Monday, February 6, 2017

Bản Đồ Của Sự Bội Phản 1964-1965

1964-1965

Đây là lần thứ ba mà Gary quyết định không đến gặp Suzie nữa.  Anh chỉ muốn làm sao cho cuộc đời thật giản dị, nhưng chỉ vài tuần sau nàng lại gọi đòi gặp cho bằng được, nàng nói thèm được nói chuyện lại với nhau.  Anh đến gặp một lần nữa được không?  Nàng hứa sẽ đàng hoàng, không la lối.  Lúc đầu anh không chịu, nói nàng kiếm cái gì khác để tiêu khiển thì giờ đi, như yoga hay thiền chẳng hạn.  Hay tốt hơn nữa, đi kiếm người khác, một anh chàng độc thân.  Anh không bao giờ cho nàng ảo tưởng anh sẽ bỏ vợ bỏ con để đi theo một người đàn bà khác mặc dù Nellie không phải là người Hoa.  Không, không bao giờ anh sẽ làm cuộc đời mình trở nên thêm phức tạp.  Nhưng anh không có cách nào nói cho nàng hiểu nguyên nhân thật sự mà anh vẫn giữa kín trong lòng.  Suzie tiếp tục gọi anh, đôi lúc trong khi anh đang đi họp.  Nàng biết anh là một người có tâm địa tốt tuy bề ngoài có hơi lãnh đạm, bởi thế nên nàng không sợ mình đi quá đà.  Cái nàng thích là anh luôn xem nàng ngang hàng như một người bạn.  Khi họ gần nhau, nàng cảm thấy thoải mái, không phải nín cơn nấc cục hay nhịn cười, và có thể nghĩ gì nói nấy.  Chưa bao giờ mà nàng có thể thoải mái với một người đàn ông như vậy.  Phải chi nàng có thể có thêm chút thì giờ với anh mỗi ngày.

Cuối cùng anh đồng ý đến gặp nàng một lần nữa.  Khi họ gặp nhau ở quán cà phê gần nhà thờ Chúa Hài Đồng một buổi chiều mùa Hạ thì nàng nói với anh, “Anh phải công nhận là giữa hai đứa mình có nhiều cái hợp nhau.”

“Suzie,” anh nói, “Đừng làm vậy, đừng tự làm hỏng đời mình.  Em không thể tưởng tượng được cuộc đời anh nó phức tạp đến cỡ nào.  Em nên tránh xa anh, một người đàn ông có vợ có con, thì hơn.”

“Nếu làm được, em đã làm từ lâu rồi.”  nàng cúi gầm mặt xuống, hai hàng mi chớp chớp, như xấu hổ vì thú tội.  “Nhiều khi em nghĩ cũng tại số phận mình hẩm hiu.  Có lẽ kiếp trước em thiếu nợ anh nên kiếp này phải trả.”

“Mình mới biết nhau có vài năm thôi.”  anh nói.

“Nhưng em cảm thấy như đã cả thế kỷ.”

Những lời nói của nàng làm anh rúng động đến tận cùng tim gan, thế là cuộc tình lại bắt đầu lại và kéo dài cho đến cuối cuộc đời của anh.  Mỗi tuần anh đến gặp nàng một lần, thường vào buổi tối, nói dối với vợ là phải làm thêm cho CIA.  Nellie không bao giờ thắc mắc về những buổi tối anh không có nhà.  Ngoài cái bản chất bí mật của công việc, nàng còn quan  niệm là đàn ông, nhất là một người đàn ông có nghề nghiệp vững chắc, phải có thời gian bên ngoài gia đình.  Miễn sao mang tiền lương về hàng tháng và lo lắng cho gia đình là nàng không than phiền gì cả.  

Thế mà đầu mùa Hạ năm 1964 nàng cũng khám phá ra vụ ngoại tình, tất cả cũng do bà hàng xóm cho biết, bà Colock, một người đàn bà cao như sếu vườn, mà ông chồng hay gặp Gary và Suzie trong quán rượu và nhà hàng.  Đêm đó hai người cãi nhau, họ dùng những từ ngữ làm cho đứa con gái sợ hãi.  Lần đầu tiên nó nghe bố mẹ dùng những ngôn ngữ thô tục cấm nó không được nói.  Nó khóa cửa phòng nằm khóc rấm rức.  

Sáng hôm sau bố nó chở nó đi học như thường lệ.  Hai bố con không nói một lời nào, nhưng con bé vẫn hôn bố trước khi chạy vào lớp học.  Nó mừng là sắp đến hè, và sẽ không phải bố chở đi học nữa.  Nhưng mẹ nó có vẻ thay đổi kể từ hôm ấy.  Bà có vẻ dịu lại và ít nói, như bị đau cổ nên phải dưỡng giọng.  Thật ra Nellie đang nghĩ đến việc ly dị, mà Gary nói sẽ chấp thuận nếu cho ông giữ con gái.  Sự thật thì làm sao ông một mình nuôi con được, vì công việc và thói lơ đãng; ông đòi giữ con một mình chỉ để cứu vãn cuộc hôn nhân.  Cái đó làm Nellie ngần ngừ vì không thể tin giao Lilian cho Gary trông nom một mình.

Nhưng việc vợ chồng gấu ó nhau có ảnh hưởng khác với con gái-- con bé bắt đầu nghĩ đến chuyện bỏ nhà.  Nó chỉ muốn được ở thật xa.  Phải chi nó có con heo đất có nhiều tiền.

Đến mùa thu năm 1964 thì Nellie bắt đầu ngoại tình với John Tripp, Jr, ông quản lý của hãng làm hàng rào.  John, một người đàn ông cục mịch tuổi độ bốn mươi mặt mũi phì nộn, đưa Nellie ra khách sạn gần đó sau bữa ăn trưa, và họ xà nẹo với nhau trên giường cho đến giờ con gái tan học.  

Thật ra, Nellie không thích Tripp lắm vì hắn đòi hỏi nhiều quá.  Hắn bắt nàng làm đủ trò như thể nàng là gái làng chơi không bằng  Lắm hôm người nàng đau dần khắp nơi và chỉ nàng sợ nội tạng bị hư hại; nhưng nàng vẫn không dám từ chối.  Cuối cùng một buổi chiều, nàng hỏi hắn mà trong bụng đánh lô tô là hắn có muốn lập gia đình với nàng nếu nàng ly dị chồng không.  Tripp ngẩn người ra rồi nói,  “Không, không được.  Anh thích em, nhưng anh sống độc thân cả đời rồi và không muốn thay đổi lối sống.”

Nàng chỉ hỏi thử thôi chứ thật tình nàng đâu nghĩ đến chuyện ly dị.  Câu trả lời làm nàng thất vọng và lòng nguội lạnh.  Thật là chán chường.

Vụ ngoại tình kéo dài một cách gượng ép được ba tháng rồi cuối cùng cũng chấm dứt.  Sau đó Nellie xin nghỉ việc ở nhà vì biết rằng dẫu gì đi nữa thì Gary cũng chẳng bỏ nàng và Lilian được.  Anh đã hứa sẽ giữ gia đình toàn vẹn và không phải là một người không giữ lấy lời.  

Nhưng Nellie kể cho chị nàng, Marsha trên điện thoại là mình vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ ý định ly dị .  Lilian không thích bà dì, một bà tóc vàng tay chân khẳng khiu có lúm đồng tiền sâu trên má.  Khi nó mới chập chững biết đi, dì Marsha gọi nó là con búp bê Tàu, một cái tên mà Lilian ghét cay ghét đắng.

Một hôm sau khi tan học, khi Lilian vừa bước vào nhà thì nghe mẹ nói chuyện điện thoại.  “Thật tình mà nói nghe chị Marsha, em cảm thấy mình như một bà già.  Đâu dễ gì  có thể kiếm được một người đàn ông sẵn lòng lập gia đình với mình… Okay, em sẽ suy nghĩ lại lời chị khuyên.  Chị biết Gary rất cứng đầu trong vụ giữ con...Có thể em sẽ ly hôn một thời gian để có thời gian suy nghĩ.  Không chừng lại tốt cho con Lilian.”

Nhưng con bé không muốn vậy.  Tối hôm ấy sau khi hai mẹ con ngồi đọc hai chương cuốn Câu Truyện Con Ngựa Điên, Lilian nói mẹ nó sẽ ở với bố nếu hai người ly thân.  “Đi học trường khác cũng được,” con bé nói.  Mẹ nó có vẻ sững sờ và đăm chiêu suy nghĩ nhiều giờ đồng hồ sau đó.

Rồi sau Lilian kể cho bố nó nghe việc mẹ nó thỉnh thoảng nói với Marsha là sẽ ly dị ông.  “Con nói cho bố nghe, bố cám ơn con,”  Gary cười gượng.  “Thế mẹ con có hay uống bia hay rượu khi bố không có nhà không?”

“Không.  Con không thấy mẹ uống rượu bao giờ.”

“Tốt.  Nếu mẹ uống rượu con nói cho bố biết, okay?  Bố không muốn mẹ thành người nghiện rượu như ông ngoại.”

Thật ra Nellie không phải là người thích rượu chè.  Tuy có làm nghề hầu bàn nhiều năm mà nàng vẫn không phân biệt được giữa vang đỏ và vang trắng.  Trái lại, mỗi khi nói chuyện điện thoại với Nellie thì thế nào Marsha cũng uống một ly.  Khi mềm môi rồi thì Marsha kể đủ thứ chuyện gia đình như tật cờ bạc của ông chồng-- mỗi khi hắn đi Las Vegas thì về nhà thế nào hai người cũng có chuyện--hay thói quen dùng cần sa và các loại ma túy khác của hai người.  Họ tối ngày cãi nhau chuyện tiền nong.  Và thằng con trai chuyên môn móc bóp mẹ ăn cắp tiền, nhưng bà không dám kể cho bố nó nghe, sợ ông đập nó bầm mình bầm mẩy.  Nhưng khi Marsha dục Nellie bỏ Gary thì nàng nói, “Em không muốn vội vàng.  Phải suy nghĩ kỹ đã.”  và lần nào thì Lilian cũng học lại cho bố nó nghe.


Tháng 11 vừa rồi, John Kennedy bị ám sát.  Thoạt tiên vì bàng hoàng nên anh không có phản ứng.  Vài đồng nghiệp, hễ cứ nhắc đến là nghẹn ngào.  David Shuman nói không ra tiếng mà miệng thì méo xệch méo xoạc và trong đôi mắt lạc đà của anh thấy có ngấn lệ.  Nghe David nói thì bỗng Gary òa lên khóc.  Anh gục đầu xuống bàn khóc nức nở.  Các đồng nghiệp anh ngạc nhiên và càng tin anh là người ái quốc và đau khổ hơn cả họ trước thảm kịch quốc gia.  Sự thật thì tuy có buồn chứ không phải là không, nhưng Gary khóc vì một lý do khác.  Anh chỉ sợ vụ ám sát của một vị nguyên thủ quốc gia có thể đưa tới thế chiến nếu thủ phạm có liên hệ với một nước khác.  Trong bụng anh tin là Liên Xô thế nào cũng có dính dáng vào.  Ngay cả Trung Quốc cũng có thể là tòng phạm, nếu không có liên hệ trực tiếp.

Suốt mùa xuân và mùa hạ năm 1964 anh ăn không được ngủ không được, mong đợi kết quả điều tra của FBI và mong là Bắc Kinh không có dính dáng vào vụ ám sát.  Sau 10 tháng điều tra, kết quả được công bố vào cuối tháng 9:  Lee Harvey Oswald đã hành động một mình.  Nhiều đồng nghiệp của Gary lắc đầu không tin, làm sao mà thằng đó có thể một mình mà ám sát được một vị Tổng Thống, chắc phải có một tổ chức nào đứng sau.  Nếu không phải Mafia thì cũng là một quốc gia thù nghịch nào đó.  Gary, trái lại, thở một hơi dài nhẹ nhõm.

Vậy mà Trung Quốc cũng được đăng trên trang đầu báo chí mùa thu năm ấy.  Giữa tháng 10 Trung Quốc cho nổ quả bom nguyên tử đầu tiên làm cả thế giới bị sốc.  Nước Tàu tuy bị tàn phá bởi nạn đói và cuồng nhiệt cách mạng nhưng đã bắt đầu tái xuất hiện ào ạt trong đấu trường chính trị quốc tế.  Một mặt người ta lên án Mao như một con quái vật, nhưng mặt khác lại sợ, và có kẻ còn ca tụng ông là một chính trị gia nhìn xa trông rộng và có quyết tâm để đưa quốc gia lên bản đồ thế giới.  Một tờ báo lớn của Nhật còn tuyên bố:  “Với sự thành công của quả bom nguyên tử cho nổ thử, Trung Quốc đã nghiễm nhiên trở thành một siêu cường số một ở Á Châu.”

Gary bắt đầu tìm tòi thêm và được biết là thoạt tiên Mao xem thường bom nguyên tử, mặc dù Hoa Kỳ đã thả hai quả xuống Nhật Bản.  Trong một buổi phỏng vấn bởi phóng viên người Mỹ Anna Louise Strong tháng 8 năm 1946, Mao nói, “Bom A là những con cọp giấy mà bè lũ phản động Hoa Kỳ dùng để dọa người ta.  Trông thì kinh lắm nhưng thật ra chẳng có gì.”  Thái độ xem thường vì thiếu hiểu biết của Mao làm cả giới lãnh đạo cái quốc gia theo xã hội chủ nghĩa hoảng hồn.  Frédéric Joliot-Curie, y sĩ người Pháp theo Cộng Sản và là con rể của Madame Curie, đã có lời nhắn sang Trung Quốc:  “Này đồng chí Mao Trạch Đông, muốn chống lại vũ khí nguyên tử thì chính mình cũng phải có.”  Ông chủ tịch nghe xong giật cả mình và từ đó bắt đầu tìm cách chế tạo bom nguyên tử.  Ông nhờ Khrushchev giúp đỡ.

Sau khi mặc cả trả giá xong suôi, hai nước ký một thỏa hiệp vào tháng 10 năm 1957:  Liên Xô sẽ cung cấp cho Trung Quốc mô hình và bản đồ thiết kế bom nguyên tử.  Họ cũng hứa sẽ gởi khoa học gia sang để giúp nhưng mãi đến đầu năm 1959 thì một chuyên gia mới được gởi sang, và hắn đã chẳng làm gì hết.  Điều lạ lùng là trong túi hắn lúc nào cũng có một cuốn sổ con, thỉnh thoảng lại rút ra xem, nhưng nhất định không cho mấy anh Tàu xem.  Những người Nga sang sau đó cũng vậy.  Rồi vào tháng 7 năm 1960, bất ngờ Khrushchev rút lại lời hứa và triệu hồi khoảng 200 chuyên gia Liên Xô đang làm việc ở những khâu nguyên tử khác nhau bên Tàu.  Tay lãnh đạo Liên Xô từ trước tới giờ chưa bao giờ thích Mao, tuy có tỏ vẻ cung kính vì dù gì thì Mao Chủ Tịch cũng nhiều kinh nghiệm hơn.  “Đồng chí Mao Trạch Đông cứ tưởng như là Thượng Đế cũng phải phục vụ ông,”  Khrushchev có lần nhận định như vậy.

Gary và đồng nghiệp trong CIA đã tưởng là sau khi người Nga đi khỏi thì Trung Quốc cũng sẽ từ bỏ tham vọng nguyên tử, nào ngờ là họ vẫn tiếp tục tiến hành.  Hàng ngàn khoa học gia đã làm việc ngày đêm tại hàng trăm cứ điểm ngoài vùng sa mạc Tân Cương.  Phó Thủ Tướng Trần Lý tuyên bố trong một đại hội kỹ nghệ:  “Cho dù có phải cầm bán nốt cái quần đi nữa thì chúng ta vẫn phải phát triển vũ khí hạch nhân.”  

Sau bao nỗ lực không ngừng nghỉ thì cuối cùng Trung Quốc cũng chế tạo được quả bom nguyên tử.  Ngay cả Hoa Kỳ cũng không khỏi bị khựng lại.  Mỹ cho máy bay U-2 sang thám thính nhưng bị tên lửa phòng không SA-2 bắn hạ nên không chụp được không ảnh của căn cứ nguyên tử ở miền tây nước Tàu.  Thế là CIA và Đài Loan thành lập một đội nhảy dù gồm binh lính Trung Hoa Dân Quốc chuyên việc phá hoại và đánh đêm. Họ sẽ được thả vào trong sâu nội địa Trung Quốc rồi tiến hành kế hoại phá hủy những lò nguyên tử.  Chiến dịch này có tên là Sấm Sét.  Một số gián điệp cùng lực lượng biệt kích đã được gửi qua lục địa để chuẩn bị cho chiến dịch này.  

Trong khi thông dịch những thư từ trạo đổi giữa Hoa Thịnh Đốn và Đài Bắc thì Gary đã có một ý niệm khái quát về toàn bộ kế hoạch.  Anh cũng tìm thấy kế hoạch truyền thông và mật danh của những điệp viên đang chờ sẵn trong đại lục.  Anh mượn tài liệu đêm về nhà để chụp.  Anh còn viết một bản tường trình tổng hợp tất cả những dữ kiện và mô tả chi tiết kế hoạch.  Anh xin nghỉ hè sớm tháng 6 năm 1965 để đi sang Vọng Các, một điểm nóng mà Gary được biết là nơi nhiều nhân viên CIA đã có mặt.  Một tuần sau thì anh bay sang Hồng Kông và giao tin tức tình báo cho Bính Văn.  Ngay lập tức, có ba người đến từ Bắc Kinh để gặp Gary.  Họ tin là Gary có khả năng trông xa thấy rộng và những phân tích của anh không thể sai lầm được.  Nội nhật một tháng Trung Quốc đã bắt gần hết gián điệp và đập tan chiến dịch Sấm Sét từ trong trứng nước.  CIA đổ thừa cho Đài Bắc đã để lộ tin tức sang phe Tàu Đỏ.  

Vào cuối mùa thu năm 1965 Gary được cha Muray cho biết rằng anh đã được thăng chức lên cấp thứ 14, ngang hàng với cấp bậc Trung Tá.  Đồng thời cũng có một huân chương đệ nhất hạng do Bộ Công An Trung Quốc trạo tặng.  Lương tháng anh bây giờ là 154 nguyên, khoảng độ 70 đô la.  Đó là một số tiền đáng kể vì một công nhân trung bình lương tháng không tới 50 nguyên.  Gary vẫn tưởng tiền lương của mình vẫn được gởi về Dụ Phong đều đặn.  Anh nào ngờ là kể từ khi bỏ làng ra đây cách đây 4 năm, nàng không hề nhận được một xu teng nào của chính phủ gởi cho.


Xxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxx


Mẫn Mẫn, cô học trò ở Bắc Kinh của tôi, viết thơ cho biết đã hoàn tất chương trình thạc sĩ và vừa bảo vệ luận án đề tài phong trào phụ nữ ở Hoa Kỳ trong thập niên 70.  Cô nàng nói phải chi tôi có mặt để chứng kiến “mấy cha già khó chịu” trong hội đồng tiến sĩ đã tấn công nàng với những “câu hỏi dấm dớ không chịu nổi.”  Tôi email lại hỏi về kế hoạch tương lai.  Nàng nói thẳng là mình đang có ý định trèo núi Everest.   Tôi thích cô nàng chỗ đó, tôi thích cái cuồng nhiệt sẵn sàng làm cái mình muốn, không cần biết chuyện ấy có thực tế hay không.  

Tôi có lần nói với học trò trong lớp hậu đại học ở Bắc Kinh, “Người Hoa có nhiều đức tính mà tôi khâm phục như cần cù, tháo vát, khiêm tốn, và kính trọng người già.  Nhưng cũng có hai cái thói mà tôi không thích, có lẽ vì tôi cũng mang trong người dòng máu Hoa.  Đó là thói khôn vặt và tính thực tế, đó là những tính dễ đưa đến khuynh hướng thủ lợi và thỏa hiệp.  Hai cái tật ấy có thể làm tiêu mòn lòng kiên định của con người và soi mòn ý chí cần có để làm những công việc có ý nghĩa lâu dài.  George Bernard Shaw đã từng nói:  “Kẻ biết điều tự biến đổi để thích nghi với môi trường, kẻ không biết điều biến đổi môi trường để thích hợp hắn; thế giới nhờ có người không biết điều nên mới có tiến bộ.”  Tôi mong các em, còn trẻ, nên ôm ấp ngay cả cái không biết điều của mình, những cái mà, như ngọn lửa trong tâm hồn, có thể sẽ tàn lụi khi già đi.”  Vừa nói xong thì tôi chợt nhận ra mình đã trích dẫn một câu danh ngôn chép trong cuốn nhật ký của bố tôi mà tôi vừa đọc lại tối qua.  Ông chỉ câu nói của Shaw ngay trong trang đầu. Những vở kịch của Shaw cũng như những tác phẩm của D. H. Lawrence đã giúp ông sống qua được những tháng ngày quạnh quẽ ở Okinawa.  

Tôi chỉ sợ mình không khéo đã chạm tự ái học trò, nhưng nhiều đứa nói lời của tôi đã làm chúng suy nghĩ, rằng họ thích lối nói chuyện cởi mở và thẳng thắn của tôi.  Có đứa còn cám ơn tôi đã nhắc để nó không trở thành một “thằng ngu mà tưởng mình khôn.”

Mẫn Mẫn, trái lại, không phải là típ người thực tiễn.  Cô nàng hoàn toàn không nghĩ tới những trở ngại trong việc leo núi Everest.  Dĩ nhiên, so với những người trẻ khác thì cô nàng ít có trách nhiệm hay ít vấn đề tiền bạc hơn.  Cô ả có thể không thông minh nhưng bản tánh lanh lẹ khiến nổi bật trong đám bạn như một người vẫn còn tràn trề nhựa sống.  Tôi phục cô nàng điểm ấy.

Cô nàng nói đang ở vào một thế khó xử, một trường quân sự vừa mời nàng về làm việc, nhưng nếu làm cho họ thì phải hoãn hay bỏ ý định trèo núi.  Tôi cũng chẳng biết khuyên làm sao, vì nói về thể lực thì cô nàng cũng chẳng khoẻ gì cho mấy, chưa chắc đã trèo nổi, cho dù có đầy đủ dụng cụ do ông anh có tiền có bạc cung ứng cho.  



Tôi đâu biết Henry đã liên lạc trực tiếp với Ben qua email.  Khi anh ấy nói thì tôi cảm thấy trong lòng có hơi lấn cấn, và tôi nói nửa đùa nửa thật, “Để hai người có thể nói xấu tôi, có phải không?”

“Đùa hoài,”  Henry nói.  “Em biết không có mặt đàn bà, đàn ông nói chuyện thoải mái hơn.”

“Nói chuyện gì?”

“Ồi, chuyện đánh banh, chuyện gái, chính trị, chuyện lịch sử quân sự, chuyện vũ khi thông minh.  Và chuyện làm thế nào để làm ra tiền.”

“Ben có bồ rồi.  Sao còn nói chuyện gái?  Bộ con Sonya không đủ hay sao?”

“Nó đẹp trai, thiếu gì gái theo.”

“Anh thấy nó đẹp trai hả?”

“Chắc chắn rồi.”

Theo tiêu chuẩn người Hoa thì trông Ben chỉ trung bình, có thể hơi đàn ông quá: xương nó hơi to, tướng nó hơi thô.  Thông thường gái Tàu thích con trai trông hơi con gái một tí: nước da trắng trẻo, mi thanh mục tú, hơi chút thư sinh.  Có cô lại thích típ đàn ông sách vở, có lẽ trước đây anh nào có học thì có cơ hội có tiền tài và danh vọng.  Thời buổi này không còn như vậy, nền tư bản đã ngấm vào tận cùng gốc rễ xã hội Trung Hoa, làm thay đổi toàn bộ giá trị và sự suy nghĩ con người.  Người trẻ bây giờ có quan niệm khác về thế nào là đàn ông.  Hai thập niên trước, bạn con trai người Hoa của tôi hay xem cựu Thủ Tướng Chu Ân Lai hay đại văn hào Lỗ Tấn, cả hai đều không phải là người tráng kiện, là mẫu người đàn ông lý tưởng.  Thời nay con trai sẽ chọn Michael Jordan hay Kobe Bryant hay Tim Duncan (có biệ̣t danh là Thạch Phật) làm thần tượng.  Nhiều người cũng tôn sùng cầu thủ bóng rổ chỉ có 6 feet Allen Iverson vì anh đại biểu cho người có chiều cao trung bình nhưng vẫn có thể nổi tiếng.

Cuối tháng 7 tôi nhận được một tin không vui của Cự Ly.  Ngô Bình đã bỏ nó và đẩy nó ra khỏi ban nhạc, giờ thì cô nàng không biết phải làm gì.  Tôi bảo nó cứ tỉnh bơ đi.  Mối tình ấy chẳng đi đến đâu, dứt sớm cũng là cái hay.  “Dì không biết đó dì Lilian,”  Cự Ly nói.  “Nó về ở với một con khác.  Con ó đâm này vừa tốt nghiệp từ một trường kịch nghệ ra mà đã có một vai trong chương trình truyền hình.  Nó gặp đứa con trai nào thích là bỏ bùa đứa đó và ưỡn mông lắc đít như ngọn đèn hải đăng.  Làm sao mà địch lại một con đĩ ngựa như vậy.”  Càng viết qua viết lại thì nó càng tuyệt vọng và mất thăng bằng.  Rồi nó nói Ngô Bình đánh đập nó và gọi nó là “con điên” khi nó đến văn phòng để đối chất.  Chắc nó lại làm rùm beng lên chứ gì.

Tôi gọi Ben xem nó có biết chuyện của em nó không.  Ben nói nó đã gặp thằng Ngô Bình và biết ngay thằng này là đổ dỏm.  “Nó là dân láu cá mà cứ tưởng mình là đào hoa,”  Ben nói.  “Nó dùng đủ mọi trò để đàn bà để ý, nhưng nó là phường giá áo túi cơm, thứ mà tụi con gọi là áo gối thêu.”

“Tiếng Anh gọi là ‘empty suit’ có nghĩa là ‘thùng rỗng’”

“Đúng thế.  Thùng rỗng kêu to.”

“Thế thì mình làm cái gì để giúp cho con Cự Ly?  Nó đang đau khổ vì cái thằng khốn nạn ấy.  

“Dì Lilian ơi, đừng có lo.  Ngày mai con về Quảng Châu. Con sẽ đến tìm thằng đó.”

“Con định làm gì vậy?  Đừng có dở trò bạo động nhé.”

“Dĩ nhiên con đâu thèm đụng tay vào.  Con sẽ nói chuyện với nó,  nó thừa biết con quen công an, muốn nhốt nó lúc nào chả được.”

Tôi không hiểu ý nó nói.  “Con có đủ tiền du lịch không?”

“Hãng con trả hết.  Con đi về Bắc Kinh vì công vụ.”

Việc nó đi đi về về một cách dễ dàng làm tôi nghĩ đến cuộc đời bố tôi.  Trong những năm tháng đầu tiên ở đây, chắc Gary đã phải ước ao có dịp về thăm nhà, dù chỉ là một lần.  Nhưng dần dà rồi ông cũng quen và không cón nhớ nhà như xưa nữa.  Ông có còn nhớ những con đường làng và những đường mòn lên núi và dọc theo bờ sông có những con cò, con vịt bơi lội? Và những hàng cây hạt giẻ mọc trùng trùng lớp lớp trên ngọn đồi?  Và những đền chùa bên bờ hồ?  Có thể ông đã dồn nén kỷ niệm quê nhà để có thể sống cuộc sống bình thường mỗi ngày.  Ông có nghĩ mình có thể nhận nơi này làm quê hương thứ hai để làm lại cuộc đời?  Sau khi đã “ngậm đắng nuốt cay” như ông viết trong nhật ký, thì chắc ông phải có thể sống yên ổn một đời sống bên xứ Mỹ, có thể yêu đất nước này.  Thật là rối reng.  Trong những tháng qua, ông càng thêm bí hiểm, vì tôi vẫn chưa thể chọc thủng được bộ áo giáp của sự cách biệt mà ông đã khoác lên người.

Tôi nẩy ra ý nghĩ tạo cơ hội cho Ben gặp Mẫn Mẫn.  Tuy tôi thích Sonya, nhưng cuộc đời bố tôi cho thấy việc sống chung với một người không cùng ngôn ngữ, văn hóa và hoàn cảnh xã hội và tôn giáo nó khó khăn là dường nào.  Mà hồi ấy bố tôi cũng đi nhà thờ đều đặn, cũng cúng 10 đô la mỗi tháng cho nhà thờ.  Nhưng tôi không biết ông có tin thật vào các tín lý Thiên Chúa Giáo hay không.  Trong nhật ký, ông không hề nhắc đến tôn giáo, và có vẻ vẫn là một người vô thần.  Chắc ông chỉ dùng nhà thờ làm bức bình phong. Trong nhật ký không thấy nhắc đến cha cụ nào cả ngoài cha Murray ra.  Tôi nghĩ bố tôi và Suzie gần nhau cũng chỉ vì cùng chung văn hóa và ngôn ngữ, bởi thế không cách nào mẹ tôi có thể chia uyên rẽ thúy được.  Đó là lý do tại sao tôi gọi cho Ben nói nó tìm gặp Mẫn Mẫn ở Bắc Kinh.  Tôi nói nó, “Con mua hộ dì cuốn sách làm quà tặng cho nó.  Dì sẽ viết thơ báo cho nó biết để biết con là ai.”

Cuốn sách mà tôi đề nghị là cuốn “Đi Tìm Một Trung Quốc Hiện Đại” bởi Jonathan Spence, cuốn sách tuy dày cộm, nhưng có có ích cho Mẫn Mẫn. Đó là một cái nhìn tổng quan rất hay về lịch sử hiện đại Trung Quốc và đã được dùng trong các đại học Mỹ khắp nơi.   Tôi nói Ben sách mua ở bất cứ tiệm sách nào rồi tôi sẽ trả tiền lại.  “Không cần,”  nó nói.  “Con sẽ giao tận tay cho cô Mẫn Mẫn.”

Tối hôm đó tôi nói Henry nghe về kế hoạch can thiệp của Ben cho con em gái, chỉ lo nó làm hỏng chuyện, nhưng tôi không nhắc đến Mẫn Mẫn.  Tôi không có ý định mối mai thật sự, và món quà cho nó chỉ do tùy hứng mà thôi.  “Đừng xem thường Ben,”  Henry nói, “Nó có vẻ rất khôn khéo trong cách xử thế.”

“Sao anh biết?”  Tôi hỏi.

“Anh nhận xét khi anh đi chơi vớ́i nó.”  Cặp mắt của Henry sáng long lanh trong khi một nụ cười nhoẻn ra trên khuôn mặt râu ria rậm rạp.  “Nó sẽ làm đâu ra đó.  Anh không có lo cho nó.”

“Anh nói như anh hiểu nó hơn em.”

“Đó là lý do tại sao anh hy vọng nó sẽ quản trị khu nhà của mình sau này.  Nó thừa khả năng đòi tiền người thuê có vấn đề.”

Tôi phì cười.  Henry rất ngại đòi tiền nhà, nhất là nếu người thuê là phụ nữ trẻ tuổi.  



Một tuần sau Ben gọi.  Nó mới đi Tàu về và đang bận giải quyết vấn đề ở hãng.  Nó nói cho tôi yên lòng là Cự Ly đã bỏ thằng Ngô Bình một cách êm thắm, không có vấn đề gì.  Tôi hỏi “êm thắm’ có nghĩa là gì, nói rõ hơn được không.  Nó nói nó đến gặp thằng đó và bảo nó, mày bỏ em tao khơi khơi vậy là có chuyện ạ.  Ben đưa Ngô Bình coi một chồng hồ sơ cho thấy những vi phạm thuế vụ của hãng rác của ông già nó.  Mỗi tháng ông già nó cho nhập cảng cả tầu rác từ Nhật Bản và Úc Đại Lợi với cái giá 1 triệu rưỡi đô la một tấn rồi lựa ra những đồ tái chế được đem bán cho hãng Tàu.  Ông ta ăn lời gấp đôi ngon ơ, chẳng phải thuế má gì cả.  Bãi rác thì ông cho người ta mướn làm trại nuôi bò.  Bò tối ngày ăn rác thì thịt chắc chắn phải ô nhiễm cực kỳ.  Vụ này mà biết được thì đi tù là cái chắc.  Chiều hôm ấy thằng Ngô Bình trở lại gặp Ben.  Nó đề nghị bồi thường Cự Ly 50.000 nguyên.

Tôi hỏi Ben, “Sao cháu biết chuyện làm ăn bất chính của cha nó?”

“Con nói dì rồi.  Cảnh sát ở đó con quen hết ráo.  Không có thằng đại gia nào mà không ăn bẩn.  Thằng nào cũng trốn thuế, nếu không sao làm giầu được? Cảnh sát có hồ sơ hết.  Lạng quạng là thộp cổ vế bót liền.”

Lối nó giải quyết vấn đề làm tôi hơi bứt rứt nhưng không hỏi thêm.  Tôi chỉ hỏi.  “Thế con Cự Ly thì sao?”

“Nó về nhà bố mẹ con ở Hắc Long Giang rồi.”

“Bộ nó bỏ mộng làm ca sĩ sao?”

“Con đó mà hát hỏng cái gì.  Chỉ vì nó khờ khạo nên nghe lời đường mật của thằng khốn nạn đó thôi.”

“Chắc con nói đúng.  Bố mẹ con chắc mừng lắm.  Bố mẹ con khoẻ không?”

“Bận lu bu họp hành ở Bắc Kinh nên con không gặp bố mẹ con.  Con có gọi điện thoại.  Cả nhà khoẻ cả.  Bố mẹ con gởi lời hỏi thăm.  Ồ, con có gặp đưa sách cho Mẫn Mẫn.  Cô nàng thích lắm.”

“Nó có nói với dì.”

“Dì phải cẩn thận khi liên lạc với cô ấy.”

“Tại sao? Mẫn Mẫn có gì gì mà con nói thế?  Bộ con không thích nó hả?”

“Không.  Không.  Cô ấy dễ thương lắm, có điều tụi quân đội nó bắt đầu để ý cô ấy rồi.”

“Nó có nói họ mời nó về dạy mà nó không muốn.”

“Có không muốn cũng phải chịu.”

“Thế à.  Mình không có quyền chọn việc làm cho mình sao?”

“Việc không giải dị như vậy.  Từ chối đi dạy cho trường đó chẳng khác nào không chịu phục vụ cho quốc gia.  Nếu không có lý do chánh đáng thì sẽ có chuyện chẳng chơi.”

“Có nghĩa là bị xem như kẻ bất đồng chính kiến?”

“Đại loại như vậy.”

“Vô lý.”

“Bên Tàu thiếu gì cái mà dì gọi là vô lý, nhưng cũng phải chịu thôi.  Cô nàng muốn trèo núi Everest trước.  Thật là điên hết cỡ.”

Tôi chẳng biết nói sao.  Chắc không có gì.  Nhà Mẫn Mẫn có tiền có bạc, không đi làm cũng chẳng sao.  Vài năm nữa nó sang Mỹ học tiếp.  Chỉ có điều thằng Ben này không có vẻ chịu đèn.  Chuyện nhỏ.

Tôi nghĩ về Cự Ly.  50.000 nguyên là một số tiền đáng kể.  Tôi nhớ có lần hỏi mấy đứa sinh viên cao học học bổng cho bao nhiêu.  Thông thường họ được 700 nguyên một tháng, đủ tiền ăn uống, còn chỗ ở đã có ký túc xá.  Ở bên Tàu khéo ăn thì no, khéo co thì ấm.  Nhưng tôi vẫn thấy áy náy vụ Ngô Bình chi tiền cho Cự Ly.  Bộ tình yêu có thể giải quyết bằng tiền bạc dễ dàng vậy sao?  Mặt khác, về ở với gia đình thì riết cũng nguôi ngoai.  Lần email sau tôi bảo nó đừng bỏ nhà đi nữa.  Tôi viết:  “không gì quí bằng gia đình.  Bố mẹ già rồi, có con bên cạnh đỡ đần cũng là cái vui.  Cứ ở với bố mẹ được lúc nào hay lúc ấy.

“Dạ con biết,”   nó trả lời.

No comments:

Post a Comment