Wednesday, February 1, 2017

Bản Đồ Của Sự Bội Phản 1961

Bản Đồ Của Sự Bội Phản
1961


Gia đình họ Thượng ở trong một ngõ cụt cuối đường Riverview, Alexandria. Nhà họ ở là một căn một tầng xây kiểu nông trại trên khu đất cao, có nhà xe dính liền. Bên hông nhà có một tảng đá to kềnh và hàng rào ô rô xây chung quanh. Góc sân sau trồng một cây lựu, một giống ít thấy ở Virginia nhưng có nhiều ở quê nhà của Gary. Anh đã bỏ ra 23 ngàn đô để mua căn nhà này, giá tuy hơi cao hơn thị trường nhưng anh thích không khí yên tịnh, mặt ngoài nhà bằng gạch, phòng khách bịt ván gỗ sồi, và tầng dưới đất có thể ở được, tầng này có cửa sổ mấp mé mặt đất và là nơi anh có thể đặt phòng làm việc. Bởi thế nên anh mua mà không buồn trả giá kỳ kèo. Nellie cũng thích căn nhà ấy, nhất là cửa sổ vòm nhô ra ngoài ở nhà bếp và cánh cửa kiểu Tây ở giữa phòng khách và phòng ăn làm căn nhà có vẻ rộng hơn. Nàng cũng thích khu xóm yên ổn và bây giờ dành toàn thời gian để săn sóc Lilian và thu xếp công việc nhà. Đến tháng Bẩy là con bé đã lên bốn, và một khi gởi nó đi nhà trẻ thì Nellie sẽ tìm việc làm. Làm cái gì thì chưa biết nhưng thỉnh thoảng nàng vẫn nghĩ tới.

Gary tự cắt cỏ khu vườn rộng nửa mẫu và trồng tỉa lấy cây cối. Tất cả việc bên ngoài là của anh, kể cả việc đào cỏ dại. Anh chúa ghét ốc sên, thấy con nào là thế nào cũng phải giết cho bằng được. Anh khá khéo tay và biết sửa xe cũng như máy móc trong nhà. Khi rỗi rãi, anh đi tản bộ trong công viên gần đó, nơi mà không gian rung động với tiếng chim hót đó đây. Khi thời tiết cho phép thì anhdắt con gái đi theo cùng, khi thì dắt tay, lúc lại cõng trên lưng. Anh cũng dạy nó tiếng Quan thoại. Nói chung thì anh là một người biết lo lắng cho gia đình và lịch sự với hàng xóm. Ai cũng thích những bụi cúc anh trồng quanh nhà. Thế nhưng anh lại thờ ơ với thế giới bên ngoài và không hay giao thiệp với người khác, tuy có theo dõi và bàn chuyện bóng rổ với đồng nghiệp. Nhưng cho dù anh có cố đến mấy cũng không thích nổi bộ môn bóng chày. May ở chỗ, vợ anh không than phiền tính ít giao thiệp của anh. Họ không mấy khi mời khách về nhà. Chỉ đến khi con gái đến tuổi có bạn thì họ mới tổ chức party bi-da-ma một năm một lần.

Tuy ngoài mặt thản nhiên nhưng năm 1961 là một năm đầy biến động cho Gary. Mùa xuân anh được vào quốc tịch. Trong buổi lễ tuyên thệ, anh thề trung thành với Lá Cờ Lấp Lánh Sao và nguyện sẽ phục vụ trong quân đội để bảo vệ Hiến Pháp Hoa Kỳ, một bản văn mà anh vẫn ngưỡng mộ vì những chi tiết để ý đến quyền lợi người dân như đã định và bảo vệ bởi tu chính pháp. Như một khế ước giữa quốc gia và người dân. Anh làm theo thủ tục nghi thức mà tâm hồn như tê dại, tuy anh có ấn tượng với sự nghiêm trang và cố nở nụ cười khi trình tờ giấy thông hành Trung quốc đã hết hiệu lực cho một viên chức đàn bà. Bà ta dùng kéo cắt một góc thông hành, đưa trả lại, và chúc mừng anh nay đã có một quốc tịch mới toanh. Giờ đây Gary có thể thành thật nói mình thích vài khía cạnh của đời sống Hoa Kỳ-- sự trật tự, phong phú, kín đáo, đời sống thường nhật, sự tự do đi lại (bằng ô tô trong nước và thẻ thông hành Mỹ hay thẻ xanh khi ra nước ngoài.) Thế nhưng đầu óc anh vẫn nghĩ về một mảnh đất xa xôi nơi đó có gia đình của anh. Anh đã quyết định không muốn có con thêm với Nellie, không muốn có thêm vấn đề. Đối với anh, hạnh phúc làm gì có ở nơi chốn này, và anh chỉ có thể hình dung ra nơi quê nhà khi sum họp tái ngộ với gia đình đầu tiên.

Có quốc tịch Hoa Kỳ rồi, anh còn phải vượt qua kỳ sát nghiệm với máy nói dối để trở thành một nhân viên CIA chính thức. Anh đã nghiên cứu và biết miễn sao đừng để câu hỏi làm mình dao động thì kim sẽ không nhảy và sẽ không ai biết mình nói dối. Thế là anh bắt đầu pha trà với ngũ vị tử uống mấy ngày trước khi đi thi. Ngũ vị tử có tác động an thần và tuần sau anh thi đậu kỳ sát nghiệm nói dối một cách dễ dàng. Bây giờ anh có thể đọc hồ sơ tối mật, nhiều cái do George Thomas gởi thẳng cho anh để dịch. George đã đậu bằng tiến sĩ năm ngoái, giờ ai cũng phải gọi là tiến sĩ này, tiến sĩ nọ, nhưng riêng đối với Gary thì hai người vẫn anh anh tôi tôi. Họ vẫn hay la cà những quán nhạc jazz. Thường thì Thomas nói, còn Gary chỉ ngồi nghe. Khi về nhà anh mới ghi lại những dữ kiện quan trọng rồi cất đi một nơi.

Nhờ đọc được nhiều tường trình về miền Viễn Đông, Gary mới thấy là nước Tàu chẳng ra làm sao. Bước Đại Nhảy Vọt là một sai lầm tai hại làm cho cả nước bị đói. Cả một nền nông nghiệp bị hư hại vì những nông trường tập thể. Chẳng ai thèm làm việc vì không làm mà vẫn có ăn. Lúa chín đầy đồng để mặc cho chim, thú ăn. Vườn cây, quả rụng, chẳng ai thèm nhặt. Khi lúa gạo đã ăn hết sạch thì người ta bắt đầu lấy thóc giống ra ăn. Thế là khi mùa xuân đến, không còn hạt giống để trồng. Từ thành thị đến thôn quê, người ta bắt đầu lũ lượt chết đói. Người nào còn sức thì kéo nhau sang những vùng mà nạn đói chưa đến nỗi trầm trọng.

Tin dữ thì khắp nơi nước Tàu, đâu đâu cũng có, nhưng Gary chỉ để ý đến tỉnh nhà ở Sơn Đông, anh không biết tin tức có bị phía Đài Loan bóp méo để gây ảnh hưởng với Bạch Cung và Ngũ Giác Đài hay không. Nếu theo dõi tình hình ở một vùng mà anh đã biết thì có thể xác định chính xác hơn mức độ trầm trọng. Thế nhưng anh không có nhiều tin tức của quê nhà nhưng ở những vùng lân cận thì người dân bị phù thủng và bụng báng vì suy dinh dưỡng. Đàn bà thì bị sa dạ con, và con gái mới 20, 30 tuổi cũng đã tắt kinh. Mấy bà đỡ chuyên dạy cai đẻ khỏi phải cho thuốc ngừa thai vì còn sức đâu mà sanh với đẻ. Chính phủ ra lệnh cho cấp gạo, người lớn sáu ang, trẻ con bốn ang. Nhưng gạo xuống tới tay người dân thì chẳng còn là bao, số còn lại chạy vào hầu bao cán bộ. Nội trong vùng Huệ Dân không thôi đã có cả vạn người chết, có làng dân chúng đi sạch.

Cả mùa hè anh theo dõi tin tức, nửa hồi hộp, nửa bán tín bán nghi. Trung Quốc vừa mới đây hăm he qua mặt Anh Quốc mà sao trong chớp mắt lại có thể suy sụp thảm hại như vậy? Khi đi ăn tiệm Tàu, anh lắng nghe người ta nói chuyện xem có nhắc đến quê nhà không. Một hôm anh thấy cô Suzie Triệu, người xướng ngôn viên tiếng Quan thoại của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, đang ngồi ăn ở tiệm Trúc Viên, một tiệm ăn chỉ có sáu bàn và bữa ăn trưa giá đặc biệt chỉ có 75 xu. Anh hỏi, “cho tôi ngồi cùng bàn được không?”

“Dĩ nhiên, mời anh ngồi,” nàng nói một cách niềm nở, đôi mắt hình quả hạnh chớp chớp.

Anh cầm tô mì sang ngồi đối diện. Trông nàng có vẻ bồn chồn lo lắng. Nàng có một giọng nói truyền cảm làm Gary tưởng tượng đến một người con gái đang nói chuyện thiết tha với một người tình không với tới. Họ nói chuyện về nạn đói bên Tàu. Nàng nói, “Nghe nói căn nhà chú tôi bị tiêu tùng. Dân làng xúm lại rỡ nhà ổng ra, mang gạch về làm chuồng lợn.”

“Tại sao?” Gary hỏi, bụng bảo dạ chắc tại gia đình nàng bỏ xứ chạy sang Đài Loan.

“Tại nhà nào cũng là của tập thể. Nghe mà phát ớn lạnh.” Nàng nói mà mũi thì sụt sịt, chỉ chực khóc.

“Lợn còn thì chưa đến nỗi. Lấy đâu ra cám cho lợn ăn?”

“Làm gì còn lợn. Không chết vì bệnh thì người ta cũng thịt rồi. Cỏ và vỏ cây người ta còn ăn nữa là. Nghe nói quê tôi người ta ăn thịt lẫn nhau.”

Thật là không thể ngờ được. Suzie quê ở Giang Tô, nơi nổi tiếng đất đai màu mỡ, phì nhiêu, mệnh danh là “miền đất cơm cá.” nếu Giang Tô mà còn đói thì cả nước Tàu chắc chẳng còn cái để ăn.

Kể từ sau đó Gary và Suzie thường hay đi ăn trưa chung hay nói chuyện điện thoại với nhau. Lúc đầu anh còn hơi dè dặt vì nàng có gia đình bên Đài Loan và lục địa. Nàng cũng mặt mũi xinh xắn, dáng người mảnh dẻ, và có giọng nói truyền cảm. Anh không ngờ người xinh thế mà vẫn còn độc thân. Nàng đã ba mươi mốt nhưng chẳng có vẻ gì là vội vàng. Nàng còn nói mình không phải là típ làm vợ, “nâng khăn sửa túi là không có em rồi,” nàng nói thẳng, chẳng thà ở vậy sướng hơn. Hồi đó nàng có anh kép làm ký giả ở Cao Hùng, nhưng anh ta chết trong một tai nạn chìm phà bảy năm trước đây. Bây giờ, hễ cứ nghe tin nạn đói trong nước là Suzie kể cho Gary nghe. Gary giỏi phân tích và nhìn thấy trước hệ quả. Cô nàng phục lắm, “Tôi mà thông minh như anh thì đã đi học luật hay học tiến sĩ ngành lịch sử khoa học.”


Khi thân thiết rồi thì họ hay tâm sự với nhau. Nàng kể có thời cặp bồ với một anh chàng người Mỹ làm nghề kỹ sư âm thanh ở Bạch Cung, nhưng sau họ rã đám vì anh xem thường người Tàu. Nàng kể, “Hồi đầu thì Michael cũng được, nhưng riết rồi chiều quá ảnh hư. Có lần tôi làm canh cơm cháy và ảnh lầm bầm, ‘cái gì mà tối ngày cơm Tàu.’ tôi bảo thẳng vào mặt, ‘Muốn chơi gái Tàu thì phải ăn cơm Tàu.’ Thế là tôi cho ảnh de cái rụp. Sau đó tôi chẳng thèm cặp ai nữa.”

Gary cười khúc khích. Câu chuyện làm anh nghĩ tới Nellie, cô nàng chưa bao giờ than phiền những món anh thích ăn. Kể cũng còn may. Rồi Suzie thở dài nói. “Đi đâu thì đi, tôi vẫn là người Hoa.”

Chẳng hiểu tại sao, điều nàng nói làm Gary cảm động. Anh nói,” Nhưng cô có quốc tịch Mỹ mà?”

“Phải. Ý em muốn nói là trong lòng kia. Con người em không thể thay đổi được. Em vẫn là người Tàu.”

“Thú thật, tôi cũng vậy.” Gary nói. “Nếu sang đây khi còn bé thì có thể đã hội nhập rồi.”

“Có lẽ vậy.”

Họ ngủ với nhau vài tuần sau một buổi tối cuối thu trong phòng của nàng trên đường Duke. Cơm tối xong xuôi, nàng mời anh về nhà uống trà. Nhà nàng là một tổ ấm dễ thương với một phòng ngủ, một phòng khách, có sô pha vẽ hoa và màn cửa màu ngải. Thay vì uống trà thì họ uống rượu nếp cẩm mà cô bạn mang từ Đài Loan về. Cuối cùng thì chuyện gì đến cũng phải đến. Cuộc mây mưa xảy ra tiếp theo rầm rộ như vũ bão. Những chiếc gối rớt xuống sàn gỗ, nằm cạnh đống quần áo trút vội. Họ thì thào những từ ngữ bình thường không bao giờ dám nói ra. Nàng rướn người, miệng mở tròn như loài cá mắc cạn. Mồm anh ngậm chặt đầu vú, đít anh cong lên mà hì hục thì thụt. Họ quay cuồng trong cơn lốc của dục vọng nên không còn biết mắc cở là gì. Những ngôn từ thô bỉ phun ra ào ạt như những lời thần chú đã từ lâu quên mất, nay trở lại trong căm hờn, bắt họ phải hành lạc để sanh tồn. Họ làm tình như loài thú giao cấu.

Khi tới lần thứ hai thì nước mắt nước mũi Suzie chảy ra nhuếch nhoác. Tóc nàng rối bời nhưng mặt nàng đỏ ửng như con gái đôi mươi. Nàng thì thào thú nhận, “Anh làm em thấy mình là đàn bà trở lại. Anh đi rồi, nhớ anh, sao em ngủ được?”

Câu nàng nói làm Gary hơi ngượng, suýt nữa thì hỏi nhớ cái gì của anh. Rồi anh chợt nhớ, nàng cũng là một kẻ cô độc, nhớ nhà, nhớ quê hương tuy ngoài mặt làm bộ thản nhiên. Họ không ngờ là khi nằm cạnh nhau có thể nói đủ thứ chuyện--từ chuyện thuở bé dưới quê cho đến những năm tháng học đại học ở Bắc Kinh, những món ăn nhà quê, những ngọn núi, những bãi biển, từ chuyện người nào bị đấu tố trong Phong Trào Cải Cách Ruộng Đất cho đến những giai cấp khác nhau ở miền quê bây giờ, từ cái nhìn về vẻ đẹp khác nhau giữa người Á Châu và người Tây Phương đến những người đàn ông ngoại quốc đẹp trai đi lấy những người đàn bà Trung Hoa mặt mũi xấu òm. Họ nói cho đến 1 giờ sáng, rồi anh phải lồm cồm bò dậy đi về nhà.

Trời bên ngoài rét căm căm. Gary cài vội nút giữa của chiếc áo khoác vải thô. Mảnh trăng lưỡi liềm sáng vằng vặc trên bầu trời lấp lánh sao. Một trái sồi rớt xuống nóc nhà gần đó, rồi lăn long lóc trên mái ngói cho đến khi rớt xuống đường kêu cái thịch. Trong khi đi dưới ánh trăng trong xanh về chiếc xe đậu sau nhà Suzie, Gary chợt nghĩ đến lối người Mỹ hay nói “talk a blue streak/ nói văng nước bọt.” Và anh tưởng tượng họ giống như hai coi chim bị nhốt trong lồng, chỉ biết ríu rít với nhau.

Trong ngành tình báo, việc thu thập tin tức mới chỉ là bước khởi đầu. Sau đó lại còn phải phân tích, rồi sử dụng sao cho có hiệu quả nhất. Vài tháng vừa qua, không biết bao nhiêu tin tức đã qua tay Gary, làm sao chụp cho hết được. Thế là anh phải chọn đoạn nào nghĩ là quan trọng, rồi gom lại và tổng hợp thành một bản phúc trình có đầu có đuôi. Trong phần phân tích, anh nhấn mạnh việc Hoa Kỳ đã quá rành về tình trạng thê thảm bên Trung Quốc. Anh muốn giới lãnh đạo Trung Quốc hiểu là nếu không giải quyết cho xong thì có thể sẽ bị nước ngoài tấn công. Khác với Hoa Kỳ, đông tây giáp biển, bắc nam không có cường quốc, một Trung Quốc yếu kém, bao quanh bởi những láng giềng thù nghịch với tranh chấp lãnh thổ, sẽ như một người đuối sức bơi trong một vùng biển đầy cá mập. Anh biết mình hơi lo xa nhưng không làm không được và trong bụng chửi thầm lũ lãnh đạo Tàu ngu dốt.

Cuối tháng Chạp năm 1961 anh sang Đài Bắc rồi từ đó qua Hồng Kông. Anh nói Nellie là mẹ vợ của người anh họ vừa qua đời nên phải sang thăm. Bính Văn đã đợi sẵn bên Hồng Kông. Ông ta trông ốm yếu ho hen, Gary càng tin thêm có nạn đói. Nhưng ông ta chỉ lắc cái đầu bù xù nói, “Tôi vừa mổ sa đì về nên chưa khoẻ hẳn. Bên nhà tất cả đều bình yên cả.”

Chắc Bính Văn được lệnh nói vậy chứ làm sao mà tất cả bình yên được. Trông mặt ông rõ ra kẻ đói lâu năm, khi ra tiệm ông gọi thức ăn đầy bàn rồi ăn ngấu ăn nghiến. Ông cho Gary biết anh được thăng cấp lên ngang hàng với chức vụ thiếu tá trong quân đội. Gary thích chí rồi cùng Bính Văn nốc cạn liền tù tì ba chén Mao Đài. Bính Văn bảo yên chí đi, Dụ Phong và hai đứa song sinh đều khoẻ hết, chỉ có điều cha mẹ anh qua đời mùa đông năm ngoái--cha anh chết trước, mẹ anh mất ba tháng sau. Cả hai đều bị phong thấp nên đi đứng chậm chạp, chứ ngoài đó ra thì cũng mạnh khoẻ. Bính Văn nói họ chết già chứ không phải chết đói. Hai cụ cũng đã ở cái tuổi lục thập nên Gary nghĩ cũng tới tuổi rồi, tuy mẹ anh khi mất có lên cơn sốt. Bính Văn nói ông đích thân về lo thủ tục chôn cất, phí tổn bao nhiêu do nhà nước đài thọ hết. Cha mẹ Gary được chôn trong khu mộ của họ Thượng, mặc quần áo mới tươm tất, đám ma có một chục vòng hoa. Tất cả đều chu đáo tới nơi tới chốn.

Trước khi đi, Gary có ý định viết thư cho gia đình nhờ Bính Văn gửi, nhưng anh dẹp ý đó qua một bên, vì chắc chắn lá thư sẽ bị vất sọt rác. Anh không được phép liên lạc trực tiếp với gia đình nơi quê nhà. Hơn nữa anh chẳng muốn người ta đọc thư mình gửi cho vợ. Miễn sao lương tháng gửi về đều đặn thì Dụ Phong và hai đứa nhỏ chắc cũng sống thoải mái.

Khi Bính Văn báo tin cha mẹ chết, Gary không tỏ vẻ xúc động, nhưng khi về một mình trong căn phòng khách sạn, anh bỗng cảm thấy một nỗi buồn vô hạn dâng trào làm anh chẳng muốn làm gì, chỉ nằm đó mà khóc thương cho cha mẹ. Thời còn trẻ, cha anh đã từng theo một đám trai làng sang Tây Bá lợi Á để lập nghiệp. Họ định cư ở Vladivostok, ông đã may mắn được một cặp vợ chồng lớn tuổi người Hoa mướn về làm trong cái chợ nhỏ của họ, và vì họ không con mà lại quí mến ông, nên nhận ông làm con nuôi. Ba năm sau hai vợ chồng bị thương hàn qua đời, để lại toàn bộ tài sản cho ông. Ông bán chợ trở về làng mua bốn mẫu ruộng tốt. Năm sau ông xây một căn nhà năm phòng, có mái ngói, rồi lấy một cô gái con nhà khá giả. Cô dâu tuy không đẹp nhưng đã học xong tiểu học. Thời bấy giờ mà con gái học xong tiểu học là hiếm lắm. Hai vợ chồng dự tính có nhiều con, nhưng rốt cuộc chỉ có mỗi một mống con trai.

Có thể nói là cha mẹ của Gary đã có một cuộc đời kể ra cũng khá, tuy ông cụ già rồi mà vẫn ra ruộng cầy cấy với người làm. Khi anh thi đỗ kỳ thi tuyển và ghi danh đi học một trường đại học hàng đầu ở Bắc Kinh, ông bà mừng rỡ chạy ra ngôi chùa bờ hồ để đốt hương và mang hai mươi đồng bạc cúng cho ông thần hoàng, một người khi còn sinh tiền là chúa đảng ăn cướp nhưng lúc nào cũng bảo vệ dân làng. Khi anh lên năm thứ ba tại đại học Thanh Hoa thì cha mẹ anh đi hỏi Dụ Phong về cho anh. Họ nghĩ là cô gái khoẻ mạnh dễ thương ấy sẽ đem lại phúc lộc cho gia đình. Là đứa con có hiếu nên Gary tuân lệnh cha mẹ đi về xem mắt người vợ sắp cưới của mình. Anh không ngờ nàng lại xinh xắn và dễ thương như vậy nên chịu làm đám hỏi ngay. Giờ đây, nằm một mình trong một căn phòng trống vắng, anh bị dằn vặt bởi nỗi đau khổ và lòng oán giận cấp trên đã làm anh phải xa gia đình. Anh biết chắc vợ mình đã là người con dâu hiếu thảo với cha mẹ chồng. Phải chi anh gặp được cha mẹ trước khi hai cụ mất. Và cứ thế mà anh nằm lì trong phòng suốt hai ngày không ra đến ngoài.

xxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxx


Trường Đại Học Sư Phạm mãi đến đầu tháng Bảy mới nghỉ hè, nhưng vì các lớp của tôi đều xong cả và bài vở chấm rồi nên tôi có thể bay về nhà vào giữa tháng Sáu. Vì biết có thằng cháu đang ở bên Mỹ nên tôi nóng lòng muốn gặp nó. Tôi cũng nhớ chồng, nhớ nhà.

Tôi thấy Henry, tuy đã 61 nhưng có vẻ trẻ hơn lúc tôi đi cách đây nửa năm. Tôi nói đùa nếu tôi ở xa thì chắc anh sống lâu trăm tuổi. Anh nói, “Cái đó không biết, nhưng chắc chắn em sống dai hơn anh.” Nhà anh ai cũng sống lâu. Cha anh mất năm 94 tuổi, và hai tuần trước còn đi rảo bộ buổi tối trong khu rừng sau nhà. Mẹ anh, năm nay 89, nhất định không vào viện dưỡng lão và vẫn có thể tự lo một mình. Phần lớn họ hàng nhà Cohen ở bên u Châu, vài người sang định cư bên Do Thái. Henry hay nói tôi hút hết nguyên khí của anh, vì anh thường hay mệt mỏi khi có tôi ở gần bên. Ngược lại, sống chung với anh, ăn ngủ với nhau, là tôi tỉnh hẳn người ra. Cái này chắc cũng là vẫ́n đề hợp xung mà thôi. Hồi thời ba mươi, tôi có một mối tình tuy ngắn ngủi nhưng cuồng si với một anh chàng người Hoa, nhưng mỗi khi ở gần anh ấy là tôi thấy hao tổn nguyên khí. Anh chàng kể cũng dễ thương và có thể cũng yêu tôi không chừng. Nhưng vì quá nhiều chướng ngại: anh phải hy sinh sự nghiệp đảng viên và vợ con để lấy tôi, nên chúng tôi đã phải chia tay. Tuy không nói là tôi yêu anh ta, nhưng cuộc tình cũng để lại một vết thương lòng khá sâu đậm. Vậy mà rồi dần dần tôi cũng quên được anh. Ngay trong lần đến Bắc Kinh vừa rồi tôi cũng không đi tìm kiếm anh, nhưng thỉnh thoảng kỷ niệm xưa cũng trở về làm khuấy động mặt hồ tình cảm vốn đã phẳng lặng.

Tôi về Henry mừng lắm, tôi đi đâu theo đó rều rễu để nói chuyện không ngừng nghỉ. Tuy lai Do Thái nhưng trông anh có vẻ Mông Cổ, cặp mí mắt dày cộm trên một khuôn mặt trái soan, tóc ngắn đàng trước mà để dài phía sau. Anh mặc quần jeans áo thun, cho thấy chân tay dài ngoằng, và cái bụng bắt đầu hơi phệ. Anh từng đi học trường luật Northwestern nhưng được một năm thì bỏ dở vì không muốn làm luật sư. Không như hai người anh, một người là cố vấn tài chính, người kia làm biên tập cho tờ The Wall Street Journal, anh thích làm việc chân tay và có khiếu sửa chữa. Chúng tôi ít khi nào phải mướn thợ cắt cỏ, tỉa cây hay để sửa chữa khu chung cư. Anh giỏi chẳng kém thợ lành nghề. Hơn thế nữa công việc chân tay giúp anh khoẻ mạnh. Tôi chỉ phải lo việc sổ sách.

Hôm sau ngày trở về, chúng tôi đi ăn điểm tâm tại Thất Hải Cao Lầu. Tức cười cái là khi sang Tàu, nơi thức ăn đa dạng và nấu nướng ngon hơn, thì tôi lại nhớ món điểm tâm kiểu Quảng Đông làm ở đây. Nhất là sau khi Mẫn Mẫn nói tôi nghe vấn đề sử dụng kháng sinh và thuốc trừ sâu bừa bãi trong thực phẩm, tôi đâm ra sợ hãi và ít khi nào dám đi ăn tiệm ở bên Tàu. Mỗi lần thấy quả lê bán rẻ, trái nào trái nấy hơn hai kí lô là tôi tránh xa. Sau này tôi mới biết dân có tiền tài và thế lực bên Trung Quốc mua thực phẩm từ một vài khu vườn và nông trại chọn lọc. Có quan chức còn rào cả ngọn đồi để trồng trà không dùng thuốc trừ sâu và gặt hái phải bằng tay. Cũng có những tiệm thực phẩm tự nhiên ở khắp nơi trên toàn quốc chỉ bán cho quan chức cao cấp. Khi tôi nói có người cháu ở tại Massachusetts, mắt anh sáng rỡ.

“Đừng có mừng vội,” Tôi nói Henry. “Bản Ninh nó chẳng nhỏ nhít gì. Năm nay nó hai mươi sáu rồi.”

“Hai mươi sáu vẫn còn bé với anh. Sao em không nói có cháu ở bên Mỹ?”

“Nó vừa mới cho biết, và em cũng chưa rành rẽ cái thằng này. Để làm quen từ từ rồi hẵng tính, okay?”

“Được rồi. Chẳng có gì mà phải vội vàng.”

“Về nhà quá sung sướng. Tha hồ ăn uống thả cửa.”

Nói thì nói vậy chứ tôi ít khi nào ăn uống quá độ. Khi còn bé, mẹ tôi bắt phải cân mỗi tuần, nói là con gái mà béo thì chỉ có tàn đời hoa. Mẹ cho tôi ăn kem mỗi tuần một lần, nhưng bánh quy thì thường hơn, vì bà mua được giá hời. Chẳng biết tại sao mẹ lại sợ tôi béo. Cả bố lẫn mẹ tô đều vừa người. Ngay bây giờ tôi cao 5 foot 8 inch (1 mét 73), cân nặng 132 pounds (60 kí) Dĩ nhiên vừa ăn một bụng điểm tâm thì có lẽ hơn một tí.

Tối hôm ấy tôi gọi Bản Ninh. Giọng nó có vẻ vui mừng, cứ gọi đi gọi lại chữ dì. Tôi thấy hài lòng. Chắc con Cự Ly đã nói tôi là dì thật chứ không phải ai khác. Nhưng khi tôi nói muốn đến thăm thì nó khựng lại, nghe thấy tiếng thở trên điện thoại. Rồi nó nói, “Được rồi, con cũng muốn gặp Dì, Dì Lilian ạ.” Nó cho tôi địa chỉ và đường đi, thật ra không cần thiết vì tôi vốn là thổ công vùng Boston.

Tôi thích đi xe lửa đường DC-Boston, nhất là ngắm biển khi đi ngang Connecticut và cảnh những cặp thiên nga trôi lững lờ trên mặt hồ. Cả Baltimore cũng đẹp khi có tuyết, như chiến trường bỏ hoang được phủ lên một lớp êm đềm trắng xóa. Bên Tàu, người ta hay hỏi nước họ khác Hoa Kỳ chỗ nào, tôi nói đất Mỹ chỗ nào con người cũng ở được, chỗ nào cũng nhiều tài nguyên thiên nhiên. Lắm người không tin, nhưng tôi nói thật. Đất Tàu đã bị sử dụng quá độ nên điêu tàn. Tôi bảo nếu qua chơi, nên đi xe buýt Greyhound đi chéo Bắc Mỹ. Đi rồi mới hiểi tại sao nước Tàu nên giữ liên hệ tốt với Hoa Kỳ và Gia Nã Đại vì tài nguyên họ dồi dào.

Khi tôi bước ra khỏi trạm xe điện ngầm tại trung tâm Quincy thì Bản Ninh đã đứng ngoài chờ sẵn. Nó cười rạng rỡ, như đã gặp rồi (kể ra thì cũng có--chúng tôi đã trao đổi hình ảnh trên email.) Nó tiến lại cầm va-li tôi và nói, “Cháu chào dì ạ.” Không ngờ nó giống bộ́ tôi thế, cũng cặp mắt nheo nheo khi cười ấy, cũng cái mũi rộng, đôi má phinh phính, và cái cằm cứng cáp ấy. Chân nó cũng hơn khuỳnh khuỳnh nên đi chữ bát giống ông ngoại. Nó cao 5 feet 9, thấp hơn Gary một tị. Chắc nó đi làm vừa ra, trên vai còn đeo một cái cặp bằng da màu nâu.

Nó nói bỏ chữ Ninh rồi, cứ gọi nó là Ben cho tiện. Nó sống một mình trong một căn chung cư đi bộ sáu bảy phút tới trạm xe lửa. Căn nó ở có bốn phòng, nó nhất định bắt tôi đến đó ở mặc dù tôi nói tôi ở khách sạn không sao. Sau khi tôi rửa mặt rửa mũi xong suôi rồi ngồi tại phòng khách, nó nói, “Dì Lilian, muốn ra ngoài ăn hay ăn ở nhà? Con có thể nấu ăn hay mình gọi cho nó mang thức ăn đến đây.”

“Đi ra ngoài ăn đi. Hồi đó dì học chương trình tiến sĩ ở đại học Boston. Dì muốn xem xem Quincy bây giờ như thế nào.”

Hôm ấy trời hơi lành lạnh, ngọn gió hiu hiu thổi về từ hướng đông bắc trong khi chúng tôi đi tản bộ trên đường Hancock về hướng con phố chính. Thành phố đã thay đổi khá nhiều--đi đâu cũng thấy mặt người Á Châu. Có tiệm còn trương bảng hiệu tiếng Tàu song song với tiếng Mỹ. Người ta nói Quincy đang thành một phố Tàu thứ hai của Boston, chắc cũng hơi khó, vì Quincy là một thành phố trải dài mọi hướng, lại còn bốn trạm xe điện ngầm nên dân số Á Châu bị tản mác nhắp nơi, không có nơi nào làm trung tâm điểm. Giỏi lắm thì một số người Hoa có thể chiếm ngự vài góc trong cái thành phố lớn này. Ben và tôi quyết định vào một tiệm chuyên nấu món Đài Loan.

Trong khi chờ thức ăn mang ra, nó kể về đời sống bên này. Nó đã ở vùng Boston được một năm và vừa có được thẻ xanh, nhưng nó đi thường xuyên, mỗi năm sang Á Châu và u châu tám chín lần. “Con có thể không ở đây lâu,” nó nói.

“Tại sao?” tôi hỏi. “Không thích ở đây sao?”

“Thích chớ. Nhưng con làm cho một công ty quốc doanh. Có thể bị thuyên chuyển bất cứ lúc nào.”

Nó quay lại nói tiếng Quảng Đông với một cô hầu bàn mặt tròn. Tôi không ngờ nó nói thạo như thế, và khi cô hầu bàn quay đi, tôi hỏi sao biết tiếng Quảng. “Con từng sống ở Quảng Châu một thời gian.” Tôi nhớ bố tôi viết trong nhật ký, khi ở Hồng Kông, ông nghe người ta nói tiếng Quảng như vịt nghe sấm. Ông có lần nói, “Ai họ cũng gọi là thằng quỷ.”

Ben muốn biết cha mẹ và các chị em có khoẻ không. Tôi nói mọi người khoẻ cả nhưng ai cũng nóng lòng không biết nó làm cái gì. Trong khi nói, tôi không khỏi thắc mắc không biết nó có biết gì nhiều về bố tôi không. Tôi chưa nhắc đến Gary, chỉ sợ nhiều quá cùng một lúc. Thức ăn mang ra--nó gọi món mì hấp còn tôi cháo cá. Chúng tôi ăn chung hai món đậu đũa xào và gà sốt cam. Tôi thích bữa ăn thanh đạm mà ngon và mừng khi thấy Ben không phải là đứa háu ăn. Nó nói ghét nhất ăn tiệc bên tàu vì quá phí phạm. Thật vậy, tôi để ý thấy nhiều người Hoa, nhất là loại giàu sổi, lầm tưởng việc vung tiền quá trán và phô trương xa hoa có nghĩa là sang trọng. Có những nàng sẵn sàng đốt cả tháng lương để mua một cái ví hàng hiệu, một cái Louis Vuitton hay Gucci hay Kate Spade. Họ chỉ biết đến bề ngoài và giá tiền. Tôi không hiểu tại sao những đồng nghiệp trẻ tuổi của tôi ở Bắc Kinh có thể--”tiêu tiền như nước,” chữ họ dùng. Tưởng là người Hoa thì phải thực tế hơn chứ.

Ben nói tiếp, “Sau ba bốn món là ăn hết biết ngon. Tại sao lại phải ăn hết món này đến món nọ? Chỉ có phí tiền vô ích. Con biết có lắm người có những biệt hiệu háu ăn như Ăn Bạo, Chuyên Gia Ăn Uống, hay Ăn Không Cần Biết. Họ lấy đó làm hãnh diện. Muốn cải cách thật sự phải bắt đầu cải cách lối ăn uống.” Cả Ben và tôi đều lăn ra cười.

“Dì cũng dị ứng với cái văn hóa ẩm thực bên đó,” tôi thú nhận. “Trong những bữa tiệc linh đình ở Bắc Kinh, dì không khỏi thắc mắc họ đang tiêu tiền của ai. Có lần nói chuyện với một quan chức ngồi cạnh, ông nói mỗi tuần đi ăn tiệc năm sáu lần. Ông có nhiệm vụ phải khoản đãi khách của văn phòng.”

“Dĩ nhiên người dân phải è cổ ra đóng thuế để trả,’ Ben nói.

“Vậy thì cải cách ẩm thực quan trọng không kém cải cách chính trị?”

“Đối với con, quan trọng hàng đầu, bởi vì đại đa số, không phân biệt chính kiến, sẽ hậu thuẫn một thay đổi cụ thể như thế.”

Ăn uống xong suôi, tôi vẫy tay tính tiền, nhưng Ben nhất định dành trả, nói tôi là khách. Tôi để nó trả. Nó xin hộp đựng thức ăn thừa. Tôi thích vậy. Nhiều người Tàu ra vẻ ta đây, không thèm đếm xỉa đến thức ăn còn dư ở tiệm. Sự thật là hoang phí là bác thằng bần. Tôi và Ben đi bộ về nhà.

Trong khi uống trà, tôi cho Ben xem vài tấm hình của bố tôi. Có một tấm cho thấy Gary đang xịt nước rửa chiếc Buick Century. “Ông ngoại cũng có xe xịn quá nhỉ,” Ben vừa nói vừa cười.

“Ông lúc nào cũng chỉ chạy xe Buick.”

“Con cũng thích xe Mỹ, vừa rộng vừa bền, mà lại còn khoẻ nữa. Con có chiếc Mustang.”

“Chỉ tổ uống xăng.”

“Không sao.”

Đa số người Hoa di dân ở đây mua xe Toyota Corolla hay Hyundai Elantra trước; Ben có vẻ có gu khác thường. Một tấm hình khác cho thấy Gary đang thổi nến cắm trên một cái bánh, nụ cười làm đuôi mắt nheo lại. Nellie và tôi đứng bên cạnh, vừa vỗ tay vừa hát bài “Happy Birthday.” Ben đặt tấm hình xuống, thở một hơi nhẹ.

Tôi nhấp ngụm trà Cao Sơn (một loại trà Đài Loan mà tôi khoái nhất), thích thú vì nhà dùng tách không tay cầm như trong tiệm Tàu. “Trông con có vẻ buồn,” Tôi nói với Ben.

“Mẹ dì tóc vàng mắt xanh.”

“Thực ra là mắt xám.”

“Nhưng tóc vàng.”

“Nhiều người nói là mẹ dì và ông ngoại con là một cặp đẹp đôi. Tên Mỹ ông ngoại con là Gary.”

“Con tưởng ông sống một cuộc đời khổ sở bên này, và ông hy sinh cho nước con.”

Tôi không biết nói sao và cũng không hiểu Ben có ý gì. Tôi chỉ nói, “dĩ nhiên là ông yêu Trung Quốc.”

“Con giống ông ở chỗ cũng cố phục vụ cho xứ sở.”

“Dì chỉ mong con không phải là gián điệp như ông thôi,” tôi nói. Nó cười.

Từ từ đề tài chuyển sang lòng ái quốc, một nỗi ray rứt trong lòng nhiều người Hoa trẻ tuổi. Họ tuyên bố sẽ không ngần ngại, sẵn sàng hy sinh cho dân tộc. Họ khẳng định đó là một tình yêu không điều kiện, và đa số hãnh diện là người theo chủ nghĩa dân tộc. Ben và tôi không đồng quan điểm trong vấn đề này. Tôi nói tôi yêu nước Mỹ, nhưng không yêu hơn yêu chồng tôi. Tôi không quan niệm quốc gia là một đền thờ mà chỉ xem đấy như một căn nhà xây bởi người dân để làm nơi trú ẩn. Một căn nhà có thể phải sửa chữa, tân trang, và, nếu cần thiết, đập đi xây lại. Nếu căn nhà không hợp, ta có thể đi kiếm căn khác. Sự tự do bỏ đi như vậy sẽ làm chính quyền có trách nhiệm phải giữ nhà an toàn và ở được cho người dân. Tôi nói thêm, “Sùng bái quốc gia là chuyện phi lý, để quốc gia cai trị mình là chuyện khùng điên. Ta phải hỏi: Lý do gì mà đất nước ở trên người dân, những người đã xây dựng nên nó? Lịch sử đã minh chứng quốc gia có thể trở nên điên khùng và ác độc hơn một người thường.”

Lý luận của tôi làm Ben ngạc nhiên. Nó lẩm bẩm, “Con vẫn yêu Trung quốc vô điều kiện.”

“Nếu con có đạo thì sao?” tôi hỏi. “Một người sùng đạo không bao giờ đặt tổ quốc trên Thiên Chúa. Theo lý thuyết Thiên chúa Giáo, Thiên Chúa tạo dựng nên con người trước tiên, do đó con người phải thiêng liêng hơn quốc gia và phải được đặt trên quốc gia.”

Ben trừng mắt nhìn tôi, nhưng tôi nói tiếp. “Con thấy không, lòng ái quốc đã trở thành một thứ tôn giáo của con. Cái ấy nguy hiểm lắm. Con thử nghĩ mà xem-- giả dụ quốc gia của con phản bội con hay vi phạm một nguyên tắc căn bản của nhân loại thì sao? Con có còn yêu nó vô điều kiện không?” thấy nó không nói nên lời, tôi nói thêm. “Sư trung thành phải được duy trì bởi lòng tin cậy lẫn nhau. Nó là một con đường hai chiều. Thành thật mà nói, lắm người Tàu yêu nước nồng nàn chỉ vì sự sống của ho còn phải lệ thuộc vào nhà nước. Họ không thể tưởng tượng việc sống ngoài xứ sở, và với họ, không có gì cao quý hơn Trung Quốc, trong khi đó Trung Quốc chỉ là một cấu trúc của lịch sử. Hai thế kỷ trước nếu con hỏi một người Tàu bình thường quốc gia họ là gì thì họ cũng tịt. Bởi vì lúc ấy họ chưa có cái khái niệm về quốc gia dân tộc. Trung Quốc không phải là một thực thể bất biến. Ngay cả bờ cõi cũng thay đổi liên tục. Thành phần sắc tộc cũng vậy.”

“Dì là người Mỹ còn con là người Tàu,” Ben nói, môi trên cong lên một chút như điều tôi nói làm nó bực mình.

“Đừng để quốc tịch ảnh hưởng đến tình dì cháu. Mình là máu mủ ruột thịt,” tôi trả lời.

Nó mỉm cười. “Chắc chắn rồi. Dì lúc nào cũng là dì con.”

Tôi chợt hiểu Ben hoàn toàn không biết Trung quốc đã đố́i xử với ông ngoại nó như thế nào. Tôi chưa muốn nói hết chuyện lúc này nên nói, “Ben, dì muốn con nhớ lời cảnh báo này. “Sống ở đời mà không hiểu ý nghĩa cuộc sống thì chẳng thà đừng sống.’”

“Đó là một câu của một triết gia hay hiền nhân nào?”

“Socrates. Phải biết xét nét những tác lực quanh mình và lúc nào cũng tự kiểm điểm. Ông ngoại con là một người thông minh nhưng không cẩn thận khảo sát cuộc đời mình nên đã sống một cách mù quáng.’

“Okay, con sẽ nhớ,” Ben nói một cách không suy nghĩ.

Tối hôm ấy trước khi đi ngủ, tôi định kể hết cháu nghe cuộc đời ông ngoại nó, nhưng quyết định chờ. Sự thật có thể quá phũ phàng cho nó, có lẽ phải cho bằng liều nhỏ.

Tảng sáng ngày hôm sau, tôi đến thăm hãng của Ben trên lầu trên cùng của một cao ốc nhỏ trên đường Washington gần thư viện công cộng. Nó có ba nhân viên, một người đàn ông, hai người đàn bà. Người đàn ông tay cầm tu vít, tai đeo bông tai đang ngồi bàn sửa cái computer ruột lòi hết ra ngoài. Một nhân viên phái nữ là một cô trẻ tuổi người Ukraine tên là Sonya mà Ben giới thiệu là bạn gái. Cô ta chắc da chắc thịt nhưng trông có vẻ thông minh và năng động với mái tóc vàng rơm và đôi mắt màu trái phỉ. Khi chỉ có hai người, tôi hỏi Ben thích típ đàn bà như thế nào. Nó có vẻ lúng túng. “Bộ dì tưởng con xem đàn bà như món hàng hay sao?” nó nói. “Đó là lối suy nghĩ kiểu tư bản.” Nó cười. “Sonya là người con tin được. Khi đi xa con cần có người trông nom hàng họ.”

“Tìm được người tin tưởng không phải là chuyện dễ,” tôi công nhận.

Sonya đi cùng chúng tôi ra tiệm mì. Tôi thấy cô nàng cầm đũa giỏi hơn tôi, hơn thế nữa, nàng dùng cả hai tay. Nàng nói thuận cả hai tay và có thể viết tay nào cũng được. Tôi chưa gặp một người như vậy. Cuộc đời nàng chắc lắm phiêu lưu.

Ăn xong Sonya trở lại hãng còn Ben chở tôi đến câu lại bộ du thuyền đàng sau một khu nhà ở cao vừa mà những cánh cửa sổ nhỏ và nằm sát tường làm ta liên tưởng đến một nhà tù. Nó nó sẽ cho tôi đi thuyền một vòng. Nó mở cổng đi vào một bến tàu tư nhân và đi dọc trên cầu tàu, dắt tôi ra biển. Khi đến cuối cầu tàu, nó nhảy xuống một chiếc xuồng máy, la to, “Mình đi một vòng đi!”

Tôi theo nó nhảy xuống xuồng. Nó lấy chiếc máy ảnh Nikon từ một cái bịch khoác vai và đeo vào cổ. Con thuyền chòng chành trong khi một niềm vui sướng chợt nổi lên trong tôi. Ben mở máy, và chúng tôi phóng ra đại dương màu xanh lục. Gió thổi tốc ngược tóc chúng tôi. Tôi cảm thấy khoái chí như một cô gái mới lớn và rú lên vì sung sướng. Ben đưa tôi một cặp kính mát tráng thủy ngân. Ánh sáng dịu xuống làm mọi vật gần nhau.

Chúng tôi ngừng lại gần một ngọn hải đăng để Ben chụp vài tấm ảnh. Nó cũng chụp những con hải âu và một chiếc phà đi ngang. Nó kêu to và vẫy tay với những người hành khách trên phà. Từ xa chắc họ tưởng chúng tôi là một cặp tình nhân-- chiếc kính mát làm tôi trông trẻ hơn, thân hình tôi nổi bật nhờ chiếc váy bay phần phật bám chặt vào người. Rồi chúng tôi tiến đến một xưởng đóng tàu, có vài chiếc tàu thả neo để sửa chữa. Tôi tưởng chúng tôi đi tắt về bến, nhưng một chiếc tàu khu trục xuất hiện, không thấy ai trên boong. Ben cho xuồng ngừng chạy, để máy nổ chậm. Nó quì xuống để máy ảnh khỏi rung rồi bắt đầu chụp chiếc tàu chiến, đĩa ra đa, súng trước, dàn phóng tên lửa. Tôi đứng ngây người, và nó quay nghiêng chụp hình tôi. Trông tôi chắc ngố lắm vì mồm miệng há hốc. Tôi chưa kịp nói thì nó đã rồ máy phóng đi về lối ban nãy. Tôi nghi nó vừa làm một hành vi gián điệp, dùng tôi làm ngụy trang. Nhưng khi nghĩ lại thì chiếc tàu khu trục kia trông có vẻ lỗi thời và đậu đó mà không có người canh gác, chắc không còn là một bí mật. Người Tàu chắc đã biết hết không còn gì không biết về loại tàu đó. Tuy vậy nhưng tôi vẫn không khỏi thắc mắc.

Tối hôm ấy tôi hỏi Ben làm gì cho trung Quốc. Nó không nói thật, chỉ nói, “Dì sao nhạy cảm quá vậy? Con ngu dại gì làm chuyện phi pháp. Con đâu có ngu đâu. Nếu không ở lại được ở nước Mỹ thì con trở thành vô dụng. Đó là lý do tại sao con cố thuyết phục họ để con ở lại vài năm nữa. Có quốc tịch rồi thì làm gì chả được.”

“Dì mong là dì sai,” tôi nói. “Dì lúc nào cũng nhạy cảm vụ gián điệp vì ông ngoại con là một gián điệp hàng đầu của Trung quốc.”

“Con biết. Ông đã là người đã hy sinh cho xứ sở để rồi trở thành một anh hùng vô danh.”

Thằng này đầu óc đã bị tuyên truyền đầu độc mẹ nó rồi. Tôi giống như người nhai phải miếng thịt ôi nhưng không dám nhổ ra trước mặt người ta, thế là phải cố lèo lái câu chuyện sang hướng khác. Tôi hỏi về đời sống bên Mỹ của nó. Ben nói thế nào rồi cũng sẽ mua một chiếc thuyền buồm, nếu dư giả thì du thuyền. Nó hơi lo Mỹ quốc có vẻ mỗi ngày một quyến rũ hơn với nó. “Xứ này suy đồi và đầy cám dỗ,” nó nói. “Nó cuốn hút mình để mình quên mất mình là ai, từ đâu đến.”

“Bởi vậy người ta mới gọi đây là nồi luyện kim,” tôi nói. “Bộ con phải kháng cự lòng yêu nước Mỹ trong tâm hồn sao?”

“Không phải tình yêu mà là quyến rũ.”

“Quyến rũ có thể đưa đẩy tới tình cảm khác và có thể là bước đầu dẫn tới tình yêu.”



“Con cũng sợ như vậy.” Nó mỉm cười một cách đắm chiêu.

No comments:

Post a Comment