Sunday, November 1, 2015

Gấu Trèo Qua Núi Alice Munro

Quí vị chắc còn nhớ phim “ Away From Her”, cuốn phim đầu tay của đạo diễn Sarah Polley,
trong đó Julie Christie (Người tình Lara trong phim Doctor Zhivago) đóng vai một người đàn bà bị chứng Alzheimer, phải vào viện dưỡng lão để rồi quên cả chồng mình và đem lòng yêu thương một người đàn ông ở cùng viện.  Julie Christie đã được đề nghị cho giải Oscar Diễn Viên Xuất Sắc và Polley giải Kịch Bản Chuyển Thể Hay Nhất năm 2008.    
Cuốn phim này dựa trên một truyện ngắn của Alice Munro có nhan đề “ The Bear Came Over the Mountain.”
Bà Alice Munro là một văn sĩ chuyên viết truyện ngắn người Canada.  Bà đã từng đoạt giải
Nobel Văn Học năm 2013.
Tên truyện, “ The Bear Came Over the Mountain” mà tôi tạm dịch là “ Gấu Trèo Qua Núi”, có lẽ
dựa theo một bài hát dân ca Canada có cùng tên, trong đó đại khái kể chuyện con gấu hì hục trèo qua đỉnh núi để rồi chỉ thấy bên kia là một triền núi khác.  



Gấu Trèo Qua Núi
Alice Munro

Fiona sống nhà bố mẹ ở thành phố mà khi xưa nàng và Grant từng theo học đại học.  Đó là một căn nhà rộng rãi có cửa sổ vòm mà Grant thấy tuy sang trọng nhưng bề bộn.  Mẹ nàng người Icelandic, một người đàn bà rắn rỏi, tóc trắng lơ thơ và có khuynh hướng thiên tả.  Cha nàng là một bác sĩ tim có tiếng trong cộng đồng nhưng phải một cái là hơi nể vợ.  Bà muốn nói gì thì nói, ông chỉ cười xòa.  Fiona có xe riêng và một tủ áo len cashmere, nhưng không gia nhập mấy hội sinh viên, một phần vì những hoạt động chính trị của mẹ.  Nàng cũng chẳng tha thiết với những hội đoàn và cũng không màng đến chuyện chính trị, nhưng thỉnh thoảng vặn to những bài “ Bốn Ông Tướng Kháng Chiến” hay “ Quốc Tế Ca” trên máy hát khi có khách để làm họ nhột nhạt.  Nàng có khối chàng theo, trong đó có một anh chàng người ngoại quốc, tóc quăn, mặt mũi đưa đám, tên là Visigoth, vài hai ba cậu bác sĩ nội trú gia giáo nhưng kém tự tin.  Nàng chế nhạo cả lũ, trong đó có cả Grant.  Nàng thường hay nhái lại những chữ nhà quê của anh.  Và vì thế cho nên khi nàng ngỏ lời cầu hôn, trong một ngày quang lạnh trên bãi Port Stanley, trong khi cát bắn rát mặt và sóng vỗ ướt chân, thì anh tưởng nàng nói giỡn chơi.
“ Anh có nghĩ-” Fiorina nói to.  “ Anh có nghĩ mình lấy nhau có vui không?”
Grant đồng ý tại chỗ.  Anh không bao giờ muốn xa một người con gái có tràn trề sức sống như nàng.

Trước khi ra khỏi nhà thì Fiona thấy dấu chân trên sàn bếp của đôi giầy rẻ tiền mà nàng đi trong nhà lúc sớm hôm.
“ Thế mà tưởng là sạch chứ,” nàng nói bằng một giọng bực mình thông thường rồi kì cọ vết bẩn màu xám như vệt bút chì mỡ.  Nàng nói sẽ hết phải lo vì sẽ không mang đôi giày đó theo.
“ Rồi em sẽ phải diện cả ngày,” nàng nói. “ hay tối thiểu cũng ăn mặc đàng hoàng.  Giống như ở khách sạn.”
Nàng giặt sạch giẻ lau rồi máng lên cánh cửa dưới bồn rửa.  Rồi nàng khoác chiếc áo trượt tuyết có cổ lông thú mầu nâu bên ngoài chiếc á́o len cổ lọ và quần màu da nai.   
Nàng là một người đàn bà chân dài vai thon, tuy đã bẩy mươi nhưng lưng vẫn thẳng và dáng người vẫn mảnh dẻ.  Nàng có mái tóc óng ánh như tơ, chuyển màu từ bạch kim sang trắng hồi nào mà Grant không biết,  Khi nàng để tóc xõa ngang vai thì trông có nét  giống mẹ.  Ngoài đó ra thì Fiona, với dáng người thon thả và và đôi mắt màu bích ngọc, chẳng giống mẹ mình chút nào.  Miệng nàng hơi méo, và càng nổi bật hơn khi tô môi màu đỏ trước khi ra khỏi nhà.  Hôm nay nàng trông không khác ngày thường- cụ thể nhưng mơ hồ, ngọt ngào mà chua chát.

 
Hơn một năm trước Grant đã để ý thấy những mảnh giấy màu vàng dán tứ tung khắp nơi trong nhà.  Cái đó cũng chẳng gì mới lạ.  Cái gì thì Fiona cũng viết xuống--tên một cuốn sách nghe nói trên radio hay việc phải làm trong ngày.  Những chi tiết chính xác đến độ làm Grant thấy bí hiểm và đáng yêu:
“ 7 giờ sáng, yoga. 7:30-7:45 răng, mặt, tóc. 7:45-8:15 ăn sáng, Grant.”
Những mẩu giấy mới thì khác.  
Ngăn kéo dán đầy những mẩu giấy: Muỗm nĩa, Khăn lau chén, dao.  
Chỉ việc mở ngăn kéo ra thì biết ngay chứ gì?
Nàng xuống phố rồi gọi điện thoại hỏi đường về nhà.  Nàng đi bộ ngang cánh đồng vào rừng rồi phải mân men theo bờ rào để đi về mặc dầu là đường vòng xa hơn.  Nàng nói cứ đi theo hàng rào thì thế nào cũng tới.  Nói như nói đùa.
Nhưng khi hỏi số điện thoại thì nói vanh vách.  Thế mới khó hiểu.   
“ Có gì mà lo?” nàng nói.  “ Chắc sắp mất trí đó mà.”
Chàng hỏi nàng có uống thuốc an thần không.
“ Nếu có thì cũng chẳng nhớ nữa,” nàng nói.  Rồi nàng xin lỗi vì đã hơi chớt nhả.  “ Chắc là không.  Có thể em nên uống thuốc bổ.”
Rồi tình trạng vẫn không thay đổi.  Nàng ra tới cửa mà không biết mình định đi đâu.  Quên bật bếp.  Quên châm nước vào máy cà phê.  
Một hôm nàng hỏi chồng là dọn vào nhà khi nào. “ Năm ngoái hay năm kia?”
“ Mười hai năm rồi em à.” Grant nói.
“ Vậy à?”

“ Trước giờ thì lúc nào nàng cũng hơi như vậy,”  Grant nói với ông bác sĩ.  “ Có lần nàng treo chiếc áo lông thú trong nhà kho rồi quên luôn.  Hồi đó hễ đến mùa đông là chúng tôi đi về miền nắng ấm.  Nàng nói đó là vô tình nhưng cố ý, giống như để cái không hay lại đàng sau.  Mặc áo lông người ta hay nói này nói kia.”
Ông cố mà không sao giải thích được là những ngạc nhiên và xin lỗi của Fiona hồi này có vẻ như lịch sự thông thường, nhưng không dấu được một vẻ thú vị chỉ có mình biết.  Như lạc vào chuyến phiêu lưu bất ngờ, hay đang hơi một trò chơi, mong ông sẽ tham dự.  
“ Đúng rồi,” ông bác sĩ nói.  “Lúc đầu người ta còn có thể che dấu được.  Phải chờ cho đến khi nặng hơn thì mới biết rõ được.”
Về sau thì nhản hiệu hay tên gọi không thành vấn đề nữa.  Fiona không còn đi chợ một mình, và khi Grant quay lưng lại thì đã biến đâu mất.  Khi cảnh sát tìm ra thì nàng đang đi tà tà giữa lộ, cách đó vài khúc đường.  Hỏi tên mình thì trả lời ngon lành nhưng khi viên cảnh sát hỏi tên Thủ Tướng thì nàng nói.
“ Tên Thủ tướng mà chú cũng không biết thì làm sao mà thi hành trách vụ được hả, chú em?”
Rồi nàng hỏi có thấy con Boris và Natasha đâu không?  Đó là hai con chó Nga đã chết từ lâu rồi.  Hồi đó nàng đã tình nguyện nuôi hai con chó của một người bạn sau khi phát giác ra mình không thể có con được.  Ống dẫn trứng ngẹt hay xoắn hay gì gì đó mà Grant không nhớ.  Dính vào mấy cái chuyện bệnh đàn bà là Grant luôn luôn tránh né.   Giống chó có cẳng dài, lông tơ, và bộ mặt dịu dàng nhưng ương ngạnh và trông rất hợp với chủ.  Lắm người nghĩ rằng ngay cả Grant, khi được việc dạy đại học, cũng có thể đã là một chọn lựa lúc hứng sảng của Fiona, và để rồi được mang về nâng đỡ và dìu dắt.  Nhưng may thay mãi sau này chàng mới hiểu.

Meadowlake có qui lệ không nhận bệnh nhân trong tháng Chạp.   Mùa lễ dễ nhớ nhà.  Vì thế đến tháng Giêng họ mới lái xe đi.  Trước khi ra tới xa lộ thì con đường miền quê đi dốc xuống một vùng đất trũng do bùn lầy đông thành đá.
Fiona nói, “ Anh có nhớ không?”
Grant nói,  “ Anh cũng đang nghĩ đến,”
“ Chỉ khác cái là lúc đó sáng trăng,” nàng nói.
Nàng đang nhắc đến lần họ đi trượt tuyết ban đêm, trên là ánh trăng vằng vặc, dưới là tuyết trắng.  Họ có thể nghe được tiếng cành cây sào xạc trong khí lạnh.  
Chuyện như vậy mà nàng có thể nhớ một cách rành mạch và chính xác như vậy thì bệnh hoạn cái gì?  Grant muốn quày xe trở về nhà.

Người giám đốc cho biết viện còn có một qui lệ khác.  Tháng đầu mới nhập viện, thân nhân không được thăm viếng.  Người ta cần thời gian đầu đó để làm quen với một môi trường mới.  Hồi chưa có qui lệ này thì ôi thôi nào là nước mắt, năn nỉ, lăn lộn, kể cả của những người tự nguyện nhập viện.  Ba bốn ngày sau là người ta bắt đầu ta thán và năn nỉ xin về.  Rồi người thân chẳng biết làm sao nên phải lên rước về mặc dù bệnh tình vẫn vậy.  Sáu tháng hay lắm khi vài tuần sau,  đâu lại vào đó, bổn cũ soạn lại.
“ Chúng tôi thấy rằng, “ người giám đốc nói, “ cứ để mặc họ ở đây một tháng thì sẽ vui như Tết ngay.”

Cách đây vài năm họ đã từng đến đây viếng thăm ông Farquhar, một ông hàng xóm độc thân.  Hồi đó ông ấy ở một mình trong một ngôi nhà gạch trống không.  Bây giờ căn nhà của ông được thay thế bởi một dinh thự xây cất làm nhà nghỉ cuối tuần cho cho mấy người ở Toronto.  Và  nhà thương dưỡng lão Meadowlake xây thời năm-mươi cũng đã được thay thế bởi một tòa nhà khoảng khoát, khung vòm, thoang thoảng mùi gỗ thông và cây cối xanh rờn mọc xum xuê từ những lục bình khổng lồ trong hành lang.
Vậy mà trong những ngày dài đăng đẳng không được gặp nàng, Grant chỉ có thể hình dung thấy vợ sống trong một viện dưỡng lão Meadowlake cổ xưa. Ông gọi nàng mỗi ngày và mong gặp được cô y tá tên Kristy.   Cô nói tuần đầu thì Fiona bị cảm nhưng cũng chẳng lấy làm lạ.
“ Như trẻ con khi bắt đầu đi học,” Kristy nói.  “ Sẽ ốm liên miên vì tiếp xúc với một lô vi khuẩn mới.”  Nhưng sau mười ngày trụ sinh thì nàng có vẻ tỉnh táo hơn nhiều.  Đã bắt đầu ăn giả bữa và thích ngồi phòng sun-room.  Và đã bắt đầu đã có bạn.

Ở nhà hễ có ai gọi thì Grant để máy trả lời.  Người quen biết ở rải rác khắp nơi, đã về hưu, và thường đi du lịch mà không nói ai biết.  Nếu họ có gọi thì chắc cũng tưởng ông và Fiona đang đi du lịch.
Grant tập thể dục bằng cách trượt tuyết.  Ông trượt vòng quanh cánh đồng sau nhà khi mặt trời bắt đầu về chiều và bầu trời ửng ánh hồng trên một đồng quê gợn băng tuyết màu xanh dương.
Rồi ông trở về căn nhà tối tăm, bật TV xem tin tức trong khi chuẩn bị bữa ăn tối.  Hồi đó cả hai vợ chồng cùng nhau nấu ăn.  Một người pha rượu còn người kia lo bếp núc và họ nói chuyện việc làm (ông đang viết về loài sói Norse trong huyền thoại và đặc biệt là con chó sói khổng lồ Fenrir, đã nuốt sống Odin lúc tận thế), về cuốn sách Fiona đang đọc và tất cả những suy nghĩ trong đầu.  Rồi năm mười phút ôm ấp khi lên giường- thường thì không dẫn đến làm tình nhưng đủ để biết là vẫn còn muốn chứ chưa hết.

Ông nằm mơ thấy mình đưa một lá thư cho một người bạn đồng nghiệp xem.  Lá thư viết bởi bạn cùng phòng của một cô gái mà Grant không còn nghĩ đến.  Lời lẽ lá thư sặc mùi đạo đức giả và hằn học.  Ông đã chia tay lịch sự với người con gái đó và biết chắc nàng chẳng khi nào lại làm ầm ĩ chứ đừng nói là hăm dọa tự tử như lời lẽ trong thư nói.  
Anh chàng đồng nghiệp là típ người chồng chuyên môn bỏ nhà đi ngủ với tình nhân rồi vào lớp học mà quần áo xốc sếch và còn sặc mùi cần sa và trầm hương.
“ Không phải chuyện đùa đâu,” anh nói với Grant.  “ Nhưng nếu tôi là anh thì sẽ nói trước cho Fiona nghe.”
Thế là Grant đến Meadowlake - cái viện dưỡng lão cũ- tìm Fiona và làm thế nào mà lại đi lạc vào một giảng đường.  Mọi người đã tề tựu đông đủ đợi ông vào dạy.  Ở hàng ghế cuối cùng và cũng là cao nhất là một bọn con gái trẻ, mặt lạnh, mặc áo đen như để tang, nhìn chằm chằm  
Fiona ngồi hàng đầu.  “ Ối dào,” nàng nói.  “ Mấy con bé tuổi đó thì lúc nào mà chả nói chuyện tự tử.”

Ông bừng tỉnh dậy và đang cố phân biệt đâu là mộng , đâu là thật.  
Có một lá thư thật.   Ai viết chữ “ chuột chù” bằng sơn đen trên cánh cửa văn phòng, và khi nghe chuyện có cô gái phải lòng ông thì Fiona đã nói y hệt những lời như trong giấc mơ.  Không có đồng nghiệp nào và cũng chẳng có ai tự tử.  Grant không bị ô nhục kể đã là may rồi chứ xảy ra vài năm sau thì chắc đã có chuyện rồi.  Nhưng rồi lời đồn đãi cũng lan truyền và người ta bắt đầu lạnh nhạt dần.  Giáng Sinh có dăm người mời và Tết Tây thì họ ở nhà một mình.  Grant uống rượu say mèm, và hứa với Fiona là sẽ thay đổi cuộc đời.  May là không dại dột thú tội.
Có ai lại nói là dân chơi (nếu phải tự gọi vậy, dù thành tích chinh phục không bằng một nửa của anh đồng nghiệp) thì phải quảng đại và hy sinh đâu.  Lắm khi ông đã phải thỏa mãn lòng tự tôn và tự ngã mong manh của đàn bà bằng cách dành cho họ tình cảm nhiều hơn, hay thô bạo hơn.  Thế mà vẫn bị tố là lợi dụng, làm tổn thương và phá hoại lòng tự trọng.  Còn chuyện phản bội thì, dĩ nhiên, ông đả phản bội Fiona.  Nhưng vẫn còn đỡ hơn mấy thằng khác, có bồ rồi bỏ vợ.  Ông chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ vợ.  Vẫn làm tình đều đặn và chưa bao giờ đi ngủ lang.  Không có bịa chuyện để cuối tuần ở San Francisco hay ngủ lều trên đảo Manitoulin.  Ông bớt phê, bớt uống, và tiếp tục viết bài đăng báo, làm việc trong ủy ban, và thăng tiến nghề nghiệp.  Ngu dại gì mà bỏ việc, bỏ vợ để về quê làm nghề thợ mộc hay nuôi ong.  
Vậy mà xẩy ra mới là lạ.  Ông xin hưu non.  Cha Fiona chết để lại căn nhà và  một trang trại nơi ông sanh ra và lớn lên, một vùng gần Vịnh Georgean.
Đó là một cuộc sống mới.  Ông và Fiona sửa sang nhà cửa.  Họ trượt tuyết băng đồng.  Họ không phải là người xã giao nhưng từ từ rồi cũng có vài người bạn . Không còn những trò tán gái ẩu tả. Không còn những ngón chân ngọc ngà sọc lên ống quần trong bữa dạ tiệc.  Không còn những con vợ đĩ ngựa.
Khi tất cả bắt đầu nguôi ngoai thì Grant phải công nhận là chuyện về ở ẩn cũng đúng lúc thôi.  Những nhà nữ quyền và cả con bé vớ vẩn cùng những thằng bạn hèn nhát đã đẩy ông ra thật vừa đúng lúc.  Ra khỏi một cuộc sống quá nhiều hệ lụy.  Và tí nữa thì đã mất Fiona.


Buổi sáng ngày trở lại Meadowlake để đi thăm lần đầu, Grant thức dậy thật sớm.  Ông cảm thấy mình háo hức như sắp sửa gặp em mới.  Tuyết bắt đầu tan.  Cái cảnh quan giá băng lấp loé của mùa đông đã mất dần để lại những đống tuyết lỗ chỗ như rơm rạ trên cánh đồng. Ông ghé lại một tiệm hoa ở thành phố gần Meadowlake mua một bó hoa.  Ông chưa bao giờ tặng hoa cho ai.  
Ông bước vào nhà thương mà cảm thấy mình như một gã si tình,  hay một người chồng có lỗi.
“ Chà.  Mùa này mà có thủy tiên,” Kristy nói.  “ Chắc đắt lắm đây.”  
Cô đi trước, mở đèn trong tủ xép và lấy ra một cái bình.  Cô nàng trẻ tuổi nhưng thân hình đẫy đà, và ngọai trừ mái tóc thì có vẻ như đã cam phận với ngoại hình của mình.    Đó là một mái tóc bạch kim bồng bềnh, thích hợp với một cô tiếp rượu hay vũ nữ thoát y hơn là trên khuôn mặt và thân hình của một người làm nghề y tá.
“ Rồi, xong.” nàng nói, và gật đầu về hướng hành lang.  “ Tên ngoài cánh cửa.”   
Đây rồi.  Một cái bảng tên có hình mấy con chim trong truyện Disney.  Ông gõ cửa sau một phút đắn đo rồi mở cửa gọi tên nàng.  
Nàng không có trong phòng.  Cánh cửa tủ khép kín, mặt giường phẳng phiu.  Trên mặt bàn đầu giường không có gì ngoại trừ một hộp Kleenex và một ly nước.  Không một hình ảnh hay sách báo nào.  Có lẽ người ta cất mấy cái đó trong tủ.
Ông trở lại chỗ y tá làm việc.  Kristy nó, “ Không thấy hả?” với một vẻ ngạc nhiên mà ông thấy hơi chiếu lệ.  Ông cầm bó hoa ngần ngừ.  Nàng nói, “ Được rồi.  Được rồi.-Để bó hoa xuống đây,”
Thở dài, như ông là một đứa bé chậm chạp buổi khai trường, nàng dắt ông qua hành lang tới một khu trung tâm rộng rãi với cửa kính trên trần cho ánh sáng lọt vào, có vẻ như một khu họp chung.  Có người ngồi trên những cái ghế xếp dọc chung quanh tường, có người ngồi quanh bàn giữa sàn trải thảm.  Trông họ không đến nỗi nào.  Già thì có già- có người phải ngồi xe lăn- nhưng trông sạch sẽ sáng sủa.   Lần ông và Fiona đến thăm ông Farquhar thì mới là dễ sợ.  Những bà già cằm lún phún râu, có người mắt lồi ra như một quả mận thối rữa.  Người thì rãi nhớt chảy nhễu nhão, kẻ lại đầu lúc nào cũng lúc lắc, và còn những người miệng lúc nào cũng lẩm bẩm tối ngày.  Giờ thì có lẽ họ đã chuyển những ca quá nặng sang chỗ khác.  
“ Đó, đó, thấy không?” Kristy nói bằng giọng nhỏ hơn.  “ Chỉ việc ra nói hello nhưng đừng có làm bà ấy giật mình.  Đi đi.”
Ông nhìn ngang thấy Fiona đang ngồi cạnh một bàn chơi bài, nhưng không chơi.  Mặt nàng hơi sưng phù.  Nàng đang theo dõi bài của người đàn ông ngồi cạnh.  Ông ta hé bài lên cho nàng coi.  Khi Grant tiến tới gần thì nàng ngẩng lên.  Tất cả đều nhìn lên một cách bực mình.  Rồi họ lập tức nhìn xuống những quân bài.  
Fiona nở nụ cười quyến rũ và đẩy ghế, đứng sau lưng với ông, ngón tay đặt trên môi.   
“ Bridge,” nàng thầm thì.  “ Đang đến hồi gay go. Mấy người này căng lắm.” Nàng kéo ông ra bàn cà phê chuyện trò. “ Em nhớ hồi đại học cũng vậy.  Tụi em hay cúp cua ngồi tụ tập trong phòng sinh hoạt, hút thuốc lá và chơi bài sát phạt.  Muốn uống gì em lấy? Trà nhé? Cà phê ở đây xoàng lắm.”
Grant chưa bao giờ uống trà.
Ông muốn nhưng không thể ôm nàng được.  Có cái gì khác lạ trong giọng nói và nụ cười của nàng.
“ Anh mang hoa cho em,” ông nói.  “ Để cho phòng tươi mát hơn.  Anh đến phòng em nhưng em không có ở đó.”
“ Thì đúng rồi,” nàng nói. “ Em đang ở đây mà.”  Nàng liếc nhìn lại đám chơi bài.  
Grant nói.” Em có bạn mới.” Ông hất hàm về hướng người đàn ông.  
“ Ồ.  Aubrey đó mà,” nàng nói.  “ Em quen anh ấy đã lâu rồi.  Hồi đó anh ấy làm ở tiệm đồ gia dụng mà ông ngoại em vẫn đến mua đồ.  Hồi đó tụi em vẫn nói chuyện nhưng anh ấy không dám mời em đi chơi.  Mãi đến cuối tuần qua thì anh ấy mới dám rủ em đi coi đánh banh.  Coi xong thì ông ngoại đến đón em về.  Em về quê thăm ông bà em trong mùa hè ở nông trại.”
“ Fiona.  Ông bà em ở đâu anh biết quá mà. Ở cái chỗ mình ở.  Từng ở.”
“ Vậy hả?” nàng nói, lơ đãng vì người đàn ông chơi bài đang nhìn như ra lệnh.  Ông ta trạc độ tuổi Grant, hay hơn vài tuổi.  Những sợi tóc thô dầy thả lòa xòa trước trán và làn da xù xì nhưng hơi tái như  một cái găng tay trẻ con đã bị nhăn nhúm cũ kĩ.  Khuôn mặt dài nghiêm nghị và u sầu mang một vẻ đẹp của một con ngựa già khoẻ mạnh, chán nản.  
“ Em phải trở lại,” Fiona nói, một sắc hồng ửng lên trên khuôn mặt mới đầy đặn. “ Anh ấy cứ nghĩ là không có em ở cạnh thì không chơi được.  Thật là nhảm nhí.  Lâu lắm rồi em đâu có chơi quên hết rồi. Anh ngồi chơi một mình nhé? Trước lạ nhưng từ từ rồi sẽ quen.  Trừ mấy người người sống trên mây, hiểu không?  đâu phải ai ai cũng làm quen với mình đâu.”  
Nàng ngồi xuống ghế mình và nói nhỏ vào tai Aubrey.  Nàng gõ nhẹ trên mu bàn tay của ông.

Grant đi tìm Kristy và gặp cô ta trong hành lang, đang đẩy một cái xe chất đầy bình nước táo và nước nho.
“ Sao?” cô ta hỏi.
Grant nói.  “ Không biết nàng còn nhận ra tôi không?”   
Kristy nói.  “ Chắc tại gặp lúc đang chú tâm vào ván bài.”
“ Nàng đâu có chơi đâu.” ông nói.
“ Nhưng bạn bả đang chơi.  Aubrey.”
“ Aubrey là ai vậy?”
“ Thì Aubrey là bạn bả đó.  Ông có muốn nước trái cây không?”
Grant lắc đầu.
“ Này, này, “  Kristy nói.  “ Liên hệ nhất thời thôi.  Giờ thì như bạn chí thân, nhưng một giai đoạn rồi thôi.”
“ Nàng không biết tôi là ai?”
“ Có thể hôm nay không. Nhưng rồi ngày mai thì biết đâu chừng, phải không?  Đến đây riết rồi ông sẽ thấy.  Chẳng có gì là quan trọng.  Được ngày nào hay ngày đó.”
Ngày nào hay ngày đó.  Nhưng tình trạng vẫn lúc thế này lúc thế kia, và ông không thể làm quen được. Fiona có vẻ muốn làm quen với ông như với một người khách hay để ý đến nàng.  Hay một kẻ quấy rầy, nhưng vì phép lịch sự không thể nói thẳng ra cho biết.  Nàng đối xử với ông bằng một sự tử tế có tính cách xã giao hờ hững.  Ông muốn hỏi là nàng có nhớ ông là người chồng đã lấy nhau gần năm mươi năm không?  Nhưng ông có cảm tưởng là câu hỏi đó sẽ làm nàng xấu hổ- xấu hổ không cho nàng mà là cho ông.
Kristy kể ông nghe, Aubrey trước đây là đại diện vùng của một công ty bán thuốc diệt cỏ dại
“ và mấy thứ linh tinh lang tang” cho nông gia.  Và dù chưa đến tuổi về hưu thì ông đã bị một thứ tổn thương khác thường nào đó.  
“ Vợ ông là người chăm sóc ổng ở nhà.  Thỉnh thoảng bà ta mới bỏ ổng vào đây tạm thời để có thể nghỉ ngơi.  Chị bả muốn bả vể Florida.  Kể cũng tội nghiệp.  Đang khoẻ mạnh đùng một cái bị nhiễm một con siêu vi nào đó trong khi đi nghỉ hè, lên cơn sốt nặng, hôn mê và rồi ra nông nỗi như thế này đây.”
Chiều nào hai người cũng có mặt ở bàn đánh bạc.  Aubrey có bàn tay to và ngón tay cục mịch nên xoè bài không nhuyễn.  Fiona phải xóc và chia bài cho ông ta và thỉnh thoảng lại xếp lại những lá bài vuột ra khỏi bàn tay.  Grant nhìn những cử động nhanh nhẹn và cười cười xin lỗi của nàng.  Ông thấy được cái dáng cau mặt kiểu người chồng của Aubrey khi tóc nàng chạm mặt ông ta.  Aubrey làm bộ không để ý, miễn sao có nàng ở cạnh bên.  

Nhưng khi nàng mỉm cười chào Grant, khi nàng đẩy ghế đứng dậy rót trà-cho thấy là nàng đã chấp nhận sự có mặt và có đôi phần trách nhiệm với ông- thì mặt Aubrey sa sầm lại.  Rồi ông thả những lá bài rơi lả chả xuống đất để ván bài phải ngưng.
Để Fiona phải chạy lại dọn dẹp.
Khi không chơi bài thì họ đi dạo dọc hành lang, Aubrey một tay vịn lan can một tay bám tay hai vai của Fiona.   Y tá không ngờ nàng có thể giúp ông ta đi đứng không cần xe lăn.   Chỉ những khoảng cách xa hơn như đi ra vườn ở hay phòng coi TV thì phải dùng đến xe lăn.
TV như lúc nào cũng vặn đài thể thao và Aubrey thì môn nào cũng coi, nhưng có vẻ thích golf nhất.   Grant ngồi cách vài hàng ghế xem tv với họ.   Trên màn hình rộng, một nhóm khán giả và phóng viên truyền hình đi theo người chơi trong sân cỏ yên tĩnh, và vỗ tay hoan nghinh một cách trịnh trọng khi thích hợp.  Nhưng khi người chơi đánh trái banh bay tít lên trời thì tất cả đều im lặng.  Aubrey, Fiona, Grant và những người khác ngồi nín thở, và Aubrey thở phào hoặc hài lòng hay thất vọng.  Một phút sau thì Fiona cũng thở ra phụ họa.
Trong vườn cây thì không có cái im lặng như vậy.  Hai người ngồi giữa những lùm cây nhiệt đối tươi tốt và rậm rạp nhất và Grant phải cố dằn lắm mới không xông vào.  Tiếng cười và giọng nói êm dịu của Fiona hòa lẫn cùng tiếng lá sào sạt và tiếng nước róc rách.  
Rồi có giọng cười khúc khích nổi lên.  Ai vậy?
Có thể không của ai- có thể đó là tiếng của một trong những con chim sặc sỡ trơ trẽn trong cái chuồng trong góc.
Aubrey nói được, nhưng có lẽ giọng không được như xưa.  Hình như ông ta đang nói gì- vài câu ồ ề.  Cẩn thận.  Có hắn ở đây.  Em yêu.
Dưới đáy hồ xanh biếc của đài phun nước có vài đồng xu ước.  Grant chưa bao giờ thấy ai ném tiền vào.  Ông nhìn những đồng năm xu, mười xu và hai-mươi-lăm xu không hiểu có phải chúng đã được dán xuống gạch như một trang trí của nhà thương để làm phấn khởi tinh thần.


Tuổi cập kê đi coi baseball, ngồi trên băng ghế hàng trên cùng, cách xa lũ bạn. Cách nhau chỉ vài phân gỗ, bóng tối buông xuống, cái lạnh của buổi chiều tà mùa hè.  Những bàn tay lén lút, mông đùi nhích lại gần, mắt không hề rời sân cỏ.  Chàng sẽ cởi áo khoác ngoài để choàng lên bờ vai nhỏ bé của nàng.  Bên trong chàng sẽ kéo nàng lại gần hơn, ấn những ngón tay lên cánh tay mềm mại của nàng.
Không như trẻ ngày nay, đi chơi lần đầu đã thọc tay trong quần bồ rồi.
Cánh tay mềm mại của Fiona.  Nàng ngạc nhiên vì sự thèm khát của tuổi mới lớn chạy rần rật trong thân xác mới mẻ và mềm mại của nàng, trong khi màn đêm dày đặc bao trùm những hạt bụi óng ánh của cuộc chơi.


Vì Meadowlake ít gương nên ông không phải thấy bóng mình rình rập và ẩn nấp nhưng cũng có lúc ông nhận thấy mình nhỏ mọn vô lý và điên rồ khi lúc nào cũng tò tò đi theo Fiona và Aubrey
mà không có dịp đối chất cả hai người.  Càng lúc càng mập mờ cái quyền có mặt nhưng lại không thể rút lui.   Ngay cả khi ở nhà trong lúc làm việc ở bàn giấy, dọn dẹp nhà cửa hay xúc tuyết thì lúc nào cũng như có quả lắc trong đầu luôn nhắc nhở về Meadowlake, về lần thăm kế tiếp.  Có lúc ông thấy mình như một cậu bé bướng bỉnh đeo đuổi một cuộc tình vô vọng, hay như mấy tên vô lại lẽo đẽo đi theo những phụ nữ nổi tiếng, tin rằng rồi có một ngày các nàng sẽ quay lại và chứng nhận mối chân tình.
Ông đã cố chỉ đến thăm vào ngày thứ Tư và thứ Bảy.  Ông cũng làm bộ đi nhòm cái cái này, ngó cái khác, như mình là một thứ khách vãng lai hay một người đi kiểm tra hay khảo sát xã hội.
Thứ Bảy có cái không khí nhộn nhịp và căng thẳng của một ngày lễ.  Gia đình đến từng đoàn.  Thường thì mấy bà mẹ cai quản như những con chó chăn cừu vui vẻ nhưng cương quyết lùa bầy đàn ông và trẻ con.   Chỉ có lũ nhóc tì là chẳng lo lắng gì cả.  Chúng thấy ngay những ô trắng ô xanh trên sàn nhà và chọn một màu để bước lên, màu kia để nhẩy qua.  Mấy đứa bạo hơn thì bám vào phía sau xe lăn.  Có đứa mặc cho mắng chửi vẫn tiếp tục trò chơi và phải bị xách cổ ra xe.   Và thế là anh chị lớn hay ông bố sẵn sàng vui vẻ tình nguyện nhận lãnh trách nhiệm để khỏi phải thăm viếng.
Đàn bà thì nói chuyện huyên thuyên trong khi đàn ông cảm thấy khủng bố và thanh niên thấy xúc phạm.  Người được thăm ngồi xe lăn hay chống gậy đi khập khiễng, hay đi cứng nhắc một mình dẫn đầu phái đoàn, một mặt hãnh diện vì có đông người đến thăm  nhưng ánh mắt lại có vẻ ngẩn ngơ và nói năng thì lắp bắp vì căng thẳng.  Và giờ đây, khi  bao quanh bởi một lô người ngoài thì người bên trong này càng trông chẳng giống người bình thường.  Cằm bà cụ dẫu có cạo râu sạch sẽ và mắt bệnh được che bởi miếng che mắt hay kính râm, và thuốc men dẫu có ngăn ngừa ăn nói bậy bạ, nhưng vẻ thẫn thờ vẫn còn đó, một sự cứng đờ ám ảnh như thể người ta cam chịu trở thành ký ức của chính mình, như những tấm ảnh cuối đời
.  
Giờ này thì Grant cảm thấy thấm thía hơn tâm trạng của ông Farquar khi xưa.  Những người ở đây-ngay cả những người không hề tham dự bất cứ hoạt động nào và chỉ ngồi nhìn ra cánh cửa ra vào-thực ra đang sống một đời sống khá bận rộn trong đầu (ấy là chưa kể đời sống thể xác, những thay đổi bất tường của bụng dạ, và những đau đớn khắp nơi), những cái không thể chia xẻ hay nhắc đến trước mặt khách.  Họ chỉ có thể đẩy chiếc xe lăn qua lại và hy vọng tìm ra được cái gì để có thể mang ra khoe hay nói chuyện.  
Có vườn cây và màn truyền hình to tướng để mà mang ra khoe.  Mấy ông bố có vẻ chịu cái tivi lắm.  Mẹ thì tấm tắc khen mấy cây dương xỉ.  Chẳng bao lâu thì cả nhà ngồi quây quần chung quanh những cái bàn nhỏ ăn kem-chỉ có lũ thanh niên là ghê tởm gần chết, không thèm ăn.  Mấy bà lau nước dãi chảy xuống những cái cằm run rẩy và đám đàn ông thì quay mặt đi chỗ khác.

Không thấy có con cháu đến thăm Aubrey, và vì không thể chơi bài-- bàn đã dùng hết cho tiệc kem-- ông ta và Fiona tránh mặt trong những thứ Bẩy.  Vườn cây quá đông người nên không thể trò chuyện thân mật được.  
Dĩ nhiên trong phòng kín của Fiona thì là chuyện khác.  Grant đứng tần ngần trước phòng mà không đủ can đảm để gõ cửa, chỉ nhìn những con chim Disney trên cánh cửa mà ghét cay ghét đắng.
Biết đâu họ có thể trong phòng Aubrey.  Nhưng ông không biết ở đâu. Càng tìm tòi thì càng khám phá ra nhiều hành lang và chỗ ngồi, con dốc, và đi lang thang vẫn dễ bị lạc.  Ông dùng tấm tranh hay cái ghế làm điểm mốc nhưng tuần sau thì cái điểm chọn  dường như đã di chuyển đi chỗ khác.  Ông không muốn nói với Kristy nhưng  sợ cô ta nghĩ là ông cũng bị bệnh tâm thần.  Ông đoán chừng những thay đổi và sắp xếp lại này để hoạt động hàng ngày của bệnh nhân thêm phần thích thú.
Ông cũng thỉnh thoảng thấy một người đàn bà trông xa xa tưởng là Fiona, nhưng rồi lại nghĩ không phải, vì quần áo đang mặc.  Fiona có bao giờ lại mặc áo cánh, hoa màu sặc sở và quần xanh óng ánh.  Một sáng thữ Bẩy ông nhìn ra cửa sổ thấy Fiona--chắc chắn là nàng--đẩy Aubrey trên xe lăn đi trên một trong những con đường lót gạch mà giờ đã sạch băng tuyết, và nàng đang đội một cái nón len trông trẻ con và một chiếc áo khoác có hình trôn ốc màu xanh màu tím, loại áo thấy mấy bà trong vùng mặc đi chợ.
Chắc tại họ không cẩn thận sắp xếp quần áo đàn bà cùng cỡ và không nghĩ là họ sẽ để ý đến cách phục sức ăn mặc.
Họ cũng đã cắt tóc nàng.  Họ đã cắt mất quầng tóc thiên thần của nàng.  Một ngày thứ Tư khi tất cả trở lại bình thường hơn và những ván bài được gầy lại, và những người đàn bà trong phòng thủ công đang làm hoa lụa hay mặc trang phục cho búp bê mà không sợ có người quấy rầy, nhòm ngó, và khi Aubrey và Fiona lại xuất đầu lộ diện thì  Grant có thể trao đổi những mẩu đối thoại vắn tắt và thân mật và bực bội với vợ mình.  “ Tại sao họ cắt tóc em?” ông hỏi.
Fiona đưa tay lên sờ tóc.  “ Em chẳng tiếc nó,” nàng nói.

Ông nghĩ phải lên lầu hai, nơi những người mà, theo lời của Kristy, đã chẳng còn biết gì, xem sao.  Ở tầng dưới, những người lẩm bẩm một mình hay hỏi những câu hỏi không đâu vào với đâu với người đi qua ( “Tôi có để quên áo len trong nhà thờ không?”) kể ra là vẫn chưa hoàn toàn mất trí.  
Chưa đủ điều kiện.
Cầu thang có, nhưng cửa bên trên khóa lại và chỉ có nhân viên mới có chìa khóa.  Muốn vào thang máy thì họ phải bấm nút ở sau bàn y tá.  
Mất trí rồi thì họ làm gì?
“ Có người chỉ có ngồi một chỗ,” Kristy nói.  “ Có người thì khóc.  Có người lại la hú rầm trời.  Ông không muốn biết đâu.”
Thỉnh thoảng thì họ tự nhiên tỉnh lại.
“ Mình vào phòng họ cả năm mà họ chẳng biết mình là ai.  Rồi bỗng dưng một ngày thì, hello, khi nào tôi về nhà được.  Đùng một cái họ trở lại như người bình thường.”
Nhưng chỉ được một thời gian ngắn thôi.
“ Tưởng là trở lại bình thường.  Nhưng rồi lại mất lại.” Cô ta búng tay.  “ Như vậy.”



Trong thành phố hồi đó ông làm việc có một tiệm sách mà ông và Fiona ghé đến một hai lần mỗi năm.  Lần này ông trở lại một mình.  Không cảm thấy muốn mua, nhưng ông đã viết xuống một danh sách nên chọn vài cuốn trong danh sách đó, và mua một cuốn mà ông tình cờ thấy.  Đó là một cuốn về Iceland.  Một cuốn tranh màu nước vẽ bởi một một bà du khách thời thế kỷ thứ mười-chín.

Fiona chưa bao giờ học tiếng mẹ đẻ và cũng chẳng tha thiết truyện cổ tích quê hương-những truyện mà Grant từng nghiên cứu và giảng dậy và vẫn còn viết bài đăng báo.  Nàng gọi những nhân vật anh hùng trong truyện là “lão Njal” hay “lão Snorri.”  Nhưng vài năm trở lại đây thì nàng bắt đầu có vẻ chú tâm đến quê cha đất tổ và đi tìm đọc những sách hướng dẫn du lịch.  Nàng đọc về chuyến đi của William Morris và Auden nhưng không có ý định du lịch đến đó.  Nàng nói thời tiết nơi đó quá khắc nghiệt và quan niệm là nên có một nơi chốn mà mình biết và ao ước nhưng không bao giờ đi.  




Khi Grant bắt đầu dậy môn Anglo-Saxon và Văn Học Nordic thì thành phần sinh viên tham dự cũng bình thường, không gì đặc biệt.  Nhưng vài năm sau thì ông nhận thấy có một sự thay đổi.  Phụ nữ có chồng bắt đầu đi học trở lại.  Chẳng phải vì công ăn việc làm mà chỉ để đời sống ngoài việc nhà và thú vui tiêu khiển thêm phần thú vị và phong phú.  Và có lẽ vì vậy cho nên những ông thầy cũng trở nên hấp dẫn hơn, bí ẩn hơn những ông chồng phải phục dịch và thỏa mãn ở nhà.  

Những môn thường được chọn là Tâm Lý, Lịch Sử Văn Học hay Văn Chương.  Thỉnh thoảng họ cũng chọn Khảo Cổ hay Ngôn Ngữ nhưng bỏ lớp khi bắt đầu thấy hơi khó.  Những người chọn lớp của Grant thường có gốc gác Scandinavian như Fiona hay có thể đã đọc truyện thần thoại Norse của Wagner hay từ tiểu thuyết.  Có người lại tưởng Grant dậy ngôn ngữ Celtic và với họ thì bất cứ gì dính đến Celtic đều có một vẻ quyến rũ huyền bí.
Ông đứng cạnh bàn giáo sư mà nói một cách thẳng thừng với những người muốn học.
“ Nếu quí vị muốn học một ngôn ngữ hay thì hãy ghi danh học tiếng Tây Ban Nha để có thể dùng đến khi đi Mễ.”
Có người nghe lời cảnh báo và bỏ đi.  Có kẻ lại bị thu hút bởi giọng nghiêm nghị của ông.  Họ cố gắng chăm chỉ và đã mang lại văn phòng và cuộc đời ngăn nắp, không thiếu thốn của ông, đóa hoa tuyệt vời của sự phục tùng của người đàn bà tuổi chín mùi và nỗi kỳ vọng run rẩy mong được chấp nhận của họ.
 
Ông chọn một người đàn bà tên Jacqui Adams.  Nàng là trái ngược của Fiona- dáng người thấp, tính tình mềm mỏng, mắt nâu, bộc trực và không biết đùa là gì.  Mối tình của họ kéo dài một năm cho đến khi chồng bà bị thuyên chuyển.  Khi chia tay trong xe, nàng bắt đầu run rảy  không kềm được như bị cảm lạnh.  Nàng viết vài lần nhưng ông thấy lời thư quá đa cảm nên không biết trả lời ra sao.  Ông kéo dài thời gian trì hoãn rồi bỗng có một liên hệ tình cảm bất ngờ và kỳ diệu với một người con gái đáng tuổi con của Jacqui.

Trong khi quen Jacqui thì một hiện tượng chóng mặt khác cùng xẩy ra.  Những cô con gái tóc dài, chân đi săng-đan bắt đầu lũ lượt vào văn phòng, và sẵn sàng hiến thân.  Chẳng còn phải thận trọng hay thủ thỉ lời đường mật lôi thôi như với Jacqui nữa.  Một cơn lốc đã nổi lên, cuốn ông cùng nhiều người khác theo, cơn lốc của muốn là được.  Nhiều khi ông thắc mắc không biết mình có quên cái gì không.   Nhưng thì giờ đâu mà ân hận? Ông nghe nói lúc đó có những cuộc tình man rợ và nguy hiểm khác cũng đang xảy ra.   Xì căng đan bùng nổ với hệ quả điên cuồng và đau đớn khắp nơi nhưng người ta thấy chẳng thà như vậy còn tốt hơn.  Có kẻ bị trả thù-có người bị đuổi việc.  Kẻ bị đuổi chuyển sang dạy học ở những đại học hay trung tâm giáo dục nhỏ hơn, dễ dãi hơn, và những bà vợ bị bỏ, tỉnh táo lại và khoác lên người trang phục và thái độ thoải mái về tình dục của những cô trước đây quyến dụ chồng mình.  Những buổi tiệc giáo sư, trước đây chẳng có gì lạ, nay trở thành bãi mìn.  Một nạn dịch đã bùng phát và lây lan như dịch cúm Tây Ban Nha.  Chỉ có cái khác là kỳ này thay vì chạy đi thì người ta đâm đầu vào, và không mấy người trong lứa tuổi từ mười sáu tới sáu mươi muốn đứng ngoài vòng.  

Tuy nhiên Fiona có vẻ sẵn lòng làm kẻ ngoại cuộc.  Mẹ nàng sắp chết, và kinh nghiệm làm nhà thương đưa đẩy nàng từ công việc ở văn phòng tuyển sinh sang một công việc mới.  Grant không đi quá đà, tối thiểu là khi so sánh với những người khác chung quanh.  Sau Jacqui, ông không bao giờ để một người đàn bà nào trở nên quá gần. Ông cảm thấy thể lực mình sung mãn hơn nhiều.   Cái khuynh hướng béo mập kể từ tuổi mười-hai tự dưng biến mất.  Ông chạy lên cầu thang hai bước một.  Ông thưởng thức như chưa bao giờ thấy cảnh mây tan và lúc chiều tà mùa đông nhìn qua cửa sổ văn phòng, vẻ đẹp của ánh đèn cổ đỏ rực sau bức màn cửa nhà hàng xóm, tiếng trẻ nô đùa trong công viên khi trời chạng vạng tối, không chịu thôi trò ngồi xe tuyết trượt xuống đồi.  Hè đến, ông học tên các loài hoa.  Sau khi được hướng dẫn bởi bà nhạc mẫu nói gần không ra hơi (bà bị ung thư cổ họng), ông đánh liều ngâm những vần thơ tráng lệ và tàn bạo Hofuolausn, được sáng tác để xưng tụng Vua Eric Blood-axe bởi một thi sĩ mà nhà vua đã kết án tử hình (và rồi lại nhờ vào thi tài, được tha bởi chính nhà vua.)
Mọi người vỗ tay tán thưởng- kể cả những tay phản chiến trong lớp mà ông đã nhạo trước đó, hỏi họ có muốn đứng đợi bên ngoài không.  Trong khi lái xe về nhà, đầu ông cứ lẩn quẩn một đoạn trích văn hơi phạm thượng.
Và Người ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.
Ý nghĩ làm ông  cảm thấy mắc cở và một cảm giác dị đoan ớn lạnh nổi lên.  Mà có thật.  Nhưng miễn sao không ai biết thì cũng có vẻ tự nhiên thôi.



Lần sau khi đi Meadowlake, ông mang theo cuốn sách.  Hôm ấy là thứ Tư.  Ông ra bàn chơi bàn kiếm Fiona nhưng không thấy.
Một người đàn bà gọi ông, “  Bà ấy bị ốm, không  có ở đây.”  Giọng bà ta ra vẻ ta đây quan trọng và khích động--thích chí vì nhận ra ông mà ông không biết gì về bà.  Có lẽ thích chí vì biết về Fiona, về đời sống của Fiona ở đây, có thể còn biết nhiều hơn ông biết nữa.
“ Ông ta cũng không có ở đây,” bà nói.
Grant đi tìm Kristy.
“ Thật ra cũng chẳng có gì,” cô nói, khi hỏi Fiona ốm đau ra sao.  “ Bà nhà chỉ hơi khó chịu, nên ở trong phòng thế thôi.”

Fiona ngồi trên giường.  Đến mấy lần rồi mà ông giờ ông mới thấy đấy là một cái giường nhà thương, có thể điều chỉnh lên xuống được.  Nàng mặc một chiếc áo thụng, cổ cao kiểu con gái, và sắc mặt nàng nhợt nhạt như bột mì chứ không phải là hoa anh đào.
Aubrey ngồi trên xe lăn đẩy sát cạnh giường.  Thay vì cái áo sơ mi hở cổ như thường lệ thì ông mặc áo vét thắt cà vạt.  Chiếc mũ bằng vải tweed lịch lãm nằm trên giường.  Trông ông như vừa đi công chuyện quan trọng trở về.  
Đi gặp luật sư? Giám đốc nhà băng? Thu xếp tang sự với nhà quàn?
Trông ông có vẻ mệt mỏi, mặt mũi xám ngoét.
Cả hai ngẩng lên nhìn Grant với vẻ lo âu, lạnh lùng và đầy u sầu nhưng đổi thành nhẹ nhõm và mừng rỡ khi thấy là ông.
Không phải người họ tưởng.
Họ nắm chặt tay nhau không chịu buông.
Cái mũ trên giường.  Áo vét và cà vạt.
Câu hỏi không phải là Aubrey đi đâu vừa về mà là sẽ đi đâu.
Grant đặt cuốn sách xuống giường cạnh bàn tay để không của Fiona.
“ Sách về Iceland,” ông nói.  “ Anh nghĩ là em có thể thích đọc.”
“ Cám ơn anh,” Fiona nói mà không hề để mắt đến cuốn sách.  Ông đặt tay nàng lên nó.
“ Iceland,” ông nói.
Nàng nói, “ Ice-land,” Chữ đầu còn có một chút chú ý nhưng chữ sau thì nhạt thếch.  Dù sao thì nàng cũng phải quay lại để ý đến Aubrey, đang rút bàn tay thô dày ra khỏi tay nàng.  
“  Cái gì vậy?” nàng nói.  “ Cái gì vậy cưng?”
Grant chưa bao giờ nghe nàng sử dụng từ âu yếm này.
“ Thôi được rồi,” nàng nói.  “ Đây.” Và nàng rút ra một nắm khăn giấy từ trong hộp bên cạnh giường.
Aubrey bắt đầu khóc, mũi dãi chảy lòng thòng.  
“ Này, này,” Fiona nói.  Nếu không có ai khác ở đây thì nàng đã lau mắt lau mũi cho ông ta.  Nhưng có Grant ở đây nên Aubrey không chịu.  Ông cố cầm Kleenex và lau mặt một cách ngượng nghịu.
Trong khi ông ta làm vậy thì Fiona quay lại Grant.
“ Anh có thế lực gì ở đây không?” nàng thì thầm nói.  “ Em thấy anh hay nói chuyện với họ…”
Aubrey lên tiếng không biết là phản đối hay mệt mỏi hay ghê tởm.  Rồi bất chợt lao người ra đàng trước như muốn  đâm vào người nàng.  Nàng nhào vội ra khỏi giường và chụp rồi ôm chặt ông lại.   Grant thấy giúp nàng cũng không ổn, nhưng dĩ nhiên sẽ làm nếu nghĩ Aubrey sắp lăn xuống đất.  
“ Yên nè,” Fiona nói.  “ Yên đi cưng ơi.  Rồi mình sẽ gặp nhau.  Bắt buộc.  Em sẽ đến thăm anh hay anh đến thăm em.”
Aubrey lại gục đầu vào ngực nàng và phát ra lại tiếng kêu , và Grant không còn lựa chọn nào khác, phải ra khỏi phòng.
“ Tôi chỉ mong vợ ổng đến đây mau mau,” Kristy nói.  “ Tôi muốn bả đến đón ổng đi cho xong.  Chúng tôi sắp phải dọn bữa tối và làm sao cho bả ăn được nếu ổng còn ở đây?”
Grant nói.  “ Tôi có nên ở lại không?”
“ Để̀ làm gì.  Bả đâu có ốm đau gì đâu.”
“ Để làm bầu bạn,” ông nói.
Kristy lắc đầu.
“ Họ phải tự giải quyết một mình.  Thường thì họ quên ngay.  Không đến nỗi nào.”
Chẳng phải là Kristy vô tình.  Từ hồi quen nàng, Grant đã biết thêm vài điều về đời tư của nàng.  Nàng có bốn đứa con.  Nàng không biết chồng hiện ở đâu nhưng nghĩ là ông ấy có thể đang ở Alberta.  Đứa con trai út của nàng bị suyễn nặng tưởng đã chết hồi tháng Giêng nếu nàng không mang đi nhà thương cấp cứu kịp thời.  Nó không dùng thuốc ma túy, nhưng thằng anh nó thì nàng không chắc.
Với nàng thì Grant, Fiona, và Aubrey quá may mắn, sống cả đời mà không làm sao.  Giờ đến lúc già mới bị bệnh coi như chẳng có gì.  
Grant đi về mà không trở lại phòng Fiona.  Ông thấy hôm nay gió có vẻ ấm áp hơn và mấy con quạ đang ồn ào náo nhiệt.   Trong bãi đậu xe có một người đàn bà mặc quần áo len đang lấy một chiếc xe lăn gấp lại ra khỏi thùng xe.



Con đường ông đang chạy tên là Black Hawk Lane.  Những con đường vùng này dùng tên của những đội tuyển hockey quốc gia.  Đây là vùng ngoại ô thành phố gần Meadowlake.  Ông và Fiona ngày xưa hay mua sắm trong phố nhưng chỉ biết đến con đường chính.  
Những căn nhà trông có vẻ như được xây cùng thời kỳ, có lẽ khoảng ba mươi hay bốn mươi năm trước đây.  Những con đường rộng rãi và uốn cong và không có lối dành cho người bộ hành- nhớ lại thời mà tưởng là chẳng ai bao giờ đi bộ nữa.  Bạn bè của Grant và Fiona đã dọn
đến những chỗ giống như thế này khi họ bắt đầu có con.  Khi mới dọn họ có vẻ mắc cở.  Họ gọi đó là “đi về vùng đất Barbecue.”
Những gia đình có con nhỏ vẫn sống ở đó.  Trên cửa garage vẫn có lưới bóng rổ và xe ba bánh trẻ con nằm lăn lóc trên lối xe vào.  Nhưng cũng có những nhà đã mất đi vẻ nhà gia đình xa xưa.  Sân trước đầy vết  bánh xe và cửa sổ dán giấy hay treo cờ bạc màu.
Nhà cho thuê.  Người ở thuê đàn ông trẻ- còn độc thân, hay độc thân trở lại.  
Vài nơi vẫn giữ gìn ngăn nắp bởi những gia đình dọn vào khi mới- những người hoặc không có tiền, hoặc không có nhu cầu phải dọn đi chỗ khác khá hơn.  Những bụi cây mọc cao, tường bên ngoài lát bằng vinyl khỏi phải sơn lại.  Những hàng rào hay bờ dậu ngay ngắn cho thấy là trẻ trong nhà đã lớn khôn, ra ở riêng, và cha mẹ không cần để sân trước trống cho trẻ con trong xóm chạy.
Căn nhà của  Aubrey và vợ có địa chỉ liệt kê trong cuốn sổ điện thoại niên giám là một trong những căn như thế này.  Sân trước lát đá và hai bên trồng hai hàng dạ hương màu hồng và màu xanh.



Fiona chưa hết cơn buồn.  Đến bữa nàng không ăn, nhưng làm bộ, dấu thức ăn trong khăn.  Họ cho nàng thức uống dinh dưỡng hai lần một ngày- có người ngồi đợi cho đến khi nàng uống hết  mới đi.  Nàng ngồi dậy mặc quần áo nhưng không muốn ra khỏi phòng.  Nàng không buồn tập thể dục trừ phi Kristy hay một y tá khác và Grant trong giờ thăm viếng đi bộ với nàng dọc hành lang hay đi ra ngoài.
Nàng ngồi khóc thổn thức trên một băng nghế cạnh tường dưới ánh nắng mùa xuân.  Nàng vẫn lịch sự, xin lỗi những giọt nước mắt và không bao giờ cãi lời hay từ chối không trả lời câu hỏi.   Nhưng nàng khóc.  Khóc cho mi đỏ mắt mờ.  Chiếc áo cardigan--nếu quả đó là áo của nàng-- cài cúc lệch.    Nàng chưa đến mức để đầu bù tóc rối hay móng tay bẩn thỉu, nhưng cũng sắp rồi.
Kristy nói rằng bắp thịt nàng đang trên đà suy yếu, và nếu không khoẻ lại thì có thể sẽ phải dùng khung để tập đi.
“ Nhưng ông biết là một khi dùng khung tập đi thì ta sẽ trở nên lệ thuộc nó và sẽ không đi đâu trừ khi phải đi thôi.”
“ Ông phải bắt bà tập nhiều hơn,” nàng nói với Grant.  “ Cố khuyến khích.”
Nhưng Grant không làm được.  Fiona có vẻ không thích ông, mặc dù cố che đậy.  Có lẽ nàng nhớ lại, mỗi lần thấy ông, những giây phút cuối cùng với Aubrey, khi nàng nhờ ông giúp mà chẳng thèm giúp.
Ông không thấy có lý do gì để nhắc đến hôn nhân của họ trong lúc này.
Nàng không ra phòng khách nơi đa số người ta vẫn chơi bài.  Và nàng cũng không đi ra phòng tivi hay vườn ươm cây.
Nàng nói không thích màn ảnh lớn vì nó làm mắt nàng khó chịu. Và tiếng chim nghe chỉ bực mình và nàng muốn người ta thỉnh thoảng tắt cái vòi phun nước bên ngoài.  
Grant không thấy nàng rớ tới cuốn sách về Iceland hay dăm cuốn mang từ nhà đi.  Có một phòng đọc sách nàng hay đến ngồi nghỉ chân, có lẽ vì ít người lai vảng, và nếu ông lấy một cuốn sách trên kệ xuống thì nàng để ông đọc cho nàng nghe.  Ông ngờ là nàng làm vậy để dễ bề chịu đựng sự có mặt của ông bên cạnh-- nàng có thể nhắm mắt và đắm chìm lại trong niềm đau riêng.  Vì nếu tạm quên đi nỗi ưu phiền, cho dù chỉ trong chốc lát, thì khi trở lại sẽ hơn gấp trăm lần.   Và đôi khi ông nghĩ nàng nhắm mắt để che dấu nỗi tuyệt vọng mà nàng không muốn ông thấy.

Và ông ngồi đọc cho nàng nghe những tiểu thuyết cũ về tình yêu tinh khiết và vận mệnh chìm nổi, những cuốn sách có thể đã được thải ra từ những thư viện làng hay trường giáo lý tự hồi nào.  Chẳng ai buồn cập nhật  sách vở phòng đọc sách như những khu khác của nhà thương.
Những cuốn sách có bìa mềm như nhung với hoa lá ép vào, trông giống như những hộp sô cô la hay hộp đựng nữ trang để các bà các cô--chắc phải là phụ nữ--có thể mang về nhà như bảo vật.
Bà giám đốc gọi ông vào văn phòng và nói là Fiona không tiến triển như mong muốn.
“ Bà nhà tiếp tục giảm cân mặc dù đã có thực phẩm bồi dưỡng.  Chúng tôi không biết làm gì hơn.”
Grant nói ông biết điều đó.
“ Vấn đề là ở lầu một chúng tôi không săn sóc người bệnh nằm liệt giường.  Tạm thời thì được nhưng nếu người bệnh quá yếu không đủ sức đi lại thì chúng tôi phải tính đến chuyện chuyển lên lầu trên.”
Ông nói không nghĩ là Fiona nằm liệt giường.
“ Chưa.  Nhưng nếu tình trạng này tiếp diễn thì sẽ liệt giường.  Ngay bây giờ bà cũng sắp tới giai đoạn đó rồi.”
Ông nói tưởng là lầu hai dành cho những người bị tâm thần rối loạn.
“ Đúng vậy,” bà nói.



Ông chẳng nhớ gì về vợ ông Aubrey ngoại trừ bộ đồ len bà mặc ngoài sân đậu xe.  Cái đuôi áo khoác xoè ra khi bà cúi xuống thùng xe.  Ông nhớ tới một cái eo nhỏ và cặp mông bự.
Hôm nay nàng không mặc bộ đồ len.  Quần dài dây lưng màu nâu và áo len màu hồng.  Ông quả đã không lầm-- dây lưng cố tình thắt chặt cho thấy cái eo nhỏ xíu.  Khổ một nỗi là eo tuy nhỏ nhưng phần trên và phần dưới lại phùng ra quá to.
Nàng có thể trẻ hơn chồng độ mươi mười hai tuổi.  Tóc nàng ngắn, uốn lọn, và nhuộm màu đỏ.  Nàng có đôi mắt xanh dương-- một màu xanh nhạt hơn mắt của Fiona, một màu xanh trứng két hay lam ngọc-- xếch lên vì một chút sưng húp.  Và một lô nếp nhăn bị làm nổi hơn vì phấn màu gỗ hồ đào hay có thể do màu da rám nắng Florida.
Ông nói không biết tự giới thiệu như thế nào cho nó phải.
“ Tôi hay thấy chồng bà ở Meadowlake.  Tôi là khách viếng thăm thường xuyên.”
“ Phải,” Vợ Aubrey nói với một cái hất hàm khiêu khích.
“ Chồng bà thế nào rồi?”
Chữ “thế nào” được thêm vào phút chót.  Bình thường thì ông sẽ nói, “  Chồng bà có khoẻ không?”
“ Ổng cũng thường,” nàng nói.
“ Vợ tôi và ông nhà có một mối liên hệ khá mật thiết.”
“ Tôi có nghe nói.”
“  Tôi muốn nói chuyện với bà nếu bà rảnh.”
“ Chồng tôi chẳng có đụng đến vợ ông, ông muốn nói chuyện đó chứ gì?” nàng nói.  “ Anh ấy
không có làm gì xúc phạm đến bà nhà.  Anh ấy chẳng thèm, mà có muốn cũng không làm gì được. Nghe nói ngược lại thì có.”
Grant nói,” Không.  Không phải vậy.  Tôi không đến đây để thắc mắc than phiền gì hết.”
“ Ồ,” nàng nói.  “ Cho tôi xin lỗi.  Thế mà tôi lại cứ tưởng..”
Đó là lối xin lỗi duy nhất của nàng và nàng có vẻ thất vọng và mơ hồ chứ không phải là xin lỗi.  
“ Thế thì mời ông vào,” nàng nói. “ Gió đang lùa qua khe cửa.  Trông thì ấm nhưng lạnh lắm.”
Vào nhà không thôi cũng đã là một thắng lợi rồi.  Không ngờ là khó khăn như vậy.  Ông tưởng là một típ người vợ khác.  Một bà nội trợ luống cuống, vui vì được thăm bất ngờ và khoái vì cái giọng tự tin.
Nàng dắt ông qua lối vào phòng khách nói, “ Mình phải vào trong nhà bếp để tôi còn có thể nghe thấy được  Aubrey.”  Grant thấy được hai lớp màn cửa trước, cả hai đều màu xanh, một mỏng, một lụa là, một ghế trường kỷ tiệp màu, bộ thảm xanh nhạt, và nhiều tấm gương và đồ trang trí sáng chói khác nhau.  
Fiona có một tên mà nàng gọi loại màn cửa lùm xùm như thế này mà Grant không nhớ.  Phòng nào Fiona trang hoàng cũng giản dị và sáng sủa-- nàng sẽ rất ngạc nhiên khi thấy quá nhiều đồ hoa hoè hoa sói trong một chỗ chật hẹp như vậy.
Ông có thể nghe thấy tiếng tivi phát ra từ một cái phòng cạnh nhà bếp-- một loại phòng kiếng nhưng rèm được kéo xuống để che ánh nắng buổi chiều.
Aubrey.  Câu trả lời cho ước nguyện của Fiona ngồi cách đó vài feet, đang xem đấu bóng.  Vợ ông nhìn vào và hỏi.  “ Anh cần gì không?” và khép hờ cánh cửa.
“ Ông dùng cà phê nhé?” nàng nói với Grant.
Ông nói.  “ Cám ơn,”
“ Con trai tôi mua đài thể thao năm ngoái vào dịp Giáng Sinh, không có thì không biết phải làm sao.”
Mặt bàn bếp bày biện đủ loại dụng phẩm nhà bếp: máy pha cà phê, máy mài dao, và vài cái Grant không biết tên gọi là gì.  Tất cả trông mới và đắt tiền như vừa lấy ra khỏi hộp hay được chùi rửa hàng ngày.
Ông nghĩ mình nên khen tặng mấy câu và trầm trồ ngắm nghía máy pha cà phê bà đang dùng và nói vợ chồng ông đang định sắm một cái.  Điều này hoàn toàn không đúng sự thực- Fiona chỉ thích loại máy Âu Châu mỗi lần pha hai tách một.
“ Của con trai và con dâu tôi cho chúng tôi đó,” bà nói.  “ Chúng nó ở Kamloops, B.C.  Gửi đủ thứ đồ mà đâu có xài tới đâu.  Phải chi nó dùng tiền đó để mua vé đến thăm thì tốt hơn.”
Grant nói một cách triết lý, “ Có lẽ họ bận bịu với đời sống riêng của họ.”
“ Bận mà đi chơi Hawaii mùa đông vừa rồi.  Nếu có người thân khác bên cạnh thì chẳng nói làm gì.  Đàng này chỉ có ổng thôi.”
Cà phê pha xong, nàng rót vào hai cái ly bằng gốm xanh treo trên một cái cây bằng gốm trên mặt bàn.
“ Đôi khi người ta cũng cảm thấy cô đơn,” Grant nói, chộp lấy cơ hội.  “ Nếu họ không được gặp người họ yêu thương thì cảm thấy sầu khổ.  Như Fiona, vợ tôi, chẳng hạn. “
“ Tôi tưởng ông nói ông đến thăm bà.”
“ Có chớ,” ông nói.  “ Nhưng chuyện không phải vậy.”
Rồi ông đi thẳng vào vấn đề, nói lên điều đến đây để nói. Không biết bà có thể mang Aubrey về Meadowlake thăm mỗi tuần một lần được không? Chỉ cách nhà có vài dặm thôi.  Hay nếu bà muốn nghỉ ngơi-- Grant chưa hề nghĩ đến điều này và cảm thấy lạ khi nghe chính mình đề nghị-- thì tự ông có thể chở Aubrey đến đó mà không phiền hà chi hết.  Ông biết chắc có thể thu xếp được.  Và bà cũng cần được nghỉ ngơi.
Trong khi ông nói thì nàng bậm môi uốn lưỡi như đang cố xác định một mùi vị mơ hồ nào đó.  Nàng mang ra sữa cho cà phê và một đĩa bánh gừng.
“ Nhà làm đấy,” bà nói trong khi đặt cái đĩa xuống.  Giọng nói của bà pha vẻ thách thức nhiều hơn là hiếu khách.  Nàng không nói gì thêm cho đến khi đã ngồi xuống, rót sữa vào cà phê của mình rồi khuấy.
Rồi nói không.
“ Không , tôi không thể làm vậy được.  Lý do là tôi không muốn ổng bực bội.”
“ Tại sao lại bực bội?” Grant hỏi một cách tha thiết.
“ Có chứ.  Có chứ.  Không làm vậy được.  Mang về nhà rồi lại mang trở lại.  Đi đi về về như vậy chỉ làm ổng xáo trộn thôi.”
“ Nhưng bộ ổng không hiểu đó chỉ là viếng thăm thôi sao? Riết rồi cũng quen chứ?”
“ Ổng hiểu chứ sao không hiểu.” Nàng nói như ông vừa nhục mạ Aubrey.  “ Nhưng vẫn là xáo trộn.  Rồi lại phải mặc quần áo cho ổng, mà ổng thì to con, không dễ như ông tưởng.  Tôi phải kiếm cách cho ổng vào xe và mang theo xe lăn và tất cả mấy cái đó để làm gì?  Nếu tôi phải làm tất cả những cái đó thì chẳng thà kiếm chỗ nào thích thú hơn mà đi.”
“ Nhưng nếu tôi đồng ý mang ông ấy đi cho bà?” Grant nói cố ra vẻ hy vọng và biết điều.  “ Thật mà.  Bà chẳng phải làm gì hết.”
“ Ông không làm được,” Nàng nói thẳng thừng.  “ Ông không biết ổng.  Ông không thể đối phó với ổng được đâu.  Đời nào ổng chịu để ông làm cho ổng.  Mà để làm gì?”
Grant không nghĩ mình nên nhắc đến Fiona một lần nữa.
“ Mang ổng đi trung tâm mua sắm còn có lý hơn,” Bà nói.  “ Ở đó ổng có thể nhìn lũ trẻ con, nếu không làm ổng buồn vì không được gặp hai đứa cháu nội.  Và bây giờ thuyền bắt đầu chạy ngoài hồ lại rồi, có thể ổng sẽ thích xem.”
Nàng đứng lên lấy thuốc lá và bật lửa để trên cạnh cửa sổ trên bồn rửa.
“ Ông có hút thuốc không?” nàng hỏi.
Ông nó cám ơn không nhưng không biết nàng có mời không.
“ Chưa bao giờ hút hay trước đây hút, giờ bỏ rồi?”
“ Bỏ,” ông nói.
“ Lâu chưa?”
Ông ngẫm nghĩ một lúc.
“ Ba mươi năm.  Không --hơn.”
Ông bỏ thuốc cùng lúc cặp với Jacqui.  Nhưng không nhớ là bỏ vì tưởng được thưởng, hay bỏ thuốc vì nay đã có thú vui khác.  
“ Tôi bỏ cai,” nàng nói trong khi đốt thuốc.  “ Quyết định bỏ không cai nữa, thế thôi.”
Có thể đó là lý do của những nếp nhăn.  Có người nói với ông là--một bà nào đó-- đàn bà hút thuốc có một nếp nhăn đặc thù trên mặt.  Nhưng cũng có thể vì ra nắng hay loại da của nàng- cổ nàng cũng đầy nếp nhăn.  Cổ tuy xếp lớp nhưng bộ ngực trẻ trung, căng phồng.  Đàn bà tuổi này hay có những cái trái nghịch như vậy.  Tốt hay xấu, gen tốt hay không tốt, tất cả lẫn lộn vào với nhau.  Rất ít người giữ được sắc đẹp toàn vẹn, tuy mờ nhạt như Fiona.
Nhưng điều đó cũng có thể không đúng.  Có thể chỉ thấy vậy vì biết Fiona khi nàng còn trẻ.  Và khi Aubrey nhìn vợ mình có lẽ cũng thấy một cô bé học trung học phách lối và nghịch ngợm với cặp mắt màu xanh trứng két liếc nhìn một cách hấp dẫn, và chu mỏ ngậm điếu thuốc lá.
“ Vợ ông bị trầm cảm hả?” Vợ Aubrey hỏi.  “ Tên bả là gì tôi quên rồi?”
“ Fiona,”
“ Fiona.  Còn tên ông là gì? Hình như ông chưa nói.”
“ Grant.  Tên tôi là Grant.”
Nàng chợt chìa bàn tay ra.
“ Hello Grant.  Tên tôi là Marian.”
“ Giờ mình biết tên nhau rồi,” nàng nói, “ chẳng còn lý do gì mà không nói huỵch toẹt ra.  Tôi không biết ông nhà tôi có còn vẫn muốn gặp bà nhà hay không.  Không thèm hỏi mà ổng cũng chẳng buồn nói.  Có thể chỉ là một tình cảm hão huyền nhưng tôi dại gì mang trở lại, biết đâu bỡn quá hoá thật rồi sao.  Tôi không muốn ổng nổi chứng rồi lên cơn chướng.  Chỉ có mình tôi.  Chẳng có một ai đỡ đần hết.”
“ Tôi biết là rất khó khăn cho bà.  Bà có tính cho ổng vào đó ở luôn không?”
Ông hạ giọng xuống thấp gần như thì thầm, nhưng nàng không thấy cần phải nói nhỏ.
“ Không,” nàng nói.  “Tôi giữ ổng ở đây.”
Grant nói.  “ Bà rất cao cả.”
Ông hy vọng bà không nghĩ là ông nói mỉa.  Ông hoàn toàn không có ý mỉa mai.
“ Ông nghĩ vậy hả?” nàng nói.  “ Cũng chẳng phải là cao cả gì đâu.”
“ Chắc chắn là không dễ rồi.”
“ Không.  Không dễ một chút nào.  Nhưng trong tình cảnh của tôi thì không có sự lựa chọn nào khác.  Tiền đâu mà bỏ ổng ở luôn trong đó.  Trừ phi bán nhà.  Cái nhà chúng tôi đã trả dứt hết rồi.  Ngoài cái đó ra chúng tôi không có nguồn lợi tức nào khác.  Năm tới tôi sẽ lãnh tiền hưu và sẽ có tiền của tôi lẫn tiền của ổng, nhưng vẫn không đủ để cho ổng ở trong đó mà vẫn giữ được căn nhà.  Và căn nhà này có nhiều ý nghĩa đối với tôi.”
“ Nhà đẹp lắm,” Grant nói.
“ Cũng được thôi.  Tôi bỏ rất nhiều công của vào trong đó.  Nào là sửa sang, nào là tái thiết.”
“ Dĩ nhiên rồi.”
“ Tôi không muốn mất nó,”
“ Không,”
“ Tôi sẽ không mất nó.”
“ Tôi hiểu.”
“ Hãng ổng chẳng cho đồng nào,” nàng nói.  “ Tôi không biết rõ sự tình bên trong nhưng nói chung là ổng bị tống đi.  Cuối cùng họ nói ổng thiếu tiền họ. khi tôi hỏi tự sự thì ổng nói đừng có xía vào chuyện của ổng.  Tôi nghĩ là ổng phải làm cái gì dại dột lắm nhưng ổng không cho tôi hỏi nên tôi im miệng lại.  Ông có vợ thì biết đó.  Đang trong lúc ấy thì lại phải đi du lịch với mấy người này mà không thể thay đổi chương trình được.  Đang đi chơi thì đùng một cái ổng bị cái con siêu vi nào đâu chưa bao giờ nghe tới và lăn ra hôn mê.  Và thế là ổng thoát nợ.”
Grant nói.  “ Thật là xui xẻo.”
“ Tôi không có ý nó là ổng cố tình đau ốm để thoát nợ.  Chuyện nó xảy ra như vậy biết sao giờ.  Ổng không giận tôi mà tôi cũng không giận ổng.  Đời mà.”
“ Đúng thế.”
“ Biết sao bây giờ.  Nhân định bất như thiên định.”
Nàng liếm môi sạch hết những mẩu bánh vụn như một con mèo.  “ Tôi nói như một triết gia phải không? Người ta nói hồi đó ông là giáo sư đại học phải không?”
“ Lâu rồi,” Grant nói.
“ Tôi không phải là dân trí thức,” nàng nói.
“ Tôi cũng không biết tôi có phải là thành phần trí thức không.”
“ Nhưng tôi biết khi mình đã quyết tâm rồi.  Và tôi đã quyết tâm rồi.  Có nghĩa là tôi sẽ giữ ổng ở nhà và không muốn ổng nghĩ là ổng muốn đi đâu.  Thực ra bỏ ổng trong đó để đi chơi là một sai lầm, nhưng tôi không còn cơ hội nào khác nên phải làm thôi.  Giờ thì khôn rồi.”
Nàng xóc ra một điếu thuốc nữa.
“ Tôi biết ông nghĩ gì,” nàng nói.  “ Ông đang nghĩ là con mụ này thực là người ham tiền.”
“ Tôi không đánh giá người khác.  Đèn nhà ai nấy sáng.”
“ Đúng thế.”
Ông nghĩ nên kết thúc một cách hòa hoãn hơn và hỏi là chồng bà có bao giờ làm trong tiệm bán đồ sắt trong mùa hè khi còn đi học không.
“ Tôi chưa nghe thấy chuyện đó bao giờ,” nàng nói.  “ Tôi không lớn lên ở vùng này.”




Trên đường về, Grant thấy cái đầm đầy tuyết và dấu vết của những thân cây giờ này ửng ánh bạch hoa với những lá to bằng cái đĩa và trông tươi tốt như có thể ăn được.  Những đóa hoa đâm thẳng lên như ngọn lửa của những cây nến, những đóa hoa màu vàng và nhiều đến độ tỏa ra một tia sáng chiếu lên trong một ngày nhiều mây như hôm nay.  Fiona từng nói là chúng cũng có khả năng phát nhiệt.  Lục lọi trong những vùng ký ức chứa đựng dữ kiện, nàng nói nếu ta bỏ tay trong cánh hoa cuộn tròn thì có thể cảm thấy hơi nóng.  Nàng có thử nhưng không chắc là cái mình cảm thấy là hơi nóng thật sự hay chỉ là tưởng tượng.  Hơi nóng thu hút sâu bọ.
“ Thiên nhiên không làm gì chỉ để trang trí.”

Ông đã không thành công với Marian, vợ Aubrey.  Ông cũng đoán chừng là mình sẽ thất bại nhưng không đoán được tại sao.  Tưởng là chỉ phải đối phó với cái thói ghen tuông của nhi nữ thường tình-hay oán hờn, một hệ quả lì lợm của lòng ghen.

Ông không ngờ nàng sẽ có lối nhìn như vậy.  Buồn một nỗi là những đối thoại này chẳng có gì xa lạ vì nó nhắc nhở những lần nói chuyện với chính gia đình ông.  Chú ông, họ hàng ông, ngay cả mẹ ông, cũng đều cùng chung một quan điểm với Marian.  Họ tin rằng những ai không nghĩ như vậy thì đã tự dối lòng--đã quá lý tưởng một cách rồ dại, hay đần độn vì sống trong tháp ngà nên không biết thực tế cuộc đời là gì.  Những người có học, có văn hóa, giàu có như đám họ nhà vợ có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa của Grant.  Vì đẻ bọc điều hay ngớ ngẩn bẩm sinh.  Trường hợp của Grant thì họ cho là cả hai.  

Chắc chắn là Marian đã nghĩ như vậy.  Một kẻ khờ khạo, đầu đầy kiến thức vô dụng và chỉ vì may mắn nên không phải đối diện với thực tế.  Một người không bao giờ phải lo mất nhà mất cửa và có thể ngồi suy nghĩ đến chuyện trên trời dưới đất.  Có thể ngồi mơ tưởng đến những việc tốt lành và quảng đại để làm người khác hạnh phúc.  
Chắc nàng đang nghĩ, thật là một thằng dễ ghét.
Gặp một người như vậy làm ông cảm thấy thất vọng, chán nản, và gần như cô đơn.  Tại sao? Bởi vì ông không biết mình có thể giữ vững được lập trường không đối với một người như vậy?  Bở vì ông sợ là cuối cùng thì họ đúng? Fiona thì không hồ nghi như vậy.  Khi còn trẻ, chẳng ai vùi dập hay chèn ép nàng như vậy.  Nàng thấy lối giáo dục của gia đình chàng ngộ nghĩnh và quan niệm nghiêm khắc ấy buồn cười.
Thế nhưng họ, mấy người ấy, có cái lý của họ. (Ông có thể nghe thấy mình tranh luận với một người nào đó.  Fiona?)  Tập trung sắc bén có cái lợi của nó.  Khi đụng chuyện thì chắc mới thấy Marian giỏi.  Giỏi sinh tồn, kiếm thức ăn và có khả năng lấy giầy người chết dọc đường.
Hiểu được Fiona đã là khó.  Như đi theo một ảo ảnh.  Không.  Như sống trong một ảo ảnh.  Đến gần Marian lại là một vấn đề khác.  Như cắn vào một trái vải.  Cùi trái có một hấp dấ̃n lạ thường, mùi vị như chất hóa học, nhưng cùi thì mỏng mà hột lại dầy.




Ông có thể đã lấy một người như vậy.  Nghĩ thử mà coi.  Ông có thể đã lấy một đứa con gái như vậy.  Nếu chịu an phận thủ thường.  Nàng cũng ngon lành lắm chứ.  Ngực đẹp nè.  Cái lối nhổm đít một cách kiểu cách trên ghế trong bếp.  Cái môi chúm chúm.  Cái kiểu thị nạt có tính toán.  Những vẻ phàm tục ngây thơ còn lại của một nàng con gái tỉnh lẻ chuyên đi dụ trai.
Chắc nàng cũng mộng cao khi rù quến Aubrey.  Đẹp trai, công việc bán hàng, những ước mong bình thường của người công chức.   Chắc đã phải kỳ vọng nhiều hơn những gì có được bây giờ.  Chuyện hay xảy ra cho những người quá thực tế.  Có toan tính bao nhiêu đi nữa.  Có rành đời đến mấy đi nữa, vẫn có thể không đạt được điều mong đợi.  Đời có vẻ bất công thật.
Khi bước vào nhà bếp cái đầu tiên mà ông thấy là ánh đèn chớp chớp của máy trả lời điện thoại.  Ý nghĩ đầu tiên. Fiona.

Ông nhấn nút máy trả lời trước khi cởi áo khoác ra.
“ Hello Grant.  Hy vọng đây đúng là số của anh.  Tôi vừa nhớ ra một chuyện.  Thị xã sẽ tổ chức một buổi khiêu vũ dành cho người độc thân, và tôi có chân trong ban ẩm thực nên có thể mời một người khách.  Và tôi không biết anh có muốm tham dự không?  Khi nào rảnh gọi lại cho tôi.”
Giọng người đàn bà cho một số điện thoại trong vùng rồi có tiếng beep và vẫn giọng nói đó gọi lại.
“ Tôi vừa nhận ra là quên không nói tôi là ai.  Chắc anh cũng nhận ra được giọng của tôi.  Đây là Marian.  Vẫn chưa quen với cái máy trả lời này.  Tôi muốn nói là tôi biết anh không độc thân và tôi cũng không có ý như vậy.  Tôi cũng đâu có độc thân đâu nhưng lâu lâu cũng phải đi ra ngoài.  Coi như tôi nói hết rồi đó.  Hy vọng đây là số của anh.  Nghe thì đúng là giọng của anh rồi.  Nếu thích thì gọi cho tôi, bằng không thì anh cũng chẳng cần phải gọi lại làm gì.   Tôi chỉ nghĩ anh cũng có thể muốn có cơ hội ra ngoài.  Tôi là Marian đây.  Hình như tôi có nói rồi thì phải.  Ok.  Bye.”

Giọng nàng trong máy nghe không giống lúc ban chiều.  Lời nhắn đầu chỉ hơi khác, nhưng lời nhắn thứ hai thì khác hơn nhiều.  Một chút run rẩy, một chút ra chiều lãnh đạm, nửa muốn cho xong nửa không muốn gác máy.
Có gì đã xẩy ra cho nàng.  Nhưng xẩy ra lúc nào? nếu ngay lập tức thì nàng đã che đậy quá khéo khi ông còn ở đó.  Chắc phải đến dần dần, có thể sau khi ông đã đi.  Không hẳn là sét đánh ngang tai làm em ngỡ ngàng nhưng chỉ là việc nhận thức ra cơ hội có thể được.  Một người đàn ông một thân một mình.  Gần như một thân một mình.  Một cơ hội không nên bỏ lỡ.
Thế nhưng khi đi nước cờ khai cuộc thì nàng có hơi quýnh quýu.  Nàng đã đặt mình vào cái thế liều mạng.  Liều mạng cỡ nào thì ông chưa biết.  Nói chung thì quen càng lâu, tiến càng xa thì người đàn bà càng dễ bị thương tổn hơn.  Lúc ban đầu chỉ biết là nếu có gác cơ thì về sau còn hơn nữa.  

Ông cảm thấy khoái chí.  Tại sao không?  Đã bắt nàng phải lòi ra.  Đã gợi lên một cái gì nhấp nhoáng, mơ hồ trên mặt ngoài của con người nàng.  Để nghe được những nguyên âm xúc cảm và mênh mông trong lời cầu khẩn.
Ông lấy trứng và nấm để làm một cái omelette.  Rồi tiện thể rót một ly rượu.  
Cái gì cũng có thể.  Có phải vậy không? Cái gì cũng có thể được?  Thí dụ như, nếu muốn, ông có thể đàn áp và thuyết phục nàng đến mức có thể khiến nàng nghe lời, cho Aubrey trở về với Fiona.  Không chỉ đến thăm mà đến ở luôn.  Cái chấn động đó sẽ đưa tới đâu? tới sự tiêu tán của khả năng tự bảo tồn của nàng? tới hạnh phúc của Fiona?
Chuyện không dễ.  Một thử thách và một chiến công vẻ vang.  Và cũng là chuyện khôi hài không thể chia xẻ với ai-- nhờ vào hành vi kém tư cách của mình mà  giúp ích cho Fiona.
Nhưng ông không thực sự có khả năng nghĩ đến nó.  Có nghĩ đến thì phải dự kiến được là sau khi mang Aubrey lại cho Fiona thì ông và Marian sẽ ra sao.  Sẽ chẳng đi đến đâu, trừ phi ông có thể vừa lòng hơn dự đoán, tìm ra được cái nhân của tinh thần vụ lợi không trách được  bên trong cái quả cường tráng của nàng.

Cuộc đời đâu ai biết trước được.  Có biết cũng không chắc.

Có thể nàng đang ngồi nhà đợi ông gọi lại.  Có lẽ không ngồi yên nhưng làm cái này cái kia để chân tay khỏi rảnh rỗi.  Bà là típ đàn bà không ngồi một chỗ được. Nhìn vào căn nhà là đủ biết rồi.  Còn Aubrey nữa. Vẫn phải lo lắng chăm sóc như thường lệ. Có thể nàng sẽ cho ông ta ăn tối sớm hơn- giống như trong Meadowlake để cho đi ngủ sớm và khỏi phải trông coi. (Khi đi nhẩy thì sao? có thể để ở nhà một mình không hay phải kiếm người trông tạm? Có phải nói đi đâu không? có phải giới thiệu escort không? Escort có phải trả tiền người trông không?)
Có thể nàng đã cho ông ta ăn trong khi Grant đi mua nấm và lái xe về nhà.  Ngay lúc này nàng có thể đang chuẩn bị cho ông ta đi ngủ.  Nhưng lúc nào cũng nghe ngóng tiếng điện thoại, hay tiếng im lặng của điện thoại.  Có thể nàng tính nhẩm Grant lái về nhà sẽ tốn bao nhiêu lâu.  Địa chỉ trong cuốn điện thoại niên giám cho nàng một khái niệm ông ở đâu.  Nàng sẽ phỏng tính thời gian bao lâu, rồi cộng thêm thời gian đi mua thực phẩm cho bữa ăn tối (đoán chừng là đàn ông sống một mình sẽ đi chợ mỗi ngày).  Rôi thời gian trước khi nghe lời nhắn trong điện thoại.  Và khi sự yên lặng kéo dài thì nàng sẽ nghĩ đến chuyện khác.  Những công chuyện vặt vãnh phải làm trước khi về nhà.  Hay có thể đi ăn tối bên ngoài, một buổi họp có nghĩa là sẽ không về nhà ăn tối.

Nàng sẽ thức khuya, lau chùi tủ bếp, coi tivi, tự biện với lòng mình không biết có còn cơ hội hay không.
 
Ý tưởng thật cao ngạo.  Nàng là một người thực tế.  Nàng sẽ đi ngủ đúng giờ và nghĩ rằng dù sao ông cũng trông không có vẻ là người nhẩy hay.  Quá cứng nhắc, quá mô phạm.
Ông đứng gần điện thoại đọc báo nhưng không nhấc máy khi điện thoại reng.
“ Grant.  Đây là Marian.  Tôi vừa đi xuống hầm cho quấn áo vào máy sấy thì nghe tiếng chuông điện thoại kêu nhưng khi lên tới nơi thì máy đã gác.  Chỉ muốn cho anh biết là tôi có nhà.  Nếu đó là anh và nếu anh có nhà.  Bởi vì tôi không có máy nhắn nên anh không thể để lại thông điệp.  Nên tôi chỉ muốn.  Cho anh biết.
“ Bye.”
Bây giờ là mười giờ hai-mươi-lăm.

Bye.
Có thể nói là mình vừa về tới nhà.  Dại gì lại nói thật là mình đang ngồi đây suy hơn tính thiệt.
Khăn phủ.  Đó là chữ nàng dùng cho màn cửa xanh- khăn phủ.  Và tại sao không? Ông nghĩ tới những miếng bánh gừng tròn đều một cách tuyệt đối mà nàng phải nói là nhà làm, những ly cà phê bằng men gốm treo trên cái cây trang trí.  Một miếng trải nhựa, mà ông biết chắc để bảo vệ mặt thảm hành lang.   Một sự đâu ra đó, bóng loáng và thực tế mà mẹ ông muốn mà không làm được-- đó có phải lý do tại sao ông cảm thấy nhói trong tim một tình cảm quái gở và không đáng tin này? Hay đó chỉ vì ông đã uống thêm hai ly sau ly rượu đầu tiên?
Làn da rám nắng màu gỗ hồ đào- giờ thì ông tin đó là da rám nắng - ở mặt và cổ và chắc thể nào cũng tiếp tục xuống khe ngực sâu thẳm, da xếp lớp, sực mùi và nóng hổi.  Những ý tưởng đó lẩn quẩn trong đầu khi ông bấm số điện thoạ đã ghi xuống sẵn.  Tất cả những cái ấy cùng với cái lưỡi mèo dâm đãng của nàng.  Đôi mắt bảo thạch của nàng.



Fiona ở trong phòng nhưng không nằm trên giường.  Nàng đang ngồi bên cánh cửa sổ mở, mặc một cái váy hợp thời nhưng ngắn và tươi sáng một cách lạ lùng.
Cơn gió ấm lùa vào qua cửa sổ mang theo mùi hoa cà đang nở và mùi phân bón mùa xuân ngoài cánh đồng.
Trên đùi nàng là một cuốn sách đang đọc dở.
Nàng nói,  “ Coi cuốn sách thật đẹp về Iceland em vừa kiếm ra nè.  Ai lại để một cuốn sách có giá trị như vậy nằm vất lay vất lắt trong phòng.  Mấy người ở đây chưa chắc đã thành thật lắm đâu.  Và em nghĩ người ta lẫn lộn quần áo của em với người khác.  Em có bao giờ mặc màu vàng đâu.”
“ Fiona….,” ông nói.
“ Anh đi đâu mà lâu vậy.  Mình làm thủ tục xuất viện xong chưa?”
“ Fiona, anh mang lại cho em một ngạc nhiên.  Em có nhớ Aubrey không?”
Nàng nhìn chằm chằm vào ông ta một hồi lâu, như những cơn gió đã đập vào mặt.  Vào trong mặt, trong đầu, lằm rách toang tất cả.
“ Tên nghe không quen,” nàng nói cộc lốc.
Rồi cái nhìn biến mất, thay vào đó bằng một vẻ dễ thương nghịch ngợm.  Nàng đặt cuốn sách xuống và đứng lên ôm ông.  Da hay hơi thở nàng thoang thoảng một mùi mới lạ, một mùi mà ông thấy giống như mùi cành hoa đã cắt để quá lâu trong nước.
“ Thấy anh là em vui rồi,” nàng nói và kéo tai ông,
“ Anh đã có thể lái xe đi luôn,” nàng nói. “ Chỉ cần lái đi chẳng một bận tâm, và bỏ em.  Bỏ rơi em.  Bỏ rơi.”
Ông ấp mặt vào mái tóc bạc, da đầu màu hồng, chiếc sọ xinh xinh.
Ông nói.  Không bao giờ.




























  


































 

No comments:

Post a Comment