1971-1972
Có người nói là bản phân tích của Gary về lý do HK đã cho lộ kế hoạch không kích đã làm Mao ấn tượng đến độ phải thốt lên với Bộ Chính Trị là, “Cái thằng này còn đáng giá hơn bốn sư đoàn thiết giáp.” những lời này đánh dấu thời kỳ thăng tiến như pháo bông trong sự nghiệp tình báo của Gary.
Nhờ bản phân tích đó mà Mao đã có thể nhìn được đường đi nước bước của HK và từ đó đưa ra những quyết định đối ngoại thích hợp hơn. Nhiều năm nay Bạch cung đã nghĩ đủ cách để thiết lập quan hệ với Bắc Kinh, vì vẫn xem LX như một kẻ thù không đội trời chung, một kẻ thù nguy hiểm và đáng ngại hơn TQ. Tuy hố sâu ngăn cách giữa hai nước Cộng Sản không có gì mới lạ nhưng làm thế nào để lợi dụng mối thù hận để HK có thể thủ lợi ngư ông mới là cái khó.
Mấy ai có thể ngờ được một quả bóng Ping-Pong bé xíu mà lại có thể làm quay tít quả cầu chính trị thế giới? Đầu tháng Tư, 1971, đội tuyển bóng bàn HK sang Nagoya, Nhật Bản để tham dự giải vô địch bóng bàn thế giới lần thứ 31. Tình cờ, một đấu thủ HK, Glenn Cowan, đã trèo lên nhầm chiếc xe buýt chở đội TQ đến vận động trường. Khi phát giác ra thì cửa xe đã đóng. Anh đành đứng sau tài xế, xoay cái lưng áo có in chữ USA to tổ bố cho tất cả cái đấu thủ TQ nhìn. Lúc xe chạy thì không ai nói gì, nhưng khi sắp tới địa điểm thì Bành Tắc Đống, một tuyển thủ từng vô địch thế giới 3 lần, đánh bạo ra lân la nói chuyện và trao tặng Glenn một miếng lụa Hàng Châu nhỏ. Ngày hôm sau Cowan chặn Bành lại để tặng lại chiếc áu thun có huy hiệu HK. Cuộc gặp gỡ của hai người đã được phóng viên bu lại chụp ảnh, và tối hôm ấy tấm ảnh của hai đấu thủ trao đổi quà tặng được đăng trên trang nhất báo chí.
Khi giải bóng bàn chấm dứt thì đội tuyển TQ chiếm được ba huy chương vàng. Họ ngỏ lời mời đội Mễ và đội Canada sang thăm TQ. Đội Mỹ cũng bắn tin xin được mời, họ nói đùa “Các bạn đã mời bạn của chúng tôi tới thăm; vậy bao giờ đến lượt chúng tôi đây?” Bộ Ngoại Giao thoạt tiên thì khước từ khi lời yêu cầu được chuyển lên, nhưng khi nhận được báo cáo thì Mao lớn tiếng khen ngợi thủ quân đội bóng bàn của mình. “Này chú Bành, chú còn giỏi ngoại giao hơn các ông ngoại giao chuyên nghiệp nhà ta gấp mấy lần đấy.” Mao ra lệnh cho mời đội tuyển HK ngay lập tức. Nhưng cô phụ tá, cũng là y tá riêng, không chuyển lệnh vì có lệ là hễ ngài chủ tịch uống thuốc ngủ rồi thì lời nói không hiệu lực. Khi thấy cô ta vẫn đứng đó, Mao hỏi, “Sao không chuyển lệnh mà vẫn đứng ì ra đó?” Cô ta trả lời, “Chủ tịch vừa uống thuốc ngủ xong. Tôi không dám phá lệ.” Mao nổi cáu, “Lệ luật cái con mẹ gì! Ra bảo cho bộ ngoại giao lo thủ tục mời đội Mỹ ngay chứ thôi không kịp.”
Và đó là điểm khởi đầu của nền ngoại giao bóng bàn nổi tiếng đã bắt đầu quan hệ ngoại giao giữa HK và TQ. Là một chính trị gia có trực giác bén nhạy, Mao đã nắm lấy một thời cơ tưởng chẳng quan trọng và biến nó thành một cơ hội đột phá có tầm vóc lịch sử thế giới. Khi mời đội tuyển Mỹ, ông đã ra dấu cho Bạ̣ch Cung biết TQ đã sẵn sàng nói chuyện với HK. Ba tháng sau chuyến viếng thăm của đội tuyển bóng bàn, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Henry Kissinger sang Tàu qua ngả Pakistan để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm chính thức của Tổng Thống Nixon sang Bắc Kinh vào tháng Hai năm 1972, rồi từ đó dẫn đến việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước năm 1979.
Tuy nhiên, lúc đầu giới lãnh đạo Bắc Kinh vẫn chưa tin tưởng Nixon, một người nổi tiếng gian sảo, nhất là khi có liên hệ đến quyền lợi quốc gia. Ngộ nhỡ họ rút lời thì sao? Lỡ giờ chót Nixon lạnh cẳng quyết định không sang thì cả là một sự mất mặt đối với quốc tế. Rồi cho dù có sang nhưng không đồng ý ký bản tuyên cáo chung thì sao? Hay ông ta có thể đòi hỏi quá đáng. Làm sao biết được đây không phải là một mánh khoé để làm nhục TQ trước mặt thế giới?
Thế là Bộ Chính Trị cãi nhau ỏm tỏi. Cả Mao cũng không dám cả quyết, tuy trong bụng rất mong dùng Mỹ để chống lại LX. Họ bèn ra lệnh cho Gary Thượng phải có nhiệm vụ cố hết sức kiểm chứng thực tâm của HK.
Chuyện đó đối với Gary chẳng có gì là khó. Anh vẫn theo dõi sát nút diễn biến cuộc ngoại giao bóng bàn, và những tin tức qua tay anh cho thấy HK quả có thành tâm. Anh viết một bản báo cáo chi tiết khuyến khích việc bình thường hóa quan hệ với HK. Anh còn chụp cả những văn thư quan trọng làm bằng chứng. Tin tức anh gởi qua cha Murray vì năm 1971 anh không sang Hồng Kông được. Vợ anh bị sạn túi mật nên nằm nhà cả tháng. Cả bác sĩ lẫn chồng đều khuyên mổ nhưng Nellie sợ đụng chạm dao kéo nên thà nằm nhà mà chịu đau. Vợ đau mà đi thì sợ CIA hay FBI nghi ngờ nên Gary đành ở nhà vậy.
Anh vui mừng vì giới lãnh đạo TQ đã sử dụng tin tức tình báo của anh, nhờ đó mà liên hệ giữa hai quốc gia được cải thiện.
Mùa hè năm 1972, năm tháng sau chuyến viếng thăm Bắc Kinh của Nixon, khi Nellie đã khoẻ hẳn (cuối cùng nàng cũng phải mổ vì đau quá chịu không nổi) và trở lại đi làm tiệm bánh, thì Gary lại sang Bangkok. Một tuần sau anh mới bay sang Hồng Kông. Lần này ngoài Bính Văn còn có cả Hác Đỉnh, tân bộ trưởng bộ an ninh quốc gia, đến gặp anh. Gary từng nghe tiếng Đỉnh, một người béo lùn có trán hói và tai to, mà cha là một nhân vật lừng danh trong làng tình báo Cộng Sản, có thể nói là một người sáng lập hệ thống. Một bữa tiệc thịnh soạn được tổ chức tại Tiệm Phượng Hoàng Viên tại vịnh Đồng La để khoản đãi Gary, người đã được hàng ngũ lãnh đạo cao cấp khen ngợi hết lời. Cũng có năm người khác từ lục địa mà Gary chưa hề gặp, cũng có mặt. Một người không có lông mày, đầu trọc lóc như quả dưa tây, uống côla ừng ực thay vì uống trà. Hai người trông có vẻ chức sắc như Đỉnh. Chắc họ mượn việc khoản đãi Gary để đi ăn ké. Trong bữa tiệc Gary được nghe thuật lại lời của Mao rằng anh “đáng giá bốn sư đoàn thiết giáp.”
Sau khi nốc cạn hai chén rượu Mao Đài, Đỉnh đứng lên nói vài lời vắn tắt. Hắn nói bằng giọng nghiêm trang nhưng nhỏ nhẹ, rằng nhờ những tin tức tình báo quý báu của Gary mà TQ đã có thể xử lý vấn đề chính trị và ngoại giao quốc tế với dự trí và sự quả quyết, và vì thế cho nên nhà nước đã trao tặng cho Gary một bằng khen tặng đặc biệt. Thay mặt cho bộ chính trị, Đỉnh cho Gary biết anh đã được thăng lên cấp thứ tám với chức vụ phó thủ tướng bộ công an. Đồng thời 20.000 đô la đã được ký thác vào chương mục ngân hàng của anh. Đỉnh kết lời bằng câu, “Bây giờ hai anh em mình ngang chức nhau rồi đấy nhé. Chúc mừng đồng chí!”
Bính Văn mừng như chính mình là người được vinh danh, nói mà mồm méo xệch méo xoạc, “Tiểu đệ, từ nay đệ đã là yếu nhân rồi đó. Ta cũng mừng lây cho đệ.”
Gary một mặt choáng váng kinh ngạc vì vụ thăng chức, mặt khác lại cảm động vì mối chân tình của bạn. Anh nói. “Tất cả những gì tôi làm đều do lòng yêu quê hương dân tộc. Cuộc đời người gián điệp có lúc cô đơn và khốn nạn vô cùng” --nói tới đây giọng anh nghẹn lại--”nhưng khi tôi nghĩ đến hàng trăm triệu người có thể được nhờ và đất nước tôi có thể vì đấy mà yên ổn hơn, thì tôi thấy nỗi khổ sở và cô đơn cá nhân tôi không còn đáng kể. Xin nhờ quí vị trình lại với cấp lãnh đạo là tôi hết sức cám ơn và sẽ tiếp tục phục vụ quốc gia tôi.” Anh phải ngừng lại vì cổ họng cứng ngắc và nước mắt tuôn trào.
Mọi người gật đầu tán đồng. Đỉnh, miệng lúc nào cũng phì phèo dọc tẩu, nói Gary họ mong là một ngày anh có thể về hưu yên lành tại TQ để sống những ngày cuối đời bên cạnh gia đình. Bữa tiệc tiếp tục hai giờ đồng hồ nữa, cho đến khi Đỉnh đã say khướt và bắt đầu nói chuyện tục tĩu về đàn bà Hồng Kông.
Khi trở về trên chuyến xe điện hai tầng, Bính Văn vẫn còn khích động và vui mừng. Ông nói với Gary, “Đệ có biết bây giờ đệ đã lên cấp thiếu tướng không? Ca ca mừng cho đệ.”
Ngồi duỗi người trên hàng ghế bằng gỗ phong, Gary trả lời, “Em quả có ngạc nhiên khi Hác Đỉnh cho biết việc thăng cấp. Nhưng thật tình mà nói, tất cả chẳng có nghĩa lý gì đối với em--cuộc đời của em ở đây vẫn thế, không thay đổi. Em vẫn chỉ là một thông dịch viên ở CIA, ngang hàng với một thằng thơ ký quèn.”
“Nhưng đệ là anh hùng của đất nước!” Bính Văn khẳng định. “Những đóng góp của em sẽ đi vào lịch sử của ngành tình báo. Đệ là con dao găm đâm thẳng vào quả tim của kẻ thù.”
Bụng Gary chợt thắt lại. Họ vừa đi ngang qua một rạp chiếu bóng với bảng áp phích quảng cáo phim Tinh Võ Môn của Lý Tiểu Long. Xa xa, một ánh đèn le lói chớp chớp trên mặt nước đục lờ như đang phát tín hiệu. Tí nữa thì Gary buột miệng nói sắ̃n sàng vất hết danh hiệu anh hùng chỉ để sống một cuộc đời bình thường, nhưng anh làm bộ nhắm mắt ngủ. Anh cố dằn giọt lệ đang chỉ chực dâng trào.
Một lát sau anh mới nói được, “Anh phải tranh đấu để Dụ Phong và con tôi được sống cuộc đời xứng đáng với gia đình của một người phó bộ trưởng.”
“Dĩ nhiên rồi,” Bính Văn nói.
Hai tháng sau, trong một phòng họp tại tổng hành dinh CIA, hơn 200 đồng nghiệp của Gary đã ngồi chờ sẵn. George Thomas, hiện là trưởng khu Đông Á, chủ tọa buổi họp mà ba nhân viên sẽ được nhận huân chương xuất sắc. Huân chương năm nay đặc biệt do chính tay Giám Đốc Helms chấp thuận. Trong mười năm vừa qua Thomas mỗi ngày một có vẻ như một chính trị gia hơn, nhất là sau khi thi đậu bằng tiến sĩ, và bây giờ thì miệng lưỡi anh dẻo quẹo -- anh có thể nói tràng giang đại hải trước đám đông về bất cứ đề tài nào. Một người được vinh danh là một phụ nữ gốc Cuba chuyên về Đông Dương; một người khác chuyên môn về Nhật Bản, ông vóc dáng to con, hơn sáu mươi tuổi, từng là thuyền trưởng trong binh chủng Hải Quân, có vợ Nhật, và thỉnh thoảng chèo thuyền ngang giòng sông Potomac đi làm ở CIA; người thứ ba là Gary Thượng, anh được chọn vì những phân tích nhạy bén có giá trị, nhờ đó mà Hoa Kỳ đã có thể bắt tay với Trung Quốc. Gary mặc áo vest hai mảnh, đeo cà vạt có motif kiểu Ba Tư màu đỏ, và đi giày sỏ chân có rua. Anh mỉm cười trong khi Thomas tán dương công trạng của ba người.
Khi nghe tên mình, bà chuyên gia Đông Dương lên nhận chiếc huân chương để trong một cái hộp màu nâu sẫm. Bà có dáng người tròn trịa nhưng đi giày cao gót nên đi đứng có vẻ chênh vênh. Bà quay lại nhìn đồng nghiệp, giậm chân đứng nghiêm, rồi đưa tay lên trán chào kiểu nhà binh. Cả phòng cười ồ lên. Kế tiếp ông chuyên gia Nhật Bản mặc áo khoác nhung nâu có miếng vá da nơi khuỷu tay. Ông lưng khòm nên còn có biệt danh là con lạc đà mà người ta chỉ dám gọi sau lưng. Ông nhận lấy huy chương từ tay ông giám đốc, quay lại về phía cử tọa, hôn cái hộp rồi nói to, “Cám ơn các bạn.”
Khi đến phiên Gary thì Thomas có vẻ cảm động và nói năng hơi dài dòng. Sau khi đọc xong lời ban khen, anh nói thêm, “Gary Thượng đã là đồng nghiệp lâu năm của chúng ta nên cũng chẳng phải dài dòng giới thiệu. Ai cũng biết anh là một thông dịch viên giỏi nhất và là một chuyên gia trong nghề chúng mình. Tôi rất hãnh diện đã được biết anh hai mươi ba năm-- từ khi anh còn là một thanh niên trẻ tuổi, đẹp trai. Năm 1949, tôi chính là người đã chiêu mộ anh ở Thượng Hải. Trong số mười mấy người nộp đơn, anh là người duy nhất chúng tôi chọn. Tất cả các đồng nghiệp trong cơ quan văn hóa đều công nhận anh là một người thông minh, nhanh nhẹn, cẩn trọng, và có nhiều kiến thức. Kể từ đó anh và tôi đã làm việc sát cánh, thoạt tiên ở miền nam Trung Quốc, rồi đến Okinawa, và rồi về vùng DC. Tôi không dám tự nhận mình có mắt xem người, nhưng trong cuộc đời hành nghề của tôi, việc mướn Gary là một thành công quan trọng nhất của tôi. Anh là đại biểu cho sự tận tụy, tính cần mẫn, và lòng trung thành. Đối với tôi, anh không chỉ là một đồng nghiệp giỏi giang mà còn là một người bạn. Các bạn hãy cùng tôi chúc mừng cho Gary Thượng.”
Gary tiến lên phía trước mà chân hơi run run, một chuyện lạ đối với một người có kinh nghiệm của anh. Những lời nói chân thành của Thomas đã làm anh hơi xốn xang trong bụng, nhưng anh cố nở nụ cười và ôm chầm lấy Thomas trong khi tiếng vỗ tay nổ to như pháo. Gary ứa nước mắt rồi hướng về cử tọa nói. “Đây là một vinh hạnh cho tôi, lời của George vừa nói làm tôi vô cùng cảm động. Hai mươi ba năm là một quãng thời gian khá dài trong đời người, riêng đối với tôi, đấy cũng là một giai đoạn nhiều biến đổi, từ là một người tị nạn, rồi di dân, và cuối cùng là một công dân Hoa Kỳ. Đất nước này đã cưu mang tôi và cho tôi chốn nương náu và một gia đình. Tôi hãnh diện đã có cơ hội để phục vụ đất nước này và góp phần xây dựng một quê hương an toàn và tốt đẹp hơn cho chúng ta và đời con cháu chúng ta. Tôi hy vọng có thể tiếp tục làm hai mươi ba năm nữa, tôi xem dịp tuyên dương này như một sự khuyến khích và trấn an. George, cám ơn anh. Cám ơn tất cả các bạn.” Anh đi vội xuống sân khấu mà hai chân run dữ dội và những mặt người như đang bay lượn chập chờn. Anh ngạc nhiên vì thấy cảm động với chính bài diễn văn ngắn ngủi nhưng từ đáy lòng của mình. Đầu anh như quay cuồng vì xúc động. Sau khi đã sống ở nước Mỹ 17 năm, anh đã bắt đầu nhận đây làm quê hương thứ hai.
Buổi tiếp tân sau đó được tổ chức trên lầu bẩy. Tuy đây là một dịp tổ chức trong sở làm nhưng cũng có quày pha rượu và rượu vang với sáu cô nữ chiêu đãi viên cầm khay đựng hors d’oeuvres và cheese đi mời khách. Căn phòng vang vang tiếng người ta nói chuyện. Gary tránh không uống nhiều rượu vì còn phải đón con ở ga xe hỏa tối nay. Con bé từ trường dự bị đi về để nhổ răng cấm. Gary cầm ly xâm banh nhưng chỉ nhấm nháp chứ không uống. Thỉnh thoảng anh mới nhón một viên thịt xay hay quả ô liu nhồi cà chua phơi nắng. Anh đàm đạo với David Shuman về bộ môn kịch Đỏ đang thịnh hành bên Trung Quốc. David thích nhất vở “Trí Thủ Uy Hổ Sơn,” không phải vì kịch bản mà vì nhạc và phối cảnh. Anh đã xem nhiều phim tân kịch Trung Quốc và đã thành chuyên gia về bộ môn kịch nghệ cách mạng, và còn có thể hát dăm câu kinh kịch. Anh hay hát ư ử trước mặt Gary: “Trước khi vào chốn khốc hình/ Xin mẹ rót cho con một bát rượu/ Để con có lòng can đảm không thể khuất phục được.” Chỉ tiếc là David không thể sang thăm Trung Quốc vì đã có tên trong sổ đen. Gary an ủi, “Biết đâu một ngày anh sẽ là nhân viên ngoại giao cao cấp. Cuộc đời lắm cái không ngờ. Thế nào rồi anh cũng có dịp.”
“Cám ơn anh,” David nói. “Tôi cũng chẳng buồn, vì tôi yêu công việc chuyên nghiên cứu tình hình Trung Quốc của mình. Mấy ai có được cái may mắn làm được việc mình thích.”
Lúc này cuộc đời Gary bình yên và tiền bạc thoải mái. Mùa Thu trước con gái anh đã đi học trường dự bị. Nó học giỏi nên có muốn vào trường tốt cũng chẳng khó khăn gì. Mỗi khi đi công tác ở Boston, thế nào anh cũng mướn xe lái 40 dặm sang Groton để gặp Lilian. Anh yêu con và không tiếc tiền cho việc học của nó. Nếu có ngày anh trở lại Trung Quốc, hy vọng con gái anh sẽ đến thăm thường xuyên. Nó là mối dây liên lạc chặt chẽ nhất, nối liền anh với xứ sở này.
Trước Giáng Sinh năm 1972, Gary được CIA thông báo anh được tăng lương thêm 1,300$. Trước đây mỗi năm anh được tăng ba bốn trăm đồng, chỉ đủ để bù cho lạm phát. Kỳ tăng lương lần này làm cho cả anh lẫn Nellie đều thích thú. Khi nàng hỏi tại sao họ rộng rãi vậy thì anh chỉ nói, “Tại tôi làm việc chăm chỉ, tăng lương là phải tồi.”
Nàng cười nói. “Anh thật lả một kẻ kiêu căng.:
Xxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxx
Tôi vẫn thường xuyên nhận tin Cự Ly kể từ khi nó về nhà ở với cha mẹ. Cô ả vừa mở một cửa hàng điện tử bán DVD, trò chơi video, và điện thoại di động. Nó muốn đặt mua iPads nhưng không còn hàng vì quá nhiều người đòi mua món đồ mới của hãng Apple này. Hàng lậu thì không thiếu nhưng giá chẳng kém hàng thật bao nhiêu. Cự Ly gởi tôi tấm hình chụp cửa hàng, chỉ cách tiệm may của mẹ nó có vài căn. Bố mẹ nó mừng con về và kiếm đủ cách để cầm chân nó lại. Nhà vừa mua ô tô, một chiếc Chevy màu đỏ, loại bốn cửa nhỏ, giá hơn 50 ngàn nguyên tệ, khoảng 8 ngàn đô la. Không biết có phải từ tiền bồi thường của Ngô Bình hay không. Trong nhà chỉ có Cự Ly biết lái xe nên phải giao hàng cho mẹ luôn. Cô nàng có vẻ an phận và tâm sự với tôi là nó đang dậy nhạc cho hai đứa học sinh và sắp sửa lập một ban nhạc trình diễn buổi tối. Nó sẽ chơi ghi ta vì có người hát hay hơn. “Phải chi những ban nhạc dưới quê có thêm cơ hội,” Cự Ly viết. “Lắm đứa có nhiều tài hơn tụi trong ban nhạc của con ở Quảng Châu.”
Tôi mừng là nó vẫn mê nhạc. Cự Ly thay mặt cha mẹ mời tôi sang chơi mùa hè năm tới. “Có thể anh con cũng về,” nó nói. “Mình sẽ có một buổi họp mặt thật lớn.” gia đình mừng là Ben ở bên Mỹ, gần chỗ tôi. Tôi nhận lời ngay lập tức mặc dù bình thường không thích du lịch. Nhưng tôi cảm thấy gần gũi với họ hàng bên Trung Quốc hơn cả với gia đình Dì Marsha. Biết đâu sự hiện diện của tôi giúp gia đình bên đó nở mày nở mặt với bà con trong phố, bởi vì họ hàng ngoại quốc đồng nghĩa với cơ hội. Thời nay quan chức thích giữ liên lạc với người nước ngoài. Nhà giàu hay gởi con đi du học, và người nào có tiền cũng muốn di dân vì không an tâm với đồng tiền mới kiếm được. Ở Bắc Kinh và Thượng Hải và Quảng Châu người có tiền có bạc chào nhau bằng câu, “Thủ tục xuất ngoại xong chưa?”
Tôi đang soạn giáo trình cho lớp học mới mùa thu và cũng đang đọc sách chỉ định cho học trò. Tôi thích cái yên tịnh và bình yên của mùa hè, cơ hội dưỡng sức cho thể chất cũng như tinh thần, nên tôi cả ngày ngồi rong thư phòng trong khi Henry bận lo sửa chữa. Cuối tháng Tám anh mua thêm năm con chíp Intel cho Ben. Mấy con này bé nhưng đắt hơn đợt trước, tốn gần 4 ngàn đồng tổng cộng. Hứa hẹn của món lời to làm Henry như bay bổng trên không. Anh huýt sáo trong khi hút bụi hành lang hay rửa cửa kiếng khách sảnh hay khi đẩy thùng rác từ sân sau ra đường đàng trước. Tôi không cảm thấy an tâm vì biết việc làm của Ben hơi ám muội. Tôi định nói Henry nhưng lại thôi. Cả đời anh không có cơ hội làm tiền dễ dàng như vậy. Để mặc anh sung sướng trong khi giúp Ben.
Một buổi chiều Chủ Nhật sau lễ Lao Động, Ben gọi hỏi tôi có tin tức gì của Sonya hay không. “Không,” tôi nói. “Chuyện gì xảy ra vậy?”
“Nó đi mất rồi. Cháu kiếm khắp nơi mà không thấy. Cháu có email mà không thấy hồi báo.”
“Tụi mày lại cãi nhau hả?”
“Sơ sơ.”
“Có liên hệ tới người thứ ba không?”
“Không, tại sao dì hỏi vậy?”
“Sonya nói mày hay nói chuyện với mấy con trên mạng blog.”
“Bởi vì con phải thành lập trang mạng. Con phải tìm người giúp con được.”
“Giúp cái gì?”
“Làm trang mạng.”
“Trang mạng kiểu gì?”
“Chủ yếu là về vũ khí và kỹ thuật không gian. Công ty con cũng muốn con làm chủ bút một tờ tạp chí, sử dụng tin tức trực tuyến.”
“Thế hai đứa mày gây lộn chuyện gì?”
“Con ấy nó cứng đầu cứng cổ lắm. Con nói cho con vài tuần để suy nghĩ trước khi quyết định.”
“Quyết định cái gì?
“Quyết định cái thai chứ còn cái gì bây giờ.”
“Dì đã bảo con nên nhường quyền quyết định cho nó mà.”
“Không được. Có con là kẹt cả đời. Con không thể để nó đẻ con ra mà không có cả hai bố mẹ chăm lo. Mẹ con và chú con đã có một thời thơ ấu không ra gì vì không có cha, con không muôn con cái con phải như vậy.”
Lời nói nói làm tôi chưng hửng vì tôi đã nghĩ lầm về sự ngần ngại của nó. “Thế con định làm gì?”
“Con phải kiếm nó cho ra bằng được. Con lo quá. Dì biết con yêu nó.”
“Nếu yêu thì hỏi cưới là xong.”
“Chuyện đâu có giản dị như vậy. Cuộc đời con chưa yên ổn. Con phải lo vài thứ trước khi có thể hỏi cưới.”
Tôi không hỏi tiếp và hứa cũng sẽ đi kiếm Sonya. Gác máy xong, tôi email Sonya nói cần gặp gấp. Tôi nói Ben đang lo lắng đi tìm.
“Đừng có mà bỏ nhà đi như vậy,” tôi năn nỉ. “”Nếu muốn giữ đứa con thì phải có người bố. Không thể gạt Ben ra ngoài được vì đứa bé là sợi giây ràng buộc hai đứa.”
Tối hôm đó Sonya gọi tôi, nói đang ở với người bà con ở Toronto. Bố mẹ nó bảo nó về Ukraine, nhưng nó không chịu và sẽ phải tìm chỗ để ở nếu Ben bỏ nó.
“Không đời nào nó làm chuyện đó.”
“Làm sao dì biết được. Anh ấy có thể lạnh lùng tàn nhẫn như hổ báo. Con cũng chẳng hiểu nổi anh ấy. Có thế anh ấy có một thời thơ ấu không được đẹp.”
“Nó chỉ nói với dì là con cái là trách nhiệm suốt đời. Nếu là người tàn nhẫn thì đã không nói như vậy. Nếu không thương con thì nó đã chẳng cuống cuồng đi tìm con. Sonya, con hãy suy nghĩ cho chín chắn. Dì nghĩ nó yêu con. Nếu con sinh nở thì nó phải ngỏ lời cầu hôn. Đó là lý do tại sao nó ngần ngại.”
“Dì có chắc không?”
“Chắc chứ sao không chắc. Nếu muốn bỏ con thì còn cơ hội nào tốt hơn lúc này. Con nghĩ gì thì nghĩ, nó là đứa có bụng dạ tốt. Dì chắc chắn như vậy.”
Con bé nghe qua có vẻ thấm, mặc dù không nói sẽ làm gì. Tôi định gọi cho Ben nhưng lại thôi. Thế nào mà Sonya chẳng liên lạc, để kệ tụi nói giải quyết với nhau.
Đúng như tôi tiên liệu, tối hôm sau Ben gọi cho tôi, nói Sonya đang ở với người bà con, một cô nàng băm mấy đang học điêu khắc bên Canada. Ben đang bận việc nên không thể qua Toronto, nhưng Sonya hứa vài hôm sẽ về và sẽ không làm gì quyết liệt. Nghe qua tôi cũng mừng nhưng có hơi thắc mắc về thằng Ben nên tôi hỏi lý do gì mà chưa ngỏ lời cầu hôn với Sonya. Nó ngưng một hồi rồi nói, “vì con muốn tìm hiểu về ông ngoại con trước đã. Sau đó rồi con mới quyết định có nên ở lại Mỹ hay không.”
Ngạc nhiên, tôi hỏi, “Tại sao con lại phải tìm hiểu thêm về ông ngoại? Những bài viết dì gởi cho con tưởng đã nói khá rõ về cuộc đời và hoạt động của ông bên xứ này rồi chứ.”
“Chắc phải có gì hơn. Phải hiểu cho rõ ngọn nguồn.” Ben nói. “Như đồng chí Lê Nin đã từng nói, ‘Quên quá khứ là phản bội quá khứ.” Con không phải là người dễ quên.”
Tôi thắc mắc không hiểu sao nó không hỏi mượn thêm bài về ông ngoại nó hay cuốn nhật ký của Gary. tôi đề nghị, “Dì có thể FedEx cuốn sách viết về ông con, cuốn Thằng Gián Điệp Tàu. Cuốn sách viết khá tỉ mỉ, nhưng đừng tin hết những điều nó viết.”
“Thế thì còn gì bằng. Dì gởi cho con đi. Con sẽ đọc kỹ lưỡng rồi rút tỉa kết luận của riêng mình sau.”
Tôi email cho Sonya, nói nó nên cho Ben một thời gian để suy nghĩ xem có nên ở lại Hoa Kỳ luôn không. Tôi viết thêm, “Con phải nhớ nó làm cho một hãng Tàu và có thể bị gọi về bất cứ lúc nào.”
Cô nàng viết lại: “Chuyện đó mà nhằm nhò gì? Con sẵn lòng về Tàu ở với ảnh.”
Đọc xong những lời ấy, tôi mỉm cười và mắt nhoè lệ. Tôi đâu biết nó thương thằng ấy đến độ sẵn lòng về sống bên Tàu, một nơi không phải là dễ sống cho người Tây Phương.
No comments:
Post a Comment