Friday, February 3, 2017

Bản Đồ Của Sự Bội Phản 1962-1963

1962-1963

Đến cuối năm 1961 thì tổng hành dinh của CIA ở ngoại ô Langley, Virginia được xây xong.  Nhiều văn phòng hỗ trợ ở vùng DC cũng dọn về cái trung tâm bao la bát ngát này, kể cả sở thông dịch của Gary.  Kể từ tháng 2 năm 1962, anh đến đó làm mỗi ngày.  Chỗ làm mới giúp anh thăng tiến vùn vụt trong nghề phản gián vì đối với cấp trên bên Tàu thì anh đã nằm sâu trong lòng hệ thống tình báo Hoa Kỳ.  Thế là Bộ Công An tha hồ mà khoe khoang bước đột phá này với Bộ Chính Trị Đảng.  

Gary rất thích văn phòng mới nhìn ra rừng cây đỗ tùng của mình.  Toàn bộ kiến trúc trông như một công viên nằm giữa rừng, chung quanh đâu đâu cũng thấy cây.  Anh thường hay đứng cửa sổ ngắm nhìn cái cảnh ninh tĩnh.  Đôi khi có những con thỏ chạy đuổi nhau hay chia nhau ăn những thứ lượm lặt trong rừng.  Gary thấy các con vật, từ sóc tới thỏ, con nào cũng mập mạp, bộ lông mướt mát.  Sáng sáng mấy con chim giẻ cùi và chào mào sà xuống cỏ mổ hạt, bộ lông óng ánh phản chiếu ánh sáng ban mai.  Cảnh tượng làm anh thích thú, nhưng đôi khi không khỏi chạnh nghĩ đến nạn đói bên quê nhà.  

Anh đâu ngờ là cả thế giới chẳng ai thèm ngó ngàng đến những thảm họa đang xảy ra bên Tàu.  Người ta chỉ thích để ý mấy cái chuyện rùm beng.  Mùa thu năm 1962, cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba đã đưa đẩy Mỹ và Liên Xô đến bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân.  Gary theo dõi tin tức báo chí sát nút và thở dài nhẹ nhõm khi Tổng Thống Kennedy tuyên bố Nga Sô đồng ý chở tên lửa ra khỏi Cuba.  Lắm người vui mừng vì lầm tưởng đây là một chiến thắng lớn cho Hoa Kỳ.  Sự thật thì, theo Gary, phe Xô Viết cũng được lợi không kém vì Nhà Trắng đã hứa sẽ gỡ bỏ hết hỏa tiễn tầm trung ở Thổ Nhĩ Kỳ và Ý, và hứa sẽ không xâm chiếm Cuba.  Gary nghĩ Khrushchev lì lợm không thua gì Kennedy; nhưng cả hai đã sẵn sàng bắt tay với kẻ thù để đi đến thỏa hiệp hòa bình.  Gary thầm ngưỡng mộ Kennedy vì đã giúp đất nước tránh khỏi một cuộc chiến tranh và định bụng thể nào cũng bầu cho ông khi tái tranh cử.

Rồi, tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ xảy ra tại phía nam Tây Tạng.  Lính Tàu tràn qua lằn ranh McMahon, đẩy lui quân Ấn hàng chục dặm nhưng sau đó rút về vị trí cũ.  Cả thế giới kinh ngạc vì không mấy ai lại rút về sau khi đã đổ bao xương máu để xâm chiếm.  Khi dịch những bản tường trình gửi sang từ Đài Loan thì Gary mới vỡ lẽ, hiểu ra tại sao quân Tàu phải rút lui.  Đối với cộng đồng thế giới Trung Quốc được xem như một thứ hủi, chẳng ai thèm chơi, bao nhiêu tiếng tăm từ cuộc chiến Triều Tiên bị mất tiệt.  Sau cái thất bại thảm hại của Bước Tiến Nhảy Vọt cộng thêm nạn đói, Trung Quốc trở thành một nước chẳng bằng ai, nhưng lại bị cả Hoa Kỳ lẫn Liên Xô xem như kẻ thù.  Ngay cả các nước Đệ Tam cũng thích Ấn Độ hơn bởi vì Nehru là người có uy tín và dễ mến hơn Mao nhiều.  Hơn thế nữa, nếu có chiếm giữ thì Tàu cũng không thể nuôi quân được, vì đường xá hiểm trở, lại hay bị nạn nước lũ, đất lở, tuyết lở.  Trong trận chiến Walong, quân Tàu đã phải dùng đến lừa và ngựa để chở lương thực và vũ khí.  Mao tuyên bố, “Sau chiến thắng này ta hy vọng có được hòa bình một chục năm ở biên giới Ấn Trung.”  Gary thấy Mao có vẻ khôn khéo trên mặt đối ngoại, có lẽ vì không còn uy quyền tuyệt đối như ở trong nước.

Đó cũng là quan điểm của Suzie.  Gary có thể tha hồ nói chuyện chính trị và kinh tế vì nàng cũng theo rõi tin tức và sẵn sàng chia sẻ quan điểm với anh.  Nhưng có nói chuyện gì đi nữa thì thế nào cũng lái sang đề tài tình cảm giữa hai người.  Lúc sau này Suzie có vẻ bứt rứt và hay nói bóng gió là không thể cứ tiếp tục mãi như vậy được.  

“Anh có yêu em không?”  nàng nhìn thẳng mặt anh hỏi một hôm khi họ đang trong phòng khách nhà nàng.

Câu hỏi làm anh lúng túng.  Anh nói,  “Thế em muốn gì?”

“Em chỉ muốn biết em là cái gì đối với anh?  Bộ anh tính bắt em làm con điếm cho anh suốt đời sao?”  mắt nàng long lên vì giận dữ.

“Suzie, anh đã nói với em bao nhiêu lần rồi.  Anh không thể bỏ Nellie được.  Nếu ly dị là anh sẽ mất con.  Rồi tiền đâu mà cấp dưỡng.  Nellie nhất định không đi làm--cô ta nhất định cho anh sạt nghiệp.”

“Trời ơi, anh chỉ có nghĩ đến tiền thôi.”

“Anh là người có trách nhiệm.”

“Thế còn trách nhiệm với em thì sao?”

“Mình là bạn. Em là một người độc lập.”

“Còn anh.  Anh là một người có lòng dạ sắt đá.”

Chẳng nói chẳng rằng, anh lấy mũ bước ra cửa.

“Đi đâu vậy?  Trở lại ngay lập tức!”

Anh làm ngơ bỏ đi luôn.

Nàng hay than anh là người lãnh đạm, nhưng trong phòng ngủ anh lại nhẹ nhàng và trìu mến, nhất là sau khi làm tình xong.  Có lần anh thầm thì trong tai nàng,  “Anh là con chó của em.  Muốn làm gì thì làm.  Muốn giết thì cứ việc giết.  Muốn bắn muốn đâm gì cũng được.”  nàng biết anh nói thật, muốn làm gì thì làm, anh cóc cần.

Nhưng làm tình xong thì anh lại trở lại con người lạnh lùng và xa lạ bình thường.  Nàng không thể lường được cuộc đời anh lộn xộn là dường nào: gia đình vợ cả ở bên Tàu, chờ anh về.  Bên đây lại có một người vợ và đứa con khác.  Dằng co giữa hai bà vợ chưa xong, đời nào anh dám mang thêm một bà vào cho đổ nợ.  Thế nhưng anh càng đổ lì thì Suzie càng tức tợn.  Nàng đổ thừa tất cả chỉ vì anh thiếu khả năng diễn đạt.  Anh cứ im lặng khi nàng nói là đường đường một đấng thông dịch viên sao mà không thể nói lên tình cảm và ý nghĩ của mình.  Phải chi anh đừng có con.  Phải chi Trung Quốc và Hoa Kỳ có quan hệ ngoại giao để anh có thể đi đi về về dễ dàng.  Phải chi anh có quốc tịch của cả hai bên, một con người quốc tế.

Anh biết Suzie là một người đàn bà tốt, nhưng vì không giải thích được nên hố sâu chia cách giữa hai người mỗi ngày một sâu hơn, và nàng càng cáu kỉnh hơn.  Một hôm giữa tháng Chạp, trong khi rời khỏi nhà nàng, anh thầm nhủ sẽ không gặp nàng lại.  Phải thoát ra khỏi đúng lúc và thôi không đi tìm thú vui bên ngoài nữa.  Anh sẽ phải chịu đựng nỗi cô độc một mình.

Ở nhà, anh và Nellie ít nói chuyện gì ngoài chuyện gia đình.  Con gái họ đã học lớp một, tuy hay mắc cở nhưng lại linh hoạt.  Sau này Nellie tìm được công việc bán thời gian, giữ sổ sách cho một hãng làm hàng rào do hai bố con làm chủ.  Nàng đến văn phòng gần ngã tư mỗi tuần ba lần và lo phần sổ sách còn lại ở nhà.  Nàng lãnh 1,95$ một giờ, gần đủ trả tiền chợ.  Gary không muốn nàng đi làm, nói là một mình anh làm đủ rồi, nhưng nàng nhất định không chịu nghỉ việc vì, “Tôi không thể tùy thuộc vào anh được.”  Trong thâm tâm, nàng nghĩ anh không yêu nàng và có thể bỏ đi bất cứ lúc nào.  Khi ăn nằm với nhau, anh không bao giờ nói đến chữ “yêu,” và gần đây, có cố đến mấy thì nàng cũng không thể làm anh hứng tình được.  “Anh thật là một người lạnh lùng.”  Nàng thắc mắc không biết nàng có phải là người đàn bà duy nhất trong đời anh như anh từng nói không?  Làm gì có chuyện ấy?  Đồ nói láo.

Anh chỉ để ý và tươi tỉnh khi nói chuyện với con gái.  Sáng sáng anh thả nó xuống trường tiểu học George Mason trên đường đến sở làm.  Trước khi nó ra khỏi xe anh nói, “Hôn bố một cái.”  Nó hôn cái chụt lên má rồi lon ton chạy đi, bịch đựng sách vở nặng trĩu lúc lắc trên lưng.  Nếu không có xe đợi đàng sau thì anh sẽ chờ cho tới khi nào bóng nó biến mất hút sau cái cổng vào của ngôi trường gạch đỏ.  



Khi Gary đi Hồng Kông qua ngả Đài Bắc vào cuối tháng 9, Bính Văn nói nạn đói đã chấm dứt, tình hình đã thay đổi và Trung Quốc trở lại đúng đường.  Thành phần lãnh đạo đã sửa đổi và đưa ra những chính sách mới, để người dân tiếp tục dồn mọi nỗ lực vào công cuộc xây dựng xã hội mới.  Về phần gia đình ở quê thì ai cũng khoẻ cả.  Anh không phải lo nữa để còn chú tâm vào công tác hải ngoại.  Những tin tức tình báo anh gửi lần này rất có giá trị, nhất là cái nhìn của thế giới vào những vấn đề trong nước và hoạt động của CIA ở Đông Dương.  Sau khi ký thác 500 đô vào chương mục ở ngân hàng Hằng Sinh, Bính Văn nói với anh, “Chúng tôi biết số tiền này không đi đến đâu nhưng khả năng chỉ tới đó thôi.  Nay mai khi nước nhà giàu có, chúng tôi sẽ biếu thêm.”

“Phục vụ cho xứ sở là một vinh dự.  Đừng nhắc đến chuyện tiền bạc.”  Gary nói mà khoé mắt ngấn lệ.

Bính Văn cho anh số liên lạc cha Kevin Murray, một linh mục Công Giáo dưới phố Baltimore.  Từ nay hễ có gì khẩn cấp cứ việc liên lạc.  “Đừng lo,” Ông nói.  “Murray lớn lên bên Phi Luật Tân nhưng mẹ là người Phúc Kiến.  Cha ông là người Ăng Lê.  Cần gì gửi gấp, ông ta có thể giúp được.”  

Sau khi ăn trưa tại một nhà hàng có tên là Cựu Thượng Hải, hai người lên tàu du ngoạn ra biển.  Gary cảm thấy tỉnh cả người, như thể đất trời nơi đây làm tăng cường sinh lực hơn ở Virginia.  Bao năm qua, chưa bao giờ Gary cảm thấy tràn mình trề nhựa sống như thế, một niềm hạnh phúc có thể tạm thời xoa dịu nỗi nhớ nhà.  Anh nhìn về hướng đất liền, nơi có vài biệt thự nằm rải rác trên ngọn đồi um tùm cây cối, và xa hơn nữa là mảnh đất mà anh hằng trở về trong những giấc mơ.  Một đàn hải âu sà xuống đầu ngọn sóng, phát ra những tiếng kêu như bầy trẻ nô đùa.  Xa xa về phía đông bắc, một con thuyền tam bản có cánh buồm màu vàng nhấp nhô nơi chân trời.

Trong ba ngày sau đó, Bính Văn đưa Gary đến một câu lạc bộ bên bờ biển, đi xem hai buổi hát bội, ăn ở một nhà hàng mà đồ biển mới bắt lên tươi rói, và một lô tiệm dọc trên Thâm Thủy Bộ (Bến Nước Sâu) và Tây Cảng Thành (Chợ Tây), ở đây Gary đã mua quà cho Nellie và Lilian.  Chuyến này đi quá vui mà còn mang về bao nhiêu món cho mẹ con nó lác mắt luôn.  

Trong những thứ mang về cho Nellie có vòng ngọc trai và cái gãi lưng bằng tre, tay cầm có bọc ngà.  Còn có hai gói lạp sưởng, đỏ chét như hot dog đã teo lại mà cả Nellie lẫn Lilian đều không dám đụng đến.  Vợ con anh trông sợ những hạt mỡ thấy được trong từng lát, nhưng anh vẫn ăn ngon ăn lành.  Mấy tối liền, tối nào anh cũng ngồi một mình nhâm nhi lạp sưởng với uýt ky.



Hai tuần sau, Gary đi tham dự một buổi họp trong đó có 8 đồng nghiệp CIA chuyên về Đông Á để kiểm điểm lại tình hình quân sự tại Việt Nam.  Thomas lấy một bản phúc trình mật trong túi hồ sơ màu hạt dẻ và bắt đầu đọc một số tin tức về vai trò của Trung Quốc trong vùng.  Trung Quốc đã gửi hàng ngàn lính quân vận và nhiều trung đoàn súng phòng không sang để hỗ trợ Việt Cộng.  Nhiều đơn vị Trung Quốc, ăn mặc quân phục lính Bắc Việt, đã tham dự những trận đánh chống quân đội Mỹ.  Còn có đường giây tiếp vận của Trung Cộng chạy từ tỉnh Vân Nam xuyên núi vượt sông đến tận Hà Nội.  Và những nhà thương quân đội ở miền nam tỉnh Côn Minh đã bắt đầu chữa trị thương binh Việt Cộng.  Có vẻ như Trung Quốc đang trở thành hậu cần của Bắc Việt.  Nếu Trung Quốc tiếp tục hậu thuẫn Việt Cộng như vậy thì không cách nào người Mỹ có thể thắng trận được.  

“Phải tìm cách chặn đứng Trung Cộng,”  Thomas nói với những phân tách gia ngồi chung quanh cái bàn hình bầu dục.  “Ngũ Giác Đài cần đề nghị để có thể có kế hoạch ngăn chặn quân Tàu.”

Trong khi những người khác phát biểu ý kiến thì Gary nặn óc kiếm cách lấy được bản phúc trình mật kia.  Chắc chắn trong đó có những tin tức tình báo quan trọng cho thấy Hoa Kỳ nghĩ gì về vai trò của Trung Quốc với Việt Nam cùng phương cách chống lại.  Rõ ràng là Hoa Kỳ xem nước anh là đối thủ quan trọng trong vùng đó; họ có thể tấn công quân đội Tàu, và có thể sẽ bỏ bom những tỉnh bên ngoài biên giới Trung-Việt.  Bằng bất cứ giá nào Gary cũng phải chụp lại bản phúc trình.  Anh đang định gặp cha Murray và muốn gởi vài tin tức tình báo quan trọng cho chuyến giao tin đầu tiên.

Một đồng nghiệp của anh ngồi cạnh Thomas cầm bản phúc trình lên và bắt đầu lật qua.  Anh vừa đọc vừa lấy ngón tay gõ nhẹ lên trán.  Khi anh đọc tới trang cuối Gary nói, “Cho tôi đọc qua được không?”

Anh ta đưa cho Gary.  Anh bắt đầu đọc lướt qua trong khi tai nghe những người khác nói.  Rồi anh đặt bản phúc trình bên cạnh chồng hồ sơ của mình như vừa lấy từ trong đó ra.  Anh tham dự cuộc thảo luận và thỉnh thoảng thêm thắt vài ý kiến.  Anh nói lính Tàu chuyên đánh đêm nên trại Mỹ bên Việt Nam cần có đèn soi và pháo sáng; rằng quân ta phải tránh xa tầm tác xạ chính xác, nhanh nhẹn, và mạnh mẽ của trọng pháo Trung Quốc; rằng ta phải tính đến chuyện phong tỏa hải cảng vì nhiều vũ khí được chuyển sang Bắc Việt bằng đường biển.

Rồi một anh đeo kính ngồi đối diện nói với Gary, “Anh chuyền bản phúc trình cho tôi được không?”  Thế là Gary bắt buộc phải đưa cho anh ta.  

Trong suốt buổi họp còn lại anh nghĩ cách làm sao lấy lại được.  Cuối cùng bản phúc tình chuyển về đầu bàn.  Khi cuộc họp chấm dứt, Thomas gom giấy tờ lại, kể cả bản phúc trình, và bỏ lại trong cặp.  Anh kẹp tất cả trong nách rồi ra khỏi phòng họp.  Nhìn ông xếp đi khệnh khạng trong hành lang, Gary biết mình phải tìm cách đánh cắp.

Ngày hôm sau Gary xách cặp đến văn phòng lấy cớ cần Thomas chấp thuận kinh phí du lịch mà văn phòng thủ quỹ không chịu bồi hoàn.  Mới đây anh phải đi San Francisco để phỏng vấn người xin việc, khi ở đó anh phải mướn xe trong hai ngày.  Gary nói thật với Thomas là anh đã lái đi Berkeley để sử dụng thư viện Á Châu và đễ gặp Giáo Sư Swanson, một dịch giả thi văn Trung Quốc nổi tiếng mà cả anh lẫn Thomas đều ngưỡng mộ.  “Lắm khi cô Sharon cũng khá keo kiệt,” ông xếp anh nói về người thủ quỹ trưởng.  “Nhưng mình cần phải có người kiểm soát ngân sách đâu ra đó.”  Rồi anh không ngần ngại mở nắp bút máy và liếc nhìn xấp giấy có biên lai của Gary.

Đúng lúc ấy chuông điện thoại reo và Thomas cầm lên.  Đó là Alicia, vợ anh. “Xin lỗi một chút,” anh nói với Gary và đi vào căn phòng bên trong để nói chuyện riêng.  Lợi dụng cơ hội, Gary mở cái cặp màu hạt dẻ của ông xếp đang nằm trên sôfa, kiếm thấy bản phúc trình và nhét vào cặp của mình.  Anh đang định đánh đổ gạt tàn thuốc lá hay ly cà phê, để Thomas phải vào phòng tắm lấy khăn giấy cho anh vài phút một mình trong văn phòng.  Nếu không được thì anh sẽ trở lại, mang theo một cặp cá vàng trông như con chim, vì Thomas và vợ có hồ cá kiểng trong nhà.  Cú điện thoại của Alicia đã đến đúng lúc.  Lúc nào Gary cũng có may mắn với Thomas-- chưa bao giờ mà không thể đánh cắp tài liệu của anh.  

Thomas trở lại hai phút sau và viết một vài hàng giải thích với cô thủ quỹ, rằng Gary phải đi Berkeley vì công vụ và phải được bồi hoàn phí tổn.

Tối hôm ấy Gary chụp ảnh bản phúc trình, tất cả là 11 trang.  Nhưng sau đó anh bỗng lo lắng, không biết Thomas có để ý tài liệu bị mất không.  Biết đâu ông xếp anh đã cố tình luân lưu hồ sơ trong buổi họp để Gary ăn cắp.  Như vậy là anh đã bị nghi ngờ rồi sao?  Chắc không phải.  Anh có thể tự trấn an, không tin rằng mình là mục tiêu săn lùng gián điệp hai mang đang phát động bởi nhân viên chống phản gián của CIA.  Trong những năm gần đây họ bắt đầu sục sạo đi tìm người của Liên Xô đã gài vào CIA.  Tuy chiến dịch trên nguyên tắc tối mật, người ta xầm xì là nhiều nhân viên trong văn phòng Xô Viết, nhất là những tay chiêu mộ bên Nga Sô, quả là liều lĩnh.  Nhưng Gary chỉ là một thông dịch viên quèn của khu Á Đông, cách xa những con mắt soi mói, vẫn không bị máy ra đa phát hiện.

Tiếc một điều là anh để lại dấu tay trên bản phúc trình.  Biết làm sao bây giờ?  Rồi anh chợt nhớ thiếu gì người đã cầm bản phúc trình trong buổi họp, đâu phải mình anh.  Giờ anh phải tìm cách trả lại cho Thomas.  Không phải vội.  Miễn sao ông xếp không biết mất thì Gary có thừa thời gian để trả lại.  Anh đã từng làm nhiều lần và biết trả lại dễ hơn đánh cắp.

Anh gọi cha Murray từ một trạm điện thoại công cộng trên đường về nhà tối hôm sau.  Đây là lần đầu tiên anh nói chuyện với ông.  Giọng ông nghe sang sảng tuy đã cố tình nói nhỏ.  Họ đồng ý gặp nhau tại hải cảng Baltimore, giả dạng làm người đi câu.  Gary nói Murray mình sẽ mặc quần jeans áo polo màu xám và lưng đeo ba lô màu ô liu.

Hai ngày hôm sau, trong một buổi chiều thứ Bảy, Gary ra bờ biển.  Anh thấy một người đàn ông trạc độ tứ tuần vóc dáng trung bình đang dựa lưng vào hàng rào sắt, tay cầm một cần câu óng ánh.  Nhưng anh ta trông không có vẻ Á Châu.  Gary ngần ngừ trong giây lát, nhưng rồi nhớ lại Murray chỉ có một nửa máu Hoa.  Anh đến gần, đặt ba lô xuống cạnh thùng đựng giun đất.  Sau khi thả câu xuống nước, anh tỳ cùi chỏ lên thành sắt, bên cạnh người đàn ông.

“Chỗ này cũng khá,”  Gary nói.  Rồi anh nói nho nhỏ mật hiệu.  “Đến đây bằng cách nào?”

“Tôi lái xe,” người đàn ông trả lời thản nhiên.  Ông quay lại Gary.  Một nụ cười nhận diện loé làm khuôn mặt nheo lại, một khuôn mặt với gò má cao và cằm nhỏ và phẳng.

“Lái xe gì”

“Một chiếc Dodge cũ.”

“Đời gì?”

“Một chín năm hai.”

“Màu gì?”

“Sô cô la.”

Gary đưa tay ra và người đàn ông bóp chặt.  Chắc phải tập thể thao dữ lắm đây, Gary nghĩ thầm.

Gary đưa ông gói thuốc lá, Murray từ chối, nói không hút thuốc.  Nhưng Gary cứ ấn vào tay, nói nhỏ trong đó có phim.  Anh bắt đầu nói tiếng Quan Thoại trong khi ông cha trả lời bằng tiếng Anh, nói nghe thì hiểu nhưng phát âm tệ lắm, thế là Gary dùng tiếng Anh trở lại.  Họ nói chuyện công tác trong tương lai.  Murray nói ông chỉ là hàng tép riu có nhiệm vụ giúp Gary liên lạc với Trung Quốc.  Thế mà Gary cứ tưởng ông ta là cấp trên của mình, đảm trách hoạt động tình báo vùng DC.

“Không.”  Murray lắc cái đầu tròn vo.  “Công việc tôi rất giản dị.  Tôi phục vụ cho anh.  Anh là xếp.”

“Mình có gặp nhau thường xuyên không?”  Gary hỏi, chưa tin tưởng hoàn toàn.

“Cái đó tùy anh.”

“Được rồi.  Khi nào cần giao tôi sẽ gọi.”

“Tôi sẽ sẵn sàng..”

Trong móc câu của Murray chỉ có một con nhái bằng cao su.  Khi ông nhấc cần lên, Gary nói, “Đây, dùng con giun tốt hơn.”  Anh chỉ vào cái thùng giun.

“Khiếp! Tôi không bao giờ dám đụng vào con giun.  Gớm lắm.”

Gary cười, chọn một con giun mập mạp nhất, móc vào lưỡi câu của Murray.  “Cá không ăn mồi chết.  Nếu có xài thì phải lắc lắc cho nó như còn sống.”  Anh nhấc con giun lên cao cho nó ngúc ngoắc.  “Dùng con này, có câu cá mập cũng được.”

Họ tiếp tục vừa câu vừa nói chuyện.  Cách đấy không xa, cánh cửa sổ của một khu nhà bằng gạch khi chớp khi không.  Xa hơn nữa, một con tàu kéo trôi ì ạch về hướng tây, để lại một làn khói trắng và đường tàu chạy hình tam giác trên mặt nước màu xanh kim loại.  “Chà, quên mang theo nước ngọt,”  Murray nói, có vẻ khát nước.  Gary lấy một quả cà chua chín mọng ra khỏi bịch và đưa cho ông cha. Ông ăn một cách ngon lành.  Một chiếc cam nhông đàng sau bấm còi kêu oang oác làm Murray quay phắt lại sau.  Gary thấy ông ta có tật hay giật mình, có lẽ chưa quen với điểm hẹn nơi đây.

Trời nắng chang chang, tuy thỉnh thoảng có tí gió nhưng mồ hôi trên trán họ chảy ra như tắm.  Gary rút trong túi ra gói thuốc và châm một điếu.  Cái cần của ông cha bỗng nhiên cong oằn.  “Cá cắn câu rồi.  Con bự à nghe.”  Ông la to.  Đôi mắt màu nâu long lanh như một thằng bé.

“Có gì đâu, một con cá vược bé xíu mà cũng la rùm beng.”  Gary cười khúc khích lắc đầu.  Thật vậy, nhìn con cá giãy dụa trên mặt đất, trông không tới một foot.  “Thả nó xuống nước kẻo nó chết bây giờ.”

“Anh giúp tôi gỡ móc câu được không?”  Murray nói lắp bắp.

“Gỡ câu mà cũng không biết làm à?”

“Chưa làm bao giờ.”

Gary nhấc con cá vược và lấy lưỡi câu ra khỏi miệng.  “Đây.  Cầm lấy để chụp ảnh.”  Anh đưa con cá cho ông cha.  “Tôi có cái máy ảnh mới đây.”

Murray lắc đầu.  “Tôi không cần chụp ảnh.”

“Thì thôi.”  Gary thả con cá xuống nước.  “Vậy anh không hay đi câu?”  Gary hỏi.

“Đây là lần đầu tiên.”

“Hèn chi cần câu còn mới toanh.”

“Mới mua ở Sears hôm qua.”

“Thế thì đừng giả là ông câu nữa.”

“Đồng ý.  Ở đây nước bẩn, chẳng ai đến câu.  Hơn nữa hai thằng Tàu đứng cạnh nhau dễ gây chú ý.”

Họ quyết định xem nhau như bạn, chẳng cần mật khẩu hay hẹn hò bí mật làm gì.  Chẳng thà cứ giản dị tự nhiên thì lại không ai thắc mắc.  Murray sẽ nói giáo dân Gary là bạn để dễ bề gặp gỡ.



Xxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxx



Cô cháu Cự Ly viết thư cho tôi một tuần hai ba lần.  Nó vẫn đi hát và ban nhạc của nó bắt đầu có tiếng và hay sang những thành phố lân cận trình diễn.  Có lần tôi hỏi nó có muốn sang Mỹ không.  Nó trả lời.  “Có thể sang thăm thì có.  Con không giống mấy đứa bạn, chỉ muốn bỏ xứ mà đi.  Con không còn trẻ tuổi để bứng gốc sang chỗ khác.  Lại nữa, con không nói được tiếng Anh.”

Tôi muốn nó sang ở chơi với tôi vài tháng.  Nó còn gian díu với thằng Ngô Bình, chắc vẫn nghĩ có ngày thằng đó bỏ vợ.  Tôi hơi lo cho nó, muốn nói thằng đó là đồ dỏm, không đáng để yêu thương, nhưng tôi nín lại.

Rồi Cự Ly nói có hai người công an thuộc cục An Ninh Quốc Gia đến tra hỏi nó về tôi.  Ngoài những “hoạt động” của tôi tại Quảng Châu, họ còn muốn biết tôi có nói nó gì về bố tôi không.  Tôi nhớ mình hoàn toàn không nói gì với nó về Gary.  Dè dặt vậy cũng là cái hay vì nếu biết nhiều khi nó không hiểu và làm càn.  Tụi công an cảnh cáo về tôi, nói nó nên giữ khoảng cách với người đàn bà Mỹ có thành kiến với Trung Quốc này, mặc dù họ không phủ nhận tôi là dì nó.  Họ cũng bắt nó gọi ngay nếu tôi chất vấn hay yêu cầu cái gì có vẻ khả nghi.  Dĩ nhiên Cự Ly phải hứa.  “Con chẳng tin điều tụi nó nói về dì,” nó viết cho tôi.  “Vừa gặp là con biết dì là dì của con.  Dì với mẹ con giống in hệt nhau, chỉ có dì thon thả và tóc không đen thôi.  Máu mủ vẫn hơn, đúng không?”

Nó cũng cho biết tụi An Ninh cũng thẩm vấn cha mẹ nó về chuyến thăm của tôi.  Cha nó bảo nó nên cẩn thận hơn khi liên lạc với tôi.  “Lilian là người Mỹ, nhiều khi có ý đồ gì khác sao biết được,” ông nói với nó trên điện thoại như vậy.  Hai cha con cãi nhau một trận to.  Nó nói là tôi vô hại, còn cha nó nhất định nói nó không được nói nhiều về Trung Quốc.  Sau cùng ông công nhận, “Cha không nói dì Lilian có ý xấu.  Cha nghĩ dì ấy là người tốt và vô hại.  Phải nhớ là tai vách mạch rừng.  Cẩn thận.”

Tôi nói Cự Ly:  “Cha nói nói cũng phải.  Con nên cẩn trọng.”

Nhưng từ đó trở đi tôi không dám nói chuyện tưới sượi khi nói chuyện trên điện thoại cũng như khi email.  Tôi không biết bọn An Ninh kiểm soát gắt gao cỡ nào.  Tôi chỉ bảo nó nói với cha mẹ tôi sẽ trông chừng anh nó và giúp đỡ nếu cần.



Chồng tôi nóng lòng muốn gặp nên tôi mời Ben đến thăm.  Tôi cũng muốn hỏi ý kiến nó cách liên lạc với gia đình nó bên Tàu mà không gây liên lụy cho họ.  Tôi không muốn nói trên điện thoại vì sợ FBI nghe lén.  Ngay cả điện thoại di động cũng không an toàn.  Tôi nghi nó là một thứ gián điệp hạng xoàng xoàng.

Tôi mời Ben xuống chơi nhân dịp lễ Độc Lập, nhưng cha mẹ của Sonya cũng có mặt ở Boston tuần đó.  Đến ngày 8 tháng 7 nó mới đến.  Chúng tôi lái chiếc Prius được hai tuổi của tôi ra nhà ga xe hỏa đón nó.  Đây là lần đầu tiên nó đến DC, khi vừa thấy tôi và Henry là Ben vẫy tay rối rít.  Nó đi vội lại, mặt rạng rỡ, tay kéo cái va li màu xanh.  Nó ôm tôi, rồi ôm chồng tôi.  Hai người đã nói chuyện với nhau trên điện thoại.

Henry hỏi nó chuyến xe lửa thế nào, và Ben nói,  “Đâu cũng đẹp, trừ Baltimore.”

Chúng tôi cùng cười.  Trên đường về, Ben khen chiếc Prius chạy êm ru không một tiếng động.  Nó nói chiếc Mustang của nó đã đi 230.000 dặm nên ồn ào và giựt khi đạp ga nhưng nó sẽ thay máy mới.  Nó sẽ không bao giờ đổi xe trừ phi xe Trung Quốc.  Tiếc là Trung Quốc chưa ra được chiếc ô tô an toàn và có chất lượng nào cả.

“Mua chiếc Volvo mới đi.” tôi nói.  “Một hãng Tàu vừa mua lại Volvo từ hãng Ford năm ngoái,”

“Thằng độc thân như con ai lại lái Volvo,”  nó nói.  “Volvo là xe gia đình, đúng không?”

“Sao con nói vậy?”  Henry hỏi.

“Nếu con có con, thì có thể sẽ mua Volvo.”

“Khá đắt tiền.”  tôi chêm vào.

Tối hôm đó chúng tôi ăn ở nhà, thức ăn gồm có sà lách, hoành thánh nhồi tôm thịt và hẹ tôi mua đã làm sẵn ở chợ siêu thị Maxim ở Silver Spring.  Ben thích vang đỏ nên tôi mở một chai Merlot.  Trong khi ăn, Henry hỏi Ben, “Con có nhớ nhà không?”

“Thỉnh thoảng cũng có,”  Ben nói.  “Nhưng khí hậu và cảnh quan New England khá giống miền đông bắc nước tàu.  Nếu họ gửi coi đi Miami hay Houston lại là chuyện khác.  Con là dân miền bắc nên không quen khí hậu nóng và ẩm thấp.  Con sống ở Alabama một năm, và mùa hè đầu tiên ở Mỹ khá khốn khổ.”

“Vậy thì con đã thoải mái ở Boston chưa?”  Henry dùng đũa chỉ vào đĩa của mình trong khi nói.

“Dạ chưa hẳn.  Con không dám dính chặt vào chỗ nào vì hãng con có thể gọi về hay thuyên chuyển sang chỗ khác bất cứ lúc nào.”

“Nếu được chọn,” tôi nói, “con có muốn ở lại Mỹ luôn không?”

“Chắc chắn rồi, con thích ở Mỹ.  đời sống đây dễ chịu.”

“Đờ sống ở đây con thích cái gì nhất?”  Henry hỏi.

“Nói thật, con thích sự trật tự và bình an, miễn sao đừng làm gì sái quấy.”

“Và trả tiền nợ,”  tôi nói.

“Dĩ nhiên.  Con thấy người Mỹ làm việc quá chăm chỉ, chăm chỉ hơn cả người Tàu, có lẽ vì phải trả nhiều nợ.  Nhiều người bạn của con phải làm hai ba việc.  Thật là điên.  Họ nghĩ cứ làm nhiều thì sẽ giàu.  Làm lương 10 hay 11 đồng một giờ thì làm sao mà giàu được.  Nhưng đó là một khía cạnh tích cực của đời sống người Mỹ-- làm việc chăm chỉ sẽ được trả công.”

Henry và tôi cười khúc khích, vừa buồn cười nhưng cũng công nhận điều nó nói là đúng.  Ăn uống xong suôi, chúng tôi vào phòng khách nói chuyện tiếp.  Cả Ben lẫn Henry đều mê hockey, nên, họ vừa uống trà vừa xem chiếu lại trận chung kết giứa đội Canucks và đội Bruins, còn tôi thì rút về thư phòng dưới hầm để sửa lại bài viết về lối tả người Á Cjâu trong kỹ nghệ phim ảnh Hollywood trong thời chiến tranh lạnh.  Sắp tới hạn chót để nộp bài nên tôi phải viết cho xong trong vòng ba ngày.

Ben bảo đừng nói chuyện chính trị khi gọi cho Cự Ly vì đường giây chắc chắn bị nghe lén bởi cơ quan an ninh quốc gia. Có viết cũng phải cẩn thận.   Cảnh sát internet kiểm soát lưu lượng trực tuyến và có thể phá rào email để thu thập bằng chứng.  Gần đây họ đã cấm một loạt blogger và đóng cửa chương mục vì dám bắt đầu nói thẳng, và vì người theo dõi lại quá nhiều.  Ai có nhiều người theo đều chẳng chóng thì chầy sẽ bị dẹp.   Ben lo cho con em sinh đôi có tật làm cái gì cũng thái quá.  

Sáng hôm sau, sau khi ăn sáng xong, Henry và tôi cho Ben đi một vòng coi khu nhà của chúng tôi.  Chúng tôi dắt nó lên ba tầng bin đinh rồi ra khu đất sau nhà.  Có hai cái cống đựng thức ăn cho chim treo trên cành cây sung.  Chúng tôi dừng lại để ngắm mấy con kim oanh, vài con tước đỏ, và họa mi bay đến ăn hạt.  Những con chim ăn uống no nê xong, ra tắm rỉa, chí chít với nhau trong cái bể tắm cho chim làm bằng đá granít dựng bên luống hoa hình trái cật.  Còn đám chim còn lại thì đậu yên lặng trên cây phong và cây trăn, chờ hai con ăn xong bay đi-- rồi hai con khác bay xuống ăn.  Chúng xếp hàng một cách kiên nhẫn, thỉnh thoảng mới có con nóng ruột, nhảy cành này sang cành kia.

“Trời ơi, tụi nó còn lịch sự hơn dân đi xe điện ngầm ở Bắc Kinh,”  Ben nói.  Một con tước đỏ phẩy phẩy đôi cánh như để trả lời.

Henry cười.  “Chúng nó quen nhau mà.”

Tôi phụ họa.  “Chúng nó không dữ như loài chim bên Trung Quốc.”

Lần này Ben là người phá lên cười.  Nó nói.  “Chúng nó may mắn nên không phải tranh thủ để mà sống.”

Phía đông sân đàng sau là một sân tennis có hàng rào bao quanh; vài quả banh nằm rải rác trên cái sân màu xanh, lắm cái tả tơi và mốc nấm như một quả chín rữa.  “Chà, chú dì quả là địa chủ thứ thiệt.”

Tôi nói. “Henry là người giữ cho mọi thứ ngăn nắp.  Chú dì tự chăm sóc khu nhà này.”

“Dì có biết không?  Con cũng khéo tay lắm,”  Ben nói rồi quay lại với Henry.  “Khi nào chú muốn về hưu cứ việc mướn con.   Con biết làm nghề mộc và sửa ống nước.  Mùa thu năm ngoái con giúp thằng bạn con sửa lại mái nhà. “

“Con làm được thật à?”  tôi hỏi.

“Chắc chắn.  Con còn làm thợ nề luôn.  Dì đã thấy sàn nhà cha mẹ con rồi chứ gì?”

“Có.  Dì có thấy.”

“Con là người lát gạch tất cả các phòng.”

“Giỏi qua nhỉ.  Tại sao con dùng xi măng thay vì dùng vữa để lát gạch?”

“Vữa quá đắt.”

Chắc là Ben là một típ khéo tay, nhưng không biết có biết làm tất cả công việc bảo trì ở đây hay không.  Nhưng không sao, học mấy hồi.

Hết giờ xe cộ, Henry chở Ben xuống DC để đi thăm bảo tàng viện, trong khi tôi trở lại thư phòng để viết lách cho xong.  Lúc sau này tôi cũng hay đọc lại nhật ký của bố tôi, mặc dù đã bỏ ra hàng trăm tiếng đồng hồ rồi nhưng thỉnh thoảng vẫn phải đọc lại, nhất là những câu rời rạc, để nối liền những cái chấm, mặc dù bây giờ tôi đã hiểu câu truyện nói chung.  Tuy nhiên, hôm nay tôi không có thời gian cho nhật ký của bố tôi, vì phải viết một chục chú thích cho bài viết.  Tối thiểu cũng mất vài tiếng.

Xế chiều thì Ben và Henry trở lại.  Thằng cháu tôi luôn miệng ca tụng những bảo tàng viện ở Trung Tâm Quốc Gia, chẳng có cái nào vào cửa phải tốn tiền.  Nó nói tôi,  “Cháu ngắm một lô tác phẩm của Rodin, những bức tượng trong vườn điêu khắc ở ngoài trời! Những người ờ gần đó chắc phải cảm thấy đặc biệt lắm.  Tất cả những bảo tàng viện như của riêng mình.  Không thể nào ngờ được.  Phải chi con ở DC để mỗi lần bạn bè ghé thăm sẽ mang họ đi xem viện bảo tàng.”

“Con thích cái nào nhất?”  tôi hỏi.

“Bảo tàng viện Không Gian và Hàng Không.  Chưa bao giờ thấy cái nào như vậy.”

Trước giờ ăn tối tôi đưa nó xuống thư phòng của tôi.  Nó nhìn thư viện bỏ túi của tôi, sách chất đầy từ sàn nhà lên tới trần nhà, và thú nhận, “con chỉ mới đọc bảy tám cuốn sách trong đây.  Phải chi con là học giả như dì.”  Nó đang ngồi trên một cái ghế salon mây, uống sữa hạnh nhân.  

“Con khá thành công trong lãnh vực kinh doanh máy tính của con.  Dì chỉ là con mọt sách, còn ngoài ra thì chẳng làm gì được.”

Tôi chỉ nó coi sáu cuốn nhật ký của Gary để lại.  Nó mở một cuốn, lật lật vài trang.  Tôi nói, “Dì vẫn đang soạn lại chuyện đời của ông.  Khi nào xong suôi dì sẽ cho con nhật kỵ́ của ông.”

Nó đặt cuốn sách xuống rồi nói chậm rãi, “Có lẽ con phải tìm hiểu thêm về cuộc đời của ông trước khi có thể hiểu mấy cuốn này.”

“Dì cũng đang cố tìm hiểu.”

Ben và Henry có vẻ hợp tính hợp nết.  Hai người nói chuyện huyên thuyên về bóng rổ, football; cả hai đều là người hâm mộ đội banh New England Patriots.  Sau khi Ben đi khỏi, chồng tôi cứ nói mãi, “Thật là một thằng ngoan.  Ước gì tôi có được một thằng cháu trai như vậy.”

“Anh mới gặp nó lần này là một.”  tôi nói.

“Anh nói em nghe, anh năm nay đã mấp mé 62 rồi.  Vài năm nữa là không còn sức nữa.  Nếu Ben có thể trông coi khu nhà này cho mình thì có phải là khoẻ cho mình không.  Em nghĩ sao?”

“Anh có tin tưởng nó một trăm phần trăm không?”

“Chưa.  nhưng như anh nói, thì mình phải làm quen.  Anh khoái nó.  Thật đó.”

Nghe xong tôi cũng hả dạ.  Đôi khi tôi cũng thấy tình mẫu tử nổi lên đối với mấy đứa cháu trai cháu gái và không khỏi xía vào đời tư của chúng.  Nhưng Ben có nhiều tham vọng, đời nào chịu làm quản lý chung cư.  Có lần nó nói tôi mơ sống trên Cape Cod, trong một căn nhà kiểu Mỹ thời thế kỷ 18 với ngôi vườn và ̀ một con chó.  Và nếu có tiền, một cái thuyền.

No comments:

Post a Comment