Thursday, February 4, 2016

Ông Vua Xe Tải Madhuri Vijay

Ông Vua Xe Tải
Madhuri Vijay

Sau khi anh Siju, ông anh lớn của tôi, được việc lái xe tải ở hầm mỏ thì ảnh tưởng ảnh ngon lành lắm.  Ảnh hết còn tung thằng Munna lên trời như một bao cát để nó cười như nắc nẻ.  Khi Ammá hỏi ảnh cái gì thì ảnh chỉ nhìn thương hại mà không trả lời.  Ảnh hết nói chuyện với Manju, con bồ ảnh.  Ảnh còn nhạo là tôi làm công việc mà ảnh gọi là vọc bùn, công việc dùng búa để đập những tảng quặng sắt.  Với Appa thì ảnh càng coi thường hơn, chẳng dấu vẻ khinh bỉ, và khi ảnh nói nào là tài xế không ra tài xế, chỉ có giỏi đào đất và rượu chè, thì Appa vật ảnh xuống đất và nhét một nắm đất đỏ vào miệng ảnh, gào lên là đây là kế sinh nhai của chúng tao, mày phải tập mà kính trọng.  Siju lên méc ông Subbu, xếp công nhân hầm mỏ, nhưng ông ta gạt đi, nói đó là chuyện gia đình, không thèm xen vào.  Sau đó, mỗi khi có mặt Appa thì Siju quắc mắt im lặng.  Khi Appa không có mặt thì Siju nhìn cái lều của chúng tôi, một mảnh ni-lông phủ trên một cái sườn làm bằng tre, một cách khinh bỉ.  Dù rằng tên chủ xe tải, một thằng cha gốc Andhra lúc nào cũng nhai trầu bõm bẽm tên là Rajappa chỉ trả ảnh nửa mức lương tài xế bình thường, vì Siju mới lên mười bốn và không thể kỳ kèo hơn.
Dù rằng cái môn bài xe tải của Rajappa là đồ dỏm, một miếng giấy mỏng mảnh, chữ đọc không được và không có hạn kỳ, có nghĩa là Siju chỉ được phép chuyên chở quặng mỏ đến nhà ga xe lửa tại Hospet mà không được đến những thành phố cảng như Mangalore và Chennai như những tài xế khác, vì đến đó có thể bị viên chức biên giới bắt giữ.  Dù rằng lũ rửa xe tải, đa số là trẻ con cùng tuổi với tôi, gọi lén đằng sau lưng ảnh là Ông Vua Xe Tải và nhái lối đi bước cao của ảnh.  Chẳng có gì là quan trọng đối với ảnh.  Và, dù tôi không muốn thú nhận, ảnh là ông hoàng trong phòng lái xe tải đó, và hơn nữa ảnh trông có vẻ thích hợp với vai trò.  Tóc ảnh dầy và đen, và đàng sau ót có một túm dài mọc ra, trông như cái đuôi hào nhoáng của một con gà trống.  Mũi ảnh thẳng, và tròng mắt ảnh không bị vàng.  Mặc dù hít thở cái không khí đầy chất sắt nhưng răng ảnh vẫn trắng tinh.  Khi ảnh ngồi trong phòng lái, ảnh có cái vẻ bệ vệ của một người quan trọng, một người tôi không biết chút nào.

Quặng mỏ khai xong được mang đến hải cảng, rồi chất lên những con tầu to bằng cái nhà lầu nhiều tầng.  Ông Subbu kể cho chúng tôi nghe chứ lũ chúng tôi có bao giờ thấy được bao giờ.  Ông nói về những chuyến hải trình vượt đại dương kéo dài nhiều tuần.  Có chiếc đi Úc Châu và Nhật Bản, nhưng đa số sang Trung Quốc.  Bên đó người ta đang xây sân vận động cho Đại Hội Thể Thao Olympic.  Ông Subbu nói Olympic giống như giải vô đích bóng đá thế giới, chỉ khác cái là gồm đủ bộ môn chứ không chỉ bóng đá.  Nếu thắng thì được huy chương.  Ông nói lần rồi, Ấn Độ đoạt huy chương vàng trong bộ môn quyền Anh.
Sân vận động bên Tàu cũng hình tròn nhưng lớn gấp mười lần sân cricket.  Ông Subbu vừa nói vừa giang rộng cánh tay và chúng tôi có thể thấy được vệt mồ hôi dưới nách của chiếc áo ủi phẳng phiu.

Hồi đó hầu như ai ai cũng làm trong hầm mỏ.  Miền Karnataka và Andhra Pradesh bị nạn hạn hán, và người ta đói đến độ chó ghẻ cũng không tha.  Ông hàng xóm nhà tôi đổ dầu vào người mình và ba đứa con gái rồi châm lửa tự thiêu.  Bà vợ bị phỏng trên mặt nhưng thoát chết.  Và khi những mỏ ở Bellary bắt đầu mướn người thì người ta lũ lượt kéo nhau đến xin việc.  Có người nhờ gia đình họ hàng trông chừng giùm vườn tược, lắm người bán phứt để ra đi.  Có những nơi cả làng bỏ đi hết, ruộng vườn để hoang.  Những gia đình ngồi đợi chùm nhúm tại các bến xe buýt dán đầy bích chương quảng cáo xi-nê đã mờ nhạt.  Họ khiêng trên vai những bọc khổng lồ, trong đó chất đầy nồi niêu xoong chảo, dép cao-su và quần áo rách rưới.  Xe buýt chở đông người đến độ nghiêng sang một bên mà vẫn không đủ chỗ cho mọi người.  Những người không lên được cũng ráng chạy theo, và có người khùng điên, cố nhẩy lên trong xe đang chạy.  Họ té chổng vó, nằm dài trên đường đất, mắt nhìn lên một bầu trời không mưa.  Rồi họ lồm cồm đứng dậy. phủi bụi, và trở lại bến, ngồi chờ chuyến sau.  Trong bao nhiêu tháng trời, gia đình chúng tôi bàng quan tụ thủ, xủ tay đứng xem.  Thoạt tiên chúng tôi chưa lo vì Appa có việc làm tài xế cho một ông phó thanh tra nhà máy nhiệt điện của Raichur.  Rồi Appa mất việc vì tai nạn, rồi tối ngày la cà quán rượu, mỗi lần về nhà là bợp tai đá đít tôi hay anh Siju hay Ammá.  Và sau những lần như vậy, ông ngồi khóc thật lâu.  Một hôm ông tuyên bố chúng tôi sẽ đi làm trong hầm mỏ.  Tất cả chúng tôi, anh Siju lúc ấy học lớp bẩy, phản đối ầm ĩ nhưng Appa bẻ quặt tay để lại dấu bầm tím và Siju thôi hết dám than phiền.  Tôi đang học lớp năm, và đối với tôi thì đây là một chuyến phiêu lưu.  Ammá chẳng nói một lời nào.  Lúc ấy bà đang có bầu thằng Munna, và chân bà sưng to bằng hai quả đu đủ.  Bà đi khập khiễng vào lều để gói đồ đạc.  
Nội trong một tuần, chúng tôi đã ngồi chen chúc trong một chiếc xe buýt chảy dầu đen long tong dưới đáy xe, và Appa mua cho mỗi đứa một gói giấy báo hình nón trong đựng lạc rang nóng để ăn dọc đường.  Tôi búng từng viên lạc nóng hổi vào miệng và ngắm nhìn hai bên đường đất đai mỗi lúc một khô đỏ hơn, cho đến khi những căn nhà trong những ngôi làng lộn xộn đi qua cũng mang một màu đỏ như thân cây, như ngón tay của người soát vé.  Chúng tôi đi lảo đảo vào trong một bến xe buýt sàn nhà nứt nẻ, đông nghẹt người.  Tôi hỏi Appa tại sao đất màu đỏ, và ông nói đất đỏ vì có nhiều chất sắt trong đó.  Trong khi Appa bận hỏi đường đến hầm mỏ đang mướn người, và Ammá đang lục túi kiếm tiền mua gói bánh qui hiệu con hổ và một chai 7Up cho chúng tôi ăn trưa, thì Siju ghé tai tôi nói thầm là, đất màu đỏ thực ra là máu của nhân công hầm mỏ đã được chôn bên dưới, sủi lên trên mặt đất.  Thế là cả mấy tháng trời sau tôi vẫn tin thật, và mỗi bước mỗi sợ mình đang dẵm lên máu, xương và da thịt người chết.  Khi tôi biết ra sự thực tôi cố đánh ảnh, nhưng ảnh nắm chặt hai cổ tay và nhe răng ra cười.

Chiều hôm ấy, độ một năm sau khi đến khu hầm mỏ, tôi đang làm việc trong một cái hố cạnh xa lộ, cùng với lũ trẻ con và dăm ba người đàn bà.  Tôi ngồi xổm bên lề đường, khói nóng thải ra từ xe cộ thổi phồng chiếc áo thung phai màu và chiếc quần xa lỏn.  Nhúm thuốc rê Ammá cho tôi hồi sáng để dằn cơn đói bụng đã nhạt sạch hết mùi vị và giờ chỉ còn là một cục nhạt thếch, vô vị nằm trong má.   Cái nóng đè nặng trên da, và trong không khí có một vị hăng hắc mùi kim loại làm tôi khó chịu.  Những người đàn bà, ngày thường hay nô đùa cười giỡn, giờ này thu mình trong vỏ sò và nện búa trong im lặng.  Lũ trẻ dường như lơ đễnh hơn bình thường và thỉnh thoảng lại nghe tiếng kêu oai oái mỗi lần búa đóng vào tay.  Chân trời phía tây đen nghịt những đám mây, nhưng trên đầu tôi, vầng thái dương chiếu rọi chói chan xuyên qua một bầu trời mỏng nhẹ như sa.  Mùa mưa năm nay đến trễ, quá trễ cho mùa màng, nhưng tôi biết sắp sửa tới nơi.  Tuần trước, những trận mưa rào đổ xuống cầy xới lên vùng đất đỏ tạo thành những hố đầy nước khiến không cách nào có thể đào xới được.  Tôi nhớ mùa mưa năm ngoái có một anh say xỉn, lang thang ra ngoài ban đêm và rớt xuống hố nước.  Khi phát hiện ra được thì xác đã chương xình và đen xì.  
Những chiếc xe vận tải bò chậm chạp theo những dòng lờ đờ hai bên xa lộ.  Đoàn xe hướng về Bellary chất đầy quặng sắt, những ụ to bọc trong vải dầu màu xám và màu xanh và buộc chặt bằng những sợi dây thừng to bằng cổ chân của tôi.  Những chiếc xe trống không trở về từ phố cảng lộp bộp những hòn sỏi nằm rải rác phía sau.  Những người tài xế xe tải, mặt mũi nhễ nhại mồ hôi, bóp còi om sòm như là có thể làm cho đoàn xe nhích lên nhanh hơn.  Thỉnh thoảng, một chiếc xe ngoại quốc của một trong những ông chủ mỏ, luồn lách một cách êm ái qua đoàn giao thông tắc nghẽn.  Tôi đọc tên xe trong khi nhóp nhép nhai thuốc: Maserati.  Jaguar.  Mercedes.  Jaguar.  Những thân xe lấp lánh bắt ánh mặt trời rồi trải lớp lung linh ngang mui và nhấp nháy đèn đuôi.  Những ông chủ mỏ sống trong những căn nhà màu trắng, màu hồng trên quốc lộ, những căn biệt thự có vòi phun và đầu sư tử dữ tợn từ trên ban công nhìn xuống.  Tôi ngẩng đầu nhìn lên khi một chiếc Maserati màu đen bóng mượt đi qua, và nhìn thấy hình ảnh của mình phản chiếu trong cánh cửa xe nhuộm màu, một thằng bé mặc quần xà lỏn, áo thun thùng thình, lom khom cúi sát mặt đất.  Và đứng sau tôi là bóng hình méo mó của một đứa con gái.  Tôi vội vã đứng dậy, búa cầm trong tay, và quay người lại.  
Manju co rúm người lại, như là tôi sắp đánh nó.  Vài ngày trước tôi đã thấy hai đứa trẻ vác búa đánh nhau để tranh dành một cái đồng hồ Titan mà chúng kiếm ra cùng một lúc.  Một đứa dùng búa nện tay đứa kia.  Sau đó tôi tìm thấy một cái móng tay vuông vức nằm in sâu dưới đất chỗ chúng đánh nhau.  
“ Tao không có đánh mày đâu,” tôi nói.
Nó từ từ nhoẻn miệng cười, gò má kéo xệch thành hai cái cồn màu nâu với những lúm đồng tiền mờ ảo.  Nó vuốt thẳng vạt phía trước của cái áo dài mà trước đây là đồng phục nhà trường.  Chiếc áo có thời màu trắng, nay đã lốm đốm đầy màu đỏ của bụi sắt.  Chiếc áo quấn chung quanh cơ thể còm cõi của nó, dài xuống dưới đầu gối và cài nút cao trên cổ.  Mái tóc của nó như những lọn sóng chảy dài xuống tới lưng.  Hai mẹ con nó đến khu hầm mỏ cùng một lúc với chúng tôi.  Mẹ nó ốm đau và không bao giờ bước ra khỏi lều.  Tôi không biết là bệnh gì.  Có một thời Manju đã là bạn gái của Siju, để dành thuốc rê cho ảnh, gật đầu một cách nghiêm trang khi ảnh nói, và đi rèo rẽo theo ảnh khắp nơi.  Rồi ảnh thôi không nói chuyện với nó nữa.  Có lần tôi hỏi thì Siju nghiêng người qua một bên, cong môi lên, và nhổ một cách khéo léo xuống bùn.  
“ Hi, Manju,” tôi nói.  Chúng tôi cao bằng nhau tuy là nó hơn vài tuổi, có thể là mười lăm.  
“ Hi, Guna,” nó nói, và ngồi xổm xuống chân tôi.  Tôi cũng ngồi xổm xuống và đợi xem nó làm cái gì.  Nó nhặt miếng quặng tôi đang làm và gõ vài cái chiếu lệ bằng búa của nó.  Rồi nó có vẻ hết hứng.  Nó để cho miếng quặng rơi xuống và nói, “ Ảnh đi qua chưa?”
“ Chưa,” tôi nói.
Tôi thích Manju.  Mỗi lần có ký giả hay đại diện các tổ chức phi chính phủ đến điểm tra khu mỏ thì Manju và tôi vất vội búa xuống và nhẩy cà tưng vòng vòng, miệng la to, “ Ở đây không có lao động trẻ em.”  Theo như chủ mỏ thì chỉ có cha mẹ chúng tôi làm việc.  Lũ trẻ con chỉ có ở chung bố mẹ và nô đùa trong khu hầm mỏ.  Búa và chậu chỉ là đồ chơi của chúng tôi.  Mấy người ký giả hí hoáy viết trong những cuốn sổ nhỏ của họ, và nhân viên tổ chức phi chính phủ nói chuyệm thầm thì với nhau, và Manju nhe răng ra cười toe toét với tôi.  Rồi sau khi biết về trò chơi vận hội thì chúng tôi cũng bắt đầu có những cuộc thi của chúng tôi.  Thi chạy đua, thi ném sỏi, thi xếp đá.  Đứa thắng được huy chương vàng, đứa thua vỗ tay và dậm chân trên đất để hoan nghênh tán thưởng.  Tôi thích chơi với Maju vì lần nào tôi cũng thắng, và nó không giận khi thua như mấy thằng con trai.
“ Manju,” tôi nói.  “ Muốn chạy đua không ? Cá với mày là tao thế nào cũng đoạt huy chương vàng.”
Nhưng nó chỉ lắc đầu.   Nó nhìn chằm chằm vào những chiếc xe tải.  Nó gầy còm ốm yếu, và những đốt xương sống nhô lên dưới lần vải như những hòn sỏi.  Tôi chỉ muốn lấy búa gõ nhẹ cho nó xẹp xuống.  Một người tài xế xe tải râu ria rậm rạp, thấy nó đứng nhìn nên chu mỏ hôn gió, y hệt như đang hút một cái ống hút vô hình.  Lưỡi hắn le ra, nhung nhúc thịt và đỏ tía.  Hắn la to,” Hi, cô bé sexy.”  Tôi đỏ mặt giùm nó và có thể cảm thấy được tia nhìn chằm chằm của mấy mụ đàn bà, nhưng Manju chỉ nhìn như là hắn nói trời sắp mưa tới nơi rồi.  Tôi mải mê chất những tảng quặng cho đầy chậu.  Mỗi chậu đầy mang lại trạm cân sẽ được năm rupee rưỡi.  Ngày nào may ra thì tôi chất được bẩy hay tám chậu, nếu tôi không để ý tới ngón tay cái bị giộp.
Tôi cảm thấy những nhân công khác đang nhìn chúng tôi, những cái nhìn trừng trừng bộc trực của trẻ con.  Tôi cẩn thận dời cục thuốc từ má trái sang má phải.
“ Mày cũng chẳng nên chơi mấy cái trò chơi ngu xuẩn nữa,” Manju nói.
“ Không?” tôi nói một cách thận trọng.  “ Tại sao không?”
Manju nói, “ Mày nên đi học.”
Tôi chẳng biết nói gì.  Đã hai năm rồi kể từ ngày tôi ngồi trong lớp học.  Tôi chỉ nhớ lờ mờ cái sàn đất lạnh lẽo.  Ngồi cạnh cái thằng tên Dheeraj, mà người nó lúc nào cũng sực mùi dầu thầu dầu.  Những bảng đá với khung nhựa đã rạn nứt.  Ông thầy dậy toán gọi chúng tôi là đồ chấy rận khi không giải được bài toán trên bảng.  Tất cả chúng tôi cùng tụng một bài thơ bằng tiếng Anh mà chẳng đứa nào hiểu nghĩa.  Mùi chất khử trùng nhà vệ sinh con gái che đậy một cái mùi khác, mốc meo hơn.  Tiếng thằng Dheeraj cười khúc khích bên ngoài.  Rồi ba, bốn, năm cái quất thước kẻ vào lòng bàn tay, và cố để không ai thấy mình đau.
“ Hồi đó mày chuyên môn hạng nhất lớp phải không?” Manju hỏi.  Một luồng khí thải thổi vài sợi tóc vào giữa răng.  Nó nhai nhai.  Mặt nó đầy bụi đỏ.
“ Sao mày biết?”
“ Anh Siju nói tao,” nó nói, làm tôi ngạc nhiên.  “ Anh Siju nói môn nào mày cũng một trăm điểm, cả nhưng môn khó như toán.  Ảnh nói mày không nên lãng phí tiềm năng của mày ở đây.”
Tôi chưa bao giờ nghe ảnh nói những từ như vậy bao giờ.  Nghe như là một điều mà nhân viên tổ chức phi chính phủ có thể nói. Không biết ảnh nghe nói ở đâu.
“ Nhưng, Manju,” tôi nói, “ Tao thích ở đây.”
“ Tại sao?”
Tôi đang định nói lý do- bởi vì tôi có thể chơi với nó mỗi ngày và bởi vì khu hầm mỏ rộng thênh thang và tôi có thể lang thang khắp nơi, và phải rồi, công việc tuy nặng nhọc nhưng có một sự sôi nổi náo động mỗi khi những chiếc xe vận tải chạy ầm ầm qua, cố kéo những hàng hóa nặng nề- nhưng đúng lúc đó thì Manju đánh rơi cái búa của nó.
Nó nói bằng một giọng căng thẳng, “ Ảnh tới kìa.”
Chiếc xe tải của Siju trông không khác những chiếc xe tải khác, chỉ có cái là nó mới được rửa sạch. Buồng lái màu cam và phía ngoài của thùng hàng sơn màu nâu.  Thùng chở hàng chất đầy quặng, trông như bụng anh phệ.  Rõ ràng là Siju đang trên đường đến bến xe lửa Hospet.  Bảng sau của xe tải sơn hình một con sư tử và hai con nai.  Con sư tử, cái bờm gợn sóng, đứng trong một ngôi rừng xanh ngát, và hai con nai, mỗi con đứng một bên, cái đầu thanh tú màu cam ngẩng lên nhìn ra hai bên.  Siju rât kiêu hãnh với bức tranh, và tôi biết ảnh đứng ở trạm rửa xe mỗi sáng để bắt thằng rửa xe kì cọ mặt mấy con thú cho sạch hết bụi đỏ.  Đó là lý do tại sao mấy thầng rửa xe hay chế nhạo ảnh.
Ảnh chắc phải thấy chúng tôi đang ngồi xổm cạnh quốc lộ nhưng vẫn dán mắt nhìn mặt đường.  Tôi đưa tay lên vẫy.  Khi ảnh không phản ứng, tôi nói,” “ Oy, Siju.  Nhìn phia này.”
Ảnh xoay người về phía chúng tôi trong chốc lát.
Đôi mắt to của Manju liếc nhìn theo.
Rồi một trong những người đàn bà làm việc gần đó, một bà mắt chột và mí mắt che phủ hốc mắt trống trơn, nhổ nước thuốc xuống đất nghe cái phẹt và nói với Manju, “ Nhảm nhí nhiêu đó đủ rồi.  Ra chỗ khác mà ngồi.  Để mấy thằng đó nó làm việc của nó.”
Manju không trả lời nên mụ đàn bà nói to hơn, “ Ê con kia, Có nghe không? đi ra---”
Manju nhặt một hòn sỏi và liệng mạnh vào mụ.  Hòn sỏi chọi trúng vai làm mụ kêu ăng ẳng.
Soole!” Người đàn bà rít lên.
Manju quay khuôn mặt xương xẩu về hướng mụ.  “ Soole?”  Giọng Manju run run,  “ Bà dám gọi tôi là Soole ? Con mụ khỉ già một mắt bẩn thỉu kia.”
Tôi nhìn Manju, sợ không dám nói.  Nó nhặt quặng của tôi và bắt đầu gõ gõ.
“ Manju--” tôi bắt đầu.  Tôi tưởng nó sẽ khóc, nhưng rồi nó ngẩng lên.  “Phải chi mày có xe tải,” nó nói.  “ Thì tao với mày có thể đi sang Tàu.”

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------


Một lát sau tôi khiêng cái chậu đầy ra trạm cân.  Trên đường, tôi đi ngang Amma, đang làm việc với một đám đàn bà ở chân giốc và tôi dừng lại xem.  Bà đang sàng một cái rây, cầm cách xa người; một đám mây đỏ cuồn cuộn bay quanh.  Những viên quặng đen nhảy múa trong cái chảo cạn rộng.  Vài feet gần đó thằng Munna, chỉ mặc một chiếc áo thung cũ của tôi còn ngoài ra thì trần truồng, đang bò theo những vòng tròn vô định.  Nếu nó bò quá xa hay định bỏ một nắm đất vào miệng, thì Amma hay một người trong đám đàn bà sẽ thò tay hay thọc chân móc nó lại.  Khi Munna thấy tôi, nó giang đôi cánh tay ngắn ngủi trong cái tay áo rộng thùng thình, và rú lên vì sung sướng.  Amma ngẩng đầu nhìn lên.  Bà đặt cái rây xuống và duỗi lưng cho thẳng.  Bà bé bằng một đứa trẻ; tay bà không to hơn tay tôi.  Những người đàn bà khác liếc nhìn và tiếp tục làm việc; những thớ thịt cẳng tay nổi lên cuồn cuộn như đường rầy xe lửa.  
“ Mấy cái?” Amma gọi với lên.
“ Ba,” tôi nói, giơ cái chậu lên.  “ Cái này là cái thứ tư.”  Vẫn còn vài tiếng trời sáng.  Vài tiếng trước khi những ngọn đồi đỏ của vùng Bellary chuyển sang màu đen, và số chậu được kiểm điểm và công bố bởi ông xếp công nhân Subbu.  Không cần biết con số ít nhiều thế nào, đám nhân công cũng phải hoan hô.
Trong khi mắt không rời tôi, bà cho tay vào túi chiếc áo cánh để rờ rẫm cái bao nhung nhỏ.  Có nữ trang nào thì đều đã đem cầm từ lâu rồi.  Tôi biết trong đó có vài trăm rupee, hai hay ba trăm.  Đó là số tiền bà đã giấu diếm dành dụm bao tháng nay, tiền mà Appa không biết tới hay vì say xỉn mà quên đi.  Số tiền đó bà để dành để đóng học cho tôi, và hay nhắc nhở là nó còn đó.  Bà nhìn tôi, môi dưới trề ra.  Tôi biết là bà đang suy nghĩ không biết có nên nói hay không.
“ Guna,” cuối cùng thì bà nói.  “ Tối nay, khi Appa về---”
“ Phải đi bây giờ,” tôi nói.  “ Nhiều việc phải làm.  Lát nữa trời mưa.”
Bà thở dài.  “ Bộ con không muốn trở lại trường sao?” bà hỏi.  “ Bộ con không muốn học hành giỏi giang để rồi có công ăn việc làm đàng hoàng à?” Bà nói nhỏ lại.  “ Guna, con là đứa thông minh, học giỏi.  Bộ con muốn bỏ phí để rồi nhồi nhét trong đầu một mớ bụi sắt hả?”
Tôi không trả lời. Tôi nhớ lời Manju nó về tiềm năng của tôi, và tưởng tượng mình quăng cả cái chậu vào mặt Amma; bụi sắt bay tứ tung.
Amma một mắt vẫn trông chừng thằng Munna, đang cố trèo vào cái rây.  “ Thằng Siju có lái xe hôm nay không?” bà hỏi.
“ Mẹ hỏi ông vua xe tải hả?” tôi nói.
“ Đừng ăn nói kiểu mấy thằng rửa xe.”
Tôi nhảy lò cò hết chân này sang chân kia, giữ chậu thăng bằng như một cái khay.  “ Ông vua xe tải định ra dấu quẹo nhưng bật nhầm cái quạt nước.”
“ Guna!” Amma nói.
“ Ông vua xe tải tối ngày nhìn kiếng chiếu hậu chải tóc.”
Một người đàn bà làm việc kế bên Amma bật lên cười.  Bà ta có hàm răng vàng khè và một mẩu vàng khuyết trên cánh mũi.  Amma liếc nhìn mụ rồi nhìn xuống đất.
Khuyến khích bởi cái cười của người đàn bà, tôi nói thêm, “ Ông vua xe tải không thèm chạy thẳng.” Tôi ve vẩy bàn tay để biểu diễn lối đi xe tải của Siju.
Amma nhặt thằng Munna lên, trước khi nó lật đổ cái rây.  Bà thấm nước miếng vào miếng khoác pallu của chiếc sari và kì cọ má nó, cái má,  giống như của bà và của tôi, bám đầy bụi đỏ.  Bụi sắt trộn với mồ hôi thành một thứ hồ bột màu đỏ nhớp nháp, dính chặt vào da mà ngoài nước và xà-phòng ra thì không cách nào có thể rửa sạch được.  Mà nước thì ở đây khó kiếm ngoại trừ ít nước mưa đọng lại trong những vũng lầy.  Người nào làm hầm mỏ, nhìn vào biết liền.  Chúng tôi trông như đang chảy máu.
Amma đặt thằng Munna xuống, và nó bắt đầu bò lên dốc về phía tôi.  Bà đứng thẳng người và nhìn về phía mấy bà kia.  “ Ở vùng này thì Siju là tài xế trẻ nhất,” bà tuyên bố dõng dạc.  Mấy bà đàn bà, kể cải cái bà mới cười khi nãy, chẳng ai thèm để ý.  
“ Mới mười bốn tuổi đầu mà đã lái xe tải,”  Amma thở hổn hển, mặt đỏ ửng dưới lớp bụi đỏ.  
“ Nó là anh mày,” Amma nói.
Chúng tôi nhìn thằng Munna.  Chẳng ai buồn bế nó lên.
“ Con biết rồi,” tôi nói.


Tôi ghi sổ chậu thứ tư tại trạm cân rồi trút sạch vào chiếc xe tải ở hàng đầu.  Trạm cân quặng được chia cách với sân bên cạnh bởi một bức tường sắt vụn: những ống sắt ngắn và carburetor rỉ sét, và những cái mâm bánh thỉnh thoảng bật ra lăn ngang sân, kêu cái keng khi đụng phải cái lán có vách tường nhôm của ông Subbu.  Cái lán này, một cấu trúc vuông vức, bóng loáng, to gấp ba lần căn lều chúng tôi ở, là văn phòng lao động.  Đây là nơi người ta đệ đơn kiện tụng, và là nơi mà hồ sơ lao động được ghi chép vào trong một cuốn sổ dầy cộm.  Mỗi ngày bao nhiêu nhân công làm việc; lấy được bao nhiêu chậu quặng; bao nhiêu nhân công ở trong trại; bao nhiêu là công nhân phụ động; những người đàn ông đàn bà đến bằng xe buýt mỗi sáng, xếp hàng đợi giao việc.  Ông Subbu sẽ ra khỏi văn phòng để chọn người.  Những người không được chọn sẽ phải lê bước trở về trạm xe buýt trên quốc lộ, nơi đó họ sẽ đi đến mỏ khác để thử thời vận.  Người được chọn sẽ được giao cho một cái búa và một cái chậu.  Lắm người đã quen việc, mang theo dụng cụ của mình.  Ban ngày thì văn phòng của ông Subbu có thể thấy được từ khắp nơi trong khu mỏ.  Chỉ cần dừng tay búa, ngẩng đầu lên là có thể thấy nó, một ánh lóng lánh trên ngọn đồi màu rỉ sét.  Chiếc xe Esteem màu nâu sẫm đậu bên ngoài, một miếng tẩm thơm hình cây xanh quay xoắn tròn chầm chậm trên kính chiếu hậu.  Tôi để ý đến màu xanh của miếng tẩm dầu thơm vì cây cối quanh đây chẳng có cái nào màu xanh cả; tất cả đều có lá đỏ.  
Ông Subbu đứng dưới bóng mát của chiếc xe đào đất, uống chai Pepsi.  Ông mặc chiếc áo sơ mi tay dài, hàng cúc cổ trên cùng mở bung ra, và tôi thấy được cái tam giác của chiếc áo thung màu trắng và vài mớ lông đen ló ra bên trên.  Mồ hôi ông đổ ra nhễ nhại, và có những mảng ướt to trên ngực và thắt lưng, và hai mảnh ẩm ướt hình lưỡi liềm trong nách mà khi giơ tay lên thì trở thành hai ông trăng tròn.
Tôi đứng đó nhìn ông.  Một người nữ nhân công tóc bím, đến nói gì với ông.  Ông Subbu cúi đầu xuống nghe.  Rồi ông đặt tay lên vai người con gái và trả lời.  Đứa con gái đứng yên đến độ tóc bím không lay động.  Khi nói xong, ông thả tay rớt xuống, rồi nàng quay mặt bước đi.  Trong trại đã có lời đồn đãi về một đứa bé sơ sinh với cái mũi giống hệt của ông Subbu, và người mẹ, một người đàn bà gầy tong gầy teo tên Savithri, đã phải trốn ra khỏi trại vào lúc nửa đêm trước khi ông chồng vác thắt lưng da đến kiếm.  Tôi đã từng nghe thấy Appa gọi ông là đồ vô liêm sỉ và soole magane, nhưng cách ông đứng một mình trong bộ quần áo bảnh bao, sao có vẻ cô đơn và đầy hy vọng.  Và trong khi đứng đó thì tôi chợt có ý nghĩ là có lẽ ông có thể giúp được tôi.  Tim tôi chợt đập nhanh hơn, và tôi tưởng tượng mình đang đứng trong bóng mát nói chuyện với ông, còn ông thì cười cười gật đầu.
Tôi ra đứng cạnh ông, cái thau trống rỗng bên cạnh đùi.  Ông uống xong lon Pepsi rồi vất dưới xe đào đất mà không để ý gì tới tôi.  Rồi ông lấy khăn mù xoa chùi mép.
“ Nghỉ mệt hả?” ông hỏi.  Ông có thấy tôi trong khu mỏ trước đây nhưng dĩ nhiên làm sao nhớ được.  Có hàng trăm thằng nhóc chạy lăng quăng khắp nơi, và dưới cái lớp bụi đỏ đó thì thằng nào trông cũng như thằng nấy.
“ Dạ vâng,” tôi nói.  “ Nghỉ năm phút thôi,” tôi nói thêm kẻo không ông lại tưởng tôi trốn việc.
“ Tốt lắm,” Ông Subbu nói.
Mí mắt ông sụp xuống, và ông gật đầu chầm chậm.  Tôi đợi xem ông có mời tôi uống Pepsi không, và khi ông không nói gì thì tôi vẫn cứ đứng đó.  Tôi không biết một người như ông suy nghĩ cái gì.  Tôi nhìn về khu mỏ, vùng đất được đào thành những luống rộng đỏ lòm.  So với khu mỏ thì vùng đồng bằng ở xa trông thiếu màu sắc, cây cối mọc sát đất, không khác những bụi rậm.  Ở xa hơn nơi những ngọn đồi chưa khai khẩn, cây cối xanh rì như những đợt sóng màu xanh.  Và mặt trời, mặt trời là một quả cầu màu trắng xuyên thấu mọi vật, xuyên vào làn da giộp bỏng của bàn tay tôi, vào chiếc xe ủi đất, và vào cái miệng đỏ há hốc của cái hầm mỏ.
Tôi dặng hắng.  Miệng ông Subbu khép, mở.  Khép, mở.  Sợi nước dãi co giãn giữa đôi môi.
“ Thưa ông,” tôi nói.
Mắt ông Subbu bật mở.  “ Cái gì?”
“ Thưa ông, tôi có điều muốn xin.”
Ông nhìn tôi.  Tôi hít một hơi dài, nhìn lại.  Đó là một đôi mắt không hẳn không tử tế, chỉ hơi xa vắng, hơi lơ đãng.
“ Tôi muốn trở thành tài xế xe tải.” tôi nói thật nhanh một hơi dài.
Ông Subbu có vẻ đợi xem tôi nói gì thêm nữa không; tôi nói tiếp.  “ Tôi biết lái xe.  Bố tôi dậy tôi.  Bố tôi trước đây làm tài xế cho ông phó thanh tra nhà máy nhiệt điện của Raichur.  Bố tôi cũng lái chiếc Esteem như của ông.”  Và tôi chỉ vào chiếc xe màu nâu đậu trước văn phòng.
Tôi không nghĩ đấy là nói láo.  Khi Appa còn là tài xế, mỗi lần ông phó thanh tra đi họp hay đến thăm vợ bé thì Appa cho tôi ngồi trên lòng.  Tôi cầm tay lái chiếc Esteem, ngầy ngật vì mùi xạ hương của mui nệm bằng da thuộc, trong khi Appa lái vòng vòng đường phố Raichur, chân chạm nhẹ chân ga, thầm thì trong tai tôi, “ Quẹo trái,  Chuẩn bị.  Quay tai lái từ từ.”  Và tay ông bọc ngoài tay tôi.  Tôi phản ứng theo sức ép của ngón tay, kéo khi ông kéo, hít vào mùi rượu đế lúc nào cũng sực trong hơi thở, đợi những lúc đó khi đôi môi ông chạm nhẹ trên gáy tôi, và hai bố con cùng lái chiếc xe, con đại bàng màu nâu dịu dàng sà xuống để rồi đi thẳng trở lại.  “ Thật là lão luyện,” Appa nói thầm vào tóc trong khi tôi cau mày nhìn đường để che dấu sự thích thú.  “ Còn bé mà đã lái thành thạo như một tay lành nghề.”
Tôi không nói gì về tai nạn, về việc Appa say hơn bình thường, đã làm gẫy tan đầu gối người đàn bà, về việc ông khóc như thế nào sau đó, vì âm thanh phát ra của người đàn bà trước khi ngã xuống-  một tiếng ồ cam phận, chịu đựng.  
Ông Subbu đan ngón tay, bóp bóp vào nhau.
“ Tôi xin ông,” tôi nói.
“ Cháu mấy tuổi rồi?” ông hỏi.
Tôi ngần ngừ.  “ Mười ba,” tôi nói, tăng tuổi lên một chút.
“ Mười ba,” Ông Subbu nói.  Ông nheo mắt nhìn ánh nắng, rồi chỉ vào một nhân công đang đi trên mặt cánh đồng màu đỏ nhấp nhô.  Mặt trời đã làm người đó thu lại thành một đốm đen, chẳng to hơn một hòn sỏ chất đầy trong thau của tôi.  “ Có thấy hắn không?”
“ Dạ có,” tôi nói.  Và chúng tôi cùng nhìn theo một hồi.
Rồi ông Subbu nói như thể đang đặt ra một bài tính đố,  “ Hắn đang làm gì?”
“ Làm việc,” tôi nói.
“ Đúng thế,” ông Subbu nói.  “ Giỏi.  Hắn đang làm việc.”
Tôi đứng nhìn một chiếc xe tải uốn éo đi xuống chân đồi, hướng về quốc lộ, trên một con đường gập ghềnh ăn sâu vào trong sườn đồi.  Một đám mây đỏ mù mịt quyện gió theo sau.
“ Cứ làm việc chăm chỉ thì muốn gì được nấy,” ông Subbu nói, giọng ông to hơn cần thiết, giống như là có nhiều người bu lại để nghe.  “ Đó lời khuyên tối nhất ta có thể cho cháu.  Cha con chắc cũng chỉ nói vậy thôi.”  Và ông chạm vào vai tôi, một cái chạm có vẻ cha con, nhưng đồng thời cũng đẩy nhẹ tôi ra ngoài nắng trở lại.


Thay vì ra địa điểm cạnh quốc lộ, tôi đi tìm kiếm Appa.  Nấp lấp ló đàng sau một ụ đất, tôi nhìn người ta thả ông xuống hố sâu, một sợi dây thừng quấn dưới cánh tay và chéo ngang cái ngực trần.  Ông đã cởi quần dài ra và chỉ mặc một cái quần xà lỏn sọc sờn ống.  Ông cầm chiếc búa như cánh tay nối dài.  Đầu dây thừng kia được nắm bởi ba người đang xoạc chân trụ xuống để chịu sức nặng của Appa.  Và ông bị nuốt vào lòng đất; hai chân thả xuống trước.  
Tôi hay đến xem ông làm việc khi ông không biết tôi có mặt ở đây.  Tôi đếm từng giây khi ông còn dưới giếng, lắng nghe tiếng búa gõ đều đặn.  Tôi đợi, để ý nghe chừng từng âm thanh hốt hoảng, từng cái giật giật nhẹ nhàng nhất, vì không cần biết anh đã làm công việc bao nhiêu lần, lần tới có thể là đại họa không lường được. Và khi sự chờ đợi bắt đầu không chịu nổi và tôi sửa soạn xuất đầu lộ diện thì ông xuất hiện, mặt đỏ ké, toòng teeng, thở hổn hển như vừa lôi ra khỏi mặt nước.  
Họ tháo dây ra và ông bắt đầu xoa bóp những chỗ mà dây thừng xiết chặt vào da thịt.   Một người nói, “ Sao? dưới đó có mát mẻ không?” và Appa nói, “ Ấm áp như cái thullu của vợ mày.”  Hắn ta cười.  Appa nói, “ Thế nào cũng có một ngày tao cột cái thằng mập Subbu khốn nạn và thả nó xuống đó.”  Người kia nói, “ Trước hết, nó sẽ bị kẹt.  Thứ hai, nó còn bận lo rờ rẫm con gái.  Thế mày tưởng nó làm gì cả ngày trong văn phòng?”
“ Thằng mập chó đẻ,” Appa nói.  Ông dơ cái búa và giáng mạnh xuống.  Rồi lại làm lại.  Cái búa đi lên đi xuống theo một chuyển động nhịp nhàng.  Tôi cảm thấy được luồng chấn động truyền qua mặt đất kết nối cơ thể, từ bắp thịt cánh tay ông sang cơ bắp đùi tôi, gắn liền chúng tôi lại.
“ May sao tao chỉ có con trai,” Appa nói, và người đàn ông lại cười.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------


Khi tôi trở lại địa điểm cạnh quốc lộ thì Manju đã đi mất biệt.  Vùng đất mà nó ngồi đã lõm hẳn xuống.  Tôi ngồi xổm xuống và cố tìm dấu chân của nó.  Vài người đàn bà vẫn lom khom, búa gõ nhịp nhàng.  Người đàn bà chột mắt véo một nhúm thuốc rê từ một cục to màu xám và đưa cho tôi.  Tôi bỏ vào miệng nhai chậm rãi.  Nước thuốc đắng ngét chảy tràn ngập miệng.
Người đàn bà nhìn tôi nhai thuốc.  “Muốn biết con bé đó đi đâu không?” mụ hỏi.
Tôi cố tưởng tượng tại sao mụ bị chột.  Tôi muốn xin lỗi vì Manju đáp sỏi vào người mụ, nhưng tôi vẫn giận mụ đã gọi Manju là con soole.
“ Chắc nó về lều chứ gì,” tôi nói.
“ Đoán lại đi,” mụ ta nói.  “ Muốn nói cho nghe không?”
“ Không,” tôi nói.
“ Thế thì khôn,” mụ nói.
Rồi mụ chồm người tới và hạ thấp giọng.  “ Nghe tao nói nè.  Con đó hư lắm.  Nghe chưa?  Không ra gì hết.  Mày nên tránh nó ra một bên.”
“ Xin lỗi,” tôi nói.  “ Tôi phải làm việc.”
Vài tiếng đồng hồ sau, tôi làm việc không ngừng nghỉ.  Tôi dùng búa giã quặng, những cú giã chính xác, không loạng choạng, sắt nện sắt.  Mồ hôi nhỏ xuống cổ tay, và tôi cứ phải chùi tay vào quần xà lỏn.  Những chiếc xe tải tuần tự chạy ngang qua quốc lộ, đánh dấu thời gian.  Không thấy chiếc xe của Siju chạy qua.  Một lúc sau mấy người đàn bà đứng lên duỗi lưng.  Họ kéo ngón tay cho giãn và bấu  ngón chân xuống đất.  Người đàn bà cho thuốc rê nhìn tôi cười, nhưng vì một mắt nên trông có vẻ giả dối.  Họ lấy thau, lấy búa và đi về hướng trạm cân.  Khi họ đi, tôi để ý thấy lưng họ thẳng, bắp thịt đùi nổi rõ lên dưới lớp sa-ri, tướng đi vòng kiềng kì quặc, và những bàn chân xương xẩu dính đầy bùn đất khô quánh.  Chẳng ai có giầy ngoại trừ vài đôi dép cao su hay bằng mủ.  Manju nói đúng, tôi nghĩ.  Họ trông giống những con khỉ hơn là đàn bà.  Những con khỉ nâu lực lưỡng bu đầy làng tôi phía ngoại biên của Raichur.  Chúng hung dữ và không biết sợ người là gì.  Chúng cướp giựt đậu phộng ngay trên tay của trẻ con và tấn công người ta bằng hàm răng nhỏ và nhọn của chúng.  Lũ khỉ thích ngồi trên nóc những bức tường đổ nát, kêu chót chét và bắt chấy cho nhau, không khác đám đàn bà đang ngồi gãi nách và cười bằng giọng cười thô tục này.

Bầu trời chín tía rồi héo đen, không gian sực những mùi không để ý tới khi còn ánh nắng để đốt tan, mùi từ những vũng lầy đầy muỗi mòng, hơi ngọt của cứt đái bốc lên theo gió từ cánh đồng ai cũng xử dụng, lén lút hay công khai, kể cả đàn bà con gái.  Tôi ghi sổ thau sắt cuối cùng rồi trở về lều, nơi Amma đang nhóm củi sửa soạn bữa ăn tối.  Những đám mây đè trĩu xuống khu trại, thành phố của những lều nhựa, và chúng tôi có thể nghe thấy tiếng những người đàn ông tụ tập trên đồi để uống rượu mỗi tối sau ngày làm việc.  Tôi nghe thấy tiếng cười to của Appa át hết giọng của những người khác.  Amma thỉnh thoảng ngước lên nhìn, khuôn mặt bà là một vòng tròn đỏ rực đầy lo lắng dưới ánh than hồng.  Tôi ôm Munna trong lòng, và nó nhìn  bếp than nhấp nháy một cách buồn ngủ.  Tiếng hát của Appa nghe líu lo trong khi ông đi về lều.   Amma liếc nhanh nhìn tôi và bắt đầu thổi cho than hồng.  Tôi rúc mũi vào cổ Munna, ngửi mùi chua chua của em bé.  Những cục than loé sáng chập chờn với từng  cái thổi phùng má của Amma.
“ Guna, cái paan,” Amma rít lên, và tôi lục lọi cái bịch ni lông tìm hộp xi đánh giầy mà chúng tôi dùng để đựng trầu cau.
“ Chùi mũi thằng Munna,” bà ra lệnh, và tôi dùng tay áo của nó để chùi sợi nước mũi màu xanh đang thò lò ra khỏi lỗ mũi.
“ Guna--” bà chỉ kịp nói có thế thì Appa đã thọc đầu vào lều và đổ sập người xuống giữa chúng tôi, làm thành một mớ hỗn độn những chân và tay.  Amma tránh né một cách uyển chuyển và bắt đầu nhào nặn những cục bột và véo riềm chung quanh cho đến khi chúng trở nên tròn và dẹp, rồi bà đặt chúng lên than hồng để nướng.  Bà nhìn chăm chú như chỉ sợ chúng bay mất.   Appa chống cùi chỏ nhổm dậy.  Ông không còn ở trần nhưng mặc chiếc áo thung rách rưới có đề chữ Calvin Kline và cái quần phai màu cuốn lên tới đầu gối.  Hồi tháng Giêng, ông đã lỡ đập giập ngón chân cái bên trái bằng búa, và nó đã lành nhưng khoằm xuống như mỏ chim.
“ Supriya,” Appa nói, kéo dài cái tên ra.  Shoopreeya.
Amma không nói gì.
“ Sao mà trông nghiêm trọng quá vậy?” Appa nói.  Mặt ông như co vào giãn ra , và hơi thở thì nồng nặc mùi rượu đế.  “ Gặp chồng không mừng à? Không cười một cái với thằng chồng làm việc như con chó cả ngày được sao?”
Amma cắn môi mạnh đến độ mặt dưới xoắn lại.  Bà cầm miếng bánh tráng nướng đặt lên tờ giấy báo.  Appa nấc cục.
Tôi chìa hộp xi đánh giầy.  Appa cầm lấy, mở ra, và bỏ vài hạt cau vào lá trầu không.  Ông gấp lá lại thành một miếng vuông rồi bắt đầu nhai.  Cổ trầu chảy ra hai bên mép và nhểu xuống cằm.
“ Guna,” ông nói, miệng đỏ và lép nhép.  “ Hôm nay được mấy thau?”
Tôi đang định nói tám thì nhìn thấy mặt của Amma, trông ứ máu và khẩn nài dưới ánh than hồng.  Mắt vẫn dán vào miếng bánh tráng nhưng bà thọc một tay vào túi áo và rờ ngực nơi để cái bịch nhung.  
Tôi nói, “ Sáu.”
“ Sáu,” Appa lập lại.  “ Vậy thôi?”
“ Đúng vậy,” tôi nói. “ Con xin lỗi Appa.” Tôi đợi chờ một cái tát rát mặt.
Nhưng ông lại đưa tay từ từ xoa mặt tôi.  Ông rờ từ đầu xuống tới má, tới cằm, và tới phần mềm nơi cổ, nơi mạch tim bắt đầu đập nhanh.  Tay ông như giấy nhám, đầy vảy và da giộp, có cái đã vỡ, có cái còn căng phồng.  Tôi cảm thấy từng cái u, từng nốt lằn, chạm vào da thịt, chỗ trũng, chỗ lõm.  Như thể ông đang để lại một dấu tay sinh động trên mặt tôi.
“ Không, không,” ông nói bằng một giọng ấm cúng, giọng hát của ông.  “ Đừng xin lỗi.  Bố mới là người có lỗi.  Tại bố mà cả nhà mình phải ở đây.  Tại bố tất cả.”  Giọng ông run run  bên bờ vực thẳm, và đôi mắt tối đen.
Tôi cảm thấy đau nhói sau mắt.  Mặt tôi như kêu vo ve.  Chân tay tôi cảm thấy nặng nề.  Tôi không biết đây có phải là cảm giác khi ông say rượu hay không.
“ Lỗi của bố,” Appa nói.  “ Bố đã chẳng ra gì.”
Appa chìa tay ra, và tôi đưa ông hết tiền lương của tôi.  Tất cả, kể cả mười một đồng rupee mà tôi vừa nói dối.  Appa túm tiền bỏ vào túi.  Tôi ôm chặt Munna mà không dám nhìn Amma.
Tôi nghe tiếng nhúc nhích.  Bà nín thở nãy giờ, bây giờ mới thở ra.
“ Đó là tiền học của nó,” bà nói.
Appa không ngoảnh đầu lại.
“ Đó là tiền học của nó,” bà nói lại.  “ Mình đã hứa năm nay cho nó trở về.  Phải để dành ít tiền để đóng học phí.”
Ông nói, “ Bà bảo tôi đó phải không? Bà ra lệnh cho tôi ngay trong nhà của tôi phải không?”
Những đốm đen nổi lên trong miếng bánh tráng, theo sau là tiếng xèo xèo.
“ Ông chỉ là một người,” Amma nói, nhìn chằm chằm vào những đốm đen.  “ Ông uống bao nhiêu rượu đế mới vừa?” bà dừng lại.  “ Đáng lý ra tôi phải có con gái.”
“ Con gái gì?” Appa nói, “ Sao lại muốn con gái? Để tôi phải trả tiền hồi môn hả? Một thằng cha căng chú kiết nào ở đâu, đến nói muốn lấy con gái tôi thì tôi phải móc túi rồi liếm đít nó hả? Không cần.”
“ Con gái giúp mẹ.  Mà có tiền hồi môn thì ông cũng uống hết sạch.”  Amma lầm bầm.
Thấy tay Appa thò ra, tôi lại cứ tưởng ông sẽ vuốt ve bà.  Ngờ đâu ông đưa ngón tay nhéo mạnh vào mạng mỡ của ba, phần da hở giữa áo và quần ngay trên xương chậu.  Bà vùng vẫy tay chân, miệng mở rộng mà không phát ra tiếng kêu.   Một tay bà quất trúng đầu thằng Munna, còn chân kia đá một cục than bay tới gần chân tôi tới độ cảm thấy bỏng chân.  Tôi rút chân lại đợi xem thằng Munna có khóc không nhưng nó không khóc.  
Khi Appa buông ra, có hai vệt đỏ hình bán nguyệt trên hông Amma, da hơi nhăn lại.  Bà rên nhẹ nhưng vẫn giữ cho bánh tráng không cháy.  Bà lấy ra đặt vào giấy báo.  Bà đang thở hổn hển bằng miệng.  
“ Supriya, bà biết gì không? ”  Appa nói bà.  “ Phải cười nhiều hơn.  Đàn bà không cười trông xấu lắm.”


Rồi Amma nhìn qua đống than, qua cả thân hình đang nằm úp của Appa, và tôi quay lại thấy Siju đứng ở ngưỡng cửa của căn lều.  Ảnh trông tỉnh táo, tóc chải ngay ngắn.  Ảnh đứng đó, nhìn chúng tôi, và bỗng nhiên tôi có thể thấy được qua con mắt của ảnh, hình ảnh của chúng tôi, tôi ngồi cong quập ngón chân vào, Munna lắc lư ngủ trong lòng tôi, Appa gối đầu trên tay, Amma lom khom trước đống than.  Tôi thấy cái ảnh thấy, và rồi ước gì mình đừng thấy bao giờ.
“ Nhìn cái gì đó? Appa nói.  “ Ngồi xuống.”
Siju kiếm một khoảng trống giữa Appa và tôi.  Khi anh vừa ngồi xuống thì ngôi lều cảm thấy chật hẹp. quá chật hẹp.  Chúng tôi ngồi quá gần nhau, nỗi sợ hãi và giận giữ bay vèo vèo như hỏa tiễn.
“ Hôm nay con đi đâu?” Amma hỏi Siju.  Tôi ngạc nhiên là anh không quay mặt đi như thường lệ mà nhìn bà với một vẻ thương cảm hơi xa cách, như bà là một người dưng mà anh đã quyết định đối xử tử tế.
“ Hospet,” anh nói.
“ Hospet,” Amma lập lại với vẻ biết ơn.  “ Chỗ đó có đẹp không?”
Anh nói với cùng một sự tử tế thận trọng, “ Thực ra, con chưa thấy một chỗ nào bẩn hơn.”
“ Thế mày muốn gì?” Appa nói, cố tình khiêu khích.  “ Thành phố nào chẳng bẩn.  Bộ mày muốn ăn thức ăn trên mặt đường hay sao?”
Siju phớt lờ ông, và tôi có thể cảm thấy sự khó chịu của Appa nổi bùng lên.
“ Con đi mấy chuyến?” Amma hỏi.
“ Chuyến.” Appa khịt mũi.  “ Nó chỉ lái cái xe tải khốn nạn đó không tới mười cây đến trạm xe lửa.  Mười cây số.  Thế mà cũng gọi là chuyến.”
Siju bắt đầu xoa bóp chân.  Amma bỏ một miếng bánh nữa lên lò than.  Appa trừng mắt nhìn cả hai, thái độ cách biệt của họ làm áp suất bên trong ông đầu mỗi lúc một tăng cao hơn.
“ Bao nhiêu chuyến?” Appa hỏi.  Đầu ông quay từ từ về hướng Siju.  “ Bao nhiêu chuyến? Mẹ mày hỏi mà mày không nghe hả? Bộ mày điếc hay sao?”
“ Ba,” Siju nói cộc lốc.
“ Đừng nói như thể tao là một thằng cu li đi chùi đít cho mày.  Nói năng cho lễ độ.”
“ Ba,” Siju lập lại.
“ Bà có nghe thấy không hả, Supriya?”  Appa lè nhè, làm bộ như kính nể lắm.  “ Bà có sung sướng hãnh diện chưa? Thằng con trai bà lái chiếc xe tải cà chớn đi ba chuyến đến cại nhà ga xe lửa khốn nạn.  Ba chuyến!  Vậy mà còn muốn con gái làm cái gì?”
Đôi mắt lờ đờ của ông không hề rời mặt Siju.  Amma đặt miếng bánh cuối cùng lên bếp than.
“ Một thằng lái xe tải khốn nạn mà tưởng mình là vương là tướng gì đó.”  Appa lẩm bẩm.
Tôi véo mạnh cánh tay non của thằng Munna, mong cho nó khóc ré lên để phá tan bầu không khí căng thẳng, nhưng nó lại chẳng khóc cho.  Một cục than nổ làm tim tôi giật thót lên.  Tôi nhớ dáng điệu ông giám đốc nhà máy nhiệt điện, ngày ông đến nhà chúng tôi sau vụ tai nạn.  Ông gào thét, nước miếng văng lên mặt Appa mà Appa không dám chùi.  Tôi nhớ Appa nói, “ Dạ không, thưa ngài.  Con xin lỗi ngài.   Dạ không.  Con xin lỗi ngài.”   Nói như đọc thuộc lòng một bài thơ mà không hiểu một chữ.  Tối hôm đó ông ra nằm lăn giữa đường lộ, và khi Amma ra kéo vào, ông nói, “ Supriya, để mặc anh! anh đáng chết.”  Và tôi nhớ lối bà ôm đầu ông, nói thủ thỉ cho đến khi ông kéo lê người đứng dậy, theo bà vào trong nhà.  
Giờ thì ông đợi xem Siju sẽ làm gì.
Có một lúc tôi tưởng ảnh sẽ đánh Appa.  Nhưng rồi ảnh nhún vai.  “ Lái chiếc xe tải khốn nạn
vẫn còn hơn tối ngày gõ sắt.”  Anh nhìn tôi trong khi nói và tôi quay mặt đi chỗ khác.


Amma dùng ngón tay quệt chanh giầm lên bánh tráng, rồi lăn thành cuộn và đưa cho chúng tôi.  Bà chìa tay ra bế Munna, kéo một bên áo xuống, vạch chiếc vú chảy dài với núm vú màu rượu chát.  Munna vục mặt vào, đôi mắt đen óng ánh trong căn lều tranh sáng tranh tối, nhìn chúng tôi không chớp mắt.  Miếng bánh tráng nóng hổi và có mùi khói; chanh giầm vừa chua vừa dai.  Tôi chỉ nghĩ đến thức ăn đầy ắp trong miệng, trôi xuống cổ họng, và rồi dường như mở rộng một cánh cửa nào đó.  Lúc nào cũng vậy.  Thức ăn nới rộng cái gì trong mọi người chúng ta, Một cái lò xo xoáy chặt được tháo cuộn.  Tôi cảm thấy mình bắt đầu bớt căng thẳng.  Một khoảnh khắc êm ả, không ai nói gì, chỉ có tiếng than nổ và tiếng phập phùng của chiếc lều và tiếng rì rầm của những gia đình khác và của bầu trời chùng xuống thấp.
Rồi Siju cúi xuống gần, phá tan bầu không khí yên tĩnh, “ Có chuyện tao phải nói với mày.”
Tôi nuốt nước bọt cái ực.  “ Tôi không muốn nghe gì hết,” tôi nói.  Chúng tôi cố nói nhỏ vì Appa có vẻ đã ngủ, ngáy nhẹ nhẹ.
“ Một phút thôi.”
“ Ái chà.  Ông vua xe tải có chuyện muốn nói,” tôi nói.
“ Đừng---”
Tôi lấy tay bịt tai và hát, “  Ông vua xe tải, ông vua xe tải.”  Tôi biết làm vậy là trẻ con nhưng tôi muốn duy trì tình trạng hòa bình mong manh này, muốn nắm chặt nó trong tay như một viên đá quí.
“ Guna, nghe đây.”  Siju nó to hơn.
“ Ồn ào cái gì vậy?” Appa tỉnh giấc.
“ Không có gì,” Siju nói.
“ Không có gì,” tôi lập lại theo.
Appa lại nhắm mắt lại.
“ Con khỉ già đó gọi Manju là soole,” tôi nói thật nhanh.
Siju khơi móc một cái vảy trên đầu gối.
“ Mấy thằng mày đang nói chuyện gì thế?” Amma hỏi.
Trước khi Siju có thể trả lời, tôi nói, “ Manju.  Bạn gái của ảnh.
“ Con bé có bà mẹ ốm đau đó phải không?”
Tôi gật đầu.
“ Tội nghiệp,” Amma nói.  “ Có thể mẹ sang xem có giúp gì được không.”
Nhưng rồi Munna gờ gờ ngủ, thỉnh thoảng nút nhẹ núm vú, và mắt bà dịu xuống và lấy tay vuốt nhẹ nhúm tóc nhỏng lên cái trán nhuộm màu đỏ.  
“ Mẹ khỏi lo,” Siju nhổ nước bọt cái toẹt.  “ Cô ấy đã biết cách lo cho thân cô ấy.”
“ Tôi đi xem nó có sao không,” tôi nói, đứng dậy.  Không ngờ là Siju cũng đứng dậy.
“ Tao đi với mày,” ảnh nói.
“ Không!” tôi la lớn.
“ Phải rồi,” Amma nói.  “ Cả hai đứa mày đều đi.”
“ Siju,” Appa nói.  Ông vẫn trong tư thế nằm.  Hai bắp chân trông như đạn đại bác đã được đánh bóng.  Tôi nhớ hình ảnh của ông hồi chiều, ngực phanh, lưng cong, cây búa cán dài giáng xuống theo những thế nhịp nhàng xuống đất.  Ông tuy không cao lớn to con nhưng ông là một người đập sắt mười tiếng mỗi ngày.
Siju nhìn ông một hồi lâu, rồi gật đầu và thọc tay vào túi.  Anh lấy ra một xập giấy xếp và nhét vào tay Appa.  Appa đút vào túi nơi cất giữ tiền lương của tôi.  Ông rên ư ử một câu hát không giai điệu và lim dim nhắm mắt.
Amma nhìn theo chúng tôi.  “ Đây,” bà nói.” Mang cái này sang cho họ.” Bà bắt tôi gói hai cái bánh tráng trong giấy báo.  “ Về sớm kẻo mưa.”



---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------



“ Không muốn thì đừng có đi,” tôi nói với Siju trong khi len lỏi đi giữa những lều nằm lộn xộn như một mê cung.  “ Không nói ai nghe đâu.”
Thay vì trả lời thì anh yên lặng khiến tôi bứt rứt.  Một con chuột to bằng cổ chân chạy ngang đường rồi biến mất vào bóng đêm.  Khu trại đầy chuột.  Chúng sục sạo lùng thức ăn, ăn lủng chăn chiếu, cắn cả trẻ con đang ngủ.  Năm ngoái có một đứa chết vì chuột cắn.  Tôi nghĩ đến thằng Munna đang ngủ say, về khu trại im lặng, một con tàu của những mảnh lều xanh trôi nổi trên người những con vật lông lá đen ngòm nhung nhúc ở dưới, hiếu động và háu ăn như đại dương.
Không có Manju ở trong lều.  Từ bên trong, tiếng thở rũ rượi và ồn ào của bà mẹ vọng ra tới ngoài.  Siju nhướng mày và hất hàm về phía cửa lều.  Tôi lắc đầu; Chỉ thấy lờ mờ một người nằm quấn chăn, nhỏ hơn người bình thường.  Rồi mẹ Manju ho, một cơn hen suyễn không màu sắc, như gió thổi qua một hành lang chật hẹp và cô đơn.  Tôi bước lùi trở lại.
“ Giờ sao?” Tôi thì thầm.
“ Về lều chứ còn sao.”
“ Anh về đi,” tôi nói.  “ Tôi sẽ ở lại đây đợi nó.   Chắc nó đi cầu rồi.”
Siju nhìn dò hỏi.  “ Guna,” ảnh nói.  “ Dẹp đi.”
“ Không,” tôi nói như hét.  Nước mắt chực trào lên trong khoé mắt.  Trước khi không tự chủ được, tôi nói.  “ Nó muốn tôi mang nó sang Tàu.”
“ Cái gì?”  Giọng ảnh nghe buồn nản.
“ Bằng xe tải,” tôi nói.  Tôi biết mình đang nói năng lảm nhảm.  Tôi bóp chặt miếng bánh tráng và cảm thấy hơi nóng truyền qua tờ giấy báo.  “ Nó nói nếu tôi có thể lái xe tải thì có thể mang nó sang Tàu.  Đi xem thế vận hội.  Tôi xin ông Subbu, nhưng lão nói không.  Lão nói nếu tôi chăm chỉ thì sẽ có được cái mình muốn. “
Siju thở ra một hơi dài.  “ Mày xin lão Subbu?” ảnh hỏi.  “ Cái thằng mập khốn nạn đó? Mày xin nó?”
“ Phải.” tôi nói.
“ Trời đất ơi.”  Ông anh tôi lắc đầu.  “ Mày theo tao,” ảnh nói.

Chiếc Esteem của ông Subbu vẫn đậu bên ngoài cái lán có sườn nhôm.  Cái lán nằm dưới chân của cột đèn duy nhất mà ánh sáng phủ lên nó một lớp bàng bạc, dịu dàng.  Cái cột đèn nối liền với một cái máy phát điện  Chúng tôi đi rón rén lại chiếc xe xúc đất nằm trong bóng tối.
Siju đặt tay lên vai tôi.  “ Đừng lại gần,” anh nói.
“ Tại sao đến đây làm gì?” tôi hỏi.  Anh đặt một ngón tay lên môi.
Chúng tôi ngồi đợi đàng sau chiếc xe xúc đất.  Tôi dựa người vào và cái lạnh của kim loại làm tôi tỉnh người.  Siju đứng sát cạnh bên tôi.  Tất cả tỏa ra một cái gì yên bình, cái lán sáng trưng, tiếng nổ đều đều của máy, không gian yên lặng.
Và rồi, với một cử động nhẹ nhàng và tự nhiên đến độ làm tôi quên ngạc nhiên, Manju bước ra khỏi cái lán của ông Subbu.  Nó đứng đó một lúc, bộ đồng phục và cặp đùi mảnh dẻ in bóng một cách tuyệt diệu dưới ánh sáng của cột đèn, mặt nó ngẩng lên như con nai trong bức vẽ trên xe tải của Siju.  Rồi nó quay lại và nhìn thẳng vào chúng tôi.  Tôi giật thót người lên, nhưng một bàn tay của Siju lại đặt trên vai tôi.
“ Ngồi yên,” anh thì thầm.
Nhưng Manju đã thấy chúng tôi.  Bộ đồng phục trông còn lùng thùng trên người nó hơn lúc sáng.  Nó đi như bơi lại phía chúng tôi, hai bàn chân như không chấm đất.  Khi nó vừa đến chiếc xe xúc đất thì Siju bước ra và lôi nó ra sau xe.  Nó chống tay cạnh sườn và nhìn chúng tôi một lúc lâu, không nói gì cả.  Đàng sau nó, cái cột đèn bỗng dưng tắt ngúm;  tất cả chìm sâu vào bóng đêm.  Rồi đèn chiếc Esteem của ông Subbu bật sáng, và chiếc xe như trôi đi trên một giòng sông vô hình.
“ Sao?” Manju nói.  Khi mắt tôi bắt đầu từ từ làm quen với bóng tối, tôi để ý thất mí mắt nó sưng húp.  Nó đã khóc.  Tôi nghĩ đến cái lán, đến bàn tay ông Subbu bóp bóp vào nhau, đến lon Pepsi mát lạnh, và đến lối ông đặt tay trên vai cô gái tóc bím.  Tôi nhớ lại lời mụ chột nói.  Con đó hư hỏng lắm.  
“ Đứng đây bao lâu rồi?” Manju hỏi.
“ Đi chơi thôi,” Siju nói một cách lạnh lùng.  “ Gunna muốn đi bộ.”
“ Đi bộ,” Manju lập lại.  Nó nhìn tôi với vẻ cáo buộc và bỗng dưng, tôi cảm thấy tội lỗi.  
Siju nhún vai.  “ Đúng vậy,”
Tôi nói, “ Đến để cho cái này.” Tôi ấn bánh tráng gói trong giấy báo vào tay nó.  Nó nhìn như tôi vừa làm một chuyện vô nghĩa.
“ Thôi, đi về lều,” tôi nói Siju.  Tôi muốn tránh nhìn khuôn mặt sưng húp của Manju.  Nước mắt đã chảy thành những giòng trong khuôn mặt trát bột đỏ của nó.  
“ Đợi một phút,” Siju nói.  Ảnh ghé mặt sát vào Manju.  “ Guna nói mày muốn đi Tàu,” ảnh nói.  “ Còn muốn đi không?”


Ảnh đả làm một bộ chìa khóa phụ.  Ở Hospet.  Một cái chìa khóa xe mới, sáng trưng màu bạc.  Nhìn nó làm tôi cảm thấy sao sao ấy.
Mùi dầu mỡ trong sân đậu xe tải sực lên trong mũi tôi.  Tôi nói thầm,  “ Nếu biết được thì ông Subbu sẽ đuổi anh. Appa sẽ giết anh.”
“ Im miệng lại,” Siju nói bằng giọng bình thường.  “ Ông Subbu! Appa! Bộ mày tưởng tao sợ à?  Một là đi hai là ở, nhưng đi thì câm cái miệng lại. “
Ảnh trèo lên xe.   Manju cầm bàn tay ảnh đưa ra một cách hờ hững như cầm một thanh gỗ.  Ảnh để mặc tôi trèo vào một mình.  Khi tôi đóng cửa  xe thì ảnh cho chiếc chìa khoá bóng nhoáng vào ổ khóa.
“ Họ sẽ nghe thấy,” tôi nói.
“ Không,” ảnh nói dứt khoát rồi vặn chìa khóa mở máy.  Tiếng nổ to như sấm vang dội khắp nơi.  Tôi nhắm mắt đợi chờ một tiếng la, một ánh sáng rọi vào mặt, cảm giác nhẹ nhõm khi bị phát giác.  Nhưng không ai tới.  Thành phố lều vẫn tối ngoại trừ tia sáng le lói của than còn cháy.  Bầu trời đáp lễ bằng tiếng sấm thật.
Siju không bật đèn, chiếc xe trôi lững lờ ra khỏi bãi đậu, ra khỏi trạm cân, ra khỏi sân nhập trại, đi vòng quanh chu vi và ngôi trại quay im lặng trên trục như một quả cầu đen ngòm, con đường đất không thể thấy được.
“ Chuẩn bị,” tôi nghe Siju nói.  Ảnh có vẻ điềm tĩnh.  “ Sẵn sàng.  Đi.”
Và rồi tôi cảm thấy áp lực nhẹ bớt, chiếc xe tải gia tăng tốc độ, và chúng tôi đi xuống dốc, gió lùa qua cánh cửa, hít vào đầy phổi.  Tôi cảm thấy vai Manju chạm vai tôi, và hai tay Siju ôm tay lái, sàn xe rung nhẹ dưới chân, và bỗng nhiên tôi thấy tỉnh táo, tỉnh như sáo, lòng tràn đầy khí lạnh của ban đêm.
Siju bật đèn pha, và tôi thấy là chúng tôi không còn trong vùng đất của khu mỏ; tất cả đã để lại phía sau, và cây cối loé chạy qua, những cành thấp quệt thành xe.  Không đủ thời giờ để cảm thấy gì vì còn phải giữ thăng bằng để vai khỏi đập vào cửa.  Chiếc xe cán lên những tảng đá đủ lớn để từ trên nhảy xuống.  Siju chồm người ra phía trước mà lái, không hề giảm tốc độ, và chiếc xe tải nẩy, xô, ống nhún kêu ken két, và trong cái tia sáng màu vàng của đèn pha tôi thấy mặt đất như nhảy chồm vào mặt trước khi bị nuốt đi mất hút.    Những ngọn đồi ở xa  trở nên gần hơn, và tôi không biết Siju có định lái lên tới đỉnh, hay xa hơn thế nữa.  Tôi muốn như vậy.  Tôi muốn anh ấy lái mãi.  Còn lái thì còn an toàn.
Nhưng rồi anh ngừng lại, để máy chạy không cho đến khi tắt hẳn.  Chúng tôi đang ở giữa một chốn đồng không mông quạnh; vùng hầm mỏ như thuộc về một nước khác.  Con đường xa tít mịt mù cả hai hướng.  Cây cối không giúp định hướng.  Chúng chỉ đẽo ra những hình dạng tối tăm trong tăm tối.  Siju buông tay khỏi vô-lăng và lùa vào tóc.  Ngực Manju phập phồng dưới lần áo đồng phục.  Nó nhìn thẳng về phía trước, qua cái kính chắn gió bụi bặm, ngay cả sau khi chúng tôi đã ngồi đó thật lâu trong yên lặng.
“ Huy chương vàng,” tôi nghe tiếng Siju thì thầm.
Tôi há miệng rồi lại đóng miệng lại; điều muốn nói bị vỡ vụn và trở thành một mớ chữ lộn xộn.
“ Đáng lý không nên mang Guna theo,” Manju nói.  Tôi rùng mình khi nghe tên mình được nhắc tới, như đã bị đổ tội.  Cho tất cả.  Như tất cả mọi chuyện xảy ra đều do lỗi của tôi.
“ Sao không?” Siju nói.  “ Nó đáng được đi lắm chứ.  Em có biết là nó đến gặp cả thằng cha Subbu hôm nay để xin làm tài xế xe tải không?  Tất cả chỉ vì em.  Thấy có dễ thương không? Dĩ nhiên là thằng khốn nạn đó nói không.  Phí thì giờ vô ích.  Thằng Subbu còn mắc dùng hai bàn tay phì nộn đó với em---”
“ Bộ anh tưởng tôi sung sướng lắm sao?” nàng nói.  Nàng nói với cái kính chắn gió, với cái đồng không mông quạnh.  “ Ông ơi, làm ơn cho vài đồng mua thuốc cho mẹ.  Ông ơi, làm ơn cho vài đồng trả tiền giải phẫu cho mẹ.  Ông ơi, mẹ lại ho rồi.  Bác sĩ nói phổi yếu.  Ông ơi, làm ơn cho vài đồng trả tiền bác sĩ.  Anh tưởng đứng trân người ra đó, để nó làm gì thì làm, sung sướng lắm sao?  Thằng cha bủn xỉn, chỉ cho lắt nhắt ít tiền để phải trở lại xin nữa.”
Tôi có thể thấy được là Siju ngạc nhiên và lúng túng.  “ Em có thể làm---”
“ Năm chục ruppe một ngày!” Manju nói.  “ Ngay cả nếu làm ngày làm đêm cũng không đủ tiền thức ăn.  Anh sao có lúc ngu quá.  Ngay cả Guna còn sáng dạ hơn.”  Nói xong nàng như muốn xụm xuống.  Tôi cảm thấy vai nàng bỗng trĩu nặng xuống.
“ Manju,” tôi nói.  Chẳng có lý do gì, chỉ muốn gọi tên thôi.
Siju ngồi yên lặng một thôi một hồi, rồi phát ra tiếng như bị ai bóp cổ, như sắp sửa đi đến một quyết định không muốn làm.  Anh mở cửa và nhảy ra ngoài.
“ Đi ra,” anh nói với Manju.
Tôi dợm chực đi ra.
“ Không, mày ở lại.” Siju nói.
“ Nhưng mà---” tôi bắt đầu nói.
“ Guna, ở lại.”  Manju nói bằng một giọng mệt mỏi.
Tôi cắn môi.  Manju choàng tay qua vai tôi, kéo lại gần.  Tôi ngửi được mùi kim loại trong tóc nàng  Tôi chưa bao giờ ngửi được một mùi gì mà sinh động như vậy.  Đó là một mùi có hình dạng và góc cạnh vững chắc như một cao ốc.  Và rồi bỗng dưng, chẳng có lý do gì cả, tôi nghĩ đến bà vợ ông hàng xóm,  người còn sống sót sau khi ông chồng toan đốt cả nhà.  Sau đó bà sống trong sân đền thờ, ông cha cho ăn.  Có khi bà lấy phân bò khô đội lên đầu như một cái nón và ngồi nhìn người qua lại.  Chẳng biết tại sao lúc ấy lại nghĩ đến bà.  Và trong khi đó thì Manju nhích ra xa, sang ghế tài xế, chân thò xuống đất.  Nàng nhảy xuống, kêu cái hự.
Tôi nghe tiếng hai đứa đi vòng quanh xe tải, nghe tiếng leng keng của mắt xích và tiếng cọt kẹt rỉ sét khi cái panel phía sau được hạ xuống.  Tôi cảm thấy rung chuyển của những cử động truyền trên sàn xe.  Nghe tiếng lạo sạo và biết Siju đang trải miếng vải dầu ra sau.  Qua lần kim loại, qua lớp da giả nệm xe, qua răng cưa, khớp số và máy móc, tôi cảm thấy được chuyển động của hai người, của xác thịt đè trên xác thịt.  Tôi nghe Siju nói nhỏ cái gì nhưng không nghe thấy tiếng trả lời của Manju.
Và rồi tôi không muốn nghe nữa, nên nằm nghe tiếng côn trùng trong bụi rậm, tiếng chó tru đêm từ những ngôi làng đèn treo xa xa, tiếng gió thổi sát mặt đất, quét lá khô lại thành từng đống.  Màn đêm khiến âm thanh trở nên mênh mông, bao la hơn hầm mỏ, nơi mà ban ngày có vẻ quá to lớn với tôi.  Cái gì cũng khác hẳn khu trại, nơi âm thanh hoặc là tiếng máy, nâng hàng chất hàng, đổ đất đào đất, hay tiếng người, ăn, ngáy, khóc, chửi.
Một cơn gió thoảng, phớt nhẹ trên má, mang theo mùi mưa.  Mai hết có làm được, đất ướt khó đào, quặng thì trơn trượt, và vũng nước đọng thành hồ.  Người lớn sẽ trượt chân, chửi thề.  Con nít thì xô đẩy lẫn nhau, thành một trò chơi thô bạo.  Xe tải sẽ bị kẹt, bánh xe quay tít, bắn bùn khắp nơi, và mọi người sẽ phải bỏ thời giờ mà đào nó ra.  Sẽ có đầy bùn đỏ trong kẽ cùi chỏ, trong móng tay, trong lỗ tai.  Và khi tối đến thì than sẽ không đốt được.
Tôi bỗng cảm thấy không thể di động được, như thể những ngày và tuần và tháng và năm sắp tới đang chồng chất lên người tôi như những tấn quặng, đè tôi vào bóng đêm, và rồi tôi nhịch người sang ghế tài xế và cầm cái chìa khóa bóng nhoáng đang thò ra từ ổ công tắc như chào đón.  Tôi cố moi đầu óc nhớ lại người ta làm như thế nào.  Tôi nhích đít ra tới cạnh ghế để đạp pê-đan côn.   Tôi bật chìa khóa và chiếc xe tải nổ máy.  Tôi đợi một giây, nín thở, rồi hấp tấp nhả bàn đạp côn và đạp ga.  Chiếc xe nhẩy chồm lên, rồi chạy tới vài feet, và thái dương tôi đụng cánh cửa mở xuống nửa chừng.  Tôi rờ tay lên thấy máu.  Chiếc xe giật giật rồi chết, và tất cả trở về im lặng.
Siju giật mạnh cánh cửa và lôi tôi ra khỏi xe.  Ảnh nắm cổ áo và lắc tôi.
“ Mày làm cái gì vậy?” ảnh nói.  “ Sao ngu dữ vậy?”
Khi tôi không trả lời thì ảnh buông áo tôi ra.  Quần ảnh chưa kéo phéc mơ tuya lên và tôi thấy cái tà hình chữ vê thòng ra ngoài.  Ảnh thấy tôi nhìn nên nói, “ Cái gì mày?”
“ Không có gì hết.”
“ Cứ nói đại đi, Guna.”
“ Không có gì hết,” tôi nói.
Ảnh kéo phẹc mơ tuya lên.
“ Vậy thì trèo vào,” anh nói.  “ Đi về nhà.”
“ Còn Manju thì sao?” tôi hỏi.
“ Nó muốn ngồi sau.”
“ Lát nữa sẽ mưa,” tôi nói.  “ Thế nào cũng ướt.”
“ Leo lên xe đi ông nội,” Siju nói.  “ Không cãi nữa.”


Ngồi trong xe tôi khoanh người, cố giữ cho tỉnh ngủ.  Hơi lạnh vẫn lùa vào và tôi muốn đóng kín cửa nhưng Siju mở cửa bên ảnh, cùi chỏ chống thành xe, đầu tựa vào tay, còn tay kia thì lái xe.  Ảnh giờ lái chậm, tránh ổ gà.  Chúng tôi đi ngang qua một tảng đá, trắng như một bóng ma, mà lúc đi không nhớ có qua.  Tôi khoé mắt liếc nhìn ảnh, ông anh nặng mặt sa mày của tôi.  Chẳng phải là một ông vua nào cả mà là một thằng tài xế xe tải mười bốn tuổi làm cho một hầm mỏ Bellary.
“ Thế bây giờ sao?” tôi hỏi.
Ảnh rút tay vào trong xe.  “ Cái gì sao?”
Tất cả mọi thứ, tôi muốn nói.  Nhưng tôi nói, “ Mẹ của Manju?”
Ảnh đợi một lúc rồi mới trả lời.  “ Thôi mày.  Mày đâu có ngu đâu.  Phải không?”
“ Mình có thể cho bả tiền học của tui,” tôi nói.
“ Để làm gì?” Ảnh nói như một ông già.  “ Để bả sống ba tháng thay vì hai tháng?”
Sau đó chúng tôi không nói chuyện.  Cây cối biến mất dần và mặt đường trở nên bằng phẳng hơn.  Khu trại hiện ra xa xa, gần như tối hẳn, trừ vài nhúm lửa cháy thâu đêm.  Siju đậu xe trong bãi đậu và nhảy ra.  Tôi vẫn ngồi lại trong xe.  Vài giọt mưa rơi trên kính cản gió, chảy xuống để lại những vệt dài bóng nhoáng.  Khi thức dậy thì cả trại sẽ ngập lụt.  Chuột sẽ bò ra tìm chỗ khô.  Munna sẽ đòi bú.  Amma sẽ đặt tay sau cái ót mềm như tơ để vỗ về nó.  Appa sẽ tát sạch nước đọng thành hồ trên nóc lều.  Amma sẽ cột cái sà rông cũ của Appa vào hai cây tre để làm cái võng cho Munna để khỏi bị chuột cắn.  Mẹ của Manju sẽ kiếm thế nằm thoải mái hơn để chờ mưa tạnh.  Tất cả chẳng có một cái lý do hay lô gích nào cả.  Chỉ có lặp đi lặp lại và thông lệ và sự rủi ro không thể tránh được.  Ngày mai ông Subbu sẽ uống Pepsi, và chúng tôi sẽ đào sắt.
Tôi nghe tiếng Siju gọi tên tôi, và tôi nghe thấy được sự hoang mang trong giọng ảnh.  Bây giờ trời mưa như tầm tã; tấm kính chắn gió là một lớp nước màu bạc.  Tôi đẩy cửa và tí nữa thì té ra ngoài.  Bàn chân tôi lún xuống lớp bùn mịn.  Siju đang đứng sau xe, tấm che phía sau mở ra.  Tóc ảnh xõa bê bết, phủ xuống mặt, và những giọt nước mưa đọng lại trên ngọn tóc.  Ảnh chỉ vào sàn sau chiếc xe tải, không nói một tiếng nào.  Tôi cố nhìn, tìm kiếm Manju, nhưng nàng không có ở đó.
Chúng tôi đứng đó, tưởng như một giờ, nhưng thực ra không tới nửa phút.  Tôi tưởng tượng nàng đang đi bộ ngang cánh đồng, mắt hướng về một thành phố không tên nào đó.  Nàng sẽ đi bộ hàng giờ đồng hồ, cho tới khi mệt thì nằm ngủ tại chỗ, lấy tay che mặt tránh mưa.  Tôi tưởng tượng hình ảnh nàng nằm co quắp dưới đất. Tôi tưởng tượng bộ đồng phục giặt sạch sẽ, trắng tinh, ngọn hải đăng soi lối dẫn đường cho những ai tìm tới, mà chẳng ai để mắt ngó xem.

Trong những tháng sau đó, Siju hút săng xe tải, bán rẻ cho cái tài xế khác, và khi mùa mưa chấm dứt thì đã có đủ tiền đóng học phí cho tôi.  Ảnh đưa tiền cho mẹ nhưng dấu không cho tôi biết, và tôi chưa bao giờ trực tiếp cám ơn ảnh.  Kể từ sau chuyến đi, chúng tôi ít nói chuyện.  Tôi để ý dòm chừng, sợ ảnh cũng biến mất, nhưng tối nào ảnh cũng về, có khi sau khi cả nhà đã ngủ say, ít khi cười, ít khi nói.   Tôi biết thỉnh thoảng ảnh có vác xe đi, nhưng không bao giờ cho tôi đi cùng.  Ảnh không còn nghênh ngang như trước, và lũ rửa xe có vẻ hơi thất vọng.  Sáng sáng tôi đi học và chiều lại trở lại trại mỏ.  
Tháng Tám năm sau, sau khi những hố nước đã khô cạn, ông Subbu đến hầm mỏ và tuyên bố cho mọi người nghỉ làm chiều hôm đó.  Ông mỉm cười khi họ reo hò mừng rỡ.  Rồi ông vào chiếc xe Esteem, lấy ra một cái tivi màu nhỏ và một đĩa vệ tinh và gắn vào máy phát điện, rồi ông đặt máy lên trên một cái bàn ọp ẹp.  Ông điều chỉnh ăng-ten cho đến khi màn ảnh có hình lập loè.  
Chúng tôi bu lại để ngắm nhìn sân vận động bên Trung Quốc muôn màu muôn sắc.  Chúng tôi xem người ta biểu diễn nhào lộn, đàn bà đeo lông chim và trẻ con vẽ mặt rực rỡ.  Chúng tôi ngắm nhìn pháo bông lấp lánh và những lực sĩ thon thả trong bộ quần áo thể tháo và những lá cờ bay các nước bay phần phật trước gió.  Chúng tôi nhìn sân vận động tràn đầy ánh đèn đỏ chói, và hàng ngàn người xếp hàng thành những hình dạng biến hóa ngoạn mục.  Hàng ngàn người khác vào chỗ ngồi, những khuôn mặt của họ rạng ngời cùng một vẻ ngưỡng mộ như chúng tôi.  Mọi người chúng tôi nhìn trong im lặng sửng sốt với cái đẹp mà chúng tôi đã tạo nên.























No comments:

Post a Comment