Thursday, November 5, 2015

Một Cái Chết Trên Vỉa Hè





Genny nằm co ro trong túi ngủ bẩn thỉu ở một góc phố Sacramento.  Con đường còn ẩm ướt hơi sương sau cơn mưa buổi sáng. Khúc đường L là nơi có nhiều người vô gia cư hay sống.  Nhưng không ai như Genny.  Bà khoảng độ bảy mươi và không ai biết tên họ là gì.  Bà đẩy một chiếc xe đẩy trong đó chất đầy sách đố chữ, quần áo và chăn chiếu.  Bà nói năng rất lưu loát như một giáo sư đại học, nhưng phải cái là đôi khi không mạch lạc, chuyện không ăn nhập đâu vào đâu. Genny không bao giờ xin tiền.  AI cho gì thì lấy đó.

Danny Kelly làm việc trong một y viện gần đó.  Sau khi làm xong công việc thường nhật thì ông mang một ly cà-phê ra cho Genny, một thông lệ mà ông làm mỗi buổi sáng.  
Sánh hôm đó, bà nằm phủ phục trên vỉa hè, yên lặng như một bức tượng, mắt hướng về bãi đậu xe của Trung Tâm Y Tế Sutter bên kia đường số 30.  Cách đó không xa, những chiếc xe nối đuôi xếp hàng vào lối drive-thru của tiệm McDonald.  Ở cây xăng Chevron bên cạnh, những người trang phục chỉnh tề đang đổ xăng xe trước khi lên xa lộ.
Kelly bước tới gần nhưng chỉ nghe thấy tiếng ào ào xe cộ.  Ông đập nhẹ lên vai nhưng bà không mở mắt.  Vài phút sau thì xe cứu thương đến nơi, nhưng Genny đã qua đời.
Trong khi họ khiêng xác bà vào xe cứu thương thì Kelly ôm mặt khóc.  Khóc không phải vì bà dễ thương.  Bà có lúc cũng chướng lắm.  Khóc không phải vì gia đình của bà.  Bà chẳng có ai là thân nhân.  Ông khóc vì Genny giống như bà nội của ông.

( Danny Kelly)

Trong suốt hai mươi năm trời, Genevieve Lucchesis đã sống lang thang trên những vỉa hè của thủ phủ tiểu bang.  Khi mất đi ở cái tuổi 77, bà đã nghiễm nhiên trở thành một phần của khu phố, một biểu tượng gần gũi không khác cái tháp nước xi măng trên đại lộ Alhambra.
Ban ngày thì bà mặc áo polo, quần thun dài, tóc bạc búi thành củ tỏi, đẩy xe đi khắp phố phường.  Khi tìm được một địa điểm vừa ý, thường là giữa một vỉa hè đông người qua lại, bà mở cái ghế gấp, rút điếu thuốc lá ra và ngồi xuống hí hoáy chơi trò đố ô chữ, mặc cho xe cộ đông như mắc cửi và người qua lại tấp nập chung quanh.  Đêm đến bà ngủ một mình dưới gầm cầu, trong hẻm, trong bãi đậu xe, và trong những góc kín ngoài nhà thờ.
Nói chung thì Genny không thích chung đụng hay nói chuyện vãn.  Bà chịu cho nhân viên bộ xã hội, cảnh sát, cố vấn tâm thần và người nhà thờ đến đề nghị giúp đỡ nhưng từ chối thẳng thừng những phiếu khách sạn, vé xe buýt và cuộc hẹn bác sĩ.  Khi ai hỏi về đời tư thì bà im lặng không trả lời.  Như hàng trăm những người vô gia cư sống trên vỉa hè Sacramento, bà là một sự pha trộn của đầu óc minh mẫn nhưng hoang tưởng, có khả năng chịu đựng nhưng lại mỏng manh, thiếu thốn mà lại bướng bỉnh cự tuyệt.


Marie, một y tá về hưu, và James, một đầu bếp về hưu, sống trong một chung cư cách rạp hát Đường B vài khúc đường.  Họ tập thể dục hàng ngày bằng cách đi bộ đến bưu điện ở góc đường Alhambra và Q.  Dọc đường họ hay thấy những người vô gia cư, đa số là những thanh niên đầu tóc rối bù, chửi rủa om sòm những kẻ thù vô hình.  Cả hai có cùng tín niệm sâu xa muốn giúp đỡ những kẻ khốn cùng.  Họ làm việc thiện nguyện tại nhà thờ Thánh Phan-Xi-Cô và Trung Tâm cho người vô gia cư Loaves and Fishes. Trong lúc đi bộ thì họ cũng tiện thể phân phát găng vớ và những nhu yếu phẩm khác.
Khi họ gặp Genny lần đầu thì bà đang ngồi chăm chú đọc một cuốn sách gần góc đường số 30 và K,  James 63 tuổi; Marie,67. thấy bà cụ này trông còn lớn tuổi hơn họ, làm thế nào có thể sống một thân một mình nơi đầu đường xó chợ.  Và tại sao làm vậy?
Vợ chồng Boyers bắt đầu làm quen với Genny và một thứ tình bạn bắt đầu đâm chồi nẩy lộc.   Họ mang cho bà bánh mì gà tây với trái bơ tươi, bánh táo và kem.  Món bà thích nhất là món ziti nướng của Marie.  Nhưng trong suốt hai năm trời quen biết, bà chưa một lần hé miệng cho biết tên tuổi của mình.  Khi họ hỏi đến gia đình thì bà nói, “ Đừng xía vào chuyện người khác.”
Thế là họ chỉ nói chuyện thời tiết và nấu nướng.  Genny có vẻ rành về thức ăn và khá khảnh ăn.  Bà thích chuối hơn cam, và thích có một tí hành đỏ trong xà lách cá thu.
“ Câu hỏi ô chữ là BAKED ALASKA mà câu trả lời lại là FLAMBÉ,” bà nói với Marie trong khi đang chơi ô chữ.  “ Nhưng flambé đâu phải là baked Alaska.”
Biết đâu chừng trước đây Genny đã từng là luật sư hay giáo sư hay đầu bếp.  Marie có kinh nghiệm với bệnh nhân tâm thần nên nghi là bà có thể bị chứng cảm tính lưỡng cực.  Bipolar. Genny có thể thuyết pháp một thôi một hồi nhiều đề tài khác nhau, nhưng ý tưởng có lúc không tương giao, và bà đả kích kịch liệt thủ đoạn “kiểm soát tâm trí” của chính quyền khi người ta làm thẻ nhà băng.
Ông bà Boyers tìm tòi nghiên cứu những nơi cư trú cho người vô gia cư, nhà trọ rẻ tiền và y viện thí.  Họ đề nghị giúp làm đơn xin tiền xã hội nhưng trước hết phải đi ra DMV làm thẻ căn cước.  Nhưng Genny từ chối không chịu đi ra DMV.
Có lúc hai vợ chồng nghĩ đến chuyện mời Genny về ở với mình.  Nhưng thương thì có thương mà thực ra đâu biết Genny là người như thế nào? Có dùng thuốc không? bệnh tâm thần có lên cơn sảng không?
Và họ tiếp tục cho thức ăn, giặt giũ quần áo, mua dù để che nắng và túi ngủ cho lúc trở trời.  Họ mua kéo để cắt tóc và kem Pond  phòng khi không có chỗ để rửa ráy.
Nhưng vấn đề an toàn thì chẳng biết phải làm sao bây giờ. Có lần khi thấy vết bầm tím trên mặt, họ định gọi Dịch Vụ Bảo Vệ Người Trưởng Thành nhưng họ sẽ cho bà vào những nơi tạm trú cho người vô gia cư, và bà sẽ xem đó như một sự phản bội.
“ Mối liên hệ và lòng tin cậy vào chúng tôi sẽ tan vỡ,”
Và họ đã không làm gì.

( Mary Boyer)

Trong những năm tháng mà Genevieve Lucchesi sống lang thang trên vỉa hè thì cô con gái lớn sống cách đó hàng trăm dặm, đã có chồng có con, làm việc nhà băng, và sống thoải mái ở miền trung Oregon.
Diane Gokey nghe họ hàng nói là mẹ mình đang sống vô gia cư nhưng nàng đã chào thua từ lâu.  Nàng vẫn còn mang theo những kỷ niệm đau thương của cuộc đời sống chung với một người mẹ mắc bệnh tâm thần không chữa trị, những vết thương không muốn khơi lại.  

(Diane)

Genny sanh năm 1937 tại Sacramento.  Nàng có mái tóc nâu như bố, Frederick, một người Mễ Tây Cơ sang Mỹ khi còn bé.  Nàng thừa hưởng làn da trắng và đôi mắt xanh màu pha lê từ mẹ, Vena, một người gốc Ăng Lê và Ái Nhĩ Lan sanh sống ở California.
Bố mẹ nàng sống trong một chung cư khiêm tốn gần đường 25 và đường J, dưới bóng tòa nhà Quốc Hội Tiểu Bang.  Frederick làm thợ máy xe tải diesel, lương cũng khá.  Verna là nội trợ.  Gia đình họ đi lễ nhà thờ Thánh Phan XI Cô và Genevieve và hai em, Walton và Fred đi học trường nhà thờ.  


Khi theo học trường trung học Thánh Phan Xi Cô thì nàng đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, hay làm dáng và có máu bốc đồng.  Chán học, nàng bỏ nhà đi lấy chồng ở cái tuổi 16.  Cuộc hôn nhân không được lâu bền, chỉ đủ để sanh ra Diane.  Nàng lấy người chồng thứ hai, Leo Luchiesi, nhiều lần, và sanh thêm hai con gái, Rosemary và Cathy.  
Từ hồi Diane có trí khôn thì mẹ nàng đã có tánh đa nghi và dễ vui nhưng cũng dễ giận.  Khi mấy đứa con gái còn bé thì Genevieve đã bị những cái mà họ hàng gọi là “ yếu thần kinh” và phải vào dưỡng trí viện vài ngày.  Khi lớn lên, Diane nhớ người ta nói là mẹ nàng mắc chứng tâm thầm phân liệt hoang tưởng.
Khi lớn thì mấy chị em Diane chỉ biết là mẹ mình không giống ai.  Bà không bao giờ rời cái xách tay chất đầy ắp biên lai, ngay cả khi ngủ.  Có lúc bà tắm mà mặc nguyên quần áo vì sợ CIA theo dõi.  
Diane còn nhớ những cãi lộn giữa mẹ mình và Leo.  Những đĩa chén baytung toé, đồ đạc đập tan tành, và đấm đá túi bụi để rồi lại làm lành ngay sau đó.  Mấy mẹ con thường hay gói ghém đồ đạc bỏ nhà đi sau mỗi lần cãi lộn.  Nội trong năm tiểu học không thôi, Diane đã chuyển trường năm lần,
Nhưng mẹ nàng là một người nội trợ khéo léo, nhất là vào những dịp tết nhứt. Gian đoạn hạnh phúc của những cái bánh trái cây và bánh sô cô la kiểu Đức.  Nhân ngày Valentine năm 1975, bà tặng Rosemary tấm thiệp có dán đóa hoa hồng bà làm bằng giấy với hàng chữ.  “ Với mối tình gắn liền mẹ và con gái,” mà bà viết bằng tuồng chử bay bướm.  Mùa đông bà trang hoàng cây giáng sinh với nơ vàng và cây kẹo.

(Thiệp Valentine làm cho Rosemary)


Diane nhớ mẹ làm bồi bàn cho nhà hàng sang trọng Firehouse ở phố cổ Sacramento.  Nhưng chẳng việc nào được lâu.  Có những lúc họ ăn tiền trợ cấp xã hội, không đủ tiền bật lò sưởi.  Và nhà không có điện thoại.  
Ngay cả trong những lúc cùng quẫn nhất thì, Diane nói, mẹ nàng vẫn trang phục lịch sự, quần áo mua tiệm bán đồ cũ, và tóc tai, phấn son cẩn thận.  Những đứa con gái trong khi đó mặc quần áo thí của Salvation Arny và đi giầy thủng lỗ,  
Mấy chị em phải đảm đang, tháo vát.  Khi đói thì trèo cây hái trái.  Mẹ cho hai đồng ăn tối thì ăn ravioli hộp với cơm.  Mấy chị em chẳng bao giờ được đi bác sĩ.  Răng đau thì nhổ ở nhà.  
Những bạo động tuy bất ngờ nhưng đều đặn và khủng khiếp.  Là chị cả nên Diane phải thường xuyên bảo vệ các em.  Nàng nhớ có lần phải dùng cây mở bánh xe đánh Leo khi ông đè mẹ nàng xuống đất ở ngoài nhà.  
Diane nhớ lúc mình lên 6, đang chơi ngoài đường với mấy em, thì đột nhiên mẹ nàng tông cửa xông ra, nắm tóc Rosemary lôi vào.  “ Chẳng có gì hết,” nàng lắc đầu, nói.  “ Chuyện trẻ con.  Chỉ biết là nghe tiếng em tôi gào thét trong nhà.  Tôi đứng đó, chết đứng, mà không biết làm gì để cứu em.”
Khi lớn hơn, mấy chị em nghĩ là mẹ bị quỉ ám và bàn nhau kiếm người về trừ tà.  Đến năm 14 thì Diane chịu không nổi nữa.  Nàng nhét một ít tư trang vào trong một bich giấy và bỏ về ở với cha, lúc đó đã có vợ khác và hai đứa con gái.  Cuộc đời kể từ đó sáng sủa hơn ngay.  Nàng có quần áo mới, học lái xe, tốt nghiệp trường trung học San Juan.  Không còn gào thét.  Không còn bị đánh đập.
Trong khi đó ở nhà, thì Genevieve mối ngày một điên hơn.  Mấy đứa em nói là mẹ nghĩ là FBI đang đi kiếm bà và viết một lô thư viết lộn xộn về những âm muu của chính phủ.  Diane lo cho các em mình và cảm thấy tội lỗi nhưng không bao giờ dám tính tới chuyện trở lại.
Cathy bỏ nhà ra đi năm lên 16, và Rosemary ngay sau đó.  Cả hai chị em sau có chồng, có con, và cố bỏ lại dĩ vãng đàng sau.  
Năm 20 tuổi Diane lấy chồng và dọn về Oregon, nơi nàng kiếm việc làm nhà băng và rồi thăng chức lên làm Giám Đốc Khu Vực.
Genevieve tiếp tục lấy chồng và đổi việc như thay áo.  Leo mất năm 1984 ở tuổi 51, để lại cho Genevieve một số tiền bảo hiểm nhân thọ nho nhỏ.  Bà mở một tiệm bán đồ cũ trên đại lộ Del Paso nhưng rồi phải đóng cửa.  Bà về ở với cha ở Citrus Height nhưng ông không chịu nổi cái điên của bà.  Rosemary mang mẹ về ở nhưng rồi cũng không chịu nổi nên phải đuổi đi.  
Không ai biế́t đích xác ngày tháng cũng như hoàn cảnh nhưng năm 1995, vào cái tuổi 58, Genevieve Lucchesi chính thức trở thành một kẻ vô gia cư.




Mặc dù đời sống gia đình chao đảo nhưng những năm tháng không nhà không cửa của Genny tương đối ổn định.  Mỗi sáng, khi âm thanh của xe cộ và tiếng còi hụ của cánh sát phá tan bầu không khí yên lặng thì bà tỉnh giấc trong chỗ ngủ đã chọn trong phố xá, cuộn tròn mảnh chăn ngủ và bắt đầu một ngày mới.  
Vào lúc hừng đông, trước khi nhân viên nhà thương trong những bộ đồ mổ xuất hiện, thì bà đi tìm chỗ rửa ráy.  Thường thì bà hay vào cây xăng Chevron góc đường 30 và đường K vì có cầu tiêu cho người tàn tật đủ lớn để bà mang theo bịch rác chất đầy quần áo, đèn pin, và những đồ dùng hàng ngày.  Tường tuy vẽ đầy tranh và khẩu hiệu nhưng gương, bồn rửa và cầu tiêu tương đối còn nguyên vẹn, và cửa thì mở cho công chúng.
Sau khi rửa ráy thì bà ra tiệm minimart của cây xăng mua một gói Pall Mall và nói chuyện với chủ tiệm Nachhattar Nagral.
“ Tôi muốn hỏi tại sao bà lại ra nông nổi này nhưng không đủ can đảm,”  Nagral nói.
Đến đêm. Genny kiếm chỗ ngủ một mình, thường là chỗ đậu xe cho người tàn tật sau cây xăng Chevron hay bãi đậu xe đàng sau y viện của Kelly.  Khi trời mưa thì bà đến ngủ ngủ  tạm dưới
chân cầu đường H.  



Năm 2012, với sự cho phép của mục sư, Genny dựng lều cạnh cổng vào của nhà thờ lịch sự Faith United Methodist trên đường J.  Mục Sư Barbara Horikoshi-Firebaugh đã nói chuyện nhiều lần với Genny mỗi khi hai người gặp nhau ở xe điện ngầm gần đó.  Bà nói cứ ở trước cửa nhà thờ, chỉ có sáng Chủ Nhật làm lễ là phải dọn đi thôi.  Genny làm y lời, biến mất sáng Chủ Nhật và trở lại vào buổi chiều.  Bà chuyện trò với những người trong nhà thờ, có lần cho họ biết là là một cái cửa bị hư ổ khóa, và thỉnh thoảng nhận thức ăn thừa của giáo dân.

( Mục Sư Barbara Horikoshi-Firebaugh)

Mọi chuyện êm ả được một năm thì hàng xóm bắt đầu than phiền, yêu cầu Genny phảti đi chỗ khác, vì sợ làm sụt giá nhà cửa.  Horikoshi-Firebaugh ra điều trần trước Hội Đồng Giáo Xứ.
“ Tôi nói ta phải noi gương Chúa Giê-Su giúp đỡ người nghèo,” bà nói.  “ Và giờ, nỡ lòng nào  tống cổ bà ta đi?”
Cuộc đời trên hè phố bắt đầu làm tàn tạ xác thân.  Móng tay ngả màu vàng thuốc lá và mái tóc một ngày một thưa và bạc hơn.  Nhưng Genny không bao giờ phải đói.  Dân khu phố tiếp tục nuôi sống bà.
Genny không bao giờ xin tiền hay cầm bảng.  Bà chỉ đẩy xe vào chỗ mình thích rồi ngồi xuống.  Trong khi bà lúi húi giải ô chữ thì người qua đường bố thí tacos, burgers, quần áo, và dầy dép.  Có người còn cho sách vở mà bà dùng chiếc kính Kelly mua trên mạng để đọc.  
Có người cũng cho tiền và bà nhét vào trong áo.  Một buổi sáng tháng Mười năm 2013, cảnh sát bắt bà trong khi ngủ ở chỗ thường lệ dưới phố vì tội cắm trại bất hợp pháp và mang bà về bót.  Khi làm biên bản, theo lời phát ngôn viên sở cảnh sát, Lisa Bowman, nhân viên công lực phát hiện $ 6,681 nhét dưới đống quần áo.  Khi được thả, người ta đưa cho bà tấm ngân phiếu trị giá số tiền đó nhưng vì không có chương mục ngân hàng nên bà chẳng bao giờ lấy được tiền.
“ Tiền tôi đâu rồi?” bà nói với mọi người.  “ Chính phủ cướp tiền của tôi.”
Vì không tin tưởng nơi công quyền nên khó cho những hệ thống nhằm giúp người mắc bệnh tâm thần khỏi cảnh vô gia cư có thể giúp đỡ bà.  Teresa Lorantz là nhân viên của El Hogar, một cơ quan thiện nguyện giúp người mắc bệnh tâm thần .  Cô đã nhiều lần đề nghị ghi danh vào các chương trình giúp đở nhà cửa và y tế, nhưng chỉ bị bà mắng vào mặt.  Genny khăng khăng nói là mình chẳng bệnh hoạn gì cả và không cần giúp đỡ, nhất là từ “ chính phủ.”
Có một từ y khoa dành cho những người bệnh tâm thần nhưng không tin mình bị bệnh.  Agnosognosia. (Agnosognosia là sự không ý thức có bệnh thường thấy nơi những người bị chấn thương vùng thùy đỉnh )(Ghi chú của người dịch) Đây là nguyên nhân thông thường thứ hai khiến những người mắc bệnh tâm thần phân liệt từ chối chữa trị.  Nguyên nhân thứ nhất là do tác dụng phụ của chính thuốc chữa bệnh ấy.
Sĩ quan cảnh sát George Chargin và Michelle Lazarkđã từng chứng kiến sự đề kháng lì lợm của Genny trong những năm tháng tuần tiễu đường phố Sacramento.  Họ có nhiệm vụ giải quyết những than phiền về việc cắm trại trái phép và phải đuổi những người ngủ đường.  Trong những ngày mưa gió lạnh lẽo, Chagrin và Lazark có khi đi tìm Genny để cho phiếu nhà trọ nhưng bà khăng khăng chối từ.  Nhiều khi họ muốn cho Genny vào nhà thương, giữ lại 72 tiếng để khỏi gây nguy hiểm cho mình.
“ Nhưng tôi chưa bao giờ làm vậy,” Chargin nói.  “ Genny ăn nói mạch lạc.  bà trả lời tất cả các câu hỏi.  Bà có khi tranh cãi, nhưng không bao giờ kháng cự.”


Là một bà mẹ trẻ, Diane không bao giờ muốn giống mẹ.  Nàng đọc và hát cho con nghe, trông chừng cho nó đánh răng và bắt ăn mặc quần áo chỉnh tề.  Mỗi tối cả gia đình tề tựu dùng bữa tối.  Stephanie đi học cùng một trường với chúng bạn cho đến khi lên trung học.  Mặc dù Diane và người chồng đầu tiên ly dị sau 18 năm chung sống, nhưng họ ly dị một cách thân thiện.  Diane lấy chồng khác và Stephanie gần gũi với cha ruột lẫn cha dượng.  Em biết thế nào là ổn định và tình yêu vô điều kiện.
Rôi khi Stephanie vào lứa tuổi thiếu niên thì Diane bỗng dưng cảm thấy một tia chớp từ quá khứ loé lên.  Con gái nàng đang có vấn đề, sức học bị đuối kém.  Nó nhiều khi ngủ cả ngày và đầu óc đi vào những tuyệt lộ, nơi mà tất cả mọi thứ và mọi người đều vô nghĩa.  
Đối với Diane đây là một biến cố làm đảo lộn mọi sự.  Nàng đã sợ trở thành mẹ mình, sợ mình bị tiềm ẩn những bệnh tâm thần phát hiện trễ.  Nhưng ngờ đâu chính con gái mình lai bị bệnh.
Năm 1996, vào cái tuổi 14, Stephanie được chẩn đoán là bị bênh trầm cảm.
Nhưng đây không phải là thời ‘50, và gia đình Diane hoàn toàn không giống gia đình nàng khi xưa.  Gia đình Stephanie liên kết chặt chẽ hỗ trợ.  Tất cả đã thay đổi nhiều kể từ thập niên mà Genevieve bị suy nhược tinh thần.  Có nhiều lựa chọn trong phương thức trị liệu và sự hỗ trợ của hãng bảo hiểm, có các chuyên gia và bạn bè thông cảm.  Người ta có thể nói chuyện thẳng thắn về bệnh tâm thần.  Những vết nhơ không còn như xưa.
Stephanie bắt đầu những trị liệu toàn diện bao gồm hướng dẫn cố vấn và thuốc men.  Và, với sự ưng thuận của mẹ, em quyết định đi tìm người bà không nhà không cửa của mình.  
Stephanie đã nghe những câu chuyện kể không được đẹp của mẹ và các dì về bệnh tâm thần của bà ngoại.  Trong khi đó em được nghe những anh em họ nói về những bà nội bà ngoại yêu thương .  Và giờ đây, sau những thử thách của chính mình, em cảm thấy mình chia xẻ một sợi dây liên lạc với bà mình.  Bà cháu có thực sự khác nhau lắm không? Biết đâu vận số cả hai xoắn lại với nhau?  Em phải tự mình đi tìm kiếm câu trả lời.
Ngay sau khi được chẩn đoán, Stephanie về Sacramento và cùng ông cố, Frederick Burres, đi tìm Genevieve.
Một buổi sáng trong khi họ đang đi xe buýt dọc trên đại lộ Sunset, qua những khu thị tứ và cây xăng, thì thấy một người đàn bà đẩy chiếc xe chất đầy như đống núi ngang con đường Greenback.  “ Bà con kìa,” Frederick nói.  Họ nhẩy xuống xe, và Stephanie chạy ù đến người đàn bà.



“ Xin lỗi bà,” em nói, đắt tay lên tay bà “ Bà có phải là Genevieve không?”
Genny giật tay lại rồi nhìn thẳng vào mắt Stephanie.” Chắc con phải là con gái của Diane, đúng không? ” bà nói, miệng mỉm một nụ cười.
Hôm ấy trông Genny khoẻ mạnh  Mái tóc bạc kết lại thành một búi.  Đôi mắt xanh trong sáng và quần áo, tay chân sạch sẽ.  Chiếc xe đẩy chất đầy vật sở hữu.  Stephanie nhớ có những ly nhựa, một cái khăn trải giường và nhiều cái hộp mà bà nàng dùng làm bồn rửa tạm thời.
Hai bà cháu ngồi xuống băng ghế đá trên con đường đông đảo và nói chuyện hàng giờ.  Genny hỏi thăm về hai vợ chồng Diane.  Họ bàn luận chuyện chính trị và tin tức quốc ngoại.  Khi Stephanie hỏi về đời bà thì bà không trả lời.  Stephanie quyết định không đá động đến đề tài bệnh tâm thần.  
Sau lần gặp gỡ đó, Genny di chuyển về khu phố chính.  Thỉnh thoảng Stephanie trở lại Sacramento tìm bà và có khi phải lái xe hàng giờ đồng hồ mới gặp được.  Hai bà cháu ngồi cạnh nhau trên vỉa hè và góc đường, tại trạm đón xe buýt và trong những bãi đậu xe.  Trong khi nói chuyện, khách qua đường chào hỏi, gọi tên, đôi khi đưa bà những đồng 5 đô la.
“ Khoẻ không Genny?” họ hỏi.  Genny luôn luôn nói khoẻ.
Stephanie không phải là con cháu duy nhất tìm cách liên lạc.  Cathy và Rosemary cũng đã cố nhiều lần.  Có lần, Cathy và con gái là Teresa lùng ra được Genny để cho bà biết là Rosemary đang đau nặng.  Họ đưa bà một cọc tiền 25 xu và xin bà gọi.  Có lẽ bà chẳng bao giờ gọi.  Rosemary chết năm 2008, ở tuổi 52.
Ngay cả sau khi theo chị Diane lên Oregon ở Cathy vẫn cố giúp mẹ thoát khỏi kiếp sống vô gia cư.  Bà phát giác là Genny đủ điều kiện để lãnh 700 đô la mỗi tháng tiền hưu xe hỏa của Leo.  Bà gọi Teresa, lúc ấy vẫn ở tại Sacramento, và nhờ nàng tìm bà ngoại để nhắn tin.
“ Mình có đủ để sống ổn định,” Teresa nhớ có nói với bà ngoại.  “ Để con dắt bà đi tắm, lấy tiền, rồi tìm chỗ ở.” Nhưng Genny từ chối, và đang nói chuyện đàng hoàng bỗng chuyển qua quát tháo.  Teresa khóc bỏ đi.

(Teresa Valdivia và Genny.)

Lần cuối Stephanie nói chuyện với bà ngoại của mình vào khoảng bốn năm trước, tại một trong những địa điểm cắm trại trong giữa phố.  Bà trông bẩn thỉu và có vẻ vô cảm.  Bà ngồi bệt xuống lề đường, không chịu đứng dậy.
Sau chuyến viếng thăm đó, Stephanie chịu thua, không cố thay đổi cuộc đời của bà ngoại nàng.  Genny đã trở nên quá thải mái, Stephanie kết luận, với đồi sống vỉa hè.


Cuối năm ngoái, sau khi bị đánh sưng mắt chỉ vì chỗ ngủ, Genny tỏ dấu cho thấy cuối cùng cũng sẵn sàng thay đổi.
“ Ngoài này khá lạnh,” Sĩ quan cảnh sát Lazark, trong khi đi tuần một ngày cuối tháng Mười Hai, khuyên Genny.  “ Giờ mà nằm trong bồn tắm nước ấm xà bông bọt thì chắc đã lắm.”
Cô thấy dường như có một tia sáng loé lên trong đôi mắt xanh của Genny.  “ Tôi sẽ nghĩ lại,” bà nói.
Vài ngày sau, Genny nói với ông bà Boyers về một khách sạn tên là Vacationland ở phía Tây Sacramento.  Bà nó là bà có thể sẽ ở đó.  Marie và James mừng rỡ và nói là sẽ nghiên cứu.    Nhưng khi họ tìm thì chẳng thấy có khách sạn nào với tên đó.  Rồi họ lại đề nghị mang bà đi làm thẻ căn cước để có thể nộp đơn xin nơi cư trú khác.  Bà nói họ đừng làm.
Cuối tháng Giêng khi bà cố tránh những cơn mưa bão thì Genny càng ngày càng yếu hơn thấy rõ.  
Galen Unruh, giám đốc tiếc cận cộng đồng của nhà thờ Thánh Phan-Xi-Cô đã quen thấy cảnh Genny lang thang trong khu phố giữa.  Ông thấy được một phẩm cách nào đó trong quyết tâm sống cuộc sống không qui luật hay hạn chế của bà.  Nhưng lúc sau này thì ông hơi lo.  Genny không còn đi lại nhiều như xưa.  Và khi di chuyển thì dáng đi có vẻ khó nhọc.  
Một ngày tháng Giêng, Unruh thấy bà nằm co quắp dưới tấm chăn, kế vách tường tiệm McDonald trên đường 30. Ông quì xuống cạnh bà.  “ Bà có sao không?” ông hỏi.
“ Tôi đang chảy máu,” bà trả lời bằng giọng thầm thì.
“ Chảy máu ở đâu?” Unruh hỏi gặng.  Genny yêu cầu ông để mặc bà.  
Ông tình nguyện mang bà đi nhà thương.  “ Không đi nhà thương,” bà nói.  Bà có bạn sẽ tới giúp, bà quả quyết.  Một lát nữa họ sẽ đến.  Ông bỏ đi, và trong những ngày sau đó, không biết mình làm vậy có đúng không.
Vài tuần sau, vào đầu tháng Hai, thời tiết Sacramento trở nên tàn khốc.  Mưa ào ào đổ xuống, và cây trốc gốc vì đất sũng.  Những cơn gió lốc thổi qua khu phố, làm đèn đuốc bị cúp.
Ngồi trên xe, trong một ngày mà mưa trút xuống như nước lũ, ông bà Boyers thấy Genny chui rúc dưới cầu đường H.  Bà trông như thu người vào bên trong.  Ngày mồng 2 tháng Hai, một ngày thứ Hai, họ thấy bà trở lại địa điểm quen thuộc, dưới bóng che của y viện làm chân tay giả, cuộn tròn trong hai túi ngủ.  Giọng bà gần như không nghe được.  Bà đã đái vào người mình.
Marie cho Genny cháo gà nhà làm và một miếng sandwich.  Genny chê cháo mặn, nhưng vẫn húp và cám ơn.
Ngày thứ Ba, hai vợ chồng có công chuyện phải xuống phố nên không gặp Genny.  Thứ Tư, 11 tháng Hai, họ đi tìm bà.  Họ xét những nơi bà thường lui tới, những hang cùng ngõ hẹp, bãi đậu xe, vỉa hè.  Họ gặp hai người đang rửa bãi đậu xe đàng sau tiệm làm chân giả.  Mấy ông có thấy Genny đâu không?
Có, một người nói.  Bà già đó chết sáng nay ngay ở chỗ ông bà Boyers đang đứng.

(Danny Kelly đứng gần chỗ Genny nằm chết)

Họ chỉ vào hai xe đẩy và một túi ngủ, nhô ra từ một thùng rác, tài sản của Genny.  Vợ chồng Boyers, nước mắt đầm đìa, nhét túi ngủ vào xe và lái xuống nhà xác.  Họ không phải là thân nhân, họ nói với nhân viên nhà xác.  Nhưng họ cũng gần như người trong gia đình.
Nhân viên giảo nghiệm đã xác định căn cước qua dấu tay.  Tên bà là Genevieve Lucchesi, họ nói với ông bà Boyers, và bà được 77 tuổi.  Nguyên do chết được ghi là bệnh tim mạch.  Bà chỉ có bộ quần áo trên người, một phiếu đi ăn tiệm Del Taco, danh thiếp của Y Viện Tâm Thần El Hogar và Hiệp Hội Đô Thị Sacramento, và 24 đồng tiền mặt.  Bà cũng mang trên người tấm ngân phiếu viết cho bà: $ 6,681.70 từ quĩ của Sở Cảnh Sát Sacramento, đề ngày 25 tháng Mười, 2013.
Xác của Genny sẽ được giữ cho đến khi cơ quan kiếm được thân nhân.  Nếu không tìm được, xác sẽ được hỏa thiêu và chôn trong một mộ phần chung với những xác vô thừa nhận khác.



Diane Gokey năm nay 60 tuổi, với cặp mắt to, biểu cảm và mái tóc hợp thời trang.  Khi một ký giả liên lạc thì bà mới biết mẹ mình chết.  Bà nói những thảo luận gia đình sau đó làm sống lại những hình ảnh đau đớn của một thời thơ ấu bị thương tổn bởi bệnh tâm thần.
“ Tôi cảm thấy mình như một cựu chiến binh ra trận trở lại,” bà nói một buổi chiều gần đây.  Bà ngồi bắt chân chữ ngũ, một thánh giá bằng vàng tinh xảo đeo quanh cổ, trong phòng khách của căn nhà rộng rãi của Stephanie ở khu ngoại ô Beaverton nhiều cây cối gần Portland.  
Diane đồng ý nói chuyện về mẹ mình để cho thấy ảnh hưởng tàn phá gia đình của bệnh tâm thần. Bà xem mình là một thí dụ của một người đã không những sống sót mà còn thành công.  Stephanie cũng khá thành đạt.  Cô năm nay 34 tuổi, nụ cười lúc nào cũng chực nở trên môi và có một mái tóc bạch kim bồng bềnh.  Cô có chồng và hai con trai nhỏ, thích nấu ăn và trang hoàng, và làm phụ giáo cho học sinh có khuyết tật.  Với sự hỗ trợ của gia đình và trị liệu liên tục, cô đã có thể làm việc và chế ngự bệnh trầm cảm của mình.
“ Tôi muốn người ta, nhất là trẻ con, biết rằng có hy vọng,” Diane nói.  Giai đoạn lớn lên là một giai đoạn sống trong địa ngục trần gian.  “ Nhưng chúng tôi còn đây, và cuộc sống cũng không đến nỗi.  Ta có thể vượt qua được căn bệnh tâm thần.”
Sau khi biết Genny qua đời, gia đình có những cuộc thảo luận căng thẳng về phải làm gì với xác bà.  Diane và Cathy vẫn còn giận mẹ nhưng không muốn nghĩ đến cảnh xác mẹ nằm “ trên một cái bàn đá trong nhà xác,” Diane nói.  Lũ cháu muốn làm lễ truy điệu.
Diane, như hồi còn bé, dẫn đầu.  Bà thu xếp thủ tục hỏa thiêu và bắt đầu liên lạc những người quen biết bà ở Sacramento.  Bà sắp xếp tang lễ với sự giúp đỡ của họ.  
(Sơ Claire Graham nói chuyện trong buổi tang lễ của Genevieve.)
Và rồi, trong một ngày có gió tháng Sáu trong nhà thờ mà 78 năm trước đây Genevieve Evelyn Burres đã được rửa tội, một nhóm nhỏ gồm gia đình và thân quyến làm lễ tiễn đưa.
Diane đứng gần bàn thánh của nhà thờ Thánh Phan-Xi-Cô, dưới tấm bích họa bi tráng của Chúa Giê Su treo trên thập tự, quan sát một tấm bảng gắn đầy hình ảnh hai cuộc đời khác nhau của mẹ bà.  Một bên là một bà mẹ trẻ tuổi tràn đầy sức sống với mát tóc kiểu Cleopatra.  Bên kia một người đàn bà ăn mặc bẩn thỉu, làn da sạm nắng và mát tóc bạc rối bù, nằm co quắp bên vỉa hè.
Trong khi ánh nến nhấp nhoáng phản chiếu trên những khung cửa kính màu thì thành phần của hai “gia đình” của Genny thì thầm trao đổi lời chào hỏi.  Diane và Stephanie đến từ Oregon. Teres, con gái của Cathy,  đến với chồng và con nhỏ.  Erica, con gái của Rosemary đến từ Virginia.  Một số bạn trung học của Genny cũng có mặt.  Tổng cộng có 33 người tham dự, kể cả một đại diện của nhà thờ Faith United Methodist Church, nơi Genny có thời ngủ tạm.
Ông bà Boyers ngồi trên hàng ghế trên cùng, tay nắm chặt.  Lát sau, giọng Marie run run trong khi đọc thánh kinh.  “ Chớ có sợ, vì ta sẽ ở với con,”
(Teresa Valdivia với chồng và con đứng nhìn bảng dán hình)

Sơ Claire Graham, người sáng lập Trung Tâm Phụ Nữ Wellspring ở Oak Park,điều khiển buổi lễ.  Sơ đã biết Genevieve Burres hồi còn là một học trò thông minh lanh lợi tại trung học Thánh Phan Xi Cô.  Nhiều thập niên sau, Sơ Graham đã từng nói chuyện thường xuyên với người vô gia cư tên là Genny.  Sơ bị sốc khi biết, sau cái chết của Genny, là bà chính là người bạn thời trung học của mình.
(Sơ Claire Graham)

“ Genevieve sống như vậy cũng có lý do, và bà sẽ là một động cơ thúc đẩy khi chúng ta tiến tới trước và cố gắng thay đổi thế giới, “ Graham nói với những người có mặt.  “ Cái buồn của tôi là căn bệnh tâm thần.  Bệnh tâm thầm không chữa trị đã lấy đi mất Genevieve của chúng ta.”
Diane cúi đầu cầu nguyện, một cơn lốc của xúc động thổi ào trong người.  Những đau đớn và tủi nhục của quá khứ vẫn hằn sâu trong tâm khảm.  Nhưng bà cũng cảm thấy một nỗi hối hận về trạng huống của mẹ mình, và nếu không thì giờ này ra sao.  Bệnh bà như vậy mà không chữa thì thật là không phải.
Và giữa những đau buồn và ân hận, bà cũng cảm thấy biết ơn.  Bao năm qua bà rùng mình mỗi lần nghĩ đến cảnh mẹ mình lủi thủi một thân một mình trên đường phố.  Nhưng bây giờ, chung quanh đây là những người đã đến để vinh danh.  Dù là không nhà không cửa, nhưng mẹ bà cũng đã tìm thấy lòng tốt, liên hệ, và một thứ cộng đồng.
Rồi Diane cúi đầu và cảm tạ Thiên Chúa vì những nhân hậu nhỏ, và vì những người đã cố hết sức để nuôi dưỡng một người đàn bà họ không thực biết.


Ký giả Cynthia Hubert chuyên viết về bệnh tâm thần và vô gia cư cho tờ Sacramento Bee.  Cô đã bắt đầu kết thành câu chuyện của Genevieve Lucchesi vào tháng Hai, sau khi được biết là xác bà nằm vô thừa nhận nhiều tuần trong nhà xác.  Cô đi lùng kiếm gia đình của Genevieve, nhiều người đã mất liên lạc với bà trong nhiều thập niên.  Hubert cũng đã phỏng vấn hàng chục người, những người đã từng cho ăn, cho mặc, và tranh đấu để bảo vệ bà trong hơn 20 năm trời.

No comments:

Post a Comment