Tên Em Là Chi?
ELIZABETH BLOOM ALBERT
“ Oh, mon dieu,” cô ả nói, “lần đầu hả?”
Nếu hỏi--có phải lần đầu không?--thì còn nói là không. Đàng này nói như lời tuyên bố `C’est ta première fois’, thì hết đường chối cãi.
“ Vậy thì,” nàng nói,” làm một cái cho sướng đi.” Nói xong là tụt váy liền. Tui phải cản lại dẫu thèm ngắm nhìn và rờ mó cái thân hình quyến rũ với làn da nâu óng ả của ả. Nhưng không đủ giờ để ” làm một cái cho sướng.” Tui đã phải khóa trái cổng vào phòng đợi, mặc dù còn một người khách trọ đang đi lang thang ngoài phố. Lát nữa hắn về mà thấy cửa đóng sẽ đập cửa rầm rầm. Và có điếc mấy thì ông bà chủ cũng thức dậy và kể như tui mất toi việc. Ông bà chủ khách sạn ở dưới tầng trệt, cửa phòng đâm ra ngay sau cái quầy mà tui bỏ trống để mang ả gái giang hồ này lên phòng giặt tầng hai. Ả nói ghé lại để cám ơn vì đã đối xử lịch sự với ả trong mấy tháng qua, nhất là vì đã cứu ả khỏi cái tai ương tối hôm qua.
Quả tình mà nói, tối hôm qua mà tui không can thiệp thì nàng cũng rồi đời rồi. Sự thực thì tui chỉ muốn tống cổ chúng ra khỏi khách sạn trước khi có phiền toái. Vừa nghe tiếng lục đục là tui đã cầm chìa khoá, đâm đầu đâm cổ phóng lên lầu. Cửa căn phòng mở toang hoác như cái phéc-mơ-tuya quần của thằng đàn ông. Hắn cao lồng nhồng và có tóc vàng như dân Thụy Điển hay Đan Mạch. Một tay hắn nắm tóc còn tay kia cầm con cu gõ gõ vào tai ả. Hắn đang đứng còn ả thì quì-ngay tại chỗ cái table de nuit trước khi bị lật chỏng gọng trên sàn.
“ Mời ông đi ngay,” Tui nói bằng một giọng bình tĩnh, đầy uy quyền mà chính mình cũng không ngờ. “ Con điếm thối tha,” hắn nói, `Putain de merde’, rồi xổ ra một tràng tiếng ngoại quốc. Có tiếng cửa mở rụt rè trên lầu trên. “ Mời ông đi ngay,” tui nói lớn tiếng hơn. “ Đây là một khách sạn đàng hoàng.” Hắn xổ một tràng tiếng Đức và một cái `Putain de merde’ nữa. Hình như tiếng Pháp hắn chỉ có nhiêu đó. “ La police,” tui nói. Dân nào mà không hiểu chữ đó. “ Không đi tui cho gọi cảnh sát ngay.” Hắn đâu biết tui cũng chẳng muốn dính dáng đến cảnh sát làm gì. Đúng lúc ấy thì có tiếng còi hụ chọc thủng màn đêm. Thằng khốn nạn buông ả ra rồi chạy ào xuống lầu. Chắc hắn tưởng tui đã gọi cảnh sát và họ đang trên đường đến khách sạn.
Tui nhấc cái table de nuit có cái đèn gắn liền. Chân đèn bị móp và bóng thì bể tan tành. Tui kiểm soát cái giường và thấy vệt máu trên khăn trải giường. Tui cuộn khăn lại và để ả ngồi trên tấm nệm không trong khi tui xuống lầu lấy khăn mát lên.
Cái đấm của gã đàn ông để lại một vệt cắt trên khoé mắt bên trái. “ Em không thể mang mấy thằng đàn ông như vậy vào khách sạn được,” tui nói trong khi chườm gói đá lên mắt. Đưa cho ả thì cũng được, nhưng tính tui vốn dĩ galant. Tui choàng tấm chăn lên vai ả, rồi ngồi cạnh trên nệm, khám vết cắt. Mascara chảy dài xuống má làm thành những vệt đen trên làn da nâu Có lần ả nói tôi ả đến từ Haiti, phía bên kia quả địa cầu.
“ Tên em là gì? Tui hỏi ả. Trước đây tui vẫn gọ ả là `madame’. Ả có vẻ thích. Ả cũng thích tui dùng chữ `vous’ với ả. Nhưng hết rồi. Ả đã làm tui mất tín nhiệm, và tui cố tình gọi ả bằng chữ `tu’, như gọi một đứa trẻ hay con chó, cái từ mà dân Tây hay gọi tất cả người Algerian, từ đàn ông đến đàn bà, trẻ con, trong suốt 130 năm cai trị thực dân của đất nước tui. “ Tu as un nom?” tui hỏi. `Cô có tên không?’
“ Émeline,” ả nói. Rồi, “ Em hứa không làm vậy nữa.”
Quả tình nàng đã từng đến khách sạn cả chục lần với hàng chục người đàn ông. Mấy người này lén lút, thận trọng chứ không ồn ào, hung hăng. Họ trốn vợ, trốn người yêu, trốn chủ làm hay trốn sở di trú. Họ không muốn gây chú ý. Họ có khi đen kính đen trong khi trả năm-chục francs tiền mướn phòng, tiền mà tui nhét vào túi. Phòng cho đĩ mướn không cần ghi sổ và là bổng lộc của nghề làm khách sạn.
Sau khi bỏ học, tui đã làm đủ nghề. Có khi đi lau chùi văn phòng ban đêm. Mùa hè thì bán báo trong cái kiosque nóng hầm hập. Mùa thu thì quét lá trong vườn của lũ nhà giàu keo kiệt. Vài tuần sau lại đi bán cây giáng sinh--một nghề tốt cho dân muslim--từ một cái chòi ven đường gần Porte de Versailles.
Thich nhất là việc rửa chén vì không phải làm đêm làm hôm, không phải dang nắng, mà cũng không phải làm theo mùa. Tui cũng thích mùi nấu nướng và tình bạn của dân làm bếp. Trong túi quần lúc nào tui cũng thủ sẵn một cuộn giấy trang kim để gói miếng thịt bê ăn còn dở hay pâté de foie gras chưa ai đụng tới. Tui đã được ăn những món không bao giờ tưởng tượng sẽ đụng đến như măng tây, thịt vịt, thịt thỏ, thịt lợn. Chỉ ngán những lần bố ráp. Nhân viên sở di trú chuyên môn đến nhà hàng mà không báo trước để xét giấy tờ. Lần chạy cuối cùng tui đã để lại cái áo mùa đông. Đó là lúc tui kiếm được chân làm cho khách sạn.
Chẳng hiểu tại sao khách sạn lại không bị bố ráp. Không cần biết sang hèn, bốn sao không sao: nếu có lễ tân ban đêm thì chắc chắn phải là người ngoại quốc, và đa số không có giấy tờ. Có phải tại nhân viên sở di trú không thích làm đêm? Hay tại bố ráp khách sạn chỉ bắt được một trự trong khi nhà hàng có thể nhiều đứa--bếp, bồi, rửa chén. Hay tại mấy chả sợ mình nhận ra mặt, dù đã cẩn thận đeo kính đen khi trả tiền phòng rồi theo đĩ lên phòng?
Bình thường lên giường là lăn ra ngủ ngay, nhưng tối hôm đó sao tui cứ trằn trọc mãi. Từ lúc khách đã về phòng cho đến khi họ giao bánh mì ăn sáng lúc sáu giờ, tui được phép khóa cửa, vặn đèn xuống thấp, và đặt lưng nằm xuống chiếc ghế bố trong phòng ăn. Có khi ngủ như vậy được ba, bốn tiếng, nhưng cũng có khi nằm xoay trở không tài nào ngủ được vì lo không biết tìm đâu ra việc nếu bị đuổi.
Những căn apartment khá to nhưng chỉ có hai phòng: một phòng đàng trước và một phòng ngủ. Cũng có bếp nhưng không tính là phòng, nên chất đầy bếp lò, tủ lạnh, chậu rửa, và quần áo phơi khô. Chậu rửa dùng làm đủ việc. Rửa rau cũng nó, rửa chén cũng nó, mà giặt quần áo, cạo râu và nhúng khăn lau người khi không đi tắm hơi cũng nó luôn. Chậu thau có nhiều màu khác nhau: xanh để rửa chén, xám để giặt giũ, hồng để cạo râu.
Phòng ngủ có ba cái nệm con đặt trên sàn nhà. Bốn người mà ba nệm vì ít khi nào tất cả ở nhà cùng một lúc. Tui làm việc khách sạn một tuần năm tối, và Malik làm hai tối ở một khách sạn khác.
Malik là thằng bạn cùng quê. Hồi bên Algeria, chúng tui cùng học trung học, sang Paris lại cũng cùng lớp cho đến khi tui bỏ học ngang xương năm thứ nhất. Malik nói tại nó lì lợm nên có thể giả điếc làm ngơ với những lời lẽ mạt xát kỳ thị. Thực ra lý do một phần do gốc nó là người Berber, một giống dân gần gụi với dân Âu Châu hơn Ả Rập. Do đó nó mắt xanh, mũi lõ, tóc nâu có ánh bạch kim để dài-- thời bảy-mươi nên đứa nào cũng thích bắt chước Barry Manilow hay ban Bee Gees. Có người Mỹ đen nước da không đậm và tóc không quăn nên nhìn tưởng là da trắng. Thằng Malik cũng vậy. Nó đổi tên thành Alik khi đi học, nghe cũng giống Alec, một cái tên rất Tây.
Malik-Alik-Alec dọn vào chung cư trước tui nhiều tháng. Nó có người quen đang sống trong đó. Căn chung cư lúc nào cũng chật ních nhờ lời đồn truyền miệng. Malik vừa dọn vào thì có người bị bắt và trục xuất về nước.
Hamed là đứa ở lâu nhất nên đứa nào cũng xem nó như chủ nhà mặc dầu người thực sự đứng tên mướn nhà đã đi từ lâu. Khi còn ở Algeria, Hamed đang học nghề thợ nề. Sang Paris nó đi quét đường. Mỗi sáng nó dậy lúc hừng đông để cạo râu, cầu nguyện rồi mặc chiếc áo liền quần màu xanh hoàng gia, một màu quá sáng cho người thích ở trong bóng tối. Nếu không có ai ngủ trong phòng thì nó cầu nguyện phòng ngoài, còn không thì nó cầu nguyện trong bếp.
Chỉ có Hamed là cầu nguyện mỗi ngày. Nằm ngủ trên ghế sô-fa mà giấc ngủ của tui bị gián đoạn bởi tiếng tụng kinh như hát của nó. Lắm khi tui thắc mắc tại sao phải cầu nguyện. Bộ nó đọc kinh nhật tụng để cảm tạ thượng đế cho nó di trú lao động nước ngoài, hay vì được vinh dự giữ cho đường phố Paris sạch khỏi tàn thuốc lá, đờm rãi và cứt chó, để nó có thể gửi nửa tuần lương về cho bà mẹ góa bụa viêm khớp của nó? Hay nó cảm tạ thượng đế vì Abdou, thằng em không được thông minh sáng sủa cho lắm của nó, đang nằm ngủ say trong phòng?
Hai con mắt của Hamed đổ dồn vào cái mũi to dầy làm cho nó có vẻ giận dữ mặc dù thực ra bản chất nó rất hiền lành. Da nó nâu sạm và nhăn nheo vì suốt ngày phải dãi nắng phơi sương. Tóc nó đen và bờm sờm nhưng không phải giữ ngắn như tui vì nó có giấy tờ đầy đủ. Vậy mà mã tà chẳng chặn hỏi giấy nó bao giờ. Hình như mấy chả đánh hơi biết được thằng nào có giấy tờ, thằng nào không.
Cầu nguyện xong Hamed mới ăn sáng--một nhúm chà là, bánh mì khô quyệt sốt cay và nước trà đường mùi bạc hà còn thừa từ bữa tối là xong. Nó xếp đồ ăn đi làm--mấu củ khoai tây luộc với một ít sốt cay, đôi khi một quả trứng luộc. Cứ đến đầu tuần là thằng Hamed ra chợ mua về bốn kí lô khoai tây và hai tá trứng, mang về nhà luộc lên. Nó để nguyên trong nồi rồi cất tủ lạnh. Nó ăn chỉ có vậy cả tuần. Nó mời tui ăn nhưng tui từ chối.
Thằng Abdou thỉnh thoảng mới ăn trứng và khoai tây. Nó thích thức ăn của tui hơn. Nó thích cũng phải--tui dùng rau tươi và thịt thà để nấu nướng theo công thức của mẹ tui. Abdou bao giờ cũng xin phép trước khi ăn nhưng không bao giờ đợi câu trả lời. Thì cũng chỉ nhún vai chứ biết nói sao giờ. Tui hồi nhỏ sống chung với tám anh chị em nên không có thói quen sở hữu. Hơn nữa, bánh để bẻ, thức ăn để chia sẻ. Chỉ phiền thằng khờ đó có một cái tật bật cái ra-đi-ô từ sáng tới đêm. Buổi sáng đi làm về là đã thấy nó vặn ra-đi-ô tối đa, để sát bên tai. Có nói nó vặn xuống thì một lúc sau khi có bài nào hay hay thì nó lại vặn to lên làm tui lại giật mình thức dậy.
Tối hôm đó khi đến khách sạn, ông chủ gọi tui vào hỏi chuyện. Buổi sáng ổng không nói gì vì không nghe thấy vụ huyên náo. Chẳng có gì lạ, cả hai vợ chồng ổng đều hơi nghễnh ngãng. Nhưng trong ngày chắc đã có người mách. “ Nói tao nghe, “ ổng hỏi, “ hồi hôm chuyện gì xảy ra ở phòng số 8 vậy?” “ Một cặp vợ chồng người Thụy Điển,” tui nói, “ nửa đêm đến mướn phòng.” Thằng chồng say bí tỉ; hai đứa cãi nhau; tui tống cổ chúng đi. “ Sao không thấy tên họ trong sổ sách?” ổng hỏi. Thì đang định ghi tên nhưng hắn ồn ào to tiếng trong khi đứng đợi thang máy. Tui bảo họ nói nhỏ, nhưng tới nơi thì thằng chồng đã thượng cẳng chân hạ cẳng tay và tui đuổi cả hai ra khỏi khách sạn ngay lập tức. “ Thế chúng nó trả tiền phòng chưa?” ông chủ hỏi. Có chứ, nhưng tui phải bồi hoàn tiền và giấy thông hành để họ đi càng sớm càng tốt. Họ đã làm móp một cái đèn rồi, để lâu còn đổ bể thêm đồ đạc khác.
“ Nó làm móp cái đèn hả?” ông chủ hỏi. Tui thở dài gật đầu. “ Mày làm việc coi được đó,” ông chủ vỗ vai tui nói. Mới nghe tao lại tưởng mấy con điếm. Thằng làm trước mày chuyên môn cho điếm mướn phòng rồi tiền phòng đút túi, tao phải đuổi nó.
“ Tui đâu có đời nào làm mấy chuyện như vậy,” tui nói.
Lúc đầu chỉ có ba đứa--Hamed, Malik, và tui. Chẳng mấy khi thấy mặt nhau. Tui với thằng Malik vừa đi làm vừa đi học, Hamed thì đi quét đường. Thỉnh thoảng tui với thằng Malik đi uống cà phê hay làm vài ly bia với nhau; Hamed thì chỉ lủi thủi một mình. Căn phòng có vẻ trống trải cho ba thằng ít khi nào có nhà. Nhưng rồi cha Hamed qua đời. Điện tín tới cùng ngày tui bị sở di trú bố ráp nên mới có mặt ở nhà chứ không thì cũng đi làm rồi. Khi Hamed về nhà, nó nhờ tui đọc điện tín cho nó nghe. Bởi đó tui mới biết thằng Hamed nó mù chữ.
Hamed đi một tháng sau trở về, dắt theo thằng Abdou. Nó nói thằng Abdou sẽ ở hai tuần và xin tui ngủ ghế xa-lông để thẳng ngủ trên giường. Lúc bấy giờ tui đã làm việc khách sạn nên không mấy khi về nhà ngủ đêm.
Lúc ấy Abdou mới mười bảy tuổi. Trông nó giống Hamed, chỉ khác cái răng hô và cao hơn. Da nó cũng khác. Da nó màu ô liu làm tui thắc mắc nó có ra ngoài lúc ban ngày không.
Hamed trở lại đi làm ngay; mất mẹ nó một tháng lương rồi mà. Tui thấy nó cũng tội, một thân một mình. Mới mất cha, chắc còn nhớ mẹ. Ban ngày rỗi rảnh không làm gì nên tui dắt thằng Abdou đi ngắm cảnh. Tui đưa nó đi coi tháp Eiffel, dạo trên đại lộ Champs-Élysées, tui còn mang nó lên nóc Khải Hoàn Môn để nhìn toàn thể thành phố, nhưng nó có vẻ thích thú với cây kẹo tui mua cho nó hơn ngắm cảnh quan.
Abdou đến Paris với ba cái quần, cái nào cũng ngắn, và bốn cái áo có gài nút, cái nào cũng chật, có cái rách cùi chỏ. Quần áo và hàm răng hô, đã làm thằng Abdou trông đần độn hơn thực sự. Răng hô thì chịu, nhưng quần áo thì đã có cách. Tui dắt nó đi mua sắm, mua cho nó một cái quần jean, hai cái áo, và một cái áo khoác. Thằng Hamed ngạc nhiên vì lòng rộng lượng của tui. Nó đặt tay lên ngực để cám ơn tui. Nhưng tiền mua quần áo là tiền cho đĩ mướn phòng; cái đồ của thiên trả địa.
Hai con đĩ đầu tiên tới khách sạn tối hôm ấy, tui đều từ chối. Không có phòng trống, tui nói láo. Khi thấy Émeline, tôi nhẩy dựng lên. “ Cô lì thiệt tình nên mới dám vác mặt tới đây tối nay,” tôi rít lên với nó,
“ Chút nữa tui bị đuổi rồi cô có biết không.” Ả đi một mình, không có khách bên cạnh. “ Tui chỉ đến hỏi thăm thôi,” ả nói, “ và để cám ơn anh.”
Khi ả đề nghị lên phòng giặt thì tui từ chối thẳng thừng.
“ Họ không nghe thấy đâu,” ả nói. “ Họ tháo máy nghe ra rồi.”
“ Sao cô biết họ dùng máy nghe?” tui hỏi.
“ Cái anh làm việc trước đây nói tui nghe. Ổng bả già cúp thùng thiếc rồi. Mười giờ là ngủ say rồi.”
“ Thế nó có nói họ giấu tiền chỗ nào không?”
“ Không,” ả nói.
“ Tốt,” tui nói, “ Bởi vì tui không muốn biết. Thế nó có nói tại sao bị đuổi không? Tại cho hạng người như cô mướn đó.”
Hai tuần, rồi bốn tuần, rồi tám tuần. Chẳng có dấu hiệu gì cho thấy thằng Abdou sẽ đi về Algeria. Bây giờ là mùa xuân, ngày dài, khí hậu ấm áp. Nếu rủ Abdou đi mua thức ăn, thuốc lá hay bột giặt thì nó đi, còn không thì nó ở nhà tối ngày. Một hôm Hamed đi làm về, mang theo cái ra-đi-ô cho thằng em đỡ buồn. Ra-đi-ô cũng thích, Abdou nói, nhưng TV thì thích hơn.
“ Tiền đâu mua TV? Bộ muốn mẹ và em đói nhăn răng ra hả?”
Phòng máy giặt sực mùi thuốc tẩy và khăn lau nhà chưa giặt; Émeline nực mùi nước hoa rẻ tiền. Ả để mở phéc-mơ-tuya áo để tui có thể cúi xuống bóp vú trong khi ả thổi kèn.
Xong suôi tui quì xuống hôn ả nhưng cố tình tránh cặp môi, chỉ hôn lên má, dĩ nhiên né tránh vết thương trên mi mắt. Tôi thắc mắc không biết ả sang Pháp theo diện du học như tui, hay theo diện du khách rồi ở lại như Abdou? Tui thắc mắc không biết ả có thỉnh thoảng gọi mẹ hỏi công thức nấu ăn như tui không?
Tui ráng không phiền hà thằng Abdou khi trả tiền nhà mỗi tháng. Tui tự nhắc nhở là hoàn cảnh nó khác, cha mẹ tui không phải trông vào đồng lương tui làm ra bên Pháp. Cha mẹ tui vẫn tưởng tui còn đi học chứ đâu ngờ tui đã bỏ học hai năm nay rồi. Mỗi người một hoàn cảnh. Nhưng sao tui vẫn khó chịu vì phải trả một phần ba tiền nhà trong khi có bốn người ở chung, tui lại phải ngủ sô-fa mỗi cuối tuần, rồi lại trông chừng thằng nhỏ khi Hamed đi làm ban ngày.
Cả mùa hè thằng Abdou nằm trong nhà, rồi mùa thu trời se lạnh và gió heo may, mùa tui thích nhứt, đến rồi đi. Tới mùa đông thì nó bắt đầu đi hàng giờ đồng hồ. Tui chẳng bao giờ hỏi đi đâu. Tui đâu phải là anh em gì với nó đâu.
Có lần nó vác về một cái TV trắng đen nhỏ và cũ. Đâu ra mà có? Thằng Hamed nổi giận lôi đình. Tí nữa thì nó giáng cho Abdou cái bạt tay. “ Mày làm cái trò gì? Bộ muốn bị trục xuất hả?” Nó tưởng em nó ăn cắp ở đâu về. Nhưng tui nghĩ khác. Có lần, khi tui ngồi xuống sôfa coi tin tức với Abdou, nó quay lại hỏi tui có bao giờ, làm cái đó chưa.
“ Làm cái gì?” tui hỏi.
“ Cái đó đó. Làm chưa,” nó nói.
“ Có phải mày hỏi tao có làm tình chưa hả?”
Nó đỏ mặt gật đầu. Khi tui nói có, nói hỏi thêm. “ Thế anh tính người ta bao nhiêu?”