Thursday, August 6, 2015

Paul Kalanithi

TRƯỚC KHI TÔI ĐI
Paul Kalanithi Stanford Medicine, xuân 2015
Trong thường trú có câu: Năm ngắn, ngày dài.  Trong chương trình thực tập giải phẫu thần kinh, mỗi ngày bắt đầu trước 6 giờ sáng, và  xong khi ca mổ chấm dứt.
Tài mổ của bác sĩ thường trú được đánh giá bởi kỹ thuật và tốc độ.  Không được cẩu thả và không được chậm.   Nếu cẩn thận, chậm rãi quá sau khi khâu vết cắt đầu tiên, y tá phòng mổ sẽ gọi diễu mình là bác sĩ thẩm mỹ.  Hay nói đùa là: “Thôi tôi biết rồi, ông khâu xong nửa trên thì nửa dưới lành rồi- khôn quá nhỉ !”  
Mấy thường trú trưởng hay dậy đàn em là:”trước nhanh- sau giỏi.”  Mắt lúc nào cũng nhìn đồng hồ.  Trong những ca mổ kéo dài, thần kinh có thể bị tổn hao, bắp thịt hư hại, và cơ năng thận suy yếu.  Ai cũng muốn biết mấy giờ thì xong?
Có 2 cách cắt ngắn thời gian giải phẫu, như rùa và thỏ.  Kiểu thỏ thì nhanh, bàn tay như gió, dụng cụ văng tung toé; da mở toang như tấm màn cửa, bụi xương chưa lắng xuống thì nắp sọ đã trong khay.  Nhưng phải cắt lại chỗ này chỗ kia vì phẫu trường chưa đủ rộng.  Kiểu rùa thì thận trọng, không động tác nào thừa thãi, đo hai, cắt một.  Không phải làm lại; tuần tự nhi tiến.  Nếu thỏ phạm nhiều lầm lỗi, phải làm lại thì rùa thắng.  Nếu rùa bỏ quá nhiều thì giờ suy đi tính lại, thì thỏ thắng.  
Cái tức cười là dù nhanh hay chậm, trong phòng mổ mình mất đi khái niệm thời gian.  Heidegger định nghĩa sự buồn tẻ là sự nhận thức được thời gian trôi qua.  Đây thì trái lại.  Vì phải tập trung mãnh liệt nên 2 giờ tưởng như 2 phút.  Một khi khâu mũi kim cuối cùng thì thời gian trở lại bình thường.  Lúc bấy giờ mới tính chuyện khi nào bệnh nhân thức dậy? Khi nào thì tới ca kế tiếp? Phải khám bao nhiêu người bệnh nữa? Mấy giờ về nhà?
Ca cuối cùng có xong thì mới thấy ngày dài và bước chân thất thểu.  Những thủ tục giấy tờ phải hoàn tất cảm thấy nặng như đá đeo.  Để ngày mai được không? Không.  Thở dài.  Ngày mai trời lại sáng.
Nhưng năm tháng vẫn trôi.  Sáu năm đi vèo như cơn gió thoảng. Năm thường trú trưởng, tôi bắt đầu có triệu chứng sụt cân, sốt, đổ mồ hôi trộm, đau lưng không ngừng nghỉ, và ho.  Những triệu chứng điển hình của ung thư phổi đã di căn.  Thời gian như ngừng lại.  Mặc dù tôi đã ráng lê lết cho xong hết năm thường trú trong khi điều trị, bệnh tôi rồi lại tái phát.  Tôi phải trài qua quy trình hóa trị và nằm nhà thương một thời gian lâu.
Tôi xuất viện với cơ thể suy nhược, chân tay ốm tong ốm teo và đầu không còn sợi tóc.  Không làm việc được, tôi phải nằm nhà dưỡng bệnh.   Ngay cả việc ngồi dậy, đứng lên hay cầm 1 ly nước cũng phải cố gắng lắm mới làm được.  Nếu thời gian nở ra khi vận chuyển với tốc độ cao thì có co lại khi nằm một chỗ không? Chắc phải có: Ngày trở nên vô cùng ngắn ngủi.  Đi gặp bác sĩ hay bạn bè đến thăm là hết một ngày rồi.  Giờ còn lại là nghỉ ngơi.
Không còn gì để phân biệt ngày này với ngày kia, thời gian đứng lại…..  Thời gian không còn ý nghĩa.  Động từ cũng vậy, trở nên lộn xộn.  Nói: “Tôi là 1 bác sĩ giải phẫu thần kinh” hay “ Tôi đã từng là bác sĩ giải phẫu thần kinh” hay “Tôi đã và sẽ lại là bác sĩ giải phẫu thần kinh”   Graham Greene nói người ta thực sự sống 20 năm đầu, những năm tháng còn lại chì̉ là phản ảnh.  Tôi đang ở thời nào? Phải chăng tôi là 1 nhân vật mệt mỏi, chán chường của Graham Greene, đi quá thời hiện tại và rơi vào thời quá khứ hoàn thành.  Thiời tương lai có vẻ trống rỗng và nghe chỏi tai.  Gần đây tôi dự buổi hội ngộ 25 năm đại học; khi ra về, bạn bè chia tay nhau với câu nói “hẹn gặp nhau lần tới.” Nếu trả lời “Chắc là không!” thì có khi hơi khiếm nhã.  
Tuy thế nhưng trong nhà tôi thì lại đầy sinh khí.  Con gái chúng tôi sanh vài ngày sau khi tôi xuất viện.  Mỗi tuần thì cô bé lại một khác: cái nắm tay đầu tiên, nụ cười đầu tiên.  Bác sĩ nhi khoa đánh dấu biểu đồ tăng trưởng trong hồ sơ.  Khi bé ngồi trong lòng tôi cười thích thú nghe câu hát u-ơ của tôi, một ánh sáng tỏa nhẹ, tràn ngập căn phòng.  
Thời gian như con dao 2 lưỡi: Càng xa lần trở bệnh trước thì càng gần lần tái phát sau-và cuối cùng, cái chết.  Có lẽ lâu hơn là tôi nghĩ, nhưng chắc chắn sớm hơn tôi muốn.  Khi hiểu điều này, ta có 2 cách sống.  Một là “sống cho trọn vẹn,” du lịch, ăn uống, hoàn thành những hoài bão trước đây xao lãng.  Ác nỗi là ung thư không chỉ cắt ngắn đời sống, mà còn giới hạn sinh lực ta, giảm thiểu điều ta làm được trong ngày.  Như một con thỏ bắt đầu cuộc đua khi sức đã cùng, lực đã kiệt.  Nhưng nếu có sức, tôi muốn như con rùa.  Tôi bước từng bước một, tôi suy tư, có ngày tôi chỉ tiếp tục sống.
Nhân sinh hữu hạn.  Những tham vọng có làm được thì đã làm, bằng không thì cho vào quá khứ.  Có 1 cái không ai có thể cướp được của tôi: con gái tôi, Cady.  Tôi mong sống lâu đủ để con có chút ít ký ức về bố nó.  Tôi nghĩ đến việc viết những lá thư cho con-nhưng biết nói gì đây? Tôi không biết con mình sẽ như thế nào khi đến tuổi 15; Tôi không biết nó có giữ cái tên cúng cơm mình gọi nó không.  Điều duy nhất có thể nói với con, một hài nhi chỉ̉ có tương lai mà cuộc đời hai bố con mình chồng chéo lên nhau quá ngấn ngủi.  Và đời bố thì chỉ còn quá khứ.
Lời nhắn nhủ rất giản dị: Nếu có một ngày con nhìn lại thành quả cuộc đời; những việc đã làm cho nhân loại, bố xin con đừng quên là con đã từng đem lại cho một người sắp chết những ngày vui, một niềm vui bố chưa bao giờ có, một niềm vui không đòi hỏi thêm, nhưng đầy đủ, trọn vẹn.  Trong lúc này, ngay bây giờ, đó là một cái gì vô cung vĩ đại.

(Lời tòa soạn: Bác sĩ Paul Kalanithi mất ngày 9, tháng 3, 2015, hưởng dương 37 tuổi.)

No comments:

Post a Comment