Monday, February 20, 2017

Bản Đồ Của Sự Bội Phản 1974-1975

1974-1975

“Tôi chỉ là một con đĩ của anh, một con đĩ rạc rài!”  Suzie nói với Gary.  “Nói có trời chứng giám, tôi chỉ muốn bỏ quách anh đi cho nó xong.”

Họ đang ngồi trong phòng khách của nàng, chiếc quạt máy chạy rù rù trong khi tiếng ve kêu lúc trầm lúc bổng trên cây sung bên ngoài.  Mấy tháng nay nàng hay nổi quạu nhưng Gary cũng quen rồi.  Hôm nay thì anh lặng thinh, người gồng cứng và mặt quay đi như chuẩn bị ăn cái tát.  Thay vì bỏ đi thì anh ở nán lại chờ cho cơn giận của nàng nguôi ngoai. Anh có điều muốn nói với nàng.  Lúc sau này anh có ý định sẽ thố lộ hết, hy vọng nàng thông cảm và giúp anh tìm hiểu thêm tin tức gia đình bên quê nhà.  Mấy năm nay, mỗi lần gặp Bính Văn bên Hồng Kông là hắn cứ nói gia đình bình an, rằng hai đứa con anh có việc làm tốt ở hãng máy cày.  Nhưng chẳng lần nào có được một tấm ảnh, hắn đổ thừa tại quên không xin Dụ Phong.  Bởi vậy cho nên Gary bắt đầu nghi ngờ về thực trạng của gia đình.  Nhưng anh không thể viết thư trực tiếp cho Dụ Phong được.  Chắc chắn thư từ sẽ bị ngăn lại, và cũng không thể nằng nặc đòi Bính Văn phải đưa hình cho bằng được vì vẫn phải lấy lòng hắn ta.  Sau nhiều tháng trời nát óc suy nghĩ, cuối cùng anh đi đến kết luận là chỉ có cách nhờ Suzie là tốt nhất.

Nàng đang nằm dài trên ghế sô fa, chiếc khăn tay ướt đắp trên trán cho đỡ nhức đầu.  Anh đi vào bếp pha bình trà Ô Long.  Sau khi rót cho nàng một tách, anh nói, “Suzie, anh có một điều rất quan trọng muốn nói với em, nhưng em phải hứa không được thổ lộ với bất cứ ai.”

Nàng ngồi bật dậy vì bộ điệu nghiêm trọng của anh.  Nàng nhìn anh trừng trừng và nói.  “Tôi chẳng bao giờ hé răng nói gì với ai,” nàng nói.  “Tôi thừa biết anh là người nhiều bí mật.”

Và thế là anh moi gan móc ruột ra kể cho bằng hết.  Anh nói về con người thật của mình và lịch sử làm gián điệp, từ hồi công tác ở Thượng Hải năm 1949 cho tới chức vụ hiện tại trong Bộ Công An Quốc Gia Trung Quốc.  Anh nói không ngừng nghỉ, như sợ nàng sẽ ngắt lời.  Sau khi nói xong, anh cảm thấy nhẹ hẳn cả người.  Anh biết sau khi thổ lộ như vậy thì coi như bị nắm được thóp, nàng muốn đòi hỏi gì anh cũng phải nghe theo.  Nhưng nàng không có vẻ sốc mà chỉ ra chiều đăm chiêu.  Có lẽ trước giờ nàng cũng đã nghi sẵn rồi không chừng.

Rồi anh nói về gia đình vợ cả và con cái ở Sơn Đông, và việc mỗi lần hỏi đến là Bính Văn đều gạt qua một bên.  Anh cần phải trực tiếp liên lạc Dụ Phong để tìm ra sự thật.  Sau khi anh nói xong, Suzie hỏi, “Anh có hình của hai đứa sinh đôi không?”

“Anh có nhưng không dám để đây, sợ lộ.  Anh cất bên Hồng Kông.  Anh chưa hề gặp chúng nó bao giờ.  Chắc tụi nó cũng chẳng biết gì về anh.”

Suzie bỗng òa lên khóc nức nở.  “Tại sao tôi lại gặp anh làm gì?” nàng rên rỉ.  “Chắc kiếp trước tôi có thiếu nợ gì anh nên kiếp này mới bị anh làm khổ như vậy.”  

Nhưng cũng may cho Gary, kể từ đó Suzie không còn nổi cơn tam bành nữa.  Họ tiếp tục gặp nhau mỗi tuần một lần và mối tình vụng trộm của họ càng thêm ổn định.  Chiều thứ Năm nào anh cũng đến nhà nàng và ở lại tới khuya.  Nàng còn hỏi thăm về Nellie và Lilian như họ là một phần của cuộc đời nàng.  Trước Giáng Sinh, Suzie mua cho con bé một đôi ủng bằng da, cao tới đầu gối.  Lilian thích lắm nhưng không dám lôi ra đi ở nhà.

Khi Suzie trở lại Đài Loan ăn Tết vào tháng 2 năm 1975 thì Gary nhờ nàng đi Lục Địa qua ngả Hồng Kông để xem có thể tìm thấy gia đình anh được không.  Anh nói nàng không cần phải chuyện trò với Dụ Phong mà chỉ cần nhìn căn nhà họ ở, nếu có thể, chụp vài tấm ảnh gia đình để anh có một khái niệm về cuộc sống của họ như thế nào.  Suzie hứa sẽ cố gắng, nhưng khi nàng xin vào lục địa, lấy lý do có ông chú ốm liệt giường, thì bị từ chối.  Có lẽ tên nàng nằm trên sổ đen vì làm việc cho đài Tiếng Nói Hoa Kỳ.  

Đầu tháng Ba Suzie trở về Mỹ.  Nàng kể Gary nghe những khó khăn gặp phải bên Hồng Kông và việc nàng đến Bính Văn nhờ giúp.  Ông ta nổi giận lôi đình, nói ông không làm gì được vì nàng là công dân Mỹ.  Gary hoảng hốt hỏi, “Thế em có nói em biết về gia đình anh ở Sơn Đông không?”

“Không đời nào.  Em chỉ nhờ hắn giúp qua được hải quan mà thôi.  Em nói em là bạn anh.”

“Nhưng thế nào hắn cũng đoán ra.”

“Chắc vậy.  Đáng lẽ em không nên đến nhờ hán.”

Gary hối hận đã cho nàng địa chỉ để liên lạc với Bính Văn (để dùng trong trường hợp khẩn cấp).  Tuần sau đó anh nhận được một bức thư của Bính Văn cho biết cấp trên rất lo lắng và giận dữ vụ Suzie định lẻn qua lục địa.  Họ chỉ sợ có ảnh hưởng đến vị trí của Gary ở CIA.  Họ đe dọa sẽ có biện pháp nếu tái phạm.  

Gary bủn rủn cả chân tay vì chợt hiểu ra là nếu Suzie ở lại Hồng Kông lâu hơn thì có thể đã bị thủ tiêu.  Anh không thể để nàng liên lụy đến việc này được.  Thế là anh từ bỏ ý định liên lạc với gia đình.

Và Gary trở lại cuộc sống cũ. Anh là người quen với nếp sống cô độc và những dày vò âu lo nên lúc nào cũng giữ được trầm tĩnh.  Nếu anh là người để cho mặc cảm tội lỗi chi phối thì đã không đi làm bình thường được.  Anh phải tự trấn an là thế nào mà nhà nước chẳng lo cho gia đình vợ con, anh chỉ việc tập trung vào công tác ở đây.  Rồi dần dà anh cũng có thể đẩy hình bóng của Dụ Phong và hai đứa con vào một căn phòng sâu thẳm trong tâm khảm.

Trong căn nhà bên xứ Mỹ, cuộc đời trở lại bằng yên phẳng lặng.  Anh và Nellie ít khi nào to tiếng.  Vợ anh, tuy vẫn đau lòng, nhưng thôi hết cay đắng tuy biết anh vẫn đến gặp Suzie thường xuyên.  Nellie còn mừng là anh về nhà mỗi ngày mặc dù con gái đã đi học xa ở Massachusetts.  Thật vậy, dần dà rồi Gary cũng cảm thấy gắn bó hơn với Nellie.  Khi nàng ốm vì sạn túi mật, anh lo đến độ bỏ cơm bỏ nước, mất cả 16 pounds.  Bây giờ anh hay ngồi coi TV cho có vợ có chồng.  Tối thiểu thì người đàn bà Mỹ này cũng đã cho anh đứa con và một mái nhà, nơi mà nàng là người duy nhất anh có thể nói chuyện.  Trong thâm tâm anh cảm thấy biết ơn, tuy ngoài mặt chưa bao giờ nói với nàng.

Nellie không còn bận tâm vì thái độ lãnh đạm của anh vì giờ đây nàng đã có một thế giới riêng tư nho nhỏ.  Nàng thích làm việc ở tiệm bánh và đã là một người khéo làm bánh trái.  Nàng dậy sớm để có mặt tại tiệm lúc năm giờ sáng.  Khi tiệm mở cửa lúc bẩy giờ thì nàng về nhà làm đồ ăn sáng cho Gary.  Nàng luộc trứng hay làm bánh mì tẩm trứng rán, hay pancake, hay trứng trộn thịt.  Rồi cả hai cùng ăn.  Giờ làm việc ban ngày của nàng cũng tùy, nàng hay lúi húi một mình trong bếp để làm loạt bánh kế tiếp.  Nàng đong bột, đong đường và sữa, nhào nặn bánh, cán vỏ pie, thêm bơ, thêm pho mai nếu cần, và rắc hạt sô cô la hay hạnh nhân vào bánh.  Tiệm bánh cách nhà chưa đến nửa dặm nên nàng đi đi về về thường xuyên, xem đấy như tập thể dục.  Nếu phải vội hay thời tiết xấu thì nàng mới lái chiếc Chevrolet coupe màu burgundy của mình.

Có tiệm Dunkin’ Donuts vừa mở ở con đường bên cạnh nhưng đã đông khách, đa số là dân đi làm sớm.  Cả Nellie lẫn Peggy đều để ý thấy và thắc mắc không hiểu nó có cái gì mà lắm người thích thế.  Lắm khi xe đậu thành hàng từ bãi đậu xe chạy dài ra tới mặt đường.  Một hôm Nellie sang đó mua một cái bánh muffin, một cái bagel, ăn vào thấy chẳng có gì là ngon hơn tiệm họ.  Thế thì tại sao họ lại thành công thế?

Peggy chẳng có vẻ gì là lo lắng, bà nói tiệm donut chẳng khác Mcdonald’s hay Burger King, chỉ dành cho người ăn tạp chứ làm sao cạnh tranh được với nhà hàng thứ thiệt.  Một sáng, Nellie nói chuyện này với Gary.  anh nói, “Thằng David Shuman cũng hay ghé ngang tiệm Dunkin’ Donuts mỗi sáng.  Nó nó bị ghiền rồi.”

“Có phải tiệm nằm trên đường anh ấy đi làm không?”  Nellie hỏi.

“Đó là một lý do.  David cũng nói cà phê Dunkin’ Donut ngon nhất.”

“Vậy à?  Nếu vậy là vì cà phê rồi.”

“Có thể.  Sao không vào uống thử qua cho biết?”

Nàng nhìn vào cái đồng hồ đeo tay to tổ bố.  “Chết.  Phải đi rồi.  Đến trễ thì mặt Peggy lại dài ra như mặt ngựa.”

Trên đường đến tiệm, Nellie ghé ngang tiệm Dunkin’ Donuts mua một ly cà phê.  Nàng cũng cho Peggy nếm thử.  Quả có ngon và đậm đà thật.

Nếm xong bà già nói, “Uống cái này thì con gấu cũng phải thức cả ngày.”

“Mình cũng phải làm cà phê ngon,”  Nellie đề nghị.

“Đâu cần phải làm giống Dunkin’ Donuts.”

“Nhưng có thể thêm khách.”

“Mình là tiệm bánh ngọt chứ không phải quán cà phê.  Đừng có lo.  Mình bánh bánh mì nhiều hơn bán muffin và donuts.  Cũng chẳng cần khách ăn bagel làm gì.”

“Peggy, bà chẳng biết buôn bán là gì cả,”  Nellie nói tỉnh bơ.  Mặt nàng càng có tuổi càng thêm xinh xắn, còn hơn cả một chục năm trước đây.  “Không để nó giật mất khách hàng như vậy được.  Tôi chẳng chịu ngồi không đâu.  Tại sao không bán vài loại cà phê khác nhau và làm đậm hơn?  Xem xem ra sao.”

Peggy lắc đầu.  “Làm quầy cà phê tốn tiền lắm.”

“Nhưng cũng phải cố giữ khách chứ.”

“Được rồi, để tôi lấy vàị cái máy pha cà phê để góc đó.”  Peggy chỉ vào một cái góc trong khu ngồi ăn nhỏ.

Và thế là “quầy cà phê” xuất hiện tuần sau đó.  Có cà phê vanilla kiểu Pháp, Columbian, hazelnut, và cà phê nhà, tất cả đầu pha đậm gấp đôi khi xưa.  Ngoài cà phê còn có sữa lỏng, half-and-half, bột quế, đường thường, đường hóa học, và những mẩu bánh ngọt ăn thử.  Trông cũng giống một quầy cà phê nho nhỏ lắm chứ.  Dần dà Nellie và Peggy cũng thấy khách hàng ghé vào trước khi đi làm đông hơn.  

Chẳng bao lâu thì Peggy mướn thêm một người làm toàn thời gian, và tiệm bánh vẫn đắt hàng.

Đến mùa hè 1975 thì Gary bắt đầu chán bánh sourdough và bắt đầu khoái bánh bột nổi của Ái Nhĩ Lan, và Nellie bắt đầu mang về mỗi ngày.  Anh không còn thích ăn tỏi sống và chán cả thịt thà.  Như một ông tướng về già không phải ra mặt trận, anh hết đi sang Hồng Kông (một phần cũng vì sợ ngồi máy bay lâu).

Khi nghỉ hè thì anh ở nhà đọc sách và viết lách.  Lúc sau này anh bắt đầu dịch cuốn “Lò Sát Sinh số Năm” của Kurt Vonnegut.  Anh biết làm vậy thì vi phạm luật tác quyền, nhưng lúc bấy giờ không có tác phẩm nào có tác quyền bên Trung Quốc, nơi sách ngoại văn được dịch và xuất bản mà chẳng cần thông báo tác giả hay nhà xuất bản tiếng nào.  Anh định bụng sẽ cho xuất bản khi anh trở về quê nhà.  Đúng ra phải có ấn bản song ngữ, một bên tiếng Anh, một bên tiếng Hoa để học sinh có dùng để học thành ngữ Mỹ.  (Gary không thích tiếng Anh của người Anh, tuy có vẻ lịch sự và vẫn được dậy ở bên Tàu.)  Anh tự nhủ dịch thuật chỉ là một thú vui qua ngày, làm khi rảnh rỗi, ba bốn đoạn một ngày.

Anh thôi không đi săn tin và chỉ dùng những tin tức đến tay mình.  Vậy mà cũng khối, vì tất cả phúc trình báo cáo của CIA đều qua tay anh để kiểm tra xem có chính xác hay văn phong thích hợp hay không trước khi chuyển lên Bạch Cung.  Cuối cùng thì anh cũng được thoải mái, như một ông lão ngồi ghế rung đùi, ngủ gà ngủ gật, câu mà chẳng cần biết có câu được gì không.     

Vậy mà thỉnh thoảng cũng nhận được tin tức quan trọng và anh chụp ảnh để viết bài phân tích.  Giờ này thì quan điểm và đánh giá của Gary được Bắc Kinh quý trọng.  Anh là lỗ tai của Trung Quốc để đặt lên ngực nghe tiếng tim đập của Hoa Kỳ.  Anh biết giới lãnh đạo TQ cần anh vì vị trí đặc biệt của anh.  Khi nào có cái cần gởi, anh đánh xe đến nhà thờ cha Murray ở phố Baltimore.  Ngay cả khi không có chuyện gì cần, thỉnh thoảng anh cũ đến mời ông cha đi ăn trưa hay ăn tối mỗi tháng một lần.  Sau bao năm tháng đối diện với hiểm nguy hai người đã trở thành đôi bạn.  Murray không ăn thịt nhưng thích đồ biển và pho mai.  Ông hay kể truyện thuở ấu thời bên Phi Luật Tân.  Ông không liên lạc với cha mình, một người đàn ông da trắng to con, làm thuyền trưởng cho một con tàu Anh Quốc, có gia đình bên Manchester nhưng lấy mẹ Kevin làm vợ hờ.  Của đáng tội, ông ta cũng chẳng tiếc gì  người vợ Phi lai Tàu và gửi con đi học trường Ăng Lê rồi đại học Mỹ bên Manila.  “Tôi thù ghét cha tôi,”  Kevin vừa nói vừa nhai nhóp nhép ổ bánh mì kẹp cua lột.  “Hắn là một thằng cha ích kỷ.”

Gary cười rúc rích.  Anh lắng nghe Murray nhưng không nhắc đến quá khứ của mình.  Anh chỉ sợ một khi mở miệng sẽ không ngăn được cơn lũ của xúc cảm và ký ức lúc nào cũng chực dâng trào.


Xxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxx

Ben đến College Park, viện lý do để lấy microchips vừa về.  Nó lại trả Henry 3,920 $, tiền lời một trăm phần trăm, làm chồng tôi hí hửng.  Nhưng trông Ben có vẻ không được khoẻ; mí mắt nó sưng mọng, mặt nó hốc hác như người thiếu ngủ.  Nó nói đã đọc xong sách về ông  ngoại rồi đọc thêm để tìm hiểu.  Nó đến tìm tôi vì cuộc nghiên cứu của nó đã đi vào bế tắc.  Nó đến thư viện Boston để lấy microfilm của tờ The New York Times và The Washington Post số ra mùa Thu 1980, và nó cũng đã đọc hết những bài nói về vụ Gary bị bắt cũng như hoạt động tình báo của ông.  Nhưng càng đi sâu thì càng nhiều hồ nghi, ông ngoại nó càng không giống như người nó tưởng tượng khi xưa.

Chúng tôi đang ngồi trong thư phòng của tôi.  Ben hỏi, “Dì có nghĩ ông nhớ gia đình bên quê nhà không?”

“Có.”  tôi nói.

“Ông có yêu bà ngoại của con không?”

“Dĩ nhiên.  Ông nhớ bà con lắm, nhất là trong những năm đầu xa cách.  Tính ông lúc nào cũng lãnh đạm với người chung quanh.  Trong nhật ký, ông nói thỉnh thoảng lại mơ thấy bà ngoại của con.”

“Nhưng ông lấy mẹ của dì mà còn lại đèo bồng thêm một bà nữa,”  Ben nói giọng hơi bực tức.

“Ông là một người phức tạp.  Có thể ông đã bị tổn thương không chừng.”

“Bởi cái gì?”

“Bởi phải xa cách gia đình.  Con tưởng tượng thử coi.  Lúc đầu chắc phải khổ tâm lắm. Nhưng rồi dần dà cũng nguôi ngoai và chai đá.  Nhưng ông cũng là người, mà đã là người thì đâu thể dồn nén nỗi nhung nhớ và cơn đau mãi mãi được.  Càng đọc thêm về đời ông thì dì cành thấy tội nghiệp cho ông.”  

Ben cầm tách cà phê húp một ngụm to.  “Ông có phải là một người cha tốt không?”

“Chắc chắn.  Ông tính tình hiền lành, yêu thương và kiên nhẫn.  Chắc dì là người duy nhất mà ông có thể gần gụi, nhưng năm mười ba dì lại đi học nội trú và rồi lên đại học.  Dì đã không sống gần ông.  Có lần ông nói hai bố con sẽ cùng về thăm làng quê của ông.  Tiếc là đã không có dịp.”

“Ông chưa bao giờ gặp con trai mình, chú của con, mới lên mười hai đã chết.  Có vài bài nói Gary làm lớn trong ngành tình báo bên Tàu.  cái đó có đúng không?”

“Theo lời trong nhật ký thì ông là phó bộ trưởng bộ công an, chức vụ thiếu tướng.”

“Thật là chuyện khó tin.  Chú con chết vì đói trong khi bố mình là quan chức cao cấp.”

“Sao dì nghe nói chết vì sưng óc?”

“Đó là chẩn đoán của cái y viện nhà quê.  Có người lại nói chết vì xoắn ruột.  Nhưng bà ngoại con nói chú chết vì đói, bụng to như cái trống chầu.  Lúc đói cả nhà phải ăn rau dại, vỏ du, lá liễu, lõi bắp xay, vớ được cái gì ăn cái nấy.  Chú con không được khoẻ mạnh, mà lúc nào cũng đói triền miên, chỉ còn xương bọc da.  Khi đã quị rồi thì vô phương cứu chữa.”

“Ông ngoại con mãi đến 1972 mới được thăng chức, lúc bấy giờ thì nạn đói đã xong lâu rồi.”

“Thế mà gia đình nào có được hưởng quyền lợi nào đâu.  Bà ngoại con lo sợ vì người ta đồn là ông ngoại trốn sang Đài Loan rồi sang Mỹ.  Có kẻ còn doạ sẽ lôi đầu ra đường phố mà đấu tố.  Chẳng qua là chúng nó ghen ghét vì số tiền nhà nước cấp cho bà ngoại mỗi tháng.  Thời 50, một trăm nguyên là một số tiền đáng kể.  Để bảo vệ gia đình, bà ngoại không còn lựa chọn nào khác hơn là cắt đứt mọi liên hệ với chồng.  Bà bỏ tỉnh Sơn Đông đi mà không báo cho nhà nước và cố tình không lãnh lương của ông ngoại nữa.  Thế là gia đình phải bắt đầu từ con số không, ở trong một ngôi làng toàn nhà tranh vách đất, vắt mũi không đủ đút miệng.  Mẹ con lúc ấy mới mười mấy tuổi đầu đã phải làm đủ việc kể cả việc gánh phân và xúc cát bán cho công ty xây cất.  Mẹ còn đi cắt cỏ cho trại nuôi lợn, và mùa đông thì tờ mờ sáng đã phải gánh đậu phụ đông lạnh vào phố để bán.  Sau khi bố mẹ lấy nhau thì cả hai phải làm quần quật ngoài đồng như trâu bò trong nhiều năm.  Bố con suýt chết vì tai nạn khi làm việc ở mỏ đá, phải nằm nhà mấy tháng vì bị thương ở chân.  Gia đình nghèo túng, làm đồng nào sào đồng nấy mãi đến khi bố con tìm được chân thư ký cho tòa hành chánh tỉnh mới khá được một tí.”

“Biết đâu bố con tìm được việc vì có người trên giới thiệu chăng?”  tôi không nghĩ nhà nước không biết Dụ Phong ở đâu.  Ở cái xứ đó có chạy trời không khỏi nắng.

“Con không nghĩ vậy,”  Ben nói.  “Trước đây bố con từng dạy tiểu học nên viết giỏi và ty hành chánh cần người như vậy trong công tác tuyên truyền.  Cả bao nhiêu năm trời không ai dám nhắc đến tên ông ngoại, mãi cho đến cuối thập niên 90, khi có tin ông mất trong khi làm công tác ở hải ngoại.  Có nghĩa là hồ sơ gia đình được sạch tội.  Khi nghe tin, bà ngoại đã khóc cả đêm.”

Tôi buột miệng nói, “Nhà nước phải trả hết số tiền thiếu chưa trả chứ.  Số tiền lương kể từ 1961.”

“Khi nộp đơn đòi thì họ trả.  Nhờ đó mà gia đình mới có tiền mở tiệm may.”

Tôi không biết nói gì và nước mắt chảy ra dàn dụa.  Không như họ, tôi có cái may mắn là kẻ thừa kế cái gia tài be bé của bố tôi nhưng tôi không nói Ben nghe.

Ben nói tiếp, “Dì Lilian, dì có nghĩ khi cuối đời, ông ngoại có còn yêu Trung Quốc không?”

“Dì tin là như vậy.  Chứ không thì làm sao ông có thể sống cuộc đời cô độc nhiều năm mà vẫn nhất định trở về quê hương.”

“Ông ngoại đã hy sinh không ít cho quê hương, ý con muốn nói là con kính trọng điều đó, nhưng khi ra tòa ông nói cũng yêu Hoa Kỳ.”

“Ông nói thật đấy.  Sống đây quá lâu, tránh sao khỏi quyến luyến.  Hơn nữa mẹ dì và dì đều là người Mỹ.”

“Thú thật, đó là điều con sợ nhất.”

“Có gì mà sợ?”

“Sợ quê nào cũng yêu rồi không biết lìa Ngô hay về Hán.”

“Có phải tại vậy mà dùng dằng chưa chịu lấy con Sonya có phải không?”

“Đại khái như vậy.”

Rồi nó ngậm miệng không nói nữa.  Tôi biết còn ăn thua ở hãng của nó bên Tàu nữa.  Trong bụng tôi vẫn nghi nó làm dọ thám cho quân đội Trung Quốc, chỉ không biết có lành nghề hay không thôi.  Chắc nó chỉ là hạng tép riu chuyên thu thập tin tức kỹ nghệ và kỹ thuật.  Hạng gì đi nữa thì cũng nguy hiểm, trước sau gì cũng sẽ bị tóm.

Nó chỉ ở lại có một ngày và sáng hôm sau đi chuyến Acela Express về Boston.  Tôi đưa cho nó trọn bộ sáu cuốn nhật ký của Gary hy vọng nó có thể hiểu thêm về ông ngoại nó.

Tôi khuyên ông chồng tôi đừng mua microchips cho Ben nữa.  “Nhằm nhò cái gì?”  Henry nói.

“Chính phủ cấm xuất cảng chips sang Trung Quốc,”  tôi nói.  

“Cái đó là chuyện thằng Ben.  Anh chỉ có việc mua chips thôi.”

“Như vậy anh là đồng lõa.”

“Đừng có cả lo, Lilian.  Anh chẳng làm chuyện gì bất chính.  Giao cho thằng Ben xong là anh phủi tay.  Mua một món hàng bán nhan nhản trên thị trường sao lại có tội?  Ai cũng mua được-- nếu không có ở Hoa Kỳ thì cũng có ở Đài Loan và Tân Gia Ba.”

“Em thấy làm sao đó.”

“Cưng ơi, đừng có lo.  Cứ làm vầy thì chẳng mấy chốc mà giàu.  Anh sẽ trả dứt nợ.”

Tôi không nói nhưng trong bụng vẫn lo.

No comments:

Post a Comment