1950
Kể từ mùa đông năm ngoái Gary đã ở Okinawa và làm việc cho đài phát thanh Hoa Kỳ. Bây giờ là đầu mùa hạ, ngày nào cũng mưa. Nói chung thì khí hậu ở đây cũng dễ chịu, mùa đông không lạnh nhưng mùa xuân hơi ẩm ướt. Đám mây như kẹo bông gòn, sà xuống thấp như với tay có thể lấy được. Thỉnh thoảng anh ngồi bờ biển ngắm nhìn làn nước màu lam ngọc chói sáng rực rỡ nơi chân trời và ngửi mùi hang hảng của rong biển mà cúi đầu nhớ cố hương. Khi thủy triều dâng lên, những ngọn sóng bạc đầu vỗ lên rạn san hô làm đám bọt biển trôi bập bềnh. Cảnh quan phẳng phiu ít thay đổi theo mùa và có hơi buồn tẻ. Đây là nơi mà anh đã thấy những lùm cây cọ và gốc mía lần đầu trong đời. Anh thích đi dạo một mình dọc theo những con đường mòn ven đồi. Trong những chuyến vãn cảnh ngắn ngủi đó, anh hay gặp những người đàn bà chân đi đất, đầu đội bó cỏ gianh và những thằng bé ở trần, chăn dê hay đi lùng kiếm vỏ đạn. Thấy anh họ ồ lên mừng rỡ như thể anh là người Nhật.
Gary thích cái vẻ nhà quê của xứ này. Ngày nào cũng ăn đồ biển, mặc dù anh vẫn chưa biết ăn cá sống. Khi đi ăn tiệm Nhật, anh có thể ăn vài miếng cá cuốn rong biển nhưng không bao giờ ăn được món sashimi. “Sợ trúng thực,” anh nói với bạn bè. Anh không uống saké với đá như đồng nghiệp mà thích uống kiểu Á Đông, không pha gì hết. Anh hay ăn thức ăn Mỹ trong canteen để đỡ tốn tiền. Anh không thích phó mát, thịt bò tái, meat loaf, hay sà lách có vị lạ. Thỉnh thoảng anh ra cái tiệm trong hẻm có món mì khá ngon, ăn với trứng luộc hay mực, kèm thêm hoành thắn để bên cạnh. May thay người dân Okinawa cũng khoái xì dầu và tương đen.
Chỗ anh làm ở gần căn cứ quân sự Mỹ, ban đêm phi trường giống như một thành phố́ nhưng ban ngày tiếng máy bay gầm thét không ngừng nghỉ. Giờ anh là thông dịch viên chính thức, có nhiệm vụ thâu thập tin tức lấy từ báo tiếng Hoa phát hành ở Hồng Kông, Đài Loan, và lục địa. Thỉnh thoảng anh cũng dịch bài từ tiếng Anh sang tiếng Tàu, đa số là tài liệu tuyên truyền mà đài phát sang Trung Cộng. Bây giờ tiếng Anh của anh đã khá giỏi, và lúc nào rỗi rảnh anh đọc truyện của D. H. Lawrence, ấn bản Hồng Kông rẻ tiền. Anh thích văn viết như thơ của ông, thích dòng tự sự tự phát, thích cái huyền thoại chân thành, và cả lời gợi tình táo bạo.
Không như anh, những đồng nghiệp người Mỹ hay đi quán bar và hộp đêm chơi gái. Gary ít khi đi chơi và ai cũng biết anh là người độc thân. Anh nhớ vợ và tiếc đã không ở lâu được với nàng. Anh hối hận đã vội rời Thượng Hải mà không viết cho nàng một lời nào. Giờ thì hết đường liên lạc. Đêm nằm nghe tiếng dế kêu, chó sủa, anh tự hỏi sao không nghĩ đến hậu quả việc bỏ xứ ra đi và sao không nói thẳng cho cấp trên biết sự ngại ngùng của mình với công tác chỉ định. Có lẽ trong đáy lòng, anh muốn xa nhà, đi cho biết đó đây để thành người trông xa hiểu rộng. Một giáo sư có lần nói phải đọc thiên kinh vạn quyển và đi hàng trăm dặm mới thành đại trượng phu. Nhưng chắc không phải; đâu phải ai cũng xa nhà mới trưởng thành.
Tối tối trước khi đi ngủ, anh nằm nghĩ về Dụ Phong. Càng nghĩ càng đau đớn giống như càng xa mặt thì càng gần gũi hơn. Anh nhớ từng lời nói, từng cử chỉ. Có những câu nói và nét mặt của nàng, nay trở nên bí ẩn và sinh động hơn và ngầm chứa những ý nghĩa mà anh không thể giải mã được. Có đêm anh bật dậy, cảm thấy vợ như đứng đầu giường quan sát mình. Hơi thở nàng rời rạc nhưng ánh mắt lộ vẻ oán hờn. Anh tự hỏi không biết mình bị ám ảnh vì cảm thấy có tội, nhưng kết luận không phải vậy. Anh quí mến Dụ Phong, và tin mình không thể tìm được một người vợ tốt hơn. Phải chi anh có thể ôm nàng trong vòng tay, vuốt ve làn da lụa là, và hít hà mùi hương của mái tóc.
Trong đài phát thanh có một người Phi Luật Tân nói được tiếng Nhật và một anh Việt Nam giỏi tiếng Tây. Cả hai đều lịch sự, lễ phép trong sở làm nhưng bước ra khỏi sở là ăn nói tục tĩu không kém người Mỹ. Họ có gia đình ở đó, vậy mà thỉnh thoảng vẫn đi hộp đêm xem gái nhảy. Họ vẫy đồng đô la và gói kẹo cao su nói, “Lắc! Lắc!” Có lần Gary đi tháp tùng nhưng tiếc vì không tới hai tiếng đã mất mười đồng. Anh trách mình đã tiêu xài phung phí trong khi cha mẹ và vợ sống đời mộc mạc ở quê nhà. Anh thề sẽ không bao giờ trở lại những chốn như vậy.
Anh là thông dịch viên tiếng Hoa duy nhất ở đây nên có bao nhiêu báo Tàu đọc hết và có thể theo dõi tình hình Trung quốc. Thỉnh thoảng Trung Cộng lại tuyên bố sẽ giải phóng Đài Loan, nhưng kế hoạch giải phóng bị phá hỏng bởi cuộc thất trận ở Kim Môn, một hòn đảo cách Hạ Môn khoảng sáu dặm. Mùa hè năm trước Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân, cho là phe Dân Quốc chưa thiết lập được hệ thống phòng thủ hòn đảo nên đã mở cuộc tổng tấn công với ba trung đoàn- tất cả là hơn chín ngàn quân. Lực lượng công kích đổ bộ trên một bãi biển rộng lớn khi trời còn tối, nhưng đổ bộ vừa xong thì thủy triều bắt đầu rút khiến ba trăm tàu bè không thể trở lại lấy quân tiếp viện và tiếp tế. Kết quả là, đoàn quân đổ bộ, lắm người trước đây chưa từng thấy biển, bắt buộc phải tấn công vị trí phòng thủ. Khi trời sáng thì quân Tàu lãnh đủ đạn pháo kích cũng như súng máy của quân Quốc Dân. Rồi máy bay thả bom xuất hiện, tiêu hủy toàn bộ những chiến thuyền bị mắc cạn, lắm cái còn chất cả gà lợn sống, rượu gạo, và nhiều càng xé tiền giấy để chuẩn bị ăn mừng chiến thắng.
Trước khi trời tối thì đội quân công kích đã bị hoàn toàn tan rã, có kẻ cố chạy lên núi nhưng không bị giết thì rồi cũng bị bắt. Tổng cộng có khoảng ba ngàn người bị bắt làm tù binh. Lần thua trận này làm hỏng kế hoạch tái chiếm eo biển Đài Loan của Trung Cộng, và bó buộc Mao phải dẹp chương trình “Giải Phóng Đài Loan” sang một bên. Nếu có tấn công thì phải có khả năng đập tan đối phương bằng một lực lượng áp đảo. Gary biết rằng chừng nào Quân Đội Giải Phóng còn chuẩn bị tiến chiếm Đài Loan thì cấp trên sẽ chưa gọi về, vì còn cần tin tức quân sự của anh thu thập. Anh chỉ sợ sẽ kẹt mãi ở Okinawa.
Qua những báo cáo, phỏng vấn, và chuyện trò riêng tư, Gary có thể thấy được là người Mỹ không mấy tin tưởng Tưởng Giới Thạch. Họ cho là chính quyền Dân quốc quá tham nhũng và không có tương lai. Vài năm trước HK mới viện trợ hai tỉ đô để ít ra chặn đứng nếu không nói là có thể dẹp tan Cộng Sản. Nhưng tiền bạc đã tan thành mây khói vì thua trận và vì lọt vào túi các ngài quan chức cao cấp, và thế là toàn cõi Trung Quốc đã nhuộm đỏ trong chỉ vòng bốn năm. Nghe đồn bạch Cung thật sự tìm người trong quân đội Dân quốc để thay họ Tưởng. Gary cũng thấy là người Mỹ không có ý định bảo vệ Đài Loan. Điều này có nghĩa là một mình quân đội Dân quốc không thể giữ được đảo quốc, do đó Trung Hoa lục địa nên tấn công càng sớm càng tốt.
Hơn thế nữa, người Đài Loan không thích chế độ Quốc Dân Đảng vì đã cai trị đảo của họ bằng máu lửa và kinh hoàng. Hàng ngàn người bản xứ có học đã bị truy lùng và giết; nhiều người mất không tìm ra tung tích. Cả những người từ lục địa sang tị nạn cũng phẫn uất trước sự tàn bạo. Mùa hè năm ngoái hàng trăm học sinh trung học từ vùng Sơn Đông mà chính phủ Dân Quốc đã hứa cho học hành không bị gián đoạn đã bị bắt đi lính; một số đại diện sinh viên phản đối đã bị đâm bằng lưỡi lê. Sau đó tòa án quân đội xử những người tranh đấu--hai hiệu trưởng trung học và năm sinh viên đã bị lên án tử hình. Cái chết của những người cùng quê càng làm Gary chán ghét chế độ Dân quốc hơn nữa.
Tất cả cho thấy chính quyền đã quá lung lay và có thể bị lật đổ một cách dễ dàng. Gary muốn thấy đất nước mình thống nhất để có thêm sức mạnh chống lại chủ nghĩa đế quốc và thực dân. Anh cảm thấy phấn khởi với những mẩu tin tình báo thu thập, nghĩ là có giá trị cho lục địa, và anh đã viế́t cả một bài dài tóm lược những điều anh tìm thấy, một thứ phân tích tình hình hiện tại ở vùng Đông Á, nhưng vì anh vẫn bị cô lập nên không biết gửi cho ai. Anh cảm thấy bực bội và thắc mắc không hiểu các đồng chí vì mải lo xây dựng đất nước không biết có đã quên anh không.
Trong khi đó, cơn lốc chiến tranh đang thổi về Bán Đảo Triều Tiên. Có tin cho biết Kim Nhật Thành tuyên bố sắp lật đổ chính quyền bù nhìn của Mỹ ở Hán Thành, nhưng chẳng ai thèm để ý. Rồi, cuối tháng Sáu, hắn cho mở cuộc tấn công với mười sư đoàn trang bị vũ khí Nga Xô. Hán Thành thất thủ nội trong ba ngày. Quân đội Nam Hàn và HK không thể chặn đứng đoàn quân xâm lăng và bắt đầu cho lui quân về phía Nam về hướng Phủ Sơn. Kim Nhật Thành tuyên bố quân lính của ông, những “chiến sĩ Stalin,” sẽ đẩy lui quân địch ra biển Thái Bình dương trong vòng vài tuần. Nhưng những “chiến sĩ Stalin” của ông bắt đầu mệt mỏi và cạn kiệt và không thể phá tan tuyến phòng thủ cuối cùng của Hoa Kỳ--bánh xe bọc vỏ cao su của thiết giáp T-34 bị chảy tan bởi bom napalm, quân đội bị tàn sát bởi máy bay bỏ bom bay vào từ biển, và trong vòng hai tháng họ đã thiệt hại hơn năm chục ngàn quân. Tuy họ có thể bao vây Phổ Sơn vào cuối tháng Tám, nhưng đã không thể kết thúc trận chiến; cuộc công kích đã bị sa lầy.
Rồi vào giữa tháng Tám, tướng MacArthur đã thành công trong việc đổ bộ mười tám ngàn lính thủy quân lục chiến xuống Nhân Xuyên (Inchon). Từ đó quân lính Mỹ tiến lên cắt đứt đường dây cung cấp của Bắc Hàn và tấn công bọc hậu. Quân đội Cộng Sản tan rã ngay lập tức và phải chạy xất bất sang bang. MacArthur tuyên bố sẽ truy đuổi và tiêu diệt hết. Chẳng bao lâu thì Hán Thành được tái chiếm và quân Bắc Hàn chạy về Bắc. Thế nhưng quân đội Mỹ vẫn không ngừng truy đuổi. Tưởng như chẳng bao lâu trận chiến sẽ lan đến bờ sông Áp Lục Giang. Để phản ứng với cơn biến động, Chu Ân Lai, thủ tướng Trung Cộng, nói với K. M. Panikkar, đại sứ Ấn Độ tại Bắc kinh: “Trung Quốc sẽ không ngồi yên nhìn quân đội HK vượt qua vĩ tuyến 38 để xâm lăng Bắc Hàn.” Bạch Cung không thèm để ý đến lời cảnh báo của ông. Thật vậy, làm sao mà một Trung Quốc yếu đuối, bị tàn phá vì chiến tranh lại có thể đương đầu với một siêu cường thế giới? Ai chẳng nghĩ lời lẽ của họ Chu chỉ là lời hù dọa suông?
Nhưng Gary hiểu rõ đường lối suy nghĩ của giới lãnh đạo Trung Cộng--nói chung, họ không bao giờ nói cái gì mà không có hậu thuẫn. Anh không muố́n chiến tranh bùng nổ giữa HK và một nước Tàu mới được một tuổi chưa có khả năng đối nghịch. Đây là lúc làm hòa để tái thiết đất nước và để dân chúng hồi phục sau sự tàn phá của cuộc dân chiến. Thế nhưng hai nước có vẻ không hiểu lẫn nhau và đang trên đường đụng độ trực diện. Hai ngày sau khi cuộc chiến Triều Tiên bùng nổ, Tổng Thống Truman tuyên bố sẽ gửi Hạm Đội Thứ Bảy sang phong tỏa eo biển Đài Loan. Đối với Gary và đa số người tàu khác, đây là một sự sỉ nhục trắng trợn, vì rõ ràng là Mỹ không dám đương đầu với Liên Xô nên đã trút giận lên đầu Trung Quốc. Chiến hạm Mỹ chạy ào về phía eo biển Đài Loan khiến kế hoạch thống nhất đất nước của Trung Quốc tan thành mây khói vì không cách gì họ có thể chống lại lực lược hải quân hùng mạnh của HK. Một đại biểu Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc đã giận dữ đặt câu hỏi: “Thử tưởng tượng nếu chỉ vì Mễ Tây Cơ có nội chiến, liệu Anh Quốc có quyền sang chiếm Florida không?” Chu Ân Lai cũng tuyên bố là lời tuyên ngôn của Truman và việc hải quân HK phong tỏa mặc nhiên là sự xâm lăng lãnh thổ Trung Quốc. Nhưng tất cả tuyên bố và cảnh báo đều bị làm ngơ bởi Tây Phương.
Khi dịch những lời cảnh báo Trung Quốc trong bản báo cáo biên soạn cho CIA, Gary cố tình dùng từ ngữ mạnh hơn. Nếu phải chọn giữa từ “ý chí” và “quyết tâm” thì anh sẽ chọn “quyết tâm,” hay thay vì nói “kháng cự” thì anh nói “chống lại.” Trong thâm tâm anh biết chẳng chính trị gia hay ông tướng nào để ý đến từng chữ. Thật vậy, ai thèm để ý đến cái trò ma-nớp chữ nghĩa của anh? Cảm giác vô dụng làm anh chán nản, trong khi đó đồng nghiệp người Mỹ lại khoá́i chí vì HK đã gồng bắp thịt quân sự. Ai trong cơ quan cũng trở nên bận rộn. Gary cảm thấy uất người khi nghe các đồng nghiệp dương dương tự đắc với sức mạnh của hàng không mẫu hạm và tàu chiến trang bị súng mười sáu ly, nhưng anh vẫn cố làm bộ tỉnh bơ. Phải chi anh có thể liên lạc phía bên kia để cho họ biết để tìm cách khác mà tuyên truyền.
Một buổi tối, Thomas và Gary đang cùng ăn tối ở canteen. “Giê-Su, nóng quá,” Thomas nói, da anh trắng đến độ gân xanh nổi lên khoé mũi. Anh đang bực mình vì vừa bị cúp phép.
“Ừ, nóng rát cả mặt,” Gary phụ họa. Đã sáu giờ chiều mà nắng chẳng kém ban trưa.
“Chắc mình kẹt đây tối thiểu vài năm nữa. Tôi ghét thằng khốn nạn Kim Nhật Thành khát máu.” Thomas nhét miếng gà nướng vào mồm nhai nhồm nhoàm.
“Tôi cũng nhớ nhà quá,” Gary nói, cố nở một nụ cười.
“Nếu tôi kẹt ở đâu lâu quá thì hôn thê tôi chắc thế nào cũng gởi thơ ô-rơ-voa, ha ha.”
“Không có đâu,” Gary nói, thắc mắc không hiểu sao Thomas lại cười như vậy, cười như cố nén cơn ho. Anh này mà bồ đá đít thì chắc điên luôn.
Không như Gary, những nhân viên người Á Châu khác vui mừng khi nghe tin chiến tranh bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên, vì họ có thể ở lại làm lâu hơn. Lương lậu trả khá, ăn uống thừa mứa; cần gì thì ra PX mua, ốm đau có bác sĩ không tốn tiền; hơn nữa, con cái của họ đi học trường Mỹ. Gary không khỏi ghen với những người có gia đình ở trong những căn nhà trệt của Nhật với sàn gỗ bóng láng và mái ngói đen.
xxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxx
Henry và tôi e-mail nhau mỗi ngày nhưng tôi không gọi anh thường xuyên. Trung bình chúng tôi nói chuyện mỗi tuần một lần. Trong thư anh có vẻ vui vẻ thoải mái. Anh là người to con, cao sáu feet một, nặng hơn 200 pounds. Tôi cứ phải nhắc anh bớt ăn và để ý cân ký. Cũng đừng quên uống lisinopril buổi sáng cho bệnh cao áp huyết. Chắc anh đang vui hưởng cuộc sống một mình như khi còn độc thân. Anh thích đọc sách, nhất là loại sách lịch sử chiến tranh, và giờ chắc có nhiều thời gian, tha hồ mà đọc. Tôi nhớ anh, nhớ giọng cười hồn nhiên, nhớ chuyện trò lẩm cẩm, và nhớ bàn tay mơn trớn. Bao năm nay tôi đâu có ngủ một mình bao giờ và ban đêm cơ thể tôi chưa quen với cái khó chịu của nỗi cô đơn gậm nhấm.
Kể từ lần nói chuyện với Sở Bính Văn, đầu óc tôi cứ nghĩ mãi tới quê nhà của bố tôi. Tôi thắc mắc về mấy anh chị cùng cha khác mẹ của mình. Họ năm nay đã hơn sáu mươi rồi, chắc đã con cháu đầy đàn. Ngay như nếu họ không còn ở Sơn Đông thì chắc phải còn có họ hàng của bố tôi ở nhà quê chứ. Tôi phải về làng đi tìm họ. Tôi bỏ ý định gọi điện thoại vì muốn nhìn tận mắt để có khái niệm cụ thể về nơi chốn và con người. Hơn nữa thế nào chẳng có một lô người họ Thượng, và may ra tôi có thể tìm ra liên hệ gia đình. Tôi sẽ đi thăm làng Mạch Gia, quận Lâm Mẫn, tỉnh Sơn Đông.
Tôi mua cuốn bản đồ Trung Quốc tại tiệm sách Xuân Vũ, rồi nhìn lướt qua. Lâm Mẫn cách Bắc Kinh độ hai trăm dặm về phía nam, cạnh vùng Hà Bắc và không xa đường xa lộ chạy từ thủ đô về Thượng Hải. Có thể viếng thăm trong hai ngày cuối tuần, khổ một nỗi tôi không có bằng lái Trung Quốc nên không thể mướn xe được. Có nên mượn xe của bạn bè hay đồng nghiệp hay không? Không, không nên lái với bằng lái Maryland. Nếu bị bắt lại gây họa lây cho người khác. Đi xe buýt thì hơi bất tiện. Tôi biết chắc không có chuyến xe buýt chạy thẳng từ Bắc Kinh về Lâm Mẫn. Nếu đi xe buýt sẽ phải đến một thành phố, như Đức Châu hay Tế Nam chẳng hạn, rồi chuyển sang xe khác. Đi như vậy phải vòng hơi xa. Nếu có xe lửa đi Lâm Mẫn thì tôi đã nhảy lên đi một mình, chẳng ai biết. Thú thật, tôi thích đi chơi một mình ở Trung Quốc vì người ta hay tưởng tôi người Tàu, miễn sao đừng mở miệng nói nhiều. Buồn cười cái kể từ hồi bốn mươi, những nét Ái Nhĩ Lan như lưỡng quyền cao, mắt xám, tóc màu hạt dẻ, bắt đầu phai mờ, và mỗi ngày tôi càng giống Á Châu hơn, như thể cái tính Trung Hoa bắt đầu lòi ra ngoài mặt.
Trong lớp cao học của tôi có một cô sinh viên tên là Mẫn Mẫn, lúc nào cũng mặc quần jeans bạc màu, đeo bông tai hình giọt lệ. Cô nàng có chiếc Volkswagen Santana làm tại Tàu, loại xe thông dụng với viên chức cấp thấp và nhân viên văn phòng. Một hôm hết lớp tôi gọi tôi vào văn phòng hỏi cô có thể chở tôi đi xa được không. Cô nàng Mẫn Mẫn mảnh dẻ mắt to, đã không ngần ngại nhận lời đi với tôi về Sơn Đông.
“Tôi sẽ trả cô hai ngàn quan cho ba ngày, cộng thêm tiền xăng và những phí tổn khác,” tôi nói nàng.
“Không cần đâu giáo sư Thượng.”
“Cứ gọi tôi là Lilian.”
“OK, Lilian. Tôi sẵn sàng đi du lịch miền quê với bà. Chẳng cần tiền nong gì cả.”
“Coi như em làm việc cho tôi, dĩ nhiên tôi phải trả tiền. Kiểm soát xe cộ kỹ lưỡng em nhé.”
“Đó là xe của ông anh em. Ổng có bốn chiếc. Giữ gìn, bảo trì kỹ lắm.”
“Tốt. đừng nói ai hay. Tôi chỉ muốn xem làng bố tôi nó như thế nào thôi.”
“Cô đừng lo, em không nói ai đâu.”
Trường đại học không muốn giáo sư ngoại quốc đi đứng tự do bởi vì họ chịu trách nhiệm về hành vi cũng như an toàn của chúng tôi. Mẫn Mẫn và tôi quyết định gặp nhau tại nhà tôi sáng sớm hôm thứ Bảy. Nàng là một trong những sinh viên cao học có ý định du học để lấy bằng tiến sĩ nên chắc sẽ cần tôi viết thư giới thiệu trong tương lai. Tôi thích cái tính lanh lẹ và giọng cười ròn rã hay làm cả lớp để ý của cô.
Chúng tôi khởi hành vào lúc 7 giờ sáng. Tôi mặc chiếc áo khoác flannel, mặt mũi không son phấn. Trông tôi không khác một bà chuyên gia người Hoa. Tôi vừa đem cho chiếc áo Parka (mua ở Marcy để chuẩn bị cho chuyến đi dậy Fulbright,) vì mặc áo dài bên Tàu rất bất tiện, không ngồi xe buýt hay xe điện ngầm được. Càng không mặc đi đường vì xe chạy bắn nước và khách bộ hành chen lấn.
Đi một tiếng đồng hồ mới ra khỏi Bắc Kinh vì đường xá đông đúc, xe chạy như mắc cửi gần khu Đại Lễ Đường Nhân Dân. Nhưng một khi ra tới đường cao tốc thì lưu thông vắng vẻ hơn và xe chạy thoải mái. Con đường tám lối đi mới toanh, mỗi bên bốn lối, sạch bóng sau cơn mưa. Mẫn Mẫn cầm tay lái ở vị trí chín giờ, ba giờ. Nàng nói chưa chạy đường trường như thế này bao giờ, trước giờ đi tới Hoài Nhu, một thành phố cách Bắc Kinh 40 dặm về phía bắc, đã là xa lắm rồi. Hai bên đường trống vắng, thỉnh thoảng mới thấy vài cái bảng quảng cáo. Tiền thuế qua trạm khá đắt tiền. Khi Mẫn Mẫn lên xa lộ đã phải trả 76 quan để đi từ thủ đô đến Thiên Tân, khoảng 12 đô la cho 90 dặm. Đó là lý do tại sao đường vắng xe.
Giữa tháng Ba mà trời đã khá ấm áp, những khu rừng cây vừa mọc lá, cành cây nhấp nhoáng xa xa. Xuân năm nay đến sớm. Mùa đông Bắc Kinh khô ráo và ấm áp, chỉ có tuyết có một lần. Kể từ khi ra khỏi thành phố tôi chưa thấy chiếc xe cảnh sát nào, không như Bắc Kinh, đi đâu cũng thấy.
Khi gần tới Thiên Tân chúng tôi thấy một biển quảng cáo với hàng chữ: Chào đón công nhân di trú!
“Chuyện nghe hơi khó tin,” Mẫn Mẫn nói.
Tôi gật đầu đồng ý vì biết công nhân di trú bị người Bắc Kinh xem như công dân hạng bét; con cái còn không cho đi học trường công. Tôi bực mình là người Hoa vẫn không bình đẳng mặc dù hiến pháp hứa hẹn đủ thứ. Dân quê vẫn thiếu thốn hơn dân thành thị, muốn trở thành cư dân hợp pháp thì phải có nhà trong thành phố. Tuy vẫn đỡ hơn trước đây không cách nào có thể thành cư dân hợp pháp, nhưng dù gì đi nữa thì vẫn là phân biệt đối xử. Tôi liên tưởng đến luật nhập cư cho người đầu tư ở Bắc Mỹ, cứ có nhiều tiền là có thể mua được thẻ xanh HK hay thẻ lá phong Gia Na Đại. Vậy mà tôi chưa bao giờ nghe người Tàu than phiền việc dân quê bị kỳ thị. Không những vậy, đa số người Tàu xem chính sách hiện thời là một bước tiến về hướng giảm cách biệt giữa thôn quê và thành thị. Có lần tôi hỏi một ký giả tại sao sự bất công này không làm công chúng phẫn nộ thì anh chỉ lắc đầu cười trừ.
Tôi không ngờ chúng tôi đi nhanh vậy. Nội trong ba tiếng đồng hồ chúng tôi đã đến biên giới tỉnh Sơn Đông nên chúng tôi quyết định xuống xa lộ kiếm gì ăn. Chúng tôi tìm ra một tiệm ăn có tên là Ngọc Đài. Một anh bồi gầy nhom, tóc húi cua đưa chúng tôi vào bàn rồi hỏi, “Hai người đẹp hôm nay dùng chi?”
“Tôi không phải là người đẹp.” tôi nói. “Vài năm nữa tôi đã là người cao niên, để dành chữ đó cho con gái đẹp.”
Anh ta bối rối nhìn Mẫn Mẫn như dò hỏi, rồi cả hai phá lên cười. Tôi không thích lối người Tàu dùng chữ “mỹ nữ” một cách vô thưởng vô phạt. Cô nào cũng gọi vậy, chẳng cần biết xấu đẹp.
Chúng tôi gọi món cá hấp, tàu hủ ky xào cải xanh, và củ sen áp chảo ăn với cơm. Tôi ước chừng không tới hai tiếng sẽ đến Lâm Mẫn. “Ngồi ăn uống thoải mái đi.” tôi nói Mẫn Mẫn, cô nàng đang cầm thực đơn phe phẩy quạt. Trong nhà hàng nóng bức và nồng nặc mùi dầu ăn.
Thức ăn mang ra liền lập tức. Tôi ngạc nhiên thấy miếng phi-lê cá hồi khá to, có vài lát cải và hai cọng ngò làm hoa vị bên trên. Tôi nói Mẫn Mẫn, “Hai mươi năm trước tôi đâu thấy Trung Quốc có cá hồi.”
“Cá này nhập cảng,” nàng nói.
“Món này chỉ có 22 quan. Làm sao mà có lời?”
“Ý em muốn nói là cá nhập cảng rồi nuôi trong trại nuôi cá trong vùng.”
“Thì ra là thế.” tôi để ý thấy nàng không đụng đũa vào con cá, chỉ lo gắp tàu hủ ky và rau ăn. “Không thích cá hồi à?” tôi hỏi.
“Thích chứ, nhưng ăn ở đây không an toàn. Chớ bao giờ ăn đầu cá, ruột cá trong nhà hàng. Phi-lê chắc không sao, cũng bớt độc.”
“Sao mà độc?” tôi ngạc nhiên hỏi.
“Chất hóa học. Anh của em đã thấy mấy người nông dân cho cá ăn thuốc trụ sinh tưới xượi để có thể sống được trong hồ cá ô nhiễm.”
“Vậy à,” tôi nói. Thực phẩm ô nhiễm là một vấn nạn bên Trung Quốc. Vài tuần trước tôi đọc báo thấy một thằng bé lăn ra chết sau khi ăn bánh bao bán ngoài đường. Ai cũng biết tệ nạn sữa bột trẻ em có chất độc vẫn còn đầy dẫy trong vài thành phố. Người ta đồn có hàng ngàn trẻ sơ sinh bị ốm vì bú sữa có chất melanine, một hóa chất dùng làm plastic. Nhưng tôi đã gần 54 tuổi rồi nên chẳng sợ. Tôi nói Mẫn Mẫn, Đối với người Tàu, tôi là bà già nên chẳng lo. Nhưng em còn nhỏ tuổi, nên ăn uống cẩn thận.”
“Nhất là nếu muốn lấy chồng có con,” nàng nói.
Mẫn Mẫn nói cô chị dâu đã ăn uống kiêng khem kỹ lưỡng để tẩy độc cơ thể, mong sao sanh được con khoẻ mạnh.
“Cô ấy ăn gì? Rau trái không thôi?”
“Không. Có nhiều thứ rau cũng không bảo đảm như cải bắc thảo, giá, cà chua. Tỏi tây nguy hiểm nhất vì phải dùng nhiều thuốc trừ sâu để khỏi bị ăn gốc.”
“Thế thì ăn rau gì bây giờ?”
“Khoai tây, khoai môn, cà rốt, củ cải. Cái này ăn cũng được.” Nàng gắp miếng củ sen có lỗ lên nói.
“Chị dâu em tẩy độc đến khi nào?”
“Nguyên một năm. Không những ăn kiêm, chị ấy còn uống thuốc bắc mỗi ngày.”
“Gớm. Chả thà ăn thức ăn nhiễm độc.” nghĩ đến thứ thuốc nước đắng nghét là tôi đã rùng mình.
Mẫn Mẫn nói tiếp anh cô, một người thầu địa ốc, dục vợ sang L.A. để sanh con. “Ngoài môi trường trong sạch,” Mẫn Mẫn nói, “đứa trẻ còn có quốc tịch Mỹ nữa. Nhưng bà chị dâu ngu đần của em nhất định không chịu đi, nói bả sợ nước Mỹ, chẳng thà sống chết bên Tàu, blah blah blah. Thưc ra chị ấy sợ ông anh em ở lại có bồ, nên chị ấy không muốn gia nhập Làng Nhân Tình ở L.A.”
Tôi cười nhưng vội che miệng kịp. Các đại gia Trung Quốc đã tìm cách đưa nhân tình sang một ngoại ô của L.A. để sinh sống mà không cần biết nói tiếng Anh. Cái khu có cổng gác được gọi là làng nhân tình, một biệt danh thường hay xuất hiện trong giới truyền thông Trung Quốc.
Chúng tôi để hơn nửa con cá lại. Tôi dành trả tiền và boa cho người bồi hai tờ 5 quan, cu cậu cười toe toét vì đa số thực khách người Tàu không có thói cho boa. Khoảng 1 giờ chiều thì chúng tôi lên xa lộ, và chuyến đi suông sẻ đến độ vừa sau 3 giờ là chúng tôi đã đến Lâm Mẫn. Quận lỵ trông như một tỉnh nhỏ với bin đinh cao ốc mọc lên khắp nơi, vài cái có mặt tiền màu xám giống như đá granite. Đường phố ồn ào, thơm mùi đậu phộng luộc, khoai lang nướng, bắp rang, và cá rán giòn. Tại phiên chợ vườn, vài người bán rau trái còn ở lại nấn ná rao hàng. Xe hơi bấm còi, xe máy kéo chạy sục sịch, ngựa và lừa bới vó trên mặt đường, sẵn sàng về nhà. Trên một con đường đông đúc, vài bảng hiệu nê-ông chớp chớp đó đây, chào đón người ta đi vào tiệm uốn tóc, bóp chân, quán karaoke, và phòng đấm bóp. Tôi đến hỏi ông già bán trà đường đi Mạch Gia, ông nói đi hướng nam độ ba dặm thì tới. Chúng tôi tránh khách sạn vì sợ họ hỏi căn cước. Nếu biết tôi là ngoại quốc, họ sẽ trình báo công an phường. Chúng tôi vào một quán trọ mà dân trong vùng gọi là nhà khách. Mẫn Mẫn nói cô lễ tân trẻ tuổi tôi là dì cổ nên cô gái không buồn hỏi giấy tờ cù̉a tôi. Chúng tôi ngủ chung một phòng có giường đôi.
No comments:
Post a Comment