Tuesday, July 28, 2015

THIÊN ĐÀNG-ĐỊA NGỤC

THIÊN ĐÀNG-ĐỊA NGỤC
JHUMPA LAHARI

Thực ra Pranab Chakraborty không có họ hàng gì với bố tôi cả.  Chú ấy chẳng qua là người cùng quê ở Bengal rồi tình cờ quen biết bố mẹ tôi hồi thời thập niên bẩy mươi khi họ đang sống trong một căn apartment ở Central Square.  Tôi không có chú ruột bên Mỹ nên bố mẹ tôi bắt gọi chú ấy là Pranab Kaku, có nghĩa là chú Pranab.  Chú ấy gọi bố tôi là Shyamal Da, có nghĩa là anh Shyamal, và gọi mẹ tôi là Boudi, có nghĩa là chị dâu cả, thay vì dùng tên thật Aparna của bà.  
Sau khi đã quen một thời gian rồi thì chú Pranab mới thú thật là hồi đầu, chú đã theo hai mẹ con tôi suốt cả buổi chiều, đi khắp phố phường Cambridge, sau khi mẹ tôi đón tôi ở trường ra.  Chú đi rều rễu theo sau mẹ con tôi khi đi trên con đường Massachusetts và khi đi vào Harvard Coop để mua sắm hàng gia dụng giảm giá.  Chú theo chúng tôi vào Harvard Yard, nơi mẹ tôi hay ngồi trên bãi cỏ nhìn giòng người đông đảo ra vào lớp học.  Cuối cùng, khi tôi vào thư viện Widener để đi tiểu thì chú rón rén đến hỏi mẹ tôi bằng tiếng Anh là bà có phải là người Bengali không.  Đúng ra thì chẳng cần phải hỏi cũng đã phải biết rồi.  Mẹ tôi tay đeo những vòng màu trắng và đỏ mà chỉ những người đàn bà Bengali đã có chồng mới đeo, mặc áo sari kiểu miền Tangail, và trên đường rẽ chính giữa tóc vẽ một đường bột màu đỏ.  Mẹ tôi lại còn có khuôn mặt đầy đặn và đôi mắt đen láy của một người phụ nữ Bengali tiêu biểu.

Lúc đó thì gia đình chúng tôi đã ở Central Square được ba năm.  Trước đó, chúng tôi sống ở Berlin, nơi tôi ra đời, và nơi mà cha tôi hoàn tất chương trình học về vi trùng học trước khi nhận việc làm nghiên cứu gia tại Mass General, và trước khi ở Berlin thì bố mẹ tôi đã sống tại Ấn Độ.  Tôi chỉ nhớ được Central Square và căn apartment lợp ván màu nâu.  Và chú Pranab lúc nào cũng có mặt ở đó.  Vẫn theo lời kể của chú thì chiều hôm đó mẹ tôi mời chú về nhà dùng trà; và sau khi biết là đã hơn ba tháng mà chú chưa được ăn thức ăn Bengali, bà dọn ra món cơm cà-ri cá thu còn thừa từ tối hôm trước.  Chú ở lại cho đến khi bố tôi đi làm về rồi ngồi lại ăn tối với gia đình tôi.  Và kể từ đó, hầu như tối nào chú cũng đến ăn chung, và đã nghiễm nhiên trở thành một thành viên của gia đình chúng tôi.

Chú Pranab vốn là con nhà khá giả ở Calcutta trước khi qua Mỹ học kỹ sư tại MIT.  Năm đầu ở Boston, chú mất gần hai mươi pound.  Chú ở trọ nhà một bà ly dị với hai con nhỏ lúc nào cũng khóc la.  Chú ở phòng trên gác và chỉ được xử dụng bếp trong giờ giấc nhất định.  Bố mẹ tôi rất thông cảm và nếu có phòng dư cũng đã cho chú ở.  Và từ đó, cửa nhà tôi lúc nào cũng rộng mở và bất cứ lúc nào có thì giờ rỗi rảnh là chú có mặt ở đó.

Tôi còn nhớ rõ tiếng cười rộn rã và dáng người dong dỏng của chú.  Chú có vầng trán cao và bộ ria rậm rạp, và tóc tai chú bù xù trông giống mấy ông hippie mà thời đó đi đâu cũng thấy.  Mặc dù chú ấy là một khoa học gia nhưng trông chẳng có vẻ gì là cứng rắn hay ngăn nắp.  Chú ấy lúc nào cũng như con ma đói, bước vào cửa là kêu rên rầm rĩ, và rồi ngồi xuống là ăn như rồng cuốn, hay có lúc thò tay ăn vụng những miếng thịt mà mẹ tôi đang chiên trên chảo vừa bỏ ra.  Bố mẹ tôi nói chú là một sinh viên cực kỳ thông minh, trước đây là một ngôi sao sáng của Jadavpur, nhưng chú Pranab không siêng đến trường và cúp cua đều đặn.  “ Mấy thằng Mỹ này vẫn còn nhai đi nhai lại mấy cái phương trình mà khi em bằng tuổi con Usha đã học qua rồi.”   Chú ngạc nhiên là thầy giáo lớp hai của tôi không bắt làm bài tập và đã bảy tuổi rồi mà vẫn chưa dậy rút căn hai học về số pi.  

Chú ấy đến là đến, không bao giờ gọi điện thoại báo trước, chỉ việc gõ cửa ầm ĩ như hồi còn ở tại Calcutta và gọi to “ Boudi” trong khi đợi mẹ tôi ra mở cửa.  Hồi chưa gặp chú, khi tôi về tới nhà là thấy mẹ tôi đã khăn áo chỉnh tề, sẵn sàng ra khỏi nhà.  Nhưng giờ thì mẹ tôi cả ngày lúc thúc trong nhà, lúc thì lăn bột chiên bánh phồng luchi mà thường chỉ làm vào ngày Chủ Nhật cho hai cha con tôi, lúc thì treo cái màn cửa mới mua ở tiệm Woolworth.  Hồi đó tôi nào biết là mẹ tôi trông mong chú Pranab tới chơi, là bà diện chiếc áo sari mới và chải đầu cẩn thận và chuẩn bị cả ngày những bánh trái sẽ dọn ra mời chú với một vẻ hững hờ giả bộ.  Đâu biết là mẹ tôi sống cho những giây phút mà chú gọi to “ Boudi” từ ngoài cửa và ngày nào chú không đến thì bà cau có cả ngày.

Không riêng gì bà, chính tôi cũng mong chú đến chơi.  Chú chỉ cho tôi những trò ảo thuật và dậy tôi học thuộc bảng cửu chương trong khi trong lớp tôi chưa đứa nào biết.  Chú có thú chụp hình.  Chú có một cái máy ảnh đắt tiền và tôi, một con bé mặt tròn, răng sún, tóc ngang trán, đã trở thành một đề tài ưa chuộng của chú.  Cho tới bây giờ, đó vẫn là những tấm hình của tôi mà tôi thích nhất, vì chúng cho thấy một sự tự nhiên của tuổi trẻ mà nay không còn nữa.  Tôi nhớ mình chạy lăng quăng trong khuôn viên Harvard hay đứng tạo dáng trên bậc thềm trường đại học hay dựa vào thân cây trong công viên.  Chỉ có một tấm hình duy nhất mà trong đó có mẹ tôi.  Mẹ tôi đang bồng tôi trên lòng, đầu nghiêng về phía tôi.  Trong tấm hình đó, bóng của chú Pranab, tay cầm máy ảnh, chồng lên nửa người của mẹ tôi.     

Họ có nhiều sở thích giống nhau như nghe nhạc, phim ảnh, chính trị thiên tả, và thi ca.  Những sở thích mà bố tôi không cùng chia xẻ.  Gia đình họ ở cùng khu ở miền Bắc Calcutta.  Họ biết cùng những gian hàng, những chuyến xe buýt, và tuyến đường xe điện, những chỗ nào làm bánh jelabi và món mughlai paratha ngon nhất.  Bố tôi trong khi đó, đến từ một vùng ngoại ô cách Calcutta hai mươi dặm, một vùng mà mẹ tôi xem là hoang dã và may là đã không phải về làm dâu, một nơi mà mẹ tôi sẽ phải dùng nhà vệ sinh thô sơ theo kiểu một lỗ nhỏ bên trên một hầm chứa.  

Vài tuần sau chú Pranab mang lại nhà cái máy chơi nhạc của chú và bắt đầu cho nghe những nhạc bản của những phim Ấn Độ thời xưa.  Những bản nhạc tình đã thay đổi cái cuộc sống yên tĩnh của apartment và mang mẹ tôi trở về một thế giới đã bỏ lại kể từ khi lấy bố tôi.  Mẹ tôi và chú Pranab nhắc lại những cảnh phim, những tài tử, và những trang phục của họ.  Mẹ tôi thuật lại đoạn Raj Kapoor và Nargis che dù đứng hát dưới mưa, hay tả cảnh Dev Arnand gảy đàn trên bãi biển ở Goa.  Lại có những lúc hai người tranh luận say sưa những đề tài như vậy, to tiếng giả vờ cãi lộn, những điều mà mẹ tôi chưa bao giờ làm với bố tôi.  

Vì chú là vai em nên mẹ tôi gọi thẳng bằng tên Pranab trong khi đó bà không bao giờ gọi bố tôi bằng tên gọi.  Lúc ấy bố tôi ba mươi bảy tuổi, hơn mẹ tôi chín tuổi.  Chú Pranab hai mươi lăm tuổi.  Bố tôi là người thích yên lặng và tĩnh mịch.  Ông lấy vợ để chiều lòng cha mẹ;  Ông bà tôi quan niệm là đi đâu thì đi, miễn sao có vợ là được rồi.  Bố tôi say mê trong công việc nghiên cứu và sống khép mình trong một vỏ ốc mà cả hai mẹ con tôi đều không thể lọt vào.  Ông ngại nói chuyện và không thích cái gì thái quá.  Ngoại trừ những nhu cầu thanh đạm thường nhật, ông không đòi hỏi hay thèm khát cái gì khác.  Thông lệ của ông là một bát cereal buổi sáng, một ly trà khi đi làm về, và hai món rau cho bữa ăn tối.  Ông không ăn uống quá độ như chú Pranab.  Ông quan niệm ăn để sống và hay nhắc lại truyện người Nga dưới thời Stalin phải ăn keo hồ giấy dán tường mà sống.  Người nào không biết sẽ tưởng bố tôi thế nào cũng phải ghen, hay tối thiểu thì nghi ngờ, sự lai vãng thường xuyên của chú Pranab và sự thay đổi tâm tính của mẹ tôi.   Nhưng tôi nghĩ bố tôi cảm kích tình bạn của chú Pranab vì đã làm mẹ tôi vui và làm ông cám thấy bớt áy náy vì đã bắt bà phải xa rời Ấn Độ.  

Mùa hè năm ấy, chú Pranab tậu một chiếc xe con bọ Volkswagen màu xanh dương và bắt đầu chở mẹ con tôi đi khắp phố phường Boston và Cambridge.  Chú chở chúng tôi ra tiệm India Tea and Spices ở Watertown, và có lần chở ra tận New Hampshire để xem núi.  Khi trời bắt đầu trở nóng, chúng tôi đi chơi hồ Walden một tuần hai lần.  Lần nào mẹ tôi cũng luộc trứng và làm sandwich dưa leo để mang theo ăn picnic.  Mẹ tôi nhắc lại những lần picnic mùa đông khi còn bé, những hành trình đi với năm mươi người họ hàng, bằng xe lửa về miền quê phía Tây Bengal.  Chú Pranab chăm chú lắng nghe những chi tiết xa dần trong quá khứ của mẹ tôi.  Ở hồ Walden, chú Pranab dắt mẹ tôi đi qua rừng và xuống con dốc đến bờ hồ.   Rồi bà trải khăn trên cỏ, ngồi nhìn chúng tôi bơi.   Chú người đầy lông lá,  chân cẳng khẳng khiu nhưng bụng chảy như một thiêu phụ mảnh dẻ nhưng bụng nhão sau khi sanh.  “ Tôi mập là tại chị đó, Boudi.” chú than sau khi ăn ngấu nghiến thức ăn mẹ tôi nấu.  Chú bơi bì bõm, đầu lúc nào trên mặt nước, và không biết thổi bong bóng hay nín thở như cách bơi mà tôi học.  Đi đâu người ta cũng tưởng chú Pranab là bố tôi, và mẹ tôi là vợ chú.

Giờ thì tôi hiểu là mẹ tôi đã yêu chú.  Chưa người đàn ông nào đã tán bà như chú đã làm với cái tâm tình ngây thơ của một người em chồng.  Đối với tôi, chú chỉ là một người trong gia đình, nửa là chú, nửa là anh, vì nhiều khi bố mẹ tôi săn sóc chú như đã săn sóc cho tôi.  Chú lúc nào cũng giữ lễ anh em với bố tôi, lúc nào cũng hỏi ý kiến trước khi làm việc gì.  Đôi khi mẹ tôi chòng ghẹo chú về con gái, hỏi về những nữ sinh viên Ấn Độ trong MIT, hay cho coi hình cô em họ ở Ấn Độ.  “ Sao, trông có được không?” mẹ tôi hỏi.  “ Đẹp đấy chứ?”  Mẹ tôi biết không có cách nào có được chú nên tối thiểu kiếm cách giữ chú trong gia đình.  Nhưng, quan trọng hơn cả, chú đã hoàn toàn sống ỷ vào mẹ tôi, đã đến cần bà trong những tháng trời đó nhiều hơn là bố tôi cần bà trong suốt cuộc hôn nhân.  Chú đã mang lại cho mẹ tôi niềm hạnh phúc trọn vẹn đầu tiên, và duy nhất.

xxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxx

Mùa thu năm 1974, chú Pranab gặp một nữ sinh viên trường Radcliffe, tên là Deborah.  Cô ta là người Mỹ.  Và cô ta bắt đầu tháp tùng chú đến nhà tôi chơi.  Bố mẹ tôi và tôi gọi cô là Deborah, nhưng chú Pranab dạy cô gọi bố tôi là Da và mẹ tôi là Boudi.  Tôi hỏi mẹ tôi, trong khi bà dọn dẹp phòng khách để chuẩn bị chuyến viếng thăm lần đầu của họ, là tôi có nên gọi cô là Deborah Kakima, cô Deborah, hay không.  “ Gọi làm gì?” mẹ tôi sẵng giọng nói. “Ba bảy hai mươi mốt ngày là nó sẽ bỏ ngay.  Rồi mày coi.”  Nhưng Deborah vẫn đeo chú cứng ngắc, theo chú tham dự những buổi tiệc tùng cuối tuần, những bữa tiệc mà ngoài cô ra,  gồm toàn người Bengali.  Deborah người rất cao, cao hơn bố mẹ tôi và cao gần bằng chú Pranab.  Tóc cô rẽ ngôi giữa giống như mẹ tôi nhưng phía sau buộc thành đuôi gà thay vì thắt bím.  Cô đeo kính gọng bạc và mặt mũi ít khi nào son phấn.  Cô đang theo học ban Triết Học.  Tôi thấy cô cực kỳ đẹp, nhưng mẹ tôi chê mặt nhiều tàn nhang và hông nhỏ.

Một dạo sau đó, chú Pranab vẫn đến ăn tối một mình mỗi tuần để hỏi dỏm xem mẹ tôi nghĩ gì về Deborah.  Có lẽ là chú muốn sự tán thành, chấp thuận của mẹ tôi.  Chú nói là bố mẹ Deborah là giáo sư đại học Boston, cha cô từng xuất bản thơ, và cả hai người đều có bằng tiến sĩ.  Khi không có mặt chú, mẹ tôi than phiền là vì có Deborah nên phải nấu nướng bớt gia vị, mặc dù Deborah nói là thích ăn cay, và vì có Deborah nên đã không dám bỏ cái đầu cá chiên trong món Dal.  Chú Pranab dậy Deborah nói “Khub Bhalo “ có nghĩa là “ngon lắm” và “ aacha” có nghĩa là “vậy ạ” và dậy những món nào phải ăn bốc thay vì dùng nĩa. Có lúc họ đút cho nhau ăn làm bố mẹ tôi phải mắc cở cúi đầu.  Trong những buổi tiếp tân đông người, họ hôn nhau và nắm tay trước mặt mọi người, và khi họ ra xa mẹ tôi nói với những người đàn bà Bengali khác.  “ Thằng đó trước đây đâu có vậy.  Không tưởng tượng được là con người ta có thể thay đổi đột ngột được như vậy.  Như là thiên đàng-địa ngục.”

Mẹ tôi càng không hài lòng thì tôi càng trông mong những chuyến viếng thăm của Deborah.  Tôi yêu Deborah như một cô bé yêu những người đàn bà không phải là mẹ mình.  Tôi yêu đôi mắt màu xám bình thản, những chiếc váy jean và những chiếc săng-đan của cô.  Tôi yêu mái tóc thẳng mà cô để tôi chải bới thành đủ kiểu trông tức cười.  Tôi thích cái phong cách tự nhiên của cô.  Mẹ tôi thì trái lại, mỗi khi tiệc tùng, bắt tôi phải mặc áo dạ hội dài tới chân mà bà gọi là maxi, và tóc thì phải kẹp lại đàng sau.  Trong những buổi gặp mặt ấy, Deborah thường lẩn ra ngoài chơi với tôi, để mặc các bà Bengali tự do nói chuyện.  Cô biết tất cả những cuốn sách tôi đọc, về Pippi Longstocking và Anne of Green Gables.  Cô cho tôi những món quà mà bố mẹ tôi hoặc vì không có tiền hoặc vì không muốn mua: một cuốn sách Grimm’s Fairy Tales khổ lớn với tranh minh họa màu nước vẽ trên những trang giấy lụa là, những con búp bê bằng gỗ, tóc bằng len sợi.  Cô kể tôi nghe về gia đình của cô, về ba bà chị và hai người em, đứa nhỏ hơn tôi có vài tuổi.  Có lần, sau khi đi thăm cha mẹ về, cô mang cho tôi ba cuốn truyện Nancy Drew, với tên của cô viết bằng nét chữ con gái trên trang đầu, và một món đồ chơi cũ của cô, một rạp hát bằng giấy với phông có thể thay đổi được.  Deborah và tôi tha hồ nói chuyện bằng tiếng Anh, ngôn ngữ mà tôi có thể diễn tả dễ dàng hơn là tiếng Bengali mà tôi phải nói ở nhà.  Đôi khi cô hỏi tôi chữ này chữ kia tiếng Bengali gọi là gì; có lần cô hỏi tôi “assobbho” có nghĩa là gì.  Tôi ngần ngừ, rồi nói đó là chữ mẹ tôi gọi chỉ khi nào tôi hư lắm, và nét mặt cô sa sầm lại.  Tôi biết là người ta không thích cô, và đã nghe và hiểu những điều không đẹp mà họ nói sau lưng cô.  

Những chuyến dã ngoạn trên chiếc Volkswagen giờ gồm bốn người, Đeborah ngồi ghế trước còn mẹ con tôi ngồi băng sau.  Dần dà mẹ tôi cáo bệnh không đi và chúng tôi trở thành một bộ ba.  Tôi ngạc nhiên là mẹ tôi cho phép tôi đi với họ, đến viện bảo tàng mỹ thuật và công viên và bể nuôi loài thủy sinh.  Mẹ tôi mong chờ ngày họ bỏ nhau để rồi chú Pranab sẽ ăn năn hối hận bò về với bà.  Riêng tôi thì thấy mối tình của họ chẳng có dấu hiệu nào lung lay.  Họ yêu nhau công khai, và hạnh phúc đến với họ một cách dễ dàng. Tôi trở thành một thành phần của gia đình thực tập của họ.  Tấm hình nào cũng có tôi và Deborah, lúc thì ngồi trên lòng Deborah, cầm tay, hôn má cô.  Chúng tôi trao đổi những nụ cười kín đáo, riêng tư, và trong những lúc ấy tôi cảm thấy không ai hiểu tôi bằng cô.  Ai cũng nói là Deborah sẽ là một người mẹ tuyệt vời, trừ mẹ tôi.  Tôi đâu có biết là mẹ tôi cho đi chơi với chú Pranab và cô Deborah vì bà đang có thai lần thứ năm.  Bà phần thì mệt mỏi vì ốm nghén và phần sợ xảy thai nên nằm ngủ suốt ngày.  Sau mười tuần thì bà lại xảy thai và bác sĩ khuyên không nên có bầu nữa.  

Mùa hè đến, Deborah đeo nhẫn kim cương, chiếc nhẫn mẹ tôi chưa bao giờ có.  Vì gia đình ở xa nên chú Pranab một mình đến nhà tôi xin phép trước khi tặng nàng nhẫn đính hôn.  Chú mang mở hộp và lấy ra chiếc nhẫn kim cương.  “ Em muốn chị đeo thử cho em xem,” chú nói, nhưng mẹ tôi từ chối.  Tôi đeo thử, cảm thấy sức nặng nó đè trên ngón tay nhỏ bé.  Rồi chú nhờ bố mẹ tôi viết thư cho cha mẹ chú nói là bố mẹ tôi đã xem mắt và ưng thuận cô ấy.  Đương nhiên là chú hơi lo khi nói với cha mẹ là mình sắp cưới một cô gái Mỹ.  Chú đã nói nhiều về bố mẹ tôi, và có lần họ nhận được thư cám ơn đã săn sóc và giúp đỡ chú.  “ Không cần viết dài,” chú Pranab nói.  “ Vài hàng được rồi.  Họ sẽ dễ dàng chấp nhận hơn nếu có vài lời của anh chị nói vào.”  Bố tôi chẳng thương mà cũng không ghét Deborah, không bao giờ phê bình hay chỉ trích như mẹ tôi, nhưng ông hứa là đến cuối tuần thư sẽ đến Calcutta.  Mẹ tôi gật đầu ưng thuận, nhưng ngày hôm sau tôi thấy cái tách mà chú Pranab bao lâu nay dùng để gạt tàn thuốc lá nằm tan tành trong thùng rác, và bàn tay mẹ tôi dán ba miếng Band-Aids.

Cha mẹ chú Pranab sửng sốt trước tin đứa con trai duy nhất của mình lấy vợ Mỹ, và vài tuần sau chuông điện thoại nhà tôi vang lên lúc nửa đêm.  Ông Chakraborty nói họ không thể chấp nhận một cuộc hôn nhân như vậy và sẽ từ con nếu cả gan dám lấy Deborah.  Rồi bà vợ cầm máy xin nói chuyện với mẹ tôi, rồi trách mẹ tôi như trách một người quen biết đã lâu, và đổ lỗi cho mẹ tôi đã để chuyện đó xẩy ra.  Họ đã chọn vợ cho chú ở Calcutta và tưởng là chú học xong sẽ về nhà lấy vợ.  Họ còn mua cả một căn phòng trong cùng chung cư cho Pranab về ở với người vợ đính hôn.  
“ Chúng tôi tưởng là có thể tin tưởng ông bà chứ,”  cha mẹ Pranab nài nỉ bố mẹ tôi nói vào để chú bỏ ý định, nhưng bố tôi từ chối, lấy lý do là không có tư cách để dính dáng vào.  “ Mình đâu có phải là bố mẹ nó đâu,” ông nói với mẹ tôi.  
“Mình sẽ nói cho nó biết là cha mẹ nó không chấp nhận.  Chỉ thế thôi.”  Và rồi bố mẹ tôi không nói gì với chú Pranab về chuyện cha mẹ chú nhiếc móc và đổ thừa cũng như hăm dọa từ con, chỉ nói là họ không chấp nhận cuộc hôn nhân.  Chú Pranab nhún vai.  “ Em chả cần.  Không ai cởi mở bằng anh chị,” chú nói bố mẹ tôi, “ Anh chị chấp thuận là đủ rồi.”

Sau khi đính hôn, chú Pranab và Deborah bắt đầu bớt đi lại với gia đình chúng tôi.  Họ dọn về ở chung trong một căn apartment ở phía Nam Boston, một khu mà bố mẹ tôi cho là thiếu an ninh.  Chúng tôi cũng dọn qua một căn nhà ở Natick.  Tuy là căn nhà mua nhưng bố mẹ tôi sống như người ở thuê, tường chỗ nào tróc thì quệt lên tí sơn thừa, và mỗi chiều khi mặt trời rọi qua cửa sổ phòng khách thì mẹ tôi kéo màn xuống để bàn ghế mới mua khỏi phai màu.  Vài tuần trước ngày đám cưới, bố mẹ tôi mời một mình chú Pranab đến nhà chơi, và mẹ tôi chuẩn bị một bữa ăn đặc biệt để đánh dấu cuối điểm của kiếp sống độc thân của chú.  Bố tôi chụp một tấm hình trong bữa ăn, và đó là tấm hình duy nhất của mẹ tôi chụp chung với chú Pranab.  Tấm hình đó hơi mờ.  Tôi nhớ chú Pranab chỉ bố tôi cách xử dụng máy ảnh, và vì thế trong hình chú đang ngồi ở bàn bếp nhìn lên, chung quanh là ê hề thức ăn mẹ tôi nấu, miệng chú há hốc, tay chú đang chỉ chỏ bố tôi điều gì đó.  Mẹ tôi đứng cạnh chú, một tay đặt trên đầu ra dấu làm phép chúc lành.  Đây cũng là lần đầu và cũng là lần cuối trong cuộc đời mà bà chạm vào người chú.  “ Con đó sẽ bỏ nó,” mẹ tôi nói với bạn của bà sau đó.  “ Đời nó kể như tàn rồi.”

Lễ cưới làm tại một nhà thờ ở Ipswich, tiệc cưới thì tổ chức ở một nhà hàng trong câu lạc bộ thể thao.  Họ nói là sẽ làm nhỏ thôi, và mẹ tôi tưởng nhỏ là một, hai trăm người.  Bà sửng sốt khi biết được danh sách quan khách chỉ lèo tèo có vài chục người, và trong tất cả những người Bengali chú Pranab quen biết trước đây, chỉ có gia đình tôi là được mời.  Trong nhà thờ, chúng tôi, cùng mọi người, ngồi trên những hàng ghế gỗ cứng và sau đó ra một cái bàn dài để ăn trưa.  Mặc dù chúng tôi đã đối xử với chú ấy không khác nào gia đình, nhưng đã không được mời vào chụp ảnh chung với gia đình ở sân cỏ câu lạc bộ, với cha mẹ, ông bà và chị em của Deborah.  Bố mẹ tôi đã không nâng ly chúc mừng.   Mẹ tôi lầm bầm bằng tiếng Bengali, hết chê nghi thức thiếu phần trang trọng, rồi lại trách móc chú Pranab không để ý hay nói chuyện với chúng tôi mà chỉ lo quàng vai bá cổ họ hàng nhà vợ lúc đi chào bàn.  Bố tôi thì vẫn vậy, chẳng nói chẳng rằng, yên lặng ngồi ăn, dao nĩa loảng xoảng vì quen thói ăn bốc.  Ông dọn sạch chén đĩa của mình cũng như của vợ rồi tuyên bố là mình đã ăn căng phình bụng rồi.  Mẹ tôi phải nở nụ cười duy nhất khi Deborah xuất hiện sau lưng, hôn bà trên má và hỏi chúng tôi có vui không.  

Khi nhạc bắt đầu trỗi dậy, bố mẹ tôi vẫn ngồi uống trà, nhưng sau hai, ba bản thì họ quyết định ra về.  Mẹ tôi lừ mắt nhìn tôi, khi ấy đang nhảy vòng tròn với chú Pranab và Deborah và những đứa trẻ khác trong đám cưới.  Tôi muốn ở lại, và khi tôi đi một cách miễn cưỡng lại chỗ bố mẹ tôi ngồi, Deborah đi theo sau.  “ Boudi, để Usha ở lại.  Nó đang chơi vui quá mà,”  cô nói với bố mẹ tôi.  “ Thiếu gì người sẽ đi về hướng anh chị ở, lát nữa em sẽ nhờ người trở nó về.”  Nhưng mẹ tôi nói không, chơi như thế đủ rồi và bắt tôi khoác áo choàng ngoài chiếc áo tay phùng.  Trên đường lái xe về nhà tôi nói với mẹ tôi, lần đầu nhưng không phải lần cuối, là tôi ghét bà.

xxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxx

Sang năm sau chúng tôi nhận thiệp của gia đình Chakraborty thông báo là họ đã có một cặp con gái sinh đôi.  Trong thiệp có kèm hình nhưng mẹ tôi không dán vào album hay tủ lạnh.  Tên hai đứa là Srabani và Sabitri nhưng tên gọi ở nhà là Bonny và Sara.  Ngoài tấm thiệp cám ơn cho quà cưới, đó là lần đầu họ liên lạc.  Chúng tôi cũng không được mời đến thăm nhà mới ở Marblehead mà chú Pranab mua sau khi nhận được việc lương cao ở Stone & Webster.  Lúc đầu bố mẹ tôi vẫn mời hai người đến tham dự nhưng buổi họp mặt, nhưng vì họ không bao giờ đến nên thôi không mời nữa.  Người ta cho là vì Deborah mà chú Pranab không những mất gốc mà còn không được đi đến đâu.  Kẻ thù chính là cô, và chú ấy chỉ là nạn nhân.   Trường hợp của họ được xem như một lời cảnh cáo cho thấy là hôn nhân dị chủng chỉ đưa đến đổ vỡ.  Thỉnh thoảng họ có mặt ở những lễ hội, mang theo hai đứa con gái giống nhau như hai giọt nước.  Hai đứa nó không nói được chữ Bengali nào và đã được nuôi nấng giáo dục khác hẳn chúng tôi.  Chúng nó không phải đi Calcutta mỗi năm, và cha mẹ chúng không mãi bám riệt một lối sống cũ và bắt con mình phải làm theo.  Tôi thèm muốn và ganh tỵ với cái may mắn của chúng.  “ Usha, trông em bây giờ lớn và xinh quá.”  Deborah nói mỗi lần gặp tôi, nhen nhúm lại, dù chỉ là  trong khoảnh khắc, cái liên hệ khi xưa.  Cô đã cắt mái tóc dài óng ả và bây giờ để tóc ngắn.  “ Chắc em giờ đã lớn đủ để giữ trẻ được rồi,” cô nói.  “ Chị sẽ gọi em khi cần.”  Nhưng cô không bao giờ gọi cả.

Tôi bắt đầu trung học đệ nhất cấp, hết còn là con bé con, và bắt đầu biết yêu thầm nhớ trộm mấy thằng Mỹ con trong lớp.  Thế nhưng yêu là yêu thầm thế thôi chứ chẳng đứa nào thèm để ý đến tôi, mặc cho những lời khen tặng của Deborah.  Nhưng mẹ tôi làm như đánh hơi thấy gì khác lạ, nên cấm tôi không được tham dự những buổi dạ vũ tổ chức mỗi thứ sáu cuối tháng tại phòng ăn của trường.  Và chuyện tôi không được đi chơi với bạn trai thì coi như là luật bất thành văn.  “ Đừng có nghĩ là mày có thể bắt chước thằng Pranab, đi lấy người Mỹ nhá,” bà nói.  Tôi mới lên mười ba, chuyện chồng con chưa hề nghĩ tới.  Thế nhưng những lời bà nói vẫn làm tôi khó chịu, và tôi cảm thấy gọng kềm của bà một ngày một xiết chặt hơn.  Bà nổi giận lôi đình khi tôi nói muốn đeo áo ngực, hay khi tôi muốn ra công trường Harvard với bạn.  Giữa lúc tranh cãi, bà thường lôi tên Deborah ra  “ Nếu nó là mẹ mày thì mày tha hồ muốn làm gì cũng được, bởi vì nó đâu có cần.  Nó đâu có lo.  Mày có muốn thế không hả Usha, một người mẹ không lo cho mày không?”
Khi tôi bắt đầu có kinh, mẹ tôi cho một bài thuyết pháp, rằng không được cho thằng nào nó mó tới, rồi bà hỏi có biết làm sao đàn bà có bầu không.  Tôi nói có học trong trường về quá trình thụ thai, rồi bà hỏi có biết chi tiết chuyện gì sẽ xảy ra không.  Tôi nhìn thấy nét kinh hoàng hiện ra trong mắt bà, và cho dù tôi đã rành quá nhưng nói dối là chẳng biết gì.

Tôi bắt đầu có những bí mật riêng tư.  Biết nói dối là ngủ nhà bạn nhưng thực ra đi party, uống bia và cho con trai hôn hít, rờ rẫm, và ôm nhau trên băng sau xe hơi.  Và tôi bắt đầu thương hại mẹ tôi.  Càng lớn tôi càng thấy bà sống một cuộc đời cô quạnh.  Bà chưa bao giờ đi làm, ban ngày nằm coi soap opera giết thì giờ.  Bà chỉ có việc dọn dẹp và nấu nướng cho bố con tôi.  Chúng tôi ít khi nào đi ăn tiệm vì bố tôi than phiền là tiệm ăn quá đắt đỏ.  Khi mẹ tôi than về đời sông ngoại ô buồn tẻ và cô đơn, ông không một lời an ủi.  “ Nếu không thích thì về Calcutta đi.”   Tôi bắt đầu bắt chước bố tôi.  Khi mẹ tôi la lối vì tôi nói chuyện trên điện thoại quá lâu thì tôi cũng ngoác miệng la ó lại, nói là bà không hiểu tôi, nói là bà đáng thương một cách thảm hại.  Và tôi đã mặc nhiên tuyên bố là không còn cần bà nữa, dứt khoát và đột ngột, như chú Pranab.

Rồi một năm trước khi lên đại học, chúng tôi được mời đến nhà Chakraborty ăn lễ Tạ Ơn.  Chúng tôi không phải là người khách duy nhất.  Chú Pranab và Deborah muốn có một buổi hội ngộ với những người quen biết trước đây.  Bình thường thì bố mẹ tôi không ăn mừng lễ Tạ Ơn.  Họ xem ngày đó không khác ngày Chiến Sĩ Trận Vong hay ngày Cựu Chiến Binh--chỉ một ngày nghỉ, không hơn, không kém.  Chúng tôi lái xe đi Marblehead, tới một căn nhà lát đá đồ sộ với một đường lái xe vào nhà hình bán nguyệt lát sỏi và đã đông nghẹt xe đậu  Căn nhà đi bộ được ra biển.  Những bàn ghế phòng khách đã được dọn xuống tầng hầm và nhiều cái bàn được xếp lại với nhau, tạo thành một chữ U khổng lồ.  Tất cả được phủ khăn bàn, trên có xếp những đĩa trắng và dao nĩa bằng bạc.  Đồ chơi và búp bê nằm ngổn ngang khắp nơi, đi chỗ nào cũng thấy lông chó, và hình ảnh của Bonny và Sara và Deborah thì treo đầy tường.  Khi chúng tôi tới thì thức ăn đang được nấu nướng, một điều mà mẹ tôi tối kỵ,

Gia đình Deborah đã tề tựu đông đủ: cha mẹ, em trai, chị gái và vợ chồng và bạn trai và con cái của họ, tất cả đều có mặt.  Mấy bà chị vào khoảng ba mươi nhưng, như Deborah, họ trông trẻ như sinh viên đại học, họ mặc quần jeans đi sabot và mặc áo len kiểu người đi biển.  Matty, em trai cô mà hồi đó có khiêu vũ với tôi trong đám cưới, hiện đang học năm thứ nhất tại Amherst.  Anh có cặp mắt xanh biếc, mái tóc bồng bềnh màu nâu, làn da trắng mỏng và đôi má ửng hồng.  Khi nhìn thấy anh chị em họ ngồi bỡn cợt với nhau trong khi nấu nướng trong nhà bếp, tôi giận mẹ tôi đã bắt tôi mặc bộ trang phục truyền thống shalwar kameez.  Tôi biết khi họ nhìn tôi mặc quần áo đó là thế nào cũng nghĩ tôi sẽ tụ năm túm ba với đám trẻ Bengali thay vì đi chơi với họ.  May thay Deborah kéo tôi vào trong đám chị em và giao cho tôi nhiệm vụ gọt vỏ táo, và khi bố mẹ tôi không để ý, cho tôi một lon bia.  Khi bữa ăn đã sẵn sàng, chúng tôi được sắp xếp ngồi con trai con gái xen kẽ làm mấy đứa Bengali nhột nhạt.  Rượu vang được xếp sẵn ra mặt bàn.  Người ta mang ra hai con gà tây, một con nhồi xúc xích, một con không.  Miệng tôi chảy nước dãi ra nhưng tôi biết lát nữa về, mẹ tôi thế nào cũng chê là thức ăn chẳng có mùi vị gì cả.

Gene, cha của Deborah, đứng lên đọc kinh, và mời mọi người cùng nắm tay nhau.  Ông cúi đầu nhắm mắt. “ Lạy chúa, tạ ơn người vì những của ăn mà chúng con sắp lãnh nhận,” ông bắt đầu.  Bố mẹ tôi ngôi cạnh nhau, và tôi vô cùng kinh ngạc là họ cũng làm theo.  Những ngón tay màu nâu đậm của bố tôi đan nhẹ vào những ngón tay trắng nõn của mẹ tôi.  Tôi để ý thấy Matty ngồi hàng ghế đối diện và đang lén liếc nhìn tôi trong khi cha anh đang nói.  Sau khi mọi người nói Amen, Chú Pranab đứng dậy cám ơn mọi người đã có mặt.  Trông chú có vẻ có da có thịt hơn xưa.  Chú bắt đầu kể lại những ngày mới tới Cambridge, và đột nhiên chú kể lại truyện gặp tôi và mẹ tôi lần đầu, chuyện chú đi theo mẹ con tôi như thế nào.  Người ta lăn ra cười vì cái khôi hài của cuộc gặp gỡ cũng như tình cảnh cùng quẫn của chú Pranab.  Chú đi vòng qua phía sau mẹ tôi và choàng tay ngang vai bà.  “ Người này,” chú tuyên bố, kéo người mẹ tôi sát vào chú.  “ Người này đã cho tôi ăn bữa ăn Tạ Ơn đầu tiên ở đất Mỹ.  Mặc dù đó là một buổi chiều tháng Năm, nhưng đối với tôi, bữa ăn đầu tiên tại nhà chị dâu của tôi là bữa Tạ Ơn.  Nếu không gặp chị thì có lẽ tôi đã khăn gói quả mướp trở về Calcutta rồi.”   Mẹ tôi nhìn ra chỗ khác vì mắc cở.  Mẹ tôi năm nay mới ba mươi tám tuổi nhưng tóc đã bắt đầu điểm bạc, và trông gần bằng tuổi bố tôi hơn chú Pranab.  Chú đi trở lại chỗ mình ở đầu bàn, cạnh Deborah, và kết luận, “ Và xuýt nữa là đã không gặp cưng rồi, Deborah,”  và chú hôn miệng cô trước mặt mọi người, giữa tiếng vỗ tay reo hò như pháo ran, không khác ngày cưới hôm nào.

Ăn xong gà tây, nĩa nhỏ được dọn ra và mấy chị em Deborah viết xuống mẩu giấy nhỏ xem người nào muốn ăn loại bánh trái cây nào.  Ăn tráng miệng xong thì chú Pranab tình nguyện dắt chó đi dạo.  “ Ai muốn đi dạo bãi biển?” và gia đình phe Deborah ai cũng hưởng ứng trong khi gia đình phe Bengali ai cũng muốn ở lại, uống trà nói chuyện, chẳng ai muốn đi.  Matty đi lại ngồi xuống ghế trống bên cạnh tôi và rủ tôi đi dạo cùng.  Khi tôi ngần ngại, chỉ vào bộ quần áo và giày dép không thích hợp của mình, cùng lúc ấy cảm thấy được cơn thịnh nộ của mẹ tôi vì cảnh chúng tôi ngồi chung với nhau, anh nói, “ Thế nào Deb cũng có thể cho em mượn quần áo được,” Thế là tôi lên lầu và Deborah đưa tôi một cái quần jean, một chiếc áo len và đôi giày tennis, để tôi trông giống chị em cô.
Deborah ngồi trên cạnh giường, nhìn tôi thay đồ, như một người bạn gái, và hỏi là tôi có bồ chưa.  Khi tôi nói chưa, cô nói, “ Matty thấy em dễ thương.”
“ Bộ ảnh nói hả?”
“ Cần gì phải nói mới biết.”
Khi tôi xuống nhà, bạo dạn hơn vì biết có người thích mình, trong cái quần jean phải cuốn gấu lên, tôi thấy mẹ tôi đang uống trà nhưng ngẩng đầu nhìn tôi không nói gì, và thế là tôi tháp tùng phái đoàn chú Pranab và con chó, và đám nhà vợ, xuống những bậc thang làm bằng gỗ đi về hướng biển.  Deborah và một người chị ở lại dọn dẹp và tiếp khách.  Thoạt tiên chúng tôi dàn thành một hàng ngang, đi trên bãi cát, nhưng tôi để ý thấy Matty đi chậm lại, và hai đứa tôi đi theo đàng sau, và khoảng cách giữa chúng tôi với những người khác một lúc một xa dần.  Chúng tôi bắt đầu rù rì, thủ thỉ những gì tôi không nhớ, và rồi đến một vùng eo biển đầy đá thì Matty móc túi lấy ra một điếu cần sa.  Chúng tôi xoay lưng lại tránh gió để hút, những ngón tay lạnh cóng chạm nhau, môi ngậm cùng điếu thuốc.  Lúc đầu chưa thấy gì, nhưng rồi nghe anh ta kể chuyện ban nhạc của anh, tôi cảm thấy giọng anh như từ một cõi xa xăm vang vọng về, và tôi bật cười mặc dù câu chuyện chẳng có gì là tức cười cả.  Chúng tôi cảm thấy như mình tách biệt hàng giờ đồng hồ với mọi người, nhưng khi chúng tôi lang thang trở lại, vẫn thấy họ đi ra một mỏm đá để ngắm hoàng hôn trên mặt biển.  

Khi về trở lại tới nhà thì trời đã tối và tôi sợ gặp bố mẹ mình trong lúc còn đang phê.  Nhưng Deborah nói là bố mẹ tôi thấy trong người mệt nên đã lái xe về, và đồng ý nhờ người khác chở tôi về sau. Lò sưởi đã được đốt lên và họ nói tôi nghỉ ngơi, ăn bánh trong khi người ta dọn dẹp phòng khách.  Dĩ nhiên Matty tình nguyện chở tôi về, và trong khi đậu xe trong đường vào nhà, tôi hôn anh, vừa thích nhưng cũng sợ mẹ tôi bắt gặp.  Tôi cho Matty số điện thoại, và trong vài tuần sau lúc nào cũng nghĩ đến anh, và hy vọng một cách khờ dại là anh sẽ gọi tôi.

Cuối cùng thì mẹ tôi nói đúng.  Mười bốn năm sau lần ăn lễ Tạ Ơn ấy.  Hai mươi ba năm sau ngày thành hôn, chú Pranab và Deborah ly dị.  Chú ấy là người phản bội, đi yêu một người đàn bà Bengali đã có chồng, và làm tan vỡ hai gia đình cùng một lúc.  Người đàn bà ấy bố mẹ tôi có biết nhưng không thân.  Lúc đó Deborah bốn mươi tuổi, Bonny và Sara đã lên đại học.  Trong cơn sốc và buồn phiền, người mà Deborah tìm đến lại chính là mẹ tôi.  Cô lúc nào cũng xem bố mẹ tôi là một thứ gia đình nhà chồng, gửi hoa khi ông bà tôi mất và cho tôi cuốn Tự Điển Tiếng Anh Oxford làm quà ra trường.  “Chị biết anh ấy nhiều.  Sao mà anh ấy có thể làm chuyện như vậy được?” Deborah hỏi mẹ tôi.  Và rồi, “ Chị có biết gì về chuyện ấy không?”  Mẹ tôi thành thật trả lời là mình không biết gì.  Cả hai đều đã bị phụ bởi cùng một người đàn ông, duy có điều là trái tim của mẹ tôi đã lành từ lâu, và một điều lạ là, khi bố mẹ tôi lớn tuổi, họ trở nên gần gũi hơn, nếu không vì tình yêu thì cũng vì thói quen.  Một phần cũng vì tôi đi học nên vắng nhà.  Tôi nhận thấy giữa bố mẹ tôi có một cái gì ấm cúng mà trước đây không có.  Hai mẹ con tôi cũng đã làm hòa.  Mẹ tôi đã chấp nhận một sự thật là tôi không chỉ là con bà mà còn là con của Hoa Kỳ.  Dần dà bà chấp nhận việc tôi đi chơi với một người đàn ông Mỹ, rồi một người khác, rồi lại một người khác nữa, rằng tôi ngủ với họ, và việc tôi sống chung mà không cưới hỏi với một người đàn ông.  Khi mối tình đó tan vỡ, bà an ủi, nói là thế nào rồi cũng kiếm được người khá hơn.  Sau bao năm tháng ăn không ngồi rồi, bà quyết định , ở cái tuổi năm mươi, đi học Khoa Học Thư Viện ở một trường đại học gần nhà.

Trong một lần nói chuyện điện thoại, Deborah thú nhận một điều mà làm mẹ tôi ngạc nhiên: rằng sau bao năm tháng, cô cảm thấy mình là kẻ ngoại cuộc trong một phần cuộc sống của chú Pranab.  “ Hồi đó em đã rất ghen với chị, vì chị đã biết và hiểu anh ấy trên một khía cạnh mà em không bao giờ có thể hiểu được.  Anh ấy đã quay lưng bỏ gia đình, bỏ cả các anh các chị, nhưng em vẫn cảm thấy bị đe dọa.”  Cô ấy nói mẹ tôi là đã cố gắng nhiều năm để khuyến khích chú Pranab làm hòa với gia đình cũng như giữa liên lạc với nhứng người Bengali khác, nhưng Pranab một mực không chịu.  Deborah chính là người đề nghị bữa ăn lễ Tạ Ơn.  “ Em chỉ hy vọng là chị không nghĩ là em đã đánh cướp anh ấy khỏi cuộc đời các anh các chị, chị Boudi ạ.  Em lúc nào cũng lo điều đó.”

Mẹ tôi cam đoan với Deborah là bà không trách cô.  Mẹ tôi hoàn toàn không đá động đến những ghen tuông của chính bà nhiều thập niên trước đây, chỉ nói rằng bà cảm thấy buồn cho Deborah và các con của hai người.  Mẹ tôi cũng không nói cho Deborah nghe chuyện là khoảng vài tuần sau đám cưới chú Pranab, trong khi tôi đi họp nữ hướng đạo và bố tôi đang ở sở làm, bà đã lục lạo khắp nhà, lấy hết những kim băng rồi bắt đầu gài chúng vào áo sari, để không ai có thể cởi ra được.  Rồi bà lấy một bình xăng và hộp diêm và bước ra sân sau, lúc ấy đầy lá khô.  Bên ngoài chiếc sari, bà mặc một chiếc áo mưa màu tím hoa cà để hàng xóm có thấy cũng tưởng là bà bước ra ngoài hóng gió mà thôi.  Bà mở áo ngoài và bắt đầu tẩm người đầy xăng, rồi gài cúc áo mưa lại.  Bà ra thùng rác đàng sau garage để vất bình xăng rồi trở lại sân sau với hộp diêm trong túi áo ngoài.  Bà đứng gần một tiếng, nhìn vào trong nhà, thu hết can đảm để châm diêm bật lửa.  Người cứu bà không phải là tôi và chũng chẳng là bố tôi, mà là bà Holcomb, bà hàng xóm kế bên mà mẹ tôi không thân cho lắm.  Bà Holcomb ra đàng sau quét lá, thấy mẹ tôi, và nói vọng qua nói là hoàng hôn sao mà đẹp quá.  “ Tôi thấy bà ngắm hoàng hôn cũng đã khá lâu rồi nhỉ.”  Mẹ tôi đồng ý, và rồi vào nhà.  Đến khi bố tôi và tôi về đến nhà thì bà đã ở trong bếp nấu cơm tối như thường lệ.

Mẹ tôi không nói cho Deborah điều này.  Bà thú thật chuyện này với tôi khi tôi đang đau khổ vì một cuộc tình tan vỡ với một người tưởng rồi sẽ lấy nhau.









No comments:

Post a Comment