Gary mất liên lạc với Bính Văn kể từ khi ông bị cách chức bắt phải tham gia phong trào cách mạng văn hóa mùa hè năm 1966. Gary cố tìm mãi mà không được. Cha Murray cũng không biết cách liên lạc với người trong nước. Cả nước hỗn loạn, còn ai để mà lo việc tình báo hải ngoại. Gary nghe nói ngay cả cán bộ cao cấp trong Hội Đồng Nhà Nước còn bị chúng mang lên bục, bắt đội mũ giấy, đeo biển vào cổ, và bị lên án công khai. Nghe tin mà lòng anh thấy chùng hẳn xuống. Ngoài báo chí trong thư viện CIA, mỗi ngày trên đường đến sở, anh còn bỏ ra 5 xu mua tờ Mỹ Quốc Nhật Báo, một tờ báo tiếng Hoa tài trợ bởi Đài Loan và in bên New York để đọc những tin tức động trời. Lũ Vệ Binh Đỏ tha hồ mà hoành hành, chúng gắn ảnh Mao trên ngực, tay đeo băng đỏ, túi nhét cuốn sách đỏ, đi đến đâu cũng tha hồ mà ăn mà ở để truyền bá ngọn lửa cách mạng. Ngày 18 tháng 8 năm 1966, hàng triệu Hồng vệ binh từ khắp các nơi Trung Quốc tập trung về quảng trường Thiên An Môn để nghe Mao Trạch Đông diễn thuyết. Vai đeo băng đỏ để chứng tỏ ủng hộ phong trào, Mao ca ngợi hành động của Hồng vệ binh là "phát triển Xã hội chủ nghĩa và dân chủ".
Như anh bạn George Thomas, Gary mua cuốn sách đỏ tại tiệm sách đai học Georgetown. Anh đọc từ đầu tới cuối mà chẳng thấy có gì là ấn tượng. Anh thấy những ý tưởng của Mao quá thô sơ và rời rạc, tuy có khí phách nhưng hơi bình dân. Phần lớn là những ý tưởng thích hợp việc khích động quần chúng hơn là để giải quyết vấn đề đất nước. Hèn chi bao nhiêu đứa sinh viên bên Mỹ cũng tôn thờ Mao và mang cuốn sách đỏ kè kè bên mình như lũ vệ binh đỏ. Có đứa còn đeo huy hiệu hình Mao trên ngực. Chẳng hiểu chúng tìm đâu ra được. Một hôm anh và George nói chuyện về Mao trong khi uống bia ở Hẻm Du Mục. Thomas ợ một phát như bò rống rồi nói, “Tôi mà còn trẻ thì chắc cũng dùng cuốn sách đỏ làm thánh kinh. Mấy thứ này tụi trẻ dễ mê lắm.” Thomas tuy đã ngũ tuần, tóc thưa và bạc, nhưng cặp mắt vẫn còn tinh anh và có thần.
“Đầu óc của Mao kể cũng đặc biệt,” Gary nói trong khi rót thêm bia vào ly. “Già rồi mà vẫn còn tánh khí của một chiến sĩ trẻ tuổi, vẫn hung hăng và tàn bạo.”
“Phải nói hắn lì lợm và có nhiều mê lực.” Thomas nói. “Hắn lại rất thông minh và không biết sợ hãi là gì. Nhưng lắm khi cũng không hiểu nổi thằng cha này. Ai đời lại nói ‘Oánh trời, oánh đất, oánh người. Oánh cái nào cũng khoái cả.’ nói như mình là ông thần chiến tranh không bằng. Cóc hiểu nổi.”
“Bên đó họ tôn thờ chả hơn ông thánh sống,” Gary nói. “Một chiến thần ở cái tuổi thất thập. Con mẹ nó. Tôi thì tôi nghĩ Mao là một đại họa của Trung Quốc.”
“Tại sao vậy?”
“Cái tôi của hắn to quá nên không biết nhẫn nhục vì lợi ích của quốc gia dân tộc. Hắn xem Trung Quốc như vật sở hữu của mình mà không hiểu, người lãnh đạo đất nước đúng ra chỉ là đầy tớ quốc gia.”
“Anh nói hắn có lắm cái sai lầm, là những sai lầm nào?”
“Thay vì cố bám lấy Liên Xô thì hắn lại nghỉ chơi Khrushchev vì không biết nhẫn nhục. Phải biết là nước mình nghèo khổ và kém phát triển để cố nuốt nhục cho dân mình được viện trợ kinh tế chớ. Nhìn lại tôi thấy phần lớn những vấn đề của Trung Quốc đều do cái tôi của Mao quá lớn. Hắn xem mình là tư tưởng gia nhưng lại thiếu thực tế. Hắn là một nhà lãnh đạo nhiều mơ mộng nhưng lại vô trách nhiệm và không thạo đời. Tệ nhất là hắn không thèm để ý đến chuyện tiểu tiết, chẳng bù cho Stalin, chi tiết nào của kế hoạch kinh tế cũng đều biết rõ. Là tư tưởng gia nhưng ý tưởng của Mao lại luộm thuộm và phần lớn do ăn cắp từ chỗ khác.” Gary ngưng lại kịp thời. Chưa bao giờ anh dám lên án lãnh đạo tối cao một cách nặng nề như vậy. Quên béng là tai vách mạch rừng.
Thomas nói, “Thì cái khác biệt giữa Stalin và Mao tưởng cũng đã rõ. Mao nhiều khi như thằng con nít mới lớn, thiếu tinh thần thanh liêm và nhất quán. Nhưng có thể gọi Mao là một thi sĩ cũng không sai.” Thomas xé một bọc đường hóa học cho vào ly trà đá.
“Thơ hắn cũng xoàng thôi,” Gary nói. Anh không hiểu sau Thomas có thể thích cái loại đường hóa học này. Anh không bao giờ rớ tới vì Nellie nói quá nhiều saccharin.
Tiếng kèn saxophone bỗng trỗi lên cao vút, họ nhìn sang ban nhạc. Ba anh nhạc sĩ đang chơi nhạc jazz, người uốn éo, chân nhịp nhịp. Rồi tiếng nhạc bắt đầu chậm lại, dường như đang đuổi theo một giai điệu vật vờ nào đó. Gary lim dim đôi mắt và nét mặt trở nên xa vắng.
Cuối năm 1966 Gary bắt đầu nhuộm tóc. Vợ nói già rồi mà làm đỏm, nói để tóc muối tiêu trông đạo mạo như giáo sư đại học, nhưng anh không chịu để mái tóc bị tàn phá bởi thời gian. Anh nói đùa, giả giọng của Mao, “Oánh thời gian cũng khoái lắm chứ.” Nellie chỉ lầm bầm nói, “Đồ khùng điên.” Con gái có nghe thấy nhưng cũng muốn bố mình trẻ trung. Có lần nó thấy Gary ngồi xe chung với Suzie. Nó thấy người đàn bà nhỏ nhắn ấy trông thật xinh xắn, mặt có góc cạnh, nước da đẹp và bờ vai thon gọn. Khi thấy Lilian thì họ ngừng nói chuyện. Gary vẫy tay bảo vào xe ngồi, nhưng con bé quay phắt người, cắm đầu cắm cổ chạy mất. Nó không kể cho mẹ nó nghe nhưng cũng không ghét được Suzie, vì có lẽ nó thấy bố nó trông trẻ trung và yêu đời hơn khi đi với nàng.
Kể từ khi ngừng hoạt động tình báo thì Gary thoải mái hẳn ra. Anh không còn phải dấu giếm, một thói quen nay đã trở thành bản năng, tuy nhiên anh vẫn không cho Nellie đi vào phòng làm việc. Lúc sau này không thiếu tin tức quan trọng qua tay, nhưng anh chẳng thèm giữ lại. Giữ lại làm gì nếu không giao cho ai được?
Giai đoạn từ năm 1966 đến năm 1968, khi mà công tác bị đình chỉ, là một quảng thời gian bình yên nhất trong cuộc đời của Gary ở bên Mỹ. Anh thích sự cô độc và bắt đầu biết thưởng thức các loại phó mát và rượu vang California. Anh hay đi bộ một mình hàng giờ đồng hồ trong công viên, tay cầm một cây gậy xoắn để đuổi dã thú và rắn rết. Đời sống gia đình kể cũng êm ấm mặc dù Nellie đã biết về Suzie. Vợ anh hiểu là trên mặt tâm lý, anh cần một người đàn bà cùng quê quán. Miễn sao Suzie không làm cuộc hôn nhân bị đe dọa thì Nellie cũng chẳng làm lớn vụ ngoại tình làm gì. Nhiều năm sau, khi con gái hỏi tại sao nhắm mắt làm ngơ việc bố có vợ bé thì Nellie nói, “Chắc có những cái mà chỉ có con ngựa bà đó mới làm được cho bố mày. Tao chỉ thấy tội nghiệp cho ông già mày. Chả cứ thui thủi một mình tối ngày nên có chỗ an ủi cứ để mặc chả. Nói gì thì nói nhưng tao vẫn thương ổng.”
Đầu mùa đông năm 1968, Gary nhận được bản báo cáo gửi qua từ Đài Bắc cho biết Liên Xô đã huy động hơn 30 sư đoàn xe tăng thiết giáp sang Mông Cổ để tăng viện cho quân đội sẵn có ở Tây Bá Lợi Á, có lẽ với ý định tấn công Trung Quốc. Trước giờ ai cũng biết hai nước vốn có hiềm khích biên giới, nhưng Gary không ngờ những đụng chạm lẻ tẻ có thể leo thang đến một mức độ nghiêm trọng như thế. Anh hoàn toàn không nghi ngờ độ khả tín của nguồn tin. Cơ quan tình báo Đài Loan có một văn phòng bên Mông Cổ để theo dõi hoạt động quân sự trong lục địa nhưng tiện thể cũng để nghe lén Liên Xô luôn. Hễ có tin gì là Đài Bắc cho Mỹ biết liền. Không biết Trung Quốc đã biết Liên Xô đã dàn quân chĩa súng dọc trên biên giới phía bắc hay chưa. Gary sốt ruột vì không có cách nào để liên lạc.
Rồi vào tháng Ba năm 1969, một trận chiến ác liệt xảy ra giữa Liên Xô và Trung Quốc trên giòng sông Ô Tô Lý. Trong hai trận nhỏ, quân đội Trung Quốc đã chiếm thế thượng phong tuy vũ khi kém hơn và không có thiết vận xa. Đoàn xe tăng của Nga bị phục kích trên đường tiến vào đảo Trấn Bảo dọc trên con sông đã đóng băng. Trận đánh làm cả thế giới rúng động. Bên Tàu, tỉnh nào người ta cũng xuống đường phản đối bè lũ Liên Xô cực đoan, trong khi bên Mỹ, các nhà chính gia và giới hiểu biết bàn tán xôn xao, không biết hai nước Cộng Sản có bắt đầu chiến tranh hay không. Đa số người dân Tây Phương vui mừng khi thấy có sự nứt rạn giữa hai cường quốc Cộng Sản. Gary trằn trọc cả tuần lo lắng, anh chỉ sợ chiến tranh sẽ xảy ra. Không thể hiểu được. Đất nước đang rối reng mà lại dám hung hăng đối đầu với một quân đội Xô Viết hùng mạnh. Bộ Mao không biết Nga có thể xâm chiếm Trung Quốc dễ dàng như vừa xâm chiếm Tiệp Khắc mùa hè năm ngoái sao? Liệu Trung Quốc có sẵn sàng với một cuộc chiến có thể làm tê liệt cả nước không? Thế Mao không sợ hàng ngàn đầu đạn nguyên tử của Nga hay sao?
Theo tin tức Gary đọc được thì triển vọng không mấy khả quan. Nếu có chiến tranh thì Trung Quốc khó có thể thắng được. Có thể Mao vì vấn đề nội bộ nên phải xoay sang chiến tranh để giảm căng thẳng. Phải chi Gary có cách giải thích cho cấp trên thấy được những nguy hiểm trước mặt. Phải chi gặp lại được Bính Văn. Gary nói cho Suzie nghe hiểm họa chiến tranh giữa Tàu và Nga. “Mao là một tên hiếu chiến,” nàng nói. Trước đây Suzie không thích nhưng cũng không ghét Mao và còn xem ông là người sáng lập Trung Quốc, nhưng giờ thì nàng ghét cay ghét đắng hắn. Nàng nghĩ Mao bị đầu óc lẫn lộn, đáng lý nên về hưu từ lâu. Ngày nào hắn còn nắm quyền thì ngày đấy đất nước còn lắm đao binh.
Gary đồng ý với Suzie nhưng không dám nói anh đã mất liên lạc với lục địa và tất cả tin tức tình báo thâu thập đều trở nên vô dụng. Nhưng mặt khác thì anh bắt đầu quen tình trạng cô lập và cảm thấy tinh thần thoải mái. Cuộc đời anh cũng yên ổn hơn, và những lo lắng xưa đã biến mất. Giờ đây anh ngủ ngon và khi đi bộ một mình không còn nghĩ có người theo dõi. Hơn thế nữa, anh bắt đầu thích nơi chốn này, nơi anh có công việc vững chắc, một căn nhà ấm cúng và một vườn hoa nho nhỏ. Nếu là một người di trú bình thường thì có thể nói anh đã thành công, như những kẻ khoe khoang với người ở lại là họ đã thành công bên xứ Mỹ.
Cuối tháng 7 năm 1969 phi thuyền Apollo đổ bộ lên mặt trăng làm cả thế giới sửng sốt. Gary dán mắt vào TV nhìn các phi hành gia mặc quần áo trắng toát, lưng đeo túi nặng, nhảy tưng tưng trên đất mặt trăng. Họ làm việc như người ta làm việc dưới đáy biển. Gary hãnh diện với thành quả quốc gia và sung sướng ngắm nhìn lá quốc kỳ Mỹ được cắm trên ấy. Bây giờ sự kiện lịch sử đang diễn ra trước mắt toàn thể thế giới, cho thấy sự ưu việt của Hoa Kỳ trên mặt kỹ thuật không gian. Gary thầm mong cuộc đổ bộ mặt trăng làm lũ lãnh đạo Trung Quốc tỉnh mộng mà thấy nước mình vẫn còn lạc hậu đến mức nào.
Xxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxx
Một buổi sáng tháng 8, ông đưa thư giao một kiện hàng cồng kềnh để ở văn phòng quản lý chung cư của chúng tôi. Henry đã đi bơi ở trung tâm thể dục rồi nên tôi ký nhận. Thì ra Henry đã mua một món hàng từ New Jersey, nhưng thường thường anh nói với tôi trước khi đặt hàng.
Tối hôm ấy tôi hỏi về kiện hàng thì anh nói, “Ồ, cái đó anh mua cho Ben.”
“Cái gì vậy?”
“Từ từ rồi sẽ biết.” Anh mỉm cười, đôi mắt long lanh. Anh dùng chìa khóa bằng đồng rạch băng dán và mở nắp hộp. Anh thọc tay trong đống bọt bể lấy ra 5 hộp nhỏ màu xanh, mỗi cái to bằng nửa miếng gạch.
“Cái đó là cái gì vậy?”
“Microchips.”
Tôi mở một hộp lấy ra một con chip vuông, bề ngang khoảng 2 inches, trên mặt có một cái quạt máy tí hon. Lòng tôi bỗng chùng xuống. Tôi hỏi Henry: “Có đắt tiền không?”
“Dĩ nhiên. Mỗi cái hơn 500 đô.”
“Tại sao Ben nhờ anh mua cho nó?”
“Nó nói nó có tên tiếng Hoa nên hàng dễ bị thất lạc. Nếu anh mua giùm, nó sẽ trả gấp đôi. Cơ hội làm tiền dễ quá, tại sao không làm? Thấy mấy cái bé tí này không? Anh trả 2.700 đô mỗi cái, lời 100 phần trăm ngon ơ.”
“Em thấy không ổn.”
“Thôi đi bà ơi. Microchips ai mua chả được. Anh nghĩ thằng Ben nó muốn giúp mình đó thôi.”
Tối hôm đó tôi lướt mạng tìm xem mấy con chíp đó dùng làm cái gì. Tốn ba tiếng đồng hồ mà vẫn không đi đến đâu. Nhưng tôi đọc thấy ba bài nói về người Hoa sống bên Mỹ bị bắt vì tội gởi microchips lậu về Trung Quốc. Có nhiều loại chíp bị cấm vì có thể được dùng trong máy bay, hỏa tiễn. Tôi hoảng hồn, tuy không chắc Ben đã mua cho quân đội Trung Quốc.
Hôm sau tôi nói Henry nghe chuyện mấy người Hoa thú tội chuyển hàng quốc cấm về Tàu-- có hai người đã bị tuyên án 7 và 10 năm tù ở. “Em thì chỉ lo hão,” Henry nói. “Thứ nhất, nếu hàng quốc cấm thì sao một người thường như anh mua mà không ai hỏi? Thứ hai, anh đâu có mua mấy trăm cái đâu, anh chỉ mua có 5 cái. Anh chẳng thấy có cái gì để lo cả.”
Tôi không biết trả lời sao. Anh nói nghe cũng có lý nhưng sao tôi vẫn chưa yên tâm. Hôm sau tôi gọi cho Ben nhưng Sonya cầm điện thoại. Con bé có vẻ yêu đời vì hai đứa vừa dọn về ở chung.
“Ben, Dì Lilian gọi nè,” nó nói.
Nói nhăng nhít vài câu xong, tôi đi thẳng vào đề. “Con nói thật cho dì nghe,” Tôi nói. “Con làm vậy có vi phạm luật không?”
“Không, ai mua chíp Intel chả được. Mấy cái hàng ấy lỗi thời rồi. Hãng thôi không chế tạo nữa.”
“Thế thì sao con lại nhờ chú Henry?”
“Tại chú có thể mua thẳng dễ dàng. Với lại con muốn chú kiếm được ít tiền.”
“Thế mua bán micro chíp có lời lắm sao?”
“Đúng thế. Lời gấp ba. Con chia chú Henry một phần ba tiền lời.”
“Cám ơn con. Nhưng ai là người mua thật sự?”
“Một hãng Trung Quốc.”
“Tại sao họ chịu trả gấp ba giá tiền?”
“Bởi họ không mua được.”
“Như vậy có nghĩa là hàng cấm vận?”
“Trên nguyên tắc. Đúng thế.”
“Tại sao trên nguyên tắc?”
“Chuyện dài dòng lắm. Từ hồi vụ Thiên An Môn năm 1989, Hoa Kỳ cấm nhập cảng nhiều loại hàng kỹ thuật vào Trung Quốc. Trong đó có một số microchips. Vấn đề là nhiều hãng bên Tàu dùng thiết bị làm bên Mỹ, xài lâu lại phải thay chíp mới. Chẳng có dính dáng gì đến kỹ thuật hiện đại. Chỉ là vấn đề bảo trì thiết bị mà Hoa Kỳ đã bán cho Trung Quốc tự thuở nào. Họ không mua trực tiếp được nên phải nhờ công ty của con mua giùm.”
“Dì mong là con nói thật.”
“Con nói dối dì làm gì? Bên đây con chỉ có Dì là ruột thịt.”
“Có đúng là nhiều con chíp được dùng cho tên lửa và chiến đấu cơ không?”
“Đúng.”
“Vậy thì gửi hàng đó về Tàu rõ ràng là trái luật. FBI mà biết được thì con có thể đi tù.”
“Thử hỏi bên xứ này có mấy người làm giàu hợp pháp? Mà con chỉ gởi về mỗi lần có hai ba cái. Thật ra thiếu gì chỗ mua, đâu cứ phải Hoa Kỳ.”
Tôi vẫn chưa tin hẳn. “Ben, con phải ngưng làm chuyện phi pháp. Bên xứ này muốn sống yên ổn phải đâu ra đó.”
“Okay, con hiểu rồi.”
“Dì sẽ gởi cho con vài bài viết về ông ngoại con. Đọc kỹ để thấy tại sao ông đã thân bại danh liệt. Đừng có mà ái quốc mù quáng như ông ngoại con.”
“Cám ơn dì. Dì cứ gởi cho con. Con cũng muốn tìm hiểu thêm về ông con.”
Không biết có nên gởi hết cho nó ba mươi mấy bài trong hồ sơ của tôi không? Tôi quyết định chỉ làm cóp pi 7 bài viết chính đăng trên tờ The New York Times và The Washington Post. Trước khi nhét vào phong bì, tôi đọc lướt lại một lần nữa. Tôi thấy một đoạn đã gạch đít: “Chính họ Thượng đã thú nhận, hắn lãnh tiền thù lao mỗi lần chuyển tin, tuy lúc này chưa biết đích xác số tiền. Theo nguồn tin từ CIA, họ Thượng thích đ̣ồ đắt tiền và tiêu xài phung phí. “ tôi lật qua bài khác đọc: “Lối gài người của Tàu khá đặc biệt. Họ rất kiên nhẫn, người được gài có thể ẩn nhẫn chờ thời một thời gian lâu. Rõ ràng họ Thượng là một gián điệp hàng đầu, là người đã cung cấp tin tức tình báo chủ yếu cho Trung Quốc. Hành động của hắn đã gây ra nhiều tai hại cho nền an ninh quốc gia, tuy trong lúc này chưa biết đích xác mức độ. “
Tôi không muốn cho Ben đọc hết, có nhiều chi tiết phải nhẩn nha rồi mới cho biết hết. Sáng hôm sau tôi FedEx cho nó cả 7 bài báo.
No comments:
Post a Comment