Hai Mươi Năm Sau
Người cảnh sát đi tuần trên con đường lớn với dáng điệu oai vệ. Oai vệ vì thói quen hơn là để biểu diễn, vì chẳng có ai là khán giả. Mới mười giờ đêm nhưng những con gió lạnh lấm tấm vài giọt mưa đã làm con đường trở nên vắng tanh.
Vừa đi vừa kiểm soát cửa rả, ông múa dùi cui theo những động tác cầu kỳ và khéo léo, thỉnh thoảng ném một cái nhin cảnh giác trên con lộ yên ắng. Người cảnh sát, với vóc dáng vạm vỡ và một vẻ hơi nghêng ngang, là một hình ảnh tiêu biểu của người bảo vệ an ninh trật tự. Khu phố đóng cửa khá sớm. Thỉnh thoảng người ta có thể thấy được những ngọn đèn của một tiệm bán xì-gà hay một hàng quán ăn đêm; nhưng phần lớn những cửa hàng thương mại khác đều đã đóng cửa lâu rồi.
Người cảnh sát chợt đi chậm lại. Một người đàn ông đang đứng trong bóng tối của ô cửa của một tiệm bán đồ gia dụng, miệng ngậm điếu xì-gà chưa đốt. Khi viên cảnh sát tiến về phía hắn, người đàn ông lên tiếng ngay.
“ Không có gì đâu thầy,” hắn nói trấn an. “ Tôi đang đứng chờ một người bạn. Chúng tôi hẹn nhau cách đây hai mươi năm. Nghe hơi tức cười, phải không ạ? Để tôi giải thích cho thầy nghe. Hồi đó, ở ngay chỗ này có một tiệm ăn- nhà hàng Big Joe’Brady’s.”
“ Tiệm đó đóng cửa cũng được năm năm rồi.” Người cảnh sát nói.
Người đàn ông trong ô cửa bật que diêm đốt điếu xì-gà. Ánh sáng loé lên, cho thấy một khuôn mặt với nước da tai tái, cặp mặt sắng quắc, và một cái cằm bạnh. Cái kim cài khăn quàng của hắn là một hạt kim cương lớn, gài chênh chếch.
“ Đúng hai mươi năm trước đây, “ người đàn ông nói tiếp, “ Tôi ăn tối tại tiệm Big Joe’Brady’s này với Jimmy Wells, một người bạn nối khố và là một trự dễ thương nhất thế giới. Hai đứa chúng tôi cùng lớn lên ở New York như hai anh em. Lúc đó tôi mười tám và Jimmy hai mươi. Sáng hôm sau tôi sẽ đi về miền Tây lập nghiệp. Còn Jimmy thì chẳng ai có thể lôi kéo nó ra khỏi New York được; nó tưởng như là trên thế giới này không còn chỗ nào khác. Chúng tôi đồng ý sẽ gặp lại nhau ở chỗ này đúng hai mươi năm sau, không cần biết giàu nghèo hay đến từ bất cứ một phương trời nào. Chúng tôi cho rằng trong hai mươi năm, mỗi người trong chúng tôi cũng đã hoàn thành số mệnh và xây dựng cơ đồ cho mình.”
“ Chuyện nghe cũng lý thú nhỉ,” người cảnh sát nói. “ Thời gian cách biệt kể ra như vậy thì cũng khá lâu. Anh có liên lạc hay có tin tức gì của người bạn kể từ ngày chia tay không?”
“ Ừ, thì lúc đầu cũng thư từ qua lại,” người đàn ông nói. “Nhưng sau một hai năm thì chúng tôi mất liên lạc với nhau. Mà muốn sống còn ở miền Tây đâu phải chuyện trò đùa, và tôi cũng thuộc loại năng nổ. Nhưng tôi biết, nếu còn sống, thì thế nào Jimmy cũng lại đây gặp tôi, vì nó là một thằng chân thành nhứt, đáng tin cậy nhứt. Tôi đã từ cả hàng ngàn dặm về đứng đây ở chỗ này, và nếu bạn hiền có xuất hiện thì cũng chẳng quản ngại đường xá xa xôi.”
Người đàn ông lôi trong túi ra một cái đồng hồ có nạm kim cương.
“ Kém ba phút đầy mười giờ,” hắn tuyên bố. “ Hồi đó khi chúng tôi rời nhà hàng thì vừa đúng mười giờ.”
“ Ở miền Tây, chắc anh làm ăn cũng khá chứ?” người cảnh sát hỏi.
“ Chắc chắn rồi. Chỉ mong Jimmy được một phần của tôi. Nó thuộc loại chân chỉ nhưng hơi cù lần Ở ngoải, tôi phải tranh hơi, đọ sức với thứ dữ không à. Sống ở New York riết nó lụt người đi. Miền Tây làm cho con người ta trở nên sắc bén như dao cạo.”
Người cảnh sát quay dùi cui, dợm chân bước đi. “ Tôi phải đi đây. Hy vọng là bạn anh xuất hiện. À này, anh có tính đợi lâu không?”
“ Tôi sẽ đợi thằng Jimmy tối thiểu nửa tiếng đồng hồ nữa.” người đàn ông nói. “ Nếu Jimmy còn trên cõi trần này thì thể nào cũng tới. Thôi chào thầy nhé.”
“ Chào anh,” người cảnh sát nói, rồi tiếp tục đi tuần và khám xét cửa rả.
Trời bắt đầu cơn mưa phùn gió lạnh và vài người khách bộ hành còn lại, cổ áo kéo cao và tay thọc trong túi, cắm cúi đi nhanh. Và trong ô cửa tiệm bán đồ gia dụng, người đàn ông đã đi xa ngàn dặm để giữ một cuộc hẹn, bấp bênh đến độ phi lý, hút xì-gà và chờ đợi.
Hắn đợi khoảng hai mươi phút, và rồi một người đàn ông cao ráo, mặc áo choàng dài với cổ áo bẻ ngược tới tai, vội vã băng qua đường tiến thẳng về hướng người đang đứng đợi.
“ Phải mày đó không, Bob?” ông hỏi một cách ngờ vực.
“ Phải mày đó không, Jimmy Wells?” người đàn ông trong ô cửa reo lên.
“ Chèn đéc ơi!” người mới tới la lên, nắm chặt hai tay người kia. “ Đúng là mày rồi. Tao biết chắc thế nào cũng gặp mày nơi đây. Chà chà, hai mươi năm là một thời gian khá dài. Cái nhà hàng cũ không còn nữa. Phải chi còn nó thì anh em mình vào đây chén chú chén anh một bữa cho thỏa thích. Sao? đời sống bên đó có khá không?”
“ Khỏi phải nói, muốn cái gì được cái nấy. Mày thay đổi khá nhiều đó Jimmy à. Sao trông mày có vẻ cao hơn khi xưa là làm sao.”
“ Ồ, hồi sau hai mươi tuổi tao vẫn cao thêm một chút.”
“ Làm ăn bên New York có khá không hả Jimmy?”
“ Cũng tàm tạm. Tao làm cho chính phủ. Thôi nè Bob, đi theo tao đến chỗ này, anh em mình ngồi xuống hàn huyên một chập coi.”
Hai người đàn ông sánh vai đi trên con đại lộ. Người về từ miền Tây, lòng tự phụ căng phồng vì thành công, bắt đầu kể chuyện làm ăn của mình. Người kia, phủ kín bởi áo khoác ngoài, lắng nghe một cách chăm chú.
Khi họ đến ngã tư nơi có một tiệm thuốc tây đèn đuốc sáng chói thì mới cùng quay lại nhìn mặt nhau.
Người đến từ miền Tây bất thình đứng lại và rút tay lại.
“ Ông bạn không phải là Jimmy Wells,” hắn gằn giọng nói, “ Hai mươi năm kể có lâu thật, nhưng chưa đủ lâu để thay đổi bộ mặt con người ta như vậy.”
“ Nhiều khi thời gian có thể thay đổi con người ta từ người tốt thành người xấu,” người đàn ông cao nói. “ Anh đã bị bắt mười phút, “Silky”Bob, sở cảnh sát Chicago đã đánh điện cho chúng tôi biết là anh có thể sẽ ghé qua vùng này. Biết điều thì ngoan ngoãn đi theo chúng tôi. Trước khi đi về bót, có người nhờ tôi đưa cho anh một mẩu giấy. Anh có thể đứng dưới cột đèn mà đọc. Đó là thư của cảnh sát viên Wells.”
Người từ miền Tây mở tờ giấy ra đọc. Khi đọc xong thì tay hắn hơi run. Tờ giấy vỏn vẹn có vài hàng.
"Bob. Tôi đã có mặt ở chỗ hẹn đúng giờ. Khi bạn quẹt que diêm đốt điếu xì-gà thì tôi mới nhận ra được mặt của người đang bi truy nã ở Chicago. Dù gì đi nữa, tôi cũng không thể tự mình bắt bạn, và vì thế, tôi đã đi vòng và nhờ một cảnh sát viên mặc thường phục để thi hành công vụ.
Jimmy"
Trích từ The Four Million (1906) của O. Henry
No comments:
Post a Comment