Đất Lạ
Jhumpa Lahiri
Sau khi mẹ nàng chết thì cha của Ruma về hưu. Ông làm việc nhiều năm cho một công ty dược phẩm. Và ông đã bắt đầu đi du lịch Âu Châu, một lục địa mà ông trước đây chưa hề đặt chân tới. Nội trong năm ngoái ông đã đi Pháp, Hòa Lan, và gần đây nhất Ý Đại Lợi. Đó là những tour du lịch trọn gói, đi chung với người lạ. Xe buýt chở họ qua những vùng quê và tất cả những bữa ăn, vé vào bảo tàng viện cũng như tiền khách sạn đều đã được sắp xếp trước. Mỗi chuyến thường kéo dài hai, ba, đôi khi bốn tuần.
Mỗi lần đi như vậy, ông không hề liên lạc với Ruma. Lần nào nàng cũng giữ lịch trình chuyến bay trên cánh cửa tủ lạnh và ngày nào nàng cũng theo dõi tin tức tai nạn máy bay khắp nơi trên thế giới.
Ruma và Adam cùng con là Akash ở tại Seattle. Thỉnh thoảng họ nhận được những tấm bưu thiếp có hình chụp những giáo đường cổ kính, những thạch đài phun nước, những quảng trường đông đúc,và những mái nhà làm bằng đất sét nung, dịu màu dưới ánh nắng chiều muộn.
Ruma đi du lịch Âu Châu có một lần, cách đây mười lăm năm. Học đại học xong, nàng dành dụm được ít tiền đi làm phụ tá pháp lí và cùng hai người bạn gái làm một chuyến du hành Âu Châu bằng xe lửa. Mặc dù chưa hề biết sống thanh đạm là gì, nàng đã ở khách sạn rẻ tiền và không hề mua sắm gì ngoại trừ những tấm bưu thiếp tương tự như loại cha nàng gửi bây giờ.
Cha nàng ghi lại những tường thuật vắn tắt và khô khan về những cái đã thấy và làm: “ Hôm qua đi tàng viện Uffizi. Hôm nay tản bộ sang bên kia sông Arno. Chương trình ngày mai sẽ đi Siena.” Lâu lâu có dăm ba câu về thời tiết. Chẳng có gì cho thấy sự hiện diện của ông ở những nơi chốn ấy. Ruma chạnh nhớ tới những điện tín cha mẹ nàng ngày xưa gửi cho họ hàng ở Calcutta, sau khi đã về trở lại Pennsylvania.
Cha nàng chưa bao giờ viết thư cho nàng. Mà những chuyến đi không đủ dài để Ruma hồi đáp, vả lại có viết thì ông cũng không nhận được. Cha nàng chữ viết nhỏ, rõ ràng, hơi mềm mại; trái lại,chữ viết mẹ nàng là một mớ những chữ hoa lẫn lộn với chữ thường.
Những bưu thiếp gửi theo tên Ruma; cha nàng không bao giờ thêm tên Adam hay nhắc đến Akash. Chỉ đến cuối thư ông mới nói: “ Vui vẻ nhé, Baba yêu.” Như thể là chuyện có được hạnh phúc giản dị chỉ vậy thôi,
Đến tháng Tám thì cha nàng lại đi nữa. Lần này là Tiệp Khắc. Nhưng trước khi đi, ông sẽ đến ở với Ruma một tuần để tiện thể thăm căn nhà nàng và Adam mua ở phía đông Seattle. Vợ chồng nàng dọn đến từ Brooklyn vào mùa xuân vì công việc làm của Adam. Chính cha nàng là người đề nghị đến thăm. Ông gọi lúc nàng đang nấu ăn trong bếp. Nàng hơi ngạc nhiên vì sau khi mẹ mất, Ruma là người có nhiệm vụ gọi điện thoại nói chuyện hỏi thăm cha mỗi tối. Giờ thì những cú điện thoại không thường xuyên như xưa, thường thì vào chiều Chúa Nhật.
“ Cha đến chơi được lúc nào là chúng con mừng lúc đó, Baba,” nàng nói với cha trên điện thoại. “ Cha không bao giờ phải hỏi.”
Mẹ nàng thì chẳng bao giờ thắc mắc hỏi han. “ Tháng Bảy này cha mẹ sẽ xuống thăm tụi con.” Bà cầm vé trong tay rồi mới báo cho con biết. Ngày xưa thì đôi khi sự thẳng thừng như vậy có thể đã làm Ruma giận. Giờ thì nàng lại thèm những cái đó.
Tuần đó Adam sẽ đi làm xa. Chàng làm cho một hãng quĩ đầu tư và kể từ khi dọn nhà chưa bao giờ được ở nhà hơn hai tuần liên tục. Đi theo cũng không xong. Chàng chẳng bao giờ đi những nơi nào hấp dẫn-thường là những thành phố miệt Tây Bắc hay Gia Nã Đại, nơi mà nàng và Akash không có gì đặc biệt để làm. Adam hứa vài tháng nữa sẽ bớt đi xa. Chàng không thích để Ruma ở nhà một mình hoài với Akash, nhất là trong lúc nàng đang có thai như bây giờ. Chàng khuyến khích nàng mướn người giữ trẻ, hay người ở nếu cần. Nhưng Ruma không quen biết một ai ở Seattle, và cái viễn tượng đi tìm người giữ trẻ xem ra còn khó khăn hơn là tự mình trông con. Chỉ cần ráng qua hết mùa hè là thằng Akash sẽ vào vườn trẻ. Vả lại Ruma đang không đi làm và chẳng có lí do gì trả tiền cho việc mà nàng có thể làm được.
Hồi còn ở New York, sau khi sanh Akash, nàng đã điều đình để được làm việc bán thời gian cho văn phòng luật. Lúc đầu thì mọi chuyện êm xuôi nhưng rồi mẹ nàng chết đột ngột trên bàn mổ vì biến chứng của bệnh suy tim. Sau hai tuần nghỉ để lo ma chay cho mẹ, nàng cảm thấy mình không còn lòng dạ nào trở lại công việc coi sóc chúc thư, tài chánh cho khách hàng. Đúng lúc ấy thì Adam nhận được việc mới với số lương đủ để nàng có thể nghỉ làm hoàn toàn. Giờ thì việc của nàng là lo sắp xếp và trang hoàng nhà cửa.
Khi Ruma nói chồng biết về ý định viếng thăm của cha nàng thì Adam nói:
“ Thế thì còn gì bằng nữa. Cha có thể đỡ đần em trong khi anh vắng nhà.” Ruma không đồng ý. Mẹ nàng mới là người có thể đỡ đần phụ giúp nấu nướng, giặt dũ quần áo, hát cho Akash nghe và dậy nó những bài ru em bằng tiếng Bengali. Ruma chưa bao giờ sống cả tuần một mình với cha mình. Khi cha mẹ nàng xuống Brooklyn thăm nàng sau khi sanh Akash, cha nàng chiếm ngự chiếc ghế bành trong phòng khách đọc báo Times, thỉnh thoảng nựng nịu thằng bé như để giết thì giờ.
Bây giờ thì cha nàng sống một mình, tự nấu nướng lấy một mình. Ông dọn về ở căn chung cư một phòng ngủ tại Pennsylvania. Ông bán hết đồ đạc, bán cả căn nhà mà hai chị em nàng đã sống suốt thuở ấu thơ, và chỉ báo cho chị em nàng biết sau giấy tờ đã ký xong xuôi. Cái đó đối với Romi, thằng em nàng, thì chẳng có nghĩa lý gì. Hai năm qua nó đã sống và làm việc ở Tân Tây Lan với một nhóm làm phim tài liệu người Đức. Romi trái lại, đã có nhiều gắn bó với căn nhà với những căn phòng mẹ nàng trang hoàng, với cái giường nàng hay ngồi chơi ô chữ và với cái bếp lò nàng thường nấu nướng. Mặc dù vẫn biết rằng bây giờ căn nhà đã trở nên quá trống trải cho cha nàng, nhưng Ruma vẫn cảm thấy tâm thần chấn động như thể sự hiện hữu của mẹ nàng đã bị xóa sạch.
Nàng biết cha mình chưa cần có người chăm sóc nhưng vẫn cảm thấy có lỗi. Nếu ở Ấn Độ thì chuyện cha nàng không về sống chung không phải là một vấn đề. Cha nàng không bao giờ nhắc đến chuyện về ở với con, và ngay sau khi mẹ nàng mất thì không được vì căn nhà cũ của nàng quá nhỏ. Nhưng ở Seattle thì nhà có dư phòng, nhiều phòng để trống không biết dùng làm gì.
Ruma đã sợ là cha nàng sẽ trở thành một gánh nặng, một đòi hỏi thêm vào những đòi hỏi đã có sẵn, một hiện diện mà nàng không còn quen thuộc. Nàng sợ là sẽ ảnh hưởng đến cái gia đình mà nàng đã gầy dựng với Adam, Akash, và đứa con thứ hai sẽ ra đời vào tháng Giêng này. Nàng không nghĩ mình sẽ có thể chăm sóc, nấu nướng cho cha nàng như mẹ đã làm trước đây. Tuy thế nhưng không mời cha về ở chung thì lại cảm thấy áy náy. Đó là một vấn đề khó xử mà Adam không thông cảm. Mỗi khi nàng nhắc đến chuyện ấy thì chồng nàng phân tách rõ ràng rằng nàng đang sắp sửa tay xách nách mang hai đứa con thơ, rằng cha nàng còn khoẻ mạnh và yên ổn với cuộc sống hiện tại. Nhưng chàng không hề phản đối chuyện cha nàng về sống chung. Sự sẵn lòng của chàng là do lòng tốt bụng và rộng lương, và là lý do tại sao nàng yêu Adam, nhưng nàng vẫn lo. Adam đã tìm đủ cách để tạo hạnh phúc cho nàng: chàng chấp nhận cho nàng thôi việc, mua nhà đẹp, và đồng ý có đứa con thứ hai. Nhưng nàng vẫn chưa thấy hạnh phúc, và gần đây Adam cũng nhận thấy điều đó.
Không gì thích bằng đi du lịch một mình mà chỉ mang theo có một chiếc va-li. Ông chưa bao giờ đến thăm vùng Tây Bắc Thái Bình Dương, chưa bao giờ thực sự nhận thức được cái vỉ đại của quê hương thứ hai của mình. Ông chỉ mới bay hết chiều ngang nước Mĩ có một lần nhân chuyến du lịch sang Calcutta từ phi trường Los Angeles. Ông còn nhớ đó là một chuyến đi dài đăng đẳng ngồi phía đuôi máy bay chung với những người hút thuốc. Khi máy bay ghé ngang Bangkok họ đã ở lại khách sạn thay vì đi vãn cảnh. Vợ ông trước đây vẫn thèm đi thăm khu chợ nổi nhưng đã nằm bẹp không dậy nổi để ăn tối, và ông nhớ mấy bố con ăn tối trong một phòng ăn khách sạn lộ thiên nhìn xuống khu vườn trong khi nếm những món ăn cay chưa từng có. Ông nhớ những chuyến đi về thăm Ấn Độ mà phải lo nào là hành lí cồng kềnh, nào là thủ tục, giấy tờ lỉnh kỉnh. Nhưng đó là những chuyến du lịch mà cả hai vợ chồng đều mong mỏi dù có tốn kém, dù mỗi lần về Calcutta là một lần cảm thấy buồn và hổ thẹn, dù lúc con càng lớn, chúng càng không muốn đi cùng.
Qua cửa sổ máy bay, thảm mây trông như một lớp tuyết trắng phủ kín cả bầu trời. Ông cảm thấy tâm hồn mình bình an, cuộc đời ông thoải mái, thích làm gì thì làm, chẳng còn trách nhiệm gì với ai. Giống như tất cả những người bạn Ấn Độ ở bên Mĩ, những chuyến đi về Ấn Độ là chuyện đương nhiên. Trường hợp bà Bagchi là một trường hợp ngoại lệ. Bà lấy người mình yêu từ thuở còn là con gái, nhưng lấy nhau chưa được hai năm thì chồng bà chết trong một tai nại xe gắn máy. Năm hai mươi sáu tuổi bà sang Mĩ sống vì biết rằng nếu ở lại thì gia đình thế nào cũng ép buộc bà phải tái giá. Bà sống một mình ở Long Island. Một người đàn bà Ấn sống một mình là một chuyện hiếm có. Bà có bằng tiến sĩ về thống kê và dạy trường đại học Stony Brook từ hồi thập niên bảy mươi. Và trong suốt ba mươi năm, bà chỉ về Calcutta để dự đám táng của cha mẹ mình.
Trong nhóm du lịch chỉ có hai người là gốc Bengali nên dĩ nhiên họ nói chuyện. Họ bắt đầu ăn chung và ngồi cạnh nhau trên xe buýt. Vì có cùng ngôn ngữ và trông họ cũng hao hao nên ai củng tưởng họ là vợ chồng. Thoạt tiên cũng chẳng có gì lãng mạn; cả hai đều không để ý đến mấy cái chuyện vớ vẩn ấy. Ông thích gần gũi nói chuyện vì biết là còn vài tuần nữa là sẽ chia tay. Nhưng sau chuyến đi Ý, ông bắt đầu cảm thấn vương vấn, bắt đầu trông mong điện thư, mỗi ngày xét computer năm, sáu lần. Ông kiểm MapQuest xem lái xe bao lâu thì tới thành phố bà ở, mặc dù họ đã đồng ý chỉ gặp nhau khi đi du lịch mà thôi.
Ông sẽ gặp lại bà Bagchi nay mai ở Tiệp Khắc; lần này họ đồng ý ở chung phòng, và dự định mùa đông này sẽ đi chơi tầu vùng Vịnh Mexico. Bà cương quyết không đi tới hôn nhân và nhất định sẽ không ở chung nhà với một người đàn ông khác, nhưng những điều kiện đó làm cho viễn tượng kết bạn với bà càng trở nên hấp dẫn hơn. Ông nhắm mắt nghĩ tới khuôn mặt của bà, một khuôn mặt đầy đặn mặc dù ông đoán chừng bà khoảng độ sáu mươi, chỉ trẻ hơn vợ ông năm, sáu tuổi. Bà ăn vận kiểu tây phương, áo cardigan và quần tây màu đen, tóc búi tó. Bà có cái giọng ngân nga và lối dùng chữ một cách dè dặt như thể giới hạn số chữ nói trong một ngày. Có lẽ vì bà không đòi hỏi nhiều nên ông rất hào phóng và chăm sóc một cách mà trước đây không làm khi còn có vợ. Ông đã tỏ ra thẹn thùng khi mời bà chụp hình chung trước con kênh đào tại Amsterdam.
///////////////////////////////////////////////////////////////////////////////////////////////////////////////////////
Ruma tình nguyện lái xe ra phi trường đón cha, nhưng ông nhất định mướn xe và dò đường trên internet. Khi nghe tiếng bánh xe lạo rạo trên đường đá sỏi, nàng bắt đầu nhặt đồ chơi vung vãi khắp nơi trên sàn phòng khách. Nàng cất đi những con thú bằng nhựa và đóng lại những cuốn sách mà Akash đòi mở ở những trang nó thích. “ Peanut. tắt ti-vi đi,” nàng gọi ra cho con. “Đừng ngồi gần màn ảnh quá như vậy. Lại đây, Dadu tới rồi.”
Akash đang nằm sấp trên sàn, hai tay chống cằm. Nó là một kết hợp toàn hảo giữa Ruma và Adam, nó có mái tóc xoăn chưa cắt bao giờ và da màu hoàng kim ấm áp; những sợi lông măng cùng màu trên đùi khiến nàng liên tưởng đến một con sư tử con. Ngay cả khuôn mặt nó, với đôi mắt xếch màu lục, cũng có một vẻ gì hơi thuộc về sư tử. Nó mới lên ba, nhưng nàng thỉnh thoảng cũng đã cảm thấy sự đề kháng, cái mầm mống chống đối đã nằm tiềm ẩn sâu bên trong mà có lẽ đến tuổi dậy thì sẽ đâm chồi mọc rễ. Nó bắt đầu hay lên cơn chướng hơn kể từ sau khi dọn nhà. Nàng biết nguyên nhân là tổng hợp của một môi trường mới lạ, nỗi mệt mỏi của nàng, và sự vắng nhà thường xuyên của Adam. Có những lúc Akash bất chợt lăn ra sàn nhà, cái thân thể mà nàng đã mang nặng đẻ đau, hoàn toàn xa lạ, thù nghịch. Có lúc nó lại đeo cứng đòi bế trong khi nàng đang nấu ăn.
Măc dù nàng không hề đá động đến em bé nhưng nàng tin chắc là nó đã đoán ra, là nó sẽ bị thay thế. Nàng cũng đã có những thay đổi--ít kiên nhẫn hơn, nhiều khi từ chối thẳng thừng thay vì phân tích phải trái cho con nghe. Nàng đâu có ngờ là sẽ lắm việc phải làm và bị cô lập như vậy. Có những buổ̉i sáng mà nàng ước gì mình có thể chỉ cần khoác bộ quần áo và bước ra khỏi nhà, như Adam. Nàng không biết sao mẹ mình đã có thể chịu được. Khi lớn lên, nàng đã chứng kiến cảnh mẹ nàng theo chồng đến một vùng đất lạ, suốt đời chỉ biết chăm lo cho chồng và con. Và giờ thì cuộc đời nàng cũng y hệt như vậy.
Nàng ra phòng khách tắt ti vi. “ Akash, mẹ gọi thì con phải thưa chứ. Đứng lên đi nào.”
Nhìn thấy cái xe mướn của cha, một chiếc xe bốn cửa loại nhỏ màu đỏ đậm, nàng cảm thấy lòng xốn xan vì nó nhắc nhở việc nàng sống cách xa nơi chốn thời thơ ấu, sống ở một chỗ mà cha mẹ không quen ai, và cho đến ngày hôm nay, chưa hề đặt chân tới. Nơi mà không còn những liên hệ giao thiệp mà cha mẹ nàng đã có như nhóm thân hữu Bengali ở Pennsylvania và New Jersey, như công ty làm việc hoặc ngôi trường mà Ruma và Romi đã theo học. Tất cả, ở đây đều không có. Nửa năm qua nàng đã bận rộn với việc bán nhà, mua nhà và dọn nhà. Thêm vào đó là những chuyến du lịch của cha nàng và thấm thoát mà đã hơn bảy tháng nàng chưa gặp mặt cha.
Akash đi theo đuôi nàng, và hai mẹ con nhìn cha nàng mở thùng sau xe, khiêng ra một va li màu đen có bánh xe. Ông đội mũ lưỡi trai in chữ POMPEII, quần cô tông màu nâu, áo polo màu xanh da trời, và chân mang đôi giày sneaker trắng. Ông càng già trông càng giống người Mĩ.
Với mái tóc bạc và làn da trắng không ai có thể biết ông từ đâu tới. Chỉ có mẹ nàng mà có đến đây thì sẽ nổi bật trong bộ sari sặc sỡ, với chấm đỏ bằng đồng tiền trên trán và những nữ trang của bà.
Ông bắt đầu kéo chiếc va li trên mặt đường, nhưng vì đá sỏi nên xách tay lên và đi ngang bãi cỏ vào nhà. Nàng thấy ông phải hơi cố sức và ước gì Adam có mặt ở đây.
“ Có phải là thằng Akash đấy không?” cha nàng giả đò ngơ ngác hỏi bằng tiếng Anh. “ Sao mà nó lớn thế.” Giờ thì Akash đã quên hết ít chữ Bengali mà nàng dạy nó khi bé. Khi mà nó bắt đầu nói tiếng Anh nguyên câu rồi thì nàng không dùng tiếng Bengali nữa. Hơn nữa chỉ chỏ cái này cái kia bằng tiếng Bengali thì dễ nhưng bắt phải nói lại là một chuyện khác. Vốn liếng Bengali của chính nàng cũng đã bắt đầu rơi rụng dần. Hồi xưa mẹ nàng rất khó, đến độ nàng chưa bao giờ nói chuyện với mẹ bằng tiếng Anh. Nhưng cha nàng thì không kỹ như vậy. Năm chừng mười họa thì Ruma mới nói tiếng Bengali. Khi ông cậu hay bà mợ gọi điện thoại từ Calcutta để chúc mừng Bijoya hay chúc mừng sinh nhật thì nàng nói ấp úng và sai văn phạm. Mặc dù đó là ngôn ngữ duy nhất mà nàng đã xử dụng khi còn bé.
“ Mấy tuổi rồi? ba tuổi hay là ba trăm tuổi?” cha nàng hỏi.
Akash không trả lời làm như cha nàng không có ở đó. “Mẹ. con khát nước,” nó nói.
“ Đợi một chút Akash.”
Cha nàng trông vẫn vậy. Bảy mươi tuổi rồi mà da mặt và̀ tay vẫn căng phồng trơn tru. Ông không sụt cân và tóc vẫn rậm, không chừng còn rậm hơn tóc nàng sau khi sanh Akash. Cha nàng trông có vẻ thoải mái. Ruma thì trái lại lúc sau này nhiều căng thẳng. Nàng phải thoa kem quanh mắt dù không ra tới bên ngoài. Lúc sau này nàng lên cân vùn vụt. Hồi có thai Akash, nàng sụt cân trong ba tháng đầu, nhưng lần này, mới mười hai tuần mà nàng đã lên mười pounds. Nàng chắc là vì mình có tật ăn sạch thức ăn Akash để lại, và giờ đi đến đâu cũng lái xe thay vì đi bộ như trước. Nàng cũng đã đặt mua những quần và váy có bụng dây thun từ những ca-ta-lô.
“ Akash, ra chào Dadu đi,” nàng nói và đẩy nhẹ vai nó. Nàng hôn nhẹ lên má của cha. “Cha đến đây mất bao lâu? có kẹt xe không?”
“ Cũng không xa. Từ phi trường về đây mất hai mươi hai dặm.” Cha nàng lúc nào cũng biết rõ khoảng cách đã đi, bất kể gần xa. Ngay cả thời chưa có MapQuest cha nàng vẫn biết đích xác khoảng cách từ nhà tới sở, tới chợ, hay tới nhà bạn bè.
“ Xăng ở đây đắt,” ông nói thêm. Và mặc dù ông nói sự thật, nhưng nàng vẫn cảm thấy bị chỉ trích, như thể việc xăng ở Seattle đắt hơn Pennsylvania là lỗi của mình.
“ Bay xa vậy chắc cha mệt lắm.”
“ Đến đêm cha mới thấy mệt. Lại đây.” cha nàng bảo Akash. Ông đặt chiếc va li xuống, cúi xuống chìa tay ra. Nhưng Akash nép sát vào đùi mẹ không chịu ra. Họ vào nhà, cha nàng cúi xuống tháo giây giày, một chân nhấc, một chân đứng, hơi chao đảo.
“ Baba, vào phòng khách, ngồi xuống sofa tháo giày dễ hơn,” Ruma nói. Nhưng ông vẫn tiếp tục tháo giày, xếp ngay ngắn dưới bàn để thư từ ở tiền sảnh rồi sau đó mới đứng thẳng người quan sát chung quanh.
“ Tại sao Dadu lại tháo giày?” Akash hỏi Ruma.
“ Dadu cởi giày ra cho thoải mái.”
“ Con cũng muốn tháo giày.” Akash dậm đôi dép quai trên sàn nhà.
Đó là một trong những thói quen nàng đã quên khuấy mất không biết khi nào và tại sao. Nàng đưa cha đi xem nhà, những căn phòng rộng và đẹp hơn những căn phòng nàng sống khi còn bé. Akash đi theo sau, thỉnh thoảng chạy chỗ này, chỗ kia. Căn nhà được xây năm 1959 do một kiến trúc sư thiết kế và sở hữu lúc đầu. Sau đó Ruma và Adam bắt đầu bày biện bằng bàn ghế kiểu thời đó: những trường kỷ giản dị đắt tiền phủ bởi vải len màu nhạt, những giá sách dài và thấp có chân vểnh ra ngoài. Hồ Washington nằm dưới con dốc, đi vài dẫy nhà thì tới. Cửa sổ lớn phòng khách nhìn thẳng xuống hồ, và sau phòng ăn là một hàng ba với một cảnh quan ngoạn mục hơn: phía bên trái là chân trời Seattle, trước mặt là rặng núi Olympics với những đỉnh tuyết tưởng chừng như nối liền với làn mây trắng phủ ngang đầu. Adam và Ruma trước đây không định sống ở ngoại ô, nhưng sau năm năm sống trong những căn phòng nhìn sang bức tường của những bin-đinh khác, thì một căn nhà gần hồ, nơi có thể ngồi ngắm mặt trời lặn làm sao có thể bỏ qua được.
Nàng chỉ vào hai cây cầu bắc ngang hồ và giải thích là ở giữa là cầu nổi vì mực nước quá sâu. Cha nàng nhìn ra cửa sổ nhưng không nói gì. Giá là mẹ nà̀ng thì đã huyên thuyên khen ngợi cảnh đẹp và đề nghị dùng màn cửa màu ngà thay vì màu xanh. Cha nàng đi từ đầu này tới đầu kia phòng khách, có lẽ đang nhẩm tính kích thước. Nàng nhớ những lần cha nàng giúp nàng dọn chỗ ở trong quá khứ, khi dọn vào kí túc xá, và lúc dọn ra apartment khi xong đại học. Nàng tưởng tượng đến hình ảnh của ông khi đi du lịch, đếm bước trên quảng trường, đếm bước bậc thang lên xuống để đi vào thư viện hay viện bảo tàng.
Nàng dẫn ông xuống nhà, nơi nàng đã chuẩn bị sẵn sàng phòng ngủ cho khách. Căn phòng được ngăn đôi bằng một cánh cửa xếp được. Một bên là giường và bàn giấy, bên kia là một bộ bàn ghế sofa, kệ sách và bàn cà phê. Nàng mở cửa thông ra phòng tắm và chỉ giỏ đựng quần áo đã mặc rồi.
“ Cha có thể đóng cửa nếu muốn,” nàng nói, kéo cái cửa xếp cho thấy.
“ Không cần thiết,” cha nàng nói. “ Đóng hết lại mẹ ơi,” Akash nói, tay kéo cánh cửa làm những mảnh ván xếp màu kem lay động. “ Không. Akash.”
“ Cái này là phòng con ở khi lớn,” Akash tuyên bố.
“ Cái ti vi trong góc coi được nhưng chưa gắn cable,” Ruma nói với cha.
“ Đài số chín là đài PBS,” nàng nói thêm, biết rằng đó là đài cha nàng thích.
“ Ê, không được đi giày dẵm lên giường,” cha nàng thình lình nói với Akash.
“Peanut, đi xuống ngay.”
Akash vẫn tiếp tục một lúc nữa, không thèm để ý. Rồi nói ngừng lại, nhìn ông ngoại một cách ngờ vực. “ Tại sao?”
Ruma chưa kịp trả lời thì cha nàng nói, “ Bởi vì ông sẽ có ác mộng.”
Akash cúi đầu, rồi bất chợt tuột xuống đất, bò lồm cồm như một đứa bé.
Họ đi cầu thang lên nhà bếp. Đó là cái phòng mà Ruma hãnh diện nhất, với mặt đá hoa và tủ đựng chén bằng gỗ anh đào. Khi khoe như vậy với cha, nàng cảm thấy hơi ngượng vì cuộc sống thành công với Adam.
“ Adam trồng mấy cái này hả?” cha nàng hỏi trong khi ngắm nhìn khu vườn có thể thấy được qua ćánh cửa sổ nhà bếp, nhắc đến tên Adam lần đầu.
“ Không, nó có sẵn như vậy rồi.”
“ Mấy cây phi yến cần phải tưới nước.”
“ Cây nào?” nàng hỏi, mắc cở vì không biết tên cây cối ngay sau vườn nhà mình.
Ông chỉ. “ Những cái cây màu tím đó.”
Nàng chợt nhận ra là cha nàng có thú làm vườn. Kể từ khi có trí khôn, ông say mê làm vườn, đi làm về đến nhà là ra sau vườn và lúc thúc làm việc cho đến khi tối mù mới đi vào, mặc cho sâu bọ cắn ngứa ngáy. Ông bao giờ cũng làm vườn một mình; Ruma và Romi chẳng đứa nào tình nguyện giúp và ông cũng chẳng rủ rê đứa nào. Mẹ nàng than phiền là phải đợi cơm mãi đến chín giờ tối. Ruma dục mẹ cứ ăn trước đi nhưng mẹ nàng quen hầu chồng nên không bao giờ chịu. Ngoài cà chua và mướp, cha nàng còn trồng được những thứ mẹ nàng thích nấu như khổ qua, ớt và rau spinach.
Ông liếc nhìn cái bếp sáu lò với những nút vặn màu đỏ và rồi chẳng nói chẳng rằng, bắt đầu mở ngăn kéo lục lọi.
“ Cha tìm cái gì?”
“ Con có ấm nước không?”
Nàng mở cánh cửa tù. “ Con nấu trà cho.”
“ Để cha tưới cho cái cây phi yến một chút. Để đến ngày mai là nó chết khô.” Ông ra bồn rửa, vặn nước đầy ấm, rồi đi chậm và cẩn thận bằng những bước chân ngắn ra ngoài sân, và lần đầu tiên kể từ lúc ông tới, Ruma nhận ra là cha mình đã già. Nàng đứng cạnh cửa sổ nhìn cha tưới nước. Những giòng nước chảy mạnh và đều làm nàng cảm thấy một nỗi mắc cở mơ hồ, giống như ông đang đứng đái trước mặt nàng. Tưới xong, ông vẫn dốc vòi ấm cho đến khi chảy hết giọt cuối cùng. Akash đã theo ông ra ngoài và đứng gần đó, nhìn ông ngoại mình bằng con mắt đầy tò mò.
Akash hoàn toàn không nhớ gì về mẹ nà̀ng. Bà chết khi nó mới được hai tuổi, và giờ, khi nàng chỉ vào hình mẹ nàng, Akash luôn nói, “ bà chết rồi,” như thể đó là một hành động phi thường mẹ nàng đã làm. Nó không nhớ những tuần lễ mẹ nàng xuống ở với Ruma sau khi sanh nó, buổi sáng mặc áo dài bồng bế nó để Ruma nghỉ ngơi. Mẹ nàng không chịu đặt nó trong nôi, lúc nào cũng ôm ẵm hàng giờ trên tay. Đứa con kế sẽ không biết gì về bà nó ngoại trừ những chiếc áo len đan cho Akash, nay đã chật và nó sẽ mặc thừa. Còn một chiếc áo cardigan hình ngôi sao trắng, đang đan dang dở mà nàng vẫn đang giữ. Trong hai trăm mười tám cái áo sari thì nàng chỉ giữ ba cái cất trong bọc có phẹc ma tua , còn bao nhiêu phân phát hết cho những người bạn của mẹ nàng. Nàng nhớ ngày xưa mẹ hay than là con gái chỉ thích mặc quần và váy tây, và rồi bà sẽ chẳng biết để lại quần áo của bà cho ai.
xxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxx
Ông xuống nhà lấy đồ trong va li ra, xếp hai cái quần dài trong một ngăn tủ, treo bốn chiếc áo ca rô mặc mùa hè trong tủ quần áo, xỏ vào chân đôi dép đi trong nhà. Ông đóng va li lại và cất trong xó tủ quần áo và để túi đựng đồ toilet trong phòng tắm kế bồn rửa mặt. Ông nhìn ra sân sau. Nhà hàng xóm ở hai bên nhưng sân sau thì biệt lập. Ở đây không thấy được hồ hay núi, chỉ có đầy những cây thương xanh mà ông đã thấy mọc đầy khắp nơi ở Seattle.
Trên nhà, Ruma đang dọn trà ngoài hàng ba. Nàng chất hết trong một cái khay: một ấm trà Darjeeling, một cái lọc, đường và sữa, và một đĩa bánh qui hiệu Nice. Bánh qui làm ông nhớ tới vợ--những hạt đường trắng tinh và vị dừa thoang thoảng--tủ thức ăn của họ ngày xưa lúc nào cũng có một hộp. Mỗi lần ông nhúng bánh vào trà là thế nào cũng làm tan một ít, để lại một lớp đặc sệt dưới đáy ly.
Ông ngồi xuống phân phát quà. Akash được một chiếc máy bay gỗ chong chóng màu đỏ và một con múa rối Pinocchio. Thằng bé nghịch với đồ chơi ngay lập tức, làm dây Pinocchio rối beng và bắt mẹ nó sửa. Một cái chai sơn bằng tay với chữ “olio” một bên cho Ruma, và một hộp cẩm thạch cho Adam, loại hộp dùng để đựng kẹp giấy. Bà Bagchi là người chọn quà, tốn cả giờ đồng hồ tại một tiệm đồ chơi, mặc dù bà không có con cháu. Ông không nhắc đến và không có ý định nhắc đến bà Bagchi với Ruma hay Romi. Ông không muốn Ruma bực mình, nhất là trong lúc đang có thai. Ông không biết con mình khi xưa có như vậy không, giữ kín những giao tiếp mà bố mẹ không bằng lòng.
Đáng lẽ Ruma và vợ ông đã du lịch Âu Châu trước. Trước khi chết, vợ ông có nhắc là bà chưa bao giờ có dịp viếng thăm những con kênh ở Venice hay tháp Eiffel hay máy xay gió hay hoa uất kim hương của Hòa Lan mặc dù đã bay nhiều lần qua bầu trời Âu Châu trên chuyến bay từ Pennsylvania sang Calcutta. Ông hơi ngạc nhiên; trong suốt thời gian lấy nhau, họ chỉ bay khi nào về viếng thăm gia đình ở Calcutta.
“ Đài du lịch chiếu nhiều chỗ đẹp quá,” bà thỉnh thoảng nhắc đến trong bữa ăn tối. “Giờ mình có khả năng rồi, ông có bao nhiêu ngày nghỉ. Để phí đi.” Nhưng lúc bấy giờ ông không sốt sắng lắm với những chuyến du lịch như vậy; Vả lại họ chưa bao giờ đi chơi riêng với nhau bao giờ.
Để làm quà sinh nhật thứ sáu mươi bốn cho mẹ, Ruma đã sắp xếp một tour du lịch trọn gói đi Paris cho hai mẹ con. Nàng chọn mùa hè để Adam có thể mang Akash về Martha’s Vineyard thăm gia đình bên chàng. Ruma đặt tiền trước cho công ty du lịch và gửi cho mẹ những băng dậy tiếng Pháp đàm thoại và một cuốn sách hướng dẫn đầy hình ảnh nhiều màu sắc. Có một dạo đi làm về, ông nghe tiếng vợ trong phòng may nghe băng và tập đếm bằng tiếng Pháp. Cuộc giải phẫu cắt túi mật được xếp ngày giờ cho phù hợp. Bác sĩ nói là sáu tuần quá đủ để tĩnh dưỡng trước khi du lịch. Ruma xin ngày nghỉ và mang Akash về thăm nhân dịp giải phẫu mặc dù cha nàng nói là không cần thiết. Ông nhớ mình đứng ngồi một cách bực bội trong phòng đợi. Chi tiết đó thì ông nhớ rõ mồn một trong khi cảm giác lúc bác sĩ giải phẫu báo tin lại trở nên mơ hồ, phai nhạt. Bác sĩ nói vợ ông đã chết do phản ứng với thuốc Rocuronium dùng để làm thư dãn bắp thịt khi mổ. Ông và Ruma thay phiên trông Akash cho người kia vào viếng xác. Cũng một cái nhà thương này là nơi mà Ruma từng làm việc tình nguyện, cũng là nơi mà ông mang thằng Romi vào phòng cấp cứu sau khi bị gẫy tay chơi đá banh. Ma chay xong xuôi được vài tuần thì bạn đồng sở đề nghị ông lấy ngày nghỉ, và̀ lúc ấy ông mới nhớ đến chuyến đi mà Ruma và vợ ông đã sắp xếp trước đây. Ông hỏi Ruma còn ý định đi hay không, và khi nàng nói không, ông hỏi ông đi có được không.
“ Cha có thích Ý không?” Ruma hỏi trong khi gỡ rối giây con Pinocchio một cách vụng về. Ông muốn nói là nàng làm sai rồi, là phải gỡ cái nút ở chính giữa trước. Tuy nhiên ông trả lời câu hỏi, nói rằng ông thích Ý lắm, nói thêm về khí hậu dễ chịu, về những quảng trường, và sự kiện là đa số dân chúng người mảnh khảnh không như người Mĩ. “ Và người nào cũng hút thuốc. Suýt tí nữa thì cha hút thuốc lại rồi.” ông nói. Ông hút thuốc lá khi nàng còn bé, một thói quen tiêm nhiễm bên Ấn Độ nhưng đã bỏ khi ông
khoảng bốn mươi tuổi. Ông nhớ Ruma là người duy nhất đòi ông phải bỏ thuốc, dấu gói thuốc Winston, hay lấy hết thuốc ra và thay thế bằng giấy đi cầu. Có dạo nàng khóc cả đêm sau khi nghe thầy giáo nói về tác hại của việc hút thuốc và tin là ông chỉ sống được vài năm nữa. Ông mặc kệ, vẫn tiếp tục hút thuốc. Ở trong nhà , ông có một cái gạt tàn thuốc làm bằng đồng, uốn hình chiếc hài mũi nhọn và cong. Sau khi bỏ thuốc, ông vất hết gạt tàn thuốc nhưng Ruma giữ lại chiếc hài, rửa sạch và giữ làm đồ chơi. Nàng và lũ bạn tưởng tượng đó là chiếc hài của Cinderella và bắt mấy con búp bê nhét chân nhựa vào đó để thử.
“ Rồi cha có hút lại không?”
“ Không. Già rồi. Hút làm gì,” ông trả lời, mắt nhìn về hướng cái hồ.
“ Ở đó cha ăn những món gì?”
Ông nhớ bữa ăn trưa đầu tiên của nhóm tại một nhà hàng gần cung điện Medici. Ông bị sốc vì thức ăn mang ra vừa nhiều mà lại còn lắm món khác nhau. Nộimón rau xào không thôi cũng đủ rồi, nhưng bồi còn mang ra nào là ravioli, nào là thịt nướng. Chiều hôm đó cả nhóm về khách sạn nghỉ thay vì đi vãn cảnh như lịch trình đã định. Hôm sau người hướng dẫn viên cho biết ăn trưa tại nhà hàng là tùy ý, miễn sao mọi người có mặt ở điểm hẹn đúng giờ. Và kể từ đó, ông và bà Bagchi bắt đầu lang thang, ăn trưa nhẹ, và lấy làm lạ là làm sao mà ngày xưa họ cũng có thể ăn những bữa ăn trưa thịnh soạn như vậy theo tập quán Ấn Độ.
“ Cha ăn thử vài món mì Ý,” ông nói trong khi nhâm nhi nước trà. “Thường thì cha ăn pizza.”
“ Cha ở Ý ba tuần mà chỉ ăn pizza thôi?”
“ Pizza bên đó ngon lắm.”
Nàng lắc đầu. “Nhưng thức ăn bên đó ngon lắm mà.”
“ Cha có thâu hết trong video,” ông nói, đổi đề tài. “ Cha có thể quay lại nếu muốn coi.”
Họ ăn tối sớm hơn thường lệ. Ruma nói cha chắc đói rồi và cha nàng thú nhận là ông cũng muốn đi ngủ sớm bởi vì giờ miền Đông trễ hơn ba giờ. Nàng đã chuẩn bị nấu nướng hai ngày qua, thức ăn chất đầy tủ lạnh, và cảm thấy mệt mỏi. Khi nấu món ăn Ấn Độ cho Adam, nàng có thể làm đại khái. Nàng không phải làm dal, một món đậu lentil, hay dọn sà lách thay vì làm món chorchori, một món rau xào. “ Chỉ có vậy thôi sao?” mẹ nàng thốt lên một cách sửng sốt trên điện thoại. Mẹ nàng nấu nướng đâu ra đó, không có cái kiểu đại khái như vậy. Ngay cả khi sống ở Pennsylvania, mẹ nàng đã nấu nướng như thể cho mẹ chồng ăn. Mẹ nàng nấu ăn giỏi như thế nhưng cha nàng không bao giờ khen lấy một tiếng. Chỉ khi nào họ đi ăn cơm khách và nghe ông than phiền trên đường về thì mới thấy là ông cũng thưởng thức tài gia chánh của vợ. Ruma nấu nướng không bằng một góc của mẹ, rau cắt dầy quá, cơm hơi chín quá, nhưng cha nàng vừa ăn vừa khen lấy khen để.
Hai cha con ăn bốc. Akash ngồi ghế cao ở giữa hai người và cũng muốn ăn bốc nhưng Ruma chưa bao giờ dậy con ăn như vậy. Họ tránh không nói về mẹ nàng, về Romi, hay về chuyện thai nghén. Tóm lại, họ không nói gì nhiều. Cha nàng không có thói quen nói chuyện trong bữa ăn.
“ Trời bên ngoài vẫn còn sáng,” ông nói.
“ Mùa hè chín giờ tối mặt trời mới lặn,” nàng nói. “ Uổng quá món begunis vụn quá. Đáng lí ra con phải đợi dầu nóng hơn mới cho vào.”
“ Chẳng sao. Ăn thử đi,” ông nói với Akash. Cả mấy tháng nay nó không chịu ăn cái gì ngoại trừ món macaroni với cheese. Ông quay lại nói với Ruma, chỉ vào đĩa của Akash, “Tại sao con lại cho nó ăn mấy món này. Toàn là chất hóa học không à.” Khi Akash còn bé, nàng theo lời khuyên của mẹ, cho nó ăn thức ăn Ấn Độ cho quen. Giờ thì nó ăn thức ăn trong hộp không thôi.
“ Con ghét thức ăn đó,” Akash đáp lại, cau mặt nhìn đĩa ăn của cha nàng.
“ Akash, đừng nói như vậy.” Dù nàng có cố uốn nắn nhưng nó vẫn là thằng Mĩ con, chỉ giỏi bắt nạt mẹ, nhưng thức ăn gì hơi lạ một tí cũng sợ.
“ Hồi đó Dida nấu gì con cũng ăn, con có nhớ không,” nàng nói. “ Bà ngoại cũng nấu mấy món như thế này.”
“ Con không nhớ Dida,” akash nói. Nó lắc đầu như phủ nhận sự hiện hữu của bà. “ Con không nhớ. Bà chết rồi.”
Nàng đang đọc truyện trước khi đi ngủ cho Akash thì có tiếng gõ cửa nhẹ.
Cha nàng một tay đưa điện thoại không dây, tay kia còn đầy xà bông, để trước ngực. “ Adam gọi.”
“ Baba, để đó con làm cho. Đi ngủ đi.”
“ Có vài cái chén đĩa thôi mà.” Cha nàng bao giờ cũng dành rửa chén sau khi cả nhà ăn. Ông nói đứng mười lăm phút sau bữa ăn cho dễ tiêu. Không như Ruma, mẹ nàng, hay tất cả những người nàng biết, cha nàng không bao giờ để nước chảy trong khi cọ xà phòng. Ông đợi xong xuôi hết rồi mới xối nước.
Nàng cầm điện thoại. “ Rum,” tiếng Adam nói. Đó là tên chàng gọi từ hồi mới quen. Lần đầu viết thư tình cho nàng, chàng đánh vần sai tên nàng,
“ Room yêu quí--”
Nàng hình dung chàng đang nằm lăn trên giường khách sạn ở Calgary, giày tháo sẵn, cra vát nới lỏng và hai bàn chân thì bắt chéo. Ba mươi chín tuổi rồi nhưng chàng vẫn giữ nét đẹp con giai với mái tóc xoắn màu nâu vàng như tóc thằng Akash, thân hình thon thả của dân chạy bộ và gò má mà nàng thầm ao ước. Nếu không có giọng trầm, mạnh và cặp kiếng cận thì trông chàng không khác mấy cậu sinh viên khoẻ mạnh thời đại học của nàng.
“ Cha em đang ở đây,”
“ Anh có nói chuyện với cha.”
“ Cha nói gì?”
“ Ôi, mấy câu hỏi thông thường: “ Con có khoẻ không? Bố mẹ con có khoẻ không?”” Quả đúng vậy. Cha nàng trước giờ chỉ nói nhiêu đó với Adam.
“ Anh ăn chưa?”
Chàng im lặng một lúc rồi mới trả lời. Nàng biết chàng đang xem ti vi trong khi nói chuyện. “ Anh sắp đi ăn với khách. Thằng Akash có ngoan không?”
“ Đây, nó đây.” Nàng áp ống nghe vào tai nó. “ Nói chuyện với bố đi.”
“ Hi,” Akash nó bằng giọng không hăng hái lắm. Rồi yên lặng. Nàng nghe tiếng Adam, “ Có gì lạ không cưng? chơi với Dadu có vui không?” Nhưng Akash không nói thêm, mắt dán vào trang sách, và cuối cùng thì nàng cầm ống nghe.
“ Nó mệt rồi,” nàng nói. “ Sắp tới giờ đi ngủ của nó rồi.”
“ Anh ước gì có thể lăn ra ngủ,” Adam nói. “ Anh hết xí quách rồi.”
Nàng biết chàng đi từ sáng sớm, làm việc cả ngày, và sẽ phải làm việc qua bữa ăn tối. Thế nhưng nàng không thấy thông cảm. “ Em không tưởng tượng cảnh cha sẽ ở đây với chúng ta,” nàng nói.
“ Thì đừng mời nữa,”
“ Em nghĩ là chuyến thăm này là một hình thức đề nghị của cha.”
“ Thì hỏi cha.”
“ Nếu cha nói có thì sao?”
“ Thì cha về ở với mình.”
“ Em có nên hỏi không?”
Nàng lật trang sách của Akash không nói gì.
“ Anh phải đi bây giờ,” Adam nói. “ Nhớ hai mẹ con lắm.”
“ Mẹ con em cũng nhớ anh,” nàng nói.
Nàng gác ống, để máy trên bàn cạnh giường ngủ canh tấm hình đóng khung của hai vợ chồng đang cắt bánh cưới. Sau khi mẹ nàng chết, hôn nhân của nàng có một sự thay đổi mà nàng không thể giải thích được. Kể̉ từ buổi gặp gỡ ban đầu trong một party ở Boston khi mà nàng là sinh viên luật và chàng đang học MBA, đây là lần đầu tiên mà nàng cảm thấy có một bức tường chắn ngang giữa hai người, chỉ vì chàng chưa trải qua cái nàng đã trải qua, chỉ vì cha mẹ chàng vẫn còn sống trong căn nhà ở Lincoln, Massachusetts, nơi mà Adam sanh ra và lớn lên. Nàng biết là mình có không phải, nhưng một nhận thức đã bắt đầu đâm chồi nẩy lộc, rằng nàng và Adam là hai người tách biệt, sống hai cuộc đời riêng biệt. Mặc dù sự vắng mặt thường xuyên của chàng làm nàng cảm thấy cô lập hơn nhưng khi chàng ở nhà thì nàng càng cảm thấy cô đơn hơn. Dù phải lo cho Akash nhưng một phần của nàng bắt đầu thích cuộc sống cô độc hơn, không có Adam kè kè bên cạnh, lúc nào cũng quan tâm đến nàng.
Mười năm trước mẹ nàng đã cố ngăn cản việc nàng lấy Adam. Bà nói rằng nó sẽ li dị mày, rồi thế nào nó cũng muốn một đứa con gái Mĩ. Cả hai chuyện đều không xẩy ra nhưng nàng nhớ mì̀nh đã cả gan kháng cự với những cơn thịnh nộ của mẹ và lãnh đạm của cha. “ Tóm lại là mày tự cảm thấy xấu hổ, xấu hổ vì là người Ấn Độ,” mẹ nàng lập đi lập lại câu nói đó. Nàng biết đó là một cú sốc cho cha mẹ; nàng dấu giếm tất cả những liên hệ với đàn ông Mĩ với cha mẹ mình cho đến ngày nàng báo là nàng đã đính hôn. Nhiều năm sau, không những mẹ nàng không còn phản đối mà còn chối bay việc đã mình đã từng ngăn trở. Bà thương Adam như con trai, đứa con trai thay thế cho Romi. Em nàng đã làm cha mẹ đau khổ vì dọn đi nước ngoài và không giữ liên lạc mật thiết. Mẹ nàng truyện trò trên điện thoại với Adam, ngay cả khi nàng không có nhà, thỉnh thoảng gửi e-mail, chơi Scrabble với chàng trên mạng. Khi cha mẹ nàng đến thăm, mẹ nàng luôn mang theo mishti, một loại thức ăn ngọt Ấn Độ cầu kỳ mà Adam rất thích, và Ruma không biết làm.
Mãi cho đến khi có con thì hai mẹ con mới trờ nên gần gũi lại. Việc trở thành bà ngoại đã đem lại cho mẹ nàng niềm hạnh phúc và một khí lực mà nàng chưa từng thấy. Lần đầu tiên trong đời, Ruma được tha thứ cho tất cả những sai trái và thiếu sót trong quá khứ. Nàng gọi mẹ mỗi tối để kể lại chuyện trong ngày và tất cả những gì Akash mới làm được trong ngày. Mẹ nàng còn bắt đầu thức dậy năm giờ sáng mỗi ngày để tập thể dục. Bà nói bà muốn sống cho tới khi cháu mình lấy vợ. Có lúc Ruma cảm thấy mình gần gũi với mẹ khi bà đã chết nhiều hơn là khi bà còn sống, một sự gần gũi do sự suy nghĩ quá nhiều về mẹ, do nỗi nhớ nhung da diết. Nhưng nàng biết rằng đây chỉ là một ảo tưởng, một ảo ảnh, rằng khoảng cách mẹ con giờ này không thể đo lường hay khuất phục được.
Rửa chén xong, ông lau chùi bồn rửa, cất thức ăn thừa vào tủ lạnh, cột bao rác lại và bỏ trong thùng rác bên hông nhà. Ông ngồi bàn nhà bếp
xiết ốc lại cái chảo mà ông thấy tay cầm lung lay. Tìm không thấy cái tua vít, ông dùng con dao ăn steak để vặn. Làm xong, ông thọc đầu vào phòng Akash và thấy hai mẹ con đã ngủ say. Ông đứng ở ngưỡng cửa một hồi lâu. Có một cái gì trên khuôn mặt của con gái ông đã thay đổi. Nàng trông giống vợ ông đến độ ông không dám nhìn thẳng. Lúc thấy nàng đứng trên thảm cỏ cùng Akash đón ông làm ông muốn nín thở. Nàng trông già hơn và tóc hai bên bắt đầu điểm bạc. Và hai mẹ con giống nhau từ hình dáng và màu mắt, cho đến cái lúm đồng tiền hai bên má khi cười.
Ông trằn trọc không ngủ được vì tiếng thuyền máy chạy trên hồ vang vọng lại. Ông ngồi dậy trên giường, lơ đãng đọc tờ U.S. News & World Report mà ông lấy từ túi ghế máy bay, và rồi giở cuốn sách hướng dẫn đi Seattle đặt trên mặt bàn cạnh giường ngủ, mà ông đoán là để cho ông đọc. Ông liếc nhìn những hình ảnh, của thư viện mới xây và quán cà phê và những con cá hồi để nguyên con trưng trên lớp đá lạnh. Ông đọc về lượng mưa trung bình hàng năm, và sự kiện là Seattle ít khi nào có tuyết. Nhìn bản đồ, ông ngạc nhiên là chỗ ông ở cách xa Thái Bình Dương đến thế, cho đến giờ không ý thức được là núi non cản trở. Mặc dù ông đã đi một khoảng cách khá xa nhưng môi trường chung quanh không cảm thấy lạ lẫm như lần ông đi Âu Châu. Nơi đó làm ông hồi tưởng những ngày đầu đặt chân đến nước Mĩ. Ở đây, như trong một đêm hè ở Pennsylvania, loài bướm đêm phất cánh đập đập trên cánh cửa lưới, và thỉnh thoảng côn trùng đâm đầu vào lưới khiến ông giật mình.
Từ vị trí trên giường ông nhìn quanh căn phòng rộng lớn, ít đồ đạc. Hồi ông bằng tuổi Ruma bây giờ, ông sống với vợ con trong một căn apartment nhỏ ở Garden City, New Jersey. Sau khi có Ruma và Romi, họ sửa tủ trong tường thành một phòng trẻ con. Ông lo ngại cho an ninh của gia đình mình trong khu apartment đó. Những con mắt điện tử đặt trong hành lang thay vì làm ông an tâm thì lại làm ông lo sợ hơn, nhưng lúc bấy giờ, ông còn đang học chương trình PhD sinh hóa học nên khả năng chỉ đến thế thôi.
Ông nhớ vợ ông nấu nướng trên bếp điện trong một nhà bếp tí hon, tất cả các phòng ám mùi thức ăn sau đó. Họ sống trên tầng thứ mười bốn và vợ ông phơi từng cái sari trên cái lan can ban công hẹp. Phòng ngủ tuy ảm đạm vì ánh sáng ban mai không bao giờ chiếu tới, nhưng đối với ông, đó là
một nơi chốn thiêng liêng. Ông nhớ các con ông chạy phòng này sang phòng kia, nhớ thanh âm con trẻ của chúng. Đó là một phần của cuộc đời của chúng mà chỉ có vợ chồng ông vẫn hằng ấp ủ trong lòng. Các con ông chỉ nhớ căn nhà to ông mua ở ngoại ô với dặng liễu sau nhà, với phòng riêng cho mỗi đứa và một tầng hầm đầy đồ chơi. Và so với nơi Ruma ở bây giờ thì ngay cả căn nhà đó cũng chẳng là cái gì, một cấu trúc mỏng mảnh mà ông lúc nào cũng sợ có thể cháy rụi bởi ngọn lửa của một que diêm.
Giờ này thì ông ở một mình và người quen đôi khi hỏi ông có tính dọn về ở với Ruma không. Cả bà Bagchi cũng nhắc đến điều này. Nhưng ông đã vạch ra rằng Ruma không được giáo dục với ý thức trách nhiệm như vậy. Nàng sống cuộc đời riêng của mình, làm quyết định của riêng mình, cướ́i một chàng trai Mĩ. Ông không trông mong gì nàng cho ở, và thực sự, ông không trách nàng được. Vì ông đã làm gì, khi chính cha ông sắp chết, khi mẹ ông bỏ ở lại? Lúc đó Ruma và Rumi đã là thiếu niên. Làm gì có chuyện có thể mang cả gia đình về Ấn Độ, và cũng làm gì có chuyện mang mẹ già tám mươi tuổi sang ở tại Pennsylvania. Ông để các anh chị săn sóc mẹ cho đến khi bà rồi cũng qua đời.
Giá mà ông chết trước thì vợ ông sẽ về ở với Ruma mà không có gì thắc mắc. Vợ ông không phải là típ có thể sống một mình được, không khác nào loài khiên ngưu hoa không thể sống trong bóng râm. Trên khía cạnh đó, vợ ông ngược lại với bà Bagchi. Đời sống cô lập nơi ngoại ô xứ Mĩ, điều mà vợ ông phàn nàn và ông cảm thấy có trách nhiệm, là đã cô đơn quá rồi đối với bà. Nhưng ông thích sự cô độc, bà Bagchi cũng vậy. Sau khi về hưu, ông dành thì giờ làm việc tình nguyện cho Đảng Dân Chủ ở Pennsylvania, những việc ông có thể làm dùng máy điện toán ở nhà, và cái đó, cộng thêm những chuyến du lịch, là quá đủ cho ông rồi. Thật là nhẹ nhõm không phải sửa chữa nhà cửa, cắt cỏ, quét lá, mùa hè thay cửa bão bằng cửa lưới, để rồi vài tháng sau lại làm ngược lại. Thật là tiện lợi khi dọn sang một chỗ khác trong cùng tiểu bang, đủ gần để mọi thứ vẫn quen thuộc, nhưng đủ xa để thấy khác. Khi còn ở nhà cũ ông vẫn bị mắc kẹt trong cuộc sống của tiền kiếp, đi dự một mình những party mà trước đây vợ chồng ông đã đi, nhận được những cú điện thoại của bạn bè quan tâm, những người mà thỉnh thoảng vẫn mang cho những nồi cà ri gà, hay nghĩ là ông cô đơn, ghé thăm vào những chiều Chúa nhật mà không báo trước.
Ông tự nhiên cảm thấy mệt, hoa mắt và chữ trong cuốn sách hướng dẫn như nhảy ra khỏi trang giấy. Bên cạnh chồng sách là một máy điện thoại. Ông đặt sách xuống, nhấc ống nghe, nghe tiếng u u, và đặt xuống lại. Trước khi đến Seattle ông đã e-mail bà Bagchi số điện thoại con gái ông, nhưng ngầm hiểu là bà không nên gọi. Bà đã yêu người chồng chung sống có hai năm hơn là ông yêu người vợ đầu ấp tay gối hơn bốn mươi năm, điều này ông biết chắc chắn. Bà vẫn giữ hình người chồng quá cố trong bóp, một thanh niên trạc tuổi hai mươi, mày râu nhẵn nhụi, tóc rẽ sang một bên. Ông không phiền một chút nào. Thực ra khi biết là lòng bà còn thuộc về một người khác làm ông thoải mái hơn. Ở vào cái tuổi bẩy mươi mà còn có liên hệ, cho dù là kín đáo, cho dù là thỉnh thoảng, với một người đàn bà khác, chẳng phải vì yêu thương cuồng nhiệt mà là hệ quả của bao năm tháng có gia đình, của thói quen lúc nào cũng có người đồng hành.
Không có vợ bên cạnh, ý nghĩ về cái chết ám ảnh ông, biết rằng nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ông chưa bao giờ tận mắt nhìn thấ́y cái chết; khi cha mẹ và họ hàng chết thì ông ở cách xa vài đại lục. Rồi ngay cả khi vợ ông chết, ông cũng không thực sự có mặt. Lúc ấy ông đang đọc báo, nhâm nhi tách nước trà ở cafeteria nhà thương. Nhưng đó không phải là cái làm ông cảm thấy có lỗi. Ông cảm thấy có lỗi vì đã quá tin là cuộc giải phẫu sẽ không có vấn đề gì, là vợ ông sẽ ở lại nhà thương một tối rồi về nhà, là hai tuần sau bạn bè rồi sẽ đến ăn tối, là bà sẽ đi du lịch nước Pháp vài tuần sau đó. Ông nhớ Ruma úp mặt vào cánh tay ông khóc nức nở, khóc như là hồi còn bé khóc khi té xe đạp hay bị ong chích. Và giống như những lần đó, ông cố giữ nghị lực, và không hề nhỏ một giọt nước mắt
Vào lúc nửa đêm thì nàng thức dậy trên giường Akash và lảo đảo bước về giường mình. Thường thì Akash sang giường nàng vào lúc gần sáng, ngủ cạnh mẹ thêm vài tiếng đồng hồ trước khi thức dậy đòi ăn cereal. Nàng thích con sang ngủ với mình như vậy, nhất là khi Adam không có nhà. Nhưng sáng nay giường nàng trống không. Nàng không còn cảm thấy ốm nghén. Trái lại, ý nghĩ đầu tiên là về thức ăn. Nàng thèm một cái burrito, hay một cái sandwich trứng và cheese của tiệm bán bagel gần apartment cũ của họ ở Park Slope, một nhắc nhở là suốt đêm trong khi ngủ, cơ thể nàng vẫn làm việc. Trong bếp nàng thấy đĩa chén bữa tối đã được rửa, lau khô và xếp gọn gàng. Trong bồn để ráo nước là một tô sạch, thìa, li thủy tinh, và cốc có quai. Bên cạnh bếp lò, nằm trên một đĩa tách, là một gói trà dùng rồi, để dành uống sái hai. Nàng nghe tiếng Akash bên ngoài nhưng không thấy bóng dáng nó qua khoang cửa sổ. Nàng bước ra hàng ba và nghe tiếng nó nói. “ Con đâu có thấy con rùa đâu,” và biết là hai ông cháu đã đi chơi hồ về.
Nàng uống thuốc bổ dưỡng thai, nấu nước pha trà. Nàng đang nướng bánh mì thì cha nàng và Akash từ ngoài đi vào.
“ Dadu với con ra hồ và Dadu cho con đóng phim,” Akash vừa hổn hển nói vừa chỉ vào máy quay phim đeo trên cổ cha nàng.
“ Người con ướt nhẹp hết rồi,” nàng để ý thấy quai dép và phía trước quần ngắn của con thẫm ướt nước. Nàng quay lại hỏi cha. “ Chuyện gì xẩy ra vậy?”
“ Có gì đâu. Thấy một con rùa và Akash muốn sờ nó,” ông nói với Ruma. “ Nó đòi ăn cereal.”
“ Lại đây, con phải vào thay quần áo trước đã,” nàng nói với Akash. Khi nàng quay lại thì thấy cha nàng đã mở tủ đựng thức ăn. “Có phải nó ăn cái này không?” ông hỏi, tay cầm hộp Cheerios.
Nàng gật đầu. “ Cha dậy hồi nào vậy?”
“ Ồ, chưa tới năm giờ là cha đã dậy rồi. Cha ngồi ngoài hàng ba ăn sáng, và rồi Akash theo ra và hai ông cháu đi dạo.”
“ Để con làm được rồi,” nàng nói, nhìn cha đổ sữa vào tô cereal.
“ Cha làm cũng được mà. Con cứ ăn đi.”
Nàng mở tủ lạnh lấy bơ và mứt trái cây rồi pha trà. Khi nàng làm xong, cha nàng lấy ấm nước sôi rót vào cái tách có sẵn bịch trà đã dùng một lần.
“ Dadu, ra ngoài?” Akash nói, kéo quần cha nàng.
“ Một chút nữa Babu. Để ông uống trà xong đã.”
Trong khi ăn sáng, nàng liệt kê những chỗ họ có thể tham quan trong lúc cha nàng ở đây. Trước khi ông đến nàng đã nghiên cứu giờ mở cửa, giá vé, và trong đầu đã sắp xếp sẵn chương trình du ngoạn mỗi ngày. Nàng chưa có thì giờ và sức lực để đi chơi phố Seattle, và tính là tuần lễ này là cơ hội tốt để làm việc đó. “ Dĩ nhiên phải đi Space Needle,” nàng bắt đầu. “ Và chợ Pike Place. Dọc bờ biển có một công viên có bể trưng bày các loài thủy sinh mà con đã muốn cho Akash đi xem lâu rồi. Có phà đi qua vịnh Puget, nghe nói là đặc biệt lắm. Ta có thể bỏ ra một ngày đi Victoria. Rồi lại còn hãng Boeing, nếu cha thích đi. Họ có tua.”
“ Ừ,” cha nàng nói. Ông trông có vẻ mệt mỏi, “ Thú thật với con, đi nhiều rồi, cha chỉ muốn nghỉ ngơi thôi.”
Nàng hơi chưng hửng; nàng tưởng cha nàng sẽ muốn mang máy quay phim đi thăm Seattle như ông đã du lịch khắp nơi trên thế giới độ sau này. “ Nếu không thì ở đây chẳng có chuyện gì làm.”
“ Cha đâu có cần phải làm gì.”
“ Ý con nói không phải là như vậy. Thôi được, Baba muốn làm gì cũng được.” Nàng hết chưng hửng rồi lại lo lắng. Nàng thắc mắc không biết có điều gì mà cha nàng không nói ra. Nàng thắc mắc không biết ở tại căn condo có vấn đề gì không, có phải trèo nhiều bậc thang quá không, có hàng xóm láng giềng nào quen biết hay giúp đỡ không. Nàng nhớ đọc đâu đó nói về con số những người, sau khi bạn đời mất thì cũng đi theo trong vòng hai năm sau đó.
“ Cha có sao không?”
Ông ngẩng lên nhìn nàng; ông đang dí sát vào mặt Akash, làm trò hề để nó ăn hết cereal. “ Con hỏi vậy là làm sao?”
“ Con muốn nói là cha cảm thấy người mình có khoẻ không?”
“ Cha vẫn mạnh khoẻ như thường. Chỉ có cái là dạo này đi du lịch hơi nhiều nên cha chỉ muốn nghỉ ngơi tịnh dưỡng, thế thôi,” ông nói. “ Đi tour cũng mệt lắm, con biết không?”
Nàng gật đầu. “ Con hiểu rồi.” Mà nàng hiểu thật. Vì từ trong đáy lòng, nàng biết cha mình chẳng sao cả. Nàng hơi khó chịu khi công nhận là ông có vẻ vui vẻ hơn; cái chết của mẹ nàng làm ông nhẹ nhõm. Nàng thì ngược lại. Ông rút một khăn mù xoa trắng, sờn cũ, lau sữa và cereal còn dính trên mặt Akash. Hành động đó làm nàng nhớ khi còn bé và những cử chỉ chăm sóc nhỏ nhặt của ông như việc dùng khăn chùi thức ăn vương trên quần áo hay cho nàng hỉ mũi, hay lau đầu gối khi bi xược. “ Đợi một vài ngày hẵng tính. Có thể mình sẽ đi phà chơi.”
Ăn sáng xong thì Akash có giờ tập bơi hàng tuần. Nàng nghĩ cha mình sẽ ở nhà, nhưng ông nói muốn đi và mang theo máy quay phim. Ông tình nguyện lái chiếc xe mướn, nhưng ghế trẻ đã để sẵn trong chiếc SUV nên Ruma lái. Nàng học lái xe hồi còn trung học, nhưng sống nhiều năm trong thành phố và không mua xe, nên cho đến bây giờ nàng chỉ lái xe khi nào cha mẹ nàng đến thăm và nàng phải đi trả video hay đi thương xá với mẹ. Khi ở Seattle nàng phải làm quen với việc đổ săng hay bơm bánh xe. Mặc dù nàng đã quen đường, quen xá, quen lối ra vào xa lộ, quen núi, quen đồi, nhưng nàng vẫn không cảm thấy gắn bó với bất cứ cái gì hay người nào. Nàng mới chỉ nói chuyện xã giao với hàng xóm--một bên là một cặp vợ chồng đã về hưu; bên kia là hai ông đồng tính, giáo sư tại đại học University of Washington. Nàng có nói chuyện với vài người đàn bà trong khi coi Akash bơi, nhưng lớp xong thì ai về nhà nấy và chưa bao giờ đề nghị gặp nhau. Trong thời điểm này của cuộc đời, nàng không cảm thấy tự nhiên trong việc làm quen với người lạ.
Nàng đã quen với bạn bè còn ở lại Brooklyn, những người đàn bà gặp trong lớp yoga dành cho sản phụ và nhóm các bà mẹ mà nàng gia nhập sau khi sanh Akash, những người đã biết rõ từng li từng tí về cuộc đời nàng. Họ đã đi theo khi nàng đi sanh, cho quần áo và chăn mền con họ không dùng tới nữa. Những người bạn đó ở cách apartment nàng năm, mười phút đi bộ, có người ở cùng building, và hồi nàng còn làm việc bán thời gian họ có thể gọi là đến ngay, cùng nhau đẩy xe em bé qua công viên Prospect. Họ làm quen với mẹ nàng khi bà đến thăm vào dịp cuối tuần, và có người lái tận xuống Pennsylvania tham dự đám tang. Thoạt tiên, sau khi dọn đi, họ gửi e-mail cho Ruma, hay gọi bằng điện thoại cầm tay trong những lúc ngồi ở công viên mà thiếu không có nàng. Nhưng vì giờ giấc khác biệt và vì con lúc nào cũng kè kè bên cạnh nên khó mà có thể nói chuyện trọn vẹn. Tuy quen biết lâu như vậy nhưng liên hệ không bén rễ, và dạo sau này, sau khi đọc e-mail, Ruma ít khi nào trả lời.
Trên xe, tất cả im lặng ngoại trừ tiếng bánh xe lăn trên mặt đường và tiếng xe chạy vù vù ngược chiều. Akash đang chơi với chiếc xe lửa đồ chơi, đẩy xe trên thành cửa và trên lưng ghế xe của nàng. Nàng biết cha nàng đang theo dõi nàng lái xe, thỉnh thoảng liếc nhìn đồng hồ tốc độ, nhìn theo nàng khi nàng sắp sửa chuyển đường. Nàng chỉ cái chợ nàng hay đi và hướng đi núi Rainier, mà hôm nay không thấy rõ.
“ Đây là lối ra xa lộ trên đường tới sở của Adam,” nàng nói.
“ Bao xa đi độ?”
Hồi còn trẻ thì nàng đã chỉnh cha nàng; “ Đi độ bao xa?” nàng sẽ nói ngay lập tức, khó chịu như thể sai lầm của ông phản ảnh những thiếu sót của chính nàng. “Con không biết. Con nghĩ anh ấy lái khoảng bốn mươi phút mỗi chiều.”
“ Như vậy kể là cũng khá xa. Sao con không chọn một căn nhà gần hơn?”
“ Chúng con thấy chẳng sao. Và chúng con yêu cái căn nhà này.” Nàng không biết cha nàng có nghĩ là câu nói có trẻ con không.
“ Còn con? Con có kiếm được việc ở đây chưa?”
“ Việc luật sư bán thời gian rất khó tìm,” nàng nói. “ Mẫu giáo ra lúc ban trưa, Adam và con không muốn gửi Akash cho nhà trẻ.”
“ Con có phải thi lại để hành nghề không?”
“ Không. Đây với New York không cần thi lại.”
“ Thế thì tại sao con không tìm việc mới?”
“ Baba, con chưa sẵn sàng.” Nàng chẳng thèm liên lạc một văn phòng luật sư nào tại Seattle hay gọi điện thoại cho người luật sư chuyên lo về ký thác và tài sản mà một thành viên của văn phòng cũ của nàng đã giới thiệu và đề nghị nàng có thể viết bản tóm tắt hồ sơ pháp lý ở nhà. Nàng biết mình chưa bao giờ nói với cha ý định sẽ ở nhà vài năm nữa. “ Chúng con vẫn đang thu xếp mọi chuyện.”
“ Cái đó thì cha hiểu. Cha chỉ hỏi là chừng nào.”
“ Có thể sau khi đứa thứ hai vào mẫu giáo.”
“ Như vậy là tối thiểu năm năm nữa cơ à. Bây giờ là lúc con phải đi làm, xây dựng nghề nghệp.”
“ Nhưng Baba, con đâu có ngồi không đâu. Chẳng bao lâu thì con sẽ phải trông hai đứa nhỏ, giống như mẹ khi xưa.”
“ Như vậy liệu con có hạnh phúc không?”
Nàng không trả lời. Mẹ nàng là người có thể thông cảm quyết định của nàng, sẽ hỗ trợ và hãnh diện. Khi thằng Rumi còn khố rách áo ôm thì nàng đã làm việc năm mươi tiếng một tuần trong nhiều năm trời. Nàng lúc nào cũng cảm thấy bị giao phó một cách bất công bởi cả cha lẫn mẹ cho những vai trò không đúng: là người con trai cả của cha, và người phối ngẫu phụ của mẹ.
“ Chúng nó sẽ không còn bé bỏng mãi, Ruma.” cha nàng tiếp tục. “Rồi con sẽ làm gì?”
“ Rồi con sẽ đi làm lại.”
“ Lúc đó thì con đã ngoài bốn mươi. Chuyện không giản dị như vậy đâu.”
Nàng mắt tiếp tục nhìn đường và bật radio lên. Nàng chưa bao giờ có thể đối chất tự do với cha như lối nàng thường cãi nhau với mẹ. Có lẽ nàng sợ bất cứ một bất đồng quan điểm nào cũng có thể xoi mòn mối liên hệ vốn dĩ đã mong manh giữa hai người. Nàng biết nàng đã làm ông thất vọng vì không được nhận vào các trường đại học thuộc Ivy Leagues.
Mặc dù thằng Romi sống một cuộc sống rày đây mai đó, không nhất định, nhưng cha nàng vẫn nể nó hơn vì nó đã tốt nghiệp đại học Princeton và đã nhận được học bổng Fulbright đi ngoại quốc. Nàng có thể đếm được trên đầu ngón tay những lần tranh luận giữa hai cha con. Hồi còn trung học, sau khi lấy được bằng lái xe, cha nàng đã không thêm tên nàng vào bảo hiểm xe gia đình để nàng không thể lái xe một mình. Lên đại học, khi phải chọn ban ngành, cha nàng cố thuyết phục nàng chọn sinh vật học thay vì sử học. Ông than tiền trường luật quá đắt nhưng khi nàng được nhận vào Northeastern thì vẫn trả tiền học phí. Và khi nàng hoạch định chương trinh đám cưới, ông không đồng ý với dự định tổ chức ngoài trời ở Martha’s Vineyard. May thay thời tiết hôm đó lý tưởng, mặt trời chiếu sáng chói chan trên mặt biển trong khi họ trao đổi lời thệ ước. Vậy mà cho đến giờ này Ruma vẫn có những cơn ác mộng trong đó cơn mưa bão trút xuống như thác trên những cái lều trắng, ghế gấp, và hàng trăm quan khách.
Nàng quẹo xe vào bãi đậu của hồ bơi. Khi vào bên trong, nàng nói cha ngồi trên băng ghế, nơi ông có thể quan sát lớp bơi qua lần cửa kính, trong khi nàng vào cho Akash thay đồ bơi. Khi nàng ra gặp cha nàng thì ông đang loay hoay cho băng mới vào máy thâu và điều chỉnh settings.
“ Akash kia kìa,” nàng chỉ chỗ nó đang ngồi. Nó quấn người bằng tấm khăn tắm trong khi đợi lớp học bắt đầu. Trước đây nàng tưởng Akash còn quá bé để xuống hồ một mình, và phải lấy lớp sớm hơn, trong đó cha mẹ cũng phải xuống hồ. Nhưng lớp đó đã đầy, và ngay từ lúc đầu Akash đã sẵn sàng buông tay mẹ nhảy vào cánh tay người huấn luyện viên, một cô nhỏ tóc màu vàng nâu.
Trong ba mươi phút kế tiếp, cha nàng liên tục thâu hình Akash: Lúc nó đeo phao vào lưng, lúc nó thổi bong bóng và tập đạp nước. Cha nàng đứng thâu, ống kính gần chạm cửa kính. Lúc Ruma và Romi đang lớn ông đâu có để ý như thế này. Hồi đó mẹ nàng là người trông hai đứa tập bơi, là người nín thở vì sợ hãi khi chúng nó trèo thang, vẫy tay với mẹ, rồi phóng xuống hồ từ ván nhún trên cao. Cha nàng không dậy Rumi ném banh, và ông không mang chúng đi trượt băng trên mặt hồ.
Trên đường về nhà, cha nàng lại mang đề tài nghề nghiệp ra nói. “Đi làm rất quan trọng Ruma ạ. Không chỉ vì lý do tài chánh mà còn vì sự ổn định tinh thần. Suốt cuộc đời cha kể từ khi mười sáu tuổi, không lúc nào là không làm việc.”
“ Cha đã về hưu rồi.”
“ Nhưng cha đâu có ngồi không. Đó là lý do tại sao cha đi du lịch. Quả là hoang phí thật, nhưng tiền dành dụm đâu có xài hết.”
“ Tinh thần tự lực quan trọng, Ruma,” ông tiếp tục. “ Cuộc đời lắm cái bất ngờ. Hôm nay con có thể tùy thuộc vào Adam, vào công việc của Adam. Ngày mai thì biết đâu chừng.”
Nàng quay lại nhìn cha. “ Cha đề nghị cái gì? Cha nói sao?”
“ Không có gì. Chỉ có chuyện con không có việc làm cha lo sợ. Lo sợ không phải cho cha đâu, con hiểu chứ. Cha chỉ quan tâm đến con thôi. Cha có đủ tiền, đến chết cũng không xài hết.”
“ Ai chết vậy? Akash từ băng ghế sau nói vọng lên.
“ Không ai hết. Ông với mẹ con nói chuyện tầm xàm thôi. Ồ, sao mà có cái xe lửa mới như vậy, xe ra khỏi trạm chưa?” cha nàng hỏi Akash.
Sau bữa ăn tối hôm đó ông cho coi video của ông. Trước tiên họ xem đoạn phim quay lớp học bơi, và rồi ông cho coi video cảnh Âu Châu: những bức bích họa trong các nhà thờ, cảnh chim bồ câu bay. Phần lớn những hình ảnh được thâu qua cửa kính xe buýt du lịch trong khi hướng dẫn viên giải thích về những tượng đài kỷ niệm đi qua. Ông đã cẩn thận không thâu bà Bagchi nhưng khi ông coi lại hình ảnh trên màn ảnh lớn của ti vi, ông thấy thỉnh thoảng có bóng dáng bà trong suốt đoạn phim--như chỗ thấy cánh tay bà tựa trên thành cửa sổ xe buýt, hay đoạn có túi xách tay bằng da màu xanh dương trên ghế.
“ Đó là Luigi,” ông nói khi máy quay nhắm vào anh hướng dẫn viên người Ý.
“ Trên tour có những ai đi với cha?” Ruma hỏi.
“ Đa số là những người như cha, hoặc đã về hưu hoặc rỗi rảnh không có việc gì làm,” ông nói. “ Có nhiều người Nhật. Ở mỗi quốc gia có một nhóm khác nhau.”
“ Cha có làm quen với ai không?”
“ Trong nhóm thì rồi ai cũng biết ai.”
“ Có bao nhiêu người tất cả?”
“ Có lẽ mười tám hay hai mươi người.”
“ Và cha có dính với họ suốt ngày hay có thì giờ cho riêng mình?”
“ Thỉnh thoảng cũng có lúc đi riêng.”
“ Ai đó?” nàng hỏi thình lình.
Ông kinh hoàng nhìn màn ảnh ti vi, bà Bagchi xuất hiện vài giây đó đây, khi thì ngồi ở một bàn nhỏ quán cà phê, khuấy đường bằng một cái thìa bé xíu trong một cái tách bé xíu. Và ông nhớ mình để ông Yamata, một trong những bạn đồng hành nhìn qua ống kính, và có lẽ đã bấm nút thâu mà không ai biết. “ Con muốn nói người nào?”
“ Bà ấy biến mất rồi. Một người đàn bà trông có vẻ là Ấn Độ.”
Đây là cơ hội để nói cho Ruma nghe. Chuyện không dễ như ông đã tưởng. Ông chẳng thích dấu diếm nàng. Nhưng nói cái gì? Rằng ông có một người bạn mới? Một người bạn gái?
Với ông, ngôn từ đó xa lạ, không thể nói ra; cả đời ông chưa từng có bạn gái. Nói với Romi chắc dễ hơn. Romi nghe xong có lẽ cũng dửng dưng, có thể còn nhẹ nhõm nữa không chừng. Ruma thì khác. Cả đời ông cảm thấy bị nó thay mặt mẹ nó, lên án ông. Hai mẹ con nó là đồng minh. Và ông đã âm thầm chịu đựng những oán hờn của Ruma mà không hề giải thích, không bao giờ nói là vợ mình đã đòi hỏi quá đáng và không hề biết đến những hy sinh mà ông đã chịu đựng cả đời để cung dưỡng cho vợ, cho con.
Giống như vợ ông, Ruma giờ sống một mình ở chỗ mới này, choáng ngợp, không bạn bè, con thì thơ dại. Tất cả những cái đó nhắc nhở ông nhiều về những năm tháng đầu hôn nhân, và vì những năm tháng ấy mà vợ ông không bao giờ tha thứ cho ông. Ông luôn tưởng là cuộc đời của Ruma rồi sẽ khác. Nàng bắt đầu đi làm rất sớm. Mặc dù ông bà phản đối, ngay từ hồi còn trung học nàng đã nhất định đi làm hầu bàn mùa hè, một công việc mà họ hàng bên Ấn Độ sẽ xem là mất thể diện cho một cô gái thuộc giai cấp cũng như trình độ giáo dục như nàng. Nhưng con gái ông không còn là trách nhiệm của ông nữa. Cuối cùng thì ông đã đến cái tuổi đó.
“ Có một điều cha nhận thấy khi đi du lịch,” ông nói, hình ảnh ngôi chợ trên dốc Siena đang hiện ra trên màn ảnh. “ Thời buổi này, đi đâu cũng gặp người Ấn Độ.”
Sáng hôm sau Akash chạy vào phòng đánh thức nàng dậy.
“ Dadu đi mất rồi.”
“ Con nói cái gì vậy?”
“ Chẳng thấy ông đâu hết.”
Nàng ngồi bật dậy. Đã bẩy giờ bốn mươi lăm rồi. “ Chắc ông đi dạo rồi.” Nhưng khi nàng nhìn ra ngoài cửa sổ thì không thấy chiếc xe mướn đậu trước cửa.
“ Ông có về không?”
“ Đợi một chút Akash, để mẹ nghĩ.” Tim nàng đập thình thịch và nàng có cảm giác giống như khi ở sân chơi mà không thấy bóng Akash. Nhìn vào bếp nàng thấy cha mình chưa ăn sáng; không có tô, thìa trong bồn chén đĩa, không có bịch trà đã uống trên đĩa tách cạnh bếp. Nàng không biết cha mình có ốm, có lái xe đi tìm tiệm thuốc tây mua aspirin hay Alka-Seltzer không. Cha nàng dám làm như vậy lắm. Có lần ông đi rút tủy răng mà chẳng nói ai biết cho đến khi về nhà mồm miệng sưng vù, đầy bông gòn. Mà cha nàng lại không mang theo điện thoại tự động. Gọi cảnh sát thì lại không nhớ bảng số xe. Nàng nhấc điện thoại lên, định gọi hỏi Adam xem phải làm gì. Vừa lúc đó thì nghe tiếng bánh lào xạo trên đường sỏi.
“ Cha đi đâu về vậy?” nàng hỏi.
“ Cha nhớ hôm qua trên đường về từ hồ bơi có thấy một vườn ươm cây, nên sáng nay chạy qua coi chừng nào nó mở cửa.”
“ Vậy à,”
“ Sân sau nhà con đất đai màu mỡ mà lại có nhiều ánh nắng nữa, cha trồng vài bụi cây nếu con muốn” ông nói.
“ Baba, cha đâu cần làm mấy chuyện đó làm gì. Cha cần nghỉ ngơi mà.”
“ Trồng cây là một hình thức thư giãn với cha.”
“ Lần sau có đi đâu cha phải cho con biết để khỏi mất công lo lắng.”
“ Có mà,” ông nói. “ Cha có viết giấy để lại trên mặt bàn giấy.”
Nàng nhìn thằng Akash đang xé miếng croissant và mảnh vụn tung toé trên áo pajama. Nàng định trách nó tại sao không thấy giấy viết của ông ngoại nhưng chợt nhớ là nó chưa với tới mặt bàn giấy và có tới thì cũng chưa biết đọc.
Khi vườn ươm mở cửa, cha nàng chở Akash ra đó. Họ đi rồi, nàng mới nhận thấy là đây là lần đầu tiên nàng giao Akash cho cha coi một mình. Một tiếng sau hai ông cháu về nhà, khệ nệ mang vào những bịch phân bón, chậu hoa, một cái xẻng và một cái cào. Ruma vào trong lục ra cho cha một bộ quần áo ka ki bạc màu và một đôi giày chạy cũ mà Adam tính cho hết cho Salvation army. Và suốt ngày hôm đó cha nàng cuốc đất trồng cây trong khi Akash chạy lăng quăng chơi bên cạnh. Ông làm việc đều đặn, chỉ nghỉ tay để ăn trưa qua loa, rồi lại làm việc cho đến khi trời tối mù tối mịt.
Sáng hôm sau, ông lái xe trở lại vườn ươm cây mua thêm một kiện bùn rêu, nhiều bịch rơm phủ và phân trộn. Ông cũng mua thêm một cái hồ bơi thổi lên được cho con nít làm theo hình cá sấu, mà ông đổ đầy nước vào. Akash cả ngày bì bõm trong hồ, có lúc thì đào đất tìm giun. Ruma giờ có thì giờ làm những việc mà trước đây vì phải trông Akash nên không làm được, như trả tiền nợ linh tinh và xếp những quần áo của Akash không còn vừa, để dành cho em. Có lúc Akash chạy vào nhà, chân không giày dép, người đầy đất cát.
“ Con làm gì vậy?” nàng hỏi nó.
“ Con trồng.”
“ Con trồng cái gì?”
“ Đủ thứ hết.” Nói xong nó đi ra ngoài. Nàng theo nó và thấy cha nàng làm cho nó một luống đất nhỏ trong đó nó trồng đủ thứ đồ chơi: một trái banh cao su màu hồng, vài miếng Lego và một khố́i bằng gỗ có hình ngôi sao.
“ Đừng có trồng sâu quá nhé,” cha nàng nói.
Akash gật đầu rồi nhặt một con khủng long bằng nhựa và chôn nó xuống đất.
“ Màu gì?” cha nàng hỏi.
“ Màu đỏ.”
“ Màu đỏ tiếng Bengali là gì?”
“ Lal.”
“ Giỏi.”
“ Neel!” Akash chỉ lên trời.
Trong khi cha tắm thì nàng pha trà, một nghi thức nàng làm mỗi ngày khi màn đêm bắt đầu buông xuống, nhưng ít khi nào có cái cơ hội ngồi ở hàng ba với cha cùng với ấm trà, hộp hạt điều muối và đĩa bánh bít qui, ngắm mặt hồ và nghe tiếng gió thổi vi vu qua ngọn cây.
“ Nếu ở đây cha sẽ mắc võng ngủ bên ngoài trong mùa hè,” cha nàng nói.
“ Chuyện đó dễ thôi,”
“ Chuyện gì?”
“ Ngủ ngoài này. Mình có nệm hơi mà.”
“ Chỉ nói chơi thôi,” ông nói tiếp, “ Nhưng nếu có thể, cha sẽ xây một cái hàng ba như thế này.”
“ Tại sao cha không làm?”
“ Khu condo không cho phép. Phải chi hồi ở nhà cũ mình làm như vậy”
Nghe cha nhắc đến nhà cũ, nước mắt nàng ứa ra. Bỗng nhiên Ruma muốn hỏi cha nàng, như đã muốn hỏi nhiều lần, là ông có nhớ mẹ nàng không. Nhưng nàng chưa bao giờ hỏi, và ông cũng chưa bao giờ nói ra.
Nàng cố hình dung lại ngôi nhà cũ với cha mẹ nàng ngồi ghế mây uống trà. Và mẹ nàng như bỗng tái sinh. Nàng nhớ lời mẹ nàng nói ngày nàng sinh Akash. “ Nó là thịt xương của con.” Và lần đầu tiên trong đời nàng cảm nhận được sự kỳ diệu của cuộc sống. Một con người bằng xương bằng thịt, tất cả lục phủ ngũ tạng hoạt động hoàn hảo. Nhưng cái chết cũng kỳ diệu không kém. Con người ta có thể sống năm này tháng nọ, ăn, ngủ, thở, nghĩ, rồi đột nhiên biến mất không để lại một dấu vết. Không hiện hữu.
“ Tụi con vẫn chưa có dịp đến thăm apartment mới của cha. Adam lâu nay không có ngày nghỉ. Tụi con thế nào cũng xuống sau khi sanh baby.”
“ Chẳng có gì để mà thăm. Chỉ có một cái ti vi, một cái sofa, và vài thứ đồ đạc lỉnh kỉnh. Đâu có chỗ cho tụi con. Không có rộng như đây đâu.”
“ Con vẫn muốn xuống thăm,” nàng nói. “ Tụi con có thể ở khách sạn.”
“ Không cần đâu Ruma. Chẳng cần phải bay xa chỉ để nhìn một căn apartment,” cha nàng nói. “ Con còn con còn cái. Mất công lắm.”
“ Nhưng mà hồi đó cha mẹ mang tụi con về Ấn Độ bao nhiêu lần thì sao.”
“ Hồi đó khác. Ông bà của con đâu có muốn du lịch. Nhưng cha sẽ trở lại đây thăm tụi con,” ông nói, nhâm nhi nước trà. “ Cha thích chỗ này.”
“ Cha em đang trồng hoa sau nhà,” nàng nói với Adam trên điện thoại tối hôm đó.
“ Thế cha có tính ở lại để chăm vườn không?”
Nàng hơi khó chịu vì thái độ của Adam. “ Em không biết.”
“ Hôm nay là thứ Năm rồi. Em còn đợi đến chừng nào mới hỏi cha?”
“ Em muốn đợi vài ngày nữa.”
“ Ruma, đó là cha của em chứ đâu phải là ai xa lạ.”
Vậy mà vẫn có nhiều cái về cha mình mà nàng chưa biết. Từ hôm cha tới chơi, nàng chưa hề phải rửa chén. Ăn uống thì rất dễ tính, ông ăn ngon ăn lành những món cá nướng, gà nướng nàng làm sau khi thức ăn Ấn Độ đã hết, và buổi trưa chỉ cần một lon súp cũng xong. Nhưng điều ngạc nhiên nhất là Akash đã mang ra một khía cạnh của cha mình mà nàng chưa từng thấy trước đây.
Cha nàng đứng bên cạnh khi nàng tắm rửa kì cọ cho thằng Akash vào buổi tối. Ông giúp nó mặc quần áo ngủ, đánh răng, và chải đầu. Khi Akash lăn ra ngủ trên mặt thảm phòng khách, ông nhét gối dưới đầu và đắp chăn cho nó. Giờ thì Akash tối ngủ dưới nhà với ông, và đòi ông đọc sách cho nghe trước khi ngủ.
Buổi tối đầu tiên Akash ngủ với cha nàng, Ruma xuống xem nó đã ngủ chưa. Nàng thấy ánh đèn hắt ra từ khe cửa và nghe tiếng cha nàng đang đọc truyện Green Eggs and Ham. Nàng hình dung ra cảnh tượng hai ông cháu nằm trong chăn, cuốn sách ở giữa, Akash lật trang trong khi cha nàng đọc. Rõ ràng là cha nàng chưa đọc cuố́n sách này bao giờ. Ông đọc không trơn tru, ngừng sau mỗi câu, và giọng sống động hơn bình thường. Nàng cảm thấy xúc động và nhận ra là cha nàng mới biết yêu lần đầu. Nàng định gõ cửa nói hai ông cháu đi ngủ vì đã quá giấc ngủ của Akash rồi. Nhưng nàng ngừng lại, đi lên lầu, và hơn ghen tị với con một tí.
Khu vườn làm gần xong nhưng ông biết con gái và con rể sẽ không biết cách chăm bón và trong vài tuần cỏ dại sẽ mọc đầy và lá cây sẽ bị sên ăn. Ông thích trồng rau hơn nhưng trồng hoa dễ chăm hơn. Cũng không có gì nhiều, vài cụm hoa sim và loại hoa có nhiều màu sắc trồng dưới chân cây, hai bụi đỗ quyên, cây clematis cho leo quanh những cột hàng ba, và cây dương tử hoa để tưởng nhớ đến vợ ông. Trong một luống sau bếp, ông trồng vài cây cà chua xen lẫn với cúc vàng và cây bóng nước. Ông trồng cây phi yến cách xa nhau rồi cột chúng thành cuống, và chôn vài củ lay-ơn xuống đất. Đã lâu rồi ông không có dịp làm việc ngoài trời. Ông thèm cái cảm giác và mùi hăng hăng của đất. Mà mỗi lần nghĩ đến vườn tược là một lần nhớ vợ da diết. Khi con họ đã lớn và chỉ còn hai ông bà sống với nhau, bà biến chế rau ông ông trồng thành những món ngon và lạ. Họ thường xuyên đãi khách và cho mỗi người khách đến chơi một bọc khoai tây khi đi về.
Ông nhìn luống đất nhỏ cắm đầy đồ chơi, bút chì và cả tiền cắc của Akash.
“ Chừng nào cây mọc hả ông?” Akash ngồi trong hồ nhựa chơi với thuyền buồm, gọi vọng ra.
“ Không lâu đâu.”
“ Ngày mai hả?”
“ Đâu có nhanh vậy. Phải từ từ chứ. Con có nhớ cái ông dạy sáng nay không?”
Và Akash đọc số từ một tới mười bằng tiếng Bengali.
Buổi tối hôm đó, sau khi Akash đã ngủ say bên cạnh, ông viết cho bà Bagchi một tấm bưu thiếp. Ông không tin tưởng hình thức e-mail dùng computer của Ruma. Tấm bưu thiếp, ông mua ở tiệm mà ông mua hồ bơi cho Akash. Một mặt là hình những cái phà ở vịnh Elliott, một nơi ông chưa tới. Khi đi Âu Châu, ông bao giờ cũng chỉ mua những bưu thiếp của những nơi đã qua, nếu không thì cảm thấy mình thiếu thành thật. Nhưng ở đây, ông không có lựa chọn nào khác. Ông viết bằng tiếng Bengali, một tiếng mà Ruma không biết đọc. “ Tôi trồng cho Ruma một vườn hoa,” ông bắt đầu. “ Akash đã lớn hơn và đang học bơi. Khí hậu dễ chịu, mùa hè không có mưa. Tôi mong đợi đến ngày gặp nhau ở Prague,” ông dứt thư. Ông không kí tên. Ông lục trong ví ra địa chỉ bà Bagchi mà ông đã viết trên một mảnh giấy. Ông chỉ mang theo trên người địa chỉ của con trai, con gái và của bà Bagchi, tất cả viết trên những mảnh giấy mà ông nhét đàng sau bằng lái xe và thẻ an ninh xã hội.
Ông không biết bưu điện gần nhất ở đâu. Không biết Ruma có thắc mắc nếu ông hỏi xin tem thư? Ông có thể về Pennsylvania rrồi mới gởi nhưng hơi kỳ. Ngay lúc này thì ông không biết cất tấm bưu thiếp chỗ nào. Ông quyết định nhét nó vào giữa những trang của cuốn sách hướng dẫn Seattle nằm trên bàn cạnh giường.
Ông quay lại nhìn thằng cháu ngoại đang ngủ, lông mi nó dài và má nó phính, giống con của ông khi chúng còn nhỏ. Ông chợt nhận thức là có lẽ mình sẽ không còn sống khi nó trưởng thành, và điều này làm ông buồn. Chuyện đó là lẽ đương nhiên. Chính ông đã bỏ cha, bỏ mẹ khi sang định cư bên Mỹ. Ông hôn nhẹ lên trán Akash, lấy tay vuốt nhẹ những lọn tóc quăn vàng, rồi tắt đèn đi ngủ.
Sáng Chủ Nhật, một ngày trước khi cha nàng đi, cái vườn đã trồng xong. Ăn sáng xong, ông chỉ cho Ruma coi những cái ông đã làm. Những bụi cây còn nhỏ, rơm phủ chung quanh và cách nhau một khoảng cách đủ để phân biệt cây này với cây kia, nhưng ông nói chúng sẽ mọc cao và gần nhau hơn, dùng tay cho thấy ước lượng chiều cao có thể dự đoán cho mùa hè năm sau. Ông chỉ nàng tuần tưới mấy lần, bao lâu, và phải đợi khi hết nắng. Ông chỉ nàng bao phân đã mua, và nói nàng khi nào phải thêm vào với nước khi tưới. Nàng lắng nghe một cách kiên nhẫn trong khi Akash chạy ra chạy vô hồ nước, nhưng nàng không hấp thụ được bao nhiêu những điều ông nói.
“ Coi chừng mấy con bọ cánh cứng,” ông nói, bắt một con từ cái lá và đáp nó ra xa. “ Mấy cây dương tử năm nay chưa nở mấy đâu. Hoa màu hồng hay xanh tùy theo độ a-xít của đất. Rồi cũng sẽ phải tỉa bớt.”
Nàng gật đầu.
“ Mẹ con thích mấy cái hoa đó lắm.” ông nói thêm.
Ruma nhìn cây, những lá xanh đậm, cạnh hình răng cưa. Nàng đâu biết điều đó.
“ Nhớ đừng để trái cà chua nằm dưới đất.” Ông cúi xuống, sửa lại một cây cho ngay ngắn. “ Cái cọc này đủ sức đỡ nó, hay con có thể dùng sợi dây chắc chắn. Đừng để nó khô. Nếu trời nắng, phải kiểm soát mỗi ngày hai lần. Nếu cà chưa chín mà trời băt đầu có sương giá thì hái trái và dùng báo quấn lại. Và mùa thu phải cái cuống cây phi yến.”
“ Có thể̉ cha làm cũng được,” nàng đề nghị.
Ông loạng choạng đứng dậy, tay chống đùi. Ông gỡ cái mũ lưỡi trai ra và dùng cánh tay chùi trán. “ Bố đã có lịch trình đi du lịch. Cha đã mua vé rồi.”
“ Con muốn nói là sau khi cha trở về, Baba.”
Cha nàng đang nhìn những ngón tay bám đầy đất rồi ngẩng mặt nhìn chung quanh, nhìn khu vườn và những cái cây.
“ Chỗ này tốt, Ruma. Nhưng đây là nhà con, không phải nhà cha.”
Nàng biết thế nào cũng gặp đề kháng nên tiếp tục nói. “ Cha có nguyên tầng dưới. Khi nào cha muốn đi du lịch là cứ việc đi. Chẳng ai cấm cản. Sao Akash, con thấy sao?,” nàng gọi nó. “ Dadu ở đây với chúng ta? Con có thích không?”
Akash nhảy cà tưng trong hồ, tay thì bắn súng nước, đầu thì gật lia gật lịa.
“ Con biết đó là một quyết định lớn,” Ruma tiếp tục. “ Nhưng sẽ tốt cho cha. Và cho mọi người.” Đến lúc này thì nàng bắt đầu khóc nức nở. Cha nàng không bước tới an ủi. Ông chỉ đứng yên, chờ đợi.
“ Cha không muốn mình là gánh nặng.” Ông nói một lúc sau.
“ Cha đến ở đây sẽ giúp cho chúng con chứ không phải là gánh nặng. Cha không phải quyết định bây giờ. Chỉ cần hứa là cha sẽ cân nhắc chuyện ấy.”
Ông ngẩng đầu nhìn nàng, một cái nhìn buồn như thể nhìn con lần cuối, và gật đầu.
“ Còn có một ngày nữa thôi, cha có muốn làm gì đặc biệt không?” nàng hỏi. “ Ta có thể lái xe vào phố ăn trưa.”
Lời đề nghị làm mặt ông như sáng rỡ. “ Còn đi chơi thuyền được không?”
Nàng đi vào trong nhà, nói để chuẩn bị cho Akash và xem lịch trình. Ông đột nhiên muốn ra đi hết sức, cảm thấy như không chịu nổi hai mươi bốn tiếng còn lại. Ông tự nhủ là ngày mai đã có mặt trên máy bay, trên đường về Pennsylvania. Và rằng hai tuần sau đó sẽ đi Prague với bà Bagchi.
Ông biết con gái mời ông đến đây sống không phải vì ông mà là cho nó.
Lần đầu tiên trong cuộc đời, nó cần đến ông. Đó là lý do làm ông cảm thấy nhức nhối. Một mặt, ông cảm thấy bắt bưộc phải nhận lời vì mình là cha nó. Nhưng đó không phải là điều mà ông muốn. Sống đây một tuầ̀n, cho dù là có thú vị, đã cho ông thấy rõ điều đó. Ông không muốn là một phần của một gia đình khác, một phần của những lộn xộn, của cãi lộn, đòi hỏi, náo động. Ông không muốn sống ngoài lề và trong bóng mờ của cuộc đời vợ chồng nó. Ông không muốn sống trong một căn nhà to kềnh trong đó đủ thứ tích tụ, những thứ mà ông vừa xả thải, những sách vở, giấy tờ, quần áo và triệu thứ linh tinh mà người ta cảm thấy cần phải có, cần phải giữ. Cái cám dỗ duy nhất là thằng bé, nhưng rồi nó cũng sẽ quên ông.
Nhìn Ruma chăm con khổ cực vất vả làm ông nhớ đến vợ ông, bà đã đảm nhận thiên chức làm mẹ ở một cái tuổi trẻ hơn Ruma bây giờ rất nhiều. Khi bằng tuổi nàng thì con họ đã sắp tuổi trưởng thành. Mà càng lớn thì chúng càng xa cách cha mẹ--nói năng khác, ăn mặc khác, khác từ tóc tai cho đến chân tay. Điều lạ là thằng cháu ông, một đứa trẻ mang trong người chỉ một phần giòng máu Bengali, lại là người mà ông cảm thấy có một liên hệ thể chất trực tiếp hơn cả.
Ông nhớ lũ con ông khi học đại học về, vì say sưa trong sự độc lập mới khám phá nên hay thiếu kiên nhẫn trong xử sự với cha mẹ, và lúc nào cũng chực muốn thoát ly. Đó là nỗi khổ tâm không riêng cho vợ ông mà còn cả cho ông nữa. Khi còn bé thì chúng yếu đuối, cần vòng tay che chở của cha mẹ. Nhưng rồi những nhu cầu đó dần dà tan biến như mây khói. Và giờ thì chính con gái ông sẽ phải đối diện với những mất mát ấy. Con nàng rồi cũng trở thành xa lạ và tránh né nàng. Và vì nàng là con nên ông muốn che chở nàng khỏi cái lẽ tất yếu của cuộc đời. Sự phai nhạt đương nhiên sẽ xảy ra của định chế hôn nhân, và cái chuyện lập gia đình, có con, cho dù có thỏa mãn thật, nhưng đã có những sai lầm tự căn nguyên. Nhưng đó là những võ đoán của một ông già, một ông già mà giờ này hành xử như một đứa trẻ.
Cha nàng đi sớm sáng hôm sau khi Akash còn ngủ. Nàng lại tình nguyện chở cha ra phi trường nhưng ông vẫn một mực không chịu, lấy lý do là ông không muốn gây xáo trộn cho những thói quen thường lệ của Akash. Cuộc du ngoạn cả ngày thăm phố Seattle đã làm mọi người mệt mỏi. Sau chuyến đi phà, họ đi lên Space Needle rồi ăn tối ở Pike Place Market trước khi lái xe về nhà. Khi vào nhà bếp, nàng thấy cha mình đã ăn xong cereal, tô muỗng nằm sẵn trong máng đựng chén đĩa cho khô. Gói trà bình thường giữ lại để uống sái hai đã được vất đi.
“ Cha sắp xếp xong hết rồi?” nàng hỏi, nhìn thấy va-li nằm sẵn cạnh cửa ra vào. Ông đến mang quà theo nhưng không mang gì về. Tất cả những thứ ông mua tuần rồi là đều cho nàng.
“ Về tới nhà thì cha nhớ gọi cho con biết,” nàng lập lại những gì mẹ nàng hay nói khi các con đi xa. Nàng xin số chuyến bay rồi viết trên cùng tờ giấy dán trên cánh cửa tủ lạnh có ghi sẵn lịch trình của Adam.
“ Tối nay Adam về?”
Nàng gật đầu.
“ Tốt. Rồi tất cả sẽ trở lại bình thường.”
Nàng muốn nói với cha, mấy ngày qua có ông ở đây đã cảm thấy thật bình thường. Nhưng nàng không thể nói nên lời. Cha nàng liếc nhìn đồng hồ đeo tay, rót nốt trà vào đĩa tách cho nguội. Rồi ông nhấc đĩa lên môi uống sì sụp.
“ Tuần vừa qua thật là tuyệt vời, Ruma. Ngày nào cũng thú vị.”
“ Con cũng thấy thế.”
“ Những ngày với thằng Akash là một món quà đặc biệt nhất đối với cha,” ông nói thêm, giọng chùng xuống. “Nếu con muốn thì cha sẽ xuống thăm sau khi con sanh. Dĩ nhiên cha sẽ không đỡ đần cho con nhiều như mẹ con.”
“ Cha cứ nói vậy.”
“ Nhưng mong con thông cảm, cha muốn sống mốt mình. Khi người ta già thì khó mà có thể thay đổi được.”
Những lời nói nhẹ nhàng của ông như phủ lên người nàng một cách nhanh chóng. Nàng biết là ông không cần thì giờ suy nghĩ, rằng ông không hề có ý định ở lại.
“ Nhớ liên lạc những văn phòng luật sư ở đây,” ông nói thêm. “ Đừng để uổng phí bao công lao học hành.”
Ông đứng lên, và trước khi nàng có thể ngăn cản, tráng tách và đĩa tách và xếp chúng vào bồn chén đĩa. Đã đến lúc phải đi.
“ Để cha xuống nhà hôn thằng Akash,” ông nói. Ông quay đi ra khỏi phòng, rồi ngừng lại. “ Con có tem thư không?cha cần gửi một cái hóa đơn.”
“ Trong ngăn kéo cái bàn nhỏ trong phòng khách,” nàng nói. “ Trong đó có một cuộn.”
Nàng nghe tiếng ngăn kéo mở ra rồi đóng lại, rồi có tiếng dép lẹp kẹp xuống nhà. Khi ông trở lại, ông vào tiền sảnh đi giày, cột dây, rồi nhét đôi dép vào túi trước va-li. Ông hôn lên má Ruma. “ Ráng giữ gìn sức khoẻ. Cho cha biết cái vườn đi tới đâu.” Ông liếc nhìn bụng nàng và nói thêm,
“ Cha sẽ đợi tin mừng.” Ông quay đi bước ra xe và bỏ va-li vào thùng sau xe. Nàng đứng nhìn cha nàng bật máy xe và de ra, thắc mắc không biết bao giờ sẽ gặp lại. Xe ra tới thùng thơ thì ông chạy chậm lại, và trong tích tắc nàng tưởng ông sẽ mở cách cửa sổ xe và cho lá thư vào trong. Nhưng ông chỉ vẫy tay chào, và vài giây sau biến mất.
“ Dadu đâu rồi?” Akash hỏi khi nàng đang uống trà.
“ Ông đi về rồi.”
“ Tại sao?”
“ Bởi vì ông ở đó.”
“ Tạ sao?” Trong nét mặt con nàng hiện vẻ thất vọng mà chính nàng cũng cảm thấy.
“ Hôm nay Daddy về,” nàng cố thay đổi đề tài. “ Mình có nên làm một cái bánh không?” Akash ra cửa bếp và vặn nắm đấm, nhìn qua cửa kiếng ra sân sau. “ Con muốn Dadu.”
Nàng mở cửa cho nó và theo nó ra ngoài, cả hai đi chân đất. Trời buổi sáng sớm vẫn hơi lạnh. Nàng định vào nhà mặc áo len. “ Sweetpea? con có lạnh không?” nàng hỏi, khoanh tay trước ngực nhưng Akash không trả lời. Nó nhặt bình tưới nước trống không và làm bộ tưới luống vườn nhỏ của nó. Nàng nhìn những cái lòi ra trên mặt đất: bú́t mực, bút chì, một ống hút, một cây dùng để cắm kem. Có cả giấy, phong bì quảng cáo trông như những cái lều trên mặt đất. Nàng chợt thấy một miếng giấy cứng và khi cúi xuống nhìn thì đọc được chữ viết tay của cha mình. Thoạt tiên nàng tưởng đây là một trong những bưu thiếp cha nàng gửi cho nàng nhưng nhìn kỹ thì thấy tấm bưu thiếp không có đóng dấu đã gửi. Nó được viết bằng tiếng Bengali và địa chỉ bằng tiếng Anh cho một người sống ở Long Island. Một bà Meenakshi Bagchi.
Nàng nhặt nó lên và hỏi. “ Akash, cái này là cái gì?”
Nó định giựt lại. “ Của con.”
“ Cái này là cái gì?” nàng hỏi, lần này sẵng giọng hơn.
“ Cái đó cho vườn của con.”
“ Dadu có cho con cái này không?”
Nó giận dữ lắc đầu rồi òa lên khóc.
Nàng nhìn tấm thiệp và hiểu ngay lập tức, như là đã hiểu khi nhìn nét mặt người bác sĩ giải phẫu điều gì đã xẩy ra cho mẹ nàng trên bàn mổ. Người đàn bà trong video, lý do của những chuyến đi du lịch, lý do ông có vẻ yêu đời, lý do tại sao ông không muốn ở lại Seattle. Lý do ông muốn tem thơ sáng nay. Nơi đây, trong một nhúm chữ mà nàng không đọc được, là lời giải thích, là bằng chứng rằng cha nàng không chỉ có yêu mình Akash mà thôi.
Ông đang đứng trong một tiệm sách trong phi trường, mua báo để đọc trong khi chờ đợi, khi ông thấy, dựng cạnh quầy tính tiền, một cuốn sách hướng dẫn du lịch Seattle như cuốn nằm trên bàn cạnh giường ngủ nhà của Ruma. Ông đã lục kiếm cuốn sách đó khắp nơi và cuối cùng thấy nó nằm dưới gầm giường phía bên Akash. Ông lật giở từng trang và dũ cuốn sách nhưng không tìm thấy tấm bưu thiếp. Ông định đánh thức thằng bé dậy hỏi, nhưng lại thôi. Cuối cùng thì ông chịu thua, bỏ đi, chiếc tem thư chưa dùng nằm trong túi áo làm ông cảm thấy lo lắng.
Nàng dắt Akash vào trong nhà, lau nước mắt và ôm nó vào lòng, và rồi sau khi nó nín, bắt đầu chuẩn bị bữa ăn sáng cho nó. Nàng đặt tô cereal sau bàn cà phê cho nó vừa ăn vừa coi ti vi, rồi trở lại bếp nhìn lại tấm bưu thiếp. Thoạt tiên nàng định xé tan nó đi, nhưng nàng ngừng lại, nhìn vào hàng chữ Bengali mà mẹ nàng trước đây cố dậy nàng mà không được. Những hàng chữ mà giá có mẹ nàng nơi đây thì đọc được trong tích tắc. Những hàng chữ đã cho thấy rõ ràng hơn là mẹ nàng không còn hiện diện trên cõi đời này. Mẹ nàng đã đi đâu khi cuộc đời vẫn tiếp tục, khi Ruma vẫn cần bà giải thich quá nhiều chuyện?
Nàng đi lại ra ngoài, qua bãi cỏ, và nhìn bụi dương tử hoa cha nàng đã trồng, những hoa màu hồng hay xanh tùy theo độ a-xít của đất. Nó không là chứng cớ là cha nàng đã yêu mẹ hay nhớ mẹ nàng. Thế mà ông đã trồng nó để tưởng nhớ tới bà trước khi quay sang một người đàn bà khác. Ruma vuốt tấm bưu thiếp cho thẳng, dùng móng tay cạo sạch đất. Nàng lật mặt kia lại và nhìn cái cảnh chung chung mà cha nàng đã chọn để làm kỷ niệm chuyến viếng thăm. Rồi nàng vào nhà, đến cái bàn trong phòng khách. Từ trong ngăn kéo nàng lấy ra một cuộn tem thư và dán một cái vào bưu thiếp để gửi đi sau.
Hết.
No comments:
Post a Comment