Muốn
Grace Paley
Tôi thấy ông chồng cũ tôi ngoài đường. Tôi đang ngồi trên bậc thềm thư viện mới.
Hello, sinh mệnh của tôi ơi, tôi nói. Đã từng lấy nhau được hai mươi bảy năm nên tôi thấy mình có lý do chính đáng. Chàng nói. Cái gì? Sinh mệnh nào? Chẳng phải của tôi đâu.
Tôi nói, O.K. Tôi không thèm cãi khi thực sự bất đồng. Tôi đứng dậy và đi vào thư viện xem thiếu họ bao nhiêu. Người quản thủ nói $32 chẵn; bà mượn đã mười tám năm. Tôi không chối gì hết. Vì không hiểu sao thời gian trôi như thế. Tôi đã giữ những cuốn sách ấy. Tôi thường hay nghĩ đến chúng. Thư viện chỉ cách có hai con đường.
Ông chồng cũ theo tôi tới quầy trả sách. Chàng ngắt lời người quản thủ đang còn muốn nói nữa. Phần lớn, chàng nói, khi anh nghĩ lại, anh cho là sự tan vỡ của chúng mình do em không bao giờ mời vợ chồng Beltram đến nhà ăn.
Rất có thể, tôi nói. Nhưng thực tình mà nói, nếu anh nhớ: trước hết, cha em bị ốm hôm thứ Sáu ấy, rồi nào là sanh con đẻ cái, nào là em phải đi họp mỗi tối thứ Ba, rồi chiến tranh bắt đầu. Rồi mình hết đi lại với họ. Nhưng anh nói đúng. Đáng lý ra em phải mời họ.
Tôi trả người quản thủ $32. Bả tin tưởng tôi ngay, bỏ qua chuyện cũ, xóa sạch hồ sơ, cái việc mà đại đa số các cơ quan thành phố và tiểu bang sẽ không làm.
Tôi mượn lại hai cuốn của Edith Wharton vừa mới trả bởi vì đã đọc lâu rồi và vì giờ chúng lại thích hợp hơn bao giờ hết. Đó là cuốn Căn Nhà Vui Nhộn và Con Cái, nói về sự thay đổi cuộc đời ở New York trong hai mươi bảy năm mươi năm qua.
Một điều vui anh vẫn nhớ là bữa ăn sáng, chồng cũ tôi nói. Tôi ngạc nhiên. Ngoài cà phê ra chẳng có gì khác. Rồi tôi nhớ cái lỗ đàng sau tủ bếp ăn thông với căn hộ kế bên. Bên đó họ luôn luôn ăn thịt heo muối ngào đường. Nó cho bữa ăn sáng chúng tôi có cái vẻ sang trọng, mà lại không bị ăn no bội thực.
Hồi đó mình nghèo, tôi nói.
Thế mình có giàu hồi nào đâu? chàng hỏi.
Chà, thì dần dà sau đó, khi trách nhiệm nhiều hơn, mình cũng đâu có túng thiếu. Anh cũng kiếm đủ, tôi nhắc chàng. Con cái đi trại mỗi năm bốn tuần và cũng đầy đủ chăn mền giầy dép như mọi người. Tụi nó trông cũng không đến nỗi tệ. Mùa đông nhà cửa ấm áp, và mình cũng
gối xanh gối đỏ.
Anh muốn thuyền buồm, chàng nói. Còn em thì chẳng muốn gì.
Đừng có cay đắng, tôi nói. Chưa có trễ đâu.
Không, chàng nói một cách đầy cay đắng. Anh có thể sẽ mua một cái du thuyền. Chẳng dấu gì, anh đặt cọc mua một chiếc thuyền hai cột buồm. Năm nay anh khá, năm tới còn khá hơn. Nhưng còn em thì đã quá trễ. Em chẳng bao giờ muốn cái gì.
Suốt hai mươi bảy năm trời, chàng có cái thói quen đưa ra những nhận xét bén nhọn mà, như
sợi cáp của thợ ống nước, có thể thông qua lỗ tai, xuống tới cổ họng, xoáy thẳng vào tim. Rồi thì chàng biến mất, để tôi ở lại hóc nghẹn với thiết bị. Ý tôi nói là, tôi ngồi xuống bực thềm thư viện và chàng đi mất.
Tôi đọc lướt cuốn Căn Nhà Vui Nhộn, nhưng hết còn hứng thú. Tôi cảm thấy bị lên án cùng cực. Của đáng tội, tôi không đủ yêu cầu và đòi hỏi tuyệt đối. Nhưng tôi cũng muốn cái gì đó.
Chẳng hạn như, tôi muốn mình là một người khác. Tôi muốn là típ đàn bà mang trả sách trong hai tuần. Tôi muốn làm công dân năng nổ, cải tổ hệ thống giáo dục và nói chuyện với Hội Đồng Thành Phố về những vấn nạn của trung tâm đô thị mến yêu này. Tôi đã hứa lũ con sẽ chấm dứt chiến tranh trước khi chúng khôn lớn.
Tôi muốn sống đời với một người, chồng cũ hay chồng bây giờ. Cả hai đều có đầy đủ chí khí cho trọn một cuộc đời, mà nghĩ cho cùng, cũng chẳng phải là một thời gian dài lắm. Mình đâu thể vét kiệt phẩm chất của hai chàng hay nấp bóng lý trí của họ trong một cuộc đời ngắn ngủi.
Mới sáng nay tôi nhìn ra cửa sổ để ngắm đường phố một lúc và thấy rằng những cây ngô đồng
tí teo mà thành phố đã trồng một cách mơ mộng vài năm trước khi con tôi ra đời nay đã đến kỳ rực rỡ nhất.
Thôi! tôi quyết định mang hai cuốn sách trả thư viện. Chứng tỏ là khi một người hay một sự kiện đến làm tôi bừng tỉnh thì tôi có thể hành động thích đáng, mặc dù ai cũng biết tôi là người nhã nhặn.
No comments:
Post a Comment