1959
Tiếng quạt máy kêu rù rù trong phòng học nơi Gary đang nằm ngủ. Bỗng nhiên có tiếng con gái anh khóc ré lên trong phòng khách. Gary giật mình tỉnh giấc. Ba giờ sáng anh mới đi ngủ vì phải làm cho xong bản tường trình về chiến dịch tận diệt những người theo đức Đạt Lai Lạt Ma, vị lãnh đạo tôn giáo của Tây Tạng vừa chạy sang Ấn Độ cách đây vài tháng.
“Mẹ ơi, con không dậy được!” tiếng Lilian, con bé hai tuổi, nghe chói lỗ tai.
Khi Gary chạy vào phòng khách thì thấy vợ đang nằm dài trên sô fa, xem chương trình Leave It To Beaver. Mái tóc vàng của nàng còn đang cuốn trong lọn làm cái đầu trông to gấp đôi bình thường. Hồi này tánh khí Nellie trở nên bất thường và hay nổi quạu bất tử. Con bé còn đeo yếm dãi và mặc tã, đang nằm ngửa trên sàn nhà, một chân dẫy dụa, còn chân kia bất động vì đau đớn.
“Câm miệng lại,” Nellie lầm bầm rồi lấy chân đạp Lilian sang một bên.
Gary chạy ào tới nói. “Sao không đỡ nó dậy?”
“Tôi chán con con nỡm đó lắm rồi.”
“Cô nói cái gì?”
“Tôi nói tôi chán cả hai bố con nhà anh rồi!”
Anh tát ngang mặt rồi nắm cánh tay nàng lôi sền sệt ra khỏi sôfa. “Đừng có bao giờ hành hạ con tôi.” Rồi anh cúi xuống bế con gái lên và bồng nó vào thư phòng. Con bé cố nuốt nước mắt. Anh nhìn xuống chân thì thấy một vết bầm to bằng đồng xu hào. Tiếng vợ anh trong phòng khách vọng ra. “Anh là một thằng khốn nạn. Tôi biết anh có con rơi con rụng ở ngoài đường.”
Anh đã dấu kỹ hình ảnh trong két an toàn nhà băng ở Hồng Kông, không cách nào nàng có thể biết gì về gia đình anh. Nhỡ ngủ mớ nói ra thì sao? Không thể được. Nellie đâu biết tiếng Tàu. Anh vào nhà bếp mở tủ lạnh lấy đá lạnh gói vào khăn và chườm vào chân con bé. Anh hối hận đã lỡ tay đánh vợ. Anh đâu phải hạng người vũ phu?
Đó là lần duy nhất anh đã thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ. Trong suốt hai mươi lăm năm lấy nhau, khi nào chịu hết nổi thì anh chỉ bỏ đi ra ngoài cho đến khi hạ hỏa. Nhưng cả vợ lẫn con anh đều không bao giờ quên được lần đó. Ngay cả sau khi anh mất đã lâu, Nellie vẫn nhắc lại với Lilian, nói. “Cũng tại mày không à.” Lúc ấy Lilian đã bốn mươi mấy tuổi, nhưng vẫn giữ im lặng, sợ mẹ nổi cơn tam bành.
Từ khi Lilian bắt đầu mọc răng là Nellie bắt đầu than phiền về căn nhà mà nàng gọi là cái “ổ gà.” Truyền hình hàng xóm lúc nào cũng mở oang oang, tiếng động nghe rõ qua lần cửa mỏng dính. Vợ chồng Jameson ở căn trên lầu thì gấu ó cả ngày lẫn đêm, hết hăm dọa lại chửi thề. Còn đàng trước thì tiếng xe cộ cứ sáng sớm đã ào ào như cái chợ. Mới tuần trước, một bà lão người Hung Gia Lợi trượt chân thang gác,ngã gẫy xương chậu. Rồi tiền nhà lại mới tăng thành 81 đô la một tháng.
Nellie muốn một căn nhà “đúng nghĩa,” một căn nhà trên một con đường yên tịnh nơi con gái có thể đạp xe mà không phải trông chừng. Gary chịu dọn, nhưng nói phải đợi cho đến khi đủ tiền đặt cọc cho một căn nhà mới. Nellie đề nghị bán xe nhưng anh không chịu. Chiếc xe Buick còn phải trả hàng tháng còn lâu, và họ cần chiếc xe đó. Anh không tin tưởng Nellie về mặt tài chánh và thường nói với nàng, “Em tiêu xài hoang phí quá. Hồi còn quen nhau anh đâu thấy vậy.” Thật vậy, tuy nhà không mấy khá giả, nhưng nàng chẳng bao giờ đắn đo khi mua bán quần áo, mỹ phẩm, thức ăn, và đồ chơi cho con gái. Của đáng tội, Nellie không phải là người xài sang. Khi đi ăn, nàng ăn gì cũng được, cứ hamburger hay cá rán và khoai tây rán là được rồi. Burritos cũng xong. Thói quen tiêu xài có lẽ một phần chịu ảnh hưởng những năm tháng làm bồi nhà hàng, nơi nàng thấy người ta tiêu tiền vung vít. Mà nàng cũng thích Gary là người giữ tiền, vì anh thuộc loại cẩn thận tiền bạc và biết giới hạn chi tiêu trong nhà. Có khi nàng nói đùa phải chi cha nàng là người Hoa thì đỡ biết mấy. Ông ngoại Matt kiếm đủ cớ để mở chai Jack Daniel hay Johnnie Walker, và có tiền dính túi là phải kiếm cách tiêu.
Gary cũng là người có óc đầu tư. Sau khi vùng DC bị cơn bão thổi qua hai năm trước, Gary liền mua cổ phần điện lực, và sau đó giá lên ào ào. Nellie phục cách kiếm tiền dễ dàng của Gary. Thật ra anh cũng không để ý đến chuyện đầu tư cho lắm vì đầu óc còn mải mê đến những chuyện khác. Anh được biết năm ngoái Trung Quốc được mùa. Rồi những tổ hợp gọi là “công xã” bắt đầu thành lập ở miền quê. Anh không mấy tin tưởng hệ thống này vì biết hệ thống kolkhoz, ruộng cày chung, ở Liên Xô, đã thất bại một cách thảm hại. Chính sách tập thể hóa ở Trung Quốc đã đi đến mức quá độ, bếp riêng cũng bị cấm. Mọi người phải ăn chung trong nhà ăn tập thể, thức ăn không tốn tiền, tha hồ mà ăn thả cửa. Người ta choáng ngợp vì lạc quan với viễn tượng thế giới đại đồng sắp sửa tới nơi, một thế giới không tưởng, nơi người người làm việc cần mẫn và muốn gì có nấy. Krushchev hứa “tha hồ mà ăn bò kho nấu khoai.” Trung Quốc tung ra khẩu hiệu “Mười năm sẽ vượt Anh Quốc, mười lăm năm sẽ bắt kịp Hoa Kỳ.”
Gary đã từng sang Anh Quốc và nể phục sự nề nếp, hiệu quả, và sung túc của họ, tuy vẫn đang trong giai đoại hồi phục sau cuộc chiến. Anh thấy những khẩu hiệu của chính quyền Trung Quốc quá trẻ con, họ tưởng cứ như là Anh Quốc và Hoa kỳ sẽ dậm chân tại chỗ, ngưng phát triển. Tệ hơn nữa, người Tàu dường như không hiểu là sự phát triển của Tây phương đặt căn bản trên một hạ tầng cơ sở toàn diện và là kết quả của hàng bao thế kỷ tích lũy tài nguyên và kiến thức. Bạc Nhất Ba, phó thủ tướng đặc trách kỹ nghệ, còn dám phúc trình với Mao là chỉ đến năm 1959 thì Trung Quốc sẽ qua mặt Anh quốc trong việc sản xuất điện lực và thép. Mao hớn hở tuyên bố, “Ta chắc chắn sẽ vượt qua Anh Quốc trong vòng ba năm, nhưng hãy giữ kín điều này.” Gary nghe thấy chuyện nực cười, vì nhà đông người thì phí tổn nhiều hơn--quốc gia cũng thế.
Tuy lòng có bán tín bán nghi nhưng Gary cũng choáng ngợp bởi những thay đổi ào ạt ở xứ mình---rõ ràng là cái quốc gia xã hội mới thành lập này đang phát triển theo một mức độ không ngờ. Lớn lên, anh đã thấy người ta nghèo khổ là dường nào--nhiều nơi cứ đến mùa xuân là ăn mày đi đầy đường, lắm người phải bán con đi để tìm đường về hướng nam. Trung Quốc là một xứ nghèo. Hơn nửa dân số mù chữ, và đâu đâu thì đất đai cũng khô cằn vì công tác cạn láng sau bao kỷ nguyên. Cho dù hệ thống xã hội có phát huy tiềm năng đất nước đi nữa, nhưng người Tàu không thấy được là đất nước họ quá điêu tàn so với các nước khác. Tuy vậy, Gary cũng thấy được vẻ tuyệt vọng của Mao khi nói, “không có gạo trong tay thì gọi gà không thèm lại.” Câu ẩn dụ của Mao, mất hẳn giọng điệu đại ngôn thường lệ, cho thấy ông có lẽ cũng quá biết thực trạng của nước mình, nhưng cũng có thể nói lên ý đồ của Mao muốn làm lãnh tụ toàn thể khối xã hội, như Stalin khi xưa. Cái tôi của ông chủ tịch có thể đã bị thổi phồng quá độ.
Không như những đồng nghiệp người Mỹ, thấy những tấm bích chương khoa trương bước tiến nhảy vọt của Tàu trông buồn cười. Gary chỉ thấy buồn. Anh cảm thấy bực mình khi nghe David Shuman gọi đấy là “tuyên truyền nhảm nhí.” Anh chàng này tốt nghiệp đại học Chicago rồi gia nhập cơ quan dịch thuật cách đây hai năm; anh ta người cao 6 feet, có thói quen đi làm cầm theo bình nước màu đỏ như một bình chữa lửa nhỏ. Anh thù ghét cộng sản vì ông nội bị chết trong tù lao động Xô Viết trên đảo Sakhalin. David và Gary hay tranh luận về sự rạn nứt giữa Trung Quốc và Liên Xô. Thường thì Gary có phần thắng thế, anh nghĩ hai nước không thích nhau tuy ngoài mặt thì anh anh em em. Nhưng trong giai đoạn này, khi họ nhìn những hình ảnh tuyên truyền Trung Quốc thì anh im miệng trong khi David cười đểu, vì hình ảnh cho thấy sự trù phú, lắm cái trông khôi hài. Có một tấm cho thấy một người đàn bà béo tốt ngồi trên cây lúa, để cho thấy mùa màng phì nhiêu đến độ ngồi lên mà cây lúc không cong. Rõ ràng đây là một thủ thuật nhiếp ảnh. Vùng nào cũng lớn tiếng đề cao mức thu hoạch của mình; lắm nơi còn thổi phùng con số lên gấp 20 hay 30 lần mức năm ngoái. Mà khoe vậy thì nhà nước càng bắt nộp nhiều hơn, và kết quả là người dân chết đói.
Nhiều tấm bích chương in những hình ảnh phù phiếm: con lợn mà to bằng con voi; những bó lúa khổng lồ bắn lên không gian như những vệ tinh nhân tạo; một giống bắp to đến độ toa xe lửa chỉ đủ chở một cây bắp; lúa mì cũng vậy, hai cây chất đầy một toa. Dưới có đề hàng chữ: “Thu Hoạch Gửi Về Mao Chủ tịch.” Để gia tăng sản xuất sắt thép, lò luyện kim mọc lên như nấm khắp nơi như những vựa lúa đắp bằng bùn, hơn 30,000 lò sáng rực góc trời cả ngày lẫn đêm. Người dân sống trong những nông trường tập thể, đã không có gia súc, lại còn bị bắt phải nộp đồ dùng bằng kim loại trong nhà để góp phần vào việc sản xuất sắt thép. Cả hàng rào, cửa sắt cũng bị trưng dụng. Có thắc mắc thì họ nói, “Cái gì cũng thuộc về công chúng, kể cả xương thịt của mình.” Có vùng, dấu đồ dùng bằng sắt có thể bị khép tội-- “không khác nào che dấu địch quân trong nhà,” một bài xã luận tuyên bố. Những lò luyện thép tạm bơ cũng xuất hiện trong thành phố, và dân chúng cũng bị động viên để gia nhập đội ngũ sản xuất. Ngay bên cạnh trại Mao ở cũng có một cái. Mao chủ tịch miệng cười toe toét nhìn những đồng chí trẻ tuổi đổ chất thép nóng chảy. Gary không khỏi thắc mắc: Sản xuất thép dễ dàng vậy sao? Chắc có cái gì không phải.
Lạ cái, tuy cách biệt một đại dương và đại lục nhưng anh vẫn cảm thấy được nhịp đập của Trung Quốc, tuy không đều nhưng ào ạt như đang lên cơn sốt, như thể rồi cuối cùng anh cũng đã có thể ôm trọn quê hương ôi sao quá rộng lớn vào lòng. Anh thu thập dữ kiện để gửi về cho cấp trên cho thấy ngay cả người Mỹ cũng tin Trung Quốc sẽ nổ tan nếu cứ tiếp tục với những thử nghiệm liều lĩnh.
Gary chia xẻ mối quan tâm với Bính Văn khi gặp nhau ở Hồng Kông cuối tháng Tám. Bính Văn thở dài nói, “Người ta điên cả rồi. Ở quê tôi thiên hạ ăn uống phủ phê rồi nằm dài ra đó, vì đâu phải làm mới có ăn. Lúa chín đầy đồng mà chẳng ai buồn ra gặt. Thức ăn cho cả năm, dân làng ăn trong ba tháng hết sạch, rồi thì phải treo mõm thôi. Mùa gặt này mà kém thì có khối người chết.”
“Thế còn vụ sản xuất thép rùm beng thì sao?” Gary nói, kéo một hơi thuốc lá Mẫu Đơn.
“Vụ đó cũng thối như một hũ mắm. Mấy cái lò chế tạo tạm bợ chỉ làm ra gang chứ đâu phải thép. Thành thử ra sản xuất thép đâu có tăng như họ làm rùm beng ra.”
“Tôi mong Dụ Phong và lũ nhỏ yên ổn, không sao. Anh có trình cấp trên xin cho tôi về thăm nhà, thăm cha mẹ được không?”
“Ậy, đừng nghĩ đến chuyện đó lúc này. Họ đã khẳng định là anh phải ở lại Mỹ càng lâu càng tốt. Vượt biên về nước là lộ chân tướng ra ngay. Không được. Đừng có lo cho gia đình. Đã có chúng tôi lo liệu hết cả rồi.”
“Tôi như người bị chính đồng chí của mình đẩy vào kiếp sống tha hương, lưu đày,” Gary nói bằng một giọng cay đắng.
“Đệ hãy cố kiên nhẫn lên. Tôi biết đệ đã hy sinh rất nhiều cho quê hương, nhưng chỉ có đệ mới làm được việc này. Rồi một ngày đệ sẽ trở về trong vinh quang.”
Gary không nói thêm, bởi biết có nói cũng bằng thừa. Vả lại, Gary nghĩ có hai đứa sinh đôi ở nhà cũng là cái hay, bởi vì khi hoàn tất nhiệm vụ bên Mỹ về nước thì lúc ấy già rồi còn con cái quái gì nữa. Anh cảm thấy yên dạ hơn một chút, và thầm nhủ phải cố giữ mối thâm tình với Bính Văn để vợ con ở nhà còn được nhờ.
Bính Văn chuyển lệnh thượng cấp là Gary phải hoàn toàn Mỹ hóa để cài sâu vào hệ thống tình báo của Mỹ. Kể từ nay anh cũng không được đi thẳng sang Hồng Kông để gặp nữa. Anh nên đi nghỉ hè bên Đài Loan, rồi từ đó đi sang Hồng Kông một hai ngày để CIA khỏi nghi ngờ.
Gary rút hết sáu ngàn đô la tiền mặt ra khỏi chương mục ở ngân hàng Hằng Sinh. Khi trở lại Hoa Kỳ, anh nói Nellie giờ đã đủ tiền đặt cọc nhà rồi--ông anh họ vừa trả một món nợ xa xưa. Hồi xưa nàng hay lèo nhèo việc anh đi du lịc Á Châu một mình và có lần đã nói, “Tôi biết anh sang đó để chơi gái.” Nhưng lần này Nellie tin là anh không đi chơi bời, bằng không sao lại mang về một đống tiền và còn mua hai cái váy lụa đẹp cho nàng. Chẳng bao lâu sau đó họ bắt đầu đi kiếm nhà.
Xxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxx
Đầu tháng Sáu là khóa cao học về lịch sử người Mỹ gốc Á Châu vừa xong và sinh viên bắt đầu lo viết bài cho kỳ thi cuối cùng, nhưng lớp đại học thì vẫn còn. Hồi này không khí trong khuôn viên đại học căng thẳng vì ngày kỷ niệm biến cố Thiên An Môn sắp tới. Những thành phần cán bộ Đảng đã đi họp để chuẩn bị duy trì an ninh trật tự trong trường. Giống như những nơi khác nước Tàu, mỗi ban, mỗi ngành đều có hai thành phần lãnh đạo, một của Đảng và một của trường. Thực quyền nằm trong tay bí thư Đảng, mà họ gọi tránh là “giáo tràng” khi có mặt người ngoại quốc, vì từ “bí thư” nghe hơi sắt máu. Nói chung thì giám đốc các ban ngành cũng là người trong Đảng, nên Đảng kiểm soát toàn diện. Vài đồng nghiệp bảo tôi họ vừa nhận được cú điện thoại của công an cảnh báo về ngày 4 tháng Sáu: hôm đó không được nói trước đám đông, không được tụ tập quá 6 người, không được đeo băng tay hay mặc quần áo trắng, và cũng không được ra đường. Một vị giáo sư có tuổi bực mình nói, “Thế thì hôm đó tớ sẽ đi dạy mà không mặc gì cả.”
Ngày 2 tháng Sáu, Giáo Sư Vệ Phương, khoa trưởng một đại học truyền thông ở Bắc Kinh, đến nói chuyện. Ông ta là người có trách vụ kiểm soát không gian mạng. Vì là một chuyên gia về kỹ thuật nên ông có tác quyền cho một lô thiết bị kiểm soát mạng. Tôi đến nghe chỉ vì hiếu kỳ. Đề tài buổi nói chuyện là “Quản Trị Không Gian Mạng Trung Quốc.” Giảng đường đông nghẹt, khoảng 600 người. Một vị phó khoa trưởng trường tôi giới thiệu Giáo sư Phương, nói ông là một người đi tiên phuông trong lãnh vực kỹ thuật mạng của Trung Quốc, là cha đẻ của Bức Tường Lửa Vĩ Đại. Sau đó Phương, một người bụng phệ, đeo kính gọng to, chồm đứng dậy rồi đi tướng xà bát ra bục. Ông mở một tập giấy bìa vàng và bắt đầu với lời nói đầu tràng giang đại hải, trong khi đầu thì cứ gục gặc lên xuống.
Một nụ cười hé nở ra trên khuôn mặt béo phị trong khi đôi mắt bé ti hí gần như không thấy được. Ông ta xương nhỏ nhưng thịt nhiều. Tóc ông, nhuộm đen tuyền như lông quạ, bôi bi-ăng-tin bóng nhẫy nhiều đến độ con ruồi có đậu lên cũng té vỡ mặt. “Các cháu sinh viên cùng các đồng chí thân mến,” ông nói bằng một giọng hớn hở, “Tôi có mặt hôm nay nơi đây để nhắc lại tiến trình gian truân trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia của chúng ta trên không gian mạng. Ngoài những thành quả vượt bực mà các đồng nghiệp tôi đã đạt được, tôi còn muốn chia sẻ cùng quí vị kinh nghiệm của chúng ta --những vinh quang cũng như thất bại-- trong công cuộc phụng sự quê mẹ. Chúng ta ai cũng biết không gian mạng không trung lập như biển cả. Có nhiều thế lực ngoại bang thù nghịch với Trung Quốc đã sử dụng kỹ thuật tân tiến để xâm phạm hệ thống truyền thông của ta, để phao tin đồn thất thiệt, để khuấy động bất ổn, phá hoại nền lãnh đạo của Đảng ta, và để làm soi mòn nền tảng của đất nước xã hội ta. Không gian mạng là một vũ khí mới dùng bởi bè lũ phản động quốc tế, ta phải bắt nắm lấy và dùng nó để chống cự.”
“Ngay từ năm 1992, Ủy Ban Trung Ương Đảng, đã vô cùng thông minh và sáng suốt thành lập một nhóm hơn 20 chuyên gia để nghiên cứu về hiểm họa của internet và tìm cách chỉnh đốn sử dụng và kiểm soát giao thông trực tuyến. Thú thật, tôi vẫn còn bàng hoàng vì kinh ngạc với sự sáng suốt của thành phần lãnh đạo nước ta. Dần dà, càng lâu càng thấy lợi điểm của hệ thống kiểm soát mạng của chúng ta. Các anh hẳn có nghe nói đến vấn đề bên Nga Sô, bởi họ không có cái viễn kiến như ta nên, thằng blogger nào, con Facebook nào cũng có thể tổ chức hộp họp trước công chúng một cách dễ dàng---”
“Đi xuống đi!” một giọng nam trong hàng cử tọa nói to.
“Câm cái mồm thối lại!” một giọng khác vang lên.
Một chiếc giày bay lên, tí nữa thì trúng mặt diễn giả. Một chiếc khác đáp trúng ngực làm ông ta choáng váng mặt mày.
“Đồ mặt dày!” vài giọng la lên cùng lúc.
“Quân chó má, cút khỏi chỗ này!” một cô gái la to.
Vài sinh viên ngồi hàng đầu bắt đầu đáp trứng vào người giáo sư Phương. Một cái rơi trúng cái trán phẳng phiu của ông. Trong cơn sốc, ông lẳng lặng rút khăn mu soa lau kính. Không có kính, mắt ông lồi ra và trông ông già hơn.
“Trả lại tự do trực tuyến cho chúng tôi!” một giọng vang lên, rồi nhiều người đua nhau phụ họa.
“Hãy đập đổ bức tường Bá Linh internet !” một người khác la to.
Hai người bảo vệ an ninh nhẩy lên sân khấu và lôi ông diễn giả đi. Khi ông Phương xuất hiện ở lối đi xuống thì giày dép bay như mưa về phía ông. Vài cái bắn trúng đầu và vai ông. Có sinh viên dùng smartphone chụp cảnh ông đang chạy trốn. Ông một mắt nhắm một mắt mở, miệng gào lên. “Chúng mày rồi sẽ biết ! ông sẽ tống cổ lũ chúng mày ra khỏi trường! “
“Các em sinh viên, đừng nóng nảy!” ông phó khoa trưởng la to. “Đừng làm mất mặt trường mình!”
“Thằng khốn nạn!” có người nói lại.
“Đập bỏ mẹ cái thằng theo đóm ăn tàn này đi!” một người khác la lên.
Khi ông diễn giả biến mất thì cử tọa cũng bắt đầu giải tán qua những lối ra khác nhau. Tôi thấy Mẫn Mẫn đang cầm một cái thùng đi lên sân khấu. Tôi chặn nó lại nói nhỏ, “Bộ mấy cô cậu có chuẩn bị trước hả?”
“Không, em không cùng bọn với họ.” Nó lắc đầu. “Em chỉ lên nhặt những chiếc giày để trả lại cho người ném. Bạn em để một thùng đồ đạc đánh mất trong góc tiền sảnh.”
“Làm thế cũng phải,” tôi nói.
Nó mỉm cười và tiến lên bục. Rồi Hồng Bân, thằng bạn cùng lớp xuất hiện, mặt mũi nó tươi rói. Nó là thằng đảng viên duy nhất trong lớp, và nó chuyên môn tranh luận với tôi trong những buổi thảo luận lớp. “Đáng đời!” nói nói hổn hển. “Quân nịnh bợ không biết ngượng!”
“Cậu mà cũng không thích ông diễn giả à?” tôi hỏi, hơi ngạc nhiên.
“Em ghét thằng cha ấy thấu xương thấu tủy! Mỗi lần hôn thê em bên Nhật gửi cái gì hay ho là bị chặn lại. Thằng cha ấy là kẻ thù của em. Hắn là kẻ thù của tất cả công dân mạng nước Tàu.”
“Mình nên đi đi,” tôi nhắc nó.
Tôi rời giảng đường ngay, sợ công an trường thấy được. Ngay hôm ấy tin tức trên mạng, đâu đâu cũng ghi nhận lại sự việc đã xảy ra. Mặc dù không tìm ra thủ phạm ném giày và đáp trứng, nhưng có một lô quà thưởng đăng trên mạng: giày Nike gửi từ Amazon, thẻ quà mua sách, một chục con cua Alaska, Apple iPads, dâng hiến ngủ với em một đêm, đi nghỉ hè ở bãi biển, toa-lét bằng sứ, nguyên bộ truyện của Haruki Murakami, cả bồ trai bồ gái. Không biết cái nào thật, cái nào giả, bởi vì đâu ai dám chường mặt ra mà lãnh.
Tôi và các đồng nghiệp thì lo lắng cho sự an toàn của sinh viên. Ngày hôm sau an ninh đại học được tăng cường, nhưng may thay, đại học không tiến hành cuộc điều tra để trừng phạt lũ sinh viên sách động--họ không muốn làm bùng nổ một cơn thịnh nộ ngay trước ngày kỷ niệm biến cố Thiên An Môn.
Ngày mồng 4 tháng Sáu, công an đi rều rễu khắp nơi trong khuôn viên trường, nhưng không khí đã bớt căng thẳng vì có giải French Open ở Paris, với Lí Na sẽ đấu trận final với cựu vô địch người Ý. Đa số sinh viên xúm nhau coi tennis trong dorm. Khi Lí Na thắng giải Grand Slam, họ túa ra ngoài đốt pháo, trống chiêng ầm ĩ. Trong đám người ăn mừng có cả vài giáo sư. Người trẻ xem Lí Na là người hùng, một phần vì nàng đã bỏ đội tuyển quần vợt quốc gia từ lâu. Hơn nữa, chưa có một đấu thủ Á Châu nào từng thắng giải French Open.
Trong bài diễn văn nhận cúp, Lí Na chẳng thèm cám ơn ngài lãnh đạo nào cả. Nàng chỉ nói, “Tôi xin cám ơn hãng bảo trợ, các nhân viên của giải, các em nhặt banh, và những người trong đội của tôi.” Nàng cũng nhân dịp ấy chúc mừng sinh nhật cho một người bạn. Đối với người Tàu thì chuyện ấy thật là ngạc nhiên và dĩ nhiên lũ thư lại thì bực mình khó chịu. Có một lần khác nàng nói, “Đừng nhắc đến chuyện mang lại vinh quang cho xứ sở. Tôi chỉ tranh đấu cho chính tôi thôi.” Có lần nàng dành mi crô của một phóng viên, nói to,
“ Em yêu anh, anh Giang Sơn!” Giang Sơn là chồng nàng, anh khôngđi tham dự được lần ấy. Nàng cũng tuyên bố thẳng thừng mình chơi banh là vì tiền. Tuy vậy, nhưng khi bản quốc thiều Trung Quốc trỗi dậy trong lễ trao giải, nàng cũng mấp môi hát theo trong khi nước mắt chảy dàn rụa trên mặt. Đối với sinh viên, Lí Na hiện thân cho tinh thần nổi loạn và độc lập. Đây là một khuôn mặt mới của Trung Quốc, tự tin, không che đậy, và trong lúc này nàng đã thành một biểu tượng, một cảm hứng cho người trẻ.
Cuối cùng tôi cũng nhận được tin của Bản Ninh, thằng cháu tôi. Thì ra nó và Cự Ly vừa trao đổi email, và nó biết tôi là một giáo sư dạy sử người Mỹ. Nó viết message bằng tiếng Anh mạch lạc, trôi chảy. Nhưng khi tôi đề nghị gặp mặt thì nó thối thác, nói là bây giờ đang không ở gần Bắc Kinh. Nhưng hỏi ở đâu thì không nói rõ. Mà nó càng úp mở thì tôi càng tò mò. Rồi một hôm nó thú thật, “Con đang ở bên miền đông nước Mỹ.” Thật là một cái sốc. Tôi hỏi thêm nhưng nó viết cho tôi. “Đừng chất vấn con nữa, Dì ạ. Thế nào trong tương lai mình cũng sẽ có dịp gặp nhau.”
Nhưng tôi vẫn cứ hỏi. Nó tuy không nói nhưng thỉnh thoảng cũng lòi ra. Nó đã sang Mỹ được hơn hai năm, có một cửa tiệm nho nhỏ ngoài ngoại ô Boston bán phần mềm và cơ phận computer. Nó được một hãng Tàu bổ nhiệm sang đó và có vẻ khoái ở bên đó. Lý do nó không báo cho gia đình biết vì sợ có thể bị triệu hồi hay gởi sang chỗ khác; và cũng vì nó cứ hai ba tháng lại về Tàu công tác một lần. Tôi nói mong nó ở lại Mỹ lâu, nó nói cũng muốn như vậy lắm. Tôi mừng vì có họ hàng bên nội sống ở gần khi tôi về nước. Thế giới chợt có vẻ bé hơn nhưng kỳ bí hơn. Phải chi bố tôi được gặp cháu mình bên Mỹ.