1953
Đến mùa xuân 1953 thì Gary đã ở Okinawa được ba năm rưỡi. Anh học lái xe và mua một chiếc jeep của một ông sĩ quan dọn về Hạ Uy Di. Thỉnh thoảng anh lái dọc theo xa lộ quân đội đến một bãi cát trắng tinh hay một vịnh trồng thông đỏ và cây đa, nơi đó anh ngồi một mình, hít thờ không khí mặn mùi muối biển, và trầm ngâm mặc tưởng. Anh bắt đầu tập tành hút thuốc và thích thuốc lá Mỹ, nhất là Chesterfields và Camels. Mùa hè anh đội mũ rơm nhưng những mùa khác anh thì đội mũ nỉ. Mũ nón, com-lê, và giày da láng khiến anh trông rõ ràng là một người lịch sự, mặc dù lúc nào cũng có vẻ trầm mặc và hơi lơ đễnh-- típ người cô độc, ăn mặc cẩn thận nhưng không biết hòa đồng. Đến nay thì nỗi nhớ nhà đã biến thành một cảm giác tê dại, một nỗi đau âm ỉ sâu xa tận đáy lòng. Lúc nào anh cũng cảm thấy tâm hồn mình trĩu nặng nhưng xem đấy như dấu hiệu của trưởng thành, như thể cuối cùng anh cũng đã có đủ nghị lực để hoàn thành công tác.
Đời sống bán quân đội đã cho anh một ý thức kỷ luật, trong khi công việc hàng ngày lại giúp anh bớt nhớ nhà. Anh cũng bắt đầu thích nghe nhạc, nhất là nhạc của Hank Williams. Anh mượn đĩa nhạc của thư viện đài phát thanh, mang về chơi bằng máy hát có loa kèn. Có những bài hát đã thuộc nằm lòng và điệu nhạc lúc nào cũng quanh quẩn trong đầu anh. Khi đi dạo trên bãi hay dọc theo con đường mòn quanh co, anh hay rên ư ử một mình, “well, why don’t you love me like you used to do/ How come you treat me like a worn-out shoe?” hay, “No matter how I struggle or strive/ I’ll never get out of this world alive.” hay bằng một giọng cảm động bởi nỗi tự thương hại. “As I wonder where you are/ I’m so lonesome I could cry.” Những bản hát làm anh nhỏ lệ như mình là một kẻ bị tình phụ và những rên rỉ đau đớn chẳng ai hiểu cho. Nhưng anh vẫn cứ hát như một cách để làm mình cứng rắn hơn lên.
Cuối tháng 10 năm 1950 anh đã rầu rĩ khi quân Trung Quốc phục kích quân Mỹ phía đông Áp Lục Giang. Nghe thấy tin, anh chạy vội ra khỏi văn phòng và đứng sau cây hạnh nhân ở sân sau, dấu mặt sau hàng lá bóng láng trong khi hai hàng nước mắt chảy thành giòng trên má. Anh gục đầu vào thân cây và đứng đó gần một giờ đồng hồ. Anh không thể giải thích tại sao mình lại phản ứng như vậy. Trong thâm tâm anh đã phải biết, khi hai nước có chiến tranh thì anh sẽ có giá hơn với Trung Quốc, và anh biết chắc họ sẽ giao cho anh nhiều trọng trách nguy hiểm hơn. Nói một cách khác, nghề gián điệp của anh sẽ tiếp tục dài dài. Anh không thích bị đặt để vào một vị trí như vậy và cảm thấy như mình bị mắc bẫy, nhưng anh cứ tự nhủ nên cố kiên nhẫn. Thật vậy, một gián điệp xứng đáng phải có lòng kiên trì sắt đá, phải có khả năng chôn chặt đời mình trong nỗi cô độc để mà chờ thời.
Những chiến thắng ban đầu của quân Tàu không làm Gary phấn khởi, vì anh biết Trung Quốc là một nước yếu, không thể kéo dài chiến tranh mà không có sự hậu thuẫn của Xô Viết. Khi tin tức cho biết con số quân sĩ thiệt hại lên tới mức khủng khiếp, Gary nghi là đồng bào của anh đã bị dùng làm bia đỡ đạn cho tụi Nga Xô. Những nghi ngờ của anh đã được kiểm chứng sau đó. Nhờ thông dịch tài liệu và báo cáo mà Gary biết được những tin tức người ngoài không có. Phe Xô Viết đã viện trợ nhiều vũ khí cho quân Tàu ở Triều Tiên, nhưng Stalin chỉ yểm trợ không lực giới hạn trong vùng phía đông sông Áp Lục xuống đến sông Thanh Xuyên. Hậu quả là quân Tàu và Bắc Hàn hễ ló ra là bị chiến đấu cơ đánh, và chỉ ban đêm mới dám chuyển quân. Đó là lý do tại sao Lâm Bưu, một tướng tài giỏi và nhiều kinh nghiệm nhất của Mao đã từ chối không nhận chỉ huy quân đội Trung Quốc ở Triều Tiên, và Bắc Kinh buộc phải chỉ định Bành Đức Hoài làm tư lệnh chí nguyện quân Trung Quốc.
Năm nay Gary không phải chịu đựng cái nóng nực và ẩm ướt của mùa hè Okinawa. Cuối tháng Bảy anh được gởi đi Phủ Sơn để giúp phía Liên Hiệp Quốc thẩm vấn tù binh chiến tranh. Anh hài lòng vì hy vọng khi sang Triều Tiên, có thể tìm cách liên lạc với thượng cấp ở Trung Quốc. Cuộc đình chiến đã được thoả thuận vì cả hai bên đều đã mệt mỏi. Cuộc chiến đã đến giai đoạn sắp sửa chấm dứt. Gary lên chiếc C-119 một buổi sáng đầu tháng Tám và bốn tiếng đồng hồ sau đã đáp xuống Phủ Sơn.
Tù binh chiến tranh quá nhiều nên nhân viên Liên Hiệp Quốc thẩm vấn không xuể. Nội quân Tàu không thôi đã hơn 21 ngàn tù binh, đa số bị bắt hồi mùa xuân 1951. Quân Tàu bị thua tơi bời trong lần tổng công kích thứ năm, toàn thể sư đoàn 180 bị tiêu hủy. Bắc Hàn và Trung Quốc bắt buộc phải trở lại bàn hội nghị với Liên Hiệp Quốc, nhưng thỏa hiệp không thành vì vấn đề tù binh chiến tranh có nhiều gai góc. Rất nhiều tù binh Trung Quốc đã từng phục vụ cho quân đội Dân Quốc, rồi bị bắt ép đi đánh giặc cho Trung Cộng. Bởi thế nên những tù binh này không muốn bị trả về lục địa, vì khi đi đã được lệnh đánh thì phải đánh cho đến chết, không được đầu hàng. Họ muốn được thả về Đài Loan để gia nhập quân đội ông Tưởng bên đó. Tưởng Giới Thạch sẵn sàng đón nhận họ vì một mặt cần quân, mặt khác đây cũng là một lợi thế trên mặt tuyên truyền. Và vì thế một số sĩ quan Quốc Dân Đảng đã được gửi qua để khuyến dụ thêm tù binh trở về Đài Loan.
Gary làm thông dịch viên khi thành phần quản huấn cao cấp của HK gặp gỡ phái đoàn Dân Quốc. Bên Dân Quốc không được vào bên trong trại giam mà chỉ được gặp ban đại diện tù binh bên ngoài hàng rào kẽm gai. Vậy mà họ vẫn có thể chuyển quà của Tưởng Giới Thạch cho tù binh như thuốc lá, bộ bài, kẹo bánh, sách vở, nhạc cụ, và áo len cho bất cứ người nào muốn đi Đài Loan. Tuy Gary không phải là tù binh chiến tranh nhưng đại biểu phái đoàn cũng biếu anh một chiếc áo mưa và một cái ba lô bằng vải ka-ki.
Gary ở trong một cái nhà dựng tạm bên ngoài Phổ Sơn. Từ đây anh có thể nhìn thấy đại dương, và những chiếc tàu lớn trong cảng trông như những ngọn đồi trong làn sương mù buổi sáng. Hôm nào trời trong, ta có thể thấy được những chiếc thuyền câu trôi dập dềnh trên sóng nước xa xa. Mặt nước màu không đều, chỗ xanh, chỗ vàng. Về phía bắc, bên ngoài trại giam khổng lồ, những ruộng lúa trải dài tít tắp, nhưng vì lý do gì không hiểu, mọc đầy rong rêu và cỏ dại. Thành phố nhộn nhịp đầy người tị nạn. Dân chúng Trìu Tiên đông như kiến và dựng lều ở tạm, ngay cả những con dốc gần đó cũng đầy lều và nhà làm bằng rơm, ván ép, và mái tôn. Gary thấy đất đai nơi đây phì nhiêu và khí hậu thì dễ chịu. Anh thấy người ta bán những quả táo quả lê to hơn bên Tàu nhiều, và anh nghĩ cảnh quan nơi này vào thời bình thì chắc đẹp lắm. Anh thông thạo Anh ngữ lẫn tiếng Quan Thoại nên được cấp trên và đông nghiệp quí mến. Anh cũng chơi hợp với đám sĩ quan Đài Loan ở lại để giúp Liên Hiệp Quốc. Đa số chỉ ở lại vài tháng. Đến bữa ăn, Gary hay ngồi chung bàn và cùng hút thuốc, uống bia với họ.
Một hôm vào bữa ăn trưa, trong khi Gary đang ăn miếng bíp tết Salisbury với dưa leo muối chua thì Mãng, một sĩ quan Đài Loan vai to, tuổi độ ba mươi mấy, đến ngồi đối diện. Hắn nói nhỏ với Gary, “Này, không biết sao mà tớ đau lưng quá.”
Gary nghe câu nói sao thấy quen quen. Rồi Gary chợt nhớ đây là mật hiệu để nhận diện nhau. Anh trả lời theo bài vở, “Chắc tại thận thủy suy mẹ nó mất rồi. Uống dăm thang vào là khỏi ngay.”
“Thang thuốc nào?” Mãng hỏi một cách điềm tĩnh.
“Lục vị địa hoàng.”
“Uống bao nhiêu?”
“Hai lần một ngày, sáng lần, tối lần.”
Một nụ cười nở kín đáo trên môi Mãng. Tim Gary đập thình thịch khi biết người đàn ông mặc quân phục Quốc Dân Đảng này lại là gián điệp làm việc cho lục địa. Với một vẻ thản nhiên đã tập dợt, Gary liếc nhìn chung quanh và thấy hai sĩ quan Mỹ ngồi ăn cách đó vài bàn, nhưng họ không hiểu tiếng Quan Thoại..
“Đại ca”--Mãng cúi người tới trước--”tôi biết đại ca gặp tù nhân mỗi ngày. Xếp lớn muốn đại ca chụp hình mấy thằng chống đối cực đoan trong nhóm.”
“Tôi sẽ cố, nhưng họ dùng biệt danh không à,” Gary nói.
“Biết rồi. Bởi thế nên cần hình.”
“Chừng nào cần?”
“Sắp về Đài Bắc rồi. Đại ca liên lạc Hồng Kông tìm cách giao hàng.”
“Dùng kênh thông tin cũ hả?”
“Đúng thế.”
Đó là lần nói chuyện duy nhất. Ba ngày sao Mãng rời Phủ Sơn. Gary tiếp tục tháp tùng sĩ quan HK thẩm vấn tù binh chính trị Tàu. Ai cũng nể vì anh biết vài thổ ngữ của tù binh và hiểu lối suy nghĩ của họ. Hồi đầu anh còn tội nghiệp những tù binh vết thương chưa lành, nhưng bây giờ anh đã trở nên chai đá. Có người khóc lóc như trẻ con, năn nỉ được gởi về quân đội của Tổng Tư Tệnh Tưởng bên Đài Loan. Kẻ lại than phiền bị ức hiếp bởi người khác, nhất là bởi thủ lãnh trong đám tù tuyển chọn bởi cai ngục. Có người vẫn không nói gì ngoại trừ, “Tôi muốn về nhà.” Một số ngồi xuống là chửi người thẩm vấn và còn gọi Gary là “con chó săn của Mỹ.” Có một anh chàng, chân tay mặt mũi bị cháy vì bom napalm, mỗi lần hỏi gì chỉ có khọt khẹt, không biết là cười hay khóc. Hồ sơ tù binh lộn xộn vì họ đổi tên soành soạch và chẳng ai có thì giờ mà điều chỉnh cho cập nhật.
Một số tù nhân đứng ra lãnh đạo bạn tù và cố động họ bỏ đảng. Những người này rất mực nghe lời người Mỹ và nịnh bợ ban cải huấn. Khi nào có dịp là Gary lân la gợi chuyện, chia sẻ điếu thuốc, viên kẹo. Anh học cách họ tập thể dục kiểu quân đội. Thỉnh thoảng Gary làm bộ chụp hình “kỷ niệm” với họ. Khi có dịp là anh mang hồ sơ về phòng mà anh ở chung với một sĩ quan hay đi chơi buổi tối. Gary dùng chiếc máy ảnh Đức chụp ảnh và hồ sơ và giữ một danh sách để tham chiếu tên họ với biệt danh.
Khi công tác ở Phủ Sơn chấm dứt vào cuối tháng Mười, anh trở về Okinawa với sáu cuộn phim và trở lại công việc thông dịch viên cho cơ quan. Anh có thể rửa hình, nhưng làm vậy e hơi nguy hiểm, nên anh cất phim vào một cái túi vải cột lại bằng dây giầy.
Sở Bính Văn viết thư lại hai tuần sau, giả đò là em họ, nói tất cả gia đình Gary ở quê đều bình an vô sự và ai cũng nhớ anh. Bính Văn nói khi có dịp, anh em phải gặp nhau lại ở Hồng Kông vào tháng Hai. Còn vấn đề “thuốc men,” Gary nên sang Tokyo càng sớm càng tốt để đưa cho người “bạn” ở đó, một Hoa kiều ở hải ngoại. Bính Văn cho địa chỉ ở Thiệp Cốc và tả anh ta là “ một người béo lùn, đầu hói và có giọng Tứ Xuyên.” Gary thắc mắc sao Bính Văn không sang Nhật gặp anh. Nhưng anh sực nhớ gián điệp Tàu không biết tiếng ngoại quốc và không quen lối sống nước ngoài, sẽ không dám nhận công tác sang một nơi mà họ lạ cái lạ nước. Điều này làm anh mỉm cười tự mãn, vì biết mình trội hơn hẳn các đồng chí ở nhà. Rồi như những đồng nghiệp người Mỹ, anh lấy ba ngày nghỉ cuối tuần; bay sang Tokyo, và giao những cuộn phim mà không có gì trục trặc cả.
xxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxx
Sáng sớm hôm sau tôi và Mẫn Mẫn lên đường tới Mạch Gia Trang. Khi tới phố Lâm Mẫn, tôi ngạc nhiên vì thấy đường làng tráng nhựa còn mới toanh. Làng mạc khu này có vẻ được nối liền bởi đường xá khá tốt, tuy mặt đường có dính đầy phân súc vật. Trời còn sớm sủa nên xe chạy bon bon. Chúng tôi chạy ngang một cái ao mọc đầy lau sậy, mặt nước óng ánh dưới ánh mặt trời. Rồi những cánh đồng lúa mạch xuất hiện, cây lúa phất phơ trong gió. Khi gần đến làng Mạch Gia, tôi thấy một cái ao phía bên phải với một đàn vịt trắng và ngỗng đang bơi lội. Một bà già tay cầm cái liềm ngồi bên bờ ao trông coi đàn vịt. Chúng tôi rề xe lại. Khi chúng tôi bước ra khỏi xe thì có tiếng bà kêu, “Ngỗng a, ngỗng a, quang quác, quang quác.” chúng tôi lại gần hỏi đường đến nhà ông xã trưởng.
Bà chỉ về hướng có cột khói bốc xiên về phía đông và nói,” Đó, sau dẫy nhà đó. Căn nhà ổng có mái ngói đỏ.”
Chúng tôi cám ơn rồi lái xe lại.
Ông xã trưởng trạc độ năm mươi, tướng tá rắn chắc và có đôi mắt tươi cười. Ông tự giới thiệu tên ông là Mai sau khi tôi nói tôi là con gái của Thượng Vĩ Dân và Mẫn Mẫn là học trò của tôi. Ông có vẻ vui vẻ khi gặp chúng tôi và sai vợ đi nấu trà. Ông ngồi bắt chân chữ ngũ trên một cái ghế hình cái trống. Ông nói làng có mười mấy nhà họ Thượng, nhưng không ai có họ trực tiếp với bố tôi. “Cha mẹ của Thượng Vĩ Dân chết xong là vợ ông ta bỏ đi,” Mai nói. “Không còn ai ở lại.”
Tôi bối rối không biết nói gì, mũi tôi bị nghẹt nên hơi khó thở. Mai nói vì nạn đói nên Dụ Phong bỏ làng đi hồi đầu ‘60, về phía đông bắc, nơi anh bà đã tản cư tới đó.
“Bố ai biết được?” Mai nói. “Nhiều khi đi lại là khôn. Xong ba năm nạn đói thì đến phong trào chính trị, hết phong trào này lại tới phong trào kia. Trường hợp của cha cô thì mọi người mù tịt. Người đồn ổng trốn sang Đài Loan với Tưởng Giới Thạch, kẻ lại nói ổng chết trong trại cải tạo bên Tây Bá Lợi Á. Bởi vậy nếu Dụ Phong không bỏ đi thì nhiều khi cũng thành mục tiêu đấu tố của cách mạng.”
“Có cách nào tìm ra địa chỉ liên lạc không?” Tôi hỏi.
“Cha cô còn người em họ ở gần đây. Chắc hắn phải biết bả ở đâu.”
“Ông chỉ chỗ cho chúng tôi được không?”
“Được chớ. Đi ngay đi.”
Mai đứng dậy và chúng tôi theo ra ngoài. Ông búng điếu thuốc đang cháy dở vào đống phân trong sân trước nhà. Ông nói để xe lại đi bộ. Tôi hơi lưỡng lự nhưng Mẫn Mẫn nói không sao. “Xe cũ mà.” Rồi chúng tôi đi về hướng nam của làng. Đâu đâu cũng yên lặng, trên đường đi tôi thấy hai con chó đói giơ xương lẩn vẩn theo sa. Lối đi lầy lội, thỉnh thoảng lại có một vũng nước mưa, có cái bốc hơi sủi bọt như sắp sôi. Rác rưởi vất khắp nơi--hộp mì ăn liền, mảnh chai, rau đã thối rữa, giấy gói kẹo, xác pháo. Thoang thoảng đâu đây có mùi củi cháy, cỏ cháy và khói bốc lên từ lò sưởi của dăm căn nhà.
Chúng tôi dừng lại trước một căn nhà gạch đen đàng sau cánh cửa sắt. Mai chẳng nói chẳng rằng, đẩy cửa bước vào. Hai con gà màu nâu sợ chạy như bay. Một con bay lên đụn rạ còn con kia đậu trên thành chuồng lợn, cả hai cùng xù lông, cục tác. Một ông già đang ngồi đan chiếu trong cái sân láng xi măng. Thấy chúng tôi, ông lồm cồm đứng dậy, râu ông tuy thưa thớt nhưng để dài. Mai giải thích tôi là con gái Thượng Vĩ Dân đến từ Bắc Kinh. Nghe nói thế mắt ông sáng lên, miệng ông há hốc. Ông quay lại thì thầm cái gì với vợ, một người đàn bà đẫy đà, búi tó. Rồi ông nói với tôi, “Đây là Ninh, nhà tôi.”
“Cháu chào dì Ninh. Cháu là Lilian.” tôi đưa tay ra bắt, thoạt tiên bà rụt lại nhưng rồi nắm nhẹ tay tôi, bàn tay bà chai nhám.
“Hân hạnh,” bà nói lí rí trong miệng.
“Này Vĩ Nhân,” Mai nói với ông già. “Đừng để chúng tôi đứng như thế này.”
Thế là ông chủ nhà dắt chúng tôi vào cái phòng khách kiêm phòng ngủ. Một cái giường gạch lớn gọi là cái ‘kang’, chiếm hơn phân nửa căn phòng. Trên bức tường phết vôi treo một tấm lịch bóng láng có hình Cây Cầu Vàng, và bên cạnh là một vòng ớt khô, có cái đã nẻ cho thấy những hạt màu vàng bên trong. Mẫn Mẫn đến nhìn tấm lịch rồi buột miệng nói, “Wow, đẹp quá. Ông có biết cái này đâu không?” Vừa nói xong thì nàng liền cắn môi vì biết mình lỡ miệng, nói như vậy làm như người ta ngu lắm.
Mai cười to trong khi chú Vĩ Nhân toét miệng cho thấy ba bốn cái răng. “Biết chớ,” ông nói. “Đó là thành phố bên Mỹ tên gọi là Cựu Kim Sơn.”
Dì Ninh mang lên cái ấm rót trà trong khi chú Vĩ Nhân mời thuốc lá Hồng Mai. Mai rút một điếu; Mẫn Mẫn và tôi từ chối. Tôi nhấc cốc nhấp miệng, trà có vị cỏ. Ông già nói tên ông Vĩ Nhân có nghĩa là ông và cha tôi là anh em họ. Tất cả đàn ông trong cùng thế hệ của họ Thượng đều có tên đệm là Vĩ.
“Chú là cháu của ông nội con,” ông nói. “Cha con và ta là anh em con chú con bác.”
“Chú còn nhớ bố con không chú Vĩ Nhân?” tôi hỏi.
“Có chớ. Ổng dạy chú bơi chó khi chú mới còn chút xíu. Chú biết rành mẹ cả của con. Bả tốt bụng, có lần cho chú một túi hạt hướng dương đầy.” Chú đang nói về Dụ Phong. Theo phong tục, con các bà vợ lẽ vẫn xem là con của bà cả, gọi là “mẹ cả.”
“Bây giờ Dụ Phong ở đâu rồi? Chú có biết không?” tôi nói.
“Miệt đông bắc á. Chị cháu hay viết thơ mỗi dịp tiết Xuân, nhưng sau vài năm thì không còn thư từ gì nữa.”
“Sao họ phải bỏ làng mà đi vậy?” tôi hỏi. Tôi thắc mắc điều này đã lâu rồi. “Bộ chính quyền không chu cấp hay sao?”
Chú Vĩ Nhân thở dài rồi hút một hơi dài thuốc lá. “Hồi đó họ gởi tiền lương cha con về hàng tháng, nhưng thời nạn đói thì tiền bạc không còn giá trị. Giàu hay nghèo gì cũng chết đói, chỉ có kẻ có quyền thế là có ăn.”
“Nhờ ăn cắp phần người khác.” Mai nói.
Tôi hỏi chú Vĩ Nhân, “Cháu tưởng ông bà cháu có để lại ruộng nương cho Dụ Phong mà?”
“Ruộng vườn bị tịch thu hết trong thời cải cách ruộng đất năm 50 rồi. Sau đó ruộng nương thuộc về chính phủ hết.”
“Thì ra là thế. Vậy thì Dụ Phong không còn cách nuôi con ở làng sao?”
Chú Vĩ Nhân nhìn tôi bằng cặp mắt kẻm nhẻm kèm nhèm. Ông tằng hắng rồi nói. “Quả thật có khó khăn cho bả. Anh cô chết vì sưng óc, có người nói là chết đói. Cả dòng họ Thượng đổ thừa tại Dụ Phong mà chết thằng con thừa tự của gia đình. Kể cũng tội, bả có một thân một mình làm sao có thể nuôi con được? Khổ nỗ thằng bé lọt lòng ra đã òi ẹp. Người ta hay đổ thừa nhưng ai cũng đói, đâu có giúp đỡ gì được. Đâu phải như thời nay, còn có thể chia sẻ ít tiền, ít thức ăn.”
“Khoảng một phần ba làng ta chết trong nạn đói,” Mai nói. “Tôi còn nhớ, chỉ có lũ chó sói và chó dại là no béo vì ăn xác chết.”
“Kinh khủng quá,” Mẫn Mẫn nói chêm vào.
“Thế là mấy người đuổi Dụ Phong ra khỏi làng?” tôi hỏi chú Vĩ Nhân mà cơn giận bỗng dâng trào.
“Không phải như vậy,” ông già nói. “Bả có người em làm cai thợ ở một nông trại nhà nước miệt đông bắc. Ổng viết thư nói vùng Giai Mộc Tư còn cái mà ăn nên muốn bả về đó. Kể cũng tốt bụng và cũng tốt cho Dụ Phong.”
“Nhất là khi bà ta không còn ích lợi gì cho dòng họ Thượng nữa,” tôi nói.
“Không phải vậy. Trai trẻ trong làng thấy bả vẫn hay dòm ngó, huýt sáo. Ngay cả mấy ông có vợ còn thòm thèm nói chi tụi trẻ. Bả trông vẫn còn son sắc lắm. Cha cháu đi lâu, không biết chết sống ra sao nên ai cũng xem bả là goá phụ.”
“Thế bà ta có lấy chồng lại ở miền đông bắc không?”
“Cái đó chú không biết. Nói thiệt, chú quý mến và trọng bả. Bả là một người phụ nữ chính chuyên nhưng phải cái số phần hơi gian nan.”
Mai xem vào, “Mẹ tôi hay nói tay nào có phước lắm mới có được một người vợ như Dụ Phong. Người ta phục bả lắm. Bả khéo tay, làm mì sợi nhỏ xíu không ai bằng. Bả biết thêu thùa công, phượng. Lũ con gái đua nhau đến nhà xin học thêu của bả.”
“Chú còn địa chỉ bà ta không chú Vĩ Nhân?”
“Hình như chú còn giữ lá thư của cô con gái thì phải. Để chú vào lục coi.” Ông đứng lên, vén tấm mành bằng vải rồi đi vào trong buồng.
Tôi quay qua nói với Mai. “Chú Vĩ Nhân có con có cái không?”
“Ổng có đứa con trai, đứa con gái. Cả hai sống ở tỉnh Đức Châu, nghe nói làm ăn khấm khá. Cô con gái dạy đại học ở đó.”
“Vậy thì đa số giòng họ Thương kể ra làm ăn cũng khá phải không?”
“Đúng thế. Họ nhà mình vốn trọng việc học và không thiếu người là học giả và làm quan. Họ Thượng đã có tiếng ở vùng này hàng trăm năm qua.”
Chú Vĩ Nhân trở lại cầm theo một tấm phong bì úa vàng. Khi tôi lấy bút để viết địa chỉ xuống thì chú ngăn lại, nói tôi có thể giữ lá thư. Tôi cám ơn rồi bỏ vào túi. Rồi chúng tôi chuyện trò tiếp tục về những gia đình họ Thượng khác trong làng. Tôi nói tôi đang sống và làm việc ở Bắc Kinh tuy sanh ra và lớn lên ở ngoại quốc và mẹ tôi là người da trắng. Mẫn Mẫn và tôi nhìn nhau, nàng trợn mắt ý nói đừng lo, sẽ không nói ai nghe việc tôi có quốc tịch Mỹ. Nói ra chỉ thêm phức tạp và mời mấy ông quan chức và công an về làng. Thế là tôi để mặc họ nghĩ tôi là người Trung Quốc. Tôi nó bố tôi lấy vợ vì Đảng muốn ông có gia đình ở hải ngoại. Khi tôi nói họ ông mất bên Mỹ đã lâu mặc dù ông vẫn ước mơ được về hưu ở Trung Quốc thì họ yên lặng không hỏi gì thêm.
Tôi được biết mộ ông bà chôn phía ngoài làng. “Con ra đốt nén nhang cho ông bà được không?” Tôi hỏi chú Vĩ Nhân.
Ông tỏ vẻ hài lòng, thế là chúng tôi mang cuốc xẻng và một bó nhang, thêm một giỏ của dì Ninh. Mai đi về nhà nói có họp; ông có hai trại gà và đang tính mở thêm một trại nữa. Mẫn Mẫn đi theo để lấy xe. Nàng sẽ ở lại vì chú Vĩ Nhân và tôi sẽ về ăn cơm trưa. Chúng đi về hướng đông, ngang qua một rặng bạch dương mờ mờ, thân cây óng ánh màu bạc dưới nắng và lá còn đọng giọt sương. Chú Vĩ Nhân nói bạch dương năm nay được mùa vì lớn nhanh trong miền đất cát và thân cây bán được giá. Nhiều nhà khai hoang đất trống để trồng bạch dương. Một mẫu trồng hơn hai trăm cây. Chú Vĩ Nhân có hai mẫu, một khi cây non đã qua được một mùa đông và mùa xuân là chẳng còn phải lo. Cây to chặt đem bán xong, chú sẽ cất nhà lầu. Miễn sao Đảng đừng thay đổi chính sách nông nghiệp thì cuộc sống người dân biết đâu có thể đỡ khổ. Trong bụng tôi không tin mấy nhưng không nói ra. Tôi đọc thấy nói nhiều nhà dưới quê phải bán nhà đi mà không trả nổi thuế.
Tôi chỉ thấy đàn bà và vài người đứng tuổi chào hỏi chú Vĩ Nhân, chẳng thấy một mống con nít nào. Khi hỏi tại sao thì chú nói giới trẻ về thành thị đi làm và mỗi năm chỉ về một lần nhân dịp Tiết Xuân. Người ta không muốn có con, nhất là những cặp nào đã có con trai. Chính sách một con vẫn còn, muốn thêm thì phải nộp phạt. “Con cái tốn kém lắm,” chú nói. “Trong làng còn năm sáu thằng nhóc để cho ông bà trông coi. Còn tất cả đều đi sạch. Trường tiểu học đóng cửa vì không đủ học trò. Thời nay chưa lên trung học bố mẹ đã cho nghỉ học.”
“Không cho lên học đại học à?” tôi hỏi.
“Đắt quá. Vả lại có bằng cũng không tìm được việc. Học để làm gì?”
Chúng tôi đi ngang vài căn nhà mái tranh vách đất, siêu vẹo bỏ hoang. Chú Vĩ Nhân yên lặng trong khi tôi còn đắm chìm trong suy tưởng. Chốn này đang dãy chết và hai mươi năm nữa chắc không còn. Rõ ràng là kinh tế phát triển không về tới đây. Khu nghèo, dân làng nhổ rế̃ về tỉ̉nh làm ăn, lắm khi không bao trở lại quê quán. Tôi đọc thấy nói nhiều khu ở miền tây nước Tàu, cả làng bỏ hoang. Cuộc di dân vĩ đại này sẽ có ảnh hưởng gì đến xã hội Trung Quốc? Ai được, ai thua? Hệ quả lâu dài là gì? Cảnh quan điêu tàn làm tôi chạnh nghĩ đến một Âu Châu thời thế kỷ mười tám, khi dân quê phải bỏ làng kéo về trung tâm kỹ nghệ làm việc công xưởng.
Mộ ông bà tôi nằm dưới chân một ngọn đồi, nơi dân họ Thượng được chôn cất. Hàng trăm nấm mộ mọc rải rác dọc theo bờ con suối đã cạn, lắm cái phủ đầy cỏ dại. Có cái cắm bảng gỗ nhưng không cái nào có bia. Chúng tôi dừng trước hai nấm mộ phía nam nghĩa địa. Cả hai đều không đánh dấu và trông y hệt những nấm mộ khác.
“Đây rồi,” chú Vĩ Nhân nói.
“Sao chú biết?” tôi hỏi.
“Mùa xuân nào mà tôi chả lên đây tảo mộ.”
Thật vậy, hai cái mộ trông tươm tất, nên tôi xúc vài sẻng đất đổ lên. Chúng tôi cắm nhang trước mộ phần
Chú Vĩ Nhân lấy chai rượu trong giỏ ra và tưới đàng trước bó nhang. Tôi thấy có gì trăng trắng trông giống củ sâm, nổi bập bềnh trong chai rượu. Nhìn kỹ thì ra đó là xác một con rắn. Sao cúng bằng rượu rắn cho ông bà tôi? Bộ bà nội khoái uống rượu rắn lắm hay sao?
Chú Vĩ Nhân thấy vẻ sốc trên mặt nên nói. “Rượu này trị bệnh đau khớp xương cho người già. Ông bà của con bị thấp khớp. Ngày nào chú cũng uống một ly nên nghĩ ông bà chắc cũng thích.”
Tôi chẳng biết nói sao. Có thể lấy chai rượu rắn cho tiện. Dù sao đi nữa tôi cũng phải cám ơn chú. Tôi lấy trong giỏ ra mấy quả táo quả lê rồi đặt trước mộ phần trên hai miếng đá tôi nhặt gần đó. Tôi bước sang một bên để lấy can đảm. Rồi tôi trở lại, chắp tay trước ngực, khấn vái bằng tiếng Quan Thoại: “Gia gia, nãi nãi, con từ xa về thăm hai người. Con ở cách đây hàng vạn dặm. Bố con, con trai của gia gia nãi nãi không về đây được, nên con thay mặt về thăm. Bố con nhớ và thương ông bà lắm. Con cũng thương ông bà. Xin ông bà an nghỉ…”
Trong khi cầu khẩn thì hai giọt lệ chảy dài xuống gò má tôi. Bao nhiêu cái không biết nói sao. Tôi biết hai cụ mất thời 60, cách nhau có ba tháng. Bố tôi có ghi lại trong nhật ký. Sau khi biết cha mẹ mình mất, bố tôi đã nằm khóc tức tưởi trong một căn phòng ở Hồng Kông suốt hai ngày.
Phía bên phải, cách khoảng 20 feet, là một nấm mộ trông như một ổ bánh mì khổng lồ.
“Đó là mộ anh con,” chú Vĩ Nhân nói.
Tôi bước sang, súc vài sẻng đất đổ lên, rồi đặt một quả táo, một quả lê trước mộ. Lòng tôi tuy trĩu nặng nhưng tôi không tưởng tượng ra được mặt mũi của anh.
Chú Vĩ Nhân và tôi đi về nhà ăn trưa. Bữa trưa gồm có mì nước, ngó xuân xào, và trứng bác. Tôi thích ăn uống giản dị nhưng biết nếu mình là con trai thì đã được đãi đằng đình đám. Chúng tôi ăn uống ngon lành làm thím Ninh khoái chí cứ tiếp cho ăn. Trên mu bàn tay thím có vết bỏng bôi thuốc mỡ cho khỏi rộp. Đây là lần đầu tiên tôi được ăn ngó xuân, vừa thơm vừa ngọt, vừa có vị cải xanh.
“Thím lấy đâu ra rau này vậy, thím Ninh?” tôi hỏi.
“Ngắt từ cái cây kia kìa.” Thím chỉ ra vườn sau nhà. “Cái này để từ năm ngoái. Tháng tới lại có ngó xuân mới.”
Thế mà tôi lại cứ tưởng ra mọc trong vườn chứ. Bố tôi trong nhật ký có nhắc mấy lần cùng với các thứ như rau dền, cải hiện thái, và rau tề. Trong trang viết tháng năm bố nói đến mùa ngó xuân ở quê nhà, chắc lúc ấy đang thèm.
Ăn xong tôi lấy hai bộ Legos từ trong sau xe Mẫn Mẫn ra cho chú Vĩ Nhân và thím Ninh để làm quà cho mấy đứa cháu. Rồi chúng tôi từ biệt và lái về phố tỉnh. Chưa tới ba giờ, trời mới lốm đốm vài đám mây, tối nay chắc ấm áp. Mẫn Mẫn và tôi quyết định trả phòng nhà ngủ và đi về Bắc Kinh.
Trên đường lái về hướng bắc, Mẫn Mẫn hỏi tôi về bố tôi. Tôi nói ông làm cho Trung Quốc, sống bên Nhật Bản, rồi sang Mỹ. Tôi cũng nói ông định nghỉ hưu về quê, nhưng chết bệnh bên D.C. “Đừng nói ai nghe về gia cảnh của tôi,” tôi nói.
“Dĩ nhiên là không,” nàng hứa. “Em đoán chắc bác lại bị chính phủ lừa gạt. Phải là chuyện buồn.”
“Cuộc đời ông rất phức tạp. Tôi vẫn đang cố tìm hiểu. Em đừng cho ai biết chuyến đi này của mình nhé?”
“Được rồi. Em sẽ giữ kín.”
No comments:
Post a Comment