không thèm đánh nhau lẻ tẻ dọc theo biên giới nữa, mà đang chuẩn bị tổng không kích những căn cứ nguyên tử của Trung Quốc.  Xô Viết cố tình đánh tiếng cho giới lãnh đạo quốc tế xem họ phản ứng thế nào.  Tuy tờ báo lúc sau này đang tụt dần xuống hàng báo lá cải nhưng Gary không nghi ngờ độ khả tín của bài viết.  Anh chỉ thắc mắc lý do tại sao lại đăng.  Khi được phỏng vấn, phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói đây chỉ là một “tin đồn.”

Bản tin có vẻ như được tiết lộ từ những nguồn tin thông thường, nhưng có vài người trong cộng đồng tình báo DC lại nghĩ đây có thể là mưu kế cùa Bạch Cung -- tuy giới lý thuyết gia có bàn đến kế hoạch phá hủy kho vũ khí nguyên tử Trung Quốc thật, nhưng đây là lần đầu tiên đề tài này được đưa ra trước công chúng.   Các nhà phân tích thời sự suy diễn rằng, khi tung tin ra trên báo chí, chính phủ có thể đang ra dấu muốn thương lượng với Trung Quốc.  Ngược lại, có kẻ lại cho là tin này do Nga Sô tung ra để làm áp lực với Trung Cộng, để đe đọa Mao và đám đồng chí.  Giới phân tích quân sự thì xem bài báo như một tin đồn thất thiệt, vì nếu Nga Sô thực sự muốn bỏ bom căn cứ nguyên tử thì nói ra làm cái quái gì.

Gary, cũng như các đồng nghiệp trong giới tình báo DC, tin là kế hoạch không kích của Xô Viết không phải là chuyện tầm phào hay một mưu chước ngoại giao.  Anh lo sốt vó, không biết Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao.  Anh vẫn không có tin tức gì của Bính Văn, không chừng đã chết rồi, và Gary không cách gì liên lạc quê nhà.  Anh thắc mắc không biết có phải các đồng chí đã bỏ rơi mình không?  Ngay cả cha Murray cũng không có cách liên lạc với Bắc Kinh, tuy cả hai nghĩ là tin Xô Viết hẳn đã đến tai Trung Cộng.

Quả vậy, hai tuần sau Mao ra lệnh cho toàn dân “đào hầm, tích gạo.”  Gary phát hiện là Trung Quốc đã chuẩn bị tránh oanh tạc từ lâu rồi, tuy lúc đầu tưởng do máy bay Mỹ.  Rồi ngay trước ngày mồng 1 tháng 10, ngày quốc khánh TQ, năm 1969, TQ cho nổ hai đầu đạn nguyên tử ở vùng sa mạc phía tây.  Một quả là bom khinh khí 3 megaton.  Gary hiểu đây là lời cảnh cáo của TQ cho Nga biết lạng quạng là cho hỏa tiễn tầm trung có gắn đầu đạn nguyên tử bắn sang.  Tuy phản ứng có hơi quá độ, nhưng Gary cũng thấy bớt lo và phục Mao là người có viễn kiến, thấy trước được nhu cầu phải có vũ khí nguyên tử để tự vệ.

Trong khi đó cuộc sống gia đình của anh khá yên ổn, và mối tình với Suzie vẫn tiếp tục.  Mùa hè năm 1969 Suzie thử cặp với một nhân viên tòa đại sứ Hy Lạp, một anh  nói chuyện nhỏ nhẹ, có bộ râu quặp, nhưng rồi anh ta bị triệu hồi về nước nên nàng lại trở lại với Gary.  Tuy không nói ra nhưng Gary cũng mừng là nàng trở lại.  Ở nhà anh với Nellie ít cãi nhau hơn.  Họ ngủ chung giường nhưng tính anh khó ngủ và hay giật mình thức dậy, nói vừa tiếng Anh vừa tiếng Hoa làm nàng thức giấc.  Khi ngủ mớ anh thường la mắng ai đó bằng tiếng mẹ đẻ mà Nellie không hiểu một chữ.  Nhưng ban ngày thì anh trở lại với con người hiền lành, ít nói, tuy hơi xa cách.

Nhờ có thì giờ hơn nên anh hay chơi cờ tướng với Lilian, nay đã học trung học đệ nhất cấp.  Anh dạy nó tất cả các thế cờ, các kỳ pháp.  Thỉnh thoảng nó cũng thắng anh được một ván.  Mỗi lần như vậy anh lại khen là con bé thật là nhuệ mẫn.  Anh muốn nó theo học trường dự bị để có thể vào một trường đại học hàng đầu.  Thỉnh thoảng hai cha con nói chuyện bằng tiếng Quan Thoại làm mẹ nó khó chịu vì không hiểu.  Tuy thương con nhưng Gary quyết định sẽ gởi nó đi học xa để khỏi vướng chân vướng cẳng.  Anh cấm nó không được bén mảng đến phòng đọc sách khi anh không có nhà.

Mùa xuân năm 1970 Nellie đi làm ở một tiệm bánh có tên là Peggy’s Kitchen.  Nàng thích làm bánh mì, bánh quy, bánh pie, và bánh ngọt.  Nhờ làm việc cho Peggy Loschiavo, một người đàn bà đẫy đà 62 tuổi, mà tự nhiên Nellie tươi tỉnh hẳn lên.  Nàng tắt kinh hơi sớm và đổ thừa tại chồng mà ra cả.  Mỗi ngày nàng mang về bánh mì mới ra lò mà cả nhà thích.  Gary bắt đầu ghiền bánh focacia, bánh mì hành, bánh challah, bánh sourdough, và bánh croissant.  Anh không thích gì  bằng bánh mì nóng hổi mới ra lò ăn với xúc xích, nhất là linguica, điểm thêm một nhánh tỏi.  Thỉnh thoảng Nellie cũng mang bánh ngọt còn dư về: bánh táo, bánh rugelach sô cô la, bánh trái cây, và đủ loại bánh quy.  Chưa bao giờ mà Gary ăn nhiều đồ ngọt như thế, miếng nào cũng đầy đường và bơ, đúng là thức ăn Mỹ.  Anh thích loại bánh vỏ mỏng, dòn, có nhân trái cây.  Anh nói đùa, “cuối năm nay phải lên ít nhất một chục ký.”  sự thật thì có ăn bao nhiêu anh cũng chẳng lên cân.  Anh là típ “người gầy thầy cơm.”

Nellie cũng không lên cân tuy ăn uống ngon lành.  Hồi này nàng có vẻ điềm tĩnh và chững chạc hơn lúc mới lấy chồng cách đây 14 năm.  Một phần có lẽ do nàng đã đọc hàng trăm cuốn sách, đa số là truyện tình cảm và trinh thám.  Hồi con gái còn bé, trường chỉ định bao nhiêu sách là nàng đọc hết, và khi con làm bài bao giờ cũng ngồi bên cạnh.  Nàng làm vậy mãi đến khi con lên học lớp dự bị ở Massachussets.  Nơi đây, con bé bắt đầu say mê môn sử học chỉ vì thầm yêu một ông giáo trẻ, đêm nằm tưởng tượng những ngón tay chàng mân mê trên gò bồng đảo mới chực nhú.  Nó ít về nhà như các bạn vì biết bố mẹ không thương yêu nhau.  Lilian sợ cái lạnh lẽo của căn nhà yên lặng.  Nó mừng khi thấy mẹ bắt đầu đi làm bên ngoài.

Thỉnh thoảng lại có một chàng cảnh sát hay luật sư trên đường đến tòa án ghé ngang tiệm bánh để chuyện vãn với Peggy.  Có người ngắm nhìn Nellie và còn buông lời tán tỉnh.  Nellie càng lớn tuổi trông càng đẹp ra: Khuôn mặt hình trái tim, đôi gò má cao, cặp mắt long lanh, và môi dưới đầy đặn.  Nhưng Nellie lại không biết liếc mắt đưa tình.  Nàng lúc nào cũng kín đáo khiến người ta tưởng kiêu ngạo.  Nàng không bôi son vì còn phải nếm bánh, nhưng nàng đánh một tí phấn làm tôn nét mặt lên.  Nàng mặc chiếc áo trấn thủ màu xanh avocado bên trong , ngoài mặc tạp dề, và đầu đội một cái mũ trắng.  Vì nàng hay mỉm cười với khách hàng một cách nhút nhát mà không nói gì nên lắm người lầm tưởng nàng là một người mới từ bên Âu Châu di dân sang, không biết nói tiếng Anh.  Gary không thích vợ̣ đi làm, nói không cần tiền, nhưng nàng khăng khăng nói phải làm gì để tự lập.  Nàng nói Gary mua bảo hiệm nhân thọ cho mình còn nàng không mua được vì không có việc làm.  Nàng muốn có ít tiền để lại cho con ngộ nhỡ khi mình mất đi.   Nàng chẳng lo cho chồng vì ông ấy thừa khả năng tự lo.

Gary cố gắng phanh phui đầu giây mối nhợ đưa đến vụ lộ tin Xô viết định tấn công căn cứ nguyên tử TQ.  Có tin đồn là Đại Sứ Liên Xô Anatoly Dobrynin yêu cầu được gặp Henry Kissinger ngày 20 tháng 8 năm trước đó.  Khi gặp nhau, điều Dobyrin nói làm ông ngoại trưởng chưng hửng:  Liên Xô muốn HK giữ vị thế trung lập nếu họ bắt đầu cuộc tổng không kich căn cứ nguyên tử TQ.  Thoạt tiên Kissinger không biết Dobyrinin có nói thật không, nhưng ông đại sứ LX nhấn mạnh cuộc tấn công sẽ chính xác như giải phẫu, mục tiêu sẽ giới hạn trong khu quân sự, thường dân sẽ không bị ảnh hưởng.  Kissinger nói phải trình cho Tổng Thống trước.  Rồi một tuần sau, thay vì Bạch Cung trả lời thẳng cho điện Cẩm Linh thì tờ The Washington Post tung ra cái tin về kế hoạch của LX.  Rõ ràng là HK không hoàn toàn giữ vị thế trung lập.  Tuy TQ có yếu thật, nhưng vẫn có thể giúp làm thăng bằng cán cân với Liên Xô.  bắc Kinh đã nhận được tín hiệu và phản ứng bằng cách cho nổ hai quả bom nguyên tử.  Thế nhưng giới lãnh đạo TQ có thể không biết là HK cố tình cho lộ tin với mục đích để gây chia rẽ giữa Bắc Kinh-Mạc Tư Khoa và để đưa một nhánh ô liu bé xíu cho TQ.

Gary biết chính sách trung lập của HK trong vụ chia cách giữa Tàu và Nga-- “để hai con chó cắn nhau” - nhưng anh nghĩ HK hơi nghiêng về phía TQ.  Đây là một cơ hội mà TQ không thể bỏ qua được.  Phải làm cách nào cho Mao và bộ chính trị hiểu được tầm quan trọng của vụ này.  Anh muốn hai nước lại gần nhau hơn.  Đây có thể là cách duy nhất TQ có thể tránh hiểm họa diệt vong dưới tay LX.

Gary viết một bản tường trình, cắt nghĩa rõ ràng buổi họp giữa Dobrynin và Kissinger.  Anh nói rõ không thể kiểm chứng nội dung buổi nói chuyện, nhưng tin đồn này không phải hoàn toàn thất thiệt.  Anh nhấn mạnh bản tin được đăng là một cử chỉ thân thiện của HK, và rằng trong tương lai xa, có thể Hoa Thịnh Đốn sẽ sẵn sàng bắt tay Bắc Kinh để chống lại LX.  đây là một cơ hội hiếm có để giới lãnh đạo TQ có một liên hệ tốt với Tây Phương để chống lại con gấu bắc cực Nga Sô.  

Tuy bản tường trình có vẻ hơi lạc quan nhưng Gary nghĩ phân tích của mình dựa trên cơ sở khách quan.  Anh không phải là một người lạc quan và chẳng có lý do gì để đánh lừa cấp trên.  Nhưng rất có thể anh đã bị ảnh hưởng bởi tình cảm dành cho mảnh đất này, nơi mà đời sống con người an toàn thoải mái và không có ai chết đói.  Tuy anh lúc nào cũng như một kẻ ngoại cuộc, đứng ngoài nhìn giòng đời trôi qua, nhưng anh thích phim Mỹ và trò chơi bóng rổ NBA-- anh là người hâm mộ Wilt Chamberlain của đội Lakers.  Anh cũng yêu cảnh đẹp thiên nhiên nước Mỹ.  Nếu là một kẻ di dân bình thường thì anh cũng đã nhận nơi này làm quê hương rồi.  Đúng, quả HK đã thẳng tay chiến đấu chống Cộng Sản và giết cả đến thường dân ở Việt Nam, nơi chiến trường mà một siêu cường đã bị thảm bại, tuy một phần cũng do biểu tình chống đối chống chiến tranh khắp nơi trên nước Mỹ.  Đúng, kỳ thị chủng tộc có xảy ra khắp nơi, nhưng đã có những tiến bộ trên mặt xã hội.  Đây là nơi mà người ta có thể sống một đời sống đàng hoàng có nhân phẩm.  Đây là một quốc gia bảo vệ người dân, và ngược lại, người dân cũng yêu nước mình.  Gary cố đè nén những giằng co trong tâm hồn sợ có ảnh hưởng đến quyết tâm thực hiện công tác mật.

Cuối cùng cha Murray cho anh biết Bính Văn đã trở lại làm việc.  Khi cây lựu rớt quả cuối cùng vào giữa tháng 11 thì Gary bay thẳng sang Hồng Kông.  Người trung gian, biệt vô âm tín hơn bốn năm, đã trở lại Bắc Kinh.  Gary ngạc nhiên thấy Bính Văn già đi rất nhiều.  Giờ đây ông trán hói, mắt kèm nhèm, lông mày bạc trắng, và những nếp nhăn nổi lên chằng chịt trên mặt như một tấm bản đồ.  Ông lại còn đi cà nhắc vì một bàn chân đã bị đá xi măng rớt làm dập nát trong khi đi làm lao động tại một thí điểm xây cất.  Nghe thấy Gary bay thẳng đến Hồng Kông, ông không hài lòng và nói anh đừng làm vậy nữa.  Nếu Gary bị bắt thì ông cũng sẽ bị vạ lây và có thể đi tù.  Gary hứa trong tương lai sẽ cẩn thận hơn.

Sau khi nốc cạn một ly Scotch, Bính Văn có vẻ hăng hái hẳn ra, ông mừng đã thoát khỏi vùng quê tỉnh Cát Lâm, và cũng khoẻ hơn nhờ làm việc thợ nề.  Ông mừng là Gary không những vẫn còn sống mà còn vẫn tiếp tục công tác tình báo, rõ ràng do lòng yêu mến tổ quốc thúc đẩy.  Nghe khen quá, Gary hơi ngượng, chỉ biết cười chiếu lệ.  “Chúng mình như hai con lừa thắng chung một cỗ xe.  Đó là lý do tại sao họ gọi tôi đi làm trở lại,”  Bính Văn vừa nói vừa múc một thìa mạch nha cho vào miệng rồi nhai móm mém.  Họ chọn tiệm Café des Délices, một quán ăn nhỏ ở khu Thiên Hậu, vì Bính Văn thèm thức ăn Tây.  Riêng Gary thì không còn mê ăn uống như đa số người Tàu.  Chính anh cũng nhận ra điều này.  Bính Văn đặt thìa xuống nói tiếp,  “Bạn phải gìn giữ cẩn thận.  Ngày nào bạn còn an toàn, ngày đấy tôi còn an toàn.  Thượng cấp chỉ sử dụng tôi vì tôi đã làm việc lâu năm với bạn.  Còn bạn thì không ai có thể thay thế được.”

Những tin tức tình báo mà Gary thâu thập trong bốn năm qua vừa đầy đủ mà lại quan trọng.  Bính Văn đã đọc qua trước khi ăn và nói với Gary,  “Tôi không biết họ trả anh bao nhiêu nhưng tôi sẽ cố đòi cho được giá cao.”

“Đừng có lo chuyện đấy,”  Gary nói.  “Tôi biết quê hương mình đang điêu linh, không trả cũng chả sao.  Miễn sao cấp trên hiểu cho là tôi mãn nguyện rồi.”

“Tôi sẽ trình điều anh nói lên thượng cấp.  Biết đâu đó?”

Lần này Bính Văn trả cho Gary 4.000 đô.  Phân nửa là số tiền bồi hoàn cho thiết bị đáng lý đã phải trả từ lâu.


Xxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxx



Cháu tôi trả Henry 5.400 đô cho năm con microchips đã mua.  Được lời một gấp đôi nên Henry khoái chí hứa sẽ tiếp tục mua hàng cho Ben.  Tôi không thích trong bụng nhưng không nói ra.  Henry cứ nói đi nói lại là Ben sẽ một ngày “giàu to.”  Tôi hỏi “giàu to” là giàu to cỡ nào?  Anh nói, “Triệu, triệu phú.”  Tuy thông minh nhưng Henry không biết giữ tiền.  Tôi là người phải đứng ra đầu tư số tiền hưu trí chẳng có bao nhiêu của anh.

Một buổi sáng giữa tháng 8, Ben gọi cám ơn mấy bài báo tôi gởi.  “Cháu thấy thế nào?”  tôi hỏi.

“Trước đây con vẫn biết ông ngoại đã làm những công tác quan trọng cho dịch vụ tình báo TQ, nhưng không ngờ quan trọng đến thế.  Tình thật mà nói, xưa con hơi oán ông ngoại vì đã lấy người ngoại quốc rồi sống một đời sống thoải mái bên Mỹ, mà con tưởng là lý do ông bỏ bê bà ngoại con.  Đọc xong bài báo dì gởi con mới thấy đời ông cũng phức tạp và nhiều cái buồn.”

“Dì không nghĩ ông ngoại con yêu mẹ dì.  Hình như ông vẫn còn nhiều tình cảm với bà ngoại con.  Ông hay nhắc đến bà trong nhật ký.  Thử tưởng tượng coi, hai mươi mấy tuổi đã bỏ xứ ra đi và không bao giờ gặp người vợ cũ trở lại.  Ông vẫn thường hay mơ đến bà.  Có lần trong giấc mơ, ông thấy bà bị ốm, phải đi nhà thương, và ông âu sầu ủ rũ cả mấy ngày sau.  Trong giấc mơ, bà ngoại con nói tiếng Anh.”

“Bà con không nói được một chữ tiếng Anh.”

“Dì biết.  Chỉ nói để thấy ông lúc nào cũng nghĩ đến bà, ngay cả trong giấc mơ.”

Chúng tôi yên lặng một lúc, rồi Ben nói lý do gọi điện thoại:  Sonya có bầu được 2 tháng.  Mới thử nước tiểu mua tiệm thuốc tây tuần trước.  Có hai vấn đề:  một là có nên giữ đứa bé hay không và hai là liên hệ giữa hai người sẽ đi đến đâu.  Hai người không đồng ý vấn đề có con hay không nên đã lời qua tiếng lại.  Nó đổ thừa con nhỏ cố tình ngưng thuốc ngừa thai, con con nhỏ nói nó chỉ lợi dụng rồi còn đi ngựa với Mẫn Mẫn và những cô gái Tàu khác đã gia nhập blog của nó.  Ben đề nghị phá thai, Sonya nhất định không chịu.

“Sao con có thể đề nghị một chuyện ghê gớm như vậy?”  tôi hỏi.

“Không phải là con là kẻ nhẫn tâm nhưng con không muốn đi lại vết xe đổ của ông ngoại.”  

“Dính dáng gì tới ông ngoại mày mà nói?”

“Thì nếu ông không có gia đình rồi có một người con gái yêu thương như Dì thì cuộc đời ông đã đỡ phức tạp.  Thì ông đã không cảm thấy một quê hai chợ, như đã khai trước tòa, rằng yêu cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ.”

Tôi ngạc nhiên, không ngờ mấy bài báo tôi gởi lại là Ben suy nghĩ nhiều như vậy.  “Này, này.”  tôi nói,  “đừng có mà vin vào trường hợp của ông mà kiếm cớ.  Đây là cuộc đời của con, con làm sao cho nó phải thì làm.”

“Thế dì bảo con phải làm gì bây giờ?”

“Con có thương con Sonya hay không?”

“Có chứ.”

“Thế con có sẵn sàng chỉ ngủ với nó, suốt đời được không?”

“Trời ơi, dì nói như con là thằng chơi bời đàng điếm lắm không bằng.  Nói thật, con mới ngủ với ba người đàn bà, kể cả Sonya.  Làm sao dám hứa sẽ sống hạnh phúc với một người suốt đời cho được?”

“Như vậy có nghĩa con chưa thương yêu đủ để lấy nó, mặc dù nó đang có thai con của con.”  Thấy nó không nói gì nên tôi nói tiếp.  “Dì cũng chả trách con.  Dì chỉ muốn nói con biết con không thể phủi tay nếu có đứa bé.”

“Con không muốn bỏ nó.  Con chỉ muốn nó phá thai thôi.”

“Dì nói thật con nghe.  Dì nghĩ con không thương nó.”

“Con có thương nó, nhưng con có trách nhiệm quan trọng hơn.”

“Trách nhiệm gì?  Nói dì nghe.”

“Trách nhiệm với quê hương.  Đó là một trách nhiệm cao cả hơn bản thân nhiều.”

“Nhảm nhí! Đừng bao giờ để TQ cản trở đời sống cá nhân mình hay dùng nó để trốn tránh trách nhiệm.  Con mang quê hương ra làm cái cớ, như một cái búa tạ đập tan những mặc cảm tội lỗi thành những mảnh nhỏ, dễ quét xuống gầm giường hơn.”

Nó vẫn yên lặng, có vẻ không hiểu, nên tôi chuyển đề tài một chút.  “Con Sonya có đòi con lấy nó không?”

“Không, nó chẳng bao giờ nói chuyện ấy.”

Ben có vẻ rối trí.  Tôi nói nó đừng đề nghị cái gì với Sonya.  Phải coi xem con bé  nghĩ gì về liên hệ hai người và để xem nó sẽ làm gì với đứa bé nếu quyết định giữ.  Nó có tính một mình nuôi con không?  Hay nó sẽ gởi con về cha mẹ bên Ukraine nếu thằng Ben không lấy nó.  

Ben sợ không thuyết phục được con Sonya, nên tối hôm ấy tôi gọi thẳng cho nó.  Con bé không chối đã lén Ben ngưng thuốc ngừa thai.

“Con chỉ muốn có con với ảnh.”  cô nàng nói tỉnh bơ.  “Con sắp 26 rồi, đâu có đợi hoài được.”

“Đáng lý ra con không nên dấu Ben như vậy.”

“Con sẽ không là gánh nặng cho anh ấy.”

“Nhưng có con thì phải có trách nhiệm chứ.”

“Con không quan niệm vậy.  Con nuôi con một mình được.  Hơn nữa, tuy không phải là người đi nhà thờ nhưng con tin đời sống bắt đầu khi thụ thai.  Và không có gì linh thiêng bằng đời sống con người.”

“Sonya, hãy cân nhắc kỹ càng.  Dì cũng quí con nít mà thằng Ben cũng vậy.  Nói dì nghe, con có muốn hai đứa lấy nhau không?”

“Dĩ nhiên, con sẽ là đứa con gái sung sướng nhất.”

“Vậy thì con dùng đứa con để xiềng chân thằng Ben à?”

Cô ả thở dài cái sượt.  “Dì Lilian, dì tinh quá, không có gì có thể qua mắt của dì được.  Thú thật với dì, ảnh cứ viết qua viết lại với mấy con ngựa cái trên blog, con chịu không nổi.  Ảnh mà theo con nào chắc con ghen lộn ruột lên mà chết quá.  Con biết ảnh chỉ muốn bồ bịch thôi, nhưng con sẵn sàng làm bất cứ cái gì cho ảnh.”

Rõ ràng là con bé yêu cháu tôi.  Nhưng không biết Ben có thực sự yêu con đó như nó nói không?  Chưa chắc.  Thế khuyên thằng Ben cái gì bây giờ?  Tôi ngạc nhiên thấy con Sonya tâm sự như một con bé mới lớn.  Rõ ràng là nó chưa rành đời mặc dù chẳng còn nhỏ nhít gì.  Cái tính khí ngây thơ và bướng bỉnh càng làm tôi thương nó hơn.

Khi tôi kể cho Henry nghe thì anh nói tỉnh bơ,  “Nhằm nhò gì?  Cứ lấy.  Sống không được thì ly dị.”

Tôi không đồng ý, ly dị có thể là một bế tắc không nhỏ trong cuộc đời của một đứa con trai, trên mặt tâm lý cũng như nghề nghiệp, một bước thụt lui có thể làm mất đi sự tự tin. Có thể Ben chẳng nên giải quyết ngay lập tức.  Có những vấn đề không nên giải quyết cái rụp cho xong mà phải ngủ với nó, sống với nó.  Bởi vì đôi khi, giải pháp lại đẻ ra vấn đề khác-- nói một cách khác, vô phương cứu chữa.  Người Mỹ chúng ta cứ tự dành quyền đi giải quyết vấn đề của thế giới, và đó là đầu mối của cái bi kịch-- có quá nhiều vấn đề không thể giải quyết được.

Tôi gọi Ben hôm sau bảo nó đừng bắt Sonya phải làm theo ý mình. Và cũng đừng có vội vàng.  Còn tối thiểu hai tháng nữa để cùng nhau đi tìm giải pháp.  Một khi có thai năm tháng thì phá thai nguy hiểm.  Chúng nó có thể phải đẻ ra rồi tìm cách mà nuôi.

“Con cái là lộc trời cho,”  tôi nói Ben.

“Okay,”  Ben nói, có vẻ miễn cưỡng.

“Con nên tự hỏi lòng mình.”

“Để làm chi?”

“Để xem mình có thực sự hạnh phúc sống suốt đời với Sonya hay không?”

“Cái ấy không có gì để thắc mắc.”

Nó có vẻ thản nhiên không lấy đó làm quan trọng, nhưng tôi không nói gì thêm.

No comments:

Post a Comment