Friday, May 20, 2016

Babylon Sister

Babylon Sister

A STORY



Chao đảo một tí trên chiếc ghế cao trong khi nàng nhâm nhi ly whít-ki thứ tư, Sơ Rita Donovan nhìn đắm đuối sang phía bên kia của quán rượu chật ních, ngưỡng mộ một cách kín đáo (hy vọng vậy) Jon Carleton, người văn sĩ Ăng Lê chuyên viết truyện trinh thám: một người đàn ông cao ráo đẹp trai đeo kính, và có tướng hơi đĩ.  Chàng đứng giữa một vòng vây của những người ái mộ, gần băng ghế bọc da và những bàn gỗ sồi màu đậm, thân hình được đóng khung một cách khéo léo giữa hai cái đèn Tiffany cổ điển, tay bắt mặt toe toét giữa máy ảnh chớp loè--đúng là dân chuyên nghiệp, nàng nghĩ thầm, cảm phục sự khôn khéo và lôi cuốn không mệt mỏi của chàng.
Lúc nẫy, hai người đã nói chuyện, chuyệm phiếm hành lang lúc nhàn rỗi.  Nàng thấy mình sao như một cô nữ sinh, chết điếng dưới ánh mắt của chàng.  Bây giờ, từ một nơi ấm áp nhưng âm u trong đáy lòng, một tiếng thở dài khát khao góp lại, luồng khí nóng dâng lên như quả bong bóng căng đầy xúc cảm.
Ồ̀, ta sẽ sẵn lòng xưng những tội ngọt ngào thơm phức, một cái giọng khó ưa nhưng quen thuộc trong đầu nàng vọng lên.  Nếu, nếu, nếu…
Im đi, nàng thầm nghĩ, chỉ sợ nhỡ mình nói ra khỏi miệng.
Đó là Mayhem by the Bay, một tụ hội ở San Francisco của những người mê tiểu thuyết trinh thám--những văn sĩ, nhà xuất bản, giới buôn sách, độc giả hâm mộ--và bây giờ là sáu giờ, cái giờ mà mọi người chui vào quán rượu.  
Người ta từ những nơi xa xôi như Copenhagen và Perth về tham dự, toàn là người giỏi giang, có kiến thức bách khoa và có thể dẫn chứng vanh vách tên sách tên tác giả, lắm khi trích dẫn cả đoạn từ cuốn sách-tuyệt vời nhất - phải-đọc-qua-một-lần-cho-biết.  
Rita nghe chuyện riết mà bắt mệt, cả ngày cứ phải gật gà gật gù, nụ cười như dán lên mặt
Dĩ nhiên cũng có vài con mọt sách, tối ngày ru rú trong nhà, một năm mới dám ra ngoài một lần--rụt rè tới mức bất động, đứng chập chờn sau hậu trường cho đến khi bất chợt đánh bạo, chui ra khỏi vỏ kén nặc danh, rồi chặn một người trông không đến nỗi đáng sợ--như Rita chẳng hạn--và bám chặt lấy như những con con hàu biển bám vào đá.
Nhắc đến mới nhớ, tiếng nói lại vang lên trong đầu, đừng quên hai cái mợ lắm mồm.
Rita uể oải nhìn sang bên cạnh.  Hai bà phước Phan-Xi-Cô đang nói chuyện với nàng.  Cả hai đều có bụng như vịt bầu nhưng đầu óc như búa khoan, và đều mê truyện trinh thám.   Một bà nhấm nháp sôđa gừng, còn bà kia thì nốc bia ừng ực.  
Đúng là số con rệp nên mới mắc kẹt giữa hai người đáng lẽ chỉ nên gặp ở những buổi tĩnh tâm.  Tuy rất dễ thương nhưng họ nói ào ào như sấm sét làm nàng chỉ muốn họ cút đi chỗ khác chơi cho rồi.      
“ Nhưng mặt khác, có người nói sách của chị là thoái thân của truyện Cha Brown.”  Bà tóc muối tiêu uống sôđa gừng nói-- tóc lọn xoắn như ruột gà và đôi mắt ti hí trên một khuôn mặt đầy đặn.  
“ Và Cha Dowling.”
“ Chỉ có giỏi nói nhảm,” bà kia sủa.  Bà là một phụ nữ Celtic có thân hình đẫy đà-- típ người rường cột của giáo hội-- tóc cắt ngắn và mặt đầy tàn nhang.  “ Cha Dowling và Cha Brown không khác mặt trăng mặt trời.”  Bà nốc cạn ly bia và bật miệng ợ hơi.  “ Ralph McInerny, xin chúa ban phước lành cho ông, là một ông thánh.  Còn Chesterton? Một kẻ đạo đức giả, một thằng bài xích Do Thái.  Lại còn thích trò bạo dâm.”
“ Ối dào.  Người ta có một nói mười,” bà kia nói.
“ Phải rồi, tại mấy người Do Thái quá nhạy cảm.”
“  Ý tôi nói---” tiếng thở dài phát ra từ đáy bụng, “ còn cái nữa, đó là C. S. Lewis chứ không phải Chesterton.”
“ Đúng thế.  Kẻ đét đít Narnia.”
“ Trở lại với Rita.”   Bà kia dùng kiếng để trỏ như sợ có người không biết Rita là ai.  “ Tôi chỉ muốn nói là, có người trong buổi hội nghị cho là Sơ Killian--nhân vật chính của Rita--làm họ nghĩ đến Sơ Steve của Cha Dowling.”
Bà tóc đỏ nhướng một bên lông mày.  “ Bà đang nói về loạt phim TV chứ không phải cuốn sách.  McInerny chẳng có dính dáng gì đến cô ta.”
“ Tôi hiểu---”
“ Và chương trình TV thì thối như cứt.”
“ Ấy, sao lại dùng ngôn ngữ như vậy--”
“ Cứt trong rổ.”
“ Tôi chỉ muốn nói là có người nghĩ là Rita---”
“ Thôi đừng chỉ trích nữa.” Một cái ợ nữa, lần này to như bò rống.  “ Chị ấy là người thắng giải.”
Ừ, phải rồi, Rita tự nhắc nhở.  Mình đã thắng.  Phần thưởng Giải Mayhem Truyện Hay Nhất nằm trên quầy rượu cho mọi người chiêm ngưỡng.  Mọi người nào?  Nàng nghĩ chua chát, liếc nhìn chung quanh.  Chẳng ai để ý ngoại trừ hai bà phước Phan-Xi-Cô.  Trong khi đó bức tượng nằm đó như một biểu tượng của sự phản cảm.  
Trông gai mắt như cái đầu teo của trường phái lập thể.
“ Tôi không muốn cãi nhau, tôi chỉ---”
“ Cho người ta một ít công trạng được không?”
Trong bóng mờ đê mê của cơn say, Rita thấy một bà tóc bạc, mắt nháy, tay cầm ly sôđa gừng, còn bà kia đang bốc một vốc pretzel từ cái đĩa trên quầy rượu.
Sơ Hột Mít và Sơ Heo Nái.
Đừng có ác vậy, nàng thầm trả lời tiếng nói trong đầu, hay nói đúng hơn, trả lời cái bóng tối sâu thăm thẳm trong hồn đã phát ra tiếng nói.


Giọng nói trong đầu xuất hiện khi nàng mười tám tuổi, chỉ một lần, một giây phút then chốt của cuộc đời.  Nàng tỉnh dậy trong phòng trọ Homewood với ba thằng con trai đang ngáy khò, không nhớ đã gặp lúc nào.  Căn phòng nồng nặc mùi rượu, và nàng thì không mảnh vải che thân.
Lần đó giọng nói chỉ nói, Mặc quần áo đi về nhà.
Ngày hôm sau, nàng cảm thấy tê liệt, không phải vì mặc cảm phạm tội mà vì sợ.  Làm sao có thể xin được tha thứ hay làm việc đền tội cho một cái tội không nhớ nổi? Làm sao sống cả đời như vậy được?
Sau khi đã tự vấn lương tâm một cách kỹ lưỡng và dứt khoát, hai ngày sau nàng đến gặp mẹ và tuyên bố mình được ơn gọi, và muốn đi tu dòng Tiểu Muội Ngôi Lời Nhập Thể (the Handmaidens of the Word Incarnate.)
Ann Marie Donovan nắm chặt tay con gái và vừa nói vừa khóc là bà là người mẹ hạnh phúc nhất đời.
Bà lúc nào cũng là trụ cột của gia đình.  Bà đã trở thành góa phụ ở cái tuổi ba-mươi-ba khi chồng bị tai nạn xe cộ do đường đóng băng trên chiếc cầu Julien Dubuque,Illinois.  Bà đã ở vậy một mình nuôi ba đứa con gái, Rita và hai người chị.  Tôn giáo là nền tảng vững vàng cho cuộc đời bà: lễ sáng, kinh tối, thứ Sáu tuần cửu nhật, ban phụng vụ, hội lần tràng hạt, và làm bánh cho bingo.
Khi nào thấy có phim phù hợp đạo đức công giáo thì bà lùa mấy đứa vào phòng TV, bày bắp rang và kem sô đa cho ba chị em ăn, rồi cả bốn mẹ con trùm chăn ngồi sôfa nhìn màn ảnh chiếu lập loè những phim như: Thầy Giòng Phong Lan, Tiếng Tơ Đồng, Con Đường Anh Đi, Quo Vadis, cả phim Tôi Thú Tội của Hitchcock.  
Lắm khi nàng đổ thừa tại hồi bé mê phim Có Trời Biết Được, ông Allison ạ nên mới có cái khao khát tình dục đầy phiền toái này.  Nàng nghĩ nếu mình đẹp bằng nửa bà sơ Deborah Kerr thì có suốt đời ái mộ Robert Mitchum cũng chẳng sao.  
Mẹ nàng tham dự không thiếu một lễ nào trong khi Rita trèo nấc thang linh hồn từ là thỉnh sinh đến giai đoạn khấn tạm rồi cuối cùng, khấn trọn, lúc nào cũng rạng rỡ lòng biết ơn và hy vọng.
Rồi sau suốt một đời sùng đạo và hy sinh, mẹ nàng bị bênh ung thư tuyến giáp trạng thời kỳ cuối ở cái tuổi năm-mươi-hai.  Khi phát hiện bệnh thì ung thư đã lây lan sang tới cổ họng và phổi.  Trong những tháng cuối đời bà đã phải thở qua ống nối khí quản qua lỗ cắt trên cổ.  
Mỗi khi có dịp là Rita trở về Dubuque để giúp chị chăm sóc cho người mà các con xem là đại biểu cho ý niệm thánh, mỗi lần thăm đau lòng hơn lần trước.  Lúc cuối đời, mẹ nàng đã hóa cuồng vì hóa trị và morphine, đi lang thang trong hoang tưởng dọc hành lang bệnh viện, đến tối là sợ hãi, không phân biệt ai là con ai là y tá, để rồi cuối cùng cái chết đã đem lại yên ổn.  Cho mọi người.
Bà Mastronardi, một người đàn bà trong giáo xứ, tuyên bố trong một lần vào thăm, là Thiên Chúa đã đội mão gai vẻ vang của khổ đau cho mẹ nàng, không khác làm với con một của mình và như đã in dấu thánh trên người các thánh Phan-Xi-Cô Assisi và Catherine de Ricci.
Rita đã phải cố gắng lắm mới không giáng cho con mụ già này một cái bạt tai ngay giữa khu bệnh ung thư.
Đó là lúc giọng nói trong đầu trở lại.  Nó nói, Lấy an ủi trong nỗi khổ đau của một người đàn bà sắp chết hả? Lại đây, để ta tìm chút an ủi trong cái khổ đau của mi.
Giọng nói trong đầu bắt đầu nói chuyện thường xuyên hơn với nàng sau đó.  Nó có vẻ khác với lần đầu hai mươi năm trước đây.  Mà nghe ra thì không thấy giống giọng của mẹ, nên nàng không cảm thấy bị ám ảnh.  Bị quấy rầy thì đúng hơn.  
Thiên thần bản mệnh? Không phải.  Lương tâm? Cũng không luôn.  Đôi khi nàng nghe thấy như giọng Tracey Ullman nhái giọng Maggie Smith sau khi đã uống rượu gin xỉn xỉn.   
Trong khi đó, ánh sáng trong tâm hồn từ từ tối dần.  Nàng tìm mọi cách để nhen nhúm lại, bằng những lời cầu nguyện khẩn khoản, những nghi thức tôn sùng, bằng cách xin vâng lời lại bề trên.  Nàng hy vọng sẽ có một ngày rồi đức tin sẽ trở lại.  Nhưng hy vọng ngày một phai nhạt dần.   Và bây giờ thì sao?

Nàng tuột đít khỏi cái ghế cạnh quầy rượu và lấy lại thăng bằng, loạng choạng bước đi trong đôi giày đế thấp.  
“ Xin lỗi các sơ,” nàng lầm bầm, giọng thoáng chút lè nhè. “ Ngồi lâu quá rồi.”
Hai bà phước béo trao đổi nhau ánh nhìn gay gắt.  Rita nhấc cái tượng vừa xấu vừa nặng trên quầy rượu xuống một cách khó nhọc.  Trong bàn tay nhỏ bé của nàng, trông nó giống như một vũ khí giết người.
Tai nạn bi thảm giáng xuống đầu hai bà phước Phan-Xi-Cô vừa mập vừa lắm lời …
Rita mỉm nụ cười chào rồi đi chuếnh choáng ra khỏi nhà hàng nhộn nhịp mà cảm thấy tia nhìn lên án của hai bà sơ đốt cháy xém lưng như lưỡi lửa liếm láp.
Khi nàng đến gần đám đông đang vây quanh Jon Carleton thì bỗng thấy phản ảnh của mình trong tấm gương khách sảnh: váy màu xám tro dài đến chân, áo khoác giản dị màu trắng có cổ kiểu Peter Pan, áo len cardigan màu xanh da trời.  Duy chỉ có thánh giá đeo ở cổ, treo trên một sợi giây chuyền vàng mỏng dính, cho thấy nàng là bà sơ.  Tóc xõa ngang vai màu cát vàng, lọn tóc lòa xòa ngang lông mày.  Đôi mắt u sầu trên một khuôn mặt dài, mũi cao, tàn nhang như paprika, cặp môi mỏng.
Xinh xắn kiểu tẻ nhạt, nàng nghĩ thầm, hay tẻ nhạt nhưng xinh xắn-- chính là tôi đấy.
Mày thì chỉ muốn ỏng ẹo với hắn thôi, con ranh con thối tha.
Như thể nghe được ý nghĩ của nàng, nhà văn sĩ người Ăng Lê bất chợt ngẩng lên và nở một nụ cười chào đón.  Đám đông nhìn theo ánh mắt của chàng, rồi quay lại cùng một lúc.  
Bỗng nhiên tất cả những cặp mắt đổ dồn về hướng nàng.  Nàng nắm chặt cái tượng cục mịch và hơi lảo đảo một chút.
Bỏ mẹ rồi, mày xỉn quắc cần câu rồi.
“ Chúc mừng, chúc mừng,” Jon Carleton nhoài người, chìa tay ra bắt.  Nàng chuyển cái tượng sang tay trái, ôm lấy vào người, để đưa tay phải ra.  Cái bắt tay nuốt trọn và ấm áp, làm tim nàng tan chảy.
Chàng nói, “ Cô chắc phải hài lòng lắm.”
Đám đông lập tức phụ họa với những lời chúc tụng vui mừng và rộng lượng khiến nàng xấu hổ đã có ý nghĩ không đẹp về những con mọt sách cà lăm lúc nãy.  Tại sao mình lại đánh giá người ta quá nghiêm khắc như vậy, nàng nghĩ, trong khi bắt những bàn tay mềm mại của họ. Cái gì đã làm mình nhỏ mọn và khiếm nhã vậy?
Thì mày không vui.  Và, quan trọng hơn cả, đạo đức giả.
Không, nàng nghĩ, phản kháng lại.  Không vui thì phải rồi, nhưng cái này không dính dáng gì tới cuộc đời tận hiến hay đức tin của mình.  Tôi có đủ lý do để thất vọng hôm nay.  Nàng đã cầu mong cuốn sách sẽ bán chạy để giúp nhà dòng qua cơn khủng hoảng tài chánh, nhưng sự việc đã không xảy ra như ý muốn.  Sách chỉ bán được lèo tèo, và nhà xuất bản tỏ vẻ không thiết tha xúc tiến như đã đồng ý trước đây.
Đợt sóng chúc mừng của độc giả ái mộ Jon Carleton cuối cùng cũng dịu xuống, và Rita lại cám ơn mọi người, và tỏ vẻ biết ơn đặc biệt với nhà văn Ăng Lê đẹp trai vì thái độ lịch sự của chàng.  
Nàng đi về phía thang máy, nơi nàng đứng đợi trong khi khúc tấu nhạc kèn của Haydn phát ra từ một cái loa trên cao.  
Cánh cửa bằng đồng nặng nề xịch mở và nàng đi vào, bấm số tầng của mình.  Một cơn mệt mỏi nặng nề cuốn qua người nàng, đượm màu chán nản.  
Cánh cửa bóng láng sắp đóng lại thì một bàn tay đàn ông thọc vào làm khựng lại.  Cánh cửa rung chuyển, tiếng kim loại kêu lách cách.
“ Tôi có thể đi thang máy chung được không?”
Cánh cửa vừa đóng thì chàng quay lại nhìn nàng với cái vẻ je ne sais quoi làm rụng rời cả đầu gối.
“ Một buổi ra mắt đầy ấn tượng,” chàng nói, hất hàm về hướng cái tượng thô kệch.  “ Và giờ thì cô có cái đó làm bằng chứng.”
Rita cảm thấy mặt nóng bừng lên.  Chỉ có hai người.  Gần sát nhau.  Nàng không biết chàng có ngửi thấy mùi rượu trong hơi thở, rịn ra các lỗ chân lông của nàng không.
Đừng có mà dớ dẩn.  Nó là Ăng Lê chứ đâu phải là chó săn đánh hơi đâu.
Bảng chỉ số tầng kêu tiếng chuông, cửa mở ra.  Họ đã tới tầng của nàng.
Bước sang một bên để giữ cánh cửa, chàng nói.  “ Quên không nói, chương trình ăn tối của tôi có vẻ chổng vú rồi, xin lỗi thổ ngữ hơi thô bỉ.”  Nụ cười có nét tinh nghịch.  “ Chắc lại phải về phòng, bật TV rồi gọi bồi mang thức ăn lên.  Mà gọi phần cho hai người cũng dễ thôi, nếu cô đồng ý ăn cùng.”  Mắt chàng chạm ánh mắt nàng.  “ Tôi sẽ rất lấy làm hân hạnh.”


Sáu tiếng đồng hồ sau, gần lúc nửa đêm, họ nói chuyện qua cánh cửa phòng tắm khóa chặt.  Rita đứng bên trong, cái sàn gạch làm lạnh bàn chân đeo stocking.  Nàng cảm thấy đôi chút an ủi là mình vẫn mặc nguyên quần áo.
Jon Carleton thở dài.  “ Phải chi cô mở cửa phòng tắm ra đi.  Tôi cảm thấy hối hận quá.”
“ Tôi xin lỗi.” Rita nói rất thực tình.  Áp mặt vào cánh cửa màu trắng nhẵn nhụi, nàng nói thêm.  
“ Lỗi tại tôi chứ không phải tại ông.”
“ Thật tình đó là một đụng chạm rất con người, không có ý gì khác.”
Với tôi thì không vậy, Rita nghĩ.  Ý tôi nói, với anh thì không phải vậy.  Và tôi nữa.  “ Tôi hiểu--”
“ Thật mà, tôi cảm thấy mình thật là bất lịch sự.  Mình đối diện nói chuyện được không?”
Đối diện thì làm sao chịu nổi.
“ Để cho tôi yên.”
“ Cô nói sao?”
“ Không, tôi không nói với ông.  Ông cảm phiền đợi một tí nhé?”
Trước mười một giờ thì buổi tối đã diễn một cách êm thắm.  Khi chàng vừa mở cửa phòng khách sạn cho vào thì nàng mừng là chàng mướn một cái suite với phòng ngủ có cửa đóng kín đáo.
Khá hơn cái nhà trọ Homewood khi xưa nhỉ?
Căn phòng khách trưng bày lịch sự, nhìn xuống công trường Union Square đèn đuốc thắp sáng trưng cho đám đông đi chơi khuya.  Mới là tháng Giêng nên hàng bán hậu giáng Sinh vẫn còn khách tìm mua của hời.  Mưa nhỏ những giọt lạnh giá xuống làm ướt đẫm đèn hàng hiên cửa tiệm.  Xe cáp chạy leng keng lên xuống đường Powell.
“ Hy vọng lớn cuối cùng của nền văn minh phương Tây,” ông nói diễu, đứng sát bên nàng, cạnh cửa sổ.  “ Mua sắm.”
Nàng từ chối ly rượu khai vị, hy vọng còn tỉnh táo cho đến khi thức ăn giúp nàng từ từ tỉnh rượu.  Chàng nhún vai cười trong khi rót cho mình một cốc rượu rum Barbados cất lâu đời từ cái bình rót.
Họ bắt đầu trò chuyện, không như hai người lạ phải dọ dẫm làm quen.  Họ là đồng nghiệp, hai người cùng chí hướng, hai văn sĩ (nàng dám nghĩ vậy) trao đổi tư tưởng về văn học và cái đẹp.  
Họ nói chuyện opera và film noir, Mark Twain và Aristophanes và Kurt Weill.  Họ chuyển sang đề tài thần tượng thời niên thiếu, nàng thú thật mê Chesterton, còn chàng, Graham Greene.
“ Cả hai đều là người Công Giáo,” chàng nói. “ Thật là trùng hợp.”
Họ ăn tối lúc tám giờ rưỡi--nàng, cá chẽm rán giòn ăn với rau và salsa; chàng, thịt cừu ướp rượu porto ăn với khoai lang rô-ti.  Họ uống sâm banh Billecart-Salmon, cuvée 1996 và nói chuyện hết đề tài này đến đề tài kia đến khi chóng cả mặt và đôi khi quên béng mình đang tranh luận về cái gì.  
Nàng cảm thấy ngất ngây như bay lên chín tầng mây.
Có lẽ nàng đã hơi liều lĩnh khi đồng ý uống sâm banh, nhưng chàng muốn ăn mừng cái mà chàng gọi là sự thành công của nàng, và nàng không nỡ (hay không đủ can đảm) để nói sự thật là cuốn sách không được như mong muốn.  Hơn nữa những bọt màu hồng dễ tan đã làm nàng vui lên.  Và nàng đã buông lỏng.
Hai tiếng đồng hồ sau (và một chai Billecart-Salmon nữa, đem lại bởi một người bồi phòng kín đáo, khôn khéo), họ ăn hết món tráng miệng gồm bánh ba-loại-sữa và biscotti sô-cô-la, rồi Rita thả phịch người xuống ghế sô fa, tháo giầy ra và ngồi quặt chân dưới mông, một tư thế đầy nữ tính, và có thể khêu gợi một cách không cần thiết.
Đĩ thõa thì nói mẹ nó ra là đĩ thõa.
Nếu có thấy thì chàng cũng không để lộ ra bên ngoài.  Chàng vẫn tiếp tục thảo luận, ngồi bên cạnh, thỉnh thoảng choàng người qua để châm rượu vào ly sáo pha lê của nàng, mắt lúc nào cũng dán chặt mắt nàng.
Cách chàng làm, phải nói là khéo, chàng đặt nhẹ tay lên tay nàng khi đồng ý một luận chứng--
một điều gì có dính dáng với Flannery O’Connor, một người công giáo nhiều dằn vặt khác--nhưng rồi bàn tay vẫn nằm ở lại.  
Thật ra nàng có tận hưởng cảm giác đụng chạm của da thịt.  Khấn hứa giữ mình trong sạch không có nghĩa phải từ bỏ tình cảm nhẹ nhàng.
Không khác đa số các bà sơ dưới bốn mươi tuổn ở nước Mỹ, nàng đã không còn ngây thơ trong trắng khi bước chân vào nhà dòng.   Mặc dù những phiêu lưu, không kể việc xẩy ra với mấy thằng con trai trong phòng trọ đêm hôm đó, khó có thể gọi được là đời sống tình dục.  Nhưng ngay trong giây phút này, cái ấm áp giản dị của bàn tay chàng, gói trọn tay nàng, làm người nàng nóng hừng hực.  Nàng cảm thấy là, nếu chàng muốn, có thể bằng một cách nào đó làm nàng biết mất.
Chàng từ từ rút tay lại, rồi dịu dàng cầm bàn chân đeo stocking của nàng như đang vuốt ve một con chim bị thương. Khi chàng ấn ngón cái vào gan bàn chân với một áp lực điệu nghệ, thì toàn bộ hệ thống cơ bắp trong người nàng bỗng dưng doãi thẳng tuột.
Khi hoàn hồn thì nàng thấy chàng đang nhào bóp hai bàn chân đặt trên đùi chàng như một ông thợ làm bánh điên khùng, miệng nói lảm nhảm về người hùng hiện sinh và nhân vật hư cấu Continental Op, cho đến khi bầu máu sôi sục làm đầu nàng nhức như búa bổ và mắt hoa, nhìn thấy căn phòng bắt đầu nhảy múa và ánh sáng mờ mờ ảo ảo.
“ Xin lỗi một chút,” nàng thì thầm, tự gỡ người ra và chạy ù vào phòng tắm rồi khóa trái cánh cửa lại.  Mười lăm phút sau, cánh cửa vẫn đóng, người bên trong, kẻ bên ngoài.
Nàng vả nước vào mặt rồi liếc nhìn bóng mình trong gương mà khiếp đảm.  Có một điều mà không ai nói, nàng nghĩ, là tội lỗi đưa mình trở đi trở lại một nơi chốn ghê tởm, lặp đi lặp lại nhiều lần, một tiền thân của sự đời đời trong địa ngục.
Và giờ này nàng đang ở nơi đây, một lần nữa, như cách đây gần hai mươi năm, say túy lúy, cùng căn phòng với một người đàn ông-- lần này chỉ có một người, như vậy có phải là tiến bộ không? Phận làm con đã không xong, viết văn cũng thất bại, giờ chỉ còn đời sống tu hành mà cũng không thành hay sao?
Nàng lấy khăn lau khô tay và mặt rồi cuối cùng thu hết can đảm để mở khóa cửa phòng tắm và đi ra.
“ Tôi cảm thấy mình điên khùng quá.”  Nàng đi ra sô fa, sỏ chân vào giày, và hít một hơi chậm và dài.
“ Tha lỗi cho tôi nếu điều tôi nói có hơi đi vào đời tư.”  Chàng tiến về hướng nàng một cách thận trọng.  “ Nhưng nếu lời khấn hứa đòi hỏi cô phải có những xúc cảm quá độ như vậy chỉ vì ngồi gần với một người khác phái, thì phải chăng nó--tôi muốn nói đến vấn đề khiết tịnh--mới chính là vấn đề, chứ không phải là tôi hay cô?”
“ Tôi có nói ông là vấn đề hồi nào đâu,” nàng trả lời.
“ Hành động xem tình dục là xấu xa, tự nó cũng là một sự suy đồi, cô có đồng ý không?  Ta có những ông linh mục phải tự khóa tay mình mỗi khi có một đứa trẻ dưới tuổi mười ba đi ngang qua, vậy mà chẳng có một ông đội nón chóp bu nào nghĩ là có thể, chỉ có thể thôi, việc khấn nguyện trong sạch là một sự phản tự nhiên sao?  Không.  Để Vatican còn lo chuyện dẹp bỏ chốn luyện ngục.”
Nàng quay lại nhìn chàng.  “ Jon?”
“ Thật là hú vía.  Bây giờ thì Phật Tử và người theo đạo Do Thái Giáo có thể lên thiên đàng.  Nhưng họ lại không tin mới đau.”
“ Jon---”
“ Cô có thực tình nghĩ là mấy ông mục sư và giáo sĩ Do Thái bắt tay với quỉ sứ khi họ---”
“ Từ bỏ tình dục không có nghĩa là cấm tôi không được yêu.  Trái lại, nó cho tôi sự tự do để bày tỏ nhiều thứ tình yêu khác nhau, với nhiều người khác nhau, bằng nhiều cách khác nhau.”
Chàng đứng thấp thỏm như có một chỗ ngứa không gãi được.  “ Tôi nói cái này, nếu có không phải xin cô bỏ qua, nhưng câu cô nói nghe có vẻ hơi thuộc lòng.  Và không được sốt sắng cho lắm thì phải.”
“ Cũng có thể.” Nàng bước một bước thận trọng về phía trước.  “ Nhưng tôi rất thành thật khi cám ơn ông đã đãi một bữa ăn thật ngon và một buổi tối nói chuyện thật là lý thú, và tôi xin chúc ông ngủ ngon.”



Khi nàng trở về phòng thì thấy tất cả ngăn nắp đâu ra đó nhờ công lao của người dọn phòng.  Căn phòng khách sạn đã do hội nghị đài thọ hết.  “ Để nhỡ bà cần có chỗ để sửa soạn,” họ nói một cách ngây thơ.
Một lúc sau khi cánh cửa khép lại kêu cái cạch, sự nặc danh vô cùng của căn phòng làm nàng có cảm tưởng như mình vừa lạc vào nhầm chỗ.  Đây đâu phải là phòng của mình.  Đây đâu phải là đời của mình.
Cái ảnh hưởng của sâm banh vẫn còn vương vấn, nhưng không phải tại vậy.  Nàng cảm thấy mọi vật đều mờ mịt, ngay cả xác thân của mình, như thể chính sự hiện hữu--cái mà Chesterton gọi là cái “ thần bí tối thiểu”--- cũng đang tan biến.
Khác hẳn với cảm giác chảy tan ấm áp khi chạm phải bàn tay Jon Carleton.  Cảm giác bây giờ hiểm ác và vô tình, như để nhắc nhở rằng cuộc đời chỉ là mộng huyễn, như có mà lại không, phù du như mây khói.
Nàng đã tìm ra một nghi thức để xua đuổi cái cảm giác rờn rợn của sự vô thường mà nàng cảm thấy mỗi khi một mình.  Và nàng thường hay vò võ sống một mình kể từ ngày mẹ mất.
Nàng mở ngăn kéo bàn phấn, lấy ra những thứ ăn cắp ở tiệm thuốc tây hồi sớm ngày, sau một cuộc họp đầy thất vọng với nhà xuất bản.
Lũ học trò hay khoe là ăn cắp dễ òm, tưởng là nàng sẽ bị sốc, nhưng chúng đâu biết là hồi bằng tuổi chúng nàng cũng từng đi ăn cắp như ranh.
Hồi đó Rita với Molly Napolitano và Jan Smulski có hỗn danh là Ba Con Trời Đánh.  Học xong là chúng lang thang xuống phố Dubuque, nhất là những con hẻm phong sương từ St Patrick’s đến Công Trường Cable Car, chơi bàn tay trắng bàn tay đen xem đứa nào có nhiệm vụ đánh lạc hướng, đứa nào đứng canh chừng, và đứa nào ăn cắp.
Rita chỉ thích làm đứa ăn cắp vì đã ghiền cái cảm giác hồi hộp đánh trống ngực khi mắt nhìn thấy cái muốn chôm chỉa.
Thoạt tiên, chúng ăn cắp kẹo và gum, kế tới là tạp chí hay thuốc lá, để rồi chuyển sang phấn son khi bắt đầu biết thích con trai.  Cả ba đứa, không đứa nào đẹp cả, và đều được dán cái nhãn hiệu sỉ nhục tối đa là lesbo, tức là đồng tính nữ.  Thế là chúng có cái thái độ: Đã thế thì bà cho mày biết.  
Chiến lợi phẩm trên tay, chúng chạy cà nhỏng trên đường Iowa tới công viên Madison, rồi ngồi hút thuốc lá bạc hà và dạy nhau những mánh khoé làm đẹp, màu nào hợp loại da nào, những điều học lóm của mẹ hay chị.
Cuộc đời kể cũng lắm cái tức cười.  Molly kiếm được việc làm với hãng bảo hiểm Allstate và dọn về Sioux City, nơi nó trải qua hai cuộc hôn nhân và cuối cùng cố quên tiếc nuối bằng cách đeo đuổi danh hiệu vô địch bài bridge.  Jan lên học đại học ở Madison và cặp với một nữ giáo sư, mặc nhiên xác nhận những gì người ta ngờ vực trước đây là đúng, và từ đó đến giờ chưa hề trở lại Dubuque.
Rita, dĩ nhiên, đã đi theo tiếng gọi của Chúa, kẻ thành công nhất trong nhóm.  Ai cũng nói vậy.  Nhưng người ta biết gì mấy chuyện ấy? Làm sao có thể nhìn một người, cho dù đã biết từ thuở bé, và có thể cân được nỗi đau hay dò sâu được những thầm kín của họ?
Nặng mặt sa mày như vậy đủ rồi.  
Nàng thoa phấn lên mặt, tận hưởng cái cảm giác mềm mại của bông phấn mơn trớn trên da mặt mình.
Sau khi điểm chút phấn hồng trên má, nàng dùng bút kẻ mắt và chuốt mascara lên lông mi.  Cuối cùng thì nàng thoa một lớp son màu có tên Anh Đào trong Tuyết.
Dần dần khuôn mặt trước giản dị, bắt đầu ra dáng, chỗ nổi chỗ mờ, đôi mắt nhạt màu bắt đầu mang vẻ khát khao, cặp môi mỏng mảnh trở thành gợi cảm và bạo dạn.
Nàng ngồi ngắm minh trong gương và nghĩ: một bộ mặt chỉ có Chúa được thấy.  Nếu Ngài thèm ghé mắt.
Nàng không để ý thấy lá thư nằm dưới kẽ cửa cho đến khi bật đèn lối vào.  Phong bì và một tờ giấy nhét bên trong là văn phòng phẩm của khách sạn.  

Rita thân mến,
Khi mình nói chuyện tối nay, cô có nói rằng nhà dòng của cô rất cần tiền.  Những sơ có tuổi, mà cô rõ ràng quí mến, cần nhiều chăm sóc y tế, trong khi giáo phận lại kẹt tiền vì những vụ kiện tụng dính dáng đến chuyện sách nhiễu tình dục.  Vì là một trong vài sơ trẻ trong dòng nên cô cảm thấy có trách nhiệm đặc biệt.  Đó là lý do tại sao cô viết cuốn sách--cuốn sách mà tôi đã đọc đi đọc lại hai lần và thấy hay tuyệt.  Đừng nghi ngờ.  Lời khen của tôi hoàn toàn thành thật.
May sao tôi có khả năng để giúp được.  Đây là điều tôi đề nghị:  Tôi sẽ quảng cáo cho cuốn truyện của cô mỗi khi được phỏng vấn, trong những bài viết của tôi, trong mỗi lần xuất hiện trước công chúng.  Tôi sẽ làm hết sức để độc giả biết đến tên cô và cho đến khi nào nhà xuất bản nhận thức được bảo vật họ đang có trong tay.  Tôi cũng có cái may mắn là mình có khả năng làm chuyện rõ ràng là viết một tấm ngân phiếu rộng rãi.
Xin cô hiểu cho, tất cả những cái này không hề dính dáng đến mặc cảm phạm tội.  Tôi không tin là chúng mình đã làm cái gì sai quấy.  Tôi tình nguyện để giúp chỉ vì ngưỡng mộ và quí mến cô thôi.
Tôi hy vọng là cô chấp nhận.  Bằng không thì ráng chịu.
Chúc cô may mắn,
Jon

Sáng hôm sau, nàng vẫn nằm không ngủ, nhìn tờ giấy gấp đôi nằm trên bàn ngủ.  Và như điệp khúc của một bản nhạc cứ mãi vương vấn trong đầu, một câu nói cửa miệng của mẹ--câu nói mà mẹ thích nhất, cho đến chết-- lập đi lập lại trong mớ ý tưởng hỗn độn trong đầu nàng.

Chỉ có kẻ hèn nhát mới cứng lòng không tin vào phép lạ.







 






   



Tuesday, May 17, 2016

Arthur Arellano

Arthur Arellano
By Việt Thanh Nguyễn


Trong nhiều chuyện bất ngờ xảy đến cho Arthur Arellano, việc biến cái ga-ra nhỏ xíu thành nhà kho chất đầy thùng các-tông chứa hàng giả cũng chẳng có gì là ngạc nhiên.  Những cái thùng có tên viết bên ngoài như Chanel, Versace, và Givenchy, những nhà thiết kế của hàng xa xỉ ngoài tầm với của Arthur và Norma.  Sự hiện diện của chúng làm Arthur áy náy, và bởi thế trong tuần lễ sau khi Louis Vũ giao của bất ngờ này cho vợ chồng Arellanos, Arthur hay lẻn ra khỏi căn nhà thuê vào những giờ giấc thất thường, đi rón rén dọc lối vào trải sỏi, qua khỏi chiếc Chevy Nova của ông, và nhấc cánh cửa ga-ra kẽo kẹt để nhìn một cách tư lự vào những món hàng mà bây giờ quá gần bên mình.

Ngay cả trong bóng đêm, Arthur vẫn cưỡng lại cái thôi thúc muốn chôm đại cái bóp Prada hay cặp khuy măng xét Yves Saint Laurent, dù lần nào nói chuyện điện thoại xong Louis cũng nói,
“ Cứ tự nhiên lấy xài.”  Nhưng Arthur không tự nhiên được, vì ông vẫn bị lấn cấn bởi cảm giác phạm lỗi và sợ luật, nỗi lo sợ mà Louis cố giải tỏa trong bữa ăn trưa hàng tuần tại Brodard, nơi mà nhờ sự hướng dẫn của Louis, Arthur đã biết thưởng thức món ăn Việt Nam.  Theo Louis, Brodard là tiệm ăn ngon nhất Tiểu Sài Gòn ở Quận Cam, có nghĩa là tiệm ăn Việt Nam ngon nhất thế giới, ngoài quê hương ra.  Trong khi Arthur ăn món khai vị, một món xà lách thịt bò xào tai tái, ướp chanh xả, mỏng dính và mềm rôm rả, một món có họ hàng với món seviche mà ông rất mê, ông thắc mắc không biết món này làm ở Việt Nam ăn có ngon không.  Louis thường hay so sánh những món đang ăn với món làm ở Sài Gòn hay Hà Nội, nhưng hôm nay, trong khi bồi dọn đĩa chén, Louis giải thích lý do tại sao việc làm ăn của nó có lợi nhiều hơn có hại.  

“ Như người ta, có người đẹp người xấu,” Louis nói.  “ Người đẹp chẳng bao giờ nhận mình cần đến người xấu.  Nhưng không có người xấu thì, người đẹp đâu có đẹp dữ vậy.  Tui nói đúng không? Công nhận đi.”

Arthur nhìn món kế tiếp mà bồi đang đặt lên bàn, sáu con chim cút quay nằm hấp dẫn trên đĩa xà-lách Romaine.  “ Thì kể ra mày nói cũng phải,” Arthur nói, kiến thức về tư bản của ông không lấy gì làm vững vàng cho lắm.  “ Món này trông ngon quá.”

“ Bài học rút tỉa ra là,” Louis nói, gắp một con chim cút cho vào đĩa.  “ Càng nhiều hàng giả thì những người không có tiền mua hàng thật càng thích.  Người ta càng mua hàng giả thì hàng thật lại càng có giá.  Ai cũng có lợi.”

“ Đó là cách nhìn của mày,” Arthur nói, dùng tay nhón con cút bằng cái cẳng mỏng mảnh của nó.  “ Mày có nghĩ là mày chỉ nói những cái mày muốn nghe không?”
“ Dĩ nhiên tui nói cái tui muốn nghe.” Louis lắc đầu giả đò bực mình, mắt tròn xoe sau cặp kiếng như một tác phẩm điêu khắc Dolce & Gabbana.  “ Ai chẳng nói cái mình muốn nghe.  Điều quan trọng là: Ông có muốn nghe cái tui nói không?”
Arthur quả tình có muốn nghe những câu hỏi không có câu trả lời của Louis.  Thí dụ như khi Louis hỏi, cái kiếng nó đeo, làm cùng chỗ sản xuất gọng và mắt kiếng D&G thật, nhưng chế tạo sau giờ làm việc, và bởi nhân viên ma, nên chỉ tốn không tới hai trăm đô.  Với những người có đồng lương cố định, bộ món quà kiểu Ý không quan trọng hơn cái thất thoát giả định cho Dolce & Gabbana sao? Hay Louis nói, lấy trường hợp Montblanc.  Hãng làm bút có thua thiệt hơn người nghệ nhân ở Vân cương, Trung Quốc, nếu họ không làm được hàng nhái của cái bút máy Meisterstück không?  Cho dù Arthur không thể hình dung ra thành phố Vân Cương, nhưng ông cũng mường tượng ra hình ảnh của một anh Tàu ở cái xứ xa xôi, tóc thì đen, mắt thì ti hí, và lanh lợi cũng không kém thằng Louis này đây.  

“ Thì mày nói tao nghe cũng được,”  Arthur nói, nhìn Louis cầm con chim cút bằng ngón cái và ngón trỏ, còn ngón út thì nhỏng lên.  “ Chứ không đâu có cho mày để hàng của trong ga-ra tao.”
“ Hy vọng là ông không chỉ nghe không mà còn học hỏi,” Louis nói.  “ Tiền khẳm ông ơi.  Khẳm tiền.”

Nhưng nói gì thì nói, Arthur và Norma vẫn từ chối không nhận số tiền hoa hồng 10 phần trăm thằng Louis đề nghị.  Cho nó mượn cái ga-ra là do lòng thương hại khi thấy cái căn phòng chung cư của nó, một cái ổ chuột một phòng ngủ đã được dùng làm nhà kho.  Cho nó mượn ga-ra cũng là một cách trả ơn cha nó, người đã cứu mạng Arthur năm ngoái, cho dù là vô tình.  Arthur nhận ra được di sản của Mến Vũ trong những nét nổi bật của đứa con trai duy nhất, cái mũi hồng tâm nằm trên một cái miệng lúc nào cũng mở hông hốc, và cặp lông mày rộng bên dưới những nếp nhăn ngang trán, hằn sâu và thẳng.  Trong khi Louis đang gặm con chim cút, Arthur lại xúc động vì ký ức về Mến Vũ, một người ông chưa từng gặp.  

“ Cứ để thùng trong ga-ra tao,” Arthur nói.  “ Tao nói mày rồi, đó là quà tặng của tao.”

Trước khi Louis có thể phản ứng, điện thoại cầm tay của Arthur kêu rù rù.  Lời nhắn của Norma:
Nhớ ghé lấy quần áo giặt ủi.  Khi Louis ghé mắt đọc lời nhắn, nó thọc vai Arthur và nói.  “ Ông đi mua hoa tặng Norma đi.”  Của đáng tội, Arthur đang định hỏi nên mua loại hoa gì cho vợ khi đi lấy đồ giặt, nhưng món chuối flambé, món ưa thích nhất của Arthur, vừa ra tới, làm ông không hỏi được.  Người bồi đặt đĩa chuối trên bàn, mỗi quả chuối được bọc một lớp bột pha nước dừa, chiên giòn thành một màu vàng nâu.  Rồi người bồi châm que diêm vào một cái bình bé bằng ngón tay đựng rum Caribê cầm theo, và khi rượu cháy phừng lên, hắn đổ lên trên mấy quả chuối.  Cảnh tượng làm Arthur thích thú, khiến yêu cầu của Norma bị đẩy dạt qua một bên trong đầu, nên dù cả buổi chiều ông thấy có cái gì phải làm mà vẫn không nghĩ ra.







Điều bất ngờ nhất xảy đến với Arthur Arellano, và là biến cố định mệnh mang ông lại với Louis Vũ, là bệnh suy gan, một cơ quan mà Arthur ít bận tâm hơn với cái mũi, ngón chân cái, hay ngay cả bàn tay phải, những cái có mất cũng chẳng sao, tuy có hơi bất tiện.  Và vì thế, khi gan của ông bắt đầu chết yểu mười tám tháng trước đây, Arthur hoàn toàn không chuẩn bị, may là có bảo hiểm sức khoẻ mua bởi Martín, người em trai và cũng là ông chủ.  Bác sĩ P. K. Viswanathan giải thích là gan của ông là nạn nhân vô tình của một bệnh mà Arthur chỉ hiểu từng chữ một: auto, immune, hepatitis.  Xoay người trong ghế trong khi nói chuyện, ông bác sĩ nói, “ Bệnh xơ gan tự miễn có nghĩa là cơ thể anh không nhận ra gan của anh.  Và thế là cơ thể anh tìm cách chống lại gan của anh.”
“ Cơ thể tôi có thể làm vậy à?”
“ Cơ thể con người ta là một sinh vật vô cùng phức tạp, ông Arellano ạ.”  Ông bác sĩ ngừng xoay và cúi người tới trước, cùi chỏ chống trên cuốn tập có bìa da trên bàn giấy.  “ Nó có thể muốn làm gì thì làm.”

Arthur rời văn phòng bác sĩ Viswanathan mà đinh ninh rằng mình sắp chết tới nơi rồi.  Cơ quan thì ít mà người cần lại quá nhiều, mà cả đời Arthur chưa bao giờ thắng một cái gì cho nó ra hồn.  Ông đánh đâu thua đó, đánh lớn thua lớn, đánh nhỏ thua nhỏ, từ cá ngựa ở trường đua Santa Anita đến bài cẩu ở sòng Commerce, cái nghề cờ bạc không ra gì của ông đã làm mất đi căn nhà một tầng màu hồng nằm trên một khúc ồn ào của đường Magnolia ở Huntington Beach, cách biển vài dặm, mà ông và Norma đã đóng tiền trong suốt mười bảy năm trời.  Sau khi ngân hàng tịch thâu căn nhà trong năm thứ hai-mươi-chín của cuộc hôn nhân của họ, Norma bỏ Arthur về ở với con gái, và Arthur dọn vào ở nhà Martín ở Irvine, nơi mà, ngay sau đó, ông đã khám phá ra bệnh tại nhà thương College, và những triệu chứng đau khớp, mệt mỏi, ngứa ngáy, ói mửa, những cái Arthur đổ thừa do căng thẳng của nợ nần cờ bạc bao năm qua, thực ra chỉ là nguyên nhân của một căn bệnh tiềm ẩn sâu xa.  Nhưng với tất cả dấu hiệu, cái làm Norma để ý khi đến thăm tại nhà Martín là chứng vàng da, khiến bà phải thốt lên, “ Tại sao anh không lo cho cái thân mình, hả Art?”

Sau đó trong căn phòng khách chan chứa ánh mặt trời của Martín, Arthur làm mình hổ thẹn hai lần, lần đầu khi nắm tay Norma và bỗng nhiên oà lên khóc, và lần thứ hai khi thú thật đã lấy hết tiền bảo hiểm nhân thọ ra.  Norma không hỏi ông làm gì với số tiền đó, và Arthur không nỡ nói bà nghe về sòng bài Mọi Da Đỏ tại Pechanga nơi ông đã mất hết tiền bạc cũng như bẩy ngày của cuộc đời.  Norma không nói gì một hồi lâu, nhưng cuối cùng khi bà ngồi xuống, ông biết bà đã chấp nhận lo lắng cho ông qua cơn bệnh tật.  Khi bà đặt một tay lên đầu gối còn tay kia lên má ông, thì ông cũng hiểu là bệnh xơ gan tự miễn là cách của một Thiên Chúa tinh nghịch để cho họ gần nhau lại.  

Trong những tháng trời ngóng chờ tin gan, họ tranh luận không biết có nên hỏi danh tánh người cho nếu Arthur may mắn được nhận cơ quan.  Cuối cùng họ quyết định để y khoa hiện đại giữ nguyên ấn tượng bí ẩn và kỳ diệu của nó .  Bởi thế nên khi họ khám phá ra nguồn gốc của lá gan một năm sau cuộc giải phẩu, việc đó hoàn toàn do ngẫu nhiên chứ không phải cố tình.  Khi ấy Arthur đã trở lại làm việc cho Martin tại Arellano and Sons, dịch vụ cắt cỏ bắt đầu bởi ông Arturo, cha của Arthur, hốn danh là Art Bự.   Sự tiết lộ đến dưới hình thức một phong thư gửi từ nhà thương, nhét trong thùng thơ của căn nhà nhỏ kiểu Tây Ban Nha mà Arthur và Norma mướn với giá thật rẻ của Martín.  Bên trong là một bản khảo sát với tên người hiến cơ quan in cạnh tên của Arthur, do một con khuẩn vi tính trong computer nhà thương.  Khi thấy tên người cho cơ quan, ông bỗng cảm thấy lá gan của mình rung động.  Lúc đầu ông tưởng mình hoa mắt, nhưng khi đưa cho Norma, thì bà cũng thấy cái tên.  

“ Có phải người Hàn Quốc không? Giống như vợ chồng nhà Parks?”  bà hỏi, ám chỉ chủ tiệm giặt ủi, ông bà Parks, di dân từ Incheon qua Buenos Aires và nói tiếng Mễ còn giỏi hơn vợ chồng Arellano.  “ Nếu không phải Hàn Quốc thì chắc là Nhật Bản.”

Phần ông, thì Arthur hoàn toàn không biết gì.  Ông không thể phân biệt tên người các nước Á Châu khác nhau.  Ông cũng mắc chứng loạn thị rất thông thường khiến trông người Á Châu nào cũng như nhau.  Khi mới gặp vợ chồng Parks, ông không biết họ là người Hàn Quốc, hay ngay cả Nhật Bản.  Mỗi lần gặp một người Á Châu không biết từ đâu đến, ông cứ xem họ là người Trung Hoa tuốt tuột cho nó tiện.  “ Vùng này nhiều người Trung Hoa,” Arthur nói.  “ Dám cá ông này là người Trung Hoa.”

Thực ra, Mến Vũ đến từ Việt Nam, ông góa vợ và đã có con cháu, ông bị xe đụng chết, Norma lục lọi tất cả những dữ kiện này trên mạng điều tra ở văn phòng luật sư, nơi mà Norma làm phụ tá pháp lý.  Arthur miễn cưỡng đồng ý là phải kiếm ra một người, ai cũng được, để cảm tạ, một công việc không giản dị vì tên Mến Vũ không có trên điện thoại niên giám, thành ra Arthur phải gọi điện cho cả hàng trăm người họ Vũ có tên trong danh sách ở Quận Cam.  Sau khi nói chuyện với không biết bao nhiêu người không nói tiếng Anh, những người gác máy, và những người nói lời thô tục bằng tiếng ngoại quốc, cuối cùng thì Arthur tìm ra được Louis, một người nghe mà không ngắt lời và rồi nói bằng giọng thoang thoảng khẩu âm, “ Tôi là người ông đang tìm, ông Arellano.”

Louis phát âm tên mình là “ Louie,” hay, theo lời nó, “ nói kiểu Tây,” và cho địa chỉ cuộc hẹn cách xa mười phút, ở Fountain Valley, một ngoại ô hiền hòa gồm những căn nhà giống nhau, những căn condo, và những khu apartment trải dài với một khẩu hiệu thẳng thắn và khiêm nhượng mà Arthur rất chịu, một cách sống mà Arthur muốn có cho mình và vợ con.  Những lời khiêm tốn đó được khắc trên một tảng đá đặt ở đầu thành phố, chào đón Arthur, Norma, và tất cả những ai đi vào Fountain Valley với lời hứa: “ Một Nơi Chốn Dễ Thương để Sống.”


Mãi đến khi ông ngồi trong phòng khách tối hôm đó sau một buổi chiều dài cân bằng sổ sách tại Arellano and Sons thì Arthur mới sực nhớ điều quên làm, vừa đúng lúc Norma mở cửa đi vào.  Ông tắt chương trình phát hình Tranh Giải Xì Phé Thế Giới, và khi ông giải thích mình quên ghé ngang tiệm giặt ủi Park Avenue thì nhận ra vẻ không vui qua lối bà nói “ hừm” mà không nhìn, một âm thanh sâu trong cổ họng.  Bà nói “ hừm” khi ông hỏi bà nấu gì cho bữa ăn tối, và hôm sau khi bà đang rửa chén.  Mãi đến khi ông xoa lưng bà khi tắt đèn lên giường, thì bà mới nói.
“ Nghe tui nói đây Arthur.”  Bà úp mặt vào gối nên giọng nghe không rõ.  “ Đừng có đụng người tôi, đừng có đến gần tôi.”
“ Nhưng--”
“ Ông ráng nghĩ đến tôi một lần có được không? Sống với nhau cả một đời.  Ông thử làm cái gì cho tôi xem có chết ai không? “
“ Tại cái gan cả,” ông nói, một lý do bào chữa xài được hơn một năm qua.  “ Anh vẫn chưa quen.”
“ Không phải.  Ông hết bịnh rồi.  Bình phục rồi.  Bởi vậy mới sanh chuyện “  Bà vẫn xoay người đi và hơi thở nghe nặng nhọc như đang trèo lên thang gác.  “ Art, ông năm mươi tuổi đầu rồi mà vẫn như đứa lên mười lăm.  Đi ngủ đi để cho tôi yên.”
Arthur tựa cằm lên vai Norma thủ thỉ, “ Em nói mình phải nói chuyện với nhau nhiều hơn, không nhớ sao?”
“ Arthur Arellano.” Norma rùn vai khỏi cằm ông.  “ Một là ông ngủ phòng khách, hai là tôi ngủ phòng khách.”

Thân xác người một trung niên như Arthur thì nằm ghế sa lông sao nổi, và sau một đêm trằn trọc, sáng hôm sau Arthur đành gọi chú em xin tá túc tạm.  Bên kia đầu giây là Elvira Catalina Franco, bà giúp người Guatemalan với tình trạng di trú mập mờ, trả lời bằng câu dạy bởi Carla, vợ Martin: “ Đây là nhà ông bà Arellano.  Ông cần chi?”  Nhưng khi chú em cầm máy thì Arthur chợt thấy không thể hạ mình xin sỏ, vì có thể tưởng tượng ra được vẻ mặt không tán thành, mồm miệng kéo co rúm bởi cơ mặt của Martín.

“ Anh chỉ gọi hỏi thăm chú thôi,” Arthur nói mà tránh ánh mắt của Norma khi bà bước vào bếp.
“ Sao? Khoẻ không?”
Martín thở dài.  “ Mình đâu còn học trung học nữa, anh Artie,” ông nói.  “ Gọi đùa bỡn làm gì.”

Sau khi Martín gác ống, Arthur vẫn làm bộ tiếp tục nói chuyện.  Norma xem như không có ai khác trong bếp khi nướng hai tệp bánh mì, rót tách cà phê Yuban, đọc lướt tờ Register, và cười phụ họa với anh xướng ngôn viên đài phát thanh KDAY.  Trong khi đó, Arthur đứng lóng ngóng trong góc như một bóng ma đã chết rồi.  Norma chỉ nói “ Đừng quên mang theo thuốc.” khi đi phớt ngang người ông trên đường ra cửa.  

Ông tìm thấy chai thuốc màu cam trong suốt và ly nước lọc ở chỗ thường lệ, bày hàng ra trên bàn phòng ngủ.  Trước tiên ông uống viên thuốc lợi tiểu, rồi chiêu một ngụm nước lọc và thở dài.  Ông rất ghét uống thuốc mặc dù cả ba thứ đều bắt buộc phải uống.  Viên thứ hai dùng để hạ áp huyết, và viên thứ ba để ức chế hệ miễn dịch để cái cơ thể xế chiều của ông có thể sống chung hoà bình với lá gan thuộc loại đồ cổ.  Bác Sĩ Viswanathan đã nói hiểm họa đào thải không bao giờ hết, điều này làm ông bứt rứt khó chịu, và những viên thuốc là một hình thức nhắc nhở mỗi ngày sự hiện diện của người khách lạ trong người, dù viên thuốc chống trầm cảm ông có hơi thích.  Tuy nó có mài bớt cạnh sắc của xúc cảm, nhưng không “đã” bằng mấy viên thuốc giảm đau mà ông uống trong những tháng hậu giải phẫu, những đom đóm ảo dại đã làm da thịt đê mê như bông gòn.  Thuốc trầm cảm chỉ đem lại cảm tưởng bình thường, và Arthur thắc mắc tại sao lại cần một thứ thuốc như vậy?


Thái độ của Martín sáng hôm đó cho Arthur thấy không nhờ vả là phải.  Văn phòng làm việc được đặt trong nhà khách của Martín, một căn nhà nhỏ lát ván, cách căn nhà chính bởi một cái hồ bơi có bàn hút dưới đáy hình con cá đuối, giữ cho nước trong xanh như ngọc xa-phia.  Arthur vừa mở computer và đang định bắt đầu chơi xì dzách thì Martín đi vào, ngồi cạnh bàn làm việc chất đầy hóa đơn và giấy đặt hàng chưa soạn của Arthur, và bắt đầu kể chi tiết chuyến đi chơi gia đình tại Hồ Arrowhead cuối tuần vừa rồi.  “ Xe lướt sóng,” Martín nói.  “ Ăn trưa Sâm Banh.  Filet Mignon.  Hoàng hôn màu hồng.”  Tối thiểu đó là điều Arthur nghe thấy vì văn phòng làm ảnh hưởng đến thính quan của ông, tất cả, từ kẹp giấy cho tới những chân đèn nghệ thuật nhắc nhở ông những cái em ông có mà ông không có, Arellano and Sons, được Art Bự giao cho Martín khi những thói hư tật xấu của Arthur đã biểu lộ rõ ràng.

“ Cuối tuần vui không?” Martín hỏi.  “ Anh với Norma khoẻ không?”
“ Cũng bình thường.”  Arthur nhìn chăm chú vào màn ảnh máy tính đang cho cơ hội gấp đôi tiền cược cho một đôi mười.  “ Tụi này vui vẻ.”
“ Hỏi là hỏi chơi thôi.”  Khi Martín xoay cái đồng hồ bạch kim trên cổ tay thì Arthur thấy trong móng tay có đất.  Arthur nghi là Martín cố tình không rửa để cho thấy mình cũng thỉnh thoảng ra cùng đội ngũ cắt cỏ để cắt tỉa hàng rào cây.  “ Anh thừa biết là Norma nói chuyện với người làm móng chân, rồi cô ấy nói với Elaine, và Elaine nói với mẹ nó, và cuối cùng, mẹ nói tui nghe.  Tui không có dò hỏi đâu.  Chuyện nó cứ tới tai tui thôi.”

“ Cám ơn chú đã quan tâm.” Arthur đặt gấp đôi tiền cược và rút lên một con tây và một con xì, cái may mắn không bao giờ xảy ra trong thực tế.  “ Nhưng nhiều khi con làm móng chân nói một đàng, rồi con Elaine lại nói một nẻo, rồi con Carla lại nói khác nữa với chú.  Tới tai chú thì chuyện nó thay đổi hoàn toàn rồi.”

Martín thở dài, ho húng hắng rồi nhìn vào đồng hồ đeo tay.  “ Mình là anh em mà.”  ông nói rồi nhấc mông đứng lên, mặt bàn kêu răng rắc vì nhẹ nhõm.  Khi tới cửa, Martín dừng lại, như muốn nói gì thêm, và rồi đi thẳng, khoảng trống để lại của thân xác đồ sộ tưởng như cảm thấy được, một miếng cắt bóng tưởng tượng mà người của Arthur có thể vừa khít.  Theo lời bác sĩ Viswanathan thì người hiến gan cũng có kích thước và trọng lượng từa tựa với Arthur và từ đó, Arthur đã phỏng đoán là người ấy có thể cũng giống ông, như tuổi trạc độ trung niên và mái tóc bạc, như nguồn gốc Mễ Tây Cơ còn nhớ lờ mờ nhờ câu truyện kể lại của ông bà với những khuôn mặt như tượng đá đảo Rapa Nui, như dễ bị quyến dụ bởi mấy quán ăn buffet Tàu bẩy đồng một người và bánh donut bọc đường nhân đầy mứt dâu, Martín cũng in hệt.  Liệu Martín có cho Arthur một bộ phận có dư của mình không? Một trái cật chẳng hạn, hay là tủy sống?  Còn Arthur có làm vậy không?  Câu hỏi đã làm Arthur lấn cấn cả ngày, và tối hôm đó ở phòng của Louis, ông đã trả lời thành thật với bạn mình.
“ Tao nghĩ tao sẽ cho,” Arthur nói. “ Thiệt mà.  Tao sẵn sàng hiến.”




Bao nhiêu xương sẩu, thức ăn thừa và hoa vị đã khô héo còn lại của bữa ăn tối vẫn còn nằm lổn nhổn trong những hộp bằng xốp đặt trên mặt bàn cà phê.  Thức ăn do thằng nhóc, con bà góa nhận nấu ăn cho mấy trự độc thân, mang đến tận cửa nhà Louis mỗi tối.  Chỉ có một cái bếp bốn lò không thôi mà bà đã có thể chế biến ra những món mà Louis gọi là những kiệt tác cỡ nhỏ, như cá trê kho tộ, gà xào xả ớt, trứng đúc nấm rơm, hoa bìm-bìm xào tỏi, cái gì cũng chấm với một thứ nước sốt mùi khăm khẳm nhưng lại là linh hồn của nghệ thuật bếp núc Việt Nam, một chất lỏng tinh tuyền chưng cất từ chượp cá thẫm màu rạng đông và lốm đốm ớt đỏ.  Louis thở phào no nê và nói, “ Ông nói kiểu chưa thấy quan tài chưa đổ lệ.”
“ Thực mà,” Arthur nói.  “ Mặc dù nó khó ưa, nhưng nó vẫn là em tui.”
“ Thì nói khơi khơi ai nói chẳng được.”

Mà thật vậy.  Sau khi Arthur đã anh dũng tuyên bố với bác sĩ Viswanathan là ông cũng muốn hiến bộ phận cơ thể mình thì ông bác sĩ giải thích là tất cả các thứ thuốc như cyclosporine và corticosteroids mà Arthur đã phải uống để kiềm chế hệ miễn dịch đã làm cơ phận không thể cho được.  Trong bụng thì Arthur mừng húm vì mình đã tuyên bố hiến thân trước khi biết không thể làm được, nhờ đó đã có được ưu thế đạo đức--cái mà Mỹ nó gọi là đất đứng đạo đức cao (moral high ground,) một thứ bất động sản mà Louis nói là rất khó mua.  Mà mấy cái vụ nhà cửa, địa ốc thì thằng Louis này nó rành lắm, vì nó có hai căn nhà, một căn condo ở Perris, vùng ngoại ô có giá cả phải chăng về phía viễn đông của địa hạt Inland Empire, cái mà nó thích gọi là một Paris thứ hai.  Ngay cả lúc này Louis cũng đang theo dõi chương trình TV bày cách tăng giá địa ốc bằng những tân trang giản dị và rẻ tiền mua tại cửa hàng tiết kiệm, lượm lặt trong thùng rác, hay mua hàng lạc xon garage sale.

“ Tui khoái thứ lát sàn bếp chỉ việc dán xuống là xong,” Louis nói. “ Nhìn xa đâu ai biết không phải đá hoa.”
“ Sao mày không ở trong một căn nhà mày mua á?”  Arthur nói.  Căn phòng thằng Louis trông còn ảm đạm hơn xưa.  Không còn hàng chất đầy nhà, những bàn ghế trông càng thêm lỏng chỏng, và bức tường trước đây màu trắng giờ đã lộ ra màu xám ngoét.  “ Năm nay tao học được một bài học là mình phải tận hưởng cuộc đời.”
“ Thì tui đang hưởng đây.” Louis nằm dài trên sôfa, chiếc sôfa mà một lát kéo ra thì thành cái giường cho Arthur nằm.  “ Tôi đang nghĩ đến việc người thuê trả tiền nhà cho tôi và vài năm nữa tôi sẽ có lời.”

Arthur chợt nhận thức ra, đây chính là sự khác biệt giữa hai người.  Arthur thì nghĩ về những việc đã làm, đang làm, hay đáng lý phải làm, nhưng Louis lại sống trong thời suy lý, chỉ nghĩ đến những việc có thể làm được.  “ Tiền bạc không phải là tất cả, Louis,” ông nói.  “ Còn vợ con, gia đình thì sao?”
“ Ông muốn nói tình yêu?”  Louis chỉ chiếc nhẫn vàng trên ngón tay Arthur.  “ Ông có dám nói cái đó mang lại hạnh phúc không?”
“ Chuyện vợ chồng tao cơm không lành canh không ngọt đâu phải lỗi tại tình yêu.”
“ Tui thử rồi,” Louis nói như đang nói về một thứ phó mát Tây không được thơm tho cho lắm.
“Cũng được, nhưng vấn đề là người ta kia kìa.  Em có suy nghĩ khác người.  Không cùng chung một chí hướng.”

Arthur nhìn mặt Louis xem có ý mỉa mai không, nhưng nét nhăn trên mặt cho thấy nó đang nói thiệt.  “ Kể tao nghe coi,” Arthur nói.  “ Hay nhiều em chứ không phải một em?”
“ Chuyện xưa rồi ông ơi.” Louis phẩy tay ra dấu dẹp qua một bên.  “ Tôi không bao giờ sống trong quá khứ.  Mỗi buổi sáng là một ngày mới.”
Arthur đã từng nhiều lần dụ nó nói về mình nhưng chưa bao giờ thành công, nên ông thay đổi đề tài.  “ Cám ơn mày cho tao ngủ nhờ,” Arthur nói.
“ Ông là bạn tui mà,” Louis trả lời.

Arthur hiểu câu nói có nghĩa ông là người bạn duy nhất, vì Louis chưa bao giờ nhắc đến ai khác.  “ Thì mày cũng là bạn tao,” Arthur nó, cố dồn hết tình cảm vào lời nói.  Hai người ngồi nhìn nhau mỉm cười một hồi.  Rồi trước khi cảm xúc trở nên phức tạp hơn, Arthur xin lỗi phải đi tắm.




Dấu hiệu đầu tiên cho Arhur thấy buổi sáng hôm sau không phải là một ngày lành là sự sập nguồn của cái máy tính làm tiêu tùng hồ sơ lưu trữ của nguyên một tuần.  Arthur có toáy hoáy đến mấy thì cuối ngày máy tính vẫn đông cứng.  Và khi Arthur cáu kỉnh trèo vào chiếc Nova đề máy thì chỉ nghe tiếng ken két, và phải nhờ thằng Rubén đến câu bình giùm.  Rubén là người cắt cỏ cho hãng Arellano and Sons và có lần đã thú thật với Arthur là không có giấy tờ, điều mà Athur biết là tình trạng của nhiều người làm vườn khác của Martín.  Khi Arthur ghé về nhà để lấy đồ lót sạch và dao cạo râu trước khi trở lại nhà Louis, thì ông thắc mắc trong bụng không biết còn vấn đề nào khác không.  Norma đang trong bếp hâm TV dinner bằng microwave, và chỉ vào cuốn vở để kế điện thoại, nói, “  Có người gọi ông.”

Arthur mừng đã có chuyện để làm, không phải vội vã lén lút trong nhà của mình.  Người gọi là Minh Vũ, và khi bấm số điện thoại, ông thắc mắc không biết có phải là một trong những người mình đã gọi nhiều tháng trước.   Dù trước đây Arthur không nhận ra khẩu âm người Việt, bây giờ ông có thể nghe thấy được khi Minh Vũ trả lời điện thoại, mặc dù tiếng Anh cũng không đến nỗi.  Anh ta nói, “ Tôi nghĩ ông biết cha tôi.”
“ Vậy à?”
“ Tên cha tôi là Mến Vũ.”
“ Vậy mà Louis đâu có nói có người em tên Minh.”
Trong một khoảng thời gian im lặng ngắn bên kia đầu giây, Arthur nghe có tiếng phụ nữ dỗ con.  Rồi Minh Vũ nói, “ Louis là ai?”

Cuộc đối thoại còn lại kéo dài sáu phút.  Sau khi Arthur run rẩy gác máy, ông cho Norma biết Mến Vũ có tám người con, không phải bốn, chẳng người nào tên là Louis.  Một người con--Minh-- đã nhận được lá thư nhà thương móc nối cha họ với bẩy người không quen biết đã không chỉ nhận lá gan mà còn được biểu bì, giác mạc, gân, tụy tạng, phổi, và tim.  Trong vài tháng vừa qua gia đình họ Vũ đã bàn cãi, không biết có nên liên lạc bẩy người lạ mặt này hay không, và cuối cùng họ đã quyết định gọi.  Thoạt tiên Arthur không biết phải tin Louis hay Minh Vũ.  Minh đã nổi cọc khi Arthur nói,” Làm sao tôi biết ông là ai?”
Nhưng Arthur đã bị thuyết phục khi, chẳng chút lưỡng lự, Minh Vũ cho ông số điện thoại, địa chỉ, và mời đến thăm nhà  cha anh ta ở Stanton, nơi mà, anh nói, Arthur có thể xem xét hình ảnh, hồ sơ bệnh viện, quang tuyến, và tro xác.  Sau khi đã cố giữ bình tĩnh để thuật lại câu chuyện với Norma, Arthur bỗng cảm thấy mình cần uống một ly rượu.  Ông tìm ra một chai Wild Turkey cuối cùng  dấu dưới gầm bếp , còn một nửa mà đã không đụng đến từ hồi bị bệnh.

“ Ôi Chúa ôi.”  Ngụm đầu tiên làm ông chảy nước mắt.  “ Chuyện không thể ngờ được.”
“ Mình phải đi sang đó, Art,” Norma nói, bữa ăn tối bị lãng quên trong microwave.  “ Louis phải giải thích mọi sự.”
“ Không, cái này giữa tôi với nó.”  Rượu whiskey đã làm cháy xém đường viền của sự hoảng hốt, và Arthur tu thêm vài ngụm nữa.  “ Giữa tôi với nó thôi.”
“ Ông là đồ ngu.” Norma nhấn mạnh từng chữ một, dữ dằn như trong những năm chờ đợi.  “ Lỡ nó nổi hung lên rồi sao? Nó đã nói dối với mình bao lâu nay thì làm sao biết nó là dám làm cái gì.  Không biết nó muốn gì mà cũng chẳng biết nó là ai luôn.”

Nhưng Arthur nào có nghe, tợp rượu thứ ba đã chạy rần rần như điện, từ cổ họng xuống tới ngón chân, làm ông đứng bật dậy và phóng ra chiếc xe Nova, mặc cho những lời khẩn cầu của Norma.  Ông sắp sửa cho nổ máy xe thì lá gan trong người như chợt bóp mạnh, lá gan to bằng bào thai ba tháng, lúc nào cũng trông ngóng nhưng sẽ không bao giờ sanh, đòi hỏi sự công nhận, lòng biết ơn, và một tình yêu đã có trong những tuần lễ ngay sau cuộc giải phẫu, đã làm ông không thở được vì những đòi hỏi của nó, đến độ phải vặn kính xe xuống để thở hổn hển.  Mặt trăng trên đầu đang rọi ánh sáng qua vết rách của màn mây, một quả cầu toàn hảo tỏa ánh sáng trắng làm Arthur nhớ lại khi vừa hồi tỉnh sau cuộc giải phẫu, một bóng đèn chói lọi trôi lờ lững trong bóng đêm mà ông lờ mờ tưởng đấy là đèn trời, báo hiệu cho biết đã sang tới bến bờ bên kia nước Chúa.  Bóng đèn to dần, riềm chung quanh trở nên mù mịt cho đến khi biến thành một màu trắng lấp đầy thị giác, một tấm bình phong mà đàng sau có tiếng kim loại kêu lẻng kẻng và những lời nghe không rõ.  Có tiếng gọ̣i tên ông, nhưng không phải tiếng Chúa  như ông tưởng, vì Arthur còn sống, biết vậy vì cảm giác đau như mũi giáo đâm thấu cạnh sườn, ghim người vào cái giường, và trong tiếng gọi, ông nhận ra giọng nói của Norma, gọi ông trở về nơi chốn thân yêu.


Sau khi nghe câu chuyện với Minh Vũ qua lời kể hổn hển của Arthur, Louis chỉ nhún vai và thở dài.  Nó đang bò lồm cồm, kiểm soát một lô hàng mới về, những cái thùng xếp sát tường mang nhãn hiệu Donna Karan, Calvin Klein, và Vera Wang.  Trong khi Arthur ngồi thụt xuống ghế sa lông thì Louis đứng dậy và đưa hai tay ra đấu đầu hàng.  “ Tôi biết trước sau rồi cũng lòi ra,” nó nói.  “ Arthur, tôi xin lỗi ông.  Tôi không có ý xấu.”


Arthur nhắm mắt xoa xoa thái dương.  Cái đau xoắn trong ruột trong gan chưa dứt thì lại có cơn nhức đầu đang như đục đẽo trong sọ.  Giờ mới hiểu tại sao không có hình của Mến Vũ trong chung cư, và tại sao Louis cứ hẹn lần hẹn lữa mỗi khi đề nghị ra thăm mộ.  Trong khi Louis đổ thừa cho cha con tánh tình không hợp, nhưng thật ra nào có cha con gì đâu.

“ Nếu mày không phải là Louis Vũ thì mày là ai?”  Arthur hỏi.
“ Ai nói tui không phải là Louis Vũ?”
“ Mày chế đại cái tên đó ra khi tao gọi mày,” Arthur nói.  “ Louis Vuitton là thần tượng của mày.  Và Vũ là một cái tên Việt Nam thông thường.”
“ Thực ra,” Louis nói.  “ Tui là người Hoa.”
“ Ha,” Arthur rú lên.  “ Tao biết mà.  Tao biết mày là người Hoa.”
“ Nhưng tui sanh ra ở Việt Nam và nhỏ lớn giờ chưa bao giờ qua Tàu.”  Louis ngồi xuống cạnh Arthur trên ghế sa lông.  “ Tôi chỉ nói lõm bõm tiếng Hoa.  Vậy tôi là gì? Hoa hay Việt? Cả hai? Chẳng cái nào?”
“ Tao không biết và cũng chẳng cần biết.” Arthur vừa rên vừa xoa thái dương.  “ Tại sao? Tại sao mày lại làm vậy?”
“ Ông thử đặt ông vào vị trí tôi coi.” Louis ngửa người, bắt chân chữ ngũ, chân đeo giầy wingtip Fendi dỏm.  “ Đâu phải ngày nào cũng có những cú điện thoại như vậy.  Khi có thì phải thử thời vận chớ.  Và phải tới luôn.  Trước giờ tui tiến thân cũng nhờ vậy.”
“ Tao muốn mày dẹp hết đồ mày ra khỏi ga-ra của tao.”  Cái sức ép trong đầu và cái cọc trong bụng Arthur đau dữ dội.  “ Tối nay.”

Louis lắc đầu buồn bã.  “ Chắc không được rồi đó Arthur.”
“ Mày nói cái gì không được?”
“ Đừng hiểu lầm Arthur.  Cái này là chuyện làm ăn, không có liên hệ tình cảm, ok?  Chứ thực ra tui khoái ông lắm.  Mình chơi vui mà phải không? Mình là bạn mà, phải không?”
“ Ai là bạn với mày?” Arthur nói.
“ Không phải là bạn hả?” Louis tỏ vẻ như bị tổn thương, môi dưới run run.  “ Chỉ vì chuyện này thôi hả? Thôi mà Arthur.”
“ Cứ việc dọn đồ ra khỏi ga-ra tao tối nay.”
“ Tui để đồ đâu giờ?” Môi dưới của Louis thôi không run run nữa, và mặt nó bỗng tối sầm lại,
“ Không, mấy cái thùng cứ để yên chỗ đó.  Mà cũng đừng gọi cảnh sát vì làm sao ông có thể giải thích được tại sao ông một ga-ra đầy hàng Miu Miu và Burberry.”
“ Vậy thì tự tay tao dẹp,” Arthur la to.  “ Tao sẽ đem ra sa mạc để lại ở đó.”
“ Tôi mà là ông thì tôi không đụng vào mấy cái hàng đó.”
“ Rồi mày làm gì được tao?”
“ Ông bắt được thóp tôi.” Louis búng ngón tay. “ Nhưng tôi lại bắt được thóp của em ông.”
“ Cái gì?”
“ Thôi đi cha.”  Tiếng Louis la to làm Arthur giật mình.  Chưa bao giờ nghe nó to tiếng, hay cúi tới trước như đang làm bây giờ.  Nó búng tay trước mặt Arthur.  “ Tỉnh dậy.  Em ông mướn mấy đứa Mễ lậu đi cắt cỏ bộ tui không biết sao?”

Sự ngây thơ của Arthur đẩy ông ngồi bẹp dí xuống sofa khi ông nghĩ tới Rubén, Gustavo, Vicente, Alberto, và tất cả những nhân công khác của Arellano and Sons mà em ông mướn mà không hề thắc mắc, miễn sao có thẻ an ninh xã hội và bằng lái xe, thật giả ai phân biệt được.  Mà mấy cái thẻ ma đó thì làm dễ ợt, như Louis đã cho Arthur coi một hôm, xoè ra năm cái bằng lái xe, cái nào cũng mang hình Louis nhưng tên khác nhau.  Arthur úp mặt vào tay khi tưởng tượng cuộc bố ráp hãng Arellano and Sons, dẫn tới bắt bớ và trục xuất, nhục nhã cho Martín và mang tiếng cho cha ông.  

“ Tui nghĩ đã đến lúc ông về nhà rồi đó Arthur,” Louis nói, ngửa lại ra ghế.  Giọng nó mệt mỏi và mặt nó tái xanh.  “ Đi về đi.”


Đèn phòng ngủ còn sáng khi Arthur chạy xe vào lối vào, mặc dù cả nhà đã tối hù.  Ông sợ nghe Norma lèo nhèo nên câu giờ bằng cách mở cửa ga-ra, xem phép lạ mà ông cầu nguyện trong khi lái xe về nhà có ứng nghiệm không.   Những cái thùng vẫn còn y đó, vàng như rơm dưới ánh trăng.  Louis tận dụng từng ô vuông để chất bút máy ruột plastic, kiếng mát không có lớp chống tia cực tím, đồng hồ giữ đúng giờ, áo khoác hàng hiệu không có lót, lai quần sổ chỉ, đĩa phim lậu thâu lén trong rạp, thuốc giả mạo không biết có hiệu nghiệm không, bản sao phần mềm Microsoft giống đến độ có cả nhiễm khuẩn hàng thật--một cái ga-ra chồng chất những món hàng chế tạo bởi những người Arthur không bao giờ biết đến nhưng cảm thấy có một ràng buộc nào đó, nhất là khi tưởng tượng đến những chốn không tên nơi họ cư ngụ.

Những tên tuổi như Gucci, Jimmy Choo, và Heidi Slimane, những danh hiệu đẹp và lạ viết trên thùng bằng bút lông màu xanh, nằm ngang tầm mắt Arthur như mời chào.  Arthur và Norma đã từng nhìn thèm thuồng những món hàng hiệu ấy khi thấy ở Blommingdale’s và khi đứng bên ngoài nhìn vào trong cửa hàng ở Rodeo Drive, nhưng khi nhân viên bán hàng lờ đi, thì họ hiểu chính họ là kẻ không ai đếm xỉa đến.

“ Arthur Arellano!”

Arthur quay lại.  Norma đi chân đất, mặc một áo choàng tắm sờn rách, đứng ở cửa sau.  “ Để anh giải thích,” Arthur nói, giang tay ra trong hy vọng.  Nhưng khi Norma khoanh tay trước ngực và nhướng lông mày thì ông nhận ra mình như bà thấy ông lúc ấy, chỉ có hai bàn tay trắng.