Thằng Du Đãng Cả Nhà Đang Tìm
The Gangster We Are All Looking For
Lê Thị Diễm Thúy
Việt Nam là tấm ảnh đen trắng ông bà ngoại ngồi ghế mây sân trước. Hai cụ ngồi thẳng lưng và kiêu hãnh giữa một đàn gà, trống có mái có. Chân các cụ chỉ đi có đôi dép mỏng. Trán cụ ông bóng lưỡng. Mắt cụ bà u uẩn long lanh. Đàn gà tiếp tục mổ đất, chẳng thèm để ý đến chung quanh. Mới nhìn tưởng như tấm ảnh cưới, nhưng thực ra là ảnh hai cụ chụp sau này, để lại cho con cháu, đặc biệt là cho mẹ tôi. Mỗi lần nghĩ đến bức ảnh để đời của ông bà ngoại là tôi hình dung ra một cái bắt đầu. Bắt đầu cái gì và ở đâu thì không biết. Chỉ biết là bắt đầu.
Khi mẹ tôi, một cô nữ sinh công giáo Nam kỳ, quyết định lấy cha tôi, một anh du đãng Bắc kỳ, thì ông bà ngoại từ mẹ tôi. Trong ảnh có hết, chỉ có không thấy thôi. Có một vết lún còn để lại dấu trên sân đất dẻo quẹo khi ông ngoại vác chổi chà rượt đuổi mẹ tôi ra khỏi nhà. Cái chổi mà mẹ tôi mỗi ngày dùng để quét nhà mỗi sáng, kể cả cái hôm bị đuổi.
Năm mẹ tôi gặp cha tôi, trong nhà không thiếu gì những thanh niên chạy việc vặt cho ông ngoại tôi, lặt rau cho bà ngoại tôi. Ai cũng biết họ đeo đuổi mẹ tôi, trừ mẹ tôi.
Mẹ tôi xem họ như anh, có khi như chú, và sau này tự bào chữa, “ Hồi đó tui đâu có biết yêu đương là cái khỉ mốc gì.”
Mẹ nói tình yêu bắt đầu trong bóng tối của một rạp hát. Mẹ không nhớ phim nào, tại sao đi xem, mẹ chỉ nhớ hôm ấy đi coi một mình và tình cờ ngồi cạnh cha tôi. Trong bóng tối mẹ không thấy rõ mặt nhưng chỉ biết là đẹp trai. Không biết chả có biết mình đang nhìn lén không. Nhìn lén nhưng không mắc cở ngượng ngùng. Nhìn với một tò mò kỳ quặc, nhìn mà muốn lấy ngón tay đồ lại bóng hình cho tới khi thuộc lòng từng nét một và có thể nhớ lại mỗi khi đi qua chỗ tối. Sau này, dưới cái bóng của con thuyền đánh cá trên bãi cát trong một đêm tối đen như mực, mẹ tôi cố hình dung lại khuôn mặt ấy để làm bạn đường ấm áp trên bờ biển.
Thời còn bồ bịch mẹ tôi hay kể truyện. Mẹ thuật lại những giấc mơ chi tiết về một ngày không còn chiến tranh: những mâm cỗ có trái xoài xếp cao chất ngất. Những khúc ca bịa ra mà hát và vỗ đầu hất tóc như bờm ngựa, những vũ điệu nhảy cà tưng, chân nam đá chân chiêu. Khi ở nhà thì mẹ tôi là đứa con ngoan ngoãn, người chị dễ thương, khi ở trong rừng với cha tôi thì mẹ tôi liều lĩnh, say sưa với tình yêu và tuổi trẻ. Mẹ tôi xắn quần lên tận đầu gối, lội bì bõm trong vũng bùn và miệng thì phì phèo điếu thuốc lá. Và mẹ tôi bắt đầu lơ là công việc nhà.
Mẹ tôi cột tóc bằng miếng vải đỏ và trở nên cáu kỉnh. Mẹ làm việc nhà như đang thi ân mà quên đi mình cũng ăn cùng mâm, ngủ cùng chiếu với cả nhà. Nhìn thấy mặt mình phản chiếu trong giếng mà mẹ tưởng như mặt của ai khác. Đêm nằm mẹ nhớ lại bàn tay của cha và lối bật lửa châm thuốc cho mẹ. Mẹ suy nghĩ không biết ngôi rừng trông như thế nào khi cây cối chưa khô cằn. Mẹ nhớ có lần cha tả về những cành lá um tùm và cây cối sum suê đâm chồi từ mảnh đất màu mỡ.
Một buổi tối, mẹ theo cha đi lòng vòng trong rừng để tìm con đường mòn dẫn về nhà bà cô của cha. Họ đi lang thang trong bóng râm mà không hề thấy con đường mòn hay bà dì mà mẹ biết không hề hiện hữu.
“ Anh không phải người vùng này,” mẹ nói.
“ Đúng thế.”
“ Thế dì anh tên gì?”
“ Xuân.”
“ Xuân?”
“ Phải.”
Mẹ cười thành tiếng. Mẹ nghĩ, mình không thể ở đây mãi được.
“ Cha tui giờ chắc đi tìm--”
“ Anh sẽ đưa em về. Còn sớm mà.”
Trong bóng tối, mẹ cảm thấy được bàn tay cha chìa ra, lấp đầy khoảng cách giữa hai người. Cả buổi tối họ chưa chạm người nhau và giờ thì cha đưa tay ra cho mẹ. Mẹ đứng nhìn cha một hồi lâu. Cằm ông có một vết sẹo nhỏ, cong như móng tay của mẹ. Tối quá sao mà thấy được. Mẹ chợt hiểu là mình đã thuộc lòng khuôn mặt của chàng.
Hình ảnh đầu tiên tôi nhớ được của khuôn mặt cha tôi được đóng khung bởi vòng rào kẽm gai của một trại giam ở miền Nam. Mẹ đứng bên kia hàng rào, thì thầm tên cha như vuốt ve, như nựng nịu. “ Anh Minh, anh Minh.” Tên ông là thân cây cho mẹ tựa vào. Tiếng gọi bay phảng phất như một ngọn gió ấm thổi hiu hiu, và tên mẹ thốt lên như một câu tám để vận với câu sáu có mang tên cha. Mẹ thốt tên mình như ta thả một hòn sỏi vào lòng giếng. Mẹ muốn được ôm trọn trong vòng tay của cha. “ Anh Minh, em My, anh Minh. Em, em My.”
Mẹ bước qua hàng rào kẽm gai như người ta bước qua cửa sổ. Người mẹ ấm áp, một lớp mồ hôi thoang thoảng trên cánh tay trần. Mẹ nói, “ Em đây, em đây.” Có một chút e lệ, kiểu cách, và hổn hển như mới gặp lần đầu. Cha mẹ tôi bao giờ cũng vậy. Lúc nào cũng như gặp lần đầu, lúc nào cũng thưởng thức tính nhạc của tên gọi và mân mê xương xẩu của nhau.
Tôi lẽo đẽo theo sau như cái đuôi rồng rắn, như cái đuôi con diều. Tôi bay phất phới trên không trung, nối liền với cha mẹ bằng mảnh lụa dệt tơ tầm.
Chỉ vì một vốc sỏi và cái khuôn mặt vuông thành sắc cạnh của cha tôi mà mẹ tôi đã bỏ nhà ra đi và không bao giờ trở lại. Cái vẻ dửng dưng của cha khi ném những viên sỏi vào mẹ khi bà trên đường đi học về với bạn gái. Cha làm vậy vì thích mẹ và muốn cho mẹ biết. Con trai ngu vậy đó, mẹ bảo tôi. Một vốc sỏi, ném khi giận dữ, trong cơn tuyệt vọng, và những lúc hân hoan. Mẹ nói chúng chạm người mẹ như những nụ hôn nồng ấm, những viên sỏi mà cha cầm dưới ánh nắng mặt trời. Những nụ hôn ấm trên phần cong của lưng, chạy tuột xuống khuỷu tay, mơn trớn cái mắt cá và rớt vung vãi chung quanh bàn chân trong cát nóng.
Điều cha kể cho mẹ nghe chắc là bịa đặt. Ở miền Nam đâu có ai để kiểm chứng những chi tiết của cuộc đời ông. Cha nói cha xuất thân từ một gia đình thuộc loại danh gia vọng tộc miền Bắc. Cha cởi giầy cho mẹ coi bàn chân có ngón thứ hai dài hơn các ngón khác. “ Nội cái này thôi đủ thấy là con nhà dòng dõi rồi.” Mũi anh cao, cha nói, vì mẹ là Tây, một trong một lô những bà nhân tình của bố anh. Khi khám phá ra năm mười sáu tuổi thì cha bỏ nhà vào Nam.
“ Có những quân cờ bạc, rượu chè mà anh gặp đã làm anh nghĩ đến gia đình anh. Cái lối họ mơ mộng. Nhà anh toàn là hạng nằm nhìn trời mà mơ mộng viễn vông, để rồi say sặc với chính giấc mơ của mình.” Cha nói trong khi lưng dựa thân cây, tay khoanh trước ngực, mắt nhìn xuống đất, bờ vai rám nắng.
Mẹ hỏi bà ngoại, “ ngón chân thứ hai dài hơn mấy ngón kia có nghĩa là gì?”
“ Là---mẹ mày chết trước cha mày,” bà ngoại nói.
“ Sao nghe người ta nói đó là dấu chỉ của người quyền quý.”
“ Ồi! Ai biết quyền quý là cái giống gì?”
Ngón chân cha tôi làm mẹ tôi bị mê hoặc. Khi nhìn bàn chân của ông, mẹ thấy mười cái thuyền đánh cá, hai đội mỗi đội năm chiếc. Trong mỗi đội, chiếc thuyền thứ hai nhô ra phía trước, dẫn đầu cả đội. Mẹ trèo lên cây, ngón chân bám lấy cành, và nhìn xuống chân cha. Mẹ bắt cha đứng dưới bùn, rồi tưởng tượng mười chiếc thuyền đánh cá trong vùng nước đen, một đoàn tầu hải hành trong đêm.
Mẹ tựa người ngắm nhìn mà không hề giải thích ông biết mình thấy gì. Mẹ để mặc ông đứng đó thắc mắc, tay cầm điếu thuốc, nhìn vào mắt cá chân run rẩy của mẹ , khi nào mẹ cho phép mới dám động đậy.
Tôi sanh ra trong con hẻm sau nhà ông bà ngoại. Ba giờ sáng, mẹ tôi lết ra khỏi chiếc giường trong căn nhà nhỏ cha mẹ ở kể từ ngày lấy nhau.
Cha đang ở tù nên mẹ đi một mình. Mẹ đi xiêu vẹo trên bãi cát. Như một quả banh nhấp nhô trên sóng, mẹ đi bềnh bồng không định hướng. Mẹ đi bộ ra trường học, ngồi trên cát, tựa lưng vào bậc thềm. Mẹ cảm thấy những hạt cát ấn sâu vào lưng. Mỗi hạt là một vết kim đâm mỗi lúc một đau hơn. Mẹ cảm thấy như lưng mình sắp vỡ òa ra máu. Mẹ nghĩ, mình sắp xuất huyết cho đến chết. Mình sắp chết đây.
Trước sân trường học có một ống sắt dài. Chẳng ai biết từ đâu ra. Trước giờ đã có sẵn ở đó rồi. Trẻ con bò trong đó chơi trò trốn tìm hay đứng đầu này nói vọng qua đầu kia, hay chui trong đó để mà chia sẻ những chuyện thầm kín. Bởi vì giờ nghỉ chẳng có trò gì khác để chơi nên ống sắt này là tất cả. Một tấm bạt được căng bên trên để che nắng. Ống sắt trông giống như một khúc gỗ cháy đen trong một căn phòng không vách. Lũ trẻ ngồi thành hàng trên ống, đầu ngúc nga ngúc ngắc khi nói chuyện, trông giống như ngồi dưới một cái bè có mái che.
Đêm tôi sanh, mẹ tôi nhìn cái ống mà tưởng tượng ra một cánh tay bị phỏng nặng của một người khổng lồ, mình đang chôn vùi trong cát. Mẹ không chắc hắn đã bị chôn sẵn trong cát và đang cố chui ra, hay hắn đang cố vùi người trong cát chỉ còn lại cánh tay chưa kịp kéo xuống. Để làm gì? Mẹ tôi có nghe kể chuyện về một cô con gái bên tỉnh lân cận bị chết vì bom napalm. Tối hôm ấy trời nóng nực nên nàng ra biển để nhúng chân xuống nước. Người ta kiếm ra xác nàng nổi lền bềnh trên biển. Chất lân tinh trong bom napalm làm xác nàng sáng đỏ rực rỡ như chiếc đèn lồng. Trong đầu, mẹ tôi dựng một tấm lều để che cho nàng. Khi nghĩ đến người khổng lồ chôn dưới cát, đến người con gái trôi trên biển, những cái xác đang trên đường đến đâu thì bị ngăn lại, mẹ tôi bỗng òa lên khóc.
Mẹ tôi bắt đầu đi về hướng cái ống. Bỗng dưng mẹ muốn chui vào đó. Mẹ chỉ có một thân một mình mà thế giới thì đầy rẫy nguy hiểm. Khi tới miệng ống, mẹ cúi xuống nhưng ngăn lại. Mẹ sang đầu kia nhưng cũng vậy, cái bụng không cho. “ Tui nhớ,” mẹ nói lầm bầm ra miệng,
“ Hồi còn bé tui hay ra đây ngủ mà.” Bây giờ mẹ muốn vậy. Mẹ muốn chui vào đây ngủ.
“ Ở đâu mà có cái mũi lõ---”
“ Ở đây làm gì có.”
“ Không có mũi lõ.”
Những con mắt tò mò, hết nhìn mũi mẹ đến nhìn mũi con. Những cái miệng hít hơi vào, trề ra với vẻ khinh bỉ, rồi nhổ nước bọt xuống chân lúc mẹ đi ngang qua. Vác tôi ngang hông như một cái cành mới mọc làm thân cây cong oằn xuống, nhưng mẹ vẫn hiên ngang đi tới.
Mẹ nói chiến tranh là con chim gẫy cánh bay trên vùng trời miền quê, máu chảy thành giòng và tưới những giọt sầu trên cánh đồng hoa mầu. Cái mọc được, nửa tai ương nửa phép lạ. Khi tôi ra đời, mỗi lần tôi khóc là mẹ tôi khóc vì biết rằng tôi đã hít thở không khí chiến tranh mà mẹ không tài nào có thể lấy ra được. Mẹ nói hít vào nguy hiểm dù vẫn biết không thở không được. Mẹ nói đáng lý phải quật tôi vào tường cho đến khi hộc cái chiến tranh này ra. Đáng lý phải dày xéo nó trong bóng tối và nhẩy múa trên người nó như một mụ điên nhẩy múa trên bia mộ. Đáng lý phải giã tan nó thành bột rồi nhổ nước bọt lên nó, nhưng không biết sao? Chiến tranh không có bắt đầu và không có chấm dứt. Nó vượt đại dương như một con thuyền mong manh ọp ẹp chất đầy những con người đang hát khúc bi ca.
Sáng sáng Ánh thức dậy trong căn nhà kế bên, một căn duplex màu vàng mà chúng tôi gọi là townhouse vì thấy trong quảng cáo địa ốc nói townhouse là một căn hộ có lầu. Cha tôi gọi Ánh là ”con bé trứng gà.” Mỗi sáng mẹ Ánh chất một xe cút kít trứng gà đầy để Ánh đẩy ra Linda Vista bán. Sân sau nhà nó gà chạy lền khên. Thỉnh thoảng lại thấy một anh gà trống bay đậu lên cổng sau và gáy inh ỏi cả ngày cho đến khi trời tối.
Chúng tôi sống tại nước California, phủ San Diego, huyện Linda Vista. Chúng tôi ở trong khu chung cư ngày xưa của Hải quân, những căn nhà chệt xây thời ‘40 và ‘50. Kể từ thập niên ‘80 đây là nơi cho người tị nạn Việt Nam, Cam Bốt, và Lào. Khi dọn vào chúng tôi phải ký giấy hứa không ấn xương cá xuống máy xay thức ăn thừa.
Chúng tôi sống trong một dãy nhà màu vàng trên đường Westinghouse. Nhà chúng tôi một tầng, làm bằng gỗ và vôi. Chúng tôi ở sát vách sáu căn nhà hai tầng và một căn một tầng khác đầu bên kia. Đối diện chúng tôi, chia cách bởi một cánh đồng đất nâu, là một dãy nhà màu vàng in hệt như một cặp song sinh thảm hại. Linda Vista có đầy nhà kiểu như vậy với những lớp sơn bắt đầu tróc vỏ màu xanh ô-liu, xanh dương, và vàng khè.
Trên đường Linda Vista có một khu nhà mới dành cho Hải quân. Chúng tôi thấy người ta tưới cỏ, trẻ con đạp những chiếc xe đạp ba bánh màu hồng chạy vòng vòng trong xóm. Chúng tôi thấy họ đi chợ Victory, mua thực phẩm bằng tiền mặt. Họ tổ chức picnic ở công viên Kelley và bắn nhau bằng súng nước. Trong trường tụi nhóc được bầu là Có Nhiều Người Thích Nhất, Đẹp Nhất, hay Có Cơ Hội Thành Công Nhất. Và mặc dù lũ con nít Việt Nam, Cam Bốt, và Lào đông hơn, nhưng chẳng được bầu là cái gì Nhất trong kỷ yếu. Tụi nó gọi tất cả chúng tôi là Yang vì có năm có một đám trẻ người Lào đều có tên Yang học ở trường. Lũ nhóc khu Hải quân bắt đầu gọi tất cả những đứa tị nạn là Yang.
Yang. Yang. Yang.
Mẹ nói sống cạnh gia đình Ánh làm mẹ nhớ Việt Nam vì tấm bạt màu xanh căng che sân sau là màu xanh của Biển Đông. Mẹ nói tức cười ở chỗ bầu trời và biển cả cũng theo mình sang đây như đi du lịch chứ không chỉ đi theo con tầu vượt đại dương. Mẹ nói cả con Ánh cũng làm mẹ nhớ Việt Nam vì cái lối nó ra chợ bán hàng mỗi sáng.
Đùng một cái, bố trở thành ông làm vườn. Bố mua một xe truck đầy đồ và một hộp danh thiếp của chú Mười Hai vì chú đang định bỏ sang Texas làm nghề đánh cá. Tấm danh thiếp in hàng chữ
“ Tom’s Professional Gardening Service” và chạm hình một người đang đẩy máy cắt cỏ. Hình chỉ thấy lưng nên ai mà biết không phải là bố. Bố cho tôi làm thư ký vì tôi nói tiếng Anh giỏi nhất nhà. Ai có gọi sẽ nghe tiếng tôi nói: “ Đây là dịch vụ làm vườn của ông Tom. Xin quí vị để lại lời nhắn, chúng tôi sẽ gọi lại ngay. Cám ơn.”
Nơi chúng tôi ở nóng nực và bụi bậm. Có người nghĩ là dơ dáy, nhưng họ biết cái quái gì. Họ chưa thấy luống vườn trồng xả, bạc hà, ngò, và húng quế. Họ chỉ thấy bồ câu mổ cơm thừa và mấy con chó mèo gầy ốm ngồi dưới bóng cây khi họ lái xe ngang qua. Họ đã thấy những trái dâu chúng tôi nhặt, tay chân mồm miệng đỏ loét chưa? Còn cái cầu thang nhỏ bố tôi bắc từ cửa sổ phòng ngủ tôi ra sân sau để tôi có thể đi tắt ra phơi quần áo? Lại còn bức Vạn lý trường thành ngoằn ngoèo như một dòng sông chảy từ đỉnh đồi đường Crandall street xuống tới vùng trũng cong cong? Có ai thấy chưa?
Khu Green apartment thì khác hẳn. Chúng tôi phải đóng cổng mỗi khi đi vào. Cái cổng kêu kẽo kẹt làm tôi tưởng tượng bao nhiêu cặp mắt trên lầu, dưới nhà, nhìn chằm chằm sau những tấm màn he hé mở. Có bốn cây cọ trồng bốn góc sân và một cầu thang chính, trên hẹp dưới rộng. Những bực thang phủ bằng cỏ giả, như trong một phim Hollywood xưa, loại phim đóng bởi một người đẹp đã quá thì, bừng con mắt dậy thấy mình đi ô-tô bương.
Chúng tôi dọn ra khỏi Green apartment sau khi bật tivi và biết được ông manager và em trai đã chặt một người đàn bà thành nhiều mảnh rồi vất xuống Thái bình dương trong một túi rác mười gallon. Mẹ nói không muốn sống ở một chỗ có ma nên chúng tôi dọn sang Linda Vista, nơi mẹ nói có nhiều người Việt như chúng tôi, những người chỉ có tội thích bài bạc và mút cương cá và cười nói ầm ĩ.
Mẹ cạo trọc đầu ở Linda Vista vì giận bố đánh bạc hết tiền và say sưa mỗi tuần khi coi đá banh ngày thứ hai. Bố cho mẹ cái mũ baseball để đội cho đến khi tóc mọc lại, và mẹ đội ngược lại, như một tay anh chị.
Sau đó có người ở Linda Vista nói là mẹ khùng và bố có điên mới ở với mẹ. Nhưng họ biết gì mà nói?
Khi nhận được tấm hình, bố mẹ cãi nhau. Bố lăng cái hồ cá ra trước cửa và mẹ đập bể hết chén dĩa. Bố mẹ nói đáng lý chẳng nên lấy nhau.
Em của mẹ gởi hình từ Việt Nam trong một phong bì cứng. Ngoài hình ra chẳng có gì khác, như thể có nói cũng bằng thừa. Mẹ bắt đầu thổn thức. “ Con ơi là con,” mẹ nức nở, nói đi nói lại. Con đây không phải là tôi. Mẹ muốn nói về chính mình.
Bố nói, “ Đừng có khóc nữa. Ông bà già tha thứ em rồi.”
Mẹ vẫn tiếp tục khóc và nói bố lấy cái bàn tay du đãng ra. Bố nắm tay đấm vào tường.
“ Tay nào? Tay nào?” bố thét lên. “ Du đãng nào, bàn tay nào.” Tôi thấy bố tay đấm tay đấm tay đấm tay, đấm máu.
Mẹ đang ở trong bếp. Mẹ xé toang tấm cửa lưới và ném ly tách dĩa chén ra lề đường như những con chim tung cánh lên trời mà không biết bay đi đâu. Đến khi rớt xuống đất thì vỡ tan thành từng mảnh vụn.
Tôi đứng trong hành lang mà nuốt hơi ừng ực. Tôi hít vào những đổ vỡ tan tành và máu me. Khi bố thọc tay vào hồ cá, tôi ngửi thoáng được mùi máu trong nước. Khi bố liệng cái hồ cá ra ngoài cửa và nói, “ Này du đãng này” thì tôi đã nốc cạn nước hồ và nuốt trửng những con cá vàng đầy màu sắc trước khi chúng rớt xuống đất, mình dính đầy đất cho tới khi chỉ còn lòng trắng mắt chớp chớp trong nắng.
Bố leo lên xe truck, lái đi thẳng.
Khi tôi lớn lên tôi sẽ thành thằng du đãng cả nhà đang tìm.
Lũ trẻ hàng xóm tụ tập trước cửa nhìn qua cửa sổ nhà tôi. Cả Ánh, con bé bán trứng gà. Chắc mẹ chúng gởi sang thám thính. Tôi chạy ra trước múa may quay cuồng như con mụ điên, nhảy cà tưng như con cá lóc. Chúng cười một hồi rồi im họng lại.
“ Tụi mày nhìn cái gì?” tôi hỏi chúng.
“ Nhìn mày chứ nhìn ai,” một thằng cười khúc khích.
Tôi tay chống nạnh, đầu ngoẹo sang một bên, trừng mắt nhìn nó như một viên đạn rồi quay đít đi thẳng vào nhà.
Mẹ đang ngồi khuông cửa chân đu đưa ra ngoài đường. Mẹ nói, “ Để mẹ nhấc con lên gác xép. “
“ Làm chi?”
“ Phải dọn ông bà vào.”
Tôi chẳng hiểu mẹ nói gì nhưng vẫn gật đầu như thường.
Trước giờ chúng tôi không xài tới gác xép bao giờ và cũng chẳng bao giờ leo lên đó. Khi dọn ông bà vào, mẹ chỉ việc kênh tôi lên và tôi một tay đẩy cửa gác, một tay đẩy cái phong bì cứng đựng hình ông bà ngoại tôi vào tận trong cùng. Mẹ nói đủ rồi, ông bà đã về đây ở với mình, nhiều lúc chẳng cần phải thấy, chẳng cần phải ôm cũng biết có ở đây.
Bố về nhà say khướt, sang mượn cái chăn của tôi. Tôi nghe tiếng bố trèo lên cái cây sau nhà. Bố đóng những miếng gỗ làm bậc thang trèo lên cây để tôi có chỗ trốn khi chơi năm mười. Bố đạp trượt bậc thang nên mãi mới leo lên tới nơi.
Khi leo lên tới mái nhà, bố nằm ngay trên nóc phòng tôi. Tôi nghe tiếng bố lăn qua lăn lại, miệng khóc hu hu. Tôi sợ bố té xuống đất chết nên chạy sang đánh thức mẹ.
Mẹ vẫn chưa ngủ, nói thây kệ, chết đáng đời. Nhưng một lát sau tôi nghe tiếng người trèo cây và cả đêm hai người lăn qua lăn lại trên trần phòng tôi. Cô nữ sinh công giáo và anh chàng du đãng đạo phật như hai con chó đuổi đuôi của nhau. Riết rồi cũng thành một con chó, một cái đuôi.
Trông như đàn ông vì không có tóc nhưng mẹ vẫn là mẹ. Lại có lúc tôi nhìn và nhìn và nhìn lâu đến độ màu sắc vũ trụ như bơi lộn chung quanh mà vẫn không thấy mẹ. Tay mẹ luôn ôm lấy tôi, hai bàn tay dân ruộng, móng tay bè bè và biểu cảm như cái mũi của mẹ. Mẹ có dáng đi nhìn xa biết ngay. Khoan thai nhưng hối hả, dáng đi của người đàn bà cắp chặt rổ vào nách đi chợ. Ngay cả khi đi tay không mẹ cũng như những cái bó vô hình mà chỉ có mẹ mới có thể tháo gỡ được. Và nếu có không bao giờ gặp lại mẹ, tôi vẫn nhận ra mẹ qua mùi muối biển và dấu chân của tôi trên cát, chạy đi chạy về, chạy đi chạy về, gia đình của tôi.
Khi giấy đuổi nhà gửi đến, chúng tôi không tin nên vất vào sọt rác. Giấy nói có một tháng để dọn đi. Người chủ mới muốn phá sập để xây nhà mới đẹp hơn. Giấy nói muốn ở lại thì được ưu tiên nhưng chúng tôi đủ tiền trả giá thuê mới nên cũng như không. Giấy cũng nói nếu không dọn đi đúng kỳ hạn thì đồ đạc sẽ bị tịch thu chiếu theo một sắc luật nào đó mà chúng tôi không hề biết đến. Chúng tôi nghĩ làm gì có chuyện đó nên vất sọt rác.
Hàng rào mắt cáo màu bạc, kêu lách cách khi lắc mạnh và oằn cong khi dựa vào. Nó quây chung quanh khu xóm như một cơn ác mộng nhưng không tức cười như giây phơi quần áo với những áo quần bay phất phới như con chim trong trò ảo thuật. Những hàng rào này đâm sâu vào trí não. Ba người chúng tôi đứng yên như những cây cột. Hết nhìn hàng rào rồi lại nhìn nhau--bên này bên kia. Nghĩ gì vậy, trời hỡi.
Tối đến chúng tôi trở lại, mang theo ba ông chú. Bố khoét lỗ hàng rào cho mọi người chui qua. Chúng tôi chui cửa sổ sau vào nhà. Chúng bỏ hết nồi niêu soong chảo, quần áo dầy dép, tượng đức Mẹ, tượng Phật bà vào trong túi rác mười gallon. Làm vừa xong thì nghe tiếng còi hụ cảnh sát.
Chúng tôi chui qua cửa sổ như sang một lục địa khác. Mẹ ngồi trong xe truck gọi tên bố, giọng như bàn tay sờ soạng thân cây trong bóng tối.
Trong xe mẹ bắt đầu khóc. “ Biển tôi đâu? Vườn tôi đâu?” Bố nói sáng mai sẽ trở lại đào xả và gấp biển lại thành một miếng vuông màu xanh. Mẹ vẫn nức nở đập vào thành xe. “ Nói nghe coi, nói nghe coi… vì ai mà ra nông nỗi này? Tại sao đi đâu cũng thấy hàng rào kẽm gai? Tại sao lúc nào cũng có kẻ đứng bên này, người ở bên kia? Tại sao cứ phải bỏ đi mãi như vậy?”
Mọi người im lặng, không biết nói gì.
“ Mang tôi về. Tôi để quên cha mẹ tôi lại rồi. Anh Minh, anh để cha mẹ tôi ở lại để cho chết. Mang tôi về đi.”
Mẹ muốn bố ngừng xe nhưng bố chẳng hiểu tại sao. Ba người chú ngồi một dọc sau xe truck nghĩ là mẹ điên. “ My, bộ chị tính đi bộ về Việt Nam hả?”
Bố đạp ga và chiếc xe lồng lên lao xuống đường đồi Crandall street. Mẹ ôm đầu rên rỉ. Nhìn ra ngoài, tôi thấy Vạn lý trường thành. Dưới ánh sáng chói chan của bóng điện đường nó chỉ là một dải các tông dài.
Sáng dậy, con đường Westinghouse trải dài như một nét vẽ lởm chởm màu vàng nắng cháy. Phía bên kia hàng rào có một tấm bảng với hàng chữ
NHÀ MỚI SẮP XÂY
CONDO- TOWNHOUSES- FAMILY HOME
Bên dưới hàng chữ là hình vẽ của một khu chung cư màu hồng to lớn.
Chúng tôi đứng cạnh hàng rào, hít hà hương xả. Một quả tạ khổng lồ đang nhảy múa như điên cuồng trên căn nhà của chúng tôi. Tất cả đã tan tành thành bình địa. Rồi tôi nghe tiếng mẹ gọi thì thầm. “ Cha ơi, mẹ ơi.” Cả vũ trụ là hai cánh bướm vo ve bên tai.
Hãy lắng nghe… họ đang ngồi trên gác xép như hai người thuộc hoàng tộc. Óng ánh trong bóng tối, tan tành bởi quả tạ. Những mảnh giấy bay lượn trên mặt biền.
Không một vết máu nào ngoại trừ trong cổ họng tôi, trong khi đang kể truyện cho các bạn.
No comments:
Post a Comment