Monday, July 20, 2015

Thê Thiếp Thành Quần (Lắm Vợ Nhiều Nàng Hầu) - Tô Đồng


Thê Thiếp Thành Quần  (Lắm Vợ Nhiều Nàng Hầu) - Tô Đồng
Bản dịch Anh Ngữ bởi Michael S. Duke
Raise The Red Lantern ( Đại Hồng Đăng Lộng Cao Cao Quải  大红灯笼高高挂)  đạo diễn bởi Trương Nghệ Mưu.

Một

Khi người ta đem dì tư Liên về nhà họ Trần, nàng mới lên mười chín.  Bốn gã kiệu phu khiêng nàng vào hoa viên qua cổng sau phía Tây.  Những gia nhân đang giặt giũ bên giếng bỗng thấy chiếc kiệu đi qua cửa nguyệt môn và một nữ sinh viên trẻ mặc váy đen áo trắng bước ra.  Họ tưởng là cô con gái lớn đi học ở Bắc Bình về chơi nhưng khi chạy tới nghênh tiếp thì mới biết là không phải.  Cô sinh viên này mặt mũi dính đầy bụi bặm và trông có vẻ mệt mỏi.  Tóc Liên cắt ngắn và cột lại bằng một giải khăn lụa mầu xanh dương.  Mặt nàng tròn, không trang điểm và nước da hơi tái.  Liên bước ra khỏi kiệu, đứng trên thảm cỏ và nhìn vào khoảng không; Chiếc va-li bằng mây để dưới chân.  Dáng người thon thả của Liên trong ánh sáng mùa thu    tỏa ra một vẻ mỏng manh và yếu ớt; Trông nàng như một con búp bê giấy, ngơ ngác không hồn.  Lũ gia nhân để ý thấy nàng lấy tay áo chùi mồ hôi thay vì dùng khăn tay.
Liên nói với Nhạn, lúc ấy đang giặt the lụa bên thành giếng  “ Để tôi rửa mặt.  Ba ngày rồi chưa rửa.”
Nhạn kéo một thùng nước lên và nhìn Liên nhúng mặt xuống nước; Thân hình uốn cong của nàng lắc lư như chiếc trống lưng ai gõ.  
Nhạn hỏi, “ cô có muốn xà-phòng không?”  Liên không nói gì, Nhạn hỏi lại, “ Nước lạnh quá phải không?” Liên vẫn không trả lời.  Nhạn quay lại đám đầy tớ gái, nháy nhó, che miệng cười.   Lũ người làm tưởng người khách mới cũng là một người bà con nghèo của Trần gia.  Mà đám bà con nghèo thì họ chỉ nhìn qua là biết vai vế, địa vị rồi.  
Liên đột nhiên quay lại hướng họ.  Rửa mặt xong, mặt mũi nàng trở nên tỉnh táo hơn; Nàng nhíu hai hàng lông mày nhỏ và đen.  Liên lườm Nhạn và nói, “ Đứng đó mà cười như con điên hả?  lau mặt cho tao.”
Nhạn vẫn cười.  “ Làm gì dữ vậy? bộ tưởng là bà nội người ta hả?”
Liên xô mạnh Nhạn ra một bên, nhấc chiếc va-li mây lên, bước đi và quay lại nói, “ Rồi chúng mày sẽ biết tao là ai.”

Hôm sau mọi người mới biết là Trần Tả Thiên lão gia mới lấy Liên về làm vợ thứ tư.  Nàng sẽ ở cánh Nam cạnh vườn đàng sau, kế bên phòng dì ba Mai San.  Lão cho Nhạn về làm tì nữ riêng cho Liên.
Nhạn sợ hãi khi đến gặp Liên và cúi đầu nói, “  Chào Tứ Nương.”
Liên chẳng nhớ Nhạn là ai, nói chi chuyện lỗ mãng hôm qua.    Liên mặc bộ sường sám lụa hồng, đi giầy thêu.  Mặt mũi nàng hồng hào và khả ái hơn.  Liên lôi Nhạn lại, nhìn từ đầu xuống chân rồi nói với Trần Đại Gia, “ Trông nó cũng không đến nỗi quá tệ.” Rồi nàng bảo Nhạn.
“ Ngồi xổm xuống khám tóc xem nào.”
Nhạn ngồi chồm hổm trong khi Liên rờ đầu rờ tóc nó. “ Mày có chấy không? tao sợ chấy lắm.”
Nhạn cắn răng không nói.  Bàn tay Liên như lưỡi dao xâm soi vào trong tóc khiến nó hơi đau.  
“ Tóc mày có gì sao hôi vậy; lấy xà-phòng thơm mà gội ngay đi.”
Nhạn đứng yên, tay buông thõng.  Trần Tả Thiên trừng mắt.  “ Mày không nghe Tứ Nương nói gì sao?”
Nhạn nói, “ Con mới gội hôm qua.”
Trần Tả Thiên quát to, “ Không được cãi; cô bảo đi gội là đi gội.  Ông lại tẩn cho một trận bây giờ.”
Nhạn múc một thau nước và gội đầu dưới bóng cây táo dại.  Nó thấy mình bị đối xử bất công;  Nỗi hận thù và lòng phẫn nộ như đá tảng đè nặng lên tim.  Giây phơi quần áo giăng giữa hai cây táo dưới ánh nắng buổi chiều.  Áo trắng váy đen của dì Tư phất phơ trong gió.  Nhạn nhìn trước nhìn sau không thấy ai và nhổ một bãi nước bọt vào áo, một bãi vào váy.


Trần Tả thiên lấy Liên về làm vợ bé năm ông năm mươi tuổi.  Ngày mang Liên về, bà Cả Như cũng không hề hay biết.  Khi lão Trần mang Liên đến gặp, bà đang ở trong Phật đường niệm kinh lần tràng hạt.  Lão giứi thiệu, “ Đây là bà cả của ta.”
Khi Liên vừa định bước tới chào thì bất chợt giây chuỗi hạt đứt làm những hạt châu tử rơi lăn lóc đầy nhà; bà Cả đẩy vội ghế, quì xuống nhặt hạt lên, miệng lẩm bẩm, “ Nghiệp chướng, nghiệp chướng.”  Liên chạy lại giúp nhưng bà đẩy ra và vẫn lập đi lập lại, “Nghiệp chướng, nghiệp chướng.”   Liên nhìn bà Cả, thân hình phì nộn, bò lê sàn nhà nhặt hạt chuỗi, che miệng cười.  Nàng đưa mắt nhìn Trần Tả Thiên, lão nói,  “Được rồi, đi đi.”

Khi ra khỏi Phật đường Liên hỏi Tả Thiên, “ Bộ bà ấy là sư bà thật hả?”
“ Sư với sãi cái gì.  Nhàn rỗi chẳng có việc gì làm nên tụng kinh gõ mõ đấy thôi.”  Tả Thiên nói.

Bà nhị nương Cát Vân niềm nở mời họ vào phòng và cho thị tì mang ra nào là hạt dưa, nào là hạt hướng dương, nào là hạt bí, và đủ loại mứt cho Liên ăn.  Ngồi xuống là dì Hai Vân khoe liền.  “ Này này, mấy thứ này tôi phải cho người lên tận Tô Châu mới mua về được đấy.  Vùng này làm gì có thứ ngon như thế này.”
Liên ngồi cắn hạt dưa một lúc thì chán và đưa mắt ra dấu cho Tả Thiên nhưng ông có vẻ thích ở lại nên cứ lờ tít đi.   Xem thế đủ biết Tả Thiên dấu ái bà nhị nương này hơn mấy bà khác.  Dì Hai Vân có khuôn mặt phúc hậu và thanh tú tuy không dấu được những nếp nhăn và nhiều chỗ da chảy xệ.  Bà có tướng quí phái, ra vẻ con nhà đàng hoàng.  Bà thuộc loại đàn ông mê và đàn bà thích.  Liên không ngần ngại, chị chị em em với bà dì Hai này liền lập tức.  

Trong ba bà thì phòng bà tam nương Mai San gần phòng Liên nhất vậy mà vẫn chưa gặp.  Liên nghe người ta nói là dì Ba sắc đẹp tuyệt vời và rất muốn gặp nhưng Tả Thiên không chịu dẫn đến.  “ Em cứ sang đi.  Gần mà.”
Liên nói,  “ Em sang mấy lần nhưng lần nào con ở cũng nói là chị ấy không được khoẻ và đóng cửa không cho vào.”
Tả Thiên khịt mũi nói.  “ Cứ lúc nào không vui thì bảo là ốm.  Cô ấy muốn quan trọng hơn cả ta.”
“ Vậy mà ông chịu à?”
“ Làm gì có chuyện đó.  Đàn bà làm sao mà quan trọng hơn đàn ông được.”

Liên đi sang khu mé Bắc và thấy cửa sổ phòng bà Mai San treo màn thêu ren màu hồng;  Một mùi hoa ngọt ngào từ bên trong tỏa ra.  Không nén được tò mò, Liên vén màn nhìn vào thì thấy cặp mắt Mai San ở trong nhìn ra.  Bốn mắt nhìn nhau trong thoáng giây rồi Liên ù té chạy.

Tối đến, Tả Thiên sang phòng Liên để ngủ.   Liên giúp ông cởi quần áo và đưa ông quần áo ngủ nhưng Tả Thiên từ chối nói,  “ Ta tối ngủ không mặc gì quen rồi.”  Liên quay đi nói, “ Tùy hỉ, không mặc gì cảm ráng chịu.”
Tả Thiên cười nói,  “ Nàng sợ thấy ta trần truồng thì nói đại cho rồi.”
Liên nói,  “ Em chẳng sợ.”  Tuy nói thế nhưng nàng đỏ mặt quay đi.  Đây là lần đầu nàng thấy người ngợm lão già.  Tả Thiên người xương xẩu nhưng con cu giương căng cứng.  Liên cảm thấy khó thở và hỏi, “ Sao mà lão gia gầy thế?”
Tả Thiên chui vào trong chăn trả lời,  “ Tại mấy con mụ vợ nó quần ta quá độ.”
Khi Liên nhoài người tắt đèn thì Tả Thiền ngăn lại nói.  “ Đừng tắt đèn.  Ta muốn ngắm em.  Tắt hết đèn thì còn thấy mẹ gì nữa.”
Liên rờ má lão và nói,  “ Sao cũng được.  Em chẳng biết gì, lão gia sao em vậy.”

Liên tưởng như mình rớt từ trên cao xuống, phần thì đau, phần thì chóng mặt, phần thì lâng lâng.  Lạ một cái là hình ản Mai San cứ chập chờn trong đầu.  Nàng nói, “ Bà đó thật là quái gở.”
“ Ai?”
“ Chị Ba đó.  Bả đứng đàng sau màn cửa theo dõi em.”
Tay Tả Thiên đang rờ vú đưa lên miệng Liên.  “ Không nói nữa.  Không nói nữa.”
Đúng lúc ấy có tiếng gõ cửa.  Cả hai đều giật mình.  Tả Thiên nhìn Liên lắc đầu rồi tắt đèn.  Một lúc sau tiếng gõ cửa lại tiếp tục.  Tả Thiên chồm người lên và giận dữ hét to,  “ Đứa nào gõ cửa đó?”
Tiếng con gái sợ sệt đáp lại.  “ Tam nương bị ốm, muốn gọi lão gia.”
“ Chỉ có nói láo.  Bảo với nó tao ngủ rồi.”
“ Tam nương ốm nặng lắm.  Không sang thì chết.”
Tả Thiên ngồi dậy suy nghĩ một lúc và lẩm bẩm,  “ Lại muốn cái gì không biết?”  Liên thấy ông có vẻ bứt rức nên đốc thúc,  “ Lão gia nên đi sang xem bả làm sao.  Nhỡ có gì…”

Tối đó Tả Thiên không trở lại.  Liên lắng nghe nhưng chẳng thấy gì động tĩnh.  Chỉ nghe thấy tiếng chim kêu bi ai vang vọng lại từ xa.  Liên nửa buôn bã, nửa thất vọng nên không tài nào chợp mắt được.  Sáng hôm sau khi trang điểm nàng thấy mình mắt quầng thâm đen.  Thừa biết cái trò của Mai San nhưng khi gặp Tả Thiên từ loan phòng đi ra Liên làm bộ hỏi thăm,  “ Thế lão gia có gọi bác sĩ cho tam nương không?”
Trần Tả Thiên mắc cở lắc đầu.  Lão trông kiệt sức, không nói nên lời; chỉ còn sức để bóp nhẹ tay Liên.

Lý do mà Liên đã đi học đại học một năm rồi mà phải về lấy Trần Tả Thiên cũng giản dị thôi: Vì xưởng trà bị phá sản nên cha nàng không đủ tiền trả học phí cho nàng.  Ngày về nhà, nàng nghe tiếng gào thét trong bếp; khi vào thì nàng thấy ông ngã gục bên thành bồn rửa, máu tươi chảy lênh láng.  Ông đã rạch cổ tay tự tử.  Nàng còn nhớ cảm giác tuyệt vọng khi ôm xác cha đã lạnh giá.  
Nàng muốn khóc mà không khóc được.  Nàng vẫn xử dụng bồn rửa để gội đầu chứ không sợ hãi như những người trong nhà.  Liên là người rất thực tế.  Và vì thế khi kế mẫu hỏi thẳng là nàng muốn đi làm hay lấy chồng, nàng đã trả lời tỉnh bơ,  “ Dĩ nhiên con sẽ lấy chồng.”
Bà kế mẫu hỏi thêm,  “ Muốn lấy chồng giầu hay chồng bình thường?”
Liên trả lời,  “ Dĩ nhiên là nhà giầu rồi.  Thế mà cũng phải hỏi.”
Bà kế mẫu nói,  “ Nhà giàu thì phải làm bé.”
“ Làm bé là gì?”
“ Là làm thiếp, là làm lẽ; là thân phận thấp hèn hơn.”
Liên cười lạnh lùng.  “ Thân phận, địa vị là cái quái gì? Thân con bây giờ mẹ muốn bán đâu thì bán.  Nếu còn nghĩ đến cha con thì bán cho nhà khá giả.”

Lần đầu Trần Tả Thiên đến thăm, Liên đóng cửa không gặp;  “ Gặp tôi tại nhà hàng Tây Phương,” nàng nói vọng ra sau cánh cửa.  
Tả Thiên nghĩ nàng là sinh viên nên đương nhiên không giống mấy cô gái quê khác.  Lão chọn bàn cho hai người tại nhà hàng Tây Phương rồi ngồi đợi.  Tả Thiên nhìn ra con đường mưa gió mịt mù mà lòng cảm thấy ấm áp, một cảm giác chưa từng có với ba cuộc hôn nhân trước.    Liên chậm rãi bước vào, tay cầm chiếc dù lụa in hình những bông hoa tinh xảo.  Tả Thiên mỉm cười sung sướng.  Liên trông trẻ đẹp và trong trắng.  Nàng ngồi xuống ghế đối diện và lấy trong ví ra một nắm đèn cầy.  Nàng nói nhỏ với Tả Thiền,  “ Gọi một cái bánh nhé.”
Tả Thiên cho người hầu bàn mang ra một cái bánh sinh nhật.  Liên cắm đủ mười chín ngọn nến trên cái bánh rồi mỉm cười ngắm.  Ánh sáng lung linh của những ngọn nến làm tôn vẻ đẹp mĩ miều của Liên.  Nàng hít một hơi dài rồi thổi tắt tất cả những ngọn nến cùng một lúc.
Tả Thiên nhớ mải cái hình ảnh Liên thổi tắt nấn.  Lão cảm thấy như Liên có một sức hút tuy mờ ảo nhưng vô cùng quyến rũ.  Là một người có nhiều kinh nghiệm phòng the nhưng  lão cũng phải mê say với kĩ thuật cũng như sự cuồng nhiệt của Liên trong nghệ thuật ái ân.  Không biết Liên vốn dĩ đã như vậy hay chỉ thay đổi để chiều chuộng lão, nhưng tựu chung thì Trần Tả Thiên rất thỏa mãn.  Mọi người từ trên xuống dưới trong Trần Gia Trang đều thấy được sự sủng ái thấy rõ của lão đối với Liên.


Thê Thiếp Thành Quần  (Lắm Vợ Nhiều Nàng Hầu) - Tô Đồng

Hai


Đằng sau vườn, nơi góc tường, có một giàn đằng la ( Wisteria Sinensis:Tử đằng, hay còn gọi là đằng la, là một loại dây leo, cũng ám chỉ người vợ lẽ.  Trong Đoạn Trường Tân Thanh có câu: “Trước hàm sư tử gửi người đằng la”)  Từ hạ sang thu, hoa nở trĩu cành.  Những chùm hoa màu tím như nhung lụa ấy lay nhẹ trước song cửa, theo ngọn gió hiu hiu của mùa thu.  Dưới giàn đằng la là một cái giếng và một cái bàn cùng vài băng ghế đá.  Khung cảnh mang một vẻ yên tĩnh và thoải mái, nhưng dường như đã lâu rồi không có ai lai vãng, và lối đi mọc đầy cỏ dại.   Cảnh làm Liên chạnh nhớ lại những lúc ngồi học bài dưới bóng mát tử đằng của thời đại học-tất cả như một giấc mộng đã qua.  Liên từ từ đi bộ lại, cẩn thận vén váy cao để tránh cỏ dại và côn trùng;  nàng thấy bàn ghế phủ dầy một lớp bụi và thành giếng thì rong rêu bám kín.  Nước giếng màu xanh đen với một lớp lá khô lưu cữu nổi bên trên.  Liên thấy hình bóng mình phản chiếu dưới nước và tiếng thở bị cuốn hút và âm vang u trầm.  Một luồng gió từ đâu thổi về làm tốc váy và nàng chợt cảm thấy một cái gì lạnh và cứng như đá cạ xát vào cơ thể.  Nàng quay đầu bỏ chạy về phòng và khi ngoái nhìn lại thì thấy hai, ba cụm hoa bỗng nhiên rụng xuống một cách khó hiểu.

Cô Hai Vân đang ngồi đợi Liên về.  Cô thấy vẻ lo lắng trên khuôn mặt Liên nên hỏi:  “ Có gì vậy em?”
“ Có gì đâu.  Em mới đi dạo ấy mà.”  Liên trả lời.  
“ Nước da em trông không tốt.”  Cát Vân nói.
Liên cười, nói là nàng vừa có kinh.  Vân cũng cười và lấy ra một xấp lụa.  “ Lụa Tô Châu thứ thiệt đó nha; cho em để về may áo đó.”
Liên đẩy tay Cát Vân.  “ Đâu có được.  Em chưa cho chị thì thôi chứ sao dám nhận quà của chị.”
“ Yên đi,”  Vân nói.  “ Nói thế sao được? khi thấy em dễ thương như vậy là chị nghĩ đến sấp lụa này liền.  Chứ như ngữ cái con ở kế bên thì có các tiền chị cũng không cho;  tính chị như vậy đó.”
Liên cầm sấp lụa, để lên đùi, rồi nói,  “ Chị Ba hơi khác người nhưng quả thật là đẹp.”
“ Đẹp cái gì? cạo mặt con đó thì phấn ra cả tảng.”
Liên cười và lái câu chuyện sang hướng khác.  “ Em vừa đi ra vườn chỗ đám hoa tử đằng chơi.  Em thích chỗ đó quá à.”
“ Em đến cái Giếng Tử Thần đó hả?” Cát Vân ré lên.  “ Đừng bao giờ ra đó.  Chỗ đó xui xẻo lắm.”
“ Tại sao chị lại gọi nó là Giếng Tử Thần?”  Liên hoảng hốt hỏi.
Cát Vân nói,  “ Hèn chi khi nẫy mặt mũi em trông như người mất hồn.  Ba người đã chết trong cái giếng đó rồi.”

xxxx

Tất cả các cậu ấm cô chiêu nhà họ Trần đều ở trong khu giữa .  Có lần Liên thấy hai đứa đào giun sau vườn; nhìn nét mặt tươi vui đầy vẻ hồn nhiên và ngây thơ, Liên biết ngay đó là hai chị em Ức Dung và Ức Vân, con của Cát Vân.  Nàng đứng nép vào một bên quan sát.  Chúng thấy nàng nhưng tiếp tục bỏ giun vào giỏ như không có ai.  Liên hỏi: “ Mấy con đào giun làm gì?”
“ Đi câu,”  Ức Dung trả lời, nhưng Ức Vân giương mắt nhìn Liên một cách xấc sược nói,  “ Mác mớ gì tới bà mà hỏi?”
Liên cảm thấy ngượng ngập khó chịu, toan dợm bước bỏ đi thì nghe hai đứa thì thầm,  “ Bả cũng là vợ bé như mẹ mình.”  Liên đứng sững, rồi trừng mắt giận dữ nhìn chúng.  Ức Dung cười khúc khích nhưng Ức Vân trừng mắt nhìn lại, không chút sợ hãi.  Liên thầm nghĩ,  “ Bấy nhiêu tuổi đầu mà đã ăn nói hỗn hào rồi.  Không biết bà Vân này bả dậy con kiểu gì không biết.”

Mấy ngày sau khi gặp lại Cát Vân, Liên mách lại chuyện hôm trước.  Cát Vân nói,  “ Cái con đó nói chẳng biết giữa mồm giữ miệng gì hết.  Lát về chị sẽ vặn họng nó.”  Sau khi xin lỗi, nàng nói tiếp.  “ Thực ra hai đứa đó kể ra vẫn còn dễ bảo.  Em chưa thấy cậu ấm nhà bên cạnh phải không?  Nó như một con chó, gặp ai cũng phun cắn.  Em bị nó cắn chưa?”
Liên lắc đầu.  Nàng nhớ hình ảnh thằng bé Phi Lan đứng giữa sân ăn bánh, chân đi giầy da, tóc bóng láng chải ngược.  Đôi khi có thể thấy nét của Trần Tả Thiên trên mặt.  Có lẽ Liên sẵn sàng chấp nhận Phi Lan hơn vì nàng hy vọng có thể sanh được cho cho Tả Thiên một mống con trai khác.  “ Có con trai vẫn hơn,” Liên thầm nghĩ,  “ Có cắn người cũng chẳng sao.”
Mãi lâu sau mà Liên vẫn chưa gặp con bà Cả Như là đủ biết vai vế họ quan trọng thế nào trong gia đình họ Trần.  Liên thường nghe chuyện về người con trai Phi Phố và người con gái Di Huệ.  Phi Phố thường hay đi thâu tiền nhà và mua bán nhà cửa trong khi Di Huệ đi học tại một trường đại học nữ tại Bắc Bình.  Khi hỏi về Phi Phố thì Nhạn trả lời:  “ Đại công tử chúng tôi là người rất tháo vát.”
“ Tháo vát như thế nào?”
“ Cả nhà họ Trần trông vào cậu ấy đó.”
“ Còn đại tiểu thư thì sao?”
“ Đại tiểu thư nhà chúng tôi người thì đẹp mà tánh nết lại đoan trang; thể nào cũng lấy một đại gia.”
Liên cười thầm trong bụng.  Cái giọng con Nhạn này, ngoài miệng thì khen chủ nhưng thực ra bên trong ngầm chỉ trích nàng.  Liên bực mình đá con mèo đang cuộn tròn dưới chân ra một bên.
Mỗi ngày Liên một ghét con Nhạn hơn.  Rỗi rãi không có chuyện gì làm là nó chạy sang phòng Mai San.  Bắt nó giặt quần áo thì nó sưng mặt lên một đống.  Có khi Liên chửi nó. với mọi người “ Tại sao mặt mày lúc nào cũng cau có như vậy? Nếu không thích thì bảo một tiếng tao cho mày về ở khu gia nhân, hay nếu muốn thì sang ở cho con mẹ bên kia đi.  Tao không cần.”
Nhạn chống chế.  “ Con đâu dám.  Con đâu dám cau mặt.  Mặt con cha sinh mẹ đẻ nó sẵn như vậy rồi.”
Liên vớ được cái lược ném vào nó thì nó im miệng lại.  Liên đoán chắc là nó nói xấu nàng với mọi người nhưng không dám quá nghiêm khắc với nó vì có lần thấy lão Trần bóp vú nó.  “ Một con a hoàn tầm thường mà dám lên mặt chỉ vì được chủ bóp vú.  Đàn bà là thế.”

Ngày tám tháng chín âm lịch, một ngày trước Tết Trùng Cửu, Đại Thiếu Gia về nhà.  Liên đang ngắm hoa cúc trong sân thì thấy Đại Nương Dục Như và một lũ gia nhân bu quanh một nhóm đàn ông; người chính giữa trẻ tuổi, mặc đồ trắng, và có tướng tá cao ráo.  Liên đoan chắc đó là Phi Phố.  Nàng nhìn gia nhân đẩy xe hành lý ra hậu viện.  Mọi người vào nhà nhưng Liên mắc cở nên ngắt mấy đóa cúc rồi đi chậm rãi ra vườn sau; nàng gặp Cát Vân và Mai San dắt một lũ con theo sau.  Cát Vân nắm tay nàng nói,  “ Đại Thiếu Gia đã về nhà, sao không ra gặp?”
Liên trả lời: “ Thiếu Gia đến gặp em thì phải hơn chứ?”
Mai San sốt ruột đẩy đầu Phi Lan.  “ Lẹ lên, lẹ lên.”
Liên gặp Phi Phố ở bữa ăn tối.  Tối hôm đó, Tả Thiên cho nhà bếp chuẩn bị đại tiệc ăn mừng Phi Phố về nhà.  Mặt bàn đầy sơn hào hải vị xa hoa.   Hồi nàng mới về nhà này, bữa tiệc chào mừng đâu có thịnh soạn như vậy.  Phi Phố ngồi nó chuyện với bà Cả Như rồi quay sang Liên gật đầu cười.  Liên mỉm cười đáp lễ.  Liên thấy Phi Phố trẻ tuổi đẹp trai và có vẻ tử tế.  

Ngày hôm sau là ngày Tết Trùng Cửu.  Người làm vườn mang hết những chậu cúc đủ mầu đủ sắc vào và xếp thành những chữ Phúc, Lộc, Thọ.  Liên dậy sớm tản bộ ngắm hoa.  Trời buổi sáng gió hiu hiu lạnh mà nàng chỉ mặc có một áo lạnh ngắn tay.  Khi thấy Phi Phố trên nhà đi xuống, Liên hơi ngần ngừ chưa biết có nên chào hỏi không thì cậu ấy lên tiếng: “ Chào Liên.”
Liên hơi ngỡ ngàng khi nghe Phi Phố gọi thẳng nhũ danh của mình; nàng gật đầu chào đoạn nói,  “ Theo vai vế thì cậu đâu có được gọi tôi bằng tên cái tên cột như thế.”
Phi Phố cười cười nói,  “ Đúng rồi, đáng lẽ phải gọi là tứ nương kia, nhưng Liên còn nhỏ tuổi hơn tôi cơ mà.  Dì năm nay bao nhiêu tuổi?”
Liên quay qua xem hoa, tỏ vẻ khó chịu.  “ Dì cũng thích hoa cúc à?  Tôi tưởng mình dậy sớm để thưởng hoa một mình, ai dè dì còn dậy sớm hơn.”
Liên nói,  “  Tôi thích hoa cúc từ bé rồi chứ đâu phải giờ mới thích.”
Phi Phú hỏi,  “ Dì thích loại nào nhất?”
“ Loại nào tôi cũng thích, ngoại trừ cúc càng cua.”
“ Tại sao vậy?”
“ Tại nó nở một cách trơ trẽn.”
Phi Phố cười nói,  “ Lạ nhỉ;  Tôi lại thích cúc càng cua nhất.”
Liên liếc xéo Phi Phố.  “ Tôi cũng đoán chừng như vậy.”
“ Tại sao?”
Liên nói,  “ Hoa chẳng là hoa và người chẳng nhất thiết là người; hoa là người mà người lại là hoa; một nguyên lý giản dị vậy mà không biết à?”
Liên chợt thấy trong ánh mắt của Phi Phố có một cái gì chợt loé lên rồi trôi đi mất; và nàng đã hiểu.
Phi Phố nói,  “ Thế thì tôi sẽ dẹp hết những chậu càng cua đi.”
Liên yên lặng nhìn Phi Phố lấy hết mấy chậu càng cua đi và thay thế bằng những chậu cúc đen.  Sau một lúc, Liên nói.  “ Hoa thì được nhưng mấy chữ này sáo quá.”
Phi Phú lau tay sạch bùn và nháy mắt với Liên.  “ Cái đó thì chịu thua.  Lão gia đã muốn Phúc, Lộc, Thọ thì phải là Phúc, Lộc, Thọ.  Vả lại đây là truyền thống gia đình từ đời cha ông để lại.”
Liên chợt cảm thấy hạnh phúc.  Giữa nàng và Phi Phú có một thông cảm thầm kín.  Cái tức cười là Liên chẳng có ghét cúc càng cua một chút nào.  

xxxx

Thê Thiếp Thành Quần  (Lắm Vợ Nhiều Nàng Hầu) - Tô Đồng


Ba


Lần nào ngủ với Tả Thiên, Liên cũng hỏi,  “ Trong bốn người, lão gia thích ai nhất?”
Tả Thiên nói,  “ Dĩ nhiên là nàng rồi.”
“ Còn Dục Như?”
“ Bà ấy thành bà già lâu rồi.”
“ Còn Cát Vân?”
“ Cát Vân cũng được nhưng thân hình không còn chắc.”
“ Còn Mai San thì sao?” Liên lúc nào cũng tò mò về Mai San.  “ Chị ấy gốc gác nơi đâu?”
Tả Thiên nói,  “ Chính nàng ấy còn không biết nói chi đến ta.”
“ Bộ chị ấy mồ côi hả?”
“ Cát Vân xưa là đào hát chính trong một gánh tuồng cổ Bắc Kinh.  Ta cũng là ca sĩ nghiệp dư.  Đôi khi ta đi vào hậu trường mời nàng đi ăn; rồi cái này dẫn đến cái kia, cuối cùng là nàng theo ta về nhà.”
Liên vuốt ve má Tả Thiên,  “ Bà nào chẳng muốn theo lão gia.”
Tả Thiên nói:  “ Nàng nói có phần đúng đó.  Bà nào chả muốn theo mấy cha có tiền.”
Liên cười nói,  “ Lão gia mới đúng có một nửa.  Mấy cha có tiền thì mê gái, không biết bao nhiêu cho vừa.”

xxxx

Liên chưa nghe Mai San hát bao giờ, nhưng sáng hôm đó nàng được đánh thức bởi vài câu hát, giọng sang sảng, chữ ngân nga, theo kiểu cổ nhạc Bắc Kinh.  Nàng thúc vào hôngTả Thiền, hỏi có phải Mai San hát không.  Tả Thiên, giọng còn ngái ngủ, trả lời  “ Con ngựa vía đó, vui thì hát, buồn thì khóc.”
Liên mở cửa sổ và thấy một lớp sương thu trắng như tuyết, bao phủ khắp không gian.  Một người đàn bà trang phục màu đen đang ca múa dưới cụm tử đằng.  Đó chính là Tam Nương Mai San.
Liên khoác áo choàng lên vai, đứng trong khuông cửa, mải mê nhìn ngắm Mai San.  Nàng để hết hồn vào bài hát, giọng ca ai oán khiến Liên cũng mủi lòng.  Mai San chợt ngưng hát khi thấy mắt Liên đẫm lệ.  Nàng phất tay áo lên vai và đi về hậu viện.  Búi tó tóc nàng quấn chặt thành củ tròn, đẫm ướt sương ban mai, và người nàng tỏa ra một nỗi sầu, như ngọn cỏ trước gió.  
“ Khóc chi em? Đang sung sướng mà sao lại khóc?”  Mai San hỏi bằng một giọng lạnh lùng.
Liên rút khăn mù soa chậm khoé mắt,  “ Em không biết.  Bài chị hát tên gì vậy?”
“ Tên là Người Đàn Bà Treo Cổ, em có thích không?”
“ Em chẳng biết tí gì về cổ nhạc; chỉ biết là chị hát hay quá làm em cảm động.”  Trong khi nói, Liên nhận thấy nét mặt Mai San thay đổi, hình như trở nên dễ thương hơn.  
Mai San cúi xuống nhìn trang phục sân khấu của mình, nói.  “ Chỉ là phường tuồng, chẳng có gì để mà buồn.  Diễn hay thì có thể gạt người, còn diễn dở thì chỉ gạt mình thôi. “
Có tiếng ho khù khụ nổi lên trong phòng Liên, nàng mắc cở liếc nhìn Mai San.  Mai San nói,  “ Không vào giúp ông ấy mặc quần áo à?”
Liên lắc đầu nói,  “ Ông ấy có phải là con nít đâu.  Ráng mà mặc lấy một mình.”
Tiếng Tả Thiên từ trong phòng hét ra.  “ Mai San,  vào đây hát ta nghe coi.”

Mai San nhướng đôi mày lá liễu, chạy lại cửa sổ và nói to,  “ Lão thái thái này chẳng thèm đâu.”

Liên đã biết qua tính khí của cô này rồi.  Tả Thiên từng nói với nàng,  “  Cũng tại ta quá nuông chiều nàng.  Khi nổi cọc, nàng dám lôi tám đời tổ tiên ta ra mà chửi.  Con giặc cái đó có ngày biết tay ta.”
Liên nói,  “ Lão gia chẳng nên xử nặng với chị ấy;  chị ấy cũng đáng thương thôi; Không gia đình, không người thân và sợ lão gia bỏ rơi nên chị ấy tính khí hơi bất thường chút thôi. “

Sau đó liên hệ giữa hai người có phần ấm áp hơn.  Mai San mê mạt chược và có một nhóm chơi thường xuyên trong phòng; họ chơi từ sau bữa ăn tối cho đến khuya.  Bên kia tường, Liên nghe được tiếng lách cách của quân bài suốt đêm, không ngủ được.  Khi than với Tả Thiên thì ông nói,  “ Cũng phải ráng chịu thôi.  Khi Mai San chơi mạt chược thì bình thường hơn một tí.  Hết tiền cũng ráng mà chịu, ta không cho nữa.”

Có lần Mai San sai con ở sang mời Liên chơi nhưng Liên nhắn lời nói rằng: “ Chị nghĩ gì mà mời em chơi mạt chược.”  Sau đó đích thân Mai San chạy sang.  “ Chỉ có ba tay-thiếu một tay; Làm ơn đi mà.”
Liên trả lời,  “ Nhưng em không biết chơi, rồi thua hết thì sao?”
Mai San nắm tay Lien lôi theo.  “ Đi đi mà.  Em thua chị không lấy tiền đâu mà sợ.  Hay là thế này, nếu em thắng, em giữ, và nếu em thua, chị trả.”

Liên nói,  “ Cũng chẳng cần chị phải làm vậy; chỉ có điều là em không thích chơi thế thôi.”
Mai San chuyển nét mặt đang cười thành lạnh.  “ Làm cái gì mà dữ vậy? Bộ tưởng ngồi trên đống vàng chắc.  Cái thằng cha gia khô đét ai mà ham.”

Liên nóng mũi, định sổ nho nhưng dằn cơn nóng giận.  Nàng ngậm miệng làm thinh một lúc rồi nói,  “ Được rồi, em sẽ đi với chị.”
Hai người kia đã ngồi chờ sẵn. một người là ông quản lý  tên là Trần Tả Văn, còn người kia thì Mai San giới thiệu là bác sĩ.  Hắn đeo kính gọng vàng, da ngăm ngăm, và môi mọng đỏ như đàn bà.  Liên từng thấy hắn ra vào phòng Mai San và chẳng biết tại sao, không tin hắn là bác sĩ.

Liên chơi bài một cách lơ đãng.  Trong khi người ta hết la “ủ phình”, “ù tui tui” thì nàng chỉ biết chung tiền.  Cuối cùng nàng nói,  “ Nhức đầu quá, không chơi nữa.”
Mai San nói, “ Không chơi thì thôi, đã chơi thì phải chơi tối thiểu tám ván.  Chắc tại thua quá nên không vui đó thôi.” Trần Tả Văn xía vào,
“ Đừng có lo, đen bạc đỏ tình mà.”  
Mai San nói,  “ Coi như là em làm ơn cho Cát Vân đi.  Cho mượn thằng cha già một tối đi rồi cô ấy sẽ bồi hoàn số tiền thua bạc cho em ngay.”

Hai ông cùng bàn lăn ra cười.  “ Chị sao khéo pha trò thế.” Liên cũng cười nhưng trong bụng như nuốt phải bồ hòn.  
Liên không nói gì nhưng những liếc mắt đưa tình giữa Mai San và ông bác sĩ đâu có qua được mắt nàng.  Khi Liên cúi xuống nhặt quân bài rơi xuống đất thì thấy chân họ quấn vào nhau và rút về không kịp.
Liên không thay đổi nét mặt nhưng tránh nhìn Mai San và ông bác sĩ.  Tâm trạng nàng lúc đó khá phức tạp; phần thì quan tâm, phần lo sợ, nhưng cũng có phần thích thú.  “ Mai San ơi,” nàng nghĩ thầm,  “ Bà thật là phóng túng và lì lợm.”

xxxx

Trời mùa Thu ẩm thấp và mưa dầm dề những giọt rơi tí tách trên lá cây bạch dương.  Những lúc như vậy, Liên ngồi tựa bên song cửa mà lòng rối như tơ vò mà không biết tỏ cùng ai.  Nàng không hiểu tại sao mỗi khi ngoài trời u ám và mây mù thì dục tính của nàng lại nổi lên ào ạt.  Trần Tả Thiên chỉ biết mắc cở vì không thỏa mãn được nàng.  Lão nói,  “ Già rồi nó như vậy đó.  Chả lẽ xài thuốc mãi sao.”  Lão vuốt ve làn da ấm hồng cho đến khi toàn thân nàng rạo rực. Hết dùng tay rồi lại dùng lưỡi.  Liên nằm nghiêng trên ghế tràng kỉ, mắt nhắm, mặt đỏ phừng phừng.  Nàng rên rỉ.  “ Củng tại mưa gió mà ra.”

Tả Thiên không nghe rõ hỏi lại,  “ Em nói gì? dây chuỗi hả?”
“ Ừ, dây chuỗi.” Nàng nói cho qua chuyện.  “ Em muốn một dây chuỗi thật đẹp.”
“ Em muốn gì ta cũng cho,” Tả Thiên nói,  “ Chỉ có điều là đừng nói chúng nghe.”

Liên ngồi bật dậy.  “ Chúng?  Ai là chúng?  Kệ cha chúng nó.”
Tả Thiên nói,  “ Đúng rồi.  Chúng nó bì thế nào được với em”
Liên đẩy lão ra, mặc vội quần áo, và bước ra cửa sổ.  Tả Thiên hỏi làm sao vậy.  Liên quay đầu lại nói bằng giọng hờn giận, “ Hết hứng rồi.  Tại sao lại phải nhắc đến họ?”

Tả Thiên đứng ỉu xìu bên cạnh nhìn mưa rơi.  Những cành đằng la trong góc vườn theo gió đong đưa như bóng người thật.  Liên chợt nhớ đến cái giếng và những chuyện nghe kể.  Nàng nói,  “ Cái vườn này âm u quá.”
“ Âm u là làm sao?”
Liên chu mỏ nhìn về hướng bụi đằng la.  “ Cái giếng đó.”
Tả Thiên nói,  “ Ôi dào, có mấy người nhẩy xuống đó tự tử chứ có gì đâu.”
“ Ai vậy?”
“ Em không biết đâu.  Mấy người gia đình mấy thế hệ trước.”
“ Vợ bé hả?”

Mặt Tả Thiên chợt trở nên nghiêm trọng,  “ Ai nói em vậy?”
Liên cười:  “ Chả ai nói hết.  Chính mắt em thấy hai người đàn bà nổi lềnh bềnh dưới đáy giếng; Một người giống em, người kia cũng giống em luôn.”
“ Đừng nói chuyện nhảm nhí nữa.  Mà cũng đừng ra đó nữa.”

Liên yên lặng một hồi lâu rồi thốt lên,  “ Hèn chi vườn này nhiều giếng như vậy.  Đào ra cho người ta nhẩy xuống tự tử.”
Tả Thiên choàng vai ôm Liên.  “ Em càng ngày càng nói chuyện điên rồ.  Chỉ có giỏi tưởng tượng thôi.”  Trong khi nói lão cầm tay Liên nhét xuống dưới.  “ Nó tỉnh ngủ lại rồi.  Chết trong giường em, anh cũng sẵn lòng.”

Khu vườn trong cơn mưa mùa thu mang một màu ảm đạm, thê lương nên hành vi làm tình cũng có vẻ ma quái.  Mắt Liên chỉ thấy một mầu đen ngoại trừ vài đóa cúc trên bàn trang điểm là tỏa ra một ánh đỏ mờ.  Có tiếng động bên ngoài và Liên chụp chai nước hoa ném về hướng đó.  Tả Thiên hỏi,  “ Cái gì vậy?”
Liên trả lời,  “ Nó đang nhìn lén mình.”
“ Ai nhìn lén?”
“ Con Nhạn.”
Tả Thiên cười,  “ Có cái gì để nhìn? Vả lại nó không thể thấy mình được.”
“ Ông là chỉ tổ bênh nó thôi.  Mùi con chết tiệt đó thì xa cả cây số em cũng ngửi thấy.”





Thê Thiếp Thành Quần  (Lắm Vợ Nhiều Nàng Hầu) - Tô Đồng

Bốn



Trời sâm sẩm tối, một nhóm người quây quần trong vườn nghe Phi Phố thổi tiêu.  Phi Phố mặc áo lụa quần lụa, ngồi chính giữa trong khi người nghe, đa số là thương gia bạn, ngồi chung quanh.  Tiếng tiêu dìu dặt khiến Liên chạnh nhớ đến một chàng trai trẻ thời đại học.  Mặc dù chẳng có tình ý gì với hắn nhưng nàng rất nhậy cảm với những cái đẹp kiểu như vậy và tình cảm nàng sẵn sàng trào lên như gợn sóng hồ thu.  

Nàng đứng dậy, đi vào phòng và chợt nhớ là mình cũng có một cái sáo dài do cha nàng để lại, cất trong va-li.  Nàng mở va-li và một mùi ẩm mốc xông lên; những đồng phục nữ sinh không mặc, xếp ngay ngắn như thể là một quá khứ đã niêm phong.  Nàng lục khắp nơi nhưng không tìm thấy cây tiêu.
“ Nhạn ơi, lại đây,” nàng gọi.
Nhạn chạy lại: “ Tứ Nương, sao không ra nghe Đại Công Tử thổi sáo?”
Liên hỏi nó,  “ Mày có lục rương tao không?”
Nhạn trả lời,  “ Hồi đó cô sai con sắp xếp và gấp gáp quần áo của cô, cô có nhớ không?”
Liên hỏi,  “ Mày có thấy cây tiêu của tao không?”
“ Tiêu nào?” Nhạn nói,  “ Chẳng thấy tiêu nào hết.  Chỉ có đàn ông mới biết thổi tiêu thôi.”
Liên nhìn thẳng mắt Nhạn và cười nhạt,  “ Vậy là mày lấy cây tiêu của tao rồi, đúng không?”
“ Tứ Nương, đừng có mà ai cũng sỉ nhục như vậy; con ăn cắp cây tiêu của cô làm gì?”
“ Mày thì đủ trò ma đạo,” Liên nói,  “ đầu óc đầy mánh lới nhưng cứ ra vẻ như ta đây ngây thơ lắm.”  
“ Tứ Nương đừng có mà đổ vạ cho người ta như thế.  Không tin cô đi hỏi Đại Lão Gia, Đại Thiếu Gia, Đại Nương, Nhị Nương, và Tam Nương xem con có bao giờ ăn cắp một xu một hào nào của chủ bao giờ không?”

Liên không thèm để ý, chạy xộc vào căn phòng bé tí của nó, dẵm lên cái rương gỗ rẻ tiền của nó ra lệnh,  
“ Mày nói ngon vậy thì mở ra cho tao khám.”
Nhạn năn nỉ, “ Tứ Nương, con thực tình không có lấy cây tiêu của Tứ Nương.”

Nhìn vẻ sợ sệt của Nhạn thì Liên càng đoan chắc nó là thủ phạm.  Nàng nhặt cái rìu trong góc lên, nói  “ Tao sẽ đập tan cái rương của mày ra; nếu không có thì tao sẽ đền”  Nàng cắn môi, bổ rìu xuống, và quần áo, tiền cắc, và đủ thứ lẩm cẩm bắn văng tung toé trên sàn nhà.
Cây tiêu đâu chẳng thấy, chỉ thấy một cái gì cuộn trong tấm vải trắng.  Mở ra thì đó là một hình nhân bằng vải, ngực cắm ba cây kim, nhìn kỹ thấy hơi giống Liên.  Khi nàng lật lại thì thấy tên mình viết bằng mực đen sau lưng.  Liên cảm thấy ngực nhói lên như bị kim đâm.  Nhạn đứng nhìn Liên với ánh mắt kinh hoàng.  Liên rú lên, bay tới nắm tóc và dập đầu Nhạn liên tiếp vào tường,  “ Mày trù ẻo cho tao chết hả?”
Nhạn không còn sức vùng vẫy, đứng yên chịu trận và khóc nức khóc nở.  Liên sực nhớ là Nhạn không biết đọc, biết viết.  Nàng ngồi xuống lau nước mắt Nhạn và nhẹ nhàng nói,  “ Thôi đừng khóc nữa.  Lần sau đừng làm vậy nữa.  Nói tao nghe, ai viết cho mày?”
Nhạn vừa khóc vừa lắc đầu.  “ Tôi sẽ không nói đâu.  Không nói được.”

Liên nói,  “ Đừng có sợ.  Tao chẳng làm lớn chuyện làm gì.  Và cũng không ai biết mày nói đâu.  Bà cả phải không?” Nhạn lắc đầu.  “ Nếu vậy là Tam Nương?” Nhạn vẫn lắc đầu.  Liên nuốt nước miếng cái ực, giọng hơi run run,  “ Nhị Nương à?”  Nhạn im lặng không nói.  
Liên nhìn lên trời thở dài,  “ Đúng là khẩu phật tâm xà.”


xxxx

Tả Thiên hỏi Liên,  “ Bộ em mới khóc hả?”
Liên trả lời,  “ Không.  Lão gia đối xử quá tử tế, lý do gì mà em khóc?”
Tả Thiên nghĩ một hồi rồi nói,  “ Ngồi một chỗ chán thì ta đi dạo trong vườn, hay đi ra ngoài kiếm gì ăn cũng được.”
Liên hỏi thẳng,  “ Lão gia lấy cây tiêu của em làm gì?”
Tả Thiên ngần ngừ một lúc rồi nói,  “ Ta sợ nàng nghĩ đến ai khác nên dấu nó đi.”
Môi Liên nở một nụ cười nhạt.  “ Cả tấm lòng em để nơi đây, còn ai đâu mà nghĩ đến bây giờ?”
“ Vậy thì cây tiêu đó ai tặng em?”
“ Cây tiêu đó không phải là tặng vật mà là của gia bảo cha em cho em.”
Tả Thiên tỏ vẻ mắc cở,  “ Ta lại cứ tưởng của thằng sinh viên nào tặng cho em.”
Liên chìa tay ra  nói,  “ Thế thì đưa lại cho em lẹ lên.”
Tả Thiên càng mắc cở thêm.  “ Thật là đáng tiếc.  Ta đã cho người đốt nó rồi.”  Liên yên lặng, trên má ngấn hai giòng lệ.  

Tối hôm đó Liên nằm co người như con tôm và nhích ra xaTả Thiền, mặc cho lão vuốt ve làm hòa.  Lão đốt đèn lên, nói một cách bực bội,  “ Em cũng quá quắt lắm.  Chẳng lẽ ta giờ phải quì xuống lạy lục xin lối em sao?”
Liên quay lại nói,  “ Sao lão gia không sang chị Cát Vân mà nằm?”
Tả Thiên nhẩy ra khỏi giường, mặc vội quần áo và nói,  “ Đi chứ sao không.  Cám ơn trời phật, ta vẫn còn ba bà khác.”

xxxx

Sáng hôm sau khi Cát Vân sang phòng, Liên vẫn còn nằm trên giường, làm bộ như còn ngủ.  Cát Vân ngồi xuống đầu giường, rờ trán Liên và nói,  “ Đâu có nóng đâu.  Vậy là không phải ốm mà là giận.”
Liên mở mắt nhìn nàng,  “ Làm gì đây đây?”
“ Dậy lẹ lên.  Nằm mãi, không ốm cũng thành ốm.”
“ Dậy thì làm cái gì?”
“ Cắt tóc cho chị.”  Cát Vân nói. “ Chị muốn cắt kiểu nữ sinh như em cho nó trẻ trung một tí.”
Cát Vân ngồi trên ghế đẩu cổ quấn một cái xiêm cũ.  Liên dùng lược chải tóc Cát Vân và nói,  “ Cắt hư ráng chịu nhé.  Em không hay cắt tóc, chỉ sợ không những cắt hư mà còn nhiều khi cắt vào da nữa không chừng.”
Cát Vân nói,  “ Đừng có lo, chị già rồi, ai mà để ý.”

Liên bắt đầu cắt và mỗi cái kêu lách cách của kéo là một lọn tóc đen mềm rơi xuống nền nhà.  Bỗng nhiên có tiếng Cát Vân rú lên.  Liên đã cắt chạm phải tai nàng.  Con hầu của Mai Sai và Phi Lan đang ở sau vườn nghe tiếng thét, chạy vội tới.  Cát Vân ôm tai phải đầy máu, Liên đứng bên cạnh, tay cầm kéo, mặt xanh như tàu lá.  Cát Vân ôm tai máu chạy vào vườn để lại Liên đứng đó giữa một đống tóc vụn.

Mai San đứng trong phòng nhìn ra rồi phá lên cười.
“ Chị cười cái gì?”
Mai San nheo mắt nhìn Liên.  “ Nếu chị có ghét ai thì cũng sẽ cắt tai nó y như vậy.”
Liên cau mặt nói,  “ Bộ chị tưởng tôi cố tình hả?”
Mai San vẫn cười rũ rượi, trả lời.  “ Thì chỉ có trời biết thôi.”

Liên nằm xuống giường kéo chăn trùm kín đầu.  Nàng nghe tiếng Mai San nói qua lớp chăn,  “ Cái mụ Cát Vân, khẩu phật tâm xà.  Chưa thấy ai bụng dạ nhiều mưu mô quỷ quyệt hơn nó.  Chị chịu thua nó nhưng em, em mới trị nó nổi.  Hồi mới gặp em là chị đã nghĩ rồi.”

Liên kéo chăn xuống lắng nghe.  Mai San nói tiếp,  “ Em có biết không? hồi đó chị với nó có bầu cùng lúc.  Lúc chị được ba tháng, nó cho người lén bỏ thuốc phá thai vào thuốc bổ của chị nhưng số chị may mắn không bị hư thai.  Rồi chị với nó đau đẻ cùng một lúc.  Nó muốn có con trước nên chích thuốc dục đẻ và banh lồn đến độ rách toang ra.  Nhưng trời xui đất khiến, chị sanh Phi Lan trước, một thằng con trai, trong khi đó nó làm đủ thứ mà chỉ lòi ra con hĩm Ức Dung, mà lại còn sanh sau ba tiếng nữa chớ.”

 
Trời mùa thu bắt đầu chớm lạnh.  Các bà nhà họ Trần đổi sang y phục mùa thu.  Lá rụng đầy vườn, phủ khắp mặt đất một lớp vàng úa. Một lũ gia nhân bu chung quanh đống lửa đốt lá làm không gian sực mùi khói ầm mốc.  Liên mở tung cánh cửa sổ, mặt đỏ vì giận dữ.
“ Ai bảo chúng mày đốt lá thế?  Lá đang đẹp vậy mà đốt làm chi cho nó hôi ùm lên?”  Lũ đầy tớ gái thu nhặt chổi và thúng.  Một con bạo hơn cả nói,  “ Lá nhiều như vậy, không đốt thì để làm gì?”
Liên tát vào mặt nó và thét to.  “ Tao cấm mày đốt lá nữa.  Cấm.  Cấm.”  Rồi nàng đóng xầm cánh cửa sổ lại.

“ Tứ Nương càng ngày càng khó chịu,” Đám đầy tớ gái mách bà Cả Như.  “ Bà ấy không cho đốt lá.  Sao bà ấy khó vậy?”
Dục Như mắng chúng nó,  “ Im cái lỗ miệng chúng mày lại.  Không được đi ngôi lê đôi mách nữa.”  Miệng thì nói như vậy nhưng trong lòng Dục Như vô cùng tức giận.  Thông lệ trước giờ là mỗi năm đốt lá nhiều lần.  Chẳng lẽ tất cả phải thay đổi chỉ vì Liên.  
Đám đầy tớ hỏi,  
“ Thế bây giờ có đốt lá hay không?”
Dục Như trả lời,  “Ai bảo là không đốt? Cứ tiếp tục đốt.  Không để ý đến cô ấy. “
Thế là chúng nó lại đốt và không thấy Liên chường mặt ra nữa.  Nhưng khi lửa đã tàn và mọi người bỏ đi thì Liên đi ra khỏi Nam Viện.  Nàng đứng nhìn đống tro tàn một lúc rồi đi lên nhà trên ăn trưa.  

Liên ngồi không, nhìn mọi người ăn.  Nàng khoanh tay trước ngực với vẻ mặt lạnh lùng và cương quyết như sẵn sàng chống trả bất cứ một tấn công nào.  Hôm đo Trần Tả Thiên đi vắng- một cơ hội lý tưởng cho một cuộc nội chiến.  
Phi Phố mở miệng trước.  “ Sao không ăn?”
“ Tôi no rồi.” Liên trả lời.
“ Cô ăn rồi à?” Phi Phố hỏi lại.
Liên khịt mũi, “ Ngửi khói nhiều quá, đủ no rồi.”
Phi Phố không hiểu ất giáp gì và quay lại mẹ.  Nét mặt Dục Như chợt biến đổi,  “ Ăn đi.  Đừng có hỏi nhiều quá.” Đoạn bà nhìn Liên, cao giọng.  “ Tứ Nương, cô nói tôi nghe; lá rụng đầy sân, không đốt thì để làm gì?”
Liên trả lời,  “ Làm sao tôi biết được.  Tôi đâu có quyền hành gì trong  cái nhà này.”
Dục Như nói, “ Năm nào nhà này cũng đốt lá, chẳng ai than phiền.  Tại sao chỉ có cô là không chịu được?”
Liên trả lời, “ Cứ để mặc đó thì lá cũng rữa ra, tại sao lại phải đốt? Lá chứ đâu có phải là người ta đâu?”
“ Nói vậy là có ý gì?” Dục Như hỏi.  “ Toàn là chuyện tào lao không à.”
Liên trả lời, “ Điều tôi không hiểu là tại sao phải mang lá ra hậu viện đốt? Người nào thích ngửi nó thì đốt ngay cạnh phòng người đó.”
Dục Như chịu không nổi nữa, đập đôi đũa xuống bàn.  “ Sao không nhìn vào cái bản mặt mình trong gương, xem xem mình là cái giống gì trong cái nhà này? Làm như người ta bạc đãi mình không bằng.”

Liên đứng lên, nhìn vào cái mặt vàng bủng của Dục Như và nói,  “ Đại Nương nói đúng.  Tôi chẳng là cái giống gì trong cái nhà này.”  Nàng nhếch mép cười và đứng dậy bỏ đi.  Khi nhìn lại, mắt nàng long lanh hai hàng lệ.  


Thê Thiếp Thành Quần  (Lắm Vợ Nhiều Nàng Hầu) - Tô Đồng
Năm

Liên và Mai San đang ngồi đối diện nhau.  Mặt Mai San được trang điểm cẩn thận, chân mày tô đậm bút chì và môi thoa một lớp son
màu quyến rũ.  Nàng phủ ngang đùi một khăn choàng lông thú đắt tiền.  Trái lại, Liên trông như vừa mới ngủ dậy.  Nàng kẹp điếu thuốc lá trên ngón tay và hút khói chậm rãi, mắt nhìn xa vắng vào khoảng không.  Cả hai chẳng ai nói tiếng nào, mỗi người đeo đuổi một nỗi niềm riêng tư.  

Mai San phá tan bầu không khí yên lặng.  “ Chị thấy lúc gần đây em có vẻ tính khí hơi thất thường.  Phải đang có kinh không?”
Liên trả lời,  “ Dính dáng gì đến chuyện đó? Kinh nguyệt em thất thường; nhiều khi không biết lúc nào có, lúc nào hết.”
Mai San nói,  “ Có chắc là không có thai không?”
Liên trả lời,  “ Không, không.  Làm sao có được?”
Mai San nói,  “ Đúng ra là phải có rồi.  Cái gì thì không biết chứ cái vụ làm đàn bà có bầu thì Tả Thiền giỏi lắm.  Nhớ buổi tối chèn một cái gối dưới hông.  Chị nói thiệt đó.”
Liên nói,  “ Chị đúng là phát ngôn bừa bãi.  Cái gì cũng nói được.”
Mai San nói,  “ Còn chuyện gì khác để nói bây giờ?  Không có con cho lão ấy thì khổ về sau này.  Chị em chúng mình ai ai cũng cùng một thân phận.”
“ Lão ấy hồi này không có léo hoánh đến phòng em nữa.  Em cũng chẳng cần.”
Mai San nói, “ Chị thì khác.  Chị nói thẳng mặt thằng chả là chị cần thỏa mãn.  Năm ngày mà không có là chị kiếm thằng khác ngay.  Không cách gì chị có thể sống như một bà góa được.  Lão sợ chị;  lão ghét chị nhưng cũng muốn chị.  Chị thì chị cóc có sợ.”
“ Thôi nói mấy cái chuyện này chán quá,” Liên nói,  “ Cái điều em không hiểu là bộ đàn bà chúng ta là chó, là mèo, là chuột hay sao? mình không phải là người sao?”
“ Đừng lo chuyện Tả Thiên bỏ rơi em,”  Mai San nói.  “ Lão thế nào cũng phải quay lại.  Em trẻ nhất nè, em thông minh nè, em lại còn lịch sự nữa nè.  Lão có khùng mới bỏ em mà đi với hai mụ có bụng như thùng nước lèo Dục Như và Cát Vân. “
“ Đừng nói nữa,” Liên nói.  “ Em không muốn nghe nữa.”
“ Thôi, đi xem hát với chị đi.  Trình Nhan Thu đang đóng vở tuồng Giọt Lệ Trên Hoang Sơn.  Đi cho nó thoải mái tinh thần.”
“ Em chẳng muốn đi đâu hết.  Đi đâu thì cũng thế.”
“ Bộ chị ngồi với em cả ngày đượ́c mà em không đi với chị cho vui được à?”  Mai San nói.
“ Em đi với chị thì có gì là thích thú?  Bảo ông Tả Thiên đưa chị đi; bằng không nữa thì rủ ông bác sĩ đi với chị phải vui hơn không?”

Mai San tái mặt, không nói nên lời.  Nàng quấn vội khăn quàng lên cổ và nhẩy xổ tới người Liên.  Nàng giựt điếu thuốc trên môi Liên, vất xuống đất, và dí giầy dập tắt.  Rồi nàng gằn giọng nói ,  “ Đó không phải là chuyện đùa.  Cô mà nói năng nhảm nhí với người khác, tôi có mà đập cho vỡ mặt.  Tôi chẳng ngán ai đâu.  Đừng tưởng là có thể hại tôi dễ dàng được đâu.”



Phi Phú dẫn một người bạn mà anh nói là thầy dậy thổi sáo đến để gặp Liên.  Đó là một bạch diện thư sinh, tóc cắt ngắn, trông hơi nhút nhát.  Trông họ nắm tay nhau mà Liên chợt cảm thấy có một cái gì khác lạ mà quyến rũ.  

Phi Phố lấy cây sáo ra từ một túi lụa và nói,  “ Cây sáo này vốn dĩ là do Cố thiếu gia cho tôi, giờ tôi lại tặng dì, coi như là mượn hoa cúng Phật.”

Liên đưa hai tay nhận cây sáo rồi đưa lên miệng thổi một tiếng rồi nói,  “ Chỉ e là tôi tư chất thô lậu không học nổi.”

Cố thiếu gia nói,  “ Thổi sáo không khó, miễn sao ta để hết tâm hồn vào diệu âm thì chẳng có lý do gì mà không chơi được.”

Phi Phố hết nhìn Liên rồi lại Cố thiếu gia bằng một ánh mắt trìu mến.

Cố thiếu gia giảng tiếp,  “ Cây sáo có bẩy lỗ; mỗi lỗ là một tình, thất khổng, thất tình.  Khi ta hòa điệu bẩy cái tình đó vào bằng hết tâm hồn mình thì sáo sẽ ngân vang những tâm sự thầm kín nhất.  Trong các tình, quan trọng nhất là tình sầu. “

Nói xong chàng nhấc sáo lên và bắt đầu thổi.  Tiếng tiêu trầm bổng, vi vu, lúc buồn man mác, lúc thiết tha, rộn ràng.
“ Bài này có tên là Tiếng Thu.” Phi Phố nói.

Đúng lúc ấy, con ở của bà Cả Như chạy đến gọ Phi Phố ầm ĩ.  “ Đại thiếu gia, đại nương cho gọi người về khách sảnh có khách muốn gặp.”
“ Ai vậy?”
“ Con không biết.  Đại nương nói thiếu gia phải đi mau mau.”
Phi Phố nói, “ Thật là lắm chuyện.” rồi quay lại nói với Cố thiếu gia,  
“ Anh ở lại đây dậy tiếp tục, tôi đi một lát sẽ trở lại.”

Cố thiếu gia và Liên đứng tần ngần không biết nói gì một lúc rồi Liên chợt mỉm cười và nói,  “ Đồ nói dối.”
Cố thiếu gia giật mình hỏi,  “ Cô nói ai nói dối?”
Liên cười xin lỗi,  “ Xin lỗi, tôi không nói thiếu gia.  Tôi nói là con mụ ấy kia.  Thiếu gia chơi tiếp đi.”

Cố thiếu gia cúi nhìn cây tiêu, cất lại trong túi lụa, và nói nhỏ nhẹ,  
“ Khi cảm hứng không còn thì khúc tiêu cầm kể như chấm dứt.  Không còn Phi Phố thì tiếng nhạc mất hay.”
Cố thiếu gia đứng lên từ giã.  Liên đứng khoanh tay cúi đầu chào cung kính.  

Khi Liên vừa về tới phòng thì Cát Vân từ ngoài ào ào chạy vào nói là Phi Phố và Dục Như đang cãi vã to tiếng.
Liên nói,  “  Mặc kệ họ.  Mắc mớ gì tới tôi.”
Cát Vân giận dữ nhìn vào mặt Liên nói,  “ Đừng làm bộ ngây thơ nữa.  Cô quá biết tại sao họ cãi nhau rồi mà”
Liên trả lời,  “ Chị thích xía vào mấy chuyện đó thì sang đó mà can.   Tôi không ham mấy cái trò đó.”
Cát Vân nói,  “ Giờ mới thấy cô thật là tâm địa hiểm ác.”
Liên nói,  “ Cám ơn chị quá khen.  Chẳng ai có thể lấy con tim ra mà khám xét nhưng ai tâm địa hiểm độc thì người ấy biết.”


Bặt đi một thời gian lâu không ghé qua, một hôm Phi Phú đến bất thình lình, xoa xoa tay và mắt nhìn xuống chân.  
Liên bật cười.  “ Có cái gì thì nói đại ra cho rồi.  Có gì mà ngại với ngùng?”
Phi Phú nói,  “ Tôi sắp sửa đi xa.”
Liên nói,  “ Cậu đi xa hoài, có gì là lạ.”
Phi Phú nói,  “ Lần này tôi đi Nam Kinh buôn bán và không biết bao giờ mới trở lại.”
Liên thấy Cố thiếu gia đi bộ trong vườn, nàng hỏi Phi Phố,  “ Cố thiếu gia làm gì ngoài vườn vậy?”
Phi Phố cười nói,  “ Chàng ta cũng sợ đàn bà không thua tôi.  Lần này hai chúng tôi đi với nhau.”
Liên nhăn mặt nói.  “ Hai người cứ như hình với bóng, không lúc nào rời nhau ra. Y như hai vợ chồng vậy.”
Phi Phố nói,  “ Bộ ghen hả?  Dì có muốn đi Nam Kinh với tụi này không?”
“ Muốn thì muốn lắm nhưng đi thế nào được.”
Nàng đứng nhìn Phi Phú và Cố thiếu gia đi ra khỏi cửa nguyệt môn và mất dần.  Nàng cảm thấy mình chợt vô cùng cô đơn.




Thê Thiếp Thành Quần  (Lắm Vợ Nhiều Nàng Hầu) - Tô Đồng
Sáu

Liên có kinh lại nhưng lần này không bực bội khó chịu như mọi khi.  Nàng thừa biết khó lòng có thai được vì Tả Thiên sau này không những bất lực mà còn thờ ơ với nàng.  Khi nàng mang khăn vệ sinh ra cầu tiêu để vất đi thì phát hiện một miếng giấy vệ sinh vẫn nổi lềnh bềnh trên mặt nước.   “ Con khốn nạn lười lẫm” nàng chửi.

Con Nhạn đã sống đây bao lâu rồi mà vẫn chưa quen kéo nước sau khi dùng.  Liên định giật nước thì bỗng cảm thấy nghi ngờ và dùng bàn chải có cán dài để vớt nó lên.   Khi mở miếng giấy ra thì nàng thấy hình vẽ một người đàn bà.  Liên hiểu ngay lập tức là con Nhạn đã tìm ra một cách khác để trù ẻo nàng.  

Nàng cầm miếng giấy vệ sinh đi xăm xăm vào phòng nơi con Nhạn đang nằm ngủ.  Liên vất miếng giấy xuống trước mặt nó và con Nhạn nói,  “ Cái gì vậy?”  Khi nó thấy rõ, mặt nó tái lại và bắt đầu cà lăm,  “ Không phải là con.”

Liên giận tím mặt, không nói một lời nào và tiếp tục trừng mắt nhìn nó.   Con Nhạn thu người vào trong một góc giường không dám nhì vào mặt Lien và nói,  “ Con chỉ nghịch ngợm thôi.  Cái đó không phải là cô.”

Liên nói,  “ Mày học ai cái trò quỷ quái này vậy?  Mày muốn trù cho tao chết để mày thay tao làm vợ phải không?”
Liên khoanh tay trước ngực nói gằn giọng,  “ Mày có hai lựa chọn.  Một, mang lên cho lão gia và mọi người coi rồi kể từ nay không được phục vụ tao nữa.  Cách thứ hai êm thắm hơn.”
“ Êm thắm như thế nào?” Con Nhạn hỏi.  “ Cô muốn con làm gì con cũng làm nhưng đừng đuổi con.”
Liên mỉm cười.  “ Muốn êm thắm thì cũng dễ thôi.  Mày chỉ việc nhai rồi nuốt nó.  Thế thôi.”

Con Nhạn người mềm nhũn, lăn xuống giường rồi phủ phục xuông khóc,  “ Vậy thì cô đánh con chết đi cho xong.”
Liên nói,  “ Tao không muốn đánh mày.  Đánh mày chỉ tổ bẩn tay tao.  Cái này gọi là gậy ông đập lưng ông
Con Nhạn khóc một hồi lâu rồi đột ngột chùi nước mắt, ngẹn ngào nói,  “ Được rồi, con sẽ ăn.”  Nó cầm miếng giấy vệ sinh cho vào miệng và nôn oẹ khan.
Liên nhìn một cách lạnh lùng.  “ Đồ thứ con xảo trá rẻ tiền.” và bước ra khỏi phòng.
Ngày hôm sau con Nhạn cáo bệnh.  Nó bị bệnh nặng thật.  Bác sĩ đến khám và bảo là nó bị thương hàn.  Khi Liên nghe được, nàng cảm thấy đau nhói trong ngực.  Tin đồn lan rộng và chẳng mấy chốc mà tất cả gia nhân trong nhà xì xầm về việc Liên bắt con Nhạn ăn giấy vệ sinh.  Chúng nó nói là nhìn bề ngoài không ai có thể ngờ là Tứ Nương có thể ác độc như vậy.  Chúng nó cũng nói là bệnh tình con Nhạn khó lòng có thể qua khỏi được.  

Trần Tả Thiên cho người mang con Nhạn đi nhà thương.  Liên trốn trong phòng khi người ta đến mang nó đi.  Một lúc sau Tả Thiên vào phòng Liên và nói,  “ Cô ác quá độ.  Bây giờ chúng nó ngồi lê đôi mách đủ chuyện làm hại đến thanh danh của Trần gia.”

Liên trả lời,  “ Nó là đứa ác độc trước.  Tối ngày nó trù ẻo em.”
Tả Thiên nổi nóng,  “ Cô là chủ, nó là tớ.  Sao cô có thể hạ mình cư xử như vậy?”

Liên không biết nói gì, yên lặng một hồi lâu rồi nói nhỏ,  “ Em không cố ý làm nó ốm.  Nó tự nó làm như vậy.  Sao cái gì cũng đổ tội cho người ta như vậy?”
Tả Thiên phất tay nói ra chiều sốt ruột,  “  Mấy người chẳng có ai là không lắm chuyện.  Mỗi lần thấy mặt mấy người là chỉ có nhức đầu mà thôi.”  Nói xong Tả Thiên quay lưng bước đi thì nghe Liên nói nhỏ đàng sau.  “ Trời phật ơi, làm sao mà tôi sống được bây giờ?”

Tả Thiên quay lại nói,  “ Muốn sống sao thì sống.  Nhớ là đừng bắt ai ăn giấy vệ sinh nữa là được rồi.”

Gia nhân mới của Liên tên là mụ Tống.  Mụ đã đi ở cho Trần gia từ hồi mới lên mười lăm tuổi.  Mụ là người chăm sóc cho đại công tử và đại tiểu thơ từ hồi còn bé.  Tuy mụ  là một người lẩm cẩm và lắm chuyện nhưng có những đêm ngồi hàng giờ đơn độc trong phòng, Liên cũng cần người nói chuyện.  Liên gọi mụ vào, và hai người, một chủ một tớ, một già một trẻ, ngồi nói về những đề tài nhỏ nhặt và tầm thường nhất.  Có nhiều lúc khi mụ Tống nói, Liên đâu có để tai nghe, chỉ mải mê nhìn đôi môi xám ngoét của mụ ngọ ngoạy như hai con sâu róm.  

Có lần họ bắt đầu nói chuyện về những người đàn bà chết dưới giếng hoang.  Mụ Tống nói người cuối cùng chết cách đây bốn mươi năm là một người thiếp của Đại lão gia, cha của Trần Tả Thiên.
“ Tại sao bà ấy chết vậy?”
Mụ Tống nheo mắt một cách bí ẩn.  “ Cũng tại chuyện đàn ông đàn bà mà ra thôi.  Không nói bí mật xấu xa gia đình cho người ngoài nghe được.”

“ Tôi là người ngoài hả?” Liên nói.  “ Thôi cũng được.  Đi về ngủ đi.”
Mụ Tống nhìn Liên, mỉm cười, rồi nói.  “ Tứ nương, bà thật tình muốn nghe mấy cái chuyện bỉ ổi đó hả?”

“ Mụ cứ nói,” Liên nói,  “ và tôi cứ nghe.  Có việc gì đâu nào?”

Mụ Tống thấp giọng xuống nói,  “ Nàng đó ngoại tình với một anh bán đậu hũ.”

“ Hết người sao mà ngoại tình với anh bán đậu hũ?”

Mụ Tống tiếp tục,  “ Thằng bán đậu hũ đó nổi tiếng lắm nên ông bếp cho nó mang bỏ mối, và hai người gặp nhau tình cờ.  Cả hai đều trẻ tuổi và bồng bột nên chỉ vài cái liếc mắt đưa tình là xong ngay. “

Liên hỏi,  “ Rồi sao người ta phát giác ra?”

“ Bằng cách lén theo dõi,” Mụ Tống nói.  “ Đại lão gia mước người theo dõi.  Nàng đến nhà anh đậu hũ cho đến đêm mà vẫn chưa bò ra.  Sau anh thám tử theo dõi đói quá nên đá cửa đi vào nhà la to “ Mấy người không đói nhưng tôi đói.”
Nói tới đó, mụ Tống phá lên cười.  Liên ngồi yên không cười.  
Nàng đốt điếu thuốc, rít một hơi dài, và hỏi bất thình lình,
 
“ Rồi sau khi ngoại tình, nàng nhẩy xuống giếng tự tử?”
Mụ Tống thay đổi nét mặt rồi trả lời,  “ Ai mà biết được.  Chỉ biết là chết dước giếng thôi.”

Kể từ sau đó Liên đi ngủ mà không tắt đèn.  Nhiều khi nàng tưởng tượng cái giếng dời từ chỗ dưới bóng tử đằng, ra nằm ngay cạnh cánh cửa sổ của nàng.  Dục Như biết được và nói bóng nói gió là nhà có giàu đến mấy mà chong đèn cả đêm thì cũng sạt nghiệp mấy hồi.  Liên biết nhưng cứ lờ đi như không nghe.  Nàng chán cãi lộn, gấu ó.  Cũng chẳng ham tranh giành hơn thua.  AI trong nhà cũng nhận thấy là Liên trở nên yên lặng kín đáo, và họ đoán chắc là vì nàng không còn được sủng ái bởi Trần đại lão gia.  


Gần đến Tiết Nguyên Đán nên trong nhà Trần gia trang không khí nhộn nhịp.  Người ta bận rộn giết heo, mổ bò, và mua sắm trang hoàng.  Liên chợt nhớ sinh nhật mình đã qua và cảm thấy buồn buồn.  Nàng đưa tiền cho mụ Tống chạy ra chợ mua ít thịt làm sẵn và một chai mễ tửu Tứ Xuyên.

Mụ Tống hỏi nàng,  “ Tứ nương tử, có dịp gì vậy?”

Liên nói,  “ Đừng có nhiều chuyện.  Ta chỉ muốn thử xem say nó như thế nào thôi.”

Mụ Tống đi một hồi lâu rồi trở về mang một gói phổi và lòng lợn đã luộc, để lên bàn.  

Liên hỏi,  “ Mua mấy thứ ô uế này về làm cái gì?  Ai ăn mấy đồ quỉ đó?”

Mụ Tống ném cho Liên một cái nhìn khó hiểu và cuối cùng thốt lên,
“ Con Nhạn nó chết trong nhà thương rồi.  Nghe người ta nói là trước khi nó chết, nó kêu tên cô.”

Liên tái mặt nói,  “ Kêu tên ta làm cái gì? Ta đâu có giết nó đâu.”

Mụ Tống nói,  “ Đừng có la.  Tôi chỉ nghe sao nói vậy thôi.  Ở đời sống chết có số mạng hết.”

“ Xác nó đâu rồi?”

“ Gia đình nó mang về quê rồi,”  Mụ Tống nói.  “ Cả nhà lăn ra khóc lóc thảm thiết trông thê thảm lắm.”

Liên mở nắp hũ rượu và nói,  “ Chẳng có gì phải khóc.  Sinh ký, tử quy.  Chết nhiều khi sướng hơn sống.”






Liên đang ngồi độc ẩm thì có tiếng giầy quen thuộc tiến đến phòng mình.  Màn cửa kéo ra và Phi Phố bước vào.
Phi Phố trông thay đổi nhiều.  Da đen và dáng khoẻ mạnh hơn nhưng trông có vẻ mệt mỏi.  

“ Sao lại uống rượu một mình? bộ tính mượn rượu quên sầu hả?”

“ Sầu mà quên được à? Tôi đang ăn mừng sinh nhật của mình đấy.”

“ Dì được bao nhiêu tuổi rồi?”

“ Hỏi tuổi làm cái gì.  Có uống không tôi rót cho một ly.”

“ Được rồi, dì rót cho tôi một ly đặng chúc dì sống lâu trăm tuổi.”

“ Nhảm nhí.  Sống trăm tuổi làm cái gì.  Để dành mấy lời sáo ngữ ấy cho cha cậu.”

“ Thế dì muốn sống tới bao nhiêu tuổi?”

“ Cái đó cũng còn tùy.  Khi nào chán sống thì chết.  Giản dị.”

“ Vậy thì tôi phải uống ly nữa để chúc dì sống khá lâu chứ dì chết thì lấy ai ra cho tôi nói chuyện.”

Hai người ngồi nhâm nhi nói chuyện làm ăn của Phi Phố.  Sau khi uống một hồi, Liên bắt đầu ngà ngà say và bắt đầu thổ lộ tâm tình cùng Phi Phố.   Nàng ngắm nhìn Phi Phố và cảm thấy lòng mình chợt ấm lại.  Một niềm khát khao khác thường chợt nổi lên như ngọn gió xuân thổi qua châu thân; nàng cảm thấy khó thở, và hình ảnh Mai San và ông bác sĩ, chân quấn lại với nhau dưới bàn mạt chược ám ảnh trong đầu nàng.   Đôi môi nàng hé mở và run nhẹ.

Phi Phố ngẩng đầu nhìn nàng với ánh mắt say mê.  Người chàng như bị tê liệt, tứ chi không cử động.  Liên nhắm nghiền đôi mắt và tựa đùi mình sát vào đùi Phi Phố và chờ đợi.  Dường như một trăm năm trôi qua trong khoảng sát na.  Rồ Phi Phố rút đùi, ngồi nghiêng lại vài bằng một giọng khàn khàn,  “ Không được.”

Liên lẩm bẩm như vẫn còn trong cơn mê ngủ.  “ Cái gì không được?”
“ Tôi vẫn sợ đàn bà.”  Mặt chàng lộ vẻ đau khổ. “ Tôi không thể thay đổi được.  Đây cũng là quả báo.  Bao nhiêu đời trước, đàn ông họ Trần ham muốn đàn bà.  Nhưng đến đời tôi thì hết.  Tôi sợ đàn bà từ hồi còn nhỏ.  Dì là ngườ duy nhất mà tôi không sợ, nhưng vẫn chẳng làm gì được.  Dì có hiểu chưa?”

Liên ôm mặt khóc nức nở.  Nàng nói nhỏ.  “ Tôi hiểu.  thiếu gia không cần giải thích. Không phải lỗi của thiếu gia đâu.”

Sau khi Phi Phố đi về, Liên uống cho đến khi say bí tỉ.  Nàng nhảy múa và đập phá tất cả trong phòng.  Mụ Tống không cản ngăn được nên gọi Tả Thiên tới.  Khi Tả Thiên tới, Liên ôm chặt lấy cổ lão, hơi thở nồng nặc mùi rượu.  Tả Thiên cho người đi lấy thuốc giải rượu.  Liên lại nhảy chồm lên năn nỉ,  “ Đại lão gia, ở lại với em đêm nay.  Làm tình với em.”

Tả Thiên giận dữ nói,  “ Cô như thế này mà làm tình cái gì.”

Đúng lúc đó, Dục Như nghe nói chạy lại.  “ Nam Mô Đại Bi cứu khổ cứu nạn.”  Bà căng mồm Liên ra và đổ thuốc vào họng nhưng Liên xô bà ra một bên.

“ Tất cả chúng bay đâu.  Đè nó xuống.  Cho con chó cái này biết tay.”

Tả Thiên và mụ Tống đè Liên xuống nhưng khi Dục Như đổ thuốc vào họng thì nàng liền phun bắn đầy mặt Dục Như.  Tả Thiên ôm chặt Liên ngang hông thì lúc đó Liên ngả vào người ông.

“ Lão đại gia đừng đi.  Lão muốn gì em cũng chiều.  Em sẽ vọc, sẽ bú, sẽ làm bất cứ cái gì lão gia muốn.  Đừng bỏ em một mình.”

Tả Thiên bắt mụ Tống gài then cửa lại để bên ngoài nhìn vào không thấy.
Dục Như nói, “ Con này đã làm bao chuyện nhục nhã xấu hổ mà giờ ông còn cố che dấu cho nó nữa hả?”
“ Bà cũng câm cái miệng bà lại,” Tả Thiên sủa to.

Mụ Tống che miệng, cố nín cười rồi bước ra để đứng ngáng trước cửa không cho ai vào.  Mụ thấy Đại Thiếu Gia Phi Phố, tay thọc túi áo đi tới.  Trong khi mụ đang ngẫm nghĩ không biết có nên cho vào hay không thì chàng đột nhiên quay trở lại và đi về hướng khác mất biệt.

xxxx

Buổi sáng hôm sau khi Mai San rời hậu viện thì tuyết đã phủ trắng toàn thể gia trang.  Khi đi ngang qua phòng Liên, nàng nói vọng vào,

“ Ê bà say, tỉnh rượu chưa?”

Liên hỏi, “ Trời tuyết thế này mà đi đâu đó?”

Mai San trả lời,  “ Một chút tuyết mà ăn nhằm gì? “

Liên thọc đầu ra khỏi cửa sổ và gọi với theo,  “ Cẩn thận nhé.”

Mai San quay lại nhoẻn miệng cười.

Đó là lần cuối Liên thấy nụ cười quyến rũ ấy.
Khi hai tên gia nhân dẫn giải Mai San về thì trời đã về chiều.  Cát Vân đi theo sau, vừa đi vừa cắn hạt dưa.  Khi chúng lôi Mai San sềnh sệch vào trong đình viện, đầu tóc nàng rối bù và mắt nàng toé lên tia giận dữ trong khi miệng thì chửi mọi người chung quanh.  Nàng rủa xả Cát Vân, “ Nếu tao còn sống thì sẽ lột da mày, còn nếu tao chết tao vẫn banh ngực mổ tim mày cho chó ăn.”

Cát Vân chẳng nói chẳng rằng, tiếp tục cắn hạt dưa.

Liên không thấy bóng dáng Trần Tả Thiên.  Một lúc sau, Tả Thiên đi vào Bắc Viện một mình và khóa trái cửa lại.  

Một thằng đầy tớ đứng trước với một chùm chìa khóa.  Trần Tả Thiên đi ra trở lại, đứng một hồi ngắm khu vườn tuyết phủ, và đi về phía Nam Viện.  Mặt lão trông điềm tĩnh nhưng trong ánh mắt lộ một ánh lạnh lùng khiến nàng rùng mình sợ hãi.  Liên hỏi,  “ Mấy người tính xử như thế nào với chị Mai San?”

Tả Thiên lấy trong túi áo ra một cây tăm bằng sừng, xỉa răng xong rồi mới trả lời,  “ Làm gì được bây giờ? Tự nàng đã biết phải làm gì rồi.”
Liên nói,  “ Sao ông không cho chị ấy một cơ hội nữa?”
Tả Thiên cười nói, “ Chuyện bắt buộc thì phải làm.”

Liên cả đêm không ngủ được.  Nàng nằm lắng nghe động tĩnh phòng bên cạnh trong khi ngẫm nghĩ về thân phận của chính mình.  Một thân phận trống rỗng, hư hão, và mong manh như tuyết ngoài cửa sổ.  Nửa đêm nàng chợt nghe tiếng Mai San hát.  Nàng không tin vào tai mình, nhưng đúng là tiếng Mai San rồi.  Nàng hát trong một đêm đầy thống khổ.

Quân tri thiếp hữu phu
Tặng thiếp song minh châu,
Cảm quân triền miên ý,
Hệ tại hồng la nhu
Thiếp gia cao lâu liên uyển khởi
Lương nhân chấp kích Minh Quang lý
Tri quân dụng tâm như nhật nguyệt
Sự phụ thệ nghĩ đồng sinh tử
Hoàn quân minh châu song lệ thùy
Hận bất tương phùng vị giá thì.

Chàng biết thiếp đã có chồng
Còn tặng thiếp đôi chuỗi hạt châu sáng
Cảm kích mãi tình ý của chàng
Thiếp buộc chuỗi hạt trong áo lót hồng
Nhà thiếp lầu cao kề bên vườn ngự uyển
Chồng cầm kích trong cung điện Minh Quang
Biết lòng chàng sáng như mặt trời, mặt trăng
Nhưng thiếp đã thờ chồng thề cùng sống chết
Trả lại chàng ngọc sáng mà nước mắt hai hàng
Hận không gặp nhau khi chưa lấy chồng .

(TIẾT PHỤ NGÂM -Trương Tịch,  Nguyễn Hữu Thăng dịch)


xxxx

Liên đang trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê thì bỗng nghe tiếng chân nhiều người đi về phía bụi cây tử đằng.  Nàng vạch màn cửa thì thấy bóng nhiều người đang khiêng một người, chắc là Mai San, về phía bụi cây.  Mai San dẫy dụa nhưng không phát ra tiếng vì bị nhét giẻ vào miệng.  Đám người ra tới bờ giếng rồi có tiếng nước bắn từ đáy giếng vang vọng lên.  Tất cả im lặng trong lhoảng hai phút cho đến khi Liên thét lên một tiếng gào thét man rợ, rợn óc.  Khi Trần Tả Thiên chạy vào phòng thì thấy nàng đứng chân không giữa phòng, giựt tóc một cách điên dại.  Đôi mắt nàng đờ đẫn và không hồn, và mặt như tờ giấy trắng.  Tả Thiên dìu nàng ngồi xuống giường và biết đây là ngày cuối của Liên; cô sinh viên trẻ tuổi tên Liên không còn nữa.  

Tả Thiên đắp chăn lên người nàng và hỏi,  “ Em thấy cái gì?”

“ Sát nhân,” Liên trả lời. “Sát nhân.”

“ Tầm bậy,” Tả Thiên nói.  “ Em không thấy gì hết.  Em mất trí rồi.”



Sáng ngày hôm đó, Trần gia xôn xao vì hai tin động trời.  Tam Nương Mai San đã nhảy xuống giếng tự vẫn vì nhục nhã, và Tứ Nương Liên đã bị mất trí.  Mọi người đồng ý là cái chết của Mai San cũng bình thường và hợp lý thôi.  Cái thứ đàn bà dâm đãng và ngoại tình thì chết đáng đời rồi nhưng tại sao Tứ Nương lại điên.  Những người thân cận thì giải thích giản dị là “Thố tử hồ bi.”  Chỉ có thế thôi.


Mùa xuân năm sau, đại lão gia Trần Tả Thiên lấy người vợ thứ năm tên là Trúc Tử.  Khi Trúc Tử đến Trần gia trang lần đầu, nàng thấy một thiếu phụ trẻ thường hay ngồi dưới bóng tử đằng, hay đôi khi đi bộ vòng quanh cái giếng.   Trúc Tử hỏi đám gia nhân thì họ chỉ nói là,
“ Nàng trước đây là Tứ nương tử; nàng bị mất trí.”

Trúc Tử nói,  “ Cô ấy lạ lắm.  Cô ấy hay nói chuyện với cái giếng.   Cô ấy nói gì vậy?”

Họ nói,  “ Cô ấy nói: Em chẳng nhẩy xuống đâu.  Em chẳng nhẩy xuống đâu.”


Hết.












































































No comments:

Post a Comment