Friday, July 8, 2016

Tên Nằm Vùng

 Nguyễn Thanh Việt là một nhà văn người Mỹ gốc Việt và hiện là Giáo sư tại Đại học University of Southern  California.  Tiểu thuyết đầu tay của ông, The Sympathizer, đã được trao nhiều giải thưởng văn học, trong đó có Giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu năm 2016.

Tôi xin dịch tặng các bạn chương đầu của cuốn The Sympathizer để đọc chơi.  

Tên Nằm Vùng
Chương Một
Nguyễn Thanh Vệt


Tôi là một gián điệp, một cán bộ nằm vùng, một tình báo viên, một kẻ hai mang. Và vì thế tôi có là kẻ một dạ hai lòng thì cũng chẳng có gì làm lạ.  Tôi chẳng phải là một loài yêu quái bị hiểu lầm trong truyện bằng tranh hay phim kinh dị, dù có kẻ đã từng xem tôi như vậy.  Tôi chỉ có khả năng nhìn hai mặt của bất cứ một vấn đề nào.  Khi tự đắc, tôi xem đấy là một cái tài, và dù chỉ là một tài vặt, nhưng nó là cái tài duy nhất của tôi.  Lại có lúc tôi nghĩ, mình không muốn nhìn đời như vậy cũng chẳng được, thế thì cái đó có đáng gọi là tài hay không.  Bởi vì tài là cái gì mình sử dụng chứ không phải cái sử dụng mình.  Cái tài mà mình bắt buộc phải dùng và còn sai khiến mình--thì thú thật mà nói--phải gọi đấy là cái họa.
Nhưng trong ngày tháng bắt đầu bản tự thú này,lối nhìn đời của tôi vẫn có vẻ là ưu điểm hơn là hiểm họa, và đó chính là lúc mà hiểm hoạ bắt đầu xuất hiện.  

Tháng nói tới đây là tháng Tư, cái tháng tàn nhẫn nhất.  Đó là tháng mà một cuộc chiến kéo dài đã lâu đã bắt đầu cụt chân cụt tay, như thường hay xảy ra trong chiến tranh.  Đó là một tháng có sống chết cho toàn thể dân tộc của một góc nhỏ của thế giới, nhưng lại hoàn toàn vô nghĩa đối với đa số sống trên phần thế giới còn lại.  Đó là sự chấm dứt của một cuộc chiến và bắt đầu của một --- à, dùng chữ “hoà bình” chắc không đúng phải không, ngài Tổng Giám Thị?   Đó là một tháng mà tôi chờ đợi từ lâu, sau bức tường của ngôi biệt thự mà tôi đã sống năm năm qua, bức tường ghim mảnh thủy tinh màu nâu óng ánh và bọc bởi hàng dây kẽm gai rỉ sét.  Tôi có phòng riêng trong biệt thự, cũng như tôi đang có phòng riêng trong trại của ông, phải không ngài Tổng Giám Thị?   Dĩ nhiên chính xác ra phải gọi là “phòng biệt giam,” và thay vì có người làm đến dọn dẹp mỗi ngày, thì ngài đã cho tôi một anh lính gác mặt búng ra sữa.  Và dĩ nhiên anh ta chẳng dọn dẹp gì cả. Nhưng này này, tôi không có than phiền đâu nhé.  Tôi chỉ cần có một chỗ yên tịnh để viết bản tự thú chứ chẳng cần phải sạch sẽ làm cái quái gì.

Biệt thự ông Tướng ban đêm tuy khá  yên ắng, nhưng ban ngày thì không.  Tôi là sĩ quan duy nhất của ông Tướng được sống chung nhà, tôi cũng là thuộc cấp còn độc thân duy nhất và là tùy viên thân tín nhất.  Buổi sáng, trước khi chở ông đi một quãng ngắn tới văn phòng, tôi ngồi ăn sáng với ông, phân tích những bản phúc trình ở đầu bàn ăn bằng gỗ tếch trong khi vợ ông cai quản bốn đứa con có kỷ luật ở đầu kia, đứa mười tám, đứa mười sáu, đứa mười bốn, và đứa mười hai, với một ghế để trống cho cô con gái đi du học bên Mỹ.  Không phải ai cũng sợ cái giờ phút chót, nhưng ông Tướng đã sợ một cách hợp lý.  Ông dáng người mảnh khảnh.  Ông đã từng đi chinh chiến lâu năm, có nhiều huy chương, mà trong trường hợp ông, xứng đáng.  Ông chỉ có chín ngón tay và tám ngón chân, ba ngón kia mất vì đạn và miểng đạn, nhưng chỉ có gia đình và người thân cận mới biết tình trạng của bàn chân trái của ông.   Tham vọng của ông ít khi nào bị cản trở, trừ việc tìm ra chai Bourgogne để uống với những người bạn biết thưởng thức, có nghĩa là những người  không cho đá cục vào rượu vang.  Ông là một người sành ăn và là một người đi đạo Thiên Chúa Giáo, theo đúng thứ tự: một tín đồ thích ăn ngon; vợ con; người Pháp và người Mỹ.  Ông quan niệm họ đã bảo hộ nước ta tốt hơn mấy thầy bùa ngoại bang đã thôi miên người anh em miền bắc và dăm người anh em miền nam: Karl Marx, V.I. Lenin, và Mao Chủ Tịch.  Không đời nào ông chịu đọc mấy triết gia đó!  Đó là nhiệm vụ của tôi, là người tùy viên và nhân viên tình báo cấp dưới tôi phải soạn sẵn bài viết tóm tắt về Bản Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản hay Quyển Sách Đỏ của Mao chẳng hạn.  Còn việc biểu diễn kiến thức về tư tưởng kẻ thù thì cái đó tùy ông.  Ông thích nhất câu hỏi của Lê Nin mà ông vẫn ăn cắp mỗi khi cần: Thưa quý vị, ông nói, gõ bàn bằng những ngón tay quả quyết, ta phải làm cái gì?  Thực ra Nikolay Chernyshevsky mới là người đưa ra câu hỏi đó trong cuốn tiểu thuyết có cùng tên, nhưng có nói với ông tướng thì cũng vậy.  Có mấy ai còn nhớ Chernyshevsky là ai? Chỉ có Lê Nin là đáng kể, con người của hành động đã cuỗm câu hỏi về làm của riêng cho mình.

Trong cái tháng Tư đen tối nhất này, khi đối diện với câu hỏi phải làm gì, ông tướng mà trước đây lúc nào cũng tìm ra việc để làm, lại không làm được gì.  Một người mà trước đây đã cả tin vào cái mission civilisatrice-nghĩa vụ khai hóa và Phương Thức Kiểu Mỹ cuối cùng cũng bị con rệp của lòng hoài nghi nó đốt vào đít cho.  Giờ bỗng nhiên mắc chứng mất ngủ, ông đi lang thang trong biệt thự mà nước da xanh mét như người bị sốt rét.  Kể từ khi mặt trận phía bắc thất thủ hồi tháng Ba vài tuần trước đây, ông hay xuất hiện trước cửa văn phòng hay phòng ngủ của tôi trong biệt thự để trao tay một mẩu tin, thường là bi quan.  Có tin nổi không? Ông hỏi, và tôi có hai câu trả lời: Dạ không! hay Thật là khó tin!  Chúng tôi không tin là thành phố Ban Mê Thuột thơ mộng, dễ thương, quê hương vùng cao nguyên của tôi, đã bị thất thủ đầu tháng Ba.  Chúng tôi không thể tin rằng tổng thống Thiệu, cái tên mà khi phát âm phải phun nước miếng tung toé của chúng tôi đã không hiểu sao lại ra lệnh cho lực lượng phòng thủ cao nguyên phải triệt thoái.  Chúng tôi không thể tin là Đà Nẵng và Nha Trang đã bị bỏ rơi, hay việc chính quân mình lại bắn sau lưng thường dân khi họ tranh nhau trèo lên xà lan và tàu, con số tử vong lên tới hàng ngàn.  Khi còn lại một mình trong văn phòng, tôi chụp vi ảnh những bản báo cáo này.  Mẫn, người móc nối của tôi, chắc sẽ hài lòng.  Tôi tuy cũng hài lòng, vì đây là những dấu hiệu của sự tan rã tất yếu của chế độ, nhưng không khỏi mủi lòng trước thảm cảnh của người dân đáng thương.  Có lẽ trên mặt chính trị thì thương hại họ là không đi đúng đường lối, nhưng nếu mẹ tôi còn sống thì cũng sẽ là một trong đám người này.  Mẹ tôi nghèo và chẳng ai đi hỏi người nghèo xem họ có thích chiến tranh không.  Và cũng chẳng ai hỏi họ có muốn chết khát, chết khô trên biển cả, hay muốn bị cướp bóc hãm hiếp bởi chính quân đội phe mình không.  Nếu những vạn người đó còn sống, họ cũng sẽ chẳng tin minh chết như thế nào, cũng như chúng tôi không thể tin rằng người Mỹ--đồng minh của ta, ân nhân của ta, kẻ che chở ta-- đã từ chối yêu cầu viện trợ.  Tiền để làm gì? Để mua đạn dược, xăng nhớt, và phụ tùng cho vũ khí, máy bay, và xe tăng mà chính người Mỹ đã biếu không.  Đúng là dụ cho choác xong không cho thuốc.  (Ông Tướng hay lẩm bẩm là không gì đắt bằng đồ biếu.)

Ăn uống và thảo luận xong suôi, tôi mồi thuốc cho ông Tướng và ông ngồi nhìn vào hư vô, để cho điếu Lucky Strike cháy tới ngón tay.  Khi tàn thuốc cháy làm ông choàng tỉnh khỏi cơn mộng và thốt lên một chữ đáng lý không nên nói, thì Phu Nhân bắt lũ nhỏ đang khúc khích im lặng và nói, nếu ông còn đợi nữa thì mình không thể thoát được.  Ông phải nói Claude kiếm máy bay cho mình ngay đi.  Ông Tướng làm bộ không nghe.  Phu nhân là một người có đầu óc như cái bàn toán, kỷ luật như cán bộ quân trường, và thân hình vẫn còn “có chiều thanh tân" mặc dù đã có năm con cùng chàng.  Tất cả được gói trọn trong một ngoại hình mà những họa sĩ thuộc trường phát Beaux-Arts phải dùng màu êm như phấn, cọ mềm như tơ để mà vẽ.  Tóm lại, bà là một phụ nữ Việt Nam lý tưởng.  Vì hạnh vận đó mà ông Tướng đã phải muôn đời biết ơn và hãi sợ.  Xoa bóp đầu ngón tay bị phỏng, ông nhìn tôi nói, đã đến lúc phải nhờ Claude kiếm máy bay rồi.  Chỉ khi ông nhìn xuống ngón tay bị thương tôi mới dám liếc nhìn Phu Nhân.  Bà chỉ nhướng lông mày.  Ý kiến hay thiếu tướng, tôi nói.

Claude là người bạn Mỹ tín nhiệm nhất, chúng tôi thân đến độ có lần ông tâm sự mình có một phần mười-sáu máu Phi Châu.  À thì ra thế, tôi lúc ấy cũng đã ngà ngà men rượu bourbon Tennessee, bởi vậy nên anh tóc đen, da anh ăn nắng, và anh nhảy cha-cha không kém tụi này.  Beethoven cũng vậy, ông nói.  Hèn chi, tôi nói, anh hát “Happy Birthday" thật có hồn.  Chúng tôi biết nhau hơn hai thập niên, từ hồi ông gặp tôi trên chiếc tầu há mồm năm ‘54 và đã nhìn ra được tài của tôi.  Lúc ấy tôi là một thằng lỏi chín tuổi, khôn sớm, tiếng Anh học lóm của một nhà truyền giáo người Mỹ cũng kha khá.  Còn Claude thì trên danh nghĩa làm việc cho văn phòng cứu trợ người tị nạn.  Hiện thời ông có bàn giấy trong tòa đại sứ Mỹ, ngoài mặt thì ông có trách nhiệm khuyến khích phát triển kỹ nghệ du lịch của cái đất nước chìm ngập trong chiến tranh của chúng tôi.  Việc này, như chắc bạn có thể tưởng tượng được, đòi hỏi phải vắt khô chiếc khăn mù xoa đẫm mồ hôi của tinh thần cái-gì-cũng-làm-được của người Mỹ.  Thực ra Claude là một anh Xịa đã có mặt ở Việt Nam từ thời Pháp còn đô hộ.  Thời đó, khi CIA còn là OSS, Hồ Chí Minh đã đến họ nhờ giúp đánh Pháp.  Ông mượn lời đến cả những vị sáng lập nước Mỹ trong bản tuyên ngôn độc lập của nước tôi.  Người chống ông Hồ nói ông nói xuôi nói ngược, nhưng Claude tin là ông nhìn thấy cả hai mặt cùng một lúc.  Tôi gọi Claude từ văn phòng tôi, cùng hành lang với phòng đọc sách của ông Tướng, và nói tiếng Anh cho nó biết là ông Tướng đã hết hy vọng rồi.  Tiếng Việt của Claude đã dở mà tiếng Pháp còn tệ hơn, nhưng tiếng Anh thì xuất sắc.  Tôi nói vậy chỉ vì những người Mỹ khác chưa chắc đã được như vậy.

Hết rồi, tôi nói.  Tôi tưởng Claude thế nào cũng phản đối và cãi là máy bay thả bom Mỹ vẫn có thể bay kín bầu trời, hay không quân Mỹ sẽ mang chiến đấu cơ đến giải cứu, nhưng Claude đã không làm tôi thất vọng.  Để tôi coi xem có thể dàn xếp gì được, hắn nói, có tiếng xì xầm phía sau.  Tôi tưởng tượng quang cảnh tòa đại sứ hỗn loạn, máy têlêtip nóng hổi, điện tín khẩn cấp chạy nối chằng chịt giữa Sài Gòn và Hoa Thịnh Đốn, nhân viên làm việc không ngừng nghỉ, và mùi chiến bại nồng nặc át cả máy điều hòa không khí.  Giữa đám người bồn chồn nóng nảy, Claude vẫn tỉnh bơ, sống đây quá lâu nên khí hậu nhiệt đới ẩm thấp không làm hắn đổ mồ hôi.  Trong bóng tối, hắn có thể đến gần mà không ai biết, nhưng ở xứ tôi thì hắn không thể tàng hình được.  Tuy là thành phần trí thức, hắn lại thuộc một giống người Mỹ đặc biệt, loại vai u thịt bắp chèo thuyền và gồng con chuột bự.  Trong khi giới học giả xứ tôi có khuynh hướng nhỏ con, cận thị, và nước da xanh sao thì Claude cao sáu feet hai, mắt sáng, và mỗi sáng hít đất hai trăm cái trong khi thằng ở người Nùng ngồi trên lưng.  Lúc nào có giờ là hắn đọc sách, và mỗi lần đến biệt thự chơi bao giờ cũng kẹp một cuốn sách dưới nách.  Khi đến thăm mấy ngày sau, cuốn sách mà hắn cầm theo là cuốn Chủ Nghĩa Cộng Sản Châu Á  và Phương Thức Tàn Phá Đông Phương của Richard Heff.

Tôi được cuốn sách; ông Tướng được chai Jack Daniel--nếu cho chọn thì tôi chọn chai rượu.  Tuy vậy tôi vẫn lật mấy trang đầu đọc lướt qua.  Trang bìa đầy lời khen tặng hào hển như viết bởi mấy cô bé mới lớn còn hâm mộ thần tượng, chỉ khác là những lời khen líu lo đến từ hai ông tổng trưởng quốc phòng, một vị thượng nghị sĩ đã sang thăm nước tôi hai tuần để tìm hiểu sự thật, và một anh xướng ngôn viên truyền hình nổi tiếng, có giọng nói bắt chước in hệt như một Môi-Se thủ diễn bởi Charlton Heston.  Lý do của sự phấn khích có thể tìm thấy được trong phụ đề đầy ý nghĩa, Về sự Hiểu Biết và Đánh Bại Mối Đe Doạ Mác Xít với Á Châu.  Khi Claude nói ai cũng đọc cuốn hướng dẫn làm-thế-nào, tôi nói thế thì tôi cũng phải đọc cho bằng được.  Ông Tướng khui chai rượu ra nhưng lòng dạ đâu mà nói chuyện sách vở vớ vẩn, nhất là trong khi mười tám sư đoàn quân địch đang bao vây thủ đô.   Ông chỉ muốn nói chuyện máy bay, và Claude xoa tròn ly whít-ky trong lòng bàn tay nói chỉ còn một chuyến C-130 bay lén mà thôi.  Chiếc này có thể chở chín-mươi-hai người lính nhảy dù trang bị đầy đủ.  Cái này thì ông Tướng quá rành vì đã từng phục vụ trong binh chủng Nhảy Dù trước khi được tổng thống kéo về trông coi Cảnh Sát Quốc Gia.  Vấn đề là, ông nói với Claude, nội đại gia đình ông không thôi đã tới năm-mươi-tám người.  Vài người ông không thích, có người ông còn khinh nữa là đàng khác, nhưng nếu ông không cứu hết họ hàng của bà thì Phu Nhân sẽ không bao giờ tha thứ cho ông.  

Còn nhân viên của tôi thì sao, Claude?  Ông Tướng nói bằng một thứ tiếng Anh trịnh trọng và chính xác.  Sao là sao?  Cả ông Tướng lẫn Claude quay lại nhìn tôi.  Tôi cố ra vẻ can đảm.  Tuy không phải là sĩ quan thâm niên quân vụ nhất, nhưng tôi là tùy viên và là sĩ quan rành rẽ văn hóa nước Mỹ nhất, tôi tham dự tất cả những buổi họp của ông Tướng với người Mỹ.  Cũng có dăm người đồng hương nói tiếng Anh không kém tôi, tuy hơi có tí tị accent.  Nhưng có đứa nào có thể thảo luận bóng chày, hay chuyện con Jane Fonda nó cà chớn như thế nào, hay giữa hai ban nhạc Rolling Stones và the Beatles, ban nào hay hơn, bằng tôi.  Nếu một anh Mỹ nhắm mắt khi nghe tôi nói thì thế nào cũng tưởng tôi là người đồng hương.  Thật vậy, khi nói chuyện điện thoại, người ta hay tưởng nhầm tôi là người Mỹ.  Khi gặp mặt, họ ngạc nhiên hỏi học tiếng Anh đâu mà nói hay thế?   Trong cái nền cộng hòa quả mít được ủy quyền của Hoa Kỳ này, người Mỹ tưởng không ai nói tiếng Anh, hoặc có nói thì cũng nói tiếng bồi, hay tiếng Anh có accent.  Tôi rất xì nẹc với thái độ đó.  Bởi thế cho nên tôi lúc nào cũng sẵn sàng biểu diễn khả năng viết và nói của tôi.  Vốn ngữ vựng của tôi dồi dào hơn, văn phạm của tôi chính xác hơn một thằng Mỹ có học trung bình.  Ăn nói lịch sự cũng được mà ngôn từ ba búa tôi cũng chẳng thua ai, và bởi vậy nên tôi hiểu rỏ Claude muốn nói gì khi gọi ngài đại sứ là thằng “putz” hay thằng “jerkoff,”
“ đút đầu trong đít,” vì ông ta không chịu chấp nhận thực tế là thành phố sắp đổ tới nơi rồi.  
Chính thức thì hoàn toàn không có kế hoạch di tản, Claude nói, bởi vì chúng tôi có tính đến chuyện rút đâu.

Ông Tướng trước giờ chưa bao giờ lớn tiếng, giờ thì gào to.  Mấy anh bỏ rơi chúng tôi không chính thức.  Máy bay ngày đêm rời phi trường.  Người nào làm cho Mỹ cũng muốn giấy xuất cảnh.  Họ đến tòa đại sứ của mấy anh để xin.  Các anh đã cho phụ nữ các anh di tản.  Các anh đã mang đi trẻ con mồ côi.  Tại sao chỉ có người Mỹ là không biết người Mỹ đang bỏ chạy? Claude dễ thương ở chỗ cũng tỏ vẻ mắc cở khi giải thích thành phố sẽ nổi loạn nếu lệnh di tản được tuyên bố, và rất có thể sẽ tấn công những người Mỹ còn ở lại.  Chuyện này đã xảy ra ở Đà Nẵng và Nha Trang, khi người Mỹ đã phải bỏ của chạy lấy người và để dân chúng ở lại thanh toán lẫn nhau.  Nhưng dù có tiền lệ như vậy nhưng không khí ở Sài Gòn vẫn êm ả một cách lạ lùng, đa số dân Sài Gòn vẫn như cặp vợ chồng trong một hôn nhân đã chìm xuồng, sẵn sàng bám vào nhau để cùng chết đuối miễn sao không ai nói lên cái sự thật của vụ ngoại tình.  Sự thật, trong trường hợp này, là tối thiểu một triệu người đã làm việc cho người Mỹ dưới tư cách này hay tư cách khác, từ đánh giày cho tới điều động một quân đội theo kiểu Mỹ cho đến bú cặc họ với cái giá của một cái hamburger ở Peoria hay Poughkeepsie.  Một số lớn những người này tin là nếu cộng sản thắng--một điều mà họ từ chối không tin sẽ xảy ra--thì họ sẽ một đi tù, hai bị tử hình, và con gái thì phải đi lấy lũ mọi rợ.  Họ tin vậy cũng phải vì đấy là những tin đồn tung ra bởi CIA.  

Vậy thì--ông Tướng vừa bắt đầu nói thì bị Claude ngắt lời.  Ngài có một chiếc máy bay là may lắm rồi.  Ông Tướng không phải là hạng người xin xỏ.  Ông nốc cạn ly whít ki giống như Claude rồi bắt tay chào giã từ, mắt lúc nào cũng nhìn thẳng vào mắt của Claude.  Có lần ông Tướng đã nói với tôi, người Mỹ thích nhìn thẳng mắt người ta, nhất là khi nó đang chơi vào đít mình.  Claude không thấy vậy.  Các tướng khác chỉ được chỗ cho gia đình ruột thịt, Claude nói với chúng tôi khi chia tay.  Ngay cả đến Đức Chúa Trời và Noah mà còn không cứu được mọi người.  Hay không muốn thì đúng hơn.

Có đúng vậy không? Nếu là bố tôi thì ông sẽ nói gì? Ông là một linh mục Công Giáo, nhưng tôi chưa bao giờ nghe thấy ông giảng về Noah, tuy tôi chỉ đi lễ để mà mơ mộng.  Nhưng không cần biết Đức Chúa Trời hay Noah có thể làm gì, chắc chắn là tất cả nhân viên của ông Tướng, nếu có cơ hội, sẽ cứu một trăm người họ hàng thật cũng như họ hàng giả mạo nhưng có tiền hối lộ.  Gia đình Việt Nam rất ư là phức tạp và tế nhị, và tuy đôi lúc tôi cũng thèm có gia đình, vì là con một của một người mẹ bị ruồng bỏ, nhưng lúc này thì không.

Một lát sau ông tổng thống từ chức.  Tôi đã ngỡ là ông ta sẽ bỏ nước ra đi cả mấy tuần trước  theo kiểu một nhà độc tài, và tôi chẳng thèm nghĩ đến ông trong khi chuẩn bị danh sách người tị nạn.  Ông Tướng là người khó tánh và để ý chi tiết, quen làm những quyết định nhanh và khó, nhưng đây là một công việc mà ông nhường cho tôi.  Ông còn đang lo với những vấn đề văn phòng như đọc báo cáo, đi họp ở Tổng Tham Mưu, gọi người tâm phúc để bàn làm cách nào bảo vệ thủ đô nhưng cũng đồng thời sẵn sàng bỏ rơi tất cả, một trò chơi quỉ quái không kém trò đi vòng quanh ghế theo điệu nhạc ưa chuộng nhất, để sẵn sàng ngồi xuống khi nhạc bất thình ngưng lại, anh nào không có ghế thì bị thua.   Trong đầu tôi đang nghĩ đến nhạc, vì trong khi đang soạn thảo danh sách, tôi nghe đài phát thanh Mỹ qua cái máy Sony trong phòng tôi ở biệt thự.  Những bản nhạc của The Temptations và Janis Joplin và Marvin Gaye thường giúp ta ngửi nổi cái thối tha và làm thơm cái thơm sẵn, nhưng những lúc như thế này thì không.  Mỗi một cái tên bị gạch ngang cảm thấy như một bản án tử hình.  Tên của tất cả chúng tôi, từ sĩ quan cấp thấp nhất cho đến ông Tướng, đều có đầy đủ trong một tờ giấy nhét vào miệng của một người đàn bà khi chúng tôi phá cửa xông vào nhà ba năm trước đây.  Tôi có báo cho Mẫn nhưng không kịp đưa tin đến cô ta.  Khi viên cảnh sát đè cô ta xuống đất, tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thọc tay vào miệng người đặc công Cộng Sản này để lấy ra tờ danh sách thẫm ướt nước bọt.  Tờ giấy bồi này cho thấy là thành viên của Cơ Quan Đặc Vụ, trước giờ quen theo dõi người ta, nay lại bị theo dõi ngược.  Ngay cả nếu tôi có một phút riêng tư cũng không thể tiết lộ cho nàng biết tôi cùng phe.  Số phận của nàng ra sao tôi đã quá rõ.  Người nào bị Cơ Quan Đăc Vụ thẩm vấn rồi cũng sẽ khai, và nàng dù muốn dù không cũng sẽ khai bí mật của tôi.  Nàng trẻ hơn tôi nhưng đủ kinh nghiệm đễ biết số phận của mình.  Trong một khoảnh khắc tôi thấy được sự thật trong đôi mắt, sự thật là nàng ghét tôi vì tưởng tôi là công cụ cho một chính quyền đàn áp.  Rồi, giống như tôi, nàng nhớ ra vai trò phải thủ diễn.  Ông ơi, làm ơn làm phước! Nàng kêu lên.  Tôi thề tôi vô tội.

Ba năm sau, người đặc công Cộng Sản này vẫn còn nằm tù.  Tôi vẫn còn giữ hồ sơ của nàng trên bàn giấy, để nhắc việc tôi đã không cứu được nàng.  Cũng lỗi tại tôi, Mẫn nói.  Ngày giải phóng tôi sẽ đích thân đến mở cửa tù cho nàng.  Khi bị bắt nàng mới có hai-mươi-hai tuổi, trong hồ sơ có hình lúc bị bắt, và một tấm mấy tháng trước đây, mắt nàng đã mờ và mái tóc thưa thớt.   Nhà tù nơi đây là cái máy thời gian, người ở tù già đi hơn bình thường nhiều.  Nhìn vào những tấm hình, trước kia và bây giờ, đã giúp tôi công việc chọn vài người để cứu rỗi và tuyên án nhiều người khác, kể cả vài người tôi thích.  Tôi soạn đi soạn lại danh sách trong khi những người cố thủ Xuân Lộc bị tàn sát và, bên kia biên giới, Nam Vang rơi vào tay Khờ Me Đỏ.  Vài tối sau, ông cựu tổng thống đã lẻn trốn sang Đài Loan.  Claude là người chở ông ra phi trường, và để ý thấy những va li vừa nặng mà còn có tiếng kêu lẻng kẻng, có lẽ là một phần không nhỏ của vàng dự trữ quốc gia.   Hắn kể tôi nghe ngày hôm sau khi gọi cho biết máy bay chúng tôi sẽ bay trong hai ngày.  Tôi hoàn tất danh sách xong tối hôm ấy, nói ông Tướng là tôi đã quyết định hành động một cách dân chủ và tiêu biểu, đã chọn sĩ quan cấp cao nhất, sĩ quan ai cũng nghĩ là thanh liêm nhất, người tôi thích làm việc kề cận nhất, và đại loại như vậy.  Ông chấp nhận lý luận của tôi và hậu quả tất yếu là sẽ có một số không nhỏ sĩ quan thâm niên với kiến thức và tội nhiều nhất trong Cơ Quan Đặc Vụ sẽ bị bỏ lại.  Cuối cùng tôi có được một đại tá, một thiếu tá, một đại úy, và hai trung úy.  Riêng mình tôi, tôi thêm ba chỗ cho vợ chồng Bổn, và thằng con trai và cũng là con đỡ đầu của tôi.  

Khi ông Tướng sang thăm tôi tối hôm ấy để than thở, tay cầm theo nửa chai whít-ki, tôi xin được mang Bổn theo.  Mặc dù không phải anh em ruột thịt nhưng nó đã là một trong hai thằng bạn uống máu ăn thề từ thời đi học.  Mẫn là thằng thứ hai.  Ba đứa tôi nguyện chung thủy với nhau đến mãn đời rồi cắt những bàn tay của con trai mới lớn rồi trộn máu bằng cách bắt tay.  Trong ví tôi có một tấm hình đen trắng của Bổn và gia đình.  Bổn có khuôn mặt của một người đẹp trai đã bị đánh bầm dập, nhưng đó là bộ mặt cha sanh mẹ đẻ của nó.  Ngay cả cái mũ nhảy dù và bộ chiến bào rằn ri da hổ cũng không thể làm người ta quên đi hai cái tai như cánh dù, cái cằm lúc nào cũng gập xuống ngấn cổ, và cái mũi lệch sang bên phải, như khuynh hướng chính trị của nó.  Còn Linh, vợ nó, thì thi sĩ có thể so sánh mặt nàng với trăng rằm, không chỉ vì hình dáng tròn đầy mà còn vì những vết sẹo trứng cá lấm tấm và lỗ chỗ trên mặt.  Làm sao mà hai đứa nó lại có thể đẻ ra một thằng con dễ thương như Đức thì tôi cũng không hiểu nổi.  Hay có lẽ giản dị như hai cái âm nhân lên thành dương.  Ông Tướng đưa trả tôi tấm hình và nói, đó là điều tối thiểu tôi có thể làm được.  Anh ấy là nhảy dù.  Nếu quân đội mình toàn nhảy dù không thôi thì mình đã thắng trận.

Nếu...nhưng chẳng có nếu niếc gì cả, chỉ có sự thật không thể chối cãi của ông Tướng đang ngồi trên thành ghế trong khi tôi đứng cạnh cửa sổ, nhấm nháp ly whít-ki.  Ngoài sân, anh binh nhì đang bỏ từng vốc giấy tờ mật vào ngọn lửa cháy rực rỡ trong cái thùng phuy năm-mươi-lăm ga-lông, làm đêm đã nóng còn nóng hơn.  Ông Tướng đứng dậy, đi qua đi lại trong căn phòng bé tí teo của tôi, ly rượu cầm tay, chỉ mặc có cái quần xà lỏn và áo thung lá và cằm thì lún phún râu.  Chỉ có người làm, gia đình ông, và tôi thấy ông như vậy.  Khách đến thăm biệt thự bất kỳ giờ nào thì ông cũng chải tóc bi-ăng-tin, mặc đồ ka-ki hồ cứng ngắc và ngực đeo nhiều dây băng hơn hoa hậu.  Nhưng tối nay, ngôi biệt thự hoàn toàn yên ắng ngoại trừ tiếng súng đó đây, thì ông cho phép mình than thở.  Người Mỹ hứa cứu nếu cứ nghe lời nó.  Nó là người bắt đầu cuộc chiến, rồi cũng chính nó là người chán chiến tranh.  Nó đã bán đứng mình, ông nói, rót cho tôi một ly nữa.  Nhưng lỗi của mình thì đổ thừa cho ai bây giờ?  Mình khờ mới tin chúng nó giữ lời hứa.  Giờ biết đi đâu bây giờ ngoại trừ nước Mỹ.  Sang Mỹ là còn đỡ, tôi nói.  Có lẽ vậy, ông nói.  Tối thiểu còn sống để chiến đấu lại.  Nhưng lúc này thì mình bị chơi tới bến.  Bây giờ chúc sao đây?

Tôi nghĩ một hồi rồi nói.  Cho nổ mẹ nó con ngươi luôn, tôi nói.  Dzô.

Tôi không nhớ lượm lặt được lời chúc này ở đâu, và quên cả ý nghĩa của nó, chỉ nhớ là học nó thời sang Mỹ.  Ông Tướng cũng từng sang Mỹ, tuy chỉ vài tháng, hồi còn là sĩ quan cấp nhỏ, cùng huấn luyện với một tiểu đội tại Fort Benning thời ‘58, đó cũng là lúc mà dân Green Beret  nhồi nhét trong đầu ông những ý tưởng chống cộng.  Trường hợp tôi cũng có nhồi mà không vào.  Lúc ấy tôi đã “chui sâu”, nửa sinh viên có học bổng, nửa tình báo tập sự, người Việt duy nhất tại một đại học nho nhỏ nhiều cây cối tên là Occidental với châm ngôn Occidens Proximus Orienti ( Phương Tây gần nhất phương Đông--người dịch.)  Ở đó tôi đã trải qua sáu năm bình dị trong cái thế giới mơ mộng và bị ánh nắng mặt trời làm mụ người của miền Nam Cali trong thập niên sáu-mươi.  Tôi không học về xa lộ hay hệ thống cầu cống hay một môn học hữu ích như vậy.  Thay vào đó, Mẫn, kẻ đồng mưu của tôi, giao cho tôi công tác học lấy lối suy nghĩ của người Mỹ.  Chiến tranh của tôi là loại chiến tranh tâm lý.  Để làm vậy, tôi đã học lịch sử và văn chương Hoa Kỳ, trau giồi văn phạm cho chỉnh, học tiếng lóng, hút cần sa và mất mẹ nó cái trinh.  Nói tóm lại, tôi không chỉ học chương trình cử nhân mà còn lấy luôn bằng thạc sĩ, và thông thạo về tất cả những gì có dính đến người Mỹ.  Ngay đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in lần đầu tiên tôi đọc ông triết gia người Mỹ vĩ đại nhất, Emerson, trên một bãi cỏ cạnh lùm cây dạ hương óng ánh.   Đầu óc của tôi nửa để ý đến mấy nàng nữ sinh viên có nước da rám nắng quyến rũ, mặc áo dây, quần thì cũn cỡn, nằm phơi nắng trên bải cỏ, nửa nhìn vào những hàng chữ đen nằm ngay đơ trên trang giấy trắng--” Nhất trí là quái vật của lũ tiểu trí/ consistency is the hobgoblin of the little minds.”  Trong những điều Emerson viết, chưa  câu nào tả nước Mỹ xác thực hơn, nhưng đó không phải là lý do duy nhất tôi gạch đít hàng chữ một lần, hai lần, ba lần.  Điều làm tôi bị chấn động lúc ấy, và choáng váng bây giờ là, quê mẹ tôi, nơi mà chúng tôi chẳng là gì nếu không tương phản, cũng in hệt như vậy.  

Sáng hôm cuối cùng, tôi chở ông Tướng đến văn phòng của ông tại bộ tư lệnh Cảnh Sát Quốc Gia.  Văn phòng tôi ở cùng hành lang của văn phòng ông Tướng.  Tôi cho gọi năm người sĩ quan đã chọn đến gặp riêng, từng người một.  Tối nay đi? Ông đại tá rất lo lắng hỏi, mắt ông to và ướt.  Đúng.  Thế còn bố mẹ tôi? Bố mẹ vợ tôi? Ông thiếu tá, một người hay rượu chè, mê nhà hàng tàu Chợ Lớn hỏi.   Không.  Anh, chị, cháu, chắt? Không.  Người ăn người làm? Không.  Va-li, quần áo, chén cổ? Không.  Ông đại úy, hơi đi hai hàng vì bệnh lậu, dọa tự tử nếu tôi không cho thêm chỗ.  Tôi đưa ông khẩu súng lục và ông lủi thủi bỏ đi.  Trái lại, mấy anh trung úy trẻ tỏ vẻ biết ơn.  Chức vụ có được nhờ cha mẹ quen biết nên họ có cái tướng cà giật của mấy con múa rối.   

Tôi đóng cửa lại sau khi người cuối cùng đã đi.  Khi những tiếng ầm ầm từ xa làm rung rinh  
cửa sổ, tôi thấy khói lửa bốc lên nghi ngút bên trời đông.  Đạn pháo của giặc đã phá nổ kho đạn Long Bình.  Tôi cảm thấy nửa muốn khóc, nửa muốn ăn mừng. Tôi mở ngăn kéo trong đó còn giữ chai Jim Beam còn vài ngụm.  Mẹ tôi nếu còn sống sẽ nói, đừng uống nhiều vậy, con.  Không có tốt.  Chắc không mẹ? Khi người ta ở vào một cái thế kẹt như tôi, một tên phản gián chui sâu trong hàng ngũ nhân viên của ông Tướng, thì khi nào hưởng được thì cứ hưởng.  Tôi uống cạn chai rượu rồi chở ông Tướng về nhà trong cơn giông bão, nước ối vỡ oà trên đầu thành phố như dấu hiệu cho một mùa sắp tới.   Có người mong mùa mưa có thể làm chậm bước tiến của những sư đoàn đang tiến tới, nhưng tôi nghĩ chưa chắc.  Tôi bỏ bữa ăn tối và chất ba lô với đồ dùng toa-lét, một cái quần chinos, chiếc áo Madras mua tại J. C. Penney ở Los Angeles, đôi giầy loafers, ba cái quần lót, một cái bài chải đánh răng điện mua ở chợ trời, một tấm ảnh có khung của mẹ tôi, phong bì đựng ảnh chụp ở đây và bên Mỹ, máy ảnh Kodak của tôi, và cuốn Chủ Nghĩa Cộng Sản Châu Á  và Phương Thức Tàn Phá Đông Phương.

Cái ba lô là quà của Claude tặng cho nhân dịp lễ ra trường đại học.  Nó là vật sở hữu đẹp nhất của tôi, có thể đeo trên lưng hay, khi gấp dây vài chỗ, biến thành một cái va-li xách tay.  Làm bằng da màu nâu mềm bởi một hãng có uy tín ở New England, chiếc ba-lô sực mùi bí ẩn của lá mùa thu, tôm hùm nướng, và mồ hôi và tinh khí của con trai học trường nội trú  Chữ viết lồng nhau của tên tôi được in dấu bên hông, nhưng đặc biệt nhất là cái đáy giả.  Claude nói thằng đàn ông nào cũng phải có hành lý có đáy giả.  Phòng khi hữu sự.   Hắn đâu có biết tôi dấu cái máy ảnh nhỏ Minox trong đó.  Cái Minox, món quà của Mẫn cho tôi, trị giá gấp mấy lần mức lương hàng năm của tôi.  Tôi đã dùng nó để chụp tài liệu mật nào mà tôi có cơ hội đụng tới và nghĩ có thể có thể sử dụng lại được.   Cuối cùng, tôi chọn trong đám sách vở và đĩa hát, phần lớn mua bên Mỹ và cái nào cũng có đầy dấu ấn của kỷ niệm.  Tôi không còn chỗ cho Elvis hay Dylan, Faulkner hay Twain, và mặc dù tôi có thể mua cái khác, lòng tôi vẫn nặng chĩu khi tôi viết tên Mẫn trên thùng sách vở và đĩa hát.  Nhiều quá chịu không nổi, như cây đàn ghi-ta đã chường cái hông đầy đặn trách móc trên giường khi tôi bỏ đi.   

Chất đồ xong suôi, tôi mượn chiếc Citroen để đi đón Bổn.  Quân cảnh trạm kiểm soát vẫy tay cho đi khi thấy chiếc xe có gắn sao tướng.  Chỗ tôi đến nằm bên kia sông, một thủy lộ bần cùng hai bên là những cái chòi của dân từ quê trôi dạt lên sau khi nhà cửa đồng ruộng của họ đã bị đốt cháy rụi bởi những tên lính mắc bệnh thích đốt nhà hay mấy thằng hỏa phạm chọn đúng nghề bỏ bom.  Qua khỏi cánh đồng bao la của những căn nhà lụp xụp xây cất bừa bãi, đi sâu vào trong quận Tư,  Bổn và Mẫn đang đợi ở một quán nhậu sân vườn, nơi mà ba thằng chúng tôi đã say sưa không biết bao lần mà kể.  Bàn nào cũng đầy lính và thủy quân lục chiến, súng gác dưới bàn, tóc thì gọt trọc bởi những tay thợ húi thô bạo, cố tình cho lòi hình dạng xương sọ vì một mục đích tướng mệnh hộp sọ hiểm ác nào đó.  Chưa kịp  ngồi xuống là Bổn đã rót cho tôi một cốc bia  nhưng bắt đợi nghe lời chúc rượu xong mới được uống.  Mình sẽ gặp nhau lại ở Phi Luật Tân! Tôi nói thực ra là Guam vì nhà độc tài Marcos đã chán người tị nạn rồi và không muốn nhận nữa.  Bổn vừa cầm ly lăn lăn trên trán vừa rên rỉ.  Tôi tưởng là cùng cực hết chỗ nói rồi, nó nói.  Ai ngờ giờ mấy thằng Phi mà cũng xem thường mình nữa sao?  Dẹp mấy thằng Phi qua một bên, Mẫn nói.  Hãy uống mừng Guam.  Người ta nói ban ngày của nước Mỹ bắt đầu nơi đó.  Và ngày tàn của chúng ta, Bổn lẩm bẩm.  

Không như Mẫn và tôi, Bổn là một người yêu nước chân chính, một người cộng hòa đã tình nguyện tòng quân đánh giặc vì đã thù ghét cộng sản kể từ khi thằng cán bộ vùng khuyến khích cha nó, một ông thôn trưởng, quì giữa làng và tự thú trước khi bắn một viên đạn sau tai.  Để mặc nó thì Bổn chắc chắc sẽ chơi kiểu Nhật, đánh cho đến chết hay chỉ súng lên đầu, thế nên Mẫn và tôi đã khuyên nó phải nghĩ đến vợ con.  Bỏ nước chạy sang Mỹ không phải là đào ngũ, chúng tôi nói.  Đây là một cuộc triệt thoái có tính cách chiến lược.  Chúng tôi nói với Bổn là ngày mai Mẫn cũng sẽ trốn với gia đình, trong khi sự thực là Mẫn sẽ ở lại để chứng kiến cuộc giải phóng miền nam bởi đám cộng quân miền bắc mà Bổn vô cùng khinh bỉ.  Giờ thì Mẫn bóp vai nó bằng những ngón tay dài và thanh tú và nói, Mình là anh em kết nghĩa, ba thằng mình.  Thua trận, mình vẫn là anh em, mất nước mình vẫn là anh em.  Nó nhìn tôi mà nước mắt rươm rướm.  Đối với chúng tôi không có kết thúc.

Mày nói phải, Bổn nói, lắc mạnh đầu để che dấu những giọt nước mắt.  Âu sầu ảm đạm như vậy đủ rồi.  Mình sẽ về lấy lại quê hương, đúng không?  Nó cũng nhìn tôi.  Tôi không mắc cở vì những giọt nước mắt của mình.  Hai thằng này còn ngon hơn anh em ruột thịt vì chúng tôi đã chọn nhau. Tôi nâng ly bia lên.  Ly này cho sự trở lại, tôi nói.  Và cho nghĩa huynh đệ không bao giờ chấm dứt.  Chúng tôi nốc cạn ly, gọi bồi mang thêm ra, khoác vai nhau, và một tiếng đồng hồ huynh huynh đệ đệ và nghe nhạc.  Tên chơi đàn là một thằng tóc dài trốn lính, mặt mũi xanh xao vì cả mười năm qua, ban ngày sống chui sống nhủi giữa những bức tường nhà của cha chủ quán, đến đêm mới bò ra.  Nàng ca sĩ là một cô gái tóc dài có giọng êm dịu, dáng người thon thả phác họa bởi chiếc áo dài lụa có sắc hồng trinh nữ.  Nàng đang hát một ca khúc của Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ mà cả dân nhảy dù cũng ái mộ.  
Ngày mai em đi, ….Giọng ca nàng cất cao, át tiếng nói chuyện và tiếng mưa rơi.  Biển nhớ tên em gọi về… Tim tôi chợt thổn thức.  Chúng tôi không phải là một dân tộc lao đầu vào cuộc chiến theo tiếng gọi của tù-và hay kèn quân.  Không, chúng tôi chiến đấu theo điệu nhạc tình, vì chúng tôi là dân Ý cùa Châu Á.  

Ngày mai em đi.  Thành phố mắt đêm đèn mờ ….Nếu Bổn biết đây là lần cuối còn gặp Mẫn thì nó sẽ chẳng bước lên máy bay.  Từ thời học lycée, chúng tôi đã tưởng tượng mình là Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ, ba như một, một như ba.  Mẫn đã giới thiệu chúng tôi với Dumas: trước hết, vì ông là một đại văn hào, và hai, vì ông là người có giòng máu lai Phi Châu.  Vì thế ông trở thành mẫu mực cho chúng tôi, những người mà đất nước là thuộc địa của cùng một dân Pháp đã khinh bỉ ông vì gốc gác của ông.  Là một người mê đọc sách mà lại có tài kể truyện,  nếu thời bình thì Mẫn có thể đã là giáo sư văn chương của chính lycée chúng tôi.  Ngoài việc dịch ba cuốn truyện Perry Mason của Erle Stanley Gardner sang tiếng mẹ đẻ, nó còn viết một cuốn tiểu thuyết xoàng xĩnh kiểu Zola dưới một bút hiệu.  Nó có nghiên cứu về nước Mỹ nhưng chưa bao giờ đặt chân đến đó.  Bổn gọi một phùa bia nữa và hỏi bên Mỹ có vườn nhậu không.  Họ có quán rượu và siêu thị có thể đến đó mua bia, tôi nói.  Thế có em đẹp đứng hát như thế này không? nó hỏi.  Tôi rói đầy cốc nó và nói, họ có gái đẹp nhưng họ không hát mất bài như thế này.

Rồi anh đàn sĩ bắt đầu quạt chả hợp âm của một bài khác.  Họ có hát mấy bài như thế này , Mẫn nói.  Đó là bài Yesterday của ban the Beatles.  Trong khi ba thằng chúng tôi cùng nhau rống cổ lên hát thì mắt tôi bỗng nhoè nhoẹt.  Chẳng biết cuộc đời sẽ như thế nào nếu sống trong thời mà chiến tranh không là định mệnh, không bị lãnh đạo bởi một lũ hèn nhát và thối nát, nền  kinh tế quốc gia không bị khó khăn đến nỗi phải lệ thuộc vào loại viện trợ kiểu truyền nước biển của Hoa Kỳ? Những người lính trẻ chung quanh tôi chẳng biết ai ngoại trừ anh em kết nghĩa của tôi thế nhưng thú thật, tôi thông cảm họ, những người không biết sống nay chết mai, hay bị thương, hay giam cầm, hay làm nhục, hay bỏ rơi, hay lãng quên.  Họ là kẻ thù của tôi, nhưng họ cũng là chiến hữu của tôi.  Thành phố của họ sắp sụp đổ trong khi thành phố của tôi sắp được giải phóng.  Thế giới của họ kết thúc trong khi thế giới của tôi chỉ đổi thay.  Và vì thế, trong hai phút đó chúng tôi hát bằng tất cả tấm lòng, thương cho quá khứ và hướng về tương lai, những người bơi ngửa về phía thác nước.

Đến lúc đi thì mưa cũng vừa tạnh.  Chúng tôi đang hút điếu thuốc cuối cùng ở lối vào của con hẻm ẩm ướt những giọt mưa  và cũng là lối ra của quán bia vườn thì ba anh thủy quân lục chiến lảo đảo bước ra khỏi cái bóng tối âm đạo.  Sài Gòn đẹp lắm. Họ hát.  Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi.  Dù mới có sáu giờ, nhưng họ đã say chếnh choáng, chiến y ướt đẫm bia.  Mỗi anh đeo trên vai một khẩu M16, và một cặp trứng dái tòng teng.  Khi nhìn kỹ thì đấy là hai quả lựu đạn móc hai bên thắt lưng.  Mặc dù quân phục, súng ống, và mũ sắt, giống như của chúng tôi, đều làm bên Mỹ, nhưng nhìn thì rõ ràng họ không phải người Mỹ.  Chiếc mũ sắt bị móp làm lòi tẩy, những cái nồi bằng sắt vừa đầu Mỹ nhưng quá to cho chúng tôi.  Cái đầu của người lính thủy quân lục chiến quay bên này, quay bên kia rồi anh đụng vào tôi và chửi thề, vành mũ sụp xuống ngang mũi.  Khi anh đẩy nó lên, tôi thấy một đôi mắt lờ đờ cố nhìn cho rõ.  Ê!  Anh nói, hơi thở nồng nặc, giọng miền nam đặc sệt nên tôi không hiểu.  Cái gì vậy? Cảnh sát hả?  Đi đâu với lính thứ thiệt vậy?

Mẫn búng tàn thuốc vào người anh ta.  Ông cảnh sát này là đại úy.  Chào thượng cấp đi trung úy.

Anh thủy quân lục chiến thứ hai, cũng là trung úy, nói, phải không đó, thiếu tá, và anh thủy quân lục chiến thứ ba, cũng là một trung úy, nói, Tướng hay tá cũng kệ mẹ nó.  Tổng thống giông rồi.  Tướng hả?--xì!   Bay như mây khói.  Lúc nào cũng vậy.  Lo cho cái thân mình trước.  Biết gì không? Để lại mấy thằng này để chặn hậu.  Bao giờ cũng vậy.  Triệt thoái cái con mẹ gì ? anh thủy quân lục chiến thứ hai nói.  Có chạy đàng trời.  Chỉ có chết.  Anh đầu tiên nói.  Bổn phận là phải chết.
Tôi búng điếu thuốc đi.  Mấy anh chưa có chết.  Trở về đơn vị đi.
Anh thủy quân lục chiến đầu tiên nheo mắt nhìn kỹ mặt tôi, bước lại gần cho tới khi mũi chạm mũi.  Anh là cái thá gì?

Trung úy không được vô lễ!  Bổn quát lên.
Để tui nói anh là ai.  Người thủy quân lục chiến dí ngón tay vào ngực tôi.
Đừng có nói, tôi nói.
Đồ con hoang! Anh ta thét lên.  Hai anh lính kia phá lên cười và phụ họa.  Đồ con hoang!
Tôi rút khẩu súng chỉa giữa hai con mắt anh ta.  Hai anh kia rờ khẩu M16 nhưng còn lưỡng lự.  Tuy say nhưng họ vẫn biết không thể nhanh hơn mấy ông bạn còn tỉnh táo của tôi.
Mấy ông say đúng không, trung úy? Giọng tôi run run.
Dạ đúng, anh thủy quân lục chiến nói.
Vậy tôi sẽ không bắn anh.
May sao đúng lúc có tiếng nổ.  Mọi người quay đầu về hướng bom nổ, tiếp theo là một tiếng nữa và một tiếng nữa, về phía tây bắc.  Phi trường, Bổn nói.  Hai trăm kí lô.  Từ chỗ chúng tôi đứng không thể thấy gì.  Một lúc sau thì khói đen cuồn cuộn bốc lên.  Rồi làm như tất cả súng ống từ dưới phố cho tới phi trường đều nổ cùng một lúc, súng nhẹ kêu cách-cách-cách và súng nặng kêu ục-ục-ục, tên lửa màu cam bay như mưa rào lên trời.  Tiếng ồn ào huyên náo làm tất cả người dân của con đường tồi tàn đổ xô ra cửa và tôi đút khẩu súng vào bao.  Choàng tỉnh vì sự xuất hiện của nhân chứng, mấy ông trung úy trèo lên xe jeep và không nói một lời nào, rồi họ lái lượn giữa vài chiếc Honda trên đường cho tới khi đến ngả tư.  Chiếc xe jeep bỗng ngừng lại và mấy chàng thủy quân lục chiến trèo ra, tay cầm M16, mặc cho bom tiếp tục nổ và thường dân đứng đầy đường.  Tim tôi thót lại khi thấy họ trừng mắt nhìn tôi dưới ánh vàng vọt của cột đèn đường, nhưng họ chỉ chỉa súng lên trời gầm thét bắn cho đến khi hết đạn. Tim tôi đập nhanh và mồ hôi chảy xuống ướt đẫm lưng, nhưng tôi cười vì bạn và châm một điếu thuốc khác.

Lũ ngu xuẩn! Bổn hét to trong khi dân chúng lom khom trong cửa.  Mấy anh thủy quân lục chiến chửi chúng tôi một tràng trước khi leo lên xe jeep, quẹo góc đường, và biến mất.  Bổn và tôi chào tạm biệt Mẫn, và sau khi nó lái xe jeep của nó đi rồi thì tôi đáp chìa khóa xe cho Bổn.  Tiếng bom đạn đã ngừng hẳn, và khi nó lái chiếc Citroen về chung cư, vẫn lầu bầu rủa xả mấy chàng thủy quân lục chiến.  Tôi giữ im lặng.  Thủy quân lục chiến đâu cần phải lịch sự, chỉ cần   
có bản năng bén nhạy khi đối diện với những vấn đề sinh tử.  Còn gọi tôi là con hoang thì tôi không bực mình bằng phản ứng của chính mình.  Đến ngần tuổi này lý ra phải quen rồi chứ, nhưng tôi vẫn chưa quen.  Mẹ tôi là người bản xứ, cha tôi ngoại quốc, và người quen cũng như kẻ lạ khoái nhắc nhở tôi điều này từ hồi tôi còn bé, nhổ nước bọt vào mặt gọi tôi là con hoang, nhưng thỉnh thoảng gọi tôi là con hoang trước nhi nhổ nước bọt.


 

No comments:

Post a Comment