Friday, July 1, 2016

Gái Trăng

Gái Trăng

Ông ta tên là Dai Matsumoto nhưng ở sở ai cũng gọi là Dai-san, ông Đại.  Sau ba mươi năm hành nghề kế toán, ông hãnh diện nhất với chiếc đồng hồ Blancpain và bề ngoài vô hại của mình.   Ông là một người đàn ông hói đầu, vạm vỡ, với tiếng cười mà sau bao năm phải xã giao gượng ép, đã trở nên cô quánh và vô thưởng vô phạt.  Ông không thích chuyện chính trị sở làm và ngoảnh mặt làm ngơ mỗi lần nghe thấy ai nói xấu người khác.  Ông có những thông lệ mà sau nhiều năm đã trở thành những thói quen như áo trắng cà vát đen, chuyến xe lửa lúc 6:07, ban ngày đi làm, tối về ăn trứng chiên uống coca cola,  cuối tuần lãnh lương xong ra chơi pachinko.  Tối chơi video và xem tin tức.  Căn phòng trên lầu thứ mười ba có ban công trước sau, hai phòng ngủ, và một bếp lò butan di động.   Ông nuôi cá vàng dù muốn có một con chó, và một đêm khi ông năm-mươi-ba tuổi, ông đã tạo ra một con avatar online lấy tên là Nimi.  Nimi trông giống như một chú lùn râu đỏ.  Khi Nimi nhảy xổm, nó phát ra tiếng kêu--pukka! Pukka!--khác với tiếng kêu--thuck thuck-- phát ra khi ném ám khí hình sao.  Đã bao năm rồi mà Dai-san chưa hề rời khỏi Nagoya.  

Và rồi một ngày kia, ông đã gặp cô bé.

Đó là một buổi tối mà bóng tà dương làm bầm tím cả bầu trời.  Cô bé níu kéo ông lại khi ông đang từ công viên đi về nhà.

“ Ê ông già kia, Cô bé nói.  “ Ê.”  Giọng nói trong sáng và bỡn cợt như sắp cất tiếng hát tới nơi.  “ Mua chè bột báng tui ăn được không?”

Cô bé ngồi trên ghế xích đu như một đứa trẻ, mặc dù trông mặt có thể tới mười sáu không chừng.  Ông Đại nhìn quanh nhưng không thấy ai.  Con gái mới nứt mắt ra mà đã phấn son.  Ông thường hay né tránh chúng mỗi khi gặp ở bến xe hay trong tiệm.  

“ Ê,” cô bé nói, nhảy nhẹ nhàng ra khỏi xích đu.  “ Này ông già, có con chưa? Có vợ chưa? Mua bánh tui ăn đi.”  Đế giày nàng khua lách cách trên lề đường cho đến khi nàng đến bên cạnh ông.  Bỗng nhiên có tiếng o o trên không trung rồi đèn đường chợt bừng sáng.  Dưới cái ánh sáng xanh nhạt, mái tóc cô bé trông lụa là mềm mại như tóc một con búp bê.  Da nó trắng, mắt nó to và đen nhánh.  Người ông bỗng toát mồ hôi dưới tia nhìn soi mói của nó.  Dai-san cắm cúi đi tiếp tục.  

“ Đừng làm bộ không nghe.  Tui biết mấy cha chỉ thích gái non.  Thơm như múi mít. “ Cô bé phá lên cười.  Ông Đại cảm thấy như có ngàn con kiến bò lổm ngổm dưới da.  “ Ngọt như mía lùi.  Xinh như búp bê.  Ngổ ngáo như con trai.  Nghịch ngợm như quỉ sứ. Tối nay mình làm gì? Karaoke? Cánh gà chiên bơ? Xuống phố viếng quán ba? Bằng không thì ở đây cũng được.  Nóng quá tía má ơi.  Mua mochi lạnh tui ăn đi.”  Cô bé toét miệng ra cười.  Trời nóng chảy mỡ thế này mà áo len, quần bó, váy tuyn như một vũ công.  Ông thoáng ngửi thấy mùi vanilla và hoa hồng.  

“ Không muốn bát phố hả?  Muốn đi thẳng về khách sạn chắc? “ Cô bé đến gần chạm vào người.  “ Dĩ nhiên là mắc tiền hơn.  Có gia đình không? Con cái?”

“ Không.” Ông Đại lắc đầu một cách cộc cằn.

“ Vậy là ở một mình.  Tốt.  Chẳng có ai đợi ai chờ, ai mong ai ngóng.  ”  nàng nói như muốn ông mời về nhà.

Những giọt mồ hôi vã ra ướt đẫm làm lưng ông Đại ngứa ngáy.  Trời tối hù nhưng da nó trắng bệch như ma cà rồng.  Ý tưởng như người khách không mời mà đến, đi bừa vào trong đầu ông.   Cô bé phá lên cười khi ông cắm cúi đi nhanh lên.  Nó rên ư ử, giọng cao vút lên một quãng tám, “ Đừng đi, hãy ở lại bên em.”  Những giọt mồ hôi lại nhỏ long tong xuống cổ, xuống vai, và tóc gáy ông dựng đứng lên.  

“ Nếu muốn thì mình đi nhảy.  Tui biết nhiều chỗ hay lắm.  Không ai biết đến.  Những hang động ven biển, pinic trong vườn dâu.  Tui sẽ cho uống nước lạnh từ vỏ ốc, nước trái cây từ ly sành.  Phải rồi ông già ơi.  Phải rồi.  Mình sẽ hòa tan--” ông Đại bắt đầu cắm cổ chạy  “ --sẽ trơn như nước chảy trên rêu, mềm như thạch, và hạnh phúc như cà rem cây--” giọng nó bay phần phật quanh ông “--rồi mình sẽ ướp xác dưới ánh trăng.”


Ở nhà ông Đại dọn cơm ngồi ăn trước computer trong phòng ngủ.  Bến xe có những đứa con gái hay đến gạ gẫm đàn ông chi tiền đi chơi, nhưng con bé này gấu một cách quá quắt.  Nó làm ông cảm thấy yếu đuối, như thể đang mang trong mình một nỗi cô độc hay tuyệt vọng như một vết thương chí mạng mà bây giờ mới phát giác ra.

Từ ngày vợ chết đến nay đã được mười hai năm mà ông Đại vẫn sống thui thủi một mình.  Ông dựng hình của vợ trên hương án trong góc phòng ngủ cùng với một lô đồ cúng: một chén saké đựng đầy gạo; một cái đĩa đựng quýt và hồng khô; một con hải mã bé tí teo mà nàng có lần tìm thấy trong một gói cá khô, giữ lại lấy hên, và không đầy một tháng sau thì nàng sanh đứa con duy nhất của họ: một đứa con gái mà họ đặt tên Aiko, Ái Tử, có nghĩa là đứa con yêu quí.  Khi con gái ra đời, ông mới có hai-mươi-lăm tuổi, lúc ấy ông nghĩ mình còn quá trẻ để làm cha; một phán quyết mà ông vẫn đồng ý vì tất cả những chuyện đã xảy ra, ông tin là số ông đáng lẽ không bao giờ nên làm cha.


Con gái ông hơi bướng bỉnh nhưng lại rất dễ thương.  Hồi mới lên ba, nó đi lạc trong chợ cả tiếng đồng hồ rồi họ mới tìm ra sau khi đi lùng kiếm khắp nơi.  Nó nằm ngủ đàng sau một cái kệ máng quần áo phụ nữ.  Nó không ham thú nhồi bông mà chỉ thích sưu tầm nhãn dán rồi cất trong một cái hộp bánh cũ.  Nó thích bóc vỏ trứng luộc.  Khi nó lên năm, nó năn nỉ ông Đại biến phòng nó thành một cái lâu đài băng giá.  Hai bố con dán giấy toilet lòng thòng trên trần để giả làm tuyết.  



Một tuần trước sinh nhật mười sáu tuổi, Ái biến mất.  Lũ bạn nói nó vẫn vậy khi chào nhau ra về hôm ấy.  Hình ảnh cuối cùng của nó được thâu trong máy thâu hình an ninh của cửa hàng tiện dụng Konbini mà nó đi vào chiều hôm ấy.  Cuốn phim cho thấy nó đang nhìn mấy hộp bánh, loại bánh bông lan trét đầy kem mà mẹ nó không cho mua vì quá nhiều đường.  Nó cầm lên rồi ngẫm nghĩ sao lại đặt xuống rồi nhìn những lon nước energy trên kệ; và rồi-- mỗi lần ông Đại nghĩ lại vẫn còn sợ-- nó nhìn thẳng vào ống kính máu thâu hình trước khi đút một chai Lipovitan D vào trong túi áo ngoài và bước ra khỏi tiệm.   Trong những tháng sau đó ông quay đi quay lại đoạn phim trong ký ức.  Nói chung, khi lớn lên Ái là một đứa con gái vâng lời, học hành chăm chỉ, và ít nói.  Nhưng vẻ mặt ấy mới thật là khó hiểu.  Một đứa trẻ khi bị thách thức có thể đã dám ăn cắp mấy thứ vặt vãnh.  Nhưng phong cách của Ái cho thấy có gì khác lạ: phong cách của một kẻ bất chánh, không phải là con gái ông.

Dần dà hy vọng rồi cũng tàn theo năm tháng.  Nhưng không có chứng cớ mà xem như con mình đã chết- là một sự phản bội mà kẻ làm cha làm mẹ không dám nghĩ tới.  Thế là họ dần dà trở nên im lặng, những câu hỏi lởn vởn giữa hai người lâu lâu lại nổ tung chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt, chẳng đâu vào với đâu như thức ăn sao nguội tanh, đồng hồ không biết để đâu, hay tiếng máy hút bụi lúc hừng đông khi ông Đại còn đang cố dỗ giấc ngủ.

“ Có phải tại nó giận mình không?” vợ ông hỏi hôm nàng tự tử. Nàng muốn biết Ái bỏ đi có phải do lựa chọn không, và ông Đại đã không biết trả lời làm sao.  Ông nghĩ có thể, nhưng nói có hay nói không thì nàng cũng đều giận, nên ông không nói gì cả.  Nàng đang ngồi trong bàn bếp, bụng đeo cái tạp dề, bàn tay ôm trọn tách trà đã nguội lạnh.  Sau này, ông ước gì có thể trở lại lúc ấy, phải chi ông an ủi Mayumi là không phải lỗi của nàng, chuyện xảy ra không phải vì nàng thiếu bổn phận làm mẹ.  Nhưng ông đã không làm vậy.  Sau một hồi im lặng, ông lừng lững quay lưng bỏ đi làm.  

Đứa con gái rù quyến ông trong công viên không làm ông Đại  nghĩ tới con gái mình.  Nhưng ông không tránh khỏi so sánh.  Con gái ông không gầy hay thanh tú như Mayumi, vợ ông;  nó giống ông ở chỗ dễ lên cân nếu không tập tành cẩn thận.  Hồi còn bé nó hay đau yếu quặt quẹo, nhưng sau này như để bù lại, người nó giữ calorie đến độ cả hai mẹ con đều hoảng sợ.

Hai mẹ con Ái rất gần gũi, và hay ghẹo ông Đại  vì quá tối dạ với sự nhạy cảm của phái nữ.  Trong những tuần lễ trước khi Ái mất tích, liên hệ mẹ con không có gì thay đổi.  Như thường lệ, họ ăn nửa quả bưởi bữa trưa và để dành nửa kia cho bữa tối.  Một chế độ kiêng ăn mà vợ ông  nghĩ ra để làm đẹp da, rồi hai mẹ con đi sắm quà cho sinh nhật của Ái.  Nhiều năm sau, những gói quà vẫn nằm yên chưa mở trong tủ của Ái, cho đến khi dọn dẹp chuẩn bị dọn nhà thì ông Đại  mới phát giác ra.  Một cái ví da màu xanh có móc gài mạ vàng; một cái áo màu trắng mua để mặc đi biển.  Ông Đại  cảm thấy nhói lên trong tim, đây không còn là đồ chơi cho một cô bé mà là vật dụng của một thiếu nữ.

Đứa con gái tìm đến ông trong công viên xinh đẹp hơn con gái ông nhiều.  Nó là một đứa con gái nhưng đang cố làm đàn bà.  Nó trét phấn thoa son--ông Đại  nhớ lại tối hôm ấy khi sửa soạn đi tắm--nhưng đã thoa trét một cách vụng về, vết lem chung quanh mắt, màu son đã phai lạt, làm lu mờ đi một vẻ đẹp chưa chín mùi; và ông nhớ chỉ muốn kỳ cọ cho sạch như lau những vết bẩn trên mặt một con búp bê--một con búp bê mà tự nó đã đẹp sẵn.  

Ông Đại  biết rồi có một ngày cô bé sẽ trở thành một người đàn bà quyến rũ.  Nàng sẽ không bao giờ còn có được những nét con gái đang có bây giờ nhưng lại cố chùi đi để vẽ nguệch ngoạc lên đó những đường nét trưởng thành.  Mãi sau này, sau khi nàng đã dùng mọi cách để thay đổi, rồi mới nhận thức được cái mình đã đánh mất; và khi nghĩ đến đây thì ông Đại  cảm thấy lòng mình trĩu xuống, một nỗi buồn quen thuộc mà ông nghĩ, đến từ những tình yêu không dùng đến, sau bao năm tháng hóa thành cát bụi, lớp này phủ trên lớp kia cho đến khi tất cả biến thành hóa thạch


Một tuần lễ trôi qua.  Trời mưa như tầm như tã trong suốt hai ngày.  Lăng quăng đẻ đầy trong mấy thùng nhựa đựng nước, quần áo khô không nổi và phòng tắm bắt đầu bốc mùi ẩm mốc.  Trên đường đi làm về, ông Đại để ý trông chừng, sợ lại gặp phải con bé.  Ông tránh lối đi ngang công viên và chỉ tìm những con đường sáng sủa mà đi và giật mình thon thót mỗi khi thoáng thấy bất cứ cái gì màu trăng trắng.

Tối Chủ nhật trong khi đang xem TV, ông bỗng nghe tiếng động trước cửa.  Ông cảm thấy ngứa ngáy như có con gì đang bò trên lưng.  Núm cửa kêu lách cách như có người bên ngoài đang vặn cửa, nhưng ông Đại vẫn cố tình làm ngơ.  Có tiếng gõ cửa, rồi yên lặng.   Rồi lại gõ cửa, rồi tiếng chuông cửa kêu vang.  Chưa mở ra ông đã biết đó là ai rồi.

“ Bộ sợ hay sao,” cô bé nói, đứng giữa ngưỡng cửa.  Nó mặc in hệt lần trước khiến Dai-san càng lo thêm.   “ Nè ông già, lần trước tui chỉ giỡn chơi thôi mà.”

“ Con đi theo ta hay sao mà biết ta ở đây?” ông Đại hỏi.  Ông chăm chú nhìn nó.  Mặt nó mồ hôi nhễ nhại, bóng nhẫy dưới ánh điện của căn phòng.  Ông Đại để ý thấy hai con mắt nó cách xa nhau một cách lạ kỳ.  Khi nó ngửa cổ, phản chiếu của căn phòng làm đồng tử óng ánh màu bạc.  Rất có thể nó không nhà không cửa, nó có cái lối bất cần đời của một đứa không có việc gì làm và không có chỗ để đi.  Phải chi nó đừng đến đi thì hay biết mấy.

“ Tại sao không?” cô bé hỏi.  “ Bộ ông không muốn yêu đời sao?”

“ Không, ta thấy con không nên đến đây.”  Ông nhìn con bé và cau mặt.  “ Con không biết ta là ai.  Như vậy có phải là nguy hiểm không?”

Cái lối con bé cười làm ông cảm thấy bất an.  Dường như nó biết một điều gì mà chính ông không biết, và nó đã nhìn thấy cái gì mà ông đã cố tình chôn chặt tận đáy lòng.  

“ Đi về nhà đi.”  Ông cố ra vẻ nghiêm khắc.  “ Ta không muốn con ở đây.  Sau không đi học.”  Ông ra bộ như sắp đóng cửa nhưng con bé đẩy cửa bước vào.

“ Tại sao?” cô bé nói.  “ Ông thừa biết là ông đâu có muốn tui đi đâu.  Ông chỉ hơi mắc cở chút thôi.  Đóng cửa lại đi.  Ừa, như vậy có phải được không.”  Nó phá lên cười khi ông Đại dọa gọi cảnh sát.  “ Muốn gọi thì gọi đi.  Hay là để tui gọi giùm cho.”  Nó giả đò áp điện thoại cầm tay vào tai.  “ Ông Cò ơi--tui bị một thằng cha già mắc dịch nó bắt cóc tui nè.”  Nó cười nắc nẻ.  
“ Tui như ông thì tui sẽ coi chừng.”  Nó tháo giày ra để ở lối vào.  “ Coi chừng tui cắt đầu bỏ trong bịch đi chợ--có coi tin tức không?”

Ông Đại nghĩ đến trường hợp bà cụ đã bị một thằng sinh viên đại học Nagoya đã cắt người ra thành nhiều mảnh rồi nhét vào những bao plastic.  Trước khi con bé đến thì ông đang coi chương trình NHK, nhưng giờ thì đài đang tường thuật những vụ khác: một người đâm chiếc xe truck vào một tiệm bán đồ cũ ở Yokohama, một ông chính khách đang lem nhem chuyện tình ái sôi nổi.  Tiếng TV nghe rè rè vô dụng đàng sau.

Một cảm giác không có đã lâu chợt nỗi lên trong lòng ông Đại, như thể ông đang mò mẫm trong một bóng tối đen ngòm, tối đến độ không thấy ngay cả bàn tay của mình.

Ông Đại chợt rùng mình.  Ông biết là con bé nói xạo, nhưng điều đó không có nghĩa là chuyện không thể trở thành sự thực.  Thời buổi này lũ trẻ nó bạo động lắm.  Ông nhớ có nghe ai nói về một thằng bé học tiểu học đã cắt đầu của một đứa bé mới lên bảy--và ông nghiến mạnh răng.

Đứa con gái mỉm cười.  Không còn đứng dưới ánh đèn đường, tóc nó màu đen và chẩy dài xuống một cái eo thon, và ông để ý thấy tóc nó cắt kiểu công chúa Nhật bản thời Heian, Bình An.  Đó là một kiểu không thịnh hành, nhưng thỉnh thoảng ông cũng có thấy trên đường đi bộ đến sở làm, đó là một sự phát biểu hơn là một dấu hiệu của thời trang, phát biểu cái gì thì ông không biết.  Ông nhìn chằm chằm vào ngón tay con bé.  Những ngón tay thon dài kéo lết trên mặt bàn làm một đống giấy quảng cáo bay như bươm bướm xuống sàn nhà.  

“ Nói đùa đó,” cô bé nói.  “ Làm gì dữ vậy.  Cười cái đi.  Tui chỉ muốn một ít tiền.  Nè sao không mở cửa sổ cho nó thoáng cái coi.  Cái phòng sao hôi mùi cá chiên quá.”  Nó nhe răng ra cười rồi ngồi xuống sô fa bật TV.

Ông Đại vào bếp lấy ra con dao phay.

“ Muốn chơi vậ̣y hả?” nó nói mà không thèm quay lại.  Giọng nó nhẹ và nghe như hát.  Nó làm ông nghĩ đến tiếng cánh quạt quay chậm.  “  Có hai con đường.  Một là đêm nay có thể là một đêm tuyệt vời cho cả ông lẫn tui.  Hay cũng có thể là một đêm kinh hoàng.  Kinh hoàng khủng khiếp.  Tùy ông lựa chọn.” Nó hất nhẹ những cọng tóc dài mềm óng ả ra sau lưng.  “ Một trong hai người, thế nào cũng có một người tán mạng.  Có thể là ông, có thể là tui.  Ông có muốn như vậy không?  Không hả? Tốt.  Cất con dao đi.” Ông Đại xếp con dao lại trong ngăn kéo.  Đứa con gái quay lại.  Ánh sáng bạc long lanh trong đôi mắt.  “ Tui đói rồi,” nó nói.  “ Làm cái gì ngon ăn coi.”

Ông Đại xắt dưa leo trong bếp.  Ông không nhớ mình đi chợ lúc nào, nhưng một tiếng sau thì ông đã có một củ cải trắng bự và hai trái dưa leo, mà ông xắt thành những lát mỏng, trộn với giấm, để làm xà lách cho con bé.  Ông nấu cơm và nướng hai miếng cá thu, rồi lấy đĩa để đựng đậu hủ và xì dầu.  Đứa con gái ngồi sô-fa coi TV.  Thỉnh thoảng nó lại đứng lên và tha thẩn ra những bàn ghế khác nhau trong phòng, rồi lại gần rờ rẫm, như một người mù sờ soạng khuôn mặt của người thân yêu.  Có khi nó lại ra cái bình bằng kính đựng cá vàng, gõ nhẹ lên mặt kính và cười.

“ Ông không có vẻ là một người nuôi cá,” nó nói khi họ ngồi xuống bàn ăn.  Ông Đại chợt nhận ra một điều sau khi nấu xong là cả bàn ăn, món nào cũng màu trắng hay xanh nhợt.  Ông hoàn toàn không đụng đũa.  Đầu óc ông cảm thấy tê dại, như có tiếng rè rè của tĩnh điện.

“ Tía tui chết khi tui mới mười tuổi,” con bé nói.  “ Ổng làm nghề đánh cá.  Tối tối ổng mang thuyền đi bắt mực.  Ông có biết người ta bắt mực làm sao không?”

Ông Đại lắc đầu.  Cô bé trề môi.  Ông hỏi bắt làm sao.

“ Họ thả lưới xuống giữa hai cái thuyền, rồi rọi đèn xuống dưới.  Rồi chỉ việc ngồi đợi mực bu lại.  Loài mực thích ánh sáng, như một thứ thiêu thân của biển.  Nhưng dĩ nhiên ăn ngon hơn thiêu thân.” Nó nhìn ông mỉm cười.  Nó nói đúng.  Ông Đại gật đầu.  Bỗng dưng ông thèm khô mực, nhưng nhà không có nên đứng dậy lấy lon bia.

“ Một hôm, trước khi tía tôi cho thuyền ra biển thì một trăm con cá voi đầu dưa trôi giạt vào bờ.  Người ta cố kéo chúng ra biển nhưng chỉ có một con còn sống, còn bao nhiêu chết sạch.  Tui nói ổng cái này xui xẻo lắm.”

Cô bé ngừng nói, liếm một giọt xì dầu trên môi, rồi bắt đầu gỡ xương cá.
“ Ông có thích gái anime không?” cô bé nói.  “ Ông là dân computer hả? Có ghiền anime không? “

“ Tôi mà là otaku ấy à? Một lão già như tôi?” Ông Đại chực cười nhưng lại đổi sang nét mặt cau có.  “ Không,” ông nói.  Ông tợp một ngụm bia nữa rồi ngồi đợi cho nó ngấm.

“ Xạo hoài cha nội.” Co bé cười nhếch mép.  “ Dám cá ông dán đầy tường hình con gái và khoái  nhìn vú mấy con anime.  Biết quá mà.  Mấy cha tui móc nối toàn là dân ó đâm không hà; mấy chả đâu khoái con gái bằng xương bằng thịt như tui.  Mà tui lại cần tiền mới chết.  Chắc ông cũng thắc mắc tại sao, phải không?”

Dai-san lắc đầu.

“ Để tôi bảo quản lạnh xác thằng chồng, nữa mang ra ngoài không gian cho nó sống lại,”  con bé nói tiếp mặc dù ông im lặng.  Giọng cười của nó ông Đại nghe sao bất thường, như đang làm một hành vi mê hoặc nhưng ghê tởm, như rắc muối lên người con sên.  Ông Đại dám cá nó là đứa khi còn bé đã ngỗ nghịch một cách thích thú chỉ để thử giới hạn của cha mẹ; Bé tí mà đã biết, chỉ cần chớp chớp mắt là được tha, không như những đứa trẻ khác.  

“ Giỡn chơi đó, tui mà chồng con gì.  Tui có làm ông khủng không, hả ông già?  Bộ coi tui già dữ vậy sao?  Chưa lên đại học luôn.  Ý ẹ.  Tui chỉ muốn đi khỏi cái xứ Nhật bản này luôn. “  Cô bé nói muốn đi sang Mỹ.  Hay Prague.  Hay Barcelona.  Hay tới chỗ nào thấy được cực quang và sao.  Hay chỗ nào nóng.  Như sa mạc, nơi mình có thể được chôn trong cát.  Có cảm thấy lạ, cô bé hỏi ông, khi da mình thành tro mà không cần đốt không?

Ông Đại chẳng biết nói gì.  Cô bé tiếp tục ăn cá.

“ Mà tụi nó đâu phải cái gì cũng làm được, biết không,” cô bé nói sau vài phút im lặng.

“ Mấy con anime hả? “ Dai-san hỏi, đoán mò.  Cô bé cười, nói bắt đầu nắm được vấn đề rồi đó.
“ Khá lắm đó ông già.  Riết rồi cũng hiểu.  Cù lần quá ai thèm chơi. “  Cô bé nhìn ông bằng nửa con mắt.  “ Thiếu gì trò chơi.”  Nó hạ giọng thầm thì.  “ Mình có thể làm bộ yêu nhau.”

Một cảm giác bồng bềnh lạ thường huých vào ngực Dai-san, như vừa bước hụt hẫng ra miệng vực thẳm.  Ông trừng mắt nhìn cô bé.  “ Cái gì?” ông nói.

“ Ông già ơi.  Việc gì mà phải dấu giếm; nhìn là biết ông thèm tình yêu.  Thiếu tình yê bao lâu rồi? ba chục năm? Bao nhiêu tuổi rồi?”

“ Bao nhiêu tuổi cũng thây kệ tôi,” Ông Đại nói nhẹ.  Bỗng dưng ông cảm thấy mình sao quá mệt mỏi; chẳng có lòng dạ nào mà chơi game.  “ Con gái còn nhỏ như cháu phải biết tò mò là vô lễ đấy.”  Ông chợt nhận thấy cô bé đã xích lại quá gần.  Ngay từ đầu ông đã biết mình không biết cách nói chuyện với một đứa con gái tuổi cô bé, và nhớ là với chính con gái mình cũng vậy.  Giờ thì cô bé gần đến độ có thể hôn ông trên môi, trên má, trên cổ, nếu muốn.  Hơi thở cô bé lúc ấm áp lúc ướt át.  Ông Đại thấy người mình như bị tê liệt.  Những âm ba mơ hồ giăng mạng nhện trên không và bò lổn ngổn trên da ông.  Và rồi, trước khi chuyện gì có thể xảy ra, tất cả đều tan biến.  Đứa con gái bật tiếng cười chế nhạo.

“ Chà, chà.  Ông cũng quá trời há,” cô bé nói.  “ Ông tự lừa dối mình hay đến độ chút nữa tui cũng bị lừa luôn.”

Ông Đại thấy nóng mặt.  Bị một con bé nói cho như vậy thiệt là nhục.  Ông thấy giận run lên nhưng cố không lộ ra ngoài.

“ Cháu nên về nhà đi,” ông nói.  Ông nghĩ mình cũng là người biết điều, có khả năng trấn tĩnh tình cảm.  “ Cha mẹ cháu chắc đang lo lắm.”

Cô bé nhún vai.  “ Làm gì có chuyện đó.”  Cô bé uống một ngụm nước, rồi nhăn mặt hỏi có sữa không.  Mà phải lạnh cơ.  Thêm đá cục nữa.  Thêm vài giọt Malibu càng tốt.  Ông Đại đứng dậy và bắt đầu dọn dẹp đĩa chén.  Cô bé thè lưỡi ra.

“ Thế ông nghĩ nó có cô đơn không nè?” cô bé hỏi khi bước vào phòng ngủ mà trước đó đã bắt ông thay khăn trải giường và nói ông tối nay phải ngủ ghế sa-lông.

“ Nó là ai?”  Ông Đại lấy tay dụi mắt.  Đêm bắt đầu ngà ngà, phần vì chai bia, phần vì mệt mỏi đến gần mê sảng nhưng cô bé còn đây thì còn căng thẳng.

“ Con cá voi đầu quả dưa đó.  Con duy nhất còn sống sót.”

“ Có thể.”

“ Có thể cái gì!  Chắc chắn chứ còn có thể cái gì!  Chắc thể nào nó cũng phải tự tử.”

“ Đúng đấy, chắc nó trầm mình chết quách cho xong.”

Cô bé nhìn ông mỉm cười.  Trông nó chẳng có vẻ gì là mệt mỏi cả.  

“ Ông già ơi.  Tui chịu ông đó,” cô bé nói.  Rồi cô nói sắp sửa đi ngủ, đừng có mà dòm lén.  
“ Ít là tối nay,” cô bé nói thêm rồi nheo một con mắt.  Buổi sáng khi ông Đại thức dậy thì cô nàng đã mất dạng.


Hồi trước khi con gái mất tích, có những đêm ông Đại đi lang thang trên đường phố.  Trong sở có lệ tan việc là đi uống rượu, và trong nhiều năm, Dai-san đã phải tháp tùng nên vợ ông không nhận thấy được thông lệ thay đổi; ông nghĩ thầm, nếu mà hỏi thì cũng nói.  Chẳng có gì để mà xấu hổ.  

Khi thì ông đến trạm xe Nagoya hay Senryu, nhà hàng tàu ở Osu mà giới sinh viên đại học rất thích.  Có những đêm khi ông cảm thấy cực kỳ chán đời thì ông đến Sakae và la cà ở những club karaoke và izakaya.

Ông thích ngắm nhìn con gái.  Ông thấy như mình được moi ra từ một cõi tối tăm ngút ngàn và phết lên người một lớp rạng đông nhấp nháy.  Ông không thể hiểu được sao chân tay lại có thể mảnh khảnh đến thế, tươi mát những lộc chồi đánh bóng bởi cuộc đời, cuộc đời rực rỡ.  Da thịt chúng dường như làm bởi một chất liệu khác hẳn.   Ngay cả trong mùa đông, có đứa vẫn ăn mặc phong phanh: giày cao cổ và váy ngắn cũn cỡn để lòi ra những mảng da lụa là, nhìn thấy là ông Đại chỉ muốn vuốt ve.  Ý nghĩ đó làm toàn thân ông rúng động.  Nơi nào cũng có những đứa con gái khập khiễng trong những đôi giày bó chặt ngón chân, khoác vai đàn ông con trai.  Ông Đại nhìn những người đàn ông mà không có một chút ý ganh đua. Thực ra  điều ông cảm thấy không phải là thèm khát.  Không, chẳng có gì là dục vọng cả.  Ông Đại đã biết điều này từ lâu rồi.  Nó là sự sùng bái, là sự trân trọng.

Sau khi Ái mất tích, có lúc ông Đại đã đi lang thang nhiều hơn.  Nhưng ông không còn cảm thấy cảm khoái như xưa; vì có quá nhiều hy vọng, và sợ hãi, rằng trong đám đó có thể có con gái của mình.


Một tháng sau, cô bé lại xuất hiện trở lại.  Nó đòi bốn chục ngàn yen nhưng nói sẵn sàng bớt giá.

“ Được rồi, ba-mươi-lăm ngàn cũng được vì không đi khách sạn.”  Ông Đại lắc đầu, ước gì nó đừng quấy rầy mình nữa.  

“ Thôi mà ông già.  Ông muốn mà tui cũng muốn.  Lợi cả đôi đàng.  Biết tui tính người ta bao nhiêu không? Năm chục ngàn.”

Ông Đại thấy chuyện vô lý.  “ Chỉ vì cháu muốn đi Finland,” ông nói.

Trời đã khuya, họ đang ngồi ở bàn nhà bếp sau khi ăn cháo với cá thu.  Hai tuần qua ngày nào con bé cũng đến gạ gẫm.  “ Chúc mừng sinh nhật, ông già.” nó nói khi ông đi làm về và thấy nó đang rửa chén.  “ Có ngạc nhiên không?”  Trên bếp là một cái nồi nước đang sôi sùng sục.  Trên cái thớt bên cạnh là một con cua còn ngọ nguậy.

“ Sau vào được vậy?”  ông nói, mắt nhìn con cua.  Mỗi lần càng nó ngo ngoe là ông cảm thấy lưng mình như bị cái gì chích vào.  Ông cảm thấy như có điềm báo chuyện chẳng lành.  Khi ngửng lên thì thấy con bé đang cầm cái chìa khóa.

“ Ông có biết ông có chìa khóa dư không?” cô bé hỏi, miệng cười chúm chím.

“ Giỏi nhỉ,” Ông Đại nổi sùng.  “ Quá lắm rồi--trả lại đây.”  Ông chồm người tới tính giựt lại nhưng cô bé nhanh tay nhét chìa khóa vào trong áo ngực và nói, “ Đụng tới là ba ngàn.”

Rồi cô bé vẫn tiếp tục thường xuyên đến khi ông đi làm.  Cô lau chùi nhà cửa, xếp dọn kệ sách, di chuyển chậu cá.  Cô nói ông là cô chỉ mặc một cái quần xì líp trong khi dọn dẹp, và khi ông Đại thẹn đỏ mặt thì cô đập vai ông và cười như nắc nẻ, nói ông đầu óc tăm tối.

“ Nhưng tui chưa bao giờ gặp ai như ông,” cô nói bằng giọng trầm ngâm.  “  Ông sẽ chẳng bao giờ đụng tới một đứa con gái như tui phải không?  Ông sao mà cù lần quá.”  Rồi cô nở một nụ cười mà ông thấy khó hiểu một cách lạ kỳ.  Mặt cô bé bỗng dưng dịu hẳn xuống.  Như để che dấu, cô cúi nhìn hai bàn tay đang để trên đù, và rồi tiếp tục nói.

“ Cái đêm đầu tiên gặp ông, tui phải đi bốn chặng xe buýt mới tới.  Cả tuần trước đó tui ngủ ở mấy quán cà phê manga.  Tui thử thời vận đến ông.”  Cô bé đan những ngón tay vào với nhau.  
“ Ông tốt bụng nên mới cho tui ngủ đậu.”  Một lúc sau cô bé bất thần nhìn lên, và ông Đại thấy được ánh ranh mãnh trở lại trong đôi mắt, và một cảm giác trìu mến nổi lên trong lòng ông.  
“ Ha ha, ông già.”  Cô bé cười và hất tóc ra phía sau.  “ Ha ha, đâu cần phải ướt át như vậy,” cô nói, và hôm sau, trong khi ông ở sở làm thì cô bỏ một cái lư trầm trong tủ quần áo.  “ Như mấy nàng kỹ nữ thời xưa,” cô nói khi ông hỏi lý do,” hay xông khói trầm vào tay áo kimono để giữ lại mùi hương của người tình khi chia tay.”

Trong sở, đồng nghiệp bắt đầu kẻ nói ra, người nói vào.  Một ông than phiền “ Như là ở nghĩa trang không bằng,” làm ông Đại thẹn chín cả người.

Khi ông Đại trở về nhà mới nhận thấy là cho dù cô bé có ở đó hay không, mùi hương của cô đã bắt đầu ám ảnh ông.  Khi ngửi thấy mùi cô bé trên khăn tắm hay trên khăn giường, ông không khỏi nghĩ đến mái tóc, bờ vai, và đôi môi.  Đôi môi mà nếu chạm tới sẽ mềm mại như một nụ hoa đang chớm nở.



Hôm vợ chết, cách đây mười hai năm, ông Đại đang ở sở làm.  Xếp của ông, một người chu đáo nhưng kém phép xử thế và có thói quen nháy mắt mỗi khi lo lắng, gọi ông Đạivào nói chuyện riêng.

“ Tôi vừa nhận được một tin---bi thảm,” ông xếp tằng hắng nói, không dám dùng chữ ‘tự tử’.  Iwasaki-san nói ấp úng và nháy mắt như có bụi trong mắt.  Trên bàn giấy có tấm hình của vợ con Iwasaki-san.  Nhìn vào nó, ông Đại thấy cuộc đời mình bắt đầu rẽ sang một ngã quẹo.  Một giai đoạn cuộc đời mà hạnh phúc sẽ bị giới hạn, hết còn tràn trề, và sẽ mãi mãi nhức nhối với những âm hưởng từ trong quá khứ vang vọng lại.  

Báo xong hung tín thì Iwasaki-san không biết làm gì nên cùng ông Đại đứng nhìn ra cửa sổ.  Thành phố đang bị bóp ngạt bởi sương mù.  Tin tức cảnh báo nên ở trong nhà vì đang có luồng bụi vàng thổi qua từ Trung quốc, mang theo những chất hóa học nguy hiểm.  Nên đeo khẩu trang và tránh không được hoạt động quá sức ở bên ngoài.  

“ Anh có biết bụi khói khiến hoàng hôn rực rỡ hơn không? Những hạt bụi bay trong không khí là ánh sáng khúc xạ.  Lũ khốn ở bên tầu chỉ có nước khốn nạn,” Iwasaki-san vừa nói vừa lắc đầu.

Nhiều năm sau đó, ông Đại không còn nhớ mấy những gì xảy ra ngày hôm đó hay những tuần và tháng tiếp nối, có mỗi cái này là còn y nguyên trong ký ức.  Ông nhớ từng chi tiết của mẩu đối thoại, vẻ nhẹ nhõm của ông xếp khi chuyển đề tài sang những thằng tàu tuy số phần khốn nạn nhưng lại được cái diễm phúc được ngắm nhìn những buổi chiều tà tuyệt vời; cơn giận dâng lên trong lồng ngực của ông Đại, sao hắn có thể nói một cách vô tư về những thành phố đầy người phải chết dần chết mòn, trước khi đi ra khỏi phòng để ông Đại có dịp lấy lại bình tĩnh, để mặc cho đợt sóng thần đầu tiên làm tê dại toàn thân, rồi tâm hồn.



Con bé đang ở trong phòng ông.  Ông Đại có thể nghe tiếng của nó trong khi mở cửa.  Ông dừng lại một phút nơi ngưỡng cửa, chợt nhận ra là cô bé hoàn toàn không biết ông đã về.  Có tiếng hát khẽ vang vọng ra từ phòng ngủ, rồi tiếng cười khúc khích.

“ Làm cái gì vậy?” ông mở cửa phòng ra hỏi, làm nó giật nẩy mình lên.  Nó đang ngồi trước cái tansu, cái hộp sơn mài có ngăn kéo của vợ ông.  Nhìn vào là biết nó đã từng lục lạo trước đây rồi, nhưng trước cảnh tượng nó ngồi đó, ngăn kéo mở tung ra, đã mở toang vết thương lòng mà ông tưởng đã từ lâu thành sẹo và ngủ yên.   Cái kimono của vợ ông trong đó, cũng như hộp nữ trang, những bịch gấm, và một cặp búp bê Ohina mà mẹ vợ ông cho Ái ngày thôi nôi.  Tất cả những thứ ấy ông đã cất đi để dành cho con gái.

Và bây giờ con bé đang đeo vòng ngọc trai của vợ ông trên cổ nó, tay thì cầm cái quạt lụa.  Nó ngồi nghịch ngợm với đồ của vợ ông như mặc đồ để đóng tuồng, như thể quá khứ là một cái gì tầm thường, không đáng kể.  Nó cười vì ông đã cất dấu những thứ lỉnh kỉnh, cười vì ông vụng về và vô duyên và đầy khao khát.  Một con bé mặc cái váy trắng bắt đầu sờn rách, tóc như tóc búp bê, và một thân hình dễ vỡ.  Một đứa con gái.  Con gái.

Ông Đại chẳng nói chẳng rằng, đi thẳng tới, giựt chuỗi hạt trai ra khỏi cổ mà không thèm đếm xỉa tới khi những hạt ngọc trai rơi vung vãi trên sàn.  Đứa con gái nhìn lên, mắt mở to, mặt tái mét vì sợ.  Ông có thể thấy được mạch cổ nó đập mạnh.  Trong căn phòng nhỏ, ai to ai khoẻ thấy rõ, và trong giây phút, một đám mây mù của sức mạnh và khuất phục tưởng như sẽ tràn phủ cả hai.  Rồi ông Đại lấy tay che mặt và ngồi xuống cạnh giường.  Bằng một giọng khản đục, ông nói con bé đi về nhà.

“ Cút đi,” ông nói và thấy nó co rúm người lại như thể ông vừa làm nó bị thương.  Ông cũng không định nói to như vậy, nhưng mặt khác, ông muốn la to hơn.  Đứa con gái đứng dậy bỏ đi mà không nói một lời nào.  Ông nghe được tiếng nó đi giày trước cửa, rồi khi nó mở cửa đóng cửa và chạy vội xuống cầu thang.  

“ Anh phải hứa không bao giờ ngừng tìm kiếm con,” lá thư vợ ông viết cho ông nói vậy.  Trong đó nàng xin lỗi đã bỏ đi, xin lỗi đã không làm tròn bổn phận làm vợ, làm mẹ.  Nàng nói khi về bên kia chín suối sẽ vẫn đi tìm con, và sẽ tìm cách báo cho ông nếu kiếm được.  Phải có một người ở lại nhỡ con nó về, và ông Đại lúc nào cũng là người cha yêu quí của nó.  


Một buổi tối, trước khi Aiko mất tích không lâu, ông Đại đã thấy con mình ở truồng.  Ông đi làm về trễ, và Ái chắc cũng vừa về, vì nó vẫn đang trong bồn tắm khi ông Đại mở cửa phòng tắm.  Lúc ấy là tháng Chạp, đêm lạnh nhất trong năm, vợ ông bỏ vỏ chanh trong nước tắm cho nó thơm.  Vợ ông đã đi ngủ trên lầu.  Chỉ còn ông Đại và con gái.

Từ hồi còn bé, Ái vẫn thương bố nhất.  Ác mộng cũng gọi bố, vọp bẻ cũng bố bóp chân.  Còn Mayumi chỉ đứng như người ngoại cuộc vì mỗi lần nhúng tay vào là Ái thét lên đòi bố cơ.  Riết nó trở thành niềm hạnh phúc bí mật mà ông ao ước và để dành.  

Trong suốt quãng đời thơ ấu của Ái, hai bố con đã có những thông lệ riêng tư: ăn sáng ở quán cà phê trong xóm mỗi sáng thứ Bảy, đọc truyện trước khi đi ngủ, bao giờ cũng truyện ấy--Lão Tiều Phu và Nàng Trăng--kể đi kể lại không biết bao nhiêu lần.  Nhưng ông Đại không bao giờ thấy chán.  Ông thích thú nghe con ê a đọc theo những đoạn đã thuộc nằm lòng, và ông thông cảm tâm trạng lão tiều phu, người đã tìm thấy báu vật quí giá nhất đời ông, một đứa con gái, trong đám măng tre.

“ Con có biết con là ai không?” lần nào ông cũng hỏi khi đọc hết, và nó luôn luôn cười khúc khích vì đã biết sẵn câu trả lời.  “ Con là nàng trăng của bố.” Rồi ông cù lét nó và bảo nó đừng có biến mất.  “ Đừng đi nhe con.” ông nói và cả hai rú lên cười, và có thể đó là lý do tại sao, ông Đại nghĩ lại nhiều năm sau, con gái ông lần nào cũng đòi kể truyện đó.  Bởi vì mặc dù kết luận câu truyện là nàng trăng biến mất, hoàng tử ở lại đau khổ, nhưng hai bố con Aiko thì lăn lộn trên giường, mãi đến khi mẹ vào trừng mắt thì hai bố con mới ngoài mặt  giả đò ngoan ngoãn vâng lời, nhưng trong bụng như ngấm ngầm âm mưu lật đổ chế độ cai trị độc tài của người lớn.
Tuy vậy, nhưng trong tận cùng của tâm khảm Dai-san biết đó chỉ là trò chơi giả đò.

Ông lại cảm nhận thấy điều này khi thấy con trong bồn tắm và thấy cái dáng người trơn tru hồng hào, long lanh những giọt nước tắm và xấu hổ, trong khi nó lấy tay che ngực.  Cái chế độ ăn kiêng của hai mẹ con có vẻ có hiệu nghiệm.  Những da thịt dư thừa đã tan biến, cho thấy một cái cằm dễ thương và xương đòn gánh xinh xắn.  Nó trông như một người lạ, đủ mắc cở và tuyệt vời để làm ông đau đớn.  Ông Đại cảm thấy chưng hửng và bước giật lùi.  Ông cảm thấy hơi nóng bốc lên mặt, khiến ông hoa mắt và lộn xộn.  Có thể lúc ấy ông đã xin lỗi, nhưng sau này ông không chắc.  Cũng có thể ông đã gập người chào, một hành vi không phải của người cha, nhưng cũng không chắc.  

Từ hồi Ái lên trung học năm ngoái, liên hệ cha con đã bắt đầu thay đổi.  Chẳng biết lý do tại sao, nhưng trong cách xử sự có sự dè dặt.  Có một bóng mờ khi ẩn khi hiện trên nét mặt của Ái, và trong tâm tưởng của ông Đại.  Trong bữa ăn, ông Đại tránh nhìn những phần thân thể của con.  Và nếu nhỡ chạm nhẹ vào người nó, ông cảm thấy phải nói xin lỗi.

“ Ngủ ngon nha con,” ông nói lúc gặp trong hành lang sau khi thấy nó trong phòng tắm không lâu, nhưng không dám nhìn vào mắt nó.  Ái không trả lời.  Mái tóc ướt của nó xõa ngang vai, thơm nồng mùi thuốc gội đầu, da nó sạch bóng láng.  Ngày xưa thì ông Đại đã ôm hôn nó lên má, nhưng giờ thì thấy không ổn nữa rồi.  Ngoảnh đi ngoảnh lại là nó đã trở nên một người xa lạ, sống trong một thế giới cách biệt không thể đến gần được.  Ông về gần đến cửa thì nghe loáng tháng như nó vừa nói cái gì mà ông không chắc.  Trong những tuần lễ sau khi nó mất tích, ông thường hay nghĩ lại lúc ấy.  Nếu quả là ông nghe đúng, thì lời nó nói quá ư là tàn nhẫn.  Nhưng sau ông lại nghĩ đi nghĩ lại, và ngờ vực điều mình nghe.

“ Đồ khốn nạn,” là lời ông nghĩ nó nói, và là cái ông thường nghĩ đến bây giờ, khi ngồi một mình trong căn phòng, chờ đợi con bé trở lại để ông có thể giải thích là ông không có ý gì, là ông xin lỗi.  Đồ khốn nạn.


Ông Đại ngồi đợi con bé trở lại.  Một tuần.  Hai tuần.  Bây giờ là cuối tháng Tám, thành phố nóng như chảo lửa, mà vẫn không thấy bóng dáng nó đâu.  Đáng kiếp.  Ông Đại tự mắng mình trong khi nhớ lại khuôn mặt sợ sệt của con bé trong đầu.  Tuy ngoài mặt nó làm ra vẻ như ta đây cóc cần, nhưng bên trong thì nó vẫn là một cô bé, mỏng mảnh và dễ vỡ.  

Rồi một hôm ông nghe tiếng chìa khóa tra trong ổ.  Đó là một buổi chiều Chúa nhật, ti vi đang tường thuật về cơn bão Jelawat đang tiến về hướng Nagoya.  Những cánh cửa bằng kính đã bắt đầu kêu lách cách sau mỗi cơn gió mạnh, và tuy mới buổi chiều nhưng ngoài trời đã sâm sẩm tối.  

Có tiếng cánh cửa trước mở ra rồi đóng lại.  Ông Đại không dám quay lại, chỉ sợ lại thất vọng. Bỗng nhiên căn phòng thấy mát hẳn, không khí êm ắng, gần như không có; và ông có cái cảm tưởng kỳ lạ là trừ ánh sáng của căn phòng thì bên ngoài hoàn toàn không có gì khác, một bóng tối hoang vu, địa cảnh của một  hành tinh đơn độc.  Da ông sởn gai ốc, tim ông đập mạnh.  Có người trong phòng, nhưng người đó rất yên lặng.  Có thể là con bé, một thằng điên, một tên ăn cướp, hay hồn ma của con gái ông.  Những ý tưởng quay cuồng trong đầu ông.  Trên ti vi, tin tức tiếp tục cảnh báo.  Gió thổi 123 cây số giờ, bão lụt có thể xảy ra ở những vùng sau đây: Nakamura-ku, Minami-ku, Naka-ku, Moriyama-ku, Kita-ku.  

Nhưng ông Đại không để ý đến ti vi.  Ông cố lắng nghe tiếng chân người giữa tiếng ồn ào của ti vi, và tuy không nghe thấy gì nhưng ông cảm thấy có cái gì đi ngang phòng, cảm nhận bằng cái chính xác nội tạng như khi có ai quét nhẹ một cái lông chim trên lưng.  Ông dùng hết sức bình sinh để không run rẩy, không co dúm, không ôm mình lại trong sung sướng.  Đó là con bé.  


Cô bé đứng trước mặt ông, giữa cái ghế sôfa và ti vi, trông có vẻ gầy hơn nhưng nó vẫn mặc bộ quần áo ấy, và tóc nó dài, rũ rượi hơn.  “ Con đã trở lại,” ông Đại nói.  Đôi mắt nó u tối và xa vắng như xác còn đây mà hồn chẳng biết nơi đâu.  Nó gật đầu chậm chạp, rồi bắt đầu cởi quần áo ra.

Có dấu bầm tím.  Khắp nơi.  Ông có thể thấy khi nó vén váy cởi vớ, và rồi cởi áo lạnh.  Màu xanh mốc chuyển sang màu vàng.  Nó bắt đầu với tay sau lưng để cởi áo ngực nhưng ông Đại đưa tay lên.  “ Đừng,” ông nói.  Đầu ông nhức như búa bổ và ông cảm thấy buồn nôn.  Những vết thâm bầm trông qua là biết kết quả của bàn tay và nắm đấm của một người đàn ông.

“ Đứng lên,” cô bé nói, sau khi để sự yên lặng kéo dài giữa hai người.  Nói như là một mệnh lệnh chứ không phải là lời yêu cầu.  Ông Đại đứng dậy.  Và bây giờ ông mới để ý thấy nó nhỏ bé như thế nào.  Như một đứa trẻ con.  Đầu nó không tới ngực ông.  Nó cầm tay ông.  Ông thấy hổ thẹn khi nhìn vào cái thân hình tả tơi đó, và mặc dù nó làm ông kinh hãi, ông vẫn cảm thấy thèm muốn.  Ngón tay nó gầy và lạnh.  Ông chỉ việc bóp nhẹ là nó sẽ gẫy tan như những cành cây khô.  

“ Ông già,” nó nói, môi cong lên với nụ cười cố hữu. “ Tối nay cho giấc mơ thành sự thực luôn.  Coi như quà tặng,”  trong ánh mắt của nó có một cái vẻ mà ông Đại chợt nhận ra.  Đó là vẻ thách thức nhâng nháo mà con gái ông đã ném vào máy thâu hình an ninh của cửa hàng tiện dụng ngày nó mất tích, thách coi có ai dám bắt nó không, và cũng để cho thấy nó đã tận hưởng cái hành động ấy.  Và bây giờ, nhìn thấy cái dáng điệu ấy trên mặt con bé, ông Đại nhận ra được cái trước đây ông không thấy: cái quyết tâm của một kẻ đang trên con đường tự hủy.   Cũng sự hung tợn ấy, cũng cái cường độ ấy, của một kẻ nhất định không chịu khuất phục sau khi bản án đã phán quyết.  

“ Mặc quần áo vào,” ông Đại nói nhỏ nhẹ.  Nhìn thân hình con bé làm ông buồn nôn.  “ Ngồi xuống.”  Gió đang lay mạnh trên những cánh cửa kính.  

Con bé không để ý đến ông.  Nó đi lững thững ra cánh cửa kính, đứng đó trong khi những hạt mưa đầu tiên được ném xuống từ trên trời.  “ Nếu tui nhảy, liệu gió đủ mạnh để tui bay không?”
Nó hỏi, đứng gần đến độ hơi thở làm mờ mặt kính.  “ Bay lên tận cung Hằng?” Cô bé quay lại nhìn ông Đại, cười mà không có ánh bạc trong đôi mắt.  Ông muốn hỏi nó sao trở lại.  Ông muốn hỏi nói sao có vết bầm.  Nhưng nói không ra lời vì cảm giác ớn xương sống khi ông chợt nhận thức là nó nói thật.  

“ Đó có phải là vợ ông không? Người đàn bà trong tấm hình trong phòng?” cô bé hỏi.  Ông Đại gật đầu.

“ Sao mà bả chết?”

“ Nàng tự tử,” ông Đại nói, và có lẽ cô bé đã nghĩ đến điều này.  Hôm ông trở về với căn phòng im lặng thì đôi dép của Mayumi đã được xếp ngay ngắn trên ban công, đúng vào nơi mà nàng đã nhảy.  Rồi cả tháng sau đó ông Đại đã cảm thấy như vợ ông vẫn còn quanh quẩn gần đây.

Trời bên ngoài đủ tối để thấy được phản chiếu thân hình trắng bệch của cô bé trên cửa kính.  Nó đưa một tay ra như để họa hình.  Sau một lúc im lặng, ông thấy cô bé khóc.  Những giọt nước mắt rơi yên lặng trên má và nhỏ tong tong từ hai quai hàm cắn chặt.  

“ Tui lấy một món đồ của bả.  Một cái nhẫn có nạm ngọc bích và ngọc lam.  Tui đem bán lấy hai mươi ngàn yen.”

Đó là chiếc nhẫn ông Đại tặng vợ nhân dịp kỉ niệm mười năm thành hôn.  Ngọc bích và ngọc lam là sinh thạch của hai người.  Mayumi đã đeo nó mỗi ngày, tối đi ngủ thì nàng cất trong cái hộp sơn mài cùng với bông tai nàng thích và chiếc nhẫn cưới.

“ Ông có ghét tui không? Vì chuyện tui làm?” cô bé hỏi.  Ông Đại nhắm mắt lại.  Không ghét sao được?  Chắc chắn là có rồi.  Chiếc nhẫn trị giá hơn hai mươi ngàn yen nhiều, và ông bỗng muốn nói cho nó biết, để làm cho nó cảm thấy cảm thấy tội lỗi.  Nhưng ông tự ngăn mình được.  Ông lắc đầu chầm chậm.

“ Không,” ông nói, và sau một lúc thì thấy là thực tình ông không còn ghét nó.

Bờ vai con bé bỗng run rẩy, ông Đại muốn ôm lấy cho đến khi ngừng run.  Nhưng ông không chắc.  Nhỡ nó tưởng ông muốn phạt nó thì sao.  Thiếu gì cái để hiểu lầm.

“ Tại sao?” cô bé thì thầm.

“ Tại vì,” ông nói, “ con làm ta nghĩ đến con gái của ta.”

Rồi ông cầm tay nó dắt ra xa khỏi cửa kính.


Khi Ái lên mười, Ông Đại quyết định không đọc truyện ban đêm vì công việc ở sở mỗi ngày một nhiều hơn.  Ông cũng phải đi chơi la cà với đồng nghiệp sau khi làm ra.  Đó là lý do ông Đại nói với con, nhưng thật ra vì ông sợ là cả hai bố con đều nghiện kể truyện ban đêm.  Ái cũng lớn rồi, không còn là một đứa con nít nữa.  Thỉnh thoảng ông đã thấy những nét rất đàn bà thoáng hiện ra làm ông cảm thấy bối rối và sợ hãi.  

Họ quyết định nói với Ái thứ Bảy, để nó có vài ngày còn ông ở nhà để quen.  Họ nghĩ thế nào nó cũng phản đối, vì Ái là một đứa trẻ cứng đầu.  Ông định sẽ cố làm mặt nghiêm lúc đầu nhưng rồi sẽ chiều, kể cho nó một lần nữa.  “ Một lần nữa thôi,” ông định sẽ nói nó, “ Nhưng đây là lần chót.  Đâu còn bé bỏng mãi được.”  Ông đã chuẩn bị tinh thần và lời nói nhiều ngày để đối phó với những giọt nước mắt của con.  

Nhưng Ái không hề hờn dỗi, vòi vĩnh.  Nó chỉ yên lặng gật đầu, tóc nó trải dài trên gối trong khi đợi cha đắp chăn cho đi ngủ.  Con gái ông có cặp mắt đẹp và long lanh.  Nó nhìn theo với ánh mắt tin tưởng.  Đứng ngoài hành lang mà ông Đại không ngờ chuyện lại dễ dàng như thế.  Ông ngồi trong phòng khách coi ti vi một lúc để xem con gái ông có đòi ông không.  Mười lăm phút sau vẫn không có một tiếng động.  Ông Đại đi rón rén vào hành lang.  Ánh điện vàng xuyên qua từ khe cửa, và khi ông đến gần ông có thể nghe tiếng nó đang nói.

“ Ngoại ơi.  Hôm nay tiền lại đổ ra từ cây tre.”

“ Chà, lạ nhỉ.” bà Ngoại nói khi nhìn đứa con gái bé tí teo nằm trên giường, và nó đẹp đến nỗi căn nhà của ông Ngoại như rực rỡ hẳn lên….”

Và con gái ông tiếp tục đọc to truyện.  Ông Đại ngạc nhiên là nó không biết mệt là gì; và khi nghe, ông nhận ra được cái giọng khi trầm khi bổng của ông trong vai bà già, tiếng thở dài ngọt ngào của cô công chúa nhỏ khi Ái dùng cái giọng trong veo của mình để kể truyện, đồng thời cũng thay đổi để biến thành truyện của riêng mình, để thoát ra khỏi vùng ảnh hưởng của ông, sự bảo vệ của ông.

Nhiều tuần sau ông Đại vẫn còn nhớ giây phút này khi đi chơi với bạn, và một cảm giác mất mát bỗng dâng trào khiến ông không nói nên lời.  Và ngay lúc ấy, trước khi người bạn có thể nói chuyện khôi hài, ông Đại hiểu được cái sức mạnh đã mang người gần lại để rồi lôi tuột ra, và ông thắc mắc không biết giờ này con đang làm gì, ở một nơi chốn xa xôi nào đó; thắc mắc không biết có còn kể lại câu truyện của một cô con gái giằng co giữa lực hấp dẫn của mặt trăng và trái đất.  Hay đã đi tiếp.



Gái Trăng

A story by E. K. Ota

No comments:

Post a Comment